You are on page 1of 23

NGUYỄN KHUYẾN

Nhà thơ của làng quê Việt Nam


HOAN NGHÊNH BẠN ĐỌC GÓP Ý PHÊ BÌNH
NHÀ XUẤT BẢN TRẺ
161b Lý Chính Thắng - Quận 3 - TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 9316211 - 8465595 - 8465596 - 9316289
Fax: 84.8.8437450
E-mail: nxbtre@hcm.vnn.vn
NGUYỄN KHUYẾN
Nhà thơ của làng quê Việt Nam
Th.S. Hà Ngọc Hòa
(biên soạn)

NHÀ XUẤT BẢN TRẺ


HỘI NGHIÊN CỨU & GIẢNG DẠY VĂN HỌC TP.HCM
HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

1. GS. Hoàng Như Mai


2. GS. Trần Hữu Tá
3. GS. Nguyễn Lộc
4. Nhà giáo Trần Phò
5. TS. Lê Tiến Dũng

4
LỜI NÓI ĐẦU

Tủ sách “Văn học trong nhà trường” là bộ sách được biên soạn theo
sát chương trình Văn bậc phổ thông, nhằm bổ trợ, mở rộng kiến thức
cho học sinh, đồng thời có thể làm tài liệu tham khảo cho giáo viên
và những ai quan tâm đến văn học.
Tủ sách “Văn học trong nhà trường” gồm hai loạt sách:
• Loạt sách về Tác giả, Tác phẩm.
• Loạt sách về Các thể loại văn học.

Loạt sách về Tác giả, Tác phẩm có các phần:


- Tổng quan về thân thế, sự nghiệp của tác giả.
- Tuyển một số bài (hoặc đoạn) nghiên cứu, hồi ức, cảm nghĩ về
tác giả.
- Tuyển một số bài phân tích bình luận về các tác phẩm được
đưa vào trong chương trình học bậc phổ thông.
- Thư mục tham khảo.
Ngoài ra, có thể thêm các phần:
- Tranh ảnh tư liệu.
- Thủ bút của tác giả.
- Giai thoại về tác giả.
- Một số đề làm văn.

5
- Một số bài văn hay của học sinh phổ thông, thí sinh thi đại học.
- Niên biểu.
Loạt sách về Các thể loại văn học có các phần:
- Giới thiệu thể loại.
- Những ý kiến của các nhà nghiên cứu, các nhà văn bàn về thể
loại ấy.
- Một số tác phẩm (hoặc trích đoạn) của Việt Nam và thế giới về
thể loại ấy.
- Thư mục tham khảo.
Ngoài ra có thể có thêm các phần:
- Giới thiệu các tác giả tiêu biểu của thể loại ấy.
- Một số ảnh chân dung tác giả.
- Thủ bút, ảnh bìa của tác phẩm thuộc thể loại ấy.
Vì tính quan trọng của tủ sách “Văn học trong nhà trường”, Hội
đồng biên tập gồm các đại diện của Hội Nghiên cứu và Giảng dạy
Văn học Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Trẻ đã mời các
giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu có uy tín, có tinh thần trách nhiệm
cao và đáng tin cậy tham gia biên soạn Tủ sách này.
Chúng tôi tin rằng tủ sách “Văn học trong nhà trường” sẽ mang
đến cho độc giả nhiều bổ ích và hứng thú. Chúng tôi cũng xin chân
thành cám ơn các nhà nghiên cứu phê bình cùng các tác giả có bài vở
và ý kiến được trích đăng trong tập sách này.
Mong nhận những ý kiến đóng góp của các vị, các bạn.

Giáo sư Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai


Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TPHCM

6
Nguyễn Khuyến
(1835 - 1909)

7
8
PHẦN MỘT
CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP

I. CUỘC ĐỜI NGUYỄN KHUYẾN


Nguyễn Khuyến sinh ngày 18 tháng giêng năm Ất Mùi, Minh
Mệnh thứ 16 (tức 15-02-1835) ở quê mẹ, làng Hoàng Xá, huyện
Ý Yên, tỉnh Nam Định, nhưng ông lớn lên và sống chủ yếu ở quê
cha, làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Tên ông lúc đầu
là Thắng, mãi đến năm 1865, thi Hội không đỗ, mới đổi là Khuyến,
hiệu là Quế Sơn.
Nguyễn Khuyến xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, hai
bên nội ngoại đều có truyền thống khoa bảng. Cụ bốn đời Nguyễn
Khuyến là Nguyễn Tông Mại, đỗ tiến sĩ, làm quan đến Hiến sát
xứ Thanh Hóa. Ông nội là Nguyễn Tông Tích đỗ nho sinh. Cha là
Nguyễn Tông Khải, đỗ ba khoa tú tài, chuyên nghề dạy học. Cuộc
sống thanh bạch, giản dị, trọng đạo lý và tính tình hào phóng của cụ
đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhà thơ sau này. Mẹ là Trần Thị Thoan,
một người phụ nữ hiền lành, chịu thương chịu khó, nuôi chồng, nuôi
con ăn học và thi cử.
Năm mười bảy tuổi (1852) nhà thơ lấy vợ, và đi thi Hương lần thứ
nhất với cha, song không đỗ. Năm sau (1853) địa phương có dịch
thương hàn, cha và em ruột, bố mẹ vợ nhà thơ cùng nhiều họ hàng
thân thuộc đều qua đời vì cơn dịch bệnh khủng khiếp ấy. Gia đình
lâm vào cảnh tiêu điều, xơ xác. Năm 1854, nhà thơ nối lại nghề cha đi
dạy học để lấy lương ăn vừa tiếp tục ôn thi. Song, ba khoa thi Hương
tiếp theo 1855, 1858, 1861, ông đều không đỗ:

9
Bốn khoa hương thí không đâu cả,
Một mảnh vườn hoang bán sạch rồi.
Mang tiếng văn chương lừng vũ trụ
Nghĩ tôi, tôi gớm cái mình tôi.
(Giễu mình chưa đỗ)
Bấy giờ có tiến sĩ Vũ Văn Lý, người làng Vĩnh Trụ, huyện Nam
Xang (tức huyện Lý Nhân), tỉnh Hà Nam, thấy Nguyễn Khuyến học
giỏi nhưng khoa cử lận đận, nên đem về nuôi cho ăn học. Năm Giáp
Tý (1864), nhà thơ đỗ đầu kỳ thi Hương ở Hà Nội. Tiếp theo, ông
lại trượt các kỳ thi Hội năm 1865, 1868, 1869. Năm Tân Mùi (1871),
Nguyễn Khuyến đỗ đầu kỳ thi Hội, sau đó vào thi Đình, đỗ đầu kỳ
thi Đình. Cả ba lần thi: thi Hương, thi Hội, thi Đình, nhà thơ đều đỗ
đầu, nên người ta gọi ông là Tam nguyên Yên Đổ, và vua Tự Đức
ban cờ biển cho ông cũng viết hai chữ “Tam nguyên”.
Sau khi thi đỗ, Nguyễn Khuyến được bổ làm quan ở Sử quán
trong triều. Năm 1873, ông được cử ra làm đốc học tỉnh Thanh Hóa,
rồi lên Án sát tỉnh Thanh Hóa. Năm 1874, mẹ mất, ông xin về quê để
tang mẹ. Mãn tang, ông vào Kinh làm Biện lý bộ Hộ. Năm 1877, đổi
làm Bố chánh tỉnh Quảng Ngãi. Hạn hán, loạn lạc xảy ra khắp vùng
Quảng Ngãi. Ngay trong năm ấy, ông và các quan đầu tỉnh Quảng
Ngãi bị triều đình phạt tội vì không kịp thời “đảo vũ” và không dẹp
nổi loạn lạc. Năm 1879, Nguyễn Khuyến bị điều về Kinh sung chức
Trực học sĩ và làm Toản tu ở Quốc sử quán. Năm 1883 triều đình Huế
cử ông làm phó sứ cùng với Lã Xuân Oai làm chánh sứ đi công cán
nhà Thanh, nhưng tình hình biến đổi: tháng 8 năm 1883 Thuận An
(Huế) thất thủ, việc đi sứ bị đình, ông lại về chức cũ. Tháng 12 năm
1883, thực dân Pháp đem quân đánh Sơn Tây. Tổng đốc tỉnh Sơn Tây
là Nguyễn Đình Nhuận chạy lên Hưng Hóa tham gia kháng chiến
cùng với nhà thơ Nguyễn Quang Bích. Thực dân Pháp bắt Nguyễn
Hữu Độ là Kinh lược Bắc Kỳ, chọn người thay Nguyễn Đình Nhuận.

10
Nguyễn Hữu Độ cử Nguyễn Khuyến làm quyền Tổng đốc nhưng ông
dứt khoát từ chối. Mùa thu năm 1884, ông lấy cớ đau mắt nặng xin
cáo quan trở về quê Yên Đổ, khi mới năm mươi tuổi.
Tiếng rằng làm quan với triều đình nhà Nguyễn mười ba năm
(1871 - 1884), nhưng nhà thơ đã có ba năm cư tang mẹ. Còn lại mười
năm, thì đến hai phần ba trong thời gian ấy, ông làm học quan và
sử quan - những chức quan không dính dáng đến việc cai trị. Từ
năm 1884 cho đến khi mất, chỉ trừ một vài năm (1891 - 1893), ông
buộc phải lên Thái Hà ấp (Hà Nội) để dạy học cho con của Hoàng
Cao Khải là Hoàng Mạnh Trí. Những năm tháng còn lại, nhà thơ
sống gần gũi với người dân quê, đồng cam cộng khổ với những lo
toan và tâm tình của họ. Tuổi già, ông vừa dạy học vừa làm thơ. Đây
là thời kỳ sáng tác chủ yếu của nhà thơ. Ông mất ngày 15 tháng
giêng năm Kỷ Dậu (tức 05-02-1909), thọ 75 tuổi.
Nhà thơ để lại cho văn học nước nhà một khối lượng thơ ca đồ sộ
và vô cùng quý giá. “Quế Sơn thi tập” có trên 300 bài thơ chữ Hán,
chữ Nôm, Hát nói, câu đối … Có những bài thơ, tác giả làm bằng chữ
Hán rồi dịch ra tiếng Việt, hoặc ngược lại, làm thơ bằng tiếng Việt
rồi dịch ra chữ Hán. Các nhà nghiên cứu không thể xác định thật rõ,
bởi vì cả hai đều thần tình và rất điêu luyện. Thành công của Nguyễn
Khuyến trên cả hai lãnh vực: thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm. Thơ chữ
Hán của ông hầu hết là thơ trữ tình. Còn thơ chữ Nôm của ông vừa
trào phúng, vừa trữ tình. Chính những bài thơ Nôm giản dị, chứa đầy
lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân quê và ăm ắp hồn thơ, làng
quê đất Việt ấy, mà người đời sau gọi ông là “nhà thơ dân tình làng
cảnh Việt Nam” (Xuân Diệu).

II. NỘI DUNG THƠ NGUYỄN KHUYẾN


1. Một hồn thơ yêu nước thiết tha
Tiếng súng râm ran của thực dân Pháp vang lên khắp hai miền

11
Nam - Bắc và sự yếu đuối nhu nhược của triều đình Tự Đức đã thức
tỉnh tâm hồn nhà thơ cũng như tầng lớp trí thức nho sĩ đương thời.
Lịch sử buộc họ phải có sự chọn lựa trước “ba bè bảy lối”, trước ngã
năm ngã bảy của cuộc đời. Mỗi người đều có một con đường đi riêng
tùy theo hoàn cảnh cụ thể, và- những con đường đi đó, những số phận
cụ thể đó tất yếu sẽ dẫn đến những định hướng cuộc đời khác nhau
sau này. Trừ những người không thoát khỏi bả vinh hoa phú quý, cam
tâm bán nước làm tay sai cho Pháp, mà quan phó bảng Trần Tán Bình
đã châm biếm sâu cay:
Đem thân khoa bảng làm tôi Pháp
Cũng tại nhà nho học chữ Tàu

Những “nhà nho học chữ Tàu” còn lại đều khắc khoải thể hiện tiết
tháo của mình trên tất cả các sự lựa chọn. Một Nguyễn Tri Phương,
một Hoàng Diệu tuẫn tiết theo thành. Một Nguyễn Đình Chiểu “Thà
đui mà giữ đạo nhà. Còn hơn có mắt ông cha không thờ”. Một Nguyễn
Duy Cung khẳng khái “Thà làm ma có hồn trung vía nghĩa. Không làm
người đeo mặt ngựa đầu trâu”. Một Nguyễn Quang Bích hiên ngang
khí phách “Rồi mai sau nếu chúng tôi thắng và sống thì là nghĩa sĩ của
triều đình. Nếu mà thua và chết, thì chúng tôi cũng thành quỷ thiêng
giết giặc”. Rồi một Phan Đình Phùng với phong trào Cần Vương về
sau “Trách nhiệm càng cao càng nặng gánh. Tướng môn riêng thẹn
với anh hùng”. Dù đứng ở sự lựa chọn nào cũng dẫn đến hệ quả cuối
cùng: người trước kẻ sau đều nhận lấy những cái chết vẻ vang. Tất cả
chỉ là những tia chớp lóe lên trên bầu trời đầy giông bão rồi tắt lịm.
Trong những năm tháng tiết tháo nhà nho vận hành và tỏa sáng
trên trục lịch sử ấy, thì con người quan phương trong Nguyễn Khuyến
vẫn tận tụy với công việc sử sách, rồi đột ngột treo ấn từ quan khi
cuộc đời mới bước vào độ “tri thiên mệnh”. Nhà thơ không có dũng
cảm lấy cái chết của mình để đền nợ nước, nhưng ông cũng không vì
năm đấu gạo mà ở lại làm quan khi đất nước rơi vào tay giặc. Sự trở

12
về là biện pháp lựa chọn duy nhất, mặc dầu ông làm sao tránh khỏi
bị nghi ngờ trong con mắt bạn bè thuở ấy. Cũng có lúc nhà thơ đắng
cay than thở cho sự bất lực của mình:
Cờ đương dở cuộc không còn nước,
Bạc chửa thâu canh đã chạy làng
(Tự thán)
Nhưng, chỉ có trở về nhà thơ mới nhận thức ra giới hạn cuối cùng
của những nghĩa sĩ Cần Vương và vẻ đẹp não nùng bi tráng của nó.
Bài thơ “Xuân dạ liên nga” (Đêm xuân thương con thiêu thân), đã
chỉ ra được việc làm cao cả nhưng vô vọng của những con thiêu thân
- những nghĩa sĩ Cần Vương trước hiện thực đời sống:
Tố phú tri năng do vị dẫn,
Đương tiền danh lợi bất tương quan.
Cô đăng sát nhĩ, do liên nhĩ,
Đãi đáo thành hôi lệ vị can
(Trời phú cho mày có lương tri, lương năng chưa đến nỗi mất,
Cho nên danh lợi trước mắt, cũng không vướng víu gì.
Ngọn đèn le lói tuy giết mày, nhưng vẫn thương mày.
Cho đến lúc thành tro, mà lệ vẫn chưa khô)

Lui về ở ẩn, nhà thơ chỉ còn biết giữ mình cho trong sạch, lánh xa
những bụi bặm của cuộc đời. Trong bài hát nói “Mẹ Mốc”, nhà thơ đã
ca ngợi người đàn bà giả điên giả dại “bôi lấm xóa nhòa” dung nhan
của mình để che mắt tục và giữ gìn tiết tháo. Lời ca ngợi ấy giống
như một quyết tâm của nhà thơ:
Sạch như nước, trắng như ngà, trong như tuyết,
Mảnh gương trinh vằng vặc quyết không nhơ.

Hai mươi lăm năm cuối đời, sống đồng cam cộng khổ với những

13
người dân quê, thơ Nguyễn Khuyến ít nhắc đến vua, ít ca ngợi vua
sáng tôi hiền. Có chăng chỉ là những hoài niệm về một chân trời cũ
không bao giờ trở lại “Ngày trước cùng lên lạy cửa trời” (Ký hữu).
Thực trạng của đất nước đã khiến nhà thơ chua chát:
Vua chèo còn chẳng ra gì,
Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề.
(Lời vợ anh phường chèo)
Sự hoài nghi về lý tưởng “An tri bất ngộ Đường Ngu thánh” (Biết
đâu lại không gặp vua Thánh Đường Ngu?) khiến nhà thơ trở thành
“người thừa” của giai cấp mình. Những năm tháng làm quan nay Án
sát Thanh Hóa, mai Bố chánh Quảng Ngãi… nhà thơ lặng lẽ chiêm
nghiệm bao điều và xót xa nhận ra chân giá trị của danh vị:
Vốn không thực học phù đời loạn
Uổng chút hư danh Đổ đại khoa
(Cận thuật)
Tâm trạng cô đơn, lạc lõng thường xuất hiện trong thơ Nguyễn
Khuyến khi trở về Yên Đổ. Nỗi buồn sâu lắng, bàng bạc và khắc
khoải bao trùm lên “Ngày tháng hao mòn tóc tựa bông” (Tự trào).
Ở đâu cái tâm hồn ưu tư ấy cũng bị giằng vặt về quá khứ một thời
đã qua. Từng đêm đối diện với chính mình, con người thơ hiện ra
trong chênh vênh giữa hai bờ hư-thực. Vừa là “Anh giả điếc” lẩy một
đôi câu Kiều, vừa là ông già vin cửa lạnh chập chờn trong mơ-tỉnh,
trong quá khứ-hiện tại:
Biết nói gì đây vin cửa lạnh
Đêm khuya sương đẫm bóng trăng tà
(Hoàn gia tác)
Đằng sau những náo nhiệt sôi động của cuộc sống ngày thường là
khoảng không thinh lặng của tâm hồn. Đằng sau tràng pháo lẹt đẹt
và tiếng trống ình ịch báo hiệu xuân sang “Ình ịch đêm qua trống các

14
làng. Ai ai mà chẳng rước xuân sang” (Khai bút) là nỗi buồn tê tái
trước thực trạng của đất nước và của chính bản thân mình:
Xuân về ngày loạn càng lơ láo,
Người gặp khi cùng cũng ngất ngơ
(Ngày xuân dặn các con)
Nhà thơ về ở ẩn nhưng chưa bao giờ thanh thản với sự lựa chọn
của mình. Cái “tấm lòng son vẫn có thừa” ấy luôn có trăm nghìn mối
dây bện chặt với cuộc đời. Nếu như các nhà nho trung nghĩa cuối thế
kỷ XIX đều tự mình đi tìm cái chết vẻ vang bằng triết lý nhân sinh
cao cả “Chớ đem thành bại luận anh hùng” (Nguyễn Xuân Ôn), thì
Nguyễn Khuyến lại tìm thấy con người Nho gia của mình trong nỗi
niềm thân phận: thương cho mình và đớn đau cho đất nước:
Ngẫm đến bút nghiên tràn nước mắt
Ngước nhìn đất nước xiết buồn đau
(Tiễn môn đệ)
Hay:
Tuổi nhiều, nhà bấn thân đau ốm
Mùa mất, dân nghèo, đời nhiễu nhương
(Hung niên)
Thương nước, thương nhà trong thơ Nguyễn Khuyến không hề
có khí thế hừng hực “Kiến nghĩa ninh cam dũng bất vi” (Thấy việc
nghĩa mà không làm là không dũng cảm - Hồ Huân Nghiệp) của tầng
lớp sĩ phu Cần Vương hoặc “Vạch trời kêu mà tuốt gươm ra” (Phan
Bội Châu) của thế hệ chí sĩ sau này, mà chỉ là tiếng lòng khắc khoải,
“năm canh máu chảy” cho nước non trời cũ:
Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ.

15
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi,
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ.
(Cuốc kêu cảm hứng)
Cái tiếng cuốc đêm đêm ròng rã đánh thức tâm hồn kẻ sĩ trước
loạn ba đào của lịch sử, đã tạo nên một hồn thơ yêu nước riêng
biệt trong thơ Nguyễn Khuyến. Nhưng nếu nhìn sâu hơn thì tình
cảm thương mình- thương dân và xót xa cho đất nước đó lại là đạo
lý truyền thống của dân tộc, là giá trị văn hóa tinh thần của những
con người lặng lẽ “làm ra đất nước” (Nguyễn Khoa Điềm) từ xa xưa.
Tư tưởng Nho giáo không trang bị kiến thức lý luận cho nhà thơ đi
vào cái mới, nhưng lại thừa đạo lý để tâm trạng nhà thơ thao thức
xuyên suốt cuộc đời.
Khi bạn bè đồng nghiệp bế tắc trong tấn tuồng “trung nghĩa” đầy
bi quan, yếm thế “Nếu bản thân cuộc sống đã là một giá trị thì sự ra
đi của nó bao giờ cũng mang ý nghĩa lớn lao” (Secnưsepxki); khi một
số nhà nho khác thích “rượu sâm banh, sữa bò” nhanh chóng thích
hợp với văn minh phương Tây, với xã hội thực dân nửa phong kiến, thì
Nguyễn Khuyến lại lặng lẽ về với ruộng vườn, về với người dân quê
vùng chiêm trũng. Và ở đây, ngay giữa quê hương mình, sống đồng
cam cộng khổ với người dân lao động, nỗ lực chiếm lĩnh hiện thực
khách quan, nhà thơ mới thấy rõ cuộc sống hàng ngày của họ- cuộc
sống khốn khổ của người dân nô lệ:
Kim hạ khổ khái nhiệt
Thảo khô, trạch diệc kiệt
Ích chi dĩ tây phong,
Hà vật bất mĩ diệt.
(Nhâm Dần hạ nhật)
(Mùa hè này khổ vì nóng nực quá,
Cỏ khô, ao đầm cũng cạn.

16
Hơn nữa lại có gió Tây,
Vật gì mà chẳng tàn tạ)
(Mùa hè năm Nhâm Dần)

Có đem câu nói sáo mòn “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu” (Lo trước
những điều mà thiên hạ lo) đặt vào không gian, thời gian thuở ấy, mới
thấy hết tâm trạng u uất, buồn phiền của nhà thơ trước cảnh thống
trị của bọn thực dân. Sự dằn vặt tâm hồn, trách nhiệm với nước nhà
không cho nhà thơ thảnh thơi đóng vai “Anh giả điếc” để “mũ ni che
tai” trong suốt phần đời còn lại. Khó có một nhà thơ nào trong giai
đoạn này lại phản ánh cuộc sống, thực trạng đất nước đa dạng, phong
phú và sâu sắc như nhà thơ. Thơ Nguyễn Khuyến không phải chỉ có
thiên tai lũ lụt “Quai Mễ Thanh Liêm đã lở rồi. Vùng ta thôi cũng lụt
mà thôi” (Nước lụt Hà Nam) mà còn có sưu cao thuế nặng của thực
dân và phong kiến “Phần thuế quan Tây, phần trả nợ. Nửa công đứa
ở, nửa thuê bò” (Nhà nông than thở). Không phải chỉ có trăm điều cay
đắng “Miệng kín bình bưng chẳng dám thưa” (Túc Phú Xuyên đồn)
mà còn có ngàn nỗi uất ức phải cam chịu “Lệ đẫm đừng rơi phải nuốt
đi” (Thất tịch bất vũ). Không phải chỉ có cảnh khai thác thuộc địa của
thực dân Pháp “Khoét rỗng ruột gan trời đất cả. Phá tan phên dậu hạ
đi rồi” (Hoài cổ) mà còn có những nỗi nhục của người dân mất nước
“Khen ai khéo vẽ trò vui thế. Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu” (Hội
Tây)… Cuộc sống buổi giao thời hiện ra trong thơ cô đúc đến đậm
đặc và thật như chính nó. Không sục sôi căm thù. Không ồn ả cay
nghiệt. Thơ Nguyễn Khuyến là tiếng lòng, là tiếng kêu thương và là
hồn của dân tộc trước từng cơn “chớp bể mưa nguồn”.

2. Một tiếng cười sâu cay và độ lượng


Trong cuộc đời sáng tác, Nguyễn Khuyến thành công trên cả hai
lãnh vực: trào phúng và trữ tình. Nếu như thơ chữ Nôm của Nguyễn
Khuyến vừa có những sáng tác trào phúng, vừa có những sáng tác trữ

17
tình, thì thơ chữ Hán hầu hết là thơ trữ tình. Phân biệt bút pháp trữ
tình và trào phúng trong thơ Nguyễn Khuyến ở đây không nhằm phân
loại đối lập trong phong cách thể hiện của nhà thơ, mà nhìn nó trong
sự vận động thống nhất của tư tưởng. Xét cho cùng các bút pháp thể
hiện chỉ là sự hoán chuyển ngấm ngầm giữa chủ thể và khách thể có
tác dụng điều chỉnh quan niệm nghệ thuật, bởi vì cả hai kiểu loại có
khi đều thể hiện những trạng thái của một tính cách.
Từ bỏ con người quan phương về lại với môi trường truyền bá,
diễn xướng, nhà thơ đã “xích lại gần dân” bằng tiếng cười trào phúng,
châm biếm nhưng cũng sâu lắng tình người và tình đời. Đối tượng
trào phúng trong thơ bao gồm nhiều hạng người trong xã hội nhưng
chủ yếu vẫn là tầng lớp quan lại và hạng người khoa bảng. Ngán cho
kẻ “phương trời chẳng dứt dây”, nhà thơ gọi chúng là thằng hề “quan
chèo vai nhọ”, là “phỗng đá” không làm được việc gì cho dân, cho nước:
Đêm ngày gìn giữ cho ai đó
Non nước đầy vơi có biết không?
(Ông phỗng đá)
Cũng như các nhà thơ thuộc khuynh hướng tố cáo hiện thực giai
đoạn cuối thế kỷ XIX, đối tượng đả kích trong thơ Nguyễn Khuyến
là những con người cụ thể, có địa chỉ cụ thể và có tính cách cụ thể:

Nghĩ rằng ông dại với ông điên


Điên dại sao ông biết lấy tiền?
…Chỉ cốt túi mình cho nặng chặt,
Trăm năm mặc kệ tiếng chê khen.
(Tặng đốc học Hà Nam)
Nghe tin quan tuần phủ người làng Tiên Khoán (nay thuộc xã An
Hội, huyện Bình Lục) - một người keo kiệt, bủn xỉn vừa mới bị mất
cướp, nhà thơ liền hỏi thăm:

18
Lấy của, đánh người quân tệ nhỉ!
Xương gà, da cóc có đau không?
…Thôi cũng đừng nên ki cóp nữa,
Kẻo mang tiếng dại với phường ngông.
(Hỏi thăm quan tuần mất cướp)
Hay một trường hợp khác, tri huyện Thanh Liêm Hoàng Đặng
Quýnh là một người bất tài vô hạnh, nhờ thế của bố, chạy chọt với
Tây mà được bổ làm tri huyện. Ông ta nổi tiếng gian tham tàn ác mà
lại làm ra vẻ thanh liêm. Đầu xuân, Hoàng Đặng Quýnh mở một cuộc
thi thơ lấy đầu đề là “Bồ tiên thi”. Với đề này, ông ta ngầm ví mình
với Lưu Khoan, một ông quan nổi tiếng nhân từ đời Hán, chỉ dùng cỏ
bồ nhẹ và mềm làm roi để răn dạy dân. Nhà thơ biết tin, họa lại và
cũng nói đến “Bồ tiên”, nhưng là:
Bồ chứa miệng dân chừng bật cạp
Tiên là ý chú muốn vòi xu?
Từ vàng sao chẳng từ luôn bạc?
Không khéo mà roi nó phết cho.
(Bồ tiên thi)
Tiếng cười trào phúng, đả kích của Nguyễn Khuyến nói chung là
nhẹ nhàng nhưng không kém phần thâm trầm. Điều này khác hẳn
nhà thơ Tú Xương hay Nguyễn Thiện Kế sau này, vừa bộc trực vừa
đốp chát không khoan nhượng:
Khen thay phủ Quảng khéo ranh ngầm,
Phó nịnh anh Tây cõng mẹ đầm.
Đôi vú ấp vai, đầu nghển nghển,
Hai tay ôm đít, mặt lầm lầm.
May mà vững gối nhờ ơn tổ,
Khéo chẳng sa chân chết bỏ bầm

19
Ngoảnh bảo huyện Hòa ôm váy hộ,
Ngửi tay nhăn mặt bảo nhau thầm…
(Nguyễn Thiện Kế - Vịnh tri phủ Quảng Oai)
Xã hội thực dân nửa phong kiến cuối thế kỷ XIX đầy những trò lố
lăng, quái gở đang phá hoại nền luân thường đạo lý của cha ông. Nếu
như ở thành Nam - quê hương của Tú Xương có những me Tây gái
điếm, “đĩ rài đĩ rạc” ăn nằm với quan Tây, đồng bóng với nhà sư, lăng
loàn với con rể… thì ở làng quê Nguyễn Khuyến có những hạng người:
Đĩ mà có tàn, có tán, có hương án, có bàn độc,
Khá khen thay làm đĩ có tông.
Khắp giang hồ chẳng chốn nào không,
Suốt nam bắc tây đông đều biết tiếng.
(Đĩ cầu Nôm)
Loại đĩ có tàn, có tán này là những người đàn bà có tên tuổi và
“tiếng tăm” lừng lẫy như mụ Hậu Cẩm, cô Tư Hồng, mụ Bông - vợ
của quan Kinh lược sứ Bắc Kì Hoàng Cao Khải. Chính lũ “Vợ bợm
chồng quan danh phận đó” (Đĩ cầu Nôm) đang làm băng hoại đạo đức
truyền thống. Trong câu đối “Mừng cô Tư Hồng”, một mụ me Tây,
sau thành bà lớn, được triều Nguyễn phong cho hàm “Tứ phẩm cung
nhân”, nhà thơ đả kích sâu cay và sắc sảo:
Có tàn, có tán, có hương án thờ vua, danh giá lẫy lừng mười mấy tỉnh.
Này biển, này cờ, này sắc phong cho cụ, chị em hồ dễ mấy lăm người.

Danh giá lẫy lừng của những người đàn bà này đều nhờ vào các
ông chồng là quan Tây, là lũ tay sai bán nước. Thông qua tiếng cười
sâu cay ấy, nhà thơ chửi bọn tai to mặt lớn, bọn “mèo mả gà đồng”
đang đánh đĩ tâm hồn với kẻ thù của dân tộc:
Trời đất khéo thương chàng Bạch quỷ
Giang sơn riêng sướng ả hồng nhan
(Lấy Tây)

20
Để duy trì chế độ phong kiến, chính quyền thực dân vẫn cho triều
đình nhà Nguyễn tổ chức các kỳ thi Hương, thi Hội tuyển chọn nhân tài
cho đất nước. Nhưng trong buổi tàn cục của nho học, xã hội đầy những
thầy thông, thầy ký “Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò” (Tú Xương) thì
trường thi chỉ là hình thức. Ở đó vẫn lấy được những ông nghè, ông
cống, nhưng thực chất chỉ là cái mẽ bề ngoài, là tiến sĩ giấy:
Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai
Cũng gọi ông nghè có kém ai
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng
Nét son điểm rõ mặt văn khôi
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ
Cái giá khoa danh thế mới hời
Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh chọe
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi
(Tiến sĩ giấy)

Cái hay của bài thơ là câu nào cũng bao hàm hai nghĩa thật- giả.
Ông tiến sĩ thật giống như ông tiến sĩ giấy. Ông tiến sĩ giấy giống như
ông tiến sĩ thật. Điệp từ “cũng” càng nhấn mạnh yếu tố giống nhau.
Thật biến thành giả. Giả biến thành thật. Phải chăng đó là sự đảo lộn
của các giá trị trong thời buổi đảo điên, đồng thời cũng là sự đảo lộn
của lòng người trước những đổi thay của cuộc sống.
Xét cho cùng, tiếng cười trong thơ Nguyễn Khuyến trước mọi hiện
tượng của đời sống không hề ác hiểm, mà chỉ nhẹ nhàng tình lý, như
khuyên, như can của một người trên ân cần bảo ban kẻ dưới. Phần
chìm của “tảng băng trôi” ấy vẫn là lòng vị tha và nhân hậu:
Hay thật là hay đáo để! Bảo một đàng quàng một nẻo
Thôi thế thời thôi cũng được! Phi đằng nọ tắc đằng kia
(Tặng người học trò cũ đi làm cho Tây)

21
Như trên đã đề cập, trữ tình và trào phóng trong thơ Nguyễn Khuyến
có khi đều thể hiện những trạng thái của một tính cách. Âm hưởng
chung trong thơ trữ tình là nỗi buồn của người trí thức về giang sơn
đất nước, về vận mệnh của dân tộc, thì cốt lõi của thơ trào phúng cũng
nhằm phản ánh hiện thực đó. Trong bài thơ “Hội Tây”, nhà thơ cười
cho những kẻ tham tiền, đánh mất hết liêm sỉ “Cậy sức cây đu nhiều
chị nhún. Tham tiền cột mỡ lắm anh leo” nhưng lại cay đắng ngậm
ngùi “Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu”. Ở đây, trữ tình và trào phúng
đã kết hợp với nhau bằng nỗi buồn sâu lắng. Sự đan xen, hòa quyện
hai nửa tâm hồn khiến chúng ta không lấy làm lạ khi trong cùng một
cá thể, lúc là đối tượng để trữ tình, lúc lại là đối tượng để trào phúng.
Ngay với bản thân nhà thơ cũng vậy. Ông đem mình ra làm đối tượng
để trào phúng “Mở miệng nói ra gàn bát sách. Mềm môi chén mãi tít
cung thang” (Tự trào). Ngất ngưởng giữa làng quê trong nếp sống văn
hóa cổ truyền, cùng vợ con “thắt lưng bó que xắn váy quai cồng” chân
dung tự họa của nhà thơ cũng tầm thường tẻ nhạt như bao lão nông
“đẻ anh, đẻ chị” khác. Tính chí thú, vẻ cao xa thâm thúy của nhà thơ
ở ẩn thời trước giờ chỉ là:
Mái tóc phần sâu phần lốm đốm,
Hàm răng chiếc rụng chiếc lung lay.
Nhập nhèm bốn mắt tranh mờ tỏ,
Khấp khểnh ba chân dở tỉnh say
(Than già)
Xã hội đương thời không còn là đất dung thân cho Bá Di, Thúc Tề
ngàn năm trước và cũng thôi ba luống cúc với đàn không dây của Đào
Tiềm về sau. Vì thế những hình ảnh khác tục cùng mọi lời tự nhận
“ngu, say, gàn, điếc, dại”… đầy kiêu hãnh ở người xưa, đều được nhà
thơ nhìn nhận bằng vật chất, bằng cuộc sống trần trụi. Xóa đi không
gian “quan dân lễ cách” là hình ảnh cụ Tam xuề xòa, giản dị “Quan
chẳng quan thì dân”, “già chẳng già thì trẻ”, có khi “chiếu trung đình

22
ngất ngưỡng ngồi trên” (Cảnh về vườn), có khi “Khi vui chuốc chén rượu
nồng. Có khi hào hứng mười chung chẳng từ” (Hạ nhật ngẫu thành) và
có cả “Chén chú, chén anh, chén tôi, chén bác. Cuộc tỉnh say, say tỉnh
một vài câu” (Ông phỗng đá).
Với “con mắt gà” hóm hỉnh, nụ cười châm biếm nhẹ nhàng, thơ
Nguyễn Khuyến bắt đầu xuất hiện kiểu người thừa, “bậc ăn dưng”:
Ông chẳng hay ông tuổi đã già
Năm mươi ông cũng lão đây mà
Bao giờ đến bực ăn dưng nhỉ
Có rượu, thời ông chống gậy ra
(Lên lão)
Nhận ra thực trạng đương thời, bên cạnh chân dung tự họa là
những “phiên bản” về hình thức, hình tượng hóa nghệ thuật, tuy riêng
biệt khác lạ nhưng vẫn giống nhau trong dấu ấn tâm hồn. Nó vừa
mang tính khách thể khi thể hiện nhân cách, quan niệm sống nhưng
lại mang tính chủ thể khi thể hiện tư tưởng của mình. Một Nguyễn
Khuyến trong “Anh giả điếc”:
Trong thiên hạ có anh giả điếc
Khéo ngơ ngơ, ngác ngác, ngỡ là ngây.
Một nhà thơ trong vai “phỗng đá”:
Người đâu tên họ là chi
Hỏi ra chích chích, chi chi nực cười.
Một tâm hồn nhập thân “Mẹ Mốc” cười cợt và lạc lõng giữa đời:
Tấm hồng nhan đem bôi lấm, xóa nhòa
Làm thế để cho qua mắt tục.
Những phiên bản tâm hồn, những hóa thân “Cu hề”, “Cu sứt” trong
tuồng chèo của xã hội thực dân nửa phong kiến chính là sự tự nhận
thức và khách thể hóa bản thân mình. Ở đâu, khi con người sống với

23

You might also like