You are on page 1of 23

BỘ TƯ PHÁP

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

BÀI TẬP NHÓM


MÔN: LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
Đề bài: Nguyên tắc chia tài sản chung của vợ, chồng khi ly hôn theo
Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và thực tiễn áp dụng.

Lớp : N05-TL2

Nhóm : 04

Hà Nội, 2024
BIÊN BẢN XÁC ĐỊNH MỨC ĐỘ THAM GIA VÀ KẾT QUẢ THAM GIA
LÀM BÀI TẬP NHÓM MÔN LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Nhóm số: 4 Lớp: 4718 Thảo luận N05-TL2 Khoa: Pháp luật kinh tế

Tổng số sinh viên của nhóm: + Có mặt: ……………………………………

+ Vắng mặt:………….…. Có lý do:………..…. Không có lý do:…..…………..

Sinh Nhận xét của gv


Đánh
STT MSSV Họ và tên viên
giá Đánh Nhận
kí tên
giá xét

1 471833 Cao Thị Ngọc Ánh

2 471834 Trần Thị Mai Hương

3 471835 Quách Thị Thu Hoài

4 471836 Nguyễn Đăng Đức Anh

5 471837 Nguyễn Thị Thu Hường

6 471838 Nguyễn Vũ Dũng

7 471839 Bùi Ngọc Anh

8 471840 Vũ Thị Hương Trà

9 471841 Nguyễn Trung Hiếu

10 471842 Hoàng Thị Như Thoa


Hà Nội, ngày....tháng....năm 2024.
Kết quả điểm bài tập:
NHÓM TRƯỞNG
Giảng viên chấm thứ nhất:..........
Giảng viên chấm thứ hai:............
MỤC LỤC

MỞ ĐẦU.................................................................................................................1
BÀI LÀM................................................................................................................2
1. Khái quát chung về nguyên tắc chia tài sản chung của vợ, chồng khi ly hôn theo
quy định của pháp luật............................................................................................2
2. Nội dung nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn theo quy định
của pháp luật...........................................................................................................3
3. Thực tiễn áp dụng..............................................................................................11
KẾT LUẬN...........................................................................................................19
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO..............................................................20
MỞ ĐẦU
Từ xưa đến nay, gia đình luôn là tế bào của xã hội, là nơi những người có
quan hệ huyết thống, hôn nhân và nuôi dưỡng cùng chung sống. Nhận thức được vị
thế quan trọng của gia đình và chế độ hôn nhân, Đảng và Nhà nước ta luôn quan
tâm, chú trọng đến việc xây dựng gia đình yên ấm, hòa thuận, chế độ hôn nhân tiến
bộ, chuẩn mực. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, quan hệ hôn nhân do chịu nhiều
tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan nên đã không giữ được giá trị ban
đầu, vợ chồng đã không còn hạnh phúc nên pháp luật cũng dự liệu cho họ quyền
được giải phóng bằng việc ly hôn. Và trong các cuộc ly hôn, chia tài sản chung của
vợ chồng là một vấn đề thường xuyên mà hai bên xảy ra những tranh chấp chính,
do đó việc nghiên cứu đề tài này cũng mang nhiều ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu
sắc. Xuất phát từ lý do nêu trên, nhóm chung em xin lựa chọn nghiên cứu đề tài:
“Nguyên tắc chia tài sản chung của vợ, chồng khi ly hôn theo Luật Hôn nhân và gia
đình 2014 và thực tiễn áp dụng.”

1
BÀI LÀM

1. Khái quát chung về nguyên tắc chia tài sản chung của vợ, chồng khi ly hôn
theo quy định của pháp luật

1.1. Khái niệm về tài sản chung của vợ chồng

Theo quy định của Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
thì tài sản chung của vợ chồng được hiểu là:

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao
động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và
thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại
khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được
tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ
chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc
có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.”

1.2. Khái niệm về ly hôn

Bàn về khái niệm ly hôn được quy định tại Khoản 14 Điều 3 luật Hôn nhân
và gia đình năm 2014: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án,
quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”.

1.3. Nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn theo quy định của
pháp luật.

Chia tài sản chung của vợ chồng là một trong những vấn đề quan trọng khi
giải quyết ly hôn, việc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn được thực hiện
theo 2 nguyên tắc là theo thỏa thuận và theo luật định, trong đó:

2
- Nguyên tắc giải quyết tranh chấp tài sản vợ chồng khi ly hôn trong trường
hợp chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận, được quy định tại các điều 47, 48, 49,
50 và 59 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

- Các nguyên tắc giải quyết tranh chấp tài sản vợ chồng khi ly hôn trong
trường hợp chế độ tài sản vợ chồng theo luật định, được quy định tại các điều 33
đến điều 46 và từ điều 59 đến điều 64 của luật hôn nhân và gia đình 2014.

2. Nội dung nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn theo quy
định của pháp luật

2.1. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp tài sản vợ chồng khi ly hôn trong trường
hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận.

Lyên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng, Luật Hôn nhân và gia đình 2014
đã thêm vào một chế độ mới, được gọi là chế độ tài sản theo thỏa thuận, đây là một
thay đổi đáng chú ý so với Luật Hôn nhân và gia đình 2000.

Chế độ tài sản theo thỏa thuận hay còn gọi là chế độ tài sản ước định cho
phép vợ, chồng xác lập những quy định riêng trong khuôn khổ pháp luật, thay thế
cho chế độ tài sản luật định. Cách tiếp cận tiến bộ này trong việc điều chỉnh quan
hệ tài sản giữa vợ chồng là bước phát triển đáng kể của Luật Hôn nhân và Gia đình
Việt Nam năm 2014, song hành với chế độ tài sản luật định,... Chế độ tài sản theo
thỏa thuận của vợ chồng được căn cứ theo các điều 47, 48, 49, 50 và 59 của Luật
Hôn nhân và gia đình.

Khi chế độ tài sản của vợ chồng được xác định bằng thỏa thuận thì việc phân
chia tài sản khi ly hôn sẽ căn cứ vào thỏa thuận đó.

Tuy nhiên, trong trường hợp thỏa thuận không đầy đủ hoặc thiếu rõ ràng thì
các quy định sau sẽ được áp dụng.

1. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

3
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài
sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu
nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề
nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng
hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn
hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

3. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài
sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà
vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của
mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

4. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên
mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản
để tự nuôi mình.

2.2. Các nguyên tắc giải quyết tranh chấp tài sản vợ chồng khi ly hôn trong
trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định

Bên cạnh chế độ tài sản theo thỏa thuận, thì luật hôn nhân gia đình 2014 tiếp
tục ghi nhận chế độ tài sản theo luật định là nền tảng trong chế độ tài sản chung của
vợ chồng. Chế độ tài sản chung của vợ chồng được quy định tại các điều từ điều 33
đến điều 46 và từ điều 59 đến điều 64 của luật hôn nhân và gia đình. Các nguyên

4
tắc giải quyết tranh chấp tài sản vợ chồng khi ly hôn trong trường hợp chế độ tài
sản vợ chồng theo luật định được quy định bảo gồm các nguyên tắc sau:

- Nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của vợ chồng.

Nguyên tắc đầu tiên trong việc chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn chính là
sự thỏa thuận. “Thỏa thuận” ở đây có nghĩa là “đi tới sự đồng ý sau khi cân nhắc
thoả thuận”. Quan hệ pháp luật dân sự nói chung và quan hệ hôn nhân gia đình nói
riêng đều tôn trọng quyền tự định đoạt của các chủ thể hay nói cách khác là tôn
trọng sự thỏa thuận của vợ chồng đối với tài sản chung khi ly hôn. Quá trình giải
quyết tranh chấp chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, vợ chồng có quyền
thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ khối tài sản chung.Tất nhiên cần phải hiểu
rằng sự thỏa thuận này phải phù hợp với quy định của pháp luật về hôn nhân và gia
đình .

Để cụ thể hoá hơn về nguyên tắc này,tại khoản 1 điều 7 Thông tư lyên tịch số
01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định:

“1. Vợ chồng khi ly hôn có quyền tự thỏa thuận với nhau về toàn bộ các vấn đề,
trong đó có cả việc phân chia tài sản. Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được
mà có yêu cầu thì Tòa án phải xem xét, quyết định việc áp dụng chế độ tài sản của
vợ chồng theo thỏa thuận hay theo luật định, tùy từng trường hợp cụ thể mà Tòa án
xử lý như sau:

a) Trường hợp không có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng hoặc
văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn
bộ thì áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ
chồng khi ly hôn;

b) Trường hợp có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng và văn bản
này không bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì áp dụng các nội dung của văn bản
thỏa thuận để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Đối với những vấn đề không
5
được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng hoặc bị vô hiệu thì áp
dụng các quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4, 5 Điều 59 và các điều 60, 61,
62, 63 và 64 của Luật hôn nhân và gia đình để chia tài sản của vợ chồng khi ly
hôn.”

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 5 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015:

“1. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền
giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn
khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện,
đơn yêu cầu đó.

2.Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi
yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm
điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội”.

Theo đó, xuất phát từ bản chất của quan hệ dân sự nói chung và quan hệ vợ
chồng nói riêng, vợ, chồng có quyền thương lượng, thỏa thuận với nhau để giải
quyết phân chia tài sản trong tất cả các giai đoạn của quá trình tố tụng. Tòa án có
trách nhiệm tôn trọng thỏa thuận hợp pháp của các bên. Nội dung của thỏa thuận vi
phạm điều cấm của luật hoặc đạo đức xã hội thì sẽ không được công nhận.

Từ đó, cho thấy sự tự nguyện thỏa thuận, ý chí đông thuận của các bên luôn
được tôn trọng dù trong bất kì trường hợp vợ chồng lựa chọn vợ chồng lựa chọn
chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận hay theo luật định.

Trong trường mà vợ chồng không thỏa thuận được mà yêu cầu thì toà án
phải xem xét quyết định việc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận
hay theo luận định tuỳ vào từng trường hợp cụ thể như sau:

Thứ nhất: trường hợp không có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ
chồng hoặc văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị toà án tuyên bố

6
vô hiệu toàn bộ thì áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài
sản của vợ chồng khi ly hôn.

Thứ hai: đối với những vấn đề không được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa
thuận không rõ ràng hoặc bị vô hiệu thì áp dụng các quy định tương ứng tại khoản
2,3,4,5 điều 59 và tại các điều 60, 61,62,63 và 64 luật hôn nhân gia đình đình 2014
để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn.

- Nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến
các yếu tố khác.

Trên cơ sở của nguyên tắc vợ, chồng có quyền bình đẳng trong việc hưởng
các quyền dân sự nói chung và quyền sở hữu tài sản nói riêng, trong trường hợp
không có thỏa thuận phân chia tài sản, khi ly hôn, tài sản chung của vợ chồng được
chia theo nguyên tắc chia đôi.

Khoản 2 Điều 59 Luật HN&GĐ năm 2014 và Khoản 4 Điều 7 Thông tư lyên
tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định: Nếu Tòa án áp dụng
chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn
thì tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các
yếu tố sau đây để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia:

+ Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng: là tình trạng về năng lực pháp
luật, năng lực hành vi, sức khỏe, tài sản, khả năng lao động tạo ra thu nhập sau khi
ly hôn của vợ, chồng cũng như của các thành viên khác trong gia đình mà vợ chồng
có quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản theo quy định của Luật hôn nhân và gia
đình. Bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn được chia phần tài sản nhiều hơn so với
bên kia hoặc được ưu tiên nhận loại tài sản để bảo đảm duy trì, ổn định cuộc sống
của họ nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình và của vợ, chồng.

+ Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển
khối tài sản chung là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và
7
lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.
Sự đóng góp đó có thể trực tiếp bằng sức lao động hoặc tài sản mà người đó bỏ ra
để tạo nên tài sản chung của vợ chồng như dùng tài sản riêng để sửa chữa, cải tạo,
tu bổ làm tăng giá trị của tài sản chung, tài sản riêng của mỗi bên đem nhập vào
khối tài sản chung của vợ chồng…

+ Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề
nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập là việc chia tài sản
chung của vợ chồng phải bảo đảm cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được
tiếp tục hành nghề; cho vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp
tục được sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập và phải thanh toán cho bên kia phần
giá trị tài sản chênh lệch. Việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản
xuất, kinh doanh và hoạt động nghề nghiệp không được ảnh hưởng đến điều kiện
sống tối thiểu của vợ, chồng và con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất
năng lực hành vi dân sự.

+ Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng là lỗi của vợ
hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly
hôn. Cần lưu ý, lỗi ở đây có thể là không chăm lo làm ăn, cố tình tẩu tán tài sản, cờ
bạc, rượu chè, có hành vi ngoại tình, bạo lực gia đình… mà các lỗi này là nguyên
nhân trực tiếp dẫn đến ly hôn, nếu một bên có lỗi nhưng không phải là nguyên nhân
trực tiếp dẫn đến ly hôn thì không xem xét, đánh giá khi chia tài sản chung của vợ
chồng khi ly hôn.

Để chứng minh được lỗi của bên đối phương thì chủ thể bên kia phải cung
cấp được chứng cứ chứng minh cho Tòa án về những lỗi vi phạm quyền, nghĩa vụ
đó. Những hành vi vi phạm sẽ là một trong những căn cứ được Tòa án xem xét khi
phân chia tài sản. Căn cứ vào mức độ lỗi vi phạm quyền, nghĩa vụ Tòa án xem xét
chia tài sản theo hướng người nào có lỗi, lỗi nhiều hơn thì sẽ nhận được tài sản ít
hơn.
8
- Nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc chia
theo giá trị.

Khoản 3 điều 59 luật Hôn nhân gia đình 2014 “Tài sản chung của vợ, chồng
được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị ;
bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng
thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.”

Tài sản chung của vợ chồng được chia theo hiện vật dựa theo Khoản 1 Điều
33 luật hôn nhân gia đình năm 2014, theo đó hiện vật được hiểu là những đồ vật có
giá trị, có ý nghĩa và có ích đối với con người.

Nếu tài sản không chia được bằng hiện vật thì sẽ chia theo trị giá của tài sản
đó ở thời điểm hiện tại, tài sản được định giá cụ thể cho từng loại tài sản theo giá
đúng của thị trường từ đó làm căn cứ cho việc phân chia tài sản theo giá trị.

Việc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn không nhất thiết phải chia
đều bằng hiện vật. Việc chia tài sản chung vợ chồng là hiện vật cần bảo đảm sát
thực tế giữa việc chia tài sản bằng hiện vật với chia tài sản bằng tiền, bảo đảm
quyền lợi, tài sản bình đẳng giữa vợ và chồng khi ly hôn.

Trường hợp không thể chia được hiện vật hoặc không thể chia đều hiện vật
thì người nhận toàn bộ hiện vật hoặc nhận hiện vật có giá trị cao hơn phải thanh
toán tiền chênh lệch cho người không nhận hiện vật hoặc nhận hiện vật có giá trị
thấp hơn trên nguyên tắc bảo đảm tối đa giá trị sử dụng của tài sản, khả năng sử
dụng hợp lý tài sản, ổn định đời sống của mỗi bên sau khi phân chia tài sản.

Việc phân chia tài sản chung cho vợ chồng khi ly hôn bao giờ cũng phức tạp,
nguyên tắc này sẽ giúp cho Toà án chủ động hơn trong khi phân chia nhằm mục
đích: chia tài sản không làm mất giá trị sử dụng của tài sản đó. Để thực hiện tốt
nguyên tắc này, Toà án phải chú trọng trong việc ưu tiên chia bằng hiện vật tương
ứng, chỉ khi nào không thể chia bằng hiện vật thì mới tiến hành chia cho một bên
9
nhận hiện vật và bên này có nghĩa vụ trích chia tương ứng giá trị bên kia được
nhận.

- Nguyên tắc bảo đảm quyền sở hữu tài sản riêng của vợ chồng.

Theo điều 43 luật Hôn nhân và gia đình 2014, tài sản riêng bao gồm :

“1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài
sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được
chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài
sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của
pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của
vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được
thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.”

Và theo điều 11 nghị định 126/2014/NĐ-CP, quy định về tài sản riêng của vợ
chồng “ Điều 11. Tài sản riêng khác của vợ, chồng theo quy định của pháp luật

1. Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu
trí tuệ.

2. Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của
Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.

3. Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về
ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn lyền với nhân thân của
vợ, chồng.”

Theo đó vợ chồng có tài sản riêng thì được quyền sử hữu, định đoạt riêng tài
sản đó và không phụ thuộc vào ý chí của bên còn lại.Như vậy,khi vợ chồng ly hôn,
tài sản riêng của vợ, chồng thì thuộc quyền sở hữu riêng của người đó và không
thực hiện nguyên tắc chia đối với tài sản riêng trong trường hợp này.

10
Tuy nhiên, căn cứ vào khoản 4 điều 59 luật hôn nhân và gia đình 2014 “Tài
sản riêng của vợ, chồng là tài sản thuộc quyền sở hữu của riêng người đó, trừ
trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản
chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài
sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận
khác.”

Như vậy, trong trường hợp tài sản riêng của vợ hoặc chồng đã nhập vào tài
sản chung của hai vợ chồng theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
thì tài sản riêng đã được sáp nhập đó sẽ trở thành tài sản chung của vợ, chồng. Và
dĩ nhiên, khi chia tài sản thì sẽ tiến hành chia dựa trên nguyên tắc chia đôi.

- Nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên,
con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động
và không có tài sản để tự nuôi mình.

Xuất phát từ nguyên tắc cơ bản của Luật hôn nhân và gia đình 2014 được
quy định tại khoản 4 Điều 2: “Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ,
hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và
gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực
hiện kế hoạch hóa gia đình”, xuất phát từ chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà
nước, Luật hôn nhân và gia đình cũng thực hiện nguyên tắc bảo vệ quyền lợi chính
đáng của phụ nữ và trẻ em.

Theo đó “Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc
đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động,
và không có tài sản để tự nuôi mình”.

Chính vì thế khi giải quyết khi giải quyết tài sản khi ly hôn,Toà án phải xem
xét bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành
11
niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài
sản để tự nuôi mình.

3. Thực tiễn áp dụng

3.1. Những thành tựu đạt được

Bên cạnh chế độ tài sản theo thỏa thuận thì Luật hôn nhân và gia đình cũng
ghi nhận chế độ tài sản theo luật định là nền tảng trong chế độ tài sản chung của vợ
chồng được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 33 đến Điều 46 và từ Điều
59 đến Điều 64 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Và khi áp dụng vào thực
tiễn để giải quyết vụ tranh chấp tài sản sau khi ly hôn của vợ chồng, các nguyên tắc
này đã có những ảnh hưởng tích cực như sau:

Thứ nhất, về nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của vợ chồng. Có thể thấy,
việc cho phép vợ chồng tự thỏa thuận với nhau về việc chia tài sản khi ly hôn có ý
nghĩa rất lớn. Việc thừa nhận này không chỉ đảm bảo quyền tự do định đoạt đối với
quyền sở hữu tài sản, đáp ứng nhu cầu cá nhân của mỗi người mà còn tạo điều kiện
thuận lợi cho cơ quan Nhà nước trong việc giải quyết tranh chấp về tài sản của vợ
chồng. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, số lượng các vụ việc về ly hôn ngày càng
gia tăng, việc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn nhưng không cần phải xác
minh nguồn gốc cũng như giá trị tài sản của vợ chồng sẽ giúp Tòa án rất nhiều
trong việc tiết kiệm thời gian và nguồn nhân lực.

Thứ hai, nguyên tắc đảm bảo sự bình đẳng về quyền sở hữu tài sản của vợ
chồng là quy định rất tiến bộ bởi thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, có rất nhiều gia
đình vẫn không coi trọng đóng góp của người phụ nữ trong việc quán xuyến, chăm
lo công việc nội trợ gia đình, vì họ không có thu nhập và dường như kinh tế sẽ
thuộc sở hữu của người chồng làm ra. Quy định trên của Luật hôn nhân và gia đình
đã phần nào khắc phục được hạn chế nêu trên, theo đó người chăm lo công việc gia
đình vẫn được coi là lao động có thu nhập.
12
Thứ ba, về nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng được chi bằng hiện vật
hoặc chia theo giá trị được hưởng. Thực tiễn cho thấy việc phân chia tài sản cho vợ
chồng khi ly hôn bao giờ cũng phức tạp, do đó nguyên tắc này sẽ giúp cho Toà án
chủ động hơn trong khi phân chia nhằm mục đích: chia tài sản không làm mất giá
trị sử dụng của tài sản đó. Để thực hiện tốt nguyên tắc này, Toà án phải chú trọng
trong việc ưu tiên chia bằng hiện vật tương ứng, chỉ khi nào không thể chia bằng
hiện vật thì mới tiến hành chia cho một bên nhận hiện vật và bên này có nghĩa vụ
trích chia tương ứng giá trị bên kia được nhận.

Thứ tư, về nguyên tắc bảo đảm quyền sở hữu tài sản riêng của vợ, chồng.
Khoản 4 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định tài sản riêng của
vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập
vào tài sản chung. Nguyên tắc này đảm bảo quyền sở hữu và lợi ích hợp pháp đối
với tài sản riêng của vợ, chồng, giúp đảm bảo công bằng cho vợ, chồng khi có tài
sản riêng, hạn chế xảy ra trường hợp đối phương được nhận một phần lợi ích nào
đó từ tài sản mà không phải của bản thân họ làm ra hoặc không đúng với ý chí của
người đã tặng cho, để lại thừa kế...Bên cạnh đó, nguyên tắc này cũng góp phần xác
định loại tài sản nào nằm ngoài việc chia giữa vợ và chồng dễ dàng hơn.

Thứ năm, nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành
niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao
động và không có tài sản để tự nuôi mình được quy định nhằm ngăn chặn thói tệ
coi rẻ người phụ nữ và con cái. Hơn nữa, trên thực tế, sau khi ly hôn người vợ được
coi là phái yếu và con cái thường gặp nhiều khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần
trong việc tổ chức lại và duy trì cuộc sống bình thường. Họ cần được bảo vệ và
quan tâm. Do đó, cần phải tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống, yên tâm công
tác, lao động, hạn chế thấp nhất những khó khăn họ phải chịu.

 Số liệu thực tế từ tòa án:

13
Bản án Hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 71/2022/HNGĐ-ST ngày (án
phúc thẩm sao kí hiệu lại là HNGĐ-ST 08 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân
huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Về việc: “Tranh chấp về chia tài sản chung sau khi ly hôn” giữa anh Đỗ Văn Ch và
chị Nguyễn Thị Minh L.

Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm đã quyết định: Chấp nhận yêu cầu chia tài sản sau
khi ly hôn của anh Đỗ Văn Ch. Xử chia và mỗi bên sẽ được nhận hiện vật và
Chị L phải có trách nhiệm thanh toán giá trị chênh lệch tài sản cho anh Ch số
tiền là 67.901.700 đồng làm tròn số 67.902.000 đồng. Anh Ch được quyền sở
hữu số tiền do chị L thanh toán nêu trên.

- Trong vụ án, nguyên tắc về chia tài sản chung của vợ chồng đã được Tòa
án áp dụng và thể hiện rõ trong phán quyết như sau:

+ Tòa án đã đảm bảo được nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của vợ chồng.
Có thể thấy, việc cho phép vợ chồng tự thỏa thuận với nhau về việc chia tài sản khi
ly hôn có ý nghĩa rất lớn.

Cụ thể ở bản án là: Anh Ch và chị L đã ly hôn theo Quyết định công nhận thuận
tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự của Tòa án nhân dân. Khi giải quyết
ly hôn, anh Ch và chị L không yêu cầu Tòa án giải quyết phân chia tài sản mà để tự
thỏa thuận giải quyết với nhau và Tòa án cũng đã đồng ý với quyết định trên của
anh Ch và chị L.

+ Để đảm bảo quyền lợi của các đương sự, Tòa án yêu cầu chia đôi diện tích
đất bằng hiện vật cho Anh Ch và Chị L cụ thể là: Tòa giao cho chị L quyền sử dụng
đất và sở hữu phần diện tích đất ở và đất nuôi trồng thủy sản cùng tài sản trên phần
đất được chia là ngôi nhà cấp 4 và một phần ngôi nhà ngang cấp 4, Tòa giao cho
anh Ch quyền sử dụng và sở hữu phần diện tích đất ở và đất nuôi trồng thủy sản
còn lại cùng tài sản trên đất là một phần ngôi nhà ngang cấp 4.
14
+ Tòa án đã thực hiện được nguyên tắc đảm bảo sự bình đẳng về quyền sở
hữu tài sản của vợ chồng. Mặc dù không có hợp đồng chuyển nhượng quyền sử
dụng đất nhưng chủ sử dụng thửa đất số 8 là anh Đỗ Ngọc A và chị Đỗ Thị Á xác
nhận đã chuyển nhượng cho anh Ch, chị L cùng thời điểm chuyển nhượng thửa đất
số 10; hai bên không có tranh chấp và yêu cầu gì. Do đó, có căn cứ xác định thửa
đất số 10 và thửa đất số 8 cùng toàn bộ tài sản trên đất là tài sản chung của anh Ch,
chị L hình thành trong thời kỳ hôn nhân.

3.2. Tồn tại, vướng mắc

Thứ nhất, về thời điểm có hiệu lực của thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng
và phạm vi áp dụng.

Như đã khẳng định ở phần trên, Điều 47 Luật hôn nhân và gia đình năm
2014 quy định: “Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo
thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn
bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận
được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn”. Tuy là một điểm mới tiến bộ, song có
thể thấy nội dung điều luật trên có sự trùng lặp và mâu thuẫn nhau khi đoạn đầu
quy phạm xác định khi lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận phải được lập trước
khi kết hôn, tuy nhiên đoạn sau lại xác định chế độ tài sản vợ chồng được xác lập
kể từ ngày đăng ký kết hôn. Có thể thấy, chỉ một nội dung về việc quy định thời
điểm xác lập chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận, tuy nhiên lại quy định
hai thời điểm khác nhau.

Nội hàm các nhà làm luật hướng tới điều luật trên bao gồm ba nội dung là
thời điểm xác lập, hình thức và thời điểm phát sinh hiệu lực của việc lựa chọn chế
độ tài sản theo thỏa thuận. Tuy nhiên, do sự thiếu sót trong việc soát xét dẫn đến
nội hàm điều luật bị trùng lặp trong quy định, dẫn đến việc khó khăn trong áp dụng.

15
Bên cạnh đó, quy định trên của Luật hôn nhân và gia đình khi áp dụng trong
thực tiễn sẽ thấy được điểm bất cập khi quy định này chỉ được áp dụng đối với các
cặp vợ chồng từ sau thời điểm ngày 01/01/2015 (ngày Luật hôn nhân và gia đình
năm 2014 có hiệu lực). Vậy những trường hợp mà vợ chồng đã đăng ký kết hôn từ
trước thời điểm trên muốn lựa chọn chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận thì đều
không được thừa nhận bởi Luật chỉ thừa nhận việc lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa
thuận phải được lập trước khi kết hôn. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, tùy thực tiễn
khách quan, nhu cầu của đời sống mà các nhà làm luật cần có hướng dẫn quy định
về vấn đề “hồi tố” đối với quy định này trong những trường hợp nhất định được áp
dụng cả đối với các cặp vợ chồng đã kết hôn trước thời điểm Luật hôn nhân và gia
đình 2014 có hiệu lực.

Thứ hai, về xác định công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy
trì và phát triển khối tài sản chung.

Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập –
đây là tình tiết để xem xét xác định tỷ lệ trong việc phân chia tài sản chung của vợ
chồng khi chia tài sản chung của vợ chồng. Tình tiết này được hướng dẫn như sau:
“Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài
sản chung là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động
của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ
hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có
thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức
đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn”. Song thực tế việc xác định công sức
đóng góp nêu trên mới chỉ mang tính chất định tính chứ không có một định lượng
rõ ràng dẫn đến cách hiểu, cách áp dụng khác nhau.

Để xem xét công sức đóng góp trong việc tạo lập, phát triển, giữ gìn tài sản
chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, cần phải xem xét khách quan, toàn
diện từ nguồn gốc hình thành tài sản, giá trị tài sản để thấy công sức quản lý, giữ
16
gìn, sự cần thiết và hiệu quả của công sức đã bỏ ra. Tài sản có giá trị càng cao thì
trách nhiệm và công sức của người quản lý, giữ gìn, chăm sóc tài sản đó càng lớn.
Công sức, quản lý tài sản yêu cầu có trình độ chuyên môn, nhiều thời gian hơn
khác với trường hợp chỉ yêu cầu lao động phổ thông, ít thời gian hơn. Do đó, để
quy định trên được áp dụng thống nhất trong phân chia tài sản chung giữa các Tòa
án, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn định lượng, dữ liệu các trường hợp xảy ra để xác
định phần trăm cụ thể góp phần thống nhất áp dụng pháp luật.

Thứ ba, về yếu tố lỗi trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ hoặc chồng.

Một vấn đề khác cũng cần được xem xét khi xác định tài sản chung của vợ,
chồng khi ly hôn là yếu tố lỗi. Đây được xem là quy định mới trong Luật hôn nhân
và gia đình khi phân chia tài sản chung của vợ chồng. Mặc dù vậy, yếu tố lỗi được
hướng dẫn rất chung chung, theo đó: “Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa
vụ của vợ chồng là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân,
tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn.” Tuy vậy, hướng dẫn trên mới chỉ dừng lại ở
việc diễn giải nội dung quy định, do đó nội dung trên chỉ có ý nghĩa trong việc xác
định tình tiết thuộc yếu tố trên mà chưa có ý nghĩa trong việc xác định, định lượng
theo tỷ lệ phần trăm các bên được hưởng. Do đó, xảy ra sự thiếu thống nhất trong
nhiều trường hợp phần lỗi như nhau khi nguyên nhân dẫn đến ly hôn là do người
chồng ngoại tình, nhưng có Tòa án xác định chia cho người vợ 55%, có Tòa án lại
xác định chia cho người vợ 60% trong khối tài sản chung.

Bên cạnh đó, gần như rất khó có thể xác định cụ thể vợ hay chồng vi phạm
quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản. Vì thực tế trong mối quan hệ vợ chồng có rất
nhiều quyền và nghĩa vụ đối với nhau, đặc biệt những quyền, nghĩa vụ về nhân thân
như “thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng
nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình”. Khi hôn nhân đổ vỡ, lẽ dĩ
nhiên là trước đó đã xảy ra những mâu thuẫn giữa hai vợ chồng. Lúc này, riêng
việc xác định ai không quan tâm, chăm sóc ai nhiều hơn đã vô cùng nan giải, bởi
17
đây là những yếu tố trừu tượng, định tính, chưa kể đến việc đặt yếu tố này lên “bàn
cân” với những quyền và nghĩa vụ khác.

Thêm nữa, về vi phạm quyền, nghĩa vụ về tài sản, khoản 3 Điều 29 Luật Hôn
nhân và gia đình năm 2014 quy định: Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của
vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của
người khác thì phải bồi thường. Theo đó, có thể thấy, lỗi trong việc thực hiện
quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng sẽ dẫn đến vấn đề bồi thường dân sự. Như
vậy, cùng một hành vi lỗi vừa phải chịu trách nhiệm pháp lý về dân sự lại vừa phải
chịu thiệt thòi khi chia tài sản. Về bản chất, việc bồi thường đã được xem lại bù đắp
cho phần lỗi mà vợ hoặc chồng gây ra đối với bên còn lại nên có quan điểm cho
rằng quy định như vậy là chưa hoàn toàn hợp tình, hợp lý.

Thứ tư, một số nội dung của Luật vẫn còn thiếu tính khả thi như trong áp
dụng tập quán, trong hoàn thiện cơ chế đồng bộ, thống nhất, minh bạch trong đăng
ký tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng và giao dịch lyên quan. Cụ thể là cơ
chế công khai về thỏa thuận của vợ chồng trong xác lập chế độ tài sản theo thỏa
thuận. Các loại tài sản khác, các quan hệ nghĩa vụ, hợp đồng được quy định tại các
luật điều chỉnh các lĩnh vực cụ thể về đất đai, chứng khoán, vốn góp tại doanh
nghiệp, đối tượng sở hữu trí tuệ cần được quy định cụ thể hơn về sở hữu của vợ
chồng trong quan hệ lyên quan.

Để áp dụng thống nhất, đảm bảo tính khách quan và công bằng, tránh chồng
chéo chúng ta cần phải xây dựng một hệ thống văn bản hướng dẫn quy định rõ ràng
và cụ thể hơn nữa. Các quy định của pháp luật được xây dựng cần có tính khả thi,
phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của xã hội.

18
KẾT LUẬN

Dựa vào việc khái quát quy định của pháp luật hiện hành về các nguyên tắc
chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, bình luận về những thành tựu đạt được
của nền luật pháp nước nhà cũng như chỉ ra những vướng mắc, bất cập về chia tài
sản chung của vợ chồng khi ly hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014, nhóm
chúng em đã giải quyết được những nhiệm vụ, nội dung cơ bản đặt ra liên quan đến
chế định này. Tuy còn tồn tại nhiều điểm chưa phù hợp song quy định của pháp
luật hôn nhân và gia đình về chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn về cơ bản
đã thể hiện tính ưu việt, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích của các bên trong quan
hệ hôn nhân cũng như của những người có liên quan. Do thời lượng có hạn và kiến
thức chuyên môn còn ít, chuyên đề bài tập của nhóm có thể còn những sai sót, hạn
chế nhất định. Mong thầy, cô thông cảm và góp ý để chúng em hoàn thiện kỹ năng
làm bài hơn, chúng em xin chân thành cảm ơn!

19
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

*Sách chuyên khảo và giáo trình:

1. TS. Nguyễn Văn Cừ, Giáo trình Luật Hôn nhân và Gia đình, NXB Công an Nhân
dân, 2022.

2. TS. Nguyễn Thị Chi, Bình luận Luật Hôn nhân và Gia đình, NXB Lao động,
2021.

*Tạp chí, bài báo:

1. Th.S. Nguyễn Tùng, Pháp luật về chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn -
Một số bất cập và giải pháp hoàn thiện, Tạp chí Tòa án nhân dân, ngày 03/0/2022.

https://tapchitoaan.vn/phap-luat-ve-chia-tai-san-chung-cua-vo-chong-khi-ly-hon-
mot-so-bat-cap-va-giai-phap-hoan-thien7059.html

2. Hải Hà, Vợ chỉ ở nhà nội trợ thì có được chia tài sản khi ly hôn?, Báo điện tử
Dân trí, ngày 22/05/2023.

https://dantri.com.vn/ban-doc/vo-chi-o-nha-noi-tro-thi-co-duoc-chia-tai-san-khi-ly-
hon-20230522073912347.htm

*Văn bản quy phạm pháp luật:

1. Quốc hội, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật số 52/2014/QH13, ngày 19/06/2014.

2. Quốc hội, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Bộ luật số 92/2015/QH13, ngày 25/11/2015.

3. Tòa án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Tư pháp, Thông
tư liên tịch Hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình,
Thông tư số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, ngày 06/01/2016.

20

You might also like