You are on page 1of 7

CHƯƠNG I

KHÁI NIỆM, ĐỐI TƯỢNG, PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ


Ý NGHĨA HỌC TẬP MÔN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

I. KHÁI NIỆM TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH


- Đại hội đại biểu toàn quốc lần XI của Đảng (2011) nêu khái niệm tư tưởng
Hồ Chí Minh như sau: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện
và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận
dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta,
kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa
văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc
ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”.
- Phân tích khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh:
+ Bản chất cách mạng, khoa học của tư tưởng Hồ Chi Minh: đó là hệ thống
các quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt
Nam, từ đó phản ánh những vấn đề có tính qui luật của cách mạng Việt Nam.
+ Cơ sở lý luận của tư tưởng Hồ Chí Minh: đó là chủ nghĩa Mác – Lênin, giá
trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tinh hoa văn hóa của nhân loại.
+ Ý nghĩa của tư tưởng Hồ Chí Minh: là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và
quý giá của Đảng và dân tộc ta
II. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU MÔN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
Đối tượng nghiên cứu của môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống các
quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam.
Nó được thể hiện thông qua:
+ Các bài nói, bài viết của Người
+ Qua quá trình hoạt động, lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Hồ Chí Minh
+ Sự vận dung sáng tạo và phát triển hệ thống quan điểm Hồ Chí Minh của
Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam
Như vậy, đối tượng của môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là bản
thân hệ thống các quan điểm, quan niệm được thể hiện trong toàn bộ di sản Hồ Chí
Minh mà còn là quá trình vận động hiện thực hóa các quan điểm lý luận đó trong
thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đó là quá trình mang tính quy luật bao gồm hai
mặt thống nhất biện chứng: sản sinh tư tưởng và hiện thực hóa tư tưởng theo các
mục tiêu độc lập dân tộc, dân chủ, chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc, giải phóng
giai cấp, giải phóng con người
III. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 
Khái niệm  Phương pháp nghiên cứu:
Theo từ  điển Tiếng Việt thì phương pháp nghiên cứu là  môt tập hợp những
cách thức, biện pháp, thao tác… được nhà nghiên cứu lựa chọn sử dụng để khai
thác, thu thập thông tin về đối tượng nghiên cứu, xử lý thông tin nhằm làm rõ
những tri thức về đối tượng nghiên cứu (từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2008).
Phương pháp nghiên cứu vừa là sản phẩm vừa là công cụ của hoạt động
nghiên cứu khoa học (Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2008).
1. Phương pháp luận của việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh
Phương pháp luận là lý luận về phương pháp, là hệ thống quan điểm, các
nguyên tắc chỉ đạo con người tìm tòi, xây dựng, lựa chọn và vận dụng các phương
pháp trong nhận thức và thực tiễn.
Muốn nghiên cứu, giảng dạy, học tập tốt môn tư tưởng Hồ Chí Minh, trước
hết phải quán triệt, nắm vững phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác -
Lênin và bản thân các quan điểm có giá trị phương pháp luận của Hồ Chí Minh,
đặc biệt là phải nắm vững các nguyên lý triết học Mác - Lênin. Khi nghiên cứu,
học tập tư tưởng Hồ Chí Minh cần nắm vững một số nguyên tắc  phương pháp luận
sau:  
a. Thống nhất nguyên tắc tính đảng và tính khoa học
- Tính Đảng: nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh phải đứng trên lập trường,
quan điểm, phương pháp luận chủ nghĩa Mác - Lênin và quan điểm, đường lối của
Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Tính khoa học: nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh phải bảo đảm tính khách
quan khi phân tích, lý giải và đánh giá tư tưởng Hồ Chí Minh, tránh việc áp đặt,
cường điệu hóa hoặc hiện đại hóa hay đơn giản hóa tư tưởng của Người. Đây là
yêu cầu và đòi hỏi rất cao trong nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, có như vậy mới
đảm bảo được tính khoa học. 
Tính Đảng và tính khoa học thống nhất với nhau trong sự  phản ánh trung
thực, khách quan tư tưởng Hồ Chí Minh trên cơ sở lập trường, phương pháp luận
và định hướng chính trị. 
 b. Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn
- Trong cuộc  đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh đều bám sát
thực tiễn cách mạng dân tộc và thế giới, luôn lấy thực tiễn Việt Nam làm điểm xuất
phát, coi trọng tổng kết thực tiễn. Người cho rằng đây là biện pháp không chỉ nâng
cao năng lực hoạt động thực tiễn mà còn là điều kiện để nâng cao trình độ lý luận,
từ thực tiễn Hồ Chí Minh tổng kết, bổ sung để hoàn chỉnh và phát triển những quan
điểm và quân niệm trong hệ thống tư tưởng của Người.
- Hồ  Chí Minh đặc biệt coi trọng việc kết hợp lý luận với thực tiễn, lời nói
đi đôi với việc làm. Người khẳng định: “Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì
thành thực tiễn mù quáng, dễ mắc bệnh chủ quan, duy ý chí; lý luận mà không liên
hệ với thực tiễn là lý luận suông”. Trung thành với nguyên lý này, Hồ Chí Minh đã
vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam để đề ra cương
lĩnh, đường lối cách mạng đúng đắn cho dân tộc Việt Nam.
Nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh cần phải quán triệt quan điểm
lý luận gắn liền với thực tiễn, học đi đôi với hành, phải biết vận dụng những kiến
thức đã học vào cuộc sống thực tiễn, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của dân
tộc.
Vì vậy, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh là dựa trên những
quan điểm, tư tưởng của Người và dựa trên hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam chứ
không phải học tập một cách máy móc, giáo điều.
c. Quan điểm lịch sử - cụ  thể
Cùng với chủ nghĩa duy vật biện chứng, khi nghiên cứu, học tập tư tưởng
Hồ Chí Minh cần vận dụng chủ nghĩa duy vật lịch sử. 
- Trong nghiên cứu khoa học, theo Lê nin, chúng ta không được quên mối
liên hệ lịch sử căn bản, nghĩa là phải xem xét một hiện tượng nhất định đã xuất
hiện trong lịch sử như thế nào, hiện tượng đó đã trải qua những giai đoạn phát triển
chủ yếu nào và đứng trên quan điểm của sự phát triển đó để xem xét hiện nay nó
đã trở thành như thế nào?
- Nắm vững quan điểm này giúp chúng ta hiểu được bản chất tư tưởng Hồ 
Chí Minh. Thấy được tư tưởng của Người mang đậm dấu ấn của quá trình phát
triển lịch sử, quá trình phát triển sáng tạo. Vì  vậy, khi nghiên cứu tư tưởng
Hồ Chí Minh, cần đặt những quan điểm, luận điểm của Người vào một hoàn cảnh
lịch sử cụ thể nhất định. Để nhận thức và vận dụng luận điểm nào đó phải đặt nó
trong bối cảnh lịch sử cụ thể: Người nói, Người viết trong hoàn cảnh nào? Lúc
nào? Với ai? Nhằm mục đích gì?... để không dẫn đến những suy diễn hay quy kết
sai lệch tư tưởng Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, ở Hồ Chí Minh luôn luôn thống nhất giữa lời nói và việc làm,
có khi làm nhiều hơn nói. Vì vậy, những quan điểm của Hồ Chí Minh còn phải
được tìm trong cuộc sống, trong những việc làm cụ thể diễn ra trong một không
gian và thời gian nhất định, nếu thoát ly khỏi hoàn cảnh lịch sử thì chúng ta không
thể vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh một cách đúng đắn và có hiệu
quả.
- Tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của một thời kỳ lịch
sử cụ thể nên cũng chịu sự chế ước của chính bản thân điều kiện lịch sử đó. Có
những vấn đề Hồ Chí Minh chưa kịp đề cập, có những vấn đề Hồ Chí Minh đề cập
nhưng đã bị thực tiễn vượt qua. Ví dụ như trong tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế:
có người nói rằng tư tưởng Hồ Chí Minh về nông nghiệp, coi trọng nông nghiệp và
hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp là không đúng đắn, nhưng chúng ta phải
nhìn nhận điều kiện lịch sử mà Hồ Chí Minh đề cập đến những tư tưởng đó là lúc
mà đất nước đang có chiến tranh, gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy chúng ta cần coi
trọng nông nghiệp, cần có phương thức tổ chức sản xuất phù hợp với hoàn cảnh
thời chiến: sản xuất tập thể; cũng có những tư tưởng mà lúc sinh thời chỉ mới được
Hồ Chí Minh gợi ra, chưa có điều kiện đi sâu vào lý giải và áp dụng vào thực tiễn
như là áp dụng nền kinh tế nhiều thành phần. Do đó, tư tưởng Hồ Chí Minh cần
phải được bảo vệ và phát triển trong những điều kiện mới.   
d. Quan điểm toàn diện và hệ  thống
- Nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh phải quán triệt nguyên tắc quan
điểm toàn diện và hệ thống vì Lênin đã từng khẳng định: Muốn thực sự hiểu được
sự vật, cần phải nhìn bao quát và nghiên cứu tất cả các mặt, tất cả mối liên hệ và
“quan hệ gián tiếp” của sự vật đó. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan
điểm toàn diện và sâu sắc về cách mạng Việt Nam. Vì vậy, khi nghiên cứu cần
nắm vững và đầy đủ hệ thống các quan điểm của Người.
- Quán triệt nguyên tắc này trong nghiên cứu, học tập tư tưởng
Hồ Chí Minh, chúng ta cần  phải xem xét mối liên hệ qua lại giữa các yếu tố, các
bộ phận (các quan điểm, luận điểm) trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh một
cách tổng thể, toàn diện và hệ thống, mà hạt nhân cốt lõi của hệ thống tư tưởng đó
là tư tưởng độc lập, tự do, dân chủ và chủ nghĩa xã hội;
- Cần nắm vững và đầy đủ hệ thống các quan điểm của Hồ Chí Minh trên tất
cả các lĩnh vực, không nên biệt lập từng quan điểm, cắt khúc quan điểm đó một
cách siêu hình, nếu tách rời một yếu tố (một quan điểm, luận điểm) nào đó sẽ dẫn
đến việc hiểu sai tư tưởng Hồ Chí Minh 
e. Quan điểm kế thừa và phát triển
Nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh đòi hỏi không chỉ biết kế thừa, vận
dụng mà còn phải biết phát triển sáng tạo tư tưởng của Người trong điều kiện lịch sử
mới, trong bối cảnh cụ thể của đất nước và thế giới.  
- Không nên quan niệm việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí  Minh đã xong
xuôi, hoàn chỉnh mà cần nhận thức trong toàn bộ di sản tư tưởng Hồ Chí Minh còn
nhiều nội dung tư tưởng cần được nghiên cứu, làm rõ và đặc biệt là vận dụng nó
vào thực tiễn cuộc sống sinh động có như vậy thì tư tưởng Hồ Chí Minh mới luôn
luôn có sức sống, đây cũng chính là biểu hiện của sự phát triển tư tưởng của Người
trong thời đại mới.
- Hơn nữa, hiện nay, thực tiễn và thế giới có nhiều điều khác so với thời
kỳ Hồ Chí Minh còn sống. Vì vậy, cần vận dụng tinh thần và phương pháp của
Người để suy nghĩ giải quyết, nghĩa là  phải kế thừa, vận dụng và phát triển theo
định hướng sau đây:
+ Kế  thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh phải giữ đúng nguyên tắc,
đúng mục đích, giữ vững mục tiêu chiến lược nhưng linh hoạt về sách lược thể
hiện qua toàn bộ tư tưởng của Người, tránh giáo điều, máy móc.
+ Vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh là vận dụng phương pháp
của Hồ Chí Minh để tiếp tục nhận thức và hành động đúng quy luật, giải quyết
những vấn đề mới, cần được bổ sung và phát triển trong sự nghiệp đổi mới.  
2. Một số phương pháp cụ thể
Các phương pháp trong nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh:
- Phương pháp lịch sử và logic: Là phương pháp nghiên cứu sự vật, hiện
tượng theo trình tự thời gian, quá trình phát sinh, phát triển, kết quả của nó và
nghiên cứu một cách tổng quát nhằm tìm ra được bản chất vốn có của sự vật hiện
tượng và khái quát thành lý luận.
- Các phương pháp phân tích văn bản kết hợp với nghiên cứu hoạt động thực
tiễn của Hồ Chí Minh
- Phương pháp chuyên ngành, liên ngành: Tư tưởng Hồ Chí Minh là  một
hệ thống, bao quát nhiều lĩnh vực, có đối tượng nghiên cứu đa dạng và phong phú.
Vì  vậy, cần phải áp dụng các phương pháp liên ngành Khoa học Xã hội và Nhân
văn, lý luận chính trị để nghiên cứu hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như mỗi
tác phẩm lý luận riêng biệt của Người.
IV. Ý NGHĨA CỦA VIỆC HỌC TẬP MÔN HỌC  TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ
MINH
1. Góp phần nâng cao năng lực tư duy lý  luận
- Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách
mạng Việt Nam.
- Bồi dưỡng lập trường quan điểm cách mạng trên nền tảng của chủ nghĩa
Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
- Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH.
2. Giáo dục và thực hành đạo đức cách mạng, củng cố niềm tin khoa học
gắn liền với trau dồi tình cảm cách mạng, bồi dưỡng lòng yêu nước
- Giáo dục  đạo đức, tư cách, phẩm chất cách mạng, nâng cao lòng tự hào
về Hồ Chí Minh, về Đảng Cộng sản Việt Nam, từ đó mỗi sinh viên tự nguyện “sống,
chiến đấu, lao động, học tập theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại”.
- Trên cơ sở kiến thức đã được học, giúp sinh viên biết vận dụng vào cuộc
sống, từ đó mà tích cực tu dưỡng, rèn luyện bản thân, quyết tâm hoàn thành tốt
chức trách của mình, đóng góp thiết thực và hiệu quả cho sự nghiệp đổi mới của
đất nước.
- Trang bị cho sinh viên trí tuệ và phương pháp tư  duy biện chứng để các
em trở thành những người vừa “hồng” vừa “chuyên”, đóng góp sức mình trong
sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Tổ quốc.
3. Xây dựng, rèn luyện phương pháp và phong cách công tác
- Giúp người học có thể vận dụng phong cách tư duy, phong cách diễn đạt,
phong cách làm việc, phong cách ứng xử, phong cách sinh hoạt, v.v. phù hợp từng
lúc, từng nơi theo phương châm mà Hồ Chí Minh đã nêu: “Dĩ bất biến ứng vạn
biến”.

You might also like