You are on page 1of 4

Phân tích đoạn trích “Hồi trống cổ thành”

Tháng Tám 8, 2022 dinhphuongkhối 10Miễn bình luậntrên Phân tích đoạn trích “Hồi trống cổ
thành”
Đề : Phân tích đoạn trích “Hồi trống cổ thành”

Trong dòng lịch sử Trung Quốc có bốn tác phẩm lớn đã làm nên tứ đại danh tác của dòng
văn học Trung Hoa bao gồm Tây Du kí, Hồng Lâu Mộng, Thủy Hử và Tam Quốc Diễn Nghĩa.
Trong số đó, Tam Quốc Diễn Nghĩa là tác phẩm có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến văn hóa và
quân sự của Việt Nam ta cũng như nhiều nước khác trên thế giới.

Tác phẩm Tam Quốc Diễn Nghĩa ra đời vào đầu thời Minh, ra đời trong âm hưởng của
cuộc chiến đấu chống lại sự thống trị xưng bá của Mông Nguyên để khôi phục nhà Hán. Tác
phẩm được sáng tác dựa một phần vào lịch sử và những truyện kịch dân gian.Tam Quốc Diễn
Nghĩa là một tiểu thuyết chương hồi bao gồm một trăm hai mươi hồi, kể lại quá trình hình
thành, phát triển cũng như diệt vong của ba triều đại phong kiến Trung Hoa là Ngụy, Thục,
Ngô đồng thời thể hiện khát vọng hòa bình của nhân dân. Cuốn tiểu thuyết của tác giả La
Quán Trung về tư tưởng đã vạch trần được bản chất tàn bạo, xấu xa, giả dối của giai cấp thống
trị xã hội, phơi bày cục diện chính trị của Trung Hoa thời kỳ “cát cứ phân tranh” khi mà chiến
tranh liên miên, người dân loạn lạc. Nó còn phơi bày cuộc sống đầy bất trắc, bi thảm, loạn li
của người dân trong xã hội đó đồng thời thể hiện ước mơ về một đất nước yên bình, thịnh trị
với vua hiền, tướng giỏi của nhân dân. Đó là khát vọng hòa bình, thống nhất, một nền hòa
bình nhân đạo mà tác giả La Quán Trung cũng như muôn dân muốn gửi gắm.

Về phần nghệ thuật, Tam Quốc Diễn Nghĩa mang giá trị không chỉ về lịch sử mà còn về
mảng quân sự. Cùng với đó là nghệ thuật kể chuyện vô cùng hấp dẫn, lôi cuốn của tác giả
khiến người đọc say mê từ chương này qua hồi khác, đặc biệt phải kể tới phần miêu tả các trận
đánh cực kì sinh động. Cuốn tiểu thuyết với lượng nhân vật đồ sộ và mỗi nhân vật chính đều
có nét cá tính riêng biệt, sinh động. Tác giả cũng đặt ra những mâu thuẫn gay gắt trong từng
chương hồi, dùng chính mâu thuẫn để giải quyết từng mâu thuẫn.

Đoạn trích Hồi trống Cổ thành là nửa sau hồi thứ hai mươi tám của tác phẩm khi mà Quan
Công đưa hai người chị dâu của mình sang Nhữ Nam, đến Cổ thành thì gặp Trương Phi. Việc
Quan Công hàng Tào Tháo để bảo vệ hai người chị đã bị người em hiểu nhầm là sự bội nghĩa,
một hai đòi giết chết Quan Công mà không chịu nghe ai khuyên can. Để chứng minh lòng
trung trong sạch của mình, Quan Công đã ngỏ ý chém đầu Sái Dương (tên tướng của Tào
Tháo) trong ba hồi trống của Trương Phi. Chưa dứt hồi đầu, đầu Sái Dương đã rơi xuống đất.
Đến lúc đó, Trương Phi mới cởi bỏ được mối nghi ngờ với Quan Công, nghe kể lại sự việc,
nhỏ nước mắt mà thụp lạy Quan Công.

Hồi trống Cổ thành là linh hồn của hồi thứ hai mươi tám, là hồi trống của sự đoàn tụ, minh
oan, của sự trung thành. Nó còn biểu dương sự trung thành trung nghĩa của hai người anh
hùng Quan Công và Trương Phi.

Đoạn trích mở ra bằng cảnh gặp gỡ của hai anh em Quan Công và Trương Phi. Muốn đến
được Nhữ Nam đoàn tụ với Lưu Bị, Quan Công buộc phải đưa hai người chị của mình qua Cổ
thành, đến đây thì bất chợt nghe tin Trương Phi đang có mặt tại đây. Vui mừng khôn xiết,
Quan Công cho mời Trương Phi ra trước cổng thành. Thế nhưng, nhận lại chỉ là sự đối mặt
giữa hai người và một ngàn binh lính phía sau Trương Phi. Nguyên cớ bởi vì Trương Phi cho
rằng Quan Công đã hàng Tào Tháo mà phản bội ơn nghĩa vườn đào của ba anh em. Là một
người có tính cách nóng nảy, bộc trực, thẳng tính, dứt khoát và cương trực, Trương Phi vừa
hay tin đã nổi giận đùng đùng. Trái lại Quan Công lại là một người biết từ tốn, khoan dung và
cẩn trọng, tuy thế cả hai đều là những người anh hùng trung nghĩa.

Ở đây, tác giả đã xây dựng lên cuộc đối mặt vô cùng kịch tính với hai nhân vật có nét tính
cách trái ngược hoàn toàn nhau. Nghệ thuật miêu tả tính cách nhân vật ở đây vô cùng xuất sắc,
qua đó mà La Quán Trung đã bộc lộ được cá tính cũng như làm rõ thêm những mâu thuẫn
trong câu chuyện.

Đầu tiên phải kể tới là nhân vật Trương Phi. Ấn tượng đầu tiên đến với người đọc là một
Trương Phi cực kì nóng nảy, uất hận, dứt khoát. Khi nghe tin người anh của mình đã hàng
Tào, một hai đòi giết chết cho hả giận. Thế nhưng cũng là Trương Phi ấy khi nghe được đầu
đuôi câu chuyện đã nhỏ lệ mà thụp xuống lạy Quan Công, một con người vô cùng giàu tình
cảm.

La Quán Trung không đưa ra những lời nhận xét trực tiếp về từng con người trong câu chuyện
mà ông lại dùng những cử chỉ, những nét tính cách riêng biệt, những hành động và đặt vào
trong mối quan hệ với nhân vật khác để nhân vật chính tự bộc lộ nét tính cách của mình. Với
Trương Phi, ông để nhân vật đưa ra hành động vô cùng quyết liệt “Trương Phi mắt tròn xoe,
râu vểnh ngược, hò thét như sấm. múa xà mâu chạy lại đâm Quan Công”, cùng với đó là
những lời nói vô cùng tức giận: “hầm hầm quát;” Mày đã bội nghĩa còn mặt nào đến gặp tao
nữa?”. Hành động và ngôn từ của Trương Phi hết sức bộc trực, nóng nảy, biểu lộ cho một cá
tính cực kì nóng nảy, dứt khoát và cương trực của bậc đại trượng phu. Trong mối quan hệ với
các nhân vật khác, mặc dù được Tôn Càn cùng hai người chị dâu ra sức thanh minh cho Quan
Công, nhưng Trương Phi không hề thay đổi ý định của mình. Qua đó có thể thấy, hành động
đối đầu của Trương Phi khi gặp Quan Công ở Cổ thành là một hành động đã được suy nghĩ
cẩn trọng, không phải là hành động bộc phát trong lúc nóng giận. Bởi xưa nay, lời thề trung
nghĩa của những bậc trượng phu vô cùng thiêng liêng, nếu vi phạm thì chỉ có cái chết mới có
thể bù đắp nổi. La Quán Trung đã đặt Trương Phi vào một tình huống vô cùng kịch tính nhằm
bộc lộ tính cách của nhân vật, đồng thời sử dụng phương pháp miêu tả trái ngược, một Trương
Phi tuy nóng nảy, bộc trực nhưng lại cực kì trọng tình cảm, tình nghĩa huynh đệ.

Đối mặt với Trương Phi là Quan Công, tác giả đã đặt nhân vật này vào trong một tình huống
hết sức kịch tính khi bị nghi ngờ trở thành kẻ phản bội anh em của mình. Cũng như Trương
Phi, Quan Công được tác giả miêu tả thông qua những hành động, cử chỉ của mình. Với bút
pháp miêu tả cổ điển, tác giả đã dựng lên điển hình của người trượng phu trượng nghĩa.

Đoạn trích Hồi trống Cổ thành được xây dựng với một kết cấu hoàn chỉnh, có mở đầu, phát
triển sự việc, với nút thắt được hình thành và mở nút một cách triệt để. Nếu như mở đầu là
hình ảnh Quan Công đến Cổ thành và gọi Trương Phi ra đón thì cách triển khai câu chuyện là
khi mâu thuẫn nảy sinh giữa hai anh em. Những xung đột kịch tính diễn ra giữa Quan Công và
Trương Phi được mở ra với nguyên do Trương Phi vô cùng tức giận với Quan Công vì cho
rằng Quan Công đã bội nghĩa, phản bội huynh đệ đi theo kẻ thù, bất trung bất nghĩa. Thế
nhưng Trương Phi đâu biết rằng mọi nước đi của Quan Công đều vì bảo hộ hai người chị dâu
yếu đuối nên mới trái lời thề, với khí phách anh hùng của mình.
Xung đột được phát triển liên tục một cách hết sức logic. Trước khi gặp mặt, nếu như Trương
Phi vừa nghe tin Quan Công tới đã không nói năng gì mà chỉ “mặc áo giáp, vác mau lên ngựa,
dẫn quân ra cửa bắc”, “mặt trợn tròn, râu hùm vểnh ngược, hò hét, múa mâu đòi đâm Quan
Công”, một tâm trạng hết sức kích động, cực kì giận dữ tới sục sôi thì Quan Công lại hoàn
toàn trái ngược.

Không hề biết rằng người em kết nghĩa đang vô cùng giận dữ với mình, Quan Công khi gặp
mặt Trương Phi thì vô cùng mừng rỡ, “giao long đao cho Chiêu Thương cầm, tế ngựa lại đón”.
Đến khi thấy người em cầm mâu đâm thẳng về phía mình, Quan Công mới giật mình vừa
tránh mũi mâu vừa nhắc hỏi em rằng tại sao làm vậy “hiền đệ cớ làm sao, há quên nghĩa vườn
đào ru?”. Thái độ của Quan Công vừa hết sức điềm tĩnh, lại hết sức mềm mỏng, nhượng bộ.
Trong khi Trương Phi tức giận xưng hô mày – tao, mắng anh rằng “mày đã bội nghĩa còn mặt
nào đến gặp tao?”, khẳng định hai người chị dâu bị lừa, Trương Phi cho rằng đã là người trung
nghĩa thì phải trung thành, “thà chết chứ không chịu nhục”. Trương Phi – một con người chính
trực có cái nhìn rất rõ ràng về chữ trung, chính vì vậy khi Tôn Càn cất lời bênh vực Quan
Công thì Trương Phi đã mắng rằng “mày cũng nói láo, nó đâu có bụng tốt, nó đến đây dễ bắt
ta đó”. Bộc lộ cho người ta thấy một vị tướng quân vô cùng dũng mãnh nhưng cũng vô cùng
nóng nảy, cương trực, có phần thô lỗ nữa. Trái lại, Quan Công lại vô cùng điềm tĩnh, nói với
Trương Phi bằng những lời lẽ vô cùng nhẹ nhàng, thái độ khuyên bảo, nói câu nào cũng xưng
là hiền đệ, hơn thế, Quan Công còn cầu cứu hai người chị dâu, dùng lời của hai người chị mà
thanh minh với người em của mình “hiền đệ nói vậy thì oan uổng cho ta quá”, “nếu ta đến bắt
em tất phải mang theo quân mã chứ?”. Từng lời nói vô cùng nhẫn nại giải thích, dù rằng Quan
Công đang trong tình thế vô cùng ngặt nghèo nhưng vẫn luôn điềm tĩnh, khoan dung mà giải
quyết vấn đề.

Thế nhưng, mối mâu thuẫn giữa hai anh em còn chưa sáng tỏ thì nút thắt của câu chuyện lại
được tác giả buộc chặt hơn nữa bằng sự kiện Sái Dương đem theo quân mã đến Cổ thành.
Chính sự việc này tuy ngẫu nhiên mà lại vô cùng hợp lý đã đẩy mâu thuẫn, mối nghi ngờ của
Trương Phi với Quan Công lên tột đỉnh gay gắt, buộc phải giải quyết vấn đề bằng hành động.

Chính trong lúc này, Quan Công đã mở lời với người em kết nghĩa vườn đào rằng “hiền đệ
hãy khoan, xem ta chém tên tướng ấy, để tỏ lòng thực của ta”. Một lời nói thốt ra vừa tỏ lòng
trung nghĩa, vừa giãi bày nỗi oan khiên của mình. Thế nhưng, Trương Phi lại không dễ dàng
để Quan Công thực hiện nhiệm vụ của mình, Trương Phi đã thẳng thắn bắt Quan Công phải
chém đầu Sái Dương chỉ trong vòng ba hồi trống. Không những vậy, Trương Phi còn thẳng tay
đánh trống, không chút chần chừ, bởi lẽ hắn đã quyết tìm ra sự thật và lẽ phải, cái mong muốn
ấy thôi thúc hắn muốn biết được sớm nhất. Giờ đây, nhiệm vụ này không còn là một nhiệm vụ
bình thường nữa mà trở nên vô cùng khó khăn, đầy nguy hiểm. Vậy nhưng, Quan Công để
chứng minh cho lòng thành của mình đã không ngần ngại nhận lời, và quả đúng là người anh
hùng dũng mãnh, hồi trống đầu tiên còn chưa dứt, đầu Sái Dương đã rơi. Quan Vũ quả không
hổ danh là một bậc tướng quân đầy oai phong, tài giỏi.

Thử thách qua đi, Trương Phi mới phần nào bình tâm lại, suy nghĩ mọi vấn đề của câu
chuyện, hỏi kĩ tên lính cùng hai người chị dâu của mình, lúc bấy giờ, hắn mới thực tin Quan
Vũ, “rỏ nước mắt khóc, thụp lạy Vân Trường”. Có thể nói, Trương Phi là một người tướng
dũng mãnh, nóng nảy, nhưng lại cương trực, hắn biết nhận ra sai lầm, biết sửa sai và phục
thiện. Còn Quan Vũ đã chứng tỏ mình là một bậc đại trượng phu không chỉ có tài năng hơn
người mà khí phách cũng vô cùng bất khuất.

Hồi trống Cổ thành kết thúc nhưng dư âm trong lòng người đọc chúng ta còn lại vô cùng
mạnh mẽ. Hồi trống vang lên trong lòng Cổ thành như tiếng trống của sự thử thách tấm lòng
trung kiên, sự minh oan và sự đoàn tụ. Đặt tên là Hồi trống Cổ thành vừa gợi lên không khí
trận mạc, gợi lên mâu thuẫn giữa hai người anh em Trương Phi và Quan Công, giữa Quan
Công và Sái Dương, đó là những mâu thuẫn vừa gay gắt, vừa là điểm chính, là nút thắt đẩy
câu chuyện lên cao trào. Hồi trống ấy gióng lên với điều kiện của Trương Phi, vừa là quan tòa
phán xét Quan Vũ, buộc Quan Vũ phải chém đầu Sái Dương trong thời gian nhanh nhất, nó
cũng thúc đẩy khát vọng minh oan của Quan Vũ và khiến hắn có thêm sức mạnh để tỏ bày tấm
lòng của mình. Cuối cùng, hồi trống đó là không khí hào hùng của chiến trận, thúc giục tinh
thần, sĩ khí chiến đấu, vừa ngợi ca khí phách của những người anh hùng, ca ngợi sự chiến
thắng, niềm tin vào họ.

Về phần nghệ thuật, La Quán Trung đã vô cùng xuất sắc khi xây dựng lên những hình tượng
nhân vật điển hình, mang tính biểu tượng vô cùng lớn. Ông cũng không trực tiếp bộc lộ tính
cách nhân vật mà xây dựng nó qua cử chỉ, lời nói, hành động của từng người. Nghệ thuật kể
chuyện theo tiểu thuyết chương hồi được tác giả sử dụng triệt để, xây dựng tình huống truyện
với những xung đột kịch tính, tạo nên sức hấp dẫn vô cùng lớn cho người đọc.

Đoạn trích Hồi trống Cổ thành đem lại cho người đọc chúng ta thật nhiều cảm xúc. Không chỉ
là sự hồi hộp chờ đợi sự minh oan của Quan Công, những hành động của Trương Phi mà còn
cho chúng ta những âm hưởng của tình nghĩa huynh đệ gắn kết. Tam Quốc Diễn Nghĩa nói
chung và đoạn trích Hồi trống Cổ thành nói riêng quả thực là tác phẩm vô cùng xuất sắc, xứng
đáng là một trong tứ đại danh tác nổi tiếng nhất của Trung Hoa.

You might also like