You are on page 1of 7

PHẦN MỞ ĐẦU

Nền kinh tế thị trường là nền kinh tế hàng hoá phát triển ở trình độ cao. Quy luật
cạnh tranh là quy luật kinh tế nói lên mối quan hệ cạnh tranh tất yếu giữa những chủ thể
trong quá trình sản xuất và trao đổi hàng hoá. Như P.Samuelson từng nói: “Với các
nguồn lực và công nghệ cho trước của xã hội, ngay cả những nhà lập kế hoạch thành thạo
nhất hoặc một chương trình tái tổ chức thông minh nhất cũng không tìm ra được một giải
pháp tốt hơn so với thị trường cạnh tranh”. Vì vậy, chúng ta cần tìm hiểu kĩ lý luận về
cạnh tranh và tác động tích cực của cạnh tranh và tiêu cực của độc quyền đối với nền
kinh tế thị trường. Từ đó, cần liên hệ với thực trạng thực tế hiện nay của nước ta và tìm ra
những giải pháp cải thiện để đưa kinh tế nước nhà phát triển.
Để có một môi trường cạnh tranh lành mạnh và kiếm soát độc quyền có hiệu quả
đang là vấn đề quan trọng được đặt ra với thực trạng hiện nay của nước ta. Chính vì vậy,
em đã chọn đề tài về cạnh tranh và độc quyền cho bài tập lớn môn học.
Mong cô sẽ có những nhận xét để bài tiểu luận của em hoàn thiện hơn. Em xin chân
thành cảm ơn!

1
PHẦN NỘI DUNG
I. Những vấn đề lí luận chung.
1. Cạnh tranh.
Cạnh tranh là sự ganh đua, sự đấu tranh về kinh tế giữa những chủ thể trong sản xuất
kinh doanh nhằm giành giật những điều kiện thuận lợi trong sản xuất, tiêu thụ hoặc tiêu
dùng hàng hoá để thu nhiều lợi ích nhất cho mình. Kinh tế thị trường càng phát triển,
cạnh tranh trên thị trường càng gay gắt, quyết liệt hơn. Cạnh tranh là một hoạt động chủ
yếu, tất yếu của mỗi chủ thể kinh tế trên thị trường nhằm bảo đảm sự tồn tại và phát triển
của mình với mục đích tối đa hoá lợi ích, chống lại hoạt động của đối thủ cạnh tranh.
2. Lí do cần duy trì sự cạnh tranh và hạn chế độc quyền.
Duy trì sự cạnh tranh:
Thứ nhất, cạnh tranh thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất. Trong nền kinh tế
thị trường, để nâng cao năng lực cạnh tranh, các chủ thể sản xuất kinh doanh không
ngừng tìm kiếm và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kéo theo sự
trao đổi trình độ tay nghề, tri thức. Kết quả làm thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển
nhanh hơn.
Thứ hai, cạnh tranh thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Trong nền kinh
tế thị trường, mọi hành vi của mọi chủ thể kinh tế đều hoạt động trong môi trường cạnh
tranh và nhằm mục đích lợi nhuận tối đa, muốn vậy ngoài việc hợp tác, họ cũng cạnh
tranh với nhau để có những điều kiện thuận lợi trong sản xuất và kinh doanh để thu được
lợi nhuận cao nhất. Qua đó, nền kinh tế thị trường không ngừng được hoàn thiện hơn.
Thứ ba, cạnh tranh là cơ chế điều chỉnh linh hoạt việc phân bổ các nguồn lực. Nền
kinh tế thị trường đòi hỏi tiếp cận các nguồn lực phải trên nguyên tắc cạnh tranh để phân
bổ vào chủ thể có thể sử dụng hiệu quả hơn cả. Theo đó, các chủ thể sản xuất kinh doanh
phải cạnh tranh để được cơ hội sử dụng các nguồn lực để phục vụ cho sản xuất kinh
doanh.
Thứ tư, cạnh tranh thúc đẩy năng lực thỏa mãn nhu cầu của xã hội. Trong nền kinh tế
thị trường, mục đích của các chủ thể kinh tế là lợi nhuận cao nhất mà chỉ có những sản
phẩm hàng hóa và dịch vụ mà người tiêu dùng lựa chọn thì mới bán được và do đó người
sản xuất mới có lợi nhuận. Vì vậy, những người sản xuất phải tìm mọi cách thỏa mãn nhu
cầu của người tiêu dùng và xã hội.
Hạn chế độc quyền:
Thứ nhất, độc quyền xuất hiện làm cho cạnh tranh không hoàn hảo gây thiệt hại cho
người tiêu dùng và xã hội. Với sự thống trị của độc quyền và vì mục đích lợi nhuận độc
quyền cao, mặc dù độc quyền tạo ra sản xuất lớn, có thể giảm chi phí sản xuất và do đó
giảm giá cả hàng hóa, nhưng độc quyền không giảm giá, mà họ luôn áp đặt giá bàn hàng

2
hóa cao và giá mua thấp, thực hiện sự trao đổi không ngang giá, hạn chế khối lượng hàng
hóa… tạo ra sự cung cầu giả tạo về hàng hóa, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và xã hội.
Thứ hai, độc quyền có thể kìm hàm sự tiến bộ kỹ thuật, theo đó kìm hãm sự phát
triển kinh tế-xã hội. Độc quyền tập trung được các nguồn lực lớn, tạo ra khả năng nghiên
cứu, phát minh các sáng chế khoa học, kỹ thuật. Nhưng vì lợi ích độc quyền, hoạt động
nghiên cứu, phát minh, sáng chế chỉ được thực hiện khi vị thế độc quyền của chúng
không có nguy cơ bị lung lay. Do vậy, mặc dù có khả năng về nguồn lực tài chính tạo ra
trong nghiên cứu, phát minh các sáng chế khoa học, kỹ thuật, nhưng các tổ chức độc
quyền không tích cực thực hiện các công việc đó. Điều này chứng tỏ, độc quyền đã ít
nhiều kìm hãm thúc đẩy sự tiến bộ kỹ thuật, theo đó kìm hãm sự phát triển kinh tế, xã
hội.
Thứ ba, độc quyền chi phối các quan hệ kinh tế-xã hội, làm tăng sự phân hóa giàu
nghèo. Với địa vị thống trị kinh tế và mục đích lợi nhuận độc quyền cao, độc quyền có
khả năng và không ngừng bành trướng sang các lĩnh vực chính trị, xã hội, kết hợp với các
nhân viên chính phủ để thực hiện mục đích lợi ích nhóm, kết hợp với sức mạnh nhà nước
hình thành độc quyền nhà nước, chi phối cả quan hệ, đường lối đối nội, đối ngoại của
quốc gia, vì lợi ích của các tổ chức độc quyền, không vì lợi ích của đại đa số nhân dân lao
động.
Tóm lại, ở đâu có độc quyền, thiếu cạnh tranh thì ở đó trì trệ bảo thủ, kém hiệu quả vì
mất đi cơ chế có tác dụng đào thải lạc hậu, bình tuyển tiến bộ. Vì vậy, trong nền kinh tế
thị trường cần phải duy trì sự cạnh tranh và hạn chế độc quyền.
II. Liên hệ thực tiễn.
1. Sự chuyển biến trong nhận thức đối với cạnh tranh.
Trong thời bình, nền kinh tế tập trung bao cấp không còn phù hợp. Yêu cầu phát triển
xây dựng buộc chúng ta phải chuyển đổi nền kinh tế và nền kinh tế thị trường đã được áp
dụng. Nền kinh tế thị trường với quy luật cạnh tranh không có chỗ cho sự ỷ lại, trông chờ
vào trợ cấp, nó buộc các chủ thể kinh tế phải luôn hoạt động để tìm lấy vị trí tồn tại trong
nền kinh tế. Tính chất khắc nghiệt của cạnh tranh đòi hỏi nhận thức đúng đắn về cạnh
tranh. Cùng với quá trình đổi mới, cạnh tranh theo pháp luật đã dần được chấp nhận ở
nước ta như một động lực đảm bảo hiệu quả, tiến bộ xã hội, nhưng chịu sự điều tiết của
nhà nước.
2. Thực trạng cạnh tranh và độc quyền ở nước ta.
Hiện nay, việc nhận thức về cạnh tranh và độc quyền kinh doanh ở nước ta còn hạn
hẹp. Nhà nước chưa có những quy định cụ thể, những cơ quan chuyên trách theo dõi
giám sát các hành vi liên quan đến cạnh tranh và độc quyền. Tư tưởng chưa coi trọng khu
vực kinh tế tư nhân cũng ảnh hưởng không tốt đến môi trường cạnh tranh. Do những tồn
tại đấy mà thực trạng cạnh tranh và độc quyền ở Việt Nam có nhiều bất cập. Thể hiện:

3
Thứ nhất, tình trạng cạnh tranh bất bình đẳng. Các doanh nghiệp tư nhân không được
coi trọng trong khi các doanh nghiệp nhà nước được hưởng nhiều ưu đãi từ nhà nước và
tập trung trong tay một lượng lớn ngành nghề quan trọng gây thiệt hại lớn về kinh tế, sự e
ngại đầu tư vào nước ta của các công ty nước ngoài.
Thứ hai, hành vi cạnh tranh của các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp cấu kết với
nhau nhằm tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong hội, để từ đó loại bỏ các
doanh nghiệp khác bằng cách ngăn cản không cho các doanh nghiệp khác tham gia hoạt
động kinh doanh; hạn chế việc mở rộng hoạt động; tẩy chay không cung cấp sản phẩm,
dịch vụ; chèn ép các doanh nghiệp phải tham gia vào hiệp hội hoặc cho phá sản. Tồn tại
hành vi lạm dụng ưu thế của doanh nghiệp để chi phối thị trường khiến việc áp dụng các
điều kiện trong sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp yếu hơn, chi phối các
doanh nghiệp này làm hạn chế khả năng lựa chọn của người tiêu dùng, dẫn đến việc áp
đặt giá cả sản phẩm. Ngoài ra còn có các hành vi cạnh tranh không lành mạnh: quảng cáo
gian dối gây thiệt hại cho người tiêu dùng; thông đồng với cơ quan quản lí nhà nước để
cản trở hoạt động của các đối thủ,... Ví dụ: Vụ tranh chấp giữa Tổng công ty Viễn thông
quân đội (Viettel) và Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tháng
6/2005.
Thứ ba, độc quyền của một số tổng công ty. Một số tổng công ty với thế mạnh kinh
tế của mình đã kiến nghị với chính phủ thực hiện chính sách bảo hộ ngăn cản nhập khẩu,
chính sách bao cấp, lãi suất ưu đãi để duy trì vị trí độc quyền cua mình. Nhiều tổng công
ty đã thể chế hóa những ưu đãi đặc quyền của mình và đưa ra những quy định bất lợi cho
các đối thủ cạnh tranh nhằm loại bỏ các đối thủ cạnh tranh.
Với ưu thế độc quyền, nhiều công ty đã định ra những sản phẩm mà họ sản xuất tạo ra
sự bất bình đẳng giữa những người kinh doanh với nhau trên thị trường. Ví dụ: cùng một
loại hàng hóa dịch vụ tổng công ty áp đặt nhiều giá khác nhau đối với từng loại khách
hàng hoặc cụ thể như vị thế độc quyền của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) trong thị
trường truyền hình cáp với hai đơn vị trực thuộc là VCTV và VSTC trước đây đã từng lợi
dụng sự độc quyền và nhiều lần tăng cước thuê bao.
Cạnh tranh trong nội bộ tổng công ty bị hạn chế khiến hoạt động trì trệ, ỷ lại gây tốn
kém, lãng phí cho xã hội, thậm chí cản trở cạnh tranh trên thị trường.
3. Các giải pháp duy trì cạnh tranh và hạn chế độc quyền.
3.1. Nguyên nhân của những tồn tại trong cạnh tranh và hạn chế độc quyền ở Việt
Nam.
Thứ nhất, hệ thống những quy định pháp luật điều chỉnh các quan hệ liên quan đến
cạnh tranh và độc quyền chưa hoàn chỉnh, ý thức chấp hành pháp luật của mọi người và
doanh nghiệp còn chưa tốt, nên hành vi cạnh tranh không hợp thức còn tồn tại khá phổ
biến.
Thứ hai, quan điểm về vai trò của cạnh tranh và độc quyền chưa nhất quán nên nội
dung một số quy định pháp lý liên quan đến môi trường cạnh tranh còn mâu thuẫn.

4
Thứ ba, thủ tục hành chính chưa được cải thiện, đơn giản hóa kịp thời nên còn gây
nhiều phiền hà cho các nhà đầu tư và cũng tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh, làm
tăng chi phí giao dịch, giảm tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước.
Thứ tư, hệ thống thông tin còn yếu kém, chưa kịp thời cân xứng, thiếu minh bạch tạo
sự bất bình đẳng trong cơ hội kinh doanh, ảnh hưởng không tốt đến môi trường cạnh
tranh.
Thứ năm, quá trình cải cách hệ thống các doanh nghiệp Nhà nước còn chậm.
3.2. Biện pháp duy trì cạnh tranh, hạn chế độc quyền.
Cải thiện môi trường cạnh tranh là điều kiện cấp bách để tạo điều kiện cho các doanh
nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện
đại hóa trong điều kiện tự do thương mại và hội nhập kinh tế thế giới. Để duy trì cạnh
tranh và kiểm soát độc quyền, chúng ta cần phải thực hiện một số biện pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới nhận thức về cạnh tranh, phải thống nhất quan điểm đánh
giá vai trò của cạnh tranh trong nền kinh tế. Phải coi cạnh tranh trong nền kinh tế pháp
luật hợp thức là động lực của sự phát triển và nâng cao hiệu quả kinh doanh của các
doanh nghiệp. Xác định một cách rõ ràng và hợp lý vai trò của Nhà nước cũng như vai
trò chủ đạo của các doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế, hạn chế bớt những doanh
nghiệp Nhà nước độc quyền kinh doanh. Thúc đẩy nhanh quá trình cải cách doanh nghiệp
Nhà nước. Độc quyền của các doanh nghiệp Nhà nước cần phải được giảm dần, các rào
cản gỡ dần nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh chung của toàn bộ
nền kinh tế, tăng tính hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài, đồng thời giảm gánh năng cho
ngân sách quốc gia.
Việc đổi mới nhận thức cần được thể hiện trong toàn bộ hệ thống quản lý Nhà nước,
trong các chương trình và chiến lược cải cách hành chính, trong tổ chức, phong cách làm
việc hành vi ứng xử của các cơ quan công quyền. Muốn vậy thì trước tiên cần phải đưa
nội dung về cạnh tranh và độc quyền vào chương trình giáo dục của các trường đại học
thuộc khối kinh tế và kinh doanh. Đào tạo các khóa ngắn hạn, sử dụng các phương tiện
thông tin đại chúng để tuyên truyền về cạnh tranh và độc quyền.
Thứ hai, cải tổ pháp luật về cạnh tranh để cho cơ chế cạnh tranh được vận hành một
cách trôi chảy, hạn chế những hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. Nới
lỏng các điều kiện ra nhập và rút lui khỏi thị trường để khuyến khích các nhà đầu tư tham
gia sản xuất kinh doanh. Như vậy, việc hình thành nên khung pháp lý chung cho các loại
hình kinh doanh thuộc các khu vực kinh tế khác nhau là điều cần thiết.
Thứ ba, xây dựng một cơ quan chuyên trách theo dõi, giám sát các hành vi liên quan
đến cạnh tranh và độc quyền. Rà soát lại và hạn chế bớt số lượng các lĩnh vực độc quyền,
kiểm soát giám sát độc quyền chặt chẽ hơn; giám sát chặt chẽ hơn các hành vi lạm dụng
của các doanh nghiệp lớn; đổi mới chế độ chứng từ, kế toán kiểm toán để tạo điều kiện
thuận lợi cho công tác giám sát tài chính của các doanh nghiệp.

5
Thứ tư, cải thiện môi trường thông tin và pháp luật theo hướng minh bạch và kịp thời
hơn, đồng thời nhanh chóng cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho
các doanh nghiệp tham gia cạnh tranh.
Thứ năm, cần thành lập hiệp hội người tiêu dùng và kịp thời phát hiện những hành vi
cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. Bảo vệ lợi ích người tiêu dùng và cạnh tranh
là hai vấn đề liên quan mật thiết đến nhau. Ví dụ: Nhật Bản và Mỹ đều rất đề cao việc
bảo vệ người tiêu dùng với những chính sách, điều luật.
PHẦN KẾT LUẬN
Trên cơ sở phân tích khái niệm cạnh tranh và lí do cần duy trì cạnh tranh đồng thời
hạn chế độc quyền trong nền kinh tế thị trường hiện nay, chúng ta có thể thấy được vai
trò và phạm vi ảnh hưởng của cạnh tranh và mặt hại của độc quyền đối với nền kinh tế
của Việt Nam. Cạnh tranh là một quy luật, một phần của nền kinh tế thị trường và cạnh
trạnh cũng có mặt trái của nó: dẫn đến độc quyền. Tuy rằng đã có những chuyển biến
trong nhận thức về cạnh tranh, xong vấn đề cạnh tranh và độc quyền ở Việt Nam vẫn còn
nhiều bất cập. Bài tiểu luận của em cũng đã đưa ra được một vài biện pháp nhằm duy trì
sự cạnh tranh và kiểm soát độc quyền ở Việt Nam để cho cạnh tranh đúng với ý nghĩa của
nó là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Tóm lại, cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường là một con dao hai lưỡi, nó có là
động lực cho sự phát triển kinh tế hay không còn tùy thuộc vào sự vận dụng quy luật này
ở mỗi nước. Nếu có chính sách cạnh tranh hợp lý thì nước đó sẽ được lợi lớn do cạnh
tranh đem lại, bằng không nó sẽ là cỗ máy nghiền nát nền kinh tế. Việt Nam cũng sẽ
không tránh khỏi thất bại nếu không biết vận dụng quy luật cạnh tranh. Là nước áp dụng
quy luật cạnh tranh muộn nên Việt Nam sẽ có được nhiều kinh nghiệm của những nước
đi trước, từ đó chúng ta hy vọng Việt Nam sẽ chứng minh rằng: Việt Nam chính là mảnh
đất màu mỡ cho cạnh tranh phát huy hết ưu điểm của nó.
Trên đây là phần trình bày bài tập lớn với đề bài: “Cạnh tranh là gì? Vì sao trong nền
kinh tế thị trường cần phải duy trì sự cạnh tranh và hạn chế độc quyền? Liên hệ với thực
tiễn Việt Nam”. Mặc dù đã cố gắng tìm hiểu và phân tích nhưng do trình độ nhận thức
của em về vấn đề này có hạn nên sẽ vẫn còn nhiều thiếu xót. Em mong cô có thể xem xét
và đánh giá để bài tiểu luận của em được hoàn thiện hơn. Em xin chân thành cảm ơn!
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình Kinh tế Chính trị Mác Lê-nin (2019)
2. Các vấn đề pháp lý và thể chế chính sách cạnh tranh và kiểm soát độc quyền kinh
doanh của Viện nghiên cứu quản lí kinh tế TW
3. Tạp chí Kinh tế và phát triển

6
4. Tạp chí thương mại
5. Các tạp chí lý luận chính trị từ năm 2002 đến nay
6. Một số trang web: vietnamnet.vn, kinhtehoc.com,...

You might also like