You are on page 1of 5

Tập San ĐN&CL Số 8

DẠY VÀ HỌC TIẾNG VIỆT


Từ lý thuyết đến thực hành

Áp Dụng ‘Khu Vực Phát Triển Lân Cận’ Của Lý Thuyết


Lev Vygotsky Trong Giảng Dạy Tiếng Việt
Bích Ngọc

I. Dẫn Nhập
Có rất nhiều lý thuyết về giáo dục được áp dụng trong giảng dạy. Tùy theo kinh nghiệm, kiến thức,
và niềm tin của người giảng viên, việc quyết định sử dụng lý thuyết nào và cách đưa lý thuyết đó
vào thực tế để điều hành lớp học, thể hiện rõ ‘triết lý’ cá nhân (individualism in philosophy) của
người giảng viên đó nhằm giúp học sinh, trong một thời gian có giới hạn của buổi học, đạt được kết
quả là tiếp thu nội dung, thông tin và kiến thức một cách hiệu quả nhất những gì người giảng viên
mong muốn
Bài viết này giới hạn trong việc tìm hiểu một số nội dung cơ bản của lý thuyết mang tên Lev
Vygotsky, một nhà giáo dục, xã hội học nổi tiếng người Nga; bài viết cũng bàn đến cách ứng dụng
lý thuyết của Lev Vygotsky vào thực tế, một số mặt mạnh và yếu của nó trong thực hành giảng dạy
Tiếng Việt cho học sinh Việt Nam tại hải ngoại.
Lý thuyết của Lev Vygotsky đã được áp dụng rất có hiệu quả tại Nga vào những năm đầu thế kỷ
XX, nhưng mãi tới giữa những năm 1980 của thế kỷ XX, nó mới được biết đến, xem xét kỹ lưỡng,
nghiên cứu và áp dụng trong lãnh vực giáo dục ở các nước phương Tây như Hoa Kỳ, Canada, Đức,
Úc, v.v.. Đã có rất nhiều nhà giáo dục và xã hội học trên khắp thế giới có xu hướng đem lý thuyết
của Lev Vygotsky áp dụng vào lãnh vực mà họ đang thực hành và đã đạt được những kết quả rất tốt.
Theo Churchill và các đồng sự (2011), lý thuyết của Lev Vygotsky vẫn đang tiếp tục có ảnh hưởng
rất lớn và sâu rộng trong nền giáo dục hiện đại ngày nay.
II. Các Yếu Tố Cơ Bản
Lý thuyết của Vygotsky tập trung vào mối quan hệ ràng buộc giữa những con người với hoàn cảnh văn hóa
xã hội xung quanh họ (Marsh, 2010). Dạy và học các ngôn ngữ nói chung, tiếng Việt nói riêng, hoàn
toàn chịu ảnh hưởng sâu nặng và dựa trên mối quan hệ, tương tác giữa hoàn cảnh văn hóa xã hội
với con người, như đã đề cập ở trên. Đó là các mối quan hệ giữa các phụ huynh với các giáo viên,
giữa giáo viên với các học sinh, giữa nhà trường và gia đình, cộng đồng, v. v. Các nhà giáo dục chọn
khái niệm ‘nâng đỡ’ (scaffolding) để hướng dẫn học viên mỗi khi truyền đạt những kiến thức và các
kỹ năng mới cho người học. Theo lý thuyết giáo dục, khái niệm về Khu vực Phát triển Lân cận
(Zone of Proximal Development – ZPD) của Lev Vygotsky được ứng dụng rất rộng rãi. ‘Nâng đỡ‘là
khái niệm rất gần gũi với ZPD, đó là đông lực chính yếu về mức độ trợ giúp tương hợp với tiềm
năng nhận thức của mỗi người.

1
Áp Dụng ‘Khu Vực Phát Triển Lân Cận’ Của Lý Thuyết Lev Vygotsky

Theo lý thuyết Khu vực Phát triển Lân cận, nằm trong miền ZPD, người học được trợ giúp bằng
nhiều cách khác nhau để đạt tới mục tiêu. ‘Nâng đỡ’ được hiểu là quá trình mà những người có
nhiều kiến thức hơn, ví dụ như những nhà chuyên môn, các chuyên gia,v.v, giúp đỡ hoặc truyền kiến
thức và kinh nghiệm cho những học viên chưa có kiến thức đó hoặc ít kiến thức hơn, hiểu ra được
vấn đề mà những học viên này đang học hoặc muốn tìm hiểu.
Tương tác văn hóa xã hội rất cần thiết cho sự thành công trong việc giảng dạy ngôn ngữ. Đối với
việc giảng dạy Tiếng Việt cho học sinh Việt Nam tại Úc, sự hiểu biết về văn hóa Việt Nam trong xã
hội Úc là yếu tố rất quan trọng để người giáo viên truyền tải kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ về văn
hóa, lịch sử, v.v. tới các học sinh với hiểu quả cao. Chính sách xã hội đa văn hóa ở Úc hiện nay, tạo
điều kiện cho phép các giáo viên, học sinh, và các học viên có nhiều cơ hội giao tiếp với nhiều nền
văn hóa khác nhau trên thế giới ở ngay trong nước Úc . Các thành viên tại các gia đình và các
trường học có nhiều khả năng mở rộng tầm nhìn và lòng bao dung hơn trong việc thiết lập, vun
trồng sự hiểu biết xã hội lẫn nhau, và giúp đỡ các thành viên trong cộng đồng mình tôn trọng bản
sắc văn hóa khác biệt của các cộng đồng khác (GCIR, 2012).
Hiểu lý thuyết về Khu vực Phát triển Lân cận để áp dung trong giảng dạy Tiếng Việt sẽ giúp
người giáo viên sử dụng các thông tin, tài liệu nhằm giúp học sinh của mình biết được bản chất tự
nhiên của môn học Tiếng Việt. Lev Vygotsky cho rằng tác động của xã hội đóng vai trò nền móng
trong quá trình phát triển nhận thức, và việc ‘nâng đỡ’ trong các hoạt động xã hội là yếu tố quyết
định trong việc phát triển nhận thức của học sinh.
Điều này có nghĩa là: Khi giảng dạy Tiếng Việt, người giáo viên phải biết trình độ hiện tại của học
sinh mình đang nằm ở vùng nào trong mô hình của Khu vực Phát triển Lân cận. Nếu bài giảng trên
lớp được chuẩn bị sơ xài, quá đơn giản, học sinh sẽ cảm thấy quá dễ, gây nhàm chán và không thích
học môn Tiếng Việt. Ngược lại, nếu giáo viên chuẩn bị bài giảng quá khó so với khả năng nhận thức
của học sinh, sẽ đem đến cho các em cảm giác nản lòng, dễ thoái lui vì nghĩ mình không đủ khả
năng để học tới, bởi vì Tiếng Việt là môn học không bắt buộc nên các em dễ có ý định bỏ học.
Nhiệm vụ ‘nâng đỡ’ của người giáo viên Tiếng Việt là kéo các em vào Khu vực Phát triển Lân cận,

2
Tập San ĐN&CL Số 8

trong khu vực này, các em được học với môi trường hứng khởi, phù hợp với năng lực của các em;
bài học không quá dễ để bị xem là tẻ nhạt, cũng không quá khó khiến cho các em nản lòng, thối chí.

Một ví dụ thực tế minh họa áp dụng lý thuyết ‘nâng đỡ’ của Lev Vygotsky trong việc hướng dẫn
học sinh tham gia thi ‘Nói Chuyện trước Công chúng – Public Speaking’ ngày 18/11/2012 tại trường
Việt ngữ Bankstown. Với đề tài ‘Ngày ANZAC’; vì sanh ra và lớn lên ở Úc, một số em học sinh
trung học có thể có kiến thức để thi bằng Tiếng Anh một cách dễ dàng, nhưng để diễn đạt bằng
Tiếng Việt quả là một khó khăn rất lớn đối với hầu hết các em đang ở trình độ lớp 7 và 8 môn Tiếng
Việt. Một số em chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi nào như vậy do nhà trường tổ chức hằng năm.
Trong trường hợp này, giáo viên ‘nâng đỡ’ các em bằng cách hướng dẫn chi tiết một bài ‘mẫu’ và
hướng dẫn cho các em làm theo. Nhiệm vụ của các em là tìm hiểu thêm tài liệu qua các nguồn sẵn
có như hỏi thêm kiến thức từ cha mẹ, hoặc tìm kiếm thêm thông tin trên các trang mạng, sách báo,
tạp chí, v.v.. Tất cả các học sinh được khuyến khích cùng tham gia cuộc thi và như vậy mỗi em chỉ
dự một phần nhỏ trong bài thi chung, vừa hợp với năng lực của từng em, tạo cho các em niềm tin
rằng mình có khả năng để đi dự thi đợt này. Thực tế là, ngay trước cuộc thi diễn ra, tất cả các em
đều ‘hồi hộp’ tập dợt cho bài nói của mình một cách có ‘ý thức trách nhiệm’ với cả lớp. Kết quả
thăm dò ý kiến cho thấy sau cuộc thi, các em có cảm giác tự tin hơn về khả năng Tiếng Việt của
mình nhất là các em chưa hề tham gia thi trước đây, rằng thi nói Tiếng Việt không tới mức quá khó
và buồn tẻ như các em vẫn nghĩ.
Như đã nêu ra, một trong những nguyên tắc cơ bản của lý thuyết Lev Vygotsky là mối tương tác văn
hóa xã hội. Yếu tố này là thiết yếu và cần phải được xem xét thật cẩn thận mỗi khi người giáo viên
chuẩn bị công việc ‘nâng đỡ’ trong giảng dạy và truyền tải kiến thức cho học sinh. Theo Vygotsky,
mối tương tác văn hóa xã hội rất quan trọng; cùng với ‘triết lý cá nhân’ của mình, người giáo viên
có tác động rất lớn đến người học, tới mức hình ảnh và tư tưởng của người giáo viên này có thể ảnh
hưởng mạnh mẽ và để lại ấn tượng rất lâu dài trong ký ức của học sinh, nhiều khi có thể làm thay
đổi lối suy nghĩ cũng như thái độ học tập của người học.
Cairney (1995) đồng ý với Lev Vygotsky rằng các quá trình xử lý bậc cao (higher order processes)
như biết viết, biết đọc, v.v., chỉ có thể đạt được ở giai đoạn đầu thông qua sự tương tác lẫn nhau
[giữa con người với con người trong môi trường văn hóa xã hội], rồi ở các giai đoạn sau đó sẽ hình

3
Áp Dụng ‘Khu Vực Phát Triển Lân Cận’ Của Lý Thuyết Lev Vygotsky

thành và đưa đến khả năng độc lập. Xử dụng các từ khóa và thuật ngữ khi dạy Tiếng Việt thông qua
việc đối thoại qua lại giữa giáo viên và học sinh trong phạm vi giao tiếp xã hội sẽ giúp học sinh luôn
nằm trong Khu vực Phát triển Lân cận, và do đó việc học sẽ luôn có hiệu quả. Dần dà, giáo viên
‘nâng đỡ’ học sinh tiến lên mức cao hơn nhưng vẫn trong phạm vi của Khu vực Phát triển Lân cận.
Thực hành được như vậy, học sinh sẽ luôn được tiếp thêm nguồn cảm hứng và tăng cường kiến thức
trước khi bước qua giai đoạn làm việc và học tập hoàn toàn độc lập. Trên thực tế, với quan điểm
‘học suốt đời’ (lifelong learning), đối với từng cá nhân, Khu vực Phát triển Lân cận vẫn luôn giữ vai
trò rất quan trọng.
III. Ảnh hưởng của việc ứng dụng lý thuyết của Lev Vygotsky trong giảng dạy Tiếng Việt tại
các trường ngôn ngữ cộng đồng ở Úc.
Có những hạn chế khi áp dụng ‘nâng đỡ’ trong giảng dạy Tiếng Việt ở các trường ngôn ngữ cộng
đồng tại Úc. Lý do chính là vì việc này tiêu tốn nhiều thời gian và công sức của giáo viên. Không kể
đến các giáo viên dạy Tiếng Việt trong các trường chính mạch (mainstream schools), tất cả các giáo
viên cộng đồng đều là những người làm việc trên cơ sở thiện nguyện, họ không hưởng các ‘tiêu
chuẩn’ như những giáo viên trong các trường thuộc hệ thống chính mạch. Vì lý do yêu nghề dạy
học, việc dành ra vài giờ mỗi tuần đứng lớp cũng đã là những đóng góp và hy sinh một phần quỹ
thời gian của gia đình cho công việc xã hội của họ. Trong khi đó, yêu cầu để áp dụng thành công lý
thuyết ‘nâng đỡ’ rất công phu, trong nhiều trường hợp, khi có nhiều nhu cầu cần phải ‘nâng đỡ’, thì
nguồn (resources) cung cấp của giáo viên không đủ để đáp ứng lại nhu cầu này. Công việc ‘nâng đỡ’
có hiệu quả đòi hỏi người giáo viên hiến dâng tình thương yêu, lòng tận tụy, đồng cảm một cách
kiên trì, liên tục, đều đặn và bất vụ lợi tới cho học sinh, mà điều này không phải tất cả các giáo viên
đang giảng dạy thiện nguyện đều làm được ở mức độ chất lượng cao, do các nguyên nhân ở trên.
Tuy vậy, có rất nhiều lợi điểm to lớn khi áp dụng lý thuyết ‘nâng đỡ’, khiến cho những bất lợi nêu ở
phần trên trở nên không đáng kể. Đó là, khi ‘nâng đỡ’, người giáo viên cung cấp những hướng dẫn
rất rõ ràng dẫn dắt cho học sinh hướng đi đúng đắn trong học tập, giảm thiểu những khó chịu, ảnh
hưởng không tốt về tâm lý và ý nghĩ bỏ học của học sinh. Với sự ‘nâng đỡ’ của giáo viên, giúp phát
hiện và điều chỉnh những sai phạm có thể mắc phải ngay ở giai đoạn đầu của học sinh, điều này giúp
ngăn chặn những thói quen xấu có thể xảy ra như trốn học, bỏ học, thái độ cư xử không tốt với bạn
bè, thầy cô,v.v... Và điều quan trọng trên hết, là học sinh dần dần đạt tới mục tiêu của môn học đó là
các em học và hiểu văn hóa Việt nam, lễ phép, hiếu thảo với cha mẹ ông bà, thành công trong học
vấn, gia đình hạnh phúc, lợi lộc cho chính các em, phụ huynh, cộng đồng và xã hội. ‘Nâng đỡ’ trong
dạy và học Tiếng Việt trở thành kinh nghiệm học hỏi lẫn nhau cho cả thày và trò. Áp dụng lý thuyết
‘nâng đỡ’, việc giảng dạy Tiếng Việt không chỉ đơn thuần cung cấp kiến thức về ngôn ngữ Tiếng
Việt, điều căn bản hơn, nó trang bị giúp học sinh tích lũy kinh nghiệm thực tế xã hội và văn hóa của
người Việt, trong môi trường đa văn hóa của Úc.
IV. Kết luận
Ứng dụng ‘nâng đỡ’ của lý thuyết của Vygotsky hứa hẹn sự thành công khác biệt trong giảng dạy
môn Tiếng Việt. Nó không những là một công cụ mang phương pháp sư phạm rất tích cực, mà còn
tạo ra một môi trường văn hóa xã hội lành mạnh trong học tập cho các em học sinh. Hiểu lý thuyết
của Lev Vygotsky, và không ngừng nâng cao kiến thức sẽ giúp công việc giảng dạy Việt ngữ tại các
trường ngôn ngữ cộng đồng giữ được vị trí và lợi thế cạnh tranh trong nền giáo dục hiện đại toàn
cầu

4
Tập San ĐN&CL Số 8

Tài Liệu Tham Khảo


Cairney, T (1995). Pathways to literacy. London: Cassell, pp 34-40. Retrieved 19 April 2012 from
http://www.trevorcairney.com/Trevor_Cairney/Scaffolding_in_action.html
Churchill, R., Ferguson, P., Godinho, S., Johnson, N. F., Keddie, A., Letts, W., ….Vick, M. (2011).
Teaching–Making a difference. Australia-Wiley.John Wiley & Sons Australia, Ltd.
GCIR(2012). Social and Cultural Interaction. Grantmakers Concerned with Immigrants and refugees.
Retrieved 24 April 2012 from http://www.gcir.org/integration/social
Marsh, C., (2010) 5th edition. Becoming a Teacher: Knowledge, Skills and Issues. Frenchs Forest, Australia.
Pearson Education. Victoria Department of Education and Early Childhood Development (2012).
Scaffolding: theory. Retrieved 20 April 2012 from
http://www.education.vic.gov.au/studentlearning/teachingresources/english/literacy/concepts/2kczpdl56.htm

You might also like