You are on page 1of 509

Thành đoàn hà nội

Trường lê duẩn

công tác đội


Thiếu niên tiền phong hồ chí minh

(Giáo trình bồi dưỡng cán bộ chỉ huy Đội)

Hà nội, năm 2005


lời mở đầu

Giáo trình "Công tác Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh" được xây dựng
để phục vụ cho mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đội tại Trường Lê Duẩn, cán bộ Đội
trong nhà trường phổ thông và ở địa bàn dân cư.
Giáo trình "Công tác Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh" còn nhằm phục
vụ nhu cầu tự học tập của cán bộ Đội, dùng làm tài liệu nghiên cứu, tham khảo cho đội
ngũ giảng viên về công tác Đoàn, Đội trong các trường sư phạm, cán bộ phụ trách thiếu
nhi và những cá nhân quan tâm đến công tác Đoàn, Đội, công tác giáo dục trẻ em.
Nội dung của giáo trình nhằm trang bị cho người học một số vấn đề cơ bản về công
tác Đội TNTP Hồ Chí Minh, phương pháp công tác của người cán bộ chỉ huy Đội và kĩ
năng thiết kế, điều hành các hoạt động Đội một cách sáng tạo.
Giáo trình được thiết kế theo mô đun, có tính độc lập tương đối, có cấu trúc đặc
biệt, chứa đựng mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá kết quả
học tập của học viên. Các yếu tố này được gắn bó trong một chỉnh thể, phù hợp với các
phương pháp dạy học tích cực và phát huy được nguyên tắc “Tự nguyện tự quản” trong
sinh hoạt Đội, linh hoạt khi sử dụng.
Giáo trình được cấu trúc thành 4 mô đun:
Mô đun 1: Những vấn đề chung về Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ chí Minh
Mô đun II: Công tác chủ yếu của Ban chỉ huy Đội
Mô đun III: Kĩ năng, nghiệp vụ công tác Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí
Minh
Mô đun IV: Công tác nhi đồng
Với mục tiêu, nội dung, cấu trúc như trên, khi sử dụng giáo trình, người dạy phải
chú ý đến mối quan hệ giữa các mô đun, các tiểu mô đun, các chủ đề trong toàn bộ giáo
trình, đồng thời cần quan tâm đến các điều kiện và phương tiện hỗ trợ việc học tập của
người học như: phòng học, sân tập, các mô hình, tranh ảnh, sách báo tham khảo, băng
hình, sơ đồ, lều trại... để người học tiếp thu kiến thức đầy đủ, hệ thống. Thông qua cách
cấu trúc trên, giáo trình cũng đặc biệt khuyến khích việc tự học, tự nghiên cứu, tự kiểm
tra đánh giá kết quả học tập của người học.
Giáo trình lần đầu tiên được biên soạn cho đối tượng cán bộ Đội theo phương thức
mới mới nên có thể còn có nhiều khiếm khuyết. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp
của các nhà sư phạm, các cán bộ phụ trách thiếu nhi, các cán bộ Đội và học viên để giáo
trình ngày càng được hoàn thiện hơn.
Tập thể tác giả
mục lục

Lời nói đầu 1


Bảng viết tắt 5
Mục tiêu chung 6
Môđun 1: Những vấn đề chung về Đội TNTP Hồ Chí Minh 8
Tiểu mô đun 1: Lịch sử Đội TNTP Hồ Chí Minh 9
Chủ đề 1: Hoàn cảnh ra đời của Đội TNTP Hồ Chí Minh 10
Chủ đề 2: Các giai đoạn phát triển của Đội TNTP Hồ Chí Minh 16
Chủ đề 3: ý nghĩa các giai đoạn Đội được mang tên 29
Chủ đề 4: Các phong trào lớn của Đội TNTP Hồ Chí Minh 32
Tiểu mô đun 2: Điều lệ và hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí 42
Minh
Chủ đề 1: Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí Minh 43
Chủ đề 2: Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí Minh 47
Tiểu mô đun 3: Hoạt động của Đội TNTP Hồ Chí Minh 53
Chủ đề 1: Hoạt động giáo dục truyền thống, đạo đức nếp sống; hoạt động phục 54
vụ học tập, văn hoá
Chủ đề 2: Hoạt động vui chơi giải trí và phát triển; hoạt động lao động và sáng tạo 61
Chủ đề 3: Hoạt động xã hội; hoạt động giáo dục tinh thần đoàn kết, hữu nghị 66
quốc tế
Tiểu mô đun 4: Mô hình hoạt động Đội TNTP Hồ Chí Minh 82
Chủ đề 1: Khái niệm, phân loại mô hình hoạt động Đội TNTP Hồ Chí Minh 83
Chủ đề 2: Phương pháp thiết kế và tổ chức thực hiện một số mô hình hoạt động 85
Đội TNTP Hồ Chí Minh
Môđun 2: Công tác chủ yếu của Ban chỉ huy Đội 112
Tiểu mô đun 1: Công tác chủ yếu của BCH Đội 113
Chủ đề 1: Vị trí, vai trò, nhiệm vụ, đặc trưng của BCH Đội trong điều kiện mới 114
Chủ đề 2: Mối quan hệ công tác của BCH Đội 120
Tiểu mô đun 2: Sinh hoạt chi đội TNTP Hồ Chí Minh 126
Chủ đề 1: Khái niệm, mục tiêu, nội dung, phân loại sinh hoạt chi đội 127
Chủ đề 2: Một số hình thức sinh hoạt truyền thống của Đội 131
Chủ đề 3: Quy trình tổ chức các loại hình sinh hoạt chi đội 145
Chủ đề 4: Phương pháp thiết kế sinh hoạt chi đội theo chủ điểm 150
Tiểu môđun 3: Phương pháp xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác 163
Đội TNTP Hồ Chí Minh trong trường phổ thông
Chủ đề 1: Tác dụng, tính chất, phân loại kế hoạch công tác Đội 164
Chủ đề 2: Phương pháp xây dựng kế hoạch công tác Đội 169
Chủ đề 3: Cấu trúc kế hoạch công tác Đội 174
Tiểu môđun 4: Thiết kế hoạt động Đội TNTP Hồ Chí Minh 186
Chủ đề 1: Khái niệm, mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của thiết kế hoạt động Đội 187
Chủ đề 2: Cấu trúc, phương pháp viết thiết kế hoạt động Đội 191
Môđun 3: Kĩ năng, nghiệp vụ công tác Đội TNTP Hồ Chí Minh 208
Tiểu môđun 1: Hướng dẫn Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh 209
Chủ đề 1: Những vấn đề chung về Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh 211
Chủ đề 2: Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh 221
Tiểu chủ đề 1: Yêu cầu đối với đội viên 221
Tiểu chủ đề 2: Đội hình, đội ngũ 236
Tiểu chủ đề 3: Yêu cầu đối với chỉ huy Nghi thức Đội 247
Tiểu chủ đề 4: Nghi lễ của Đội 254
Chủ đề 3: Phương pháp hướng dẫn Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh 268
Tiểu môđun 2: Hướng dẫn trò chơi triếu nhi 284
Chủ đề 1: Hướng dẫn trò chơi thiếu nhi 285
Chủ đề 2: Trò chơi lớn 302
Tiểu mô đun 3: Hướng dẫn hát múa tập thể 321
Chủ đề 1: Mục đích, ý nghĩa, vai trò của hát múa tập thể đối với thiếu nhi 322
Chủ đề 2: Một số tư thế , đội hình múa, phương pháp hướng dẫn hát múa tập thể 325
Chủ đề 3: Hướng dẫn một số bài hát múa truyền thống và theo chủ đề năm học 339
của Đội
Tiểu mô đun 4: Hướng dẫn trại thiếu nhi 377
Chủ đề 1: Phương pháp dựng và trang trí lều chữ A 378
Chủ đề 2: Phương pháp tổ chức trại thiếu nhi 387
Môđun 4 : Công tác nhi đồng 410
Tiểu mô đun 1: Quy định về nhi đồng và Sao nhi đồng 410
Chủ đề 1: Quy định chung về nhi đồng và sao nhi đồng 412
Chủ đề 2: Mục tiêu, nội dung giáo dục nhi đồng 416
Tiểu mô đun 2: Hoạt động của nhi đồng trong trường tiểu học 422
Chủ đề 1: Đặt tên Sao, bầu trưởng Sao và lễ công nhận Sao 424
Chủ đề 2: Sinh hoạt Sao nhi đồng - lớp nhi đồng thường kì 428
Chủ đề 3: Phương pháp thiết kế, điều hành sinh hoạt Sao, lớp nhi đồng thường kì 431
Chủ đề 4: Chủ điểm, nội dung sinh hoạt Sao, lớp nhi đồng các tháng trong năm học 439
Tiểu mô đun 3: Phụ trách Sao nhi đồng 446
Chủ đề 1: Tầm quan trọng của phụ trách Sao nhi đồng, tiêu chuẩn phụ trách Sao 447
nhi đồng
Chủ đề 2: Nội dung, phương pháp bồi dưỡng phụ trách Sao nhi đồng 448
Bảng viết tắt

- Chủ nghĩa xã hội CNXH


- Chủ nghĩa cộng sản CNCS
- Cộng sản chủ nghĩa CSCN
- Đoàn viên thanh niên ĐVTN
- Giáo viên - Tổng phụ trách GV-TPT
- Hội đồng Đội HĐĐ
- Liên hiệp thanh niên LHTN
- Phụ trách chi đội PTCĐ
- Phụ trách nhi đồng PTNĐ
- Phụ trách Sao PTS
- Rèn luyện đội viên RLĐV
- Sao nhi đồng SNĐ
- Thanh niên cộng sản TNCS
- Thiếu niên nhi đồng TNNĐ
- Thiếu niên tiền phong TNTP
- Xã hội chủ nghĩa XHCN

Mục tiêu chung

Sau khi học xong chương trình đào tạo Cán bộ chỉ huy Đội, học sinh cần đạt
được những yêu cầu sau:
1. Về kiến thức
- Hiểu được những điểm cơ bản của lịch sử và truyền thống Đội TNTP Hồ
Chí Minh.
- Hiểu được những nội dung cơ bản trong công tác Đội TNTP Hồ Chí Minh
như: Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí Minh, Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh, nội
dung, hình thức, phương pháp hoạt động Đội TNTP Hồ Chí Minh.
2. Về kĩ năng
- Có được các kĩ năng cơ bản trong hoạt động Đội TNTP Hồ Chí Minh như:
Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh, múa hát tập thể, trò chơi thiếu nhi, trại thiếu
nhi.
- Biết thực hành các phương pháp công tác Đội TNTP Hồ Chí Minh.
- Biết lựa chọn các nội dung, hình thức hoạt động phù hợp với thực tiễn
công tác Đội và đặc điểm tâm lí lứa tuổi thiếu nhi.
- Biết lồng ghép các hoạt động Đội với hoạt động chung của nhà trường.
- Vận dụng được những nội dung và kiến thức mở rộng về xã hội…vào các
hoạt động của Đội nhằm giáo dục toàn diện cho thiếu nhi. Phát huy tốt vai trò của
người cán bộ chỉ huy Đội trong tổ chức hoạt động Đội tại cơ sở.
- Biết thiết kế, tổ chức, điều hành, kiểm tra đánh giá hoạt động Đội của
người cán bộ chỉ huy Đội.
3. Về thái độ
- Có những phẩm chất cơ bản của người cán bộ chỉ huy Đội
- Có ý thức trau dồi kiến thức, học hỏi, sáng tạo khi tổ chức hoạt động Đội.
- Nghiêm túc trong học tập, rèn luyện, say sưa, nhiệt tình, trách nhiệm với
công việc của cán bộ chỉ huy Đội
- Phát huy được vai trò tự quản của tổ chức Đội.
Giới thiệu cấu trúc nội dung giáo trình
và khung thời gian

stt Mô đun Số tiểu mô đun Số tiết


1 Mô đun 1: Những vấn đề chung về 4 21
Đội TNTP Hồ Chí Minh
2 Mô đun 2: Công tác chủ yếu của 4 20
Ban chỉ huy Đội
3 Mô đun 3: Kĩ năng, nghiệp vụ công 4 37
tác Đội TNTP Hồ Chí Minh
4 Mô đun 4: Công tác nhi đồng 3 9
Công : 4 mô đun 15 tiểu mô đun 87 tiết

Mô đun 1: những vấn đề chung về đội tntp hồ chí minh


(21 tiết)

I. Mục tiêu của mô đun 1


Học xong mô đun 1, học sinh đạt được những yêu cầu sau:
- Nêu được các mốc son lịch sử của Đội TNTP Hồ Chí Minh, tên của Đội
trong các giai đoạn, các phong trào lớn của Đội trong hơn 60 năm qua.
- Trình bày được nội dung cơ bản của Điều lệ Đội và hướng dẫn thực hiện
Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí Minh.
- Hiểu được các nội dung, hình thức hoạt động Đội TNTP Hồ Chí Minh.
- Phân tích được các giai đoạn phát triển của Đội.
- Phân biệt được một số mô hình hoạt động thiếu nhi.
- Biết vận dụng những hiểu biết chung về Đội TNTP Hồ Chí Minh vào thực
tiễn công tác Đội tại liên đội, chi đội.
- Tự hào về truyền thống Đội, có ý thức giữ gìn danh dự Đội.
II. giới thiệu mô đun 1
Mô đun 1 gồm 4 tiểu mô đun, phân bố trong 21 tiết, cụ thể như sau :
stt Tên tiểu Mô đun Số tiết Trang số
1 Lịch sử Đội TNTP Hồ Chí Minh 8 tiết 9
2 Điều lệ và hướng dẫn thực hiện Điều lệ 3 tiết 42
Đội TNTP Hồ Chí Minh
3 Hoạt động của Đội TNTP Hồ Chí Minh 6 tiết 53
4 Mô hình hoạt động Đội TNTP Hồ Chí 4 tiết 82
Minh
Cộng : 4 tiểu mô đun 21 tiết

Tiểu mô đun 1: Lịch sử Đội TNTP Hồ Chí Minh


( 8 tiết)
I. Mục tiêu
Kết thúc tiểu mô đun 1, học sinh có khả năng
1. Kiến thức
- Hiểu được hoàn cảnh ra đời và các giai đoạn phát triển của Đội TNTP Hồ
Chí Minh;
- Xác định rõ ý nghĩa các tên gọi khác nhau của Đội TNTP Hồ Chí Minh;
- Hiểu được nội dung, ý nghĩa các phong trào lớn của Đội TNTP Hồ Chí
Minh hơn 60 năm qua.
2. Kĩ năng
- Phân tích được các giai đoạn phát triển của Đội TNTP Hồ Chí Minh;
- Biết vận dụng những hiểu biết về các phong trào thiếu nhi hoặc phong trào
của Đội vào tổ chức các hoạt động thực tiễn tại liên, chi đội.
3. Thái độ
- Yêu thích công tác Đội, trân trọng lịch sử Đội, có ý thức bảo vệ và giữ gìn
danh dự Đội;
- Có ý thức tự giác học tập, rèn luyện, say sưa trong công tác Đội.
II. Giới thiệu tiểu mô đun 1
Tiểu mô đun 1 bao gồm 4 chủ đề cơ bản, thực hiện trong 8 tiết, cụ thể như sau:
STT Tên chủ đề Số tiết Trang số
1 Hoàn cảnh ra đời của Đội TNTP Hồ Chí Minh. 2 tiết 10
2 Các giai đoạn phát triển của Đội TNTP Hồ Chí Minh 4 tiết 16
3 ý nghĩa các giai đoạn Đội mang tên 1 tiết 29
4 Các phong trào lớn của Đội TNTP Hồ Chí Minh 1 tiết 32
Cộng 8 tiết

III. Điều kiện cần thiết để thực hiện tiểu mô đun 1


1. Điều kiện 

Học sinh phải có kiến thức nhất định về lịch sử truyền thống của đất nước,
lịch sử Đội, các tấm gương anh hùng, liệt sĩ thiếu niên tiêu biểu.
2. Tài liệu học tập của tiểu mô đun 1
1. Trường Lê Duẩn, Hành trang chi đội trưởng, Nxb Hà Nội,1999.
2. Trường Lê Duẩn, Giáo trình công tác Đội TNTP Hồ Chí Minh bồi dưỡng
Tổng phụ trách, Nxb Hà Nội, 2005
3. Gương liệt sĩ, Nxb Kim Đồng, 1978.
4. Bùi Sỹ Tụng (chủ biên) - Phạm Đình Nghiệp - Phan Nguyên Thái, Cẩm
nang cho người phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Nxb Giáo dục,
2001.
5. Phong Thu, Những trang sử Đội vẻ vang, Nxb Kim Đồng,1986.
3. Thiết bị, đồ dùng giảng dạy và học tập
+ Máy projector, giấy troki, bút viết bảng, băng dính, kéo, giấy mầu.
IV Nội dung

Chủ đề 1: Hoàn cảnh ra đời của Đội TNTP Hồ Chí Minh (2 tiết)
1. Hoạt động
Hoạt động 1: Xác định hoàn cảnh xã hội và tình hình công tác thiếu nhi trước
ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (35 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 1: [2, tr 26- 46]; [4, tr25 - 34]
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Tìm các sự kiện, mốc son đáng ghi nhớ về tình hình lịch sử xã
hội Việt Nam, giai đoạn từ 1858 đến 1940 và hoạt động của thiếu nhi trước ngày
thành lập Đội (10 phút)
+ Học sinh nghiên cứu tài liệu trả lời các câu hỏi giáo viên phát vấn.
+ Câu hỏi:
Em hãy cho biết những sự kiện, mốc son đáng ghi nhớ về tình hình lịch sử
xã hội Việt Nam giai đoạn từ 1858-1940.
Em hãy nêu một số hoạt động của thiếu nhi trước ngày thành lập Đội.
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu về một số hoạt động của thiếu nhi Việt Nam và các tổ
chức tiền thân của Đội TNTP Hồ Chí Minh trước ngày thành lập Đội (20 phút).
+ Thông qua một số tranh ảnh, câu chuyện, học sinh nêu một số hoạt động
của Thiếu nhi Việt Nam và các tổ chức tiền thân của Đội TNTP Hồ Chí Minh
trước ngày thành lập Đội.
- Nhiệm vụ 3: Tìm hiểu một số tấm gương anh hùng thiếu nhi giai đoạn
1930 - 1941 (10 phút)
+ Đọc tài liệu về một số gương anh hùng thiếu nhi giai đoạn 1930 - 1941.
+ Thảo luận nhóm, nêu những tấm gương anh hùng thiếu nhi giai đoạn
1930- 1941 mà em biết.
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi 1: Em hãy nêu một số mốc son lịch sử nước ta trước ngày thành lập
Đội.
- Câu hỏi 2: Hoạt động của thiếu nhi Việt Nam trước ngày thành lập Đội là gì?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 12 - 14 của giáo trình.
Hoạt động 2: Xác định ý nghĩa của việc thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh
(20 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 2: [4, tr 25 – 34]
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Xác định ý nghĩa của việc thành lập tổ chức Đội (7 phút)
+ Học sinh thảo luận theo nhóm sau đó cử đại diện trình bày.
+ Câu hỏi thảo luận: Vì sao phải tập hợp các em thiếu nhi vào một tổ chức?
Điều này có ý nghĩa như thế nào?
- Nhiệm vụ 2: Xác định ý nghĩa của việc thành lập tổ chức Đội (10 phút)
+ Giáo viên nêu một số hoạt động của tổ chức Đội trước ngày thành lập Đội.
Học sinh xác định ý nghĩa của việc thành lập tổ chức Đội.
* Đánh giá hoạt động 2
- Câu hỏi: Việc thành lập tổ chức Đội có ý nghĩa như thế nào đối với thiếu nhi?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 14 - 15 của giáo trình.
Hoạt động 3: Ngày thành lập Đội - ngày lịch sử đáng ghi nhớ (30 phút )
* Thông tin nguồn cho hoạt động 3: [4, tr 25 – 34]; [5, tr 14-20]
* Nhiệm vụ của hoạt động 3
- Nhiệm vụ 1: Xác định ngày thành lập Đội (10 phút)
+ Trả lời câu hỏi đúng, sai; câu hỏi nhận thức để xác định ngày thành lập
Đội, nơi thành lập Đội, 5 đội viên đầu tiên của Đội.
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu về một số hoạt động của Đội Nhi đồng cứu quốc (7
phút)
+ Học sinh đọc tài liệu tìm hiểu về một số hoạt động của Đội Nhi đồng cứu
quốc .
- Nhiêm vụ 3: Xác định nhiệm vụ của Đội nhi đồng cứu quốc (3 phút).
+ Học sinh trả lời về nhiệm vụ của Đội Nhi đồng cứu quốc.
- Nhiệm vụ 4: Tìm hiểu lễ thành lập Đội Nhi đồng cứu quốc (5 phút).
+ Học sinh nghiên cứu tài liệu (xem thông tin phản hồi cho hoạt động 3 từ
trang 15 đến trang 16 của giáo trình.
* Đánh giá hoạt động 3
- Câu hỏi 1: Em hãy cho biết ngày thành lập Đội Nhi đồng cứu quốc. Địa
điểm thành lập ở đâu? Tên người đội trưởng đầu tiên của Đội?
- Câu hỏi 2: Đội Nhi đồng cứu quốc có nhiệm vụ gì?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 15 - 16 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
1. Hoàn cảnh lịch sử- xã hội nước ta trước ngày thành lập Đội nhi đồng cứu quốc
Năm 1858 thực dân Pháp đặt chân đến bến cảng Đà Nẵng mở đầu cho cuộc
chiến tranh xâm lược kéo dài hơn 80 năm tại Việt Nam. Dưới chế độ thực dân Pháp,
phát xít Nhật và bọn vua quan phong kiến, nhân dân ta sống cuộc sống khổ cực. Cha
mẹ bị áp bức, mất tự do, sống trong cảnh nghèo khổ, con cái ăn không đủ no, mặc
không đủ ấm, không được cắp sách đến trường. Nhiều gia đình phải bán vợ đợ con đi
làm tôi tớ cho địa chủ, tư bản.
Trước tình hình đó, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành quyết
sang phương Tây đi tìm con đường cứu nước mới cho dân tộc. Sau nhiều năm hoạt
động với nhiều tên gọi khác nhau, ngày 3/2/1930, tại bán đảo Cửu Long (Trung
Quốc), dưới sự chủ trì của Người, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập và
nhất trí thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt do Người
khởi thảo. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách
mạng nước ta.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã làm nên cao trào công
nông(1930- 1931), đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh; phong trào Dân chủ
(1936-1939) đòi quyền dân sinh, dân chủ cho nhân dân lao động. Đó là những cuộc
tập dượt chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công.
2. Một số hoạt động của thiếu nhi Việt Nam và các tổ chức tiền thân của Đội
ta trước ngày thành lập
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào cách mạng nước ta phát
triển mạnh mẽ. Nơi nào có chi bộ Đảng và tổ chức Đoàn thì nơi đó có tổ chức Đội
nhi đồng hoạt động giúp cách mạng. Trong phong trào công nông (1930-1931), tại
các chi bộ ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình đã tập hợp được nhiều đội viên thiếu
niên cách mạng sinh hoạt trong các đội Đồng Tử quân. Trong các đội Đồng Tử
quân có những đội viên gan dạ nhạnh nhẹn được giao nhiệm vụ liên lạc, đưa thư
từ, rải truyền đơn. Hai đội viên Trần Quốc Việt và Nguyễn Tư Năm đã có sáng
kiến kẹp tờ truyền đơn vào tên tre, dùng cung bắn vào đồn lính ở Dương Liễu. Lợi
dụng đêm tối, hai bạn nhỏ bò tới gần đồn rồi bắn truyền đơn vào, khiến cho tinh
thần quân lính xôn xao, có tên đã bỏ về. Tại Thái Bình, có một đội viên tên là Ba,
con nhà nghèo, đã theo người lớn đi đấu tranh chống thuế vào cuối năm 1930. Ba
bị địch bắt, bị đánh gãy chân nhưng vẫn không khai. Lúc ở tù không sợ hãi, còn
dùng que, dùng mảng gạch non thay phấn để học chữ. Về sau, bọn giặc phải thả Ba
về. Tại xóm Gò Lao (Gia Định) mùa thu 1930, có em Nguyễn Văn Tạc 12 tuổi làm
liên lạc cho Xứ uỷ Nam Kì, đã cùng mẹ canh gác cho cán bộ hoạt động. Có lần bị
địch bắt, bị đánh rất đau nhưng Tạc kiên quyết không khai.
Trong phong trào Dân chủ 1936 - 1939, dưới sự lãnh đạo của Đoàn Thanh
niên Dân chủ, nhiều tổ chức Hồng Nhi đoàn được thành lập ở một số tỉnh như Hà
Đông, Nam Định, Hải Phòng....Nhiều đội viên hoạt động rất hăng hái trong các đội
kịch, đội múa, đội ca nhạc, đội bóng... Tổ chức Đội Thiếu niên đã từng bước được
hình thành.
3. Hoạt động của thiếu nhi Việt Nam trước ngày thành lập Đội
Hoạt động của thiếu nhi Việt Nam lúc bấy giờ là làm giao thông liên lạc,
canh gác bảo vệ các cuộc họp của Đảng, khi cần thì đi theo cha mẹ, anh chị đấu
tranh.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
ý nghĩa của việc thành lập Đội Nhi đồng cứu quốc
Đội Nhi đồng cứu quốc (sau này là Đội TNTP Hồ Chí Minh) được thành lập
theo nhu cầu tất yếu của lịch sử đất nước, bởi lẽ lịch sử Đội TNTP Hồ Chí Minh và
phong trào thiếu nhi Việt Nam là bộ phận hữu cơ trong lịch sử dân tộc, lịch sử
Đảng Cộng sản Việt Nam, và lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Trước ngày thành lập Đội, thiếu nhi cũng đã tập hợp hoạt động theo nhóm
nhưng không có sự thống nhất chỉ mang tính chất theo từng địa phương cho dù vì
một mục đích chung là cùng cha anh tham gia cách mạng. Vì vậy ngày 15/5/1941,
Đội Nhi đồng cứu quốc ra đời nhằm tập hợp thiếu nhi vào một tổ chức thống nhất
từ trung ương đến từng địa phương dưới sự hướng dẫn, phụ trách của Đoàn Thanh
niên, giáo dục các em theo tinh thần cách mạng và Đảng ta coi các em là một lực
lượng cách mạng.
Kể từ ngày Đội Nhi đồng cứu quốc được thành lập, thiếu niên, nhi đồng đã
có tổ chức của mình, có Điều lệ và nguyên tắc hoạt động riêng. Tổ chức Đội được
thành lập có vai trò to lớn trong việc hình thành và phát triển toàn diện nhân cách
của thiếu niên nhi đồng.
Việc thành lập Đội Nhi đồng cứu quốc còn có tầm quan trọng vì tập hợp các
em trong cùng độ tuổi thiếu niên nhi đồng, như vậy các em có đặc điểm và những
nét chung về mặt tâm lí, yêu thích hoạt động cùng nhau học hỏi, được rèn luyện và
trưởng thành.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3
Ngày thành lập Đội 15 tháng 5 năm 1941
Tháng 2/1941, Nguyễn ái Quốc (Hồ Chí Minh) bí mật về nước ở vùng Pac
Bó (Cao Bằng) để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5/1941, Hội nghị
lần thứ 8 của Trung ương Đảng do lãnh tụ Nguyễn ái Quốc chủ trì. Từ sự phân tích
diễn biến của tình hình thế giới và trong nước, Hội nghị khẳng định nhiệm vụ chủ
yếu trước mắt của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc. Hội nghị quyết định
thành lập Việt Nam Độc lập Đồng Minh Hội, gọi tắt là Việt Minh và tổ chức ra các
đoàn thể cứu quốc của Việt Minh. Hội nghị đã quyết định thành lập Hội Nhi đồng
cứu vong là đoàn thể cứu quốc của trẻ em từ 10 - 11 tuổi trở lên đến 15 - 16 tuổi và
giao cho Đoàn phụ trách công tác thiếu nhi.
Trong Tuyên ngôn và Điều lệ của Mặt trận Việt Minh có ghi: “Các trẻ em
yêu nước hãy dắt tay vào “Nhi đồng cứu vong Hội” hay “Thiếu niên Tiền phong
Đội”. Từ đó “Đội Nhi đồng cứu quốc” đầu tiên ra đời vào ngày 15/5/1941 tại thôn
Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng và đã được mặt trận Việt
Minh coi là một thành viên, hoạt động theo Điều lệ của Việt Minh với nội dung:
Dự bị giúp đánh Tây, đánh Nhật, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập.
- Nhiệm vụ của Đội Nhi đồng cứu quốc
Để phù hợp với lứa tuổi, Đội Nhi đồng cứu quốc có nhiệm vụ: Làm giao
thông liên lạc, canh gác bảo vệ các cuộc họp của Đảng, là lực lượng dự bị đánh
Tây đuổi Nhật.
- Lễ thành lập Đội Nhi đồng cứu quốc (15/ 5/1941)
Ngày 15/5/1941, ở gần hang Pác Bó, xuôi dòng suối Lê Nin, dưới chân núi
Thoong Mạ, ở thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng có 5
thiếu niên là Nông Văn Dền, Nông Văn Thàn, Lý Văn Tịnh, Lý Thị Ni, Lý Thị
Xậu, được các anh Đức Thanh và các anh cán bộ cách mạng giác ngộ, thử thách,
tập hợp để thành lập Đội Nhi đồng Cứu quốc theo quyết định của Đảng Cộng sản
Việt Nam. Đội có mục đích là tham gia đánh Tây, đuổi Nhật, giành độc lập cho
nước nhà” với nhiệm vụ làm giao thông thông liên lạc, đưa đón, bảo vệ cán bộ,
canh gác cho các cuộc họp của Đảng,... Để đảm bảo bí mật, tổ chức Đội đã đặt bí
danh cho các đội viên: Dền mang bí danh Kim Đồng, Thàn là Cao Sơn, Tịnh là
Thanh Minh, Xậu là Thanh Thuỷ, Ni là Thuỷ Tiên. Cuộc họp đã bầu Kim Đồng
làm đội trưởng. Cuối buổi lễ cả 5 bạn được kết nạp Đội đã tuyên thệ “Trung thành
với Đảng, tuyệt đối giữ bí mật, dù có phải hi sinh cả tính mạng cũng không phản
bội lại nhân dân và cách mạng”. Đội Nhi đồng cứu quốc chính thức thành lập (về
sau gọi là Đội Thiếu nhi cứu quốc).

Chủ đề 2: Các giai đoạn phát triển của


Đội TNTP Hồ Chí Minh (4 tiết)
1. Hoạt động
Hoạt động 1: Giới thiệu hoàn cảnh lịch sử, các hoạt động chính, các mốc son
của Đội TNTP Hồ Chí Minh giai đoạn 1941- 1945 (45 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 1: [2, tr 29- 31]; [4, tr 25- 36]; [5, tr 14- 21]
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Nghiên cứu tài liệu tìm những nội dung chính của hoạt động 1
(15 phút)
+ Học sinh tự nghiên cứu tài liệu (theo thông tin phản hồi cho hoạt động 1)
để xác định các nội dung chính về hoàn cảnh lịch sử, các hoạt động và mốc son của
Đội TNTP Hồ Chí Minh giai đoạn 1941-1945.
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu hoàn cảnh lịch sử giai đoạn 1941-1945 (10 phút).
+ Giáo viên nêu câu hỏi, học sinh trả lời về hoàn cảnh lịch sử giai đoạn
1941-1945.
+ Câu hỏi: Em hãy cho biết hoàn cảnh lịch sử của Đội giai đoạn từ 1941-
1945?
- Nhiệm vụ 3: Tìm hiểu những mốc son tiêu biểu của Đội và người đội trưởng đầu
tiên của Đội (15 phút).
+ Giáo viên nêu câu hỏi, học sinh trả lời về một số một số hoạt động, mốc
son tiêu biểu của Đội, về người đội trưởng đầu tiên của Đội.
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi 1: Em hãy nêu hoàn cảnh lịch sử giai đoạn 1941- 1945?
- Câu hỏi 2: Đội Nhi đồng cứu quốc có những hoạt động tiêu biểu nào trong
giai đoạn 1941-1945?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 20 - 22 của giáo trình.
Hoạt động 2: Giới thiệu hoàn cảnh lịch sử, các hoạt động chính, các mốc son
của Đội TNTP Hồ Chí Minh giai đoạn 1946 - 1954 (45 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 2: [2, tr 31- 32]; [4, tr 25 - 36]; [5, tr 21 - 38]
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Nghiên cứu tài liệu tìm hiểu hoàn cảnh, hoạt động, các mốc
son của Đội TNTP Hồ Chí Minh giai đoạn 1946-1954 (10 phút)
+ Học sinh tự nghiên cứu tài liệu (theo thông tin phản hồi cho hoạt động 2
của giáo trình) để tóm tắt được những nội dung: Hoàn cảnh lịch sử, các hoạt động
chính và các các mốc son lịch sử của Đội TNTP Hồ Chí Minh giai đoạn 1946-
1954.
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu hoàn cảnh lịch sử của đất nước trong giai đoạn 194
6- 1954 (10 phút)
+ Giáo viên nêu câu hỏi, học sinh trả lời tìm hiểu những sự kiện lịch sử của
đất nước giai đoạn 1946-1954.
+ Câu hỏi: Em hãy cho biết những sự kiện lớn của đất nước ta giai đoạn từ
1946-1954.
- Nhiệm vụ 3: Tìm hiểu một số hoạt động chính của Đội giai đoạn 1946-
1954 (10 phút)
+ Giáo viên định hướng, dẫn dắt để học sinh tìm được một số hoạt động
chính của Đội trong giai đoạn 1946- 1954.
- Nhiệm vụ 4: Xác định nhiệm vụ của Đội giai đoạn 1946-1954 (10 phút).
+ Học sinh thảo luận nhóm tìm ra nhiệm vụ của Đội giai đoạn 1946- 1954.
* Đánh giá hoạt động 2
- Câu hỏi 1: Em hãy nêu hoàn cảnh lịch sử đất nước ta giai đoạn 1946 – 1954.
- Câu hỏi 2: Em hãy nêu nhiệm vụ chính của Đội trong giai đoạn 1946- 1954.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 22 - 23 của giáo trình.
Hoạt động 3: Giới thiệu hoàn cảnh lịch sử, các hoạt động chính, các mốc son
của Đội TNTP Hồ Chí Minh giai đoạn 1954 - 1975 (30 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 3: [2, tr 33- 36]; [4, tr 25 - 36]; [5, tr 38 - 61]
* Nhiệm vụ của hoạt động 3
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu hoàn cảnh lịch sử đất nước giai đoạn 1954- 1975
(10 phút)
+ Giáo viên nêu câu hỏi, học sinh trả lời về những sự kiện chính của lịch sử
đất nước giai đoạn 1954- 1975.
+ Câu hỏi: Em hãy cho biết hoàn cảnh lịch sử của đất nước giai đoạn từ
1954-1975?
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu một số hoạt động, sự kiện, nhiệm vụ của Đội giai
đoạn 1954-1975 (15 phút)
+ Giáo viên nêu vấn đề, học sinh làm việc theo nhóm nêu được một số hoạt động,
sự kiện chính của Đội, nhiệm vụ của Đội trong giai đoạn 1954- 1975.
* Đánh giá hoạt động 3
- Câu hỏi 1: Giai đoạn 1954 - 1975 có những mốc son lịch sử đáng nhớ nào?
- Câu hỏi 2: Em hãy nêu một số hoạt động tiêu biểu của Đội, nhiệm vụ của Đội
giai đoạn 1954-1975 .
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3: Xem trang 24 - 26 của giáo trình.
Hoạt động 4: Giới thiệu hoàn cảnh lịch sử, các hoạt động chính, các mốc son
của Đội TNTP Hồ Chí Minh giai đoạn 1975- 1986 (35 phút)

* Thông tin nguồn cho hoạt động 4: [2, tr 36- 37]; [4, tr 28 - 30]; [5, tr 38 - 61]

* Nhiệm vụ của hoạt động 4


- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu về giai đoạn lịch sử 1975- 1986 (15 phút)
+ Giáo viên nêu câu hỏi, học sinh trả lời về hoàn cảnh lịch sử đất nước giai
đoạn 1975-1986.
+ Câu hỏi: Em hãy cho biết những sự kiện lớn của đất nước ta giai đoạn
1975-1986.
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu một số mốc son tiêu biểu và các phong trào của Đội
giai đoạn 1975- 1986 (15 phút)
+ Giáo viên nêu câu hỏi, học sinh trả lời về một số mốc son và tên một số
phong trào Đội trong giai đoạn 1975- 1986.
+ Câu hỏi: Em hãy nêu một số mốc son tiêu biểu và các phong trào của Đội
giai đoạn 1975 – 1986.
* Đánh giá hoạt động 4
- Câu hỏi 1: Em hãy trình bày hoàn cảnh lịch sử nước ta giai đoạn 1975- 1986.
- Câu hỏi 2: Em hãy nêu một số phong trào của Đội trong giai đoạn 1975-1986.
- Câu hỏi 3: Em hãy nêu một số mốc son của Đội trong giai đoạn 1975-1986.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 4: Xem trang 27 của giáo trình.
Hoạt động 5: Giới thiệu hoàn cảnh lịch sử, các hoạt động chính, các mốc son
của Đội TNTP Hồ Chí Minh giai đoạn 1986 đến nay (35 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 5: [2, tr 37 - 38]; [4, tr 32 - 34]
* Nhiệm vụ của hoạt động 5
- Nhiệm vụ 1: Nghiên cứu tài liệu tìm hiểu lịch sử Đội TNTP Hồ Chí Minh
giai đoạn 1986 đến nay (10 phút)
+ Học sinh tự nghiên cứu tài liệu (xem thông tin phản hồi cho hoạt động 5
của giáo trình), ghi tóm tắt hoàn cảnh lịch sử, các hoạt động chính và mốc son của
Đội giai đoạn 1986 đến nay.
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu về hoàn cảnh lịch sử 1986 đến nay (5 phút)
+ Giáo viên nêu câu hỏi, học sinh trả lời tìm hiểu về lịch sử đất nước giai
đoạn 1986 đến nay.
+ Câu hỏi: Em hãy trình bày một số nét cơ bản về hoàn cảnh lịch sử của đất
nước ta giai đoạn 1986 đến nay.
- Nhiệm vụ 3: Tìm hiểu các hoạt động, phong trào của Đội giai đoạn 1986
đến nay (15 phút)
+ Thảo luận nhóm, trình bày các hoạt động, phong trào của Đội trong giai đoạn
1986 đến nay; nêu các hoạt động Đội đang được thực hiện tại chi đội (liên đội);
nhiệm vụ của đội viên trong giai đoạn từ 1986 đến nay.
* Đánh giá hoạt động 5
- Câu hỏi 1: Em hãy trình bày hoàn cảnh lịch sử nước ta giai đoạn từ năm
1986 đến nay.
- Câu hỏi 2: Em hãy trình bày nhiệm vụ của đội viên trong thời kì đổi mới.
- Câu hỏi 3: Em hãy kể tên các phong trào, hoạt động của Đội trong giai
đoạn hiện nay.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 5: Xem trang 28 - 29 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
1. Hoàn cảnh lịch sử đất nước giai đoạn 1941- 1945
Ngày 08/02/1941, Nguyễn ái Quốc trở về Tổ quốc sau hơn 30 năm hoạt
động ở nước ngoài và lấy tên là Hồ Chí Minh. Bác đi qua cột mốc số 108 ở biên
giới phía Bắc và về ở làng Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao
Bằng. Dưới sự lãnh đạo của Người, phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ tiến
tới Tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công giành độc lập tự do cho nước nhà.
Ngày 2/9/1945, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình,
Hà Nội khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mở ra một kỉ nguyên mới cho
dân tộc Việt Nam trong đó có thiếu nhi Việt Nam.
2. Những hoạt động chính và những mốc son tiêu biểu của tổ chức Đội
Ngày 15/5/1941, tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng,
Đội Thiếu nhi cứu quốc thành lập và đã được mặt trận Việt Minh coi là một thành viên,
hoạt động theo Điều lệ của Việt Minh với nội dung “... Dự bị giúp đánh Tây, đánh Nhật,
làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập”. Lớn mạnh cùng lịch sử dân tộc, tổ chức Đội đã
từng bước được xây dựng và phát triển ở một số tỉnh thành như: Cao Bằng, Hà Nội, Hà
Nam... Hình thức tổ chức rất phong phú, bên ngoài là các đội bóng, đá cầu, đội ca hát
nhưng bên trong là các hoạt động cách mạng, tuyên truyền cổ động cho Việt Minh.
Càng gần đến năm 1945, phong trào cách mạng ở nước ta càng mạnh mẽ,
Pháp - Nhật càng tàn ác, nhân dân ta càng kiên cường đấu tranh. Nhiều thiếu nhi đã
cùng người lớn tham gia chống thuế, phá kho thóc hoặc theo du kích lên chiến khu.
Trong chiến công tiêu diệt hai đồn địch Phai Khắt và Nà Ngần của Đội Việt Nam
Tuyên truyền giải phóng quân (tháng 12/1944), có sự góp phần tích cực của em
Hồng, một đội viên thiếu niên, làm nhiệm vụ trinh sát đã dũng cảm lọt hẳn vào đồn
địch do thám tình hình.
Ngày 19/8/1945, thiếu nhi Hà Nội đã cùng cha anh tham gia chiếm công sở,
trong đó có trại Bảo an binh, góp phần làm nên chiến thắng của cách mạng tháng
Tám vĩ đại.
Mặc dù rất bận với các công việc của đất nước, nhưng Đảng, Bác Hồ luôn
dành cho các em thiếu nhi sự quan tâm đặc biệt. Nhân ngày khai trường năm học
đầu tiên và tết trung thu đầu tiên dưới chế độ mới, Bác Hồ đã viết thư cho học sinh
và thiếu nhi cả nước nhắc nhở các em ra sức học tập, siêng tập thể thao và ra sức
giúp cho Nhi đồng cứu vong Hội, để mai sau lớn lên thành những người dân xứng
đáng với một nước độc lập, tự do.
3. Câu chuyện về anh Kim Đồng, người đội trưởng đầu tiên của Đội
Kim Đồng tên thật là Nông Văn Dền, người đội trưởng đầu tiên của Đội sinh
năm 1928, người dân tộc Nùng, ở thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng,
tỉnh Cao Bằng. Nhà Kim Đồng rất nghèo. Cha bị chết vì nạn phu phen, lao dịch
của thực dân Pháp. Anh trai đi công tác luôn. ở nhà chỉ có mẹ tàn tật và người em
họ mồ côi là Cao Sơn.
Từ bé, Kim Đồng đã có tinh thần yêu nước, căm ghét giặc Pháp. Vùng quê
hương Kim Đồng là nơi có phong trào cách mạng rất sớm. Ngày 15/5/1941, Đội
Nhi đồng cứu quốc được thành lập có 5 đội viên và Kim Đồng được bầu là đội
trưởng đầu tiên của Đội. Trong công tác, Kim Đồng luôn tỏ ra dũng cảm và có
nhiều mưu trí.
Một lần, sau khi làm nhiệm vụ dẫn cán bộ vào căn cứ, Kim Đồng đang trên
đường trở về nhà thì nghe có tiếng động lạ ở trong rừng. Kim Đồng liền rủ Cao
Sơn tìm cách báo động cho các anh cán bộ đang ở trong xóm biết. Sau khi quan
sát, Kim Đồng đã nhìn thấy bọn lính đang lợi dụng sương mù phục kích trên đường
vào xóm và im lặng đợi bắt người. Kim Đồng bảo Cao Sơn lùi về phía sau, chạy về
báo cáo. Đợi cho Cao Sơn đi rồi, Kim Đồng ngắm kĩ địa hình rồi chạy vọt qua suối
lên phía rừng nhằm đánh lừa bọn lính. Quả nhiên, thấy có bóng người chạy, bọn
giặc lên đạn và hô: “Đứng lại!”
Kim Đồng không dừng chân. Giặc bắn theo. Kim Đồng đã anh dũng hi sinh.
Hôm ấy là sáng sớm ngày 15/02/1943.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
1. Hoàn cảnh lịch sử đất nước giai đoạn 1946 - 1954
Niềm vui nước nhà được độc lập chưa được bao lâu, ngày 23/9/1945, thực
dân Pháp nổ súng đánh chiếm Nam Bộ, dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa.
Cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra ác liệt, cùng thời gian đó, nhân dân ta còn
phải đối phó với âm mưu chống phá của 20 vạn quân Tưởng cùng bè lũ tay sai.
Trước tình hình khẩn cấp, với chính sách ngoại giao mềm dẻo, Chủ tịch Hồ Chí
Mình thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà kí với Chính phủ Pháp
Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, tạm ước 14/9/1946. Mặc dù đã kí kết nhưng thực dân
Pháp vẫn tìm cách phá hoại.
Ngày 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại làng Vạn Phúc
- thị xã Hà Đông đã quyết định phát động toàn quốc kháng chiến.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã anh dũng chiến đấu chống Pháp
xâm lược làm nên những chiến thắng lẫy lừng từ: Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông
(năm 1947), chiến dịch Biên Giới (1950), cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân
1953 - 1954 với thắng lợi ròn rã khắp các mặt trận đã tạo đà cho chiến thắng Điện
Biên Phủ (07/5/1954), kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm của
nhân dân ta.
2. Các hoạt động, mốc son tiêu biểu của Đội giai đoạn 1945- 1954
Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Nam Bộ, quyết xâm
lược nước ta một lần nữa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ và sự phụ trách của
Đoàn, tổ chức Đội đã tập hợp các em thiếu nhi tham gia tích cực vào các phong
trào chống giặc đói, giặc dốt, chống giặc ngoại xâm. Tiếng vang của Đội Nhi đồng
cứu quốc Mai Hắc Đế (Hà Nội) lan nhanh sang các tỉnh khác, thiếu nhi đã tích cực
tham gia kháng chiến như làm liên lạc, vào du kích, trinh sát, tình báo. Gương
chiến đấu dũng cảm của Kim Đồng từ chiến khu lan về cùng ánh đuốc sống Lê
Văn Tám; hoạt động của các Đội Thiếu niên Bát Sắt, Đội Thiếu niên Phan Rí, Đội
Thiếu niên Phan Đình Phùng,... đã thôi thúc, cổ vũ những người bạn cùng lứa tuổi
viết thêm trang mới trong cuốn lịch sử Đội của chúng ta.
Giữa năm 1946, hai tổ chức Đội TNTP và Hội Nhi đồng cứu vong sát nhập
lại làm một và lấy tên chung là Đội Thiếu nhi cứu quốc.
Mùa xuân năm 1947, có một đội viên dũng cảm của Đội ta đã anh dũng hi
sinh trong khi làm nhiệm vụ liên lạc ở trận đánh bên làng Giá ngoại thành Hà Nội,
đó là Dương Văn Nội - người đội viên là liệt sĩ thiếu niên đầu tiên được Chính phủ
truy tặng Huân chương Quân công hạng Ba. Ngoài ra còn nhiều gương chiến đấu
hi sinh dũng cảm của thiếu nhi mãi mãi làm đẹp trang sử Đội ta như: Vừ A Dính
(Lai Châu), Phạm Ngọc Đa (Hải Phòng),...
Tháng 2/1948, Bác Hồ gửi thư cho các cháu nói về nội dung, ý nghĩa và
cách tổ chức “Phong trào Trần Quốc Toản” nhằm động viên khuyến khích thiếu
nhi thi đua học tập và giúp đỡ đồng bào, trước hết là các gia đình bộ đội, neo đơn,
thương binh, liệt sĩ... Phong trào nhanh chóng phát triển rộng khắp.
Tháng 3/1951, Hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên cứu quốc đã quyết định
thống nhất lực lượng thiếu nhi, lấy tên là Đội Thiếu nhi tháng Tám và thống nhất
một số chủ trương mới như thiếu nhi đeo khăn quàng đỏ, bài ca chính thức, khẩu
hiệu, đẳng hiệu, cấp hiệu, phiên chế tổ chức của Đội.
Như vậy, sau những năm kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ, hi
sinh, tổ chức Đội đã thực sự trưởng thành về mọi mặt với bao chiến công. Nhiều
tập thể của đội viên đã được khen thưởng, xứng đáng với niềm tin yêu sâu sắc của
Đảng, Nhà nước, Bác Hồ và nhân dân.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3
1. Hoàn cảnh lịch sử đất nước giai đoạn 1954 - 1975
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) của nhân dân ta đã
dành được thắng lợi hoàn toàn được đánh dấu bằng mốc son chiến thắng Điện Biên
Phủ (7/5/1954) chấn động địa cầu:
“Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã buộc thực dân Pháp phải kí hiệp định Giơ-
ne- vơ. Hoà bình được lập lại trên đất nước ta, nhưng hai miền Nam - Bắc còn tạm thời bị
chia cắt. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào công cuộc xây dựng CNXH, trở
thành hậu phương lớn của miền Nam.
Miền Nam không chịu khuất phục trước sự đàn áp dã man của đế quốc Mĩ,
nhân dân ta đã chiến đấu anh dũng từng bước phá tan các âm mưu, chiến lược
thâm độc của đế quốc Mĩ như: phong trào Đồng Khởi (1959- 1960), bẻ gẫy chiến
lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961- 1965), chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965-
1968), chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, “Đông Dương hoá chiến tranh”
(1969-1973). Thắng lợi liên tiếp trên khắp các chiến trường cùng chính sách ngoại
giao khôn khéo của Đảng ta đã buộc đế quốc Mĩ phải kí hiệp định Pari
(27/01/1973) và buộc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam. Đánh cho Mĩ cút, đánh
cho Nguỵ nhào, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chiến đấu ngoan cường
mở màn tấn công thần tốc, táo bạo với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đưa nước ta
đến thống nhất Nam Bắc sum họp một nhà.
2. Hoạt động, mốc son của Đội trong giai đoạn 1954 - 1975
Ngày 01/6/1954, ở Việt Bắc, tờ báo “Tiền phong Thiếu niên” của Đội ra đời,
tiền thân của báo “Thiếu niên tiền phong” ngày nay. Tờ báo là tiếng nói của thiếu
niên, nhi đồng nêu các phong trào của Đội và phong trào thiếu nhi Việt Nam nhằm
hướng các em vào những hoạt động có ích, góp phần giáo dục và bồi dưỡng nhân
cách, đạo đức và trách nhiệm xã hội cho các em.
Tháng 11/1956, đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II đã quyết định đổi tên Đội
Thiếu nhi tháng Tám thành Đội TNTP Việt Nam.
Cũng trong năm 1956, Đội được tổ chức theo cơ sở trường học nhằm giáo
dục thiếu nhi một cách toàn diện và góp phần xây dựng nhà trường XHCN. Đặc
biệt, năm 1958, phong trào Kế hoạch nhỏ ra đời, nhanh chóng cuốn hút các em
thiếu niên nhi đồng tham gia.
Ngày 17/6/1957, Nhà xuất bản Kim Đồng chính thức được thành lập. Nhiều
loại trang thiết bị phục vụ cho hoạt động Đội: Trống, cờ, khăn quàng đỏ cũng được
đầu tư sản xuất.
Nhân dịp kỉ niệm lần thứ 18 ngày thành lập Đội (15/5/1959), bác Tôn Đức
Thắng thay mặt Bác Hồ và Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã trao lá cờ thêu
dòng chữ vàng: “Vì sự nghiệp xã hội chủ nghĩa và thống nhất Tổ quốc, sẵn sàng!”.
Năm 1961, nhân dịp kỉ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Đội TNTP Việt Nam
(15/5/1941- 15/5/1961), Bác Hồ đã gửi thư cho thiếu nhi cả nước và căn dặn các
em 5 điều:
“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỉ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh thật tốt
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”
5 điều Bác Hồ dạy từ đó đã trở thành niềm tin, sức mạnh, niềm vui, phương
hướng cho mọi hoạt động của Đội. Những điển hình tốt, những gương mặt tiêu biểu,
những việc làm mang nếp sống của người lao động mới xuất hiện và tươi nở rực rỡ như
hoa mùa xuân, điển hình như: Bùi Thị Tứ (Thái Bình), 13 tuổi đã cõng bạn Nguyễn Thị
Hồng bị liệt chân đi học suốt ba năm, được Bác Hồ thưởng huy hiệu; Nguyễn Ngọc Ký
ở Hải Hậu (Hà Nam) bị liệt hai tay từ thuở nhỏ, đã luyện cách viết bằng chân, bền bỉ học
tập suốt từ lớp 1 đến khi học xong đại học và trở thành giáo viên; Nguyễn Bá Ngọc
(Thanh Hoá) quên mình cứu hai em nhỏ,... Nhiều tập thể Đội xuất sắc như: Liên đội
Tam Sơn (Bắc Ninh) quê hương phong trào “Nghìn việc tốt”, Liên đội cấp I, II Trưng
Vương (Hà Nội), Liên đội trường cấp 2 Bắc Lý (Hà Nam)...
ở miền Nam, cuộc kháng chiến chống Mĩ diễn ra vô cùng gian khổ. Trong
hoàn cảnh ấy, những trang sử vẻ vang của Đội Thiếu niên, nhi đồng miền Nam
cũng được bắt đầu. Với tinh thần “Tuổi nhỏ chí lớn”, thiếu niên nhi đồng miền
Nam gan dạ, anh hùng không sợ hi sinh đứng lên cùng cha anh đánh giặc. Những
tấm gương điển hình như: Em bé ở Cheo Reo, Đắc Lắc lên 7 tuổi cũng theo người
lớn đi biểu tình chống Diệm khủng bố, giặc bắt em, đánh chết đi sống lại, em cũng
không khai nửa lời; Kơ Pa Kơ Lơng với lối bắn sâu táo tiêu diệt nhiều giặc Mĩ
được nhà nước tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang, huy hiệu “Dũng sĩ diệt
Mĩ”; Em Thành ở Cái Bè, căm thù tên đại uý nguỵ ác ôn giết đồng bào và cán bộ,
đã tìm cách lấy súng đạn địch về cho các anh, chị du kích, chính em đã tự tay ném
lựu đạn đặt bẫy mìn giết hàng chục tên địch,...
Ngày 5/8/1964, đế quốc Mĩ cho không quân đánh phá miền Bắc, thiếu nhi cả
nước bước sang một thời kì mới với lời son sắt thêu trên lá cờ của Trung ương
Đảng trao cho nhân dịp kỉ niệm lần thứ 25 ngày sinh nhật Đội (15/5/1966).
“Vâng lời Bác dạy
Làm nghìn việc tốt
Chống Mĩ cứu nước
Thiếu niên sẵn sàng!”
Ngày 2/9/1969, Bác Hồ vĩnh viễn ra đi, để lại cho thiếu niên nhi đồng cả
nước “muôn vàn tình thương yêu”. Trung ương Đoàn thay mặt tuổi trẻ cả nước đề
nghị Trung ương Đảng cho Đoàn, Đội được mang tên Bác. Thể theo nguyện vọng
của tuổi trẻ, ngày 30/1/1970, Đội được mang tên Bác Hồ vĩ đại: Đội TNTP Hồ
Chí Minh.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Đoàn, lớp lớp đội viên cả hai miền Bắc
Nam không ngại khó khăn, gian khổ hi sinh, phấn đấu trên tất cả các mặt học tập,
lao động, chiến đấu, xây dựng Đội, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc
Việt Nam vào mùa xuân năm 1975.
Thực hiện theo năm điều Bác Hồ dạy, Đội TNTP Hồ Chí Minh hoàn thành
nhiệm vụ trên các mặt hoạt động phấn đấu trở thành con ngoan trò giỏi, cháu
ngoan Bác Hồ.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 4
1. Hoàn cảnh lịch sử của đất nước giai đoạn 1975 - 1986
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, cả nước độc lập, thống nhất, Bắc Nam
sum họp một nhà và đi lên CNXH. Trong 10 năm đầu tiên ấy, nước ta thực hiện
hai kế hoạch Nhà nước 5 năm (1976- 1980), (1981- 1985) phát triển kinh tế, văn
hoá, đấu tranh bảo vệ biên giới Tây - Nam và biên giới phía Bắc Tổ quốc.
2. Hoạt động, mốc son của Đội giai đoạn 1975 - 1986
Tháng 6/1976, Hội nghị lần thứ 22 Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã trao cho
Đội khẩu hiệu mới “Vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì lí tưởng của Bác Hồ vĩ đại, hãy sẵn
sàng!”. Đội TNTP Hồ Chí Minh bước vào trang sử mới. Số đội viên nhanh chóng phát
triển cả ở hai miền Nam, Bắc. Nội dung hoạt động của Đội gắn liền với các phong trào
cách mạng của đất nước:
“Dưới cờ Đảng vinh quang
Chúng em hứa sẵn sàng
Vâng theo lời Bác dạy
Thi đua kế hoạch nhỏ
Xây tương lai huy hoàng”.
(Trích lời hứa của đoàn đại biểu Đội TNTP Hồ Chí Minh tại Đại hội Đảng
lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 12/ 1976).
Vâng lời Bác Hồ dạy, thiếu nhi cả nước đã ra sức học tập, rèn luyện. Nhiều
hoạt động sôi động được phát triển như: từ phong trào Kế hoạch nhỏ, các bạn đội
viên cả nước đã đóng góp và khánh thành đoàn tàu “Đội TNTP Hồ Chí Minh” vào
ngày 30/12/1978, xây dựng khách sạn Khăn quàng đỏ,... Ngoài ra còn có phong
trào “Tình bạn bốn phương”, phong trào Xây dựng chi đội mạnh, phong trào Trần
Quốc Toản... Qua các phong trào, cả nước đã có hàng triệu đội viên đạt danh hiệu cháu
ngoan Bác Hồ. Tại Đại hội cháu ngoan Bác Hồ lần thứ nhất (từ ngày 21 đến ngày
23/8/1981) được tổ chức tại Hà Nội có 305 đội viên vinh dự thay mặt cho các đội viên
cả nước tham dự. Trong giai đoạn này cũng có nhiều đội viên lớn tuổi, ưu tú được giới
thiệu kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 5
1. Hoàn cảnh lịch sử đất nước giai đoạn 1986 đến nay
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986) đã đề ra đường
lối đổi mới, tạo bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta.
Theo đường lối đổi mới, đất nước ta đã thực hiện các kế hoạch Nhà nước 5 năm
(1986- 1990, 1991- 1995, 1996, 2000, 2001- 2005) nhằm phát triển kinh tế, văn
hoá, xã hội. Việc cải cách giáo dục (1986 – 1990) đã chuyển hệ học phổ thông từ
10 năm sang hệ 12 năm đã xuất hiện lớp 9 ở bậc học THCS, đặt ra vấn đề cần đặc
biệt quan tâm tới nội dung và hình thức hoạt động Đội cho đối tượng đội viên lớn,
cụ thể là đưa hoạt động Hội LHTN vào nhà trường cho phù hợp với đặc điểm tâm
sinh lí lứa tuổi của đối tượng học sinh này. Cũng trong giai đoạn này, các nhà
trường phổ thông tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày, tạo điều kiện thuận lợi về
nhiều mặt cho Đội tổ chức hoạt động.
2. Hoạt động của Đội giai đoạn 1986 đến nay
Đội TNTP Hồ Chí Minh cũng từng bước đổi mới các hoạt động của mình
cho phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V đã quyết định đổi mới nội dung và mở
rộng các hình thức hoạt động Đội nhằm tập hợp đông đảo thiếu nhi cả nước “Nói
lời hay, làm việc tốt, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ”. Các phong trào của
Đội phát triển mạnh mẽ với các hình thức đa dạng và luôn đổi mới. Phong trào thi
đua học tập, phong trào “Kế hoạch nhỏ”, phong trào “Trần Quốc Toản” tiếp tục
phát triển với những hình thức mới như : “áo lụa tặng bà”, “Uống nước nhớ
nguồn”, “Những viên gạch hồng”, “Thiếu nhi nghèo vượt khó”,... Đại hội Cháu
ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ ba, thứ tư, thứ năm lần lượt được tổ chức để biểu
dương thành tích của thiếu nhi. Trong giai đoạn này, liên hoan các nhà thiếu nhi là
một nét mới trong tổ chức và hoạt động của Đội TNTP Hồ Chí Minh.
Tháng 8/1991, Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em được Quốc hội
thông qua nhằm thúc đẩy mạnh sự nghiệp chăm sóc, giáo dục trẻ em, tạo điều kiện
cho trẻ em phát triển và trưởng thành.
Ngày 25/7/2003, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ 3 (khoá
VIII) đã quyết định sửa đổi và ban hành Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí Minh. Đây là
cơ sở quan trọng tạo điều kiện cho Đội phát triển mạnh mẽ, vững bước trong thế kỉ
21, xứng đáng là tổ chức của thiếu nhi Việt Nam, là lực lượng giáo dục trong và
ngoài nhà trường.
3. Nhiệm vụ của Đội trong giai đoạn 1986 đến nay
Thực hiện tốt năm điều Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành con ngoan trò giỏi,
bạn tốt, đội viên tốt xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ.
Chủ đề 3: ý nghĩa các giai đoạn Đội được mang tên (1 tiết)
1. Hoạt động
Hoạt động 1: Xác định hoàn cảnh lịch sử, thời điểm Đội được mang tên (35 phút)

* Thông tin cho hoạt động : [4, tr 25 - 29]; [5, tr 14, 33-35, 57- 59]
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Tổ chức trò chơi xác định đúng, sai nhằm xác định hoàn cảnh
lịch sử, thời điểm Đội được mang tên (20 phút)
+ Học sinh làm việc theo nhóm để gắn các mốc thời gian tương ứng với tên
của Đội qua các thời kì, sau đó cử đại diện trình bày.
- Nhiệm vụ 2: Xác định nhiệm vụ của Đội qua các thời kì Đội được mang tên (10
phút)
+ Giáo viên nêu câu hỏi, học sinh trả lời về nhiệm vụ của Đội qua các thời kì
Đội được mang tên.
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi 1: Đội TNTP Hồ Chí Minh được đổi tên vào những thời gian nào?
Tên của Đội trong mỗi thời kì lịch sử đó?
- Câu hỏi 2: Em hãy nêu nhiệm vụ của Đội qua các thời kì tương ứng với
tên của Đội.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 30 - 31 của giáo trình.
Hoạt động 2: Xác định ý nghĩa các lần Đội vinh dự được mang tên (15 phút)
* Thông tin cho hoạt động 2: [4, tr 25- 29]; [5, tr 14, 33-35, 57- 59]
* Nhiệm vụ hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Xác định ý nghĩa tên gọi của Đội qua các thời kì (10 phút)
+ Giáo viên nêu vấn đề học sinh làm việc theo nhóm.
Nhóm 1 thảo luận ý nghĩa tên gọi của Đội là Đội Thiếu nhi tháng Tám.
Nhóm 2 thảo luận ý nghĩa tên gọi của Đội là Đội TNTP Việt Nam.
Nhóm 3 thảo luận ý nghĩa tên gọi của Đội là Đội TNTP Hồ Chí Minh.
+ Cử đại diện nhóm trình bày, các nhóm khác bổ sung.
- Nhiệm vụ 2: Xác định ý nghĩa các lần Đội vinh dự được đổi tên (5 phút)
+ Giáo viên hướng dẫn, gợi mở để các em phát biểu.
* Đánh giá hoạt động 2
- Câu hỏi: Em hãy nêu ý nghĩa những lần đổi tên của Đội.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 31 - 32 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
1. Xác định lí do, thời điểm Đội được đổi tên
Ngày 15/5/1941, tại Hội nghị lần thứ 8 Trung ương Đảng do lãnh tụ Nguyễn
ái Quốc chủ trì, Đội Nhi đồng cứu quốc được thành lập.
Tháng 3/1951, Hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên cứu quốc đã quyết định thống
nhất lực lượng thiếu nhi, lấy tên là Đội Thiếu nhi tháng Tám.
Chiến dịch Điện Biên Phủ dành được thắng lợi, kết thúc chín năm kháng
chiến chống Pháp xâm lược của nhân dân ta. Tháng 11/1956, Đại hội Đoàn toàn
quốc lần thứ II đã quyết định đổi tên Đội Thiếu nhi tháng Tám thành Đội TNTP
Việt Nam bao gồm hai lứa tuổi thiếu niên và nhi đồng.
Ngày 30/01/1970, thể theo nguyện vọng của Đoàn Thanh niên Lao động
Việt Nam, Đội TNTP và Đội Nhi đồng tháng Tám, Ban Chấp hành Trung ương
Đảng quyết định cho phép Đoàn, Đội được mang tên Bác Hồ vĩ đại: Đội TNTP Hồ
Chí Minh. Có thể thấy, qua mỗi thời kì cách mạng, Đội TNTP Hồ Chí Minh đều
mang một cái tên rất phù hợp với từng giai đoạn phát triển của lịch sử đất nước.
Qua mỗi giai đoạn, thiếu nhi Việt Nam đều có những đóng góp cùng cha anh hoàn
thành sứ mệnh lịch sử mà Đảng, Bác Hồ hằng mong muốn đó là “Nước nhà được
độc lập, nhân dân được ấm no, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng
được học hành”.
2. Nhiệm vụ của Đội qua các thời kì được mang tên
Đội Nhi đồng cứu quốc (15/ 5/ 1941) có nhiệm vụ là làm giao thông liên lạc,
canh gác các cuộc họp bí mật cho cán bộ, làm lực lượng dự bị đánh Tây đuổi Nhật.
Đội Thiếu nhi cứu quốc (1946) có nhiệm vụ làm giao thông liên lạc, trinh sát
góp phần cùng cha anh tham gia vào các cuộc đấu tranh chống giặc đói, giặc dốt,
giặc ngoại xâm.
Đội Thiếu nhi Tháng Tám (Tháng 3 năm 1951) có nhiệm vụ là làm theo lời
Bác dạy “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”
Đội TNTP Việt Nam (Tháng 11 năm 1956) và Đội TNTP Hồ Chí Minh
(30/01/1970) có nhiệm vụ thực hiện theo năm điều Bác Hồ dạy.
1. Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
2. Học tập tốt, lao động tốt
3. Đoàn kết tốt, kỉ luật tốt
4. Giữ gìn vệ sinh thật tốt
5. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.
*Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
ý nghĩa những lần đổi tên của Đội
Sau cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra
đời mở ra kỉ nguyên mới cho dân tộc: Kỉ nguyên độc lập, tự do. Cuộc đấu tranh
của nhân dân ta bước sang thời kì mới. Để phù hợp với nhiệm vụ cách mạng và
cũng để khắc ghi mốc lịch sử quan trọng của đất nước, Đội Thiếu nhi cứu quốc
được đổi tên gọi là Đội Thiếu nhi Tháng Tám (tháng 3/1951).
Thắng lợi to lớn của nhân dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc
cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp (1946 - 1954), đất nước bị chia cắt
hai miền: miền Bắc được hoàn toàn giải phóng bước vào công cuộc xây dựng
CNXH, miền Nam dưới ách xâm lược của đế quốc Mĩ không ngại gian khổ, hi sinh
đứng lên chống Mĩ cứu nước nhằm mục tiêu thống nhất nước nhà. Tháng 11/1956,
Đội được đổi tên là Đội TNTP Việt Nam với ý nghĩa “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tuỳ
theo sức của mình”, Đội luôn tiên phong xung kích đi đầu trong mọi hoạt động của
Đội góp phần nhỏ bé của mình cùng cha anh chống Mĩ cứu nước...
Ngày 30/01/1970, Đội vinh dự được mang tên Bác kính yêu: Đội TNTP Hồ
Chí Minh. Điều này có ý nghĩa rất to lớn, đó là để tưởng nhớ đến công ơn vun
trồng, dạy dỗ, nâng niu thiếu niên, nhi đồng của Bác Hồ. Đảng ta mong muốn thế
hệ trẻ nước ta suốt đời trung thành với lí tưởng của Đảng, của Bác, sống chiến đấu,
lao động và học tập theo gương Bác Hồ, đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng đến
thắng lợi hoàn toàn.

Chủ đề 4: các phong trào lớn của Đội (1 tiết)


1. Hoạt động
Hoạt động 1: Xác định hoàn cảnh ra đời các phong trào lớn của Đội (25 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động : [2, tr38- 40]; [5, tr 27- 44]
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Xác định hoàn cảnh ra đời các phong trào lớn của Đội (10 phút)
+ Giáo viên đặt câu hỏi, học sinh trả lời tìm hiểu hoàn cảnh ra đời các phong
trào lớn của Đội.
+ Câu hỏi: Phong trào Trần Quốc Toản, phong trào Nghìn việc tốt, phong
trào Kế hoạch nhỏ ra đời trong hoàn cảnh nào?
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu các hình thức hoạt động của Đội tương ứng với 3
phong trào lớn của Đội (10 phút)
+ Giáo viên tổ chức trò chơi cắt dán ghép các hình thức hoạt động ứng với 3
phong trào lớn của Đội dưới dạng thi ai nhanh, ai đúng.
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi 1: Em hãy nêu tên, thời gian, hoàn cảnh lịch sử ra đời của 3 phong
trào lớn của Đội.
- Câu hỏi 2: Hãy ghép các hình thức hoạt động của Đội ở cột bên trái với
các phong trào lớn của Đội ở cột bên phải:
Phong trào Trần Quốc Toản Đi tìm địa chỉ đỏ
Phong trào Kế hoạch nhỏ Thu nhặt phế thải
Phong trào Nghìn việc tốt Công trình măng non
áo lụa tặng bà
Uống nước nhớ nguồn
Thi đua học tốt
Vòng tay bè bạn

* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 35 - 36 của giáo trình.
Hoạt động 2: Xác định ý nghĩa, nhiệm vụ các phong trào lớn của Đội (20 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 2: [4, tr 25 - 30]
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Xác định nhiệm vụ các phong trào lớn của Đội (10 phút)
+ Giáo viên nêu vấn đề, học sinh trả lời câu hỏi làm rõ nhiệm vụ của 3
phong trào: Trần Quốc Toản, Kế hoạch nhỏ, Nghìn việc tốt.
+ Câu hỏi: Em hãy nêu những nhiệm vụ chính của phong trào Trần Quốc
Toản, Nghìn việc tốt, Kế hoạch nhỏ?
- Nhiệm vụ 2: Xác định ý nghĩa của các phong trào lớn của Đội (5 phút).
+ Giáo viên nêu câu hỏi, học sinh trả lời về ý nghĩa của các phong trào lớn
của Đội. Giáo viên giải thích rõ ý nghĩa các phong trào lớn của Đội.
+ Câu hỏi: Các phong trào Trần Quốc Toản, Nghìn việc tốt, Kế hoạch nhỏ
có những ý nghĩa như thế nào?
* Đánh giá hoạt động 2
- Câu hỏi 1: Em hãy nêu nhiệm vụ của phong trào: Trần Quốc Toản, Kế
hoạch nhỏ, Nghìn việc tốt.
- Câu hỏi 2: Em hãy nêu ý nghĩa của 3 phong trào lớn mà Đội đã thực hiện.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 35 - 36 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1:
Hoàn cảnh ra đời các phong trào lớn Đội
1. Phong trào Trần Quốc Toản (tháng 2 năm 1948)
Phong trào này do Bác Hồ đề xướng. Tháng 2/1948, xuất phát từ thực tế của
cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ đã viết thư cho thiếu nhi: “Qua năm mới,
Bác đề nghị các cháu làm một việc là các cháu tổ chức những Đội Trần Quốc Toản
để đi đánh giặc và lập được nhiều chiến công nhưng mà cốt để tham gia kháng
chiến bằng cách giúp đỡ đồng bào”. “Từ 5 đến 10 cháu tổ chức thành một Đội giúp
nhau học hành, khi học rảnh, mỗi tuần mấy lần cả đội đem nhau đi giúp đồng bào,
trước giúp các nhà chiến sĩ, thương binh, lần lượt giúp những nhà ít người. Sức các
cháu làm được việc gì thì giúp việc ấy. Thí dụ quét nhà, gánh nước, lấy củi, giữ
em, dạy chữ quốc ngữ, giúp đỡ đồng bào tham gia kháng chiến” (Thư Bác Hồ gửi
thiếu nhi Việt Nam- Tháng 2/1948).
Thực hiện sáng kiến của Bác, phong trào Trần Quốc Toản phát triển mạnh mẽ
và rộng khắp. Tính sơ bộ, trong thời kì kháng chiến chống Pháp, các em thiếu niên,
nhi đồng đã giúp đỡ gia đình thương binh liệt sĩ 27.192 công lao động, tát nước,
gánh phân, làm cỏ, xay lúa, giã gạo, chăn trâu bò, ... Công tác “Trần Quốc Toản” đã
trở thành một nội dung công tác lâu dài của Đội, gắn bó mãi mãi với lịch sử và hoạt
động của Đội. Ngày nay, công tác “Trần Quốc Toản” được phát triển với nhiều hình
thức phong phú như: Đi tìm địa chỉ đỏ, áo lụa tặng bà, ...
2. Phong trào kế hoạch nhỏ (1958)
Làm theo lời Bác Hồ dạy:
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Tuỳ theo sức của mình
Năm 1958, theo sáng kiến của thiếu nhi tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Tây) và
thành phố Hải Phòng, phong trào “Kế hoạch nhỏ” được phát động nhằm tập hợp các
bạn thiếu nhi cùng tham gia lao động tiết kiệm lấy tiền góp chung xây dựng Nhà
máy nhựa Tiền phong đặt tại Hải Phòng. Ngày 02/12/1958, Bác Tôn Đức Thắng đã
viết thư hoan nghênh sáng kiến đó và cho phép mở rộng phong trào kế hoạch nhỏ
trong thiếu nhi. Phong trào nhanh chóng cuốn hút các em thiếu nhi sôi nổi tổ chức
chăn nuôi, sản xuất, tiết kiệm và thu nhặt phế liệu. Phong trào được nhân rộng và
phát triển rộng khắp trong hoạt động Đội với nhiều hình thức phong phú như:
“Trồng một cây, nuôi một con”, thu nhặt giấy vụn,...
3. Phong trào Nghìn việc tốt (1961)
Năm 1961, liên đội Tam Sơn, Tiên Sơn, Bắc Ninh có sáng kiến dấy lên
phong trào “Làm nghìn việc tốt thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy” giành danh hiệu
“Cháu ngoan Bác Hồ”. Phong trào nhanh chóng phát triển sâu rộng trong hoạt
động Đội và phong trào thiếu nhi các tỉnh miền Bắc. Có thể thấy rằng, phong trào
đã được thiếu niên, nhi đồng thực hiện trên mọi mặt hoạt động, từ một điển hình
nhân ra nhiều nơi, từ một gương tốt nhân lên thành cả một lớp thiếu niên, nhi đồng
mang nếp sống con người mới XHCN.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
1. Nhiệm vụ, ý nghĩa của phong trào Trần Quốc Toản (tháng 2/1948)
Nhiệm vụ của phong trào: Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và
chống Mĩ cứu nước, phong trào Trần Quốc Toản đã hoạt động hết sức thiết thực.
Những đội viên thiếu niên nhi đồng khi tham gia công tác Trần Quốc Toản thường
tổ chức thực hiện theo các chủ đề sinh động như: “Uống nước nhớ nguồn”, “Tháng
đền ơn đáp nghĩa”, “Tháng thăm một lần, tuần làm một việc”,… Sau ngày đất nước
thống nhất, phong trào Trần Quốc Toản vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
ý nghĩa: Phong trào Trần Quốc Toản đã phát huy truyền thống “Tương thân
tương ái”, “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Phong trào tạo nên một bầu
không khí hoạt động mới thích hợp với lứa tuổi và điều kiện sinh hoạt của thiếu
niên, nhi đồng, là niềm vui của tuổi thơ được góp phần thiết thực vào cuộc kháng
chiến; giúp tổ chức Đội ngày càng trưởng thành hơn. Phong trào Trần Quốc Toản
đã trở thành một nội dung công tác lâu dài của Đội, gắn bó mãi với lịch sử và hoạt
động của Đội ta.
2. Nhiệm vụ, ý nghĩa của phong trào kế hoạch nhỏ (1958)
Nhiệm vụ của phong trào: Các em thiếu nhi sôi nổi tổ chức chăn nuôi, sản
xuất, tiết kiệm và thu nhặt phế liệu, giấy các loại; tăng gia trồng cây, nuôi gia cầm
phát triển cả nước. Kết quả của phong trào chính là góp phần cho ra đời “Đoàn tàu
mang tên Đội TNTP Hồ Chí Minh”, xây dựng “Khách sạn khăn quàng đỏ” ở Thủ
đô Hà Nội, xây dựng tượng đài và khu di tích kỉ niệm anh Kim Đồng, xây dựng
tượng đài và nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu; xây dựng cơ sở vật chất
cho hoạt động Đội như mua trống, cờ, khăn quàng đỏ,…
ý nghĩa: Phong trào từng bước phát triển đi vào chiều sâu, vừa mang tính
giáo dục cao, vừa đem lại hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội, trong học tập
và rèn luyện của thiếu nhi.
3. Nhiệm vụ, ý nghĩa của phong trào Nghìn việc tốt (1961)
Nhiệm vụ của phong trào: Xây dựng nền nếp học tập; giữ gìn vệ sinh
trường lớp, xóm làng; chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, người già cô đơn, lao
động giúp đỡ gia đình, hỗ trợ hợp tác xã sản xuất, bảo vệ của công, làm kế hoạch
nhỏ v.v... Nhiều em thiếu niên thực sự trưởng thành trong phong trào, trở thành
những cán bộ tốt, những công dân tốt.
ý nghĩa: Phong trào liên tục được duy trì, phát triển và không ngừng được
tổng kết nâng cao cả về mặt lí luận và thực tiễn. Để tổng kết và biểu dương kết quả
của phong trào, kể từ năm 1981 cứ 5 năm HĐĐ Trung ương lại tổ chức một lần
Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc để biểu dương các em có thành tích tốt
trong các phong trào và mọi hoạt động của Đội.
v. Đánh giá sau khi học xong tiểu mô đun 1
* Các câu hỏi và bài tập đánh giá
Câu hỏi 1: Đội Nhi đồng cứu quốc ra đời trong hoàn cảnh nào? Nhiệm vụ của
Đội? Tên người đội trưởng đầu tiên của Đội?
Câu hỏi 2: Hãy ghép tên Đội (ở cột 1) với thời gian Đội được mang tên (ở cột 2)
và nhiệm vụ của đội viên qua mỗi thời kì (ở cột 3) cho phù hợp.
Đội TNTP Hồ Chí Minh 15/5/1941 Giao thông liên lạc, lực lượng dự bị đánh
Tây đuổi Nhật
Đội Thiếu nhi tháng Tám 11/ 1956 Thực hiện theo 5 điều Bác Hồ dạy
Đội Nhi đồng cứu quốc 3/ 1951 Làm theo lời Bác dạy “Tuổi nhỏ làm việc
nhỏ”
Đội TNTP 30/1/1970 Thực hiện theo 5 điều Bác Hồ dạy

Câu hỏi 3: Hãy kể tên ba phong trào lớn của Đội, hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa của
các phong trào đó.
Câu hỏi 4: Em hãy kể tên 5 người đội viên đầu tiên của Đội.
Câu hỏi 5: Hãy kể câu chuyện về một tấm gương thiếu niên anh hùng mà em yêu
thích nhất.
Câu hỏi 6: Bác Hồ gửi thư cho thiếu nhi và căn dặn các em năm điều vào thời gian
nào? Em hãy đọc năm điều Bác Hồ dạy.
Câu hỏi 7: Em hãy trình bày ý nghĩa của tên Đội trong mỗi thời kì.
Câu hỏi 8: Em hãy nêu sự kiện lịch sử tiêu biểu của đất nước giai đoạn 1946-1954.
Câu hỏi 9: Em hãy nêu sự kiện lịch sử tiêu biểu của đất nước giai đoạn 1954-1975.
Câu hỏi 10: Em hãy nêu nhiệm vụ của Đội trong thời kì Công nghiệp hoá- Hiện
đại hoá đất nước.
* Thông tin phản hồi của đánh giá
Đáp án câu 1
- Năm 1941, phong trào đấu tranh của nhân dân ta bị đàn áp bởi ách thống trị
của thực dân Pháp và Phát xít Nhật. Trưước tình hình ấy, tháng 5/1941, Hội nghị
lần thứ 8 của Trung ưương Đảng do lãnh tụ Nguyễn ái Quốc chủ trì quyết định
thành lập Việt Nam Độc lập Đồng Minh Hội, gọi tắt là Việt Minh và tổ chức ra các
đoàn thể cứu quốc của Việt Minh. Hội nghị đã quyết định thành lập Hội Nhi đồng
cứu vong là đoàn thể cứu quốc của trẻ em từ 10-11 tuổi trở lên đến 15- 16 tuổi và
giao cho Đoàn phụ trách công tác thiếu nhi.
- Đội Nhi đồng cứu quốc có nhiệm vụ: Làm giao thông liên lạc, canh gác
bảo vệ các cuộc họp của Đảng, là lực lượng dự bị đánh Tây đuổi Nhật, khi cần thì
theo cha mẹ đánh giặc.
- Đội trưưởng đầu tiên của Đội là anh Kim Đồng tên thật là Nông Văn Dền.
Đáp án câu 2
1. Ngày 15/ 5/ 1941, Đội Nhi đồng cứu quốc ra đời có nhiệm vụ Làm giao
thông liên lạc, canh gác bảo vệ các cuộc họp của Đảng, là lực lượng dự bị đánh
Tây đuổi Nhật, khi cần thì theo cha mẹ đánh giặc.
2. Tháng 3/1951 Đội có tên Đội Thiếu nhi tháng Tám. Đội có nhiệm vụ làm
theo lời Bác dạy “ Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”.
3. Tháng 11/ 1956 Đội đưược đổi tên là Đội TNTP. Đội có nhiệm vụ thực
hiện theo năm điều Bác Hồ dạy.
4. Ngày 30/01/1970 Đội đưược mang tên Đội TNTP Hồ Chí Minh. Đội có
nhiệm vụ thực hiện theo năm điều Bác Hồ dạy.
Đáp án câu 3
* Đội có 3 phong trào lớn: Phong trào Trần Quốc Toản, phong trào Kế
hoạch nhỏ, phong trào Nghìn việc tốt.
* Hoàn cảnh, ý nghĩa ra đời của 3 phong trào là:
Phong trào Trần Quốc Toản (tháng 2/1948)
- Hoàn cảnh: Phong trào này do Bác Hồ đề xưướng. Tháng 2/1948, xuất phát
từ thực tế của cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ đã viết thưư cho thiếu nhi
nhằm tổ chức ra Đội Trần Quốc Toản.
- ý nghĩa: Phong trào Trần Quốc Toản đã phát huy truyền thống “Tưương
thân tương ái”, “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Phong trào tạo nên một tinh
thần công tác mới thích hợp với lứa tuổi và điều kiện sinh hoạt của thiếu niên, nhi
đồng, là niềm vui của tuổi thơ đưược góp phần thiết thực vào cuộc kháng chiến;
giúp tổ chức Đội ngày càng trưởng thành hơn. Phong trào Trần Quốc Toản đã trở
thành một nội dung công tác lâu dài của Đội, gắn bó mãi với lịch sử và hoạt động
của Đội ta.

Phong trào kế hoạch nhỏ (1958)


- Hoàn cảnh: Năm 1958, theo sáng kiến của thiếu nhi tỉnh Sơn Tây (nay là
Hà Tây) và thành phố Hải Phòng. Phong trào đã tập hợp các bạn thiếu nhi cùng
tham gia làm kế hoạch nhỏ lấy tiền góp chung xây dựng “Nhà máy nhựa Tiền Phong”
đặt tại Hải Phòng. Ngày 2/12/1958, Bác Tôn Đức Thắng đã viết thưư hoan nghênh sáng
kiến đó và cho phép mở rộng phong trào kế hoạch nhỏ trong thiếu nhi.
- ý nghĩa: Phong trào Kế hoạch nhỏ mang tính giáo dục cao, đem lại hiệu
quả thiết thực trong đời sống xã hội, trong học tập và rèn luyện của thiếu nhi.
Phong trào Nghìn việc tốt (1961)
- Hoàn cảnh: Năm 1961, phong trào hoạt động Đội đưược thiếu niên, nhi
đồng thực hiện sâu rộng trên mọi mặt. Để kịp thời động viên, khích lệ, liên đội
Tam Sơn, Tiên Sơn, Bắc Ninh có sáng kiến dấy lên phong trào “Làm nghìn việc tốt
thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy” giành danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”.
- ý nghĩa: Phong trào Nghìn việc tốt nhằm tổng kết nâng cao cả về mặt lí
luận và thực tiễn trong các em, đồng thời nhằm biểu dưương các em đạt thành tích
trong mọi mặt hoạt động.
Đáp án câu 4
5 đội viên đầu tiên của Đội là: Nông Văn Dền, Nông Văn Thàn, Lý Văn
Tịnh, Lý Thị Ni, Lý Thị Xậu.
Đáp án câu 5
Học sinh tự tìm hiểu và kể các câu chuyện về những tấm gương thiếu niên
anh hùng.
Đáp án câu 6
Bác Hồ đã gửi thưư và căn dặn thiếu nhi Việt Nam 5 điều Bác Hồ dạy vào
dịp kỉ niệm 20 năm ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941-
15/5/1961).
5 điều Bác Hồ dạy là:
1. Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
2. Học tập tốt, lao động tốt
3. Đoàn kết tốt, kỉ luật tốt
4. Giữ gìn vệ sinh thật tốt
5. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.
Đáp án câu 7
ý nghĩa những lần đổi tên của Đội
- Sau cách mạng tháng Tám thành công, nưước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà
ra đời mở ra kỉ nguyên mới cho dân tộc: Kỉ nguyên độc lập - Tự do. Cuộc đấu
tranh của nhân dân ta bưước sang thời kì mới. Để phù hợp với nhiệm vụ cách
mạng và cũng để khắc ghi mốc lịch sử quan trọng của đất nưước, Đội Thiếu nhi
cứu quốc đưược đổi tên gọi là Đội Thiếu nhi Tháng Tám (tháng 3/1951).
- Tháng 11/1956, Đội đưược đổi tên là Đội TNTP Việt Nam với ý nghĩa
“Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tuỳ theo sức của mình”. Đội luôn tiên phong xung kích đi
đầu trong mọi hoạt động của Đội, góp phần nhỏ bé của mình cùng cha anh chống
Mĩ cứu nưước.
- Ngày 30/01/1970, Đội vinh dự đưược mang tên Bác kính yêu: Đội TNTP
Hồ Chí Minh. Điều này có ý nghĩa rất to lớn, đó là để tưưởng nhớ đến công ơn vun
trồng, dạy dỗ, nâng niu thiếu niên, nhi đồng của Bác Hồ. Đảng ta mong muốn thế
hệ trẻ nưước ta suốt đời trung thành với lí tưưởng của Đảng, của Bác, sống, chiến
đấu, lao động và học tập theo gưương Bác Hồ, đưưa sự nghiệp cách mạng của
Đảng đến thắng lợi hoàn toàn.
Đáp án câu 8
Sự kiện lịch sử tiêu biểu của đất nưước giai đoạn 1946- 1954
- Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Nam Bộ, quyết tâm
xâm lưược nưước ta một lần nữa.
- Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà kí
với chính phủ Pháp hiệp định sơ bộ 6/3/1946, tạm ưước 14/9/1946.
- Ngày 19/12/1946, Ban Thưường vụ Trung ưương Đảng họp tại làng Vạn
Phúc - thị xã Hà Đông đã quyết định phát động toàn quốc kháng chiến.
Dưưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã anh dũng chiến đấu chống
Pháp xâm lược làm nên những chiến thắng lẫy lừng từ: Chiến dịch Việt Bắc Thu -
Đông (năm 1947), chiến dịch Biên giới (1950), cuộc tiến công chiến lưược Đông -
Xuân 1953 - 1954 với thắng lợi ròn rã khắp các mặt trận đã tạo đà cho chiến thắng
Điện Biên Phủ (07/5/1954), kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm
của nhân dân ta.
Đáp án câu 9
Sự kiện lịch sử tiêu biểu của đất nưước giai đoạn 1954 - 1975
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954) của nhân dân ta đã
giành đưược thắng lợi hoàn toàn, đưược đánh dấu bằng mốc son chiến thắng Điện
Biên Phủ (7/5/1954).
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã buộc thực dân Pháp phải kí hiệp định
Giơ - ne - vơ (20/7/1954). Hoà bình đưược lập lại trên đất nưước ta, nhưưng hai
miền Nam - Bắc còn tạm thời bị chia cắt. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bưước
vào công cuộc xây dựng CNXH, trở thành hậu phưương lớn của miền Nam.
Miền Nam không chịu khuất phục trưước sự đàn áp dã man của đế quốc Mĩ,
nhân dân ta đã chiến đấu anh dũng từng bưước phá tan các âm mưưu, chiến lược
thâm độc của đế quốc Mĩ nhưư: phong trào Đồng khởi (1959- 1960), bẻ gẫy chiến
lưược “Chiến tranh đặc biệt” (1961- 1965), chiến lưược “Chiến tranh cục bộ”
(1965- 1968), chiến lưược “Việt Nam hoá chiến tranh”, “Đông Dưương hoá chiến
tranh” (1969-1973). Thắng lợi liên tiếp trên khắp các chiến trưường cùng chính
sách ngoại giao khôn khéo của Đảng ta đã buộc đế quốc Mĩ phải kí Hiệp định Pari
(27/1/1973) và buộc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam. Đánh cho Mĩ cút, đánh
cho nguỵ nhào, dưưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã chiến đấu ngoan
cường mở màn tấn công thần tốc, táo bạo với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đưa
nưước ta đến thống nhất, Nam Bắc sum họp một nhà (30/4/1975).
Đáp án câu 10
Nhiệm vụ của Đội trong giai đoạn Công nghiệp hoá, Hiện đại hoá đất
nước hiện nay
Thực hiện tốt năm điều Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành con ngoan trò giỏi,
bạn tốt, đội viên tốt xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ.

Tiểu mô đun 2: điều lệ và hướng dẫn thực hiện


Điều lệ đội tntp hồ chí Minh ( 3 tiết)
I. Mục tiêu
Học xong tiểu mô đun 2, học sinh có khả năng:
1. Kiến thức
- Hiểu được mục đích, tính chất của Đội TNTP Hồ Chí Minh
- Liệt kê được nội dung các phần, chương, điều của Điều lệ Đội TNTP Hồ
Chí Minh;
- Nhận thức đúng nhiệm vụ, quyền hạn của người đội viên Đội TNTP Hồ
Chí Minh;
- Trình bày được nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đội TNTP Hồ Chí Minh;
2. Kĩ năng
- Biết trao đổi, thảo luận, thống nhất được những hiểu biết về nguyên tắc tổ
chức và hoạt động của Đội TNTP Hồ Chí Minh.
- Biết thực hiện được nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đội TNTP Hồ
Chí Minh trong công tác Đội;
- Vận dụng được những hiểu biết về nhiệm vụ, quyền hạn của đội viên
nguyên tắc tổ chức, hoạt động Đội vào thực hiện hoạt động Đội tại liên đội.
3. Thái độ
- Có ý thức tự giác học tập, yêu thích công tác Đội;
- Có ý thức phát huy nguyên tắc tổ chức và hoạt động Đội TNTP Hồ Chí
Minh trong thực tiễn công tác Đội.
II. Giới thiệu tiểu mô đun 2 
Tiểu mô đun 2 bao gồm 2 chủ đề cơ bản, thực hiện trong 3 tiết, cụ thể như sau :
STT Tên chủ đề Số tiết Trang số
1 Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí Minh 1 tiết 43
2 Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí 2 tiết 47
Minh
Cộng 3 tiết
III. Điều kiện cần thiết để thực hiện tiểu mô đun 2
1. Điều kiện
Khi học tiểu mô đun 2, học sinh phải học xong tiểu mô đun 1 để hiểu về lịch sử
Đội TNTP Hồ Chí Minh và Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí Minh.
2. Tài liệu học tập
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phương pháp công tác Đội TNTP Hồ Chí
Minh, Nxb Giáo dục, năm 2001
2. Hội đồng Đội Trung ương, Điều lệ và hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đội
TNTP Hồ Chí Minh, NxbThanh niên, 2003.
3. Bùi Sỹ Tụng (chủ biên) - Phạm Đình Nghiệp - Phan Nguyên Thái, Cẩm
nang cho người phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh, Nxb Giáo dục, 2001.
IV. Nội dung

Chủ đề 1: Điều lệ Đội Tntp Hồ Chí Minh (1 tiết)


1. Hoạt động
Hoạt động 1: Xác định nội dung và cấu trúc của Điều lệ
Đội TNTP Hồ Chí Minh (15 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 1: [2]
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Nghiên cứu tài liệu Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí Minh, tóm lược
cấu trúc của Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí Minh (5phút)
- Nhiệm vụ 2: Phân tích, giảng giải về cấu trúc Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí
Minh (10 phút)
* Đánh giá cho hoạt động 1
- Câu hỏi: Em hãy nêu tên, nội dung các chương của Điều lệ Đội TNTP Hồ
Chí Minh?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 45 của giáo trình.
Hoạt động 2: Xác định tầm quan trọng của Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí Minh (10
phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 2: [2]; [3, tr14 - 24]
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Nghiên cứu tài liệu, làm rõ tầm quan trọng của Điều lệ Đội
TNTP Hồ Chí Minh (5 phút)
+ Học sinh chia nhóm thảo luận vấn đề tầm quan trọng của Điều lệ Đội
TNTP Hồ Chí Minh.
- Nhiệm vụ 2: Xác định tầm quan trọng của Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí Minh
(5 phút)
+ Giáo viên tổng hợp ý kiến thảo luận của học sinh, khái quát tầm quan
trọng của Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí Minh.
* Đánh giá hoạt động 2
- Câu hỏi: Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí Minh có tầm quan trọng như thế nào
đối với tổ chức Đội và với mỗi đội viên?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 45 của giáo trình.
Hoạt động 3: Nội dung cơ bản của Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí Minh (20 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 3: [2]; [3, tr6 - 12]
* Nhiệm vụ của hoạt động 3
- Nhiệm vụ 1: Nghiên cứu Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí Minh (5 phút)
+ Giáo viên nêu yêu cầu tìm hiểu về các phần, chương, điều của Điều lệ Đội.
Học sinh đọc hiểu.
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu nội dung các phần, chương, điều của Điều lệ Đội (10
phút)
+ Giáo viên phân tích tổng hợp.
- Nhiệm vụ 3: Xác định nhiệm vụ của đội viên được quy định trong Điều lệ Đội
(5 phút)
+ Giáo viên đặt câu hỏi, học sinh trả lời.
* Đánh giá hoạt động 3
- Câu hỏi 1: Điều lệ Đội gồm mấy chương ? Tên các chương của Điều lệ Đội ?
- Câu hỏi 2: Trình bày nội dung cơ bản trong từng chương của Điều lệ Đội.
- Câu hỏi 3: Em hãy trình bày các nhiệm vụ của đội viên.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3: Xem trang 46 - 47 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
Cấu trúc của Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí Minh
Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí Minh được Hội nghị lần thứ 3, Ban Chấp hành
Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khoá VIII thông qua ngày 25/7/2003, quy
định gồm 7 Chương và 17 Điều. Cụ thể:
- Chương I: Đội viên, gồm 4 Điều (từ Điều 1 đến Điều 4)
- Chương II: Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đội TNTP Hồ Chí Minh,
gồm 5 Điều (từ Điều 5 đến Điều 9)
- Chương III: Đội TNTP Hồ Chí Minh với nhi đồng, gồm 2 Điều (từ Điều 10
đến Điều 11)
- Chương IV: Tài chính của Đội, gồm 2 Điều (từ Điều 12 đến Điều 13)
- Chương V: Công tác kiểm tra của Đội, gồm 1 Điều (Điều 14)
- Chương VI: Khen thưởng và kỉ luật, gồm 2 Điều (Điều 15, Điều 16)
- Chương VII: Sửa đổi Điều lệ Đội, gồm 1 Điều (Điều 17)
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
Tầm quan trọng của Điều lệ Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh
Điều lệ là văn bản mang tính pháp quy của một tổ chức, bắt buộc mọi thành
viên trong tổ chức đó phải thực hiện.
Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí Minh chính là văn bản quy định về mục tiêu, tính
chất, nhiệm vụ, vai trò, nguyên tắc tổ chức hoạt động để đội viên phấn đấu thực
hiện 5 điều Bác Hồ dạy, có mục tiêu phấn đấu, rèn luyện để trở thành con ngoan,
trò giỏi, bạn tốt, công dân tốt, Đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh, giúp đỡ nhi đồng;
thực hiện Quyền và bổn phận trẻ em.
Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí Minh bắt buộc mọi đội viên, tập thể Đội phải có
trách nhiệm thi hành nghiêm túc. Do vậy Điều lệ Đội sẽ giúp cho Đội hoạt động
đúng mục tiêu, nguyên tắc, giữ nghiêm kỉ luật góp phần giáo dục toàn diện đội
viên và xây dựng Đội vững mạnh.

* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3


Nội dung cơ bản của Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí Minh
Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí Minh gồm có phần mở đầu, 7 Chương và 17
Điều. Nội dung cơ bản của các Chương và Điều được quy định trong Điều lệ Đội
TNTP Hồ Chí Minh như sau:
- Chương I: Đội viên ( từ Điều 1 đến Điều 4)
Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí Minh nêu rất rõ trong Chương I đó là:
+ Xác định độ tuổi, điều kiện được kết nạp vào tổ chức Đội.
+ Người đội viên phải thực hiện theo lời hứa đội viên.
+ Đội viên có những quyền tham gia sinh hoạt trong tổ chức Đội, được tham
gia ứng cử và đề cử vào Ban chỉ huy chi đội, liên đội. Điều này thể hiện tính dân
chủ của Đội TNTP Hồ Chí Minh đối với đội viên.
+ Đội viên là thành viên của tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh, phải thực hiện
các nhiệm vụ chung của Đội TNTP Hồ Chí Minh.
- Chương II: Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đội Thiếu niên Tiền
phong Hồ Chí Minh (từ Điều 5 đến Điều 9)
Chương II khẳng định rõ Đội TNTP Hồ Chí Minh là tổ chức thống nhất
trong cả nước. Điều lệ Đội khẳng định Đội TNTP Hồ Chí Minh hoạt động theo
nguyên tắc tự nguyện, tự quản. Như vậy với nguyên tắc này, Đội đã phát huy tính
dân chủ của đội viên.
- Chương III: Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh với nhi đồng (từ
Điều 10 đến Điều 11)
Đội TNTP Hồ Chí Minh có trách nhiệm và cũng là vinh dự khi được giao trọng
trách dìu dắt các em nhi đồng, giúp đỡ các em sinh hoạt theo Sao cho đến tuổi Thiếu
niên và có đủ điều kiện kết nạp vào Đội TNTP Hồ Chí Minh.
- Chương IV: Tài chính của Đội (từ Điều 12 đến Điều 13)
Nhằm tạo điều kiện cho Đội hoạt động, chương IV quy định rõ về nguồn tài
chính của Đội, Ban chỉ huy liên đội, chi đội và tổng phụ trách Đội chịu trách nhiệm
quản lí và sử dụng nguồn quỹ theo đúng quy định của Điều lệ Đội.
- Chương V: Công tác kiểm tra của Đội (Điều 14)
Chương V trong Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí Minh đã nêu cụ thể phải kiểm
tra toàn diện các mặt công tác của Đội để từ đó đánh giá khen thưởng, kỉ luật xét
thành tích cụ thể mà liên đội, chi đội đó đạt được.
- Chương VI: Khen thưởng và kỉ luật (Điều 15, Điều 16)
Đội TNTP Hồ Chí Minh coi trọng việc nêu gương người tốt, việc tốt, lấy
việc phát huy ưu điểm để khắc phục khuyết điểm. Cùng với việc khen thưởng và đề
nghị khen thưởng đột xuất, sau mỗi đợt thi đua, mỗi học kì hay một năm, các tập thể
Đội lựa chọn, giới thiệu các cá nhân, tập thể điển hình đề nghị khen thưởng.
Lấy việc động viên, giúp đỡ là chính nên kỉ luật trong Điều lệ Đội TNTP
Hồ Chí Minh đưa ra các hình thức kỉ luật như: phê bình, khiển trách. Trường hợp
đội viên vi phạm khuyết điểm đặc biệt nghiêm trọng thì có thể bị xoá tên khỏi danh
sách đội viên.
- Chương VII: Sửa đổi Điều lệ Đội (Điều 17)
Việc sửa đổi Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí Minh do Ban Chấp hành Trung
ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có quyền sửa đổi, bổ sung trên cơ sở tiếp thu đầy
đủ ý kiến chính đáng của đội viên và tập thể quy định.
Chủ đề 2: Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đội
TNTP Hồ Chí Minh (2 tiết)
1. Hoạt động
Hoạt động 1: Xác định nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đội
TNTP Hồ Chí Minh (45 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 1: [2]
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Đọc hiểu Điều lệ và hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đội TNTP
Hồ Chí Minh (10 phút)
- Nhiệm vụ 2: Trao đổi và thảo luận về nguyên tắc tổ chức hoạt động Đội
(20 phút)
- Nhiệm vụ 3: Giáo viên cùng học sinh liên hệ thực để thấy được ưu điểm,
hạn chế của việc thực hiện nguyên tắc hoạt động Đội (15 phút)
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi 1: Đội hoạt động theo nguyên tắc nào?
- Câu hỏi 2: Em hiểu thế nào về nguyên tắc hoạt động của Đội TNTP
Hồ Chí Minh?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 48 - 49 của giáo trình.
Hoạt động 2: Phương pháp vận dụng nguyên tắc tự nguyện, tự quản của
Đội TNTP Hồ Chí Minh vào thực tiễn công tác Đội (45 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 2: [1, tr5 - 9]; [2]; [3, tr14 - 24]
* Nhiệm vụ cho hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Làm sáng tỏ vấn đề trên thực tế hoạt động Đội tại liên
đội, chi đội do ai tổ chức và ai phụ trách (15 phút)
+ Giáo viên nêu vấn đề, học sinh thảo luận.
- Nhiệm vụ 2: Làm rõ nội dung việc vận dụng nguyên tắc tự nguyện, tự
quản của Đội trong thực tiến công tác Đội tại chi đội, liên đội (15 phút)
+ Học sinh chia nhóm thảo luận.
- Nhiệm vụ 3: Xác định phương pháp vận dụng nguyên tắc tự nguyện, tự
quản của Đội TNTP Hồ Chí Minh trong thực tiễn hoạt động Đội (15 phút)
+ Giáo viên phát vấn, học sinh trả lời về phương pháp vận dụng nguyên
tắc tự nguyện, tự quản của Đội trong thực tiễn.
* Đánh giá hoạt động 2
- Câu hỏi: Em hãy trình bày phương pháp vận dụng nguyên tắc hoạt
động Đội vào thực tiễn công tác Đội tại liên đội, chi đội.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 49 - 50 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh
1. Nguyên tắc tự nguyện của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh
Nguyên tắc này thể hiện tính dân chủ của Đội TNTP Hồ Chí Minh nhằm đáp
ứng nhu cầu và quyền được lựa chọn của thiếu nhi trước khi vào Đội, thừa nhận
Điều lệ Đội, tự nguyện tham gia tích cực các hoạt động của Đội. Từ đó đội viên có
trách nhiệm xây dựng tổ chức và tập thể Đội. Đội phải mở rộng các hình thức hoạt
động phù hợp với nguyện vọng của đội viên và thiếu nhi.
2. Nguyên tắc tự quản của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh
Nguyên tắc này thể hiện sự tự quản của Đội TNTP Hồ Chí Minh có sự
hướng dẫn của phụ trách Đội nghĩa là khẳng định tính độc lập tương đối của tổ
chức Đội và Đội là tổ chức của thiếu nhi.
Tự quản của Đội TNTP Hồ Chí Minh là thể hiện tính đặc trưng của Đội và
cũng là yếu tố khẳng định tổ chức Đội là của chính các em đội viên, đồng thời
cũng thể hiện rõ khả năng làm chủ của các em. Phương châm đối với đội viên là tự
giáo dục là chính, nhưng cần có sự hướng dẫn của phụ trách và công tác giáo dục
của Đội TNTP Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động. Đây là đặc trưng cơ bản
nhất của tổ chức Đội với tư cách là một lực lượng giáo dục.
Sự tự quản của Đội TNTP Hồ Chí Minh thể hiện:
- Mọi công việc của Đội ở chi đội, liên đội đều do các tập thể và đội viên
bàn bạc.
- Các quyết định của liên, chi đội đều được thực hiện khi quá nửa số đội viên
đồng ý.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
Phương pháp vận dụng nguyên tắc tự nguyện, tự quản vào thực tiễn
hoạt động Đội
+ Vận dụng phải phù hợp với lứa tuổi và sở trường của đội viên để các em
có điều kiện phát huy năng lực, tự giác làm chủ bản thân đồng thời biết hợp tác
trong hoạt động để đạt được kết quả mong muốn.
+ Luôn chú ý vai trò tự quản của đội viên.
+ Tăng cường chất lượng sinh hoạt theo phân đội (nhóm nhỏ). Như vậy sẽ
phát huy tối đa chất lượng hiệu quả công việc.
+ Lựa chọn, bồi dưỡng Ban chỉ huy Đội và các phân đội theo tiêu chuẩn:
Nhiệt tình, nắm vững Điều lệ và hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí
Minh, gương mẫu, có phương pháp làm việc khoa học, có tư thế, tác phong mẫu
mực, kết quả học tập từ khá trở lên, yêu thích hoạt động Đội, sẵn sàng nhận nhiệm
vụ và biết chịu trách nhiệm trước việc mình làm, biết cách tập hợp các bạn,....
V. Đánh giá sau khi học xong tiểu mô đun
* Câu hỏi đánh giá
Câu hỏi 1: Đội hoạt động theo nguyên tắc nào (hãy khoanh tròn vào chữ cái
trước nguyên tắc hoạt động của Đội)?
a. Nguyên tắc tự nguyện.
b. Nguyên tắc tự quản.
c. Cả hai nguyên tắc trên.
Câu hỏi 2: Em hiểu thế nào về nguyên tắc tự nguyện tự quản trong tổ chức
hoạt động Đội TNTP Hồ Chí Minh?
Câu hỏi 3: Em phải làm gì để vận dụng nguyên tắc tự nguyện, tự quản vào
thực tiễn hoạt động Đội?
Câu hỏi 4: Hãy điền cụm từ phù hợp vào chỗ trống dưới đây để hoàn thành
câu có nghĩa theo Điều lệ Đội?
1 Sự tự quản của Đội TNTP Hồ Chí Minh thể hiện ...............................
2. Sự tự quản của Đội TNTP Hồ Chí Minh thể hiện................................
3 Khi quyết định công việc của chi đội, liên đội phải được ................số đội
viên của liên đội, chi đội đồng ý.
4 Nguyên tắc tự nguyện của Đội TNTP Hồ Chí Minh thể hiện
tính ........................ của đội viên.
* Thông tin phản hồi của đánh giá
Đáp án câu 1: Đáp án 3 (c)
Đáp án câu 2:
Nguyên tắc tự nguyện của Đội TNTP Hồ Chí Minh
Nguyên tắc này thể hiện tính dân chủ của Đội TNTP Hồ Chí Minh nhằm đáp
ứng nhu cầu và quyền được lựa chọn của thiếu nhi trước khi vào Đội, thừa nhận
Điều lệ Đội, tự nguyện tham gia tích cực các hoạt động của Đội. Từ đó đội viên có
trách nhiệm xây dựng tổ chức và tập thể Đội. Đội phải mở rộng các hình thức hoạt
động phù hợp với nguyện vọng của đội viên và thiếu nhi.
Nguyên tắc tự quản của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh
Nguyên tắc này thể hiện sự tự quản của Đội TNTP Hồ Chí Minh có sự
hướng dẫn của phụ trách Đội nghĩa là khẳng định tính độc lập tương đối của tổ
chức Đội và Đội là tổ chức của thiếu nhi.
Tự quản của Đội TNTP Hồ Chí Minh là thể hiện tính đặc trưng của Đội và
cũng là yếu tố khẳng định tổ chức Đội là của chính các em đội viên, đồng thời
cũng thể hiện rõ khả năng làm chủ của các em. Phương châm đối với đội viên là tự
giáo dục là chính, nhưng cần có sự hướng dẫn của phụ trách và công tác giáo dục
của Đội TNTP Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động. Đây là đặc trưng cơ bản
nhất của tổ chức Đội với tư cách là một lực lượng giáo dục.
Sự tự quản của Đội TNTP Hồ Chí Minh thể hiện:
- Mọi công việc của Đội ở chi đội, liên đội đều do các tập thể và đội viên
bàn bạc.
- Các quyết định của liên, chi đội đều được thực hiện khi quá nửa số đội viên
đồng ý.
Đáp án câu 3
Phương pháp vận dụng nguyên tắc tự nguyện, tự quản vào thực tiễn
hoạt động Đội.
+ Vận dụng phải phù hợp với lứa tuổi và sở trường của đội viên để các em
có điều kiện phát huy năng lực, tự giác làm chủ bản thân đồng thời biết hợp tác
trong hoạt động để đạt được kết quả mong muốn.
+ Luôn chú ý vai trò tự quản của đội viên.
+ Tăng cường chất lượng sinh hoạt theo phân đội (nhóm nhỏ). Như vậy sẽ
phát huy tối đa chất lượng hiệu quả công việc.
+ Lựa chọn, bồi dưỡng Ban chỉ huy Đội và các phân đội theo tiêu chuẩn:
Nhiệt tình, nắm vững Điều lệ và hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí
Minh, gương mẫu, có phương pháp làm việc khoa học, có tư thế, tác phong mẫu
mực, kết quả học tập từ khá trở lên, yêu thích hoạt động Đội, sẵn sàng nhận nhiệm
vụ và biết chịu trách nhiệm trước việc mình làm, biết cách tập hợp các bạn,....
Đáp án câu 4
1. Sự tự quản của Đội TNTP Hồ Chí Minh thể hiện mọi công việc của Đội ở
chi đội, liên đội đều do các tập thể và đội viên bàn bạc.
2. Sự tự quản của Đội TNTP Hồ Chí Minh thể hiện các quyết định của liên,
chi đội đều được thực hiện khi quá nửa số đội viên đồng ý.
3. Khi quyết định công việc của chi đội, liên đội phải được quá nửa số đội
viên của liên đội, chi đội đồng ý.
4. Nguyên tắc tự nguyện của Đội TNTP Hồ Chí Minh thể hiện tính dân chủ của
đội viên.

Tiểu mô đun 3: hoạt động của Đội TNTP hồ chí minh


(6 tiết)
i. Mục tiêu
Kết thúc tiểu mô đun 3, học sinh có khả năng:
1. Kiến thức
- Hiểu được nội dung, hình thức của 6 mặt hoạt động của Đội TNTP Hồ Chí
Minh.
2. Kĩ năng
- Biết trao đổi, thảo luận và thống nhất được những hiểu biết về nội dung,
hình thức các mặt hoạt động của Đội TNTP Hồ Chí Minh;
- Biết vận dụng những hiểu biết về nội dung, hình thức hoạt động Đội vào
thực tiễn công tác Đội TNTP Hồ Chí Minh tại liên đội.
3. Thái độ
- Có ý thức tự giác học tập, nâng cao hiểu biết về các hoạt động của Đội.
- Say mê tổ chức các hoạt động của Đội.
ii- Giới thiệu tiểu mô đun 3
Tiểu mô đun 3 bao gồm 3 chủ đề cơ bản, thực hiện trong 6 tiết, cụ thể như sau :
stt Tên chủ đề số tiết trang số
1 - Hoạt động giáo dục truyền thống, đạo đức nếp 2 tiết 54
sống
- Hoạt động phục vụ học tập, văn hoá
2 - Hoạt động vui chơi, giải trí và phát triển 2 tiết 61
- Hoạt động lao động và sáng tạo
3 - Hoạt động xã hội 2 tiết 66
- Hoạt động giáo dục tinh thần đoàn kết, hữu nghị
quốc tế
Cộng 6 tiết

iii- Điều kiện cần thiết để thực hiện tiểu mô đun 3


1. Điều kiện
- Học sinh phải học xong tiểu mô đun 1 và 2 trong mô đun 1 “Những vấn đề
chung về Đội TNTP Hồ Chí Minh”.
2. Tài liệu học tập
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phương pháp dạy bộ học công tác Đội TNTP Hồ
Chí Minh, Nxb Giáo dục, 2004.
2. Hội đồng Đội Trung ương, Người phụ trách thiếu nhi cần biết, Nxb Thanh
niên, 1997.
3. Trường Cán bộ Đội Hà Nội, Hành trang người phụ trách thiếu nhi, Nxb
Hà Nội, 1997.
4. Trường Cán bộ Đội Hà Nội, Hành trang chi đội trưởng, Nxb Hà Nội,
1999.
5. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Giáo trình công tác Đội TNTP và nhi đồng.
6. Bùi Sỹ Tụng (chủ biên) - Phạm Đình Nghiệp - Phan Nguyên Thái, Cẩm
nang người phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh, Nxb Giáo dục, 2001.
3. Thiết bị, đồ dùng dạy học
- Máy projector, giấy troki, bút viết bảng, băng dính, kéo, giấy mầu.
iv- nội dung

chủ đề 1: hoạt động giáo dục truyền thống, đạo đức nếp sống;
hoạt động phục vụ học tập, văn hoá (2 tiết)
1. Hoạt động
Hoạt động 1: Tìm hiểu bản chất hoạt động giáo dục truyền thống,
đạo đức nếp sống (25 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 1: [5, tr44 - 48]
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Xác định mục tiêu của hoạt động giáo dục truyền thống, đạo
đức nếp sống (10 phút)
+ Giáo viên nêu câu hỏi, học sinh trả lời: Hoạt động giáo dục truyền thống,
đạo đức nếp sống có tác dụng gì?
+ Tập hợp ý kiến. Nêu mục tiêu cơ bản của hoạt động giáo dục truyền thống,
đạo đức nếp sống.
- Nhiệm vụ 2: Xác định nội dung và hình thức của hoạt động giáo dục
truyền thống, đạo đức nếp sống (15 phút)
+ Phát cho mỗi học sinh một tờ giấy nhỏ. Chia tờ giấy đó làm 2 cột (1 cột là
nội dung, 1 cột là hình thức). Suy nghĩ và ghi vào giấy về nội dung và hình thức đã
biết của hoạt động giáo dục truyền thống, đạo đức nếp sống.
+ Từng học sinh đọc to nội dung và hình thức của mình cho cả lớp nghe.
Các em khác vừa nghe vừa bổ sung thêm vào nội dung và hình thức của mình.
+ Giới thiệu nội dung và hình thức của hoạt động giáo dục truyền thống, đạo
đức nếp sống.
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi 1: Em hãy nêu mục tiêu của hoạt động giáo dục truyền thống, đạo
đức nếp sống.
- Câu hỏi 2: Hoạt động giáo dục truyền thống, đạo đức nếp sống có những
nội dung nào?
- Câu hỏi 3: Theo em, hình thức nào thường hay được dùng trong hoạt động
giáo dục truyền thống, đạo đức nếp sống?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 57 - 58 của giáo trình.
Hoạt động 2: Tìm hiểu bản chất hoạt động phục vụ học tập, văn hoá (25 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 2: [5, tr 44 - 48]
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Xác định mục tiêu của hoạt động phục vụ học tập, văn hoá (10 phút)
+ Giáo viên nêu câu hỏi, học sinh trả lời: Hoạt động phục vụ học tập, văn
hoá có những tác dụng gì?
+ Tập hợp ý kiến. Nêu mục tiêu cơ bản của hoạt động phục vụ học tập, văn
hoá.
- Nhiệm vụ 2: Xác định nội dung và hình thức của hoạt động phục vụ học
tập, văn hoá (15 phút)
+ Phát cho mỗi học sinh một tờ giấy nhỏ. Chia tờ giấy đó làm 2 cột (1 cột là
nội dung, 1 cột là hình thức). Suy nghĩ và ghi vào giấy về nội dung và hình thức đã
biết của hoạt động phục vụ học tập, văn hoá.
+ Một số học sinh đọc to nội dung và hình thức của mình cho cả lớp nghe. Các
em khác vừa nghe vừa bổ sung thêm vào nội dung và hình thức của mình.
+ Giới thiệu nội dung và hình thức của hoạt động phục vụ học tập, văn hoá.
* Đánh giá hoạt động 2
- Câu hỏi 1: Em hãy trình bày mục tiêu của hoạt động phục vụ học tập, văn
hoá.
- Câu hỏi 2: Hoạt động phục vụ học tập, văn hoá có những nội dung nào?
- Câu hỏi 3: Theo em, hình thức nào thường hay được dùng trong hoạt động
phục vụ học tập, văn hoá?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 59 - 60 của giáo trình.
Hoạt động 3: Xác định nội dung, hình thức của hoạt động giáo dục truyền thống, đạo
đức nếp sống và hoạt động phục vụ học tập văn hoá phù hợp chủ điểm tháng (40 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 3: [5, tr 44 - 48]
* Nhiệm vụ của hoạt động 3
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu nội dung, hình thức hoạt động giáo dục truyền thống,
đạo đức lối sống và hoạt động phục vụ học tập, văn hoá theo chủ điểm từng tháng (25
phút).
+ Chia lớp thành 3 nhóm nhỏ. Mỗi nhóm có 1 troki có kẻ sẵn biểu bảng. Các
nhóm thảo luận tìm nội dung và hình thức của hoạt động giáo dục truyền thống, đạo
đức nếp sống và hoạt động phục vụ học tập, văn hoá theo chủ điểm các tháng.
Tháng Chủ điểm Hoạt động giáo dục truyền Hoạt động phục vụ học tập,
thống, đạo đức nếp sống văn hoá
Nội dung Hình thức Nội dung Hình thức

- Nhiệm vụ 2: Lựa chọn nội dung, hình thức của hoạt động giáo dục truyền
thống, đạo đức nếp sống và hoạt động phục vụ học tập, văn hoá sao cho phù hợp
nhất với chủ điểm từng tháng (15 phút)
+ Chia 3 nhóm thảo luận. Các nhóm cử đại diện thuyết trình. Giáo viên hệ thống,
chọn nội dung, hình thức hay nhất cho chủ đề từng tháng.
* Đánh giá hoạt động 3
- Câu hỏi 1: Khi đưa ra nội dung và hình thức để thực hiện hoạt động giáo
dục truyền thống, đạo đức nếp sống, rất nhiều bạn cho rằng nội dung và hình thức
đó không phù hợp với học sinh. Là cán bộ chỉ huy em sẽ xử lí như thế nào?
- Câu hỏi 2: Em định tổ chức một số CLB về các môn học, nhưng các bạn
không hưởng ứng vì cho rằng mất thời gian và sẽ không giúp được nhiều cho học
tập. Trước tình huống đó, em sẽ giải thích như thế nào?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3: Xem trang 60 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
Hoạt động giáo dục đạo đức, nếp sống
- Mục tiêu:
+ Hoạt động giáo dục truyền thống, đạo đức nếp sống cho đội viên nhằm
giúp đội viên nâng cao nhận thức về lí tưởng độc lập dân tộc, sự hiểu biết về truyền
thống dân tộc, truyền thống cách mạng của Đảng, của Đoàn, của Đội.
+ Xây dựng tình cảm tốt đẹp cho đội viên, nâng cao lòng yêu nước, tinh thần
tự lập, tự cường, truyền thống bất khuất, kiên cường song rất giầu lòng nhân ái của
dân tộc.
+ Biết ơn những anh hùng, liệt sĩ và biết ơn ông bà, cha mẹ, thầy cô- những
người ngày đêm đang nuôi nấng, dạy dỗ mình.
+ Góp phần làm cho đội viên phát triển lòng nhân ái, vị tha, kích thích tính
tích cực, góp phần vào việc xây dựng cộng đồng.
- Nội dung:
+ Giáo dục truyền thống lịch sử của dân tộc, của địa phương, của trường học.
+ Giáo dục truyền thống của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Đoàn TNCS Hồ Chí
Minh, của Hội LHTN Việt Nam và của Đội TNTP Hồ Chí Minh.
+ Xây dựng những chuẩn mực đạo đức, tác phong văn minh, thanh lịch:
“Nói lời hay - làm việc tốt”, “Cử chỉ đẹp - lời nói hay” cho thiếu niên nhi đồng.
- Hình thức:
+ Tổ chức mít tinh kỉ niệm những ngày truyền thống của dân tộc. Cuộc mít
tinh phải đảm bảo trang trọng, gây ấn tượng với học sinh. Tạo không khí, môi
trường rèn luyện, phát triển cho đội viên về những ngày truyền thống đó.
+ Tổ chức tham quan các di tích lịch sử, các viện bảo tàng phù hợp với
những dịp kỉ niệm các ngày lễ, ngày truyền thống. Tạo được mội trường học tập,
tìm hiểu truyền thống đội viên.
+ Tổ chức gặp gỡ nhân chứng lịch sử tiêu biểu. Hoạt động nên được tổ chức
đầm ấm, nhẹ nhàng, tránh phô trương hình thức. Đội viên được nghe, được thấy
gương người thực, việc thực từ đó sẽ được củng cố thêm lí tưởng, niềm tin vào
truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
+ Phát động những cuộc thi tìm hiểu, sưu tầm chứng tích để đội viên có khả
năng mở rộng hiểu biết thông qua nhiều hình thức, nhiều kênh kiến thức của xã hội.
+ Tổ chức các hoạt động xã hội như: phong trào đền ơn đáp nghĩa, công tác
Trần Quốc Toản để khơi dậy tinh thần dân tộc, lòng nhân ái của đội viên. Các
phong trào được tổ chức phải đảm bảo tính tự nguyện, tự giác tham gia của đội
viên.
+ Tổ chức tìm hiểu về nếp sống văn hoá, những phong túc tốt đẹp của dân
tộc. Tổ chức thi viết hoặc thi biểu diễn trên sân khấu về nếp sống văn minh, thanh
lịch. Qua đó, đội viên phải được nói lên những suy nghĩ của mình về những nét
đẹp và chưa đẹp trong lời nói, cử chỉ...
+ Tổ chức thi đua rèn nếp sống đội viên: Thường xuyên phát động thi đua,
thường xuyên kiểm tra nếp sống của đội viên.
+ Tổ chức các hội thi “Vẻ đẹp đội viên”, “Vẻ đẹp nhi đồng”... nhằm xây
dựng những tiêu chuẩn, những gương điển hình trong tập thể Đội.

* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2


Hoạt động phục vụ học tập, văn hoá
- Mục tiêu:
Nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với đội viên trong nhà trường là học tập thật
tốt để trở thành người công dân có ích cho đất nước. Hoạt động Đội TNTP Hồ Chí
Minh phải gắn với việc học tập hàng ngày của đội viên; do vậy mục tiêu như sau:
+ Giúp thiếu niên hiểu được mục đích, động cơ và có thái độ học tập đúng
đắn học có phương pháp, từ đó khích lệ tinh thần hứng thú say mê trong học tập.
+ Giúp thiếu niên rèn luyện ý thức tổ chức kỉ luật trong học tập, biết đoàn
kết giúp đỡ lẫn nhau để có được những phương pháp học tập tốt nhất.
+ Từ những kiến thức đã được tiếp thu trên lớp, các đội viên nhi đồng biết
vận dụng và đưa vào cuộc sống. Nhờ đó, có thể củng cố được những kiến thức đã
học, đồng thời mở rộng tầm hiểu biết đối với thế giới xung quanh.
- Nội dung:
+ Nội dung phải đảm bảo cơ bản, hướng nghiệp và có hệ thống về văn hoá,
khoa học và công nghệ. Đó là nhưng khuynh hướng cơ bản về tự nhiên, xã hội, con
người bao gồm: ở trường, lớp, thầy giáo, bạn bè… với tinh thần chủ động, sáng
tạo. Học để giúp thiếu niên có tinh thần vượt khó.
+ Tạo môi trường học tập, giúp đỡ nhau trong học tập. Tổ chức các hoạt
động khuyến khích tinh thần tìm tòi, phát triển, tìm hiểu về khoa học.
- Hình thức:
+ Tổ chức các phong trào thi đua trong học tập theo chủ điểm từng tháng,
từng đợt thi đua; phát động “Tiết học tốt, ngày học chăm”, “Hoa điểm 10 dâng
tặng thầy, cô”, nhằm động viên, khích lệ sự cố gắng của đội viên.
+ Tổ chức “Hội vui học tập”, các “Đôi bạn cùng tiến” để kích thích sáng tạo
và để đội viên có điều kiện giúp nhau vượt khó học tập tốt, qua đó tạo điều kiện để
các bạn học khá giỏi có thể giúp đỡ các bạn học yếu kém.
+ Tổ chức các hình thức gây hứng thú học tập cho đội viên nói chung và
phát huy được khả năng nòng cốt của một số đội viên học khá giỏi.
+ Tổ chức tốt các hoạt động động thiết thực nhằm tạo những phương tiện
học tập, thí nghiệm hàng ngày cho đội viên.
+ Tổ chức tham quan các nhà máy, cơ sở sản xuất, hợp tác xã sản xuất giỏi
tạo môi trường học tập, phấn đấu vươn lên cho đội viên.
+ Hình thành những nhóm chuyên môn dưới hình thức các CLB: CLB Toán
học, CLB Văn học, CLB Sử học, CLB Ngoại ngữ, CLB Tin học...
+ Xây dựng các đôi bạn, nhóm bạn cùng tiến, quỹ khuyến học. Tổ chức các
hoạt động làm theo báo Đội, các hoạt động “Em yêu khoa học”.
+ Tổ chức cho đội viên tự đăng kí mức độ phấn đấu trong học tập, lấy đó
làm căn cứ để đôn đốc, kiểm tra và giúp đỡ. Để mỗi đội viên hoàn thành được kế
hoạch phấn đấu của mình.
+ Tổ chức trao đổi, toạ đàm để đi đến thống nhất những quy định về nề nếp
học tập ở lớp cũng như ở nhà.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3
Nội dung, hình thức của hoạt động giáo dục truyền thống và hoạt động phục
vụ học tập văn hoá phù hợp với chủ điểm tháng
Thán Chủ điểm Hoạt động giáo dục truyền Hoạt động phục vụ
g thống, đạo đức nếp sống học tập, văn hoá
Nội dung Hình thức Nội dung Hình thức
9 Em yêu trường em
10 Mừng ngày giải phóng Thủ đô
11 Bông hoa mừng thầy, mừng cô
12 Em là chú bộ đội
1, 2 Mừng Đảng - Mừng xuân
3 Cùng tiến bước lên Đoàn
4 Vui chào đất nước thống nhất
5 Mừng sinh nhật Bác – Mừng sinh
nhật Đội

chủ đề 2: hoạt động vui chơi giải trí và phát triển;


hoạt động lao động và sáng tạo (2 tiết)
1. Hoạt động
Hoạt động 1: Tìm hiểu bản chất hoạt động vui chơi giải trí và phát triển (25 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 1: [5, tr 44 – 48]
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Xác định mục tiêu của hoạt động vui chơi giải trí và phát
triển (10 phút)
+ Hoạt động vui chơi giải trí và phát triển có những tác dụng gì?
+ Tập hợp ý kiến. Nêu những mục tiêu cơ bản của hoạt động vui chơi giải trí
và phát triển.
- Nhiệm vụ 2: Xác định nội dung và hình thức của hoạt động vui chơi giải
trí và phát triển (15 phút)
+ Phát cho mỗi học sinh một tờ giấy nhỏ. Chia tờ giấy đó làm 2 cột (1 cột
ghi nội dung, 1 cột ghi hình thức). Học sinh suy nghĩ và ghi vào giấy những nội
dung và hình thức đã biết về hoạt động vui chơi giải trí và phát triển.
+ Từng học sinh đọc to những điều ghi được của mình về nội dung, hình thức
của hoạt động vui chơi giải trí và phát triển cho cả lớp nghe. Các em khác vừa nghe vừa
bổ sung thêm vào cột nội dung và hình thức của hoạt động vui chơi, giải trí và phát
triển cho cả lớp nghe.
+ Giáo viên giới thiệu nội dung và hình thức của hoạt động vui chơi giải trí và
phát triển.
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi 1: Em hãy nêu mục tiêu của hoạt động vui chơi giải trí và phát triển.
- Câu hỏi 2: Hoạt động vui chơi giải trí và phát triển có những nội dung nào?
- Câu hỏi 3: Theo em, hình thức nào thường hay được dùng trong hoạt động
vui chơi giải trí và phát triển?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 63 - 64 của giáo trình.
Hoạt động 2: Tìm hiểu bản chất hoạt động lao động - sáng tạo (25 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 2: [5, tr 44 - 48]
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Xác định mục tiêu của hoạt động lao động - sáng tạo (10
phút)
+ Hoạt động lao động - sáng tạo có những tác dụng gì?
+ Tập hợp ý kiến. Nêu những mục tiêu cơ bản của hoạt động lao động - sáng
tạo.
- Nhiệm vụ 2: Xác định nội dung và hình thức của hoạt động lao động -
sáng tạo (15 phút)
+ Phát cho mỗi học sinh một tờ giấy nhỏ. Chia tờ giấy đó làm 2 cột (1 cột là
nội dung, 1 cột là hình thức). Suy nghĩ và ghi vào giấy về nội dung và hình thức đã
biết của hoạt động lao động - sáng tạo.
+ Từng học sinh đọc to nội dung và hình thức của mình cho cả lớp nghe. Các em
khác vừa nghe vừa bổ sung thêm vào nội dung và hình thức của mình.
+ Giới thiệu nội dung và hình thức của hoạt động lao động - sáng tạo.
* Đánh giá hoạt động 2
- Câu hỏi 1: Em hãy nêu mục tiêu của hoạt động lao động - sáng tạo.
- Câu hỏi 2: Hoạt động lao động - sáng tạo có những nội dung nào?
- Câu hỏi 3: Theo em, hình thức nào thường hay được dùng trong hoạt động
lao động - sáng tạo?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 64 - 65 của giáo trình.
Hoạt động 3: Xác định nội dung và hình thức của hoạt động vui chơi giải trí và
hoạt động lao động - sáng tạo phù hợp chủ điểm tháng (40 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 3: [5, tr44 - 48]
* Nhiệm vụ của hoạt động
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu nội dung và hình thức của hoạt động vui chơi giải trí
và hoạt động lao động – sáng tạo phù hợp với chủ điểm tháng (25 phút)
+ Chia lớp thành 3 nhóm nhỏ. Mỗi nhóm có 1 tờ troki có kẻ sẵn biểu bảng.
Các nhóm thảo luận tìm nội dung và hình thức của hoạt động vui chơi giải trí và
hoạt động lao động - sáng tạo theo các chủ điểm.

Hoạt động vui chơi, giải trí Hoạt động lao động - sáng tạo
Tháng Chủ điểm
Nội dung Hình thức Nội dung Hình thức
- Nhiệm vụ 2: Giới thiệu nội dung và hình thức của hoạt động vui chơi, giải
trí và hoạt động lao động - sáng tạo phù hợp nhất với chủ điểm từng tháng (15
phút)
+ Các nhóm cử đại diện thuyết trình nội dung của nhóm mình. Từ nội dung
của 3 nhóm, chọn lấy 1 nội dung hay nhất cho mỗi chủ đề.
* Đánh giá hoạt động 3
- Câu hỏi 1: Vì sao em lại chọn hoạt động vui chơi giải trí để tổ chức vào các
giờ ra chơi?
- Câu hỏi 2: Khi lựa chọn nội dung và hình thức cho hoạt động lao động
sáng tạo, theo em cần chú ? vấn đề gì nhất?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3: Xem trang 65 - 66 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
Hoạt động vui chơi giải trí
- Mục tiêu:
+ Là phương tiện giáo dục đội viên nhanh nhất, dễ tiếp thu nhất và đạt hiệu
quả cao nhất.
+ Đây là hoạt động có ý nghĩa giáo dục to lớn. Nó làm cân bằng trạng thái
tâm lí tinh thần cho đội viên sau những giờ học căng thẳng.
+ Hoạt động vui chơi - giải trí góp phần rèn luyện ý thức tính tổ chức, kỉ
luật, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tình yêu thương bạn bè.
+ Giúp đội viên tăng cường về thể lực, tăng sức dẻo dai, tăng cường khả
năng phản xạ của cơ thể đối với môi trường xung quanh. Nhưng với điều kiện hoạt
động phải phù hợp, với khả năng của đội viên nói chung.
+ Giúp độ viên rèn luyện thể chất, có sức khoẻ, óc thẩm mĩ, có nếp sống
lành mạnh, biết giao tiếp ứng xử trong xã hội.
- Nội dung:
+ Đa dạng hoá các hình thức vui chơi, giải trí, giao lưu, tìm hiểu văn hoá,
các bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc và những tinh hoa văn hoá của
nhân loại phù hợp với nhận thức sinh lí của đội viên.
+ Hiểu biết về các hoạt động vui chơi, giải trí, có khả năng tham gia các hoạt
động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao...
+ Tăng cường giáo dục, nhận thức, thể lực cho đội viên.
- Hình thức:
+ Tổ chức đọc tài liệu, trao đổi thông qua việc nêu các tình huống để tranh
luận và rút ra cách ứng xử hợp lí.
+ Tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, các cuộc thi đấu bóng đá, bóng
chuyền, cầu lông, thể dục thẩm mĩ, thể dục, thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ...
Tổ chức các trò chơi thể thao, thi vẽ tranh với chủ đề.
+ Tổ chức hội khoẻ Phù Đổng, hội thi bốn môn điền kinh phối hợp, thi võ
dân tộc...
+ Tổ chức tham quan, picnic, cắm trại, du lịch, du khảo về nguồn... Tổ chức
xem phim, xem kịch, thăm bảo tàng, triển lãm đồ mĩ nghệ, kiến trúc.
+ Tổ chức hoạt động vui chơi trong các giờ giải lao, tổ chức trò chơi lớn
trong các ngày lễ, hội trại, hội thao diễn...
+ Thành lập các CLB theo sở thích: CLB Cầu lông, CLB Bóng bàn, CLB Cờ
vua...
+ Tổ chức các hoạt động tổng hợp thường xuyên ở các điểm vui chơi.
+ Tổ chức trao đổi, toạ đàm về những vấn đề liên quan đến sinh hoạt văn
hoá của con người nói chung và của đội viên nói riêng (ăn mặc, đi đứng, nói năng,
cử chỉ ở gia đình, ở trường và ở xã hội).
+ Tổ chức đọc và làm theo báo Đội. Sưu tầm báo dùng làm tư liệu, xây dựng
nhiều tủ sách.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
Hoạt động lao động - Sáng tạo
- Mục tiêu:
+ Hướng dẫn đội viên làm quen với lao động, tập dượt lao động, biết yêu lao
động, yêu quý và tôn trọng thành quả lao động. Giúp đội viên có khả năng tự phục
vụ cho bản thân và gia đình.
+ Giúp đội viên gắn bó với đời sống xã hội, với quê hương đất nước, góp
phần làm đẹp thêm quê hương.
+ Là dịp để đội viên vận dụng những kiến thức đã học vào đời sống theo
phương châm “Học đi đôi với hành”. Qua đó, giúp đội viên hiểu rõ hơn các giá trị
của lao động.
+ Giúp đội viên hình thành được ý thức, thái độ và tác phong của người lao động
mới, lao động tự giác có kỉ luật, sáng tạo và đạt năng suất ngày càng cao.
- Nội dung:
+ Tạo môi trường để đội viên làm quen với công việc lao động. Với phương
châm “Học đi đôi với hành”.
- Hình thức:
+ Tổ chức các cuộc tham quan các cơ sở sản xuất: nhà máy, xí nghiệp, hợp
tác xã...
+ Tổ chức các cuộc thi “Khéo tay hay làm”, giúp đội viên bộc lộ và thể hiện
những khả năng của mình trong thực tiễn.
+ Tổ chức cho đội viên tham gia tốt phong trào “Kế hoạch nhỏ”: trồng rau
xanh, trồng cây thuốc nam, chăm sóc cây, thu nhặt phế liệu...
+ Tổ chức tốt cuộc thi tìm hiểu về nghề truyền thống của địa phương. Triển
lãm những thành quả, những sản phẩm lao động của toàn thể đội viên.
+ Đăng kí và hoàn thành những “Công trình măng non”.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3
Nội dung và hình thức của hoạt động vui chơi giải trí và hoạt động lao động - sáng
tạo phù hợp với chủ điểm tháng
HĐ vui chơi, giải trí HĐ lao động, sáng tạo
Tháng Chủ điểm
Nội dung Hình thức Nội dung Hình thức
9 Em yêu trường em
10 Mừng ngày giải phóng Thủ
đô
11 Bông hoa mừng thầy, mừng

12 Em là chú bộ đội
1+2 Mừng Đảng - Mừng xuân
3 Cùng tiến bước lên Đoàn
4 Vui chào đất nước thống nhất
5 Mừng sinh nhật Bác – Mừng
sinh nhật Đội

chủ đề 3: hoạt động xã hội; hoạt động giáo dục


tinh thần đoàn kết, hữu nghị quốc tế (2 tiết)
1. Hoạt động
Hoạt động 1: Tìm hiểu bản chất hoạt động xã hội (25 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 1: [5, tr 44 - 48]
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Xác định mục tiêu của hoạt động xã hội (10 phút).
+ Hoạt động xã hội có những tác dụng gì?
+ Tập hợp ý kiến. Nêu những mục tiêu cơ bản của hoạt động xã hội.
- Nhiệm vụ 2: Xác định nội dung và hình thức của hoạt động xã hội (15
phút)
+ Phát cho mỗi học sinh một tờ giấy nhỏ. Chia tờ giấy đó làm 2 cột (1 cột là
nội dung, 1 cột là hình thức). Suy nghĩ và ghi vào giấy về nội dung và hình thức đã
biết của hoạt động xã hội.
+ Từng học sinh đọc to nội dung và hình thức của mình cho cả lớp nghe. Các em
khác vừa nghe vừa bổ sung thêm vào nội dung và hình thức của mình.
+ Giới thiệu nội dung và hình thức của hoạt động xã hội.
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi 1: Em hãy nêu mục tiêu của hoạt động xã hội.
- Câu hỏi 2: Hoạt động xã hội có nội dung nào?
- Câu hỏi 3: Theo em, hình thức nào thường hay được dùng trong hoạt động
xã hội?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 68 - 69 của giáo trình.
Hoạt động 2: Tìm hiểu bản chất hoạt động giáo dục tinh thần đoàn kết,
hữu nghị quốc tế (25 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 2: [5, tr 44 - 48]
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Xác định mục tiêu của hoạt động giáo dục tinh thần đoàn kết,
hữu nghị quốc tế (10 phút)
+ Hoạt động giáo dục tinh thần đoàn kết, hữu nghị quốc tế có những tác
dụng gì?
+ Tập hợp ý kiến. Nêu những mục tiêu cơ bản của hoạt động giáo dục tinh
thần đoàn kết, hữu nghị quốc tế.
- Nhiệm vụ 2: Xác định nội dung và hình thức của hoạt động giáo dục tinh
thần đoàn kết, hựu nghị quốc tế (15 phút)
+ Phát cho mỗi học sinh một tờ giấy nhỏ. Chia tờ giấy đó làm 2 cột (1 cột là nội
dung, 1 cột là hình thức). Suy nghĩ và ghi vào giấy về nội dung và hình thức đã biết của
hoạt động giáo dục tinh thần đoàn kết, hữu nghị quốc tế.
+ Từng học sinh đọc to nội dung và hình thức của mình cho cả lớp nghe. Các em
khác vừa nghe vừa bổ sung thêm vào nội dung và hình thức của mình.
+ Giới thiệu nội dung và hình thức của hoạt động giáo dục tinh thần đoàn
kết, hữu nghị quốc tế.

* Đánh giá hoạt động 2


- Câu hỏi 1: Em hãy nêu mục tiêu của hoạt động giáo dục tinh thần đoàn kết,
hữu nghị quốc tế.
- Câu hỏi 2: Hoạt động giáo dục tinh thần đoàn kết, hữu nghị quốc tế có
những nội dung nào?
- Câu hỏi 3: Theo em, hình thức nào thường hay được dùng trong hoạt động
giáo dục tinh thần đoàn kết, hữu nghị quốc tế?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 70 của giáo trình.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 123 của giáo trình.
Hoạt động 3: Xác định nội dung và hình thức của hoạt động xã hội và hoạt
động giáo dục tinh thần đoàn kết, hữu nghị quốc tế phù hợp với chủ điểm tháng
(40 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 3: [5, tr 44 - 48]
* Nhiệm vụ của hoạt động 3
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu nội dung và hình thức của hoạt động xã hội và hoạt
động giáo dục tinh thần đoàn kết, hữu nghị quốc tế phù hợp với chủ điểm từng
tháng (25 phút)
+ Chia lớp thành 3 nhóm nhỏ. Mỗi nhóm có 1 tờ troki có kẻ sẵn biểu bảng.
Các nhóm thảo luận tìm nội dung và hình thức của hoạt động xã hội và hoạt động
giáo dục tinh thần đoàn kết, hữu nghị quốc tế theo các chủ điểm.
Tháng Chủ điểm Hoạt động xã hội Hoạt động giáo dục tinh thần đoàn kết,
hữu nghị quốc tế
Nội dung Hình thức Nội dung Hình thức

- Nhiệm vụ 2: Giới thiệu nội dung và hình thức của hoạt động xã hội và hoạt
động giáo dục tinh thần đoàn kết, hữu nghị quốc tế phù hợp nhất với chủ điểm
từng tháng (15 phút).
+ Chia 3 nhóm thảo luận. Các nhóm cử đại diện thuyết trình nội dung của
nhóm. Giáo viên chọn nội dung tiêu biểu nhất cho mỗi chủ đề.

* Đánh giá hoạt động 3


- Câu hỏi 1: Để giải thích rõ cho các bạn hiểu về các hoạt động xã hội, đặc
biệt là các hoạt động xã hội từ thiện, em sẽ nói những gì?
- Câu hỏi 2: Theo em, hiện nay hoạt động giáo dục tinh thần đoàn kết, hữu
nghị quốc tế đang được thực hiện như thế nào? Tại sao?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3: Xem trang 70 - 71 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
Hoạt động xã hội
- Mục tiêu:
+ Xây dựng tình cảm tốt đẹp cho đội viên, nâng cao lòng yêu nước, tự hào
với truyền thống bất khuất, kiên cường song rất giầu lòng nhân ái của dân tộc.
+ Giáo dục tinh thần biết ơn các anh hùng, liệt sĩ... Tự hào và mong muốn kế
tục một cách xứng đáng với truyền thống cần cù, hiếu học của các thế hệ cha ông.
Hiểu rõ truyền thống Đội TNTP Hồ Chí Minh.
+ Phát sinh, phát triển lòng nhân ái, lòng vị tha, tính tích cực xã hội cho đội
viên.
- Nội dung:
+ Giáo dục ý thức vì cộng đồng, vì môi trường xanh, sạch, đẹp và không có
ma túy, tệ nạn xã hội.
+ Giáo dục tinh thần hăng say lao động và sáng tạo, xây dựng ý thức lao
động tự giác, có kỉ luật với năng suất lao động cao.
- Hình thức:
+ Tổ chức kỉ niệm các ngày truyền thống của dân tộc với hình thức sinh hoạt
truyền thống hoặc sinh hoạt chủ đề, quan đó giúp đội viên hiểu và ghi nhớ được
những ngày kỉ niệm đó.
+ Tổ chức cho đội viên tham quan bảo tàng, các di tích lịch sử, cách mạng,
cảnh đẹp của đất nước.
+ Tổ chức cho đội viên tham gia các cuộc thi tìm hiểu về truyền thống của
đất nước, của địa phương, của Đảng, Đoàn, Hội, Đội.
+ Tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” với nhiều hình thức. Tổ chức
các cuộc vận động sưu tầm truyền thống, lịch sử, thăm hỏi các chiến sĩ lão thành
cách mạng, giúp đỡ thương binh, các gia đình liệt sĩ.
+ Tổ chức và thực hiện tốt phong trào Trần Quốc Toản. Tổ chức chăm sóc,
bảo vệ các di tích lịch sử, các di tích cách mạng, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ.
+ Tổ chức các hoạt động nhân đạo, từ thiện nhằm quyên góp ủng hộ đồng
bào thiên tai, bão lụt, giúp đỡ những người neo đơn, nghèo khó. Giúp đỡ các bạn
khó khăn trong trường, trong lớp.
+ Tổ chức các hoạt động tuyên truyền măng non, phát thanh năng non. Phát huy
nhiều hình thức kể chuyện, sưu tầm những tấm gương, danh nhân văn hoá.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
Hoạt động giáo dục tinh thần đoàn kết, hữu nghị quốc tế
- Mục tiêu:
+ Giúp đội viên có nhu cầu giao tiếp, kết bạn, tìm hiểu bạn bè, thăm hỏi,
giúp đỡ lẫn nhau.
+ Giúp đội viên hiểu biết về bạn bè thiếu nhi quốc tế, tìm hiểu về tổ chức và
hoạt động của các bạn thiếu nhi thế giới, nhất là thiếu nhi trong khu vực.
+ Tăng cường tình đoàn kết, hợp tác ngày một tốt hơn của thiếu nhi Việt
Nam với thiếu nhi thế giới.
+ Hình thành bản lĩnh hội nhập, kĩ năng hội nhập quốc tế trong tình hình xu
thế hội nhập toàn cầu.
- Nội dung:
+ Giáo dục tinh thần đoàn kết, hữu nghị quốc tế. Nhằm góp phần thực hiện công
ước về quyền trẻ em và Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của Việt Nam.
- Hình thức:
+ Tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa thiếu nhi các nước thông qua các trại hè, các
hoạt động giao lưu, kết nghĩa, thăm hỏi.
+ Hình thành và tổ chức các CLB “Tình bạn bốn phương”.
+ Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về bạn bè năm châu, viết thư thăm hỏi và
tặng quà cho thiếu nhi nghèo trên thế giới.
+ Tổ chức các cuộc thi kể chuyện bằng tiếng nước ngoài, hát bằng tiếng
nước ngoài, vẽ về bạn bè năm châu.
+ Xây dựng quỹ vì bạn nghèo năm châu.
+ Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về phong tục tập quán của các nước.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3
Nội dung và hình thức hoạt động xã hội và hoạt động đoàn kết, hữu nghị quốc tế
Hoạt động đoàn kết,
Hoạt động xã hội
Tháng Chủ điểm hữu nghị quốc tế
Nội dung Hình thức Nội dung Hình thức
9 Em yêu trường em
10 Mừng ngày giải phóng Thủ đô
11 Bông hoa mừng thầy, mừng cô
12 Em là chú bộ đội
1, 2 Mừng Đảng - Mừng xuân
3 Cùng tiến bước lên Đoàn
4 Vui chào đất nước thống nhất
5 Mừng sinh nhật Bác – Mừng
sinh nhật Đội

v. Đánh giá sau khi học xong tiểu mô đun


* Các câu hỏi và bài tập đánh giá
Câu hỏi 1: Khi tham gia vào hoạt động giáo dục truyền thống, đạo đức nếp sống, đội

viên cần đạt được những nội dung nào dưới đây? (Đánh dấu x vào ô  trước nội dung
em lựa chọn).
 1. Nâng cao nhận thức về lí tưởng độc lập dân tộc.
 2. Hiểu biết sâu sắc hơn về truyền thống dân tộc.
 3. Hiểu biết sâu sắc hơn về ý thức rèn luyện trong lao động.
 4. Hiểu biết truyền thống cách mạng của Đảng, của Đoàn, của Đội.
 5. Có được những tình cảm tốt đẹp về truyền thống cách mạng của Đảng,
của Đoàn, của Đội.
 6. Nâng cao hiểu biết về môi trường xung quanh ta.
 7. Nâng cao lòng yêu nước, tinh thần tự lập, tự cường, truyền thống bất
khuất, kiên cường, giầu lòng nhân ái.
 8. Biết ơn anh hùng, liệt sĩ và biết ơn ông bà, cha mẹ, thầy cô.
 9. Phát triển lòng nhân ái, vị tha.
 10. Hiểu biết về phương pháp học tập và có tinh thần học tập, mục đích
học tập.
 11. Kích thích tính tích cực, góp phần vào việc xây dựng cộng đồng.
Câu hỏi 2 : Khi tham gia hoạt động giáo dục truyền thống, đạo đức nếp sống, đội viên
được hiểu biết thêm về lịch sử dân tộc, địa phương và trường học, đúng hay sai (Đánh

dấu x vào ô  trước nội dung em lựa chọn).

 1. Đúng.  2. Sai.
Câu hỏi 3 : Khi tham gia hoạt động giáo dục truyền thống, đạo đức nếp sống, đội

viên chủ yếu học tập qua truyền thống của tổ chức xã hội nào? (Đánh dấu x vào ô 
trước nội dung em lựa chọn).
 1. Đảng Cộng sản Việt Nam.
 2. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
 3. Hội LHTN Việt Nam.
 4. Đội TNTP Hồ Chí Minh.
 5. Dân tộc.
Câu hỏi 4: Để xây dựng những chuẩn mực đạo đức, tác phong văn minh, thanh

lịch, đội viên cần thực hiện tốt những phong trào nào? ? (Đánh dấu x vào ô  trước
nội dung em lựa chọn và ghi thêm những phong trào khác vào chỗ chấm (...).
 1. Xanh - Sạch - Đẹp.
 2. Nói lời hay - làm việc tốt.
 3. Vở sạch - Chữ đẹp.
 4. Cử chỉ đẹp - lời nói hay.
 5. Con ngoan - Trò giỏi.
 6. Thiếu nhi Thủ đô Văn minh - Thanh lịch - Hiện đại.
 7. Nét đẹp tuổi hoa Thăng Long.
8. Các phong trào khác: .....................................................................
.............................................................................................................
Câu hỏi 5: Em hãy ghép mỗi hình thức ở cột bên trái với những nội dung giáo dục
truyền thống, đạo đức nếp sống ở cột bên phải cho phù hợp.

hình thức nội dung


1. Mít tinh a. Di tích lịch sử
2. Tham quan b. Nếp sống văn hoá
3. Gặp gỡ c. Nhân chứng lịch sử tiêu biểu
4. Thi tìm hiểu d. Chứng tích lịch sử
5. Sưu tầm e. Gia đình liệt sĩ
6. Quyên góp ủng hộ f. Gia đình thương binh
7. Thi biểu diễn g. Người có công với cách mạng
8. Kiểm tra h. Viện bảo tàng
i. Phong tục tập quán của dân tộc
j. Vẻ đẹp đội viên
k. Kỉ niệm những ngày truyền thống
l. Vẻ đẹp nhi đồng

Câu hỏi 6: Hoạt động phục vụ học tập giúp đội viên học có mục đích, có động cơ, có
thái độ đúng đắn, kích thích sự hứng thú say mê trong học tập, đúng hay sai? (Đánh dấu

x vào ô  trước nội dung em lựa chọn).

 1. Đúng  2. Sai
Câu hỏi 7: Hoạt động phục vụ học tập có tác dụng trực tiếp gì với đội viên? (Đánh

dấu x vào ô  trước nội dung em lựa chọn và bổ sung thêm những tác dụng khác ào
chỗ chấm (...) mà em biết).
 1. Rèn luyện ý thức kỉ luật trong học tập
 2. Nâng cao tình cảm tương thân, tương ái
 3. Giúp đỡ, đoàn kết lẫn nhau
 4. Có những phương pháp học tập tốt nhất
 5. Biết vận dụng kiến thức vào cuộc sống
 6. Củng cố được những kiến thức đã học
 7. Hiểu biết về các tệ nạn xã hội
 8. Mở rộng tầm hiểu biết đối với thế giới xung quanh
9. Tác dụng khác: ...............................................................................
.............................................................................................................
.............................................................................................................
Câu hỏi 8: Em hãy điền vào chỗ chấm (...) những từ, cụm từ phù hợp để thấy được
mục tiêu của hoạt động phục vụ học tập.
1. Xây dựng động cơ, .............. học tập đúng đắn, học có .................. Từ đó đội
viên có khả năng tự học, tự ............ và phát kiển kiến thức của mình
2. Tạo môi trường ..............., giúp đỡ nhau trong học tập. Tổ chức các hoạt
động khuyến khích tinh thần ..............., phát triển, tìm hiểu về ...............
Câu hỏi 9: Hoạt động vui chơi - giải trí và phát triển là phương tiện giáo dục đội
viên nhanh nhất, dễ tiếp thu nhất và đạt hiệu quả cao nhất đúng hay sai? (Đánh dấu

x vào ô  trước nội dung em lựa chọn).

 1. Đúng  2. Sai
Câu hỏi 10: Hoạt động vui chơi - giải trí là hoạt động có ý nghĩa giáo dục to lớn.
Nó làm cân bằng trạng thái tâm lí tinh thần cho đội viên sau những giờ học căng

thẳng, đúng hay sai? (Đánh dấu x vào ô  trước nội dung em lựa chọn).

 1. Đúng  2. Sai
Câu hỏi 11: Hoạt động vui chơi - giải trí góp phần rèn luyện tính tổ chức, kỉ luật,
nâng cao tinh thần trách nhiệm, tình yêu thương bạn bè đúng hay sai? (Đánh dấu x

vào ô  trước nội dung em lựa chọn).

 1. Đúng  2. Sai
Câu hỏi 12: Hoạt động vui chơi - giải trí giúp đội viên được tăng cường những khả

năng nào dưới đây? (Đánh dấu x vào ô  trước nội dung em lựa chọn).

 1. Tăng cường về thể lực


 2. Tăng sức dẻo dai
 3. Tăng cường khả năng phản xạ
 4. Tăng khả năng tổ chức sinh hoạt Đội
 5. Tăng khả năng thiết kế hội trại thiếu nhi
Câu hỏi 13: Hoạt động vui chơi - giải trí giúp đội viên rèn luyện thể chất, có sức
khoẻ, óc thẩm mĩ, có nếp sống lành mạnh, biết giao tiếp ứng xử trong xã hội, đúng

hay sai? (Đánh dấu x vào ô  trước nội dung em lựa chọn).

 1. Đúng  2. Sai
Câu hỏi 14: Hoạt động vui chơi - giải trí giúp đội viên có những hiểu biết nào dưới

đây? (Đánh dấu x vào ô  trước nội dung em lựa chọn).

 1. Hiểu biết về cách ứng xử trong giao tiếp bạn bè, trong xã hội
 2. Hiểu biết về nghệ thuật truyền thống
 3. Hiểu biết về lịch sử Đội TNTP Hồ Chí Minh
 4. Hiểu biết về tinh hoa văn hoá của nhân loại
 5. Hiểu biết về nếp sống văn hoá
 6. Hiểu biết về các phong trào, hoạt động từ thiện
 7. Hiểu biết về các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao...
Câu hỏi 15: Em hãy điền những từ, cụm từ thích hợp vào chỗ chấm (...) để chỉ rõ
tác dụng của vui chơi - giải trí đối với đội viên.
1. Đọc tài liệu............................................................................................
2. Trao đổi, toạ đàm..................................................................................
3. Thi đấu thể dục thể thao........................................................................
4. Vẽ tranh.................................................................................................
5. Hội khoẻ Phù Đổng...............................................................................
Câu hỏi 16: Em hãy điền từ hoặc cụm từ thích hợp dưới đây vào chỗ chấm (...) để
làm rõ tác dụng của hoạt động lao động - sáng tạo đối với đội viên?
(Lao động, phục vụ, quê hương, xã hội, đời sống, đi đôi với hành, tác phong,
kỉ luật)
1. Hướng dẫn đội viên làm quen với lao động, tập dượt .................., biết yêu
lao động, biết yêu quý và tôn trọng thành quả ................... Giúp đội viên có khả
năng tự ................. cho bản thân mình và gia đình.
2. Giúp đội viên gắn bó với đời sống .............., với quê hương đất nước, góp
phần làm đẹp thêm ....................... mình.
3. Là dịp vận dụng những kiến thức đã học vào .................: “Học
và ...........”.
4. Giúp đội viên hình thành ý thức, thái độ và ................... của người lao động mới,
lao động tự giác có ................., sáng tạo và đạt năng suất ngày càng cao.
Câu hỏi 17: Đội TNTP Hồ Chí Minh không chỉ yêu cầu đội viên phải học tốt mà

còn phải biết lao động tốt, đúng hay sai? (Đánh dấu x vào ô  trước nội dung em lựa
chọn).
 1. Đúng  2. Sai
Câu hỏi 18: Hoạt động lao động - sáng tạo thiết lập môi trường để đội viên làm quen với

lao động, với phương châm “Học đi đôi với hành” đúng hay sai? (Đánh dấu x vào ô 
trước nội dung em lựa chọn).
 1. Đúng  2. Sai
Câu hỏi 19: Truyền thống nhân ái của dân tộc thể hiện trong các hoạt động xã hội

có tác dụng như thế nào đối với đội viên? (Đánh dấu x vào ô  trước nội dung em
lựa chọn).
 1. Bồi đắp tình yêu thương đối với con người
 2. Nâng cao lòng yêu nước
 3. Nâng cao thể lực
 4. Biết ơn các anh hùng, liệt sĩ ...
 5. Yêu thích môi trường xung quanh
 6. Yêu khoa học
Câu hỏi 20: Nội dung chính của hoạt động xã hội là giáo dục ý thức vì cộng đồng, vì
môi trường xanh, sạch, đẹp và không có ma túy, không có tệ nạn xã hội, đúng hay sai?

(Đánh dấu x vào ô  trước nội dung em lựa chọn).

 1. Đúng  2. Sai
Câu hỏi 21: Nội dung của hoạt động xã hội thể hiện tinh thần nào dưới đây?

(Đánh dấu x vào ô  trước nội dung em lựa chọn).

 1. Hăng say  2. Sáng tạo


 3. Tự giác  4. Kỉ luật
Câu hỏi 22: Hãy ghép mỗi mệnh đề ở cột A với một mệnh đề ở cột B cho phù hợp.
a B
1. Tổ chức kỉ niệm a. Bảo tàng, các di tích lịch sử, cách mạng, cảnh đẹp
2.Tổ chức cho đội viên của đất nước
tham quan b. Phát thanh năng non. Phát huy nhiều hình thức kể
3. Tổ chức cho đội viên chuyện, sưu tầm những tấm gương, danh nhân
tham gia các cuộc thi c. Các ngày truyền thống của dân tộc với hình thức
4. Tổ chức các hoạt động sinh hoạt truyền thống hoặc sinh hoạt chủ đề
5. Tổ chức các cuộc vận d. Đền ơn đáp nghĩa với nhiều hình thức
động sưu tầm e. Truyền thống, lịch sử, thăm hỏi các chiến sĩ lão thành
6. Tổ chức và thực hiện cách mạng, giúp đỡ thương binh, các gia đình liệt sĩ
tốt phong trào f. Các di tích lịch sử, các di tích cách mạng, chăm
7. Tổ chức chăm sóc, bảo sóc nghĩa trang liệt sĩ
vệ g. Quyên góp ủng hộ đồng bào thiên tai, bão lụt,
8. Tổ chức các hoạt động giúp đỡ những người neo đơn, nghèo khó. Giúp đỡ
nhân đạo, từ thiện các bạn khó khăn trong trường, trong lớp
9. Tổ chức các hoạt động h. Tìm hiểu về truyền thống của đất nước, của địa
tuyên truyền măng non phương, của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn TNCS
Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP Hồ
Chí Minh
i. Phong trào Trần Quốc Toản
Câu hỏi 23: Hoạt động giáo dục tinh thần đoàn kết, hữu nghị quốc tế giúp đội viên
hiểu biết về bạn bè thiếu nhi quốc tế, tìm hiểu về tổ chức và hoạt động của các bạn
thiếu nhi thế giới, nhất là thiếu nhi trong khu vực, đúng hay sai? (Đánh dấu x vào ô

 trước nội dung em lựa chọn).


 1. Đúng  2. Sai
Câu hỏi 24: Hoạt động giáo dục tinh thần đoàn kết, hữu nghị quốc tế, tăng cường
tình đoàn kết, hợp tác ngày một tốt hơn của thiếu nhi Việt Nam với thiếu nhi thế

giới, đúng hay sai? (Đánh dấu x vào ô  trước nội dung em lựa chọn).

 1. Đúng  2. Sai
Câu hỏi 25: Em hãy lựa chọn những hình thức hoạt động phù hợp để giáo dục tinh

thần đoàn kết, hữu nghị quốc tế cho đội viên? (Đánh dấu x vào ô  trước nội dung
em lựa chọn).
 1. Giao lưu, gặp gỡ  2. Trại hè quốc tế
 3. Kết bạn  4. Thăm hỏi
 5. CLB “Tình bạn bốn phương”  6. Thi tìm hiểu về bạn bè năm châu
 7. Viết thư  8. Tặng quà cho thiếu nhi trên thế giới
 9. Thi kể chuyện bằng tiếng nước ngoài 10. Thi hát bằng tiếng nước ngoài
 11. Vẽ về bạn bè năm châu  12. Quỹ vì bạn nghèo năm châu
 13. Thi tìm hiểu về phong tục tập quán của các nước
* Thông tin phản hồi đánh giá
Đáp án câu 1
Phương án 1, 2, 4, 5, 7, 8, 9, 11 là đúng.
Đáp án câu 2
1. Đúng
Đáp án câu 3
Cả 5 phương án đều đúng.
Đáp án câu 4
Đội viên cần thực hiện tốt cả 7 phong trào trên.
Đáp án câu 5
1 – l ; 2 – a,i ; 3 – c ; 4 – i ; 5 – d ; 6 – e,f,g ; 7 – j,l ; 8 – b.
Đáp án câu 6
1. Đúng
Đáp án câu 7
Cả 8 phương án đều đúng.
Đáp án câu 8
1. Xây dựng động cơ, thái độ học tập đúng đắn, học có phương pháp Từ đó
đội viên có khả năng tự học, tự tìm tòi và phát kiển kiến thức của mình
2. Tạo môi trường học tập, giúp đỡ nhau trong học tập. Tổ chức các hoạt
động khuyến khích tinh thần tìm tòi, phát triển, tìm hiểu về khoa học
Đáp án câu 9
1. Đúng
Đáp án câu 10
1. Đúng
Đáp án câu 11
1. Đúng
Đáp án câu 12
Phương án 1, 2, 3 là đúng.
Đáp án câu 13
1. Đúng
Đáp án câu 14
Phương án 1, 2, 4, 5, 7 là đúng.
Đáp án câu 15
1. Đại ý : để mở rộng tầm hiểu biết
2. Đại ý: để nâng cao khả năng diễn đạt
3. Đại ý: để tăng cường sức khoẻ, tinh thần đồng đội và ý chí quyết tâm.
4. Đại ý: để phát triển óc tưởng tượng
5. Đại ý: để tăng cường thể lực và tinh thần đoàn kết tập thể, tinh thần đồng
đội.
Đáp án câu 16
1. Hướng dẫn đội viên làm quen với lao động, tập dượt lao động biết yêu
lao động, biết yêu quý và tôn trọng thành quả lao động Giúp đội viên có khả năng
tự phục vụ cho bản thân mình và gia đình.
2. Giúp đội viên gắn bó với đời sống xã hội, với quê hương đất nước, góp
phần làm đẹp thêm quê hương mình.
3. Là dịp vận dụng những kiến thức đã học vào đời sống: “Học đi đôi với
hành”.
4. Giúp đội viên hình thành ý thức, thái độ và tác phong của người lao động mới,
lao động tự giác có kỉ luật, sáng tạo và đạt năng suất ngày càng cao.
Đáp án câu 17
1. Đúng
Đáp án câu 18
1. Đúng
Đáp án câu 19
Phương án 1, 2, 4 là đúng.
Đáp án câu 20
1. Đúng
Đáp án câu 21
Cả 4 phương án đều đúng.
Đáp án câu 22
1 – c ; 2 – a ; 3 – h ; 4 – g ; 5 – e ; 6 – i ; 7 – f ; 8 – d ; 9 – b.
Đáp án câu 23
1. Đúng
Đáp án câu 24
1. Đúng
Đáp án câu 25
cả 13 phương án đều đúng.
tiểu mô đun 4: mô hình hoạt động Đội TNTP hồ chí minh
(4 tiết)

i. Mục tiêu
Kết thúc tiểu mô đun 4, học sinh có khả năng:
1. Kiến thức
- Hiểu được một số mô hình chủ yếu của hoạt động Đội TNTP Hồ Chí Minh;
- Nhận thức được nội dung, hình thức, cách tiến hành một số mô hình hoạt
động Đội TNTP Hồ Chí Minh;
- Trình bày được phương pháp tổ chức một số mô hình hoạt động Đội TNTP
Hồ Chí Minh;
- Phân biệt được các mô hình hoạt động Đội TNTP Hồ Chí Minh.
2. Kĩ năng
- Biết trao đổi, thảo luận, thống nhất được cách xây dựng một mô hình hoạt
động Đội TNTP Hồ Chí Minh theo chủ đề;
- Biết cách xây dựng một mô hình hoạt động Đội TNTP Hồ Chí Minh theo
chủ đề.
3. Thái độ
- Có ý thức tự giác áp dụng các mô hình đã học vào thực tiễn hoạt động Đội
TNTP Hồ Chí Minh, yêu thích công tác Đội.
ii. Giới thiệu tiểu mô đun 4
Tiểu mô đun 4 gồm có 2 chủ đề cơ bản, được dạy trong 4 tiết, cụ thể như sau :
stt tên chủ đề số tiết trang số
1 Khái niệm, phân loại mô hình hoạt động Đội 1 tiết 83
TNTP Hồ Chí Minh
2 Phương pháp tổ chức một số mô hình hoạt 3 tiết 85
động Đội TNTP Hồ Chí Minh
Cộng 4 tiết

iii. Điều kiện cần thiết để thực hiện tiểu mô đun 4


1. Điều kiện
- Học sinh phải được học xong tiểu mô đun 1, 2, 3 của mô đun 1.
2. Tài liệu học tập
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phương pháp dạy bộ học công tác Đội TNTP Hồ
Chí Minh, Nxb Giáo dục, 2004.
2. Hội đồng Đội Trung ương, Người phụ trách thiếu nhi cần biết, Nxb Thanh
niên, 1997.
3. Trường Cán bộ Đội Hà Nội, Hành trang người phụ trách thiếu nhi, Nxb
Hà Nội, 1997.
4. Trường Cán bộ Đội Hà Nội, Hành trang chi đội trưởng, Nxb Hà Nội,
1999.
5. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Giáo trình công tác Đội TNTP và nhi đồng.
6. Bùi Sỹ Tụng (chủ biên) - Phạm Đình Nghiệp - Phan Nguyên Thái, Cẩm
nang người phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh, Nxb Giáo dục, 2001.
3. Thiết bị, đồ dùng dạy học
- Máy projector, giấy troki, bút viết bảng, băng dính, kéo, giấy mầu.
iv. nội dung
chủ đề 1: khái niệm, phân loại mô hình hoạt động
đội tntp hồ chí minh (1 tiết)
1. Hoạt động
Hoạt động 1: Tìm hiểu khái niệm về mô hình hoạt động (15 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 1: [6; tr 110 - 136]
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu khái niệm mô hình hoạt động (5 phút).
+ Mô hình hoạt động là gì?
+ Tổng hợp và giới thiệu khái niệm mô hình.
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu những đặc trưng của mô hình hoạt động (10 phút).
+ Mô hình hoạt động có những đặc trưng gì?
+ Tập hợp các ý kiến và kết luận.
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi: Em hãy trình bày khái niệm mô hình hoạt động.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 84 - 85 của giáo trình.
Hoạt động 2: Xác định các loại mô hình hoạt động (30 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 2: [6; tr 110 - 136]
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu các loại mô hình hoạt động Đội (20 phút)
+ Câu hỏi: Em hãy kể tên các loại mô hình hoạt động Đội mà em biết?
+ Chia chi đội thành 3 nhóm. Giáo viên nêu câu hỏi, các nhóm thảo luận, cử đại
diện thuyết trình.
+ Đánh giá, tổng hợp và giới thiệu nội dung chính.
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu cách phân loại mô hình hoạt động Đội (10 phút)
+ Giới thiệu 2 cách phân loại mô hình hoạt động Đội.
* Đánh giá hoạt động 2
- Câu hỏi: Có mấy cách phân loại mô hình hoạt động Đội? Cho ví dụ.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 85 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
Khái niệm mô hình
Mô hình hoạt động là cách thức thể hiện hoạt động thông qua các hình thức
được thống nhất theo một trình tự nhất định và được biểu hiện, duy trì và nhân
rộng trên nhiều đối tượng, nhiều nơi, nhiều lúc…
Mô hình hoạt động được hiểu biện chủ yếu thông qua cách sử dụng, vận
hành một số hình thức nhằm đạt được những mục đích chung, mục đích cụ thể và
những mong muốn sau mỗi nội dung của nó.
Mô hình hoạt động bao gồm những mục tiêu, nội dung, hình thức... Nhằm
truyền tải một thông tin hay một số thông tin có định hướng trước cho người tham
gia trực tiếp hay gián tiếp mô hình đó.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
Phân loại mô hình hoạt động Đội TNTP Hồ Chí Minh
- Căn cứ vào quy mô tổ chức của hoạt động Đội, mô hình được chia thành 2
loại:
+ Mô hình hoạt động lớn: là mô hình tập hợp nhiều người tham gia, có tầm
ảnh hưởng tới đại đa số đối tượng cần truyền đạt.
+ Mô hình hoạt động nhỏ: là những mô hình được tổ chức với quy mô hẹp
về số lượng người tham gia, thời gian tổ chức, địa điểm tổ chức…
- Căn cứ vào hình thức thể hiện của mô hình, mô hình được chia thành nhiều
loại hình:
+ Hội thi thiếu nhi
+ Diễn đàn thiếu nhi
+ Chiến dịch truyền thông
+ Trò chơi giáo dục thiếu nhi
+ Hoạt động thiếu nhi
+ Liên hoan

chủ đề 2: phương pháp thiết kế và tổ chức thực hiện


một số mô hình hoạt động đội (3 tiết)
1. Hoạt động
Hoạt động 1: Tìm hiểu về hội thi thiếu nhi (25 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 1: [6; tr 110 - 136]
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu khái niệm, mục tiêu của hội thi thiếu nhi (5 phút)
+ Tổ chức hội thi thiếu nhi nhằm đạt được mục tiêu gì (để làm gì)?
+ Các em viết vào tờ giấy nhỏ. Sau đó gọi 1 số em đọc to nội dung của
mình, các em khác bổ sung thêm những ý kiến mình chưa biết.
+ Tổng hợp và nêu những mục tiêu của hội thi thiếu nhi.
- Nhiệm vụ 2: Xác định những nhân tố chính của hội thi thiếu nhi (20 phút)
+ Giới thiệu đối tượng tổ chức, đối tượng tham gia, thời gian tiến hành, địa
điểm thực hiện chương trình, nội dung, phương pháp tiến hành, kết quả cần đạt.
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi 1: Trình bày khái niệm, mục tiêu của hội thi thiếu nhi.
- Câu hỏi 2: Trình bày các nhân tố chính của hội thi thiếu nhi.
- Câu hỏi 3: Khi tổ chức hội thi cần sử dụng những phương pháp nào?
- Câu hỏi 4: Trình bày kết quả của hội thi thiếu nhi?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 89 - 93 của giáo trình.
Hoạt động 2: Tìm hiểu về Diễn đàn thiếu nhi (25 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 2: [6; tr 110 - 136]
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu khái niệm, mục tiêu của diễn đàn thiếu nhi (5 phút)
+ Câu hỏi : Diễn đàn thiếu nhi là gì?
+ Các em viết câu trả lời vào tờ giấy nhỏ. Sau đó gọi 1 số em đọc to nội
dung của mình, các em khác bổ sung thêm những ý kiến mình chưa biết.
+ Tổng hợp, nêu mục tiêu của diễn đàn thiếu nhi.
- Nhiệm vụ 2: Xác định những nhân tố chính của diễn đàn thiếu nhi (20 phút)
+ Giới thiệu đối tượng tổ chức, đối tượng tham gia, thời gian tiến hành, địa
điểm thực hiện chương trình, nội dung, phương pháp tiến hành, kết quả cần đạt.
* Đánh giá hoạt động 2
- Câu hỏi 1: Mục tiêu của diễn đàn thiếu nhi là gì?
- Câu hỏi 2: Trình bày những nhân tố chính của diễn đàn thiếu nhi .
- Câu hỏi 3: Cần sử dụng những phương pháp nào để tổ chức tốt diễn đàn
thiếu nhi?
- Câu hỏi 4: Trình bày kết quả của diễn đàn thiếu nhi.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 93 - 95 của giáo trình.
Hoạt động 3: Tìm hiểu về chiến dịch truyền thông (20 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 1: [6; tr 110 - 136]
* Nhiệm vụ của hoạt động 3
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu khái niệm, mục tiêu của chiến dịch truyền thông (5
phút)
+ Chiến dịch truyền thông là gì?
+ Các em viết vào tờ giấy nhỏ. Sau đó gọi 1 số em đọc to nội dung của
mình, các em khác bổ sung thêm những ý kiến mình chưa biết.
+ Tổng hợp và nêu khái niệm, mục tiêu của chiến dịch truyền thông.
- Nhiệm vụ 2: Xác định những nhân tố chính của chiến dịch truyền thông (15
phút)
+ Giới thiệu đối tượng tổ chức, đối tượng tham gia, thời gian tiến hành, địa
điểm thực hiện chương trình, nội dung, phương pháp tiến hành, kết quả cần đạt.
* Đánh giá hoạt động 3
- Câu hỏi 1: Mục tiêu của chiến dịch truyền thông là gì?
- Câu hỏi 2: Trình bày nội dung của chiến dịch truyền thông.
- Câu hỏi 3: Để tổ chức tốt chiến dịch truyền thông cần sử dụng những
phương pháp nào?
- Câu hỏi 4: Kết quả của chiến dịch truyền thông là gì?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3: Xem trang 95 - 97 của giáo trình.
Hoạt động 4: Tìm hiểu về trò chơi giáo dục thiếu nhi (20 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 4: [6; tr 110 - 136]
* Nhiệm vụ của hoạt động 4
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu mục tiêu của trò chơi giáo dục thiếu nhi (5 phút)
+ Trò chơi giáo dục thiếu nhi là gì?
+ Các em viết vào tờ giấy nhỏ. Sau đó gọi 1 số em đọc to nội dung của
mình, các em khác bổ sung thêm những ý kiến mình chưa biết.
+ Tổng hợp và nêu mục tiêu của trò chơi giáo dục thiếu nhi.
- Nhiệm vụ 2: Xác định những nhân tố chính của trò chơi giáo dục thiếu nhi (15
phút)
+ Giới thiệu đối tượng tổ chức, đối tượng tham gia, thời gian tiến hành, địa
điểm thực hiện chương trình, nội dung, phương pháp tiến hành, kết quả cần đạt.
* Đánh giá hoạt động 4
- Câu hỏi 1: Trình bày mục tiêu của trò chơi giáo dục thiếu nhi.
- Câu hỏi 2: Trình bày những nhân tố chính của trò chơi giáo dục thiếu nhi.
- Câu hỏi 3: Theo em, cần sử dụng những phương pháp nào khi tổ chức trò
chơi giáo dục thiếu nhi?
- Câu hỏi 4: Kết quả của trò chơi giáo dục thiếu nhi là gì?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 4: Xem trang 97 - 100 của giáo trình.
Hoạt động 5: Tìm hiểu về hoạt động thiếu nhi (20 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 5: [6; tr 110 - 136]
* Nhiệm vụ của hoạt động 5
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu mục tiêu của hoạt động thiếu nhi (5 phút)
+ Mục tiêu của hoạt động thiếu nhi là gì?
+ Các em viết vào tờ giấy nhỏ. Sau đó gọi 1 số em đọc to nội dung của
mình, các em khác bổ sung thêm những ý kiến mình chưa biết.
+ Tổng hợp và nêu mục tiêu của hoạt động thiếu nhi.
- Nhiệm vụ 2: Xác định những nhân tố chính của hoạt động thiếu nhi (15 phút)
+ Giới thiệu đối tượng tổ chức, đối tượng tham gia, thời gian tiến hành, địa
điểm thực hiện chương trình, nội dung, phương pháp tiến hành, kết quả cần đạt.
* Đánh giá hoạt động 5
- Câu hỏi 1: Mục tiêu của hoạt động thiếu nhi là gì?
- Câu hỏi 2: Trình bày những nhân tố chính của hoạt động thiếu nhi.
- Câu hỏi 3: Để tổ chức tốt hoạt động thiếu nhi cần sử dụng những phương
pháp nào?
- Câu hỏi 4: Kết quả của hoạt động thiếu nhi là gì?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 5: Xem trang 100 - 103 của giáo trình.
Hoạt động 6: Tìm hiểu về liên hoan các hoạt động thiếu nhi (25 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 6: [6; tr 110 - 136]
* Nhiệm vụ của hoạt động 6
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu mục tiêu của liên hoan (các hoạt động thiếu nhi) (5 phút)
+ Liên hoan (các hoạt động thiếu nhi) là gì?
+ Các em viết vào tờ giấy nhỏ. Sau đó gọi 1 số em đọc to nội dung của
mình, các em khác bổ sung thêm những ý kiến mình chưa biết.
+ Tổng hợp và nêu mục tiêu của liên hoan (các hoạt động thiếu nhi).
- Nhiệm vụ 2: Xác định những nhân tố chính của liên hoan các hoạt động
thiếu nhi (20 phút)
+ Giới thiệu đối tượng tổ chức, đối tượng tham gia, thời gian tiến hành, địa
điểm thực hiện chương trình, nội dung, phương pháp tiến hành, kết quả cần đạt.
* Đánh giá hoạt động 6
- Câu hỏi 1: Mục tiêu của liên hoan các hoạt động thiếu nhi là gì?
- Câu hỏi 2: Em hãy trình bày nội dung của liên hoan các hoạt động thiếu nhi.
- Câu hỏi 3: Theo em, khi tổ chức liên hoan các hoạt động thiếu nhi cần sử
dụng những phương pháp nào?
- Câu hỏi 4: Kết quả của liên hoan các hoạt động thiếu nhi là gì?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 6: Xem trang 103 - 104 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
Hội thi thiếu nhi
1.Khái niệm và mục tiêu
Khái niệm
- Hội thi thiếu nhi là loại hình hoạt động nhằm kích thích thiếu nhi tích cực
tìm hiểu, tiếp thu, rèn luyện và thể hiện năng lực hành động, năng lực hiểu biết
nhất định và đạt được theo một chủ đề, chỉ tiêu nhất định.
- Là nơi thiếu nhi được bộc lộ năng khiếu, năng lực và kiểm nghiệm khả
năng trình độ của mình, từ đó góp phần điều chỉnh nhận thức, hành vi trong học
tập, lao động, trong cuộc sống hàng ngày.
Mục tiêu
- Nhằm bồi dưỡng về truyền thống, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống,
về kĩ năng nghiệp vụ... theo một chủ đề nhất định.
- Thu hút đông đảo thiếu nhi vào tổ chức, vào các hoạt động tập thể. Phát
huy tính tích cực, chủ động tìm hiểu để nâng cao nhận thức, trình độ và có được
những kĩ năng hoạt động tập thể cần thiết theo chủ đề của hội thi.
2. Công tác chuẩn bị
- Xây dựng kế hoạch hội thi: Kế hoạch phải thật chi tiết, xác định rõ chủ đề của
hội thi, mục đích yêu cầu, quy mô, thời gian, địa điểm, đối tượng, thành phần dự thi;
các nội dung chính của hội thi, thể lệ cuộc thi; Ban tổ chức, Ban giám khảo hội thi, các
giải thưởng của hội thi và biện pháp thực hiện.
- Báo cáo chủ trương, kế hoạch hội thi với cấp trên của liên, chi đội để xin ý
kiến chỉ đạo (nếu nội dung thi không phải do cấp trên tổ chức). Tranh thủ sự trợ
giúp về kinh phí, cơ sở vật chất và các điều kiện thực hiện hội thi của các ngành,
đoàn thể, tổ chức kinh tế - xã hội.
- Triệu tập cuộc họp cán bộ Đội mở rộng và các đơn vị tham gia hội thi quán
triệt chủ trương phổ biến kế hoạch, bàn biện pháp thực hiện.
- Các đơn vị, cá nhân tham gia hội thi tiến hành họp bàn biện pháp thực
hiện, thống nhất chọn cử đại biểu dự thi (trừ hội thi bắt buộc tất cả dự thi). Tổ chức
tập dượt theo các nội dung của hội thi, quán triệt nội quy và thể lệ hội thi cho các
đối tượng tham gia.
- Tuỳ thuộc vào tính chất và yêu cầu của hội thi mà ban tổ chức hội thi có
thể tiến hành tập huấn kĩ cho thiếu nhi tham gia hội thi về những vấn đề cơ bản
nhất để đảm bảo chất lượng và sự thống nhất trong quá trình thực hiện các nội
dung của hội thi.
- Chọn địa điểm, thời gian thích hợp với chủ đề của hội thi. Xây dựng, duyệt
và thực hiện makét trang trí đảm bảo nêu bật được chủ đề, tính hấp dẫn của hội thi.
- Thiết kế chương trình công diễn của hội thi, tổ chức tổng duyệt (nếu thấy
cần thiết) hoặc phổ biến cho các đối tượng dự thi để có kế hoạch thực hiện theo
đúng kịch bản.
3. Tổ chức hội thi
- Hội thi có thể tiến hành qua vòng loại, vòng sơ khảo và vòng chung khảo,
tuỳ thuộc theo từng chủ đề nhất định. Vòng chung khảo là thời điểm thể hiện kết
quả của từng thí sinh (đơn vị) về các nội dung dự thi. Để hội thi đạt kết quả cao cần
chú ý một số vấn đề sau (đối với các hội thi cần thể hiện trước công chúng).
a. Bài trí sân khấu
- Phông màn nên cho gam màu sáng, qua ánh đèn tôn vẻ tươi trẻ phù hợp với
ma két trang trí đã được duyệt. Tuy nhiên, tuỳ tình hình cụ thể mà có những sửa
đổi điều chỉnh hay thay đổi cho hợp lí.
- Có hệ thống đèn đủ sáng, có đèn màu càng tốt. Phân công người phụ trách
ánh sáng để điều phối màu cho phù hợp theo nội dung thi. Nên có cây cảnh đặt trên
sân khấu, đảm bảo khung cảnh hội thi gần với thiên nhiên.
- Âm thanh: Nên có trang âm, micro tốt (vì chất lượng âm thanh góp phần
lớn vào sự thành công của hội thi). Có micro cho thí sinh và người dẫn chương
trình, cho ban giám khảo (nếu thấy cần thiết).
- Các thí sinh có chỗ ngồi, có phòng tập kết, nơi trang điểm, thay trang phục.
- Sắp xếp chỗ ngồi của ban giám khảo hợp lí đảm bảo theo dõi thí sinh thực
hiện các nội dung hoàn chỉnh từ đầu đến cuối hội thi.
b. Chương trình hội thi ( công diễn)
- ổn định tổ chức bằng chương trình văn nghệ chào mừng hoặc một số bài
hát cá nhân hay tập thể.
- Khai mạc hội thi, giới thiệu đại biểu, giới thiệu người dẫn chương trình.
- Người dẫn chương trình tự giới thiệu (có thể 2 người) giới thiệu ban giám
khảo và điều khiển thực hiện các nội dung hội thi theo kịch bản.
- Các thí sinh tham gia thực hiện các nội dung của hội thi. Xen kẽ giữa các
phần thi có các tiết mục văn nghệ để các thí sinh có thời gian thay trang phục
chuẩn bị cho các phần thi tiếp theo. Đồng thời ban giám khảo có thời gian đánh giá
kết quả những nội dung đã thực hiện.
- Công bố kết quả và trao thưởng cho những thí sinh, đơn vị đoạt giải.
c. Một số lưu ý với các đối tượng dự thi và tổ chức hội thi
- Với thí sinh:
+ Cần bình tĩnh, tự tin, không “tự nhiên chủ nghĩa”, cần tránh các biểu hiện
khiếm nhã trước khán giả như bĩu mội, vò đầu, bứt tai, so vai, rụt cổ, dạng chân,
khuỳnh tay,.v.v... Tránh chào và chúc quá nhiều đặc biệt là đối với ban giám khảo.
- Với người dẫn chương trình:
+ Cần nghiên cứu kĩ các đối tượng dự thi, thuyết minh ngắn gọn dí dỏm, hấp
dẫn phù hợp với từng thí sinh đến một vài lời bình để chuyển tiếp nội dung hợp lí.
+ Cần tuân thủ chương trình, kịch bản đã định, không tuỳ hứng thay đổi làm
thí sinh mất bình tĩnh thiếu tự tin.
+ Khi đọc câu hỏi cho thí sinh (nếu có) cần rõ ràng mạch lạc kết hợp với ánh
mắt, nụ cười, tạo cho họ niềm tin, bình tĩnh trả lời. Biết động viên khích lệ thí sinh,
không nên đánh giá chất lượng câu trả lời của thí sinh.
+ Không nói quá dài, đi lại quá nhiều trên sân khấu, không được nhầm lẫn
họ tên, số báo danh thí sinh.
+ Trước các tình huống bất ngờ cần bình tĩnh chủ động xử lí. Trường hợp ngoài
giới hạn cho phép cần xin ý kiến của ban tổ chức hội thi hay ban giám khảo.
- Với Ban giám khảo:
+ Cần thống nhất nội dung đáp án và thang điểm cho từng nội dung thi.
+ Chuẩn bị hệ thống câu hỏi phụ về xử lí tình hướng để chủ động hỏi thí
sinh (nếu hội thi yêu cầu dùng hình thức này).
+ Cần có phiếu điểm chấm cho từng thí sinh, có thư kí tổng hợp ngay sau
từng nội dung mà thí sinh đã thực hiện xong.
+ Sau khi thí sinh thi xong nên có thời gian nhất định để thống nhất đánh giá
xếp loại, trên cơ sở tổng hợp của thư kí, cần có những điều chỉnh cho hợp lí và
thoả đáng đẩm bảo công minh chính xác.
- Với ban tổ chức:
+ Cần chỉ đạo việc thực hiện nội dung, chương trình theo kế hoạch đã được
thống nhất, khéo léo xử lí những tình huống phát sinh, đảm bảo hội thi đạt mục
tiêu, yêu cầu như đã xác định.
+ Chọn người dẫn chương trình nhanh nhẹn, hoạt bát, có giọng nói ấm,
truyền cảm, không nói ngọng, nói lắp. Nên tổng duyệt trước khi hội thi công diễn
chính thức.
+ Cần bố trí thời gian tập huấn, trao đổi giải đáp những vấn đề mà thí sinh
còn vướng mắc trong quá trình chuẩn bị cho các nội dung thi.
+ Quan hệ liên kết phối hợp và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các ngành,
các tổ chức đoàn thể, các cá nhân tạo điều kiện tốt cho hội thi.
Hội thi không chỉ đơn thuần là chọn và trao giải thưởng cho những thí sinh
điểm hình nhất mà chính là tạo được phong trào thi đua sôi nổi của mọi thanh thiếu
nhi hướng về hội thi. Mặt khác không phải hội thi nào cũng phải được tổ chức công
diễn ở sân khấu và tuỳ vào tính chất, mục đích, nội dung của từng hội thi để ban tổ
chức hội thi quyết định hình thức và biện pháp tiến hành cho phù hợp.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
Diễn đàn thiếu nhi
1. Mục tiêu
- Là nơi thiếu nhi được tự thể hiện, tự khẳng định mình, phát huy được dân
chủ trong sinh hoạt. Được tự do phát triển, trình bày ý kiến, quan điểm của mình
trước tập thể với bạn bè, với thầy cô giáo và với các nhà lãnh đạo.
- Qua diễn đàn, mỗi bạn có thể biểu hiện thế giới nội tâm của mình trước
công chúng từ tâm trạng đến tình cảm, từ cá tính đến phương pháp, tư tưởng, được
khẳng định về trí tuệ và nhân cách, về quan niệm và thái độ hành động trong cuộc
sống.
- Đạt được chân lí cụ thể, câu trả lời hợp lí hoặc giải pháp tối ưu cho một
vấn đề, do vậy khoảng cách về độ tuổi, chức vụ… bị mờ nhạt đi tạo nên bầu khộng
khí dân chủ thực sự.
- Mọi thành viên đều được đóng góp vai trò, được bình đẳng trong việc trình
bày những quan điểm riêng của mình, bảo vệ đến cùng những quan điểm đó.
- Tất cả đều tự do trong việc thừa nhận, ủng hộ hay phản bác quan điểm nay,
quan điểm khác. Kĩ năng diễn thuyết trước đám đông cũng được hình thành và
phát triển.
- Diễn đàn luôn hướng vào một chủ đề nhất định, cho nên đội viên được tự
nghiên cứu, tìm hiểu và trao đổi rộng rãi với nhiều người. Đó cũng là một quá trình
giúp tự giáo dục theo những mục tiêu chung.
2. Cách tổ chức diễn đàn
- Bước chuẩn bị:
+ Thông báo chủ đề (những chủ đề đưa ra diễn đàn phải là những vấn đề mà
thiếu nhi quan tâm). Hướng dẫn kĩ những nội dung chính của chủ đề để từ đó thanh
niên tự tìm hiểu và sẵn sàng chuẩn bị tham gia.
+ Chuẩn bị ý kiến nòng cốt. Những ý kiến nòng cốt thường là những ý kiến
nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, cả mặt phải, cả mặt trái của vấn đề nhằm tạo ra
những tình huống có vấn đề, để cuộc tranh luận phong phú, đa dạng sôi nổi.
+ Chuẩn bị một số câu hỏi liên quan đến những nội dung chính của chủ đề.
Câu hỏi phải hết sức cụ thể dễ hiểu, có thể dưới dạng xử lí tình huống, trình bày
quan điểm đối với những ý kiến “ngược”.
+ Lựa chọn hình thức diễn đàn để từ đó thiết kế chỗ ngồi, bài trí phòng họp
và kịch bản cho buổi diễn đàn (hình thức có thể lựa chọn: hái hoa dân chủ, kịch
bản sân khấu hoá, báo tường).
- Bước tổ chức diễn đàn:
+Tuyên bố lí do, giới thiệu đại biểu (Mục đích, ý nghĩa, lí do diễn đàn; thành
phần đại biểu mời và đại biểu tham gia diễn đàn).
+ Đội viên phát triển về các nội dung thuộc chủ đề diễn đàn (những ý kiến
nòng cốt có thể phát biểu trước hoặc sau do không khí sôi nổi hay trầm lắng của
diễn đàn, có thể nêu ra một vài tình huống có vấn đề để tranh luận).
+ Kết thúc diễn đàn phải có bài tổng kết nhằm định hướng vấn đề và gợi ý
mhững suy nghĩ tiếp. Người tổng kết diễn đàn có thể mời các nhà khoa học, các
nhà hoạt động chính trị - xã hội có hiểu biết sâu sắc về của chủ đề của diễn đàn.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3
Chiến dịch truyền thông
1. Các khái niệm
- Chiến dịch: Là một đợt hoạt động tập trung cao điểm, huy đồng nhiều
nguồn nhân lực nhằm khẩn trương giải quyết một công việc để đạt được mục đích
nhất định trong một thời gian nhất định.
- Truyền thông: Là quá trình trao đổi thông điệp giữa các thành viên hay các
nhóm đối tượng trong tập thể nhằm đạt được sự hiểu biết lẫn nhau.
+ Là quá trình bao gồm: nguồn phát - yếu tố mang thông điệp, thông điệp -
nội dung thông tin cần trao đổi từ nguồn phát đến đối tượng tiếp nhận, kênh truyền
thông - phương tiện, cách thức, con đường chuyền tải thông điệp, đối tượng tiếp
nhận - nhóm người tiếp nhận thông tin.
- Chiến dịch truyền thông: Là đợt hoạt động tập trung, đồng bộ, phối hợp
nhiều kênh truyền thông, hình thức truyền thông để chuyển tải thông điệp nhằm tác
động đến một hay nhiều nhóm đối tượng trong một thời gian nhất định để nâng cao
nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi của đối tượng.
2. Mục tiêu
- Nâng cao nhận thức, hiểu biết về vai trò, tầm quan trọng của vấn đề truyền
thông và công tác thực hiện vấn đề đó.
- Định hướng thái độ, cách cư xử của các đối tượng tham gia để phù hợp với
nội dung truyền thông.
- Thực hiện những hành vi, việc làm cụ thể, thiết thực và vận động, thu hút
mọi người trong tập thể cùng tham gia tuyên truyền và nhân rộng vấn đề truyền
thông cho mọi người xung quanh.
- Thời gian diễn ra chiến dịch: có thể trong 1 buổi, 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng, 1
học kì.
3. Tổ chức triển khai
a. Thành lập Ban tổ chức
- Thành lập Ban tổ chức chiến dịch bao gồm cơ quan phối hợp chính và các
chuyên gia theo lĩnh vực.
- Ban tổ chức có các nhiệm vụ:
+ Xây dựng thể lệ, kế hoạch.
+ Tổ chức họp: sau khi hoàn chỉnh thể lệ, Ban tổ chức sẽ tổ chức họp thông
báo nội dung, hình thức.
+ Thông báo thể lệ cho toàn bộ các chi đội để cùng phối hợp triển khai trên
phạm vi nhất định.
+ Tổ chức tuyên truyền trên loa phát thanh, các phương tiện khác, treo cờ,
băng rôn, áp phích.
- Tổ chức toạ đàm, hội thảo giữa các đối tượng dự với nhau và đối với các
bộ phận phục vụ chiến dịch nhằm trao đổi kinh nghiệm.
b. Thành lập Ban giám khảo
- Ban giám khảo được thành lập theo đề nghị của Ban tổ chức.
- Ban giám khảo cần làm các công việc
+ Cùng họp với Ban tổ chức đánh giá các sản phẩm, thông báo (thống nhất)
kế hoạch, chương trình chấm giải (chia tổ nhóm) đồng thời nhận toàn bộ sản phẩm
từ Ban tổ chức (có biên bản kèm theo).
+ Tổ chức chấm giải và trao đổi.
+ Lên danh sách giải và các hình thức khen thưởng khác.
+ Chuyển hoá toàn bộ hồ sơ và kết quả chấm Ban giám khảo sang Ban Tổ chức.
+ Tham gia giới thiệu, nhận xét, truyền thông về kết quả cuộc thi với Ban tổ
chức.
4. Giới thiệu và phát huy kết quả của chiến dịch truyền thông
- Tổ chức giới thiệu các sản phẩm có giá trị được tuyển chọn (triển lãm, biểu
diễn tác phẩm đoạt giải)
- Tổ chức nhân rộng các sản phẩm nhằm mục đích tuyển truyền rộng rãi.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 4
Trò chơi giáo dục thiếu nhi
1. Mục tiêu
- Đáp ứng nhu cầu giao lưu, vui chơi giải trí của thiếu nhi, phù hợp với đặc
điểm tâm sinh lí lứa tuổi, tạo sức hấp dẫn của tổ chức Đội đối với đội viên.
- Thông qua trò chơi nhằm tạo môi trường để thiếu nhi rèn luyện nhân cách
và các kĩ năng cần thiết trong giao tiếp ứng xử.
- Tạo cơ hội cho thiếu nhi thể hiện khả năng, năng khiếu, óc sáng tạo của
mình trong những tình huống có vấn đề.
2. Xác định rõ đối tượng và số lượng chơi
- Đối tượng là thiếu nhi nhưng ở các lứa tuổi khác nhau, vùng miền khác
nhau, giới tính khác nhau, nên cần những trò chơi không giống nhau, điều đó hoàn
toàn phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi của các em. Ví dụ: Những em nhỏ
tuổi rất thích trò chơi đồng dao (vừa hát vừa làm động tác) còn những em thiếu nhi
lớn lại thích chơi trò chơi có cường độ vận động mạnh hơn ( được chạy, nhảy,
đi.....).
- Số lượng người chơi nhiều hay ít buộc người tổ chức, hướng dẫn chơi phải
lựa chọn những phương pháp tổ chức những trò chơi khác nhau sao cho điều khiển
thuận lợi và đạt hiệu quả nhất. Cái chính, cái cốt lõi là người hướng dẫn phải làm
thay đổi bầu không khí của tập thể so với lúc chưa chơi, thu hút và lôi cuốn các em
từ thế bị động sang thế chủ động, tích cực, năng động và sáng tạo.
3. Chuẩn bị địa điểm chơi
- Trò chơi được thực hiện ở không gian nào? Trong nhà hay ngoài trời? Sân
rộng hay hẹp? Nhà cao hay thấp? Có bàn ghế hay không? tất cả những câu hỏi đó
được xem như là cơ sở để giúp người tổ chức hướng dẫn trò chơi cho các em hình
dung sẽ lựa chọn trò chơi nào và cần có những dụng cụ gì.
4. Lựa chọn trò chơi
- Khi lựa chọn trò chơi người tổ chức hướng dẫn chơi phải dựa vào những
yêu cầu sau:
+ Trò chơi đó phải phù hợp với đối tượng và có mục đích giáo dục rõ ràng.
+ Chọn trò chơi mà bản thân mình hiểu thấu đáo từ luật chơi đến diễn biến
của trò chơi.
+ Trò chơi khi đưa ra làm cho tất cả mọi người đều có thể tham gia được và
hào hứng chơi.
+ Chọn trò chơi vừa đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của các em nhưng nhất
thiết phải đảm bảo sự an toàn tuyệt đối với tính mạng và tài sản.
5. Chuẩn bị dụng cụ chơi và phần thưởng của trò chơi
- Công tác chuẩn bị dụng cụ là phần thưởng được tiến hành ngay sau khi lựa
chọn được trò chơi, trò chơi nào thì dụng cụ ấy, tránh những dụng cụ đắt tiền, tốn
kém, khó kiếm, khó tìm. Ngoài ra cần chú ý để chuẩn bị quà tặng cho người dự
chơi, phần thưởng cho người thắng cuộc, quà cho tập thể và cá nhân nhằm động
viên các em tích cực tham gia trò chơi.
6. Tổ chức và hướng dẫn trò chơi cho thiếu nhi.
a. ổn định tổ chức bố trí đội hình
- Phải tập hợp tất cả các em tham gia trò chơi, bố trí đội hình sao cho phù
hợp với trò chơi, ngồi trong nhà hoặc đứng ngoài sân, cùng có thể là tập hợp hàng
dọc, hàng ngang, chữ U, vòng tròn..có thể quy định cụ thể số người chơi hoặc bố
trí chơi theo lớp, tổ, nhóm, thôn, xã, huyện.
- Đội hình chơi phải phù hợp với vị trí trung tâm của người hướng dẫn để có
thể quan sát được, nghe được và thực hiện những động tác nháp được.
b. Giới thiệu trò chơi
- Việc giới thiệu trò chơi là cả một nghệ thuật để thu hút trò chơi và tập
trung sự chú ý của họ vì vậy người hướng dẫn phải chọn cách dẫn dắt vào đề vừa
vui vẻ, hài hước, ngắn gọn, rõ ràng, rí rỏm để các em có thể dễ tiếp thu, dễ làm
theo. Đồng thời phải giới thiệu được mục đích, yêu cầu trò chơi, nói rõ cách chơi,
những nguyên tắc phải thực hiện, cách đánh giá thắng, thua và một số vẫn đề khác
do đặc thù của trò chơi quy định.
c. Điều khiển trò chơi và đánh giá kết quả
- Hướng dẫn mẫu và cho các em tiến hành chơi thử một vài lần. Khi nào
thấy các em nắm chắc trò chơi thì dừng lại nhắc nhở, động viên tinh thần để chuẩn
bị chơi thật. Trước khi chơi thật cần nhắc lại một số yêu cầu và thậm trí rút kinh
nghiệm để điều chỉnh một số vấn đề và người hướng dẫn thấy cần thiết.
- Lệnh chơi bắt đầu: có thể bằng lời kết hợp với kèn, trống, đồng thời với sự
theo dõi, dám sát của tổ trọng tài từng động tác của cá nhân và tập thể.
- Động viên tạo không khí bằng những tràng pháo tay, những băng reo... để
các em được phát huy khả năng cao nhất của mình hoàn thành tốt nội dung của trò
chơi.
+ Trong quá trình diễn ra trò chơi người hướng dẫn hoặc tổ trọng tài cần
nhắc nhở uốn nắn kịp thời những trương hợp phạm quy, ăn gian, không trung thực
khi thực hiện trò chơi.
+ Có thể kịp thời điều chỉnh một số nội dung nếu thấy cần thiết thậm chí rút
ngắn hoặc tăng thêm thời gian cho phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của
cuộc chơi.
- Đánh giá kết quả và trao phần thưởng cho những người thắng trong cuộc
chơi là phần kết của trò chơi. Vì thế phải bình tĩnh để đánh giá một cách chính xác,
vô tư trung thực và công bằng.
- Trò chơi sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp cho các em nếu được đánh giá đúng và
ngược lại sẽ tạo nên sự buồn chán, hụt hẫng. Vì vậy, người dạy và tổ chức hướng
dẫn chơi cho các em phải biết động viên, khích lệ chúng để những em thắng cuộc
không kiêu căng, tự mãn mà phấn khởi và cố gắng hơn, người thua cuộc vẫn vui
vẻ, tự rút ra bài học kinh nghiệm để học tập bạn bè và quyết tâm cao hơn trong các
trò chơi tiếp theo.
- Quà kỉ niệm cho người tham gia chơi và phần thưởng cho người thắng
cuộc có thể không lớn và thậm chí chỉ là lời động viên, tuyên dương hoặc những
tràng pháo tay nhưng có ý nghĩa và tác dụng giáo dục rất sâu sắc với các em tham
gia cuộc chơi.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 5
Hoạt động thiếu nhi
1. Mục tiêu
- Thu hút tập hợp đoàn kết đông đảo thiếu niên vào tổ chức, vào các phong
trào, chương trình, hoạt động của Đội.
- Đáp ứng được nhu cầu đa dạng và nguyện vọng chính đáng của mọi đối
tượng thiếu nhi.
- Thông qua các hoạt động tạo môi trường rèn luyện thể chất, giáo dục
truyền thống, kích thích tính tích cực hoạt động xã hội của đội viên trong việc tham
gia giải quyết nhiệm vụ chung của tổ chức Đội.
2. Công tác chuẩn bị
- Tìm hiểu, nghiên cứu chủ trương của Đảng, Nhà nước, của Đoàn, Đội
nhiệm vụ chính trị của địa phương, của đơn vị từ đó xác định sự cần thiết tổ chức
hoạt động vào những thời điểm nào, ở đâu?
- Điều tra, khảo sát, nắm vững tình hình đội viên về trình độ, điều kiện, hoàn
cảnh, nhu cầu, nguyện vọng, xu hướng phát triển và những khó khăn yếu kém của đội
viên, từ đó xác định các nội dung và loại hình hoạt động cho phù hợp.
- Thống nhất chủ trương và xây dựng kế hoạch tổng thể trong Ban chỉ huy Đội
xin ý kiến chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, sự hỗ trợ và tạo điều kiện về mọi mặt của chính
quyền và các đoàn thể, các ngành, các cấp trong địa bàn tổ chức hoạt động.
- Thành lập ban tổ chức, phân công nhiệm vụ tiến hành tập huấn, tập dượt
các nội dung đảm bảo thống nhất và có hiệu quả.
3. Lập kế hoạch
- Căn cứ vào thời điểm, địa bàn tổ chức, tính chất, ý nghĩa của ngày lễ hay
sự kiện chính trị để xác định chủ đề của hoạt động tổng hợp. Từ chủ đề mà đặt ra
các mục đích, yêu cầu cho phù hợp.
- Mục đích, yêu cầu phải tính đến hiệu quả giáo dục, hiệu quả xây dựng tổ
chức Đội, tính hấp dẫn và uy tín của Đội đối với thiếu nhi.
4. Nội dung các hoạt động
- Trên cơ sở mục đích, yêu cầu xác định các nội dung hoạt động. Căn cứ vào
nhu cầu, nguyện vọng, khả năng của các đối tượng thiếu nhi, vào năng khiếu, trình
độ năng lực của cán bộ Đội và điều kiện cơ sở vật chất kinh phí mà xác định các
loại hình hoạt động, quy mô thời gian cho phù hợp. Lựa chọn thực hiện một số
trong các nội dung hoạt động sau:
+ Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao.
+ Các hoạt động nhân đạo từ thiện, xã hội.
+ Các hoạt động giáo dục về Đảng, Đoàn, Đội, dân tộc, lãnh tụ...
+ Các hoạt động vui chơi giải trí.
+ Các hoạt động kĩ năng công tác thiếu nhi.
- Tuỳ tình hình cụ thể mà lựa chọn hình thức: cuộc thi, hội thi, tham quan dã
ngoại, cắm trại, diễn đàn thiếu nhi, sinh hoạt chủ đề, mít tinh, nghe nói chuyện, giao lưu,
dạ hội, hái hoa dân chủ, thăm hỏi, tiểu phẩm, hài kịch tấu...
- Khi xác định nội dung hoạt động cần đảm bảo tính logíc, sự liên kết giữa
các nội dung khác nhau đồng thời lựa chọn các hình thức hấp dẫn lôi cuốn thiếu
nhi, nhưng phải phù hợp với chủ đề của hoạt động.
- Cần xây dựng chương trình chi tiết (kịch bản) thực hiện các nội dung hoạt
động trước khi tiến hành tuỳ vào tình hình chuẩn bị có thể tổng duyệt hoặc kiểm tra
kĩ các yêu cầu đặt ra để có biện pháp khắc phục điều chỉnh những thiếu sót yếu
kém.
5. Biện pháp tổ chức thực hiện
- Phân công trách nhiệm ban tổ chức: Trưởng ban chịu trách nhiệm quán xuyến
điều hành chung; phó trưởng ban giúp việc cho trưởng ban, thành lập và điều hành các
tiểu ban (bộ phận) nhằm thực hiện nội dung chương trình kế hoạch đã đề ra; các uỷ viên
phụ trách từng nội dung công việc cụ thể (yêu cầu tiến độ thực hiện). Xây dựng phương
án dự phòng cho tất cả các công việc.
- Phân công trách nhiệm cho các đơn vị, đội viên tham gia chuẩn bị các nội
dung hoạt động và các công việc tổ chức thực hiện chương trình.
- Xây dựng kế hoạch kinh phí, cơ sơ vật chất phương tiện phục vụ hoạt động
chung và riêng ( trách nhiệm của ban tổ chức, của các đơn vị và thành viên tham
gia).
6. Tổ chức triển khai thực hiện
- Đây là bước quan trọng quyết định đến sự thành công hay thất bại của toàn
bộ công việc.Trong quá trình thực hiện cần tuân thủ theo kế hoạch đã đề ra và bám
sát chương trình chi tiết (kịch bản). Tuy nhiên, tuỳ từng trường hợp và hoàn thành
cụ thể cần hội ý thống nhất để có sự điều chỉnh, xử lí những vấn đề phát sinh, kiểm
tra giám sát chặt chẽ từng khâu từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc đánh giá kết
quả. Cần tôn trọng và phát huy tính chủ động và sáng tạo tích cực của mỗi thành
viên tham gia. Nhưng không nên để tuỳ hứng đưa thêm vào chương trình những
nội dung mới mà chưa có sự đồng ý của ban tổ chức.
- Thường xuyên hội ý ban tổ chức nắm chắc tình hình, giải quyết từng bước
có hiệu quả các khó khăn nảy sinh , cố gắng phát huy khả năng, năng khiếu của
mọi thành viên , tạo điều kiện để những nội dung chính được thực hiện có hiệu
quả.
- Khai thác sử dụng tối đa năng lực những chuyên gia, các cộng tác viên và
các thành viên tích cực trong quá trình thực hiện, đồng thời tạo môi trường thuận
lợi cho đội viên tham gia nhiệt tình sáng tạo và tự giác trong các hoạt động mà họ
ưa thích.
7. Tổng kết đánh giá kết quả
- Đánh giá tổng thể việc thực hiện nội dung, chương trình rút ra những kết
luận về những thành công, kết quả đạt được; về những hạn chế, yếu kém, sai sót
trong quá trình chuẩn bị và tiến hành thực hiện; về những nguyên nhân khách
quan, chủ quan và những kinh nghiệm được rút ra từ các nội dung hoạt động từ
khâu chuẩn bị cho đến kết thúc hoạt động.
- Đánh giá kết quả tham gia của các thành viên Ban tổ chức, các đơn vị, mọi
đội viên nhằm biểu dương những thành tích của các cá nhân và tập thể, kích thích
tính tích cực chính trị - xã hội của đội viên, tạo sức mạnh xây dựng củng cố tổ
chức, mở rộng phạm vi ảnh hưởng của tổ chức Đội trong thiếu nhi và trong xã hội.
- Đánh giá kết quả phối hợp, liên kết giữa các tổ chức Đội với các ban,
ngành, đoàn thể, các tổ chức kinh tế - xã hội nhằm giúp họ ngày càng hiểu và gắn
bó hơn với tổ chức Đội hơn.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 6
Liên hoan các hoạt động thiếu nhi
1. Mục tiêu
- Khơi dậy phong trào thi đua trong lĩnh vực học tập, văn hoá, văn nghệ, tạo
môi trường vui tươi phấn khởi, thúc đẩy hoạt động chung, góp phần nâng cao chất
lượng hiệu quả công tác.
- Phát hiện những cá nhân, những tập thể mạnh, yếu. Nhằm bồi dưỡng tài
năng trẻ trở thành hạt nhân nòng cốt trong phong trào, góp phần bổ sung cho đội
ngũ chuyên nghiệp.
- Phát huy được tiềm năng sáng tạo, là nguồn tiềm năng vô tận rất phong
phú, dồi dào.
2. Thiết kế chương trình
- Khi thiết kế chương trình Liên hoan các hoạt động thiếu nhi cần chú ý đến
sự biểu diễn, thể hiện của từng chi đội. đặc biệt là phải phát huy được thế mạnh
của chi đội đó.
- Đặt mục đích yêu cầu vừa sức. Phụ thuộc vào chủ trương chung tổ chức quy
mô lớn, vừa hay nhỏ tuỳ thuộc vào lực lượng cơ sở vật chất kinh phí có thể có.
3. Hướng dẫn nội dung: Định hướng nội dung, hình thức rõ. Gợi ý Liên
hoan các hoạt động thiêu thi cho các chi đội tham gia càng cụ thể càng tốt. Cần
nhấn mạnh chủ đề tham gia, hình thức tham gia hay những yêu cầu khác khi tham gia.
Để các chi đội có sự luyện tập và đảm bảo đùng mục tiêu của liên hoan.
4. Chọn chủ đề: Ngắn gọn, tổng quát, bao hàm được nội dung.
5. Thể loại: Định hướng cụ thể: Tiểu phẩm, ca múa, tạp kĩ, hoạt cảnh...
6. Thời gian: Do tính chất của liên hoan các hoạt động thiếu nhi phức tạp
hơn, nên cần có thời gian để chuẩn bị.
7. Địa điểm: Phải là nơi trung tâm, để các đơn vị đi lại thuận lợi. Địa điểm
đó cũng phải bảo đảm các điều kiện để biểu diễn tốt.
8. Đối tượng và số lượng
- Về đối tượng: cần có sự tham gia đầy đủ của các chi đội trong liên đội hoặc
tất cả các đơn vị trực thuộc hoặc phải đại diện những đơn vị mạnh về nội dung của
liên hoan.
- Số lượng: thông thường tuỳ theo thể loại mà quy định số người tham gia.
9. Dự trù kinh phí
Đây là một khâu khá nan giải. Muốn được việc, được phong trào phải có sự
đầu tư trước chính quyền. Có thể vận động sự tài trợ của các doanh nghiệp, huy
đông kinh phí từ hội đồng. Vấn đề này đòi hỏi người tổ chức hết sức năng động,
tháo vát...
10. Triển khai kế hoạch
- Gửi văn bản thông báo quy chế và hướng dẫn cụ thể.
- Có thể triệu tập họp để phổ biến, đồng thời nắm bắt tình hình để khắc phục
khó khăn, từ đó đề xuất hướng giúp để liên hoan đạt kết quả cao.
- Tổng duyệt chương trình
+ Sơ khảo nội dung tại các chi đội để nắm bắt về chất lượng và số lượng, từ
đó điều chỉnh chương trình liên hoan cho hợp lí.
+ Góp ý kiến chỉnh lí, đầu tư nâng cao chất lượng trên cơ sở có đủ điều kiện,
thời gian, nhân lực cùng các điều kiện khác.
- Thực hiện kế hoạch
+ Tuyên truyền cổ động: Để tạo được không khí cho hội diễn trước một tuần
ở nơi diễn ra hội diẽn cần có panô, áp phích quảng cáo.
+ Tổ chức cho các đơn vị bắt thăm về thứ tự biểu diễn.
+ Lập chương trình tổng thể gửi cho các đơn vị chủ động chuẩn bị, chương trình
này được thông báo công khai. Thành lập Ban chỉ huy liên hoan.
v. Đánh giá sau khi học xong tiểu mô đun
* Các câu hỏi và bài tập đánh giá
Câu hỏi 1: Mô hình hoạt động Đội TNTP Hồ Chí Minh có những biểu hiện nào

dưới đây? (Đánh dấu x vào ô  em cho là đúng).

 1. Được thể hiện thông qua nhiều hình thức hoạt động
 2. Được thống nhất, được duy trì và nhân rộng trên nhiều đối tượng, nhiều
nơi, nhiều lúc…
 3. Là hình thức cụ thể để thể hiện một nội dung nhất định
Câu hỏi 2: Mô hình hoạt động thiếu nhi gồm những loại nào dưới đây? (Đánh dấu

x vào ô  em cho là đúng).

 1. Hội thi thiếu nhi


 2. Diễn đàn thiếu nhi
 3. Chiến dịch truyền thông
 4. Trò chơi giáo dục thiếu nhi
 5. Hoạt động thiếu nhi
 6. Liên hoan các hoạt động thiếu nhi
Câu hỏi 3: Hội thi thiếu nhi có những tác dụng gì? (Đánh dấu x vào ô  em cho là
đúng. Em hãy bổ sung thêm những tác dụng khác vào dấu chấm (...) mà em biết).
 1. Nhằm kích thích sự tích cực tìm hiểu, tiếp thu, rèn luyện
 2. Thể hiện năng lực hành động, năng lực hiểu biết
 3. Nhằm bồi dưỡng, rèn luyện về truyền thống, phẩm chất đạo đức, lối
sống, về kĩ năng nghiệp vụ...
 4. Thu hút đông đảo thiếu nhi vào tổ chức
 5. Phát huy tính tích cực, chủ động, chủ động
 6. Có được những kĩ năng hoạt động tập thể cần thiết
 7. Bộc lộ năng khiếu, năng lực và kiểm nghiệm khả năng trình độ
 8. Góp phần điều chỉnh nhận thức, hành vi trong học tập, lao động, trong
cuộc sống hàng ngày
9. Tác dụng khác: .........................................................................................
.......................................................................................................................
.......................................................................................................................
Câu hỏi 4: Khi chuẩn bị cho hội thi cần chú ý vấn đề gì? (Đánh dấu x vào ô  em
cho là đúng. Em hãy bổ sung thêm những điều cần chú ý khác vào dấu chấm (...)
mà em biết).
 1. Xây dựng kế hoach phải chi tiết, cụ thể
 2. Báo cáo chủ trương, kế hoạch hội thi
 3. Triệu tập cuộc họp cán bộ Đội mở rộng và các đơn vị tham gia hội thi
 4. Họp bàn biện pháp thực hiện, thống nhất chọn cử đại biểu dự thi
 5. Tiến hành tập huấn kĩ cho thiếu nhi tham gia hội thi
 6. Chọn địa điểm, thời gian thích hợp với chủ đề của hội thi
 7. Thiết kế chương trình công diễn của hội thi, tổ chức tổng duyệt
8. Nội dung khác: .........................................................................................
.......................................................................................................................
.......................................................................................................................
Câu hỏi 5: Tổ chức hội thi phải tập trung vào những khâu nào? (Đánh dấu x vào ô

 em cho là đúng).
 1. Bài trí sân khấu
 2. Chương trình hội thi (công diễn)
 3. Với các đối tượng dự thi và tổ chức hội thi: Với thí sinh. Với người dẫn
chương trình. Với Ban giám khảo. Với ban tổ chức.
Câu hỏi 6: Diễn đàn thiếu nhi có những tác dụng gì? (Đánh dấu x vào ô  em
chọn).
 1. Thiếu nhi được tự thể hiện, tự khẳng định mình
 2. Phát huy được dân chủ trong sinh hoạt
 3. Giúp đội viên rèn luyện sức khoẻ
 4. Tự do phát triển, trình bày ý kiến, quan điểm
 5. Biểu hiện thế giới nội tâm
 6. Được khẳng định về trí tuệ và nhân cách
 7. Tự do thừa nhận, ủng hộ hay phản bác các quan điểm
Câu hỏi 7: Cần chuẩn bị những nội dung nào khi tổ chức diễn đàn thiếu nhi?

(Đánh dấu x vào ô  em cho là đúng. Em hãy bổ sung thêm những nội dung cần
chuẩn bị khác vào dấu (...) mà em biết..)
 1. Thông báo chủ đề
 2. Hướng dẫn kĩ những nội dung chính
 3. Chuẩn bị ý kiến nòng cốt
 4. Chuẩn bị một số câu hỏi liên quan đến những nội dung chính
 5. Lựa chọn hình thức diễn đàn
6. Nội dung khác: .........................................................................................
.......................................................................................................................
.......................................................................................................................
Câu hỏi 8: Tổ chức diễn đàn được tiến hành theo các bước chính nào? (Đánh số

thứ tự từ 1, 2 đến hết vào ô  em chọn).

 1. Tuyên bố lí do, giới thiệu đại biểu


 2. Trình bày đề dẫn của diễn đàn
 3. Tổng hợp, giải thích các ý kiến, đánh giá, kết luận diễn đàn
 4. Đội viên trao đổi, thảo luận về các nội dung thuộc chủ đề diễn đàn
 5. Giới thiệu chủ toạ, thư kí của diễn đàn.
Câu hỏi 9: Chiến dịch truyền thông là tạo ra các sản phẩm, các kết quả có giá trị
sâu sắc về nội dung và nghệ thuật cũng như về ý thức xã hội theo chủ đề truyền

thông, đúng hay sai? (Đánh dấu x vào ô  em cho là đúng).

 1. Đúng  2. Sai
Câu hỏi 10: Trước khi tổ chức chiến dịch truyền thông, cần thành lập các tiểu ban

nào? (Đánh dấu x vào ô  em cho là đúng).

 1. Thành lập Ban tổ chức


 2. Thành lập đôi bạn cùng tiến
 3. Thành lập đội tuyên truyền măng non
 4. Thành lập Ban giám khảo
 5. Thành lập đội sao đỏ
Câu hỏi 11: Khi tổ chức trò chơi cho thiếu nhi cần xác định những nội dung nào?

(Đánh dấu x vào  em cho là đúng và bổ sung thêm nội dung khác vào dấu chấm
(...) mà em biết).
 1. Xác định mục tiêu
 2. Xác định rõ đối tượng và số lượng chơi
 3. Họp ban tổ chức phân công nhiệm vụ
 4. Chuẩn bị địa điểm chơi
 5. Lựa chọn trò chơi
 6. Xếp hàng, điểm danh số người tham gia chơi
 7. Chuẩn bị dụng cụ chơi và phần thưởng của trò chơi
 8. Tổ chức và hướng dẫn trò chơi cho thiếu nhi
9. Nội dung khác: .........................................................................................
.......................................................................................................................
.......................................................................................................................
Câu hỏi 12: Sắp xếp thứ tự các bước tổ chức trò chơi thiếu nhi dưới đây cho đúng?

Điền thứ tự số 1, 2, 3 theo tiến trình tổ chức trò chơi vào ô  em cho là đúng.

 1. ổn định tổ chức, bố trí đội hình


 2. Điều khiển trò chơi và đánh giá kết quả
 3. Giới thiệu trò chơi
Câu hỏi 13: Mục tiêu chính của hoạt động thiếu nhi là gì? (Đánh dấu x vào ô 
em cho là đúng).
 1. Thu hút tập hợp đoàn kết đông đảo thiếu niên vào tổ chức, vào các
phong trào, chương trình, hoạt động của Đội
 2. Đáp ứng được nhu cầu đa dạng và nguyện vọng chính đáng của mọi đối
tượng thiếu nhi
 3. Đáp ứng được nhu cầu đa dạng và nguyện vọng chính đáng của một số
ít đội viên
 4. Thông qua các hoạt động tạo môi trường rèn luyện thể chất, giáo dục
truyền thống, kích thích tính tích cực hoạt động xã hội của đội viên trong việc tham
gia giải quyết nhiệm vụ chung của tổ chức Đội.
Câu hỏi 14: Sắp xếp các bước sau để thể hiện được nội dung chuẩn bị và tổ chứ

hoạt động thiếu nhi. Điền số thứ tự 1, 2, 3, … vào ô .

 1. Biện pháp tổ chức thực hiện.


 2. Tổng kết đánh giá kết quả
 3. Công tác chuẩn bị
 4. Nội dung các hoạt động
 5. Lập kế hoạch
 6. Tổ chức thực hiện
Câu hỏi 15: Liên hoan các hoạt động thiếu nhi có những tác dụng gì? Đánh dấu x

vào ô  và bổ sung thêm những tác dụng mới vào dấu chấm (...) mà em biết.

 1. Khơi dậy phong trào thi đua trong lĩnh vực học tập, văn hoá, văn nghệ
 2. Tạo môi trường vui tươi phấn khởi, thúc đẩy hoạt động chung
 3. Phát hiện những cá nhân, những tập thể mạnh, yếu
 4. Nhằm phát hiện và bồi dưỡng những tài năng trẻ
 5. Phát huy được tiềm năng sáng tạo của mỗi đội viên
6. Tác dụng khác: .........................................................................................
.......................................................................................................................
.......................................................................................................................
Câu hỏi 16: Sắp xếp lại các bước sau để thấy được quá trình thiết kế tổ chức một

buổi liên hoan. Đánh số thứ tự vào ô .

 1. Đối tượng và số lượng


 2. Hướng dẫn nội dung
 3. Thời gian
 4. Thành lập Ban chỉ đạo hội diễn
 5. Dự trù kinh phí
 6. Thiết kế chương trình
 7. Thể loại
 8. Chọn chủ đề
 9. Triển khai kế hoạch xuống cơ sở
 10. Địa điểm
* Thông tin phản hồi của đánh giá
Đáp án câu 1
Cả 3 phương án đều đúng.
Đáp án câu 2
Cả 6 phương án đều đúng.
Đáp án câu 3
Cả 8 phương án đều đúng.
Đáp án câu 4
Cả 7 phương án đều đúng.
Đáp án câu 5
Cả 3 khâu đều đúng.
Đáp án câu 6
Cả 7 phương án đều đúng.
Đáp án câu 7
Cả 5 phương án đều đúng.
Đáp án câu 8
1 – 5 – 2 – 4 – 3.
Đáp án câu 9
1. Đúng
Đáp án câu 10
1–4
Đáp án câu 11
1–2–4–5–7–8
Đáp án câu 12
1–3–2
Đáp án câu 13
1–2–4
Đáp án câu 14
3–5–4–1–6–2
Đáp án câu 15
Cả 5 phương án đều đúng.
Đáp án câu 16
6 – 2 – 8 – 7 – 3 – 10 – 1 – 5 – 4 – 9
Mô đun 2: công tác chủ yếu của ban chỉ huy đội
(20 tiết)
I. Mục tiêu của mô đun 2
Học xong mô đun 2, học sinh đạt được những yêu cầu sau:
- Hiểu được vị trí, vai trò, nhiệm vụ, mối quan hệ của BCH Đội TNTP Hồ
Chí Minh trong công tác Đội.
- Trình bày được mục tiêu, nội dung, phương pháp tổ chức các hoạt động
giáo dục truyền thống của Đội.
- Phân biết được kế hoạch hoạt động Đội và thiết kế hoạt động Đội.
- Thực hành xây dựng được kế hoạch hoạt động Đội.
- Biết thiết kế và thực hành thiết kế hoạt động Đội TNTP Hồ Chí Minh.
- Vận dựng được những hiểu biết về công tác chủ yếu của BCH Đọi TNTP
Hồ Chí Minh trong công tác Đội tại liên đội, chi đội.
II. giới thiệu mô đun 2
Mô đun 2 gồm 4 tiểu mô đun, phân bố trong 20 tiết, cụ thể như sau :
stt Tên tiểu Mô đun Số tiết Trang số
1 Công tác chủ yếu của BCH Đội 3 tiết 113
2 Sinh hoạt Đội TNTP Hồ Chí Minh 9 tiết 126
3 Phương pháp xây dựng, thực hiện kế 4 tiết 163
hoạch công tác Đội TNTP Hồ Chí Minh
trong trường phổ thông
4 Thiết kế hoạt động Đội TNTP Hồ Chí 4 tiết 186
Minh
Cộng : 4 tiểu mô đun 20 tiết

Tiểu mô đun 1: Công tác chủ yếu của Ban chỉ huy Đội
(3 tiết )
I. Mục tiêu
Kết thúc tiểu mô đun 1, học sinh có khả năng:
1. Kiến thức
- Hiểu được vị trí, vai trò, nhiệm vụ đặc trưng của BCH Đội TNTP Hồ Chí
Minh trong điều kiện mới;
- Trình bày được mối quan hệ công tác của BCH Đội TNTP Hồ Chí Minh.
2. Kĩ năng
- Biết trao đổi thảo luận, thống nhất được sơ đồ và ý nghĩa mối quan hệ công
tác của BCH Đội TNTP Hồ Chí Minh;
- Biết vận dụng những hiểu biết về vị trí, vai trò, mối quan hệ công tác của
BCH Đội TNTP Hồ Chí Minh vào thực tiễn hoạt động Đội tại liên đội.
3. Thái độ
- Có ý thức tự giác học tập, rèn luyện, trau dồi phương pháp công tác của
BCH Đội;
- Tự hào là chỉ huy Đội, say sưa rèn luyện để có phương pháp công tác đạt
hiệu quả trong thực tiễn hoạt động Đội tại liên đội.
II. Giới thiệu tiểu mô đun 1
Tiểu mô đun 1 gồm 2 chủ đề, phân bố trong 3 tiết, cụ thể như sau:
STT Tên chủ đề Số tiết Trang số
1 Vị trí, vai trò, nhiệm vụ đặc trưng của 2 tiết 114
BCH Đội trong điều kiện mới
2 Mối quan hệ công tác của BCH Đội. 1 tiết 120
Cộng 3 tiết

III. Điều kiện cần thiết để thực hiện tiểu mô đun 1


1. Điều kiện
Học sinh phải học tiểu mô đun “Điều lệ và hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đội
TNTP Hồ Chí Minh” thuộc mô đun 1 “Những vấn đề chung về Đội TNTP Hồ Chí
Minh”.
2. Tài liệu học tập
1. Trường Cán bộ Đội Hà Nội, Hành trang chi đội trưởng, Nxb Hà Nội, 1999.
2. Trường Cán bộ Đội Hà Nội, Sổ tay chỉ huy Đội Thăng Long, Nxb Hà Nội, 2002.
3. Thiết bị và đồ dùng giảng dạy, học tập
Máy projector, giấy troki, bút viết bảng, băng dính, kéo, giấy mầu.
IV. Nội dung

Chủ đề 1: Vị trí, vai trò, nhiệm vụ, đặc trưng của BCH Đội trong điều kiện
mới (2 tiết)
1. Hoạt động
Hoạt động 1: Tầm quan trọng, vị trí, vai trò của BCH Đội trong hoạt động
Đội tại liên đội, chi đội (35 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 1: [1; tr 36 - 49], [2; tr 36 - 42]
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu về tầm quan trọng và vị trí của BCH Đội (15phút)
+ Phát vấn, gợi mở để học sinh trả lời về tầm quan trọng và vị trí của BCH Đội.
- Nhiệm vụ 2: Giới thiệu tầm quan trọng và vị trí của BCH Đội (20phút)
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi 1 : BCH Đội có tầm quan trọng như thế nào đối với tập thể Đội?
- Câu hỏi 2 : BCH Đội vị trí như thế nào trong hoạt động Đội?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 116 của giáo trình.
Hoạt động 2: Vai trò và phân công nhiệm vụ của BCH Đội: (35 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 2: [1; tr 36 - 49], [2; tr 36 - 42]
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Xác định vai trò của BCH Đội (20 phút)
+ Chia nhóm, thảo luận về vai trò của BCH Đội đối với tập thể liên, chi đội.
Cử đại diện của nhóm lên thuyết trình.
+ Giáo viên tổng hợp, nhận xét, kết luận.
- Nhiệm vụ 2: Xác định nhiệm vụ chung và nhiệm vụ cụ thể của BCH Đội (15
phút)
+ Trao đổi, thảo luận về nhiệm vụ của BCH Đội
+ Yêu cầu học sinh trả lời về thực tế nhiệm vụ được phân công tại trường
phổ thông.
+ Giới thiệu nhiệm vụ chung và nhiệm vụ cụ thể của BCH Đội.
* Đánh giá hoạt động 2:
- Câu hỏi: BCH Đội có vai trò như thế nào đối với tập thể Đội?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 117 - 119 của giáo trình.
Hoạt động 3: Đặc trưng của BCH Đội (20 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 3: [1; tr 36 - 49], [2; tr 36 - 42]
* Nhiệm vụ của hoạt động 3
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu phẩm chất, năng lực của người chỉ huy (10 phút)
+ Yêu cầu học sinh làm việc độc lập, tìm ra những phẩm chất, năng lực cần có
của người chỉ huy Đội (mỗi em phải tìm ít nhất 3 phẩm chất, năng lực).
+ Yêu cầu học sinh lần lượt đọc những phẩm chất của BCH Đội, giáo viên
ghi chép lên bảng.
- Nhiệm vụ 2: Xác định những đặc trưng cơ bản của BCH Đội (10phút)
* Đánh giá hoạt động 3
- Câu hỏi: Em hãy trình bày những phẩm chất, năng lực cần có của người chỉ
huy Đội.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3: Xem trang 119 của giáo trình.

2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động


* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
1. Tầm quan trọng của BCH Đội trong hoạt động Đội tại liên đội, chi đội
- Ban chỉ huy Liên đội, Chi đội được Đại hội liên, chi đội bầu ra, thay mặt
liên, chi đội quản lí hoạt động Đội. BCH Đội cần ý thức được mình là “thủ lĩnh”
nhỏ tuổi của một tập thể đoàn kết, tương thân tương ái. Thành tích của mỗi cá nhân
là những bông hoa đẹp trong vườn hoa việc tốt; là góp phần viết nên trang sử
truyền thống của Đội. BCH Đội có trách nhiệm xây dựng Đội vững mạnh, để vườn
hoa đẹp ngày càng nở rộ, toả ngát hương thơm.
- BCH Đội góp phần quan trọng trong việc giáo dục, giúp đỡ đội viên theo
mục tiêu giáo dục của Đội là: trở thành con ngoan, trò giỏi, bạn tốt, cháu ngoan
Bác Hồ. Để thu hút được đông đảo các bạn đội viên tham gia hoạt động, BCH Đội
cần tích cực trong hoạt động Đội, không ngừng sáng tạo ra những nội dung hoạt
động phong phú với hình thức thể hiện đa dạng thì hoạt động Đội mới hấp dẫn, bổ
ích; đồng thời, BCH Đội cũng là những người giúp đỡ các bạn đội viên sáng tạo
thêm nhiều nội dung và hình thức hoạt động mới.
2. Vị trí của Ban chỉ huy Đội
BCH Đội có vị trí rất quan trọng trong tổ chức Đội, là người quản lí và điều
hành mọi công việc của chi đội, liên đội (theo nghị quyết) dưưới sự hưướng dẫn
của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (Trực tiếp là giáo viên – TPT Đội). Muốn phát huy
vai trò tự quản, BCH Đội phải có năng lực trong học tập và chỉ huy, đồng thời cần
nỗ lực trong học tập và rèn luyện để bổ sung, trau dồi những kiến thức cơ bản nhất
về Đoàn, Đội, về Điều lệ, nghi thức và chương trìnhh RLĐV. Ngoài ra, BCH cần
tập trung bồi dưỡng về nguyên tắc, lề lối và phương pháp làm việc nhằm phát huy
tốt vai trò của mình.
BCH phải là người luôn đi đầu thực hiện mọi hoạt động Đội và cùng BCH
chi đội giúp đỡ đội viên thực hiện tốt mọi nhiệm vụ, bởi vì, BCH Đội chính là hạt
nhân của phong trào Đội, là đầu tầu lôi kéo, là lực lượng nòng cốt và là chỗ dựa tin
cậy của các bạn đội viên.

* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2


1.Vai trò của Ban chỉ huy Đội
BCH Đội phải luôn gương mẫu trong tập thể Đội: phải là những đội viên ưu
tú, luôn chăm ngoan, học giỏi. BCH Đội phải thực sự tiên phong, nòng cốt trong
các hoạt động, có tinh thần trách nhiệm cao, có sáng tạo trong học tập, rèn luyện;
biết chủ động tổ chức có chất lượng các hoạt động của Đội theo Điều lệ, Nghi thức
và Chương trình RLĐV.
- BCH Đội giữ vai trò quyết định sự tiến bộ của chi đội, liên đội: do vậy phải
có phương pháp làm việc khoa học, khả năng điều hành tốt, luôn năng động, nhanh
nhẹn, sáng tạo trong mọi hoạt động Đội. Có câu: “Cán bộ nào thì phong trào ấy”.
BCH Đội cần không ngừng nâng cao năng lực, phẩm chất, phát huy sở trường, tư
chất, phấn đấu không ngừng để đạt tới thành công.
- BCH Đội còn có vai trò đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của đội viên.
BCH Đội thường xuyên nắm vững tình hình, tâm tư, nguyện vọng của đội viên; đi
sâu, đi sát giúp đỡ các bạn đội viên có hoàn cảnh khó khăn, tạo mọi điều kiện để các
bạn phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, bạn tốt, cháu ngoan Bác Hồ.
2. Phân công nhiệm vụ cho Ban chỉ huy Đội
a. Nhiệm vụ chung của BCH Đội
- BCH Đội cần luôn phối hợp chủ động với TPT, GVCN, PTCĐ lập kế
hoạch cả năm cho hoạt động Đội của liên đội, chi đội. Nội dung, chương trình hoạt
động của liên, chi đội được thiết kế phải đảm bảo những yêu cầu như: Phải thể
hiện một cách đầy đủ các công việc mà liên, chi đội sẽ thực hiện trong năm học,
từng học kì và cả thời gian nghỉ hè; đảm bảo phù hợp trong từng giai đoạn, từng
bước đi và từng việc làm; hình thức tiến hành các hoạt động phải đa dạng, phong
phú, hấp dẫn, có sức thu hút và lôi cuốn sự tham gia của toàn liên, chi đội.
- BCH Đội cần bồi dưưỡng các đội nòng cốt của Liên đội như: đội văn
nghệ, đội nghi thức, đội thể dục thể thao, đội tuyên truyền măng non...
- BCH Đội còn phải làm tốt công tác tổ chức Đại hội: từ Chi đội đến Liên
đội ngay từ đầu năm học (tháng 9 hoặc tháng 10).
- BCH Đội nhất thiết phải tổ chức tốt các phong trào thi đua trong toàn Liên
đội (chi đội). Tổ chức thi đua trong hoạt động Đội phải đảm bảo sự vô tư và lành
mạnh, tránh biến thi đua thành ganh đua, ăn thua để từ đó nảy sinh trong đội viên
các thói hư tật xấu như: thủ đoạn, ích kỉ, hiếu thắng. Có thể nói, đây là điểm cần
chú ý nhất trong sử dụng phương pháp thi đua của Đội. Chỉ cần một sai sót nhỏ
trong thực hiện phương pháp thi đua đều rất có thể làm ảnh hưởng, thậm chí làm
hỏng một hoạt động.
- BCH Đội cần làm tốt công tác xây dựng Đội vững mạnh. Lịch sử tồn tại và
phát triển hơn nửa thế kỉ của tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh gắn liền với sự ảnh
hưởng tích cực của nó đến sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội... của đất nước và
vai trò, uy tín đối với thiếu nhi cả nước. Để khẳng định được vị trí và phát huy vai
trò của mình, Đội TNTP Hồ Chí Minh phải dựa vào sự nỗ lực, phấn đấu, rèn luyện
của tất cả thiếu nhi, trong đó BCH Đội đóng vai trò nòng cốt.
- BCH Đội còn phải quản lí, ghi chép sổ sách
ý thức được vai trò, vị trí, nhiệm vụ trước tập thể Đội là điều kiện tiên quyết
để BCH Đội phát huy tố vai trò tự quản của mình trước tập thể liên, chi đội. Cùng
với điều đó, sự gương mẫu hoàn thành nhiệm vụ của mỗi thành viên BCH Đội, sự
gắn bó, hợp tác với nhau trong những công việc chung của các em có ý nghĩa quan
trọng trong việc huy động sức mạnh tập thể Đội, sức mạnh tập thể Đội, sức mạnh
của sự phát huy thực sự vai trò tự quản của Đội hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ
đề ra.
b. Nhiệm vụ cụ thể của BCH Đội
Một Ban chỉ huy liên, chi đội bao gồm: Liên, chi đội trưởng, một đến hai
liên, chi đội phó và một số uỷ viên. Số lượng ban chỉ huy do Đại hội liên, chi đội
quyết định và thường được phân công như sau:
- Liên đội ( chi đội) trưởng : Phụ trách chung
- Liên đội (chi đội ) phó : Phụ trách thi đua và quản lí hồ sơ sổ sách của liên
đội (chi đội).
- Các uỷ viên : Phân công theo các mặt hoạt động:
+ Phụ trách công tác kiểm tra.
+ Phụ trách hoạt động học tập.
+ Phụ trách văn nghệ, thể dục thể thao.
+ Phụ trách công tác giáo dục đạo đức, nếp sống.
+ Phụ trách công tác xây dựng Đội - Chương trình RLĐV.
* Lưu ý: Việc phân công BCH Đội phải theo đúng năng lực, sở trường và
phù hợp với kinh nghiệm của từng thành viên trong BCH chi đội (liên đội).
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3
Đặc trưng của BCH Đội (những phẩm chất, năng lực cần có của người chỉ
huy Đội):
- Ban chỉ huy phải thực sự là “đầu tầu” gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt
động, có ý thức trách nhiệm trong công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
- Hiểu và nắm vững những quy định về Điều lệ, nghi thức Đội và chương
trình rèn luyện đội viên.
- Có uy tín trong tập thể đội viên.
- Học lực giỏi, đạo đức tốt, chịu khó học hỏi tự nâng cao trình độ chuyên
môn, nghiệp vụ, năng lực tổ chức điều hành các hoạt động của liên, chi đội.
- Nhanh nhẹn, tháo vát, năng nổ, tích cực và công bằng, phân minh trong
công việc.
- Có khả năng chỉ huy và nói trước đám đông: lời nói phải mang tính thuyết
phục, rõ ràng, ngắn gọn, sinh động, tập trung vào chủ đề cần nói, tránh thuyết trình
lan man, lạc đề. Không khí buổi sinh hoạt, họp Đội phải chân thành, cởi mở, hấp
dẫn. Nói cách khác, phải tạo không khí dân chủ, phát huy được trí tuệ của các đội
viên và của tập thể.
- Năng động, sáng tạo, luôn đi đầu trong mọi hoạt động.
- Tự tin, mạnh dạn, thẳng thắn, đoàn kết, hợp tác trong Ban chỉ huy, khiêm
tốn, chuẩn mực trong các hoạt động của Đội.

Chủ đề 2: Mối quan hệ công tác của BCH Đội (1 tiết)


1. Hoạt động
Hoạt động 1: Mối quan hệ và mục đích, ý nghĩa các mối quan hệ công tác
của BCH trong hoạt động Đội (30 phút)
* Thông tin cho hoạt động 1: [1; tr 36 - 49], [2; tr 36 - 42]
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu mối quan hệ công tác của BCH Đội (10 phút).
+ Thiết kế sơ đồ mối quan hệ công tác của BCH Đội.
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu mục đích, ý nghĩa mối quan hệ công tác của BCH
Đội (20 phút).
+ Thảo luận nhóm về mục đích, ý nghĩa mối quan hệ công tác của BCH Đội.
Cử đại diện trình bày.
+ Nhận xét, kết luận.
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi: Em hãy vẽ sơ đồ thể hiện các mối quan hệ công tác của BCH Đội.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 121 của giáo trình.
Hoạt động 2: Một số vấn đề cần lưu ý trong quan hệ công tác của BCH trong
hoạt động Đội (15 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 2: [1; tr 36 - 49], [2; tr 36 - 42]
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Phân tích, giảng giải về những vấn đề cần lưu ý trong các mối
quan hệ của BCH Đội (15 phút)
+ Phát vấn về những vấn đề cần lưu ý trong các mối quan hệ của BCH Đội.
+ Phân tích, giảng giải về những vấn đề cần lưu ý trong các mối quan hệ của
BCH Đội.
* Đánh giá hoạt động 2
- Câu hỏi: Trong các mối quan hệ công tác, người cán bộ Đội cần lưu ý
những vấn đề gì?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 121 - 123 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
Mối quan hệ công tác của BCH Đội
* Mối quan hệ công tác của BCH liên đội
+ BCH liên đội là nhân tố trung tâm trong các mối quan hệ về công tác Đội
tại liên đội.
+ Những mối quan hệ của BCH liên đội trong công tác Đội gồm : quan hệ với
TPT, với đội viên, với BCH các chi đội, với BCH liên đội bạn, với Hội cha mẹ học sinh,
với các thầy cô giáo là GVCN - phụ trách chi đội.
*Mối quan hệ công tác của BCH chi đội
+ BCH chi đội là nhân tố trung tâm trong các mối quan hệ công về công tác
Đội tại chi đội.
+ Những mối quan hệ của BCH chi đội trong công tác Đội bao gồm: quan hệ với
giáo viên - TPT, với đội viên, với BCH liên đội, với BCH chi đội bạn, với chi hội cha
mẹ học sinh, với thầy (cô) giáo là GVCN - phụ trách chi đội.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
- Mục đích, ý nghĩa của các mối quan hệ công tác Đội của BCH Đội
+ Đối với đội viên: Giáo dục giúp đỡ
+ Đối với BCH Liên (chi đội) bạn: Trao đổi kinh nghiệm, học hỏi.
+ Quan hệ của BCH Liên đội với BCH các chi đội: Giao và nhận nhiệm vụ.
+ Đối với giáo viên Tổng Phụ trách và các GVCN - PTCĐ: Xin ý kiến, xin
phép tổ chức các hoạt động Đội.
+ Đối với Hội (chi hội) cha mẹ học sinh : Xin kinh phí, hỗ trợ trong tổ chức
các hoạt động.
- Một số vấn đề cần lưu ý trong quan hệ công tác của BCH liên đội
+ Quan hệ với giáo viên TPT: Đây là mối quan hệ thầy trò, quan hệ cấp trên
với cấp dưới để BCH xin ý kiến chỉ đạo về công tác Đội một cách thường xuyên,
kịp thời. BCH còn là cộng sự đắc lực của giáo viên – TPT, vì vậy, phải hợp tác,
gắn bó, cộng đồng trách nhiệm để hoàn thành công việc chung, phát huy năng lực,
sở trường, phẩm chất, năng khiếu và thế mạnh của mình trong quá trình tham gia
hoạt động Đội. Đó chính là cơ sở để phát huy vai trò tự quản, tính độc lập, sáng tạo
trong công tác của BCH Đội.
+ Quan hệ với Hội cha mẹ học sinh: Trong mối quan hệ này, BCH cần bày
tỏ thái độ lễ phép nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Hội cha mẹ học sinh. Cần thiết
phải phân tích ưu điểm, thế mạnh, tác dụng nhiều mặt của hoạt động Đội để được
Hội cha mẹ học sinh hỗ trợ về kinh phí, ủng hộ việc tổ chức và tham gia hoạt động
Đội cùng các đội viên.
+ Quan hệ với BCH liên đội bạn: Nên trao đổi kinh nghiệm, bày tỏ thái độ
khiếm tốn, học hỏi, đoàn kết, hợp tác, làm phong phú hơn vốn hiểu biết, vững vàng
hơn về nghiệp vụ Đội.
+ Quan hệ với các đội viên: Cần chan hoà, cởi mở, thân ái giúp đỡ. Xây
dựng trong các bạn đội viên niềm tin và ý chí quyết tâm thực hiện những mục tiêu
đề ra. Muốn vậy, BCH Đội phải tin tưởng và tôn trọng, mạnh dạn giao việc, đồng
thời theo dõi, kiểm tra để kịp thời đôn đốc, nhắc nhở, động viên, uốn nắn những
công việc hàng ngày của đội viên.
- Một số vấn đề cần lưu ý trong quan hệ công tác của BCH chi đội
+ Quan hệ với BCH liên đội: BCH chi đội nhận nhiệm vụ trực tiếp từ BCH
liên đội. BCH chi đội còn là cầu nối phản ánh tâm tư nguyện vọng, đề đạt, bày tỏ
những suy nghĩ của các bạn đội viên tới BCH liên đội.
+ Quan hệ với GVCN – PTCĐ: Đây là mối quan hệ thầy trò, mối quan hệ
giữa cấp trên với cấp dưới nhằm giúp BCH chi đội xin ý kiến chỉ đạo công tác Đội
thường xuyên, kịp thời.
+ Quan hệ với Chi hội cha mẹ học sinh: tương tự như mối quan hệ của BCH
liên đội với Hội Cha mẹ học sinh.
+ Quan hệ với BCH chi đội bạn: tương tự như mối quan hệ của BCH liên
đội với Liên đội bạn.
+ Quan hệ với các đội viên: Là quan hệ giữa người chỉ huy và người thực
hiện. Trong mối quan hệ này, BCH chi đội cần chan hoà, cởi mở, thân ái giúp đỡ
các bạn đội viên thực hiện nhiệm vụ đồng thời có sự theo dõi, kiểm tra để kịp thời
đôn đốc, nhắc nhở, động viên đội viên hoàn thành nhiệm vụ.
V. Đánh giá sau khi học xong tiểu mô đun
* Câu hỏi và bài tập đánh giá

Câu hỏi 1: Vị trí của Ban chỉ huy chi Đội là gì? (Đánh dấu x vào ô  em lựa chọn)

 a. Đứng đầu điều hành mọi công việc của chi đội.
 b. Đứng đầu chỉ huy các hoạt động của lớp.
 c. Cả hai phương án trên đều đúng.
Câu hỏi 2: Vai trò của Ban chỉ huy Đội? (Đánh dấu x vào ô  em lựa chọn)

 a. Gương mẫu.
 b. Quyết định sự tiến bộ của chi đội, liên đội.
 c. Đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của đội viên.
 d. Cả 3 phương án trên đều đúng.
Câu hỏi 3: Em hãy ghép mệnh đề ở cột A với các mệnh đề ở cột B để chỉ ra những
nhiệm vụ chung và nhiệm vụ cụ thể của BCH liên đội.
A B
BCH Liên đội a) Cùng với TPT lập kế hoạch cả năm cho hoạt động Đội.
b) Bồi dưưỡng BCH chi đội và các đội nòng cốt của Liên đội.
c) Tổ chức tốt công tác Đại hội: từ Chi đội đến Liên đội.
d)Tổ chức các phong trào thi đua trong toàn Liên đội
e) Tổ chức tốt công tác xây dựng Đội vững mạnh.
f) Quản lí, ghi chép sổ sách công tác Đội.
g)Phụ trách chung mọi hoạt động của liên, chi đội.
h) Phụ trách thi đua và quản lí hồ sơ sổ sách của chi đội
(liên đội).
i) Phân công theo các mặt hoạt động.
Câu hỏi 4: Em hãy ghép mỗi chức vụ của BCH liên đội ở cột A với các nhiệm vụ
ở cột B cho phù hợp.
A B
Liên đội trưởng : a) Cùng với TPT lập kế hoạch cả năm cho hoạt động Đội.
Liên đội phó : b) Bồi dưưỡng BCH chi đội và các đội nòng cốt của liên đội.
Các uỷ viên : c) Tổ chức tốt công tác Đại hội: từ chi đội đến liên đội.
d)Tổ chức các phong trào thi đua trong toàn liên đội
e) Tổ chức tốt công tác xây dựng Đội vững mạnh.
f) Quản lí, ghi chép sổ sách công tác Đội.
g) Phụ trách chung mọi hoạt động của liên đội.
h) Phụ trách thi đua và quản lí hồ sơ sổ sách của liên đội.
i) Phụ trách các mặt hoạt động:
+ Phụ trách công tác kiểm tra.
+ Phụ trách hoạt động học tập.
+ Phụ trách văn nghệ, thể dục thể thao.
+ Phụ trách công tác Giáo dục đạo đức, nếp sống.
+ Phụ trách công tác xây dựng Đội - Chương trình
rèn luyện đội viên.
Câu hỏi 5: BCH Liên (chi) đội có những mối quan hệ nào?
Câu hỏi 6: Em hãy trình bày một số vấn đề cần lưu ý trong mối quan hệ công tác
của BCH liên (chi) đội?
* Thông tin phản hồi của đánh giá
Đáp án câu 1
c (cả hai phương án trên đều đúng)
Đáp án câu 2
d (cả 3 phương án trên đều đúng).
Đáp án câu 3
Nhiệm vụ chung của BCH liên đội: a – b – c – d – e – f
Đáp án câu 4
Nhiệm vụ cụ thể
- Liên đội ( chi đội) trưởng : g
- Liên đội (chi đội ) phó : h
- Các uỷ viên : i
Đáp án câu 5
Mối quan hệ công tác của BCH liên đội:
+ BCH liên đội là nhân tố trung tâm trong các mối quan hệ về công tác Đội
tại liên đội.
+ Những mối quan hệ của BCH liên đội là: quan hệ với TPT, đội viên, BCH
các chi đội, BCH liên đội bạn, Hội cha mẹ học sinh, các thầy cô giáo là GVCN -
phụ trách chi đội.
+ Những mối quan hệ công tác của BCH chi đội
+ BCH chi đội là nhân tố trung tâm trong các mối quan hệ về công tác Đội
tại chi đội.
+ Những mối quan hệ của BCH chi đội là: quan hệ với GVCN – PTCĐ, đội
viên, BCH liên đội, BCH chi đội bạn, chi hội cha mẹ học sinh.
Đáp án câu 6
Một số vấn đề cần lưu ý trong mối quan hệ công tác của BCH Đội là:
+ Trong quan hệ với giáo viên - TPT, các GVCN – PTCĐ: BCH Đội phải
thực sự hợp tác, gắn bó, sẵn sàng cộng đồng trách nhiệm, vì công việc chung, phát
huy năng lực, sở trường, phẩm chất, năng khiếu và thế mạnh trong quá trình tham
gia hoạt động Đội.
+ Quan hệ với Hội (chi hội cha mẹ học sinh): Cần thiết phải phân tích ưu
điểm, thế mạnh, tác dụng nhiều mặt của hoạt động Đội để được Hội (chi hội cha
mẹ học sinh) hỗ trợ về kinh phí.
+ Quan hệ với BCH liên đội (chi đội) bạn: Trao đổi kinh nghiệm, khiêm tốn,
học hỏi, tránh kiêu căng, tự mãn.
+ Quan hệ với các đội viên: Cần chan hoà, cởi mở, thân ái giúp đỡ.

Tiểu mô đun 2: Sinh hoạt chi đội TNTP Hồ Chí Minh (9 tiết)

I. Mục tiêu
Kết thúc tiểu mô đun 2, học sinh có khả năng:
1. Kiến thức
- Nêu được khái niệm, mục tiêu, nội dung sinh hoạt chi đội TNTP Hồ Chí
Minh;
- Hiểu được quy trình tổ chức sinh hoạt chi đội TNTP Hồ Chí Minh;
- Trình bày được các hình thức sinh hoạt truyền thống của Đội TNTP Hồ
Chí Minh;
- Phân biệt được các loại hình sinh hoạt chi đội.
2. Kĩ năng
- Biết thiết kế, tổ chức triển khai thực hiện, nhận xét đánh giá được sinh hoạt
chi đội theo chủ điểm;
- Vận dụng được những hiểu biết về sinh hoạt chi đội vào thực tiễn hoạt
động Đội tại liên đội.
3. Thái độ
- Yêu thích sinh hoạt Đội; có tinh thần tự giác học hỏi, đổi mới nội dung,
hình thức sinh hoạt Đội.
II. Giới thiệu tiểu mô đun 2
Tiểu mô đun 2 gồm 4 chủ đề, phân bố trong 6 tiết, cụ thể như sau :
STT Tên chủ đề Số tiết Trang số
1 Khái niệm, mục tiêu, nội dung, phân loại sinh 1 tiết 127
hoạt chi đội.
2 Một số hình thức sinh hoạt truyền thống của Đội. 2 tiết 131
3 Quy trình tổ chức các loại hình sinh hoạt chi 3 tiết 145
đội.
4 Phương pháp thiết kế sinh hoạt chi đội theo chủ 3 tiết 150
điểm.
Cộng 9 tiết
III. Điều kiện cần thiết để thực hiện tiểu mô đun 2
1. Điều kiện
Học sinh phải học mô đun 1: “Những vấn đề chung về Đội TNTP Hồ Chí
Minh” và tiểu mô đun 1 của mô đun 2: “Công tác chủ yếu của Ban chỉ huy Đội”.
2. Tài liệu học tập
1. Trường Cán bộ Đội Hà Nội, Hành trang chi đội trưởng, Nxb Hà Nội,
1999.
2. Trường Cán bộ Đội Hà Nội, Sổ tay chỉ huy Đội Thăng Long - Hà Nội,
Nxb Hà Nội, 2002.
3. Bùi Sỹ Tụng (Chủ biên) – Phạm Đình Nghiệp – Phan Nguyên Thái - Cẩm
nang người phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh, Nxb Giáo dục, 2001.
4. Trần Như Tỉnh (chủ biên) – Bùi Sỹ Tụng – Phan Nguyên Thái, Phương
pháp dạy học bộ môn công tác Đội TNTP Hồ Chí Minh, Nxb Giáo dục, 2000.
3. Thiết bị, đồ dùng giảng dạy và học tập
+ Băng hình mẫu về các loại hình sinh hoạt Đội, máy overhead, máy
projector, trang phục hóa trang các nhân vật lịch sử, tượng các anh hùng, hoa múa,
cờ, trống, giấy màu, băng dính, kéo...
+ Mẫu các thiết kế, tài liệu
IV. Nội dung

Chủ đề 1: Khái niệm, mục tiêu, nội dung, phân loại


sinh hoạt chi đội (1 tiết)
1. Hoạt động
Hoạt động 1: Khái niệm, mục tiêu sinh hoạt chi đội (15 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 1: [1; tr 55 – 56], [2; tr 39 - 42]
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu khái niệm sinh hoạt chi đội (5 phút )
+ Giáo viên gợi mở, nêu và phân tích khái niệm sinh hoạt chi đội.
- Nhiệm vụ 2: Xác định mục tiêu của sinh hoạt chi đội ( 10 phút)
+ Giáo viên gợi mở, nêu và phân tích mục tiêu của sinh hoạt chi đội.
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi 1: Trình bày khái niệm sinh hoạt chi đội.
- Câu hỏi 2: Mục tiêu của sinh hoạt chi đội là gì?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 128 - 129 của giáo trình.
Hoạt động 2: Nội dung, phân loại sinh hoạt chi đội (30 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 2: [1; tr 55 – 56], [2; tr 39 - 42]
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Xác định nội dung của sinh hoạt chi đội thông qua hình thức thảo
luận nhóm (15 phút)
+ Chia nhóm thảo luận:
Chương trình sinh hoạt chi đội diễn ra như thế nào?
Nội dung của sinh hoạt chi đội bao gồm những gì?
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu về các loại hình sinh hoạt chi đội ( 15 phút).
+ Giáo viên phát vấn, thuyết trình, giảng giải về các loại hình sinh hoạt chi đội.
* Đánh giá hoạt động 2
- Câu hỏi 1: Trình bày nội dung của sinh hoạt chi đội.
- Câu hỏi 2: Có những loại hình sinh hoạt chi đội nào?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 130 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
- Khái niệm sinh hoạt chi đội:
+ Sinh hoạt chi đội là một hình thức sinh hoạt tập thể nhằm thông báo và
thảo luận những vấn đề có liên quan tới toàn thể đội viên.
Thông qua sinh hoạt chi đội, tổ chức Đội giáo dục các thành viên của mình
về mọi mặt chính trị, đạo đức tác phong, ý thức học tập, yêu lao động, yêu Tổ
quốc, quê hương, đoàn kết với bạn bè..., từ đó xác định cho mình phải cố gắng
trong rèn luyện, học tập, lao động... để trở thành người có ích cho gia đình và xã
hội, vì mục tiêu xây dựng đất nước của Đảng, của dân tộc.
+ Sinh hoạt chi đội phát huy tinh thần tự chủ, chủ động sáng tạo của BCH Đội và
đội viên. Bởi vì, trong buổi sinh hoạt chi đội, các em vừa là người thiết kế, tổ chức điều
hành vừa là người thực hiện và đánh giá kết quả hoạt động của mình.
+ Đội viên được tham gia bàn bạc, quyết định mọi công tác của Đội và được
thầy (cô) phụ trách nhiệt tình giúp đỡ. Điều đó tạo cho đội viên không khí vui tươi,
phấn khởi, tự hào về những thành tích của mình.
- Mục tiêu của sinh hoạt chi đội là gì?
+ Nhằm giáo dục toàn diện cho đội viên
Về nội dung giáo dục toàn diện, theo Các Mác, gồm có 3 điểm: giáo dục tâm
trí (trí dục, đạo đức, thẩm mĩ), giáo dục thể chất và giáo dục kĩ thuật (có lao động).
Theo quan điểm giáo dục của Bác Hồ, con người phát triển toàn diện là phải vừa
lao động trí óc vừa lao động chân tay, vừa có đức vừa có tài (đức là gốc, tài là quan
trọng), làm tốt chức năng xã hội của mình và thể hiện phẩm chất của người lao
động mới.
Thông thường ta vẫn hiểu nội dung giáo dục toàn diện gồm 5 mặt: giáo dục đạo
đức, giáo dục trí tuệ (kiến thức, trí thông minh), giáo dục kĩ thuật (lao động), giáo dục
thể chất (sức khoẻ và thể lực) và giáo dục thẩm mĩ (giáo dục cái đẹp).
+ Giúp đội viên ghi nhớ và khắc sâu những truyền thống tốt đẹp của cha
anh. Để thực hiện được các nội dung giáo dục truyền thống, cần phải có nhiều hình
thức tổ chức hoạt động như: Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, truyền thống;
tổ chức các cuộc sinh hoạt chủ đề, chủ điểm, hội thảo nhân các ngày lễ lớn như:
3/2, 26/3, 15/5, 19/5, 2/9, 22/12...; Tổ chức thành các phong trào rộng rãi ở tất cả
các liên, chi đội: Phong trào “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng
cây”, “Tấm chăn ấm lòng mẹ”...; Gặp gỡ các anh hùng, các lão thành cách mạng
và nghe họ nói chuyện lịch sử, truyền thống; các hoạt động tham quan, cắm trại các
di tích lịch sử, viện bảo tàng, nhà lưu niệm...
+ Giúp đội viên củng cố kiến thức được học trong trường, bổ sung, nâng cao
hiểu biết và nhận thức nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Từ đó, các em chịu khó học
tập, rèn luyện, nâng cao ý thức đối với bản thân mình và tập thể để trở thành người
đội viên tốt.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
- Các loại hình sinh hoạt chi đội:
+ Sinh hoạt chi đội thường kì:
. Là buổi sinh hoạt được quy định trong một khoảng thời gian nhất định
trong tháng nhằm sơ kết công tác tháng, định hướng công việc trong tháng tới.
. Tác dụng: Kiểm điểm, đánh giá hiệu quả công việc đề ra, rút kinh nghiệm,
biểu dương gương điển hình và bàn bạc, tìm biện pháp thực hiện công việc trong
tháng tới.
+ Sinh hoạt chi đội theo chủ điểm:
. Là buổi sinh hoạt được tổ chức nhân dịp các ngày lễ lớn, ngày kỉ niệm của
đất nước.
. Tác dụng: Nâng cao hiểu biết, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc,
niềm tự hào và vinh dự, trách nhiệm của người đội viên.
+ Sinh hoạt chi đội theo chuyên đề:
. Là sinh hoạt được quy định trong kế hoạch tháng hoặc năm của chi đội,
liên đội nhằm giải quyết một vấn đề lớn được toàn thể đội viên quan tâm như: Vấn
đề đạo đức, nếp sống, vấn đề giúp đỡ đội viên lớn lên Đoàn...
. Tác dụng: Qua chuyên đề sinh hoạt giúp đội viên nâng cao hiểu biết, ý thức
trách nhiệm của người đội viên hôm nay, của một đoàn viên tương lai.
+ Sinh hoạt chi đội đột xuất:
. Là sinh hoạt Đội nhằm giải quyết những công việc đột xuất của Đội không
nằm trong kế hoạch. Ví dụ: Cần triển khai ngay một hoạt động ủng hộ đồng bào
vùng lũ lụt, hoặc xử lí kỉ luật một số đội viên vi phạm nội quy...
. Tác dụng: Triển khai nhanh chóng, kịp thời đến toàn thể đội viên và tìm
biện pháp giải quyết thích hợp cho vấn đề đột xuất đó.

Chủ đề 2: Các hình thức sinh hoạt truyền thống của Đội (2 tiết)
1. Hoạt động
Hoạt động 1: Các hình thức sinh hoạt truyền thống của Đội (30 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 1: [1; tr 55 – 56], [2; tr 39 - 42]
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu các hình thức sinh hoạt truyền thống của Đội
(5phút)
+ Phát vấn, gợi mở để học sinh trả lời về các hình thức sinh hoạt truyền
thống của Đội; giáo viên tổng hợp, kết luận.
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu về các nội dung, hình thức giáo dục truyền thống
(15phút)
+ Giáo viên phân tích, giảng giải để học sinh hiểu được về nội dung, hình
thức, cách tiến hành các hình thức giáo dục truyền thống.
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi 1: Nêu các hình thức giáo dục truyền thống của Đội.
- Câu hỏi 2: Em hãy trình bày các nội dung, hình thức giáo dục truyền thống
của Đội .
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 133 - 134 của giáo trình.
Hoạt động 2: Cách tiến hành một số hình thức giáo dục truyền thống (15phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 2: [1; tr 55 – 56], [2; tr 39 - 42]
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Tìm các hình thức giáo dục truyền thống (10 phút)
+ Với khoảng thời gian là 45 phút, địa điểm lớp học, em hãy lựa chọn hình thức
sinh hoạt truyền thống theo chủ điểm: “Mừng sinh nhật Bác”
+ Đại diện các nhóm thuyết trình (5phút)
+ Nhận xét, kết luận (5 phút)

* Đánh giá hoạt động 2


- Câu hỏi 1: Để buổi sinh hoạt giáo dục truyền thống hấp dẫn cần chú ý
những vấn đề gì?
- Câu hỏi 2: Nội dung sinh hoạt của đội viên chi đội 6, 7, 8 có giống nhau
không? Vì sao?
- Câu hỏi 3: Nếu thời gian chỉ có 45 phút, BCH có nên tổ chức cho các bạn
đội viên đi tham quan xa không? Vì sao?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 134 - 144 của giáo trình.
Hoạt động 3: Cách lựa chọn các hình thức giáo dục truyền thống (45 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 2: [1; tr 55– 56], [2; tr 39- 42], [4; tr 56- 83]
* Nhiệm vụ của hoạt động 3
- Nhiệm vụ 1: Xác định các chủ điểm giáo dục truyền thống trong năm học
(10 phút)
+ Giáo viên phát vấn, học sinh trả lời về các chủ điểm giáo dục truyền thống
trong năm học.
- Nhiệm vụ 2: Xác định hình thức giáo dục truyền thống phù hợp với chủ
điểm (15 phút)
+ Thảo luận nhóm để lựa chọn hình thức giáo dục truyền thống phù hợp với
từng chủ điểm.
+ Giáo viên tổng hợp, kết luận.
- Nhiệm vụ 3: Tìm hiểu về những vấn đề cần lưu ý khi tổ chức hoạt động
giáo dục truyền thống (20 phút)
+ Trao đổi, thảo luận về những vấn đề cần lưu ý khi tổ chức hoạt động giáo
dục truyền thống.
* Đánh giá hoạt động 3
- Câu hỏi 1: Xác định các chủ điểm giáo dục truyền thống trong năm học.
- Câu hỏi 2: Xác định các hình thức giáo dục truyền thống phù hợp với các
chủ điểm giáo dục truyền thống trong năm học.
- Câu hỏi 3: Khi tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cần lưu ý
những vấn đề gì?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3: Xem trang 144 - 145 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
Truyền thống là tất cả những gì được hình thành trong cuộc sống, được lặp
đi lặp lại nhiều lần trong lịch sử, trở thành nề nếp, thói quen và đạt tới giá trị chuẩn
mực trên tất cả các lĩnh vực trong lối sống như: ăn, mặc, ở, đi lại, học hành; trong
tư duy ứng xử, trong cung cách làm ăn.
Giáo dục truyền thống chính là sự tác động của các chủ thể xã hội vào các
đối tượng nhằm định hướng giá trị cho các em, giúp các em tự mình nhận ra, phát
hiện ra các giá trị tích cực của truyền thống mà giữ gìn, phát huy, đồng thời thấy
được các giá trị tiêu cực mà góp phần xoá bỏ, loại trừ.
Giáo dục truyền thống cho thiếu nhi là giúp các em hiểu biết được nội dung,
ý nghĩa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Đảng, Đoàn, Đội, giáo dục quyền và bổn
phận theo Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em. Từ đó giáo dục tình cảm và
lòng biết ơn đối với các thế hệ cha ông, để các em quyết tâm rèn luyện, học tập,
phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, bạn tốt, công dân tốt, đoàn viên TNCS Hồ
Chí Minh.
Các hình thức giáo dục truyền thống:
Nghi lễ truyền thống: Là hoạt động của Đội mà thông qua đó nhằm ôn lại
những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và thể hiện tình cảm, lòng biết ơn và ý thức
trách nhiệm của các em đội viên đối với các thế hệ cha ông.
Tham quan truyền thống: là một hoạt động của Đội, giúp các đội viên hiểu
biết về sự kiện, con người và những thành quả tốt đẹp của thế hệ trước. Đây là hình
thức giáo dục trực quan sinh động: học sinh đến nơi tập trung nhiều hiện vật, tài
liệu để các em hiểu về truyền thống. Từ đó xây dựng ý thức, tạo nên những ấn
tượng khó quên về truyền thống; tác động đến lòng tự hào và mong muốn vươn lên
xứng đáng kế tục truyền thống của đội viên, thiếu niên Việt Nam.
Sưu tầm truyền thống: là phương pháp tổ chức nhằm giúp cho đội viên
được tiếp cận thông tin và có điều kiện tìm hiểu về một nội dung, một chủ đề nào
đó thuận lợi nhất.
Hoạt động vui chơi giáo dục truyền thống: Đối với học sinh, hình thức
“học mà chơi, chơi mà học” đã trở nên vô cùng bổ ích. Tổ chức hoạt động vui chơi
giáo dục truyền thống là hình thức giáo dục nhẹ nhàng, giúp những giá trị truyền
thống thấm sâu vào suy nghĩ, tình cảm của các em một cách tự nhiên, không khô
cứng, không khiên cưỡng, áp đặt.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
- Cách tiến hành một số nghi lễ truyền thống
1. Tổ chức viếng nghĩa trang liệt sĩ
a. Công tác chuẩn bị:
- Dọn nghĩa trang liệt sĩ cho sạch, đẹp.
- Trang trí tại nghĩa trang, bao gồm: bàn để đồ lễ, hương hoa, nến, băng zôn
ghi hàng chữ “Thiếu nhi... đời đời ghi nhớ các anh hùng liệt sĩ” và một số pa nô
ghi các khẩu hiệu.
- Tập hợp đơn vị, điểm số báo cáo.
- Sắp xếp đội hình theo thứ tự: đi đầu là vòng hoa do hai đội viên nam, nữ
đỡ, tiếp theo là 4 em đem đồ lễ và lần lượt theo thứ tự được quy định trong lễ diễu
hành (có thể chọn những em đi đầu là những em tiêu biểu trong học tập và rèn
luyện hoặc con liệt sĩ).
- Đội danh dự đứng hai bên cánh gà của lễ đài cùng với đội trống cờ được
sắp xếp theo quy định của nghi thức Đội.
- Chuẩn bị lời đọc trong lễ dâng hương.
b. Diễn biến của buổi lễ:
- Tuyên bố lí do, giới thiệu thành phần đại biểu đến viếng.
- Chào cờ Đội (theo nghi thức)
- Đọc lời dâng hương.
- Đại biểu lão thành cách mạng hoặc đại diện cho Đảng, chính quyền lên
phát biểu và nhắc nhở các em phát huy truyền thống của cha anh để học tập và rèn
luyện tốt hơn.
- Các lớp, các chi đội báo công trước nghĩa trang.
- Đại diện đội viên lên hứa và tuyên thề trước hương hồn cá anh hùng liệt sĩ.
- Người điều khiển phân công các đơn vị đi thắp hương, đặt hoa, nhổ cỏ,
quét vôi, sửa sang từng ngôi mộ và toàn bộ nghĩa trang.
Đại biểu và các em trở về vị trí tập kết ban đầu. ổn định đội hình xong,
người điều khiển chương trình mời Tổng phụ trách lên nhận xét, đánhgiá kết quả
của buổi viếng nghĩa trang, biểu dương những tập thể và cá nhân làm tốt, nhắc nhở
những tập thể và cá nhân có việc làm chưa tốt. Sau đó Tổng phụ trách cám ơn đại
biểu, tuyên bố kết thúc buổi lễ.
2. Tham quan truyền thống
Tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, viện bảo tàng, nhà lưu
niệm để giáo dục truyền thống cho thiếu nhi là một phương pháp giáo dục rất có
hiệu quả. Để kết quả được như mong muốn, thầy cô giáo và cá anh chị phụ trách
cùng BCH Đội cần phải thực hiện các bước sau đây.
a. Công tác chuẩn bị:
- Chọn thời điểm tham quan là dịp kỉ niệm các ngày lễ lớn, ngày hè hoặc mở
đầu, kết thúc một đợt sinh hoạt chủ đề, chủ điểm.
- Xác định địa điểm tham quan và thời gian.
- Thiết kế nội dung và chương trình cuộc tham quan và công việc quan trọng
nhất, quyết định nhất cho cuộc tham quan. Vì vậy, phải chọn cử người có kả năng
tổ chức cũng như hiểu biết tốt về chuyên môn để làm việc này.
- Cử người đi tiền trạm liên hệ nơi ăn, ở, sinh hoạt cùng toàn bộ nội dung
cuộc tham quan.
- Chuẩn bị đồ dùng cá nhân và những phương tiện, điều kiện cho tập thể lên
đường, sinh hoạt tập thể, ăn uống, ngủ nghỉ...
- Thông báo cho phụ huynh và có sự phối hợp ủng hộ, tranh thủ sự giúp đỡ
của họ.
b. Lên đường đi tham quan:
- Phổ biến nội quy đi đường và phát lệnh hành quân (tổ chức các hoạt động
văn hoá, văn nghệ, vui chơi giải trí trên đường đi).
- Đến địa điểm tham quan để cá em nghỉ 15 phút nhận địa điểm cắm trại hoặc
nơi nghỉ (tuỳ điều kiện từng nơi mà có những phương án khác nhau).
Theo sự hướng dẫn của nơi tham quan, người tổ chức cho các em xếp hàng
theo thứ tự, nghe giới thiệu của hướng dẫn viên. Khi nghe giới thiệu, các em có thể
đặt ra những câu hỏi để tìm hiểu, làm rõ thêm nội dung kiến thức được học tại
trường, hướng dẫn viên sẽ giải thích, bổ sung những yêu cầu của các em. Nhìn
thấy hiện vật, vừa nghe, vừa ghi chép những nội dung mới mẻ, thậm chí chụp
những bức ảnh lưu niệm làm tài liệu lưu trữ sẽ giúp các em học tập và củng cố kiến
thức một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Lưu ý: Nếu số lượng các em tham gia cuộc tham quan quá đông nên chia
thành các nhóm nhỏ để nghe người hướng dẫn thuyết minh, để các em có điều kiện
ghi chép và học tập tốt hơn.
c. Kết thúc cuộc tham quan:
Sau khi đã hoàn thành toàn bộ chương trình và nội dung của cuộc tham
quan, Ban tổ chức nên có quyết định kết thúc đúng thời gian dự kiến. Sau cuộc
tham quan nên bố trí thời gian để các em viết thu hoạch những điều sâu sắc nhất
hoặc tổ chức cuộc thi kể lại các nội dung lịch sử truyền thống mà cá em thu lượm
được từ cuộc tham quan.
3. Thi viết báo tường truyền thống
Báo tường đã có từ lâu trong nhà trường, góp phần không nhỏ trong quá
trình tự giáo dục của học sinh; đồng thời, báo tường còn là hoạt động đầy sức sống
trong phong trào thi đua, tu dưỡng, rèn luyện của Đội.
a) ý nghĩa
- Báo tường là nơi trao đổi tâm tư tình cảm của một tập thể thiếu nhi, giúp
các em hiểu nhau, gắn bó, sống hoà đồng.
- Báo là điểm tụ hội tình cảm ý nghĩ, nguyện vọng của trẻ em về những vấn
đề các em quan tâm.
- Mỗi bài báo là một gương mặt, phản ánh rõ nét đặc điểm, cá tính, suy nghĩ,
độ trưởng thành của mỗi đội viên.
- Báo tường là sản phẩm của lao động trí tuệ trẻ thơ, khẳng định vị trí xã hội
của một tập thể thiếu nhi, góp phần vào quá trình tự giáo dục của cộng đồng trẻ
thơ.
b) Tác dụng
- Qua tờ báo tường, giáo viên và người phụ trách có thể đánh giá được năng
lực chung của cả tập thể chi đội và hiểu rõ cá tính, đặc điểm của từng em.
- Viết báo giúp trẻ em rèn luyện khả năng tổng hợp và khái quát cũng như
nâng cao nhận thức.
- Tạo nên cảm nhận mới của các em với các vấn đề xã hội và cuộc sống, xoá
bỏ thái độ thờ ơ, bàng quan, hưởng thụ và thiếu trách nhiệm.
- Giúp các em nắm được cách thức tổ chức công việc, phân công lao động
trong tập thể.
- Một tờ báo tường đẹp, nộidung tốt có dụng giáo dục đức, trí, thẩm mĩ cho
trẻ em.
- Báo tường duy trì ra đều kì sẽ là diễn đàn tập thể biểu dương những tồn tại,
góp phần xây dựng chi đội thành một tập thể tiên tiến.
c) Phương pháp hướng dẫn thiếu nhi làm báo tường
* Thiết kế hoạt động báo tường
Hoạt động báo tường có vai trò rất lớn trong sinh hoạt của Đội nhưng không
phải khi nào tổ chức cũng thu được kết quả tốt. Ban tổ chức cần tính toán, xếp đặt
một chương trình cho hoạt động báo tường, căn cứ vào những hoạt động chung của
đơn vị.
- Báo tường chỉ trở thành một hoạt động thật sự hiệu quả khi các em đã có
những nhận thức và trình độ hiểu biết nhất định.
- Xây dựng kế hoạch, phát động và chấm thi báo tường cần tập trung vào
những dịp thi đua lớn, nhân những ngày lễ lớn trong năm.
- Báo tờ lớn nên ra vào dịp kỉ niệm trong năm; mỗi học kì chỉ nên ra từ 1
đến 2 số.
* Hướng dẫn viết báo tường
- Cần khai thác cá khía cạnh, cá chi tiết của đề tài một cách sâu rộng và
phong phú để các em lựa chọn.
- Giúp các em tìm chọn những khía cạnh của đề tài gần gũi với chủ đề hoạt
động Đội để các em xác định nội dung cho bài báo của mình.
- Khai thác các chi tiết của đề tài một cách sáng tạo, làm giàu tri thức của
các em, “chắp cánh” cho các em có khả năng sáng tác.
- Cần bắt đầu việc triển khai đề tài từ những khía cạnh tình cảm giúp các đội
viên nhận thức mau vấn đề, tạo nên xúc cảm làm nguồn cảm hứng sáng tác.
- Tìm hiểu khả năng, hoàn cảnh của từng em để gợi mở các vấn đề thích
hợp, giúp các em suy nghĩ tìm tòi các khía cạnh của đề tài bộc lộ cảm nghĩ cá
nhân, biểu đạt bằng lời văn thành một bài viết hoàn chỉnh.
* Một số điểm cần lưu ý
- Trao đổi kĩ để các em tránh lối viết gượng ép, thiếu tình cảm.
- Em nào có năng khiếu thơ nên khuyến khích làm thơ; em nào có năng
khiếu hội hoạ thì khuyến khích vẽ; em nào có khả năng suy nghĩ bình luận thì viết
bài phát biểu cảm tưởng; em nào có năng khiếu sáng tác thì viết truyện ngắn hoặc
tiểu phẩm,...
- Với những em có hoàn cảnh riêng đặc biệt khi đi vào những mảng đề tài có
liên quan cần hết sức tế nhị, tránh không làm tổn thương tình cảm của các em.
- Cần dựa vào các giáo viên văn, hoạ, nhạc, hướng dẫn các em viết bài, giúp
các em hiểu biết về kết cấu hoàn chỉnh của một bài báo, cách đưa tin, cách sáng
tác, cách trang trí, bố cục có mĩ thuật...
- Ngoài những mảng bài về tâm tư tình cảm, suy nghĩ ngây thơ trong sáng
của trẻ thơ nên có những bài viết trao đổi về phương pháp học tập, gương mặt điển
hình, giới thiệu những bài tập khó, đố vui luyện trí thông minh...
- Trong một số báo nên có những chuyên mục khác nhau nhưng vẫn nằm
trong tầm bao quát của chủ đề để tạo nên sự phong phú, hấp dẫn, thu hút các em
tham gia đông đảo.

* Tập huấn các tổ báo tường


Một số báo không phải đơn thuần chỉ là một tập thu gom của những bài báo, nó
phải có sự gia công đầy trách nhiệm của một nhóm chuyên trách làm báo.
- Mỗi chi đội nên có từ 5 đến 7 em trong tổ báo tường, tốt nhất có 2-3 em có
năng khiếu vănhọc, thơ nhạc, 3 - 4 em có năng khiếu trang trí mĩ thuật và chữ đẹp.
- Việc tập huấn nên chia làm hai nhóm là nhóm biên tập nội dung và nhóm
trình bày mĩ thuật.
- Tập huấn biên tập về cá nội dung sau:
+ Chọn lựa, bỏ những bài quá yếu kém.
+ Những bài cần sửa nhiều nên trao đổi để tác giả tự chữa với sự góp ý của
nhóm biên tập.
+ Nhóm biên tập chỉ nên sửa những bài ít lỗi.
+ Chú ý có 3 loại lỗi cần sửa: lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp, lối diễn ý quá rối
rắm, cầu kì.
+ Không can thiệp và sửa đổi cách nghĩ thơ ngây hồn nhiên của các em đội viên,
không làm già cỗi và gò các em theo lối lập luận khô cứng của người lớn.
+ Nếu số báo có cả văn thơ, nhạc, câu đối, nụ cười và tranh phê bình thì hết
sức hấp dẫn.
+ Sắp xếp thứ tự để các bài tạo nên một mối quan hệ lôgic phục vụ cho chủ
đề đặt ra.
+ Lưu ý sửa gọn các đầu bài cho giàu sức truyền cảm.
+ Lựa chọn đầu báo ngắn gọn và hấp dẫn cũng là việc đáng lưu ý. Tốt nhất
là có khoảng 2 - 3 âm tiết giàu biểu cảm: “Hoa phấn”, “Phượng hồng”, “Đốm
lửa”...
+ Tránh những đầu báo nhàm chán, sáo rỗng, lặp đi lặp lại.
+ Thiết kế bố cục các thứ tự chuyên mục trong số báo tạo nên một tổng thể
hoàn chỉnh.
+ Nhóm biên tập nên chọn hoặc viết một bài chính luận thể hiện rõ ý định
của tập thể khi cho số báo ra đời.

4. Hội trại truyền thống


Hội trại truyền thống là hình thức thích hợp trong việc giáo dục truyền
thống. Trong hội trại có thể tổ chức các trò chơi dân tộc, thi hát dân ca, dạ hội hoá
trang thể hiện các trang phục của 54 dân tộc khác nhau, thi đấu các môn thể thao
dân tộc, đêm lửa trại để hướng mọi suy tư của bạn trẻ về cội nguồn dân tộc.
Để tổ chức thành công một cuộc cắm trại cho thiếu nhi dưới bất kì hình thức
nào dù lớn hay nhỏ đều đòi hỏi người tổ chức, điều hành phải có phương pháp và
cách tiến hành theo một chương trình, kế hoạch nhất định.
a. Công tác chuẩn bị
- Chuẩn bị kế hoạch và chương trình hoạt động:
Kế hoạch và chương trình hoạt động phải được xây dựng sớm, trong đó phải
xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung của cuộc cắm trại này là gì? Số nhiếu nhi
tham gia là bao nhiêu, thời gian để đi trại là bao lâu, địa điểm gần hay xa và những
điều kiện khác cần có?
Bản kế hoạch phải bắt đầu từ sự dự kiến, sau đó là tư vấn với các em cùng
những người có liên quan để cùng đóng góp và xây dựng.
- Khảo sát và chuẩn bị lựa chọn một địa điểm cắm trại tốt:
Yêu cầu về địa điểm:
+ Nơi lựa chọn phải dựng được lều và có thể tổ chức tốt các hoạt động theo
chương trình kế hoạch đề ra.
+ Quang cảnh đẹp và tính giáo dục.
+ Có bóng mát, có nước sinh hoạt và gần trục giao thông thuận cho việc đi lại.
+ Được địa phương nhất trí ủng hộ.
Thực tế, chọn được một địa điểm lí tưởng không hề đơn giản, vì vậy, Ban tổ
chức trại căn cứ vào từng địa phương mà chọn địa điểm cho thích hợp.
- Thành lập ban tổ chức trại, bao gồm:
+ Trại trưởng: là người phụ trách và quán xuyến công việc chung của trại và
công tác thi đua.
+ Trại phó: phụ trách các hoạt động, là người trực tiếp điều hành, phân công
và tổ chức các hoạt động của trại.
+ Trại phó: phụ trách đời sống của trại cùng những cơ sở vật chất, điều kiện
và phương tiện cho hoạt động.
+ Uỷ viên: phụ trách các tiểu ban, các hoạt động cụ thể của trại.
- Chuẩn bị chương trình hoạt động:
Xây dựng được một hoạt động trại tốt là đảm bảo một mức độ nhất định cho
thành công. Toàn bộ nội dung, chương trình hoạt động phải căn cứ vào mục đích,
yêu cầu, thời gian của cuộc trại.
Chương trình hoạt động nhất thiết phải phù hợp với đặc điểm lứa tuổi học
sinh. Nội dung các hoạt động khác nhau phải được chi tiết hoá về thời gian, vật
chất, người phụ trách, địa điểm... Chương trình phải có mở đầu và kết thúc đảm
bảo tính liên tục, có hệ thống. Để đảm bảo cho cuộc trại thành công, toàn bộ nội
dung chương trình cần được các em tham gia bàn bạc và góp ý kiến quyết định.
- Chuẩn bị những điều kiện và phương tiện phục vụ trại:
Đối với mỗi cá nhân: cần chuẩn bị quần áo, khăn mặt, bàn chải, kem đánh
răng, áo mưa, mũ, bát, giấy bút...
Đối với tập thể: chuẩn bị lều, bạt, trống, cờ, các dụng cụ thể dục thể thao, túi
thuốc cứu thương, loa đài và các dụng cụ ăn uống, sinh hoạt.
b. Dựng lều
Để dựng được một chiếc lều, trước hết Ban tổ chức phải chuẩn bị các vật
dụng cần thiết. Đội viên trực tiếp dựng lều phải thành thạo các bước dựng lều (cần
khoảng 6 đến 8 em).
c. Các hoạt động chủ yếu tại trại
Một cuộc đia trại của các em có ấn tượng nhiều hay ít sẽ phụ thuộc rất nhiều
vào các hoạt động tại trại. Hoạt động này bao gồm từ khi đến địa điểm cắm trại cho
đến lúc nhổ trại ra về. Ngoài những phần nghi lễ, thủ tục thì những hoạt động chủ
yếu tại trại bao gồm:
- Tổ chức các cuộc thi:
+ Thi dựng lều và trang trí lều trại:
Tuỳ theo từng cuộc cắm trại mà thiết kế thi dựng lều nhanh được tiến hành
ngay sau giờ nghỉ của cuộc tập kết. Thi dựng lều nhanh là nmột hoạt động hấp dẫn,
được các em thiếu nhi thích thú. Hoạt động này có tác dụng thu hút tất cả các thành
viên tham gia. Tiêu chuẩn để đánh giá nội dung này là: nhanh nhất, đúng kĩ thuật
nhất, đẹp và chắc nhất.
Sau cuộc thi dựng lều nhanh nên tổ chức hoạt động tiếp theo là trang trí trại
đẹp. Đây là một hoạt động huy động sức mạnh, sự sáng tạo và khéo léo của cả đơn
vị, bao gồm trang trí để nổi bật chủ đề trại, tên đơn vị, trang trí từ cổng, vườn, ao
đến bên trong trại... Tiêu chuẩn để đánh giá đó là: chắc chắn, đẹp mắt, hài hoà và
sáng tạo từ cây cỏ thiên nhiên và bàn tay khéo léo của các đội viên.
+ Thi tổ chức các trò chơi: Đây là một hoạt động vô cùng hấp dẫn, thu hút
và lôi cuốn tất cả các em cùng tham gia. Tuỳ theo trình độ và khả năng của các em
thiếu nhi mà thiết kế các trò chơi các nhau. Nội dung của các trò chơi gắn với chủ
đề trại và tình hình thời sự, chính trị - xã hội đang diễn ra. Nên tăng cường tổ chức
hoạt động này, đặc biệt các trò chơi dân gian và các trò chơi lớn nhằm giáo dục
truyền thống và bản sắc văn hoá dân tộc cho các em thiếu nhi.
+ Thi thể dục thể thao: là một hoạt động có nhiều nội dung khác nhau, có
hoạt động do cá nhân tham gia (bóng bàn, cầu lông...), có hoạt động huy động sức
mạnh của nhiều người (bóng đá, bóng chuyền, kéo co, đồng diễn thể dục buổi
sáng, thể dục nhịp điệu...). Tất cả các hoạt động này đều phụ thuộc vào điều kiện
sân bãi, các phương tiện và điều kiện phục vụ cho hoạt động đó. Vì vậy, tuỳ theo
những điều kiện cụ thể của nơi cắm trại mà có thể tổ chức loại hình nào cho phù
hợp. Tuy nhiên, cần coi trọng các hoạt động mang tính tập thể nhằm động viên và
khích lệ phong trào.
+ Thi văn hoá, văn nghệ: văn hoá, văn nghệ là một nội dung thường
xuyênđược tổ cứhc trong các trại. Ngoài ý nghĩa giao lưu, học hỏi, kết bạn, văn hoá
văn nghệ còn là nhu cầu không thể thiếu để tạo nên không khí vui tươi và hấp dẫn
thiếu nhi. Trong trại loại hình này rất dễ được thể hiện và thu hút các em tham gia.
Các thể loại văn hoá, văn nghệ như: thi kể chuyện lịch sử, thi nét đẹp đội viên, thi
thể hiện nét văn hoá truyền thống, thơ, ca, hò, vè, kịch, vũ... Tất cả các hoạt động
này đều có sự chuẩn bị và đăng kí tham gia cuộc thi. Ban giám khảo phải là những
người am hiểu chuyên môn để giúp ban tổ chức đánh giá khách quan, công bằng
các tiết mục tham gia thi của các em.
+ Thi nghiệp vụ công tác Đội: Nghi thức và các hoạt động nghiệp vụ của
Đội với một nội dung phong phú, nhằm phục vụ cho những hoạt động và nâng cao
chất lượng hoạt động của đội viên và tổ chức Đội; vì thế cần lựa chọn nội dung thi
phù hợp, có tác dụng giáo dục. Trong mỗi cuộc cắm trại phần thi nghiệp vụ và nghi
thức Đội thường được tiến hành đan xen với các hoạt động khác, thời gian cần lựa
chọn và tính toán cho phù hợp với tình hình cụ thể của trại và chỉ nên chọn một
đến hai nội dung cơ bản để thi. Ví dụ: thi đánh trống hoặc thi đội hình, đội ngũ
hoặc chỉ thị những yêu cầu của đội viên trong toàn bộ phần nghi thức Đội.
- Tổ chức lửa trại: Lửa trại là một hình thức hoạt động được các em thiếu nhi
ưa thích. Tổ chức tốt một đêm lửa trại sẽ có tác dụng giáo dục rất sâu sắc với thiếu
nhi. Đêm lửa trại thường được tổ chức vào thời gian cuối của kì trại và cũng là
đêm chia tay. Bằng các hoạt động đa dạng phong phú: ca hát, múa vui, thơ, hò, vè,
kịch, tấu, trò chơi nhỏ... các em sẽ đoàn kết, gắn bó nhau hơn sau những ngày trại
bổ ích lí thú.
+ Chuẩn bị lửa trại:
. Địa điểm để tổ chức lửa trại là nơi cao ráo, sạch sẽ, có quang cảnh đẹp
. Có đủ chỗ cho khán giả xem và động viên;
. Đảm bảo là nơi an toàn khi lửa cháy đến lúc kết thúc.
+ Yêu cầu về nội dung và chương trình lửa trại:
. Phải có thiết kế chi tiết, có mục đích và những yêu cầu rõ ràng.
. Các tiết mục tham gia hướng vào chủ đề và phong phú về hình thức.
. Chương trình phải đảm bảo tính liên tục của nội dung, tạo nên những yếu tố
bất ngờ, hấp dẫn và đỉnh cao khhi hoạt động đã đạt được những mục tiêu đề ra.
+ Chương trình lửa trại:
. ổn định tổ cứhc, ổn định vị trí của trại sinh, khách mời, âm thanh.
. Khai mạc của trại trưởng.
. Trại trưởng châm lửa.
. Hát bài ca đêm lửa trại, trại viên nhảy múa, hát ca, băng reo, tạo nên không
khhí vui tươi, phấn khởi.
. Phần nội dung chính: là các tiết mục đóng góp của các đơn vị với các thể
loại khác nhau (mỗi tiết mục khaỏng 10 phút).
. Hoạt động vui chơi, băng reo xen kẽ các tiết mục trên.
. Kết thúc khi tàn lửa: trại trưởng nhắc nhở và động viên các em để sau đêm
lửa trại các em sẽ nhớ mãi, quyết tâm học tập và rèn luyện tốt hơn.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3
Những điểm lần lưu ý khi lựa chọn các hình thức sinh hoạt giáo dục truyền
thống theo chủ điểm
1. Hình thức sinh hoạt giáo dục truyền thống theo chủ điểm phải phù hợp
với ý nghĩa ngày lễ. Đây là khâu đầu tiên quan trọng, quyết định thành công trong
quá trình thiết kế các hình thức sinh hoạt giáo dục truyền thống.
2. Hình thức sinh hoạt giáo dục truyền thống theo chủ điểm phải phù hợp
với đặc điểm lứa tuổi và tâm lí đội viên
Trong quá trình tổ chức sinh hoạt giáo dục truyền thống cần phải lựa chọn,
nội dung, phương tiện, phương pháp tổ chức phù hợp với những đặc điểm, diễn
biến của quá trình nhận thức, xúc cảm, ý chí hành động của lứa tuổi thiếu nhi; phù
hợp với nhu cầu, nguyện vọng; phù hợp với giới tính của đội viên tham gia hoạt
động.
Dựa vào đặc điểm lứa tuổi, Đội TNTP Hồ Chí Minh đã thống nhất chia làm
3 loại đội viên như sau:
- Đội viên nhỏ tuổi: Từ 9 đến 10 tuổi (lớp 4, 5)
- Đội viên tuổi vừa: Từ 11 đến 12 tuổi (lớp 6, 7)
- Đội viên lớn tuổi: Từ 13 đến 15 tuổi (lớp 8, 9)
Đặc điểm cá nhân đội viên, thiếu nhi cũng là vấn đề cần chú ý để thiết kế,
xây dựng và tổ chức sinh hoạt đội sao cho phù hợp. Đặc điểm cá nhân ở đây bao
gồm: giới tính hoàn cảnh, môi trường sống, sức khoẻ, cá tính... Không thể có một
hoạt động cụ thể nào đó thích hợp với cả đội viên ở thành thị và đội viên nông
thôn, đội viên bình thường và đội viên khuyết tật, đội viên sức khoẻ tốt và đội viên
sức khoẻ không tốt... Càng không nên tổ chức hoạt động nào đó khi trong đó có cả
đội viên nhỏ tuổi và đội viên lớn tuổi cùng tham gia mà không đặt ra các mức độ
hoạt động và yêu cầu cần đạt được của từng lứa tuổi.
3. Hình thức sinh hoạt giáo dục truyền thống theo chủ điểm phải hợp lí về
thời gian, địa điểm tổ chức.
Lưu ý: Một ngày lễ kỉ niệm có nhiều mô hình giáo dục truyền thống khác nhau.
Chủ đề 3: Quy trình tổ chức các loại hình
sinh hoạt chi đội (3 tiết)
1. Hoạt động
Hoạt động 1: Quy trình tổ chức sinh hoạt chi đội thường kì (45 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 1: [1; tr 55– 56], [2; tr 39- 42], [3; tr 110– 124]
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Xác định các bước cơ bản của một buổi sinh hoạt chi đội
thường kì (10phút)
+ Thảo luận nhóm
+ Sinh hoạt chi đội thường kì được tiến hành theo các bước cơ bản nào?
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu nội dung các bước tiến hành một buổi sinh hoạt chi
đội thường kì (35 phút)
+ Phân tích, giảng giải về nội dung các bước tiến hành một buổi sinh hoạt
chi đội thường kì.
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi 1: Trình bày các bước cơ bản của một buổi sinh hoạt chi đội
thường kì.
- Câu hỏi 2: Trình bày nội dung các bước của chương trình sinh hoạt chi đội
thường kì.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 147 - 148 của giáo trình.
Hoạt động 2: Quy trình tổ chức sinh hoạt chi đội theo chủ điểm (45 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 2: [1; tr 55 – 56], [3; tr 110 – 124]
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Xác định các bước của một buổi sinh hoạt chi đội theo chủ
điểm (15 phút)
+ Giáo viên phát vấn, học sinh nêu các bước cơ bản của một buổi sinh hoạt
chi đội theo chủ điểm.
+ Giáo viên hệ thống các bước của một buổi sinh hoạt chi đội theo chủ điểm.
- Nhiệm vụ 2: So sánh hai loại hình sinh hoạt Đội (sinh hoạt chi đội thường
kì và sinh hoạt chi đội theo chủ điểm) (15 phút)
+ Giáo viên hướng dẫn học sinh so sánh (sự giống nhau và khác nhau) giữa
2 loại hình sinh hoạt chi đội.
* Đánh giá hoạt động 2
- Câu hỏi 1: Em hãy trình bày các bước của một buổi sinh hoạt chi đội
thường kì.
- Câu hỏi 2: Em hãy trình bày các bước của một buổi sinh hoạt chi đội theo
chủ điểm.
- Câu hỏi 3: Em hãy so sánh sinh hoạt chi đội theo chủ điểm và sinh hoạt chi
đội thường kì.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 148 - 149 của giáo trình.
Hoạt động 3: Quy trình tổ chức sinh hoạt chi đội theo chuyên đề và sinh hoạt
chi đội đột xuất (45 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 3: [1; tr 57 – 63], [3; tr 110 – 124]
* Nhiệm vụ của hoạt động
- Nhiệm vụ 1: Xác định nội dung sinh hoạt theo chuyên đề và đột xuất (20
phút)
+ Chia 2 nhóm thảo luận đưa ra nội dung của buổi sinh hoạt chi đội theo
chuyên đề và sinh hoạt chi đội đột xuất.
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu nội dung sinh hoạt theo chuyên đề và hoạt động đột
xuất (15phút)
+ Hướng dẫn học sinh xác định nội dung của loại hình sinh hoạt chi đội.
- Nhiệm vụ 3: Tổng hợp, kết luận ( 15phút)
* Đánh giá hoạt động 3
- Câu hỏi: Em hãy nêu trình tự của buổi sinh hoạt chi đội theo chuyên đề và
sinh hoạt chi đội đột xuất.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3: Xem trang 149 - 150 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
Chưương trình sinh hoạt chi đội thưường kì
1. Mở đầu:
- Đón đại biểu: Sau khi đã tập dượt các nội dung chu đáo, BCH Đội
mời đại biểu dự buổi sinh hoạt (Hát tập thể).
- Chào cờ (hát Quốc ca, Đội ca, hô đáp khẩu hiệu Đội)
- Tuyên bố lí do, giới thiệu đại biểu
2. Nội dung chính
- Sơ kết công tác: nêu lại công việc của tháng, đánh giá mức độ hoàn thành
từng việc, có khen chê, thưởng, phạt; rút kinh nghiệm, bàn biện pháp thực hiện các
công việc chưa làm được; xây dựng kế hoạch cho tháng tới.
- Phổ biến nhiệm vụ mới: BCH Đội phổ biến tới toàn thể đội viên trọng tâm
công tác trong tháng, phân công nhiệm vụ và nêu kế hoạch, tiến độ biện pháp thực
hiện.
- Đội viên góp ý, thảo luận: đội viên trong chi đội bàn bạc về các vấn đề nêu
ra trong báo cáo và kế hoạch tháng, cùng nhau thảo luận để phát huy ưu điểm, tìm
biện pháp khắc phục những tồn tại nhằm thúc đẩy hoạt động của chi đội phát triển.
- Hoạt động: văn nghệ, trò chơi, đố vui... Để không khí buổi sinh hoạt trở
nên vui vẻ, thu hút các đội viên tham gia một cách sôi nổi, tích cực, trong chương
trình nên tổ chức đan xen các hoạt động.
- Đại biểu phát biểu: góp ý, nhắc nhở những thiếu sót của chi đội, động viên
khích lệ tinh thần hăng hái tích cực và ý thức trách nhiệm của các em đội viên.
- Cảm ơn đại biểu
3. Kết thúc
- Rút kinh nghiệm: BCH Đội điều hành, rút kinh nghiệm để những lần sinh
hoạt sau sẽ tốt hơn, động viên các bạn tích cực phát biểu, thảo luận chất lượng hơn
nữa.
- Dặn dò buổi sinh hoạt sau: BCH Đội dặn dò các bạn đội viên chuẩn bị nội
dung, cơ sở vật chất cho buổi sinh hoạt lần sau.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
Các bưước sinh hoạt chi đội theo chủ điểm
1. Mở đầu
- Đón đại biểu (hát tập thể)
- Chào cờ truyền thống (hát Quốc ca, Đội ca, hô đáp khẩu hiệu Đội, phút
sinh hoạt truyền thống). Thông qua phút sinh hoạt truyền thống ôn lại truyền thống
tốt đẹp của dân tộc(ví dụ chủ điểm 15/5: phút sinh hoạt truyền thống sẽ ôn lại
những trang sử vẻ vang, tự hào của tổ chức Đội; chủ điểm chào mừng ngày 20/11:
phút sinh hoạt truyền thống sẽ ôn lại truyền thống hiếu học, truyền thống tôn sư
trọng đạo của Việt Nam) và thể hiện tình cảm, lòng biết ơn và ý thức trách nhiệm
của các em đội viên đối với các thế hệ cha ông.
- Tuyên bố lí do, giới thiệu đại biểu
2. Nội dung chính
- Báo cáo thành tích chi đội: nêu những công việc chi đội đã hoàn thành xuất
sắc.
- Tìm hiểu theo chủ đề (của tháng) thông qua trò chơi, thi các phân đội, câu
hỏi, đố vui...
- Hoạt động: Văn nghệ, trò chơi, múa hát... theo chủ điểm Để không khí
buổi sinh hoạt trở nên vui vẻ, thu hút các đội viên tham gia một cách sôi nổi, tích
cực, trong chương trình nên tổ chức đan xen các hoạt động theo chủ điểm (theo
tháng).
- Đại biểu phát biểu: góp ý, nhắc nhở những thiếu sót của chi đội, động viên
khích lệ tinh thần hăng hái tích cực và ý thức trách nhiệm của các em đội viên.
- Cảm ơn đại biểu (hát tập thể)
3. Kết thúc
- Rút kinh nghiệm: BCH Đội điều hành, rút kinh nghiệm để những lần sinh
hoạt sau sẽ tốt hơn, động viên các bạn tích cực phát biểu, thảo luận chất lượng hơn
nữa.
- Dặn dò buổi sinh hoạt sau: BCH Đội dặn dò các bạn đội viên chuẩn bị nội
dung, cơ sở vật chất cho buổi sinh hoạt sau.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3
Chưương trình sinh hoạt chi đội chuyên đề
1. Mở đầu
- Đón đại biểu: Sau khi đã tập dượt các nội dung chu đáo, BCH Đội mời đại
biểu dự buổi sinh hoạt (Hát tập thể).
- Chào cờ (hát Quốc ca, Đội ca, hô đáp khẩu hiệu Đội)
- Tuyên bố lí do, giới thiệu đại biểu
2. Nội dung chính
- Đặt vấn đề: nói đến sự cần thiết và bổ ích của chuyên đề đối với mỗi đội
viên; ý nghĩa của chuyên đề đối với mỗi cá nhân trong việc học tập rèn luyện; ý
nghĩa của chuyên đề với cả chi đội.
- Đội viên góp ý, thảo luận: đội viên trong chi đội bàn bạc về vấn đề nêu ra,
cùng nhau thảo luận để phát huy ưu điểm, tìm biện pháp khắc phục những tồn tại
nhằm thúc đẩy hoạt động của chi đội phát triển.
- Hoạt động: văn nghệ, trò chơi, đố vui, tiểu phẩm, kịch ngắn... Để không
khí buổi sinh hoạt trở nên vui vẻ, thu hút các đội viên tham gia một cách sôi nổi,
tích cực, trong chương trình nên tổ chức đan xen các hoạt động. Hình thức của các
hoạt động nhằm nêu bật nội dung của chuyên đề.
- Đại biểu phát biểu: góp ý, nhắc nhở những thiếu sót của chi đội, động viên
khích lệ tinh thần hăng hái tích cực và ý thức trách nhiệm của các em đội viên.
- Cảm ơn đại biểu
3. Kết thúc
- Rút kinh nghiệm: BCH Đội điều hành, rút kinh nghiệm để những lần sinh hoạt
sau sẽ tốt hơn, động viên các bạn tích cực phát biểu, thảo luận chất lượng hơn nữa.
- Dặn dò buổi sinh hoạt sau: BCH Đội dặn dò các bạn đội viên chuẩn bị nội
dung, cơ sở vật chất cho buổi sinh hoạt lần sau.
Chưương trình sinh hoạt chi đội đột xuất
1. Mở đầu
- Đón đại biểu: Sau khi đã tập dượt các nội dung chu đáo, BCH Đội mời đại
biểu dự buổi sinh hoạt (Hát tập thể).
- Tuyên bố lí do, giới thiệu đại biểu
2. Nội dung chính
- Phổ biến nhiệm vụ đột xuất của chi đội: Nhiệm vụ đột xuất, là những thông
tin mới nhận như: ủng hộ đồng bào vùng lũ; xảy ra mất mát hoặc gặp sự cố gì đó
trong chi đội...
- Đội viên góp ý, thảo luận: đội viên trong chi đội bàn bạc, tìm biện pháp
giải quyết vấn đề kịp thời, khẩn trương.
- Đại biểu phát biểu: góp ý, nhắc nhở những thiếu sót của chi đội, động viên
khích lệ tinh thần hăng hái tích cực và ý thức trách nhiệm của các em đội viên.
- Cảm ơn đại biểu
3. Kết thúc
- Rút kinh nghiệm: BCH Đội điều hành, rút kinh nghiệm để những lần sinh
hoạt sau sẽ tốt hơn, động viên các bạn tích cực phát biểu, thảo luận chất lượng hơn
nữa.
- Dặn dò buổi sinh hoạt sau: BCH Đội dặn dò các bạn đội viên chuẩn bị nội
dung, cơ sở vật chất cho buổi sinh hoạt lần sau.
Chủ đề 4: Phương pháp thiết kế
sinh hoạt chi đội theo chủ điểm (3 tiết)
1. Hoạt động
Hoạt động 1: Hướng dẫn thiết kế sinh hoạt chi đội theo chủ điểm:
“Mừng sinh nhật Bác” (45 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 1: [1; tr 57 – 63], [3; tr 110 – 124]

* Nhiệm vụ của hoạt động 1


- Nhiệm vụ 1: Lựa chọn các hình thức và nội dung để tổ chức sinh hoạt chi
đội theo chủ điểm (25 phút)
+ Giáo viên phát vấn, học sinh trả lời, GV tổng hợp, kết luận.
- Nhiệm vụ 2: Hướng dẫn thiết kế theo mẫu thiết kế (20 phút)
* Đánh giá hoạt động 1
Bài tập : Em hãy thiết kế buổi sinh hoạt chi đội theo chủ điểm “Mừng sinh
nhật Bác”.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 151 - 154 của giáo trình.
Hoạt động 2: Thực hành thiết kế theo chủ điểm: “Mừng sinh nhật Bác” (45 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 1: [1; tr 57 – 63], [3; tr 110 – 124]
* Nhiệm vụ của họat động 1
- Nhiệm vụ 1: Hướng dẫn học sinh xem băng mẫu về sinh hoạt chi đội theo
chủ điểm và củng cố kiến thức (10 phút)
+ Giáo viên phát vấn, học sinh trả lời, GV tổng hợp, kết luận.
- Nhiệm vụ 2: Tổ chức thực hành thiết kế sinh hoạt chi đội theo chủ điểm
“Mừng sinh nhật Bác” (35phút)
* Đánh giá hoạt động 1
- Bài tập: Em hãy tự thiết kế buổi sinh hoạt chi đội theo chủ điểm “Mừng
sinh nhật Bác”.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 154 - 157 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
1. Đặt tên cho thiết kế
- Đảm bảo chủ đề chính
- Ngắn gọn, phù hợp với lứa tuổi
- Để thu hút và tập hợp các bạn vào các hoạt động một cách hấp dẫn thì đòi
hỏi BCH chi Đội cần có năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn cho các đội viên,
phải biết thiết kế hoạt động, tổ chức thực hiện thiết kế.
- Thiết kế hoạt động là sự lựa chọn về nội dung và hình thức và phưương
pháp giáo dục nhằm tạo ra một mô hình hoạt động và tổ chức thực hiện một yêu
cầu giáo dục nhất định.
- Phải đảm bảo trình tự khoa học, lôgic. Phải có mở đầu và kết thúc, xác
định đâu là khâu quan trọng và quan trọng nhất của toàn bộ quá trình thực hiện.
- Hoạt động được diễn ra vào thời gian nào, toàn bộ thời gian hoạt động là
bao nhiêu, thời gian cho từng phần việc là bao nhiêu… cần đưược cụ thể hóa trong
quá trình xây dựng thiết kế.
- Thiết kế phải phù hợp với đối tưượng về khả năng trình độ và đặc biệt là sức
khỏe. Thiết kế hoạt động phải gắn chặt và phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị,
xã hội của đơn vị.
2. Xác định mục tiêu (sản phẩm cần đạt)
- Về nhận thức:
- Về kĩ năng:
- Về thái độ:
3. Xác định quy mô tổ chức thực hiện
- Thời gian: Một buổi sinh hoạt chi đội thường diễn ra trong khoảng thời
gian là 45 phút.
- Địa điểm: Tuỳ thuộc vào từng nội dung cụ thể mà quy định địa điểm là lớp
học hay sân trường, hội trường hay một địa điểm khác.
- Thành phần:
+ Đại biểu mời
+ Đối tượng tham gia.
- Trang trí: Phần trang trí phải nêu bật được nội dung, loại hình chủ yếu của
buổi sinh hoạt; trang trí phải sinh động, hài hoà (thông thường, nếu tổ chức tại lớp
học thì sẽ trực tiếp trang trí lên bảng).
- Sơ đồ vị trí: Sắp xếp chỗ ngồi của đại biểu, của Ban giám khảo (nếu có),
của các đội viên thật hợp lí để vừa đảm bảo tính thẩm mĩ, khoa học vừa thuận lợi
trong quá trình tổ chức hoạt động.
- Chưương trình chính: liệt kê thứ tự chương trình.
4. Xác định nội dung thực hiện
- Xác định đúng chủ đề: đây là khâu quan trong trong quá trình thiết kế, bởi
vì chủ đề sẽ quy định các nội dung cụ thể chi tiết cho từng phần.
- Lựa chọn nội dung tiêu biểu nhất: Một chủ đề có thể chuyển tải rất nhiều
nội dung tương đối hợp lí, nhiệm vụ của người thiết kế là phải lựa chọn những nội
dung hợp lí nhất, tiêu biểu nhất.
- Khoanh vùng kiến thức: Không nên ôm đồm trong việc chuyển tải kiến thức mà
phải biết “liệu cơm gắp mắm”. Một chương trình sinh hoạt chi đội thành công là kiến
thức không quá sơ sài và cũng không nên quá “tham” nội dung hoặc chuyển tải những
kiến thức không trọng tâm, lan man, dàn trải làm “gẫy”chương trình.
- Xác định nội dung chính và nội dung hỗ trợ: Nội dung chính là nội dung
chắc chắn sẽ diễn ra trong chương trình, đó là những kiến thức cần biết, còn nội
dung hỗ trợ là những kiến thức nên biết, có thể xê dịch, điều chỉnh khi cần thiết.
5. Xác định hình thức thực hiện
- Chọn hình thức phải tưương xứng với nội dung: nếu hình thức không
tương xứng với nội dung sẽ là “Râu ông nọ cắm cằm bà kia”, khó có thể đạt tới
thành công.
- Không chọn quá nhiều hình thức: bởi vì một buổi sinh hoạt chi đội liên tục
chuyển đổi các hình thức sẽ làm cho người dự có cảm giác “chóng mặt”.
- Nên sắp xếp các hình thức đan xen nhau: Đây là cách tốt nhất để thu hút
người dự vào nội dung, tránh tạo cảm giác nhàm chán.
6. Xây dựng tiến độ thực hiện
- Nộp tiểu thiết kế: tiểu thiết là những thiết kế chi tiết trong chương trình, ví
dụ như kịch bản chi tiết, báo cáo, phút sinh hoạt truyền thống...
- Duyệt các phần chuẩn bị: như văn nghệ, trò chơi, đố vui...
- Kiểm tra chuẩn bị cơ sở vật chất: tất cả những cơ sở vật chất sử dụng trong
chương trình phải được kiểm tra, chuẩn bị chu đáo trước giờ tổ chức sinh hoạt chi
đội.
- Lịch luyện tập: cần phải có ngày giờ cụ thể, phối hợp với GVCN - PTCĐ
làm lịch, phân công tới toàn thể đội viên.
- Lịch tổng duyệt: nêu cụ thể ngày giờ.
- Lịch chính thức
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
Thực hành thiết kế sinh hoạt chi đội theo chủ điểm:
- Triển khai các bộ phận tập luyện: gồm các nhóm, các mảng việc:
+ Đội trống cờ
+ Đội văn nghệ
+ Ban giám khảo
+ Trang trí
+ Kiểm tra chuẩn bị cơ sở vật chất: trống cờ, lọ hoa, khăn bàn.
- Rút kinh nghiệm: các phần việc nội dung.

Giới thiệu mẫu Thiết kế sinh hoạt chi đội

Chủ điểm: Mừng sinh nhật Bác


I. Mục đích yêu cầu
- Giúp đội viên hiểu thêm về tình cảm thiêng liêng và sự quan tâm ân cần,
sâu sắc mà Bác Hồ đã dành cho thiếu nhi lúc sinh thời.
- Qua đó, giáo dục cho các em lòng tự hào, biết ơn, ra sức thi đua học tập,
rèn luyện, phấn đấu theo gương Bác Hồ vĩ đại.
II. Quy mô tổ chức
1. Thời gian: 45 phút
2. Địa điểm: Lớp học
3. Đối tượng: - Tham dự: đại biểu mời.
- Tham gia: tập thể đội viên chi đội...
4. Trang trí: Bảng
- ảnh Bác kết hoa, Sinh hoạt chi đội, chủ điểm “Mừng sinh nhật Bác
5. Sơ đồ:

Phông trang trí


Sân khấu

BGK

PĐ3 PĐ1

PĐ2

6. Chương trình

- ổn định tổ chức

- Đón đại biểu


- Tuyên bố lí do, giới thiểu đại biểu.
- Chào cờ truyền thống
+ Chào cờ
+ Hát Quốc ca
+ Hát Đội ca
+ Phút sinh hoạt truyền thống
+ Dâng hoa truyền thống
- Màn múa hát chào mừng.
- Báo cáo thành tích của chi đội.
- Tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Bác Hồ.
- Trò chơi giao lưu
- Đại biểu phát biểu, trao quà
- Kết thúc.

Diễn biến chương trình


Thời Cơ sở
TT Nội dung Hình thức Phân công
gian vật chất

1 5’ ổn định tổ chức - Hát tập thể: “Bác Hồ - Dẫn chương


Người cho em tất cả” trình
2 5’ Đón đại biểu Hát tập thể: “Hoa thơm Đàn nhạc,
dâng Bác” Dẫn chương
trình
3 7’ Chào cờ truyền thống: - Hát Quốc ca Đàn nhạc Đội văn
“Bác Hồ - vầng thái dương, - Hát Đội ca nghệ
mãi ngàn năm còn toả sáng - Phút sinh hoạt truyền
trên bầu trời nước Nam”. thống.
+ Chào cờ - Dâng hoa tưởng niệm:
+ Phút sinh hoạt truyền “Nhớ ơn Bác Hồ” (múa
thống minh hoạ).
+ Dâng hoa tưởng niệm.
4 3’ Tuyên bố lí do, giới thiệu Dẫn chương
đại biểu trình
5 5’ Báo cáo thành tích của chi
đội
6 10’ Tìm hiểu về thân thế, sự - Hỏi đáp 3 đội thi
nghiệp của Hồ Chủ tịch. - Đánh trống trả lời nhanh
- Trắc nghiệm
7 7’ Chi đội giao lưu Nội dung câu hỏi bằng thơ, Phần
thể hiện dưới hình thức trò thưởng
chơi chi đội
Thời Cơ sở
TT Nội dung Hình thức Phân công
gian vật chất

8 3’ Đại biểu phát biểu, trao Phần


quà thưởng
9 3’ Kết thúc, cảm ơn đại biểu Hát tập thể: “Như có Bác Dẫn chương
trong ngày vui đại thắng” trình

IV. Phân công chuẩn bị


1. Chuẩn bị nội dung
- Lời điều khiển chương trình: Chi đội trưởng
- Bài truyền thống: Học sinh giỏi văn
- Báo cáo thành tích: Chi đội phó
- Dâng hoa tưởng niệm: Phụ trách văn nghệ của chi đội.
2. Chuẩn bị cơ sở vật chất
- Trang trí: Phân đội 1.
- Nghi lễ chào cờ: Phân đội 2.
- Vệ sinh dọn dẹp bàn ghế: Phân đội 3
- Hoạt động: 3 phân đội.
- Ban Giám khảo: Đại diện 3 phân đội.
V. Xây dựng tiến độ thực hiện
- Nộp tiểu thiết kế: trước khi diễn ra 5 ngày.
- Duyệt các phần chuẩn bị: trước 5 ngày.
- Kiểm tra chuẩn bị cơ sở vật chất: Trước giờ sinh hoạt.
- Lịch luyện tập: 4 buổi liên tục, trước ngày sinh hoạt.
- Lịch tổng duyệt: trước 1 ngày.
- Lịch chính thức: theo quy định.
V. Đánh giá sau khi học xong tiểu mô đun 2
* Các câu hỏi và bài tập đánh giá
Câu hỏi 1: Các hình thức sinh hoạt giáo dục truyền thống gồm những nhóm nào? (Đánh
dấu x vào  phương án em lựa chọn).

 a. Nghi lễ truyền thống.


 b. Tham quan truyền thống.
 c. Sưu tầm truyền thống.
 d. Hoạt động vui chơi truyền thống.
 e. Tất cả các phương án trên.
Câu hỏi 2: Để buổi sinh hoạt giáo dục truyền thống hấp dẫn, khi lựa chọn hình
thức cần chú ý những điểm gì? (Đánh dấu x vào  phương án em lựa chọn).

 a. Phù hợp với ý nghĩa ngày lễ.


 b. Phù hợp với tâm lí đội viên.
 c. Hợp lí về thời gian và địa điểm.
 d. Biết kết hợp nhiều hình thức.
 e. Tất cả các nội dung trên đều đúng.
Câu hỏi 3: Sinh hoạt Đội có tác dụng gì? (Đánh dấu x vào  phương án em lựa
chọn).
 a. Là một hình thức sinh hoạt tập thể
 b. Thông báo và thảo luận những vấn đề có liên quan
 c. Phát huy tinh thần tự chủ, chủ động sáng tạo
 d. Giúp đội viên bàn bạc, quyết định mọi công tác của Đội.
 e. Tất cả các nội dung trên đều đúng.
Câu hỏi 4: Sinh hoạt Đội nhằm giúp đội viên những gì? (Đánh dấu x vào  phương
án em lựa chọn).
 a. Giáo dục toàn diện cho đội viên.
 b. Giúp đội viên ghi nhớ và khắc sâu những truyền thống tốt đẹp của cha anh.
 c. Giúp đội viên củng cố kiến thức đượt học trong trưường, bổ sung, nâng
cao những hiểu biết và nhận thức trong nhiều lĩnh vực
Câu hỏi 5: BCH Đội có những vai trò gì trong hoạt động sinh hoạt Đội? (Đánh
dấu x vào  phương án em lựa chọn).

 a. Là ngưười quyết định trực tiếp chất lượng của buổi sinh hoạt
 b. Là người điều hành mọi hoạt động trong sinh hoạt Đội
 c. Là người phân công nhiệm vụ cho các thành viên thực hiện
 d. Là ngưười xây dựng và triển khai kế hoạch sinh hoạt Đội.
 e. Tất cả các nội dung trên đề đúng.
Câu hỏi 6: Em hãy ghép mỗi loại sinh hoạt chi đội ở cột A với thời gian tổ chức ở
cột B và mục đích ở cột C cho phù hợp.

A B C

1. Sinh hoạt chi đội a) Đưược tổ chức nhân dịp các w) Giải quyết những công việc đột xuất
thường kì ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm
2. Sinh hoạt chi đội b) Đưược quy định một thời x) Đội viên hiểu biết, phát huy truyền
theo chủ điểm gian nhất định thống tốt đẹp của dân tộc, niềm tự hào
và vinh dự, trách nhiệm
3. Sinh hoạt chi đội c) Không có trong kế hoạch y) Giải quyết một vấn đề lớn đưược
theo chuyên đề toàn thể đội viên quan tâm
4. Sinh hoạt chi đội d) Được quy định trong kế z) Sơ kết công tác tháng trước, bàn
đột xuất hoạch tháng hoặc năm công việc trong tháng tới.

Câu hỏi 7: Em hãy sắp xếp lại các bưước của một buổi sinh hoạt chi đội theo chủ
điểm cho hợp lí (Đánh số thứ tự vào chỗ …).
- … Rút kinh nghiệm và dặn dò buổi sinh hoạt sau
- … Tìm hiểu theo chủ đề thông qua (trò chơi, thi các phân đội, câu hỏi, đố
vui...)
- …Đón đại biểu (hát tập thể)
- …Hoạt động: Văn nghệ, trò chơi, múa hát... theo chủ điểm
- …Báo cáo thành tích chi đội
- … Tuyên bố lí do, giới thiệu đại biểu
- … Đại biểu phát biểu
- … Chào cờ truyền thống (hát Quốc ca, Đội ca, hô đáp khẩu hiệu Đội, phút
sinh hoạt truyền thống)
- … Cảm ơn đại biểu (hát tập thể)
Câu hỏi 8: Hãy sắp xếp các bưước tổ chức sinh hoạt chi đội thưường kì cho hợp lí
A B

1.Mở đầu - Phổ biến nhiệm vụ mới


- Dặn dò buổi sinh hoạt sau

2. Nội dung chính - Chào cờ (hát Quốc ca, Đội ca, hô đáp khẩu hiệu Đội)
- Cảm ơn đại biểu
- Đội viên góp ý, thảo luận.
- Rút kinh nghiệm
- Hoạt động: văn nghệ, trò chơi, đố vui...
- Đón đại biểu
- Đại biểu phát biểu
3. Kết thúc
- Sơ kết công tác
- Tuyên bố lí do, giới thiệu đại biểu
Câu hỏi 9: Để chuẩn bị tốt cho buổi sinh hoạt chi đội, BCH cần phải phân công
nhiệm vụ cụ thể nhưư thế nào?
Câu hỏi 10: Em hãy so sánh sự khác nhau giữa sinh hoạt chi đội thường kì và sinh
hoạt chi đội theo chủ điểm:
- Phần mở đầu của sinh hoạt chi đội thưường kì giống và khác với sinh hoạt
chi đội theo chủ điểm ở chỗ nào?
- Phần nội dung chính của sinh hoạt chi đội thường kì giống và khác với sinh
hoạt chi đội theo chủ điểm ở chỗ nào?
- Phần kết thúc của sinh hoạt chi đội thường kì giống và khác với sinh hoạt
chi đội theo chủ điểm ở chỗ nào?
* Thông tin phản hồi của đánh giá
Đáp án câu 1
e (Tất cả các phương án trên đều đúng)
Đáp án câu 2
e (Tất cả các phương án trên đều đúng).
Đáp án câu 3
e (Tất cả các phương án trên đều đúng)
Đáp án câu 4
Cả 3 phương án đều đúng
Đáp án câu 5
e ( Tất cả các nội dung trên đều đúng).
Đáp án câu 6
1 – b – z; 2 – a – x; 3 – d – y; 4 – c – w.
Đáp án câu 7
Các bưước sinh hoạt chi đội theo chủ điểm
3 - 8 – 6 – 5 – 2 – 4 – 7 – 9 – 1.
Đáp án câu 8: Các bước của buổi sinh hoạt chi đội thường kì:
A B
1- Đón đại biểu
2- Chào cờ (hát Quốc ca, Đội ca, hô đáp khẩu hiệu Đội)
3- Tuyên bố lí do, giới thiệu đại biểu
1.Mở đầu 4- Sơ kết công tác
5- Phổ biến nhiệm vụ mới
2. Nội dung chính 6- Đội viên góp ý, thảo luận.
7- Hoạt động: văn nghệ, trò chơi, đố vui...
3. Kết thúc 8- Đại biểu phát biểu
9- Cảm ơn đại biểu
10- Rút kinh nghiệm
11- Dặn dò buổi sinh hoạt sau
Đáp án câu 9
Để chuẩn bị tốt cho buổi sinh hoạt chi đội cần phải phân công nhiệm vụ cụ
thể nhưư sau:
1. Xây dựng chưương trình sinh hoạt
2. Xây dựng phân công thực hiện và chuẩn bị
3. Viết lời dẫn chương trình, kịch bản
4. Viết sơ kết công tác
5. Viết phương hưướng nhiệm vụ
6. Tập đội trống, đội cờ
7. Tập hợp các cơ sở vật chất
8. Phân công chuẩn bị văn nghệ trong chưương trình
9. Phân công chuẩn bị trò chơi trong chương trình
Đáp án câu 10
Sự giống nhau và khác nhau giữa sinh hoạt chi đội thường kì và sinh hoạt
chi đội theo chủ điểm:

Phần Sinh hoạt chi đội thưường kì Sinh hoạt chi đội theo chủ điểm

Mở đầu Chào cờ Chào cờ truyền thống

Sơ kết và phổ biến nhiệm vụ


Báo cáo thành tích
Nội dung chính Hoạt động văn hoá - văn nghệ theo
Hoạt động theo chủ điểm
chủ điểm.

Kết thúc Giống nhau Giống nhau


tiểu mô đun 3: phương pháp xây dựng, thực hiện
kế hoạch công tác đội tntp hồ chí minh trong trường phổ thông
(4 tiết)
i. Mục tiêu
Kết thúc tiểu mô đun 3, học sinh có khả năng :
1. Kiến thức
- Nêu được tác dụng, tính chất cơ bản của kế hoạch công tác Đội TNTP Hồ
Chí Minh;
- Phân loại được kế hoạch công tác Đội TNTP Hồ Chí Minh;
- Trình bày được cấu trúc kế hoạch công tác Đội TNTP Hồ Chí Minh;
2. Kĩ năng
- Biết trao đổi, thảo luận, thống nhất về nội dung, cấu trúc của kế hoạch công
tác Đội TNTP Hồ Chí Minh;
- Biết xây dựng kế hoạch công tác Đội TNTP Hồ Chí Minh;
- Vận dụng được những hiểu biết về kế hoạch công tác Đội TNTP Hồ Chí
Minh vào thực tiễn công tác Đội tại liên đội.
3. Thái độ
- Có ý thức rèn luyện về phương pháp làm việc có kế hoạch;
- Có ý thức tự giác trong học tập, rèn luyện; say mê, yêu thích công tác Đội.
ii. Giới thiệu tiểu mô đun 3
Tiểu mô đun 3 bao gồm 3 chủ đề cơ bản, được thực hiện trong 4 tiết, cụ thể
như sau :
stt tên chủ đề số tiết trang số
1 Tác dụng, tính chất, phân loại kế hoạch công 1 tiết 164
tác Đội
2 Phương pháp xây dựng kế hoạch công tác Đội 2 tiết 169
3 Cấu trúc kế hoạch công tác Đội 1 tiết 174
Cộng 4 tiết

iii. Điều kiện cần thiết để thực hiện tiểu mô đun 3


1. Điều kiện
Học sinh phải được học mô đun 1 và tiểu mô đun 1,2 (trong mô đun 2) của
giáo trình.
2. Tài liệu học tập
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phương pháp dạy bộ học công tác Đội TNTP Hồ
Chí Minh, Nxb Giáo dục, 2004.
2. Hội đồng Đội Trung ương, Người phụ trách thiếu nhi cần biết, Nxb Thanh
niên, 1997.
3. Trường Cán bộ Đội Hà Nội, Hành trang người phụ trách thiếu nhi, Nxb
Hà Nội, 1997.
4. Trường Cán bộ Đội Hà Nội, Hành trang chi đội trưởng, Nxb Hà Nội,
1999.
5. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Giáo trình công tác Đội TNTP và nhi đồng.
6. Bùi Sỹ Tụng (chủ biên) - đồng tác giả: Phạm Đình Nghiệp - Phan Nguyên
Thái, Cẩm nang người phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh, Nxb Giáo dục, 2001.
3. Thiết bị, đồ dùng dạy học
- Máy projector, giấy troki, bút viết bảng, băng dính, kéo, giấy mầu.
iv. nội dung

chủ đề 1: tác dụng, tính chất, phân loại


kế hoạch công tác đội (1 tiết)
1. Hoạt động
Hoạt động 1: Xác định khái niệm và tác dụng của kế hoạch (15 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 1: [3; tr 62 - 71]
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu khái niệm kế hoạch (5 phút)
+ Theo em, kế hoạch có những đặc điểm nào?
+ Học sinh trả lời câu hỏi. Giáo viên tập hợp các ý kiến lên bảng. Tổng hợp
và gợi ý cho học sinh khái quát thành khái niệm chung.
+ Giới thiệu khái niệm kế hoạch.
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu tác dụng của kế hoạch (10 phút)
+ Kế hoạch giúp gì cho người chỉ đạo, người thực hiện và các đối tượng có
liên quan đến kế hoạch?
+ Giới thiệu, phân tích và lấy ví dụ làm rõ tác dụng của kế hoạch.
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi 1: Trình bày khái niệm kế hoạch.
- Câu hỏi 2: Kế hoạch có những tác dụng gì?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 166 - 167 của giáo trình.
Hoạt động 2: Xác định tính chất của kế hoạch (20 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 2: [3; tr 62 - 71]
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Xác định các tính chất của kế hoạch (10 phút)
+ Giới thiệu các tính chất của kế hoạch.
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu các tính chất của kế hoạch (10 phút)
+ Phân tích, giảng giải các tính chất của kế hoạch; đặt câu hỏi mở nhằm, mở
rộng các tính chất của khái niệm.
* Đánh giá hoạt động 2
- Câu hỏi 1: Kế hoạch hoạt động có bao nhiêu tính chất? Đó là những tính
chất nào?
- Câu hỏi 2: Em hãy trình bày những nội dung cơ bản của từng tính chất
trong kế hoạch hoạt động.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 167 - 168 của giáo trình.
Hoạt động 3: Xác định các cách phân loại kế hoạch (15 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 3: [3; tr 62 - 71]
* Nhiệm vụ của hoạt động 3
- Nhiệm vụ 1: Giới thiệu các cách phân loại kế hoạch (5 phút)
+ Giới thiệu những căn cứ để phân loại kế hoạch.
- Nhiệm vụ 2: Phân tích nội dung các loại kế hoạch hoạt động (10 phút)
+ Căn cứ vào các loại khái niệm, giáo viên đặt câu hỏi để học sinh xác định
nội dung của các loại kế hoạch.
* Đánh giá hoạt động 3
- Câu hỏi 1: Em hãy trình bày các cách phân loại kế hoạch.
- Câu hỏi 2: Trong hoạt động của liên đội 1 năm học, theo em cần có những
kế hoạch nào?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3: Xem trang 168 - 169 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
1. Kế hoạch là gì?
Kế hoạch là sự dự kiến, sắp xếp, phân công và dự tính cách thực hiện một
hay nhiều công việc. Đó là một văn bản thể hiện sự sắp đặt khoa học các công việc
với mục đích rõ ràng dựa trên nhu cầu, nhiệm vụ chung và những khả năng về
phương tiện điều kiện, hoàn cảnh, thời gian nhằm hoàn thành có hiệu quả những
nhiệm vụ đã đề ra.
2. Tác dụng kế hoạch
Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở những suy nghĩ, tính toán khoa học. Vì
thế, kế hoạch giúp người thực hiện thực hiện đúng được quy trình cần thực hiện,
từng giai đoạn cần trải qua, từng phần việc phải làm để hoàn thành một công việc
đã đề ra trước.
Kế hoạch là sự thể hiện vững chắc đảm bảo kết quả công việc, thể hiện sức
bền vững trong công tác.
Kế hoạch giúp người thực hiện thấy rõ toàn bộ công việc, biết được trong
từng thời gian cần tập trung vào khâu nào, vào việc quan trọng nào, tránh xa đà vào
những việc chi tiết vụ vặt hoặc trong điều hành, thực hiện có lúc thì dồn dập, lúc
thì quá rỗi rãi.
Kế hoạch giúp người thực hiện trả lời rõ được các câu hỏi sau: làm gì? Tại
sao làm? Làm như thế nào? Khi nào làm? Làm ở đâu?
Kế hoạch thể hiện sự lôgíc khoa học trong công tác.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
3. Tính chất của kế hoạch
- Tính giáo dục chính trị - tư tưởng
Trong kế hoạch phải thể hiện mục tiêu giáo dục, đảm bảo tính tư tưởng rõ
rệt. Cần phải xem xét trong kế hoạch công tác có mang tính thực dụng và giải trí
đơn thuần không, xem những hoạt động công ích và hoạt động xã hội đã được coi
trọng chưa.
Trong kế hoạch công tác Đội phải thể hiện rõ tính định hướng chính trị, đảm
bảo tuân theo những quy định của tổ chức Đoàn, Hội, Đội và yêu cầu của nhà
trường, gia đình, xã hội.
- Tính khoa học, lô gíc
Kế hoạch phải đảm bảo tính khoa học, hợp lí nghĩa là: phải xác định được,
xác định đúng những việc trọng tâm, được phân bổ với cường độ hợp lí? cho từng
giai đoạn, các chỉ tiêu được đề ra phải rõ ràng, thích ứng với thực tế. Phải được
trình bày một cách hệ thống, bố cục chặt chẽ, ngôn ngữ rõ ràng dễ hiểu, phù hợp
với nhận thức của người thực hiện.
- Tính lịch sử - Kế thừa
Kế hoạch phải xuất phát từ thực tiễn mới có giá trị mà thực tiễn phải bao
quát cả quá khứ, hiện tại và một phần tương lai. Vì vậy quá trình xây dựng kế
hoạch công tác Đội phải chọn lọc những cái cũ tốt đẹp để phát huy, tìm ra những
cái cũ chưa tốt để khắc phục.
Kế hoạch phải căn cứ vào thực tiễn, phải dựa trên cơ sở kết quả của đơn vị
trong những năm trước và đặc biệt là phải phát huy thật mạnh những thế mạnh đã
được hình thành trong truyền thống chung của đơn vị, có như vậy mới thực hiện
được thuận lợi.
- Tính toàn diện - đối tượng
Kế hoạch phải mang tính toàn diện, bao quát tổng thể công việc chính. Toàn bộ
công tác của đơn vị phải được thể hiện và thể hiện theo trình tự thời gian hợp lí.
Khi xây dựng kế hoạch công tác Đội phải hiểu rõ tâm lí lứa tuổi của đội
viên. Nhờ đó mà nội dung công việc, hình thức thực hiện phù hợp với đội viên,
làm cho đội viên không cảm thấy quá khó hoặc quá dễ khi thực hiện.
Cần lưu ý là kế hoạch công tác Đội phải đáp ứng được các yêu cầu, nguyện
vọng của đội viên.
Kế hoạch công tác Đội phải thể hiện được đầy đủ các nội dung, hình thức,
biện pháp triển khai và thực hiện.
- Tính pháp chế
Kế hoạch công tác Đội phải được cấp có thẩm quyền xét duyệt, quyết định.
Trên cơ sở đó, kế hoạch công tác Đội mới được triển khai thực hiện và là căn cứ để
đánh giá việc thực hiện của các đơn vị, cá nhân khi tổng kết hoàn thành nhiệm vụ.
Căn cứ vào bản kế hoạch người quản lí có thể khẳng định được việc hoàn
thành nhiệm vụ hay không hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị. Căn cứ vào kế
hoạch, những người được phân công, những mảng có liên quan có thể chủ động
thực hiện nội dung của kế hoạch đó.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3
4. Phân loại kế hoạch
- Căn cứ vào thời gian có: Kế hoạch dài hạn và kế hoạch ngắn hạn.
+ Kế hoạch dài hạn là bản kế hoạch mà nội dung được thể hiện trong một
thời gian dài.
Ví dụ: Kế hoạch công tác Đội năm học, Kế hoạch công tác Đội 1 học kì.
+ Kế hoạch ngắn hạn là bản kế hoạch chỉ được thể hiện một hoặc một số
công việc trong vào khoảng thời gian ngắn.
Ví dụ: Kế hoạch công tác Đội Tháng, Kế hoạch công tác Đội tuần.
- Căn cứ vào nội dung có: Kế hoạch tổng hợp và kế hoạch chuyên đề
+ Kế hoạch tổng hợp là kế hoạch mà nội dung công tác được thể hiện một
cách đầy đủ, chi tiết, bao trùm trên nhiều hoạt động.
Ví dụ: Kế hoạch năm học.
+ Kế hoạch chuyên đề: Là kế hoạch thực hiện một nội dung công việc cụ thể.
Ví dụ: Kế hoạch về kinh phí, Kế hoạch thực hiện chương trình RLĐV.
- Các loại kế hoạch công tác Đội cần có trong mỗi liên đội gồm: Kế hoạch công
tác Đội năm học, kế hoạch của BCH, kế hoạch hoạt động của liên đội, kế hoạch hoạt
động của chi đội, kế hoạch tổ chức Đại hội, kế hoạch kinh phí hoạt động Đội, kế
hoạch theo dõi thi đua, kế hoạch phát động đợt thi đua...

chủ đề 2: phương pháp xây dựng kế hoạch công tác đội (2 tiết)
1. Hoạt động
Hoạt động 1: Tìm hiểu phương pháp xây dựng kế hoạch công tác Đội (30 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 1: [3; tr 62 - 71]
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Xác định những đề mục cơ bản trong kế hoạch công tác Đội
(10 phút)
+ Kế hoạch chương trình bao gồm những nội dung nào?
+ Phát mỗi học sinh 1 tờ giấy nhỏ để ghi câu trả lời. Sau đó lần lượt các em đọc
to nội dung cho cả lớp nghe. Cứ như vậy các em khác bổ những ý kiến còn thiếu.
- Nhiệm vụ 2: Xác định cách xây dựng từng nội dung trong bản kế hoạch
hoạt đồng Đội (20 phút)
+ Mỗi mục nội dung của bản kế hoạch chương trình Đội, giáo viên phân tích
và có thể đọc một đoạn trong phần nội dung đó trong một bản kế hoạch mẫu cho
học sinh nghe và hiểu.
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi 1: Nêu các đề mục cần có trong bản kế hoạch công tác Đội.
- Câu hỏi 2: Trình bày nội dung các đề mục trong bản kế hoạch công tác Đội.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 123 - 123 của giáo trình.
Hoạt động 2: Tìm hiểu phương pháp tổ chức thực hiện kế hoạch (60 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 2: [3; tr 62 - 71]
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Giới thiệu các bước triển khai, thực hiện kế hoạch (30 phút)
+ Giới thiệu tên đề mục của các bước triển khai, thực hiện kế hoạch.
+ Trong mỗi bước, giáo viên có thể lấy một số những ví dụ để minh hoạt cho
tên của bước đó.
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu nội dung các bước triển khai, thực hiện kế hoạch (30
phút)
+ Chia chi đội thành 4 nhóm. Các nhóm thảo luận theo nội dung câu hỏi bốc
thăm được. Cử đại diện thuyết trình.
+ Câu hỏi :
Trước khi triển khai kế hoạch cần phải chuẩn bị những nội dung nào?
Khi triển khai thực hiện kế hoạch cần sử dụng các biện pháp gì?
Trong quá trình thực hiện kế hoạch, tại sao phải kiểm tra, đánh giá?
Tổng kết rút kinh nghiệm nhằm làm gì?
+ Tổng hợp, đánh giá, nhận xét và phân tích nội dung của việc triển khai kế
hoạch.
* Đánh giá hoạt động 2
- Câu hỏi 1: Em hãy nêu các bước tiến hành triển khai thực hiện kế hoạch.
- Câu hỏi 2: Khi triển khai kế hoạch hoạt động cần chú ý vấn đề gì nhất? Tại
sao?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 123 - 123 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
1. Phương pháp xây dựng kế hoạch
a) Xác định mục tiêu
Trên cơ sở kế hoạch nhiệm vụ công tác Đội của HĐĐ cấp trên và nhiệm vụ
năm học của nhà trường, điều kiện chính trị của địa phương, điều kiện của liên đội
để xây dựng kế hoạch công tác Đội. Khi xây dựng kế hoạch phải xác định được
những mục tiêu cần đạt tới của liên đội, chi đội. Những mục tiêu này phải phù hợp
với điều kiện chung, đáp ứng được tình hình thực tiễn của liên đội, chi đội và đặc
biệt là phải phát huy được những thế mạnh, hạn chế được những mặt yếu của liên
đội, chi đội.
Trong quá trình xác định mục tiêu hoạt động Đội cần căn cứ vào sự chỉ đạo
của HĐĐ cấp trên, những hoạt động lớn được diễn ra trong thời gian thực hiện kế
hoạch.
Khi xây dựng mục tiêu hoạt động Đội cần nhấn mạnh những nhận thức
chung mà đội viên có thể nhận được, những kĩ năng đặc thù mà đội viên có thể đạt
được và thể hiện ý thức trách nhiệm với tổ chức như thế nào.
b) Xác định thời gian, đối tượng
Xây dựng kế hoạch hoạt động đặc biết phải chú ý đến thời gian mà kế hoạch đó
sẽ được triển khai và thực hiện, đối tượng mà kế hoạch đó hướng tới.
Về thời gian: Cần phải xác định thời gian cụ thể để thực hiện kế hoạch đó.
Vả lại thời gian cũng sẽ giúp người xây dựng kế hoạch có những hoạch định đúng
đắn phù hợp với tình hình chung của xã hội, của đất nước, của nhà trường và
những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Xác định được thời gian sẽ
tạo điều kiện cho kế hoạch mang tính khoa học.
Về đối tượng: Phải hiểu rõ đối tượng thực hiện kế hoạch về tâm lí, về những
thế mạnh và cả những điểm yếu. Nhờ đó mà có thể chọn nội dụng, hình thức phù
hợp với khả năng của đối tượng. Bên cạnh đó còn cần phải xác định được trình độ
của đối tượng sẽ triển khai kế hoạch này tới động đảo đội viên. Vì đây sẽ là nền
tảng cho sự thành công của kế hoạch.
c) Xác định nội dung
Căn cứ vào chương trình, kế hoạch công tác Đội của cấp trên lựa chọn nội
dung cho phù hợp với đơn vị mình. Nội dung cần bám sát những nội dung của cấp
trên đưa ra, có thể cắt bớt nội dung không phù hợp với đơn vị mình, có thể thêm
những nội dung cho phù hợp với đặc điểm tình hình của đơn vị.
Nội dung phải mang tính thiết thực và tính khả thi cao vì căn cứ vào nội
dung mới lựa chọn được hình thức, biện pháp thực hiện hợp lí. Nội dung cũng cần
phải đáp ứng được những nhu cầu, lợi ích của đơn vị đề ra.
d) Xác định biện pháp tổ chức thực hiện
Đây là yếu tố quan trọng trong quá trình xây dựng kế hoạch công tác Đội. Vì
chỉ khi xác định đúng những biện pháp và phù hợp với điều kiện của đơn vị thì kế
hoạch mới được triển khai nhanh, có hiệu quả đối với các đối tượng tham gia trực
tiếp vào việc thực hiện nhiệm vụ và kế hoạch. Muốn vậy, trước hết cần xác định
các đối tượng quản lí việc thực hiện kế hoạch theo trình tự phân cấp của đơn vị, tức là
triển khai cho BCH các chi đội. Xác định cách triển khai việc quản lí thực hiện kế
hoạch cho đối tượng này thì triển khai như thế nào, bằng cách nào, ở đâu...
- Tiếp theo, kế hoạch cần được triển khai tới các đối tượng thực thi, thi hành
các hoạt động lớn trong kế hoạch...
- Cuối cùng, phải xác định được các bước và tiến độ tổ chức thực hiện cho
các hoạt động trọng tâm, các hoạt động lớn trong kế hoạch
e) Một số lưu ý khi xây dựng kế hoạch
Kế hoạch, được xây dựng thật ngắn ngọn, dễ hiểu, nhưng phải đảm bảo đầy
đủ ý tưởng.
Các phần chính trong kế hoạch cần đảm bảo tính lôgíc, phù hợp để người
thực hiện dễ dàng nhận thấy nội dung chính của kế hoạch. Trong mỗi phần việc
nên sắp xếp theo trình tự thời gian của các công việc.
Trong kế hoạch phải có những nội dung bắt buộc phải thực hiện và cũng cần
phải có những nội dung phát huy tính sáng tạo, chủ động của người thực hiện. Những
nội dung này cần được xây dựng theo hình thức gợi ý người thực hiện để chọn.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
2. Phương pháp tổ chức thực hiện kế hoạch
a) Chuẩn bị
Trước khi triển khai kế hoạch tới đông đảo đội viên thực hiện, cần phải
chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết về: nội dung, điều kiện thực hiện, cơ sở vật
chất, con người...
b) Triển khai thực hiện
Để kế hoạch nhanh chóng được triển khai thực hiện tới toàn thể các đơn vị
và toàn thể đội viên, cần phải đặc biệt lưu ý đến bước tuyên tuyền, triển khai thực
hiện kế hoạch. Có thể tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch như sau:
+ Tổ chức họp triển khai kế hoạch.
+ Tổ chức họp BCH liên đội và các chi đội để triển khai kế hoạch.
+ Gửi văn bản kế hoạch tới các chi đội.
+ Thông qua hệ thống phát thanh, bản tin, báo tường, khẩu hiệu của liên đội
để triển khai kế hoạch.
c) Kiểm tra đánh giá việc thực hiện kế hoạch
Kế hoạch sẽ đạt hiệu quả cao hơn nếu thực hiện tốt công tác kiểm tra, đánh
giá việc thực hiện kế hoạch ngay trong quá trình thực hiện. Đối với lứa tuổi đội
viên thì cần phải phát huy thật cao quá trình kiểm tra, đôn đốc và đánh giá tình
hình thực hiện nội dung của kế hoạch.
Quá trình kiểm tra sẽ giúp tìm, phát hiện, tiếp nhận được những vướng mắc
cần tháo gỡ trong việc triển khai và thực thi kế hoạch, đồng thời có phương án xử
lí, giải quyết các phát sinh, vướng mắc.
Kiểm tra việc thực hiện kế hoạch còn có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng
cao vai trò, vị thế của Đội, của chỉ huy đối với lực lượng giáo dục trong và ngoài
nhà trường bởi tính pháp chế của kế hoạch.
Kiểm tra đánh giá thực hiện kế hoạch còn giúp đánh giá chính xác chất lượng,
hiệu quả hoạt động và tổng kết những cách làm hay những kinh nghiệm trong công
tác Đội, rút ra những bài học bổ ích, thiết thực nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả
của hoạt động Đội. Biểu dương thành tích đạt được của cá nhân, tập thể nhằm khích
lệ, động viên tính tích cực của đội viên, sức mạnh đoàn kết của tập thể và hiệu quả
hoạt động của tổ chức Đội trong nhà trường.
d) Tổng kết rút kinh nghiệm về việc thực hiện kế hoạch
Rút kinh nghiệm việc thực hiện kế hoạch phải được tiến hành thường xuyên
sau mỗi tháng, mỗi đợt thi đua, mối hoạt động lớn
Khi rút kinh nghiệm phải tập hợp đầy đủ các đối tượng tham gia thực hiện
kế hoạch
chủ đề 3: cấu trúc kế hoạch công tác đội (1 tiết)
1. Hoạt động
Hoạt động 1: Giới thiệu mẫu kế hoạch hoạt động (15 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 1: [3; tr 62 - 71]
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Giới thiệu mẫu kế hoạch (5 phút)
+ Căn cứ vào bản mẫu kế hoạch, giáo viên giới thiệu từng đề mục của một
bản kế hoạch.
+ Phân tích các mục trong một bản kế hoạch.
- Nhiệm vụ 2: Giới thiệu cấu trúc của một kế hoạch (10 phút)
+ Dùng hệ thống các câu hỏi để học sinh trả lời và xây dựng nội dung cụ thể
trong từng mục của bản kế hoạch.
Trong phần đặc điểm tình hình, cần xây dựng những nội dung gì? ở liên đội
em, thi sẽ có những nội dung gì trong phần này?
Chủ đề năm học năm nay là gì? Chủ đề đó được đưa vào kế hoạch của em
như thế nào?
Khi xây dựng kế hoạch, với tình hình của liên đội mình, em sẽ xác định mục
tiêu gì?
Theo em thì hoạt động trọng tâm của năm học này là gì?
Cần đưa những nội dung gì vào từng hoạt động của từng chương trình?
Phần xây dựng bảng kế hoạch cho các đợt thi đua, em sẽ thể hiện như thế nào?
* Đánh giá hoạt động 1
- Bài tập: Xác định nội dung cho từng đề mục trong mẫu kế hoạch.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 123 - 123 của giáo trình.
Hoạt động 2: Thực hành xây dựng kế hoạch hoạt động Đội (30 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 2: [3; tr 62 - 71]
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Xây dựng bản kế hoạch theo các đề mục quy định (25 phút)
Bài tập: Em hãy xây dựng bản kế hoạch hoạt động liên hoan văn nghệ chào
mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
+ Chia chi đội thành 3 nhóm, mỗi nhóm xây dựng 1 kế hoạch cụ thể theo
mẫu. Cử đại diện thuyết trình.
+ Tổng hợp, đánh giá, rút kinh nghiệm.
- Nhiệm vụ 2: Phân tích, điều chỉnh, định hướng nội dung của bản kế hoạch (5
phút)
+ Căn cứ vào nội dung bản kế hoạch của các nhóm, giáo viên phân tích, điều
chỉnh và sửa lỗi để trở thành một bản kế hoạch hoàn chỉnh.
* Đánh giá hoạt động 2
- Bài tập 1: Em hãy xây dựng kế hoạch công tác Đội theo đợt thi đua chào
mừng ngày Thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 123 - 123 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
1. Mẫu đề cương bản kế hoạch
Đội TNTP Hồ chí minh cộng hoà xã hội chủ nghĩa việt nam
Liên đội trường…. Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày tháng năm
kế hoạch
công tác đội và phong trào thiếu nhi ......
i. đặc điểm tình hình
1. Thuận lợi
2. Khó khăn
ii. Chủ đề năm học
iii. Mục tiêu
iv. Hoạt động trọng tâm
v. Nội dung
- Chương trình 1 + 2: Nhi đồng chăm ngoan - thiếu niên sẵn sàng
+ Hoạt động 1: Nhi đồng ngoan - Rèn đức (nội dung - hình thức)
+ Hoạt động 2: Nhi đồng chăm - Luyện tài (nội dung - hình thức)
+ Hoạt động 3: Vui khoẻ hướng tới tương lai (nội dung - hình thức)
+ Hoạt động 4: Nhi đồng bạn tốt - Khăn hồng tình nguyện (nội dung - hình
thức)
+ Hoạt động 5: Nhi đồng yêu sao yêu Đội - Xây dựng Đội vững mạnh (nội
dung - hình thức).
vi. Kế hoạch các đợt thi đua
đợt thi đua nội dung chính biện pháp

Đơn vị chủ quản đơn vị hoặc cá nhân lập kế hoạch


(Kí tên đóng dấu) (Kí tên)
2. Xác định các nội dung trong cấu trúc một bản kế hoạch
a) Đặc điểm tình hình
- Nêu khái quát kết quả thực hiện công tác Đội năm học trước. Đánh giá
những ưu điểm và nhược điểm trong việc thược hiện kế hoạch.
- Năm học mới có những điểm gì chung nổi bật.
- Những thuận lợi, khó khăn của nhà trường đầu năm học.
b) Xác định chủ đề năm học
Chủ đề năm học phải đảm bảo ngắn ngọn và toát lên được những trọng tâm
chính của hoạt động và hướng tới các hoạt động lớn của đất nước.
Chủ đề phải dễ nhớ, dễ thuộc, phù hợp với mọi đối tượng thiếu nhi.
c) Xác định mục tiêu phấn đấu
Những mục tiêu cần đạt được (mục tiêu chính, các mục tiêu khác được sắp
xếp theo thứ tự).
d) Xác định các hoạt động trọng tâm
Là những hoạt động lớn, hoạt động bắt buộc trong năm học.
e) Xây dựng nội dung thực hiên
Căn cứ vào những mục tiêu và các hoạt động trọng tâm xây dựng 1 tiến trình
hàng loạt các công việc hướng tới mục tiêu đó, trọng tâm đó theo 5 mặt hoạt động
và 9 mảng công tác
- Chương trình Nhi đồng chăm ngoan
+ Hoạt động 1: Nhi đồng ngoan
Mảng 1: Giáo dục truyền thống.
Mảng 2: Giáo dục đạo đức nếp sống.
+ Hoạt động 2: Nhi đồng chăm
Mảng 3: Hoạt động học tập, kiến thức; giúp bạn vượt khó; em yêu
khoa học - sáng tạo.
+ Hoạt động 3: Nhi đồng vui khoẻ
Mảng 4: Hoạt động văn thể mĩ, vui chơi giải trí
+ Hoạt động 4: Nhi đồng bạn tốt
Mảng 5: Xã hội tình nguyện
Mảng 6: Vì Thủ đô Xanh - Sạch - Đẹp
Mảng 7: Vì mái trường không có ma tuý
+ Hoạt động 5: Nhi đồng yêu sao yêu Đội
Mảng 8: Thực hiện chương trình rèn luyện đội viên
Mảng 9: Xây dựng Đội vững mạnh
- Chương trình Thiếu niên sắn sàng
+ Hoạt động 1: Rèn đức
Mảng 1: Giáo dục truyền thống.
Mảng 2: Giáo dục đạo đức nếp sống.
+ Hoạt động 2: Luyện tài
Mảng 3: Hoạt động học tập, kiến thức; giúp bạn vượt khó; em yêu
khoa học - sáng tạo.
+ Hoạt động 3: Vui khoẻ hướng tới tương lai
Mảng 4: Hoạt động văn thể mĩ, vui chơi giải trí
+ Hoạt động 4: Nhi đồng bạn tốt
Mảng 5: Xã hội tình nguyện
Mảng 6: Vì Thủ đô Xanh - Sạch - Đẹp
Mảng 7: Vì mái trường không có ma tuý
+ Hoạt động 5: Nhi đồng yêu sao yêu Đội
Mảng 8: Thực hiện chương trình rèn luyện đội viên
Mảng 9: Xây dựng Đội vững mạnh
Trong đó, mỗi mảng công tác cần xác định được các nội dung, hình thức thể
hiện. Trong mỗi mặt công tác cần xác định các chỉ tiêu phấn đấu.
g) Xây dựng kế hoạch hoạt động
Bảng từng đợt cụ thể xây dựng nội dung theo các đợt thi đua, chỉ đề cập đến
những nội dung chính trong từng đợt và biện pháp chính trong đợt đó.
v. Đánh giá sau khi học xong tiểu mô đun
* Các câu hỏi và bài tập đánh giá
Câu hỏi 1: Bản kế hoạch cần đảm bảo tiêu chí nào? (Đánh dấu x vào ô  tương
ứng với tiêu chí mà em lựa chọn).
 1. Sự định đoạt, sắp xếp, phân công và dự tính cách thức
 2. Liết kê tất cả những công việc cần thực hiện
 3. Sự sắp đặt khoa học
 4. Đảm bảo sự phân công cụ thể, chi tiết
 5. Có mục đích rõ ràng
 6. Có nhiệm vụ chung
 7. Có phương tiện điều kiện, hoàn cảnh, thời gian
Câu hỏi 2: Kế hoạch có tác dụng gì đối với người thực hiện? (Đánh dấu x vào ô 
trước những tác dụng mà em lựa chọn đồng thời bổ sung thêm những tác dụng
khác vào chỗ chấm (...) mà em biết).
 1. Thấy rõ toàn bộ công việc
 2. Biết được từng công việc cần thực hiện trong từng thời gian cụ thể.
 3. Tránh không bị sa đà vào những việc chi tiết, vụ vặt
 4. Nhận thức rõ được cần phải làm gì, tại sao, ai tiến hành, tiếnh hành như
thế nào, khi nào và ở đâu.
5. Tác dụng khác: .........................................................................................
.......................................................................................................................
Câu hỏi 3: Bản kế hoạch công tác Đội cần có những tính chất nào dưới đây?

(Đánh dấu x vào ô  tương ứng với những tính chất em lựa chọn).

 1. Tính giáo dục chính trị - tư tưởng


 2. Tính khoa học, lôgíc
 3. Tính cộng đồng, tập thể
 4. Tính lịch sử - Kế thừa
 5. Tính toàn diện - đối tượng
 6. Tính đoàn kết, gắn bó
 7. Tính pháp chế
Câu hỏi 4: Tính giáo dục chính trị - tư tưởng phải được thể hiện thể hiện như thế

nào trong bản kế hoạch? (Đánh dấu x vào ô  tương ứng với tính chất mà em lựa
chọn).
 1. Thể hiện mục tiêu giáo dục rõ rệt.
 2. Mang tính thực dụng và giải trí đơn thuần
 3. Hoạt động công ích và hoạt động xã hội
 4. Thể hiện rõ tính định hướng chính trị
 5. Đảm bảo tuân theo những tư tưởng chung của đất nước, của tổ chức...
Câu hỏi 5: Đánh dấu x vào ô  tương ứng với yêu cầu đảm bảo tính khoa học lô gíc
trong kế hoạch.
 1. Công tác trọng tâm
 2. Phân bổ cường độ hợp lí
 3. Chỉ tiêu rõ ràng
 4. Liệt kê từng việc, từng giờ, từng ngày
 5. Thích ứng với thực tế
Câu hỏi 6 : Kế hoạch phải căn cứ vào thực tiễn, phải dựa trên cơ sở kết quả của đơn
vị trong những năm trước và đặc biệt là phải phát huy thật mạnh những thế mạnh đã
được hình thành trong truyền thống chung của đơn vị , đúng hay sai? (Đánh dấu x

vào ô  trước ý em lựa chọn).

 1. Đúng  2. Sai
Câu hỏi 7: Cần đặc biệt quan tâm đến nội dung nào khi xây dựng kế hoạch? (Đánh

dấu x vào ô  phương án lựa chọn và bổ sung thêm nội dung mới vào chỗ chấm
(...) mà em biết).
 1. Toàn bộ công tác của đơn vị phải được thể hiện và thể hiện theo trình tự
thời gian
 2. Hiểu rõ tâm lí lứa tuổi của đội viên.
 3. Nội dung, hình thức được phù hợp với đội viên, không quá khó và cũng
không quá dễ
 4. Phải đáp ứng được tất cả yêu cầu của đội viên
 5. Đầy đủ nội dung, hình thức, biện pháp thực hiện và triển khai
6. Nội dung khác: .........................................................................................
.......................................................................................................................
.......................................................................................................................
Câu hỏi 8: Căn cứ vào cách phân loại theo thời gian thì kế hoạch được chia làm

mấy loại? (Đánh dấu x vào ô  phương án lựa chọn).

 1. Kế hoạch dài hạn  2. Kế hoạch theo đợt thi đua


 3. Kế hoạch đột xuất  4. Kế hoạch ngắn hạn
Câu hỏi 9: Căn cứ vào cách phân loại theo nội dung thì kế hoạch được chia làm mấy

loại? (Đánh dấu x vào ô  phương án lựa chọn).

 1. Kế hoạch của chi đội  2. Kế hoạch tổng hợp


 3. kế hoạch chuyên đề  4. Kế hoạch của liên đội
Câu hỏi 10: Hãy ghép mỗi loại kế hoạch ở cột A với những kế hoạch cụ thể ở cột
B cho phù hợp?
a B
1. Kế hoạch dài hạn a. Kế hoạch công tác Đội năm học
b. Kế hoạch thực hiện chương trình rèn luyện đội viên
2. Kế hoạch ngắn hạn c. Kế hoạch công tác Đội tháng
d. Kế hoạch công tác Đội tuần
3. Kế hoạch tổng hợp e. Kế hoạch năm học
f. Kế hoạch công tác Đội 1 học kì
4. Kế hoạch chuyên đề g. Kế hoạch về kinh phí

Câu hỏi 11: Công tác Đội trong trường học hàng năm cần có những loại kế hoạch cơ

bản nào? (Đánh dấu x vào ô  trước loại kế hoạch em lựa chọn và đưa thêm những
loại kế hoạch khác vào chỗ chấm (...) mà em biết).
 1. Kế hoạch công tác Đội năm học
 2. Kế hoạch của BCH
 3. Kế hoạch hoạt động của liên đội
 4. Kế hoạch hoạt động của chi đội
 5. Kế hoạch tổ chức Đại hội
 6. Kế hoạch kinh phí
 7. Kế hoạch theo dõi thi đua
 8. Kế hoạch phát động đợt thi đua
9. Kế hoạch khác: .........................................................................................
.......................................................................................................................
.......................................................................................................................
Câu hỏi 12: Khi xây dựng kế hoạch công tác Đội cần phải có những nội dung nào?

(Đánh dấu x vào ô  trước nội dung em lựa chọn và bổ sung thêm những nội dung
khác vào chỗ chấm (...) mà em biết).
 1. Xác định mục tiêu
 2. Xác định thời gian, đối tượng
 3. Xác định nội dung
 4. Xác định biện pháp tổ chức thực hiện
5. Nội dung khác: .........................................................................................
.......................................................................................................................
.......................................................................................................................
Câu hỏi 13: Khi xác định mục tiêu cho kế hoạch hoạt động cần chú ý vấn đề gì? (Đánh

dấu x vào ô  phương án lựa chọn).

 1. Kế hoạch nhiệm vụ công tác Đội của HĐĐ cấp trên


 2. Nhiệm vụ năm học của nhà trường
 3. Những nguyện vọng của đội viên
 4. Điều kiện chính trị của địa phương
 5. Điều kiện của liên đội
Câu hỏi 14: Khi xác định đối tượng và thời gian cho kế hoạch hoạt động cần quan tâm

đến những vấn đề gì dưới đây? (Đánh dấu x vào ô  trước ý em lựa chọn và bổ sung
thêm nội dung mới vào chỗ chấm (...) mà em biết).
 1. Đối tượng triển khai và thực hiện mà kế hoạch đó hướng tới
 2. Cần phải xác định thời gian cụ thể để thực hiện kế hoạch đó
 3. Phải hiểu rõ đối tượng thực hiện kế hoạch về tâm lí, về những thế mạnh
và cả những điểm yếu
4. Nội dung khác: .........................................................................................
.......................................................................................................................
.......................................................................................................................
Câu hỏi 15: Nội dung của kế hoạch cần đạt được những vấn đề gì dưới đây? (Đánh

dấu x vào ô  trước ý mà em lựa chọn và bổ sung thêm vấn đề khác vào chỗ (...)
mà em biết).
 1. Bám sát những nội dung của cấp trên đưa ra
 2. Mang tính thiết thực và tính khả thi cao.
3. Vấn đề khác: .............................................................................................
.......................................................................................................................
Câu hỏi 16: Xây dựng biện pháp thực hiện kế hoạch cần đạt những nội dung nào dưới

đây? (Đánh dấu x vào ô  trước nội dung mà em lựa chọn).

 1. Xác định các đối tượng cần triển khai theo phân cấp của đơn vị.
 2. Liệt kê những công việc có thể xẩy ra trong quá trình tổ chức
 3. Triển khai với các đối tượng nào nữa để thực thi, thi hành
 4. Xác định được các bước tổ chức cho các hoạt động trọng tâm
Câu hỏi 17: Sắp xếp lại các bước triển khai kế hoạch hoạt động cho hợp lí. (Đánh số

thứ tự vào ô  trước nội dung mà em lựa chọn).

 1. Tổ chức họp triển khai kế hoạch


 2. Tổ chức họp BCH liên đội và cá chi đội
 3. Gửi văn bản kế hoạch cho các đơn vị
 4. Thông qua hệ thống phát thanh, bản tin, báo tường, khẩu hiệu của liên
đội
Câu hỏi 18: Quá trình kiểm tra đánh giá việc thực hiện kế hoạch giúp gì cho em?

(Đánh dấu x vào ô  trước nội dung mà em lựa chọn).

 1. Giúp tìm, phát hiện, tiếp nhận được những vướng mắc cần tháo gỡ
 2. Có phương án xử lí, giải quyết các phát sinh, vướng mắc.
 3. Nâng cao vai trò, vị thế của Đội, của chỉ huy đối với lực lượng giáo dục
trong và ngoài nhà trường
 4. Kíp thời xử lí những tình huống phát sinh
 5. Đánh giá chính xác chất lượng, hiệu quả hoạt động
 6. Rút ra những bài học bổ ích, thiết thực nhằm nâng cao chất lượng hiệu
quả của hoạt động Đội
 7. Biểu dương thành tích đạt được của cá nhân, tập thể
Câu hỏi 19: Sắp xếp lại các bước xây dựng kế hoạch dưới đây cho hợp lí? (Đánh số

thứ tự vào ô  trước phương án mà em lựa chọn).

 1. Xây dựng mục tiêu phấn đấu


 2. Xây dựng các chương trình hoạt động
 3. Xác định chủ đề năm học
 4. Xác định đặc điểm tình hình
 5. Xác định tiến độ thực hiện
 6. Xác định các hoạt động trọng tâm
* Thông tin phản hồi đánh giá
Đáp án câu 1
Tiêu chí 1 – 3 – 5 – 6 – 7.
Đáp án câu 2
Cả 4 phương án đều đúng.
Đáp án câu 3
Tính chất 1 – 2 – 4 – 5 – 7.
Đáp án câu 4
Tính giáo dục chính trị tư tưởng phải được thể hiện ở các phương án: 1– 4 –
5.
Đáp án câu 5
Tính khoa học lô gíc trong kế hoạch : 1 – 2 – 3 – 5.
Đáp án câu 6
1. Đúng
Đáp án câu 7
Cả 5 phương án đều đúng.
Đáp án câu 8
1. Kế hoạch dài hạn
4. Kế hoạch ngắn hạn
Đáp án câu 9
2 loại: 2 – 3.
Đáp án câu 10
1 – e, f; 2 – c, d; 3 – a, b; 4 – g.
Đáp án câu 11
Cả 8 phương án đều đúng.
Đáp án câu 12
Cả 4 phương án đều đúng.
Đáp án câu 13
Cả 5 phương án đều đúng.
Đáp án câu 14
Cả 3 phương án đều đúng.
Đáp án câu 15
Cả 2 phương án đều đúng.
Đáp án câu 16
Các nội dung: 1 – 3 – 4.
Đáp án câu 17
Sắp xếp theo thứ tự đúng là: 2 – 4 – 3 – 1.
Đáp án câu 18
Quá trình kiểm tra đánh giá việc thực hiện kế hoạch giúp đội viên: 1 – 2 – 3
– 5 – 6 – 7.
Đáp án câu 19
4–3–6–1–2–5

tiểu mô đun 4: thiết kế hoạt động đội tntp hồ chí minh


(4 tiết)
i. Mục tiêu
Kết thúc tiểu mô đun 4, học sinh có khả năng:
1. Kiến thức
- Trình bày được khái niệm, mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của thiết kế hoạt
động Đội;
- Hiểu được cấu trúc và nội dung của thiết kế hoạt động Đội.
2. Kĩ năng
- Biết trao đổi, thảo luận, thống nhất được nội dung thiết kế một hoạt động Đội;
- Biết xây dựng và tổ chức thực hiện được thiết kế hoạt động Đội TNTP Hồ
Chí Minh;
- Phân biệt được thiết kế và kế hoạch công tác Đội TNTP Hồ Chí Minh;
- Vận dụng được những hiểu biết về thiết kế hoạt động Đội vào thực tiễn
công tác Đội tại liên đội.
3. Thái độ
- Say mê tìm hiểu, đổi mới nội dung, hình thức bản thiết kế hoạt động Đội;
- Có ý thức tự giác học tập, yêu thích công tác Đội.
ii. Giới thiệu tiểu mô đun 4
Tiểu mô đun 4 bao gồm 2 chủ đề cơ bản, thực hiện trong 4 tiết, cụ thể như sau:
stt tên chủ đề số tiết trang số
1 Khái niệm, mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của thiết 1 tiết 187
kế hoạt động Đội
2 Cấu trúc, phương pháp viết thiết kế hoạt động 3 tiết 191
Đội
Tổng 4 tiết
iii. Điều kiện cần thiết để thực hiện tiểu mô đun 4
1. Điều kiện
- Học sinh phải được học thứ tự các tiểu mô đun 1, 2, 3 trong mô đun 2 của
giáo trình.
2. Tài liệu học tập
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phương pháp dạy bộ học công tác Đội TNTP Hồ
Chí Minh, Nxb Giáo dục, năm 2004.
2. Hội đồng Đội Trung ương, Người phụ trách thiếu nhi cần biết, Nxb Thanh
niên, 1997.
3. Trường Cán bộ Đội Hà Nội, Hành trang người phụ trách thiếu nhi, Nxb
Hà Nội, 1997.
4. Trường Cán bộ Đội Hà Nội, Hành trang chi đội trưởng, Nxb Hà Nội,
1999.
5. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Giáo trình công tác Đội TNTP và nhi đồng.
6. Bùi Sỹ Tụng (chủ biên) - đồng tác giả: Phạm Đình Nghiệp - Phan Nguyên
Thái, Cẩm nang người phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh, Nxb Giáo dục, 2001.
3. Thiết bị, đồ dùng dạy học
- Máy projector, giấy troki, bút viết bảng, băng dính, kéo, giấy mầu.
iv. nội dung

chủ đề 1: khái niệm, mục đích, ý nghĩa, yêu cầu


của thiết kế hoạt động đội (1 tiết)
1. Hoạt động
Hoạt động 1: Tìm hiểu khái niệm, mục đích ý nghĩa của thiết kế (15 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 1: [3; tr 71 - 79]
* Nhiệm vụ của hoạt động
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu khái niệm và đặc điểm của một bản thiết kế (10 phút)
+ Nêu khái niệm thiết kế.
+ Mỗi học sinh suy nghĩ rồi viết ra nháp những đặc điểm về thiết kế. Một số
học sinh đại diện đọc cho cả lớp nghe về những gì mình viết được.
+ Giáo viên phân chia các đặc điểm thành những đặc điểm chung và những
đặc điểm riêng.
- Nhiệm vụ 2: Xác định mục đích ý nghĩa của thiết kế (5 phút)
+ Bản thiết kế hoạt động giúp cho người chỉ đạo, người tổ chức thực hiện,
người tham gia chuẩn bị và người tham gia thực hiện những gì? Tại sao?
+ Tổng hợp các ý kiến.
+ Rút ra những tác dụng của thiết kế đối với từng đối tượng.
+ Nêu mục đích ?ý nghĩa của thiết kế.
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi 1: Trình bày khái niệm thiết kế.
- Câu hỏi 2: Trình bày mục đích, ý nghĩa của thiết kế ?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 123 - 123 của giáo trình.
Hoạt động 2: Xác định yêu cầu của một bản thiết kế (30 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 2: [3; tr 71 - 79]
* Nhiệm vụ của hoạt động
- Nhiệm vụ 1: Xác định diễn biến chương trình của một hoạt động được thể hiện
trên bản thiết kế (10 phút)
+ Học sinh viết ra nháp diễn biến chương trình của hoạt động theo chủ điểm
“Thầy cô và mái trường”. Nêu lí do tại sao.
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu những điểm cần lưu ý khi xây dựng thiết kế (15 phút)
+ Chia chi đội thành 4 nhóm nhỏ.
+ Các nhóm thảo luận theo nội dung câu hỏi. Cử đại diện lên thuyết trình.
Các nhóm khác đóng góp ý kiến.
Nhóm 1: Để có một bản thiết kế hoạt động tốt, người thiết kế cần có những
khả năng gì?
Nhóm 2: Trong phần diễn biến chương trình của một bản thiết kế hoạt động, người
thiết kế cần chú ý gì đến nội dung và hình thức thể hiện?
Nhóm 3: Bản thiết kế cần đảm bảo những thông tin gì để người đọc có thể triển
khai thực hiện được?
Nhóm 4: Để xác định tốt tiểu mục “đối tượng” trong bản thiết kế, người thiết
kế cần lưu ý những gì ?
+ Tập hợp các ý kiến của các nhóm. Phân tích và rút ra kết luận chung nhất.
- Nhiệm vụ 3: Giới thiệu một số kinh nghiệm khi xây dựng thiết kế (5 phút)
+ Phân tích những kinh nghiệm trong quá trình xây dựng thiết kế và lấy
những ví dụ cụ thể trong khi xây dựng thiết kế.
* Đánh giá hoạt động 2
- Câu hỏi 1: Thiết kế là gì? Đặc điểm của thiết kế?
- Câu hỏi 2: Trình bày mục đích ý nghĩa của thiết kế?
- Câu hỏi 3: Khi thiết kế cần lưu ý những vấn đề gì?
- Câu hỏi 4: Trình bày những kinh nghiệm cần có của người thiết kế trong quá trình
thiết kế hoạt động Đội?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 123 - 123 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
1. Thiết kế là gì?
- Thiết kế là bản kế hoạch cụ thể cho một hoạt động cụ thể, nhằm giáo dục
một nội dung cụ thể.
- Thiết kế hoạt động là việc lựa chọn nội dung, hình thức hoạt động, phương
pháp tổ chức thực hiện và sắp xếp chúng thành một trình tự hợp lí trên cơ sở khoa
học và thực tiễn để đảm bảo đạt kết quả giáo dục cao so với yêu cầu, mục đích đề
ra.
2. Mục đích ý nghĩa của việc xây dựng thiết kế
- Thông qua việc xây dựng thiết kế, giúp người chủ thiết kế nắm bắt một
cách tường tận mọi vấn đề từ nội dung đến hình thức thực hiện và cả các tình
huống có thể xẩy ra trong quá trình tổ chức thực hiện thiết kế.
- Giúp người chuẩn bị nội dung và cơ sở vật chất hiểu sâu sắc về những việc
mình sẽ làm để giúp thiết kế thành công.
- Giúp người quản lí nắm bắt được về kinh phí, thời gian để tổ chức thực
hiện thiết kế đó.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
3. Những điểm cần lưu ý khi xây dựng thiết kế
Để thu hút, tập hợp được đông đảo đội viên tham gia hoạt động đòi hỏi
người chỉ huy cần có năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn cho các bạn, phải biết
thiết kế và biết tổ chức thực hiện thiết kế.
Thiết kế hoạt động là sự lựa chọn về nội dung, hình thức và phương pháp
giáo dục nhằm tạo ra một mô hình hoạt động và tổ chức thực hiện một yêu cầu
giáo dục nhất định, do vậy, thiết kế phải đảm bảo trình tự khoa học, lô gíc. Trong
bản thiết kế phải có phần mở đầu, phần phát triển và phần kết thúc, xác định đâu là
khâu quan trọng và quan trọng nhất của toàn bộ quá trình thực hiện.
Thiết kế hoạt động phải xác định rõ các hoạt động được diễn ra vào thời gian
nào; thời gian dành cho mỗi hoạt động, cho từng phần việc cụ thể trong mỗi hoạt động
là bao nhiêu… Yếu tố thời gian trong bản thiết kế cần được cụ thể hóa.
Thiết kế hoạt động dành cho đối tượng đội viên và nhi đồng, do vậy phải
phù hợp về khả năng, trình độ, đặc biệt là sức khỏe của các em. Thiết kế hoạt động
phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đơn vị.
4. Một số kinh nghiệm khi xây dựng thiết kế
- Khi xây dựng thiết kế cần chú ý:
+ Tìm tòi những nội dung thực sự tiêu biểu, thể hiện được chủ đề giáo dục,
nâng cao hiểu biết cho thiếu nhi.
+ Lựa chọn những hình thức thể hiện nội dung phù hợp với tâm lí lứa tuổi.
Hình thức thể hiện phải có sự sáng tạo để thu hút được thiếu nhi tham gia. Các
hình thức khác nhau được đan xen giữa các hoạt động. Thời gian dành cho mỗi
một hình thức thể hiện cần linh hoạt nhưng không nên kéo quá dài.
+ Trong thiết kế chỉ nên chọn một nội dung trọng tâm được thể hiện bằng
một hình thức tiêu biểu làm nên cao trào của hoạt động. Không nên có nhiều hoạt
động, nhiều cao trào trong một bản thiết kế.
+ Cần lưu ý phát huy khả năng sáng tạo và tinh thần trách nhiệm trong việc
tham gia thực hiện thiết kế của các đối tượng trực tiếp trong thiết kế.
+ Phân công thực hiện thiết kế phải thật tỉ mỉ, đúng sở trường của từng đối
tượng thực hiện.

chủ đề 2: cấu trúc, phương pháp viết thiết kế


hoạt động đội (3 tiết)
1. Hoạt động
Hoạt động 1: Xây dựng cấu trúc của thiết kế (20 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 1: [3; tr 71 - 79]
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu cấu trúc của thiết kế (5 phút)
+ Giới thiệu khái quát các phần chính trong một bản thiết kế.
- Nhiệm vụ 2: Xác định các nội dung được thể hiện trong cấu trúc của bản
thiết kế (15 phút)
+ Phát vấn về các nội dung cần thể hiện trong từng phần của thiết kế.
+ Tổng hợp các ý kiến. Nêu các nội dung chính cần thể hiện trong các phần
của thiết kế.
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi 1: Em hãy trình bày các phần cơ bản của một bản thiết kế hoạt
động Đội.
- Câu hỏi 2: Em hãy nêu các nội dung cần thể hiện trong các cột chính của
bảng diễn biến chương trình chi tiết trong thiết kế.
- Câu hỏi 3: Em hãy so sánh mẫu thiết kế số 1 với mẫu thiết kế số 2?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 193 - 194 của giáo trình.
Hoạt động 2: Xác định các bước xây dựng thiết kế (25 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 2: [3; tr 71 - 79]
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Tổ chức trò chơi xác định các bước xây dựng thiết kế (10
phút)
+ Chia lớp thành 3 nhóm (mỗi nhóm có 1 tờ giấy troki, 3 kéo, 1 lọ hồ và 1
bản danh mục các bước xây dựng thiết kế). Các nhóm thảo luận tìm thứ tự các
bước xây dựng thiết kế sau đó cắt thành nhiều hình thể hiện nội dung của từng
bước rồi dán lên giấy troki.
+ Tổng hợp nội dung của các nhóm. Nêu các bước xây dựng thiết kế.
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu nội dung cho các bước xây dựng thiết kế (15 phút)
+ Chia lớp thành 3 nhóm. Các nhóm thảo luận theo câu hỏi. Cử đại diện lên
thuyết trình nội dung
Phải xác định tên thiết kế như thế nào?
Mục tiêu của thiết kế gồm những nội dung gì?
Quy mô tổ chức thực hiện gồm những nội dung gì?
Nội dung thực hiện gồm những nội dung gì?
Hình thức thực hiện gồm những nội dung gì?
Phân công thực hiện gồm những nội dung gì?
Kinh phí thực hiện gồm những nội dung gì?
Tiến độ thực hiện gồm những nội dung gì?
Cần có các tiểu thiết kế nào, các tiểu thiết kế gồm những nội dung nào?
+ Tập hợp ? kiến. Phân tích nội dung của các bước xây dựng thiết kế.
* Đánh giá hoạt động 2
- Câu hỏi 1: Em hãy trình bày các bước trong một bản thiết kế hoạt động Đội.
- Câu hỏi 2: Trong các bước của bản thiết kế, theo em bước nào quan trọng
nhất? Tại sao?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 194 - 196 của giáo trình.
Hoạt động 3: Thực hành xây dựng thiết kế (45 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 3: [3; tr 71 - 79]
* Nhiệm vụ của hoạt động 3 :
- Nhiệm vụ 1: Giới thiệu thiết kế mẫu theo chủ điểm “Uống nước nhớ
nguồn” (15 phút)
+ Giới thiệu chi tiết các phần, các nội dung cụ thể của thiết kế mẫu theo chủ
điểm “Uống nước nhớ nguồn”.
- Nhiệm vụ 2: Xây dựng thiết kế mẫu theo chủ điểm mới (30 phút)
+ Gợi ý các chủ điểm trong năm học để học sinh lựa chọn chủ điểm cho thiết
kế.
+ Gợi ý nội dung, đặt câu hỏi cho các phần trong quá trình xây dựng thiết
kế. Học sinh xác định nội dung cụ thể cho từng phần theo trình tự của cấu trúc bản
thiết kế.
* Đánh giá hoạt động 3
- Câu hỏi 1: Người chủ thiết kế cần phải rèn những kĩ năng gì? Tại sao?
- Câu hỏi 2: Xác định nội dung các bước trong một bản thiết kế hoạt động Đội.
- Bài tập: Thực hành viết thiết kế một hoạt động Đội theo chủ điểm "Mừng
sinh nhật Bác".
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3: Xem trang 197 - 201 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
1. Cấu trúc thiết kế hoạt động Đội
Mẫu số 1
I. Mục tiêu
ii. Tổ chức thực hiện
1. Thời gian. 2. Địa điểm. 3. Thành phần: Khách mời, tham gia. 4. Trang trí. 5. Sơ
đồ. 6. Nội dung chính.
iii. Phân công thực hiện
1. Chuẩn bị nội dung. 2. Chuẩn bị cơ sở vật chất.
iv. Tiến độ thực hiện
v. Dự trù kinh phí.
vi. Bảng diễn biến chương trình
STT Thời gian Diễn biến Nội dung Yêu cầu Thực hiện

vii. Lời dẫn chương trình


viii. Các tiểu thiết kế
Mẫu số 2
I. Mục tiêu
ii. Tổ chức thực hiện
1. Thời gian. 2. Địa điểm. 3. Thành phần: Khách mời, tham gia. 4. Trang trí. 5. Sơ
đồ.
iii. Phân công thực hiện
1. Chuẩn bị nội dung. 2. Chuẩn bị cơ sở vật chất. 3. Kinh phí thực hiện 4. Tiến độ
thực hiện
iv. Bảng diễn biến chương trình
STT Thời gian Diễn biến - Nội dung Hình thức - Yêu cầu Thực hiện

v. Lời dẫn chương trình


vi. Các tiểu thiết kế
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
2. Các bước xây dựng thiết kế
a) Đặt tên cho thiết kế
Tên cho một thiết kế cần đảm bảo chủ đề chính của thiết kế, đảm bảo phù
hợp với lứa tuổi đối tượng tham gia trong thiết kế.
b) Xác định mục tiêu của thiết kế
Về nhận thức: Giúp củng cố được tri thức đã có, bổ sung, nâng cao những
hiểu biết mới. Do đó, khi tổ chức hoạt động giáo dục cần xác định xem hoạt động
đó mang lại gì cho các em về mặt nhận thức.
Về kĩ năng: Mục tiêu về kĩ năng của hoạt động được thể hiện rõ ở cách thức
tổ chức hoạt động mà các bạn tiếp thu được. Cần xác định được sau hoạt động
cung cấp, bổ sung thêm những kĩ năng gì. Kĩ năng đó giúp ích gì cho cuộc sống,
cho học tập của các bạn tham gia. Kĩ năng còn bồi dưỡng cho các bạn cách giao
tiếp, ứng xử hàng ngày. Hoạt động phải hướng các bạn tới việc ứng xử một cách
văn minh có văn hóa.
Về thái độ: Thái độ của các bạn được hình thành thông qua các hoạt động,
được thể hiện ở nhu cầu, lòng say mê, hứng thú với các hoạt động. Thái độ đó được
hình thành trong quá trình giao tiếp như: thái độ trong ứng xử để thực hiện nhiệm vụ
được giao và kết quả công việc. Sau mỗi hoạt động các bạn phấn khởi để chăm học và
chịu khó rèn luyện nâng cao ý thức đối với bản thân mình và tập thể.
c) Xác định quy mô tổ chức thực hiện
Cần xác định rõ được: thời gian, địa điểm, thành phần tham gia, đối tượng trực
tiếp của thiết kế. Xác định rõ về trang trí, sơ đồ vị trí và chương trình tổng thể.
d) Xác định nội dung thực hiện
Xác định được chủ đề cần đạt tới (theo các chủ đề được lựa chọn trong tài
liệu hướng dẫn)
Phải hiểu biết sâu sắc về chủ đề mình thiết kế. Từ đó có nhiệm vụ khoanh
vùng kiến thức sao cho phù hợp với trình độ của đối tượng tham gia.
Cần xác định rõ những nội dung nào là nội dung chính, nội dung nào là nội
dung hỗ trợ cho chủ đề của thiết kế.
e) Xác định hình thức thực hiện
Hình thức thực hiện trong thiết kế rất quan trọng, nó sẽ quyết định lớn đến
thành công của thiết kế.
Chọn hình thức phải tương xứng với nội dung cần truyền đạt. Không nên
chọn quá nhiều hình thức hoạt động, vận động, cũng không nên chọn nhiều hình
thức nhẹ nhàng sẽ dẫn đến thiết kế nhàm trán.
Chú ý sắp xếp các hình thức đan xen nhau trong quá trình thực hiện. Tạo cho
thiết kế có cao trào, có sự lắng đọng. Nhờ đó sẽ in đậm vào trí nhớ của học sinh,
học sinh sẽ khắc sâu được kiến thức cần truyền đạt. Giúp học sinh không mệt mỏi,
không nhàm chán khi tham gia thiết kế.
f) Xây dựng phân công thực hiện
Sau khi xác định rõ những việc cần làm, người thiết kế lập bảng phân công
chi tiết từ chuẩn bị nội dung đến chuẩn bị cơ sở vật chất.
Nếu bản phân công chi tiết, cụ thể và tách nhỏ các phần việc cần chuẩn bị sẽ
giúp người chủ thiết kế kiểm tra công tác chuẩn bị một cách dễ dàng hơn, giúp
người thực hiện dễ thực hiện, dễ làm.
Phân công thực hiện cần đảm bảo đúng người, đúng việc. Không nên phân
công tập trung vào một người hay mở rộng quá nhiều người thực hiện.
g) Xây dựng kinh phí thực hiện
Thông qua việc dự trù kình phí có thể khẳng định được thiết kế đó có khả
năng thực hiện được không, có mang tính thực tiễn hay không, có phù hợp với điều
kiện thực tế không.
Cần xây dựng dự trù kinh phí thật chi tiết, cụ thể đảm bảo tính thiết thực và
đảm bảo nội dung chi đúng.
h) Xây dựng tiến độ thực hiện
Thông qua bản tiến độ thực hiện sẽ giúp những người chuẩn bị nội dung, cơ
sở vật chất và các đối tượng tham gia trong thiết kế thực hiện nghiêm túc và đạt kết
quả cao.
Xây dựng tiến độ cần đảm bảo thời gian triển khai, chuẩn bị và thực hiện
trong các phần của thiết kế. Đảm bảo nội dung cần thực hiện đi kèm với thời gian
cụ thể.
Việc xây dựng tiến độ thực hiện giúp người chủ thiết kế dễ dàng kiểm tra,
đánh giá các phần việc tham gia trong thiết kế.
i) Xây dựng các tiểu thiết kế
Các tiểu thiết kế phải bám sát các nội dung và hình thức trong bản tổng thiết
kế định hướng.
Các tiểu thiết kế gồm: kịch bản chương trình, các phần câu hỏi, bảng điểm,
thể lệ, màn truyền thống, bài hùng biện, các phần biểu diễn, phần khách mời, phần
dự trù kinh phí, phần chuẩn bị cơ sở vật chất… (tóm lại là những nội dung phục vụ
cho thiết kế diễn ra thành công).

* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3


Hoạt động chủ điểm tháng 12
Uống nước nhớ nguồn
i. Mục tiêu
Sau khi kết thúc hoạt động, thiếu nhi có khả năng:
- Hiểu biết về truyền thống vẻ vang của quân đội nhân dân Việt Nam. Hiểu
biết về ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, ngày hội Quốc phòng toàn
dân.
- Tự hào về truyền thống vẻ vang của quân đội nhân dân Việt Nam, biết giữ
gìn phát huy truyền thống đó trong học tập, rèn luyện.
- Xây dựng được bầu không khí vui tươi, đoàn kết trong các hoạt động tập thể.
ii. Tổ chức thực hiện
1. Thời gian: 45 phút
2. Địa điểm: Lớp học
3. Thành phần
- Khách mời: + Cựu chiến binh trong phường (xã)
+ Phụ huynh các em là bộ đội, nguyên là bộ đội
+ Ban giám hiệu nhà trường
- Tham gia: + Toàn thể học sinh lớp …
4. Trang trí
- Băng rôn (trang trí trong lớp học): Đội viên chi đội … thi đua lập thành
tích chào mừng ngày truyền thống Quân đội Nhân dân Việt Nam và ngày Quốc
phòng toàn dân 22 - 12.
- Trưng bày những sản phẩm mà chi đội đã sưu tầm được trong hoạt động
chào mừng chủ đề này.
- Bảng lớp:

Liên đội Trường THCS …


Chi đội ….
Hoạt động theo chủ điểm
Uống nước nhớ nguồn
5. Sơ đồ
Bảng trang trí

Chi Chi
Đội Đội
3 1

đại biểu Chi Đội 2

iii. Phân công thực hiện


1. Chuẩn bị nội dung
- Xây dựng thiết kế tổng thể.
- Xây dựng kịch bản chương trình.
- Viết câu hỏi về các mốc son lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam
- Viết câu hỏi tìm hiểu các thời kì đổi tên của quân đội.
- Viết câu hỏi tìm hiểu về các lực lượng quân đội với những đặc điểm riêng.
- Tập màn hát múa mừng.
- Viết lời dẫn cho màn múa hát mừng.
- Viết và đọc bài viết kỉ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam
và ngày Quốc phòng toàn dân.
- Mời đại biểu là bộ đội, nguyên bộ đội là phụ huynh của lớp dự.
- Mời cựu chiến binh của phường (xã)
- Chuẩn bị nội dung trò chơi “Em tập làm bộ đội”
- Chuẩn bị một số câu chuyện, bài thơ về anh bộ đội.
- Chuẩn bị bài phát biểu cảm tưởng.
- Liên hệ mời cựu chiến binh kể chuyện truyền thống trong chương trình.
2. Chuẩn bị cơ sở vật chất
- Các đạo cụ cho màn múa hát chào mừng.
- Cơ sở vật chất phục vụ trò chơi “Em tập làm chú bộ đội”, “Tiếp theo
truyền thống”.
- Chuẩn bị hoa tặng cựu chiến binh.
- Trang trí theo makét.
- Kê bàn ghế theo sơ đồ.
- Chuẩn bị phần thưởng cho các trò chơi.
- Tiếp đón đại biểu về dự buổi sinh hoạt.
3. Kinh phí thực hiện
- Kính phí mua hoa, quà tặng, phần thưởng cho trò chơi, thuê đạo cụ, trang
phục (nếu có).
4. Tiến độ thực hiện
- Lên tiến độ tập màn múa hát chào mừng.
- Lên tiến độ duyệt các văn bản phục vụ nội dung hoạt động.
- Lên tiến độ sơ, tổng duyệt và chính thức.
iv. Bảng diễn biến chương trình
Thời Hình thức - Yêu
STT Diễn biến - Nội dung Thực hiện
gian cầu
Tập trung ổn định tổ chức
- Kiểm tra sĩ số học sinh trong lớp
Kiểm tra theo
- Kiểm tra việc chuẩn bị nội dung
1 5 phút đầu đơn vị và CĐ trưởng
- Kiểm tra chuẩn bị cơ sở vật chất
đầu việc
- Tổng duyệt một số hoạt động chính
- Đón đại biểu vào phòng khách
Đón đại biểu Dẫn chương
2 2 phút Hát tập thể
- Hát tập thể: Chú bộ đội và cơn mưa trình (DCT)
3 2 phút Tuyên bố lí do, giới thiệu đại biểu DCT
Thời Hình thức - Yêu
STT Diễn biến - Nội dung Thực hiện
gian cầu
- Giới thiệu ý nghĩa của ngày thành lập Quân
đội nhân dân Việt Nam và ngày Quốc phòng
toàn dân.
- Giới thiệu những hoạt động hướng tới
chương trình sinh hoạt theo chủ điểm của chi
đội.
- Giới thiệu các đại biểu tham gia buổi sinh
hoạt.
Bài phát biểu kỉ niệm
- Giới thiệu lịch sử Quân đội nhân dân Việt
Nam từ ngày thành lập đến nay.
- Giới thiệu những thành tích lớn của quân
đội trong các cuộc kháng chiến và trong thời
4 3 phút Đọc diễn văn CĐ trưởng
bình.
- Giới thiệu những hoạt động, những việc
làm thiết thực của chi đội hướng tới kỉ niệm
ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
và ngày Quốc phòng toàn dân.
Màn hát múa chào mừng
- Bài: Qua miền Tây Bắc (Nguyễn Thành)
- Bài: Chiến thắng Điện Biên (Đỗ Nhuận)
Hát múa tưng
5 7 phút - Bài: Như có Bác trong ngày vui đại thắng Phân đội 1
bừng
(Phạm Tuyên)
- Lời dẫn: Giới thiệu những trận đánh lớn của
dân tộc theo nội dung các bài hát
Tặng hoa cựu chiến binh và bộ đội Kết thúc màn
6 3 phút múa hát mời lên DCT
- Theo danh sách khách mời
tặng hoa.
Thời Hình thức - Yêu
STT Diễn biến - Nội dung Thực hiện
gian cầu
Nghe kể chuyện DCT
10
7 - Mời một số bác cựu chiến binh lên kể Cựu chiến
phút
chuyện và giao lưu với chi đội binh
Các hoạt động chào mừng
- Trò chơi: “Em tập làm chú bộ đội”.
Mỗi bạn tham gia phải thực hiện một động
Chơi tập thể Phân đội 2
tác của bộ đội mà mình biết. Sau đó giải
thích động tác đó.
- Kể chuyện về chú bộ đội Phân đội 2
20
8 - Trò chơi: “Tiếp theo truyền thống”
phút Các câu hỏi tìm
+ Các mốc son lịch sử của quân đội.
hiểu
+ Các thời kì đổi tên của quân đội.
Chuyền bóng bay Phân đội 3
+ Tìm hiểu về các loại hình quân đội.
Giành quyền trả
+ Tìm hiểu các bài hát truyền thống của quân
lời
đội.
- Đọc thơ về anh bộ đội. Phân đội 3
Phát biểu cảm tưởng
- Nói lên tình cảm của bản thân với anh bộ đội
9 2 phút - Những lời cảm ơn gửi tới các anh bộ đội Đại diện
- Những lời hứa phấn đấu noi gương trong
học tập, rèn luyện
10 2 phút Kết thúc Hát tập thể DCT
- Cảm ơn đại biểu
- Tuyên bố kết thúc
- Hát tập thể: Ca ngợi Tổ quốc – Hoàng Vân
v. Đánh giá sau khi học xong tiểu mô đun
* Các câu hỏi và bài tập đánh giá
Câu hỏi 1: Thiết kế hoạt động là gì? (Đánh dấu x vào ô  trước phương án em lựa
chọn).
 1. Là sự lựa chọn hình thức phương pháp
 2. Sắp xếp chúng thành một chương trình hoạt động hơp lí trên cơ sở khoa
học và thực tiễn
 3. Là quá trình đưa ra những việc cần phải thực hiện
 4. Đảm bảo kết quả giáo dục cao so với yêu cầu, mục đích đề ra.
Câu hỏi 2: Việc xây dựng thiết kế, giúp người chủ thiết kế nắm bắt một cách
tường tận mọi vấn đề từ nội dung đến các hình thức thực hiện và cả các tình huống
có thể xẩy ra trong quá trình tổ chức thực hiện thiết kế, đúng hay sai? (Đánh dấu x

vào ô  trước phương án em lựa chọn).

 1. Đúng  2. Sai
Câu hỏi 3: Với người người tổ chức và người thực hiện thì thiết kế có những tác

dụng gì? (Đánh dấu x vào ô  trước phương án em lựa chọn và bổ sung thêm nội
dung mới vào chỗ chấm (...) mà em biết).
 1. Giúp người chuẩn bị nội dung và cơ sở vật chất hiểu sâu sắc về những
việc mình sẽ làm
 2. Giúp người quản lí nắm bắt được về kinh phí, thời gian để tổ chức thực
hiện thiết kế đó.
3. Nội dung khác: .........................................................................................
.......................................................................................................................
.......................................................................................................................
Câu hỏi 4: Khi xây dựng thiết kế người tổ chức cần có những khả năng nào dưới

đây? (Đánh dấu x vào ô  trước phương án em lựa chọn).


 1. Phải biết thu hút các bạn vào tham gia
 2. Có năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn
 3. Phải biết thiết kế hoạt động
 4. Phải hát hay, múa đẹp
 5. Biết tổ chức thực hiện thiết kế
Câu hỏi 5: Khi xây dựng thiết kế cần chú ý gì? (Đánh dấu x vào ô  trước phương
án em lựa chọn và đưa thêm những nội dung mới vào chỗ chấm (...) mà em biết).
 1. Phải đảm bảo trình tự khoa học, lôgíc
 2. Phải có mở đầu và kết thúc
 3. Xác định đâu là khâu quan trọng và quan trọng nhất
 4. Diễn ra vào thời gian nào, toàn bộ thời gian hoạt động là bao nhiêu
 5. Thời gian cho từng phần việc là bao nhiêu
 6. Phải phù hợp với đối tượng về khả năng trình độ
 7. Thiết kế hoạt động phải gắn chặt và phù hợp với điều kiện kinh tế, chính
trị, xã hội của đơn vị.
8. Nội dung khác: .........................................................................................
.......................................................................................................................
.......................................................................................................................
Câu hỏi 6: Khi xây dựng thiết kế cần chú ý những nội dung nào? (Đánh dấu x vào

ô  trước phương án em lựa chọn và đưa thêm những nội dung mới vào chỗ chấm
(...) mà em biết).
 1. Nội dung thực sự tiêu biểu
 2. Hình thức phù hợp với tâm lí lứa tuổi
 3. Hình thức phải có sự sáng tạo để thu hút học sinh tham gia.
 4. Xác định một nội dung, một hình thức làm cao trào của thiết kế.
 5. Không nên hoạt động nhiều, không nên có nhiều cao trào.
 6. Phát huy khả năng, sáng tạo và tinh thần tham gia của mọi thành viên
 7. Phân công thực hiện tỉ mỉ, đúng sở trường.
8. Nội dung khác: .........................................................................................
.......................................................................................................................
.......................................................................................................................
Câu hỏi 7: Mục tiêu của một thiết kế cần xác định được những nội dung nào?

(Đánh dấu x vào ô  trước phương án em lựa chọn).

 1. Về nhận thức  2. Về thẩm mĩ  3. Về kĩ năng


 4. Về tính hoạt động  5. Về thái độ  6. Về khả năng tổ chức
Câu hỏi 8: Để người xem hiểu, thiết kế cần thể hiện được những nội dung: Thời
gian - Địa điểm - Thành phần (Khách mời, tham gia) - Trang trí - Sơ đồ hoạt động

- Nội dung chính, đúng hay sai? (Đánh dấu x vào ô  trước phương án em lựa
chọn).
 1. Đúng  2. Sai
Câu hỏi 9: Trong phần phân công thực hiện của thiết kế phải có những yếu tố nào

dưới đây? (Đánh dấu x vào ô  trước phương án em lựa chọn).

 1. Chuẩn bị nội dung.  2. Dự trù kinh phí


 3. Tiến độ thực hiện  4. Chuẩn bị cơ sở vật chất.
Câu hỏi 10: Sắp xếp thứ tự nội dung khi xây dựng thiết kế cần xác định cho phù

hợp? (Đánh số thứ tự vào ô  trước phương án em lựa chọn).

 1. Xây dựng phân công thực hiện


 2. Xây dựng các tiểu thiết kế
 3. Xác định quy mô tổ chức thực hiện
 4. Đặt tên cho thiết kế
 5. Xây dựng kinh phí thực hiện
 6. Xác định nội dung thực hiện
 7. Xác định mục tiêu của thiết kế
 8. Xác định hình thức thực hiện
 9. Xây dựng tiến độ thực hiện
Câu hỏi 11: Hãy điền các cụm từ sau vào chỗ chấm (...) để xác định rõ mục tiêu
của thiết kế:
a) Về kĩ năng b) Về thái độ c) Về nhận thức
1. …………….: Giúp củng cố được tri thức đã có, bổ sung, nâng cao những
hiểu biết mới.
2. …………….: Cung cấp, bổ sung thêm những kĩ năng gì. Kĩ năng đó giúp
ích gì cho cuộc sống, cho học tập. Bồi dưỡng cách giao tiếp, ứng xử hàng ngày.
Việc ứng xử một cách văn minh có văn hóa.
3. …………….: Nhu cầu, lòng say mê, hứng thú. Sự phấn khởi để chăm học
và chịu khó rèn luyện nâng cao ý thức đối với bản thân mình và tập thể.
Câu hỏi 12: Người thiết kế cần lưu ý gì khi xây dựng nội dung của bản thiết kế?

(Đánh dấu x vào ô  trước phương án em lựa chọn và bổ sung thêm nội dung mới
vào chỗ chấm (...) mà em biết).
 1. Tìm hiểu kĩ về chủ đề mình thiết kế.
 2. Khoanh vùng kiến thức sao cho phù hợp với trình độ của đối tượng
tham gia.
 3. Cần xác định rõ những nội dung nào là nội dung chính, nội dung nào là
nội dung hỗ trợ cho chủ đề của thiết kế.
4. Nội dung khác: .........................................................................................
.......................................................................................................................
.......................................................................................................................
Câu hỏi 13: Khi phân công thực hiện thiết kế cần lưu ý những điểm gì? (Đánh dấu x

vào ô  trước phương án em lựa chọn và bổ sung thêm nhưng nội dung mới vào chỗ
chấm (...) mà em biết).
 1. Cần chuẩn bị nội dung, chuẩn bị cơ sở vật chất.
 2. Cần chi tiết, cụ thể và tách nhỏ các phần việc
 3. Phân công thực hiện cần đảm bảo đúng người, đúng việc
 4. Không nên phân công tập trung vào một người hay mở rộng quá nhiều
người thực hiện.
5. Nội dung khác: .........................................................................................
.......................................................................................................................
.......................................................................................................................
Câu hỏi 14: Tiến độ thực hiện của 1 thiết kế được thể hiện cả về thời gian chuẩn bị,

luyện tập và thời gian chính thức của thiết kế đúng hay sai? (Đánh dấu x vào ô 
trước phương án em lựa chọn).
 1. Đúng  2. Sai
Câu hỏi 15: Các tiểu thiết kế gồm? (Đánh dấu x vào ô  trước phương án em lựa
chọn).
 1. Kịch bản chương trình  2. Các phần câu hỏi  3. Bảng điểm
 4. Thể lệ  5. Màn truyền thống  6. Bài hùng biện
 7. Các phần biểu diễn  8. Phần khách mời  9. Dự trù kinh phí. 
10. Phần chuẩn bị cơ sở vật chất  11. Thiết kế chính
Câu hỏi 20: Tên cho một thiết kế cần đảm bảo chủ đề chính của thiết kế, đảm bảo
phù hợp với lứa tuổi đối tượng tham gia trong thiết kế đúng hay sai? (Đánh dấu x

vào ô  trước phương án em lựa chọn).

 1. Đúng  2. Sai
* Thông tin phản hồi đánh giá
Đáp án câu 1
Phương án 1 – 2 – 4.
Đáp án câu 2
1. Đúng
Đáp án câu 3
Cả hai phương án 1 và 2.
Đáp án câu 4:
Phương án 2 – 3 – 5.
Đáp án câu 5
Cả 7 phương án đều đúng.
Đáp án câu 6
Cả 7 phương án đều đúng.
Đáp án câu 7
Mục tiêu của một thiết kế cần xác định được 3 nội dung: 1 – 3 – 5.
Đáp án câu 8
1. Đúng
Đáp án câu 9
Trong phần phân công thực hiện của thiết kế phải có các yếu tố: 2 – 4.
Đáp án câu 10
Nội dung thiết kế cần được sắp xếp theo thứ tự đúng như sau: 4 – 7 – 3 – 6
– 8 – 1 – 5 – 9 - 2.
Đáp án câu 11
1. Về nhận thức: Giúp củng cố được tri thức đã có, bổ sung, nâng cao
những hiểu biết mới.
2. Về kĩ năng: Cung cấp, bổ sung thêm những kĩ năng gì. Kĩ năng đó giúp
ích gì cho cuộc sống, cho học tập. Bồi dưỡng cách giao tiếp, ứng xử hàng ngày.
Việc ứng xử một cách văn minh có văn hóa.
3. Về thái độ: Nhu cầu, lòng say mê, hứng thú. Sự phấn khởi để chăm học
và chịu khó rèn luyện nâng cao ý thức đối với bản thân mình và tập thể.
Đáp án câu 12
Cả 3 phương án đều đúng.
Đáp án câu 13
Cả 4 phương án đều đúng.
Đáp án câu 14
1. Đúng
Đáp án câu 15
Cả 10 phương án đều đúng.
Đáp án câu 20
1. Đúng

Mô đun 3: kĩ năng, nghiệp vụ công tác


đội tntp hồ chí minh (37 tiết)

I. Mục tiêu của mô đun 3


Sau khi học xong mô đun 3, học sinh đạt được những yêu cầu sau:
- Xác định được nội dung, thực hiện được các kĩ năng, áp dụng được các phương
pháp hướng dẫn thực hành Nghi thức Đội và tổ chức thực hành Nghi thức Đội.
- Trình bày được mục đích, ý nghĩa, tác dụng của trò chơi; phân loại được
trò chơi; thiết kế và tổ chức điều hành được trò chơi thiếu nhi và áp dụng được tại
chi đội, liên đội.
- Hiểu được mục đích, ý nghĩa, tác dụng của múa hát tập thể; hướng dẫn
được việc học hát và múa trong tập thể Đội.
- Hiểu được mục đích, ý nghĩa, tác dụng của trại thiếu nhi. Thực hành dựng được
lều chữ A. Tổ chức hướng dẫn thực hành dựng lều chữ A trong tập thể Đội.
II. giới thiệu mô đun 3
Mô đun 3 bao gồm 4 tiểu mô đun, phân bố trong 37 tiết, cụ thể như sau :
stt Tên tiểu Mô đun Số tiết Trang số
1 Hướng dẫn Nghi thức Đội TNTP Hồ 16 tiết 209
Chí Minh
2 Hướng dẫn trò chơi thiếu nhi 6 tiết 284
3 Hướng dẫn múa hát tập thể 7 tiết 321
4 Hướng dẫn trại thiếu nhi 8 tiết 377
Công : 4 tiểu mô đun 37 tiết

tiểu mô đun 1: hướng dẫn nghi thức đội tntp hồ chí minh (16 tiết)

i. Mục tiêu
Kết thúc tiểu mô đun 1, học sinh có khả năng:
1. Kiến thức
- Nêu được khái niệm Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh;
- Trình bày được các nội dung của Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh;
- Hiểu được cách thực hiện các yêu cầu đối với đội viên, đội hình đội ngũ
trong Nghi thức Đội;
- Hiểu được các yêu cầu đối với người chỉ huy Nghi thức Đội;
- Trình bày được một số nghi lễ của Đội;
- Biết được những yêu cầu đối với người học, người dạy Nghi thức Đội
TNTP Hồ Chí Minh;
- Xác định được phương pháp hướng dẫn học Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí
Minh.
2. Kĩ năng
- Thực hiện được các yêu cầu đối với đội viên, đội hình đội ngũ và người chỉ
huy Nghi thức;
- Biết hướng dẫn đội viên thực hành các yêu cầu đối với đội viên, đội hình
đội ngũ trong Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh;
- Vận dụng được Nghi thức Đội vào các hoạt động Đội tại cơ sở.
3. Thái độ
- Nghiêm túc trong học tập, rèn luyện về Nghi thức Đội;
- Có ý thức tự giác học tập, trau dồi về kĩ năng, phương pháp hướng dẫn
Nghi thức Đội.
ii. Giới thiệu tiểu môđun 1
Tiểu mô đun 1 bao gồm 3 chủ đề cơ bản, thực hiện trong 16 tiết, cụ thể như
sau:

stt tên chủ đề số tiết Trang số


1 Những vấn đề chung về Nghi thức Đội TNTP 2 tiết 211
Hồ Chí Minh
2 Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh 12 tiết 221
3 Phương pháp hướng dẫn Nghi thức Đội TNTP 2 tiết 268
Hồ Chí Minh
Cộng 16 tiết

iii. Điều kiện cần thiết để thực hiện tiểu mô đun 1


1. Điều kiện
- Học sinh phải học xong mô đun 1: “Những vấn đề chung về Đội TNTP Hồ
Chí Minh”. Đặc biệt là tiểu mô đun 4 của mô đun 2: “Mô hình hoạt động Đội TNTP Hồ
Chí Minh”.
2. Tài liệu học tập
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phương pháp dạy bộ học công tác Đội TNTP Hồ
Chí Minh, Nxb Giáo dục, 2004.
2. HĐĐ Trung ương, Nghi thức và hướng dẫn thực hiện nghi thức Đội TNTP
Hồ Chí Minh, Nxb Thanh niên, 2004.
3. HĐĐ Trung ương, Người phụ trách thiếu nhi cần biết, Nxb Thanh
niên, 1997.
4. Trường Cán bộ Đội Hà Nội, Hành trang người phụ trách thiếu nhi, Nxb
Hà Nội, 1997.
5. Trường Cán bộ Đội Hà Nội, Hành trang chi đội trưởng, Nxb Hà Nội, 1999.
6. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Giáo trình công tác Đội TNTP và nhi đồng.
7. Bùi Sỹ Tụng (chủ biên) - Phạm Đình Nghiệp - Phan Nguyên Thái, Cẩm
nang người phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh, Nxb Giáo dục, 2001.
3. Thiết bị, đồ dùng dạy học
- Máy projector, giấy troki, bút viết bảng, băng dính, kéo, giấy mầu.

iv. nội dung


chủ đề 1: những vấn đề chung về nghi thức
đội tntp hồ chí minh (2 tiết)
1. Hoạt động
Hoạt động 1: Xác định khái niệm, các nội dung của Nghi thức
Đội TNTP Hồ Chí Minh (45 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 1: [2]
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu khái niệm Nghi thức Đội (10 phút)
+ Nghi thức Đội có những đặc trưng gì?
+ Từng học sinh trả lời, suy nghĩ của mình về nghi thức Đội. Giáo viên tập
hợp những ý chính lên bảng.
+ Từ những nội dung trên bảng, gợi ý cho học sinh hoàn thành khái niệm
Nghi thức Đội.
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu các nội dung Nghi thức Đội theo hình thức trò chơi (15
phút)
+ Chia chi đội thành 3 nhóm. Mỗi nhóm có nhiều mảnh giấy ghi các nội
dung của Nghi thức Đội. Trong thời gian 5 phút nhóm nào tìm các nội dung, dán
lên giấy troki (có yêu cầu trang trí đẹp, thể hiện ý tưởng).
+ Mỗi nhóm cử 2 bạn học sinh tham gia ban giám khảo để chấm sản phẩm
của các nhóm theo sự thống nhất, theo tiêu chuẩn trang trí đẹp, nội dung đầy đủ.
+ Đại diện ban giám khảo nhận xét các nhóm. Các nhóm cho ý kiến phản
hồi sau khi ban giám khảo nhận xét.
- Nhiệm vụ 3: Giới thiệu từng nội dung (20 phút)
+ Giáo viên giới thiệu từng nội dung trong Nghi thức Đội.
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi 1: Trình bày khái niệm Nghi thức Đội.
- Câu hỏi 2: Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh có bao nhiêu nội dung?
- Câu hỏi 3: Em hãy kể tên các nội dung cụ thể của nghi thức Đội TNTP Hồ
Chí Minh?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 212 - 218 của giáo trình.
Hoạt động 2: Xác định yêu cầu đối với người dạy và học Nghi thức Đội (45 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 2: [2]
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu những yêu cầu đối với người học Nghi thức (20 phút)
+ Khi học và luyện tập Nghi thức Đội người học cần phải chú ý những vấn đề gì?
+ Tập hợp ý kiến. Phân tích nội dung các yêu cầu.
- Nhiệm vụ 2: Giới thiệu những yêu cầu của người dạy Nghi thức Đội (25 phút)
* Đánh giá hoạt động 2
- Câu hỏi 1: Người học Nghi thức Đội cần đảm bảo những nguyên tắc nào
để tiếp thu kiến thức tốt và thực hành thành thạo?
- Câu hỏi 2: Khi hướng dẫn Nghi thức Đội, phải chú ý những vấn đề gì nhất?
Vì sao?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 219 - 221 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
1. Khái niệm Nghi thức Đội
- Nghi thức là một phương tiện giáo dục của Đội TNTP Hồ Chí Minh. Với
những quy định biểu hiện bằng ngôn ngữ, hình thức tượng trưng, thủ tục, nghi lễ
của đội ngũ, Nghi thức Đội góp phần mạnh mẽ vào việc xây dựng phương pháp
giáo dục toàn diện, mang nét đặc trưng của Đội. Trong đó, nổi bật là ý thức tổ chức
kỉ luật, tư thế, tác phong và tinh thần tập thể cho đội viên, tạo ra tính nghiêm chỉnh,
vẻ đẹp và sự thống nhất của tổ chức Đội. Nghi thức Đội được tiến hành thường
xuyên trong mọi hoạt động rèn luyện của Đội để tạo thành thói quen, nề nếp tốt
cho đội viên trong tổ chức Đội.
- Việc tiến hành giáo dục bằng Nghi thức Đội đòi hỏi phải có tính thuyết
phục cao, tính nghiêm túc, tính chính xác và thống nhất. Có như vậy thì mới làm
cho Nghi thức Đội trở thành nhu cầu thực hiện của mỗi đội viên và tập thể Đội.
2. Giới thiệu 14 nội dung của nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh
2.1. Cờ Đội
- Nền đỏ.
- Hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba (2/3) chiều dài.
- ở chính giữa có hình huy hiệu Đội.
- Đường kính huy hiệu bằng hai phần năm (2/5) chiều rộng cờ.

- Điều lệ chỉ quy định chung để thống nhất trong tổ chức của mình. Trong
điều kiện hiện nay các cơ sở và tập thể Đội sử dụng cờ theo đúng quy định trên.
Không gọi là cờ chi đội, cờ liên đội mà gọi là cờ Đội. Các liên đội có cờ truyền
thống của mình may đúng quy định của Điều lệ Đội và có thể ghi tên liên đội ở
trong cờ, dưới huy hiệu măng non và có tua vàng ở ba cạnh.

2.2. Huy hiệu Đội


- Huy hiệu Đội TNTP Hồ Chí Minh hình tròn, ở trong có hình măng non
trên nền cờ đỏ sao vàng. ở dưới có băng chữ “Sẵn sàng”.
2.3. Khăn quàng đỏ
- Khăn quàng đỏ bằng vải màu đỏ, hình tam giác cân, may theo tỉ lệ quy
định: Chiều cao bằng một phần tư (1/4) cạnh đáy.
- Đội viên và phụ trách quàng khi sinh hoạt Đội và tham gia các hoạt động
của Đội.
1m

0,25m

1.2m

0,3m

- Khăn quàng đội viên có kích thước tối thiểu:


+ Chiều cao: 0.25 m.
+ Cạnh đáy: 1m.
- Khăn quàng phụ trách có kích thước tối thiểu:
+ Chiều cao: 0.3m.
+ Cạnh đáy: 1.2m.
- Trường hợp đặc biệt, đội viên chưa có khăn quàng đỏ thì nhất thiết phải
đeo huy hiệu Đội.
2.4. Đội ca
- Cùng nhau ta đi lên.
- Nhạc và lời: Phong Nhã.
2.5. Cấp hiệu chỉ huy Đội
- Cấp hiệu chỉ huy Đội hình chữ nhật đứng, khổ 5cm x 6cm, hai góc ở dưới
tròn, nền màu trắng, ở trong có sao đỏ và vạch đỏ. Mỗi sao đỏ có đường kính
0.8cm, mỗi vạch đỏ có kích thước 0.5cm x 4cm.
- Phân biệt các cấp chỉ huy Đội bằng số lượng sao và vạch được quy định
như sau:
+ Phân đội trưởng: Hai sao một vạch.
+ Phân đội phó: Một sao một vạch.
+ Chi đội trưởng: Hai sao hai vạch.
+ Chi đội phó: Một sao hai vạch.
+ Uỷ viên ban chỉ huy chi đội: Hai vạch.
+ Liên đội trưởng: Hai sao ba vạch.
+ Liên đội phó: Một sao ba vạch.
+ Uỷ viên ban chỉ huy liên đội: Ba vạch.
2.6. Giấy chứng nhận đạt chuyên hiệu và hoàn thành Chương trình
RLĐV
- Giấy chứng nhận đạt chuyên hiệu và hoàn thành từng hạng để cấp cho đội
viên đạt các loại chuyên hiệu của chương trình rèn luyện đội viên.
- Giấy chứng nhận chuyên hiệu là biểu tượng của từng loại chuyên hiệu có nội
dung, tiêu chuẩn trong quy định trong chương trình rèn luyện đội viên.
2.7. Đồng phục của đội viên
- Đội viên nam:
+ áo sơ mi màu trắng.
+ Quần màu xanh tím than.
- Đội viên nữ:
+ áo sơ mi màu trắng.
+ Quần âu hoặc váy màu xanh tím than.
- Mũ ca lô màu trắng, viền đỏ (cho cả đội viên nam và nữ).
- Đi dày hoặc dép có quai hậu.
2.8. Trống , Kèn
- Mỗi liên đội có ít nhất một bộ trống (gồm một trống cái và ít nhất hai trống
con), một kèn (nếu có điều kiện).
- Các bài trống: Chào cờ, hành tiến, chào mừng.
- Các bài kèn: Kèn hiệu, chào mừng, tập hợp.
2.9. Sổ sách của Đội gồm:
a. Sổ
- Sổ nhi đồng.
- Sổ chi đội.
- Sổ liên đội.
- Sổ truyền thống.
- Sổ Tổng phụ trách Đội.
b. Sách
- Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí Minh.
- Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh.
- Hướng dẫn thực hiện chương trình RLPT.
- Hướng dẫn thực hiện chương trình RLĐV.
- Búp măng xinh.
2.10. Phòng truyền thống, phòng Đội
- Mỗi liên đội có phòng truyền thống, phòng Đội là nơi trưng bày các hình
ảnh, hiện vật truyền thống, thành tích của Đội và sinh hoạt Đội.
2.11. Yêu cầu đối với đội viên
- Thuộc, hát đúng Quốc ca, Đội ca và một số bài hát truyền thống.
- Thắt khăn, tháo khăn quàng đỏ.
- Chào kiểu đội viên TNTP.
- Biết các động tác cầm cờ, giương cờ, vác cờ.
- Hô, đáp khẩu hiệu Đội.
- Thực hiện các động tác trong đội hình và nghi lễ của Đội.
- Biết 3 bài trống của Đội.
2.12. Đội hình , đội ngũ đơn vị
- Đội hình hàng dọc, hàng ngang, chữ U, vòng tròn.
2.13. Nghi lễ của Đội
- Chào cờ, diễu hành, duyệt Đội, kết nạp đội viên, công nhận chi đội, trưởng
thành Đội, đại hội Đội.
2.14. Nghi thức dành cho phụ trách
- Phụ trách quàng khăn đỏ khi sinh hoạt Đội và tham gia các hoạt động của Đội.
- áo đồng phục của phụ trách Đội là áo đồng phục của thanh niên Việt Nam.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
1. Yêu cầu đối với việc dạy và học Nghi thức Đội
1.1. Những yêu cầu đối với người học Nghi thức Đội
- Người học Nghi thức Đội trước hết phải có nhận thức đúng đắn, đầu đủ về
ý nghĩa tầm quan trọng đối với việc giáo dục và vai trò của Nghi thức trong
chương trình huấn luyện Nghi thức Đội.
- Rèn luyện Nghi thức Đội với ý thức tự nguyện tự giác cao nhất, phấn khởi,
tự tin, hiểu biết sâu sắc và nắm chắc nội dung, đồng thời biết chọn lựa phương
pháp tối ưu để tiếp thu bài như: nhìn, nghe, ghi chép, làm theo, củng cố, ôn tập.
- Trang phục phải gọn, đẹp, chuẩn mực như: quần áo theo quy định, bỏ áo
trong quần, đầu đội mũ calô, chân đi giầy hoặc dép có quai hậu.
- Tư thế tác phong: Phải nhanh nhẹn tháo vát, khẩn trương, nghiêm túc chính
xác khi chỉ huy đơn vị tập hợp hay khi luyện tập.
- Chấp hành một cách nghiêm túc lệnh của chỉ huy, tập trung chú ý nghe
giảng, ghi chép đầy đủ để phân tích và ghi nhớ từng động tác mẫu và người giáo
viên vừa hướng dẫn, có vấn đề gì chưa hiểu cần xin giáo viên giảng lại và làm rõ
vấn đề đó. Tuyệt đối không tuỳ tiện thay đổi theo ý kiến mình hoặc của nhiều
người mà cho đó là hợp lí.
Nếu được giáo viên hoặc ban chỉ huy đề nghị làm mẫu động tác như: Thực
hiện các yêu cầu của người đội viên, hô khẩu hiệu Đội, đóng vai là đại biểu trong
các ngày lễ... thì sẵn sàng thực hiện và nghiêm túc làm theo đề nghị đó. Bản thân
phải chuẩn bị đầy đủ những điều kiện và phương tiện mà mình phải sử dụng để
đóng vai chủ động phối kết hợp với các thành viên khác thực hiện tốt yêu cầu của
giáo viên.
- Mục đích chủ yếu của Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh là giáo dục tư
thế tác phong, tinh thần tập thể, ý thức tổ chức kỉ luật và vẻ đẹp của đội viên.
Người học tập Nghi thức Đội có quyết tâm cao, kiên trì, chịu khó, có phương pháp
rèn luyện tốt nhất định sẽ thu được kết quả như mong muốn. Ngoài khả năng
hướng dẫn sư phạm của người giáo viên, bản thân người học phải tự nghiên cứu,
tìm tòi và đặc biệt là vận dụng nội dung Nghi thức Đội vào thực tiễn cuộc sống sẽ
tác động trực tiếp đến kết quả luyện đạo đức và nhiệm vụ học tập văn hoá của các
em.
1.2. Yêu cầu đối với người dạy và hướng dẫn thực hành Nghi thức
- Trong công tác Đội TNTP Hồ Chí Minh, Nghi thức Đội yêu cầu cao về
thực hành, trong thực hành phải sử dụng 1/3 thời gian để nêu mục đích, ý nghĩa và
tác dụng để phân tích các động tác cùng sự phối hợp trong đội hình, đội ngũ, các
nghi lễ thủ tục. Nội dung diễn giải, giảng giải trước và trong quá trình hướng dẫn
luôn hoà quyện với các động tác và người dạy lẫn người học phải thực hiện. Để sự
kết hợp được hài hoà bản thân người hướng dẫn phải hiểu biết, nắm vững và thành
thục Nghi thức Đội. Muốn vậy họ phải được đào tạo một cách nghiêm túc cả về
trình độ chuyên môn và tác phong sư phạm cùng những hiểu biết cơ bản về
phương pháp tiếp cận, gần gũi và giáo dục thiếu nhi. Cụ thể là:
+ Biết chuẩn bị cho công tác giảng dạy, huấn luyện bao gồm: tài liệu hướng
dẫn, các điều kiện và phương tiện như sân bãi đủ rộng cho buổi tập...
+ Biết lựa chọn phương pháp phù hợp với nội dung và đối tượng hướng dẫn.
+ Trong quá trình hướng dẫn người giáo viên phải tỉ mỉ chi tiết và chính xác.
Thái độ của người hướng dẫn phải nhẹ nhàng, ôn tồn , hoà nhã, vui vẻ nhưng dứt
khoát. Không được nóng vội, qua loa, đại khái; mặt khác không quá khắt khe áp
đặt mệnh lệnh đối với sự tiếp thu của các em.
+ Để giúp người học nắm bắt vấn đề hệ thống, sâu sắc phải hướng dẫn theo
một trình tự từ thấp đến cao, từ dễ đến khó và từ đơn giản đến phức tạp.
+ Chất lượng học tập Nghi thức Đội phụ thuộc vào bản thân đội viên và tập
thể Đội, song vai trò của người hướng dẫn là không thể thiếu và đòi hỏi sự cố gắng
rất lớn của họ. Người hướng dẫn sử dụng nhiều phương pháp huấn luyện như:
+ Phương pháp thuyết trình kết hợp với trực quan.
+ Phương pháp chia thành những nhóm nhỏ để luyện tập: Đây là phương
pháp hiệu quả được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động Nghi thức ở các cơ sở
Đội.
+ Phương pháp ôn tập theo các nhóm, phân đội và từng cá nhân.
+ Phương pháp kiểm tra, đánh giá: Nhằm giúp cá em nhìn nhận lại mình và
đánh giá lẫn nhau.
+ Phương pháp tổ chức hội thi Nghi thức Đội: Đây là một dịp đánh giá có
biểu điểm, có phần thưởng... để tổng kết một quá trình học tập và rèn luyện của
một tập thể đội viên. Kết quả này sẽ đánh giá sự cố gắng của bản thân các em và
người hướng dẫn Nghi thức Đội.

chủ đề 2: nghi thức đội tntp hồ chí minh (12 tiết)


* Giới thiệu các tiểu chủ đề
stt tên tiểu chủ đề sô tiêt trang số
1 Yêu cầu đối với đội viên 4 tiết 221
2 Đội hình, đội ngũ 4 tiết 236
3 Yêu cầu đối với chỉ huy nghi thức Đội 1 tiết 247
4 Nghi lễ của Đội 3 tiết 254
Tiểu chủ đề 1: Yêu cầu đối với đội viên (4 tiết)
1. Hoạt động
Hoạt động 1: Xác định các yêu cầu đối với đội viên (30 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 1: [2]
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Giới thiệu tên các yêu cầu đối với đội viên (5 phút)
+ Em hãy kể tên của các yêu cầu đối với đội viên trong Nghi thức Đội TNTP
Hồ Chí Minh?
+ Học sinh kể tên các yêu cầu đối với đội viên. Giáo viên tập hợp lên bảng
tên của các yêu cầu đối với đội viên.
+ Thống kê, tập hợp và thống nhất tên các yêu cầu đối với đội viên.
- Nhiệm vụ 2: Tìm khẩu lệnh thực hiện các yêu cầu đối với đội viên (25 phút)
+ Chia chi đội thành 3 nhóm (theo phân đội) mỗi nhóm thảo luận theo câu
hỏi rồi cử người thuyết trình.
Nhóm 1: Tìm khẩu lệnh thực hiện các yêu cầu: thuộc và hát đúng Quốc ca,
Đội ca và một số bài hát truyền thống; thắt khăn, tháo khăn quàng đỏ; chào kiểu
đội viên TNTP; cầm cờ, giương cờ, vác cờ, kéo cờ; hô, đáp khẩu hiệu Đội?
Nhóm 2: Tìm khẩu lệnh thực hiện các yêu cầu các động tác cá nhân tại chỗ?
Nhóm 3: Tìm khẩu lệnh thực hiện các yêu cầu các động tác di động?
+ Giới thiệu khẩu lệnh thực hiện của từng yêu cầu đối với đội viên.
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi 1: Trong Nghi thức Đội, người đội viên cần phải thực hiện những
yêu cầu nào?
- Câu hỏi 2: Em hãy hô các khẩu lệnh để thực hiện các yêu cầu đối với đội
viên trong Nghi thức Đội.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 223 - 229 của giáo trình.
Hoạt động 2: Xác định cách hô khẩu lệnh và cách thực hiện các động tác
trong yêu cầu đối với đội viên (60 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 2: [2]
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Giới thiệu cách hô khẩu lệnh và cách thực hiện động tác (60 phút)
+ Giới thiệu từng yêu cầu theo quy trình:
Bước 1: Giới thiệu ý nghĩa cầu yêu cầu, động tác đó.
Bước 2: Hướng dẫn hô khẩu lệnh của yêu cầu, động tác.
Bước 3: Thực hành mẫu cho học sinh quan sát.
Bước 4: Hướng dẫn cách thực hiện.
Bước 5: Phân tích những chỗ học sinh hay thực hiện sai trong mỗi yêu
cầu.
* Đánh giá hoạt động 2
- Câu hỏi 1: Em hãy nêu các yêu cầu và ý nghĩa của từng yêu cầu đối với đội
viên?
- Câu hỏi 2: Em hãy nêu khẩu lệnh thực hiện các yêu cầu đối với đội viên?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 229 - 236 của giáo trình.
Hoạt động 3: Thực hành các yêu cầu đối với đội viên (90 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 3: [2]
* Nhiệm vụ của hoạt động 3
- Nhiệm vụ 1: Hướng dẫn thực hành toàn chi đội (30 phút)
+ Hướng dẫn thực hành từng động tác trong các yêu cầu đội viên. Hướng
dẫn tư thế nghiêm, tư thế nghỉ trước theo các bước sau.
Bước 1: Giới thiệu ý nghĩa của yêu cầu, động tác đó.
Bước 2: Hướng dẫn hô khẩu lệnh của yêu cầu, động tác.
Bước 3: Thực hành mẫu cho học sinh quan sát.
Bước 4: Hướng dẫn cách thực hiện.
Bước 5: Thực hành toàn chi đội.
Bước 6: Nhận xét nhắc nhở.
- Nhiệm vụ 2: Thực hành theo nhóm (30 phút)
+ Chia chi đội thành nhiều nhóm nhỏ (mỗi nhóm có số lượng từ 5 đến 7 đội
viên). Các nhóm tổ chức thực hành tất cả các yêu cầu đối với đội viên.
+ Giáo viên quan sát, nhắc nhở, sửa sai cho các nhóm.
- Nhiệm vụ 3: Các nhóm thao diễn nội dung (30 phút)
+ Các nhóm thực hành các động tác. Sau đó cho đội viên nhận xét, đánh giá.
+ Giáo viên nhận xét, đánh giá.
* Đánh giá hoạt động 3
- Bài tập: Em hãy thực hành 1 yêu cầu đối với đội viên hoặc 1 động tác trong
Nghi thức Đội mà em nắm vững và thực hiện chuẩn nhất nhất?
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
1. Tên và khẩu lệnh thực hiện yêu cầu đối với đội viên
1.1. Thuộc và hát đúng Quốc ca, Đội ca và một số bài hát truyền thống
- Khẩu lệnh:
Quốc ca!
Đội ca!
1.2. Thắt khăn, tháo khăn quàng đỏ
- Khẩu lệnh:
Tháo khăn!
Thắt khăn!
1.3. Chào kiểu đội viên TNTP
- Khẩu lệnh:
Chào! - Thôi!
Chào cờ, chào!
1.4. Cầm cờ, giương cờ, vác cờ, kéo cờ
- Khẩu lệnh cầm cờ:
Nghiêm!
Nghỉ!
- Khẩu lệnh giương cờ:
Chào cờ, chào!
Giương cờ!
- Khẩu lệnh vác cờ:
Vác cờ!
- Khẩu lệnh kéo cờ:
Chào cờ, chào!
1.5. Hô đáp khẩu hiệu Đội
- Khẩu hiệu: “Vì tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì lí tưởng của Bác Hồ vĩ đại - Sẵn sàng!”
1.6. Các động tác cá nhân tại chỗ và di động
a. Các động tác tại chỗ
- Khẩu lệnh tư thế nghiêm, tư thế nghỉ:
Nghiêm!
Nghỉ!
- Khẩu lệnh quay phải, quay trái, quay đằng sau:
Bên phải, quay!
Bên trái, quay!
Đằng sau, quay!
- Khẩu lệnh dậm chân tại chỗ:
Dậm chân, dậm!
Đứng lại, đứng!
- Khẩu lệnh chạy tại chỗ:
Chạy tại chỗ, chạy!
Đứng lại,đứng!
b. Các động tác di động
- Khẩu lệnh tiến, lùi, sang phải, sang trái:
Tiến (n) bước, bước!
Lùi (n) bước, bước!
Sang phải (n) bước, bước!
Sang trái (n) bước, bước!
- Khẩu lệnh đi đều:
Đi đều, bước!
Đứng lại, đứng!
- Khẩu lệnh chạy đều:
Chạy đều, chạy!
Đứng lại, đứng!
- Khẩu lệnh dừng để quy đội hình khi đang đi đều hoặc chạy đều:
Vòng bên trái (phải) - bước!
Vòng bên trái (phải) - chạy!
Bên trái (bên phải) vòng đằng sau - bước!
Bên trái (bên phải) vòng đằng sau - chạy!
1.7. Đánh trống
- Mỗi đội viên phải biết 3 bài trống quy định: Trống chào cờ, trống hành tiến,
trống chào mừng.
Cách đếm trống con bằng số:
2 //:1 1234/ 1 12 3 4 / 1
4

1234/ 1 nghỉ/ 12 / 1 12 / 1 12 / 1
1234/ 1 12 / 1 12 / 1 nghỉ : //

* Cách đếm trống cái ghi bằng số:


2 // 1 nghỉ / 2 nghỉ / 3 nghỉ / 4 nghỉ / 12 / 3 nghỉ / 22 / 3 nghỉ //
4
Bản nhạc trống chào mừng

* Cách đếm trống con ghi bằng số: (nhanh vừa phải - nhịp đi).
2 // . nghỉ 1 / nghỉ 2/ nghỉ 3.
4

* * *
1234//: 1 2 3 4 / 1

* * *
1234/ 1 2 3 4 / 2 (P)

* * *
1234/ 1 2 3 4 / 3

* * *
1234/ 1 2 3 4 / 4 (P)

* * *
1234/ 1 2 3 4 / 5
** ** *
12341/5678 9/nghỉ 1234://2/5678 9//

* Cách đếm trống cái ghi bằng số:


(Nhịp đi - hơi chậm)
2 // 1 2 3 4 / 5 nghỉ // : 1 3 / 3 nghỉ /
4
/ 2 2 / 3 nghỉ /
/ 3 2 / 3 nghỉ /
/ 4 2 / 3 nghỉ /
/ 5 2 / 3.
(Quay lại)
1 2 / 3 4 5 / nghỉ 1 nghỉ 2 : 34 5 //.
Bản nhạc trống chào cờ

* Cách đếm trống con bằng số:


* * * *
2 // 1 1234/ 1 nghỉ /1 1234 / 1 2 3 nghỉ //
4
1 2 1 12/ 1 2 3 nghỉ // 1234 5678/9 nghỉ //

1 2/ 1 nghỉ / 1 2 / 1 12 /1 12 3 4/

1 2 3 nghỉ / / 1234 5678/ 9 nghỉ //

* Cách đếm trống cái ghi bằng số:

2 // 1 nghỉ / 2 nghỉ / 3 nghỉ / 4 nghỉ / 5 nghỉ / 6 nghỉ / 1 2/ 3 nghỉ.


4

Bản nhạc trống hành tiến


Nốt nhạc ghi

* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2


1. Cách thực hiện yêu cầu đối với đội viên
1.1. Thuộc và hát đúng Quốc ca, Đội ca và một số bài hát truyền thống
1.2. Thắt khăn, tháo khăn quàng đỏ
* Thắt khăn quàng đỏ:
- Dựng cổ áo lên, gấp xếp đổi chiều cạnh đáy khăn, để phần chiều cao khăn
còn lại khoảng 15 cm, đặt khăn vào cổ áo, so hai đầu khăn bằng nhau, đặt dải khăn
bên trái lên trên dải khăn bên phải.
- Vòng đuôi khăn bên trái vào trong đưa lên trên kéo ra phía ngoài.
- Lấy đuôi khăn bên trái vòng từ trái sang phải và buộc tiếp thành nút (từ
phải sang trái) với dải khăn bên phải.
- Thắt nút khăn, chỉnh cho hai dải khăn trên và dưới xoè ra, sửa nút khăn
vuông vắn, bẻ cổ áo xuống.
* Tháo khăn quàng đỏ:
- Tay trái cầm nút khăn, tay phải cầm dải khăn phải phía trên nút, rút khăn ra.

2.3. Chào kiểu đội viên TNTP


- Đội viên đứng ở tư thế nghiêm, mắt hướng về phía chào, chào bằng tay
phải, các ngón tay khép kín giơ lên đầu cách thuỳ trán phải khoảng 5 cm, bàn tay
thẳng với cánh tay dưới, khuỷu tay chếch ra phía trước tạo với thân người một góc
khoảng 1300
- Tay giơ lên đầu biêu hiện đội viên luôn đặt lợi ích của Tổ quốc và của tập
thể đội lên trên, năm ngón tay khép kín tượng trưng cho ý thức đoàn kết của đội
viên để xây dựng đội vững mạnh.
- Giơ tay chào và bỏ xuống theo đường ngắn nhất, không gây tiếng động.
- Đội viên chào khi dự lễ chào cờ, đón đại biểu, báo cáo cấp trên, làm lễ
tưởng niệm... chỉ chào khi đeo khăn quàng đỏ hoặc huy hiệu Đội.
2.4. Cầm cờ, giương cờ, vác cờ, kéo cờ
* Cầm cờ: Bàn tay phải nắm cán cờ cao ngang thắt lưng, đốc cán cờ đặt trên
mặt đất, sát ngón út bàn chân phải.
- Cầm cờ ở tư thế nghiêm: Khi có khẩu lệnh “nghiêm”, kéo cán cờ áp sát vào
thân mình, người ở tư thế nghiêm.
- Cầm cờ nghỉ: Khi nghe khẩu lệnh “Nghỉ”, chân trái chùng và ngả cờ ra
phía trước.
* Giương cờ: Được thực hiện khi chào cờ, lễ duyệt Đội, diễu hành và đón
đại biểu
- Từ tư thế cầm cờ nghiêm chuyển sang giương cờ: tay phải cầm cờ giương
lên trước mặt, tay thẳng và vuông góc với thân người, cán cờ dựng thẳng đứng.
Tay trái nắm cán cờ dưới bàn tay phải khoảng 20cm - 30cm, tay phải di chuyển
xuống nắm sát đốc cán cờ, kéo sát vào ngang thắt lưng đưa về tư thế giương cờ.
- Từ tư thế vác cờ chuyển sang giương cờ: Tay phải kéo đốc cán cờ về sát
thân người, tay trái đẩy cán cờ ra phía trước về tư thế giương cờ.
* Vác cờ: Được sử dụng khi diễu hành, khi đưa cờ vào làm lễ chào cờ, lễ
duyệt Đội, lễ đón đại biểu...
- Động tác, tư thế vác cờ: Từ tư thế cầm cờ nghiêm tay phải cầm cờ giương
lên trước mặt, tay thẳng và vuông góc với thân người, cán cờ dựng thẳng đứng.
Tay trái nắm cán cờ dưới bàn tay phải khoảng 20 - 30 cm, tay phải di chuyển
xuống nắm sát đốc cán cờ, đưa thẳng ra phía trước nghiêng viới mặt đất một góc
khoảng 450, tay trái kéo cán cờ đặt lên vai phải đư về tư thế vác cờ.
2.5. Hô đáp khẩu hiệu Đội
- Sau khi chào cờ, hát xong Quốc ca, Đội ca, phụ trách, liên đội trưởng hoặc
chi đội trưởng (nếu cấp trưởng vắng thì cấp phó hoặc uỷ viên BCH thay) hô khẩu
hiệu Đội: “Vì tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì lí tưởng của Bác Hồ vĩ đại - Sẵn sàng!”,
toàn đơn vị hô đáp lại: “Sẵn sàng!” 1 lần, khi hô không giơ tay.
2.6. Các động tác cá nhân tại chỗ và di động
- Quay bên phải: Khi có khẩu lệnh "Bên phải - quay!", sau động lệnh "quay"
người đứng nghiêm, lấy gót chân phải làm trụ, mũi chân trái làm điểm đỡ, quay người
sang phía phải một góc 900, sau đó rút chân trái lên, trở về tư thế nghiêm.
- Quay bên trái: Quay bên trái: Khi có lệnh “bên trái quay!” sau động lệnh
“quay”, người đứng nghiêm, lấy gót chân trái làm trụ, mũi chân phải làm điểm đỡ,
quay người sang phía trái một góc 90 0, sau đó rút chân phải lên trở về tư thế đứng
nghiêm.
- Quay đằng sau: Khi có khẩu lệnh "Đằng sau - quay!", sau động lệnh
"quay", lấy gót chân phải làm trụ, mũi chân trái làm điểm đỡ, quay người sang phía
bên phải một góc 1800, sau đó rút chân trái lên, trở về tư thế nghiêm.
- Dậm chân tại chỗ: Khi có khẩu lệnh "Dậm chân - dậm!", sau động lệnh
"dậm!", bắt đầu bằng chân trái dậm theo nhịp hô hoặc còi, trống, nhưng không chuyển
vị trí. Khi đặt chân xuống đất, mũi chân đặt trước rồi đến gót chân. Tay phải vung về
phía trước, bàn tay cao ngang thắt lưng, tay trái vung thẳng về phía sau. Khi có khẩu
lệnh "Đứng lại - đứng!" (động lệnh "đứng!" rơi vào chân phải), đội viên dậm chân
thêm một nhịp, kéo chân phải về tư thế nghiêm.
- Chạy tại chỗ: Khi có khẩu lệnh "Chạy tại chỗ - chạy!", sau động lệnh
"chạy!", bắt đầu bằng chân trái, chạy đều theo nhịp còi hoặc lời hô, nhưng không
chuyển vị trí. Hai cánh tay co tự nhiên, lòng bàn tay hướng vào thân người, bàn tay
nắm, đánh nhẹ ở tư thế thoải mái và vung dọc theo hướng chạy. Khi có khẩu lệnh
"Đứng lại - đứng!" (động lệnh "đứng!" rơi vào chân phải), đội viên chạy thêm 3
nhịp nữa. Dậm chân phải, về tư thế nghiêm.
- Tiến: Khi có khẩu lệnh "Tiến ... bước - bước!", sau động lệnh "bước!",
người đứng thẳng, mắt nhìn thẳng, bắt đầu bằng chân trái bước lên trước liên tục
theo số bước người chỉ huy hô, khoảng cách bước chân bằng một bàn chân, bước
xong trở về tư thế nghiêm.
- Lùi: Khi có khẩu lệnh "Lùi ... bước - bước!", sau động lệnh "bước!", người
đứng thẳng, mắt nhìn thẳng, bắt đầu bằng chân trái bước liên tục về phía sau theo
số bước người chỉ huy hô, khoảng cách bước chân bằng một bàn chân, bước xong
trở về tư thế nghiêm.
- Bước sang trái: Khi có khẩu lệnh "Sang trái ... bước - bước!", sau động
lệnh "bước!", người đứng thẳng, mắt nhìn thẳng, chân trái bước sang trái, chân
phải bước theo (kiểu sâu đo), cứ như vậy đến hết số bước người chỉ huy hô. Mỗi
bước rộng khoảng bằng vai, bước xong trở về tư thế nghiêm.
- Bước sang phải: Khi có khẩu lệnh "Sang phải ... bước - bước!", sau động
lệnh "bước!", người đứng thẳng, mắt nhìn thẳng, chân phải bước sang phải, chân
trái bước theo (kiểu sâu đo), cứ như vậy đến hết số bước người chỉ huy hô. Mỗi
bước rộng khoảng bằng vai, bước xong trở về tư thế nghiêm.
- Đi đều: Khi có khẩu lệnh "Đi đều - bước!", sau động lệnh "bước!", bắt đầu
bước bằng chân trái theo nhịp còi, trống hoặc lời hô. Tay phải đánh ra trước thắt
lưng, tay trái vung thẳng ra sau đưa dọc theo người, bàn tay nắm tự nhiên, bước
đều đặn, người thẳng, mắt nhìn thẳng. Khi có khẩu lệnh "Đứng lại - đứng!", động
lệnh "đứng!" rơi vào chân phải, chân trái bước thêm một bước, rồi đưa chân phải
lên, trở về tư thế đứng nghiêm.
+ Đi đều khác dậm chân tại chỗ cơ bản ở bước chân di chuyển, đầu gối
không nhấc cao, bước đi bình thường gót chân xuống trước, mũi xuống sau, không
đá hất chân về phía trước hoặc giật ra phía sau.
- Chạy đều: Khi có khẩu lệnh "Chạy đều - chạy!", sau động lệnh: "chạy!",
bắt đầu chạy bằng chân trái theo nhịp còi hoặc lời hô, đầu gối không nhấc cao,
không đá chân, hai cánh tay co tự nhiên, lòng bàn tay hướng vào thân người, bàn
tay nắm, đánh nhẹ ở tư thế thoải mái và vung dọc theo hướng chạy, người hơi đổ
về trước. Khi có khẩu lệnh "Đứng lại - đứng!", động lệnh "đứng!" rơi vào chân
phải, đội viên chạy thêm 3 bước nữa rồi kéo chân phải về tư thế nghiêm.
2.7. Đánh trống :
- Mỗi đội viên phải biết 3 bài trống quy định: Trống chào cờ, trống hành
tiến, trống chào mừng.
Tiểu chủ đề 2: Đội hình, đội ngũ (4 tiết)
1. Hoạt động
Hoạt động 1: Tìm hiểu các loại đội hình (45 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 1: [2]
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu các quy ước vẽ đội hình (5 phút)
+ Giới thiệu các quy ước về kí hiệu: liên đội trưởng, liên đội phó, chi đội
trưởng, chi đội phó, phân đội trưởng, phân đội phó dùng để vẽ hình và mô tả trên
hình vẽ.
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu các loại đội hình (phân đội, chi đội, liên đội) (40 phút)
Hỏi : Có mấy loại đội hình? Đó là những loại đội hình nào?
+ Giới thiệu từng loại đội hình bằng sơ đồ: đội hình hàng dọc phân đội, hàng
dọch chi đội, hàng dọc liên đội; đội hình hàng ngang phân đội, hàng ngang chi đội,
hàng ngang liên đội ; đội hình chữ U, đội hình vòng tròn.
Bước 1: Vẽ sơ đồ của đội hình.
Bước 2: Giới thiệu vị trí đứng của các phân đội, chi đội trưởng, phân đội
trưởng, phân đội phó và hướng mặt của từng loại đội hình.
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi 1: Có mấy loại đội hình trong Nghi thức Đội? Em hãy kể tên các
loại đội hình đó.
- Câu hỏi 2: Em hãy giới thiệu vị trí đứng của từng phân đội trong từng loại
đội hình.
- Câu hỏi 3: Em hãy từng điểm chuẩn trong từng loại đội hình.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 239 - 242 của giáo trình.
Hoạt động 2: Xác định đội ngũ trong các loại đội hình (30 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 2: [2]
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Xác định cách tập hợp đội hình (15 phút)
Trước khi chi đội trưởng phát lệnh tập hợp, các phân đội tập trung ở đâu?
phân đội trưởng phải thực hiện những nhiệm vụ gì?
Khi có khẩu lệnh tập hợp thì toàn thể đội viên phải thực hiện nhiệm vụ gì?
Thứ tự các phân đội vào vị trí tập hợp như thế nào?
Người chỉ huy phải ra hiệu như thế nào để tập hợp đội hình đó?
+ Chia chi đội thành 4 nhóm, thảo luận theo nội dung các câu hỏi (mỗi phân
đội thảo luận 1 loại đội hình). Cử đại diện thuyết trình.
+ Giới thiệu nội dung cách tập hợp đội hình. Phân tích, mô phỏng diễn biến
của việc tập hợp đội hình từng loại đội hình.
- Nhiệm vụ 2: Xác định cách chỉnh đốn đội ngũ (10 phút)
+ Giới thiệu các loại khẩu lệnh trong chỉnh đốn đội ngũ và cách sử dụng
khẩu lệnh đó trong chỉnh đốn đội ngũ.
+ Phân tích, mô phỏng cách chỉnh đốn cự li rộng và hẹp trong từng loại đội
hình.
- Nhiệm vụ 3: Phân tích cách điểm số, cách báo cáo (5 phút)
+ Giới thiệu từng cách điểm số. Thực hiện khẩu lệnh báo cáo trong điểm số.
* Đánh giá hoạt động 2
- Câu hỏi 1: Hãy hô các khẩu lệnh chỉnh đốn đội ngũ và giới thiệu cách sử
dụng của khẩu lệnh đó.
- Câu hỏi 2: Hãy thực hành động tác chỉ định đội hình của chỉ huy khi tập
hợp đội hình chi đội.
- Câu hỏi 3: Để tập hợp đội hình, người chỉ huy Nghi thức cần thực hiện như
thế nào?
- Câu hỏi 4: Có mấy hình thức điểm số báo cáo? Điểm số báo cáo có tác
dụng gì?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 242 - 247 của giáo trình.
Hoạt động 3: Thực hành đội hình, đội ngũ (105 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 3: [2]
* Nhiệm vụ của hoạt động 3
- Nhiệm vụ 1: Hướng dẫn thực hành toàn chi đội (45 phút)
+ Hướng dẫn thực hành từng từng loại đội hình. Hướng dẫn cách tập hợp và
chỉnh đốn đội ngũ trong đội hình phân đội hành dọc trước theo các bước sau.
Bước 1: Giới thiệu ý nghĩa của từng loại đội hình.
Bước 2: Hướng dẫn nhiệm vụ cho chỉ huy và các đội viên.
Bước 3: Thực hành lần đầu.
Bước 4: Nhắc nhở và thực hành lần 2.
Bước 5: Thực hành toàn chi đội.
Bước 6: Nhận xét nhắc nhở.
- Nhiệm vụ 2: Thực hành các đội hình theo nhóm (40 phút)
+ Chia chi đội thành 3 nhóm nhỏ theo 3 phân đội. Các nhóm tổ chức thực
hành tất cả các loại đội hình, đội ngũ.
+ Giáo viên quan sát, nhắc nhở, sửa sai cho các nhóm.
- Nhiệm vụ 3: Thao diễn tập hợp đội hình, chỉnh đốn đội ngũ (20 phút)
+ Các nhóm thực hành 1 loại đội hình theo bốc thăm. Sau đó cho đội viên
nhận xét, đánh giá.
+ Giáo viên nhận xét, đánh giá.
* Đánh giá hoạt động 3
- Bài tập: Em hãy giới thiệu lại 1 loại đội hình mà em nắm vững nhất?
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
1. Các loại đội hình
- Giới thiệu các kí hiệu trong hình vẽ đội hình Nghi thức Đội của các chức
danh sau:
+ Liên đội trưởng
+ Liên đội phó
+ Chi đội trưởng
+ Chi đội phó
+ Phân đội trưởng
+ Phân đội phó
+ Hướng mặt
a> Đội hình hàng dọc: Đội hình hàng dọc để tập hợp điểm số, báo cáo, khi
hành tiến hoặc tổ chức các hoạt động.
- Phân đội hàng dọc: Phân đội trưởng đứng đầu, các đội viên thứ tự xếp
hàng từ thấp đến cao, phân đội phó đứng cuối hàng.
- Chi đội hàng dọc: Các phân đội xếp hàng dọc, phân đội 1 làm chuẩn, các
phân đội khác (theo thứ tự) đứng bên trái phân đội 1 ( Chi đội là đơn vị cơ sở,
không nên coi đây là đội hình phân đội hàng dọc chi đội hàng ngang).

- Liên đội hàng dọc: Các chi đội xếp hàng dọc, trên cùng là chi đội 1, các chi đội
theo thứ tự đứng sau chi đội đứng đầu (sắp xếp khi diễu hành).

Chi đội
1 

Chi đội
2

Chi đội
3
b> Đội hình hàng ngang: Đội hình hàng ngang được dùng khi tổ chức nghe nói
chuyện, lễ duyệt Đội, lễ chào cờ, tập hợp báo cáo toàn liên đội ...
- Phân đội hàng ngang: Phân đội trưởng đứng đầu, đội viên lần lượt đứng về phía
trái phân đội trưởng từ thấp đến cao, phân đội phó đứng cuối hàng.

- Chi đội hàng ngang: Phân đội 1 xếp hàng ngang trên cùng là chuẩn, các
phân đội xếp hàng ngang theo thứ tự đứng sau phân đội 1.

- Liên đội hàng ngang: Chi đội 1 xếp hàng dọc là chuẩn, các chi đội khác
xếp hàng dọc lần lượt đứng về phía trái chi đội 1.

Chi đội Chi đội Chi đội Chi đội


4 3 2 1 

c. Đội hình chữ U: Đội hình chữ U được dùng khi tổ chức lễ chào cờ, lễ kết
nạp đội viên và một số hoạt động ngoài trời.
- Chi đội tập hợp chữ U: Phân đội 1 là một cạnh của chữ U, các phân đội
giữa làm đáy (có thể một hàng ngang hoặc 2,3 ... hàng ngang), phân đội cuối làm
cạnh kia của chữ U.
- Khi nghe lệnh tập hợp, các đội viên chạy tại chỗ, sau đó lần lượt chạy về vị trí
theo điểm rót của phân đội, đến nơi thì đứng lại, (phân đội trưởng phân đội 1 chạm tay
trái vào vai trái chi đội trưởng), quay trái vào trong chữ U, về tư thế nghiêm.

d> Đội hình vòng tròn: Được sử dụng khi tổ chức các hoạt động tập thể như
Múa, hát, tổ chức trò chơi, lửa trại, sinh hoạt nội bộ ngoài trời. Khi có lệnh tập
hợp, các đội viên chạy đều tại chỗ, sau đó lần lượt chạy về vị trí tập hợp, theo
hướng ngược chiều kim đồng hồ, vừa chạy vừa điều chỉnh, khi chỉ huy bỏ tay
xuống thì dừng lại và quay vào trong vòng tròn về tư thế nghiêm.

* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2


1. Đội ngũ
a. Đội ngũ tĩnh tại
* Chỉnh đốn đội ngũ: Sau khi tập hợp, cần phải chỉnh đốn đội ngũ để có một
đơn vị sắp xếp ngay ngắn, nghiêm chỉnh, có cự li thích hợp để bắt đầu hoạt động.
Cự li hẹp bằng một khuỷu tay trái, bàn tay trái chống ngang thắt lưng, 4 ngón đặt
phía trước), cự li rộng bằng một cánh tay trái (nếu đưa sang ngang, lòng bàn tay
úp; nếu đưa lên phía trước, lòng bàn tay vuông góc với mặt đất).
* Chỉnh đốn hàng dọc
- Phân đội: Khẩu lệnh "Nhìn trước - thẳng !". Nghe động lệnh "thẳng!", đội
viên nhìn gáy người trước, tay trái giơ thẳng, lòng bàn tay vuông góc với mặt đất,
các ngón tay khép kín và chạm vào vai trái người đứng trước (không đặt cả bàn
tay, không kiễng chân). Khi nghe khẩu lệnh "thôi!", đội viên bỏ tay xuống, về tư
thế nghiêm.
- Chi đội: Khẩu lệnh "Cự li rộng (hẹp), nhìn chuẩn - thẳng!". Sau động lệnh
"thẳng!", các phân đội trưởng (trừ phân đội cuối) dùng tay trái để xác định cự li
giữa các phân đội (chỉnh đốn hàng ngang). Đội viên phân đội 1 dùng tay trái xác
định cự li giữa các đội viên (chỉnh đốn hàng dọc). Các đội viên phân đội khác nhìn
phân đội trưởng để chỉnh đốn hàng dọc, nhìn đội viên phân đội 1 cùng hàng ngang
để chỉnh đốn hàng ngang. Khi nghe khẩu lệnh "thôi!", đội viên bỏ tay xuống, về tư
thế nghiêm.
Chỉnh Đốn hàng dọc (cự ly rộng)
* Chỉnh đốn hàng ngang
- Phân đội: Khẩu lệnh "Cự li rộng (hẹp), nhìn chuẩn - thẳng!". Sau động
lệnh "thẳng!", đội viên nhìn phân đội trưởng để chỉnh đốn hàng ngang, dùng tay
trái để xác định cự li giữa các đội viên. Khi nghe khẩu lệnh "thôi!", đội viên bỏ tay
xuống, về tư thế nghiêm.
- Chi đội hàng ngang: Khẩu lệnh " Cự li rộng (hẹp), nhìn chuẩn - thẳng!".
Sau động lệnh "thẳng!", các phân đội trưởng dùng tay trái xác định cự li hàng dọc,
đội viên phân đội 1 dùng tay trái xác định cự li hàng ngang. Các đội viên phân đội
khác nhìn phân đội trưởng của mình để chỉnh đốn hàng ngang, nhìn đội viên phân
đội 1 để chỉnh đốn hàng dọc. Khi nghe khẩu lệnh "thôi!", đội viên bỏ tay xuống, về
tư thế nghiêm.
- Chi đội hình chữ U: Khẩu lệnh "Cự li rộng (hẹp), nhìn chuẩn - thẳng!”.
Sau động lệnh "thẳng!" các đội viên nhìn phân đội trưởng để chỉnh đốn hàng ngang
và dùng tay trái xác định cự li. Khi nghe khẩu lệnh "thôi!", đội viên bỏ tay xuống,
về tư thế nghiêm. Riêng ở góc chữ U luôn luôn có khoảng cách là một cự li rộng
được xác định bởi tay trái phân đội phó phân đội 1 đưa ngang chạm vai phải phân
đội trưởng phân đội 2 và tay trái phân đội phó phân đội 2 (hoặc 3, 4, 5 ... nếu các
phân đội đáy là một hàng) đưa ra phía trước chạm vai phải phân đội trưởng phân
đội cuối.

* Đội hình vòng tròn: Khẩu lệnh "Cự li rộng (hẹp) chỉnh đốn đội ngũ!".
- Cự li hẹp được tạo nên do 2 đội viên đứng cạnh nhau, cánh tay tạo với thân
người một góc khoảng 450.
- Cự li rộng được tạo nên do 2 đội viên đứng cạnh nhau nắm tay nhau, đứng
thẳng cánh tay, vuông góc với thân người. Khi nghe khẩu lệnh "thôi!", đội viên bỏ
tay xuống, về tư thế nghiêm.
* Điểm số, báo cáo: Trước buổi sinh hoạt Đội, các đơn vị điểm số, báo cáo sĩ số
- Điểm số:
+ Điểm số phân đội: Phân đội trưởng tiến 1 bước, quay đằng sau, hô
"Nghiêm! Phân đội điểm số!" và phân đội trưởng hô số "một", các đội viên đánh
mặt sang trái hô số tiếp theo, lần lượt cho đến người cuối cùng điểm số xong hô:
"hết".
+ Điểm số toàn chi đội: Sau khi nghe lệnh "Nghiêm! Các chi đội điểm số,
báo cáo! Nghỉ", các chi đội trưởng đứng lên vị trí chỉ huy chi đội mình, hô:
"Nghiêm! Chi đội điểm số!", phân đội trưởng phân đội 1 hô : "một", các đội viên
phân đội 1 tiếp tục điểm số cho đến người cuối cùng. Người cuối cùng điểm số
xong hô: "hết". Phân đội trưởng phân đội 2 hô số tiếp theo số của người cuối cùng
phân đội 1, các đội viên phân đội 2 điểm số tiếp... Các phân đội còn lại lần lượt
tiến hành như thế cho đến hết. Chi đội trưởng lấy số cuối cùng của chi đội cộng với
Ban chỉ huy (nếu đứng hàng riêng) và đội viên ở đội cờ, đội trống rồi báo cáo với
liên đội.
- Báo cáo sĩ số: Điểm số xong các đơn vị lần lượt báo cáo chỉ huy:
+ ở chi đội: Phân đội 1 điểm số xong, phân đội trưởng cho phân đội đứng
nghiêm, quay đằng sau, bước lên báo cáo chi đội trưởng. Khi phân đội trưởng phân
đội 1 báo cáo, phân đội trưởng phân đội 2 bắt đầu cho phân đội mình điểm số và
lần lượt như vậy đến phân đội cuối.
+ ở liên đội: Các chi đội trưởng lần lượt từ chi đội 1 đến chi đội cuối báo cáo
với chỉ huy liên đội.
+ ở cuộc họp lớn, liên đội trưởng lên báo cáo tổng chỉ huy.
- Thủ tục báo cáo: Sau khi điểm số xong, các đơn vị trưởng lần lượt hô đơn
vị mình đứng nghiêm, rồi (chạy hoặc đi tuỳ theo cự li xa hoặc gần) đến trước chỉ
huy, cách khoảng 3 bước nói to: "Báo cáo! (đơn vị trưởng giơ tay chào chỉ huy,
chủ huy chào đáp lại, 2 người cùng bỏ tay xuống). Báo cáo chi đội trưởng (Liên
đội trưởng, Tổng phụ trách ...) phân đội (chi đội, liên đội) có ... đội viên, có mặt ....
, vắng mặt ...., có lí do....., không có lí do ...... Báo cáo hết!". Chỉ huy đáp:
"Được!". Đơn vị trưởng chào chỉ huy, chỉ huy chào đáp lại và cùng bỏ tay xuống.
Đơn vị trưởng quay về trước đơn vị hô: "Nghỉ!" và trở về vị trí.
b. Đội ngũ vận động
* Đội ngũ đi đều: Toàn đơn vị phải bước cùng một nhịp, cùng đưa chân và
cùng vung tay đều đặn. Hàng ngang, hàng dọc phải thẳng, đều.
* Đội ngũ chạy đều: Toàn đơn vị chạy đều và nhịp nhàng theo lệnh của chỉ huy.
* Đội ngũ chuyển hướng vòng
- Vòng trái: Đơn vị đang đi đều , sau khẩu lệnh: "Vòng bên phải - bước!"
hoặc "Vòng bên trái - chạy!", những đội viên hàng bên trái (ngoài cùng) bước đến
điểm quay (được xác định) bằng vị trí phân đội trưởng khi dứt động lệnh) thì bước
(chạy) ngắn hơn, đồng thời quay sang trái. Những đội viên ở hàng bên phải khi đến
điểm quay thì bước dài hơn, đồng thời quay bên trái. Sau đó đi (chạy) tiếp và giữ
đúng cự li.
- Vòng phải: Tiến hành ngược lại.
- Vòng đằng sau: Tiến hành như vòng trái (vòng phải) nhưng di chuyển đội
hình quay ngược lại hướng đi ban đầu. Khẩu lệnh: “Bên trái (bên phải) vòng đằng
sau bước! (chạy!)”.

Tiểu chủ đề 3: Yêu cầu đối với chỉ huy nghi thức Đội (1 tiết)
1. Hoạt động
Hoạt động 1: Xây dựng các yêu cầu đối với chỉ huy nghi thức (30 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 1: [2]
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1:Tìm hiểu các yêu cầu của chỉ huy nghi thức (20 phút)
Hỏi: Người chỉ huy nghi thức cần phải có: trang phục, tác phong, tư thế,
động tác, hô khẩu lệnh như thế nào?
+ Chia chi đội thành 3 nhóm (theo phân đội) tổ chức thảo luận theo nội dung
câu hỏi. Cử đại diện thuyết trình.
+ Tập hợp nội dung của các nhóm. Giới thiệu các yêu cầu đối với chỉ huy
Nghi thức Đội.
- Nhiệm vụ 2: Trình bày các yêu cầu đối với người chỉ huy nghi thức (10 phút).
Hỏi: Người chỉ huy nghi thức phải có tác phong, tư thế, giọng nói như thế nào?
+ Tổng hợp, phân tích và giới thiệu các yêu cầu đối với người chỉ huy nghi thức.
* Đánh giá hoạt động 1
- Bài tập 1: Trong khi rèn luyện Nghi thức Đội, có bạn đội viên hỏi 1 nội
dung mà chỉ huy chưa nắm vững hoặc không biết. Giả sử em là bạn chỉ huy đó em
sẽ xử lí như thế nào?
- Bài tập 2: Theo em để rèn luyện trở thành người chỉ huy tốt cán phải rèn
luyện những nội dung nào?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 248 - 252 của giáo trình.
Hoạt động 2: Giới thiệu vị trí của chỉ huy trong đội hình (15 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 2: [2]
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Tìm các vị trí của chỉ huy trong đội hình (7 phút)
Hỏi: Theo em chỉ huy trong đội hình có mấy vị trí đứng trong đội hình?
+ Tập hợp các ý kiến. Giới thiệu 3 vị trí đứng trong đội hình của chỉ huy.
- Nhiệm vụ 2: Giới thiệu và phân tích vị trí của chỉ huy trong từng loại đội
hình (8 phút)
+ Giới thiệu vị trí của người chỉ huy trong từng loại đội hình khi tính tại, khi
điều khiển, khi tập hợp.
* Đánh giá hoạt động 2
- Câu hỏi 1: Khi điều khiển, người chỉ huy luôn luôn đứng ở vị trí nào trong
các loại đội hình? Tại sao?
- Câu hỏi 2: Người chỉ huy luôn là người chuẩn cao nhất trong đội hình,
đúng hay sai?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 252 - 254 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
1. Yêu cầu đối với chỉ huy Đội
a. Trang phục
- Mặc đồng phục đội viên.
- Đeo cấp hiệu chỉ huy Đội.
b. Tư thế
- Nhanh nhẹn, nghiêm túc, chuẩn xác, dứt khoát.
c. Khẩu lệnh
- Khi hô phải rõ dự lệnh và động lệnh, hô to, rõ để cả đơn vị đều nghe thấy.
Chỉ huy phải kiểm tra hiệu quả của khẩu lệnh. Khi đội viên chưa thực hiện xong,
chưa chuyển sang khẩu lệnh khác.
d. Động tác, tư thế chỉ huy khi tập hợp
* Chọn địa hình: Cần chọn vị trí rộng để tập hợp đội hình và phù hợp với
những hoạt động đã dự định, tránh nơi có vật trở ngại hoặc lầy lội.
* Xác đinh phương hướng: Cần chú ý những yếu tố sau: tránh nắng chiếu
vào mặt, tránh hướng gió, tránh ô nhiễm môi trường, tránh hướng có nhiều hoạt
động ồn ào.
* Vị trí và tư thế khi tập hợp: Khi tập hợp, chỉ huy đứng ở điểm chuẩn, tư thế
nghiêm để các đơn vị lấy làm chuẩn, không xê dịch vị trí, quay qua, quay lại...
* Động tác chỉ định đội hình: Chỉ huy dùng tay trái chỉ định đội hình tập hợp.
- Hàng dọc: tay trái giơ thẳng lên cao, các ngón tay khép kín, lòng bàn tay
hướng về phía thân người.

- Hàng ngang: tay trái giơ sang ngang tạo với thân người một góc 90 0, các
ngón tay khép kín, lòng bàn tay úp xuống.
- Chữ U: Tay trái đưa ngang, cánh tay trên vuông góc với cánh tay dưới, bàn
tay nắm kín, lòng bàn tay hướng về phía thân người.

- Vòng tròn: Hai tay vòng lên đầu, bàn tay mở, các ngón tay khép kín, lòng
bàn tay úp xuống, ngón giữa hai bàn tay chạm nhau.
Chú ý: Khi giơ tay chỉ định đội hình tập hợp, hướng mặt của chỉ huy luôn
cùng với hướng của đội hình.
- Khi đội viên đầu tiên vào vị trí chuẩn của đội hình, chạm tay trái vào vai trái
của chỉ huy, chỉ huy chuyển từ vị trí tập hợp sang vị trí điều khiển đơn vị.
* Lệnh tập hợp: Phát lệnh tập hợp bằng còi, hoặc khẩu lệnh (không vừa
dùng còi, vừa dùng khẩu lệnh).
- Lệnh bằng còi: Được cấu tạo bằng độ dài của tiếng còi ghi theo kí hiệu
moóc-xơ
+ Kí hiệu:
Dấu (.) (tích) là tiếng còi ngắn.
Dấu (-) (tè) là tiếng còi dài.
+ Các kí hiệu moóc - xơ dùng khi tập hợp :
(-) một hồi dài (chữ T) : Chuẩn bị chú ý.
(.-) (chữ A) 4 lần : Tập hợp toàn đơn vị.
(..) (chữ I) : nhiều lần : giục nhanh lên.
(--.) (chữ G) : Dừng lại.
(.--.) (chữ P) : Gọi phân đội trưởng.
(-.-) (Chữ C) : Gọi chi đội trưởng.
(.-.-) : Khi đi, khi chạy, tiếng ngắn rơi vào chân trái, tiếng dài rơi vào
chân phải.
* Các khẩu lệnh:
- Chi đội (phân đội, liên đội) tập hợp!
- Nghiêm! Nhìn trước - thẳng! Thôi!
- Đội trống, đội cờ vào (về) vị trí!
- Nghiêm! Chào cờ - chào!
- Nghiêm!
- Nghỉ!
- Khẩu lệnh điểm số
+ Phân đội điểm số!
+ Chi đội điểm số!
+ Các phân đội (chi đội ) điểm số - báo cáo!
- Bên trái (phải, đằng sau) - quay!
- Tiến (lùi, sang phải, sang trái) ...n... bước - bước!
- Dậm chân - dậm!
- Đi đều - bước!
- Chạy tại chỗ - chạy!
- Chạy đều - chạy!
- Đứng lại - đứng!
- Vòng bên trái (bên phải) - bước!
- Vòng bên trái (bên phải) - chạy!
- Bên trái (bên phải) vòng đằng sau - bước! (chạy!)
- Cự li rộng (hẹp), nhìn chuẩn thẳng! (đối với đội hình hàng dọc, ngang và
chữ U).
- Cự li rộng (hẹp), chỉnh đốn đội ngũ! ( đối với đội hình vòng tròn).
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
Vị trí của người chỉ huy trong đội hình, đội ngũ
- Vị trí chỉ huy tập hợp: Khi tập hợp, chỉ huy là chuẩn của đơn vị. ở đội hình
hàng dọc và chữ U, đội viên đứng sau chỉ huy có khoảng cách bằng một cánh tay
(cánh tay trái đưa lên chạm vai trái chỉ huy) cùng hướng với chỉ huy. ở đội hình
hàng ngang, đội viên đứng tiếp bên trái chỉ huy có khảng cánh bằng một cánh tay
(vai phải chạm tay trái của chỉ huy) và cùng hướng với chỉ huy. ở đội hình vòng
tròn: Chỉ huy làm tâm.
- Vị trí chỉ huy khi điều khiển đơn vị: Sau khi đội viên đầu tiên vào vị trí chuẩn
của đội hình tập hợp, chỉ huy chuyển sang vị trí trung tâm để điều khiển và bao quát
đơn vị, để các đội viên đều phải nghe thấy khẩu lệnh chỉ huy. Khoảng cách giữa chỉ
huy đến đơn vị tuỳ thuộc đội hình đơn vị lớn hay nhỏ.
- Vị trí chỉ huy đơn vị tĩnh tại (Liên đội hàng ngang, chi đội hàng dọc)
+ Phân đội trưởng đứng đầu, phân đội phó đứng cuối phân đội; chi đội
trưởng đứng bên phải phân đội trưởng phân đội 1 (các uỷ viên Ban chỉ huy đứng
sau chi đội trưởng); đội viên cầm cờ đứng bên phải chi đội trưởng; phụ trách chi
đội đứng bên phải cờ. Ban chỉ huy liên đội đứng bên phải phụ trách của chi đội 1;
đội cờ liên đội đứng hàng ngang bên phải Ban chỉ huy liên đội (nếu đội cờ có 3 đội
viên, thì 1 đội viên cầm cờ, 2 đội viên hộ cờ. Nếu đội cờ có 5 đội viên thì đứng
giữa là cờ Tổ quốc, bên trái là cờ Đoàn, bên phải là cờ Đội; 2 hộ cờ hai bên). Đội
trống đứng đằng sau đội cờ, bên phải đội cờ là Tổng phụ trách.
+ Đội hình của các chi đội khác đứng lần lượt bên trái chi đội 1, khoảng
cách bằng 1 cự li rộng.
- Vị trí chỉ huy khi hành tiến của liên đội
+ Đi đầu là đội cờ của liên đội, sau đội cờ khoảng 2m là Ban chỉ huy liên đội
(Liên đội trưởng đi giữa, liên đội phó hoặc hai uỷ viên đi hai bên), sau Ban chỉ huy
khoảng 2m là đội trống, sau khoảng 5m là người cầm cờ của chi đội 1, sau cờ
khoảng 1m là chi đội trưởng, sau chi đội trưởng khoảng 1m là đội hình chi đội, chi
đội nọ cách chi đội kia khoảng 5m.

Tiểu chủ đề 4: Nghi lễ của Đội (3 tiết)


1. Hoạt động
Hoạt động 1: Giới thiệu vai trò và các loại nghi lễ của Đội (10 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 1: [2]
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Giới thiệu, phân tích vai trò, tầm quan trọng của nghi lễ Đội (5 phút)
Hỏi: Nghi lễ Đội TNTP Hồ Chí Minh có vai trò gì đối với đội viên?
+ Giới thiệu và phân tích vai trò, tầm quan trọng của nghi lễ Đội.
- Nhiệm vụ 2: Xác định các loại nghi lễ của Đội (5 phút)
Hỏi: Có bao nhiêu loại nghi lễ Đội?
+ Giới thiệu tên các loại Nghi lễ trong Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh.
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi 1: Trình bày vai trò của nghi lễ Đội đối với đội viên?
- Câu hỏi 2: Trình bày các loại nghi lễ của Đội?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 258 - 259 của giáo trình.
Hoạt động 2: Tìm hiểu lễ chào cờ (15 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 2: [2]
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Giới thiệu mục đích ý nghĩa của lễ chào cờ (5 phút)
Hỏi: Theo em lễ chào cờ theo Nghi thức Đội có ý nghĩa gì đối với mỗi đội viên?
+ Tập hợp ý kiến. Phân tích giải thích các mục đích ý nghĩa của Nghi lễ
chào cờ.
- Nhiệm vụ 2: Xác định diễn biến của lễ chào cờ (10 phút)
+ Phát cho mỗi em 1 tờ giấy nhỏ để ghi diễn biến. Gọi một số học sinh lên
đọc diễn biến.
+ Giới thiệu diễn biến nghi lễ chào cờ.
* Đánh giá hoạt động 2
- Câu hỏi 1: Lễ chào cờ có những mục đích, ý nghĩa gì?
- Câu hỏi 2: Trình bày diễn biến của lễ chào cờ theo Nghi thức Đội.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 259 - 260 của giáo trình.
Hoạt động 3: Tìm hiểu lễ diễu hành (20 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 3: [2]
* Nhiệm vụ của hoạt động 3
- Nhiệm vụ 1: Giới thiệu mục đích ý nghĩa của lễ diễu hành (5 phút)
Hỏi: Theo em lễ diễu hành theo Nghi thức Đội có ý nghĩa gì đối với đội viên?
+ Tập hợp ý kiến. Phân tích giải thích các mục đích ý nghĩa của nghi lễ diễu
hành.
- Nhiệm vụ 2: Xác định diễn biễn của lễ diễu hành (15 phút).
+ Phát cho mỗi em 1 tờ giấy nhỏ để ghi diễn biến. Gọi một số học sinh lên
đọc diễn biến.
+ Giới thiệu, mô phỏng diễn biến Nghi lễ diễu hành.
* Đánh giá hoạt động 3
- Câu hỏi 1: Lễ diễu hành có mục đích ý nghĩa gì?
- Câu hỏi 2: Em hãy trình bày diễn biến của lễ diễu hành theo Nghi thức Đội.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3: Xem trang 260 - 261 của giáo trình.
Hoạt động 4: Tìm hiểu lễ duyệt Đội (10 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 4: [2]
* Nhiệm vụ của hoạt động 4
- Nhiệm vụ 1: Giới thiệu mục đích ý nghĩa của lễ duyệt Đội (5 phút)
Hỏi: Theo em, lễ duyệt Đội theo Nghi thức Đội có ý nghĩa gì đối với đội viên?
+ Tập hợp ý kiến. Phân tích giải thích các mục đích ý nghĩa của Nghi lễ
duyệt Đội.
- Nhiệm vụ 2: Xác định diễn biến của lễ duyệt Đội (5 phút)
+ Phát cho mỗi em 1 tờ giấy nhỏ để ghi diễn biến. Gọi một số học sinh lên
đọc diễn biến.
+ Giới thiệu diễn biến Nghi lễ duyệt Đội.
* Đánh giá hoạt động 4
- Câu hỏi 1: Lễ duyệt Đội có những mục đích ý nghĩa gì?
- Câu hỏi 2: Em hãy trình bày diễn biến của lễ duyệt Đội theo Nghi thức Đội.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 4: Xem trang 261 - 262 của giáo trình.
Hoạt động 5: Tìm hiểu lễ kết nạp đội viên (20 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 5: [2]
* Nhiệm vụ của hoạt động 5
- Nhiệm vụ 1: Giới thiệu mục đích ý nghĩa của lễ kết nạp đội viên (5 phút)
Hỏi: Theo em lễ kết nạp đội viên theo Nghi thức Đội có ý nghĩa gì đối với
đội viên?
+ Tập hợp ý kiến. Phân tích giải thích các mục đích ý nghĩa của lễ kết nạp
đội viên.
- Nhiệm vụ 2: Xác định diễn biến của lễ kết nạp đội viên (15 phút)
+ Phát cho mỗi em 1 tờ giấy nhỏ để ghi diễn biến. Gọi một số học sinh lên
đọc diễn biến.
+ Giới thiệu diễn biến nghi lễ kết nạp đội viên.
* Đánh giá hoạt động 5
- Câu hỏi1: Lễ kết nạp đội viên có mục đích ý nghĩa gì?
- Câu hỏi 2: Em hãy trình bày diễn biến của lễ kết nạp đội viên theo Nghi
thức Đội.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 5: Xem trang 262 của giáo trình.
Hoạt động 6: Tìm hiểu lễ công nhận chi đội (20 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 6: [2]
- Tài liệu học tập số 2.
* Nhiệm vụ của hoạt động 6
- Nhiệm vụ 1: Giới thiệu mục đích ý nghĩa của lễ công nhận chi đội (5 phút)
Hỏi: Theo em lễ công nhận chi đội theo Nghi thức Đội có ý nghĩa gì đối với
đội viên?
+ Tập hợp ý kiến. Phân tích giải thích các mục đích ý nghĩa của lễ công
nhận chi đội.
- Nhiệm vụ 2: Xác định diễn biến của lễ công nhận chi đội (15 phút)
+ Phát cho mỗi em 1 tờ giấy nhỏ để ghi diễn biến. Gọi một số học sinh lên
đọc diễn biến.
+ Giới thiệu diễn biến Nghi lễ công nhận chi đội.
* Đánh giá hoạt động 6
- Câu hỏi 1: Lễ công nhận chi đội có mục đích ý nghĩa gì?
- Câu hỏi 2: Em hãy trình bày diễn biến của lễ công nhận chi đội theo Nghi
thức Đội.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 6: Xem trang 262 - 263 của giáo trình.
Hoạt động 7: Tìm hiểu lễ trưởng thành Đội (20 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 7: [2]
* Nhiệm vụ của hoạt động
- Nhiệm vụ 1: Giới thiệu mục đích ý nghĩa của lễ trưởng thành Đội (5 phút)
?Theo em lễ trưởng thành Đội theo Nghi thức Đội có ý nghĩa gì đối với đội
viên?
+ Tập hợp ý kiến. Phân tích giải thích các mục đích ý nghĩa của lễ trưởng
thành Đội.
- Nhiệm vụ 2: Xác định diễn biến của lễ trưởng thành Đội (15 phút)
+ Phát cho mỗi em 1 tờ giấy nhỏ để ghi diễn biến. Gọi một số học sinh lên
đọc diễn biến.
+ Giới thiệu diễn biến nghi lễ trưởng thành Đội.
* Đánh giá hoạt động 7
- Câu hỏi 1: Lễ trưởng thành Đội có những mục đích ý nghĩa gì?
- Câu hỏi 2: Em hãy trình bày diễn biến của lễ trưởng thành Đội theo nghi
thức Đội.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 7: Xem trang 263 - 264 của giáo trình.
Hoạt động 8: Tìm hiểu Đại hội Đội (20 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 8: [2]
* Nhiệm vụ của hoạt động 8
- Nhiệm vụ 1: Giới thiệu mục đích ý nghĩa của lễ Đai hội Đội (5 phút)
Hỏi: Theo em Đại hội Đội theo nghi thức Đội có ý nghĩa gì đối với mội đội viên?
+ Tập hợp ý kiến. Phân tích giải thích các mục đích ý nghĩa của Đại hội Đội.
- Nhiệm vụ 2: Xác định diễn biến của lễ Đại hội Đội (15 phút)
+ Phát cho mỗi em 1 tờ giấy nhỏ để ghi diễn biến. Gọi một số học sinh lên
đọc diễn biến.
+ Giới thiệu diễn biến nghi lễ Đại hội Đội.
* Đánh giá hoạt động 8
- Câu hỏi 1: Đại hội Đội có mục đích ý nghĩa gì?
- Câu hỏi 2: Em hãy trình bày diễn biến của Đại hội Đội theo Nghi thức Đội.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 8: Xem trang 264 - 267 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
1. Vai trò, tầm quan trọng của nghi lễ Đội
- Việc rèn luyện và thực hiện nghi lễ Đội TNTP Hồ Chí Minh có vai trò
quan trọng đối với mỗi đội viên, mỗi tổ chức cơ sở Đội. Nghi lễ của Đội chính là
các hình thức tổ chức hoạt động được quy định nhằm thu hút, tập hợp thiếu nhi
thực hiện thống nhất ở mọi lúc, mọi nơi.
- Là phương tiện giáo dục đối với đội viên TNTP Hồ Chí Minh, góp phần
xây dựng nhân cách, lí tưởng cho các em
- Góp phần củng cố, xây dựng tổ chức Đội: Việc thực hiện nghi lễ Đội, cần xây
dựng tinh thần đoàn kết, tính tập thể và vì cộng đồng chung cho đội viên
2. Các loại nghi lễ của Đội
- Lễ chào cờ
- Lễ diễu hành
- Lễ duyệt Đội
- Kết nạp đội viên
- Lễ công nhận chi đội
- Lễ trưởng thành
- Đại hội Đội
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
1. Các loại hình nghi lễ của Đội
a. Lễ chào cờ
- Được cử hành nghiêm trang để mở đầu cho các buổi lễ lớn của Đội và buổi
sinh hoạt, hoạt động Đội.
* Diễn biến (sau khi đã tập hợp và ổn định đơn vị).
- Chỉ huy hô : " Đội trống, đội cờ vào vị trí !" (đội trống đeo trống, đội cờ
của liên đội và các chi đội vác cờ vào vị trí quy định, với từng hình thức tổ chức,
đến nơi, đưa cờ về tư thế nghỉ).
- Chỉ huy hô : "Mời các vị đại biểu và các bạn chuẩn bị làm lễ chào cờ!".
- Chỉ huy hô: "Nghiêm!", thổi kèn hiệu chào cờ. Hết hồi kèn, chỉ huy hô:
"Chào cờ - chào!", cờ giương (hoặc kéo), đánh trống chào cờ, đội viên giơ tay
chào.
- Dứt tiếng trống đội viên bỏ tay xuống, đứng tư thế nghiêm (trống, cờ vẫn ở
tư thế làm lễ), chỉ huy hô: "Quốc ca!", đội viên hát Quốc ca. (hát hết bài 1 lần)
- Chỉ huy hô: "Đội ca!", đội viên hát Đội ca. (hát hết bài 1 lần)
- Phụ trách hoặc 1 em trong Ban chỉ huy quay về đội hình hô: "Vì Tổ quốc
xã hội chủ nghĩa - Vì lí tưởng của Bác Hồ vĩ đại - Sẵn sàng!", tất cả đội viên đồng
thanh đáp 1 lần : "Sẵn sàng!" (không giơ tay) - (nếu trong các buổi lễ lớn, có phút
sinh hoạt truyền thống thì sau lời đáp : "Sẵn sàng!", chỉ huy hô: "Phút sinh hoạt
truyền thống!". Sinh hoạt truyền thống thực hiện xong. Chỉ huy hô : "Đội trống,
đội cờ về vị trí!" (đội trống đeo trống, đội cờ vác cờ về vị trí tập hợp đội hình tĩnh
tại).
* Các hình thức tổ chức lễ chào cờ: Có 3 hình thức
- Hình thức thứ nhất: Cờ được treo sẵn trên lễ đài hoặc trên cột cờ.
+ Diễn biến lễ chào cờ được tiến hành như quy định
- Hình thức thứ hai: Cờ được đội viên cầm, đứng trước đơn vị.
+ Chào cờ ở chi đội: Cờ của chi đội do 1 đội viên cầm ở tư thế giương cờ
(không có hộ cờ) đứng trước chi đội và quay mặt về đơn vị. Diễn biến lễ chào cờ
như quy định.
+ Chào cờ ở liên đội: Đội cờ của liên đội bao gồm 1 đội viên hoặc 3 đội
viên (nếu có cờ Tổ quốc và cờ Đoàn) cầm cờ và 2 đội viên hộ cờ (băng hộ cờ - nếu
có - chỉ dùng cho đội cờ), đứng cách đội hình ít nhất 3 mét, đội trống đứng sau đội
cờ, tất cả đều quay mặt về đơn vị. Cờ của chi đội do một đội viên cầm ở tư thế
giương cờ, đứng trước đơn vị, cách 3 bước cùng hướng với đơn vị. Diễn biến lễ
chào cờ như quy định.
Chú ý: Khi nghe khẩu lệnh: "Chào cờ - chào!", cờ được giương lên cho đến
hết lễ chào cờ, (Sau khi hô - đáp khẩu hiệu hoặc kết thúc phút sinh hoạt truyền
thống). Hai hộ cờ trong đội cờ liên đội luôn ở tư thế nghiêm cho đến hết lễ chào cờ
(không giơ tay chào).
- Hình thức thứ ba: Kéo cờ.
+ Đội cờ về vị trí tập kết, bốn đội viên cầm 4 góc cờ. Khi có lệnh vào vị trí,
dâng cờ lên ngang vai tiến vào cột cờ theo nhịp trống hành tiến. Đến cột cờ, 4 đội
viên hạ cờ ngang thắt lưng, 2 đội viên đứng trước buộc cờ vào dây kéo, 2 đội viên
đứng sau nâng cờ.
+ Khi có khẩu lệnh chào cờ, một đội viên cầm một dây để kéo cờ lên, một
đội viên cầm dây thả dần ra, 2 đội viên còn lại tiến lên thành hàng ngang với người
kéo cờ và quay xuống đơn vị, đứng nghiêm, không giơ tay chào.
+ Khi cờ lên đến đỉnh cột, 2 đội viên kéo cờ buộc dây vào cột rồi quay
xuống đơn vị, đứng nghiêm. Cờ được kéo lên khi trống nổi, hết bài trống cờ lên
đến đỉnh cột.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3
b. Lễ diễu hành
- Lễ diễu hành được tổ chức để biểu dương lực lượng, giới thiệu thành tích
của Đội TNTP Hồ Chí Minh.

* Đội hình diễu hành


- Vị trí tập kết chuẩn bị diễu hành: Đi đầu là đội cờ của liên đội, cách đội cờ
khoảng 2 mét là 3 đội viên đại diện Ban chỉ huy liên đội, sau Ban chỉ huy khoảng 3
mét là đội trống (đội trống có thể đứng cố định ở khu vực lễ đài, tùy thuộc vào
hành trình diễu hành), sau đội trống khoảng 5 mét là cờ của chi đội, sau cờ khoảng
1 mét là 3 đội viên đại diện Ban chỉ huy chi đội, chi đội nọ cách chi đội kia khoảng
5 mét. Phụ trách đi bên cạnh phân đội trưởng phân đội 1.
- Diễn biến: Lễ diễu hành được thực hiện trước lễ khai mạc. Chỉ huy hô:
"Nghiêm"!" rồi chạy đến trước lễ đài báo cáo: "Báo cáo anh (chị) phụ trách, các
đơn vị đã sẵn sàng, xin phép lễ diễu hành được bắt đầu!". Phụ trách đáp: "Đồng
ý!". Chỉ huy quay về đơn vị hô: "Lễ diễu hành bắt đầu!" - "Dậm chân - dậm!", thổi
kèn, đánh trống hành tiến (đội viên dậm chân theo tiếng trống). Khi đơn vị đã dậm
đều, chỉ huy hô: "Đi đều - bước!", các đơn vị hành tiến từ trái qua phải lễ đài (theo
hướng lễ đài), cờ được vác lên vai. Khi bắt đầu đến lễ đài (vạch chào), cờ được
giương lên, đội viên giơ tay chào. Khi đã qua lễ đài (vạch thôi chào), chuyển cờ về
tư thế vác cờ, đội viên thôi chào, tiếp tục đi đều. Từng đơn vị khi qua lễ đài được
giới thiệu tóm tắt thành tích, các đại biểu vỗ tay động viên. Khi vòng ở các góc
sân, chú ý đảm bảo vuông góc. Khi diễu hành ở đường lớn, chú ý giữ cự li các đơn
vị, đội hình nghiêm túc và đi đúng đường, tránh làm mất trật tự an toàn giao thông.
Diễu hành xong, các đơn vị về vị trí tập kết.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 4
c. Lễ duyệt Đội
- Diễn biến: Sau Lễ khai mạc, chỉ huy đến lễ đài báo cáo đại biểu có chức
danh cao nhất (rõ họ tên, chức vụ): " Báo cáo ..., các đơn vị đã sẵn sàng, xin mời
đại biểu đi duyệt Đội!". Đại biểu đáp: "Đồng ý!". Chỉ huy quay về đội hình hô: "Lễ
duyệt Đội bắt đầu!" và hướng dẫn đại biểu đến trước vị trí đội cờ (đứng theo đội
ngũ tĩnh tại), đại biểu giơ tay chào cờ rồi đi duyệt Đội.
+ Khi đại biểu vào vị trí duyệt Đội (trước đội hình chi đội 1, chỉ huy đi sau
đại biểu khoảng 1 mét, chếch về bên phải), thổi kèn, đánh trống hành tiến, đại biểu
đi từ đầu đến cuối đơn vị. Khi kèn và trống nổi, cờ của liên đội giương cao, chỉ huy
chào (đến khi đại biểu đi hết đơn vị cuối cùng). Khi đại biểu đi đến đơn vị nào, chỉ
huy đơn vị đó hô : "Chào !", cờ của chi đội giương cao, đội viên giơ tay chào. Khi đại
biểu đi qua, chỉ huy đơn vị đó hô : "Thôi!", đội viên thôi chào, cờ về tư thế nghiêm. Đi
hết đơn vị cuối, đại biểu lên lễ đài. Lễ duyệt Đội kết thúc.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 5
d.Lễ kết nạp đội viên
- Sau khi đủ điều kiện kết nạp đội viên được quy định tại điều 1, chương I, Điều
lệ Đội TNTP Hồ Chí Minh, chi đội tổ chức Lễ kết nạp đội viên mới như sau:
- Tổ chức lễ kết nạp một cách trọng thể, gây ấn tượng giáo dục sâu sắc.
+ Địa điểm kết nạp: Phòng Đội, Phòng truyền thống, nhà bảo tàng, di tích
lịch sử...
+ Thời gian: Chọn ngày lễ có ý nghĩa.
+ Thành phần tham dự: Toàn chi đội, Tổng phụ trách, phụ trách chi, đại diện chi
hội cha mẹ học sinh, đại diện ban chỉ huy liên đội và đội viên được kết nạp.
+ Trang trí: Có ảnh Bác Hồ, cờ Đội.
* Diễn biến
- Chi đội trưởng hoặc phó điều khiển chào cờ, tuyên bố lí do, giới thiệu đại biểu,
công bố danh sách đội viên được kết nạp và mời đội viên mới lên đọc lời hứa.
- Đội viên mới bước lên đối diện với cờ, nghiêm trang đọc lời hứa (Điều 2,
chương I, Điều lệ Đội). Đọc xong hô: " Xin hứa!", toàn chi đội đứng nghiêm.
- Phụ trách chi đội đặt khăn quàng đỏ lên vai và căn dặn đội viên mới. Đội
viên mới đáp: "Sẵn sàng!" và tự thắt khăn quàng đỏ, đứng nghiêm, chào cờ và
quay lại chào các đại biểu và đội viên trong chi đội.
- Chi đội trưởng phân công đội viên mới về phân đội. Toàn chi đội ngồi xuống
và hát tập thể bài hát "Mơ ước ngày mai" (Trần Đức). Lễ kết nạp kết thúc.
Chú ý : Mỗi lẫn kết nạp không quá 15 đội viên. Nếu có từ 2 em trở lên thì
một em đọc lời hứa xong, các em khác đồng thanh đáp một lần: "Xin hứa!".
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 6
e. Lễ công nhận chi đội
* Điều kiện thành lập chi đội mới
- Có ít nhất 3 đội viên trở lên.
- Việc thành lập và tổ chức công nhận: Do ban chỉ huy liên đội đề nghị và
HĐĐ cấp xã, phường hoặc Ban Chấp hành Đoàn cùng cấp ra quyết định.
* Thành phần tham dự: Chi đội được công nhận, đại diện chi đội đỡ đầu,
Ban Chỉ huy liên đội, Tổng phụ trách, phụ trách chi, đại diện Ban giám hiệu, đại
diện HĐĐ cấp xã, phường hoặc Ban Chấp hành Đoàn cùng cấp.
* Diễn biến
- Đại diện Ban Chỉ huy liên đội điều khiển chào cờ, tuyên bố lí do, giới thiệu
đại biểu.
- Phụ trách Đội đọc quyết định công nhận chi đội mới.
- Phụ trách Đội gắn cấp hiệu cho Ban Chỉ huy chi đội mới.
- Tổng phụ trách trao cờ Đội cho chi đội trưởng (toàn chi đội mới đứng
nghiêm). Ban Chỉ huy chi đội nhận cờ, giương cờ về phía chi đội. Đại diện Ban
Chỉ huy liên đội hô: "Nghiêm ! Chào cờ - chào !", đội viên giơ tay chào (không
hát, không hô khẩu lệnh). Sau đó hô: "Thôi!"
- Đại biểu phát biểu, giao nhiệm vụ.
- Đại diện Ban Chỉ huy liên đội tuyên bố bế mạc.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 7
g. Lễ trưởng thành Đội
- Đơn vị tổ chức là chi đội có đội viên trưởng thành.
* Thành phần tham dự: Toàn chi đội, phụ trách chi, đại diện Ban Chỉ huy
liên đội, chi đoàn. Số lượng đội viên được trưởng thành không hạn chế.
* Thời gian: Chọn ngày có ý nghĩa, thời gian tổ chức ngắn gọn.
* Diễn biến:
- Chi đội phó điều khiển chào cờ, tuyên bố lí do, giới thiệu đại biểu.
- Chi đội trưởng công bố danh sách đề nghị của tập thể chi đội những đội
viên trưởng thành.
- Phụ trách chi phát biểu, biểu dương, nhắc nhở các em tiếp tục rèn luyện,
phấn đấu để sớm trở thành đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh, đồng thời giúp đỡ chi
đội trong mọi hoạt động.
- Đội viên được trưởng thành phát biểu cảm tưởng.
- Đại diện chi đoàn phát biểu.
- Trao tặng phẩm kỉ niệm (nếu có) và vui liên hoan một số tiết mục văn nghệ
(có thể làm một công trình lưu niệm nhỏ).
- Bế mạc, hát bài: "Tiến lên đoàn viên " (Phạm Tuyên)
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 8
h. Đại hội Đội
* Thời gian: Tổ chức Đại hội vào thời gian đầu năm học (với các chi đội,
liên đội trong nhà trường) và đầu năm (với các chi đội, liên đội ở địa bàn dân cư).
Đại hội diễn ra không quá 2 giờ.
* Địa điểm: Có thể ở Hội trường, trong lớp học, phòng truyền thống, nơi có
ý nghĩa.
* Trang trí: Quốc kì, cờ Đội hoặc huy hiệu Đội, ảnh Bác Hồ hoặc tượng
Bác (cờ đội có thể do đội viên cầm khi chào cờ theo Nghi thức Đội).
* Nội dung và chương trình Đại hội:
- Tập hợp chi đội - kiểm tra số lượng, tư thế, trang phục của đội viên.
- Khai mạc Đại hội
+ Chào cờ (theo Nghi thức Đội)
+ Tuyên bố lí do, giới thiệu đại biểu, công bố số lượng đội viện dự Đại hội.
+ Bầu chủ tịch đoàn (3-5 đội viên), chủ tịch đoàn giới thiệu thư kí Đại hội (1-2
đội viên). Ban Chỉ huy chi đội có thể dự kiến chủ tịch đoàn để Đại hội biểu quyết.
+ Chủ tịch đoàn lên làm việc, công bố chương trình và nội dung Đại hội.
+ Đọc báo cáo tổng kết công tác của chi đội trong nhiệm kì qua và dự thảo
chương trình công tác nhiệm kì mới (đối với chi đội mới thành lập chỉ trình bày dự
thảo chương trình công tác nhiệm kì tới).
+ Phụ trách chi đội (hoặc đại diện phát biểu) phát biểu ý kiến.
+ Tiến hành thảo luận và biểu quyết những đánh giá trong báo cáo tổng kết
và những chỉ tiêu cụ thể trong dự thảo đề án công tác nhiệm kì mới.
+ Biểu quyết thông qua báo cáo và chương trình hành động của chi đội...
+ Bầu Ban Chỉ huy chi đội và bầu đại biểu đi dự Đại hội liên đội:
+ Chủ tịch đoàn công bố Ban Chỉ huy chi đội cũ hết nhiệm kì, nêu tiêu
chuẩn, cơ cấu và số lượng được bầu vào ban Chỉ huy mới.
+ Biểu quyết thống nhất số lượng bầu Ban chỉ huy đội (từ 3 - 7 đội viên).
+ ứng cử đội viên nào trong danh sách ứng cử và đề cử xin rút tên thì nêu rõ lí
do, chủ tịch đoàn sẽ hội ý và quyết định có cho đội viên đó rút tên hay không.
+ Biểu quyết chốt danh sách bầu cử.
+ Biểu quyết chọn hình thức bầu cử (có thể là giơ tay hoặc bỏ phiếu kín).
+ Nếu Đại hội quyết định bầu cử bằng hình thức bỏ phiếu kín thì bầu Ban
kiểm phiếu.
+ Thống nhất số lượng, danh sách và bầu Ban kiểm phiếu (bằng hình thức
giơ tay).
+ Ban kiểm phiếu làm việc:
Ban kiểm phiếu công bố nguyên tắc, thể lệ bầu cử, kiểm tra phiếu, phát
phiếu bầu cử, kiểm tra hòm phiếu, hướng dẫn bỏ phiếu và tiến hành bỏ phiếu
(phiếu hợp lệ là phiếu bầu đúng tên người trong danh sách bầu cử, không thừa so
với số lượng quy định, không để phiếu trắng. Người trúng cử phải được trên 1/2
tổng số phiếu bầu hợp lệ và theo thứ tự từ cao xuống (có thể bầu trực tiếp chi đội
trưởng và các chi đội phó).
- Đại hội giải lao và sinh hoạt văn nghệ (khi Ban kiểm phiếu làm việc).
- Ban kiểm phiếu làm việc ngay và công bố kết quả bầu cử trước Đại hội.
+ Nếu bầu lần 1 chưa đủ số lượng, Đại hội tiến hành bầu cử lần 2 trong số những
đội viên không trúng cử ở lần 1. Nếu bầu lần 2 vẫn chưa đủ thì đoàn chủ tịch xin ý kiến
Đại hội để bầu tiếp hoặc sẽ bầu bổ sung trong các kì họp sau.
+ Nếu bầu bằng hình thức giơ tay biểu quyết thì chủ tịch đoàn điều khiển,
đội viên giơ tay biểu quyết từng người một theo thứ tự:
+ Đồng ý
+ Không đồng ý.
Thư kí đếm số lượng, ghi biên bản và công bố kết quả.
+ Ban Chỉ huy chi đội mới ra mắt Đại hội, đại diện HĐĐ xã, phường, Tổng
phụ trách hoặc phụ trách chi đội công nhận Ban Chỉ huy chi đội mới và giao nhiệm
vụ.
+ Đại diện Ban Chỉ huy chi đội mới phát biểu nhận nhiệm vụ.
+ Nếu phải bầu đại biểu đi dự Đại hội liên đội thì bầu tiếp như trình tự bầu
Ban Chỉ huy Đội.
+ Thư kí trình bày dự thảo nghị quyết Đại hội: Đại hội biểu quyết thông qua
nghị quyết.
- Tổng kết Đại hội. Chủ tịch đoàn đánh giá kết quả Đại hội, cảm ơn các đại
biểu và tuyên bố bế mạc.
- Chào cờ bế mạc.
- Đối với liên đội : Đại hội liên đội tiến hành khi các chi đội đã tổ chức xong
Đại hội. Đại hội toàn thể đội viên hoặc Đại hội đại biểu do Ban Chỉ huy liên đội
quyết định. Thời gian Đại hội không quá một buổi. Đại hội báo cáo kết quả công
tác của liên đội nhiệm kì qua, thông qua chương trình hành động nhiệm kì tới và
bầu Ban Chỉ huy mới.
*Nội dung và chương trình đại hội
- Lễ khai mạc Đại hội:
+ Chào cờ theo nghi thức Đội (có sinh hoạt truyền thống).
+ Tuyên bố lí do, giới thiệu đại biểu mời, số lượng đại biểu chính thức dự
Đại hội và khai mạc Đại hội.
+ Bầu đoàn chủ tịch (từ 5 đến 7 đội viên) và đoàn chủ tịch giới thiệu thư kí
của Đại hội (2 đội viên)
+ Đoàn chủ tịch Đại hội lên làm việc, công bố chương trình và nội dung làm
việc của Đại hội.
+ Đoàn chủ tịch trình bày dự thảo báo cáo kết quả công tác của nhiệm kí qua
và chương trình hoạt động của liên đội trong nhiệm kì mới.
+ Đại diện HĐĐ và cấp uỷ Đảng (Ban giám hiệu) phát biểu ý kiến.
+ Các đại biểu dự Đại hội thảo luận.
+ Biểu quyết thông qua báo cáo và chương trình hành động của liên đội.
+ Bầu ban chỉ huy liên đội mới:
- Đoàn chủ tịch công bố Ban Chỉ huy cũ hết nhiệm kì, nêu tiêu chuẩn, cơ cấu
và số lượng được bầu vào Ban Chỉ huy mới.
- Thảo luận và quyết định cơ cấu, số lượng Ban chỉ huy mới.
- ứng cử, đề cử:
Nếu đội viên nào trong danh sách ứng cử và đề cử xin rút tên thì nêu rõ lí do, đoàn
chủ tịch sẽ hội ý và quyết định có cho đội viên đó rút tên hay không.
+ Biểu quyết chốt danh sách bầu cử.
+ Thống nhất số lượng, danh sách và bầu Ban kiểm phiếu (bằng hình thức
giơ tay).
+ Ban kiểm phiếu làm việc: Ban kiểm phiếu công bố nguyên tắc, thể lệ bầu
cử, kiểm tra hòm phiếu, phát phiếu bầu cử, hướng dẫn bỏ phiếu và tiến hành bỏ
phiếu (phiếu hợp lệ là phiếu bầu đúng tên người trong danh sách bầu cử, không
thừa so với số lượng quy định, không để phiếu trắng. Người trúng cử phải được
trên 1/2 tổng số phiếu bầu hợp lệ và theo thứ tự từ cao xuống (có thể bầu trực tiếp
chi đội trưởng và các chi đội phó).
+ Đại hội giải lao và sinh hoạt văn nghệ (khi Ban kiểm phiếu làm việc).
+ Ban kiểm phiếu làm việc ngay và công bố kết quả bầu cử trước Đại hội.
+ Nếu bầu lần 1 chưa đủ số lượng, Đại hội tiến hành bầu cử lần 2 trong số những
đội viên không trúng cử ở lần 1. Nếu bầu lần 2 vẫn chưa đủ thì đoàn chủ tịch xin ý kiến
Đại hội để bầu tiếp hoặc sẽ bầu bổ sung trong các kì họp sau.
+ Ban Chỉ huy liên đội mới ra mắt Đại hội.
+ Tổng phụ trách công nhận và giao nhiệm vụ cho Ban Chỉ huy mới...
+ Đại diện Ban Chỉ huy liên đội phát biểu nhận nhiệm vụ.
+ Thư kí trình bày dự thảo nghị quyết Đại hội.
+ Đại hội biểu quyết thông qua nghị quyết Đại hội.
+ Đoàn chủ tịch đánh giá kết quả Đại hội, cảm ơn các đại biểu, tuyên bố bế
mạc.
+ Chào cờ, bế mạc.

chủ đề 3: phương pháp hướng dẫn nghi thức


đội tntp hồ chí minh (2 tiết)
1. Hoạt động
Hoạt động 1: Giới thiệu phương pháp hướng dẫn Nghi thức Đội (10 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 1: [1; tr 32 - 42]
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Giới thiệu các phương pháp hướng dẫn Nghi thức Đội (10
phút)
Hỏi: Khi hướng dẫn nghi thức Đội nên sử dụng những hình thức nào?
+ Tập hợp ý kiến. Giới thiệu, phân tích các phương pháp chính khi hướng
dẫn Nghi thức Đội.
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi 1: Khi hướng dẫn Nghi thức Đội thường sử dụng những phương
pháp nào?
- Câu hỏi 2: Tại sao khi hướng dẫn Nghi thức Đội phải kết hợp nhiều
phương pháp?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 269 - 271 của giáo trình.
Hoạt động 2: Xác định các bước và nội dung hướng dẫn các yêu cầu đội viên
(30 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 2: [1; tr 32 - 42]
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Thực hành mẫu hướng dẫn yêu cầu đối với đội viên (10 phút)
+ Hướng dẫn động tác Chào kiểu đội viên TNTP theo các bước hướng dẫn.
Học sinh quan sát và khái quát thành các hước hướng dẫn các yêu cầu đối với đội
viên.
- Nhiệm vụ 2: Tổ chức trò chơi dán các bước hướng dẫn các yêu cầu đội viên (10
phút)
+ Chia chi đội thành 3 nhóm. Mỗi nhóm thảo luận để dán các bước hướng
dẫn theo đúng thứ tự.
+ Tập hợp, phân tích và giới thiệu thứ tự các bước hướng dẫn các yêu cầu
đội viên.
- Nhiệm vụ 3: Xác định các bước hướng dẫn yêu cầu đội viên (10 phút)
* Đánh giá hoạt động 2
- Câu hỏi 1: Trình bày các bước hướng dẫn yêu cầu đối với đội viên?
- Bài tập: Em hãy hướng dẫn 1 yêu cầu đối với đội viên theo các bước quy định.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 271 - 273 của giáo trình.
Hoạt động 3: Xác định các bước và nội dung hướng dẫn đội hình, đội ngũ (50 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 3: [1; tr 32 - 42]
* Nhiệm vụ của hoạt động 3
- Nhiệm vụ 1: Xác định các bước hướng dẫn đội hình đội ngũ (15 phút)
+ Giới thiệu và phân tích các bước hướng dẫn đội hình, đội ngũ.
- Nhiệm vụ 2: So sánh các bước hướng dẫn yêu cầu đối với đội viên và đội
hình đội ngũ (35 phút)
Hỏi: Căn cứ vào các bước hướng dẫn các yêu cầu đối với đội viên và đội
hình đội ngũ, Em thấy có gì khác nhau và giống nhau?
+ Phân tích sự giống nhau và khác nhau.
* Đánh giá hoạt động 3
- Bài tập: Em hãy hướng dẫn 1 loại đội hình trong Nghi thức Đội theo các
bước quy định.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3: Xem trang 273 - 275 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
Phương pháp hướng dẫn Nghi thức Đội
Kết hợp giữa phương pháp thuyết trình và trực quan, bằng cách diễn giảng,
giảng giải lần lượt từng nội dung. Dùng hình vẽ, băng hình hoặc động tác của
chính người hướng dẫn hoặc của nhóm mẫu để mô tả chính xác các thao tác của
người học phải làm.
Hướng dẫn bằng lời hoặc động tác minh hoạ phải chậm, đủ để người học có
thể tiếp thu được. Người hướng dẫn phải giúp người học tự ghi chép, vẽ hình sao
cho ngắn ngọn và dễ hiểu nhất.
Trong khi hướng dẫn phải đặc biệt chú ý đễn các động tác cơ bản ban đầu.
Nếu có sai sót thì cần uốn nắn và điều chỉnh ngay, tránh trạng thái “cưỡi ngựa xem
hoa”, sẽ dẫn đến kết quả là người học không nắm vững được bài, thực hiện sai các
động tác.
Tiếp theo nội dung mà người học phải thực hiện ở phần này là việc hình
thành những tổ nhóm để luyện tập. Việc hình thành các tổ nhóm phải tính toán sao
cho hợp lí: cân đối giữa nam, nữ, đặc biệt là khả năng, năng khiếu để người học có
thể giúp đỡ nhau tiếp thu bài nhanh nhất. Đội hình để luyện tập chủ yếu là hàng ngang
để bản thân các em có một cự li hợp lí trong khi thực hiện động tác.
Phương pháp một người thực hiện, người khác kiểm tra, đánh giá, uốn nắn sẽ
giúp các em một lần nữa tự điều chỉnh động tác tưu thế nhanh nhẹn, chính xác.
Sau thời gian luyện tập theo nhóm thì tổ chức thao diễn. Mục đích của thao
diễn là giúp các em khẳng định kết quả của mình, tự vươn lên để đạt kết quả cao
nhất trong học tập.
Cách thức tổ chức thao diễn bao gồm: Tập hợp chi đội theo hình chữ U, theo nội
dung của buổi học mà các phân đội tự trình bày trước và các phân đội khác.
Để phát huy vai trò và sáng kiến của các em, sau khi các đơn vị đã trình bày
xong, người hướng dẫn nên gợi ý hoặc chỉ định ý kiến nhận xét đánh giá của đơn
vị này với đơn vị khác.
Những nhận xét đánh giá của người hướng dẫn sẽ được bổ sung, điều chỉnh
trong thời gian tiếp theo, đó là: tiếp tục luyện tập thao nhóm, tổ chức ôn tập, củng
cố, nâng cao hoàn thiện nội dung.
Việc tổ chức kiểm tra, đánh giá cá nhân và tập thể là công việc cuối cùng
trong quy trình giảng dạy, hướng dẫn những yêu cầu đối với đội viên. Để kiểm tra
đánh giá một cách chính xác không nên cùng một lúc gọi quá nhiều người và cũng
không phải nhất thiết thực hiện các yêu cầu như: hát Quốc ca, Đội ca … mà thông qua
hệ thống các câu hỏi được chuẩn bị từ trước được ghi trong phiếu hỏi.
Kiểm tra đánh giá xong người hướng dẫn cần một thời gian để nhận xét cụ
thể hơn đối với từng cá nhân. Cần có hình thức động viên, biểu dương các cá nhân
và tập thể đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng cần nhắc nhở, góp ý cho các cá nhân
và tập thể đạt kết quả chưa cao, thái độ luyện tập chưa tốt.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
Các bước hướng dẫn các yêu cầu đội viên
- Bước 1: ổn định tổ chức.
+ Tập trung theo nghi thức Đội, báo cáo sĩ số: người chỉ huy tập trung toàn
thể chi đội hàng ngang, chỉnh đốn đội ngũ theo Nghi thức Đội và điểm số báo cao
theo hình thức điểm số các phân đội. Đây là nhiệm vụ quan trọng của người chỉ
huy khi bắt đầu hướng dẫn các yêu cầu đối với đội viên. Việc tập trung và ổn định
phải nhanh chóng, chuẩn xác theo Nghi thức Đội. Nếu ngay bước đầu tiên mà
người chỉ huy thực hiện không tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng luyện tập của các
bạn đội viên trong quá trình luyện tập.
+ Phổ biến nội dung buổi tập: Sau khi ổn định xong, chỉ huy phải phổ biến
những nội dung, các bước tiến hành và thời gian luyện tập các yêu cầu đối với đội
viên trong buổi luyện tập.
- Bước 2: Phân tích làm mẫu.
+ Phân tích ý nghĩa và cách thực hiện động tác: Người hướng dẫn giới thiệu
ý nghĩa của động tác cần luyện tập một cách ngắn gọn. Sau đó phân tích cách thực
hiện động tác, có thể vừa phân tích vừa thực hiện động tác hoặc phân tích xong thì
người hướng dẫn thực hiện mẫu để đội viên quan sát. Nhưng nếu vừa phân tích
vừa thực hành thì sau đó người hướng dẫn cũng cần thực hiện lại động tác cho thật
chuẩn để học sinh quan sát.
+ Làm mẫu động tác: Người hướng dẫn thực hiện động tác 1 đến 2 lần cho
học sinh quan sát. Sau đó, có thể hỏi về những chỗ thực hiện khó của động tác cho
học sinh trả lời sau khi đã quan sát mẫu.
- Bước 3: Thực hành tập trung.
+ Chỉ huy hô khẩu lệnh, đội viên thực hiện: Người hướng dẫn yêu cầu chỉ
huy hô khẩu lệnh cho toàn thể chi đội thực hiện.
+ Quan sát, sửa sai: Người hướng dẫn quan sát quá trình thực hiện của cả chi
đội để sửa sai cho đội viên thực hiện còn sai. Nều quá trình này còn thực hiện sai
nhiều, người hướng dẫn có thể phân tích lại động tác ngắn gọn hơn. Rồi tiếp tục cho
thực hiện lại động tác đến lúc nào cho đại đa số đội viên thực hiện chuẩn.
- Bước 4: Chia nhóm luyện tập
+ Chia nhóm theo phân đội (trở thành 1 chi đội nhỏ): Người hướng dẫn chia
nhóm và giao trách nhiệm cho nhóm trưởng và trách nhiệm của đội viên trong quá trình
thực hành nhóm. Trước khi chia nhóm, người hướng dẫn phổ biến tiến trình thực hiện,
cách thức thực hiện và nội dung thực hiện của các nhóm.
+ Luyện tập các yêu cầu (chỉ huy hô, đội viên thực hiện): Các nhóm trưởng
có trách nhiệm tổ chức luyện tập nhóm và chỉnh sửa cho các bạn thực hiện sai.
+ Thay phiên nhau làm chỉ huy: Các nhóm thực hiện quy trình theo yêu cầu
của nhóm trưởng. Nếu còn thời gian tiếp tục they phiên nhau làm chỉ huy điều
khiển thực hành của nhóm mình.
+ Quan sát, nhắc nhở, sửa sai: Người hướng dẫn phải quan sát tất cả các
nhóm quá trình luyện tập để trực tiếp nhắc nhở kịp thời.
- Bước 5: Kiểm tra, đánh giá
+ Các nhóm thao diễn các động tác: Người hướng dẫn yêu cầu chỉ huy chi
đội, tập trung chi đội. Tổ chức cho các nhóm thao diễn nội dung vừa luyện tập. Tổ
chức bốc thăm thao diễn của các nhóm tạo sự công bằng trong luyện tập.
+ Nhắc nhở, rút kinh nghiệm: Trong quá trình các nhóm thao diễn, người
hướng dẫn quan sát, ghi lại tất cả những lỗi sai, những mặt được và chưa được của
các nhóm thực hiện. Sau đó, nhắc nhở, rút kinh nghiệm cho từng nhóm.
- Bước 6: Tổng kết, dặn dò
+ Nhận xét ý thức, thái độ luyện tập: Người hướng dẫn nhắc nhở, nhận xét,
rút kinh nghiệm về cả buổi tập.
+ Nhắc nhở luyện tập thường xuyên: Giao nhiệm vụ cho đội viên về luyện
tập nội dung vừa được học và luyện tập thường xuyên.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3
Phương pháp hướng dẫn đội hình, đội ngũ
- Bước 1: ổn định tổ chức.
+ Tập trung theo Nghi thức Đội, báo cáo sĩ số: người chỉ huy tập trung toàn
thể chi đội hàng ngang, chỉnh đốn đội ngũ theo Nghi thức Đội và điểm số báo cao
theo hình thức điểm số các phân đội. Đây là nhiệm vụ quan trọng của người chỉ
huy khi bắt đầu hướng dẫn đội hình, đội ngũ. Việc tập trung và ổn định phải nhanh
chóng, chuẩn xác theo Nghi thức Đội. Nếu ngay bước đầu tiên mà người chỉ huy
thực hiện không tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng luyện tập của các bạn đội viên
trong quá trình luyện tập.
+ Phổ biến nội dung buổi tập: Sau khi ổn định xong, chỉ huy phải phổ biến
những nội dung, các bước tiến hành và thời gian luyện tập các yêu cầu đối với đội
viên trong buổi luyện tập.
- Bước 2: Phân tích làm mẫu
+ Phân tích ý nghĩa và cách thực hiện động tác: Người hướng dẫn giới thiệu
ý nghĩa của đội hình cần luyện tập một cách ngắn gọn. Sau đó phân tích cách thực
hiện.
+ Cách tập hợp hàng dọc phân đội, chỉnh đốn đội ngũ: Ngoài việc phân tích
thì người hướng dẫn phải hướng dẫn được cách tập hợp và chỉnh đốn đội ngũ đội
hình hàng dọc phân đội. Phải hướng dẫn đi cùng với thực hiện luôn để đội viên dễ
nhận biết. Đay cũng là việc đầu tiên cần phải làm đối với tất cả các loại đội hình.
+ Cách chạy đội hình: Người hướng dẫn, giới thiệu cách chạy đội hình và có
thể thực hiện mẫu bằng cách chạy đội hình phân đội 1 làm mẫu cho cả chi đội quan
sát.
+ Cách chỉnh đốn đội ngũ: Hướng dẫn cách chỉnh đốn đội ngũ, hướng dẫn
phân đội 1 sau đó hướng dẫn các phân đội trưởng.
+ Chọn một nhóm làm mẫu: Có thể chọn 1 nhóm (từ 10 người trở lên) làm
mẫu lại tiến trình tập hộp và chỉnh đốn đội ngũ đội hình đó cho cả chi đội cùng
quan sát lại. Nhóm làm mẫu vừa thực hiện, người hưỡng dẫn có thể phân tích thêm
cho đội viên hiểu.
- Bước 3: Thực hành tập trung
+ Hướng dẫn các phân đội trưởng: Sau khi hướng dẫn, phân tích cụ thể và có
sự quan sát trực tiếp. Người hướng dẫn tổ chức thực hành cả chi đội và có thể
hướng dẫn thêm cho những vị trí chưa tốt.
+ Hướng dẫn chỉ huy: Phải hướng dẫn chỉ huy thực hiện từ việ phát lệnh tập
hợp đến việc quan sát, vị trí đứng cho tốt.
+ Quan sát, sửa sai: Cả chi đội thực hành, người hướng dẫn có trách nhiệm quan
sát tổng thể và nhắc nhờ kịp thời những chỗ sai hay cả ý thức trong luyện tập.
+ Chia nhóm theo phân đội (trở thành 1 chi đội nhỏ): Người hướng dẫn chia
nhóm và giao trách nhiệm cho nhóm trưởng và trách nhiệm của đội viên trong quá trình
thực hành nhóm. Trước khi chia nhóm, người hướng dẫn phổ biến tiến trình thực hiện,
cách thức thực hiện và nội dung thực hiện của các nhóm.
+ Luyện tập các yêu cầu (chỉ huy hô, đội viên thực hiện): Các nhóm trưởng
có trách nhiệm tổ chức luyện tập nhóm và chỉnh sửa cho các bạn sai.
+ Thay phiên nhau làm chỉ huy: Các nhóm thực hiện quy trình theo yêu cầu
của nhóm trưởng. Nếu còn thời gian tiếp tục they phiên nhau làm chỉ huy điều
khiển thực hành của nhóm mình.
+ Quan sát, nhắc nhở, sửa sai: Người hướng dẫn phải quan sát tất cả các
nhóm quá trình luyện tập để trực tiếp nhắc nhở kịp thời.
- Bước 5: Kiểm tra, đánh giá
+ Các nhóm thao diễn các động tác: Người ghướng dẫn yêu cầu chỉ huy chi
đội, tập trung chi đội. Tổ chức cho các nhóm thao diễn nội dung vừa luyện tập. Tổ
chức bốc thắm thao diễn của các nhóm tạo sự công bằng trong luyện tập.
+ Nhắc nhở, rút kinh nghiệm: Trong quá trình các nhóm thao diễn, người
hướng dẫn quan sát, ghi lại tất cả những lỗi sai, những mặt được và chưa được của
các nhóm thực hiện. Sau đó, nhắc nhở, rút kinh nghiệm cho từng nhóm.
- Bước 6: Tổng kết, dặn dò
+ Nhận xét ý thức, thái độ luyện tập: Người hướng dẫn nhắc nhở, nhận xét,
rút kinh nghiệm về cả buổi tập.
+ Nhắc nhở luyện tập thường xuyên: Giao nhiệm vụ cho đội viên về luyện
tập nội dung vừa được học và luyện tập thường xuyên.
v. Đánh giá sau khi học xong tiểu mô đun
* Các câu hỏi và bài tập đánh giá

Câu hỏi 1: Em hãy ghép các yêu cầu đội viên ở cột A với ý nghĩa của các yêu cầu
đội viên ở cột B cho phù hợp.
A B
a> Chào kiểu đội viên Đội 1> Là hình thức giao nhiệm vụ giữa phụ trách
TNTP với đội viên
b> Đánh trống 2> Biết những bài trống quy định (chào cờ,
c> Hát Quốc ca, Đội ca và hành tiến, chào mừng)
một số bài hát truyền thống 3> Dùng để di chuyển đội hình
của Đội 4> Dùng cánh tay phải, 5 ngón tay khép kín
d> Cầm cờ, giương cơ, vác thể hiện sự đoàn kết, đưa tay lên thùy trái
cờ và kéo cờ phải thể hiện đặt lí tưởng của đội lên hành
e> Các động tác cá nhân tại đầu
chỗ 5> Bao gồm các động tác: Nghiêm, nghỉ,
f> Tháo, thắt khăn quàng đỏ quay phải, trái, quay đằng sau, dậm chân tại
g> Hô, đáp khẩu hiệu Đội chỗ, chạy tại chỗ
h> Các động tác di động 6> Sử dụng với các đội cờ trong khi thực hiện
nghi thức Đội
7> Bài hát: Tiến quân ca - Văn Cao; Cùng
nhau ta đi lên - Phong Nhã
8> Dải khăn trái ngắn hơn dải khăn bên phải
Câu hỏi 2: Khi thực hiện động tác quay đằng sau, đội viên cần thực hiện như thế

nào? (Đánh dấu x vào ô  trước phương án em cho là đúng).

 1. Khi dứt khẩu lệnh, rút chân phải về đằng sau một bàn chân. Sau đó dùng
2 gót quay sang phải rồi rút chân phải về tư thế nghiêm
 2. Khi dứt khẩu lệnh, dùng gót chân phải làm trụ và mũi chân trái làm
điểm đỡ quay sang phải một góc 1800 rồi đưa chân trái về tư thế nghiêm
 3. Khi dứt khẩu lệnh, dùng gót chân trái làm trụ và mũi chân phải làm
điểm đỡ quay sang phai một góc 1800 rồi đưa chân phải về tư thế nghiêm
 4. Khi dự lệnh “Đằng sau” được thực hiện thì rút chân phải về đằng sau.
Sau đó động lệnh “Quay” được thực hiện thì quay sang phải một góc 180 0 rồi rút
chân phải về tư thế nghiêm
Câu hỏi 3: Khi thực hiện động tác thắt khăn quàng đỏ, em cần thao tác theo trình

tự như thế nào? (Đánh dấu x vào ô  trước phương án em cho là đúng).

 1. So 2 đầu khăn bằng nhau.


 2. Đặt khăn vào cổ áo.
 3. Lấy đuôi khăn bên trái vòng từ trái sang phải và buộc tiếp thành nút với
dải khăn bên phải.
 4. Mở cho 2 dải khăn xoè ra, chỉnh đỉnh khăn nằm giữa sống lưng.
 5. Đặt dải khăn bên trái lên dải khăn bên phải.
 6. Thắt nút khăn, sửa vuông vắn.
 7. Gấp xếp đổi chiều cạnh đáy khăn lại để phần chiều cao khăn còn khoảng
15cm.
 8. Dựng cổ áo lên.
 9. Bẻ cổ áo xuống.
 10. Vòng đuôi khăn bên trái vào trong, đưa lên trên và kéo ra ngoài.
Câu hỏi 4: Động tác chào kiểu đội viên TNTP được thực hiện như thế nào là

đúng? (Đánh dấu x vào ô  trước phương án em cho là đúng).

 1. Đội viên đứng ở tư thế nghiêm, mắt hướng về phía chào, chào bằng tay
phải, các ngón tay khép kín giơ lên đỉnh đầu cách thuỳ trán khoảng 5cm, bàn tay
thẳng với cánh tay dưới, khuỷu tay chếch ra phía trước. Tay giơ lên đầu biểu hiện
đội viên luôn luôn đặt lợi ích của Tổ quốc và của tập thể Đội lên trên, 5 ngón tay
khép kín tượng trưng cho ý thức đoàn kết của đội viên để xây dựng Đội vững
mạnh.
 2. Đội viên đứng ở tư thế nghiêm, mắt hướng về phía chào, chào bằng tay
phải, 4 ngón tay khép kín riêng ngón tay trái mở giơ lên đỉnh đầu cách thuỳ trán
khoảng 5cm, bàn tay thẳng với cánh tay dưới, khuỷu tay chếch ra phía trước. Tay
giơ lên đầu biểu hiện đội viên luôn luôn đặt lợi ích của Tổ quốc và của tập thể Đội
lên trên, ngón tay khép kín tượng trưng cho ý thức đoàn kết của đội viên để xây
dựng Đội vững mạnh.
 3. Đội viên đứng ở tư thế nghiêm, mắt hướng về phía chào, chào bằng tay
phải, các ngón tay khép kín giơ lên đỉnh đầu cách thuỳ trán phải khoảng 5cm, bàn
tay thẳng với cánh tay dưới, khuỷu tay chếch ra phía trước. Tay giơ lên đầu biểu
hiện đội viên luôn luôn đặt lợi ích của Tổ quốc và của tập thể Đội lên trên, 5 ngón
tay khép kín tượng trung cho ý thức đoàn kết của đội viên để xây dựng Đội vững
mạnh.
 4. Đội viên đứng ở tư thế nghiêm, chào bằng tay phải, các ngón tay khép
kín giơ lên đỉnh đầu cách thuỳ trán phải khoảng 5cm, khuỷu tay chếch ra phía
trước. Tay giơ lên đầu biểu hiện đội viên luôn luôn đặt lợi ích của Tổ quốc và của
tập thể Đội lên trên, 5 ngón tay khép kín tượng trung cho ý thức đoàn kết của đội
viên để xây dựng Đội vững mạnh.
Câu hỏi 5: Cách tập hợp chi đội hình hành dọc chi đội được thực hiện như thế nào

là đúng trong Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh? (Đánh dấu x vào ô  trước
phương án em cho là đúng).
 1. Khi các phân đội đã tập trung xong, người chỉ huy phát lệnh tập hợp:
“Chi đội tập hợp!” Toàn thể đội viên chạy tại chỗ. Sau đó phân đội trưởng phân
đội 1 xác định điểm rót của phân đội chạy vào vị trí phía sau chi đội trưởng giơ tay
trái trạm nhẹ vào vai chi đội trưởng báo hiệu đơn vị chuẩn đã vào vị trí. Chi đội
trưởng bước lên vị trí điều khiển. Phân đội 2 và phân đội 3 xác định điểm rót vào
vị trí cùng một lúc đứng bên trái phân đội 1.
 2. Khi các phân đội đã tập trung xong, người chỉ huy phát lệnh tập hợp:
“Chi đội tập hợp!” Toàn thể đội viên chạy tại chỗ. Sau đó phân đội trưởng phân
đội 1 xác định điểm rót của phân đội chạy vào vị trí phía sau chi đội trưởng giơ tay
trái trạm nhẹ vào vai chi đội trưởng báo hiệu đơn vị chuẩn đã vào vị trí. Chi đội
trưởng bước lên vị trí điều khiển. Phân đội 2 xác định điểm rót vào vị trí đứng bên
trái phân đội 1, phân đội 3 cũng như vậy. Khi vào đến vị trí là đứng về tư thế
nghiêm.
 3. Khi có khẩu lệnh tập hợp: “Chi đội tập hợp!” Toàn thể đội viên chạy tại
chỗ. Sau đó phân đội trưởng phân đội 1 xác định điểm rót của phân đội chạy vào vị
trí phía sau chi đội trưởng giơ tay trái trạm nhẹ vào vai chi đội trưởng báo hiệu đơn
vị chuẩn đã vào vị trí. Chi đội trưởng bước lên vị trí điều khiển. Phân đội 2 xác
định điểm rót vào vị trí đứng bên trái phân đội 1, phân đội 3 cũng như vậy. Khi vào
đến vị trí là đứng về tư thế nghiêm.
 4. Khi các phân đội đã tập trung xong, người chỉ huy phát lệnh tập hợp:
“Chi đội tập hợp!” Toàn thể đội viên chạy tại chỗ. Sau đó phân đội trưởng phân
đội 1 xác định điểm rót của phân đội chạy vào vị trí phía sau chi đội trưởng giơ tay
trái trạm nhẹ vào vai chi đội trưởng báo hiệu đơn vị chuẩn đã vào vị trí các đội
viên giơ tay chỉnh đốn cự li. Chi đội trưởng bước lên vị trí điều khiển. Phân đội 2
xác định điểm rót vào vị trí đứng bên trái phân đội 1, phân đội 3 cũng như vậy. Khi
vào đến vị trí là đứng về tư thế nghiêm.
Câu hỏi 6: Khi chỉnh đốn cự hẹp ở đội hình chữ U cần phải thực hiện như thế nào?

(Đánh dấu x vào ô  trước phương án em cho là đúng).

 1. Khi dứt khẩu lệnh: “Cự li hẹp nhìn chuẩn thẳng!” Toàn thể đội viên dùng
cánh tay trái chống lên phần thắt lưng khoảng cách một cùi khuỷ tay so với người
đứng bên trái mình. Phân đội phó phân đội 1 giơ tay trái sang ngang lòng bàn tay úp,
phân đội phó phân đội 2 giờ tay trái lên phía trước lòng bàn tay nghiêng.
 2. Khi dứt khẩu lệnh: “Cự li hẹp nhìn chuẩn thẳng!” Đội viên phân đội 1
và 2 dùng cánh tay trái chống lên phần thắt lưng khoảng cách một cùi khuỷ tay so
với người đứng bên trái mình đội viên phân đội 3 đánh mắt gióng hàng theo phân
đội 1. Phân đội phó phân đội 1 giơ tay trái sang ngang lòng bàn tay úp, phân đội
phó phân đội 2 giờ tay trái lên phía trước lòng bàn tay nghiêng.
 3. Khi dứt khẩu lệnh: “Cự li hẹp nhìn chuẩn thẳng!” Toàn thể đội viên
dùng cánh tay trái chống lên phần thắt lưng khoảng cách một cùi khuỷ tay so với
người đứng bên trái mình.
 4. Khi dứt khẩu lệnh: “Cự li hẹp nhìn chuẩn thẳng!” Toàn thể đội viên
dùng cánh tay trái chống lên phần thắt lưng khoảng cách một cùi khuỷ tay so với
người đứng bên trái mình. Phân đội trưởng phân đội 1 giơ cánh tay phải lên trên
làm chuẩn cao nhất trong đội hình. Phân đội phó phân đội 1 giơ tay trái sang ngang
lòng bàn tay úp, phân đội phó phân đội 2 giờ tay trái lên phía trước lòng bàn tay
nghiêng.
Câu hỏi 7: Em hãy chọn những khẩu lệnh chuẩn khi chỉnh đốn đội ngũ ở đội hình chi

đội hàng dọc, hàng ngang và chữ U? (Đánh dấu x vào ô  trước phương án em cho
là đúng).
 1. Nhìn trước thẳng! Cự li hẹp nhìn chuẩn thẳng! Cự li hẹp chỉnh đốn đội
ngũ! Cự li rộng nhìn chuẩn thẳng!
 2. Cự li rộng nhìn chuẩn thẳng! Cự li hẹp nhìn chuẩn thẳng! Cự li hẹp
chỉnh đốn đội ngũ!
 3. Nhìn trước thẳng! Cự li rộng chỉnh đốn đội ngũ! Cự li hẹp nhìn chuẩn thẳng!
 4. Cự li rộng nhìn chuẩn thẳng! Cự li hẹp nhìn chuẩn thẳng!
Câu hỏi 8: Em hãy đánh dấu từ 1 đến 5 để thấy được diễn biến lễ diễu hành?

(Đánh dấu x vào ô  trước phương án em cho là đúng).

 1. Chỉ huy hô khẩu lệnh: “Lễ diễu hành bắt đầu!” Trống hành tiến, tất cả
các đơn vị dậm chân tại chỗ.
 2. Các đơn vị đã vào đúng vị trí tập kết người chỉ huy hô: “Đứng lại
đứng!” (trống dừng, toàn thể các đơn vị đứng lại)
 3. Tập trung các đơn vị tham gia diễu hành vào vị trí tập kết.
 4. Lần lượt theo vị trí bố trí trước các đợn vi đi qua khán đài rồi về vị trí tập kết
tại sân chính. (khi đi qua vạch “Chào cờ” cờ giương lên, đội viên giơ tay chào. Khi đi
qua vạch “Thôi chào cờ” chuyển về tư thế vác, đội viên thôi không chào)
 5. Chỉ huy báo cáo với đại biểu, xin phép đại biểu cho lễ diễu hành được bắt
đầu.
Câu hỏi 9: Em hãy lựa chọn diễn biến công việc ở cột B sao cho phù hợp với từng
nội dung hoạt động ở cột A.
A B
a. Tập trung toàn chi 1. Bầu đoàn chủ tịch (từ 3-5 bạn)
đội. 2. Trống chào cờ
b. Đón đại biểu. 3. Đọc đề án xây dựng BCH chi đội
c. Chào cờ 4. Bầu ban kiểm phiếu
d. Tuyên bố lí do, giới 5. Giới thiệu tiêu chuẩn BCH chi đội mới
thiệu đại biểu. 6. Kiểm tra sĩ số
e. Bầu đoàn chủ tịch 7. Công bố chương trình làm việc của Đại hội
và thư kí 8. Đội viên phát biểu ý kiến trên các mặt cộng tác
f. Dự thảo báo cáo và của chi đội
phương hướng của chi 9. Công bố thể lệ bầu cử
đội 10. Dẫn chương trình đọc lời tuyên bố lí do và giới
g. Thảo luận thiệu các đại biểu tham dự
h. Bầu cử 11. Biểu quyết thống nhất các chỉ tiêu phấn đấu
i. Đại biểu phát biểu 12. Bầu thư kí (từ 1-2 bạn)
j. Công bố biên bản 13. Đọc bản dự thảo báo cáo của chi đội
hoặc nghị quyết Đại 14. Phát phiếu và bỏ phiếu
hội chi đội 15. Biểu quyết số lượng BCH chi đội
k. Kết thúc 16. Mời đại biểu phát biểu ý kiến và giao nhiệm vụ
cho BCH chi đội mới
17. Hát tập thể một bài hát
18. ứng cử và đề cử
19. Bản kiểm điểm của BCH chi đội nhiệm kí trước
20. Kiểm tra công tác chuẩn bị cho Đại hội
21. Thư kí đọc biên bản hoặc dự thảo nghi quyết
Đại hội
22. BCH chi đội tuyên bố hết nhiệm kì
23. Ban kiểm phiếu công bố kết quả bầu cử
24. Đọc bản dự thảo phương hướng của chi đội
25. Hát Quốc ca, Đội ca, hô đáp khẩu hiệu Đội
26. Trống chào cờ, hát Quốc ca, Đội ca, Hô đáp
khẩu hiệu Đội
27. Chốt danh sách bầu cử
28. BCH chi đội mới ra mắt, nhận nhiệm vụ
29. Đoàn chủ tịch và thư ký lên bàn làm việc
Câu hỏi 10: Trong chi đội của em có 1 bạn khi thực hiện động tác dậm chân tại
chỗ luôn cùng chân cùng tay. Là chỉ huy chi đội em sẽ sửa cho bạn đó như thế

nào? (Đánh dấu x vào ô  trước phương án em cho là đúng).

 1. Mỗi giờ ra chơi em gọi bạn đó ra một góc lớp đề nghị bạn đó tập cho
đến khi nào thực hiện đúng thì thôi.
 2. Đề nghị bạn đó phải tập động tác đó trước toàn thể chi đội cho đến khi
nào thực hiện được mới thôi.
 3. Đề nghị bạn đó về nhà luyện tập, để ngày hôm sau BCH chi đội kiểm tra.
 4. Trong các buổi tập nghi thức của chi đội, Em mời bạn đó lên để sửa: Em
hô khẩu lệnh cho bạn thực hiện từng động tác: động tác tay trước, sau đó đến động
tác chân và cuối cùng phối hợp động tác tay và động tác chân. Cứ như vậy cho đến
khi bạn đó thực hiện được.
Câu hỏi 11: Phần bầu cử tại Đại hội chi đội của em diễn ra rất sôi nổi. Nhưng
trong khi giới thiệu danh sách bầu cử thì lại không có tên các bạn mà BCH chi đội
dự kiến vào BCH chi đội khóa mới. Là chỉ huy Đội trong đoàn chủ tịch em sẽ xử lí

như thế nào? (Đánh dấu x vào ô  trước phương án em cho là đúng).

 1. Đề nghị Đại hội dừng lại để đoàn chủ tịch hội ý, xin ý kiến của Giáo
viên chủ nhiệm - Phụ trách chi để giải quyết.
 2. Đứng dậy giới thiệu các bạn dự kiến vào BCH chi đội khóa mới.
 3. Đứng dậy đề nghị các bạn giới thiệu theo danh sách gợi ý của đoàn chủ tịch.
 4. Đề nghị đại hội tiến lại phần bầu cử từ đầu
* Thông tin phản hồi của đánh giá
Đáp án câu 1
a – 4 ; b – 2 ; c – 7 ; d – 6 ; e – 5 ; f – 8 ; g – 1 ; h – 3
Đáp án câu 2
Phương án 2
Đáp án câu 3
Khi thực hiện động tác thắt khăn quàng đỏ, cần theo tác theo trình tự đúng là : 7 –
2 – 8 – 1 – 5 – 10 – 3 – 6 – 4 - 9.
Đáp án câu 4
Phương án 3.
Đáp án câu 5
Phương án 2.
Đáp án câu 6
Phương án 1.
Đáp án câu 7
Khẩu lệnh chuẩn khi chỉnh đốn đội ngũ ở đội hình chi đội hàng dọc, hàng
ngang, chữ U là phương án 4.
Đáp án câu 8
Thứ tự đúng là : 3 – 5 – 1 – 4 – 2.

Đáp án câu 9
a – 6, 20; b – 17; c – 2, 25; d – 10; e – 1, 12, 29, 7; f – 13, 24; g – 8; h – 19,
23, 3, 15, 5, 18, 27, 22, 3, 15, 5, 18, 27, 4, 9, 14, 23, 28; i – 21, 11; k – 26.
Đáp án câu 10
Phương án 4 là đúng.
Đáp án câu 11
Phương án 2 là đúng.
tiểu mô đun 2: hướng dẫn trò chơi triếu nhi
(6 tiết)

i. Mục tiêu 
Kết thúc tiểu mô đun 2, học sinh có khả năng:
1. Kiến thức
- Trình bày được mục đích, yêu cầu của việc tổ chức trò chơi thiếu nhi;
- Xác định được các bước tiến hành trò chơi thiếu nhi;
- Trình bày được kĩ năng của quản trò trong tổ chức trò chơi thiếu nhi;
- Nêu được các dấu đường, các loại mật thư trong tổ chức trò chơi lớn;
- Xác định được quy mô tổ chức trò chơi lớn.
2. Kĩ năng
- Biết thiết kế trò chơi thiếu nhi;
- Điều hành được việc tổ chức trò chơi thiếu nhi theo quy định;
- Thực hành được cách ghi các dấu đường, cách dịch các loại mật thư;
- Thực hành được việc tổ chức trò chơi lớn cho thiếu nhi.
3. Thái độ
- Có ý thức tự giác học tập, yêu thích công tác Đội.
ii. Giới thiệu tiểu mô đun 2
Tiểu mô đun 2 bao gồm 2 chủ đề cơ bản, thực hiện trong 8 tiết, cụ thể như sau:
stt tên chủ đề số tiết trang số
1 Hướng dẫn trò chơi thiếu nhi 2 tiết 285
2 Trò chơi lớn 4 tiết 302
Cộng 6 tiết

iii. Điều kiện cần thiết để thực hiện tiểu mô đun 2


1. Điều kiện
- Học sinh phải học xong mô đun 1 và tiểu mô đun 1 của mô đun 2 trong giáo
trình.
2. Tài liệu học tập
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phương pháp dạy bộ học công tác Đội TNTP Hồ
Chí Minh, Nxb Giáo dục, 2004.
2. Hội đồng Đội Trung ương, Người phụ trách thiếu nhi cần biết, Nxb Thanh
niên, 1997.
3. Trường Cán bộ Đội Hà Nội, Hành trang người phụ trách thiếu nhi, Nxb
Hà Nội, 1997.
4. Trường Cán bộ Đội Hà Nội, Hành trang chi đội trưởng, Nxb Hà Nội,
1999.
5. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Giáo trình công tác Đội TNTP và nhi đồng.
6. Bùi Sỹ Tụng (chủ biên) - đồng tác giả: Phạm Đình Nghiệp - Phan Nguyên
Thái, Cẩm nang người phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh, Nxb Giáo dục, 2001.
3. Thiết bị, đồ dùng dạy học
- Máy projector, giấy troki, bút viết bảng, băng dính, kéo, giấy mầu.
iv. nội dung

chủ đề 1: hướng dẫn trò chơi thiếu nhi (2 tiết)


1. Hoạt động
Hoạt động 1: Xác định khái niệm, mục đích yêu cầu và phân loại trò chơi (15
phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 1: [4; tr 124 - 134]
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Xác định khái niệm trò chơi thiếu nhi (5 phút)
Hỏi: Trò chơi thiếu nhi có những đặc điểm gì?
+ Tập hợp các ý kiến. Nhận xét, hướng dẫn học sinh kết hợp các yếu tố để
nêu được khái niệm về trò chơi.
- Nhiệm vụ 2: Xác định mục đích yêu cầu của trò chơi thiếu nhi (5 phút)
Hỏi: Trò chơi có những tác dụng gì?
+ Tập hợp các ý kiến. Giới thiệu các mục đích ý nghĩa của trò chơi thiếu nhi.
- Nhiệm vụ 3: Tìm hiểu cách phân loại trò chơi (5 phút)
+ Giới thiệu cách phân loại trò chơi thiếu nhi.
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi 1: Em hãy trình bày khái niệm trò chơi thiếu nhi.
- Câu hỏi 2: Trò chơi giúp gì cho đội viên, thiếu niên và tập thể Đội?
- Câu hỏi 3: Em hãy kể các cách phân loại trò chơi thiếu nhi.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 287 - 290 của giáo trình.
Hoạt động 2: Xây dựng các bước tiến hành tổ chức trò chơi (15 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 2: [4; tr 124 - 134]
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Tổ chức trò chơi mẫu để xây dựng các bước tổ chức trò chơi (8 phút)
+ Giáo viên tổ chức 1 trò chơi tĩnh theo thứ tự các bước tổ chức trò chơi.
Học sinh quan sát, tham gia chơi trò chơi để rút ra các bước tổ chức trò chơi thiếu
nhi.
- Nhiệm vụ 2: Tổ chức trò chơi dán chữ tìm các bước tổ chức trò chơi (7
phút)
+ Chia chi đội thành 3 nhóm. Tổ chức trò chơi tiếp sức dán chữ. Mỗi đội có
một bộ chữ đủ để dán thành các bước tổ chức trò chơi.
+ Tổng kết, đánh giá và phân tích các bước tổ chức trò chơi thiếu nhi.
* Đánh giá hoạt động 2
- Câu hỏi 1: Em hãy trình bày các bước tổ chức trò chơi thiếu nhi.
- Câu hỏi 2: Theo em trong các bước tổ chức trò chơi thiếu nhi thì bước nào
là quan trọng nhất? Vì sao?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 290 - 292 của giáo trình.
Hoạt động 3: Hướng dẫn thực hành tổ chức trò chơi thiếu nhi (60 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 3: [4; tr 124 - 134]
* Nhiệm vụ của hoạt động 3
- Nhiệm vụ 1: Hướng dẫn mẫu trò chơi theo các bước (10 phút)
+ Giáo viên tổ chức 1 - 2 trò chơi thiếu nhi theo các bước tổ chức trò chơi
cho cả chi đội cùng tham gia chơi.
- Nhiệm vụ 2: Thực hành tổ chức trò chơi (30 phút)
+ Chia chi đội thành 3 nhóm. Các em tự tổ chức trò chơi trong nhóm.
+ Mỗi nhóm cử một đại diện lên tổ chức trò chơi cho cả chi đội chơi.
+ Đánh giá, nhận xét.
- Nhiệm vụ 3: Tập luyện nhóm tìm hiểu kĩ năng của người quản trò (20
phút)
Hỏi: Người quản trò phải có những tiêu chuẩn, điều kiện gì?
Hỏi: Trình bày những điều quản trò nên tránh?
+ Các nhóm tiếp tục tổ chức các trò chơi trong nhóm và trả lời 2 câu hỏi
trên. Cử đại diện tổ chức 1 trò chơi cho cả chi đội cùng tham gia và thuyết trình nội
dung.
+ Tập hợp, đánh giá và đưa ra những kiến thức cơ bản.
* Đánh giá hoạt động 3
- Câu hỏi 1: Theo em, người quản trò phải có những điều kiện, tiêu chuẩn gì?
- Câu hỏi 2: Những điều người quản trò nên tránh là gì?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3: Xem trang 292 - 302 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
1. Khái niệm trò chơi
Trò chơi thiếu nhi là một hình thức vui chơi giải trí, dùng các kĩ thuật, các
phương tiện (cử chỉ, hành động, ngôn ngữ...) để biểu đạt một sự vật hiện tượng,
việc làm, hoạt động... trong đời sống tự nhiên, xã hội nhằm thoả mãn nhu cầu vui
chơi giải trí của thiếu nhi, đồng thời thông qua đó để giáo dục các em một cách
toàn diện.
2. Mục đích, yêu cầu của việc tổ chức trò chơi cho thiếu nhi
2.1. Mục đích
Tổ chức hoạt động vui chơi cho thiếu nhi nhằm tập hợp một cách rộng rãi và
thu hút các em thiếu nhi vào các hoạt động có ích.
Tác dụng của trò chơi không chỉ rèn luyện cơ năng và trí năng mà còn hình
thành những phẩm chất tốt đẹp trong các em: tính trung thực, thật thà, sự lễ độ,
lòng dũng cảm, ý thức tổ chức kỉ luật, tinh thần tập thể...
Trò chơi còn là một nhu cầu sinh lí của các em nhằm điều hoà và cân bằng
nguồn năng lượng dư thừa trong quá trình trao đổi chất, đảm bảo sự hoạt động bình
thường trong cơ thể các em.
Mỗi một trò chơi có tác dụng chủ đạo nhưng nhìn chung, thông qua “Chơi” sẽ
tạo nên một bầu không khí mới cho tập thể các em: những tiếng hò reo, những khuôn
mặt rạng rỡ, những tiếng cười ròn tan. Tất cả sẽ làm các em gần gũi và đoàn kết hơn,
các em sẽ thêm hiểu biết về thiên nhiên, xã hội, con người.
“Chơi mà học, học mà chơi”, chơi để vận dụng củng cố những kiến thức đã
học ở nhà trường vào cuộc sống là cách tự giáo dục rất tốt với các em thiếu nhi.
2.2. Yêu cầu
Để góp phần giáo dục các em thiếu nhi trở thành con ngoan trò giỏi bạn tốt,
công dân tốt, đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh, các tổ chức: Đoàn, Hội, Đội mà trực
tiếp là các nhà sư phạm, các anh, chị phụ trách không nên chỉ dừng lại ở mức độ
giải trí đơn thuần mà luôn xem nó như một phương tiện giáo dục có tác dụng
nhanh nhất, dễ tiếp thu và hiệu quả nhất.
3. Phân loại trò chơi thiếu nhi
Do tính phong phú đa dạng của trò chơi, việc phân loại trò chơi cũng đa
dạng. ở mỗi nước, mỗi dân tộc, với những đặc điểm, điều kiện không giống nhau
nên các cách phân loại trò chơi dựa trên những tiêu chí khác nhau như: Đối tượng
tạo cảm giác, cầu may, theo quy mô, theo không gian, thời gian...Cách phân loại
trò chơi hiện nay được nhiều người đồng tình đó là:
3.1. Trò chơi tạo cảm giác
Trò chơi là hoạt động tự nguyện nhằm đáp ứng nhu cầu nào đó của con
người đặc biệt là tạo không khí, cảm giác trong các hoạt động tập thể, trong học
tập, trong giao tiếp... Loại trò chơi này tạo cho cá nhân, tập thể những không khí,
cảm giác mới lạ, sôi nổi hào hứng để bước vào một hoạt động mới, làm cho hoạt
động mới đạt hiệu quả cao hơn. Cũng có khi cá nhân, tập thể muốn tìm một cảm
giác mới lạ, mạnh mẽ, choáng ngợp, để thảo mãn tính tò mò, khám phá của con
người. Trong quá trình hoạt động Đội TNTP Hồ Chí Minh cũng như trong quá
trình dạy học, các anh chị phụ trách, các thầy cô giáo nên tổ chức loại trò chơi này
trước, trong và sau các hoạt động, như vậy chắc chắn hạot động sẽ hiệu quả, chất
lượng hơn. Loại trò chơi này được thực hiện qua các trò chơi có nội dung như:
Trượt dốc, trượt nước, leo núi, nhảy dù, đánh đu làm theo lệnh quản trò, bắt
chước...
3.2. Trò chơi mô phỏng
Loại trò chơi này nhằm tái hiện lại hoạt động lao động sản xuất, sinh hoạt
hàng ngày của con người hay sự vận hành của thiên nhiên, bắt chước hành động
của các con vật, cây cối, hoa lá, mưa nắng... Thông qua trò chơi này giúp các em
hiểu biết thêm cuộc sống của xã hội và tự nhiên để hỗ trợ cho những bài học trên
lớp và chuẩn bị cho cuộc sống sau này.
3.3. Trò chơi thi đấu
Là loại trò chơi diễn ra giữa hai người hay hai nhóm người mà kết quả bao
giờ cũng có người thắng kẻ thua. Loại trò chơi này luôn thu hút được nhiều người
tham gia bởi nó đáp ứng được cao nhất đặc điểm tâm lí của thiếu nhi là sự hiếu
động, hiếu thắng. Loại trò chơi này gắn liền với quyền lợi của trò chơi và cả người
cổ vũ cho nên rất sôi nổi khí thế hào hứng.
3.4. Trò chơi may mắn
Đây là loại trò chơi nhằm thoả mãn nhu cầu của cá nhân. Đặc điểm tâm lí của
thiếu nhi là thích khẳng định mình, thích được sự chú ý của mọi người thích được
thưởng, loại trò chơi này nhằm tăng thêm sức hấp dẫn, sôi nổi trong quá trình tổ chức
hoạt động Đội TNTP Hồ Chí Minh góp phần thu hút tập hợp được sự tham gia hoạt
động Đội và các hoạt động tập thể khác “Vui chơi có thưởng” luôn được thiếu nhi
tham gia một cách hào hứng, nhiệt tình.
3.5. Theo quy mô tổ chức
Loại trò chơi này thường gắn liền với một quy mô tổ chức của hoạt động nào
đó có thể lớn, nhỏ khác nhau, bao gồm:
- Trò chơi nhỏ
Là loại trò chơi được tổ chức với quy mô nhỏ để thực hiện với số lượng một
nhóm hay một tập thể nhỏ. Điều hành trò chơi do quản trò thực hiện.
- Trò chơi lớn
Là loại trò chơi với quy mô phạm vi lớn, địa bàn rộng, với đông đảo các
thành viên tham gia (có thể là tập hợp của nhiều trò chơi nhỏ hợp thành). Được tổ
chức, phân công chuẩn bị chu đáo chặt chẽ, có người điều hành, giám sát được gắn
với những nội dung hoạt động khác nhau.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
1. Các bước tiến hành tổ chức trò chơi thiếu nhi
1.1. Chuẩn bị
Bước 1: Chuẩn bị
- ổn định tổ chức, bố trí đội hình: tập trung các em tham gia chơi bố trí đội
hình cho hợp lí, xác định vị trí đứng và điều khiển của quản trò.
1.2. Hướng dẫn trò chơi
Bước 2: Hướng dẫn cách chơi
- Giới thiệu trò chơi: Quản trò phải giới thiệu trò chơi vừa hài hước vừa dí
dỏm, rõ ràng, ngắn gọn, dễ tiếp thu.
Bước 3: Hướng dẫn luật chơi
- Hướng dẫn tỉ mỉ những vấn đề người chơi cần phải tránh và không được vi
phạm trong quá trình tham gia trò chơi.
Bước 4: Chơi thử
- Tổ chức chơi thử, nhằm cho người chơi làm quen với trò chơi, thực hiện
những động tác khoá trong trò chơi. Chơi thử chỉ nhắc nhở về những vấn đề người
chơi mắc phải luật chơi. Không thưởng, không phạt trong chơi thử. Cần phải động
viên người chơi tham gia nhiệt tình hơn.
Bước 5: Chơi thật
- Tổ chức chơi chính thức của trò chơi. Tạo được không khi vui tươi, sôi nổi
trong trò chơi.
Bước 6: Thưởng và phạt
- Hình thức thưởng và phạt trong trò chơi cũng được thực hiện thành một trò
chơi nhỏ. Tránh căn thẳng, mà phải tạo thoải mái cho người bị phạt.
1.3. Kết thúc
- Nhắc nhở về tinh thần tham gia trò chơi, khả nằn tham gia chơi của người chơi.
2. Hướng dẫn thực hành trò chơi thiếu nhi
Trong một cuộc vui chơi tập thể thường có một người đóng vai trò vô cùng
quan trọng, quyết định đến sự thành bại , đó là người hướng dẫn chơi hay còn gọi
là quản trò. Bởi vì nội dung của trò chơi có thật hay, các em thiếu nhi tham gia có
nhiệt tình, nhưng nếu người quản trò không biết cách tổ chức và hướng dẫn sẽ làm
trò chơi kém hấp dẫn, tẻ nhạt và không đem lại hiệu quả. Yêu cầu của người quản
trò phải có những năng lực sau:
- Phải hiểu đối tượng và sử dụng trò chơi hợp lí với các em. phải quan sát
trạng thái tâm lí , tình cảm của các em, sự say mê, lòng nhiệt tình của từng em và
tập thể để sử dụng trò chơi cho phù hợp với mục đích mình định giáo dục.
- Tính cách của quản trò
+ Quản trò phải là người có tâm hồn cởi mở, luôn vui vể hoà nhã tạo nên sự
gần gũi.
+ Biết nói cái gì, nói lúc nào, tức là quản trò phải biết nói và làm đúng chỗ.
+ Quản trò là người năng động, có bản lĩnh vững vàng trong các trường hợp.
+ Quản trò là người có năng khiếu, kết kết hợp hài hoà giữa nói và thực hiện
động tác.
- “Ngân hàng” trò chơi của quản trò: là vốn kiến thức không bao giờ cạn
vừa sẵn như một năng khiếu đồng thời phải vừa biết học hỏi, tích luỹ luôn trong tư
thế sắp sẵn.
- Giọng nói và nét mặt của quản trò: Giọng điệu và âm lượng của quản trò
khi phát ra rất quan trọng. Giọng nói phải to chắc, dõng dạc có lúc phải thể hiện
sức mạnh làm dung động các em.
- Dáng điệu và cử chỉ của quản trò: Động tác mẫu chuẩn xác dễ làm, dễ bắt
chước, tạo dựng sự tập trung chú ý cho các em, không nên có động tác thừa, gò bó.
- Sức khoẻ sự nhanh nhẹn, tháo vát của quản trò: là yếu tố cần giúp quản trò
thực hiện tốt trò chơi.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3
Một số trò chơi thực hành
1. Bạn có tin vui
- Mục đích: Tạo không khí đoàn kết, thân ái, vui tươi, phấn khởi trong một
buổi sinh hoạt tập thể. Đồng thời, giáo dục ý thức tập trung tư tưởng, luyện trí nhớ
- Địa điểm: Trong nhà.
- Số người chơi: Một lớp học.
- Cách chơi: Quản trò cho các em học thuộc câu hát.
“Bạn có tin vui mà muốn tỏ ra cho chung quanh đây thấy là bạn vui”, thì bật
cái tay ( bật hai nhịp giữa ngón tay cái và ngoán tay giữa của bàn tay phải).
“Bạn có tin vui...” thì: bật đôi tay ( như trên nhưng cả hai tay)
“Bạn có tin vui....” thì: đập đôi tay ( vỗ hai tay hai nhịp, trước ngực)
“Bạn có tin vui....” thì: dậm đôi chân ( đập hai tay hai nhịp vào hai đùi)
“Bạn có tin vui....” thì: dậm đôi chân (dậm hai chân, hai nhịp xuống nền).
“Bạn có tin vui....” thì làm cả năm( bật tay phải hai nhịp, bật tay trái và tay
phải đồng thời hai nhịp, đập hai bàn tay hai nhịp ...dậm đôi chân hai nhịp).
“Bạn có tin vui....” thì: hay, hay, hay. Vừa hát, vừa kết hợp các động tác
trên nhiều lần để cuộc chơi tiếp tục.
2: Bé tập hát
Mục đích: Luyện cho các em hát đúng cao độ, trường độ, tiết tấu một bài hát
vui. Đồng thời rèn tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát.
- Địa điểm chơi: Trong nhà.
- Số người chơi: Một lớp học.
- Cách chơi: Dùng ngón cái và ngón trỏ của quản trò khép tạo thành các chữ
A, O, U, I, E rồi giới thiệu để các em nhận biết. Sau đó bắt nhịp một bài hát vui để
cả lớp cùng hát. Đến đoạn nào đó của bài hát, quản trò giơ tay và tạo thành hình
các chữ cái trên. mọi người phát âm đúng nhạc của bài hát theo hình các chữ cái
được tạo trên hai ngón tay của quản trò, nghe rất vui tai. Chuyển nhanh dần các
chữ cái đó hoặc dừng lại sẽ có nhiều em nhầm.
3. Thi hát
- Mục đích: Giúp em ôn luyện những bài hát đã biết và rèn luyện ý thức tập
trung tư tưởng.
- Địa điểm chơi: Trong nhà (ngoài trời, trên xe ôtô đều được)
- Số người chơi: 5 - 10 em một nhóm ( khoảng từ 2 -3 nhóm chơi)
- Cách chơi: Quản trò thống nhất với các nhóm chơi về thi những bài hát có
chữ cái đầu tiên là gì? Ví dụ: chữ A hay chữ B... để 3 -5 phút các nhóm chơi chuẩn
bị và cử nhóm hát trước, hát sau. Lệnh thi hát bắt đầu, nhóm bắt đầu tự bắt nhịp hát
đến mộit đoạn nào đó quản trò “ Stop” nhóm hai để nhóm ba bắt đầu.... tiếp tục
như vậy đến khi nào một trong các nhóm thi không nhớ ra bài hát nào nữa thì quản
trò đánh giá kết quả, trao thưởng.
4. Ngón tay nhúc nhích
- Mục đích: rèn luyện sự chú ý, tính tập trung tư tưởng.
- Địa điểm chơi: Trong nhà, ngoài trời đều được.
- Số người chơi: Một lớp học.
- Hướng dẫn chơi: Cho tập thể hát bài hát đơn giản: “Một ngón tay nhúc
nhích (2 lần) này, một ngón tay nhúc nhích cũng đủ làm ta vui rồi”. Tiếp tục “Hai
ngón tay nhúc nhích (2 lần) này, hai ngón tay nhúc nhích (2 lần nhúc nhích) cũng
đủ làm ta vui rồi. Tiếp tục “Ba (ba. bốn,....mười) ngón tay nhúc nhích (2 lần) này,
ba (bốn … mười) ngón tay nhúc nhích (3 - 10 lần nhúc nhích) cũng đủ làm ta vui
rồi. Vừa hát vừa đưa 1,2,3.... ngón tay nhúc nhích theo đồng thời chân dậm (nhún)
theo nhịp của bài hát, ai làm sai sẽ bị phạt.
5. Gọi bạn
- Mục đích: Giáo dục tình bạn bè, rèn luyện tác phong nhanh nhẹn hoạt bát
khi các em mới làm quen.
- Số người chơi: Một lớp học.
- Địa điểm chơi: Quản trò hướng dẫn các em làm các động tác.
- Cách chơi: Quản trò hướng dẫn các em làm các động tác.
+ Động tác 1: Hai tay vỗ vào đùi.
+ Động tác 2: Vỗ hai tay ngang bụng.
+ Động tác 3: Bật tay phải ( ngón cái và ngón giữa)
+ Động tác 4: Bật tay trái (ngón cái và ngón giữa)
Vừa làm động tác vừa đếm 1, 2, 3, 4 cho quen. Khi đếm đến số 3 và 4 đồng
thời bật tay phải, tay trái và nói: Hoà gọi Bình...cả lớp tiếp tục đếm và làm động
tác 1,2...Bình gọi Hạnh... ai gọi không kịp hoặc ngập ngừng sẽ bị phạt.
6. Bên cạnh trả lời
- Mục đích: Rèn luyện sự tập trung chú ý, phản ứng linh hoạt.
- Địa điểm chơi: Tròn nhà, ngoài trời đều được.
- Số người chơi: Một lớp học.
- Cách chơi: Người chơi thành vòng tròn sát nhau. Quản trò lần lượt đi hỏi
từng người, người được hỏi sẽ ngồi im, người bên phải (trái) sẽ phải trả lời. Ai làm
không đúng sẽ bị phạt.
Chú ý:
- Nếu chơi trong lớp học sẽ cho điểm số trước khi chơi, sau đó quy định
người trả lời số trước, hay sau số được hỏi.
- Các câu hỏi đơn giản, hợp đối tượng.
7. Kết thân
- Mục đích: Bồi dưỡng và phát triển ý thức tập thể, tinh thần đoàn kết, tính
nhanh nhẹn, hoạt bát cho các em.
- Địa điểm chơi: Sân trường hoặc một bãi rộng.
- Số người chơi: Một lớp học.
- Cách chơi: Cho các em xếp hình vòng tròn. Vừa đi chung quanh vòng tròn và
hát và vỗ tay đều một bài hát quen thuộc nào đó. Quản trò bất ngờ hô to: “Kết thân -
Kết thân”. Tập thể đứng hát và đồng thanh hỏi: “ Kết ai - Kết ai” quản trò hô tiếp:
“kết thân 5 bạn” ... Các em phải nhanh chóng nhập vào một nhóm thành 5 người,
nhóm nào thiếu người hay thừa người đều bị coi là thua cuộc.
Chú ý: Để cuộc chơi hấp dẫn, quản trò có thể ra lệnh liên tục, ví dụ: “Kết
thân 5 bạn, 3 bạn, 4 người 7 chân.....”
8. Đoán xem ai
- Mục đích: Luyện cho các em có suy xét và phán đoán.
- Địa điểm chơi: Ngoài trời trong nhà đều được.
- Số người chơi: Một lớp học.
- Cách chơi: Quản trò dùng khăn bịt mắt một em. Nhẹ nhàng, khéo léo
thống nhất với tập thể chỉ một em khác trong số các em tham gia chơi đến bắt tay,
nói với người bịt mắt bằng một tiếng mèo kêu, gà gáy... người bị bịt mắt phải đoán
xem đó là ai. Nếu đoán đúng sẽ được cởi khăn và em vừa bị gọi đúng tên vào thay
em bịt mắt để tiếp tục trò chơi.
Chú ý: Có thể cho em bị bịt mắt sờ tay vào đầu, mặt hoặc người để đoán tên.
9. Người kể chuyện tài giỏi
- Mục đích: Luyện và phát triển trí thông minh, ý thức tập trung tư tưởng,
sáng tạo.
- Địa điểm chơi: Trong nhà.
- Số người chơi: Một lớp học.
- Cách chơi: Quản trò kể một câu chuyện, đến một đoạn nào đó quản trò
khéo léo lồng một được tên một đoạn nào đó vào cuối câu. Em có tên trong truyện
đang kể nhanh chóng đứng dậy kể tiếp câu chuyện đó. Tương tự như trên, em đang
kê chuyện lại khéo léo lồng được tên một bạn nào đó... bạn có tên lại nhanh chóng
kể tiếp… cứ như vậy, ai không lồng được tên người khác hoặc ngập ngừng không
đảm bảo được tính liên tục của câu chuyện coi như người thua trong cuộc chơi.
Ví dụ: Trời mưa như trút nước. Gió thổi ào ào. Gấu đen đi chơi về bị ướt
lướt thướt, nước mưa chảy ròng ròng xuống mặt gấu. Gấu chạy mãi trong rừng tìm
nơi trú ẩn. May quá, nhìn thấy nhà Thỏ trước mặt, một căn nhà rất xinh và nhiều
hoa. Bạn có tên “Hoa” sẽ đứng dậy kể tiếp câu chuyện.
10. Tập hợp nhanh
- Mục đích: Giáo dục ý thức tổ chức kỉ luật, tác phong nhanh nhẹn.
- Địa điểm chơi : ngoài trời
- Số người chơi: Một lớp học
- Cách chơi: Quản trò chia người chơi thành 4 nhóm, mỗi nhóm chia thành
một hàng dọc. Quản trò chọn vị trí và quy định: hàng số 1 tập trung trước mặt quản
trò, hàng số 2 tập trung sau lưng, hàng số 3 tập trung bên phải, hàng số 4 tập trung
bên trái. Chọn vị trí xong quản trò vừa thổi còi vừa di chuyển nhanh chóng theo
thứ tự về vị trí mới....
Hàng nào tập trung nhanh nhất, đội hình ngay ngắn, trật tự nhất là thắng cuộc.
11. Tôi là đội trưởng
- Mục đích: Rèn luyện tư thế, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát đối với người
chỉ huy và bồi dưỡng sự tập trung tư tưởng đối với các em đội viên.
- Chuẩn bị : Cho các em đứng thành hình vòng tròn, quản trò đứng giữa vòng
trong. Trong khi điểm số từ một đến hết, quản trò nhắc các em nhớ số của mình
- Cách chơi: ổn định xong, quản trò bắt đầu gọi số: ví dụ: “số x”, lập tức
người có số thứ tự là x dùng tay phải đặt vào ngực mình và nói “Tôi là đội trưởng”.
Người có số thứ tự là “x - 1” và “x + 1” quay phải, trái hướng về người có số thứ
tự là “x”, giơ tay chào kiểu đội viên và nói: “Chào đội trưởng”. Gọi nhanh dần số
thứ tự hay các số liền nhau sẽ có em nhầm.
12. Vượt vật cản
- Mục đích:Rèn luyện trí nhớ, tính nhanh nhẹn khéo léo cho các em
- Chuẩn bị: Kẻ một đường ngang ở đầu một sân chơi, Dải các đồ vật, ví dụ:
Dép, guốc, giầy, lá cây... trên tuyến đường đi ở giữa sân một cách lộn xộn. Sau khi
cho người chơi nhìn kĩ các vật đó thì bịt mắt tất cả lại.
- Cách chơi: Người chơi phải xuất phát từ vạch đánh dấu ở đầu sân. Tất cả
người chơi phải vượt qua các vật cản trên và đi về cuối sân. Trong quá trình đi tìm
như vậy, ai dẫm (hay chạm) vào vật cản nhiều sẽ bị trừ điểm và thua cuộc.
Chú ý: Quản trò lựa thời gian và nhẹ nhàng cất hết các vật cản đi để các em
dò từng bước sẽ gây cho người xem những tiếng cười thoải mái.
13. Vẽ bạn
- Mục đích:Phát triển óc nhận xét, phán đoán và trí nhớ cho các em.
- Chuẩn bị: Xếp từ hai đến ba chiếc bảng cùng trên vạch giới hạn cách bảng
đen 2 mét là các em tham gia thi vẽ (4 cm) đứng thành một hành dọc. Quản trò
chuẩn bị khăn bịt mắt, phấn vẽ trước khi cuộc chơi cho các em quan sát và ước tính
khoảng cách kĩ lưỡng.
- Cách chơi: Các em số 1 của các đội được bịt mắt và cầm phấn tiến đến
bảng đen để vẽ “đầu của bạn”. Em số 1 vẽ xong trở về vị trí xuất phát ngay lập tức.
Em số 2 được bịt mắt và vẽ tiếp “mình của bạn....” Em số 3 vẽ tay của bạn ...”. Em
số 4 vẽ “chân của bạn”. Vẽ xong các em của từng đội sẽ báo cáo với quản trò. Đội
nào xong sớm nhất, kĩ thuật vẽ tốt nhất: (cân đối, hài hoà..) thì thắng cuộc.
14. Khẩu hiệu nào đẹp
- Mục đích: Rèn luyện ý thức tập trung tư tưởng, tính nhanh nhẹn, tinh thần
tập thể cho các em.
- Chuẩn bị: Cắt băng giấy các chữ đủ để xếp thành một khẩu hiệu nào đó.
Ví dụ “Chào mừng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VI...”, Học, học nữa, học mãi”.
Xáo trộn các chữ đó gói vào một gói (tuỳ theo số đơn vị chơi mà gói số gói). Khẩu
hiệu dán trên tường hay bảng đen theo quy định. Ngoài ra người tổ chức phải
chuẩn bị cho mỗi đội 1 lọ hồ dán.
- Cách chơi: Sau khi lệnh bắt đầu chơi, các đội tham gia mang gói chữ tiến
vị trí của mình. Boc gói lấy các chữ xếp sắp lại và tiến hành dán các chữ đó để
thành một khẩu hiệu chuẩn xác. Đơn vị nào xong sớm nhất sẽ báo cáo với ban
giám khảo. Khi tất cả các đội chơi hoàn thành nhiệm vụ, ban giám khảo tổ chức
đánh giá. Biểu điểm đánh giá bao gồm thời gian, kĩ thuật, tính cân đối, hợp lí của
khẩu hiệu.
15. Cháu chào cô - cô chào cháu
- Mục đích : Rèn luyện sự nhanh nhẹn, hoạt bát trong ứng xử.
- Số người chơi: Một lớp học.
- Địa điểm chơi: Ngoài trời.
- Cách chơi: cho các em đứng thành vòng tròn quay mặt vào trong. Quản trò
đi trong vòng tròn đến trước mặt từng người nói “Cô chào cháu” và giơ tay phải
lên cao trước mặt để chào. Người được chào lập tức đưa tay vòng trước ngực đồng
thời nói “Cháu chào cô”. Quản trò tiếp tục làm động tác khoanh tay và nói “Cháu
chào cô”, người được chào lúc này phải giơ tay trước mặt và nói “Cô chào cháu”.
Quản trò tăng nhanh tốc độ chơi với một hoặc nhiều người sẽ có nhiều em nhầm
khi sử dụng động tác hay lời nói.
16. Bản nhạc đặc biệt
- Mục đích: Rèn luyện sự tập trung tư tưởng, tinh thần tập thể, sự phản xạ
nhanh nhạy cho các em.
- Địa điểm chơi: Trong nhà.
- Số người chơi: Một lớp học.
- Cách chơi: Quản trò quy định một nhóm đóng giả làm gà con. Nhóm khác
đóng giả làm gà mái, nhóm khác nữa đóng giả làm gà trống. Khi được đọc đến tên
mình cùng động tác chỉ tay của quản trò lập tức nhóm phải phát ra tiếng kêu của
gà. Ví dụ: Gà con kêu chíp chíp..., Gà mái kêu cục...cục... Gà trống kêu: ò, ó, o, o.
Lệnh được phát ra liên tục cho ba nhóm sẽ tạo ra bản nhạc rất vui.
Chú ý: Để xem nhóm nào phản xạ tốt nhất, quản trò vừa làm động tác chỉ
vào nhóm đó nhưng lại nói tên gà của nhóm khác, các em sẽ phát hiện ra tiếng kêu
nhầm.
17. Trời, Đất, Nước
- Mục đích: Rèn luyện cho các em tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, ý thức
tập trung tư tưởng
- Địa điểm chơi: Trong nhà
- Số người chơi: Một lớp học
- Cách chơi: Quản trò nói: “Trời” và chỉ ai đó, người đó sẽ trả lời là
“Chim” . Quản trò nói “Đất” và chỉ vào ai đó, người đó sẽ trả lời là “Cá”. Ngược
lại quản trò nói: chim thì người được chỉ phải nói là “Trời”... Cứ như thế, cứ như
thế quản trò cho tăng dần tốc độ của trò chơi, sẽ có em nhầm. Khi đó quản trò yêu
cầu em đó phải làm các động tác bay, bơi… cho tập thể xem.
Chú ý: Trước khi thực hiện trò chơi với từng người, quản trò cho tập thể
thuộc các từ đó nói như trên.
18. Ong đốt, kiến cắn, đau bụng
- Mục đích: Bồi dưỡng cho các em sự tập trung tư tưởng, rèn phản xạ nhanh
nhẹn, linh hoạt.
- Địa điểm chơi: Trong nhà, ngoài trời
- Số người chơi: Một lớp học
- Cách chơi: Chọn vị trí để mọi người cùng nhìn thấy và quản trò đọc to các
câu: “Ong đốt”; “Kiến cắn”; “Đau bụng”. Khi nói “Ong đốt” đồng thời lấy hai tay
xoa lên trên đầu. “Kiến cắn” đồng thời lấy lấy hai tay xoa lên mu bàn chân. “Đau
bụng” đồng thời lấy hai tay ôm bụng...Em nào ít chú ý sẽ làm nhầm, phải bước lên
phía trước một bước hay đứng riêng ra ngoài. Trò chơi tiếp tục đến khi kết thúc. Ai
là người bước lên nhiều nhất hoặc bị đứng riêng là người ít chú ý nhất trong cuộc
chơi và sẽ bị phạt.
19. Trao khăn đỏ
- Mục đích: Rèn luyện tác phong nhanh nhẹn, thực hiện tốt nội dung Nghi
thức Đội.
- Số người chơi: 20 người
- Địa điểm chơi: Ngoài trời
- Cách chơi: Người chơi xếp thành hai hàng ngang đối diện nhau mỗi hàng
10 người. Khi lệnh chơi bắt đầu, hai hàng cùng tiến lên giơ tay chào kiểu Đội.
Từng đôi một nắm tay nhau, tiếp tục cởi khăn quàng của mình, quàng vào cổ bạn
thắt đúng quy cách. Phân đội nào có nhiều người thắt khăn đỏ nhanh, đẹp, đúng
quy định thì thắng cuộc.
20. Lò cò thắt nút
- Mục đích: Rèn luyện kĩ năng thắt nút trại
- Số người chơi: Không hạn chế
- Địa điểm chơi: Ngoài trời
- Cách chơi: Các phân đội xếp hàng dọc trước một vạch trên sân điểm số để
số người bằng nhau. Mỗi người cầm một dây trại. Chỉ huy ra lệnh và gọi tên một
nút nào đó. Người dầu hàng của phân đội vừa nhảy lò cò tiến lên vừa thắt nút. Thắt
xong nút bỏ ngay xuống đất và thả dây chạy về đứng ở cuối hàng. Tiếp tục trò chơi
như vậy với người thứ hai trên một nút khác...Phân đội nào thắt nút đúng nhất, vị
trí thả nút gần vạch xuất phát nhất là đơn vị thắng cuộc.
21. Tầu dồn toa
- Mục đích: Luyện cho các em sự chú ý hợp đồng tập thể, phát triển sự khéo
léo và sức mạnh
- Chuẩn bị: Mỗi đội tham gia chơi có số lượng người bằng nhau. Mỗi đội từ
8 đến 10 em, trên một bãi rộng. Trước mỗi đội kẻ một vạch xuất phát trên một
đường thẳng về phía trước cứ 3m có 2 em (em đứng sau đặt 2 tay lên vai em đứng
trước) cho đến 2 em cuối cùng ở sân bên kia.
- Số lượng: 2 đội chơi
- Cách chơi: Hai em trên cùng đóng giả làm đầu tầu. Khi quản trò ra lệnh
(bằng một hiệu còi hay hiệu cờ) hai em đóng giả đầu tầu lùi để nối các toa theo thứ
từ trên xuống đến nhóm các em đang chờ ở vạch xuất phát. Tàu nào nối xong trước
sẽ tiến lên vị trí ban đầu của đầu tàu. Nếu không bị đứt toa và tàu đó đảm bảo đúng
quy định thì thắng cuộc. Các tàu về sau theo thứ tự và các tàu thua phải lò cò hoặc
chạy vòng quanh khu vực chơi.
22. Chim đầu đàn
- Mục đích: rèn luyện cho các em tính linh hoạt, óc quan sát và phán đoán.
- Chuẩn bị: Trên bãi rộng, các em chơi đứng thành vòng tròn. Em đứng giữa
được bịt mắt. Một em được chỉ định làm “chim đầu đàn”.
- Cách chơi: ổn định tổ chức xong, quản trò ra lệnh để em bịt mắt bỏ khăn
và tìm “Chim đầu đàn”. “Chim đầu đàn” kín đáo, khéo léo làm các động tác: Vỗ
tay, vẫy tay, nhảy tại chỗ, ngồi xuống... Các em khác cũng nhanh nhẹn làm theo.
Nếu em quan sát phát hiện được người khởi xướng các động tác tức là: “Chim đầu
đàn” thì em đóng chim đầu đàn bị bịt mắt và trò chơi tiếp tục.
23. Tranh bóng
- Mục đích: Bồi dưỡng cho các em tính sáng tạo, rèn tác phong nhanh nhẹn
và khéo léo.
- Chuẩn bị: Sân chơi rộng, gồm hai đội có số lượng bằng nhau đứng thành
hàng ngang ở hai đầu sân chơi. Khoảng cách từ đội nọ đến đội kia chừng 20m.
Trung tâm vẽ một vòng tròn đường kính 1m, đặt quả bóng giữa vòng tròn. Quản
trò giao cho 2 em điểm số và giao cho đội A là đội giữ bóng, đội B là đội tìm cách
mang bóng ra khỏi sân.
- Cách chơi: Quản trò gọi bất kì số thứ tự của em nào trong hai đội lên khu
vực tranh bóng. Theo quy ước ban đầu, em đội A tìm cách giữ bóng, em đội B tìm
cách lấy bóng. Nếu em đội B tìm cách lấy được bóng chạy về, em đội A phải chạy
đuổi theo tìm cách sờ được vào người đối phương. Em đội B sẽ là con tin của đội
A, và ngược lại nếu không sờ tay vào em đội B thì em của đội A là con tin của đội
B. Trò chơi tiếp tiếp tục khi nào quản trò tổng kết để biết bên nào bắt được nhiều
con tin bên kia thì bên đó sẽ thắng.
24. Đi theo tín hiệu giao thông
- Mục đích: Rèn luyện các em ý thức thực hiện tốt Luật Giao thông
- Số người chơi: Một lớp học
- Chuẩn bị: Cho các em tập hợp vòng tròn quay mặt vào trong nghe phổ
biến trò chơi. Quản trò cho đơn vị quay phải hoặc trái. Hai tay của em đứng sau
đưa lên hai vai em đứng trước làm thành một đoàn tàu
- Cách chơi: Lệnh bằng một hồi còi
- Quy ước: Tay đưa ngang (đèn xanh)
- Tay đưa cao trên đầu (đèn đỏ)
- Tay đưa chéo (đèn vàng)
Theo quy ước trên của quản trò mà tàu đi nhanh (đèn xanh), tàu đi chậm
(đèn vàng), tàu dừng (đèn đỏ). Lệnh được phát ra liên tục sẽ có em nhầm chân.
Người bị nhầm là người thua cuộc.
25. Tranh võng
- Mục đích: Rèn luyện tính nhanh nhẹn, sự mưu trí
- Số người chơi: Một lớp học
- Địa điểm: Ngoài trời
- Cách chơi: Quản trò cho một số em tập hợp thành vòng tròn, 2 em bên
cạnh làm thành võng bằng cách nắm tay nhau hạ thấp. Số người còn lại đưúng bên
trong hoặc cùng bên ngoài võng vừa đi xung quanh vừa vỗ tay hát tập thể (số võng
luôn ít hơn số người chơi). Bất thình lình quản trò thổi còi, mọi người nhanh chóng
tìm võng cho mình người nào không có võng là người thua cuộc. Trò chơi được
tiếp tục bằng cách cất bớt võng để cuối cùng chỉ còn là một võng, ai giữ được
chiếc võng đó là người được nhiều điểm nhất.
Chú ý:
- Để trò chơi vui võng luôn được đu đưa
- Người nằm (ngồi võng) nên cho em nhỏ, hai người một làm võng là những
em khoẻ hơn.

chủ đề 2: trò chơi lớn (2 tiết)


1. Hoạt động
Hoạt động 1: Tìm hiểu về dấu đường và cách đánh dấu đường (20 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 1: [4; tr 124 - 134]
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Giới thiệu các loại dấu đường thường dùng (10 phút)
+ Giáo viên vẽ các dấu đường lên bảng và chú thích tên của từng loại dấu
đường cho học sinh ghi vở.
+ Phân tích từng loại dấu đường đặc biệt là: dấu bắt đầu đi, dấu có thư và
dấu kết thúc.
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu cách đánh dấu đường trong tổ chức trò chơi lớn (10 phút)
+ Phân tích nội dung cách đánh dấu đường trong quá trình chuẩn bị và tổ
chức trò chơi lớn.
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi 1: Theo em khi tổ chức trò chơi lớn, người đánh dấu đường cần
chú ý những vấn đề gì?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 305 - 306 của giáo trình.
Hoạt động 2: Tìm hiểu về mật thư và các loại mật thư (40 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 2: [4; tr 124 - 134]
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu khái niệm mật thư (5 phút)
Hỏi: Mật thư là gì?
+ Tập hợp các câu trả lời của học sinh. Phân tích những đặc trưng của mật
thư rồi đưa ra khái niệm về mật thư.
- Nhiệm vụ 2: Hướng dẫn cách viết và dịch các loại mật thư thông thường (35
phút)
+ Giới thiệu cách viết và dịch mật thư dùng số thay chữ:
Bước 1: Giới thiệu bảng chữ cái Aphabet (26 chữ cái tiếng Anh).
Bước 2: Giới thiệu các quy ước về phông chữ tiếng Việt.
Bước 3: Giới thiệu cách đưa ra chìa khoá.
Bước 4: Giới thiệu cách lập bảng chìa khoá.
Bước 5: Đưa mật thư và chìa khoá của mật thư.
Bước 6: Hướng dẫn dịch mật thư.
Bước 7: Hướng dẫn viết mật thư.
+ Giới thiệu cách viết và dịch mật thư dùng chữ thay chữ:
Bước 1: Giới thiệu bảng chữ cái Aphabet (26 chữ cái tiếng Anh).
Bước 2: Giới thiệu các quy ước về phông chữ tiễng Việt.
Bước 3: Giới thiệu cách đưa ra chìa khoá.
Bước 4: Giới thiệu cách lập bảng chìa khoá.
Bước 5: Đưa mật thư và chìa khoá của mật thư.
Bước 6: Hướng dẫn dịch mật thư.
Bước 7: Hướng dẫn viết mật thư.
+ Giới thiệu cách viết và dịch mật thư theo chiều mũi tên:
Bước 1: Giới thiệu cách đưa ra chìa khoá.
Bước 2: Đưa mật thư và chìa khoá của mật thư.
Bước 3: Hướng dẫn dịch mật thư.
Bước 4: Hướng dẫn viết mật thư.
+ Giới thiệu cách viết và dịch mật thư chìa khoá chỉ chữ có giá trị:
Bước 1: Giới thiệu cách đưa ra chìa khoá.
Bước 2: Đưa mật thư và chìa khoá của mật thư.
Bước 3: Hướng dẫn dịch mật thư.
Bước 4: Hướng dẫn viết mật thư.
+ Đưa bài tập thực hành các loại mật thư.
* Đánh giá hoạt động 2
- Bài tập: Mỗi em viết 1 mật thư tuỳ chọn. Sau đó chuyển cho bạn khác dịch?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 306 - 312 của giáo trình.
Hoạt động 3: Hướng dẫn tổ chức trò chơi lớn (30 phút)
* Thông tin nguồn cho hoạt động 3: [4; tr 124 - 134]
* Nhiệm vụ của hoạt động 3
- Nhiệm vụ 1: Giới thiệu mục đích của việc tổ chức trò chơi lớn (5 phút)
Hỏi : Khi tham gia trò chơi lớn, đội viên sẽ được rèn luyện những gì?
+ Tập hợp các suy nghĩ của học sinh. Đưa ra mục đích của việc tổ chức trò
chơi lớn.
- Nhiệm vụ 2: Xác định cách thiết kế trò chơi lớn (10 phút)
+ Phân tích, hướng dẫn cách thiết kế tổ chức trò chơi lớn.
- Nhiệm vụ 3: Tìm hiểu cách tiến hành tổ chức trò chơi lớn (10 phút)
+ Giới thiệu cách tiến hành tổ chức trò chơi lớn.
- Nhiệm vụ 4: Xác định một số lưu ý khi tổ chức thực hiện trò chơi lớn (5 phút)
+ Giới thiệu 1 số lưu ý khi tổ chức trò chơi lớn.
* Đánh giá hoạt động 3
- Câu hỏi 1: Mục đích của việc tổ chức trò chơi lớn là gì?
- Câu hỏi 2: Để thiết kế trò chơi lớn cần chú ý những vấn đề gì?
- Câu hỏi 3: Khi tổ chức trò chơi lớn cần chú ý những gì?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3: Xem trang 312 - 314 của giáo trình.

2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động


* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1:
1. Dấu đường

Bắt đầu đi
Đi theo hướng này
Đi nhanh hơn
Chạy theo hướng này
Đi chậm lại
Chướng ngại vật, vượt qua
Rẽ phải

Rẽ trái
Chia hai đoàn, một đoàn đi n người

Hai đoàn nhập một

Đường cấm
x
Chú ý, nguy hiểm
>> <
n Quay lại

An toàn
>>>
Nước không uống được

Nước sạch uống được


Chờ ở đây n phút

Có mật thư hướng này cách n mét


n

Trại ở hướng này

Đích

Chú ý:
- Đánh dấu ở bên phải đường, ngang tầm mắt và chỗ dễ nhìn thấy.
- Mỗi dấu không cách xa nhau quá 50 mét.
- Dấu chỉ hướng mật thư phải đúng hướng, tương đối chính xác về khoảng cách.
- Ghi đúng kí hiệu khi hướng dẫn người chơi.
- Người phụ trách có thể vận dụng các ký hiệu trong Luật Giao thông đường
bộ để áp dụng vào trò chơi của mình những dấu đường đơn giản như:
- Dấu đường bao giờ cũng được đánh ở bên phải người đi (không đi theo dấu
đường bên trái đường đi).
- Khoảng cách giữa các dấu đường khoảng 50m. ở chỗ rẽ phải có dấu
- Dấu đánh không cao quá tầm mắt người theo, không to quá, khoảng 5cm.
- Trong cuộc chơi có nhiều đơn vị tham gia, có thể đánh dấu đường bằng
nhiều mầu khác nhau. Người theo phải tìm thấy dấu "Bắt đầu đi" của mình. Dấu
bắt đầu đi mầu gì thì suốt dọc đường đi theo mầu đó.
- Dấu bắt đầu đi, dấu có thư, dấu hết đường có kí tên và đề ngày
- Không đánh dấu đường trên các vật di động (mặc dù lúc đó đứng im)
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
1. Mật thư
1.1. Khái niệm mật thư
Mật thư là thư viết theo một quy ước bí mật. Quy ước là chìa khoá của mật
thư (hay mật mã) được vẽ hình chìa khoá. Mật mã có nhiều loại, mỗi loại có rất
nhiều kiểu
- Kí hiệu chìa khoá là:
1.2. Mật thư dùng số thay chữ
- Quy ước: aa = â, oo = ô, dd = đ, ee = ê, uw = ư, ow = ơ, aw = ă
f = huyền, s = sắc, r = hỏi, x = ngã, j = nặng
- Bảng chữ cái: A, B, C, D, E, F, G, H, I, J, K, L, M, N, O, P, Q, R, S, T, U, V, W, X, Y, Z
- Phần số là những số nguyên dương từ 01 đến 26
- Chú ý:
+ Khi viết và dịch mật thư, dấu luôn luôn để ở vị trí cuối cùng của mỗi tiếng
+ Từ số 1 đến số 9 phải viết là 01, 02, 03, 04, 05, 06, 07, 08, 09
- Ví dụ: Dịch mật thư sau: Chìa khoá a = 16
1716120908 191916161021 191924 09232004 1916161008 191910120412032221
0216161021 13160323
+ Lập bảng chìa khoá A = 16
A B C D E F G H I J K L 16
17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 01
M N O P Q R S T U V W X
02 03 04 05 06 07 08 09 10 11 12 13
Y Z
14 15
+ Dịch theo thứ tự từng từ
1716120908 191916161021 191924 09232004
BAWTS DDAAUF DDI THEO
Bắt đầu đi theo
1916161008 191910120412032221 0216161021
DAAUS DDUWOWNGF MAAUF
Dấu đường mầu
13160323
XANH
Xanh
1.3. Mật thư dùng chữ thay chữ
- Quy ước: aa = â, oo = ô, dd = đ, ee = ê, uw = ư, ow = ơ, aw = ă
f = huyền, s = sắc, r = hỏi, x = ngã, j = nặng
- Bảng chữ cái: A, B, C, D, E, F, G, H, I, J, K, L, M, N, O, P, Q, R, S, T, U,
V, W, X, Y, Z
Chú ý: Khi viết và dịch mật thư, dấu luôn luôn luôn để ở vị trí cuối cùng
của mỗi tiếng
- Ví dụ: Dịch mật thư sau: Chìa khoá A = k
drkgxq vyxq rkp xyy mekb ow
+ Lập bảng chìa khoá
A B C D E F G H I J K L
k l m n o p q r s t u v
M N O P Q R S T U V W X
w x y z a b c d e f g h
Y Z
i j
+ Dịch theo thứ tự từng từ
drkgxq vyxq rkp xyy mekb ow
thawng long haf nooij cuar em
thăng long hà nội của em
1.4. Mật thư theo chiều mũi tên (giới thiệu các loại chìa khoá theo chiều mũi tên)
- Các dạng chìa khoá thường dùng:
đ ẫ i l à t
n g v à n ổ
o ư ờ n g C
r r g o H
t t à ứ
c à h n i C
ụ d o á i g

- Chú ý: Chìa khoá dạng chiều mũi tên được thể hiện đủ một quy trình (chu kì)
1.5. Mật thư chìa khoá chỉ chữ có giá trị
Chìa khoá: 1 3 5 7
đgộgi tkhkikếku naiaêan tpipềpn pqhqoqnqg
đội thiếu niên tiến phong
ltà tcổ cchcứcc coủoa tvhvivếvu nghgi
là tổ chức của thiếu nhi
vbibệbt nsasm
việt nam
2. Bảng Mouse
Chữ:
A- 
F -   
K- - 
P --
 
U -

W --

B-   
G- - 
L-
  
Q-- - 
V   
- CH- --
C- -  
H    
M- - R -  
X- -


D-  
I 
N- 
S   
Y- -- 

E 
J ---

O-- - T- Z- -  

Con số:
1 ----

6- 

2  
--- 7 -- 

3  
-- 8 ---  

4    
- 9 ---- 

5     
0-----
Chú ý: - Thổi số 10 là số 1 và số 0 ( ----/-----/)
- Số 2 hoặc 3 - 4, 5...Chữ số thổi các số ghép lại với nhau.
Morse
CH
H

V S o

Y
L F Z

U M Q K X
P R I G C

J W A E Y N D B

E. T. A._ N __ .
I .. M.. U .._ D __ . .
S . . . O... V. . . _ E __ . . .
H.... CH . . . .

W.__ G __.
L._.. V_.__
F .._. Q__._

R. _ . K_._ C__. J.___


P.__. X_.._ Z__..

A1 D4 G7 J10 M13 P16 S19 V22 Y25


B2 E5 H8 K11 N14 Q17 T20 W23 Z26
C3 F6 I9 L12 O15 R18 U21 X24

1…… 6…… Dấu/=S Dấu~=X Â: AA Đ:DD


2.…... 7.…... Dấu\=F Dấu .= J Ă:AW Ư:UW
3…… 8…… Dấu?=R Ê:EE O: OW
4…… 9…… Ô:OO ƯƠ: UOW
5…… 10……

Bắt đầu nhận: T-AK Khẩn cấp: DD


T-4A Cấp cứu: SOS
Hết bản tin: AR Sẵn sàng nhận: GA
Chưa hiểu: AR Đợi: AS
Nhận chưa rõ: OS Chú ý nhận: VVV
- Dạng truyền tín hiệu theo vần Alphabet bằng các tín hiệu “tích”, “tè” được
Samuel Mouse (người Mĩ sinh năm 1791) phát minh. Đến năm 1853 được sử dụng
một cách thông dụng.
“Tích” được kí hiệu là (.)
“Tè” được kí hiệu là (-) biểu hiện sự dài ngắn khác nhau
- Để truyền tin bằng còi hoặc âm thanh khác phải tổ chức học thuộc bảng
Mouse và quy ước phát như sau:
+ Tích (1 giây), tè (6 giây) khoảng cách giữa 2 chữ là 8 giây
+ Trước khi phát tin phát nhiều lần chữ NW
+ Phát cả câu, không phát hoặc nhận từng mẫu tự
+ Nếu phát bằng tín hiệu khác ngoài âm thanh phải có quy ước trước giữa
người phát và người nhận
3. Bảng Xêmapho
- Trong những trường hợp ở khoảng cách xa phải dùng tín hiệu phát bằng
Xêmapho, dạng này được dùng bằng cờ để phát tin.
- Kích thước cờ hình vuông cạnh = 40cm, đường chéo cờ chia thành 2 nửa
đỏ và trắng
+ Cách phát theo góc chuẩn 45o
+ Bắt đầu phát phất cờ hình số 8 trước mặt
+ Kết thúc phất cờ chéo nhau trên cao
+ Muốn phát lại: phát chữ E nhiều lần
+ Vị trí và tư thế đứng phát tin: chọn vị trí để người nhận quan sát được.
Người phát đứng nghiêm mắt nhìn thẳng về hướng người nhận tin
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3
1. Hướng dẫn tổ chức trò chơi lớn
1.1. Mục đích của việc tổ chức trò chơi lớn
- Trò chơi lớn là một cuộc chơi có quy mô lớn, về thời gian, không gian và
số lượng người chơi, có nhiều hoạt động, nhiều trò chơi nhỏ. Trò chơi lớn có thể
kéo dài vài ngày, trên một khoảng chục cây số với số lượng người chơi có thể lên
tới hàng nghìn.
- Trò chơi lớn có nhiều hoạt động đòi hỏi người chơi phải suy luận, vận
dụng trí thông minh, tài quan sát, nhiều khi đòi hỏi tài tháo vác, khéo léo, dũng
cảm.
- Trò chơi lớn có chủ đề gắn với lịch sử, củng cố niềm tin của các em với
niềm tin của đất nước.
- Chính vì vậy, trò chơi lớn phát huy nhiều mặt, đồng thời là một hoạt động
các em yêu thích nên có tính giáo dục cao.
1.2. Cách thiết kế trò chơi lớn
a. Thiết kế một cuộc chơi lớn
- Trước khi thiết kế kế hoạch một cuộc chơi lớn cần nắm vững địa hình nơi
diễn biến cuộc chơi: Có nắm vững địa hình mới định được các hoạt động cụ thể
(mấy chặng đường, từ đâu đến đâu, chỗ nào bố trí trở ngại...).
b. Nội dung một bản thiết kế hoặc một cuộc chơi lớn
- Yêu cầu cuộc chơi lớn chủ đề và tên gọi cuộc chơi. Chủ đề phải gắn với
yêu cầu. Tên cuộc chơi phải thể hiện chủ đề.
- Đối tượng thời gian.
- Sơ đồ địa hình nơi chơi.
- Diễn biến chơi.
- Ban tổ chức.
- Yêu cầu vật chất.
- Diễn biến cuộc chơi:
+ Cuộc chơi có thể diễn biến dưới nhiều hình thức, theo sáng kiến của người
thiết kế cuộc chơi, ở đây hướng dẫn cuộc chơi mà các đơn vị thường áp dụng trong
các cuộc cắm trại.
+ Nơi xuất phát (thường là khu vực cắm trại), nói chủ đề cuộc chơi phát lệnh
lên đường.
+ Các chặng đường và cách hướng dẫn đi ở mỗi chặng đường: Các đơn vị
phải theo một số chặng đường, ở mỗi chặng đường nên có mỗi cách hướng dẫn
khác nhau (bằng mật thư, bằng dấu đường, bằng bản đồ..).
+ Các trở ngại ở chặng đường và công việc cuối cùng ở mỗi chặng đường:
Tuỳ theo thời gian và trình độ người chơi mà ở dọc đường có thể bố trí các trở ngại
và ở mỗi chặng đường đều có mỗi hoạt động.
+ Hoạt động kết thúc.
- ở cuối chặng đường cuối cùng nên có một cuộc chơi đông tương đối lớn so
với cuộc chơi dọc đường để người chơi thêm hào hứng. Hoạt động kết thúc thường
có các hình thức: Chiến đấu, đánh thành, cướp cờ; đuổi bắt; tìm vật...
c. Ban tổ chức cuộc chơi:
- Trò chơi lớn không thể chỉ có một người điều khiển, phải có một ban tổ
chức với các nhiệm vụ:
- Có mặt ở điểm xuất phát và điểm kết thúc.
- Có người chốt ở cuối chặng đường.
- Có tổ kiểm tra dọc đường.
+ Người tổng chỉ huy cuộc chơi phải ở điểm xuất phát và điểm kết thúc
+ Người ở cuối mỗi chặng (được hỏi gì? Làm gì?) Phải nắm vững kiến thức
về vấn đề đó.
d. Công tác chỉ đạo
- Họp ban tổ chức: nói rõ diễn biến cuộc chơi, phân công nắm vững nhiệm
vụ của mình.
- Chuẩn bị chu đáo địa hình và dụng cụ cần thiết: đánh dấu đường, hay dấu
vết, mật thư hay bản đồ...
- Bắt đầu chơi:
+ Trình bày chủ đề hấp dẫn để gây thêm hứng thú.
+ Dặn dò đầy đủ các điều kiện cần thiết.
+ Kiểm tra đầy đủ các vận dụng cần mang theo.
- Quá trình chơi: Nếu có nhiều đơn vị tham gia trò chơi lớn thì nên bố trí 2-
3 tuyết đường đi.
+ Người theo dõi đường phải chú ý, quan sát nhắc nhở người chơi phải tuân
thủ theo đúng quy định.
+ Người ở cuối chặng đường để mật thư chú ý không nên để người khác lấy
mất.
+ Mỗi hoạt động trong cuộc chơi đều có quy định cách chơi và cách chấm cụ
thể.
- Cuối cuộc chơi cần tổng kết chu đáo, nhận xét đánh giá đúng, không để có
tranh cãi. Về trước tiên không phải là nhất. Đơn vị thắng là đơn vị thực hiện tốt các
hoạt động trong quá trình chơi.
- Để có thì giờ tổng kết chu đáo, khi tổng kết trại mới tuyên bố kết quả, nhận
xét tuyên dương các đơn vị chơi tốt.
1.3. Một số lưu ý khi tổ chức trò chơi lớn
- Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho trò chơi lớn cần phải chu đáo, tỉ mỉ,
cận thận.
- Đường đi của các đơn vị tham gia trò chơi phải tương đối bằng nhau về
khoảng cách, về các trướng ngại vật.
- Đường đi không được lặp đi lặp lại trong một đội chơi.
- Sau mỗi chặng phải bố trí hợp lí về nội dung thực hiện của các đội.
v. Đánh giá sau khi học xong tiểu mô đun
* Các câu hỏi và bài tập đánh giá
Câu hỏi 1: Trò chơi thiếu nhi có những đặc trưng gì? (Đánh dấu x vào ô  trước
phương án em cho là đúng).
 1. Là hình thức vui chơi giải trí.
 2. Dùng các loại hình nghệ thuật để thể hiện
 3. Dùng các kĩ thuật, các phương tiện để biểu đạt một sự vật hiện tượng.
 4. Giáo dục thiếu nhi một cách toàn diện.
 5. Thay cho việc học tập ở trường học
Câu hỏi 2: Hoạt động vui chơi nhằm tập hợp một cách rộng rãi và thu hút thiếu nhi

vào các hoạt động có ích, đúng hay sai? (Đánh dấu x vào ô  trước phương án em
cho là đúng).
 1. Đúng.  2. Sai.
Câu hỏi 3: Trò chơi có những tác dụng gì đối với thiếu nhi? (Đánh dấu x vào ô 
trước phương án em cho là đúng và bổ sung thêm những nội dung khác vào chỗ
chấm (...) mà em biết).
 1. Rèn luyện cơ năng và trí năng.
 2. Hình thành những phẩm chất tốt đẹp: tính trung thực, thật thà, sự lễ độ,
lòng dũng cảm, ý thức tổ chức kỉ luật, tinh thần tập thể...
 3. Nhằm điều hoà và cân bằng nguồn năng lượng dư thừa trong quá trình
trao đổi chất.
 4. Đảm bảo sự hoạt động bình thường trong cơ thể các em.
5. Nội dung khác: .........................................................................................
.......................................................................................................................
Câu hỏi 4: Trò chơi mang lại những trạng thái gì cho tập thể? (Đánh dấu x vào ô 
trước phương án em cho là đúng và bổ sung thêm nội dung khác vào chõ chấm (...)
mà em biết).
 1. Tiếng hò reo.
 2. Khuôn mặt rạng rỡ.
 3. Tiếng cười ròn tan.
 4. Gần gũi và đoàn kết hơn.
 5. Hiểu biết về thiên nhiên, xã hội, con người.
6. Nội dung khác: .........................................................................................
.......................................................................................................................
Câu hỏi 5: Hoạt động trò chơi với khẩu hiệu "Học mà chơi - chơi mà học", đúng

hay sai? (Đánh dấu x vào ô  trước phương án em cho là đúng).

 1. Đúng.  2. Sai.
Câu hỏi 6: Trò chơi thiếu nhi được phân thành các loại nào dưới đây? (Đánh dấu

x vào ô  trước phương án em cho là đúng).

 1. Trò chơi tạo cảm giác


 2. Trò chơi mô phỏng
 3. Trò chơi chơi thi đấu
 4. Trò chơi may mắn
 5. Trò chơi lớn
 6. Trò chơi nhỏ.
 7. Theo quy mô tổ chức
Câu hỏi 7: Để hướng dẫn và tổ chức trò chơi cần tuẩn thủ theo những bước

nào? Hãy sắp xếp lại các bước sau đây cho hoàn chỉnh. (Đánh dấu x vào ô  trước
phương án em cho là đúng).
 1. Hướng dẫn cách chơi (hài ước, dí dỏm, rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu).
 2. Chơi thật (thưởng, phạt).
 3. Chuẩn bị cơ sở vật chất.
 4. Hướng dẫn luật chơi.
 5. Đánh giá kết quả, thu dọn.
 6. Hướng dẫn trò chơi.
 7. Chuẩn bị.
 8. Chơi thử.
 9. Chọn địa điểm chơi.
 10. Kết thúc.
Câu hỏi 8: Người quản trò cần phải thể hiện những tính cách gì? (Đánh dấu x vào

ô  trước phương án em cho là đúng).

 1. Quản trò phải là người có tâm hồn cởi mở, luôn vui vể hoà nhã tạo nên
sự gần gũi.
 2. Quản trò phải là người chỉ đạo và xử lí các bạn không tham gia.
 3. Biết nói cái gì, nói lúc nào, tức là quản trò phải biết nói và làm đúng chỗ.
 4. Quản trò là người năng động có bản lĩnh vững vàng trong các trường hợp.
 5. Quản trò là người có năng khiếu, kết hợp hài hoà giữa nói và thực hiện
động tác.
Câu hỏi 9: Khi tổ chức trò chơi thiếu nhi, người quản trò phải có những hiểu biết

và sức khoẻ như thế nào? (Đánh dấu x vào ô  trước phương án em cho là đúng và
bổ sung nội dung khác vào chỗ chấm (...) mà em biết).
 1. Phải biết nhiều trò chơi.
 2. Giọng điệu và âm lượng phải to chắc, dõng dạc, động các em.
 3. Động tác mẫu chuẩn xác dể làm, dễ bắt chước.
 4. Có sức khoẻ, thể hiện được sự nhanh nhẹn, tháo vát.
5. Nội dung khác: .........................................................................................
.......................................................................................................................
Câu hỏi 10: Khi đánh dấu đường và đi theo dấu đường cần phải chú ý những vấn

đề gì? (Đánh dấu x vào ô  trước phương án em cho là đúng).

 1. Dấu đường bao giờ cũng được đánh ở bên phải người đi.
 2. Dấu đường được đáng kín để tạo độ khó cho người chơi
 3. Khoảng cách giữa các dấu đường khoảng 50m. ở chỗ rẽ phải có dấu.
 4. Dấu đánh không cao quá tầm mắt người theo, không to qua khoảng 5cm.
 5. Trong cuộc chơi nhiều đơn vị, có thể đánh dấu đường bằng nhiều mầu
khác nhau. Người theo phải tìm thấy dấu "Bắt đầu đi" của mình. Dấu bắt đầu đi
mầu gì thì suốt dọc đường đi theo mầu đó.
 6. Nếu nhiều đội tham gia thì chỉ cần 1 đường đi cho người chơi
 7. Dấu bắt đầu đi, dấu có thư, dấu hết đường có kí tên và đề ngày.
 8. Dấu đường phải thật nhỏ
 9. Không đánh dấu đường trên các vật di động.
Câu hỏi 11: Mật thư có những đặc trưng gì? (Đánh dấu x vào ô  trước phương án
em cho là đúng).
 1. Mật thư là thư viết theo một quy ước bí mật.
 2. Có quy mô lớn, về thời gian, không gian và số lượng người chơi.
 3. Quy ước là chìa khoá của mật thư (hay mật mã) được vẽ hình chìa khoá.
 4. Kéo dài vài ngày, số lượng người chơi nhiều.
 5. Mật mã có nhiều loại, mỗi loại có rất nhiều kiểu.
 6. Có nhiều hoạt động, nhiều trò chơi nhỏ.
Câu hỏi 12: Trước khi thiết kế một cuộc chơi lớn cần nắm vững địa hình nơi diễn

biến cuộc chơi đúng hay sai? (Đánh dấu x vào ô  trước phương án em cho là
đúng).
 1. Đúng.  2. Sai.
Câu hỏi 13: Bản thiết kế trò chơi lớn cần có những yếu tố nào dưới đây? (Đánh số

thứ tự vào ô  theo quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện).

 1. Có chủ đề và tên gọi cuộc chơi.


 2. Đối tượng, thời gian.
 3. Sơ đồ địa hình
 4. Diễn biến cuộc chơi.
 5. Ban tổ chức.
 6. Cơ sở vật chất.
Câu hỏi 14: Diễn biến của một cuộc chơi lớn phải đảm bảo những nội dung nào?

(Đánh dấu x vào ô  trước phương án em cho là đúng và bổ sung nội dung khác
vào chỗ chấm (...) mà em biết).
 1. Nơi xuất phát, nói chủ đề cuộc chơi phát lệnh lên đường.
 2. Các chặng đường và cách hướng dẫn đi ở mỗi chặng đường.
 3. Các trở ngại ở chặng đường.
 4. Công việc cuối cùng ở mỗi chặng đường.
 5. Hoạt động kết thúc.
6. Nội dung khác: .........................................................................................
.......................................................................................................................
Câu hỏi 15: Khi chuẩn bị tổ chức trò chơi lớn cần thành lập những tiểu ban nào?

(Đánh dấu x vào ô  trước phương án em cho là đúng và bổ sung thêm nội dung
khác vào chỗ chấm (...) mà em biết).
 1. Ban tổ chức cuộc chơi.
 2. Công tác chỉ đạo.
 3. Tiểu ban hậu cần.
 4. Tiểu ban trang trí.
 5. Tiểu ban nội dung.
6. Nội dung khác: .........................................................................................
.......................................................................................................................

* Thông tin phản hồi của đánh giá


Đáp án câu 1
Phương án đúng: 1 – 3 – 4.
Đáp án câu 2
1. Đúng.
Đáp án câu 3
Cả 4 phương án đều đúng.
Đáp án câu 4
Cả 5 phương án đều đúng.
Đáp án câu 5
1. Đúng.
Đáp án câu 6
Đáp án đúng: 1 – 2 – 3 – 4 – 7.
Đáp án câu 7
Thứ tự đúng của các bước hướng dẫn và tổ chức trò chơi là : 7 – 3 – 9 – 6 –
1 – 4 – 8 – 2 – 10 – 5.
Đáp án câu 8
Người quản trò cần thể hiện được những tính cách: 1 – 3 – 4 – 5.
Đáp án câu 9
Cả 4 phương án đều đúng.
Đáp án câu 10
Khi đánh dấu đường cần chú ý: 1 – 3 – 4 – 5 – 7 – 9.
Đáp án câu 11
Đặc điểm của mật thư : 1 – 3 – 5.
Đáp án câu 12
1. Đúng.
Đáp án câu 13
Cả 6 phương án đều đúng.
Đáp án câu 14
Cả 5 phương án đều đúng.
Đáp án câu 15
Khi chuẩn bị tổ chức trò chơi cần thành lập các tiểu ban: 1 – 3 – 4 – 5.
Tiểu mô đun 3: Hướng dẫn múa hát tập thể (7 tiết)
i. Mục tiêu
Kết thúc tiểu mô đun 3, học sinh có khả năng:
1. Kiến thức
- Trình bày được mục đích, ý nghĩa, vai trò của múa hát tập thể trong hoạt
động Đội TNTP Hồ Chí Minh;
- Thuộc lời một số bài hát truyền thống và theo chủ đề năm học của Đội;
- Mô tả được tư thế, đội hình và động tác múa một số bài hát truyền thống
của Đội và theo chủ đề năm học;
- Trình bày được một số phương pháp hướng dẫn học hát múa tập thể cho
thiếu nhi;
- Hiểu được một số điểm cần lưu ý khi hướng dẫn múa hát tập thể cho thiếu
nhi.
2. Kĩ năng
- Thực hành được một số tư thế múa, đội hình múa;
- Thực hành được một số bài hát truyền thống của Đội và theo chủ đề năm học;
- Biết hướng dẫn việc học hát và múa trong tập thể Đội
3. Thái độ
- Có ý thức tự giác học tập, yêu thích công tác Đội.
ii. Giới thiệu tiểu mô đun 3
Tiểu mô đun 3 bao gồm 3 chủ đề cơ bản, thực hiện trong 8 tiết, cụ thể như sau :
TT Tên chủ đề Số tiết Trang số
1 - Mục đích, ý nghĩa, vai trò của múa hát tập thể đối 1 tiết 322
với thiếu nhi
2 - Một số tư thế, đội hình múa; phương pháp hướng 3 tiết 325
dẫn hát múa tập thể
3 - Hướng dẫn một số bài hát múa truyền thống và theo 3 tiết 339
chủ đề năm học của Đội.
Cộng 7 tiết
iii. Điều kiện cần thiết để thực hiện tiểu mô đun 3
1. Tài liệu học tập
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo - Vụ giáo viên, Nhạc – Hát và phương pháp
giảng dạy, Nxb Hà Nội, 1994.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phương pháp dạy bộ môn Công tác Đội Thiếu
niên tiền phong Hồ Chí Minh, Nxb Giáo dục, năm 2000.
3. Học viên Thanh Thiếu niên Việt Nam, Giáo trình công tác Đội.
4. Trường Lê Duẩn, Phương pháp tổ chức hoạt động hát múa thiếu nhi, Nxb
Hà Nội, 2005.
2. Chuẩn bị
+ Hội trường, trang âm loa đài, đàn nhạc.
IV. Nội dung

Chủ đề 1: Mục đích, ý nghĩa, vai trò của


múa hát tập thể đối với thiếu nhi (1 tiết)
1. Hoạt động
Hoạt động 1: Tìm hiểu mục đích, ý nghĩa của múa hát tập thể
đối với thiếu nhi (20 phút)
* Thông tin của hoạt động 1: [4, tr 7 - 8]
* Nhiệm vụ cho hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu mục đích của múa hát tập thể đối với thiếu nhi (10
phút)
+ Giáo viên dùng câu hỏi phát vấn, nêu vấn đề giúp học sinh tìm hiểu mục
đích của múa hát tập thể đối với thiếu nhi.
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu ý nghĩa của múa hát tập thể đối với thiếu nhi (10 phút)
+ Giáo viên dùng câu hỏi nêu vấn đề để học sinh nêu lên ý nghĩa của múa
hát tập thể đối với thiếu nhi.
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi 1: Trong hoạt động Đội, việc triển khai hoạt động múa hát tập thể
cho đội viên nhằm mục đích gì?
- Câu hỏi 2: Trình bày ý nghĩa của múa hát tập thể đối với thiếu nhi.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 323 - 324 của giáo trình.
Hoạt động 2: Tìm hiểu vai trò của múa hát tập thể trong hoạt động Đội (20
phút)
* Thông tin cho hoạt động 2: [4, tr 10 - 11].
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Xác định vai trò của múa hát tập thể trong hoạt động Đội (20
phút)
+ Tìm hiểu vai trò và ghi tóm tắt ra giấy vai trò của múa hát tập thể trong
hoạt động Đội.
- Nhiệm vụ 2: Tổng hợp, kết luận về vai trò của múa hát tập thể trong hoạt
động Đội (10 phút)
* Đánh giá hoạt động 2
- Câu hỏi: Em hãy trình bày vai trò của múa hát tập thể trong hoạt động Đội.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 324 - 325 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
Mục đích, ý nghĩa của múa hát tập thể đối với thiếu nhi.
Mục đích
Hoạt động múa hát tập thể cho thiếu nhi nhằm thu hút đông đảo các em tham
gia vào sinh hoạt cộng đồng. Qua đó gắn các em với môi trường học tập, tăng
cường tình đoàn kết thân ái, góp phần giáo dục toàn diện cho đối tượng thiếu nhi.
ý nghĩa
Hoạt động múa hát tập thể góp phần hình thành, phát triển thị hiếu thẩm mĩ
lành mạnh và nâng cao hiểu biết cho các em.
Trong qúa trình thiếu nhi tham gia vào hoạt động múa hát tập thể các em
được tiếp cận với cái đẹp của dáng nét động tác múa, sự biến đổi đẹp mắt trong đội
hình, sự diễn tả tinh tế của bản nhạc, lời ca .v.v. Điều đó sẽ khơi dậy trong các em
những rung cảm mới, khiến các em thấy yêu cuộc sống, yêu mến thiên nhiên, yêu
mến mọi người xung quanh, từ đó thích làm những việc có ích. Thị hiếu lành mạnh
chỉ được phát triển trong một môi trường sinh hoạt có tổ chức, có hướng dẫn. Hoạt
động múa hát tập thể khi đã trở thành thói quen, sở thích của số đông thiếu nhi sẽ
góp phần nâng cao trình độ hiểu biết cho các em. Hoạt động múa hát tập thể tôn
vinh vẻ đẹp hồn nhiên trong sáng của lứa tuổi thiếu nhi, góp phần giữ gìn và phát
triển nghệ thuật múa mang đậm đà bản sắc văn hoá các dân tộc trong đại gia đình
Việt Nam.
Tuổi thiếu nhi là lứa tuổi hoa, các em thích vui chơi có bầu bạn, thích được
múa hát cùng nhau để biểu lộ tình cảm của mình. Các em rất vui sướng khi được tụ
tập tham gia hoạt động tập thể do nhà trường, Đội TNTP Hồ Chí Minh tổ chức.
Ngoài những điệu múa mới dùng phổ cập cho lứa tuổi thiếu nhi, các em còn được
múa những điệu múa cổ truyền mang bản sắc văn hoá của những vùng, miền làm
phong phú cho hoạt động múa hát tập thể của thiếu nhi.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
Vai trò của múa hát tập thể trong hoạt động Đội
Múa hát tập thể là một hoạt động hiện hữu, không thể thiếu trong thực tế triển
khai các nội dung công tác giáo dục thiếu nhi của Đội TNTP Hồ Chí Minh.
Múa hát tập thể là phương tiện tốt để tập hợp thu hút các em tham gia vào
hoạt động do Đội TNTP Hồ Chí Minh làm nòng cốt tổ chức. Hình thức hoạt động
múa hát tập thể tạo nên không khí tưng bừng vui tươi. Các em tham gia múa không
phân biệt ai là khán giả, ai là người biểu diễn nên tránh được sự rụt rèn, xấu hổ.
Ngược lại, khi đã quen nhau các em múa rất hồn nhiên, biết lắng nghe sự điều
khiển của Ban chỉ huy Đội và của các anh chị phụ trách. Đây chính là điều kiện
thuận lợi để Ban chỉ huy Đội, các anh chị phụ trách Đội tiến hành các hoạt động
giáo dục có hiệu quả.
Múa hát tập thể góp phần làm phong phú thêm hình thức và nội dung của các
hoạt động Đội, làm cho sinh hoạt Đội trở nên vui tươi, hấp dẫn đối với các em.
Múa hát tập thể thực hiện chức năng kép, vừa mang tính nghệ thuật, vừa rèn
luyện nâng cao ý thức tổ chức kỉ luật cho mỗi đội viên. Chính sự lồng ghép hoạt
động nghệ thuật vào nội dung sinh hoạt Đội đã làm cho các em tiếp thu nội dung
hoạt động một cách nhẹ nhàng, sinh động, nhưng sâu sắc - đó chính là chất lượng
hiệu quả của công tác giáo dục.
Sinh hoạt tập thể cho các đội viên TNTP Hồ Chí Minh rất cần được coi
trọng. Nét hồn nhiên của các em trong sinh hoạt tập thể, thể hiện tính ưu việt của tổ
chức Đội, nó gắn kết các em thành một khối để thực hiện tốt việc học tập và tham
gia những việc hữu ích cho xã hội. Giá trị của múa hát tập thể đối với Đội TNTP
Hồ Chí Minh là giá trị cộng cảm. Các em đội viên được tụ họp cùng nhau múa hát
tạo nên niềm phấn chấn cho mọi người, làm cho các em thấy gắn bó, tự hào về tổ
chức Đội, để từ đó tự giác thực hiện những nhiệm của người đội viên, góp phần
xây dựng tổ chức Đội vững mạnh.
Ngoài ra múa hát tập thể góp phần nâng cao thể lực, xây dựng tác phong, cử
chỉ đẹp, lời nói hay.
Múa hát tập thể góp phần hình thành, xây dựng phong cách sống lành mạnh,
trong sáng.
Múa hát tập thể góp phần bồi dưỡng tình yêu thiên nhiên, cuộc sống, con
người, những tình cảm này sẽ trở thành tình yêu Tổ quốc, yêu chế độ xã hội, tình
công dân.
Chủ đề 2: Một số tư thế , đội hình múa, phương pháp hướng dẫn hát múa tập
thể (3 tiết)
1. Hoạt động
Hoạt động 1: Làm quen với các thế tay chân cơ bản của nghệ thuật múa (1 tiết)
* Thông tin cho hoạt động 1: [4, tr 27 - 31]
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu các thế tay, thế chân cơ bản của nghệ thuật múa (5 phút)
+ Giáo viên giới thiệu ngắn gọn về các thế tay chân cơ bản của nghệ thuật múa.
- Nhiệm vụ 2: Thực hành các tư thế tay, chân trong nghệ thuật múa(15 phút)
+ Giáo viên múa mẫu và hướng dẫn học sinh thực hành theo múa mẫu.
(hướng dẫn từng thế tay, thế chân
- Nhiệm vụ 3: Tập luyện theo nhóm (10 phút)
+ Giáo viên chia nhóm tập luyện, học sinh luyện tập dưới sự hướng dẫn của
giáo viên và trưởng nhóm.
- Nhiệm vụ 4: Biểu diễn theo nhóm (10 phút)
+ Từng nhóm báo cáo kết quả tập luyện, giáo viên nhận xét, kết luận.
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi 1: Em hãy trình diễn các thế tay cơ bản của nghệ thuật múa.
- Câu hỏi 2: Trình diễn các thế chân cơ bản của nghệ thuật múa.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 327 - 333 của giáo trình.
Hoạt động 2: Phương pháp hướng dẫn hát tập thể (45 phút)
* Thông tin cho hoạt động 2: [1, tr 72 - 74]
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Tổ chức học hát (15 phút)
+ Giáo viên giới thiệu về xuất xứ bài hát, tên tác giả, tác phẩm bài hát và hát
mẫu.
+ Giáo viên dạy từng câu-> ghép nối từng câu, hoàn chỉnh bài hát
+ Giáo viên tập cho các em biểu diễn bài hát mà các em đã hát. Hoặc có thể
gọi nhóm hát tốt lên biểu.
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu phương pháp hướng dẫn hát tập thể (10 phút)
+ Thảo luận nhóm: Để hướng dẫn hát tập thể phải thực hiện những bước nào?
* Đánh giá hoạt động 2
- Câu hỏi: Em hãy trình bày phương pháp hướng dẫn hát tập thể.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 333 - 335 của giáo trình.
Hoạt động 3: Phương pháp hướng dẫn múa tập thể (1 tiết)
* Thông tin cho hoạt động 3: [2, tr 93 - 98]
* Nhiệm vụ của hoạt động 3
- Nhiệm vụ 1: Hướng dẫn mẫu bài múa tập thể (30 phút)
+ Giáo viên giới thiệu điệu múa và cách ứng dụng điệu múa vào các hoạt
động phù hợp. Múa mẫu toàn bài 1 lần.
+ Dạy từng động tác múa ứng với mỗi câu nhạc, ghép nối từng câu, đoạn
múa, cho đến khi hoàn chỉnh bài múa.
+ Tổ chức kiểm tra theo hình thi giữa các nhóm, cá nhân. Giáo viên nhận
xét, chỉnh sửa.
- Nhiệm vụ 2: Xác định các bước tiến hành hướng dẫn múa tập thể (10 phút)
+ Thảo luận nhóm xác định các bước tiến hành hướng dẫn múa tập thể
- Nhiệm vụ 3: Tìm hiểu một số lưu ý khi hướng dẫn học hát, múa tập thể (5 phút)
* Đánh giá cho hoạt động 3
- Câu hỏi 1: Trình bày các bước hướng dẫn múa tập thể.
- Câu hỏi 2: Trình bày những điểm cần lưu ý khi hướng dẫn hát múa tập thể.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3: Xem trang 335 - 338 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
A- Các thế tay chân cơ bản
a- Sáu thế tay
Thế 1: Hai tay bắt chéo trước ngực, thẳng ức, hai bàn tay dựng thẳng, ngón
cái khép vào giữa bàn tay, lòng bàn tay hướng ra phía ngoài của thân người.
Thế 2: Hai cánh tay đưa cao ngang vai, khuỷu tay hơi gập vào một chút (5
độ), bàn tay mở hướng lên.
Thế 3: Hai bàn tay đưa vào, lên cao tạo thành hình ô van, hai bàn tay mở
hướng lên phía trên, các ngón tay chạm nhau thành vòng khép kín.
Thế 4: Từ trên cao, tay trái xoay cổ tay đưa ra phía trước mặt chếch 45 độ,
khuỷu tay hơi co lại, tay phải vuốt nhẹ đưa xuống thấp phía hông bên phải, khuỷu
tay hơi co, bàn tay cong, lòng bàn tay hướng ra phía ngoài của thân người. (Thế 4
có thể thực hiện đổi vị trí, tay phải cao, tay trái thấp)
Thế 5: tay trái mở ngang với vai, khuỷu tay hơi co, lòng bàn tay hướng lên.
tay phải đưa thẳng cùng chiều vai phải, cổ tay dựng thẳng, lòng bàn tay hướng ra
phía ngoài của thân người.
Thế 6: Tay trái giữ nguyên ở vị trí cao, chếch trước mặt, tay phải vuốt lên
phía trước ngực, khuỷu tay co hướng phía tay trái.
b. Sáu thế chân
Thế 1: Hai bàn chân mép gót chạm nhau, lòng bàn chân và mũi chân mở
thành hình chữ V.
Thế 2: Một chân làm trụ, chân kí đặt lên phía trước của chân trụ (mũi chân
trụ chạm gót chân kia) tạo thành một đường thẳng.
Thế 3: Một chân làm trụ, chân kia đặt gót bàn chân sát gan bàn chân trụ
hướng mũi chân ra phía ngoài của thân người.
Thế 4: Một chân làm trụ, chân kia để kí sau chân trụ (nửa bàn chân trên đặt
sau gót chân trụ), gót rời khỏi mặt sàn
Thế 5: Một chân làm trụ, chân kia vắt chéo qua chân trụ cách nhau một bàn
chân, mũi chân trụ đối với gót chân kí.
Thế 6: Một chân làm trụ, chân kia đặt nửa bàn chân trên sát gan bàn chân
trụ, gót chân nhấc khỏi mặt bàn.

6 thế tay
Bước ngang - dập chân

Nhảy đơn

Nhảy dậm co chân Dậm nhảy mở tay


c. Những bước đi thường dùng trong múa hát tập thể thiếu nhi
Tiến – lùi đập chân:
+ Tiến - đập chân:
Từ tư thế đứng thẳng, một chân bước lên phía trước mặt một bước làm trụ,
chân kia rút lên theo đập nhẹ một cái rồi đặt ở cạnh bàn chân trụ
+ Lùi - đập chân:
Một chân lùi sau một bước đứng làm trụ, chân kia rút theo về đập nhẹ một
cái rồi đặt ở cạnh bàn chân trụ.
+ Tiến 3 bước - đập chân:
Đếm 1, 2, 3: hai chân bước thay nhau 3 bước tiến về phía trước mặt.
Đếm 4: Chân nào đang ở sau thì rút lên đập một cái rồi để cạnh bàn chân
làm trụ.
+ Lùi 3 bước - đập chân:
Đếm 5, 6, 7: hai chân bước thẳng nhau lùi về phía sau 3 bước.
Đếm 8: chân nào đang ở phía trước thì rút về đập một cái rồi để cạnh bên
chân làm trụ.
Sang ngang - đập chân:
+ Bước sang bên phải - đập chân:
Chân phải bước sang bên phải một bước, hai chân song song nhau. Chân trái
rút về đập một cái cạnh bàn chân phải.
+ Bước sang bên trái - đập chân:
Chân trái bước sang bên trái một bước, hai chân song song nhau. Chân phải
rút về đập một cái đặt cạnh bàn chân trái.
Bước đi sang ngang hai bên phải, trái:
+ Bước đi sang ngang bên phải;
Đếm 1: Chân phải bước sang phải một bước.
Đếm 2: Chân trái thu về đặt bàn chân trái song song chân phải.
Đếm 3: Chân phải bước tiếp một bước sang phải.
Đếm 4: Chân trái nhấc, đập nửa bàn chân trên đặt cạnh gan bàn chân phải.
Đếm 5: Chân trái bước sang trái một bước.
Đếm 6: Chân phải thu về cạnh chân trái.
Đếm 7: Chân trái bước tiếp một bước sang trái.
Đếm 8: Chân phải nhấc đập nửa bàn chân trên rồi đặt cạnh bên bàn chân trái.
Cách đếm làm động tác : Bước – chập – bước - đập.
Bước nhảy kép:
Cùng một nhịp chân vừa nhảy co lên vừa chạm xuống mặt đất.
Đếm “tà”: Lấy đà nhảy co một chân lên
Đếm 1: Hai chân chạm mặt đất.
Dậm nhảy – vung tay:
Đếm 1,2,3: hai chân dậm đều tại chỗ như nghi thức Đội ba cái.
Đếm 4: Hai tay vung mở sang hai bên phải, trái của thân người đồng thời
nhảy lên, một chân thẳng, một chân co đầu gối.

Đội hình múa


Mỗi bài múa có đội hình riêng, được sáng tạo bởi người biên đạo múa.
Mời các em cùng làm quen với một số đội hình thường được sử dụng khi
triển khai múa hát tập thể.
+ Đội hình hàng ngang:
Các hàng ngang cùng hướng mặt về một phía, đứng so le nhau. Khi múa
múa có thể chuyển đổi vị trí giữa các hàng.
Đội hình cần sân rộng để triển khai.
x x x x x x x
x x x x x x
x x x x x x x
x x x x x x
+ Đội hình hàng dọc:
Các hàng đứng thành khối, hàng đẹp mắt như đội hình chào cờ đầu tuần, mặt
hướng về lễ đài.
Với đội hình hàng dọc, liên đội có thể tổ chức thi múa hát tập thể giữa các
khối , lớp.
x x x x x x x x x x x x
x x x x x x x x x x x x
x x x x x x x x x x x x
x x x x x x x x x x x x
+ Đội hình vòng tròn:
Được sử dụng nhiều trong sinh hoạt lửa trại.
Đội hình vòng tròn thích hợp với các động múa cộng đồng.
+ Đội hình chữ U:

Là đội hình phù hợp với các hoạt động múa hát tập thể của chi đội. Có thể tổ
chức thi múa hát tập thể giữa 3 phân đội ở đội hình này.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
Phương pháp hướng dẫn hát tập thể
- Bước 1: Trình diễn giới thiệu bài hát:
Yêu cầu:
- Người dạy phải biết hát: đúng cao độ, trường độ, sắc thái tình cảm. Hát
nhiệt tình, giầu tính biểu hiện.
- Biết giao lưu tình cảm và thu hút sự hưởng ứng của người học hát
Vì vậy, việc chuẩn bị trình diễn giới thiệu bài hát của người dạy hát là rất
quan trọng. Sự trình diễn giới thiệu bài hát tốt sẽ khơi dậy trong người học hát
những cảm xúc tốt đẹp, kích thích trí tưởng tượng, sự ham muốn được tự thể hiện
mình của các em.
- Bước 2: Trao đổi sau khi học sinh đã nghe trình diễn giới thiệu bài hát.
+ Mục đích: Qua mạn đàm, trao đổi, người hướng dẫn tìm hiểu được năng
lực cảm thụ bài hát của người học hát.
+ Yêu cầu: Tập cho các em phát biểu bộc lộ cảm xúc và sự đánh giá của
mình. Và bước đầu giúp các em “khám phá” bài hát mình sẽ được học.
- Bước 3: Giới thiệu bài hát
+ Giới thiệu tóm tắt thân thế sự nghiệp của tác giả bài hát.
+ Trình bày xuất xứ của bài hát.
+ Đọc lời ca một vài lần thật rõ ràng, mạch lạc nhưng tránh giải thích về ngữ
nghĩa.
- Bước 4: Nghe trình diễn lại
+ Nhằm củng cố những ấn tượng mà người học đã thu nhận.
+ Khắc sâu một cách toàn diện hình tượng bài hát mà các em đã nghe, đã
mạn đàm, trao đổi.
- Bước 5: Hướng dẫn tập hát
+ Hướng dẫn tập hát là khâu trung tâm có ý nghĩa quyết định trong quá trình
dạy hát và giáo dục âm nhạc.
+ Khi tập hát, bài hát không chỉ dừng lại ở chỗ giới thiệu để nghe, mà dưới
sự chỉ đạo của người dạy, người học vừa hát vừa thâm nhập vào trong bài hát, làm
cho bài hát được bộc lộ ra càng ngày càng rõ về âm điệu, nhịp điệu, chứa đựng
trong đó vẻ đẹp tình cảm của con người, biến bài hát trở thành sản phẩm của các
em, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn các em.
+ Về dạy lời ca và giai điệu: Trong bài hát, lời ca và giai điệu là một khối
thống nhất không thể tách rời. Yêu cầu chung khi tập cho các em là:
Tập song song cả lời ca và giai điệu
Tập thuộc từng câu hát
Chỉ tập chia nhỏ câu khi câu hát dài
“Công cụ” quan trọng của người dạy hát là phải có giọng hát, còn phương
pháp là hát mẫu.
Yêu cầu hát mẫu là trong tiếng hát mà người dạy hát phải bao gồm:
+ Câu hát mà các em sẽ hát.
+ Kĩ thuật hát phổ thông
+ Cách biểu diễn:
Hát mẫu phải thật chuẩn xác, về âm nhạc, rõ ràng về lời ca, giàu cảm xúc.
Hát mẫu gắn liền đồng thời với lấy giọng.
Khi các em “bắt vào” yêu cầu là: Người dạy hát phải biết lắng nghe theo dõi
+ Về phương pháp sửa sai: Các em hát sai có nhiều nguyên nhân:
Thiếu sự chú ý
Âm vực hát còn chưa phát triển
Nhút nhát, thiếu tích cực tham gia.
Việc sửa chữa phải tuỳ theo từng nguyên nhân mà có biện pháp giải
quyết sát hợp.
+ Để tránh hát sai, phương pháp tốt nhất là:
Dự kiến trước những chỗ học sinh sẽ hát sai
Tập hát thật đúng ngay từ đầu.
Nếu hát sai phải sửa ngay. Sửa đúng rồi mới tập hát tiếp.
Trường hợp khi đã hát sai, phương pháp chủ yếu là phương pháp so sánh dẫn
giải bằng âm thanh kết hợp với phương pháp hát mẫu thực hành trực tiếp.
+ Về tập biểu diễn.
Tập cho các em biểu diễn bài hát các em đã hát là một hình thức ôn tập,
kiểm tra đánh giá quá trình học bài hát đó. Nó không chỉ có tác dụng củng cố, nâng
cao hơn nữa chất lượng thể hiện bài hát mà còn bồi dưỡng cho các em về mặt mĩ
cảm, sự tinh tế, tinh thần cộng đồng và tính kỉ luật sâu sắc, lòng tự tin, tình yêu đối
với nghệ thuật.
Việc biểu diễn có thể tiến hành dưới hình thức hát, cá nhân, hát 2,3 em một
nhóm, nửa lớp hoặc cả lớp.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3
Phương pháp hướng dẫn múa tập thể:
Yêu cầu đối với người hướng dẫn yêu cầu đối với người học múa
Múa là bộ môn nghệ thuật thích hợp với hoạt động của thiếu nhi. Để bộ môn
múa nói chung và hoạt động múa trong sinh hoạt cộng đồng nói riêng đạt hiệu quả
cao, cần nắm vững yêu cầu sau đây:
A- Yêu cầu đối với người hướng dẫn múa
- Thao tác kĩ năng thuần thục về những điệu múa hoặc những động tác cơ
bản trước khi dạy.
- Có cách thức tổ chức và phương pháp truyền đạt kĩ năng múa.
- Biết cách xử lí các tình huống diễn ra khi đang dạy múa.
- Có phong cách thích hợp cho việc dạy múa:
+ Đi đứng: linh hoạt, nhanh nhẹn.
+ ăn mặc gọn gàng, tiện cho việc thao tác động tác múa.
+ Nói năng mạch lạc, rõ ràng, thái độ chân tình, cởi mở, luôn giúp đỡ người
học vượt qua những hạn chế để đạt kết quả trong tập luyện.
- Tập làm quen với những khẩu ngữ thường dùng khi dạy múa.
Ví dụ các khẩu lệnh:
+ Triển khai đội hình, dàn hàng …: Đội hình ở đây có thể là hàng ngang,
dọc, vòng tròn hoặc chữ U như đội hình trong nghi thức.
+ “Chuẩn bị! Bắt đầu!”: Khi hô giữa các khẩu lệnh chuẩn bị và bắt đầu có sự
dãn cách để các em kịp chuẩn bị thực hiện khẩu lệnh cho chuẩn.
+ Hô đếm: hô đếm loại động tác mạnh: khẩu lậnh hô sắc gọn dứt khoát, hô
đếm loại động tác nhịp nhàng: hô mềm và kéo dài về cuối từ.
+ Phách nhẹ lấy đà.
- Người hướng dẫn cần biết lựa chọn những điệu múa phù hợp với nội dung
hoạt động của các em, thiết thực phục vụ cho các chủ đề trong năm học, chương
trình hoạt động công tác Đoàn, Hội, Đội và hoạt động vui chơi giải trí do Đoàn,
Hội, Đội làm nòng cốt tổ chức.
+ Với những điệu múa biểu diễn: Nên chọn những điệu phù hợp với khả
năng và phong cách diễn tả của các em để việc học múa đạt kết quả cao.
+ Với những điệu múa dùng cho sinh hoạt cộng đồng: chọn những điệu có
tiết tấu vui, ngắn, gọn, mang tính phổ cập dễ nhớ.
- Nên chọn những điệu múa có thể sử dụng được nhiều lần trong năm học.
B- Yêu cầu với người học múa
- Giáo viên giúp cho các em nắm được mục đích, yêu cầu của việc học múa.
Việc làm này giúp cho các em bớt đi sự ngại ngùng, có tâm thế tự tin bước vào tập
luyện.
- Các em cần mạnh dạn thể hiện khả năng của mình trong quá trình thực
hiện điệu múa. Khi người học đã nắm chắc kĩ năng động tác múa thì sẽ tự tin và
sức truyền cảm được thể hiện rõ.
- Khi các em gặp phải những động tác múa mà bản thân chưa thể vượt qua được
ngay thì cần bình tĩnh thực hiện động tác theo tiết tấu chậm vừa với sức tiếp thu của
mình. Sau đó tăng độ nhanh dần để đúng với yêu cầu của âm nhạc.
- Người hướng dẫn thực hiện động tác mẫu, các em cần quan sát kĩ chưa
nên làm theo ngay.
- Khi học múa các em cần ăn mặc gọn gàng, không sử dụng dép lê trong giờ học múa.
C- Quy trình dạy múa
- ổn định tổ chức
- Giới thiệu ngắn gọn về điệu múa và cách ứng dụng điệu múa vào các hoạt
động phù hợp.
- Múa mẫu điệu múa, múa mẫu từng động tác.
- Dạy từng động tác múa ứng với mỗi câu nhạc. Chú ý đếm làm động tác rồi
mới ghép nhạc.
- Ghép nối từng câu, đoạn múa lại với nhau theo kiểu nối móc xích.
- Tổ chức kiểm tra theo hình thức thi múa giữa các nhóm, cá nhân.
- Người hướng dẫn nhận xét đánh giá kết quả buổi tập, nhắc nhở ôn luyện
những kĩ năng động tác chưa nắm vững.
- Mời tất cả các em cùng tham gia vui múa để ghi nhớ động tác, cảm ơn sự
chú ý lắng nghe bài giảng và tập luyện của các em. Buổi tập kết thúc.
Một số lưu ý khi hướng dẫn học hát múa tập thể
Thứ nhất, phải biết lựa chọn những bài hát, điệu múa tập thể sao cho phù
hợp với nội dung chủ đề, chủ điểm, có tiết tấu, giai điệu vui, động tác đơn giản, dễ
múa, thể hiện tính cộng đồng, tập thể cao.
Múa hát tập thể dùng cho thiếu nhi cần những bài vui, ngắn gọn, mau thuộc,
dễ nhớ. Múa cho cộng đồng nếu dùng những bài hát quá dài, động tác phức tạp sẽ
khiến cho các em khó nhớ, lúng túng khi thực hiện điệu múa, dễ gây cảm giác bực
bội, chán nản. Múa hát tập thể lấy hiệu quả chung là chủ yếu, tránh sa vào những
chi tiết động tác vụn vặt. Các động tác trong điệu múa phải rõ ràng, gắn với câu
nhạc, phách nhạc cụ thể giúp cho việc đếm làm động tác dễ dàng.
Thứ hai, phải biết đa dạng hoá chủ đề, nội dung gắn với đặc điểm tâm lí lứa
tuổi thiếu nhi – vui tươi, hồn nhiên, trong sáng, dung dị, nên lựa chọn cách cấu trúc
đơn giản trong di chuyển đội hình. Qua thực tế, múa hát tập thể cho đối tượng
thiếu niên trung bình nên dùng 3 động tác chính làm chủ đạo cho điệu múa là vừa
đủ, với nhi đồng nên 2 bài là vừa phải. Múa hát tập thể không chỉ phục vụ cho
trình diễn trong các buổi khai mạc, bế mạc chủ đề, chủ điểm, mà cần đưa nó vào
hoạt động ngay trong quá trình thực hiện nội dung để các em nhận thức chủ đề, chủ
điểm một cách có ý thức.
Thứ ba, trong khi tổ chức tập luyện cần chú ý:
Chuẩn bị bài
Trước hết phải chuẩn bị bản nhạc, bài hát của điệu múa và học thật thuộc,
tập luyện nhuần nhuyễn các động tác cảu điệu múa. Phân chia bài hát và động tác
ra thành từng câu, từng đoạn kết hợp với đếm. Đánh dấu những chỗ khó, phức tạp
và cách xử lí để khi hướng dẫn chú ý giải quyết. Chuẩn bị các phương tiện giảng
dạy như phấn, bảng, đạo cụ .v.v... (nếu cần đến một số em nòng cốt múa mẫu phải
có sự luyện tập trước theo yêu cầu của người hướng dẫn). Bài soạn cần được ghi
lại bằng văn bản để tiện cho việc ghi nhớ khi dạy múa.
Thời gian luyện tập
Đối với thiếu niên luyện tập 90 phút có giải lao giữa giờ. Đối với nhi đồng
nên 60 phút có giải lao giữa giờ. Trong một buổi tập không nên cho các em nghỉ
giải lao lâu quá vì sự linh hoạt của cơ thể các em khó hồi phục. Nghỉ giải lao từ 10
đến 15 phút là vừa.
Chọn địa điểm thuận tiện cho việc đi lại của các em.
Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện tập luyện như loa, đài, bảng, phấn, còi, bản
nhạc …
Chuẩn bị nước uống đảm bảo vệ sinh cho các em
Nếu tập ngoài sân, bãi cần nhắc các em mang theo mũ nón. Tuyệt đối bảo
đảm an toàn cho các em. Không để các em vui đùa xô đẩy nhau ngã, không để các
em đùa nghịch, chạy đuổi nhau. Không bố trí đại điểm tập quá gồ nghề, mấp mô,
không tập quá giờ quy định và luôn nhắc nhở các em về nội quy, kỉ luật, chấp hành
luật lệ giao thông.
Chủ đề 3: Hướng dẫn một số bài hát múa
truyền thống của đội (3 tiết)
1. Hướng dẫn một số bài hát múa truyền thống của Đội
Hoa thơm dâng Bác
- Sáng tác: Nhạc sĩ Hà Hải
- Biên soạn múa: Thuý Cảnh
* Hướng dẫn sử dụng
Múa hát tập thể “Hoa thơm dâng Bác” dành cho các em đội viên TNTP Hồ Chí
Minh múa chào mừng đại hội cháu ngoan Bác Hồ các cấp
* Đội hình múa
Các đội viên đứng thành nhiều vòng tròn, rải đều trên sân. Số đứng ở mỗi
vòng tròn từ 5 đến 7 đội viên.
* Cách tiến hành đội múa như sau:
Động tác 1: Đi quanh vòng tròn.
- Lời ca “Những cháu ngoan Bác Hồ khăn hồng bay rực rỡ như những bông
hoa thơm, hoa đẹp chăm miền”
- Hai câu trên thực hiện động tác nắm tay nhau thành một vòng tròn, đi đều
15 bước theo chiều ngược kim đồng hồ, bước thứ 16 dừng lại, mặt hướng vào tâm
vòng tròn.
Động tác 2: Vung từng tay sang bên phải, trái, phải, trái
- Lời ca: “Cùng về đây/ khoe sắc thắm/ cùng về đây/ngát hương thơm”
- Câu hát đầu: Đứng dậm chân tại chỗ, tay phải vung quanh qua ngực lên
cao, rồi mở qua phía bên phải xuống thấp ngang thân người.
- Câu hát thứ hai: Tay trái vung qua trước ngực lên cao, rồi mở qua phía bên
trái xuống thấp ngang thân người , tay phải xuôi theo thân người.
- Câu hát thứ ba và thứ tư: Thực hiện động tác vung tay phía bên phải, bên
trái như câu hát đầu và thứ hai.
Động tác 3 : Hoa thơm dâng Bác
- Lời ca “Bông hoa nghìn việc tốt/ Bông hoa học hành chăm/ Bông hoa chi
đội mạnh/ Đều xứng đáng mang tên/.)
- Câu hát đầu: Dậm đều chân tại chỗ. Hai cánh tay khép lại, hai cổ tay để sát
nhau, hai bàn tay mở ra như bông hoa ngực đưa lên cao thẳng phía trước trán
- Câu hát thứ hai: Hai tay mở sang hai bên phải, trái rồi thấp ngang thân
người.
- Câu hát thứ ba và thứ tư: Các em thực hiện lại động tác hai tay lên cao,
xuống thấp một lần nữa như câu hát đầu và câu hát thứ hai
Động tác 4: Xứng danh cháu ngoan Bác Hồ
- Lời ca “Cháu ngoan Bác Hồ/ là những bông hoa thơm/ kính dâng Bác Hồ”
- Câu hát đầu: Các em đứng tại chỗ vỗ tay 4 cái
- Câu hát thứ hai: Đi đều quanh mình một vòng
- Câu hát thứ ba: Tất cả các em giơ hai tay lên cao vẫy chào. Sau đó điệu
múa được múa lại từ đầu với lời hai của bài hát
- Lời 2 của bài hát: “Những cháu ngoan Bác Hồ khăn hồng bay rực rỡ, như
nhắc em ghi sâu 5 điều Bác Hồ dạy. Vì ngày mai luôn phấn đấu, vì ngày mai hãy
vươn lên thi đua nghìn việc tốt, thi đua học hành chăm, thi đua xây dựng Đội - để
xứng đáng mang tên cháu ngoan Bác Hồ, là những bông hoa thơm kính dâng Bác
Hồ”.
Đội hình
Động tác tay phải vờn bên phải

Động tác bật gót chân - vỗ tay Động tác nhấn - bước, nhẫn nhảy tại chỗ
Em là mầm non của Đảng
- Sáng tác: Nhạc sĩ Mộng Lân
- Biên soạn múa: Thuý cảnh
* Hướng dẫn sử dụng
Điệu múa “Em là mầm non của Đảng” dành cho lứa tuổi đội viên TNTP Hồ
Chí Minh, múa hát chào mừng ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang
vinh. Ngoài ra, điệu múa còn được trình diễn trong những ngày trọng đại của đất
nước nhằm biểu lộ tình cảm hân hoan của thiếu nhi đối với Đảng, đất nước, các thế
hệ cách mạng cha anh.
* Đội hình múa
Đứng thành đội hình sao cho đẹp mắt, phù hợp với địa điểm trình diễn. đội hình
có thể là những hàng dọc, hàng ngang, chữ V vòng cung hoặc vòng tròn...
* Cách tiến hành điệu múa
Động tác 1: “Em là mầm non của Đảng”
- Lời ca “Em là búp măng non/ em lớn lên trong mùa cách mạng/ sướng vui
có Đảng tiền phong/ có Đảng như ánh thái dương/ sống yên vui trong tình yêu
thương/ cuộc đời ngàn năm bừng sáng/”
- Câu hát đầu: Đứng tại chỗ, dậm chân như Nghi thức Đội, đồng thời hai
lòng bàn tay từ hai bên chập vào nhau phía trước ngực, rồi đưa vút lên cao như búp
măng
- Câu hát thứ hai: Hai tay trên cao mở hai bàn tay như đoá hoa, rồi đưa sang
hai bên thân người, từ từ hạ xuống thấp.
- Câu hát thứ ba: Hai tay đưa lên cao như câu đầu
- Câu hát thứ tư: Hai tay hạ xuống như câu hai
- Câu hát thứ năm: Hai tay đưa lên cao như câu đầu
- Câu hát thứ sáu: Hai tay hạ xuống như câu hai
Động tác 2: “Khăn quàng thắm vai em”
- Lời ca: “Khăn quàng thắm vai em/ ghi chiến công anh hùng cách mạng/
tiếng thơm muôn đời còn vang/ sáng ngời ý chí đấu tranh/ bước lên theo lí tưởng
quang vinh/ của Đảng tiền phong dẫn đường/”
- Từ câu 1 đến câu 4: Dậm chân đều, hai tay đưa lên cao lướt sang từng bên
phải, trái (4 lượt, mỗi câu hát lướt sang một bên)
- Câu hát thứ 5: Đưa hai tay lên cao mở vát hình chữ V, đi quanh mình một
vòng
- Câu hát thứ 6: Đứng tại chỗ vỗ tay 4 cái
Động tác 3: “Múa hát mừng Đảng”
- Lời ca: “Tiếng hát của chúng em/ bay qua muôn trùng sông núi/ ghi công
ơn của Đảng/ tiền phong em sướng vui”
- Câu hát đầu: Tiến về phía trước ba bước kết hợp với hai tay vuốt lên cao.
sau đó chân phía sau nhấc lên đập để cạnh chân trụ
- Đếm 1,2,3 - bước tiến
- Đếm 4 - một chân đập để cạnh chân trụ
- Câu hát thứ hai: Bước lùi phia sau
- Bước lùi phía sau 3 bước đồng thời kết hợp với hai tay vuốt nhẹ xuống
thấp hai bên thân người
- Đếm 1,2,3 - Bước lùi
- Đếm 4 - một chân đập để cạnh chân trụ, hai tay xuống thấp.
- Câu hát thứ ba và thứ tư: động tác thực hiện như câu đầu và câu thứ hai
Động tác 4: “Có Đảng cuộc đời nở hoa”
- Lời ca: “có sách mới , áo hoa/ đây là nhờ ơn Đảng ta/ vui tung tăng vang
ca/ có Đảng cuộc đời nở hoa”
- Câu hát đầu và 2: Vỗ tay kết hợp với nhảy đưa xéo chân sang phía phải,
trái thay nhau (4 lượt).
- Câu hát thứ 3 và 4: hai tay đưa lên cao, cuộn cổ tay, hất bàn tay đều đặn kết
hợp với lấy đà nhảy co từng chân thay nhau quanh mình một vòng.
- Điệu múa được múa lại từ đầu bài hát.
Đội hình múa
em là mầm non của đảng

- Sáng tác: Nhạc sĩ Mộng Lân


- Biên đạo múa: Thuý Cảnh

Tay vươn cao

Hai tay vờn bên phải Hai tay vờn bên trái
Nhảy xéo chân vỗ tay Hai tay cao nhảy quanh mình
Hành khúc Đội TNTP Hồ Chí Minh
- Sáng tác: Nhạc sĩ Phạm Tuyên
- Biên soạn múa: Thuý Cảnh

* Hướng dẫn sử dụng


Múa hát tập thể Hành khúc Đội TNTP Hồ Chí Minh dành cho các em Đội
viên múa chào mừng ngày thành lập Đội 15/5 hoặc các đại hội lớn của Đội TNTP
Hồ Chí Minh.
* Đội hình múa
Đứng theo hàng, khối vuông vắn, mặt hướng lên lễ đài (nếu đứng tại chỗ
múa)
Xếp thành 3 hoặc 4 em kế tiếp nhau (múa diễu hành)
Cách tiến hành điệu múa:
Động tác 1
- Lời ca “Nghe chăng câu hát/ chúng em anh Kim Đồng ơi/ rộn vang trời
tháng tám/ sáng ngời/ màu cờ tranh đấu/ thắm hồng khăn quàng đỏ/ rực hồng trên
đất nước/ tự do”
- Câu hát đầu: Dậm đều chân tại chỗ, tay trái để xuôi theo thân người, tay
phải vuốt đưa lên cao 450 trước mặt, bàn tay hướng lên trời.
- Câu hát thứ hai: Tay phải lật úp lòng bàn tay, từ từ hạ xuống thấp ngang
thân người.
- Câu hát thứ ba: Chuyển sang tay trái, tay phải để xuôi theo thân người, tay
trái vuốt đưa lên cao xế 450 trước mặt, bàn tay hướng lên trời.
- Câu hát thứ tư: Tay trái hạ thấp. Tay trái lật úp lòng bàn tay hạ xuống thấp
ngang thân người.
- Câu hát thứ năm, sáu: quy trình động tác thực hiện tay lên cao, xuống thấp
bên phía tay phải.
- Câu hát thứ bảy, tám: quy trình động tác thực hiện tay lên cao, xuống thấp
bên phía tay trái.

Động tác 2
- Lời ca: “Đi trong nắng mới/ dưới lá cờ Đội bay phấp phới/ Tổ quốc yêu
thương/ mong chúng em mau trưởng thành”
- Câu hát đầu : Dậm chân đều tại chỗ, hai tay đưa lên cao vờn sang phải bên
phải.
- Câu hát thứ hai: Hai tay vờn sang phía bên trái.
- Câu hát thứ ba: Hai tay vờn sang phía bên phải.
- Câu hát thứ tư: Hai tay vờn sang phía bên trái
Động tác 3
- Lời ca: “Lòng tự hào/ nguyện xứng đáng/ với danh hiệu/ quang vinh”
- Câu hát đầu: hai bàn tay của mỗi em xốc qua nhau, đưa thẳng lên cao, mở
vát hình chữ V.
- Câu hát thứ hai: Hai tay từ trên cao mở xuống hai bên của thân người.
- Câu hát thứ ba: Hai tay xốc lên trên cao.
- Câu hát thứ tư: Hai tay mở xuống thấp hai bên của thân người.
Động tác 4
- Lời ca: “Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh/”
- Câu hát trên dậm đều chân tại chỗ, tay phải chào theo Nghi thức Đội.
- Sau đó điệu múa được múa lại từ đầu theo lời 2 của bài hát.
- Chú ý: Nếu múa diễu hành, nhớ đánh mặt về phái khán đài khi diễu qua.
Hôm nay là đôi viên, ngày mai là đoàn viên
- Sáng tác: Nhạc sĩ Hoàng Vân
- Biên soạn múa: Thuý Cảnh
* Hướng dẫn sử dụng điệu múa
Dùng cho các em đội viên tiểu học.
Điệu múa được sử dụng trong hoạt động chào mừng ngày thành lập Đội
TNTP Hồ Chí Minh, trong các hoạt động chủ đề ca ngợi truyền thống của Đội.
* Đội hình
Xếp hàng thành nhiều vòng đứng rải đều trên sân. Mỗi vòng tròn có số
lượng từ 5 đến 7 em. Trong đó có một em làm trưởng nhóm.
* Cách tiến hành điệu múa
Nhạc dạo: Đứng tại chỗ, vỗ tay theo đoạn nhạc câu cuối của bài hát.
Động tác 1:
- Lời ca: “Mỗi khi mùa xuân về, chặng đường em đi tới đã tiến một bước
xa”- Từng vòng tròn nắm tay nhau đi vòng theo tuyến chuyển động ngược chiều
kim đồng hồ 15 bước, bước thứ 16 dừng tại chỗ.
Động tác 2
- Lời ca: “Mỗi khi mùa hè qua, cánh cửa trường rộng mở, chào đón em bước
ra”.
- Trưởng nhóm của mỗi vòng tròn: tay trái chống nạnh, tay phải giơ cao vẫy,
giậm chân tại chỗ làm chuẩn.
- Các bạn còn lại ở mỗi vòng tròn đi đều bước, vỗ tay tiến về phía sau bạn
trưởng nhóm thành 1 hàng.
Động tác 3
- Lời ca: “Hôm nay là đội viên, ngày mai là đoàn viên, em đi tới những chân
trời xa”.
- Tay trái của mỗi em đặt lên vai trái của bạn đứng trước mình, tay phải đưa
lên cao, bàn tay hướng phía trước.
- Trưởng nhóm của mỗi vòng tròn: dẫn các bạn đi toả ra các hướng tự chọn
vừa đi vừa vẫy tay sang phải trái, đều theo nhịp của câu hát.
- Chú ý: các đoàn của mỗi vòng khi đi không được “đâm” vào nhau, hoặc mỗi
nhóm không đứt rời nhau.
Động tác 4
- Lời ca “Hôm nay là đội viên, ngày mai là đoàn viên”.
- Các hàng đứng lại: tay trái của các em trống nạnh.
Nắm tay nhau đi vòng tròn

Một em làm chuẩn, chuyển vòng tròn thành một hàng


Các hàng toả đi các hướng
2. Hướng dẫn một số bài hát múa theo chủ đề năm học
Hát dưới trời Hà Nội
- Sáng tác: Nhạc sĩ Phạm Tuyên
- Biên soạn múa: Thuý Cảnh
* Hướng dẫn sử dụng
Múa hát tập thể “Hát dưới trời Hà Nội” dành cho các em ở lứa tuổi học sinh
thiếu nhi Thủ đô, chào mừng “Thủ đô anh hùng, thành phố vì hoà bình” hoặc nhân
ngày kỉ niệm giải phóng Thủ đô 10/10
*Đội hình múa
Đứng thành khối, hàng đẹp mắt như đội hình chào cờ đầu tuần ở trường phổ
thông, mặt hướng về lễ đài.
* Cách tiến hành điệu múa
Động tác 1
- Lời ca “Đi nơi đâu ta vẫn nhớ tới chốn đây/ sông Hồng nặng phù sa cuồn
cuộn sóng”
- Câu hát đầu: Thực hiện động tác đứng dậm chân tại chỗ, tay đánh đều như
nghi thức Đội (8 cái)
- Câu hát thứ hai: Chân dậm đều tại chỗ, tay phải của mỗi em vung cao, mở
sang phải bên phải, tiếp đến tay trái vung lên cao mở sang bên trái.
Động tác 2
- Lời ca: “Cây sum suê bên hàng nước biếc xanh/ sáng ánh sao bên Hồ
Gươm soi bóng”
- Câu hát đầu: các em đứng thực hiện động tác dậm chân tại chỗ, đánh tay
như nghi thức Đội (8 cái).
- Câu hát thứ hai: chân dậm đều tại chỗ, tay phải đưa lên cao, mở sang phải
sau đó tay trái vung lên cao mở sang trái
Động tác 3
- Lời ca: “Trời mây vẫn in hình ảnh Thăng Long/ đời đời còn ghi những
chiến công ta bảo vệ non sông”
- Câu hát đầu: tất cả các em bước chân phải lên phía trước mặt 1 bước, tay phải
đưa cao, mắt hướng theo tay, chân trái thẳng, tay trái duỗi thẳng theo thân người.
- Câu hát thứ hai: (chân phải rút về vị trí thẳng) chân trái bước lên phía trước
mặt một bước, tay trái đưa cao, mắt hướng theo tay, chân phải thẳng, tay phải duỗi
thẳng theo thân người.
Động tác 4
- Lời ca “Hương hoa thơm ngất ngây/ Lời Bác vọng đâu đây/ giữa chốn Ba
Đình/ tung cờ bay”
- Câu hát đầu: tất cả các em dậm chân tại chỗ, đồng thời hai bàn tay xốc qua
nhau từ phía trước ngực lên cao như đài hoa.
- Câu hát thứ hai: từ trên cao, hai tay tung mở sang hai bên phải, trái của
thân người.
- Câu hát thứ ba: thực hiện lại động tác câu hát đầu.
- Câu hát thứ tư: thực hiện lại động tác câu hát thứ hai.
Động tác 5
- Lời ca: “Cùng đi lên cất tiếng ca trong lành tiếng hát của tuổi xuân”
- Câu hát đầu: các em thực hiện động tác tiến.
- Đếm 1,2,3 các em đi tiến lên phía trước 3 bước kết hợp với 2 tay từ 2 bên
thân người vuốt nâng lên cao mở như chữ V.
- Đếm 4: hai tay dừng trên cao, đồng thời chân đập nhẹ để cạnh chân kia.
- Câu hát thứ hai: các em thực hiện động tác lùi.
- Đếm 5,6,7: các em lùi về phía sau 3 bước đồng thời hai tay hạ thấp.
- Đếm 8 : hai tay dừng ở vị trí thấp của thân người, đồng thời vuốt chân đạp
nhẹ để cạnh chân kia.
- Câu hát thứ ba: thực hiện động tác tiến như câu hát đầu.
- Câu hát thứ tư: thực hiện động tác lùi như câu hát thứ hai.
Động tác 6
- Lời ca: “Đường ta đi nối bao chiến công của cha anh khúc nhạc truyền
thống ngân vang đất trời”
- Câu hát đầu: Tự mỗi em đi đều bước quanh mình 1 vòng
- Câu hát thứ hai: Tất cả các em đứng tại chỗ ở tư thế thẳng vỗ tay 8 cái.
Động tác 7
- Lời ca: “Hà Nội vững bước xây dựng cuộc sống mới/ ngày càng rực rỡ màu
cờ thắm tươi/ một vườn hoa đang vươn lên / khoe hương sắc mặt người”
- Câu hát đầu: Đi diễu hành phía bên phải. Tay trái đặt bàn tay ra phía sau
thắt lưng, lòng bàn tay mở ra phía ngoài của thân người.
- Tay phải: Đưa lên cao thành một vòng cung, lòng bàn tay hướng ra phía ngoài
của thân người, mặt đánh về phía khán đài, đi đều bước về phía bên phải 8 bước.
- Câu hát thứ hai: Thực hiện động tác đi diễu hành phía bên trái.
- Tay phải: Đặt bàn tay ra sau thắt lưng, lòng bàn tay mở ra phía ngoài của
thân người.
- Tay trái: Đưa lên cao thành một vòng cung, lòng bàn tay hướng ra phía ngoài
của thân người. Mặt đánh về phía khán đài, đi đều bước về phía bên trái 8 bước.
- Câu hát thứ 3: hai tay đưa lướt bên phải. Tất cả các em hướng mặt về phía
khán đài.
- Đếm 1,2,3: chân phải bước sang phải 1 bước, tiếp theo chân trái chập để
cạnh chân phải, chân phải bước tiếp một bước sang bên phải.
- Tay: Hai tay đưa lên cao, khi chân bước 2 tay lướt theo chân chập đê cạnh,
2 tay thẳng.
- Câu hát thứ tư: hai tay đưa lên cao lướt bên trái.
- Đếm: chân trái bước sang trái 1 bước, tiếp theo chân phải chập để cạnh
chân trái, chân trái bước tiếp 1 bước sang bên trái.
- Tay: hai tay đưa lên cao, khi chân bước 2 tay lướt theo chân chập để cạnh,
2 tay thẳng.
Động tác kết của điệu múa
Tất cả các em hai tay chéo nhau áp vào ngực mình, đồng thời chân phải
vòng sang phía bên trái xoay người 1 vòng 3600. Sau đó, 2 tay đưa lên cao vẫy
chào khán giả, kết thúc điệu múa.
Khúc ca thiếu nhi Thủ đô
- Nhạc và lời: Nguyễn Hà Hải
- Biên soạn múa: Nhà Văn hoá trung tâm Hà Nội
* Hướng dẫn sử dụng
Bài hát múa có thể sử dụng trong các dịp kỉ niệm Thăng Long – Hà Nội.
* Đội hình của điệu múa
Động tác 1: Đội hình hàng dọc (hướng mặt vào nhau)
- Lời ca “Là thiếu nhi Thủ đô, những búp non chồi biếc, múa hát rất hay và
học cũng rất chăm. Là thiếu nhi Thủ đô những cháu ngoan Bác Hồ, yêu sao Thành
phố của tuổi thơ”
- Tốp múa cầm tay nhau, chân phải nhảy về hướng phải, chân trái co ngang
bắp chân phải (nhảy 8 nhịp). Thực hiện ngược lại 8 nhịp
Động tác 2: Đội hình vòng tròn
- Lời ca: “Đây Hồ Gươm lung linh trăng thu. Tùng dinh dinh dinh dinh
chúng em vui rước đèn. Đây Ba Đình , những đêm hè chúng em vui múa ca bên
Bác Hồ kính yêu”
- Cứ 4 người múa tạo thành một vòng tròn (theo chiều kim đồng hồ). 8 nhịp
bên phải, 8 nhịp bên trái.
Động tác 3: Đội hình hàng dọc
- Lời ca “Ôi đẹp sao công viên Lê nin ngàn bông hoa xinh xinh , thắm tươi
nghiêng vẫy chào. Nào bạn ơi, cùng lại đây hát tiếp khúc ca vui cùng thiếu nhi
Thủ đô.
- Hai tay giơ lên cao, bàn tay xoè, đánh về phía bên phải theo nhịp bên phải,
lắc hông về phía bên trái. 3 lần bên phải, 3 lần bên trái.
Động tác 4:
- Lời ca: “Múa tiếp khúc múa vui cùng thiếu nhi Thủ đô”
- Lắc 2 bàn tay, di chuyển đổi vị trí cho người đối diện, sau đó về vị trí ban
đầu (cánh tay trái của 2 người đối diện đan nhau).
Nhảy hất chân Rung tay
thầy cô mến thương
- Sáng tác: Đỗ Anh Hùng
- Biên đạo múa: Thuý Cảnh
* Hướng dẫn sử dụng
Múa tập thể “Thầy cô mến thương” được sử dụng trong sinh hoạt Đội, vui
chơi giải trí hoặc múa chào mừng các thầy cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
20/11 của các em học sinh thiếu niên khối trường trung học cơ sở, cuối cấp trường
tiểu học và trên địa bàn dân cư.
* Đội hình múa
Hai em làm thành một đôi múa, đứng đối mặt vào nhau; khoảng cách đứng
giữa các đôi; một sải tay
* Cách tiến hành đội múa
Chuẩn bị: Đứng tại chỗ, vỗ tay theo đoạn nhạc dạo
Bắt đầu múa:
Động tác 1
- Lời ca “Em mến thầy từ buổi học đầu tiên, em mến cô người vui tính hiền
hoà, lời giảng êm đềm vang lớp học như muôn muôn dòng suối ngọt dài triền
miên”
- Hai em cầm tay nhau, nhấn - bước, nhấn - nhảy tại chỗ theo nhịp câu hát.
- Cụ thể: từ vị trí đứng mặt hướng vào nhau của mỗi đôi múa 1 em tay trái, 1
em tay phải cầm tay nhau; đếm “tà”, hai em cùng chung chân lấy đà.
- Đếm 1, 1 em chân phải, 1 em chân trái bước sang cùng chiều với tay,
hướng mặt về phía trước đồng thời hai tay cầm vào nhau dâng cao ngang vai. Hai
tay kia ở vị trí thấp, xuôi tự nhin theo thân người.
- Đếm “tà”: từng đôi chùng chân lấy đà.
- Đếm 2: người thẳng, hai tay xuống thấp trở về vị trí ban đầu.
- Đếm “tà 3, tà 4”: hai em đứng tạo chỗ, chân bật nảy lên chống tay rập rình
theo tiết tấu câu hát.
- Động tác được thực hiện 4 lần theo nhịp đếm từ “tà 1 đến tà 16”

Động tác 2
- Từng đôi chuyển động theo bước “tiến – lùi”
- Lời ca: “Rồi tháng năm dài bay vút xa. Kỉ niệm ngày xưa không phai nhoà.
Từng lời thầy cô em hằng nhớ”
- Hai em cầm tay nhau thành một vòng tròn, dâng cao ngang vai, thực hiện
bước tiến – lùi.
- Đếm 1, 2, 3: bước 3 bước (chân nào bước trước cũng được)
- Đếm 4: một chân đập, để cạnh chân trụ;
- Đếm 5, 6,7: bước lùi – tiến về vị trí ban đầu;
- Đếm 8: một chân đập, để cạnh chân trụ.
- Động tác tiến từng đôi múa tiến – lùi được thực hiện 6 lần.
- Động tác chuyển tiếp với lời ca “Nhớ mãi muôn đời khi đã xa”, hai em của
mỗi đôi múa cầm tay đi vòng quanh nhau 1 vòng.
Động tác 3
- Hai em của mỗi đôi múa đứng song đôi, tất cả hướng mặt về phía trước,
thực hiện động tác: tiến – mở tay trên cao, lùi- hạ tay xuống thấp.
- Lời ca: “Mai kia em khôn lớn, bay đi về nơi phương xa em luôn luôn ghi
nhớ công ơn thầy cô yêu thương”
- Hai tay liền kề (hai tay trong) của mỗi đội múa nắm vào nhau.
- Đếm 1, 2, 3: từng đôi bước đều tiến lên phía trước 3 bước đồng thời hai tay
phía ngoài mở trên cao xế 450 phía trước mặt.
- Đếm 4: hai tay ngoài dừng trên cao, một chân đập để cạnh chân trụ
- Đếm 5,6,7: hai em của mỗi đôi múa bước về phía sau 3 bước. Hai tay
ngoài hạ thấp xuống
- Đếm 8: một chân đập để cạnh chân trụ
- Đếm 9 đến 16: động tác tiến - lùi được thực hiện tiếp một lần nữa.
Động tác 4
- Hai em của mỗi đội múa hướng mặt vào nhau, bật gót chân thực hiện động
tác “đập - vỗ tay:
- Lời ca: “La la la la lá la la là la la”
- Tay phải của tác: hai em đập vào nhau, rồi từng em tự vỗ tay
Động tác kết
- Từng đôi cầm tay đi vòng quanh nhau 1 vòng theo câu hát: “Em luôn luôn
ghi nhứ công ơn thầy cô suốt đời”
- Điệu múa được múa lại từ đầu.
Động tác nhấn bước, nhảy - bứơc tại chỗ

Nhấn bước , nhấn nhảy tại chỗ đạp - vỗ tay


Sao vui của em
- Sáng tác: Lê Minh Cường
- Biên đạo múa: Đinh Thị Hiền
* Hướng dẫn sử dụng
Múa hát tập thể “Sao vui của em” được sử dụng trong các buổi sinh hoạt Sao
nhi đồng.
* Đội hình của điệu múa
Đội hình hàng ngang đứng so le, hoặc hình vòng cung.
* Cách tiến hành điệu múa
Đứng tại chỗ, vỗ tay theo đoạn nhạc dạo.
Động tác 1
- Lời ca: “Sao của em / vui vui lắm cơ”
- Tay: Hai tay vuốt vào thân mình, sao cho hai bàn tay vắt chéo vào nhau,
các ngón tay mở, câu cuối vuốt ngược tay ra.
- Chân: Chân nhún vào các phách mạnh.
Động tác 2
- Lời ca: “ở lớp ngồi chung một bàn/ cùng đi học đúng giờ”
- Tay: tay trái chống hông, tay phải đưa sang ngang, ngón tay trỏ chỉ ngang
vào mặt, ngược lại.
- Chân: chân trái thẳng, chân phải mở 1 góc 45 độ, gót chân đặt xuống mặt
đất, ngược lại.
Động tác 3
- Lời ca: “Lúc học bài sao vui cùng cô giáo”
- Tay: hai tay đặt ngang ngực, kết hợp với chân, mặt đưa sang phải, sang trái
nhịp nhàng theo giai điệu bài hát.
Kết thúc bài hát
- Lời ca: “Đến khi họp sao cũng vui như học bài”
- Động tác: thực hiện như động tác 1.
đội hình và động tác múa bài: Sao vui của em

Động tác 1 động tác 2

Động tác 1
Năm cánh sao vui
- Nhạc và lời: Hà Hải
- Biên soạn múa: Đinh Thị Hiền
* Hướng dẫn sử dụng
Múa hát tập thể “Năm cánh sao vui” được sử dụng trong sinh hoạt Đội, sinh
hoạt văn nghệ, rất phù hợp với lứa tuổi nhi đồng.
* Đội hình 1 của điệu múa
Hai hàng dọc đứng đối mặt vào nhau. Khoảng cách đứng giữa các đôi: một
sải tay.
* Cách tiến hành điệu múa
Động tác 1
- Lời ca: “Năm cánh sao vui/ nở bừng hoa đẹp”
- Tay và chân kết hợp: tốp múa cầm tay nhau chân phải đưa sáng trái (qua
chân trái), đặt gót xuống mặt đất. Sau đó lại đưa chân trái đưa sang phải (qua chân
phải), đặt gót xuống mặt đất. (P-T-P-T)
Động tác 2
- Lời ca: “Sao chăm chăm học”
- Tay: hai cánh tay đưa qua nhau, lên trên, mở ra hình chữ U.
- Chân: chân nhún vào cuối câu.
Động tác 3
- Lời ca: “Sao Ngoan bạn hiền”
- Tay: hai cánh tay vuốt từ trên cao, xuống dưới, đưa lên trên, tạo thành hình
vòng cung.
- Chân: nhún tự nhiên theo nhịp bài hát.
Động tác 4
- Lời ca: “Sao Khoẻ sạch sẽ”
- Tay: hai tay cùng sang phải, cùng sang trái nhịp nhàng theo giai điệu bài hát.
- Chân: Hai chân đổi nhau làm trụ, kết hợp với lắc hông.
Động tác 5
- Lời ca: “Sao Vui hay cười”
- Tay: Hai tay cuộn sang trái, rồi sang phải.
- Chân: Chân trái làm trụ, chân phải đặt gót. Thực hiện ngược lại.
Động tác 6
- Lời ca “Còn cánh sao nữa/ sao Xinh thật thà”
- Hai người đối diện cầm tay nhau nhảy đổi chỗ. Hai bàn tay đưa lên cao,
mặt hướng theo bàn tay, bàn tay xoè và lắc liên tục theo giai điệu bài hát, hai chân
dậm nhẹ.
* Đội hình 2 của điệu múa: Tạo thành các vòng tròn
Động tác 6
- Lời ca “Năm cánh sao ấy kết thành bông hoa, nở từ tên gọi cháu ngoan Bác
Hồ.
- Cứ 5 người tạo thành một vòng tròn, cầm tay nhau nhảy chân sáo 4 bước
về bên phải, 4 bước về bên trái.
Động tác 7
- Lời ca “Năm cánh sao ấy kết thành bông hoa”
- Vòng tròn di chuyển vào trong tâm, 2 tay vuốt từ dưới lên trên, đến tâm
các bàn tay vẫy nhịp nhàng theo lời bài hát.
Động tác 8
- Lời ca “Nở từ tên gọi/cháu ngoan Bác Hồ”
- 5 người từ tâm vòng tròn đi ra (trở về vị trí cũ), 2 tay vuốt từ trên cao
xuống. Đến câu “Cháu ngoan Bác Hồ” thì dừng lại đưa hai tay lên cao vẫy theo
giai điệu bài hát.
Động tác 1 Động tác 2

Động tác 3 Động tác 4


v. Đánh giá sau khi học xong tiểu mô đun
* Các câu hỏi và bài tập đánh giá
Câu hỏi 1: Múa hát tập thể có phải là phương tiện tốt để tập hợp thu hút đội
viên tham gia vào hoạt động Đội không? Vì sao?
Câu hỏi 2: Múa hát tập thể làm cho sinh hoạt Đội trở nên vui tươi, hấp dẫn
nhưng không giúp đội viên nâng cao ý thức tổ chức kỉ luật. Đúng hay sai? Vì sao?
Câu hỏi 3: Giá trị của múa hát tập thể đối với Đội TNTP Hồ Chí Minh là
giá trị cộng cảm. Đúng hay sai, Vì sao?
Câu hỏi 4: Em hãy mô tả cách thực hiện thế tay 1 và thực hành mẫu cho cả
lớp xem.
Câu hỏi 5: Em hãy thực hiện thế tay 3 và thế tay 6 trong các thế múa.
Câu hỏi 6: Thế tay 4 được thực hiện như thế nào? Em hãy hướng dẫn các
bạn trong lớp thực hiện động tác này.
Câu hỏi 7: Em hãy so sánh sự khác nhau thế chân 1 và thế chân 2.
* Thông tin phản hôi tin của đánh giá
Đáp án câu 1
Múa hát tập thể là phương tiện tốt để tập hợp thu hút đội viên tham gia hoạt
động Đội vì : múa hát tập thể là phương tiện tốt để tập hợp thu hút các em tham gia
vào hoạt động do Đội TNTP Hồ Chí Minh làm nòng cốt tổ chức. Hình thức hoạt
động múa hát tập thể tạo nên không khí tưng bừng vui tươi. Các em tham gia múa
không phân biệt ai là khán giả, ai là người biểu diễn nên tránh được sự rụt rè, xấu
hổ. Ngược lại, khi đã quen nhau các em múa rất hồn nhiên, biết lắng nghe sự điều
khiển của Ban chỉ huy Đội và của các anh chị phụ trách. Đây chính là điều kiện
thuận lợi để Ban chỉ huy Đội, các anh chị phụ trách Đội tiến hành các hoạt động
giáo dục có hiệu quả.
Đáp án câu 2
+ Sai
+ Vì: Múa hát tập thể góp phần làm phong phú thêm hình thức và nội dung
của các hoạt động Đội, làm cho sinh hoạt Đội trở nên vui tươi, hấp dẫn đối với các
em.
Múa hát tập thể thực hiện chức năng kép, vừa mang tính nghệ thuật, vừa rèn
luyện nâng cao ý thức tổ chức kỉ luật cho mỗi đội viên. Chính sự lồng ghép hoạt
động nghệ thuật vào nội dung sinh hoạt Đội đã làm cho các em tiếp thu nội dung
hoạt động một cách nhẹ nhàng, sinh động, nhưng sâu sắc - đó chính là chất lượng
hiệu quả của công tác giáo dục.
Đáp án câu 3
Giá trị của múa hát tập thể đối với đội viên là giá trị cộng cảm bởi khi tham
gia múa hát tập thể các em đội viên được tụ họp cùng nhau múa hát tạo nên niềm
phấn chấn cho mọi người, làm cho các em thấy gắn bó, tự hào về tổ chức Đội, để
từ đó tự giác thực hiện những nhiệm của người đội viên, góp phần xây dựng tổ
chức Đội vững mạnh.
Ngoài ra múa hát tập thể góp phần nâng cao thể lực, xây dựng tác phong, cử
chỉ đẹp, lời nói hay. Múa hát tập thể góp phần hình thành, xây dựng phong cách
sống lành mạnh, trong sáng.
Múa hát tập thể góp phần bồi dưỡng tình yêu thiên nhiên, cuộc sống, con
người, những tình cảm này sẽ trở thành tình yêu Tổ quốc, yêu chế độ xã hội, tình
công dân
Đáp án câu 4
Mô tả cách thực hiện thế tay 1 và thực hành mẫu.
Đáp án câu 5
Thực hiện thế tay 3 và thế tay 6
Đáp án câu 6
Thế 4: Từ trên cao, tay trái xoay cổ tay đưa ra phía trước mặt chếch 45 0,
khuỷu tay hơi co lại, tay phải vuốt nhẹ đưa xuống thấp phía hông bên phải, khuỷu
tay hơi co, bàn tay cong, lòng bàn tay hướng ra phía ngoài của thân người. (Thế 4
có thể thực hiện đổi vị trí, tay phải cao, tay trái thấp)
Đáp án câu 7: Sự khác nhau thế chân 1 và thế chân 2 là :
Thế 1: Hai bàn chân mép gót chạm nhau, lòng bàn chân và mũi chân mở
thành hình chữ V.
Thế 2: Một chân làm trụ, chân kí đặt lên phía trước của chân trụ (mũi chân
trụ chạm gót chân kia) tạo thành một đường thẳng.
Tiểu mô đun 4: Hướng dẫn trại thiếu nhi (8 tiết)

I. Mục tiêu
Kết thúc tiểu mô đun 4, học sinh có khả năng:
1. Kiến thức
- Xác định được mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức trại thiếu nhi;
- Kể ra được các dụng cụ dựng lều chữ A;
- Trình bày được các quy định dựng lều chữ A;
- Mô tả được các nút và phương pháp dựng lều chữ A;
- Trình bày được cách trang trí dựng lều chữ A;
- Trình bày được chương trình tổ chức ngày trại thiếu nhi.
2. Kĩ năng
- Thao tác được các loại nút dựng lều chữ A;
- Dựng được lều chữ A theo đúng các quy định về dựng lều chữ A;
- Hướng dẫn thực hành được việc dựng lều chữ A;
- Vận dụng được những hiểu biết về trại thiếu nhi vào thực tiến hoạt động tại
liên đội.
3. Thái độ
- Có ý thức tự giác học tập, yêu thích công tác Đội
II. Giới thiệu tiểu mô đun 4
Tiểu mô đun 4 bao gồm 2 chủ đề cơ bản, thực hiện trong 8 tiết, cụ thể như sau:
STT Tên chủ đề Số tiết Trang số
1 Phương pháp dựng và trang trí lều chữ A 4 tiết 378
2 Phương pháp tổ chức trại thiếu nhi 4 tiết 387
Cộng 8 tiết
III. Điều kiện cần thiết để thực hiện tiểu mô đun 4
1. Tài liệu học tập
1. Trường Cán bộ Đội Hà Nội, Hành trang chi đội trưởng, Nxb Hà Nội,
1999.
2. Trường Cán bộ Đội Hà Nội, Hành trang người phụ trách thiếu nhi, Nxb
Hà Nội, 1997
3. Trường Lê Duẩn, Hội trại và trò chơi thiếu nhi, Nxb Hà Nội, 2005
4. Trường Cán bộ Đội Hà Nội, Sổ tay chi đội trưởng, Nxb Hà Nội, năm
2003.
2. Thiết bị, đồ dùng giảng dạy và học tập
+ Máy Projector
+ Mô hình dựng lều chữ A
+ Dụng cụ thực hành: Dây con, cọc con và gậy.
+ Băng mẫu “Thực hành dựng lều chữ A”
+ Bảng Mica + bút dạ + giấy trôky + nam châm.
IV. Nội dung

Chủ đề 1: Phương pháp dựng và trang trí lều chữ A (4 tiết)


1. Hoạt động
Hoạt động 1: Quy định về kĩ thuật dựng lều chữ A (35 phút)
* Thông tin cho hoạt động 1: [1, tr 135 - 138]
* Nhiệm vụ của hoạt động 1:
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu về các dụng cụ dựng lều chữ A (15 phút)
+ Giáo viên hướng dẫn học sinh quan sát mô hình lều chữ A.
+ Học sinh liệt kê các dụng cụ dựng lều chữ A.
+ Giáo viên tổng hợp, kết luận.
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu các quy định về kĩ thuật dựng lều chữ A (20 phút)
+ Giáo viên cho học sinh quan sát mô hình và hình vẽ trên máy Projector,
phát vấn các quy định về kĩ thuật dựng lều chữ A.
+ Giáo viên tổng hợp ý kiến của học sinh và kết luận trên máy Projector.
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi 1: Em hãy cho biết để dựng được lều chữ A cần phải có những
dụng cụ gì? số lượng các dụng cụ khi dựng lều.
- Câu hỏi 2: Em hãy trình bày các quy định về kĩ thuật dựng lều chữ A.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 381 - 383 của giáo trình.
Hoạt động 2: Trình tự các bước dựng lều chữ A (30 phút)
* Thông tin cho hoạt động 2: [1, tr 138 - 140]
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu nhiệm vụ từng vị trí của đội viên khi dựng lều (15
phút)
+ Thảo luận nhóm: Quan sát mô hình và cho biết đội viên có bao nhiêu vị
trí dựng lều, nhiệm vụ của từng vị trí?
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu thứ tự các bước khi dựng lều chữ A (15 phút)
+ Giáo viên hướng dẫn học sinh thứ tự các bước khi dựng lều chữ A.
* Đánh giá hoạt động 2
- Câu hỏi 1: Em hãy nêu nhiệm vụ từng vị trí của đội viên khi dựng lều chữ
A.
- Câu hỏi 2: Trong khi dựng lều chữ A, vị trí của đội viên nào sau khi thực
hiện xong nhiệm vụ được rời khỏi vị trí để quan sát, điều chỉnh lều?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 383 - 384 của giáo trình.
Hoạt động3: Các loại nút dựng lều chữ A (40 phút)
* Thông tin cho hoạt động 3: [1, tr 141 - 145]
* Nhiệm vụ của hoạt động 3
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu các loại nút dựng lều chữ A (7 phút)
+ Giáo viên giới thiệu các loại nút, thực hành mẫu các loại nút dựng lều chữ
A.
- Nhiệm vụ 2: Thực hành các loại nút khi dựng lều chữ A (33 phút)
+ Học sinh thực hành buộc nút theo hướng dẫn của giáo viên.
+ Giáo viên kiểm tra các nút buộc của học sinh, hướng dẫn và nhắc nhở
những học sinh buộc nút chưa đạt yêu cầu.
* Đánh giá hoạt động 3
- Câu hỏi 1: Em hãy cho biết có bao nhiêu loại nút khi dựng lều chữ A. Là
những nút nào?
- Câu hỏi 2: Em hãy trình bày cách buộc các loại nút khi dựng lều chữ A.
- Câu hỏi 3: Em hãy hướng dẫn các bạn trong chi đội (phân đội) cách buộc
các loại nút khi dựng lều chữ A.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3: Xem trang 385 của giáo trình.
Hoạt động 4: Các bước dựng lều chữ A nhanh (45 phút)
* Thông tin cho hoạt động 4: [2, trang 208]
* Nhiệm vụ của hoạt động 4
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu về phương pháp dựng nhanh lều chữ A (10 phút)
+ Giáo viên giảng giải cho học sinh về phương pháp dựng nhanh lều chữ A.
- Nhiệm vụ 2: Thực hành dựng lều chữ A nhanh (30 phút).
+ Học sinh thực hành dựng lều chữ A nhanh theo hướng dẫn của giáo viên.
+ Học sinh thực hành theo nhóm
- Nhiệm vụ 3: Giáo viên nhận xét, kết luận (5 phút)
* Đánh giá hoạt động 4
- Câu hỏi 1: Em hãy trình bày cách dựng lều chữ A nhanh.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 4: Xem trang 385 - 386 của giáo trình.
Hoạt động 5: Trang trí lều chữ A (30 phút)
* Thông tin cho hoạt động 5: [2, tr 211]
* Nhiệm vụ của hoạt động 5
- Nhiệm vụ 1: Trang trí lều chữ A (20 phút)
+ Thảo luận nhóm : Giáo viên chia lớp làm 3 nhóm., các nhóm thảo luận về
các hình thức trang trí lều chữ A
Nhóm 1: Cách trang trí cổng lều
Nhóm 2: Cách trang trí mái lều
Nhóm 3: Cách trang trí trong lều
Nhóm 4: Cách trang trí xung quanh lều
Giáo viên kết luận trên Máy Projector
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu các kĩ thuật hỗ trợ trang trí lều chữ A (10 phút)
+ Xem băng mẫu về cách trang trí lều chữ A và các kĩ thuật hỗ trợ trang trí
lều chữ A
* Đánh giá hoạt động 5
- Câu hỏi 1: Em hãy trình bày cách trang trí lều chữ A (cổng lều, mái lều,
trang trí trong lều và ngoài lều).
- Câu hỏi 2: Em hãy trình bày các kĩ thuật hỗ trợ trang trí lều chữ A.
- Câu hỏi 3: Khi trang trí lều cần đảm bảo những yêu cầu gì?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 5: Xem trang 386 - 387 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
1. Dụng cụ dựng lều chữ A
- Mái lều:
Bằng bạt, vải, dù (thường là vỏ chăn đôi tháo chỉ khâu) khoảng 2mx3m
- Gậy chính: 2 gậy (gậy không đóng hoặc chôn xuống đất)
Hai đầu gậy cắt bằng , đường kính từ 3-4cm ( nên dùng bằng tre già)
Chiều dài gậy phải phù hợp với vải mái lều (mái lều rộng thì gậy dài mái lều
hẹp thì gậy ngắn) Thường gậy dài khoảng 1m60-1m80.
- Cọc con:
Dùng để đóng xuống đất làm căng vải mái lều nên một đầu nhọn (có thể
bằng tre, gỗ, sắt), dài khoảng 30-40cm, cọc có độ cứng vừa đủ để khi đóng xuống
đất không gãy.
Khi buộc dây vào cọc nên buộc sát mặt cho chắc.
- Dây giữa mái lều:
Là dây chính để căng nóc mái lều, buộc mái lều vào 2 cọc chính và giữ cho
mái, cọc lều đứng vững trên mặt đất.
Dây dài khoảng 8 đến 10m, đường kính khoảng 1cm. Dây phải chắc, bền,
mềm để dễ buộc và chịu được sức căng của vải và mái lều.
- Dây con: 4 ->6 chiếc.
Dây dài: 1-1,5m, nhỏ bằng sợi dây gai thường. Dây phải bền và mềm để
buộc và chịu được sức căng của vải mái lều.
- Dụng cụ đóng cọc:
Có thể dùng búa, vồ, gỗ …
Mỗi lều có ít nhất là 2 dụng cụ đóng cọc.
Khi sử dụng các dụng cụ đóng cọc các đội viên nên chuyền tay nhau. Không
được quăng, ném, dễ gây tai nạn
2.Các quy định về dựng lều chữ A
- Quy định 1
Chân của 2 gậy và 2 cọc đầu lều nằm trên một đường thẳng (A,B,C,D thẳng
hàng)

Dây giữa
mái lều
Gậy Cọc con

- Quy định 2: Buộc đúng nút và dùng đúng chỗ quy định
Nút gỗ đơn: Buộc ở mép vải mái lều phía dưới (góc phải), nếu mép vải mái
lều không có khuyên thì có thể độn một hòn sỏi nhỏ để tránh cho vải mái lều
không bị rách, tuột nút.
Nút thuyền chài buộc ở 2 đầu gậy trên đỉnh mái lều và ở tất cả các cọc con
Lưu ý:
+ Nút thuyền chài buộc ở hai gậy (Là 2 vòng tròn được đưa vào tâm gậy.
Một vòng nút ở trên và một vòng nút ở dưới vải mái lều).
+ Nút thuyền chài buộc ở các cọc con (phải đóng cọc xong mới buộc nút,
nút buộc vào cọc ở vị trí sát mặt đất)
- Quy định 3:
Cọc đóng xuống đất hợp với mặt đất một gọc 45 độ, ngược với chiều căng
của dây. Hai gậy phải đứng thẳng, không nghiêng lệch.

Chiều căng dây


Cọc con

450 Mặt đất

- Quy định 4:
Mái lều phẳng, không vết nhăn. Hai gậy đứng thẳng, 2 mái lều mở đều so
với gậy
Mái lều

Dây con

Cọc con Cọc con

Mặt đất

* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2


1- Nhiệm vụ các vị trí khi dựng lều chữ A
- Để dựng lều, thông thường cần có 8 người, đứng ở 8 vị trí theo thứ tự từ 1-
>8 (như hình vẽ). Người số 1 làm chỉ huy chung.
+ Nhiệm vụ của người số 1: cuộn dây, cầm 1 búa, 1 cọc con.
+ Nhiệm vụ của người số2: số 2,3 cầm gậy
+ Nhiệm vụ của người số 3: số 4 cầm 1 búa, 1 cọc con.
+ Nhiệm vụ của người số 4: số 5 gập mái, cầm 1 dây con, 1 cọc con, 1 búa.
+ Nhiệm vụ của người số 5,6,7,8: số 6,7,8 cầm 1 dây con, 1 cọc con, 1 búa.

6 5

1 2 3 4

2- Trình tự các bước dựng


7 lều 8
+ Người ở vị trí số 1 tung dây, người số 4 bắt dây và căng dây ra, sau khi
căng dây xong thì đặt dây xuống mặt đất.
+ Người số 5 tung vải mái lều
+ Người số 5, 6, 7, 8 trải mái lều cho cân xứng, sao cho dây chia đôi vải, vải
chia đôi dây.
+ Người số 2, 3 đặt gậy nằm xuống thẳng song song với dây chính và đặt
đầu gậy vào giao điểm giữa vải mái lều và dây chính (Người số 2 buộc nút thuyền
chài trước, rồi mới đến người số 3)
+ Người số 1, 4 đóng cọc
+ Người số 5, 6, 7, 8 buộc nút gỗ đơn vào mép vải mái lều phía dưới, sau đó
cùng đóng cọc con.
+ Người số 2,3 dựng gậy lên, sau đó người ở các vị trí còn lại buộc nút thuyền
chài ở các cọc con. Người số 5 và người số 6, người số 7 và người số 8 cầm 4 góc lều
kéo căng và đều chỉnh cho mái lều phẳng, mái lều mở đều so với gậy.
- Điều chỉnh toàn lều: Trong quá trình dựng lều, chỉ có người số 1 được rời
vị trí, còn tất cả các số khác phải đứng nguyên tại chỗ cho đến khi xong. Người số
2 và người số 3 phải giữ gậy cho thẳng và không xê dịch chân gậy.
Một số lưu ý khi dựng lều:
Trình tự các bước dựng lều này để cho đơn vị mới tập. Khi đã thành thạo
không nhất thiết phải làm đúng quy định, Cần chọn đất và định hướng trước khi
dựng lều, tránh bụi rậm, tránh những nơi đất trũng (khi mưa nước mưa dồn vào
đó). Phải đào rãnh thoát nước và vệ sinh xung quanh lều, đảm bảo an toàn khi trời
mưa, chống rắn,rết. Không dựng ở dưới gốc cây cao (tránh sét). Hướng lều nên là
hướng đông-nam, tây bắc để gió nhẹ thổi vào lều và cho ánh nắng chếch vào trong
lều. Nếu nơi có gió lộng nên để gió lướt 45 0 vào một mái lều. Gió lộng thổi thẳng
vào một mái lều sẽ làm lều bị đổ; nếu thổi vào trong lều sẽ nâng mái lều, dần dần
nhổ cọc hoặc làm đứt dây buộc cọc.

* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3


1- Các loại nút dựng lều chữ A
- Nút dùng để dựng lều: (còn gọi là nút cột thuyền)
+ Nút gỗ đơn
+ Nút thuyền chài
2- Một số nút khác thường dùng khi dựng lều chữ A
- Nút nối dây:
+ Nút dẹt để buộc ở 2 đầu một sợi dây khi đã dùng buộc gói.
+ Nút thợ dệt: nút của người thợ dệt nối chỉ khi đứt, nút thợ dệt để nối các
dây đứt hai sợi to nhỏ, mềm cứng tương đối như nhau.
+ Nút câu cá: nút của người câu cá, nối liền nhiều sợi dây thật dài để ném ra
giữa ao. Nút câu cá dùng nối 2 sợi dây to nhỏ, mềm cứng khác nhau và ngâm vào
nước vẫn dễ tháo.
+ Nút nối gậy: nối gậy để làm bàn ăn, chạn bát … Có nút nối gậy để thẳng,
để vuông gọc, để chéo và ghép nối nhiều gậy.
- Nút thòng lọng: buộc ở các nút, muốn dễ cởi nên kèm nút thòng lọng (các
nút thuyền chài buộc vào cọc, nút dẹt …)
- Nút móc xích: dây buộc và cọc còn thừa dài, dùng nút này buộc cho gọn
và đẹp.
- Nút cột cờ: dùng để dựng cờ.
- Nút đầu chim : để treo các vật vào gậy.
- Nút chân chó: khi dây đã buộc 2 đầu vào gậy mà còn quá trùng thì dùng
nút này làm căng dây mà không phải cởi 2 đầu.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 4
Các bước dựng nhanh lều chữ A
Muốn dựng lều chữ A nhanh, cần phải tập dượt các việc sau đây:
- Phân công cụ thể người vào các vị trí số. Số 1 sau khi đóng cọc được phép
rời vị trí sẽ là người chỉ huy chung, đi giúp các vị trí khác.
- Mọi người ngay từ lúc bắt đầu cần lấy đủ dụng cụ cần thiết của mình: số 1
cầm dây giữa cọc con và búa; số 4 cầm cọc con và búa; số 2,3 cầm gậy; số 5 cầm
vải mái lều, dây con, cọc con và búa; số 6,7,8 cầm dây con, cọc con và búa. Rồi
xếp hàng dọc theo thứ tự 1-2-3-4-5-6-7-8.
- Số 1 tập cuốn dây chính để khi quăng dây, dây không rối.
Cách cuốn dây chính : Tay trái cầm chắc một đầu dây, tay phải cuốn dây
theo vòng tròn từ dưới khuỷu tay lên giữa ngón cái và ngón trỏ của tay trái theo
chiều kim đồng hồ.
- Số 5, 6 tập gấp vải mái lều để khi tung mái lều được nhanh.
Cách gấp vải mái lều: chiều dọc vải gấp xếp đổi chiều, chiều ngang gấp từng
ô cho đến hết.
- Sau đó thực hành theo đúng trình tự các bước dựng lều.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 5
- Trang trí lều chữ A:
Trang trí lều cần phải đẹp đảm bảo mục tiêu là: đơn giản, có ý nghĩa (phù
hợp với ý nghĩa của hội trại).
- Trang trí cổng lều : Phải có biển ở cổng lều, ngoài tên chi đội cần có tên
lều, tên lều phải nói lên chủ đề của hội trại.
- Trang trí mái lều: Thường sử dụng các loại giấy màu, có thể chuẩn bị
trước sẵn từ nhà, đến nơi tổ chức hội trại thì dán vào mái lều (Nhằm giữ vệ sinh
chung tại nơi tổ chức hội trại). Các hình ảnh được trang trí trên các mái lều phải
minh hoạ cho chủ đề của lều và của hội trại.
- Trang trí trong lều:
+ Lều chi đội: Có ảnh Bác, có thể có triển lãm nhỏ như: báo tường, vở sạch,
chữ đẹp, những bài kiểm tra đạt điểm 9,10 của các bạn trong chi đội. Triển lãm nhỏ
cũng phải gắn với chủ đề của lều trại. Nên trải vải (chiếu) trên nền đất trong lều.
+ Lều tiếp khách: Coi như phòng khách ở gia đình. Không có cờ Tổ quốc.
Có thể có một ảnh Bác, một bàn nhỏ, có lọ hoa (tránh lọ nặng, dễ vỡ, nhất là loại
đắt tiền), bày một số dụng cụ khéo tay hay làm, một vài đồ chơi đẹp. Có thể trải vải
(chiếu) trên nền đất hoặc bố trí ghế ngồi đón khách.
- Trang trí xung quanh lều: Làm hàng rào xung quanh khu vực lều và trang
trí bằng những dụng cụ nhẹ, dễ mang đi, nhất là phát huy sáng kiến dùng những
vật dụng sẵn có ở quanh khu vực trại. Không ngắt lá, bẻ cành, hái hoa.

Chủ đề 2: Phương pháp tổ chức trại thiếu nhi (4 tiết)


1. Hoạt động
Hoạt động 1: Mục đích, ý nghĩa các loại hình tổ chức trại thiếu nhi (45 phút)
* Thông tin cho hoạt động 1: [2, tr 188 - 192]
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu mục đích, ý nghĩa của trại thiếu nhi (15 phút)
+ Thảo luận nhóm: Giáo viên chia lớp thành 3 nhóm, tổ chức thảo luận về
mục đích, ý nghĩa của trại thiếu nhi.
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu một số loại hình trại thiếu nhi (20 phút)
+ Giáo viên thuyết trình, giảng giải cho học sinh về các loại hình tổ chức
trại thiếu nhi trên máy Projector.
+ Giáo viên phát vấn, dùng câu hỏi so sánh, điền thế để kiểm tra kiến thức
của học sinh về các loại hình tổ chức trại thiếu nhi.
+ Kết luận kiến thức đúng trên máy Projector.
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi 1: Mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức trại thiếu nhi?
- Câu hỏi 2: Em hãy trình bày 1 số loại hình trại thiếu nhi và phân biệt sự
giống và khác nhau giữa trại liên đội và trại chi đội.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 388 - 391 của giáo trình.
Hoạt động 2: Tổ chức trại thiếu nhi (90 phút)
* Thông tin cho hoạt động 2: [2, tr 190 - 211]
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu về cách chuẩn bị cho một cuộc trại (30 phút)
+ Giáo viên thuyết trình, giảng giải cho học sinh về tổ chức trại thiếu nhi:
Chuẩn bị cho một cuộc trại, xây dựng kế họach ngày trại.
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu về cách xây dựng thiết kế kế hoạch tổ chức ngày trại (30
phút)
+ Giáo viên đưa câu hỏi trả lời ngắn, câu hỏi điền thế để kiểm tra kiến thức
của học sinh về tổ chức trại thiếu nhi.
- Nhiệm vụ 3: Tìm hiểu về những điều cần lưu ý khi tổ chức trại thiếu nhi (30 phút)
+ Giáo viên thuyết trình và giảng giải trên máy Projector một số lưu ý khi tổ
chức trại thiếu nhi.
* Đánh giá hoạt động 2
- Câu hỏi 1: Em hãy trình bày những công việc chuẩn bị cho một cuộc trại.
- Câu hỏi 2: Em hãy trình bày cách xây dựng kế hoạch ngày trại.
- Câu hỏi 3: Em hãy trình bày một số lưu ý khi tổ chức trại.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 391 - 400 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
1- Mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức trại cho thiếu nhi
Tổ chức cắm trại cho thiếu nhi là sử dụng một hình thức hoạt động của Đội,
vừa hợp với nguyện vọng sở thích của thiếu niên, vừa đem lại hiệu quả giáo dục
cao. Tổ chức trại luôn gắn với tổ chức hoạt động theo chủ đề, chủ điểm, với đặc
điểm tâm sinh lí lứa tuổi, năng lực tổ chức của các em và điều kiện cụ thể của từng
tổ chức Đội.
Tổ chức trại là tổ chức cho các em một cuộc sống tập thể ở ngoài trời, các em
được rèn luyện tinh thần đoàn kết, tinh thần trách nhiệm, ý thức vì mọi người, tinh
thần kỉ luật tự giác, sống làm việc vui chơi có nền nếp, có trật tự.
Cuộc sống ở ngoài trời, với những điều kiện vật chất có hạn, các em phát huy
sáng kiến, tự tạo cho mình một cuộc sống tương đối đầy đủ (bàn ăn, trạn bát, lọ hoa …)
tự làm lấy những công việc mà ở nhà có người khách làm cho. Tất cả những hoạt động
ấy sẽ làm cho các em tháo vát, khéo léo và phát huy tinh thần tự lực.
Sống ở trại, tự điều khiển lẫn nhau, tự làm mọi công việc cần thiết, làm công
tác xã hội, các em có dịp được ứng dụng các bài học trong lớp, hiểu biết hơn về
tình bạn, tình yêu đất nước, con người và về cuộc sống xã hội. Đi trại xa nơi ở
hàng ngày, trên đường đi, đến một nơi có phong cảnh đẹp, mới lạ, có công trình
xây dựng, có di tích lịch sử, được gần gũi với thiên nhiên, được hiểu hơn về đất
nước các em càng tự hào về truyền thống của dân tộc, truyền thống của quê hương
đất nước, của Đảng, của Đoàn, của Đội.
Đến trại được thay đổi không khí, ăn ngủ, hoạt động có giờ giấc, sống giữa thiên
nhiên, mưa nắng, rèn luyện sức chịu đựng bền bỉ, thể lực sẽ được nâng cao.
2- Một số loại hình tổ chức trại thiếu nhi chủ yếu
2.1. Trại liên đội
Thường được tổ chức vào các ngày hoạt động cao điểm trong năm học: ngày
lễ, ngày kỉ niệm, nhân một sinh hoạt chủ đề lớn và trong dịp hè. Trại liên đội
thường được tổ chức một lần trong năm học với chương trình và nội dung hoạt
động phong phú: hành quân cắm trại, thi trại đẹp, thi trại nhanh, thi nấu cơm …
cùng với các nội dung: thi hiểu biết, thi văn nghệ, thể thao, lửa trại … Thời gian
thường từ 1->2 ngày; địa điểm có thể ở gần hoặc xa trường, nhưng phải đảm bảo
các điều kiện tối thiểu để sinh hoạt tập thể và kết hợp giáo dục nhiều mặt: sân bãi,
bóng mát, nguồn nước sạch, gần đường giao thông, khu dân cư, danh lam, thắng
cảnh hoặc di tích lịch sử.
2.2. Trại chi đội
Do BCH chi đội cùng với phục trách chi đội tổ chức cho đội viên của chi
đội mình với nội dung: bồi dưỡng, rèn luyện, học tập các yêu cầu chuyên hiệu
trong chương trình rèn luyện đội viên, vui chơi, sinh hoạt theo chuyên đề … thông
qua đó giáo dục tinh thần đoàn kết, tình cảm và mối quan hệ lành mạnh giữa các cá
nhân và tập thể. Đồng thời phát huy vai trò tự quản của đội viên, tập thể Đội. Thời
gian thường trong một ngày, địa điểm nên ở gần trường và đảm bảo các yếu tố cho
sinh hoạt tập thể trại.
Trại chi đội có thể tổ chức nhiều lần trong năm vì ưu điểm gọn, nhẹ nhàng, kinh
phí ít phù hợp với nhu cầu sở thích, nguyện vọng và điều kiện của đội viên.

2.3. Trại họp bạn


Trại thường tổ chức theo cụm hoạt động của Đội (xã, huyện, tỉnh) gắn với
các kỉ nghỉ hè, lễ kỉ niệm, lễ đón nhận danh hiệu thi đua, khen thưởng.
Nội dung hoạt động của trại là: Biểu dương, trao đổi kinh nghiệm, vui chơi, thi
tài năng, sáng tạo … giữa các cá nhân, tập thể hoặc gắn với các nội dung: giao ước thi
đua, kết nghĩa, trao đổi kinh nghiệm học tập, thi đua, hoạt động …
Với quy mô và nội dung hoạt động như trên, trại họp bạn thường do Hội
đồng Đội các cấp tổ chức cùng với sự phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp,
chính quyền địa phương … có liên quan (ngành Giáo dục-Đào tạo, y tế, công an,
văn hoá, thể thao...)
Thời gian tổ chức thường từ 2-3 ngày, địa điểm nên chọn ở những nơi có đủ
điều kiện sinh hoạt, hoạt động để phát huy và đạt hiệu quả cao nhất các nội dung
chương trình đã đặt ra.
2.4. Trại hè
Được tổ chức trong dịp hè, là thời gian các em đang sinh hoạt, học tập, hoạt
động ở địa bàn dân cư, do HĐĐ các cấp phối hợp với các ngành như: ngành Giáo
dục, Uỷ ban Dân số, gia đình, trẻ em, Hội cha mẹ học sinh, các câu lạc bộ tổ chức.
Mục đích chủ yếu của trại hè là vui chơi, giải trí, nghỉ mát, thư giãn sau một năm
học tập căng thẳng, nội dung chủ yếu là: Tham quan, du lịch, thể dục-thể thao, văn
hoá, văn nghệ …
Thời gian từ 2-3 ngày, địa điểm nên gắn với những nơi có di tích lịch sử, các
danh lam thắng cảnh và môi trường thiên nhiên. Mục đích của trại hè nhằm giúp
các em rèn luyện khả năng sống tự lập, tự quản trong cuộc sống, trong sinh hoạt.
Nên tổ chức trại hè xa gia đình, xa nhà trường. Đối tượng tham gia trại hè nên là
đội viên ở lứa tuổi lớn (13-15 tuổi)
2.5. Trại tập huấn
Thường dùng cho các lớp tập huấn phụ trách Đội, cán bộ Đội, phụ trách Sao với
mục đích: bồi dưỡng, huấn luyện về nghiệp vụ, kĩ năng công tác Đội, công tác nhi đồng,
hoặc tập huấn, học tập theo chuyên đề. Thời gian từ 1-2 ngày. Địa điểm thường được
chọn ở những nơi đáp ứng được nội dung yêu cầu của đợt tập huấn.
2.6. Trại bay
Được tổ chức gắn với các cuộc sinh hoạt “hành quân về nguồn”, tập huấn
phục trách Đội, cán bộ Đội.
Thời gian từ 2-3 ngày, một ngày có thể thay đổi từ 2-3 địa điểm.
2.7. Hội trại thi tài, hội trại sáng tạo
Thường được tổ chức ở từng địa phương, liên trường có quy mô lớn, với
mục đích nâng cao kiến thức nghiệp vụ công tác Đội thông qua hình thức thi phụ
trách Đội giỏi, phụ trách Sao giỏi hoặc để quy tụ biểu dương lực lượng, phát động
các phong trào lớn của Đội, của thiếu nhi.
Thời gian tổ chức hội trại thi tài thường từ 1-2 ngày, địa điểm cần thuận tiện
cho tổ chức hội thi như có: Sân bãi, vị trí thuận tiện cho sinh hoạt tập thể, sinh hoạt
truyền thống, cho hội thi …
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
1. Tổ chức trại thiếu nhi
Tổ chức một cuộc đi trại cho đội viên là một hình thức hoạt động của Đội
mang tính giáo dục cao. Vì vậy khi tổ chức chỉ huy Đội cần nắm vững đặc trưng,
phương pháp, nguyên tắc tổ chức, nội dung và hình thức hoạt động.
Tổ chức hoạt động trại thường gắn với mục đích giáo dục của Đội: Tổ chức
kỉ niệm một ngày lịch sử, sơ kết một đợt thi đua, thực hành một chương mục kiến
thức đã học, làm công tác xã hội…. Vì vậy tổ chức một cuộc trại chỉ huy Đội cần
phải biết:
1.1- Xây dựng kế hoạch
Nội dung của một bản kế hoạch thường được thể hiện các mục sau:
- Xác định mục tiêu cuộc trại:
Cách xác định sao cho:
+ Phù hợp với ý nghĩa ngày trại, chủ đề cuộc trại.
+ Đảm bảo được tính giáo dục
+ Phù hợp với tâm lí, nhu cầu nguyện vọng, khả năng của đội viên
+ Hợp lí về thời gian, địa điểm, điều kiện kinh tế của liên đội, của chi đội,
của đội viên.
- Xác định địa điểm cắm trại: Địa điểm cắm trại cần đảm bảo được những yêu
cầu sau:
+ Gần danh lam thắng cảnh hoặc một di tích lịch sử.
+ Thuận lợi trong đi lại nhưng tránh nơi giao thông đông đúc, không quá xa
dân, bệnh viện, có nơi trú khi thời tiết không thuận lợi.
+ Có bãi bằng phẳng, tương đối rộng đủ cho đơn vị vui chơi, hoạt động.
+ Có cây cao che nắng, nền đất cao ráo, sạch sẽ có giếng nước ăn và nước sinh
hoạt đảm bảo cho nhiều người.
+ Nếu nơi cắm trại mà phần lớn các trại tham gia sinh hoạt chưa biết thì cần có
một sơ đồ và dự kiến phân công ngay trong sơ đồ đó.
- Xác định thành phần tham gia : đối tượng (gồm những đối tượng nào) số
lượng người tham gia (là bao nhiêu)
- Xây dựng nội dung chương trình và nội dung hoạt động cuộc trại:
+ Chương trình hoạt động có ý nghĩa quyết định đến mục đích
đến mức độ thành công của cuộc đi trại. Tuỳ theo mục đích yêu cầu chủ đề của trại
để định ra nội dung kế hoạch hoạt động cho phù hợp với thời gian, đặc điểm tâm,
sinh lí lứa tuổi.
+ Chương trình hoạt động phải được chi tiết hoá đến ngày, giờ cho
mỗi hoạt động. Các hoạt động được diễn ra từ thấp đến cao được sắp xếp, điều hoà,
phù hợp với sức khoẻ và tình cảm của đối tượng tham gia cuộc trại. Ngoài ra cần
phải có một số hoạt động dự trữ đề phòng sự thay đổi đột ngột của thời tiết khí
hậu. Chương trình phải đảm bảo được tính hệ thống liên tục: có mở đầu, có cao
trào trong toàn bộ hoạt động, có kết thúc.
+ Chương trình phải được phổ biến cho toàn thể đội viên tham
gia cuộc trại biết, bàn bạc và thực hiện.
- Xây dựng phân công nhiệm vụ : Chỉ huy Đội cần xây dựng kế hoạch phân
công, giao nhiệm vụ củ thể cho từng thành viên tham gia trong cuộc trại như:
Chuẩn bị dụng cụ, phương tiện đi lại, dựng lều, đồ dừng phục vụ cho các hoạt động
trong trại… Quy định cụ thể thời gian hoàn thành và phân công người kiểm tra công việc
chuẩn bị cho cuộc đi trại. Các công việc cần phân công chuẩn bị trước:
- Chuẩn bị dụng cụ dựng lều
+ Trang trí trại, làm cổng trại, các mô hình trưng bày triển lãm, ảnh minh hoạ,
lời thuyết minh…
+ Chuẩn bị các hoạt động: thi văn nghệ, thể thao, tham gia các trò chơi.
+ Chuẩn bị kinh phí, hậu cần, ý tế và các đồ dùng cần thiết khác cho trại và
hoạt động trại của chi đội, liên đội mình.
+ Chuẩn bị tư trang của mỗi cá nhân.
- Các phương án dự phòng.
- Duyệt của các cấp có thẩm quyền.
1.2- Thông báo kế hoạch
Sau khi xây dựng xong kế hoạch, việc đầu tiên chỉ huy Đội cần tổ chức họp
với các thành phần tham gia cuộc trại để thống nhất chương trình, tiếp đến mới trình
bản kế hoạch và xin ý kiến của giáo viên phụ trách chi đội, giáo viên Tổng phụ trách,
Ban Giám hiệu nhà trường. Chỉ thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt.
1.3. Tổ chức họp chuẩn bị
Trại muốn đạt kết quả tốt việc chuẩn bị phải chu đáo. “Chuẩn bị tốt là đã
thành công một nửa” cần:
+ Họp để chuẩn bị về mặt tổ chức
+ Họp chuẩn bị về mặt nội dung
+ họp chuẩn bị về vật chất
1.4- Biện pháp thực hiện
- Họp chuẩn bị về mặt tổ chức:
+ Họp ban lãnh đạo trại: Các ban chuyên môn và các tiểu ban; phổ biến
cho mọi người chương trình kế hoạch trại. Cần làm cho từng người nắm vững
nhiệm vụ của mình ở trại. Cử người liên hệ trước (tiền trạm). Người đi tiền trạm
cần làm các công việc sau đây:
+ Xin phép chính quyền địa phương, những người quản lí địa đ iểm cắm trại.
+ Liên hệ với một số cơ quan đoàn thể để có sự giúp đỡ như các tổ chức: Đoàn,
Đội, nhà trường, y tế, công an, bảo vệ, văn hoá (nếu có tham quan di tích lịch sử). Vẽ sơ đồ
nơi cắm trại, dự kiến phạm vi địa hình chơi lớn (nếu có trong chương trình).
+ Giải quyết trước một số vấn đề cần thiết và có thể để khi các đơn vị đến có
thuận lợi (đun nước sẵn khi cấc em đến có nước uống, bố trí chỗ ngủ nếu ngủ cách
đêm, mang sẵn củi nếu có nấu cơm …)
+ Tìm hiểu tình hình kinh tế địa phương(sản phẩm địa phương, giá cả, các
các vật dụng có thể mua không cần mang từ nhà đi …
+ Nắm vững đường đi thuận tiện nhất cho phương tiện giao thông mà trại
sẽ sử dụng. Dù địa điểm đã quen cũng nên có người đi liên hệ trước để tạo thuận
lợi cho trại hoạt động.
- Thông báo phụ huynh và xin phép các nơi đã quy định về mặt tổ chức
(Phòng Giáo dục, quận, huyện Đoàn …).
- Họp các thành viên tham gia đi trại: Phổ biến nội quy, phân công cụ thể
các công việc của trại, phổ biến nội dung các phần chương trình mà đơn vị phải
chuẩn bị tham gia (tiết mục văn nghệ, các cuộc thi …), giới thiệu ban lãnh đạo trại
và các ban, tiểu ban.
- Họp chuẩn bị về nội dung: Tổ chức ôn tập một số kĩ năng cần thực hiện ở
trại (nghi thức, nút lều, dấu đường mật, mật thư …). Đôn đốc kiểm tra các đơn vị
và cá nhân chuẩn bị tham gia các phần của chương trình (tham dự các cuộc thi,
văn nghệ hay lửa trại …)
- Họp chuẩn bị về cơ sở vật chất:
+ Cá nhân:
áo mưa, mũ nón, thuốc bệnh cá nhân, sổ tay, bút, dao con, vài mét dây, kim
chỉ, thức ăn nguội, nước uống, đồ dùng vệ sinh (giấy loại, khăn tay) nhạc cụ và đồ
chơi ở trại lúc nghỉ trưa (nếu có).
Nếu nghỉ cách đêm, trại dài ngày cần có: Bàn chải, thuốc đánh răng, xà
phòng, đèn pin hoặc diêm, nến, thìa, ca đĩa, gạo, bát, đũa.
Mùa rét chuẩn bị: quần áo ấm, chăn màn nếu thấy cần thiết.
Các dụng cụ của tập thể giao cho.
Cán bộ liên, chi đội nên chuẩn bị thêm còi, đồng hồ đeo tay, giấy viết
(không mang các giấy tờ quan trọng, nhiều tiền, các đồ vật đắt tiền, dễ vỡ)
+ Phân đội:
Dụng cụ dựng lều và trang trí lều, túi thuốc, dụng cụ tham gia hoạt động ở
trại (nhạc cụm dụng cụ hoá trang cho các tiết mục, dụng cụ thể thao…)
Nếu có nấu cơm: Chuẩn bị nồi xoong, chất đốt, bát đũa dựng thức ăn chung,
xô sách nước. Đèn bão, đèn pin nếu ngủ cách đêm.
+ Chi đội:
Cờ chi đội, dụng cụ làm cổng trại, hàng rào, biển tên chi đội, túi thuốc, nhạc
cụ (nếu có)
+ Ban lãnh đạo trại (kể cả trại chi đội hay liên đội):
Lều chỉ huy, lều cứu thương; Dụng cụ làm cổng trại, hàng rào
trại; Cờ liên đội nếu là trại liên đội, cờ chi đội nếu là trại chi đội (có thể có cả quốc
kì hay cờ Đoàn, tuỳ theo yêu cầu)
Dụng cụ tín hiệu: Trống kèn, cờ tín hiệu, cờ tiêu, loa pin
Dụng cụ thể thao, văn nghệ và các dụng cụ cần thiết cho các hoạt động theo
chương trình.
Phần thưởng cho thi đua và các cuộc thi
Nếu ngủ cách đêm mang đèn măng xông hay đèn bão to.
+ Trại trưởng:
Giấy tờ cần thiết (giấy giới thiệu, bản đồ …), tiền chi tiêu dự phòng.
2.Thiết kế kế hoạch ngày trại
Nội dung một bản kế hoạch trại gồm:
Xác định mục đích, ý nghĩa cuộc trại:
Xác định quy mô tổ chức:
- Địa điểm cắm trại.
- Thời gian cắm trại
- Đối tượng dự trại
- Phương tiện đi-về
- Ban lãnh đạo trại, các ban chuyên môn, các tiểu ban.
- Kinh phí.
- Chương trình trại: Chương trình ngày trại gồm các phần:
+ Chuẩn bị: Bố trí khu vực trại, dựng lều
+ Khai mạc:
+ Nội dung hoạt động: Một cuộc cắm trại thường có các hoạt động sau:
Hoạt động theo yêu cầu, mục đích cụ thể của trại. Hoạt động này có nhiều
hình thức. Ví dụ: Trại kỉ niệm ngày thành lập Đội để nâng cao lòng yêu mến Đội,
tích cực rèn luyện trở thành đội viên tốt. Sau một nghi lễ đơn giản nhưng trang
nghiêm có thể tổ chức gặp mặt các thế hệ thiếu niên để nghe kể lại các hoạt động,
sự phấn đấu của các thiếu niên trước đây, thăm một đơn vị thiếu niên có nhiều
thành tích xuất sắc. Tổ chức trò chơi kiểm tra việc thực hiện các kĩ năng trong
chương trình rèn luyện đội viên.
Một số cuộc thi: Thi nghi thức, thi dựng lều nhanh … (Nếu thi các hoạt động
trong “Chương trình đội viên” và có tính tập thể. Hạn chế các cuộc thi đòi hỏi năng
khiếu, có tính chất cá nhân như hát đơn ca, cắm hoa.
Chơi nhỏ, chơi lớn.
Văn nghệ, lửa trại.
Làm một công tác xã hội hay nghiên cứu chuyên đề.
Tổ chức nấu cơm (có thể thi hoặc không thi)
Thăm trại có tiếp đón và trao đổi hữu nghị
Nếu nghỉ cách đêm có thể tổ chức gác đêm. Gác đêm để rèn luyện, nên yêu
cầu mọi người đều tham gia gác để bảo vệ chỉ chọn những đội viên lớn và phải gác
suốt đêm.
Trên đây là những nội dung thường có ở một cuộc cắm trại, tuỳ theo yêu cầu
thời gian và trình độ các em mà chọn hình thức cho phù hợp.
+ Kết thúc:
Chấm trại lần cuối; nhổ lều, vệ sinh trại; Giải quyết các vấn đè tồn tại với
địa phương và trong nội bộ (nếu cần), kiểm tra dụng cụ, tổng kết trại.
Xây dựng chương trình cần khớp với thời gian ở trại, không nhiều quá để
không thực hiện hết chương trình và cũng không ít quá để trại có thời gian chết.
Trong chương trình không có thời gian “Tự do”
Cần có chương trình dự phòng, hoạt động tĩnh, nếu trời mưa, phải vào khu
vực trú mưa.
Phân công
Xác định nhiệm vụ cho ban lãnh đạo trại, các ban chuyên môn và các tiểu ban:
+ Ban lãnh đạo trại: Gồm trại trưởng, trại phó, một số uỷ viên, số lượng
nhiều ít tuỳ theo yêu cầu và nội dung cần uỷ viên phụ trách và các ban chuyên môn.
+ Ban chuyên môn: Thường có ban nội dung, ban vật chất, ban thi đua.
+ Các tiểu ban: Theo quy mô và yêu cầu trại, nội dung chương trình, có thể
thành lập một số tiểu ban trong các ban chuyên môn.
Ví dụ:
+ Ban nội dung: Có thể các các tiểu ban: đời sống, y tế …
+ Ban thi đua: Có thể có các tiểu ban: theo dõi kỉ luật, thực hiện nội qui,
chấm kĩ năng …
+ Ngoài các tiểu ban trên có thể có ban cố vấn. Ban cố vấn gồm có đại biểu
chính quyền, Đoàn trưởng, đại biểu phụ huynh.
3- Một số hoạt động cơ bản có thể tổ chức ở trại
3.1- Tổ chức hoạt động sinh hoạt tập thể
a) Hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao
Nội dung của hoạt động này phải gắn với chủ đề của trại và được các cá
nhân, tập thể các chi đội chuẩn bị trước nội dung. Quy trình cần đơn giản, không
cầu kì nhưng đảm bảo sức hấp dẫn cao với đội viên. Hình thức hoạt động này có
thể là: Thi giọng hát hay, dạ hội hoá trang, thi hát những bài hát truyền thống của
Đội hoặc thi hát những khúc ca cách mạng …; thi đấu các môn bóng, điền kinh,
các môn thể thao truyền thống địa phương.
Yêu cầu của hoạt động này là phải tạo được sự hiểu biết lẫn nhau, đoàn kết
cùng giúp nhau vươn lên trong cuộc sống.
b) Hoạt động trò chơi
Nội dung các trò chơi lớn, nhỏ phải có tính giáo dục và gắn với chủ đề trại,
đông thời giúp các em giao lưu, hiểu biết lẫn nhau. Khi tổ chức trò chơi nên thống
nhất thời gian. Các trò chơi nhỏ như:
Trò chơi “Thi nấu cơm” hay còn có tên gọi khác là “Chúng mình cùng giúp
nhau”
Dụng cụ: Một xoong nhỏ, một lon gạo, một đôi đũa, một ít củi, năm
que diêm, một chai nước, bếp.
Cách chơi:
Mỗi chi đội cử 02 bạn (một nam, một nữ)
Yêu cầu một bạn bịt mắt, một bạn buộc hai tay lại, Bạn bịt mắt thực hiện nấu
cơm, dưới sự chỉ dẫn của bạn bị buộc tay.
Đội nào nấu cơm chín không bị khê, thời gian nhanh nhất là đội thắng cuộc.
Chú ý:
Gạo củi, bếp do Ban tổ chức chuẩn bị và được phát cho các đội cùng một lúc
cho đảm bảo sự công bằng.
Cách thi trên có thể dùng cho một đội gồm 03 bạn tham gia chơi, bằng
cách nấu cơm trên đường hành quân (02 bạn gánh, 1bạn nấu cơm)
Trò chơi “Chạy tiếp sức trí tuệ”
Dụng cụ : các câu hỏi về Toán, tiếng Việt, Ngoại ngữ, Lịch sử, gậy nhỏ
Cách chơi:
Mỗi chi đội là một đội, khoảng 04 bạn, từng bạn sẽ lần lượt phải chạy qua
một bàn kiểm tra về Toán, tiếng Việt (Văn), Ngoại ngữ, Lịch sử truyền thống Đội
… Mỗi bạn đứng chờ ở từng bàn, khi có lệnh xuất phát bạn số một của các đội
chạy đến bàn 01 (toán) nhận câu hỏi, trả lời nếu đúng giám khảo cho cầm gậy tiếp
sức đưa tiếp cho em số 02 chạy đến bàn số 02 (tiếng Việt - Văn) nhận câu hỏi, trả
lời, nếu đúng giám khảo cho cầm gậy tiếp sức chạy tiếp … cho đến bàn cuối. Đội
nào về trước là đội thắng cuộc.
Chú ý:
+ Nếu ở bàn nào có bạn không trả lời được câu hỏi sẽ được giải đáp, song
phải chờ các em của đội khác đã vượt qua hết bàn đó.
+ Có thể thêm các bàn khác với các môn như: Hoá, Lí, Sử, Địa … để tăng
thêm sự hấp dẫn của cuộc chơi.
Trò chơi “Thi kéo co”
Dụng cụ : Dây kéo co, còi, vạch mốc son
Cách chơi:
Mỗi chi đội cử 10 bạn (5 bạn nam, 5 bạn nữ). Kéo mỗi trận 3 lần, đội nào
thắng hai lần là đội thắng cuộc. Nếu có nhiều đội tham gia, tuỳ theo điều kiện có
thể chia bảng đấu vòng tròn hoặc đấu loại trực tiếp.
Trò chơi “Thi đi xe đạp chậm”
Dụng cụ : đồng hồ bấm giờ, xe đạp
Cách chơi:
Mỗi chi đội cử 2 bạn (một bạn nam, một bạn nữ), trong 12m bạn nào điều
khiển xe về cuối cùng (hoặc có thời gian ít nhất) sẽ thắng cuộc.
Trò chơi “Thi đóng vai”
Dụng cụ :
Mỗi chi đội chuẩn bị các phục trang đóng vai:
+ Anh bộ đội Vệ quốc
+ Anh bộ đội Giải phóng quân
+ Anh bộ đội Hải quân
+ Anh bộ đội Không quân
Cách chơi:
Mỗi đội có 1 bạn tham gia, ở mỗi vị trí có một giám khảo, Các bạn lần lượt xuất
phát, thay trang phục, hát một bài hát theo quy định (các ca khúc cách mạng theo các
thời kì kháng chiến của dân tộc). Ai về trước, sẽ là đội thắng cuộc.
- Hoạt động thăm quan danh lam thắng cảnh di tích lịch sử
Đây là nhu cầu của các em trong mọi cuộc cắm trại, do các địa điểm cắm
trại thường gần với danh lam, thắng cảnh và di tích lịch sử, văn hoá. Do vậy, hoạt
động này cần tổ chức để giúp các em tăng thêm hiểu biết, lòng yêu quê hương, đất
nước, tự hào dân tộc.
3.2. Tổ chức các cuộc thi
a) Thi hành quân theo dấu đường
Các chi đội sau khi xuất phát sẽ tìm dấu đường để hành quân đến vị trí tập
kết cắm trại. Chi đội nào thực hiện đúng, đủ, hành quân đến vị trí tập kết nhanh
nhất sẽ thắng cuộc.
Khi tổ chức hoạt động này, cần chuẩn bị chu đáo sơ đồ, dấu đường (theo loại
màu) cho từng chi đội, các mật thư, các kho báu …
b) Thi trại nhanh, trại đẹp
- Thi trại nhanh: Mỗi chi đội cử mỗi đội 08 bạn tham gia dựng trại nhanh.
Dụng cụ gồm: 01 miếng bạt (vỏ chăn), 02 gậy, 1 dây chính, 04 dây con, 06 cọc
con, búa.
Cách thi:
Khi có lệnh dựng trại, đội nào dựng trại nhanh nhất sẽ thắng cuộc. Có thể
cho từng đội dựng rồi tính thời gian.
- Thi trại đẹp: Hoạt động này thường diễn ra sau khi các chi đội đã hoàn
chỉnh việc dựng trại, trang trí trại của mình.
Cách chấm: Dựng trại đúng (dây, nút, cọc, mái), cột cờ, trang trí trong trại,
cổng trại, công trình vệ sinh, hàng rào …
c) Thi nghiệp vụ Nghi thức Đội
Đây là một nội dung phong phú, cần được lựa chọn cho phù hợp với thời gian
của hoạt động trại, nên tập trung vào: đội hình, đội ngũ, các yêu cầu đội viên, lễ chào
cờ, lễ diễu hành, yêu cầu đối với người chỉ huy, các nghiệp vụ hướng dẫn và tổ chức trò
chơi, múa hát, kể chuyện, dịch mật thư, tìm dấu đường, xemapho …
d) Thi văn hoá , khoa học kĩ thuật
- Hoạt động này tập trung vào các nội dung như:
- Thi giải toán vui, thi sáng tác thơ, thi vẽ.
- Thi kể chuyện lịch sử, hiểu biết về cac danh nhân, di tích lịch sử.
- Thi triển lãm ảnh, phong cảnh, thiên nhiên, các ảnh về thực vật động vật,
các mẫu khoáng vật.
- Thi đội viên chữ thập đỏ (cứu thương, cấp cứu, vệ sinh môi trường,
phòng trừ các bệnh thông thường)
V. Đánh giá sau khi học xong tiểu mô đun
* Các câu hỏi và bài tập đánh giá
Câu hỏi 1: Em hãy cho biết, để dựng được lều chữ A cần phải có những dụng cụ
gì. Số lượng các dụng cụ dựng lều?
Câu hỏi 2: Em hãy nhận xét vị trí chân 2 gậy, 2 cọc đầu lều.
Câu hỏi 3: Em hãy nhận xét mối quan hệ giữa cọc so với mặt đất, cọc so với dây.
Câu hỏi 4: Em hãy nhận xét gậy so với mặt đất, vải mái lều so với gậy, và vị trí
các nút buộc.
Câu hỏi 5: Em hãy nêu nhiệm vụ các vị trí khi dựng lều chữ A.
Câu hỏi 6: Trong khi dựng lều chữ A, người ở vị trí dựng lều nào sau khi thực
hiện xong nhiệm vụ được rời khỏi vị trí để quan sát, điều chỉnh lều?
Câu hỏi 7: Em hãy cho biết trong các phương án sau phương án nào đúng.
+ Phương án 1: Nút thuyền chài được buộc ở mép vải mái lều.
+ Phương án 2: Nút gỗ đơn được buộc ở mép vải mái lều
+ Phương án 3: Nút gỗ đơn được buộc ở đầu gậy
+ Phương án 4: Nút thuyền chài được buộc ở 2 đầu gậy và ở tất cả các cọc con.
Câu hỏi 8: Em hãy mô tả và thực hành cách buộc nút gỗ đơn và nút thuyền
chài.
Câu hỏi 9: Em hãy cho biết những bí quyết để dựng được lều chữ A nhanh, đảm
bảo chính xác các quy định khi dựng lều .
Câu hỏi 10: Khi trang trí lều cần đảm bảo những yêu cầu gì?
Câu hỏi 11: Nếu đã có địa điểm và có đầy đủ dụng cụ dựng lều chữ A là nhóm
trưởng em sẽ phân công các bạn trong nhóm dựng lều chữ A như thế nào? Em sẽ
hướng dẫn các bạn trong nhóm dựng lều chữ A theo trình tự ra sao?
Câu hỏi 12: Em hãy điền vào chỗ trống những quy định sau sao cho đúng với các
quy định về kĩ thuật dựng lều chữ A:
- Chân 2 gậy, 2 cọc … cùng nằm trên một đường thẳng
- Đóng cọc xuống đất nghiêng 1 góc … và ngược với … dây
- Buộc nút đúng nơi quy định
+ Nút gỗ đơn: Buộc ở …
+ Nút thuyền chài: Buộc ở …
- Mái lều phẳng, 2 … đúng thẳng, 2 mái lều … so với gậy
Câu hỏi 13: Cho thời gian 30 phút em hãy hướng dẫn các bạn thực hành dựng lều
chữ A.
Câu hỏi 14: Tổ chức trại cho thiếu niên là hình thức hoạt động bắt buộc hay là
hoạt động phù hợp với nguyện vọng sở thích của thiếu niên?
Câu hỏi 15: Đi trại có rèn luyện ý thức tổ chức kỉ luật cho đội viên không? Vì
sao?
Câu hỏi 16: Đi trại có giúp đội viên tăng thêm hiểu biết không? Vì sao?
Câu hỏi 17: Em hãy điền tiếp vào dấu chấm (...) .
“Nội dung của trại họp bạn là : …………………………………… giữa các
cá nhân, tập thể hoặc gắn với cá nội dung: giao ước thi đua, kết nghĩa, trao đổi kinh
nghiệm học tập, thi đua, hoạt động .v.v.”
Câu hỏi 18: Em hãy cho biết mục đích chủ yếu của trại hè là gì?
Câu hỏi 19: Em hãy điền tiếp đoạn còn thiếu vào chỗ chấm (…)
Mục tiêu cuộc trại được xác định:
Phù hợp với … ngày trại, chủ đề cuộc trại.
Đảm bảo được …
Phù hợp với tâm lí, … nguyện vọng, … của đội viên
Hợp lí về thời gian, địa điểm, điều kiện … ..của liên đội, của chi đội, của đội
viên.
Câu hỏi 20: Địa điểm cắm trại cần đảm bảo những yêu cầu gì?
Câu hỏi 21: Sau khi xây dựng xong kế hoạch tổ chức trại, chỉ huy Đội cần tiếp tục
làm gì để thống nhất được chương trình.
Câu hỏi 22: Tại sao nói xây dựng phân công nhiệm vụ là vấn đề quan trọng có
tính quyết định sự thành công của hoạt động đi trại?
Câu hỏi 23: Muốn trại đạt kết quả tốt cần chuẩn bị những nội dung nào dưới đây?
Họp để chuẩn bị về mặt tổ chức
Họp chuẩn bị về mặt nội dung
Họp chuẩn bị về vật chất
Câu hỏi 24: Em hãy cho biết một bản thiết kế hoạt động ngày trại gồm mấy
phần? Nội dung của từng phần là gì?
* Thông tin phản hồi của đánh giá
Đáp án câu 1: Để dựng được lều chữ A cần phải có những dụng cụ, số lượng
dựng lều sau:
+ Gậy: 2 chiếc (1,6-1,8m)
+ Dây chính: 1 chiếc (10-12m)
+ Mái lều: (bạt mềm: 3mx4m)
+ Cọc con: 4-6 chiếc (1m-1,5m)
+ Cọc con : 6-8 chiếc (30cm-40cm)
+ Dụng cụ đóng cọc: Búa, vồ gỗ (tối thiểu 2 chiếc)
Đáp án câu 2
Vị trí chân 2 gậy, 2 cọc đầu lều: chân 2 gậy, 2 cọc đầu lều nằm trên
một đường thẳng
Đáp án câu 3
Mối quan hệ giữa cọc so với mặt đất, cọc so với dây: cọc đóng xuống đất
nghiêng 1 góc 450 và ngược với chiều căng của dây.
Đáp án câu 4
Gậy so với mặt đất, vải mái lều so với gậy: hai gậy đứng thẳng vuông góc
với mặt đất, vải mái lều mở đều so với gậy.
Đáp án câu 5
- Nhiệm vụ các vị trí khi dựng lều chữ A:
+ Số 1 cuộn dây, cầm 1 búa, 1 cọc con.
+ Số 2,3 cầm gậy
+ Số 4 cầm 1 búa, 1 cọc con.
+ Số 5 gập mái, cầm 1 dây con, 1 cọc con, 1 búa.
+ Số 6,7,8 cầm 1 dây con, 1 cọc con, 1 búa.
Đáp án câu 6
Người ở vị trí số 1
Đáp án câu 7
Phương án đúng: 2 – 4.
Đáp án câu 8
Tự mô tả và thực hành cách buộc nút gỗ đơn và nút thuyền chài.
+ Nút gỗ đơn: tay phải luồn dây qua khuyên của mái lều, dây bên phải kết
hợp với dây bên trái tạo thành một vòng tròn, kéo một đầu dây ngắn qua vòng tròn,
rồi thắt chặt nút buộc.
+ Nút thuyền chài: tay trái cầm chặt dây giữa giao điểm của gậy và vải mái
lều-> Tay phải tạo thành một vòng tròn và úp vào tâm gậy-> Đặt vải mái lều lên
gậy và dây-> Sau đó tay phải lại tạo thành một vòng tròn và đưa vào tâm gậy và
kéo đầu 2 đầu dây, thắt chặt nút buộc.
Đáp án câu 9
Bí quyết để dựng được lều chữ A nhanh, đảm bảo chính xác các quy định
khi dựng lều là:
+ Phân công cụ thể từng người vào các vị trí các số. Số 1 sau khi đóng cọc
được phép rời vị trí sẽ là người chỉ huy chung, đi giúp các vị trí khác.
+ Mọi người ngay từ lúc bắt đầu cần lấy đủ dụng cụ cần thiết của mình: số 1
cầm dây giữa cọc con và búa; số 4 cầm cọc con và búa; số 2,3 cầm gậy; số 5 cầm
vài mái lều, dây con, cọc con và búa; số 6,7,8 cầm dây con, cọc con và búa. Rồi
xếp hàng dọc thứ tự 1-2-3-4-5-6-7-8.
+ Tập cuốn dây chính để khi tung dây, dây không rối. Cách cuốn dây: tay
trái cầm chắc một đầu dây, tay phải cuốn theo vòng tròn từ dưới khuỷu tay lên giữa
ngón cái và ngón trỏ của tay trái theo chiều kim đồng hồ.
+ Tập gấp mái lều để khi mở mái lều được nhanh. Cách gấp: chiều dọc vải
gấp xếp đổi chiều, gấp chiều ngang từng ô cho đến hết.
- Sau đó thực hành theo đúng trình tự các bước dựng lều.
Đáp án câu 10
Trang trí lều cần phải đẹp đảm bảo mục tiêu là: đơn giản, có ý nghĩa (phù
hợp với ý nghĩa của hội trại).
- Trang trí cổng lều : Phải có biển ở cổng lều, ngoài tên chi đội cần có tên
lều, tên lều phải nói lên chủ đề của hội trại.
- Trang trí mái lều: Thường sử dụng các loại giấy màu có thể chuẩn bị
trước, sẵn từ nhà, đến nơi tổ chức hội trại thì dán vào mái lều nhằm giữ vệ sinh
chung tại nơi tổ chức hội trại). Các hình ảnh được trang trí trên các mái lều phải
minh hoạ cho chủ đề của lều và của hội trại.
- Trang trí trong lều:
+ Lều chi đội: Có ảnh Bác, có thể có triển lãm nhỏ như: báo tường, vở sạch,
chữ đẹp, những bài kiểm tra đạt điểm 9,10 của các bạn trong chi đội. Triển lãm nhỏ
cũng phải gắn với chủ đề của lều trại. Nên trải vải (chiếu) trên nền đất trong lều.
+ Lều tiếp khách: Coi như phòng khách ở gia đình. Không có cờ Tổ quốc.
Có thể có một ảnh Bác, một bàn nhỏ, có lọ hoa (tránh lọ nặng, dễ vỡ, nhất là loại
đắt tiền), bày một số dụng cụ khéo tay hay làm, một vài đồ chơi đẹp. Có thể trải vải
(chiếu) trên nền đất hoặc bố trí ghế ngồi đón khách.
- Trang trí xung quanh lều:
Làm hàng rào xung quanh khu vực lều và trang trí bằng những dụng cụ nhẹ,
dễ mang đi, nhất là phát huy sáng kiến dùng những vật dụng sẵn có ở quanh khu
vực trại. Không ngắt lá, bẻ cành, hái hoa.
Đáp án câu 11
a. Phân công các bạn trong nhóm nhiệm vụ như sau:
+ Nhiệm vụ của người số 1: cuộn dây, cầm 1 búa, 1 cọc con.
+ Nhiệm vụ của người số2: số 2,3 cầm gậy
+ Nhiệm vụ của người số 3: số 4 cầm 1 búa, 1 cọc con.
+ Nhiệm vụ của người số 4: số 5 gập mái, cầm 1 dây con, 1 cọc con, 1 búa.
+ Nhiệm vụ của người số 5,6,7,8: số 6,7,8 cầm 1 dây con, 1 cọc con, 1 búa.
b. Trình tự các bước dựng lều:
+ Người ở vị trí số 1 tung dây, người số 4 bắt dây và căng dây ra, sau khi
căng dây xong thì đặt dây xuống mặt đất.
+ Người số 5 tung vải mái lều
+ Người số 5, 6, 7, 8 trải mái lều cho cân xứng, sao cho dây chia đôi vải, vải
chia đôi dây.
+ Người số 2, 3 đặt gậy nằm xuống thẳng song song với dây chính và đặt
đầu gậy vào giao điểm giữa vải mái lều và dây chính. (người số 2 buộc nút thuyền
chài trước, rồi mới đến người số 3)
+ Người số 1, 4 đóng cọc
+ Người số 5, 6, 7, 8 buộc nút gỗ đơn vào mép vải mái lều phía dưới, sau đó
cùng đóng cọc con.
+ Người số 2,3 dựng gậy lên, sau đó người ở các vị trí còn lại buộc nút thuyền
chài ở các cọc con. Người số 5 và người số 6, người số 7 và người số 8 cầm 4 góc lều
kéo căng và đều chỉnh cho mái lều phẳng, mái lều mở đều so với gậy.
Đáp án câu 12
- Chân của 2 gậy và 2 cọc đầu lều nằm trên một đường thẳng (A,B,C,D
thẳng hàng)
- Đóng cọc xuống đất nghiêng 1 góc 45 độ và ngượi với chiều căng của dây.
- Buộc đúng nút và dùng đúng nơi quy định:
+ Nút gỗ đơn: buộc ở mép vải mái lều phía dưới (góc phảii), độn một hòn
sỏi nhỏ để tránh cho vải mái lều khỏi rách, tuột nút.
+ Nút thuyền chài: buộc ở 2 đầu gậy trên đỉnh mái lều và ở tất cả các cọc
con
+ Mái lều phẳng, không vết nhăn. Hai gậy đứng thẳng, 2 mái lều mở đều so
với gậy.
Đáp án câu 13
- Hướng dẫn các bạn thực hành dựng lều chữ A như sau:
+ Phân công các nhiệm vụ các vị trí khi dựng lều.
+ Hướng dẫn các bạn dựng lều theo trình tự các bước đã học.
Đáp án câu 14
Là hoạt động phù hợp với nguyện vọng sở thích của thiếu niên.
Đáp án câu 15
+ Có rèn luyện cho đội viên ý thức tổ chức kỉ luật
+ Vì : Tổ chức trại là tổ chức cho các em một cuộc sống tập thể ở ngoài trời,
giúp các em được rèn luyện tinh thần đoàn kết, tinh thần trách nhiệm, ý thức vì mọi
người, tinh thần kỉ luật tự giác, sống làm việc vui chơi có nền nếp, có trật tự. Bởi
cuộc sống ở ngoài trời, với những điều kiện vật chất có hạn, các em phải chủ động
phát huy sáng kiến, tự tạo cho mình một cuộc sống tương đối đầy đủ (bàn ăn, trạn
bát, lọ hoa …) tự làm lấy những công việc mà ở nhà có người khách làm cho. Tất
cả những hoạt động ấy sẽ làm cho các em tháo vát, khéo léo và phát huy tinh thần
tự lực, tinh thần trách nhiệm, ý thức kỉ luật.
Đáp án câu 16
+ Có giúp đội viên tăng thêm hiểu biết
+ Vì: sống ở trại tự điều khiển lẫn nhau, tự làm mọi công việc cần thiết, làm
công tác xã hội, các em có dịp được ứng dụng các bài học trong lớp, hiểu biết hơn
về tình bạn, tình yêu đất nước, con người và về cuộc sống xã hội. Đi trại xa nơi ở
hàng ngày, trên đường đi, đến một nơi có phong cảnh đẹp, mới lạ, có công trình
xây dựng, có di tích lịch sử, được gần gũi với thiên nhiên, được hiểu hơn về đất
nước các em càng tự hào về truyền thống của dân tộc, truyền thống của quê hương
đất nước, của Đảng, của Đoàn, của Đội.
Đáp án câu 17
“Nội dung của trại họp bạn là: Biểu dương, trao đổi kinh nghiệm, vui chơi,
thi tài năng, sáng tạo … giữa các cá nhân, tập thể hoặc gắn với cá nội dung: giao
ước thi đua, kết nghĩa, trao đổi kinh nghiệm học tập, thi đua, hoạt động .v.v.”
Đáp án câu 18
Mục đích chủ yếu của trại hè là vui chơi, giải trí, nghỉ mát, thư giãn sau một
năm học tập căng thẳng, nội dung chủ yếu là: Tham quan, du lịch, thể dục-thể thao,
văn hoá, văn nghệ … Nhằm giúp các em rèn luyện khả năng sống tự lập, tự quản
trong cuộc sống, trong sinh hoạt
Đáp án câu 19
Mục tiêu cuộc trại được xác định :
Phù hợp với ý nghĩa ngày trại, chủ đề cuộc trại.
+ Đảm bảo được tính giáo dục
+ Phù hợp với tâm lí, nhu cầu nguyện vọng, khả năng của đội viên
+ Hợp lí về thời gian, địa điểm, điều kiện kinh kế của liên đội,
của chi đội, của đội viên.
Đáp án câu 20
Địa điểm cắm trại cần đảm bảo những yêu cầu sau:
+ Có bãi bằng phẳng, tương đối rộng đủ cho đơn vị vui chơi, hoạt động.
+ Gần danh lam thắng cảnh hoặc một di tích lịch sử.
+ Có cây cao che nắng, nền đất cao ráo, sạch sẽ có giếng nước ăn và nước
sinh hoạt đảm bảo cho nhiều người.
+ Thuận lợi trong đi lại nhưng tránh nơi giao thông đông đúc, không quá xa
dân, bệnh viện, có nơi trú khi thời tiết không thuận lợi.
+ Nếu nơi cắm trại mà phần lớn các trại tham gia sinh hoạt chưa biết thì cần
có một sơ đồ và dự kiến phân công ngay trong sơ đồ đó.
Đáp án câu 21
Sau khi xây dựng xong kế hoạch tổ chức trại, chỉ huy Đội cần:
Thông báo kế hoạch, xin ý kiến góp ý của các bạn, sự phê duyệt của thầy cô
giáo tổng phụ trách, giáo viên chủ nhiệm và tổ chức họp chuẩn bị.
Đáp án câu 22
Xây dựng phân công nhiệm vụ là vấn đề quan trọng có tính quyết định sự
thành công của hoạt động đi trại bởi cần phải xác định làm cái gì, ai làm và làm
như thế nào để từ đó phân công lực lượng tham gia chuẩn bị mới phù hợp và hợp lí
với khả năng của từng đội viên. Như vậy kết quả cuộc trại chắc chắn sẽ thành
công.
Đáp án câu 23
Trại muốn đạt kết quả tốt cần chuẩn bịcác nội dung :
+ Họp để chuẩn bị về mặt tổ chức
+ Họp chuẩn bị về mặt nội dung
+ Họp chuẩn bị về vật chất
Đáp án câu 24
Một bản thiết kế hoạt động ngày trại gồm 3 phần: Phần 1 – xác định mục
tiêu cuộc trại; phần 2 – xác định quy mô tổ chức; phần 3 – xây dựng phân công
thực hiện. Cụ thể:
Phần 1: Xác định mục tiêu cuộc trại
+ Phù hợp với ý nghĩa ngày trại, chủ đề cuộc trại.
+ Đảm bảo được tính giáo dục
+ Phù hợp với tâm lí, nhu cầu nguyện vọng, khả năng của đội viên
+ Hợp lí về thời gian, địa điểm, điều kiện kinh tế của liên đội, của chi
đội, của đội viên.
Phần 2: Xác định quy mô tổ chức
+ Địa điểm cắm trại.
+ thời gian cắm trại
+ Đối tượng dự trại
+ Phương tiện đi-về
+ Ban lãnh đạo trại, các ban chuyên môn, các tiểu ban.
+ Kinh phí.
+ Chương trình trại: Chương trình ngày trại gồm các phần:
Chuẩn bị: Bố trí khu vực trại, dựng lều
Khai mạc:
nội dung hoạt động:
Kết thúc:
Phần 3: Xây dựng phân công thực hiện
Xác định nhiệm vụ cho ban lãnh đạo trại, các ban chuyên môn và các tiểu ban:
+ Ban lãnh đạo trại:
+ Ban chuyên môn:
+ Các tiểu ban:

Mô đun 4 : Công tác nhi đồng


(9 tiết)

I. Mục tiêu chung của mô đun 4


Sau khi học xong môđun 4, học sinh đạt được những yêu cầu sau:
- Nêu được một số quy định chung về nhi đồng và Sao nhi đồng.
- Trình bày được mục tiêu, nội dung giáo dục nhi đồng.
- Trình bày được các hoạt động chủ yếu của nhi đồng trong trường tiểu học
- Biết thiết kế và điều hành một cuộc sinh hoạt Sao, sinh hoạt lớp nhi đồng.
- Vận dụng được kĩ năng tổ chức sinh hoạt Sao, lớp nhi đồng tại liên đội.
II. Giới thiệu mô đun 4
Mô đun 4 bao gồm 3 tiểu mô đun, phân bố trong 9 tiết, cụ thể như sau :
STT Tên tiểu mô đun Số tiết Trang số
1 Quy định về nhi đồng và Sao nhi đồng 2 tiết 410
2 Hoạt động của nhi đồng trong trường tiểu học 5 tiết 422
3 Phụ trách Sao nhi đồng 2 tiết 446
Cộng: 3 tiểu mô đun 9 tiết
Tiểu mô đun 1: QuY định về nhi đồng và sao nhi đồng (2 tiết)
I. Mục tiêu
Sau khi kết thúc tiểu mô đun 1, học sinh có khả năng:
1. Kiến thức
- Nêu được những quy định chung về nhi đồng và Sao nhi đồng.
- Trình bày được mục tiêu, nội dung giáo dục nhi đồng.
2. Kĩ năng
- Vận dụng được những hiểu biết về nhi đồng, Sao nhi đồng vào thực tiễn
hoạt động Đội tại liên đội.

3. Thái độ
- Có ý thức tự giác học tập.
- Yêu thích các hoạt động của nhi đồng.
II. Giới thiệu tiểu mô đun 1
Tiểu mô đun 1 bao gồm 2 chủ đề cơ bản, thực hiện trong 2 tiết, nội dung cụ
thể như sau :
STT Tên chủ đề Số tiết Trang số
1 Quy định chung về nhi đồng và Sao nhi 1 tiết 412
đồng
2 Mục tiêu, nội dung giáo dục nhi đồng 1 tiết 416
Cộng 2 tiết
III. Điều kiện cần thiết để thực hiện tiểu mô đun 1
1. Tài liệu học tập
1. HĐĐ Trung ương, Điều lệ và hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đội TNTP Hồ
Chí Minh, Nxb Thanh niên, 2003.
2. HĐĐ Trung ương, Hướng dẫn thực hiện chương trình rèn luyện đội viên,
Nxb Thanh niên, 1995.
3. HĐĐ Trung ương, Búp măng xinh, Nxb Thanh niên, 4/1995.
4. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - Học viện Thanh thiếu niên Việt
Nam, Công tác Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Nxb Thanh niên, 3/2005.
5. Trường Lê Duẩn, Công tác nhi đồng, Nxb Hà Nội, 2005.
2. Thiết bị, đồ dùng giảng dạy và học tập
- Máy projector.
- Giấy trôki, bút, nam châm, băng dính, giấy mầu(các loại), dao dọc giấy,
kéo, mầu vẽ.
- Quần áo hoá trang các nhân vật
- Hoa nhựa để múa
- Dụng cụ chơi trò chơi
- Băng hình sinh hoạt Sao, sinh hoạt Lớp nhi đồng.
- Băng hình lễ công nhận Sao, đặt tên Sao, bầu trưởng.
IV. Nội dung
Chủ đề 1: Quy định chung về nhi đồng
và sao nhi đồng (1 tiết)
1. Hoạt động
Hoạt động 1: Tìm hiểu về lứa tuổi nhi đồng (20 phút)
* Thông tin cho hoạt động 1: [5, tr 1 - 13]
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu về lứa tuổi nhi đồng (5 phút)
+ Giáo viên hỏi, học sinh trả lời: Nhi đồng là những em ở độ tuổi nào?
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu đặc điểm tâm sinh lí của lứa tuổi nhi đồng (15 phút)
+ Giáo viên hỏi, học sinh trả lời: Nhi đồng là những em có đặc điểm về thể
chất và tâm lí như thế nào (cơ thể, hoạt động nhận thức, hình thành nhân cách)?
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi 1: Em hãy cho biết lứa tuổi của nhi đồng.
- Câu hỏi 2: Nhi đồng học lớp mấy trong trường tiểu học?
- Câu hỏi 3: Đặc điểm tâm lí của lứa tuổi nhi đồng?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 413 - 414 của giáo trình.
Hoạt động 2: Quy định chung về Sao nhi đồng và Lớp nhi đồng (15 phút)
* Thông tin cho hoạt động 2: [5, tr 13 - 14]
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu về Sao nhi đồng (10 phút)
+ Giáo viên hỏi; học sinh trả lời :
1. Mỗi Sao nhi đồng thường gồm bao nhiêu em?
2. Ai là phụ trách Sao?
3. Trưởng Sao do ai bầu ra? Trưởng Sao làm nhiệm vụ gì?
4. Tên gọi của các Sao có ý nghĩa gì? Cho ví dụ?
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu về lớp nhi đồng (5 phút)
+ Giáo viên hỏi, học sinh trả lời:
1. Những lớp nào được gọi là Lớp nhi đồng ( 1, 2, 3, 4, 5)?
2. Ai phụ trách Lớp nhi đồng?
* Đánh giá hoạt động 2
- Câu hỏi 1: Em hãy nêu quy định chung về Sao nhi đồng.
- Câu hỏi 2: Em hãy nêu quy định chung về Lớp nhi đồng.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 414 của giáo trình.
Hoạt động 3: Tìm hiểu về bài hát truyền thống và lời ghi nhớ của nhi đồng (10 phút)
* Thông tin cho hoạt động 3: [5; tr 134 - 147] 5; tr 14
* Nhiệm vụ của hoạt động 3
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu bài hát truyền thống của nhi đồng (5 phút)
+ Giáo viên hỏi, học sinh trả lời:
1. Em nào có thể hát bài hát truyền thống của nhi đồng?
2. Em có biết bài hát này do ai sáng tác không?
+ Giáo viên giảng giải ý nghĩa bài hát truyền thống của nhi đồng
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu lời ghi nhớ của nhi đồng (5 phút)
+ Giáo viên hỏi; học sinh trả lời:
Em hãy đọc lời ghi nhớ của nhi đồng.
Giáo viên giải thích ý nghĩa lời ghi nhớ của nhi đồng.
* Đánh giá hoạt động 3
- Câu hỏi 1: Em hãy cho biết tên bài hát truyền thống của nhi đồng. Do ai
sáng tác? Trình bày ý nghĩa của bài hát.
- Câu hỏi 2: Em hãy đọc lời ghi nhớ của nhi đồng.
- Câu hỏi 3: Em hiểu lời ghi nhớ của nhi đồng như thế nào?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3: Xem trang 414 - 416 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
Nhi đồng là những em có độ tuổi từ 6 đến 8 tuổi, tương đương với lớp 1, 2, 3
trong trường tiểu học. ở lứa tuổi này, thời kì ấu thơ của tuổi mẫu giáo đã kết thúc,
các em bước vào trường phổ thông. Do chưa ý thức đầy đủ và chưa đủ năng lực để
tự quản một tổ chức nên quy mô tập hợp để tiến hành các hoạt động vui chơi là cần
thiết giúp cho các em phát triển về thể chất, bước đầu tập làm quen với học tập và
lao động giúp các em hình thành nhận thức đúng và nhân cách tốt.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
- Quy định về Sao nhi đồng:
+ Sao nhi đồng có tối thiểu 5 em.
+ Phụ trách Sao là đội viên.
+ Trưởng Sao do các bạn nhi đồng trong cùng một Sao bầu ra. Trưởng Sao
giúp phụ trách Sao quản lí Sao và tổ chức các hoạt động cho Sao.
+ Tên gọi của các Sao gắn với những đức tính tốt mà các em phấn đấu. Ví
dụ: “ Sao Đoàn kết”, “ Sao Vui vẻ”, “ Sao Chăm chỉ”, “ Sao Dũng cảm”, “ Sao
Sạch sẽ”, “ Sao Học tốt”...
- Quy định về Lớp nhi đồng:
+ Là các lớp 1, 2, 3 trong nhà trường tiểu học.
+ Phụ trách lớp nhi đồng: gồm có 1 chi đội giúp đỡ và giáo viên chủ nhiệm
phụ trách lớp
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3
- Về bài hát truyền thống và ý nghĩa của bài hát:
+ Bài hát truyền thống của nhi đồng là bài hát “ Nhanh bước nhanh nhi
đồng”, sáng tác của nhạc sĩ Phong Nhã.
+ ý nghĩa bài hát: Bài hát nhắn nhủ các em nhi đồng hãy gắng chăm học,
chăm làm, xứng danh con ngoan trò giỏi - cháu ngoan Bác Hồ, trở thành người
công dân có ích cho Tổ quốc trong tương lai.
- Về lời ghi nhớ và ý nghĩa của lời ghi nhớ nhi đồng:
+ Lời ghi nhớ của nhi đồng là:
“ Vâng lời Bác Hồ dạy
Em xin hứa sẵn sàng
Là con ngoan trò giỏi
Cháu Bác Hồ kính yêu”
+ ý nghĩa lời ghi nhớ của nhi đồng: Nhắn nhủ các em nhi đồng thi đua thực
hiện tốt những điều Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành con ngoan trò giỏi, cháu ngoan
Bác Hồ.

Chủ đề 2: Mục tiêu, nội dung giáo dục nhi đồng (1 tiết)
1. Hoạt động
Hoạt động 1: Xác định mục tiêu giáo dục nhi đồng (15 phút)
* Thông tin cho hoạt động 1: [1, tr 13, tr 21 - 22]; [3; tr 9]; [5; tr 15]
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Xác định mục tiêu giáo dục nhi đồng ( 5phút)
+ Giáo viên hỏi, học sinh trả lời : Theo em, mục đích của việc giáo dục nhi
đồng là gì?
- Nhiệm vụ 2: Phân tích, giải thích về mục tiêu giáo dục nhi đồng (7 phút)
+ Giáo viên hỏi, học sinh trả lời :
Thế nào là con ngoan?
Thế nào là trò giỏi?
Thế nào là bạn tốt?
Những nhi đồng nào được công nhận là cháu ngoan Bác Hồ?
+ Giáo viên tổng hợp, phân tích, giảng giải về mục tiêu giáo dục nhi đồng.
- Nhiệm vụ 3: Tìm hiểu điều kiện để nhi đồng được kết nạp vào Đội TNTP
Hồ Chí Minh ( 3 phút)
Muốn vào Đội TNTP Hồ Chí Minh, nhi đồng phải có những điều kiện gì?
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi 1: Em hãy trình bày mục tiêu giáo dục nhi đồng.
- Câu hỏi 2: Em hãy nêu điều kiện để nhi đồng được kết nạp vào Đội TNTP
Hồ Chí Minh.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 417 - 418 của giáo trình.
Hoạt động 2: Tìm hiểu nội dung giáo dục nhi đồng ( 30 phút)
* Thông tin cho hoạt động 2: [4, tr 176 - 178]; [3, tr 9 - 12].
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Xác định các nội dung giáo dục nhi đồng (10 phút)
+ Giáo viên hỏi, học sinh trả lời: Nêu các nội dung giáo dục nhi đồng?
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu ý nghĩa các nội dung giáo dục nhi đồng (20 phút)
+ Giáo viên hỏi, học sinh trả lời :
Thế nào là con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ?
Thế nào là vệ sinh sạch sẽ?
Cần làm gì để chứng tỏ là người yêu Sao nhi đồng và yêu Đội TNTP Hồ Chí
Minh?
Em hãy nêu những điều cần biết khi ra đường.
Em hiểu thế nào là người bạn tốt?
Kể những việc làm tốt của em?
* Đánh giá hoạt động 2
- Câu hỏi 1: Em hãy trình bày nội dung giáo dục nhi đồng.
- Câu hỏi 2: Thế nào là con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ?
- Câu hỏi 3: Thế nào là vệ sinh sạch sẽ?
- Câu hỏi 4: Em cần làm gì để chứng tỏ là người yêu Sao nhi đồng và yêu
Đội TNTP Hồ Chí Minh?
- Câu hỏi 5: Em hãy nêu những điều cần biết khi ra đường.
- Câu hỏi 6: Em hiểu thế nào là người bạn tốt?
- Câu hỏi 7: Kể những việc làm tốt của em.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 418 - 420 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
- Mục tiêu giáo dục nhi đồng:
Theo chương trình dự bị RLĐVcủa Hội đồng Đội Trung ương quy định thì
mục tiêu giáo dục nhi đồng là:
Giúp các em nhi đồng thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy, xứng đáng là con
ngoan, trò giỏi, bạn tốt, cháu ngoan Bác Hồ, phấn đấu trở thành đội viên TNTP Hồ
Chí Minh.
- Điều kiện để kết nạp nhi đồng vào Đội TNTP Hồ Chí Minh:
Thiếu niên Việt Nam từ 9 đến 14 tuổi có những điều kiện sau đây đều được
vào Đội TNTP Hồ Chí Minh:
- Thừa nhận Điều lệ Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh
- Tự nguyện xin vào Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh
- Được quá nửa số đội viên trong chi đội đồng ý.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
1. Nội dung giáo dục nhi đồng:
Chương trình RLĐV hạng dự bị quy định 7 nội dung giáo dục nhi đồng như
sau:
- Kính yêu Bác Hồ
- Con ngoan
- Chăm học, trò giỏi
- Vệ sinh sạch sẽ
- Yêu Sao nhi đồng và yêu Đội TNTP Hồ Chí Minh
- Những điều cần biết khi ra đường
- Noi gương người tốt, làm việc tốt, là người bạn tốt.
2. Các nội dung giáo dục nhi đồng được hiểu như sau:
2.1. Con ngoan: Là phải biết kính yêu, lễ phép với ông bà, cha mẹ, anh chị, bà
con họ hàng và mọi người, biết giúp đỡ gia đình những việc phù hợp với sức mình,
biết tiết kiệm cho gia đình, biết về bố, mẹ, địa chỉ gia đình, nhớ ngày tháng năm sinh
của mình và người thân trong gia đình. là cháu ngoan Bác Hồ.
2.2. Trò giỏi: Biết vâng lời thầy cô, chăm chỉ học tập, luôn chuẩn bị bài và
làm bài đầy đủ. Trong lớp chú ý nghe giảng, hăng hái phát biểu ý kiến xây dựng
bài. Có tinh thần giúp bạn vượt khó học tốt; luôn cố gắng vươn lên đạt thành tích
cao trong học tập, rèn luyện, ...

2.3. Cháu ngoan Bác Hồ


HĐĐ Trung ương quy định danh hiệu CNBH gồm 3 cấp như sau:
a) Danh hiệu CNBH cấp liên đội (gồm 5 tiêu chuẩn)
- Có tinh thần đoàn kết, thương yêu giúp đỡ bạn bè và mọi người xung
quanh, khiêm tốn, thật thà, dũng cảm, biết vâng lời và giúp đỡ cha mẹ; xếp loại đạo
đức từ khá trở lên.
- Có tinh thần khắc phục khó khăn, vươn lên trong học tập và có kết quả
ngày càng tiến bộ, xếp loại văn hoá từ trung bình trở lên.
- Có ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện nếp sống văn minh nơi công
cộng, nội quy của trường, lớp; tích cực lao động, rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ
sinh cá nhân và môi trường.
- Tham gia đầy đủ và có hiệu quả các hoạt động của nhà trường và các
phong trào do Đội TNTP Hồ Chí Minh tổ chức.
- Thực hiện Chương trình RLĐ, được công nhận từ 3 “chuyên hiệu” trở lên.
b) Danh hiệu CNBH cấp quận, huyện
Là những CNBH xuất sắc cấp liên đội, xếp loại đạo đức tốt, xếp loại văn hoá
từ khá trở lên; thực hiện Chương trình RLĐV đạt từ 5 “chuyên hiệu” trở lên.
c) Danh hiệu CNBH cấp tỉnh, thành phố
Là những CNBH xuất sắc cấp quận, huyện, xếp loại đạo đức tốt, văn hoá
giỏi hoặc đạt giải trong các kì thi học sinh giỏi từ cấp quận - huyện trở lên, được
công nhận hoàn thành Chương trình RLĐV theo hạng tuổi.
2.4. Vệ sinh sạch sẽ: là biết giữ gìn vệ sinh thân thể tốt. Biết giữ gìn vệ sinh
trường, lớp, ở nhà và nơi công cộng. Không vứt rác, nhổ bậy. Biết đề phòng một số
bệnh thông thường như: đứt tay, đau răng, cảm nắng, cảm lạnh...Thuộc và luyện
tập đều bài thể dục buổi sáng, giữa giờ.
2.5. Yêu Sao, yêu Đội: là nhớ tên Sao và ý nghĩa của tên Sao, sinh hoạt Sao
đều, vâng lời, yêu quý phụ trách sao. Biết một số bài hát múa, trò chơi của nhi
đồng. Biết xếp hàng một, hàng đôi, hàng dọc, hàng ngang, vòng tròn. Thuộc các
động tác: Nghiêm, nghỉ, chào, quay trái, quay phải, quay đằng sau. Nhi đồng lớp 3
biết thắt khăn quàng đỏ...
2.6. Những điều cần biết khi ra đường: Khi ra đường cần biết cách đi đúng
quy định của Luật giao thông đường bộ để bảo đảm an toàn. Biết nên chơi ở những
nơi được phép, không chơi ở những chỗ nguy hiểm, mất vệ sinh, nơi mỗi người
cần yên tĩnh... Có cử chỉ đẹp khi ra đường: đối với cụ già, em bé, người tàn tật...
Biết tên đường phố, ngõ xóm và địa chỉ của trạm y tế, cửa hàng, đồn công an ở địa
phương.
2.7. Noi gương người tốt, làm việc tốt, là người bạn tốt: Biết một số gương
nhân vật tốt trong truyện cổ tích, truyện dân gian, truyện ngụ ngôn, truyện anh hùng
liệt sĩ. Là người bạn tốt, các em phải biết yêu thương và giúp đỡ bạn bè nhất là các
bạn đau yếu, tàn tật, gặp hoàn cảnh khó khăn, học kém. Noi gương các bạn ngoan,
học giỏi, hàng ngày biết làm việc tốt, tránh việc xấu.
V. Đánh giá sau khi học xong tiểu mô đun
* Các câu hỏi và bài tập đánh giá
Câu hỏi 1: Nhi đồng là những em như thế nào?
Câu hỏi 2: Nêu quy định chung về Sao nhi đồng và lớp nhi đồng?
Câu hỏi 3: Em hãy cho biết tên bài hát truyền thống của nhi đồng? Do ai sáng tác.
Hãy bắt nhịp cho cả lớp cùng hát.
Câu hỏi 4: Em hãy đọc lời ghi nhớ của nhi đồng. Em hiểu ý nghĩa lời ghi nhớ của
nhi đồng như thế nào?
Bài tập 1: Điền từ hoặc cụm từ thích hợp vào chỗ trống
+ Nhi đồng là những em ở độ tuổi từ ..... đến ..... tuổi?
+ Trong trường tiểu học nhi đồng học từ lớp .................?
+ Thường mỗi Sao nhi đồng có tối thiểu ...... em?
+ Phụ trách Sao là ............?
+ Tên Sao nhi đồng có thể là .........?
* Thông tin phản hồi của đánh giá
Đáp án câu 1
Nhi đồng là những em từ 6 đến 8 tuổi, tương đương với lớp 1, 2, 3 trong
trường tiểu học.
Đáp án câu 2
Quy định chung về Sao nhi đồng và Lớp nhi đồng là:
Mỗi Sao nhi đồng có tối thiểu là 5 em, có một phụ trách Sao và một trưởng
Sao.
Mỗi Sao có một tên gọi. Tên gọi do các em tự chọn, có sự gợi ý của phụ trách Sao
(thường gắn với những đức tính tốt mà các em phấn đấu như “ Sao Chăm chỉ”, “Sao Vui
vẻ”, “ Sao Dũng cảm”, “ Sao Học tốt”, “ Sao Sạch sẽ”) ...
Mỗi tuần các Sao sinh hoạt ít nhất là một lần dưới sự hướng dẫn của phụ
trách Sao.
Mỗi tháng, các Sao nhi đồng trong cùng một lớp nhi đồng sinh hoạt lớp một lần
dưới sự hướng dẫn của phụ trách nhi đồng ( giáo viên chủ nhiệm lớp).
Đáp án câu 3
+ Tên bài hát: Nhanh bước nhanh nhi đồng
+ Tên nhạc sĩ sáng tác : Phong Nhã
Đáp án câu 4
+ Lời ghi nhớ của nhi đồng:
“ Vâng lời Bác Hồ dạy
Em xin hứa sẵn sàng
Là con ngoan trò giỏi
Cháu Bác Hồ kính yêu”
+ ý nghĩa lời ghi nhớ của nhi đồng: Nhắc nhở các em nhi đồng biết vâng lời
Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành con ngoan trò giỏi - cháu ngoan Bác Hồ.
Đáp án bài tập
+ Nhi đồng là những em từ 6 đến 8 tuổi.
+ Trong trường tiểu học nhi đồng học từ lớp 1 đến lớp 3.
+ Mỗi Sao nhi đồng có tối thiểu 5 em.
+ Phụ trách Sao là đội viên.
+ Tên Sao do các em tự chọn, có gợi ý của phụ trách Sao ( thường gắn với
những đức tính tốt mà các em phấn đấu như “ Sao Chăm chỉ”, “ Sao Vui vẻ”,
“Sao Dũng cảm”, “ Sao Học tốt”...
Tiểu mô đun 2: Hoạt động nhi đồng trong trường tiểu học
( 5 tiết)

I. Mục tiêu
Sau khi kết thúc tiểu mô đun 2, học sinh có khả năng:
1. Kiến thức
- Nêu được diễn biến hoạt động lễ đặt tên Sao, bầu trưởng Sao và lễ công
nhận Sao.
- Trình bày được thiết kế chương trình cuộc sinh hoạt Sao, lớp nhi đồng
thường kì;
- Phân biệt được sinh hoạt Sao và sinh hoạt lớp nhi đồng;
- Xác định được chủ điểm, nội dung sinh hoạt Sao, lớp nhi đồng các tháng
trong năm học.
2. Kĩ năng
- Thiết kế và điều hành được chương trình cuộc sinh hoạt Sao, lớp nhi đồng
thường kì;
- Biết thảo luận, trao đổi, phân tích, tổng hợp, so sánh được sinh hoạt Sao và
sinh hoạt lớp nhi đồng;
- Vận dụng được những hiểu biết về nội dung giáo dục nhi đồng vào thực
tiễn hoạt động nhi đồng tại liên đội.
3. Thái độ
- Có ý thức tự giác học tập;
- Yêu thích các hoạt động của nhi đồng.
II. Giới thiệu tiểu mô đun 2
Tiểu mô đun 2 bao gồm 4 chủ đề cơ bản, thực hiện trong 5 tiết, cụ thể như sau :
TT Tên chủ đề Số tiết Trang số
1 Đặt tên Sao, bầu trưởng Sao, Lễ công nhận Sao nhi 1 tiết 424
đồng
2 Sinh hoạt Sao nhi đồng, lớp nhi đồng 1 tiết 428
thường kì.
3 Phương pháp thiết kế, điều hành 2 tiết 431
sinh hoạt Sao, lớp nhi đồng thường kì.
4 Chủ điểm, nội dung sinh hoạt Sao, lớp nhi đồng các 1 tiết 439
tháng trong năm học.
Thiết kế mẫu một cuộc sinh hoạt Sao, sinh hoạt lớp nhi
đồng.
Cộng 5 tiết

III. Điều kiện cần thiết để thực hiện tiểu mô đun 2


1. Tài liệu học tập
- Trường Lê Duẩn, Công tác nhi đồng, Nxb Hà Nội, 2005
2. Thiết bị và đồ dùng giảng dạy và học tập
- Máy projector
- Băng hình sinh hoạt Sao, sinh hoạt lớp nhi đồng
- Băng hình lễ công nhận Sao, đặt tên Sao, bầu trưởng Sao.
- Giấy trôki: 02 tờ/ 1 lớp
- Nam châm: 18 chiếc/ 1 lớp
- Băng dính: 01 cuộn/ 1 lớp
- Giấy mầu (các mầu) : 05 tờ/ 1 lớp
- Dao dọc giấy: 06 chiếc/ 1 chi đội
- Kéo cắt thủ công: 06 chiếc/ 1 chi đội
- Mầu vẽ: 03 hộp/ 1 lớp
- Quần áo hoá trang các nhân vật, hoa nhựa để múa
- Dụng cụ chơi trò chơi (tuỳ theo thiết kế hoạt động của từng Sao và lớp nhi
đồng).
IV. Nội dung
Chủ đề 1: Hoạt động Đặt tên Sao, bầu trưởng Sao
và lễ công nhận Sao (1 tiết)
1. Hoạt động
Hoạt động 1: Xác định nội dung chương trình của hoạt động đặt tên Sao (15 phút)
* Thông tin cho hoạt động 1: [1, tr 16 - 17]
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Xác định mục đích, ý nghĩa của hoạt động đặt tên Sao (5
phút)
+ Giáo viên đặt câu hỏi để học sinh trả lời: Hãy nêu mục đích, ý nghĩa của
hoạt động đặt tên Sao?
- Nhiệm vụ 2: Xác định nội dung, chương trình của hoạt động đặt tên Sao (5 phút)
+ Giáo viên đặt câu hỏi để học sinh trả lời: Hãy nêu nội dung chương trình
của hoạt động đặt tên Sao?
- Nhiệm vụ 3: Xác định những công việc cần chuẩn bị cho hoạt động đặt tên
Sao (5 phút)
+ Giáo viên đặt câu hỏi để học sinh trả lời: Hãy nêu những công việc cần
chuẩn bị cho hoạt động đặt tên Sao?
* Đánh giá hoạt động 1.
- Câu hỏi 1: Hãy nêu mục đích, ý nghĩa của hoạt động đặt tên Sao.
- Câu hỏi 2: Hãy nêu nội dung chương trình của hoạt động đặt tên Sao.
- Câu hỏi 3: Hãy nêu những công việc cần chuẩn bị cho hoạt động đặt tên Sao.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 426 của giáo trình.
Hoạt động 2: Xác định nội dung chương trình của hoạt động bầu trưởng Sao
(15 phút)
* Thông tin cho hoạt động 2: [1; tr 17 - 18].
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Xác định mục đích, ý nghĩa của hoạt động bầu trưởng Sao (5 phút)
+ Giáo viên đặt câu hỏi để học sinh trả lời: Em hãy xác định mục đích, ý
nghĩa của hoạt động bầu trưởng Sao?
- Nhiệm vụ 2: Xác định nội dung, chương trình của hoạt động bầu trưởng
Sao (5 phút)
+ Giáo viên đặt câu hỏi để học sinh trả lời: Em hãy xác định nội dung, chương
trình của hoạt động bầu trưởng Sao?
- Nhiệm vụ 3: Xác định những công việc cần chuẩn bị cho hoạt động bầu
trưởng Sao (5 phút)
+ Giáo viên đặt câu hỏi để học sinh trả lời: Em hãy nêu những công việc cần
chuẩn bị cho hoạt động bầu trưởng Sao?
* Đánh giá hoạt động 2
- Câu hỏi 1: Hãy xác định mục đích, ý nghĩa của hoạt động bầu trưởng Sao.
- Câu hỏi 2: Hãy xác định nội dung, chương trình của hoạt động bầu trưởng
Sao.
- Câu hỏi 3: Hãy nêu những công việc cần chuẩn bị cho hoạt động bầu
trưởng Sao.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 426 - 427 của giáo trình.
Hoạt động 3: Xác định nội dung, chương trình lễ công nhận Sao (15 phút)
* Thông tin cho hoạt động 3: [1; tr 18 - 20
* Nhiệm vụ của hoạt động 3
- Nhiệm vụ 1: Xác định ý nghĩa của lễ công nhận Sao (5 phút)
+ Giáo viên đặt câu hỏi để học sinh trả lời: Em hãy xác định ý nghĩa của lễ
công nhận Sao?
- Nhiệm vụ 2: Xác định nội dung, chương trình lễ công nhận Sao (5phút)
+ Giáo viên đặt câu hỏi để học sinh trả lời: Em hãy trình bày nội dung,
chương trình của lễ công nhận Sao?
- Nhiệm vụ 3: Xác định công tác chuẩn bị cho lễ công nhận Sao (5 phút)
+ Giáo viên đặt câu hỏi để học sinh trả lời: Để lễ công nhận Sao nhi đồng
đạt kết quả tốt, cần chuẩn bị những điều kiện gì?

* Đánh giá hoạt động 3


- Câu hỏi 1: Em hãy trình bày mục đích, ý nghĩa của lễ công nhận Sao nhi
đồng.
- Câu hỏi 2: Hãy xác định nội dung, chương trình của lễ công nhận Sao nhi
đồng.
- Câu hỏi 3: Để lễ công nhận Sao nhi đồng đạt kết quả tốt, cần chuẩn bị
những điều kiện gì?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3: Xem trang 427 - 428 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
Mỗi Sao nhi đồng phải có tên gọi riêng để phân biệt với các Sao khác và
Sao lấy các đức tính tốt để đặt tên Sao nhằm nhắc các em quyết tâm rèn luyện để
xứng đáng với tên Sao của mình. Trước hết, phụ trách Sao cho các em nhi đồng
thảo luận, lựa chọn tên Sao. Cho các em biểu quyết chọn tên Sao của mình. Sau đó,
phụ trách Sao cho các em chơi trò chơi “Nhận Sao”, “Nhận phụ trách Sao”. Nhưng
để những hoạt động đặt tên Sao được diễn ra suôn sẻ thì những bạn đội viên phải
chuẩn bị rất kĩ việc hướng dẫn nhi đồng chuẩn bị một số câu chuyện, trò chơi, tập
bài hát truyền thống của nhi đồng và lời hứa của nhi đồng...
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
1. Mục đích, ý nghĩa của bầu trưởng Sao
+ Nhằm chọn những em có đầy đủ các tiêu chuẩn để điều hành và quán
xuyến công việc.
2. Diễn biến của hoạt động bầu trưởng Sao
+ Phụ trách Sao nêu lí do và sự cần thiết phải bầu trưởng Sao (tiêu chuẩn
của trưởng Sao: học khá, giỏi, ngoan, mạnh dạn, hay giúp đỡ bạn bè, được các bạn
yêu quý). Phụ trách Sao cho các em xung phong (hoặc bầu trưởng Sao). Sau đó,
phụ trách Sao cho các em tập hát bài: Sao vui của em. Cuối cùng cho các em tham
gia một số hoạt động văn nghệ, chơi trò chơi để hoạt động bầu trưởng Sao thêm sôi
nổi.

3. Những công việc cần chuẩn bị cho hoạt động bầu trưởng Sao
+ Lựa chọn thời gian, địa điểm hợp lí, có thể vào những ngày có ý nghĩa
trong tháng 9, tháng học đầu tiên của các em nhi đồng lớp 1.
+ Chuẩn bị lời dẫn chương trình ngắn gọn nhưng vui vẻ.
+ Chuẩn bị sẵn tiêu chuẩn của trưởng Sao để hướng dẫn các em nhi đồng
thảo luận và bầu trưởng Sao.
+ Chuẩn bị trước một số bài hát, trò chơi, dụng cụ vẽ tranh, ...
+ Tìm hiểu năng lực của từng em trong sao của mình để có thể giao đúng
người đúng việc.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3
1. Mục đích, ý nghĩa của lễ công nhận Sao
Lễ công nhận Sao là hoạt động nhằm thừa nhận các em được sinh hoạt
trong 1 tổ chức của nhi đồng, là 1 thành viên chính thức của Sao, từ đó giúp các em
cảm thấy phấn khởi, vui vẻ khi được tham gia những hoạt động của Sao và của lớp
nhi đồng.
2. Thời gian: Tuần 3 ( hoặc tuần 4) tháng 9. Thời lượng: khoảng 40 phút.
3. Diễn biến chương trình lễ công nhận Sao
- Chào cờ, hát Quốc ca và bài hát truyền thống của nhi đồng, đọc lời ghi nhớ
của nhi đồng.
- Tuyên bố lí do - giới thiệu đại biểu.
- Đọc tên từng Sao và danh sách các em nhi đồng trong từng Sao.
(Phụ trách Sao chuẩn bị sẵn hoa - phù hiệu).
- Giáo viên chủ nhiệm phát biểu.
- Đại diện hội cha mẹ học sinh phát biểu và tặng quà.
- Hoạt động chào mừng: múa, hát, kể chuyện.
- Kết thúc.
4. Chuẩn bị
Để lễ công nhận Sao nhi đồng đạt kết quả tốt, BCH Chi đội cần chuẩn bị
đầy đủ các công việc sau: lời dẫn chương trình, phân công người điều khiển buổi lễ
(nên là một uỷ viên của BCH chi đội, phụ trách công tác nhi đồng), danh sách các
Sao, giấy mời, phù hiệu, trang phục... Ngoài ra, lễ công nhận Sao cũng cần trang trí
lớp thật đẹp để gây ấn tượng cho các em nhi đồng, trong đó phải có cờ Đội, ảnh
Bác. Để buổi lễ diễn ra vui vẻ cần tập luyện trước các hoạt động: văn nghệ, trò
chơi...

Chủ đề 2: Sinh hoạt Sao nhi đồng - lớp nhi đồng


thường kì (1 tiết)
1. Hoạt động
Hoạt động 1: Xác định chương trình sinh hoạt Sao nhi đồng (30 phút)
* Thông tin cho hoạt động 1: [1; tr 51 - 106].
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Xem băng mẫu sinh hoạt Sao nhi đồng (5 phút)
- Nhiệm vụ 2: Xác định thời gian, nội dung sinh hoạt Sao nhi đồng (10 phút)
+ Thảo luận nhóm:
Một buổi sinh hoạt Sao nhi đồng thường được diễn ra trong bao lâu?
Một buổi sinh hoạt Sao nhi đồng cần có những nội dung gì?
- Nhiệm vụ 3: Xác định diễn biến sinh hoạt Sao nhi đồng (10 phút)
+ Thảo luận nhóm: Chương trình sinh hoạt Sao nhi đồng nên theo các bước
nào?
- Nhiệm vụ 4: Xác định công tác chuẩn bị cho một cuộc sinh hoạt Sao nhi
đồng (5 phút)
+ Giáo viên hỏi; học sinh trả lời: Để buổi sinh hoạt Sao đạt kết quả tốt phụ
trách Sao cần chuẩn bị những gì?
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi 1: Em hãy trình bày nội dung, chương trình sinh hoạt Sao nhi đồng.
- Câu hỏi 2: Để buổi sinh hoạt Sao đạt kết quả tốt phụ trách Sao cần chuẩn bị
những gì?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 429 - 430 của giáo trình.
Hoạt động 2: Xác định chương trình sinh hoạt Lớp nhi đồng thường kì (15 phút)
* Thông tin cho hoạt động 2: [1, tr 108 - 111].
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Xác định thời gian, nội dung sinh hoạt Lớp nhi đồng thường
kì (5 phút)
+ Giáo viên hỏi; học sinh trả lời:
Một buổi sinh hoạt Lớp nhi đồng thường kì nên tiến hành trong thời gian
bao lâu?
Một buổi sinh hoạt Lớp nhi đồng thường kì cần có những nội dung gì?
- Nhiệm vụ 2: Xác định diễn biến chương trình sinh hoạt Lớp nhi đồng
thường kì (5 phút)
+ Giáo viên hỏi; học sinh trả lời: Sinh hoạt Lớp nhi đồng thường kì nên diễn
ra theo các bước nào ?
- Nhiệm vụ 3: Xác định công tác chuẩn bị cho một cuộc sinh hoạt Lớp nhi
đồng thường kì (5phút)
+ Giáo viên hỏi, học sinh trả lời: Để buổi sinh hoạt Lớp nhi đồng thường kì
đạt kết quả tốt cần chuẩn bị những gì?
* Đánh giá hoạt động 2
- Câu hỏi 1: Em hãy trình bày nội dung, chương trình sinh hoạt Lớp nhi
đồng thường kì.
- Câu hỏi 2: Để buổi sinh hoạt Lớp nhi đồng thường kì đạt kết quả tốt cần
chuẩn bị những gì?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 430 - 431 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
- Nội dung, chương trình sinh hoạt Sao nhi đồng:
- Theo Điều lệ Đội, Sao nhi đồng sinh hoạt ít nhất 1 lần 1 tuần. Thông
thường, chương trình sinh hoạt Sao nhi đồng được tổ chức theo các bước sau:
Bước 1: Tập hợp Sao - điểm danh - kiểm tra vệ sinh - chuẩn bị.
Bước 2: Sơ kết tuần
Từng nhi đồng báo cáo việc làm tốt và chưa tốt trong tuần.
Bước 3: Hoạt động: múa hát, trò chơi, kể chuyện...
Tập nghi thức, nút trại, thủ công, vẽ...
Bước 4: Nhận xét buổi sinh hoạt ( phụ trách Sao)
Bước 5: Dặn dò buổi sinh hoạt sau ( phụ trách Sao)
- Để buổi sinh hoạt Sao nhi đồng đạt kết quả tốt cần chuẩn bị:
Thiết kế sinh hoạt Sao và lời dẫn chương trình buổi sinh hoạt Sao.
Chuẩn bị một số tiết mục văn nghệ, kể chuyện... cho buổi sinh hoạt Sao.
Chuẩn bị các cơ sở vật chất cần có cho buổi sinh hoạt Sao.
Các nội dung được phân công phải được kiểm tra và hoàn thành trước khi
diễn ra buổi sinh hoạt Sao.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
- Nội dung, chương trình sinh hoạt Lớp nhi đồng thường kì:
- Sinh hoạt lớp nhi đồng là buổi sinh hoạt chung của các Sao trong cùng 1
lớp, thường được tổ chức vào cuối tháng, thời gian khoảng 40 phút. Buổi sinh hoạt
lớp nhi đồng thường được diễn ra theo 5 bước:
Bước 1: Tập hợp các Sao, các Sao điểm danh, các trưởng Sao báo cáo sĩ số,
báo cáo các công việc chuẩn bị của Sao trong tháng.
Bước 2: Hát bài truyền thống, hô lời ghi nhớ của nhi đồng.
Bước 3: Sơ kết thi đua (từng Sao báo cáo việc làm tốt và chưa tốt)
Bước 4: Hoạt động giao lưu giữa các Sao về: múa hát, trò chơi... (có thể thi
giữa các Sao, có thể tập nội dung đi thi cấp liên đội)...
Bước 5: Giáo viên chủ nhiệm nhận xét và phát thưởng ( nếu có)
Bước 6: Giáo viên chủ nhiệm dặn dò buổi sinh hoạt sau.
- Để buổi sinh hoạt lớp nhi đồng thường kì đạt kết quả tốt: GVCN và chi đội
phụ trách Lớp nhi đồng cần phân công phụ trách Sao thiết kế chương trình sinh
hoạt lớp nhi đồng, viết lời dẫn chương trình. Phân công các Sao nhi đồng tập luyện
các tiết mục văn nghệ, kể chuyện, trò chơi... Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất như
phòng học, các dụng cụ vui chơi, sắp xếp chỗ ngồi, ghế ngồi, trang trí bảng, cây
hoa (nếu có hái hoa trả lời câu hỏi). Các nội dung cần được phân công kĩ càng, có
kiểm tra đôn đốc trước khi diễn ra buổi sinh hoạt Lớp nhi đồng thường kì, ...

Chủ đề 3: Phương pháp thiết kế, điều hành sinh hoạt Sao, lớp nhi đồng
thường kì (2 tiết)
1. Hoạt động
Hoạt động 1: Xác định các thành phần của thiết kế sinh hoạt Sao nhi đồng (15 phút)
* Thông tin cho hoạt động 1: [1; tr 32 - 33].
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Xác định mục đích, ý nghĩa của bản thiết kế sinh hoạt Sao nhi
đồng (3 phút)
+ Giáo viên hỏi; học sinh trả lời: Sinh hoạt Sao nhi đồng có ý nghĩa như thế
nào và nhằm mục đích gì?
- Nhiệm vụ 2: Xác định các bước của chương trình sinh hoạt Sao nhi đồng (4
phút)
+ Giáo viên hỏi; học sinh trả lời: Trình bày các bước của chương trình sinh
hoạt Sao nhi đồng?
- Nhiệm vụ 3: Tìm hiểu nội dung các bước sinh hoạt Sao nhi đồng (8 phút)
+ Giáo viên cho học sinh thảo luận nhóm: Xác định nội dung các bước sinh
hoạt Sao nhi đồng ?
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi 1: Em hãy trình bày nội dung thiết kế sinh hoạt Sao nhi đồng.
- Câu hỏi 2: Em hãy trình bày chương trình thiết kế sinh hoạt Sao nhi đồng.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 433 - 434 của giáo trình.
Hoạt động 2: Xác định nội dung thiết kế sinh hoạt lớp nhi đồng thường kì
(15 phút)
* Thông tin cho hoạt động 2: Mẫu thiết kế sinh hoạt Lớp nhi đồng thường kì.
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Xác định mục đích, ý nghĩa của bản thiết kế sinh hoạt lớp nhi
đồng thường kì (3 phút)
+ Giáo viên hỏi; học sinh trả lời: Sinh hoạt lớp nhi đồng thường kì có ý
nghĩa như thế nào và nhằm mục đích gì?
- Nhiệm vụ 2: Xác định các bước của chương trình sinh hoạt lớp nhi đồng
thường kì (4 phút)
+ Giáo viên hỏi; học sinh trả lời: Nêu các bước của chương trình sinh hoạt lớp
nhi đồng thường kì?
- Nhiệm vụ 3: Tìm hiểu nội dung các bước sinh hoạt lớp nhi đồng thường kì
(8 phút)
+ Giáo viên cho học sinh thảo luận nhóm:: Xác định nội dung các bước sinh
hoạt lớp nhi đồng thường kì?
* Đánh giá hoạt động 2
- Câu hỏi 1: Em hãy trình bày nội dung thiết kế sinh hoạt lớp nhi đồng
thường kì.
- Câu hỏi 2: Em hãy trình bày chương trình thiết kế sinh hoạt lớp nhi đồng
thường kì.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 434 - 435 của giáo trình.
Hoạt động 3: Thực hành xây dựng thiết kế sinh hoạt Sao nhi đồng,
lớp nhi đồng thường kì (60 phút)
* Thông tin cho hoạt động 3: Dựa vào mẫu thiết kế của hoạt động 1 để xây dựng.
* Nhiệm vụ của hoạt động 3
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu các thành phần của 1 mẫu thiết kế sinh hoạt Sao,
sinh hoạt lớp nhi đồng thường kì (15 phút)
+ Giáo viên hỏi; học sinh trả lời:
Nêu các đề mục cần phải có trong 1 bản thiết kế sinh hoạt Sao?
Nêu các đề mục cần phải có trong 1 bản thiết kế sinh hoạt lớp nhi đồng
thường kì?
- Nhiệm vụ 2: Xác định nội dung các phần trong bản thiết kế sinh hoạt Sao
nhi đồng, lớp nhi đồng thường kì (30 phút)
+ Giáo viên cho học sinh thảo luận nhóm:
Nhóm 1: Hãy thiết kế nội dung các phần trong buổi sinh hoạt Sao nhi đồng
theo chủ điểm “Em là cháu ngoan Bác Hồ, yêu Sao yêu Đội”
Nhóm 2: Hãy thiết kế nội dung các phần trong buổi sinh hoạt lớp nhi đồng
thường kì theo chủ điểm “Em là cháu ngoan Bác Hồ, yêu Sao yêu Đội”
- Nhiệm vụ 3: Phân tích, đánh giá thiết kế của 2 nhóm (15 phút)
+ Giáo viên phân tích, đánh giá thiết kế của 2 nhóm
* Đánh giá hoạt động 3
- Bài tập 1: Viết thiết kế sinh hoạt Sao nhi đồng theo chủ điểm “Cháu ngoan
Bác Hồ ”
- Bài tập 2: Viết thiết kế sinh hoạt lớp nhi đồng thường kì theo chủ điểm
“Kính thầy mến bạn”
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3: Xem trang 435 - 439 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
Nội dung thiết kế sinh hoạt Sao nhi đồng
Viết thiết kế sinh hoạt Sao là công việc thường xuyên của phụ trách Sao. Viết
thiết kế sẽ giúp phụ trách Sao xác định rõ nội dung, hình thức tổ chức, các công
việc cần chuẩn bị, đảm bảo cho chương trình sinh hoạt Sao được diễn ra phong
phú, sinh động... Thông thường, thiết kế sinh hoạt Sao gồm các phần chính sau:
Phần I. Mục đích yêu cầu
- Mục đích: giáo dục, rèn luyện cho nhi đồng ...
- Yêu cầu: không khí của buổi sinh hoạt ...
Phần II: Chương trình sinh hoạt
Phần III. Phân công chuẩn bị
- Chương trình sinh hoạt Sao nhi đồng theo 5 bước
Bước 1:
- Tập hợp Sao, điểm danh
- Kiểm tra vệ sinh
- Kiểm tra chuẩn bị của cá nhân và tập thể.
Bước 2: Sơ kết tuần
- Báo cáo việc làm tốt và chưa tốt của nhi đồng
Bước 3: Tổ chức hoạt động
Múa hát, trò chơi, kể chuyện, vẽ tranh, tập làm thủ công...
Bước 4: Giáo viên chủ nhiệm nhận xét buổi sinh hoạt (nếu có)
- Phát thưởng ( nếu có).
Bước 5: Phụ trách Sao dặn dò buổi sinh hoạt sau.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
- Nội dung thiết kế sinh hoạt Lớp nhi đồng thường kì
Viết thiết kế sinh hoạt Lớp nhi đồng là công việc của phụ trách Sao. Viết
thiết kế sẽ giúp phụ trách Sao xác định rõ nội dung, hình thức tổ chức, các công
việc cần chuẩn bị, đảm bảo cho chương trình sinh hoạt Lớp nhi đồng được diễn ra
phong phú, sinh động...Thông thường, thiết kế sinh hoạt Lớp nhi đồng gồm các
phần chính sau:
Phần I. Mục đích yêu cầu
- Mục đích : giáo dục, rèn luyện cho nhi đồng và các Sao và lớp nhi đồng ...
- Yêu cầu : không khí của buổi sinh hoạt ...
Phần II. Chương trình sinh hoạt.
Phần III. Phân công chuẩn bị
- Chương trình sinh hoạt Lớp nhi đồng theo 5 bước:
Bước 1:
- Tập hợp các Sao, điểm danh
- Kiểm tra vệ sinh
- Kiểm tra chuẩn bị của các Sao.
Bước 2: Sơ kết tháng
- Báo cáo việc làm tốt và chưa tốt của các Sao nhi đồng trong tháng.
Bước 3: Tổ chức hoạt động
Tổ chức các hoạt động như: múa hát, trò chơi, kể chuyện, vẽ tranh, tập làm
thủ công... giao lưu giữa các Sao theo chủ điểm của tháng.
Bước 4:
- Giáo viên chủ nhiệm và phụ trách lớp nhi đồng nhận xét buổi sinh hoạt
- Phát thưởng ( nếu có).
Bước 5: Giáo viên chủ nhiệm dặn dò buổi sinh hoạt sau
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 3
Chương trình sinh hoạt Sao nhi đồng
Chủ điểm “Cháu ngoan Bác Hồ”

I. Mục đích yêu cầu


- Giúp nhi đồng hiểu rõ về thân thế, sự nghiệp của Bác Hồ, về tình cảm của
Bác đối với thiếu nhi, từ đó biết phấn đấu học tập, rèn luyện theo 5 điều Bác Hồ
dạy để trở thành con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.
- Giúp nhi đồng làm quen với hoạt động tập thể và rèn luyện ý thức tổ chức
kỷ luật.
- Buổi sinh hoạt vui vẻ, hấp dẫn, đoàn kết và đạt hiệu quả.
II. Chương trình sinh hoạt
Bước 1: Tập hợp Sao, điểm danh
Bước 2: Sơ kết tuần
- Kiểm tra vệ sinh: thân thể, quần áo.
- Từng em kể việc làm tốt, chưa tốt trong tuần
+ Học tập: điểm tốt, chưa tốt.
+ Vệ sinh môi trường.
+ Kỷ luật trật tự.
+ Giúp đỡ ông bà, bố mẹ.
+ Lễ phép với thầy cô, ông bà, bố mẹ, anh chị và người lớn tuổi hơn mình.
+ Trưng bày sản phẩm sưu tầm: tranh ảnh, thơ, chuyện….Chủ điểm về Bác Hồ.
- Toàn Sao hoan hô những bạn làm được nhiều việc tốt.
- Phụ trách Sao: Khen, tặng thưởng, ghi vào sổ việc làm tốt của Sao.
Phân tích thảo luận, nhắc nhở rút kinh nghiệm các việc làm chưa tốt.
Bước 3: Nội dung sinh hoạt theo chủ điểm “Cháu ngoan Bác Hồ”
đội
phần tt nội dung chương trình hình thức thể hiện thời gian ghi chú
hình
- Hát múa tập thể: “Năm PTS và nhi đồng múa Vòng 2’ Có thể
cánh Sao vui”; Nhạc: Hà hát tròn chơi trò
Hải, lời thơ: Phong Thu chơi ghi
1
- Theo các em lời bài hát PTS hỏi, nhi đồng trả nhớ 5 điều
mở đầu “Năm cánh Sao vui” có ý lời Bác Hồ
nghĩa gì? dạy
- Những bạn nào xứng đáng PTS hỏi - Nhi đồng trả Chữ 3’
2 là cháu ngoan Bác Hồ? lời. PTS nhận xét kết U
luận
- Bác Hồ sinh ngày, tháng, - PTS hỏi Chữ 5’
năm nào? - Nhi đồng trả lời U
- Quê Bác ở đâu? - PTS nhận xét, kết
- Bác Hồ đọc bản Tuyên luận(hoặc hình thức hái
3
ngôn độc lập khai sinh ra hoa dân chủ)
nước Việt Nam Dân chủ
cộng hoà ngày, tháng, năm
nào? ở đâu?
- Kể chuyện “Quả táo của - Phụ trách Sao hoặc Chữ 7’ Hoặc
phát
Bác Hồ” nhi đồng kể U chuyện
triển 4
(Nêu ý nghĩa của câu “Chiếc
chuyện) vòng bạc”.
Đọc thơ Bác Hồ gửi cho Phụ trách Sao và nhi Chữ 4’
5 thiếu nhi (ý nghĩa của bài đồng đọc U
thơ).
Múa hát tập thể “Ai yêu nhi PTS và nhi đồng cùng Vòng 6’ Hoặc bài
đồng bằng Bác Hồ Chí múa hát tròn “Bác Hồ -
6
Minh” người cho
em tất cả”.
đội
phần tt nội dung chương trình hình thức thể hiện thời gian ghi chú
hình
Khắc sâu chủ điểm: PTS hỏi, nhi đồng trả Chữ 2’
7 - Bác Hồ yêu quý nhi đồng lời U
ghi
như thế nào?
nhớ
- Để tỏ lòng kính yêu Bác PTS hỏi, nhi đồng trả 2’
8
Hồ các em phải làm gì? lời
Bước 4:
- Nhận xét buổi sinh hoạt và dặn dò nhi đồng buổi sinh hoạt sau mang bút màu
giấy màu để tập vẽ tranh, xé dán tranh
- Múa hát tập thể “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ”
III. Phân công chuẩn bị
1. Phụ trách Sao
- Viết thiết kế, viết lời dẫn
- Chuẩn bị kĩ các hoạt động ( phần thưởng)
- Xử lí các tình huống trong buổi sinh hoạt.
2. Trưởng Sao
- Tập hợp Sao, điểm danh
- Báo cáo với phụ trách Sao về các nhiệm vụ được giao.
- Chỉ huy các bạn hô chào phụ trách Sao trước và sau buổi sinh hoạt.
3. Nhi đồng
- Tập hoạt động theo lời dặn của phụ trách Sao.
- Chuẩn bị các đồ dùng các nhân: dao, kéo, giấy mầu, hồ dán...

sinh hoạt lớp nhi đồng


Chủ điểm: Kính thầy - mến bạn
Đối tượng: nhi đồng lớp 3
I. Mục đích yêu cầu
- Qua buổi sinh hoạt giúp các em nhận thức đúng đắn trong giao tiếp ứng xử
với các thầy cô và bạn bè.
- Phát huy tính tích cực của các em, rèn khả năng nói trước tập thể.
- Buổi sinh hoạt vui vẻ, ấn tượng, đạt kết quả cao.
II. Diễn biến chương trình sinh hoạt
Bước 1: Tập hợp điểm danh, các Sao báo cáo sĩ số.
Bước 2: Sơ kết thi đua.
Bước 3: Chương trình sinh hoạt
Mở đầu:
+ Đón đại biểu
+ Chào cờ, hát “Nhanh bước nhanh nhi đồng”
Hô “ Lời ghi nhớ của nhi đồng”
+ Tuyên bố lí do - giới thiệu đại biểu
Phần nội dung:
+ Báo cáo thành tích của lớp nhi đồng với hình thức các Sao trưởng lên báo
cáo các điểm tốt và việc làm tốt của từng Sao.
+ Vui chơi có thưởng: hái hoa dân chủ trả lời câu hỏi hiểu biết về chủ điểm
kính thầy, mến bạn.
+ Biểu diễn văn nghệ (chọn từ 2 -3 tiết mục hay của từng Sao biểu diễn).
+ Trò chơi: thi cắt dán khẩu hiệu “Kính thầy - Mến bạn”
Phần kết thúc:
+ Phụ trách lớp nhi đồng phát biểu.
+ Lời hứa của nhi đồng
Bước 4: Dặn dò và phân công nhiệm vụ cho các Sao.
Múa hát Tập thể: “Năm cánh Sao vui” (Nhạc: Hà Hải, Lời: Phong Thu).
III. Phân công chuẩn bị
1. Trưởng nhóm phụ trách Sao:
- Viết thiết kế, viết lời dẫn, thành tích các Sao
- Chuẩn bị các hoạt động ( phần thưởng)
- Xử lí các tình huống.
2. Phụ trách Sao:
- Được dự cùng lớp nhi đồng
- Có thể dẫn chương trình và tổ chức các hoạt động
- Giúp các Sao hoạt động tốt theo thiết kế.
3. Các Sao:
- Tập các hoạt động theo yêu cầu: văn nghệ, trò chơi...
- Chuẩn bị nội dung theo Sao.
4. Nhi đồng:
- Tham dự đúng giờ
- Chuẩn bị tốt cho bản thân
- Thực hiện tốt các hoạt động do Sao phân công.
- Dụng cụ và phương tiện
+ Dao, kéo, giấy màu, giấy troki
+ Cây hoa trang trí đẹp
+ Phần thưởng các Sao
+ Lớp học sạch sẽ có trang trí

Chủ đề 4: Chủ điểm, nội dung sinh hoạt Sao, lớp nhi đồng các tháng trong
năm học (1 tiết)
1. Hoạt động
Hoạt động 1: Xác định chủ điểm, nội dung sinh hoạt Sao, lớp nhi đồng các
tháng trong năm học (45 phút)
* Thông tin cho hoạt động 1: [1, tr 52 - 117]
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Xác định chủ điểm của 9 tháng học (5phút)
+ Giáo viên hỏi; học sinh trả lời: Em hãy cho biết chủ điểm các tháng trong
năm học?
- Nhiệm vụ 2: Xác định nội dung sinh hoạt của 9 tháng học (40 phút)
+ Giáo viên cho học sinh thảo luận nhóm:
Nhóm 1: Hãy xác định nội dung sinh hoạt của các tháng 9, 10, 11.
Nhóm 2: Hãy xác định nội dung sinh hoạt của các tháng 12, 1, 2.
Nhóm 3: Hãy xác định nội dung sinh hoạt của các tháng 3, 4, 5.
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi: Nêu chủ điểm và nội dung sinh hoạt Sao, lớp nhi đồng của các
tháng trong năm học?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 440 - 443 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
- Chủ điểm và nội dung sinh hoạt Sao, lớp nhi đồng của các tháng trong
năm học là :
1. Tháng 9
Chủ điểm: “ Em yêu trường em”
Nội dung
+ Thành lập tổ chức Sao, bầu Sao trưởng, đặt tên Sao.
+ Giới thiệu về trường; tham quan trường; giới thiệu các thầy cô giáo; các
phòng chức năng.
+ Học nội quy nhà trường
+ Học hát múa:
Nhanh bước nhanh nhi đồng (Nhạc và lời: Phong Nhã)
Sao vui của em (Nhạc và lời: Lê Minh Cường)
Em yêu trường em (Nhạc và lời: Hoàng Vân)
+ Trò chơi: xếp sách đi học
- Nhận Sao, nhận anh chị phụ trách Sao.
2. Tháng 10:
- Chủ điểm: “ Em yêu Thủ đô anh hùng”
- Nội dung:
+ Giới thiệu: Danh hiệu “Thủ đô anh hùng - Thành phố vì hoà bình”; Truyền
thống của Thủ đô; cảnh đẹp của Thủ đô; lịch sử của Thủ đô.
+ Thi vẽ : “Cảnh đẹp của Thủ đô”, “ Hà Nội em yêu”
+ Trò chơi : “ Xếp hàng nhanh nhẹn”
+ Hát múa: Mùa thu em tới trường, Hát dưới trời Hà Nội, Tiến về Hà Nội...
3. Tháng 11 
- Chủ điểm: “ Kính thầy mến bạn”
- Nội dung
+ Thi đua hoa điểm 10 kính dâng thầy cô
+ Đoàn kết, giúp đỡ bạn bè
+ Tổ chức “Đôi bạn cùng tiến”, “ Hội vui học tập”
+ Trò chơi : “Hái hoa tặng cô”
+ Múa hát tập thể: “Những bông hoa - những bài ca”, “Bông hồng tặng cô”,
“ ơn thầy”
+ Đọc thơ: Cô giáo em
4. Tháng 12
- Chủ điểm: “ Cháu yêu chú bộ đội ”
- Nội dung
+ Tìm hiểu về chú bộ đội, có tình cảm thương mến và biết ơn các chú bộ đội.
+ Rèn luyện nề nếp kỉ luật như chú bộ đội (tập các động tác tại chỗ: Nghiêm,
nghỉ, quay, dậm chân.. . Rèn tính nhanh nhẹn, đúng giờ, trật tự khi học bài, mặc
đồng phục khi đến lớp)…
+ Muá hát: “Chú bộ đội của em”
+ Trò chơi: “Hành quân”, “ Truyền tin”
+ Kể chuyện: Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót...
5. Tháng 1
- Chủ điểm: “ Em là con ngoan - trò giỏi ”, “Chăm học - chăm làm”
- Nội dung:
+ Đi học đúng giờ
+ Học bài và làm bài đầy đủ trước khi đến lớp. Trong lớp chú ý nghe giảng,
hăng hái phát biểu xây dựng bài. Ôn thi học kì I đạt kết quả cao.
+ Nghe lời ông bà, cha mẹ, anh chị.
+ Giúp đỡ bạn, hoạt động nhận đạo, từ thiện.
+ Hoạt động:
Vui đón Tết dương lịch “ Chào xuân mới”
Trò chơi: đố vui có thưởng về hoa là mùa xuân.
Múa hát: Ca ngợi mùa xuân...
6. Tháng 2
- Chủ điểm: “Chúng em mừng Đảng - mừng xuân”
- Nội dung:
+ Giáo dục cho các em hiểu ý nghĩa ngày 3/2 và biết ơn Đảng Cộng sản Việt
Nam
+ Giới thiệu phong tục tập quán và đặc điểm các loại Tết ở Việt Nam
+ Học nội quy nghỉ Tết
+ Hoạt động : Múa hát “ Em là mầm non của Đảng”
+ Kiểm tra chuyên hiệu.
7. Tháng 3
- Chủ điểm: “ Hoa thơm tặng mẹ, tặng bà”
- Nội dung:
+ Giáo dục cho các em hiểu ý nghĩa ngày 8/3, biết yêu thương kính trọng
mẹ, bà.
+ Phấn dấu đạt danh hiệu “ Cháu ngoan Bác Hồ”
+ Kết nạp đội viên mới chào mừng ngày 26/3: Khối 3.
+ Hoạt động:
Kể chuyện các gương anh hùng trẻ tuổi “ Võ Thị Sáu”
Múa hát: “Năm cánh Sao vui (Nhạc : Hà Hải, Lời thơ : Phong Thu), "Bàn
tay mẹ”; “Mùng 8 tháng 3”.
Trò chơi: Bông hoa tặng mẹ
Kể chuyện: Ba cô gái.
8. Tháng 4
- Chủ điểm: “Mừng đất nước nở hoa”
- Nội dung
+ Giáo dục cho các em hiểu biết ngày lịch sử 30/4, giáo dục tình yêu Tổ quốc.
+ Học tập tốt: ôn tốt để thi học kì II
+ Hoạt động:
Trò chơi: Tìm hiểu các danh nhân, địa chỉ đỏ
Múa hát: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng (Nhạc và lời: Phạm
Tuyên), Ca ngợi Tổ quốc (Nhạc và lời: Hoàng Vân)
Trò chơi: Cắm cờ chiến thắng
Kể chuyện lịch sử ngày hội toàn thắng
9. Tháng 5
- Chủ điểm: “Cháu ngoan Bác Hồ - Yêu Sao, yêu Đội”
- Nội dung
+ Giáo dục cho các em hiểu ý nghĩa các ngày 7/5; 15/5; 19/5. Giáo dục lòng
kính yêu và biết ơn Bác Hồ, truyền thống Đội TNTP Hồ Chí Minh, truyền thống
liên đội, chiến thắng Điện Biên Phủ.
+ Hoạt động:
Kể chuyện, múa hát, thơ về các chủ điểm chiến thắng Điện Biên Phủ, sinh
hoạt Đội, sinh nhật Bác.
Bình bầu danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”
Tổng kết Sao, kết nạp Đội
Kỉ niệm ngày sinh của Bác, ngày sinh nhật Đội (tham quan Lăng Bác và
Bảo tàng Hồ Chí Minh; Phòng truyền thống Đội).
V. Đánh giá sau khi học xong tiểu mô đun
* Câu hỏi và bài tập đánh giá
Câu hỏi 1: Nêu phương pháp chọn đặt tên Sao và bầu trưởng Sao.
Câu hỏi 2: Để lễ công nhận Sao thành công cần chuẩn bị những gì?
Câu hỏi 3: Nêu diễn biến lễ công nhận Sao.
Câu hỏi 4: Nêu chương trình sinh hoạt Sao nhi đồng.
Câu hỏi 5: Nêu chương trình sinh hoạt Lớp nhi đồng thường kì.
* Thông tin phản hồi của đánh giá
Đáp án câu 1
Phương pháp chọn đặt tên Sao và bầu trưởng Sao:
Chọn đặt tên Sao
+ Phụ trách Sao cho các em nhi đồng thảo luận, lựa chọn tên Sao. Cho các
em biểu quyết chọn tên Sao của mình.
+ Phụ trách Sao phân tích để các em hiểu ý nghĩa tên Sao, nhắc các em phấn
đấu rèn luyện để xứng đáng với tên Sao của mình.
+ Cho các em chơi trò chơi “Nhận Sao”, “ Nhận phụ trách Sao”.
Bầu trưởng Sao
+ Phụ trách Sao nêu lí do và sự cần thiết phải bầu trưởng Sao.
+ Tiêu chuẩn của trưởng Sao : học khá, ngoan, mạnh dạn, hay giúp đỡ bạn
bè, được các bạn yêu quý.
+ Cho các em xung phong ( hoặc bầu trưởng Sao)
+ Tập hát Sao vui của em
+ Trò chơi: Vẽ tranh theo chủ đề.
Đáp án câu 2
Muốn lễ công nhận Sao thành công cần chuẩn bị:
+ Trang trí lớp, cờ Đội, ảnh Bác, hoa, khăn bàn
+ Tập các hoạt động: văn nghệ, trò chơi...
+ Danh sách các Sao; giấy mời...
+ Phù hiệu; trang phục...
+ Các văn bản
+ BCH Đội đỡ đầu điều khiển buổi lễ.
Đáp án câu 3
Diễn biến lễ công nhận Sao:
1. Tuyên bố lí do - giới thiệu đại biểu.
2. Hát bài truyền thống và đọc lời ghi nhớ của nhi đồng.
3. Đọc tên từng Sao và danh sách các em nhi đồng
(chuẩn bị sẵn hoa - phù hiệu) ( phụ trách Sao).
4. Giáo viên chủ nhiệm phát biểu.
5. Đại diện hội cha mẹ học sinh phát biểu và tặng quà.
6. Hoạt động chào mừng: múa, hát, kể chuyện.
7. Kết thúc.
Đáp án câu 4
Chương trình sinh hoạt Sao nhi đồng:
Bước 1: Tập hợp Sao - điểm danh - kiểm tra vệ sinh - chuẩn bị.
Bước 2: Sơ kết tuần
Từng nhi đồng báo cáo việc làm tốt và chưa tốt trong tuần.
Bước 3: Hoạt động: múa hát, trò chơi, kể chuyện...
Tập nghi thức, nút trại, thủ công, vẽ...
Bước 4: Nhận xét buổi sinh hoạt ( phụ trách Sao)
Bước 5: Dặn dò buổi sinh hoạt sau ( phụ trách Sao)
Đáp án câu 5
Chương trình sinh hoạt Lớp nhi đồng thường kì:
Bước 1: Tập hợp điểm danh, các Sao báo cáo sĩ số, báo cáo các công việc
chuẩn bị. Hát bài truyền thống, hô lời ghi nhớ của nhi đồng.
Bước 2: Sơ kết thi đua (từng Sao báo cáo việc làm tốt và chưa tốt)
Bước 3: Hoạt động giao lưu giữa các Sao về: múa hát, trò chơi...(có thể thi
giữa các Sao, có thể tập nội dung đi thi cấp liên đội.)...
Bước 4: Nhận xét và phát thưởng (nếu có) (giáo viên chủ nhiệm)
Bước 5: Dặn dò buổi sinh hoạt sau (giáo viên chủ nhiệm).

Tiểu mô đun 3: Phụ trách sao nhi đồng


( 2 tiết)
I. Mục tiêu
Sau khi kết thúc tiểu mô đun 3, học sinh có khả năng:
1. Kiến thức
- Nhận thức được tầm quan trọng của phụ trách Sao nhi đồng;
- Trình bày được tiêu chuẩn chọn cử phụ trách Sao nhi đồng;
- Hiểu được nội dung, phương pháp tổ chức bồi dưỡng phụ trách Sao nhi đồng.
2. Kĩ năng
- Biết vận dụng những hiểu biết về phụ trách Sao nhi đồng vào thực tiễn
hoạt động nhi đồng trong trường tiểu học.
3. Thái độ
- Có ý thức tự giác làm tốt công tác phụ trách Sao nhi đồng
- Yêu thích công tác phụ trách Sao nhi đồng.
II. Giới thiệu tiểu mô đun 3
Tiểu mô đun 3 bao gồm 2 chủ đề, thực hiện trong 2 tiết, cụ thể như sau :
STT Tên chủ đề Số tiết Trang số
1 Tầm quan trọng của phụ trách Sao nhi 1 tiết 447
đồng. Tiêu chuẩn của phụ trách Sao nhi
đồng
2 Nội dung, phương pháp bồi dưỡng phụ 1 tiết 448
trách Sao nhi đồng.
Cộng 2 tiết

III. Điều kiện cần thiết để thực hiện tiểu mô đun 3


1. Tài liệu học tập
Trường Lê Duẩn, Công tác nhi đồng, Nxb Hà Nội, 2005.
2. Thiết bị và đồ dùng giảng dạy và học tập
- Máy projector
- Giấy troki: 04 tờ/ 1 tiết/ 1 chi đội.
- Băng dính: 01 cuộn/ 1 chi đội.
- Nam châm: 18 chiếc/ 1 chi đội.
- Giấy mầu các loại: 05 tờ/ 1chi đội.
IV. Nội dung
chủ đề 1: Tầm quan trọng của phụ trách Sao nhi đồng. Tiêu chuẩn phụ trách
Sao nhi đồng (1 tiết)
1. Hoạt động
Hoạt động 1: Xác định tầm quan trọng của phụ trách Sao nhi đồng (20 phút)
* Thông tin cho hoạt động 1: [1, tr 26].
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu về tầm quan trọng của phụ trách Sao nhi đồng (10
phút)
Công tác phụ trách Sao nhi đồng có tầm quan trọng như thế nào?
- Nhiệm vụ 2: Phân tích về tầm quan trọng của phụ trách Sao nhi đồng (10 phút)
+ Giáo viên phân tích, giảng giải về vai trò, tầm quan trọng của phụ trách
Sao nhi đồng.
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi: Trình bày tầm quan trọng của phụ trách Sao nhi đồng.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 448 của giáo trình.
Hoạt động 2: Xác định tiêu chuẩn phụ trách Sao (25 phút)
* Thông tin cho hoạt động 2: [1, tr 27].
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Xác định tiêu chuẩn phụ trách Sao nhi đồng (15 phút)
+ Thảo luận theo hình thức thi trò chơi đúng, sai.
+ Giáo viên hướng dẫn học sinh tham gia trò chơi đúng sai. Chia chi đội
thành 3 nhóm; phát cho mỗi nhóm cơ sở vật chất mà giáo viên chuẩn bị sẵn như:
Các băng giấy ghi tiêu chuẩn phụ trách Sao cùng với các tiêu chuẩn khác, hồ dán,
băng dính, nam châm, giấy trôky. Trò chơi diễn ra trong vòng 7 phút. Đội nào
xong trước và đúng sẽ thắng.
- Nhiệm vụ 2: Phân tích tiêu chuẩn phụ trách Sao nhi đồng (10 phút)
+ Giáo viên phân tích, giảng giải về tiêu chuẩn của phụ trách Sao nhi đồng.
* Đánh giá hoạt động 2
- Câu hỏi 1: Trình bày tiêu chuẩn của phụ trách Sao nhi đồng.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 448 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1.
- Tầm quan trọng của phụ trách Sao nhi đồng
Phụ trách Sao là “ linh hồn” của Sao. Nếu phụ trách Sao giỏi thì hoạt động của
nhi đồng đạt kết quả tốt.Hơn nữa, phụ trách Sao giúp nhi đồng làm quen với hoạt
động tập thể; rèn luyện ý thức tổ chức kỉ luật; phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi,
bạn tốt, cháu ngoan Bác Hồ. Làm công tác phụ trách Sao giúp đội viên tự rèn luyện
tốt hơn và góp phần xây dựng Đội vững mạnh.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
- Tiêu chuẩn phụ trách Sao
Phụ trách Sao trước hết phải là người nhiệt tình với công tác nhi đồng, yêu mến
nhi đồng. Thêm nữa, phụ trách Sao phải có học lực khá trở lên, hiểu biết đặc điểm
tâm lí nhi đồng, thành thạo nghi thức Đội, biết tổ chức các hoạt động, có năng khiếu
về múa hát, kể chuyện, trò chơi, cắt dán, vẽ, nặn, đọc thơ...

Chủ đề 2: Nội dung, phương pháp bồi dưỡng


phụ trách Sao (1 tiết)
1. Hoạt động
Hoạt động 1: Xác định nội dung bồi dưỡng phụ trách Sao nhi đồng (20 phút)
* Thông tin cho hoạt động 1: [1; tr 29 - 30].
* Nhiệm vụ của hoạt động 1
- Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu nội dung bồi dưỡng phụ trách Sao nhi đồng (15phút)
Thảo luận nhóm: Phụ trách Sao cần được bồi dưỡng những nội dung gì?
- Nhiệm vụ 2: Phân tích nội dung bồi dưỡng phụ trách Sao nhi đồng (5
phút)
Giáo viên phân tích, giảng giải về nội dung bồi dưỡng phụ trách Sao nhi
đồng.
* Đánh giá hoạt động 1
- Câu hỏi: Trình bày nội dung bồi dưỡng phụ trách Sao?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1: Xem trang 450 của giáo trình.
Hoạt động 2: Phương pháp bồi dưỡng phụ trách Sao nhi đồng (25 phút)
* Thông tin cho hoạt động 2: [1; tr 32 - 33].
* Nhiệm vụ của hoạt động 2
- Nhiệm vụ 1: Xác định các phương pháp bồi dưỡng phụ trách Sao nhi đồng
(12 phút)
Thảo luận nhóm: Hãy nêu và phân tích rõ các phương pháp bồi dưỡng phụ
trách Sao nhi đồng?
- Nhiệm vụ 2: Tìm hiểu nội dung các phương pháp bồi dưỡng phụ trách Sao
nhi đồng (13 phút)
+ Giáo viên hỏi; học sinh trả lời :
Là phụ trách Sao, chúng ta phải chuẩn bị tốt những kĩ năng như thế nào để
có thể dạy được cho các em nhi đồng?
Để thuần thục những kĩ năng đó, chúng ta phải làm gì?
Để ghi nhớ các nội dung sinh hoạt, chúng ta có cần ghi chép không?
* Đánh giá hoạt động 2
- Câu hỏi 1: Trình bày các phương pháp bồi dưỡng phụ trách Sao nhi đồng.
- Câu hỏi 2: Em hiểu thế nào là phương pháp quan sát mẫu, phương pháp
luyện tập và phương pháp ghi chép?
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2: Xem trang 450 của giáo trình.
2. Thông tin phản hồi cho các hoạt động
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 1
- Nội dung bồi dưỡng phụ trách Sao
Bồi dưỡng phụ trách Sao nhi đồng là 1 công việc không thể thiếu. Chúng ta
phải bồi dưỡng cho phụ trách Sao những kiến thức về văn hoá, lịch sử, về đặc điểm
tâm lí của lứa tuổi nhi đồng, về kỹ năng nghiệp vụ Đội, thủ công: cắt, dán, nặn,
vẽ... Hơn nữa, phương pháp tổ chức, truyền đạt, hướng dẫn dạy cho nhi đồng cúng
là những kiến thức cần thiết giúp phụ trách Sao gần gũi và hoà mình với nhi đồng.
* Thông tin phản hồi cho hoạt động 2
- Phương pháp bồi dưỡng phụ trách Sao nhi đồng
1. Phương pháp quan sát mẫu
+ Dự mô hình sinh hoạt Sao
+ Xem băng: sinh hoạt Sao nhi đồng.
2. Phương pháp luyện tập: ( tập làm phụ trách Sao)
3. Phương pháp ghi chép.
- Nội dung các phương pháp bồi dưỡng phụ trách Sao nhi đồng
1. Phương pháp quan sát mẫu: Phụ trách Sao nhi đồng cần chuẩn bị tốt một số
mẫu các hoạt động thực tế chuẩn mực như múa hát tập thể, kể chuyện, hướng dẫn
trò chơi, cắt dán...
2. Phương pháp luyện tập: Luyện tập kĩ năng nghiệp vụ công tác cho phụ
trách Sao như nghi thức Đội, trò chơi, kể chuyện, dạy hát, dạy múa... Cần thường
xuyên kiểm tra kĩ năng, thao tác của phụ trách Sao về cachs điều hành, hướng dẫn
tổ chức các hạot động Sao cho mỗi kì tập huấn.
3. Phương pháp ghi chép: Hướng dẫn phụ trách Sao biết cách ghi chép sổ
sách để ghi nhớ các nội dung sinh hoạt, ghi nhớ các nội dung thông qua hoạt động
thực tiễn.
V. Đánh giá sau khi học xong tiểu mô đun
* Câu hỏi và bài tập đánh giá
Câu hỏi 1: Trình bày tầm quan trọng của phụ trách Sao nhi đồng.
Câu hỏi 2: Trình bày tiêu chuẩn phụ trách Sao nhi đồng.
Câu hỏi 3: Trình bày nội dung bồi dưỡng phụ trách Sao nhi đồng.
Câu hỏi 4: Trình bày phương pháp bồi dưỡng phụ trách Sao nhi đồng.
Câu hỏi 5: Trình bày nội dung các phương pháp bồi dưỡng phụ trách Sao nhi
đồng.
* Thông tin phản hồi của đánh giá
Đáp án câu 1
Tầm quan trọng của phụ trách Sao nhi đồng
+ Phụ trách Sao là “ linh hồn” của Sao.
+ Phụ trách Sao giỏi thì hoạt động của nhi đồng đạt kết quả tốt.
+ Phụ trách Sao giúp nhi đồng làm quen với hoạt động tập thể; rèn luyện ý
thức tổ chức kỉ luật; phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, bạn tốt, cháu ngoan
Bác Hồ.
+ Làm công tác phụ trách Sao giúp đội viên tự rèn luyện tốt hơn.
+ Phụ trách Sao góp phần xây dựng Đội vững mạnh.
Đáp án câu 2
Tiêu chuẩn phụ trách Sao
1. Nhiệt tình với công tác nhi đồng
2. Yêu mến nhi đồng.
3. Học lực khá trở lên.
4. Hiểu biết đặc điểm tâm lí nhi đồng
5. Thành thạo nghi thức Đội
6. Biết tổ chức các hoạt động
7. Có năng khiếu về múa hát, kể chuyện, trò chơi, cắt dán, vẽ, nặn, đọc thơ...
Đáp án câu 3
Nội dung bồi dưỡng phụ trách Sao
1. Bồi dưỡng những kiến thức về văn hoá, lịch sử...
2. Bồi dưỡng sơ bộ về đặc điểm tâm lý của lứa tuổi nhi đồng
3. Bồi dưỡng về kĩ năng nghiệp vụ Đội
4. Bồi dưỡng phương pháp tổ chức, truyền đạt, hướng dẫn dạy cho nhi đồng...
5. Bồi dưỡng thủ công: cắt, dán, nặn, vẽ...
Đáp án câu 4
Phương pháp bồi dưỡng phụ trách Sao nhi đồng
1. Phương pháp quan sát mẫu
- Dự mô hình sinh hoạt Sao
- Xem băng: sinh hoạt Sao nhi đồng.
2. Phương pháp luyện tập: ( tập làm phụ trách Sao)
3. Phương pháp ghi chép.
Đáp án câu 5
Nội dung các phương pháp bồi dưỡng phụ trách Sao nhi đồng
1. Phương pháp quan sát mẫu: Phụ trách Sao nhi đồng cần chuẩn bị tốt một số
mẫu các hoạt động thực tế chuẩn mực như múa hát tập thể, kể chuyện, hướng dẫn
trò chơi, cắt dán...
2. Phương pháp luyện tập: Luyện tập kĩ năng nghiệp vụ công tác cho phụ
trách Sao như nghi thức Đội, trò chơi, kể chuyện, dạy hát, dạy múa...Cần thường
xuyên kiểm tra kĩ năng, thao tác của phụ trách Sao về cách điều hành, hướng dẫn
tổ chức các hoạt động Sao cho mỗi kì tập huấn.
3. Phương pháp ghi chép: Hướng dẫn phụ trách Sao biết cách ghi chép sổ
sách để ghi nhớ các nội dung sinh hoạt, ghi nhớ các nội dung thông qua hoạt động
thực tiễn.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phương pháp dạy bộ môn công tác Đội
TNTP Hồ Chí Minh, Nxb Giáo dục, 2004.
2. Gương Liệt sĩ, Nxb Kim Đồng, 1978.
3. Hội đồng Đội Trung ương, Điều lệ và hướng dẫn thực hiện Điều lệ
Đội TNTP Hồ Chí Minh, Nxb Thanh niên, 2003.
4. Hội đồng Đội Trung ương, Nghi thức và hướng dẫn thực hiện Nghi
thức Đội TNTP Hồ Chí Minh, Nxb Thanh niên, 2004.
5. Trường Cán bộ Đội Hà Nội, Hành trang chi đội trưởng, Nxb Hà Nội,
1999.
6. Trường Cán bộ Đội Hà Nội, Hành trang Người phụ trách thiếu nhi,
Nxb Hà Nội, 1997.
7. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Giáo trình công tác Đội TNTP và
nhi đồng.
8. Trường Lê Duẩn, Công tác nhi đồng, Nxb Hà Nội, 2005.
9. Trường Lê Duẩn, Giáo trình công tác Đội TNTP Hồ Chí Minh bồi
dưỡng giáo viên có trình độ Cao đẳng, Nxb Hà Nội, 2005.
10. Trường Lê Duẩn, Giáo trình công tác Đội TNTP Hồ Chí Minh bồi
dưỡng cán bộ Đội, Nxb Hà Nội, 2005.
11. Trường Lê Duẩn, Hội trại và Trò chơi thiếu nhi, Nxb Hà Nội, 2005.
12. Trường Lê Duẩn, Phương pháp tổ chức hoạt động hát múa thiếu nhi,
Nxb Hà Nội, 2005.
13. Trường Lê Duẩn, Nghi lễ Đội TNTP Hồ Chí Minh, Nxb Hà Nội,
2005.
14. Bùi Sỹ Tụng (chủ biên) – Phạm Đình Nghiệp – Phan Nguyên Thái,
Cẩm nang cho người phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh, Nxb Giáo
dục, 2001.
15. Phong Thu, Những trang sử Đội vẻ vang, Nxb Kim Đồng, 1986.

You might also like