You are on page 1of 20

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - TÀI CHÍNH


THÀNH PHỒ HỒ CHÍ MINH

TIỂU LUẬN

TÊN ĐỀ TÀI TIỂU LUẬN


THỰC TIỄN PHÁP LUẬT HỢP ĐỒNG TẶNG CHO
TÀI SẢN CÓ ĐIỀU KIỆN

HVTH : PHẠM THỊ THU TRANG


MSHV : 216101129
Lớp : 21.1MBA13

Thành phố Hồ Chí Minh, 10 tháng 09 năm 2021


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - TÀI CHÍNH
THÀNH PHỒ HỒ CHÍ MINH

ĐỀ CƯƠNG TIỂU LUẬN THẠC SỸ


Chuyên ngành: QUẢN TRỊ KINH DOANH
Mã ngành: 8340101

TÊN ĐỀ TÀI TIỂU LUẬN


THỰC TIỄN PHÁP LUẬT HỢP ĐỒNG TẶNG CHO
TÀI SẢN CÓ ĐIỀU KIỆN

HVTH : PHẠM THỊ THU TRANG


MSHV : 216101129
Lớp : 21.1MBA13
GVHD : PGS.TS.DƯƠNG ANH SƠN

Thành phố Hồ Chí Minh, 10 tháng 09 năm 2021


NHẬN XÉT CỦA GIẢNG VIÊN HƯỚNG DẪN

....................................................................................................................................................
....................................................................................................................................................
....................................................................................................................................................
....................................................................................................................................................
....................................................................................................................................................
....................................................................................................................................................
....................................................................................................................................................
....................................................................................................................................................
....................................................................................................................................................
....................................................................................................................................................
....................................................................................................................................................
....................................................................................................................................................
....................................................................................................................................................
....................................................................................................................................................
....................................................................................................................................................
....................................................................................................................................................
....................................................................................................................................................
....................................................................................................................................................
....................................................................................................................................................
....................................................................................................................................................
....................................................................................................................................................
....................................................................................................................................................

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày tháng năm


GIẢNG VIÊN HƯỚNG DẪN

PGS.TS.DƯƠNG ANH SƠN


PHẦN 1. ĐẶC VẤN ĐỀ
Hợp đồng là một chế định quan trọng, được ghi nhận từ rất sớm trong hệ
thống pháp luật Việt Nam. Bên cạnh các quy định chung về hợp đồng, tại bộ luật
dân sự năm 2015 quy định về các hợp đồng thông dụng, trong đó bao gồm hợp
đồng tặng cho tài sản có điều kiện. Cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, các
hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện đang có xu hướng gia tăng cả về số lượng
và chất lượng. Kéo theo đó, các tranh chấp liên quan đến hợp đồng tặng cho tài
sản có điều kiện trên thực tế phát sinh ngày càng nhiều và phức tạp. Việc giải
quyết tốt các tranh chấp về hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện sẽ góp phần
bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho bên tặng cho, bên được tặng cho, qua đó
ổn định và góp phần thúc đẩy sự phát triển của các giao dịch trong đời sống, xã
hội.
Hiện nay, cơ sở pháp lý quan trọng nhất điều chỉnh hợp đồng tặng cho tài
sản có điều kiện là bộ luật dân sự năm 2015. Về cơ bản, các quy định trong bộ
luật dân sự năm 2015 kế thừa nguyên các quy định trong bộ luật dân sự năm 2005
về hợp đồng tặng cho tài sản. Các quy định này đã tạo ra hành lang pháp lý khá
đầy đủ và phù hợp để các chủ thể xác lập, thực hiện hợp đồng tặng cho tài sản có
điều kiện với nhau. Tuy nhiên, pháp luật về hợp đồng tặng cho tài sản trong bộ
luật dân sự năm 2005 còn nhiều bất cập, hạn chế và vẫn tiếp tục tồn tại trong bộ
luật dân sự năm 2015.
Thứ nhất, các quy định về hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện còn sơ sài,
nhiều vấn đề chưa được quy định như: Thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng
tặng cho đối với các tài sản vô hình, Các căn cứ hủy bỏ hợp đồng đặc thù được áp
dụng riêng hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện, Các yếu tố pháp lý mà điều
kiện tặng cho cần đáp ứng, Chưa ghi nhận phương thức giải quyết đối với hợp
đồng tặng cho tài sản có điều kiện khi bên được tặng cho chỉ thực hiện một phần
điều kiện.
Thứ hai, một số quy định hiện hành về hợp đồng tặng cho tài sản có điều
kiện còn chưa phù hợp như: thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng tặng cho
tài sản có điều kiện chưa thống nhất giữa động sản và bất động sản không phải

1
đăng ký sở hữu. Đối với động sản không phải đăng ký sở hữu thì hợp đồng tặng
cho tài sản có điều kiện có hiệu lực khi bên được tặng cho nhận tài sản. Trong khi
đó, hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện bất động sản không phải đăng ký có
hiệu lực kể từ khi bên tặng cho chuyển giao tài sản.
Những hạn chế, bất cập tồn tại trong pháp luật về hợp đồng tặng cho tài sản
có điều kiện là nguyên nhân cơ bản dẫn đến hệ quả thiếu cơ sở cho việc thực hiện,
áp dụng pháp luật của các chủ thể trong xã hội và của các cơ quan Nhà nước có
thẩm quyền.
Trong bối cảnh khung pháp lý về hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện còn
thiếu sót, nhiều quy định chưa phù hợp, cùng với cơ chế giải quyết tranh chấp về
hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện vẫn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Xuất
phát từ những lý do trên, em quyết định lựa chọn đề tài “Thực tiễn pháp luật Hợp
đồng tặng cho tài sản có điều kiện” để để nghiên cứu.

2
PHẦN 2. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
2.1. Cơ sở pháp lý quy định pháp luật hợp đồng tặng cho tài sản có điều
kiện
Hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện được quy định từ rất sớm trong hệ
thống pháp luật nước ta từ bộ luật dân sự năm 1995, bộ luật dân sự năm 2005 và
bộ luật dân sự năm 2015 cũng điều quy định về tặng cho tài sản có điều kiện.
Cụ thể căn cứ vào Điều 457, Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Hợp đồng tặng
cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của
mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù,
bên được tặng cho đồng ý nhận.” [2]
Căn cứ vào Điều 462, Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Tặng cho tài sản có
điều kiện là bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc
nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi
phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.” [2]
Từ hai quy định pháp luật trên em hiểu là: Hợp đồng tặng cho tài sản có điều
kiện là hợp đồng tặng cho tài sản, theo đó bên tặng cho có thể yêu cầu bên được
tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều
kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội
và không được làm thay đổi tính chất không có đền bù của hợp đồng tặng cho tài
sản.
2.2. Bình luận
Hiện nay ngày càng có nhiều người tặng cho quan tâm và xác lập hợp hợp
đồng tặng cho tài sản có điều kiện. Một trong những lý do quan trọng đó là người
tặng cho nhằm bảo đảm cuộc sống ổn định của họ sau khi tặng cho tài sản. Trong
quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện không ít các
tranh chấp xảy ra giữa bên tặng cho và bên được tặng cho. Thực tiễn có những
trường hợp, sau khi hợp đồng tặng cho có hiệu lực, bên được tặng cho đã nhận tài
sản nhưng họ đã có những hành vi trái với mong muốn, tức là ngược với động cơ
của người tặng cho. Ví dụ, người được tặng cho có những hành vi xâm phạm tính
mạng, sức khoẻ, tài sản của người được tặng cho và những người thân thích của

3
người này, hoặc người được tặng cho sử dụng tài sản tặng cho trái với mong muốn
của người tặng cho, hoặc trong một số trường hợp sau khi hợp đồng tặng cho được
thực hiện thì hoàn cảnh, tình trạng gia đình, vật chất của người tặng cho có sự
thay đổi cơ bản và người tặng cho lại có nhu cầu lớn về tài sản để có thể đảm bảo
cuộc sống tối thiểu của mình hoặc việc tặng cho có thể xâm hại đến quyền lợi của
người khác, của xã hội. Trong những trường hợp nói trên pháp luật của Việt Nam
khó có thể giải quyết được bởi không có sự điều chỉnh rõ ràng. [3]
Chính vì vậy em lấy 1 bản án xảy ra trong thực tiễn để minh chứng: Bản án
số: 142/2018/DS-PT của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp, ngày 13-6-2018 v/v
“Tranh chấp hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất”. [1]
Nội dung vụ án: Vào năm 2012 bà B lập HĐTCQSDĐ cho ông L (ông L đã
đứng tên trong giấy chứng nhận QSDĐ) với điều kiện ông L phải chăm sóc bà B
và hang năm ông L phải giao cho bà B 100 giạ lúa để bà B sinh hoạt (thỏa thuận
bằng miệng). Ông L đã cho con gái là Võ Thị Mộng T đến ở cùng bà B và thực
hiện việc chăm sóc bà. Thời gian gần đây ông L và con gái là T không chăm sóc
bà B như thỏa thuận, bà B phải tự lo, gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt nên bà
B nộp đơn ra tòa yêu cầu tòa án hủy bỏ HĐTCTS giữa bà và ông L. [1]
Phán quyết toà án: Tại Quyết định bản án dân sự sơ thẩm số: 03/2018/DSST
ngày 11 tháng 4 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện CL đã xử: Chấp nhận yêu
cầu của bà Lê Thị B: Buộc ông Võ Thành L trả cho bà Lê Thị B diện tích đất. [1]
Trong vụ việc này, hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện được xác lập giữa
bà B và ông L, theo đó điều kiện bà B đặt ra là đặt cho ông L. Ông L phải là người
thực hiện điều kiện này. Tuy nhiên, sau đó ông L cho con gái đến ở cùng bà B để
thực hiện việc chăm sóc, điều này được sự đồng ý của bà B. Theo em, điều kiện
tặng cho có thể được thực hiện bởi người được tặng cho hoặc chủ thể thứ ba khác
nếu người tặng cho đồng ý. Trong tình huống khi con gái L đến ở cùng bà B thì
B không có bất cứ phản đối nào. Trong bản án trên em nghiên cứu nhận thấy phải
chú ý tới sự kiện này, để thông qua đó xác định ông L đã thực hiện điều kiện tặng
cho hay chưa ?

4
Trong bản án số 142/2018/DS-PT xảy ra vấn đề bất cập liên quan đến chủ
thể thực hiện điều kiện tặng cho và điều kiện tặng cho không được ghi trong hợp
đồng.
Về người thực hiện điều kiện tặng cho: hợp đồng tặng cho tài sản có điều
kiện được xác lập giữa bà B và ông L, theo đó điều kiện bà B đặt ra là đặt cho ông
L. Ông L phải là người thực hiện điều kiện này. Tuy nhiên, sau đó ông L cho con
gái đến ở cùng bà B để thực hiện việc chăm sóc, điều này được sự đồng ý của bà
B. Theo em, điều kiện tặng cho có thể được thực hiện bởi người được tặng cho
hoặc chủ thể thứ ba khác nếu người tặng cho đồng ý. Trong tình huống khi con
gái L đến ở cùng bà B thì B không có bất cứ phản đối nào. Khi xem xét vụ việc,
tòa án cần chú ý tới sự kiện này để thông qua đó xác định ông L đã thực hiện điều
kiện tặng cho hay chưa? Tuy nhiên, vấn đề này chưa được xem xét thấu đáo trong
bản án. Bên cạnh đó, bởi Điều 462 bộ luật dân sự năm 2015 cũng chỉ ghi nhận
chung về về bên được tặng cho thực hiện điều kiện tặng cho nên việc giải quyết
tranh chấp khi người thứ ba thực hiện điều kiện tặng cho còn gặp nhiều khó khăn,
bất cập.
Trong bản án, tòa án có nhận định sau đây: “mặc dù theo HĐTCQSDĐ ngày
24/7/2012 giữa bà Lê Thị B với ông Võ Thành L không thể hiện điều kiện là bà
B tặng cho QSDĐ cho ông L, thì ông L phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc
bà B đến cuối đời. Tuy nhiên, theo biên bản phiên tòa sơ thẩm và tại phiên tòa
phúc thẩm ông L thừa nhận là bà B tặng cho ông L QSDĐ là có điều kiện, ông L
phải nuôi dưỡng, chăm sóc bà B đến cuối đời”. Đây là trường hợp điều kiện tặng
cho không được ghi nhận trong HĐTCCĐK nhưng tòa án vẫn công nhận điều
kiện ngầm giữa B và L.
2.3. Giải pháp
Thứ nhất, định hướng hoàn thiện pháp luật về điều kiện tặng cho
Bên tặng cho có thể đưa ra điều kiện về việc chuyển giao tài sản hay thực
hiện hoặc không được thực hiện một công việc. Điều 462 bộ luật dân sự năm 2015
chưa dự liệu đến khả năng thực hiện được của điều kiện tặng cho. Do đó, trên thực
tế sẽ có khả năng xảy ra trường hợp bên tặng cho đặt ra điều kiện tặng cho mang

5
tính chất thách đố, nằm ngoài khả năng thực hiện của con người. Do đó, em kiến
nghị cần bổ sung quy định: “điều kiện tặng cho phải có khả năng thực hiện được,
nếu trong hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiẹn có các điều kiện không thể thực
hiện được, các điều kiện trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội thì coi như không
có các điều kiện đó”.
Thứ hai, định hướng hoàn thiện khoản 2, Điều 462, Bộ luật Dân sự 2015
Cần bổ sung cách thức giải quyết khi bên được tặng cho đã thực hiện một
phần nghĩa vụ. Theo quy định khoản 2 Điều 462 bộ luật dân sự năm 2015, bên
được tặng cho phải “hoàn thành nghĩa vụ” thì mới được yêu cầu bên tặng cho
thanh toán chi phí mà mình đã bỏ ra để thực hiện điều kiện. Quy định không bao
quát được cách giải quyết trong trường hợp bên được tặng cho thực hiện một phần
nghĩa vụ. Do đó, em kiến nghị bổ sung quy định này như sau: “Trường hợp phải
thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành
nghĩa vụ hoặc thực hiện được một phần nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài
sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực
hiện.”
Cần quy định chính xác về nghĩa vụ thanh toán của bên tặng cho đối với bên
được tặng cho. Nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho
không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng
cho đã thực hiện (khoản 2 Điều 462 bộ luật dân sự năm 2015). Điều luật này chỉ
quy định chung chung “thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện”.
Rà soát các Điều luật trong bộ luật dân sự năm 2015 quy định về chi phí thì có thể
Điều luật này đều ghi nhận “chi phí hợp lý” như: điểm b khoản 1 Điều 58 bộ luật
dân sự năm 2015: “Được thanh toán các chi phí hợp lý cho việc quản lý tài sản
của người được giám hộ”. Khoản 2 Điều 497 bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
“Yêu cầu bên cho mượn thanh toán chi phí hợp lý về việc sửa chữa hoặc làm tăng
giá trị tài sản mượn, nếu có thoả thuận”. Khoản 3 Điều 539 bộ luật dân sự năm
2015 quy định về nghĩa vụ của bên nhận tài sản: “Thanh toán chi phí hợp lý phát
sinh do việc chậm tiếp nhận tài sản”.

6
Qua việc dẫn chứng các quy định trên có thể thấy rằng, quy định của khoản
2 Điều 462 bộ luật dân sự năm 2015 không tương thích với toàn bộ quy định về
nghĩa vụ thanh toán chi phí. Hơn thế nữa, việc không ghi nhận chặt chẽ nghĩa vụ
thanh toán của bên tặng cho tài sản dẫn đến những bất cập trong việc giải quyết
các tranh chấp liên quan. Từ đó, em kiến nghị sửa đổi quy định về nghĩa vụ thanh
toán của bên tặng cho như sau: “Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi
tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không
giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán chi phí hợp lý mà bên được tặng cho
bỏ ra để thực hiện điều kiện tặng cho”.
Thứ ba, định hướng hoàn thiện khoản 3, Điều 462, Bộ luật Dân sự 2015
Khoản 3 Điều 462 bộ luật dân sự năm 2015 chỉ mới đưa ra quy định giải
quyết khi bên được tặng cho “không thực hiện điều kiện” mà chưa bao quát
phương thức giải quyết đối với trường hợp bên được tặng cho đã thực hiện được
một phần điều kiện. Nhằm hài hòa lợi ích và đảm bảo sự công bằng giữa bên tặng
cho và bên được tặng cho thì em kiến nghị bổ sung quy định để giải quyết trong
trường hợp bên được tặng cho đã thực hiện một phần điều kiện như sau: “Trường
hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực
hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nếu
bên được tặng cho đã thực hiện một phần nghĩa vụ thì được thanh toán chi phí
tương ứng khi bên tặng cho đòi lại tài sản”.
Khoản 3 Điều 462 bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp phải
thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì
bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại” – khoản
này chưa quy định triệt để hiệu lực của tặng cho tài sản có điều kiện khi bên được
tặng cho không thực hiện điều kiện tặng cho. Từ phân tích trên, em đề nghị bổ
sung quy định về hiệu lực của tặng cho tài sản có điều kiện khi bên tặng cho đòi
lại tài sản từ bên được tặng cho như sau: “Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ
sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì hợp đồng tặng cho bị
hủy bỏ, bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.

7
PHẦN 3. KẾT LUẬN
Hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện nằm trong chế định Hợp đồng trong
Bộ luật Dân sự hiện hành, là một trong những hợp đồng được ghi nhận từ rất sớm
trong hệ thống pháp luật Việt Nam và theo sự phát triển của kinh tế, xã hội, các
hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện ngày được giao kết nhiều với giá trị lớn
trên thực tế. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, có thể nhận thấy sự thay
đổi trong quan điểm lập pháp ở từng thời kỳ khác nhau đối với hợp đồng tặng cho
tài sản có điều kiện. Thông qua việc nghiên cứu đề tài “Thực tiễn pháp luật Hợp
đồng tặng cho tài sản có điều kiện” có thể đi đến những kết luận cơ bản như sau:
Thứ nhất, trong bản án trên ta nhận thấy việc chủ thể thực hiện điều kiện để
nhận tài sản tặng cho và kiều kiện đi kèm phát sinh được các bên đồng ý nhưng
không có ghi trong hợp đồng xảy ra vấn đề sau này một trong các bên lật lọng,
tìm cách né tránh thực hiện nghĩa vụ sau khi đã nhận được tặng sản tặng cho.
Chính vì vậy em kiến nghị đưa ra giải pháp bổ sung một số nội dung trong quy
định tại điều 462. Tặng cho tài sản có điều kiện của Bộ Luật Dân sự 2015 như về
cách thức giải quyết khi bên được tặng cho đã thực hiện một phần nghĩa vụ; Nghĩa
vụ thanh toán của bên tặng cho đối với bên được tặng cho; Hiệu lực của tặng cho
tài sản có điều kiện khi bên tặng cho đòi lại tài sản từ bên được tặng cho.
Trên đây là toàn bộ nội dung bài tiểu luận của em, do giới hạn về mặt thời
gian, trình độ lý luận còn hạn chế và kiến thức thực tiễn chưa có nên bài viết của
em không tránh khỏi những thiếu sót, em rất mong nhận được sự góp ý, chỉ dẫn
của thầy Dương Anh Sơn.
Em xin chân thành cảm ơn!

8
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bản án số: 142/2018/DS-PT của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp, ngày 13-6-
2018 v/v “Tranh chấp hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất”;
2. Bộ luật Dân sự năm 2015;
3. TS. Dương Anh Sơn, bản chất của hợp đồng tặng cho - nhìn từ góc độ luật học
so sánh, Khoa Kinh tế, Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh;

9
TÒA ÁN NHÂN DÂN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TỈNH ĐỒNG THÁP Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Bản án số: 142/2018/DS-PT
Ngày 13-6-2018
V/v Tranh chấp hợp đồng tặng
cho quyền sử dụng đất

NHÂN DANH
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

- Thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm có:


Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa: Ông Nguyễn Tấn Tặng
Các Thẩm phán: Ông Bùi Văn Phương
Ông Phạm Ngọc Giao
- Thư ký phiên tòa: Ông Võ Văn Hồng Biên – Thư ký Tòa án nhân dân
tỉnh Đồng Tháp.
- Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Tháp tham gia phiên tòa:
Ông Nguyễn Ngọc Thanh - Kiểm sát viên.
Trong các ngày 28/3; 28/4; 11/5; ngày 08, 13/6/2018 tại trụ sở Tòa án
nhân dân tỉnh Đồng Tháp xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số:
31/2018/TLPT-DS ngày 02 tháng 3 năm 2018 về việc “Tranh chấp hợp đồng
tặng cho quyền sử dụng đất”
Do bản án dân sự sơ thẩm số: 03/2018/DS-ST ngày 11 tháng 01 năm 2018
của Toà án nhân dân huyện CL bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 89/2018/QĐ-PT ngày
08 tháng 3 năm 2018 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Bà Lê Thị B, sinh năm 1937.
Địa chỉ cư trú: Tổ 11, ấp 4, xã MT, thành phố CL, tỉnh Đồng Tháp.
Người đại diện hợp pháp của bà Lê Thị B: Ông Võ Văn Đ, sinh năm
1969. Là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày 13/10/2017).
Địa chỉ cư trú: Ấp 6, xã PT, huyện CL, tỉnh Đồng Tháp.
- Bị đơn: Ông Võ Thành L, sinh năm 1965.
Địa chỉ cư trú: Tổ 2, ấp 7, xã PT, huyện CL, tỉnh Đồng Tháp.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
Bà Lê Thị Kim L1, sinh năm 1968.
Võ Thị Mộng T, sinh năm 1997.

1
Võ Công M, sinh năm 2001.
Người đại diện hợp pháp của Mộng T, Công M: Bà Lê Thị Kim L1, sinh
năm 1968. Là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày 11/12/2017
và ngày 12/12/2017).
Cùng địa chỉ cư trú: Tổ 2, ấp 7, xã PT, huyện CL, tỉnh Đồng Tháp.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông L, bà L1: Luật sư Phan
Văn M1-Văn phòng luật sư CC thuộc Đoàn luật sư tỉnh Đồng Tháp.
Ủy ban nhân dân huyện CL, tỉnh Đồng Tháp.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Hồng S; Chức vụ: Chủ tịch.
Người đại diện hợp pháp của ông Nguyễn Hồng S: Ông Lê Chí T1; chức
vụ: Phó Chủ tịch. Là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày
23/11/2017).
Địa chỉ: Khóm MT, thị trấn MT, huyện CL, tỉnh Đồng Tháp.
- Người kháng cáo: Ông Võ Thành L là bị đơn, bà Lê Thị Kim L1, Võ Thị
Mộng T, Võ Công M là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Ông Đ, ông L, bà L1, Luật sư có mặt tại phiên tòa. Ủy ban nhân dân huyện
CL có đơn xin xét xử vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN:


Nguyên đơn bà Lê Thị B, bà B ủy quyền cho ông Võ Văn Đ trình bày:
Nguồn gốc phần đất đang tranh chấp diện tích 8.075m2 (theo đo đạc thực
tế là 7.922m2) thuộc thửa 317, tờ bản đồ số 9 tọa lạc tại xã PT, huyện CL, tỉnh
Đồng Tháp là của bà Lê Thị B và ông Võ Văn T2 nhận chuyển nhượng từ ông
NL. Năm 1994 ông T2 chết thì bà B tiếp tục sử dụng và được đứng tên trong
giấy chứng nhận quyền sử dụng. Khoảng 2008 - 2009 bà B kêu ông L về canh
tác diện tích đất trên với điều kiện là chăm sóc bà B. Sau đó, bà B lập di chúc để
lại toàn bộ diện tích nêu trên cho con là ông Võ Thành L thừa kế khi bà B qua
đời. Vào năm 2012 bà B lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất cho ông L,
nên ông L đã đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng thời
gian gần đây ông L và con gái là Võ Thị Mộng T không chăm sóc bà B như thỏa
thuận, bà B phải tự lo, gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Quá bức xúc nên bà
B có yêu cầu gia đình ông L trả lại cho bà B toàn bộ diện tích nêu trên nhưng
ông L không đồng ý.
Nay bà Lê Thị B yêu cầu Tòa án giải quyết:
- Yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 8.075m2
(theo đo đạc thực tế là 7.922m2) thuộc thửa 317, tờ bản đồ số 9 tọa lạc tại xã PT,
huyện CL, tỉnh Đồng Tháp do ông Võ Thành L đứng tên giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất.
- Buộc ông Võ Thành L, bà Lê Thị Kim L1, Võ Thị Mộng T và Võ Công

2
M trả cho bà Lê Thị B diện tích 8.075m2 (theo đo đạc thực tế là 7.922m2) thuộc
thửa 317, tờ bản đồ số 9 tọa lạc tại xã PT, huyện CL, tỉnh Đồng Tháp.
Tại phiên tòa sơ thẩm ông Đ được sự ủy quyền của bà B yêu cầu rút một
phần đơn khởi kiện đối với yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp
cho ông Võ Thành L diện tích 8.075m2 thuộc thửa 317, tờ bản đồ số 9 tọa lạc tại
xã PT, huyện CL, tỉnh Đồng Tháp.
Bị đơn ông Võ Thành L trình bày:
Thống nhất nguồn gốc đất tranh chấp là của ông Võ Văn T2 và bà Lê Thị
B nhận chuyển nhượng từ ông Năm Lắc. Năm 1994 ông T2 chết thì bà B tiếp
tục sử dụng đất và đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm
2009 do không ai chịu sống chung để chăm sóc cho bà B, nên có kêu ông L về
sống chung để nuôi bà B. Khi về sống chung thì có thỏa thuận là ông L được
canh tác toàn bộ diện tích đất đang tranh chấp, nhưng hàng năm ông L phải giao
cho bà B 100 giạ lúa để bà B sinh hoạt. Tuy nhiên, ông không sống chung với bà
B mà sống ở PT, huyện CL cách bà B khoảng 10 km và có thăm nom bà B mỗi
tháng 01 lần. Bà B đang sống với con gái của ông L là Võ Thị Mộng T tại xã
MT, thành phố CL nên ông có đưa thêm gạo và đồ sinh hoạt thêm cho bà B.
Năm 2012 bà B ký hợp đồng tặng cho ông L quyền sử dụng đất diện tích
8.075m2 (theo đo đạc thực tế là 7.922m2) thuộc thửa 317, tờ bản đồ số 9 tọa lạc
tại xã PT, huyện CL, tỉnh Đồng Tháp được công chứng tại Văn phòng công
chứng Đồng Tháp và đã đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ
khi thỏa thuận xong thì hàng năm ông L đều thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cho bà B
như cam kết. Do ông L và ông C (em của ông L) có mâu thuẫn với nhau nên bà
B không sống chung với Mộng T nữa. Bà B về sống chung với anh em của ông
L, không biết lý do gì mà bà B khởi kiện đòi lại quyền sử dụng đất. Trong cuộc
hòa giải tại địa phương ông L có đồng ý trả lại 2.600 m2 nhưng cuộc hòa giải
không thành. Trong quá trình sử dụng đất hàng năm ông L có có cải tạo đất
nhưng không nhớ số tiền cụ thể bao nhiêu.
Nay đối với yêu đòi lại quyền sử dụng đất của bà Lê Thị B thì ông L không
đồng ý. Vì ông L có thực hiện đầy đủ nghĩa vụ như thỏa thuận khi ông về sống
chung với bà B. Ông L không yêu cầu bà B trả giá trị cải tạo ruộng đất.
Tại phiên tòa ngày 05/01/2018 ông L cũng thừa nhận thỏa thuận là khi
nào nhận đất canh tác thì về sống chung và trực tiếp chăm sóc bà B, nhưng do
điều kiện sinh hoạt nên ông không sống trực tiếp với bà B. Hàng tháng ông có
ghé thăm nom và đưa đồ sinh hoạt cho bà B. Khi bà B bỏ nhà ở xã MT, thành
phố CL về sống với các anh em thì ông L có tới năn nỉ bà B về tiếp tục sống
nhưng bà B không đồng ý.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lê Thị Kim L1, bà L1 là người
đại diện theo ủy quyền của Võ Thị Mộng T và Võ Công M trình bày:
Thống nhất lời trình bày của ông L, không bổ sung gì thêm. Không đồng
ý trả lại quyền sử dụng đất theo yêu cầu của bà B.
Tại Quyết định bản án dân sự sơ thẩm số: 03/2018/DS-ST ngày 11 tháng

3
01 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện CL đã xử:
1. Chấp nhận yêu cầu của bà Lê Thị B:
Buộc ông Võ Thành L, bà Lê Thị Kim L1, Võ Thị Mộng T và Võ Công
M trả cho bà Lê Thị B diện tích theo đo đạc thực tế là 7.922m2 thuộc thửa 317,
tờ bản đồ số 9 tọa lạc tại xã PT, huyện CL, tỉnh Đông Tháp có vị trí như sau:
- Mốc M1 đến mốc M2 dài 38,17m;
- Mốc M2 đến mốc M4 dài 195,64m;
- Mốc M4 đến mốc M5 dài 44,16m;
- Mốc M5 đến mốc M1 dài 190,26m;
Kèm theo biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 31/10/2017 và sơ đồ
đo đạc ngày 31/10/2017 của Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên và môi trường Đồng
Tháp.
Các đương sự có nghĩa vụ đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đăng ký
lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật.
Đình chỉ yêu cầu của bà Lê Thị B về việc yêu cầu hủy giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất diện tích 8.075m2 thửa 317, tờ bản đồ số 9 tọa lạc tại xã PT,
huyện CL, tỉnh Đồng Tháp do Ủy ban nhân dân huyện CL cấp cho ông Võ
Thành L.
2. Về án phí:
Ông Võ Thành L, bà Lê Thị Kim L1, Võ Thị Mộng T và Võ Công M phải
chịu án phí dân sự sơ thẩm là 20.372.300 đồng (Hai mươi triệu ba trăm bảy
mươi hai nghìn ba trăm đồng).
Bà Lê Thị B được nhận lại 8.670.000 đồng (Tám triệu sáu trăm bảy mươi
nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí theo biên lai thu tiền số 16068 ngày 04/10/2017
của Chi cục Thi hành án dân sự huyện CL.
3. Về chi phí tố tụng khác:
Bà Lê Thị B tự nguyện nộp chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá
là 4.906.501 đồng (Bốn triệu chín trăm lẻ sáu nghìn năm trăm lẻ một đồng, số
tiền đã nộp xong.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên thời hạn, quyền kháng cáo và quyền,
nghĩa vụ, thời hiệu thi hành án của các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 25 tháng 01 năm 2018, ông Võ Thành L, bà
Lê Thị Kim L1, Võ Thị Mộng T, Võ Công M kháng cáo không đồng ý trả cho
bà B diện tích đất 7.922m2, thuộc thửa số 317, tờ bản đồ số 9, đất tọa lạc tại xã
PT, huyện CL, tỉnh Đồng Tháp và không đồng ý nộp tiền án phí.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:


Sau khi nghiên cứu tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, được kiểm tra tại

4
phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, phát biểu của Kiểm sát
viên, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Xuất phát từ mối quan hệ mẹ con, nên ngày 24/7/2012 bà Lê Thị B có
ký hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất cho con là ông Võ Thành L diện tích
8.075m2 (đo đạc thực tế 7.922m2) với điều kiện là ông L phải chăm sóc nuôi bà
B đến cuối đời, bà B đã giao đất cho ông L quản lý sử dụng từ năm 2012 và ông
L đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 23/8/2012 diện tích
8.075m2 thửa 317, tờ bản đồ số 9. Nhưng theo bà B, ông L không chăm sóc nuôi
dưỡng bà, mà bà phải tự sinh hoạt từ ăn uống, tắm giặt và tự chăm sóc khi đau
ốm, nên bà B yêu cầu cầu ông L trả lại đất. Ông L thừa nhận khi bà B tặng cho
phần đất có điều kiện là mỗi năm ông L đưa cho bà B 100 giạ lúa, phải nuôi
dưỡng, chăm sóc bà B đến cuối đời. Ông L cho rằng hàng năm ông L đều có
giao cho bà B 100 giạ lúa, ông L có nuôi dưỡng bà B và có cho con gái tên Võ
Thị Mộng T đến ở cùng nhà với bà B ở xã MT, thành phố CL, để đi học và lo
cơm nước cho bà B. Tại phiên tòa phúc thẩm ông L và bà L1 thống nhất trả cho
bà B phần đất có diện tích 2.600m2, phần đất còn lại ông L yêu cầu được tiếp tục
sử dụng. Bà B không đồng ý.
[2] Xét thấy, mặc dù theo hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất ngày
24/7/2012 giữa bà Lê Thị B với ông Võ Thành L không thể hiện điều kiện là bà
B tặng cho quyền sử dụng đất cho ông L, thì ông L phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng,
chăm sóc bà B đến cuối đời. Tuy nhiên, theo biên bản phiên tòa sơ thẩm và tại
phiên tòa phúc thẩm ông L thừa nhận là bà B tặng cho ông L quyền sử dụng đất
là có điều kiện, ông L phải nuôi dưỡng, chăm sóc bà B đến cuối đời, nhưng ông
L cũng thừa nhận là không trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc bà B, vì ông L ở xã
PT, huyện CL, còn bà B ở xã MT thành phố CL khoảng 01 tháng ông mới đến
thăm bà B. Đối với việc ông L cho rằng có cho con gái tên Võ Thị Mộng T đến
ở cùng nhà với bà B tại xã MT, thành phố CL để đi học và lo cơm nước cho bà
B. Việc Mộng T đến ở cùng nhà với bà B thực chất là để đi học, vì Mộng T
không có thời gian, điều kiện để chăm sóc bà B và việc Mộng T đến ở nhà bà B
đây không phải là điều kiện của bà B, khi tặng cho quyền sử dụng đất cho ông
L.
Như vậy, ông L không thực hiện theo đúng thỏa thuận với bà B, vi phạm
điều kiện thực hiện nghĩa vụ đối với bà B, nên việc bà B yêu cầu ông L, bà L1
cùng các con của ông L trả lại đất là có cơ sở.
Án sơ thẩm xử buộc ông L, bà L1 cùng các con của ông L trả lại cho bà B
phần đất có diện tích 7.922m2 là có căn cứ.
[3] Đối với việc ông L, bà L1, Mộng T, Công M kháng cáo không đồng ý
nộp tiền án phí và ông L xin giảm tiền án phí có xác nhận của chính quyền địa
phương là ông L là người có công với cách mạng. Xét thấy, phần đất tranh chấp
là của bà B tặng cho ông L theo hợp đồng ngày 24/7/2012 và ông L đã được cấp
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà B khởi kiện yêu cầu ông L trả lại đất và
ông L có nghĩa vụ trả lại đất, nên ông L phải chịu toàn bộ tiền án phí. Còn đối
với bà L1, Mộng T và Công M không có quyền sử dụng đất mà chỉ là người

5
quản lý, sử dụng đất chung với ông L, nên bà L1, Mộng T và Công M không
phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm. Tuy nhiên, ông L là người có công với
cách mạng (có thời gian tham gia quân đội làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia),
nên ông L được miễn toàn bộ tiền án phí theo quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều
12 Nghị quyết số 326/NQ-UBTVQH UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban
Thường vụ Quốc Hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
[4] Tại phiên tòa phúc thẩm, ông L trình bày phần đất tranh chấp, ông L
đã thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ngân hàng Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn Việt Nam-Chi nhánh huyện CL để vay 100.000.000 đồng,
thời hạn vay đến tháng 10 năm 2020 trả xong vốn, lãi cho Ngân hàng. Tuy
nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm ông Đ là người đại diện theo ủy quyền của bà B
thống nhất là bà B đồng ý trả vốn, lãi cho Ngân hàng thay ông L và bà B đã trả
xong vốn, lãi cho Ngân hàng, bà B không yêu cầu ông L trả lại số tiền mà bà B
trả nợ cho Ngân hàng thay ông L. Đồng thời, bà B có đơn yêu cầu áp dụng biện
pháp khẩn cấp tạm thời, đối với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do ông L
đứng tên, theo quy định tại khoản 12, Điều 114 Bộ luật Dân sự và Hội đồng xét
xử đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số
119/2018/QĐ-BPKCTT ngày 21/5/2018, đối với giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất của ông L. Vì vậy, cần tiếp tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số
119/2018/QĐ-BPKCTT ngày 21/5/2018, để đảm bảo thi hành án cho bà B.
[5] Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông L, bà L1 trình bày
nội dung vụ án cho rằng bà B tự nguyện cho ông L quyền sử dụng đất không có
điều kiện, ông L tự nguyện trả lại cho bà B 2.600m2, phần đất còn lại ông L yêu
cầu được tiếp tục sử dụng, ông L là người có công với cách mạng, nên được
miễn tiền án phí, đối với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ông L thế chấp cho
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam-Chi nhánh huyện
CL, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không đưa Ngân hàng tham gia tố tụng là thiếu
tư cách đương sự và đề nghị Hội đồng xét xử hủy án sơ thẩm. Xét thấy, cũng
như phần nhận định trên, Hội đồng xét xử không chấp nhận đề nghị của Luật sư,
đề nghị hủy án sơ thẩm.
[6] Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát Tỉnh, phát biểu việc
tuân thủ pháp luật của Thẩm phán và Hội đồng xét xử đảm bảo đúng quy định
của Bộ luật Tố tụng dân sự, những người tham gia tố tụng chấp hành tốt quy
định của pháp luật và đề xuất hướng giải quyết là chấp nhận một phần kháng cáo
của ông L, bà L1, Võ Thị Mộng T, Võ Công M, sửa bản án sơ thẩm. Xét thấy,
cũng như phần nhận định trên đề nghị của Viện kiểm sát là có căn cứ, nên Hội
đồng xét xử chấp nhận đề nghị của Viện kiểm sát.
Từ những căn cứ trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần
kháng cáo của ông L, bà L1, Võ Thị Mộng T, Võ Công M, sửa bản án sơ thẩm
về án phí.
Các phần còn lại của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có
hiệu lực kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.
Do sửa bản án sơ thẩm, nên ông L, bà L1, Võ Thị Mộng T, Võ Công M

6
không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 148 Bộ
luật Tố tụng dân sự.
Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH:
Căn cứ khoản 2 Điều 148; khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều
462 Bộ luật Dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày
30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án;
Tuyên xử:
Sửa bản án dân sự sơ thẩm số: 03/2018/DS-ST ngày 11 tháng 01 năm
2018 của Toà án nhân dân huyện CL đã xử:
1. Chấp nhận yêu cầu của bà Lê Thị B:
Buộc ông Võ Thành L, bà Lê Thị Kim L1, Võ Thị Mộng T và Võ Công
M trả cho bà Lê Thị B diện tích theo đo đạc thực tế là 7.922m2 thuộc thửa 317,
tờ bản đồ số 9 tọa lạc tại xã PT, huyện CL, tỉnh Đông Tháp có vị trí như sau:
- Mốc M1 đến mốc M2 dài 38,17m;
- Mốc M2 đến mốc M4 dài 195,64m;
- Mốc M4 đến mốc M5 dài 44,16m;
- Mốc M5 đến mốc M1 dài 190,26m;
(Kèm theo biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 31/10/2017 và sơ đồ
đo đạc ngày 31/10/2017 của Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên và môi trường Đồng
Tháp).
Đề nghị Ủy ban nhân dân huyện CL thu hồi giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất số BL 178009 đã cấp cho ông Võ Thành L ngày 23/8/2012, thửa số
317, tờ bản đồ số 9, diện tích 8.075m2, mục đích sử dụng đất chuyên dùng trồng
lúa, đất tọa lạc tại ấp 6, xã PT, huyện CL, tỉnh Đồng Tháp, để cấp lại cho bà Lê
Thị B theo quy định pháp luật.
Tiếp tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 119/2018/QĐ-BPKCTT
ngày 21/5/2018, để đảm bảo thi hành án cho bà B.
Đình chỉ yêu cầu của bà Lê Thị B về việc yêu cầu hủy giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất diện tích 8.075m2 thửa 317, tờ bản đồ số 9 tọa lạc tại xã PT,
huyện CL, tỉnh Đồng Tháp do Ủy ban nhân dân huyện CL cấp cho ông Võ
Thành L.
2. Về án phí:
Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho ông L.
Ông L, bà L1, Võ Thị Mộng T, Võ Công M không phải chịu tiền án phí
dân sự sơ thẩm và tiền án phí dân sự phúc thẩm. Hoàn trả cho ông L, bà L1, Võ
Thị Mộng T, Võ Công M số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm là 300.000 đồng

7
theo biên lai số 04109 ngày 26/01/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện
CL.
Bà Lê Thị B được nhận lại 8.670.000 (Tám triệu sáu trăm bảy mươi
nghìn) đồng tiền tạm ứng án phí theo biên lai thu tiền số 16068 ngày 04/10/2017
của Chi cục Thi hành án dân sự huyện CL.
3. Về chi phí tố tụng khác:
Bà Lê Thị B tự nguyện nộp chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá
là 4.906.501 đồng (Bốn triệu chín trăm lẻ sáu nghìn năm trăm lẻ một đồng, số
tiền đã nộp xong.
Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều
2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi
hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự
nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,
7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án dân sự được thực
hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nơi Nhận: TM. HỘI ĐỒNG XÉT XỬ PHÚCTHẨM


- VKSND Tỉnh; THẨM PHÁN - CHỦ TỌA PHIÊN TÒA
- TAND huyện CL;
(đã ký)
- CCTHADS huyện CL;
- Phòng KTNV- THA TA tỉnh; Nguyễn Tấn Tặng
- Các đương sự;
- Lưu: hồ sơ vụ án (B).

You might also like