You are on page 1of 20

BÀI 10: ĐÌNH CÔNG

HƯỚNG DẪN HỌC


Để học tốt bài này, sinh viên cần tham khảo các phương pháp học sau:
 Học đúng lịch trình của môn học theo tuần, làm các bài luyện tập đầy đủ và tham gia thảo
luận trên diễn đàn.
 Đọc tài liệu:
1. Giáo trình Luật lao động, Khoa Luật - Trường Đại học Kinh tế quốc dân,
NXB Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, 2011; Giáo trình Luật Lao động Việt Nam,
Đại học Luật Hà Nội, NXB Công an nhân dân, 2013
2. Những văn bản pháp luật ghi trong nội dung của bài.
 Sinh viên làm việc theo nhóm và trao đổi với giảng viên trực tiếp tại lớp học hoặc
qua email.
 Tham khảo thông tin từ trang Web môn học.

NỘI DUNG
Đình công là hiện tượng khách quan trong nền kinh tế thị trường, hiện nay trên thế giới chưa
có quan điểm nhất quán về đình công. Theo pháp luật lao động Việt Nam, “Đình công” là một
quyền đặc biệt của cá nhân người lao động (nhưng phải được thực hiện bởi tập thể), là vũ khí
đấu tranh mà người lao động có thể sử dụng trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động tập
thể về lợi ích. Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và tố chức của tập thể lao động
nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động. Đình công là vấn đề
nhạy cảm liên quan đến các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội vì vậy thủ tục đình công, cơ chế
giải quyết đình công được pháp luật lao động Việt Nam quy định rất chặt chẽ.

MỤC TIÊU
Sau khi học xong bài này, sinh viên cần thực hiện được các việc sau đây:
 Hiểu được khái niệm, đặc điểm của đình công
 Phân loại đình công
 Phân biệt biệt đình công với những hiện tượng khác
 Nắm được các bước thủ tục trong tiến hành đình công
 Nắn được các vấn đề pháp lý cơ bản trong giải quyết đình công và xét tính hợp pháp
của đình công.

MỤC LỤC
1. Đình công
1.1 Khái niệm Đình công
1.2. Phân loại đình công
1.3 Phân biệt đình công với một số hiện tượng khác.
1.4. Trình tự, thủ tục đình công.
2. Giải quyết đình công

1
2.1. Khái niệm giải quyết đình công
2.2 Nội dung của giải quyết đình công
2.3 Thủ tục xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
2.4 Xử lý vi phạm và giải quyết quyền lợi của người lao động trong đình công.

NỘI DUNG BÀI GIẢNG


1. ĐÌNH CÔNG
1.1 Khái niệm Đình công
Quan hệ lao động mặc dù có nhiều mâu thuẫn nhưng về bản chất vẫn mang tính bình
đẳng, hợp tác và cùng có lợi. Trong nền kinh tế thị trường thì đình công là một vấn đề quen
thuộc. Trên thế giới, đình công xuất hiện từ thời kỳ cách mạng công nghiệp ở Anh thế kỷ 18.
Tổ chức lao động quốc tế ILO cũng có những quy định bảo vệ quyền đình công của người lao
động trên cơ sở công ước số 87 (năm 1948 về quyền tự do liên kết và tổ chức); công ước số
98 (năm 1949 về tổ chức và thương lượng tập thể) v.v.... Theo quan điểm của ILO, quyền
đình công được sử dụng để xúc tiến và bảo vệ các lợi ích kinh tế và xã hội của người lao
động. Như vậy, ILO chủ yếu quan tâm đến phạm vi, mục đích của việc đảm bảo và thực hiện
quyền đình công, không quan tâm nhiều đến khái niệm hay hình thức biểu hiện của đình công.
Đó cũng là điều phù hợp vì đây là quan điểm có tính định hướng của một tổ chức quốc tế,
không nhằm điều chỉnh trực tiếp vấn đề đình công như pháp luật của các quốc gia.
Ở Việt Nam, quyền tự do kết hợp và bãi công đã được ghi nhận ở sắc lệnh số 29-SL
ngày 12/3/1947 (áp dụng với những công nhân làm việc trong các xí nghiệp tư bản). Sau đó
Việt Nam chỉ ghi nhận sự tồn tại của các doanh nghiệp quốc doanh nên không quy định quyền
đình công. Sau khi quan hệ lao động có những thay đổi mới khi nền kinh tế Việt Nam chuyển
sang cơ chế thị trường, khái niệm đình công được ghi nhận lần đầu tiên trong Bộ luật lao động
năm 1994 (Điều 172).

2
Dưới góc độ kinh tế - xã hội, đình công là biện pháp đấu tranh kinh tế của tập thể
người lao động, thông qua việc ngừng việc gây sức ép với người sử dụng lao động buộc họ
phải có những nhượng bộ nhất định để đáp ứng yêu cầu của người lao động. Đình công tác
động cả tích cực và tiêu cực đối với quan hệ lao động nói riêng và đời sống xã hội nói chung.
Ở khía cạnh tiêu cực, đình công làm ngừng trệ sản xuất, ảnh hưởng tới nhu cầu sinh hoạt của
xã hội. Ở khía cạnh tích cực, đình công góp phần tạo sự bình đẳng trong quan hệ lao động,
người lao động cải thiện được điều kiện lao động, tăng thù lao lao động. Người sử dụng lao
động điều chỉnh việc quản lý sản xuất, kinh doanh.
Dưới góc độ pháp lý, đình công là một nội dung của quyền tự do liên kết, quyền tổ
chức và thương lượng tập thể của người lao động. Còn biểu hiện của đình công là sự ngừng
việc tạm thời, tự nguyện, có tổ chức của tập thể lao động nhằm gây áp lực buộc bên sử dụng
lao động hoặc chủ thể khác phải thỏa mãn yêu sách về quyền và lợi ích mà họ quan tâm. Đình
công là một quyền cơ bản của mỗi cá nhân người lao động nhưng được thực hiện dưới hình
thức tập thể.
Pháp luật lao động Việt Nam quy định: “Đình công là sự ngừng việc, tạm thời, tự
nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết
tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là
một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo” (Điều 198 Bộ luật Lao động năm
2019).
Đình công có những dấu hiệu cơ bản như sau:
* Đình công biểu hiện bằng sự ngừng việc tạm thời, triệt để của nhiều người lao
động.
Đây là dấu hiệu cơ bản nhất, giữ vị trí trung tâm, liên kết các dấu hiệu khác tạo nên
hiện tượng đình công. Sự ngừng việc của đình công được hiểu là phản ứng của những người
lao động bằng cách không làm việc, không xin phép, trong khi biết trước là người sử dụng lao
động không đồng ý. Trong ý thức của những người ngừng việc và trên thực tế, sự ngừng việc
này chỉ diễn ra tạm thời, trong một thời gian ngắn. Thời gian ngừng việc cụ thể của mỗi cuộc
đình công sẽ tuỳ thuộc vào từng hoàn cảnh nhưng họ không dự định ngừng việc lâu dài,
không bỏ việc và không đi làm cho người khác. Điều đó có nghĩa là ngừng việc chỉ là hình
thức thể hiện, là cách phản ứng, không phải là mục đích mà họ mong muốn đạt được. Trong
thời gian đình công, quan hệ lao động vẫn tồn tại và người lao động sẽ tiếp tục làm việc sau
đình công.
Tuy chỉ là tạm thời nhưng mức độ ngừng việc của đình công lại rất triệt để, ngừng việc
hoàn toàn. Những người tham gia đình công thường không làm bất cứ công việc nào thuộc quan

3
hệ lao động trong thời gian đình công, trừ trường hợp phải đảm bảo công việc tối thiểu trong
phạm vi luật định (vì lý do an toàn xã hội chứ không vì lợi ích của người sử dụng lao động hay
vì những cam kết đã có, những trách nhiệm đã xác định trong quan hệ lao động). Như vậy, nếu
phản ứng bằng cách nghỉ việc lẻ tẻ, làm việc cầm chừng, không sử dụng hết công suất máy
móc, thời gian làm việc v.v... thì không phải là đình công và người lao động có thể phải chịu
các hình thức kỷ luật nếu pháp luật quốc gia không quy định cho họ quyền này.
*Đình công thực hiện bởi sự tự nguyện của người lao động.
Đây là dấu hiệu về mặt ý chí của người lao động, kể cả người lãnh đạo và tham gia
đình công, thể hiện ở việc họ được quyền quyết định và tự ý quyết định ngừng việc, tham gia
đình công trong khi vẫn có những cách giải quyết khác cho vấn đề đang phải đối mặt. Họ
hoàn toàn không bị người khác bắt buộc, cưỡng ép ngừng việc. Nếu người lao động nào đó bị
những người lao động khác buộc tham gia đình công thì hoàn toàn không phải là người đó
đang sử dụng quyền đình công của mình. Nếu tập thể lao động bị những thế lực khác buộc
phải ngừng việc, không do họ tự nguyện thì cuộc ngừng việc đó không phải là đình công.
Ngoài ra, những trường hợp tập thể lao động phải ngừng việc một cách bị động cũng không
phải là đình công (Ví dụ như những trường hợp không đủ điều kiện để làm việc do dây
chuyền sản xuất bị trục trặc, không đủ nguyên vật liệu v.v... nên nhiều người lao động buộc
phải chấp nhận điều kiện đó mà ngừng việc tạm thời).
* Đình công luôn có tính tập thể.
Đình công là quyền của người lao động nhưng thực hiện đình công bao giờ cũng là
hành vi mang tính tập thể. Điều đó có nghĩa là ý chí của cá nhân và tập thể phải có sự trùng hợp
thì người lao động mới có thể sử dụng, thực hiện quyền đình công của mình. Nếu cá nhân
người lao động đơn phương ngừng việc thì thường bị coi là bỏ việc, có thể bị xử lý kỷ luật tới
mức sa thải. Nếu các cá nhân người lao động kết hợp nhau lại, cùng chung ý chí, mục đích và
hành động ngừng việc thì vấn đề đã có sự thay đổi về chất và pháp luật lại coi đó là quyền của
họ. Vì vậy, tính tập thể là dấu hiệu không thể thiếu, luôn gắn với hiện tượng đình công. Nó
không chỉ được biểu hiện ở số lượng có nhiều người tham gia ngừng việc mà còn thể hiện ở ý
chí, hành động và mục đích chung của họ; ở tính đại diện của những người đó cho những người
khác không tham gia đình công, nhằm đạt được những lợi ích chung hoặc đạt được những
nguyên tắc chung trong lao động. Tính tập thể không chỉ là điều kiện đảm bảo thắng lợi cho
đình công, đảm bảo tính hợp pháp cho sự ngừng việc của mỗi người lao động mà còn làm cho
sự ngừng việc đó là đình công chứ không phải là dấu hiệu của hiện tượng khác.
* Đình công luôn có tính tổ chức.
Tính tổ chức của đình công được biểu hiện bằng sự có chủ định, có phối hợp, thống

4
nhất về ý chí, mục đích và hành động trong phạm vi những lao động ngừng việc. Điều đó có
nghĩa là khi chuẩn bị và tiến hành đình công luôn có sự tổ chức, lãnh đạo, điều hành thống
nhất của một hay một số người và có sự chấp hành, phối hợp thực hiện của những người khác
trong phạm vi đình công. Những người tham gia thường tiến hành đình công theo những trật
tự chung do họ xác định nhằm đạt được mục đích chung. Đó là yêu cầu khách quan của đình
công, không phụ thuộc nhiều vào việc người lãnh đạo cuộc đình công đó và trật tự tiến hành
đình công có được pháp luật thừa nhận là hợp pháp hay không. Tính tập thể và tính tổ chức là
hai vấn đề quy định lẫn nhau, có sự tác động qua lại với nhau làm nên hiện tượng đình công.
Đây là dấu hiệu nhằm phân biệt sự ngừng việc của đình công với những trường hợp một số
người lao động ngẫu nhiên ngừng việc vì những lý do riêng hoặc do những điều kiện nhất
định (như bão lụt, dịch bệnh). Thậm chí có thể do tác động của tranh chấp, của điều kiện lao
động mà nhiều người nghỉ việc nhưng mỗi người hoàn toàn không biết, không liên hệ với sự
nghỉ việc của những người khác thì đó vẫn không phải là đình công. Như vậy, tính tổ chức
vừa là dấu hiệu không thể thiếu, vừa tạo điều kiện cho thắng lợi của cuộc đình công.
* Mục đích của đình công là nhằm đạt được những yêu cầu trong quá trình giải
quyết tranh chấp lao động.
Ngừng việc tập thể chỉ là hình thức biểu hiện, là cách thức gây áp lực để đạt được mục
đích của đình công. Mục đích cuối cùng mà những người đình công hướng tới là những yêu
sách về quyền và lợi ích mà họ mong muốn đạt được. Thông thường, đó là các quyền và lợi ích
đang tranh chấp của chính những người đình công, trong phạm vi của quan hệ lao động, gắn với
lợi ích nghề nghiệp của họ. Trong trường hợp này, người bị gây áp lực thường là người sử dụng
lao động hoặc tổ chức, hiệp hội của những người sử dụng liên quan trực tiếp đến những người
lao động tham gia đình công. Những yêu sách của tập thể lao động cũng có thể không nằm
trong phạm vi của quan hệ lao động cụ thể, xét theo nghĩa hẹp nhưng liên quan đến quan hệ lao
động hoặc được người lao động quan tâm (Ví dụ trường hợp những người đình công gây áp
lực với nhà nước, chính quyền địa phương, đảng cầm quyền yêu cầu họ thay đổi những chính
sách về lao động, tiền lương, việc làm, thất nghiệp ... thậm chí, có cả những yêu sách về chính
trị hoặc chỉ để ủng hộ cho những yêu sách của cuộc đình công khác). Phạm vi nào là hợp
pháp sẽ do luật mỗi quốc gia xác định (VD: pháp luật Việt Nam chỉ cho phép đình công đối
với những tranh chấp về lợi ích).
1.2. Phân loại đình công
Việc phân loại đình công không chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận, nhận thức mà còn giúp cho
quá trình điều chỉnh vấn đề đình công và giải quyết đình công hiệu quả. Tùy theo mục đích
nghiên cứu mà có thể phân loại đình công theo những căn cứ khác nhau.

5
Căn cứ vào mục đích của đình công có thể phân đình công thành hai loại: đình công
kinh tế và đình công chính trị.
Căn cứ vào phạm vi đình công thì đình công được phân thành các loại: Đình công doanh
nghiệp; Đình công bộ phận; Đình công ngành, khu vực; Tổng đình công
Căn cứ vào các quy định của pháp luật về đình công,
- Đình công hợp pháp là đình công tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật.
- Đình công bất hợp pháp là đình công không thực hiện đầy đủ, không thực hiện đúng các
quy định của pháp luật.
Ngoài các căn cứ phân loại cơ bản trên, còn có các căn cứ khác được sử dụng để phân loại
đình công trong những trường hợp nhất định.
Căn cứ vào hình thức thực hiện đình công : đình công ngồi, đình công đứng tập trung,
đình công chiếm xưởng, đình công diễu hành, đình công đi ra đi vào... Ở Việt Nam chưa có quy
định về hình thức thực hiện đình công.
1.3 Phân biệt đình công với một số hiện tượng khác.
* Phân biệt đình công và lãn công.
Ở Việt Nam, dưới góc độ ngôn ngữ, lãn công được hiểu là “Cùng nhau cố tình làm việc
chây lười” (một hình thực đấu tranh đòi quyền lợi của công nhân). Một số ấn phẩm trong lĩnh
vực khoa học pháp lý cũng đưa ra những quan điểm tương tự. Như vậy, lãn công giống với
đình công ở điểm cũng là một trong các hình thức đấu tranh kinh tế, một cách phản ứng của
tập thể lao động khi có bất đồng với người sử dụng lao động. Song lãn công khác với đình
công ở nhiều phương diện:
- Về hình thức, lãn công thường biểu hiện dưới dạng người lao động nghỉ việc lẻ tẻ, làm
việc lơ là, cầm chừng, chiếu lệ để đối phó… không tuân thủ kỷ luật, không sử dụng hết thời
gian, công suất máy móc. Còn đình công phải là có sự nghỉ việc của toàn thể người lao động,
công việc bị ngừng việc triệt để.
- Về bản chất, lãn công không phải là quyền của người lao động như đình công. Pháp
luật nước ta cũng không ghi nhận hiện tượng lãn công như những sự kiện pháp lí cần phải có
sự điều chỉnh riêng biệt (như đình công). ILO cũng cho rằng cần phải có sự hạn chế đối với
hình thức này. Nhiều nước khác cũng có quan điểm đối với lãn công tương tự như Việt Nam.
*Phân biệt đình công và bãi công.
Đình công và bãi công ở Việt Nam có khi được giải thích như nhau, có khi được sử
dụng như hai khái niệm có sự khác biệt nhất định. Điều đó cũng thể hiện trong các quy định
của pháp luật, ở giai đoạn trước khi có Bộ luật Lao động. Hiện nay, các văn bản pháp luật
thống nhất sử dụng khái niệm đình công để chỉ hiện tượng ngừng việc vì mục đích đấu tranh

6
kinh tế của người lao động. Thuật ngữ bãi công chỉ được sử dụng trong một vài văn bản và
vẫn có sự phân biệt với đình công ở mức độ nhất định. Như vậy, đình công theo quy định của
Bộ luật Lao động thì không thuộc trường hợp cấm nếu có tình trạng khẩn cấp nhưng bãi công
có thể bị cấm nếu người có thẩm quyền xét thấy cần thiết. Quan điểm đó cho thấy Nhà nước
vẫn coi bãi công khác với đình công, là hình thức đấu tranh chính trị của người lao động.
Nhìn chung, đình công giống bãi công ở điểm cơ bản: đều là hình thức đấu tranh có tổ
chức của người lao động bằng cách cùng nhau nghỉ việc tạm thời trong các đơn vị sử dụng lao
động. Như phân tích trong phần phân loại, đình công cũng có loại có mục đích chính trị như
những quan niệm chính thống về bãi công hiện nay. Vì vậy, bãi công thực chất là dạng đình
công có mục đích chính trị, với quy mô lớn. Thực tế thường không sử dụng thuật ngữ bãi
công để chỉ những cuộc đình công nhỏ ít người tham gia.
Bãi công giống hiện tượng biểu tình ở dấu hiệu có mục đích chính trị nhưng biểu tình là
quyền của các công dân nói chung, còn bãi công chỉ là xử sự của giới lao động. Pháp luật các
nước có thừa nhận quyền đình công cũng đều coi những cuộc đình công mang mục đích chính
trị là bất hợp pháp. Vì vậy, bãi công còn là một trong các trường hợp đình công bất hợp pháp
theo pháp luật của Việt Nam và nhiều nước khác.
*Phân biệt đình công và phản ứng tập thể.
Trong lĩnh vực luật lao động, phản ứng tập thể là những biểu hiện về ý chí, hành động
của tập thể lao động trước sự kiện nhất định liên quan đến quan hệ lao động nhằm tỏ thái độ
ủng hộ hoặc phản đối bên sử dụng lao động hoặc chủ thể khác về sự kiện và hậu quả của sự
kiện đó. Như vậy, đình công cũng là một trong các biểu hiện về hình thức của phản ứng lao
động tập thể, thuộc loại phản ứng tiêu cực. Nếu so với các phản ứng tiêu cực khác thì đình
công triệt để và kiên quyết hơn lãn công, la ó, hội họp phản đối v.v… nhưng đình công
thường đảm bảo được hoà bình trong quan hệ lao động hơn trường hợp phá hoại tài sản, bao
vây, phong tỏa doanh nghiệp… để phản đối. Ngược lại, phản ứng tập thể còn có cả loại phản
ứng tích cực với người sử dụng lao động (Ví dụ: hưởng ứng các phong trào thi đua, phấn đấu
để đạt được chỉ tiêu thưởng, góp tiền công để cứu vãn doanh nghiệp khi gặp khó khăn v.v…).
Như vậy, phản ứng tập thể là khái niệm rộng hơn đình công, bao hàm cả đình công và những
phản ứng tiêu cực, tích cực khác.
Tuy nhiên, thực tế sử dụng thuật ngữ “phản ứng tập thể” thường chỉ những phản ứng
tiêu cực của tập thể lao động phản đối người sử dụng lao động. Khi luật Việt Nam chưa có
quy định rõ như thế nào là đình công thì nhiều tài liệu sử dụng thuật ngữ phản ứng tập thể để
chỉ các cuộc đình công bất hợp pháp.
1.4. Trình tự, thủ tục đình công.

7
1.4.1. Chủ thể có quyền đình công.
Theo quy định chung của pháp luật hiện hành, chủ thể được quyền đình công là người lao
động. Cá nhân người lao động có quyền đình công nhưng quyền này phải được thực hiện bởi
tập thể những người lao động và theo đúng quy định.
Pháp luật cũng quy định người lao động không được đình công ở nơi sử dụng lao động
mà việc đình công có thể đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe của con
người. Chính phủ quy định danh mục nơi sử dụng lao động không được đình công và việc giải
quyết tranh chấp lao động tại nơi sử dụng lao động không được đình công (Điều 209 Bộ luật
lao động 2019).
Pháp luật Việt Nam cũng không thừa nhận trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có
quyền đình công. Hiện nay, quy định đó là phù hợp đối với điều kiện Việt Nam, xét trên cả
yêu cầu điều chỉnh pháp luật của Nhà nước và nhu cầu của người lao động. Những quy định
này được xác định do yêu cầu chung của việc quản lí nhà nước, vì an toàn xã hội nên cũng
tương đồng với nhiều nước. Pháp luật Việt Nam cũng đã có sự phân biệt chế độ làm việc của
những công chức công quyền và các viên chức sự nghiệp. Điều đó có thể tác động đến quy
định về phạm vi những người lao động được đình công trong thời gian tới
1.4.2. Thời điểm có quyền đình công
Đình công là cơ chế cuối cùng để người lao động tự bảo vệ các quyền và lợi ích của mình
trong cuộc đấu tranh kinh tế với người sử dụng lao động nên pháp luật quy định chỉ được sử
dụng khi không còn phương cách nào khác. Nếu các bên muốn giải quyết tranh chấp lao động
tập thể đã phát sinh thì trước hết phải tiến hành giải quyết tranh chấp lao động theo thủ tục
pháp luật quy định.
Tổ chức đại diện người lao động là bên tranh chấp lao động tập thể về lợi ích có quyền
tiến hành thủ tục đình công trong trường hợp tại Điều 199 Bộ luật lao động 2019:
- Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định mà hòa giải viên lao động
không tiến hành hòa giải;
- Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định
giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết
định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.
1.4.3 Chủ thể tổ chức, lãnh đạo đình công
Điều 198 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định thẩm quyển tổ chức, lãnh đạo đình công
luôn thuộc về tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể và tổ chức đại
diện này phải là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.
1.4.4 Thủ tục chuẩn bị và tiến hành đình công

8
Theo quy định hiện hành, trình tự đình công bao gồm thủ tục Lấy ý kiến về đình công; Ra
quyết định đình công và thông báo đình công; Tiến hành đình công
*Thủ tục lấy ý kiến về đình công (Điều 201 Bộ luật lao động 2019)
Trước khi tiến hành đình công, tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh
đạo đình công có trách nhiệm lấy ý kiến của toàn thể người lao động hoặc thành viên ban lãnh
đạo của các tổ chức đại diện người lao động tham gia thương lượng.
Nội dung lấy ý kiến bao gồm:
a) Đồng ý hay không đồng ý đình công;
b) Phương án của tổ chức đại diện người lao động về Thời điểm bắt đầu đình công, địa
điểm đình công; Phạm vi tiến hành đình công; Yêu cầu của người lao động;
Việc lấy ý kiến được thực hiện trực tiếp bằng hình thức lấy phiếu hoặc chữ ký hoặc hình
thức khác.
Thời gian, địa điểm và cách thức tiến hành lấy ý kiến về đình công do tổ chức đại diện
người lao động quyết định và phải thông báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 01
ngày. Việc lấy ý kiến không được làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình
thường của người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động không được gây khó khăn, cản
trở hoặc can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện người lao động tiến hành lấy ý kiến về đình
công.
*Thủ tục ra Quyết định đình công và thông báo thời điểm bắt đầu đình công (Điều 202
Bộ luật lao động 2019)
Khi có trên 50% số người được lấy ý kiến đồng ý với nội dung lấy ý kiến đình công thì tổ
chức đại diện người lao động ra quyết định đình công bằng văn bản.
Quyết định đình công phải có các nội dung sau đây:
a) Kết quả lấy ý kiến đình công;
b) Thời điểm bắt đầu đình công, địa điểm đình công;
c) Phạm vi tiến hành đình công;
d) Yêu cầu của người lao động;
đ) Họ tên, địa chỉ liên hệ của người đại diện cho tổ chức đại diện người lao động tổ chức
và lãnh đạo đình công.
Ít nhất là 05 ngày làm việc trước ngày bắt đầu đình công, tổ chức đại diện người lao động
tổ chức và lãnh đạo đình công phải gửi văn bản về việc quyết định đình công cho người sử
dụng lao động, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh.
Đến thời điểm bắt đầu đình công, nếu người sử dụng lao động vẫn không chấp nhận giải

9
quyết yêu cầu của người lao động thì tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo
đình công.
*Xử lý cuộc đình công không đúng trình tự, thủ tục (Điều 211 Bộ luật lao động 2019)
Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được thông báo về cuộc đình công không tuân theo
quy định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì, chỉ đạo cơ quan chuyên môn về lao
động phối hợp với công đoàn cùng cấp, cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp gặp gỡ người
sử dụng lao động và đại diện ban lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để nghe ý
kiến, hỗ trợ các bên tìm biện pháp giải quyết, đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình
thường.
Trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật thì lập biên bản, tiến hành xử lý hoặc
kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý cá nhân, tổ chức đã thực hiện hành vi vi phạm pháp
luật theo quy định của pháp luật. Đối với các nội dung tranh chấp lao động thì tùy từng loại
tranh chấp, hướng dẫn, hỗ trợ các bên tiến hành các thủ tục giải quyết tranh chấp lao động
theo quy định pháp luật lao động.
1.4.5 Quyền và nghĩa vụ của các bên trước và trong quá trình đình công.
Trước và trong quá trình đình công, các bên có quyền tiếp tục thỏa thuận để giải quyết
nội dung tranh chấp lao động tập thể hoặc cùng đề nghị hòa giải viên lao động, Hội đồng
trọng tài lao động tiến hành hòa giải, giải quyết tranh chấp lao động.
Tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định
có quyền (Khoản 2 điều 203 Bộ luật lao động 2019):
- Rút quyết định đình công nếu chưa đình công hoặc chấm dứt đình công nếu đang đình
công;
- Yêu cầu Tòa án tuyên bố cuộc đình công là hợp pháp.
Người sử dụng lao động có quyền (Khoản 3 Điều 203 Bộ luật lao động 2019):
- Chấp nhận toàn bộ hoặc một phần yêu cầu và thông báo bằng văn bản cho tổ chức đại
diện người lao động đang tổ chức và lãnh đạo đình công;
- Đóng cửa tạm thời nơi làm việc trong thời gian đình công do không đủ điều kiện để duy
trì hoạt động bình thường hoặc để bảo vệ tài sản;
- Yêu cầu Tòa án tuyên bố cuộc đình công là bất hợp pháp.
Để bảo vệ quyền đình công hợp pháp của người lao động, bảo vệ người sử dụng lao động
và tránh những tổn hại mà đình công có thể gây ra, luật pháp quy định các hành vi bị cấm
thực hiện trước, trong và sau khi đình công tại Điều 208 Bộ luật Lao động năm 2019:
- Cản trở việc thực hiện quyền đình công hoặc kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động
đình công; cản trở người lao động không tham gia đình công đi làm việc.

10
- Dùng bạo lực; hủy hoại máy, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động.
- Xâm phạm trật tự, an toàn công cộng.
- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động, người
lãnh đạo đình công hoặc điều động người lao động, người lãnh đạo đình công sang làm công
việc khác, đi làm việc ở nơi khác vì lý do chuẩn bị đình công hoặc tham gia đình công.
- Trù dập, trả thù người lao động tham gia đình công, người lãnh đạo đình công.
- Lợi dụng đình công để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Như vậy, quyền đình công của người lao động được đảm bảo nếu xuất phát từ nhu cầu,
nhận thức của họ, được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật. Bên cạnh đó, pháp luật còn chú
trọng bảo vệ tài sản của người sử dụng lao động và trật tự an toàn xã hội nếu đình công xảy
ra. Các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định cấm nói trên phải bồi thường thiệt hại, khắc
phục hậu quả, có thể bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm pháp lý khác theo quy định
của pháp luật.
1.4.6 Hoãn, ngừng đình công
Điều 210 Bộ luật lao động 2019. Quyết định hoãn, ngừng đình công
1. Khi xét thấy cuộc đình công có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế
quốc dân, lợi ích công cộng, đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe của
con người thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoãn hoặc ngừng đình công.
Hoãn đình công là việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định chuyển thời
điểm bắt đầu thực hiện cuộc đình công mà Ban chấp hành công đoàn ấn định trong quyết định
đình công gửi người sử dụng lao động, cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh và
công đoàn cấp tỉnh sang một thời điểm khác (Khoản 2 Điều 3 Nghị định 46/2013/NĐ-CP).
Ngừng đình công là việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định chấm dứt cuộc
đình công đang diễn ra cho đến khi không còn nguy cơ xâm hại nghiêm trọng đến nền kinh tế
quốc dân và lợi ích công cộng (Khoản 3 Điều 3 Nghị định 46/2013/NĐ-CP).
Như vậy khi xét thấy cuộc đình công có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh
tế quốc dân, lợi ích công cộng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoãn hoặc
ngừng đình công và giao cho cơ quan nhà nước, tổ chức có thẩm quyền giải quyết. Quyết định
về việc hoãn, ngừng đình công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải được thông báo
ngay cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động và Ban chấp
hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa
thành lập công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động nơi đình công đang diễn ra biết và thực
hiện.

11
Quyết định hoãn hoặc ngừng đình công được áp dụng đối với các trường hợp (Điều 8
Nghị định 46/2013/NĐ-CP):
+ Đình công dự kiến tổ chức tại các đơn vị cung cấp dịch vụ về điện, nước, vận tải công
cộng và các dịch vụ khác trực tiếp phục vụ tổ chức mít tinh kỷ niệm ngày Chiến thắng, ngày
Quốc tế lao động và ngày Quốc khánh.
+ Đình công dự kiến tổ chức tại địa bàn đang diễn ra các hoạt động nhằm phòng ngừa,
khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc tình trạng khẩn cấp theo quy định của
pháp luật.
+ Đình công diễn ra trên địa bàn xuất hiện thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc tình trạng
khẩn cấp theo quy định của pháp luật.
+ Đình công diễn ra đến ngày thứ ba tại các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, vệ sinh
công cộng làm ảnh hưởng tới môi trường, điều kiện sinh hoạt và sức khỏe của nhân dân tại
thành phố thuộc tỉnh.
+ Đình công diễn ra có các hành vi bạo động, gây rối làm ảnh hưởng đến tài sản, tính
mạng của nhà đầu tư, làm mất an ninh, trật tự công cộng ảnh hưởng đến các hoạt động của
cộng đồng dân cư tại nơi xảy ra đình công.
2. GIẢI QUYẾT ĐÌNH CÔNG
2.1. Khái niệm giải quyết đình công
Nếu như “Đình công” đã được định nghĩa chính thức trong Bộ luật Lao động thì hiện nay
pháp luật lao động chưa có định nghĩa chính thức về “Giải quyết đình công”. Đình công dù
được coi là quyền của người lao động nhưng quyền này phải được thực hiện trong khuôn khổ
pháp luật. Do vậy khi người lao động sử dụng quyền đình công được pháp luật quy định thì
việc kiểm soát tính hợp pháp trong việc sử dụng quyền đó cũng là cần thiết. Thực tế, hành vi
ngừng việc diễn ra có thể là hợp pháp hoặc có thể không hợp pháp. Giải quyết đình công
không chỉ đơn thuần giải quyết nội dung của cuộc đình công mà còn phải xét tính hợp pháp
của hành vi ngừng việc.
Hiểu theo nghĩa rộng, giải quyết đình công bao gồm toàn bộ các hoạt động được tiến hành
nhằm mục đích chấm dứt đình công, bình ổn quan hệ lao động. Các hoạt động này có thể
được thực hiện theo những phương thức khác như thương lượng, hòa giải hay giải quyết ở
Tòa án. Với mỗi phương thức giải quyết đình công, nội dung của giải quyết đình công cũng
có thể khác nhau.
Theo nghĩa hẹp, giải quyết đình công được hiểu là các hoạt động được tiến hành bởi các
cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm thực hiện yêu cầu điều chỉnh pháp luật đối với đình
công của Nhà nước bảo đảm quyền tự do định đoạt của đương sự.

12
2.2 Nội dung của giải quyết đình công
Thứ nhất, xét tính hợp pháp của cuộc đình công. Đây là mục đích quan trọng nhất của
việc điều chỉnh pháp luật đối với đình công, phản ánh tình hình thực hiện các quy định về
đình công trong thực tiễn và hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước đối với các vấn đề xã
hội (trong đó có đình công). Thực chất của vấn đề xét tính hợp pháp của đình công là xem xét
trình tự, thủ tục, mục đích của cuộc đình công v.v….có đúng theo quy định của pháp luật hay
không. Cơ quan có thẩm quyền nhân danh nhà nước tuyên bố tính hợp pháp của cuộc đình
công là Tòa án.
Thứ hai, giải quyết nguyên nhân của cuộc đình công. Việc giải quyết nguyên nhân của
cuộc đình công chủ yếu do các bên tự quyết định nhằm bảo đảm ở mức cao nhất quyền tự
định đoạt của các bên. Họ có thể tiến hành giải quyết bằng cách thương lượng trực tiếp hoặc
hòa giải thông qua vai trò của người trung gian. Tòa án khi giải quyết đình công thường chỉ
xét tính hợp pháp của cuộc đình công, việc giải quyết nguyên nhân của cuộc đình công chỉ
được tiến hành khi có đơn khởi kiện theo thủ tục giải quyết tranh chấp lao động về quyền.
Thứ ba, giải quyết hậu quả của cuộc đình công. Căn cứ vào từng trường hợp đình công,
diễn biến và tính chất của cuộc đình công, trên cơ sở yêu cầu của các đương sự, đình công sẽ
được giải quyết theo những phương thức cụ thể. Khi đình công được giải quyết theo phương
thức ôn hòa như thương lượng, hòa giải thì vấn đề cơ bản cần giải quyết là dàn xếp xung đột
giữa các bên. Khi đã đạt được thỏa thuận chung giữa hai bên, thì đình công đương nhiên sẽ
chấm dứt. Song, khi có sự can thiệp của nhà nước, thông qua Tòa án, xét tính hợp pháp của
cuộc đình công là một vấn đề quan trọng. Vấn đề giải quyết hậu quả cuộc đình công thường
gắn với trách nhiệm hay chế tài (nếu có) của các bên trong quá trình đình công. Nếu đình
công bất hợp pháp, ngoài việc phải dừng cuộc đình công, người lao động, tổ chức đại diện tập
thể lao động có thể phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Như vậy, cơ chế giải quyết đình công còn có thể xem xét trên cơ sở toàn bộ quá trình
giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích (trước khi đình công có đủ điều kiện diễn ra);
quyết định hoãn hoặc ngừng đình công; xử lý cuộc đình công không đúng trình tự, thủ tục và
thủ tục yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công (khi cuộc đình công đang diễn ra
hoặc đã kết thúc).
2.3 Thủ tục xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
Về căn cứ pháp lý, từ ngày 1/7/2016 thủ tục xét tính hợp pháp của cuộc đình công căn cứ
theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (từ Điều 403 đến Điều 413).
*Thủ tục nộp đơn và thụ lý đơn yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công (Điều
403, 404, 405 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).

13
Trong quá trình đình công hoặc trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt đình công,
người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền nộp đơn đến Toà án yêu
cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
Toà án nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra đình công là Tòa án có thẩm quyền xét tính hợp pháp
của cuộc đình công.
Đơn yêu cầu phải có các nội dung chính sau đây:
+ Ngày, tháng, năm làm đơn;
+ Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết;
+ Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu;
+ Tên, địa chỉ của tổ chức lãnh đạo cuộc đình công;
+ Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động nơi tập thể lao động đình công;
+ Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu
cầu Tòa án giải quyết;
+ Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó (nếu có);
+ Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của
mình;
Người yêu cầu phải gửi kèm theo đơn các bản sao quyết định đình công, quyết định hoặc
biên bản hoà giải của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp lao động tập
thể, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
Thủ tục gửi đơn, nhận đơn, nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ đối với việc xét và quyết
định về tính hợp pháp của cuộc đình công tại Toà án được thực hiện theo quy định của pháp
luật tố tụng dân sự.
* Thủ tục giải quyết đơn yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công (Điều 406,
408, 409, 410 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).
Ngay sau khi nhận đơn yêu cầu, Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập
Hội đồng xét tính hợp pháp của cuộc đình công gồm 03 thẩm phán và phân công một Thẩm
phán chủ trì việc giải quyết đơn yêu cầu.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu, Thẩm phán được phân
công chủ trì việc giải quyết đơn yêu cầu phải ra quyết định mở phiên họp xét tính hợp pháp
của cuộc đình công. Quyết định mở phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công phải
được gửi ngay cho tổ chức đại diện tập thể lao động, người sử dụng lao động, Viện kiểm sát
cùng cấp và cơ quan, tổ chức liên quan.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp xét tính hợp
pháp của cuộc đình công, Hội đồng xét tính hợp pháp của cuộc đình công phải mở phiên họp

14
xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
Trong quá trình giải quyết đơn yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công, Toà án có
thể đình chỉ việc xét tính hợp pháp của cuộc đình công trong các trường hợp:
- Người yêu cầu rút đơn yêu cầu;
- Các bên đã thoả thuận được với nhau về giải quyết đình công và có đơn yêu cầu Toà
án không giải quyết;
- Người có đơn yêu cầu đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ
trường hợp do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan.
Tòa án cũng có thể hoãn phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công theo quy định,
nhưng không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định hoãn phiên họp.
* Phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công và quyết định về tính hợp pháp
của cuộc đình công (Điều 407, 411, 412 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015)
Thành phần phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công gồm có:
- Hội đồng xét tính hợp pháp của cuộc đình công (do Thẩm phán chủ trì làm chủ tọa).
- Thư ký Tòa án ghi biên bản phiên họp.
- Đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động và người sử dụng lao động.
- Đại diện các cơ quan, tổ chức theo yêu cầu của Toà án.
Trình tự phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công diễn ra như sau:
Bước 1: Thẩm phán chủ trì phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công công bố
quyết định mở phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công và tóm tắt nội dung đơn yêu
cầu.
Bước 2: Đại diện tổ chức đại diện tập thể lao động và đại diện của người sử dụng lao
động trình bày ý kiến của mình. Thẩm phán chủ trì phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình
công có thể yêu cầu đại diện cơ quan, tổ chức tham gia phiên họp trình bày ý kiến.
Bước 3: Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc xét tính hợp pháp của
cuộc đình công. Ngay sau khi kết thúc phiên họp, Kiểm sát viên phải gửi văn bản phát biểu ý
kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ việc dân sự.
Bước 4: Hội đồng xét tính hợp pháp của cuộc đình công thảo luận và quyết định theo đa
số. Quyết định của Tòa án về tính hợp pháp của cuộc đình công phải nêu rõ lý do và căn cứ để
kết luận tính hợp pháp của cuộc đình công. Quyết định của Tòa án về tính hợp pháp của cuộc
đình công phải được công bố công khai tại phiên họp và gửi ngay cho tổ chức đại diện tập thể
lao động và người sử dụng lao động, Viện kiểm sát cùng cấp. Tập thể lao động, người sử
dụng lao động có trách nhiệm thi hành quyết định của Tòa án nhưng có quyền kháng cáo;
Viện kiểm sát có quyền kháng nghị quyết định đó.

15
Căn cứ để Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công là 06 căn cứ quy định tại Điều
204 Bộ luật lao động năm 2019:
1. Không thuộc trường hợp được đình công quy định tại Điều 199 của Bộ luật lao động
2019.
2. Không do tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công.
3. Vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công theo quy định của Bộ
luật này.
4. Khi tranh chấp lao động tập thể đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền
giải quyết theo quy định pháp luật.
5. Tiến hành đình công trong trường hợp không được đình công quy định tại Điều 209
của Bộ luật lao động 2019.
6. Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của cơ quan có thẩm quyền theo
quy định tại Điều 210 của Bộ luật lao động 2019.
Sau khi quyết định của Tòa án về tính hợp pháp của cuộc đình công được công bố, nếu
cuộc đình công là bất hợp pháp thì người lao động đang tham gia đình công phải ngừng ngay
đình công và trở lại làm việc.
*Kháng cáo, kháng nghị quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công (Điều
405, 413 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015)
Vì việc xét tính hợp pháp của cuộc đình công liên quan đến lợi ích của cả tập thể lao
động đồng thời ảnh hưởng lớn đến hoạt động của đơn vị sử dụng lao động nên các bên đều có
quyền kháng cáo. Toà án nhân dân cấp cao có thẩm quyền giải quyết kháng cáo, kháng nghị
đối với quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công.
Ngay sau khi nhận đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị đối với quyết định về tính hợp
pháp của cuộc đình công, Tòa án nhân dân cấp cao phải có văn bản yêu cầu Tòa án đã xét tính
hợp pháp của cuộc đình công chuyển hồ sơ vụ việc để xem xét, giải quyết.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, Tòa án đã ra
quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công phải chuyển hồ sơ vụ việc cho Tòa án nhân
dân cấp cao để xem xét, giải quyết.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc, Chánh án Tòa án
nhân dân cấp cao quyết định thành lập Hội đồng phúc thẩm xét tính hợp pháp của cuộc đình
công gồm 03 thẩm phán và phân công một Thẩm phán chủ trì việc nghiên cứu hồ sơ.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày Tòa án nhân dân cấp cao nhận được hồ sơ
vụ việc, Hội đồng phúc thẩm phải tiến hành xét kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định về
tính hợp pháp của cuộc đình công.

16
Quyết định của Hội đồng phúc thẩm xét tính hợp pháp của cuộc đình công của Tòa án
nhân dân cấp cao là quyết định cuối cùng.
2.4 Xử lý vi phạm và giải quyết quyền lợi của người lao động trong đình công.
Việc xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 217 Bộ luật lao động 2019. Quy định chung
cũng áp dụng đối với đình công: người nào có hành vi vi phạm quy định pháp luật thì tùy theo
tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu
trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Khi đã có quyết định của Tòa án về cuộc đình công là bất hợp pháp thì người lao động
đang tham gia đình công phải ngừng ngay đình công và trở lại làm việc; nếu người lao động
không ngừng đình công, không trở lại làm việc thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ
luật lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
Trong trường hợp cuộc đình công là bất hợp pháp mà gây thiệt hại cho người sử dụng
lao động thì tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công phải bồi thường
thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Người lợi dụng đình công gây mất trật tự, an toàn công cộng, làm tổn hại máy, thiết bị,
tài sản của người sử dụng lao động; người có hành vi cản trở thực hiện quyền đình công, kích
động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công; người có hành vi trù dập, trả thù người tham
gia đình công, người lãnh đạo cuộc đình công thì tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi
phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường
theo quy định của pháp luật.
Người lao động không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lý do đình công
thì được trả lương ngừng việc theo quy định tại khoản 2 Điều 99 Bộ luật lao động 2019 và các
quyền lợi khác theo quy định của pháp luật về lao động. Người lao động tham gia đình công
không được trả lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các
bên có thỏa thuận khác (Điều 207 Bộ luật lao động 2019)
Từ khi nhà nước ta có quy định về quyền đình công đến nay, ở Việt Nam đã xảy ra
hàng nghìn cuộc đình công. Các quy định của pháp luật về thủ tục đình công khá chặt chẽ nên
hầu hết các cuộc đình công xảy ra là bất hợp pháp về thủ tục và thực tế rất ít cuộc đình công
được đưa ra giải quyết tại Tòa án. Quan điểm của nhà nước ta là thông qua các quy định của
pháp luật hạn chế tối đa các cuộc đình công, tuy nhiên để ổn định quan hệ lao động thì cần
phải giải quyết được tận gốc nguyên nhân của đình công, giảm thiểu các phản ứng tập thể.
Chính vì vậy, cùng với việc hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp lao động và đình công thì
cần chú ý thực hiện hiệu quả cơ chế phòng ngừa tranh chấp lao động, nâng cao vai trò của các
cơ quan, tổ chức trung gian hòa giải./.

17
VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
1. Bộ luật Lao động năm 2012.
2. Bộ luật lao động 2019
2. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

TÓM LƯỢC CUỐI BÀI


 Đình công là biện pháp đấu tranh của người lao động để yêu cầu giải quyết những lợi ích
chính đáng của cả tập thể lao động. Tuy nhiên hiện tượng đình công có thể gây tác động
tiêu cực đến quan hệ lao động và ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội nên đòi hỏi nhà nước
quy định thật chặt chẽ.
 Đình công phải được thực hiện đúng trình tự, thủ tục pháp luật và chỉ được tiến hành đối
với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
 Việc xét tính hợp pháp của cuộc đình công là thủ tục tố tụng và thuộc thẩm quyền của Tòa
án nhân dân. Các hành vi vi phạm trong đình công đều được xử lý với nhiều hình thức chế
tài tùy thuộc vào mức độ vi phạm của các chủ thể.

18
CÂU HỎI ÔN TẬP
1. Phân tích khái niệm, đặc điểm đình công?
2. Phân loại đình công?
3. Phân biệt biệt đình công với bãi công, lãn công, biểu tình?
4. Điều kiện để tập thể lao động tiến hành đình công?
5. Trình bày trình tự, thủ tục tiến hành đình công?
6. Quy định pháp luật về hoãn, ngừng đình công?
7. Thế nào là đình công bất hợp pháp?
8. Thẩm quyền và thủ tục xét tính hợp pháp của đình công?.
9. Xử lý vi phạm và giải quyết quyền lợi của người lao động trong đình công?

19
1. TRANH CHẤP LAO ĐỘNG

20

You might also like