You are on page 1of 103

GIỚI THIỆU

Lumpkin A., Stoll S.K và Beller J.M (2003) nhận định rằng thi đấu thể thao là hoạt động ngày
càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Tình trạng xói mòn các giá trị đạo đức trong thể thao là chủ đề thu
hút sự chú ý của giới truyền thông, quản lý thể thao, huấn luyện viên, vận động viên và người hâm mộ.
Hàng ngày, tin tức về các vận động viên sử dụng dược phẩm trong danh sách cấm (doping), vi phạm
pháp luật, dàn xếp tỷ số, gây gổ, đánh nhau trên sân, sống phóng túng… khiến cho đơn vị quản lý họ
bối rối và xấu hổ. Nhiều người khi tham gia thể thao đã đánh mất hay không bao giờ hình thành được
khả năng nhận thức đúng đắn trong tình huống thi đấu. Theo luật chơi công bằng (fair play), tất cả vận
động viên đều cần có cơ hội như nhau để đạt được thành công, tích lũy kiến thức, phấn đấu và hành xử
một cách có đạo đức. Hành vi xử sự đúng đắn là yêu cầu hàng đầu đối với bất cứ vai trò nào trong lĩnh
vực thể thao. Tuy nhiên, nhu cầu chiến thắng và giành giải thưởng vẫn thường khiến một số cá nhân có
hành vi phạm luật và phá vỡ tinh thần thể thao. Giáo trình này đưa ra nhiều vấn đề liên quan đến các
mặt tồn tại của lĩnh vực thi đấu thể thao, qua đó khuyến khích tư duy nhận thức đúng đắn để gìn giữ
các giá trị trong thể thao như sự phát triển nhân cách, khả năng làm việc theo nhóm, tinh thần hợp tác
và kỷ luật cá nhân.
Mục tiêu
Môn học Đạo đức thể thao (Sport Ethics) trang bị cho sinh viên kiến thức về quan điểm đạo đức
trong thể thao nói chung và quản lý thể thao nói riêng. Nội dung môn học bao gồm các vấn đề đạo đức
trong các tình huống thể thao cụ thể, nguyên tắc đạo đức dành cho các nhà quản lý thể thao trong tương
quan với nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp. Giới thiệu bộ quy tắc đạo đức của Ủy ban thể thao quốc tế
IOC và và công tác giáo dục đạo đức và phòng chống tiêu cực trong hoạt động thể dục thể thao ở Việt
Nam. Môn học chuẩn bị cho sinh viên tinh thần phát triển bản thân và hiểu biết về trách nhiệm đối với
xã hội gắn liền với hoạt động trong lĩnh vực quản lý thể thao. Sinh viên có thể vận dụng các kiến thức
môn học để đánh giá, xem xét các hiện tượng, sự kiện và vấn đề xảy ra trong thực tiễn cuộc sống; biết
chọn lựa và thực hiện các hành vi ứng xử phù hợp trong quá trình công tác sau này.
Nội dung chính của môn học
Giới thiệu các kiến thức cơ bản về đạo đức thể thao bao gồm: Các khái niệm và nguyên lý trong
đạo đức thể thao; các đặc điểm và vấn đề đạo đức trong hoạt động và quản lý thể thao; các quy tắc đạo
đức nghề nghiệp và đạo đức cá nhân trong lĩnh vực thể thao; các nội dung cơ bản của bộ quy tắc đạo
đức của Ủy ban thể thao quốc tế IOC; một số thực trạng và công tác giáo dục đạo đức và phòng chống
tiêu cực trong hoạt động thể dục thể thao ở Việt Nam.

1
CHƯƠNG I. Tổng quan

I.1. Khái niệm và thuật ngữ


Dưới đây là một số khái niệm và thuật ngữ tiếng Anh sinh viên thường gặp khi nghiên cứu lĩnh
vực đạo đức thể thao.
“Ethics” (đạo đức học) xuất nguồn từ từ “Ethiké” trong tiếng Hy Lạp, tiếng La Tinh là Ethica,
có nghĩa là khoa học về đạo đức hay tính cách. Vào thế kỷ 3 trước Công Nguyên, từ ethiké đã được nhà
triết học và bác học thời Hy Lạp cổ đại Aristotle (384-322 TCN) đưa ra và vẫn được sử dụng cho đến
ngày nay.
Đạo đức học hay Luân lý học (moral philosophy) là môn khoa học triết học về đạo đức, nghiên
cứu bản chất, các quy luật xuất hiện và phát triển trong lịch sử, các chức năng đặc trưng và các giá trị
của đạo đức trong đời sống xã hội. Trong đó, đạo đức được định nghĩa là: Đạo đức bao gồm những
chuẩn mực xã hội điều chỉnh hành vi của con người trong quan hệ với người khác và với cộng đồng.
Căn cứ vào những quan niệm ấy, người ta đánh giá hành vi của mỗi người theo các quan niệm về thiện
và ác, về được làm và không được làm và về các nghĩa vụ phải làm. Khác với pháp luật, các chuẩn mực
đạo đức không được ghi thành những văn bản pháp quy, song đều được mọi người thực hiện do sự thôi
thúc của lương tâm cá nhân và dư luận xã hội.
Đạo đức học là ngành nghiên cứu các cơ sở lý luận và hành động đạo đức mang tính phân tích
và khoa học hướng dẫn cho việc ra quyết định đúng đắn. Quá trình đạt được một quyết định đúng và
công bằng còn được xem là quá trình tư duy nhận thức đạo đức (ethical reasoning), phụ thuộc vào
phương châm xử thế của một người, đồng thời phản ánh niềm tin và mong muốn của người đó về lối
xử sự của những người xung quanh.
Đạo đức học còn nghiên cứu các giá trị đạo đức trong đời sống xã hội các thời đại đã qua,
những yếu tố của một nền đạo đức mới đang hình thành, các hình thức đạo đức khác nhau với các chất
lượng khác nhau phụ thuộc vào các thời đại, các cộng đồng khác nhau.
Đạo đức học được phân chia theo các chuyên ngành như luật, kinh doanh, y học, xã hội, thể
thao, giáo dục, huấn luyện, v.v…
Việc xây dựng các nguyên tắc đạo đức (Ethical principles) giúp hình thành suy nghĩ hợp lý và
có hệ thống về các vấn đề đạo đức (ethical issues) liên quan đến phạm vi tình thế khó xử và nguyên tắc
xử sự đúng đắn.
Khác với “ethics”, một thuật ngữ liên quan khác là “moral” (đạo đức), có nguồn gốc từ từ
“mos” trong tiếng La tinh, gắn liền với thói quen hay phong cách của con người, ám chỉ hành động
đúng hay sai, đúng đạo lý hay tội lỗi, xấu hay tốt tương quan với hoạt động, ý định hay nhân cách của
họ. “đúng” và “sai” ứng với hành động của một người, một pháp nhân, trong khi đó “xấu” và “tốt” phụ
thuộc vào 4 yếu tố: (1) người thực hiện hành động, (2) tác động của hành động, (3) động cơ của hành
động, và (4) ý định của người thực hiện hành động.
Tình thế khó xử (ethical dilemma) hay còn gọi là tình thế tiến thoái lưỡng nan. Về mặt nguyên
tắc xử sự có liên quan đến các giá trị hay các ràng buộc xã hội. Thí dụ, việc quyết định thời điểm tổ
chức trận đấu sau một bi kịch của đất nước hay cộng đồng là một thí dụ về tình thế khó xử. Những tình
thế này được giải quyết khi nhà quản lý thể thao đáp ứng được các tiêu chuẩn ứng xử đạo đức được đa
2
số tôn trọng. Tuy vậy, các giá trị này không nên bị nhầm lẫn với sở thích cá nhân (personal
preferences). Quyết định về nguyên tắc xử sự ảnh hưởng đến người khác theo cách khác với sở thích cá
nhân. Tình thế khó xử mang thông điệp xã hội, vì vậy khía cạnh đạo đức khiến người ra quyết định
phải cân nhắc mức độ tác động đến các cá nhân hay nhóm người khác nhau của mỗi hành động họ sẽ
thực hiện. Nguyên tắc xử sự đúng đắn (morality), được xem như đạo lý, liên quan đến các tiêu chuẩn
hướng dẫn hành vi xử thế - một loại hình đặc biệt của vấn đề đạo đức. Các quy tắc xử sự đưa ra tiêu
chuẩn cơ bản cho hành vi cư xử phù hợp trong một xã hội. Ví dụ, niềm tin hành động trộm cắp và giết
người là sai trái căn cứ trên các tiêu chuẩn xử sự của hầu hết các xã hội. Nguyên tắc xử sự đúng đắn đôi
khi được đúc kết thành một danh mục các hành động con người bắt buộc phải thực hiện hay không
được vi phạm (Masteralexis L.P., Barr C.A & Hums M.A, 2005, p.107).
Đạo đức thể thao (Sport ethics) là một ngành nghiên cứu về khía cạnh đạo đức trong lĩnh vực
thể thao, đặc biệt chú trọng tính công bằng trong thi đấu thể thao và các hoạt động liên quan, là kim chỉ
nam cho hành vi ứng xử đúng đắn trong lĩnh vực thể thao.
I.2. Quá trình tư duy nhận thức đạo đức
Các nhà đạo đức học đưa ra nhận định khác nhau về quá trình tư duy nhận thức và hành động
đạo đức của con người.
Bennett (1993) tuyên bố rằng: không hề có quá trình tư duy nhận thức đạo đức trong sự phát
triển nhân cách. Con người biết được căn bản của nhân cách tốt thông qua việc tiếp nhận kiến thức về
hành động tốt và mô phỏng theo gương những người có hành vi đúng và được xã hội chấp nhận.
Hầu hết các nhà đạo đức học, đặc biệt là những người theo trường phái của Aristotle, có quan
điểm trái ngược với Bennett. Theo Aristotle, nhân cách là tổ hợp của các phẩm chất đạo đức tốt, thể
hiện ở những người kiên định, lương thiện, công bằng và biết tôn trọng người khác. Nhân cách là sản
phẩm phù hợp hình thành theo tương quan giữa một cá nhân với những người xung quanh. Nhân cách
tiềm tàng trong khả năng, năng lực suy luận và thanh lọc các giá trị đạo đức để kiểm soát và điều hòa
bản thân. Do đó, đọc các bài viết về những tấm gương tốt – dù là những tác phẩm nổi tiếng thế giới –
cũng vô ích nếu con người không thể lập luận và suy nghĩ thấu đáo về hành động của mình.
Likona (1991) cho rằng con người nào cũng có các thành tố của nhân cách tốt, đó là (1) hiểu
biết chuẩn mực đạo đức, (2) cảm nhận chuẩn mực đạo đức, và (3) hành động theo chuẩn mực đạo đức.
Mỗi thành tố bao gồm các yếu tố cần được thúc đẩy để xây dựng nên nhân cách tốt:
- Thành tố 1: Biết về đạo đức; tìm hiểu thêm về các giá trị đạo đức; chọn lọc; nhận thức đúng
đắn; ra quyết định; hoàn thiện kiến thức của bản thân.
- Thành tố 2: Lương tâm; lòng tự trọng; sự thông cảm; lòng yêu mến điều tốt đẹp; tính tự chủ;
sự nhường nhịn.
- Thành tố 3: Năng lực; sự sẵn lòng; thói quen.
Điều con người biết và cảm nhận có thể tác động đến hành vi, đồng thời cách hành xử có thể
ảnh hưởng đến lối tư duy và cảm nhận của bản thân họ. Do hoàn cảnh, một người dù hiểu biết rõ điều
đúng – sai chưa chắc sẽ thực hiện hành động đúng đắn. Có kiến thức không đồng nghĩa với có sự cảm
thông và sự tự chủ để theo đuổi hành động đạo đức. Như vậy, cần có sự phối hợp giữa các yếu tố trên
để xây dựng nên một nhân cách tốt.

3
I.3. Nghiên cứu về quá trình phát triển đạo đức

Công tác nghiên cứu về quá trình phát triển đạo đức tìm hiểu phương thức và quá trình con
người học hỏi hay phát triển về mặt đạo đức. Đây là một lĩnh vực khó do quy mô và độ phức tạp của
lượng tư liệu nghiên cứu, đồng thời do quan điểm trong giới học giả không đồng nhất - một số cho rằng
đạo đức có được nhờ tiếp thu, số khác cho rằng cần phải xây dựng nên đạo đức. Nhìn chung, có hai
quan điểm lớn sau:
Quan điểm thứ nhất bao gồm 2 trường phái: (1) lý luận dựa trên cơ sở phân tích tâm lý và (2) lý
luận dựa trên cơ sở xã hội học.
Sigmund Freud (1933) là người đầu tiên tiến hành nghiên cứu về quá trình phát triển đạo đức
dựa trên cơ sở phân tích tâm lý. Ông đưa ra giả thuyết rằng siêu ngã, xung động bản năng và bản ngã
kết hợp với nhau điều khiển bản năng chiến thắng và giới tính của con người. Sự tiếp thu các quy
chuẩn xã hội diễn ra nhờ vào các quá trình chức năng gắn liền với siêu ngã, xung động bản năng và bản
ngã. Siêu ngã (tiếp thu quy chuẩn xã hội và giá trị chủ đạo) điều khiển xung động bản năng (bản năng
tìm kiếm niềm vui, khoái lạc) và bản ngã (suy nghĩ và quyết định của cá nhân).
Các nhà lý luận dựa trên cơ sở xã hội học cho rằng nhận thức về đạo đức có được thông qua
các hoạt động hòa nhập với xã hội. Phát triển đạo đức là một quá trình trong đó con người thích nghi
với các quan niệm về những giá trị và hành vi được xã hội chấp nhận. Người tiếp nhận và thực hiện các
quy chuẩn xã hội một cách nhất quán được xem là tấm gương đạo đức vĩ đại. Việc tưởng thưởng những
hành vi tốt trong nhiều tình huống sẽ giúp các giá trị đạo đức lan tỏa ra môi trường xung quanh, định
hình chuẩn mực tiềm tàng trong mỗi cá nhân (Bandura 1977; MacGuire và Thomas 1975).
Quan điểm thứ hai, quá trình nhận thức và hoạt động xây dựng nên đạo đức có liên quan với
nhau (Shields và Bredemeier 1995; Weiss và Bredemeier 1990; Kohlberg 1981). Chuẩn mực đạo đức
phản ánh các nguyên tắc hướng dẫn hành động của con người. Tri thức về đạo đức hình thành theo
trình tự hợp lý, phát triển qua các giai đoạn tạo dựng cũng như nhận thức nền tảng cho hành động đạo
đức. Sự phát triển nhận thức về đạo đức dựa trên các cơ sở: (1) điều được xem là đúng và công bằng,
(2) nguyên nhân dẫn đến hành động đúng, và (3) quan điểm văn hóa xã hội (Reimer, Paolitto, và Hersh
1990).
Piaget (1932), được xem là học giả đầu tiên nghiên cứu về phát triển nhận thức đạo đức từ
phương pháp phát triển nhận thức đạo đức, đã đưa ra mô hình và lý luận chú trọng vào quá trình này ở
trẻ em. Đạo đức bao hàm sự tôn trọng của cá nhân dành cho cả nguyên tắc và công lý. Piaget quan tâm
đến sự chuyển đổi từ thái độ tôn trọng, tình trạng ràng buộc xã hội, sự tuân thủ nguyên tắc thành sự
điều hòa và làm chủ bản thân. Ông chia quá trình đó thành hai giai đoạn: (1) giai đoạn dị trị dựa trên
các quy tắc ràng buộc/bắt buộc phải tuân theo; (2) giai đoạn tự trị dựa trên các quy tắc hợp tác/lý trí. Ở
giai đoạn thứ nhất, con người nhận thức đạo đức dựa trên cơ sở đơn phương tuân theo chỉ đạo của cha
mẹ, người lớn và các quy định sẵn có (cảm thấy bị bắt buộc). Ở giai đoạn thứ hai, con người đã có khả
năng cảm nhận về tự do ý chí và sự nhân nhượng lẫn nhau trong xã hội. Họ không còn cảm thấy bị bắt
buộc theo yêu cầu của người lớn, nhận thức nghĩa vụ và ràng buộc gắn liền với kinh nghiệm xã hội, sự
mong muốn và vị thế của họ trong môi trường xung quanh.
Kohlberg (1991) trong một nghiên cứu tại Đại học Yale và Harvard đã chọn nhận định của
Piaget để nghiên cứu sâu hơn trong suốt hơn 30 năm sau đó với mục đích tìm hiểu cách thức con người
4
nhận biết và phát triển đạo đức. Theo Kohlberg, quá trình phát triển đạo đức theo một chuỗi bất biến,
phổ biến ở mọi nền văn hóa, bao gồm 6 giai đoạn và được chia thành 3 cấp độ sau:
a) Cấp độ Tiền quy ước:
o Giai đoạn 1 – Xử phạt/tuân lệnh; sợ hình phạt.
o Giai đoạn 2 – Tuân theo quy định vì lợi ích của chính mình, những người khác cũng làm
như vậy; phục vụ nhu cầu cá nhân.
b) Cấp độ Quy ước:
o Giai đoạn 3 – Trẻ em muốn trở thành người tốt, đáp lại mong đợi của cha mẹ, bạn bè,
những người lớn khác.
o Giai đoạn 4 – Theo hệ thống xã hội và lương tâm; nghĩa vụ đối với xã hội.
c) Cấp độ Hậu quy ước (nguyên tắc hóa):
a. Giai đoạn 5 – Thỏa thuận và quyền cá nhân.
b. Giai đoạn 6 – Nguyên tắc đạo đức toàn cầu; căn cứ trên nguyên tắc đạo đức nhất
quán và toàn cầu.
Theo Kohlberg, giai đoạn càng về sau đòi hỏi trình độ nhận thức càng cao. Khả năng nhận thức
đạo đức tăng theo mức độ trưởng thành và sự tiến bộ về học vấn, kiến thức và kinh nghiệm sống.
Rất nhiều các nhà nghiên cứu, học giả cho rằng: quá trình phát triển đạo đức chịu ảnh hưởng
của 3 yếu tố chính: (1) Giáo dục đạo đức; (2) Tấm gương đạo đức; và (3) Môi trường đạo đức. Các yếu
tố này không có giá trị xây dựng khi đứng riêng lẻ nhưng sẽ ảnh hưởng và tác động đến quá trình trên
khi kết hợp với nhau.
Mâu thuẫn về quan điểm giữa 02 nhóm học giả thể hiện rõ nét hơn qua câu hỏi liệu có hay
không thang đo cho đạo đức. Các nhà nghiên cứu ủng hộ quan điểm thứ nhất tin rằng đạo đức không
thể đo được hoặc không nên đo lường đạo đức vì sẽ rất nguy hiểm do không thể xây dựng được hình
thức kiểm định các vấn đề đạo đức phức tạp và khó xử. Các học giả ủng hộ quan điểm thứ hai lập luận
rằng quá trình nhận thức có thể đo được và có thể đưa vào giáo dục thông qua quá trình nhận thức
(Stoll và Beller, 2001).
I.4. Hành động đạo đức
Đưa ra quyết định đúng đắn về khía cạnh đạo đức không bao giờ dễ dàng dù người thực hiện
việc đó ở vai trò nào – nhà giáo, nhà khoa học thể thao, nhà quản lý, huấn luyện viên hay vận động
viên tham gia một cuộc thi đấu. Trong nhiều trường hợp, điều này trở nên khó khăn khi niềm tin và tiêu
chuẩn của người đó không trùng với ý chí của tập thể, người quản lý hay có thể vì một nguyên nhân
nào đó chưa thể xác định. Dù biết cách ra quyết định đúng, đôi khi con người có thể không muốn đấu
tranh vì niềm tin của mình. Một lý do nữa, có thể người đó không chắc chắn về những gì họ tin, hoặc
họ tin vào mọi thứ. Hầu như ai cũng có cha, mẹ, ông, bà hay giáo viên, những người sẵn lòng khuyên
bảo và chia sẻ kinh nghiệm chọn lựa quyết định đúng đắn là “hãy làm theo lương tâm”. Tuy vậy, có
những lúc người ta quên mất những điều được dạy bảo hay lương tâm có khuyết điểm. Mặt khác, khi
vận dụng vào thực tế cuộc sống, những lời khuyên ấy khó thực hiện được do có nhiều luồng ý chí khác
nhau trong xã hội. Sau đây là một số tình huống gây khó xử thường bắt gặp.
Tình huống 1: Những đứa trẻ thường được dạy bảo nói dối là sai trái, nhưng trong thế giới thực
tiễn có nhiều người liên tục nói dối như cuội. Một câu hỏi đặt ra trong một câu chuyện vui dành cho
5
vận động viên: “Làm sao biết được huấn luyện viên của bạn đang nói dối?”. Câu trả lời là “Bất cứ khi
nào đôi môi ông ấy chuyển động.” Trên truyền hình và báo chí, có vẻ như rất nhiều người cũng có lúc
nói những điều không thật, từ các nhà chính trị đến những vận động viên nổi tiếng. Như vậy, lời
khuyên “Hãy làm theo lương tâm của con” của người lớn có còn phù hợp với con trẻ hay không? Trẻ
em có nên nói sự thật, có nên có hành động đúng đắn không hay là cứ làm theo những gì mọi người
trong xã hội hay thực hiện? Đây là một tình huống khó xử trong cuộc sống.
Trong lĩnh vực thể thao hiện nay, các quy định, quy tắc thường xuyên thay đổi. Nhiều điều đã
từng được xem là đúng có thể không còn đúng nữa. Các chuẩn mực đạo đức có thể thay đổi rất nhanh.
Làm cách nào quyết định điều gì là đúng, điều gì là sai trong tương quan với sự tôn trọng, luật chơi
công bằng, tinh thần thể thao và trách nhiệm trong thế giới không ngừng biến động như vậy?
Tình huống 2: Người ta thường hiểu như thế nào về luật chơi công bằng? Liệu có chỗ cho hai
chữ “công bằng” trong xã hội tràn ngập công nghệ hiện đại này không? Như thế nào là công bằng khi
trang thiết bị thể thao tiên tiến ngày càng phát triển và được ứng dụng hàng ngày, hàng giờ? Thật ra,
vấn đề đưa ra cũng không phải là không có cơ sở. Sự phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ trong
việc ứng dụng thiết kế và chế tạo chất liệu cho trang thiết bị thể dục thể thao đã thay đổi toàn cảnh hoạt
động tham gia thể thao và từ đó thay đổi cái nhìn về luật chơi công bằng, đặt ra câu hỏi liệu có còn khả
năng và cần thiết phải áp dụng luật chơi công bằng mà sự vinh quang, danh tiếng và thu nhập là động
lực chính cho hoạt động thi đấu trong thế giới thể thao ngày nay. Cần phải rất tinh tế, khoa học và dũng
cảm khi đưa ra phản hồi cho câu hỏi này. Giáo trình này nhằm mục đích đưa ra những lời khuyên và
phương hướng giúp người làm công tác thể thao có được tầm nhìn rõ ràng về những giá trị mình đặt ra,
đánh giá cũng như mô tả khía cạnh đạo đức của các sự việc, biết cách áp dụng công cụ tư duy hệ thống
để xác định và xử lý các nghịch lý đạo đức một cách sâu sắc và cân nhắc. Cần xác định lý tưởng đạo
đức và lên kế hoạch hành động để theo đuổi lý tưởng đó.
Hãy khảo sát giá trị của việc nói sự thật. Tại sao trẻ con thường được dạy bảo nói dối là sai trái?
Điều lạ kỳ là những gì chúng ta đối mặt trong thế giới thực không giống như những điều học được
trong thời thơ ấu. Trên thực tế, ngoại trừ ở tòa án hay trong một văn bản luật, lời nói dối không mang
lại hậu quả pháp lý trực tiếp cho bạn khi bị bắt gặp. Thí dụ, khi gian lận trong thi cử, bạn bị bắt và rớt
kỳ thi đó. Nếu đánh cắp một chiếc xe và bị bắt, bạn sẽ nhận hình phạt theo quy định của pháp luật. Tuy
vậy, khi bạn nói dối với bạn bè và bị lộ tẩy, hậu quả sẽ không nghiêm trọng lắm. Trong nhiều tình
huống thể thao, nói dối có thể được chấp nhận.
Tình huống 3: Trong một trận thi đấu bóng chuyền, một cầu thủ đối phương tấn công, đập bóng
qua lưới. Trái bóng chạm ngón tay của bạn khi bạn chắn bóng và ra ngoài sân (đối phương thắng điểm
trong pha bóng này). Trọng tài không nhìn thấy bóng chạm tay bạn (đội của bạn sẽ thắng điểm trong
pha bóng này). Câu hỏi 1: Bạn có nên nói với trọng tài việc mình đã chạm bóng? Câu hỏi 2: Nếu trọng
tài hỏi bạn về việc chạm bóng, bạn sẽ trả lời “có” hay “không”?
Bất cứ vận động viên chuyên nghiệp nào tham gia môn thể thao này, đặc biệt là trong các trận
đấu quan trọng, đều biết câu trả lời – và đối với họ, câu trả lời không liên quan đến sự trung thực hay
luật chơi công bằng mà là chiến thuật và cách trận đấu diễn ra. Thế giới thực của các vận động viên thi
đấu với mục tiêu là chiến thắng. Nói theo cách khác, đặc tính của trận đấu là những gì thường được áp
dụng và cho là có giá trị trên sân. Hầu hết các vận động viên sẽ đưa ra các luận điểm sau:

6
Đối với câu hỏi 1: Có nên nói thật với trọng tài?
a) “Tại sao phải nói? Nhiệm vụ của trọng tài là phải xác định tình huống trên sân”.
b) “Tại sao lại phải giúp đối phương? Chiếm được lợi thế là đặc trưng của thi đấu và sai sót của
trọng tài là một phần trong thi đấu thể thao.
Đối với câu hỏi 2: Nếu trọng tài hỏi, có nên nói thật?
a) “Theo luật, trọng tài sẽ chẳng hỏi – và tôi cũng sẽ chẳng nói. Việc của trọng tài là phải biết
điều gì đang diễn ra.”
b) “Tất cả đều công bằng trong tình yêu, chiến tranh và thể thao – cũng như trong môn bóng
chuyền ở trường hợp này”
Trong các câu trả lời trên, việc nói dối được chấp nhận hay nhìn theo cách khác, điều không
phải là sự thật không được xem là sự dối trá. Nói dối trong trường hợp này là điều có thể chấp nhận
được vì mục đích của thi đấu là đạt được lợi thế. Chừng nào trọng tài còn chưa bắt được hành vi gian
dối ấy, đội có kẻ gian lận vẫn bảo đảm được chiến thắng của mình. Điều này là thông thường và được
chấp nhận trên thực tế trong thi đấu thể thao chuyên nghiệp.
Tuy vậy, vẫn có những góc nhìn trung thực hơn, dựa trên ý tưởng luật chơi công bằng. Những
luận điểm này không quan tâm đến lợi thế trong trận đấu mà là mục đích của nó – điều vốn chú trọng
vào kỹ năng và thái độ tôn trọng quy tắc của các cầu thủ trong trận đấu.
Câu hỏi 1: Có nên nói thật với trọng tài?
“Dĩ nhiên, tôi sẽ nói với trọng tài. Mục đích của thi đấu là tìm ra cầu thủ giỏi nhất chứ không
phải là người có thị lực tốt nhất hay người có thể đánh lừa được trọng tài”. Câu trả lời này dựa trên
quan điểm thi đấu thể thao có tinh thần và giá trị đạo đức riêng. Chiến thắng rất quan trọng và có giá trị
khi đạt được chiến thắng bằng sự thể hiện tài năng thực sự trên tinh thần thể thao cao thượng. Tất cả
mọi người cần tôn trọng quy tắc, luật lệ trong thi đấu.
Câu hỏi 2: Nếu trọng tài hỏi, có nên nói thật?
“Có. Tôi không tin chắc trọng tài sẽ hỏi, vì có thể tôi đã qua được mắt họ. Tôi sẽ nói trước khi
trọng tài hỏi.”
Đây là một góc nhìn khác với thông lệ trong thể thao chuyên nghiệp, thể thao nhà nghề hiện
nay. Theo các câu trả lời vừa đề cập, vận động viên quan tâm nhiều đến chất lượng trận đấu hơn là kết
quả trận đấu. Trong thực tiễn, hiện tượng này chỉ xảy ra trong các trận thi đấu giao hữu, giao lưu hay
giải trí…khi kết quả thắng bại của trận đấu không có ý nghĩa quan trọng. Sự khác biệt giữa các lối trả
lời câu hỏi cho thấy những giá trị khác nhau trong quan điểm các vận động viên. Quan điểm về giá trị
khá biến động. Giá trị là điều gì đó đáng cho bạn quan tâm, có xu hướng mang tính tương đối do mỗi
cá nhân nắm giữ quan điểm giá trị riêng của mình. Quan điểm về giá trị của từng người có thể khác
nhau.
Có 2 loại giá trị: giá trị thuộc và không thuộc phạm trù đạo đức. Có người đánh giá cao
Playstation trong khi người khác lại ưa thích các trò chơi trên Internet. Những thứ này được biết là
những giá trị không thuộc phạm trù đạo đức, còn luật chơi công bằng lại được xem là giá trị thuộc
phạm trù đạo đức.
Giá trị đạo đức liên quan đến cách người khác đánh giá chúng ta hay chúng ta đánh giá mọi
người xung quanh. Chúng ta có thể nhận định một người nào đó trong đội/nhóm thể thao của mình là
“một người tốt” hay “một cầu thủ tốt”. Trong trường hợp thứ nhất, chúng ta đang đề cập đến nhân cách
7
của người đó, trường hợp thứ hai chúng ta nói về trình độ, kỹ năng thể thao của người đó. Nhân cách là
tập hợp các giá trị cùng với các giá trị đạo đức liên quan đến động cơ, ý định và hành động của một
người trong quá trình tương tác, làm việc hay vui chơi với người khác. Trong tình huống sau, giá trị
đạo đức được xem xét trong các tình huống thực tế trong hoạt động thể thao của người đó.
Tình huống 4: Paul Brown, người sáng lập huyền thoại của đội bóng Cleveland Browns, bắt đầu
sự nghiệp huấn luyện viên của mình tại Trường trung học Masillon tại Masillon, bang Ohio của Mỹ.
Vào năm 1928, hậu vệ của đội trường ông khá chậm chạp. Là một trong những chiến thuật gia giỏi
nhất, ông phân tích luật thi đấu để tìm lợi thế. Cuối cùng ông cũng tìm ra một điểm. Trong luật vào thời
gian đó không hề đề cập đến yêu cầu về đồng phục, ngoại trừ con số trên lưng áo. Huấn luyện viên
Brown đã nắm được một cơ hội tận dụng luật. Ông lấy những quả bóng, cắt đôi theo chiều dọc rồi khâu
các nửa quả bóng lên mặt trước của đồng phục cầu thủ. Khi đó mọi cầu thủ trông như ai cũng có một
quả bóng. Vậy là mẹo của ông đã thành công, bên phòng thủ của đội đối phương không thể phân biệt
được ai là người có quả bóng thật, và kết quả lả đội của Brown đã thắng trận đấu.
Tình huống trên có liên quan đến giá trị đạo đức, vì chiến thuật của Brown tạo tác động trực
tiếp đến cầu thủ của đối phương trong trận đấu và mục đích của môn bóng đá Mỹ ở trường học. Liên
đoàn quốc gia phụ trách hoạt động trường trung học các bang (NFHA) không khuyến khích các đội
giành chiến thắng bằng mọi giá, nhưng vì không có luật nào cấm thêu hình bóng vào áo đồng phục nên
hành động của Brown là không phạm luật. Hành động đó có được chấp nhận hay không? Khi không có
luật quy định cấm một hành động nào đó diễn ra thì hành động đó có đúng đạo đức không? Quan điểm
của bạn như thế nào về hành động của Brown? Hãy thảo luận với bạn bè về hành động của Brown. Các
bạn có hoàn toàn đồng tình không? Tại sao có và tại sao không? Một số người sẽ cho rằng Brown gian
lận, một số khác lại không. Những người khác lại cho rằng cần phải viết lại, bổ sung và điều chỉnh luật
để tránh trường hợp trên.
Mưu mẹo của Brown trở thành vấn đề liên quan đến giá trị đạo đức vì động cơ, ý định, và hành
động của ông tác động trực tiếp đến nhiều người khác. Đầu tiên phải xác định mục đích của bóng đá
trường học ở Mỹ. NFHA khẳng định mục đích đó là: ngoài việc rèn luyện thể chất, thể lực cho học sinh
cần chú trọng đến “giáo dục đạo đức và tăng cường tinh thần thể thao...” Hành động của Brown có
phục vụ mục đích trên không? Thật đáng ngờ khi cho rằng hành động đó giúp tăng cường kinh nghiệm
giáo dục và nâng cao tinh thần thể thao cho học sinh. Tuy nhiên, động cơ của ông có thể được đánh giá
là tốt ở khía cạnh mong muốn đội của trường mình chiến thắng bằng việc vận dụng luật và đưa ra chiến
thuật để đạt đến chiến thắng trong khuôn khổ luật quy định (không vi phạm luật). Ai cũng khát khao
vinh quang. Nếu ai đó nói rằng chiến thắng không quan trọng hay không phải là mục đích của trận đấu
thì hẳn là chưa từng tham gia thi đấu thể thao. Bản chất và tính hấp dẫn của thể thao là phân định kẻ
thua, người thắng trong các các trận đấu. Là người tham gia thi đấu, vận động viên luôn muốn thi thố
và phát triển bản thân. Mong muốn chiến thắng và nỗ lực để đạt được điều đó là phẩm chất đáng khâm
phục của người vận động viên. Ý tưởng mong muốn chiến thắng không hề trái đạo đức. Nhưng trong
trường hợp của Brown, ông có ý định đưa các cầu thủ đối phương vào tình thế không nhận ra vị trí của
người giữ bóng thật, dẫn đến việc họ không có được trận đấu vốn phải diễn ra. Trận bóng này trở thành
trò chơi dành cho ai có khả năng làm đối phương bối rối với chiến thuật chưa có trong quy định của
luật. Ý định này mang yếu tố gian lận và không công bằng. Mưu mẹo của ông cũng đã được một vài

8
đội khác áp dụng sau đó, nhưng sau một năm thì luật đã được điều chỉnh chính xác hơn về vấn đề đồng
phục để tránh những trường hợp tương tự.
Cư xử đúng đạo đức trong thể thao không chỉ là tuân theo luật lệ. Một cá nhân có đạo đức thể
thao cần tuân thủ, ghi nhận giá trị, tin tưởng và tôn trọng tinh thần của luật. Dưới đây là một tình huống
khác:
Tình huống 5: Trong bộ phim “The Legend of Bagger Vance” của hãng phim Dreamworks,
người anh hùng Junah do Matt Damon thủ vai có cơ hội thắng trận đấu golf với hai đối thủ giỏi – Jones
và Hagen chỉ với một cú phát bóng. Khi Junah nhặt những đoạn cây xung quanh quả bóng chuẩn bị cho
cú đánh cuối, anh vô tình chạm vào khiến quả bóng dịch chuyển vài phân. Chỉ có anh và cậu bé nhặt
bóng thấy điều này, và cậu bé nhặt bóng cam đoan sẽ giữ bí mật đồng thời khuyến khích Junah tiếp tục
để chiến thắng. Tuy nhiên, vì tinh thần thể thao, anh đã nói với trọng tài vấn đề đó. Lúc bấy giờ, cả
Jones và Hagens cũng đồng ý cho Junah cơ hội để không bị đánh phạt. Junah từ chối cơ hội đó.
Trong tình huống này, liệu Junah có phải là anh hùng không? Không hề, đó chỉ là Junah tuân
theo luật. Đối với Junah, luật định hình trận đấu và vị trí người chơi. Golf đối với Junah có giá trị khi
dựa trên cơ sở luật. Trận đấu không phải là nơi Junah áp dụng luật để tìm lợi thế hay cơ hội chiến
thắng. Luật được áp dụng để tạo nên trận đấu, còn Junah có trách nhiệm với trận đấu này và tinh thần
của luật đấu. Tình huống này cho thấy người tuân thủ đạo đức thể thao không chỉ cần xác định giá trị
quan trọng mà còn đánh giá được bản thân trong các hoạt động. Hành động đạo đức không phải lúc nào
cũng dễ dàng, đặc biệt khi cá nhân có thể quyết định tình huống.
I.5. Yếu tố cần thiết cho quá trình phát triển đạo đức
Các nhà triết học dành ra hàng năm viết về những điều cần có để trở thành một người có tư duy
tốt. Hành động đạo đức cần có tư duy tốt. Có người sống đạo đức mà không cần phải suy nghĩ nhiều do
được nuôi dạy trong các gia đình có tư tưởng bảo thủ giáo dục con cái tuân theo gia phong gia giáo. Họ
có ý thức cao và dường như không gặp vấn đề khó xử nào trong cuộc sống. Tuy vậy, các tình huống
nêu trong mục 4 cho thấy vẫn cần phân định điều đúng, điều sai trong nhiều bối cảnh cuộc sống và cần
có chú trọng ba yếu tố để xây dựng đạo đức nói chung và đạo đức thể thao nói riêng.
Yếu tố 1: Tính công bằng
Bảo đảm tính công bằng khi quyết định một vấn đề nào đó luôn luôn khó khăn và đôi khi bất
khả thi. Con người có xu hướng tìm hiếm niềm vui cho bản thân mình. Hệ thống giá trị của chúng ta bị
rất nhiều yếu tố ảnh hưởng như trực giác, cảm xúc, và vô số giá trị tích lũy từ khoa học, tính logic, kinh
nghiệm bản thân và quan điểm của xã hội. Điều gây ra khó khăn chính là mong muốn của bản thân và
nỗ lực phát triển một hệ thống tư duy công bằng. Để thực hiện việc đó cần phải quan tâm đến quan
điểm của những người xung quanh. Điều này trong thể thao quả là một thách thức. Trong lĩnh vực thể
thao, đối thủ thường được xem là kẻ thù/kẻ đối đầu. Trận đấu không thể diễn ra nếu không có đối thủ.
Tất cả chúng ta sống trong cuộc sống có sự hiện diện của nhiều người khác, phải nhận ra rằng mong
muốn của mình có sự tương quan với mong muốn của những người xung quanh. Điều cần thiết là
chúng ta phải cân nhắc giá trị và hậu quả của mỗi quyết định có ảnh hưởng như thế nào đến thế giới
quanh mình.
Thật thú vị khi ai trong chúng ta cũng mong nhận được thái độ cư xử tốt hơn từ bạn bè. Chúng
ta mong họ đối xử vị tha với mình trong khi bản thân mình không thực hiện điều đó. Khi chọn bạn,
9
chúng ta chọn những người có nhiều phẩm chất tốt đẹp như trung thực, chân thành và tin tưởng rằng họ
sẽ không làm mình thất vọng. Bản thân chúng ta cũng muốn người xung quanh nghĩ như vậy về mình
dù chưa đạt phẩm hạnh tốt đến vậy. Để trở thành người công bằng, bạn cần nhận thức rõ về cảm giác
và nhu cầu của người khác, ngoài ra còn phải tưởng tượng và hiểu được sự thích thú cũng như tác động
từ hành động của mình tạo cho họ. Nếu làm ngược lại, bạn sẽ đánh mất tình bạn và tư cách công dân
trong xã hội của mình.
Từ quan điểm đạo đức, hành xử công bằng cùng nghĩa với nỗ lực tránh thiên vị, thành kiến,
gian lận và bất công. Đồng thời, người công bằng vô tư, tôn trọng luật pháp và không lợi dụng người
xung quanh. Trên đây là những phẩm chất then chốt cần cho quá trình ra quyết định về các vấn đề liên
quan đến đạo đức.
Đưa tính công bằng vào tình huống thí dụ của môn bóng chuyền trên, câu hỏi về việc vận động
viên sẽ báo với trọng tài khi phạm luật hay để trọng tài phát hiện rất khỏ trả lời trong thông lệ và
nguyên tắc để trọng tài bắt hành vi phạm luật ngày nay. Tuy vậy, bạn phải cẩn thận xem xét liệu trọng
tài có phải là quan tòa của tất cả hành vi cư xử hay không. Điều gì xảy ra nếu trọng tài không nhìn thấy
hành vi phạm luật? Trận đấu có thể biến tướng thành trò chơi đánh lừa trọng tài và có nên chỉ phụ
thuộc vào khả năng quan sát của trọng tài hay không? Trong một tình huống của huấn luyện viên Paul
Brown, bạn có thể áp dụng luật một cách công bằng hay không? Luật có tạo nên trở lực cần phải vượt
qua không? Có phải luật được đặt ra để những người khôn khéo có thể tìm cách lách luật? Mục đích
thật sự của luật thi đấu là gì? Câu trả lời của bạn sẽ cho thấy tư duy về mục đích và sự tôn trọng của
bạn dành cho tinh thần của luật thi đấu.
Yếu tố 2: Tính nhất quán
Trong quá trình ra quyết định về đạo đức, chúng ta cần tính hợp lý và kiên định. Tính hợp lý
đóng vai trò chủ yếu vì quá trình đó cần phải chính xác. Để đạt được tính nhất quán, quyết định trong
quá khứ và hiện tại không được mâu thuẫn nhau, nếu không cả hai đều không đáng tin cậy và không
thể chấp nhận. Trong tình huống thứ 3 nêu ở trên, vận động viên có ngón tay chạm bóng cần phải vượt
qua mong muốn cá nhân và báo với trọng tài. Nếu không làm theo luật, họ trở thành người không kiên
định và trung thực với bản thân lẫn đối thủ. Lúc bấy giờ, họ đang vi phạm tính công bằng và tính nhất
quán trong quá trình tư duy và nhận thức đạo đức.
Yếu tố 3: Góc nhìn đa chiều
Chúng ta quyết định các vấn đề khó xử khi cân nhắc các giá trị đạo đức và phi đạo đức hiện hữu
trong xã hội. Đôi khi, vài người trong chúng ta phán xét một vấn đề nào đó trên lập trường quan điểm
gắn với định kiến về văn hóa, xã hội hay điều kiện sinh học. Cần phải có góc nhìn đa chiều khi phán
xét hay nhận định về vấn đề đạo đức nào đó. Áp dụng tính đa chiều trong quá trình khảo sát bảo đảm
cho việc ra quyết định chính xác hơn.
Vấn đề thảo luận
Phần trên đã trình bày về giá trị, giá trị có nhiều khía cạnh liên quan và phân thành 2 loại: thuộc
và không thuộc phạm trù đạo đức. Giá trị đạo đức liên quan đến tầm quan trọng của yếu tố động cơ, ý
định và hành động hướng trực tiếp đến người khác. Động cơ thúc đẩy động lực, ý định hình thành cách
thức hành động. Ngoài ra, chúng ta cũng nhận biết đạo đức học chú trọng điều đúng đắn. Suy nghĩ về
những vấn đề khó xử lý, xác định rõ mục đích của một hành động cũng như các quy định liên quan thật
10
sự là một quá trình tư duy cao độ. Quy định hay luật lệ trong thể thao và thi đấu là kim chỉ nam cho vận
động viên, huấn luyện viên, trọng tài… không phải được đặt ra cho hành động “lách luật”, cần được
xem trọng và hỗ trợ.
Hãy xem xét tình huống dưới đây, xác định và giải thích các giá trị / sự vi phạm về mặt đạo đức
trong thể thao.
Tình huống: “Bàn tay của chúa” là một bàn thắng rất đặc biệt trong lịch sử bóng đá thế giới.
Bàn thắng này được huyền thoại bóng đá thế giới Diego Maradona sử dụng trong trận tứ kết vòng
chung kết Giải vô địch bóng đá thế giới năm 1986 giữa Anh và Argentina. Khi tỉ số đang là 1-1, phút
thứ 51, Diego Maradona  tranh bóng với thủ môn Peter Shilton, do chiều cao hạn chế hơn nên anh
quyết định dùng tay đập bóng vào lưới trước sự sững sờ của toàn bộ hơn 114.000 khán giả và thậm chí
là cả đồng đội. Không ngờ trọng tài lại công nhận bàn thắng trên. Trong buổi họp báo sau trận đấu, khi
được phóng viên hỏi về bàn về bàn thắng của mình, ông đã thốt ra một câu nói rất nổi tiếng:  “Tôi đã
ghi bàn bằng cái đầu của tôi và bàn tay của Chúa”.
Kết thúc trận đấu, đội tuyển Argentina đã chiến thắng với tổng tỉ số là 2-1 và trở thành vô địch
thế giới sau khi thắng đội tuyển Đức ở trân chung kết với tỉ số là 3-2. 
Là người hùng và thần tượng của hàng triệu người hâm mộ khắp thế giới, nhưng với đại bộ
phận cổ động viên bóng đá Anh tuổi trung niên, Maradona chỉ là một tên đại bịp. Trong chuyến công
du thăm Chelsea hôm 29/1/2008 (22 năm sau), Diego Maradona đã gửi lời xin lỗi tới nước Anh vì hành
động ghi bàn bằng tay tại Worl Cup 1986. Theo AFP, "Cậu bé vàng" không phủ nhận mình đã sai luật
nhưng danh thủ này cũng nhấn mạnh rằng: "Bàn thắng vẫn là bàn thắng và Argentina vẫn là nhà vô
địch".
Câu hỏi ôn tập

1/ Đạo đức thể thao là gì? Hãy trình bày khái niệm nghịch lý đạo đức.
2/ Quá trình tư duy nhận thức đạo đức là gì?
3/ Trình bày 3 cấp độ và 6 giai đoạn của quá trình phát triển đạo đức theo lý thuyết Kohlberg
(1991).
4/ Như thế nào là hành động đạo đức? Hành động đạo đức có dễ dàng hay không? Cho thí dụ trong
hoạt động thể dục thể thao.
5/ Trình bày ba yếu tố cần có cho quá trình xây dựng đạo đức thể thao. Lý giải tầm quan trọng của
các yếu tố đó.

11
CHƯƠNG II. Giá trị và nguyên tắc đạo đức

II.1. Giá trị đạo đức


Tình huống nghịch lý đạo đức
Người làm công tác quản lý thể thao cần đưa ra quyết định đúng trong nhiều tình thế khó khăn,
đôi khi mang tính tiến thoái lưỡng nan về mặt nguyên tắc xử sự. thí dụ, khi phải quyết định có nên tổ
chức một trận bóng đá sau vụ khủng bố khủng khiếp tại Trung tâm Thương mại Thế giới vào ngày
11/9/2001 và lựa chọn thời điểm phù hợp cho trận bóng đó, các nhà quản lý thể thao khắp nước Mỹ bị
giằng co giữa 2 luồng tư tương đối lập của người dân – (1) tiếp tục tiếc thương cho nạn nhân của sự
kiện và (2) mong muốn nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường. Điều gì có thể hướng dẫn cho họ ra
quyết định đúng trong những tình huống phức tạp như vậy? Một thí dụ khác, giả sử bạn đang thi kiểm
tra một môn học. Học viên không được nói chuyện và trao đổi đáp án với nhau. Thầy giáo ra khỏi lớp
và người bạn thân hỏi bạn đáp án. Bạn sẽ phải làm gì? Đây là một tình huống khó xử – một nghịch lý
đạo đức. Bạn cần phải làm theo quy tắc đạo đức của một sinh viên hay theo quy tắc trung thành với bạn
bè? Điều gì quan trọng hơn? Trong hai trường hợp trên người phải ra quyết định đều phải thực hiện sự
lựa chọn mang tính tự nguyện và rất khó khăn. Quyết định chọn lựa những giá trị không thuộc phạm
trù đạo đức dựa trên giá trị thuộc phạm trù đạo đức sẽ định hình nhân cách của người ra quyết định.
Chọn lựa giá trị đạo đức
Các giá trị đạo đức có lịch sử lâu đời như các nền văn minh, luật pháp và chính phủ, thường dựa
trên niềm tin vào lực lượng siêu nhiên. Trên thế giới có nhiều tôn giáo, có thể kể ra một số tôn giáo lớn
như: Thiên chúa giáo, Do thái giáo, Hồi giáo, Phật giáo và Nho giáo… tất cả đều cho rằng con người bị
ràng buộc với một số giá trị đạo đức. Từ các giá trị đạo đức, con người đúc kết thành những nguyên tắc
đạo đức mang tính phổ thông (universality). Triết gia Đức – Emmanuel Kant – đã xác định 2 nguyên
tắc đạo đức hiện được áp dụng rộng rãi trên thế giới: (1) Nhận định đạo đức phải ứng dụng được cho
tất cả mọi người theo cách giống nhau; (2) Con người phải luôn được tôn trọng. Giá trị đạo đức rất cần
thiết để duy trì và phát triển xã hội, tạo mục đích sống và mục tiêu theo đuổi trong đời người. Điều
quan trọng là con người xác định được các giá trị đạo đức mình tin tưởng.
Trong danh sách liệt kê các giá trị đạo đức phổ biến, nếu là các giá trị đạo đức chính như “chân
thực”, “công bằng”, hay “trách nhiệm” thì chúng có thể đứng độc lập. Tuy nhiên, khi có các giá trị xã
hội như “trung thành”, “có trách nhiệm”, “tận tâm”, “hy sinh”, “chăm chỉ”, “quyết tâm”, “hợp tác”, “vì
tình bạn”… thì chúng không thể đứng độc lập và cần bổ trợ cho các giá trị đạo đức chính. Thí dụ,
Bormann, Himmler, Goebbels, những cộng sự đắc lực của Hitler, hoàn toàn tận tâm với việc diệt chủng
người Do Thái trên thế giới. Họ hoàn toàn trung thành với Hitler, và là những người được đánh giá là
sống có trách nhiệm với gia đình. Tuy nhiên, họ đặt lòng trung thành vào một người mang tội diệt
chủng, tận tâm với sự nghiệp tội lỗi và bị thế giới khinh ghét. Lòng trung thành có thể trở nên nguy
hiểm và vô nghĩa nếu không đi kèm giá trị đạo đức như tính chân thực, công bằng, trách nhiệm và lòng
trắc ẩn. Ngày nay, nhiều huấn luyện viên và vận động viên bày tỏ lòng trung thành của mình và rất
đáng trân trọng. Thí dụ, Pat Summit trung thành với đội bóng rổ “the Lady Volunteers” và Bang
Tennessee của Mỹ. Dean Smith luôn trung thành với trường Đại học Bắc Carolina. Cal Ripken trung
thành với đội bóng chày Baltimore Orioles. Trong bóng đá, Ryan Giggs đối với Manchester United và
12
Paolo Maldini đối với câu lạc bộ AC Milan là những minh chứng rõ nét về lòng trung thành. Các cá
nhân này đã không ngừng thể hiện lòng trung thành với tổ chức họ lãnh đạo và phục vụ với nguyên tắc
của mình trong suốt sự nghiệp.
Xem xét một giá trị xã hội khác như “xuất thân từ gia đình danh giá”, lịch sử cho thấy có nhiều
tấm gương đạo đức xuất thân từ những gia đình bình thường trong xã hội. Nhiều người sinh ra trong
gia cảnh nghèo nàn có thể trở thành các nhà lãnh đạo trên thế giới. Trong khi đó, không ít người có
điều kiện sống rất tốt lại có biểu hiện đạo đức kém. Do đó, không nên đưa những giá trị xã hội như
lòng trung thành, tính nồng nhiệt, trí thông minh, tính cách cá nhân, hy sinh, chăm chỉ, tận tâm, quyết
tâm, điều kiện kinh tế, xuất thân trong điều kiện tốt… vào danh sách giá trị nền tảng cho nguyên tắc
đạo đức.
Theo Lumpkin và các cộng sự (2003), không nên liệt kê quá 5 giá trị đạo đức phổ quát để tránh
tình trạng mâu thuẫn. Hầu hết các nguyên tắc đạo đức phổ quát dựa trên cơ sở các giá trị: công bằng, tự
do, nhân đạo và thiện chí. Frankena (1973) chọn 2 giá trị phổ quát: (1) công bằng, (2) nhân đạo.
DeMarco và Fox (1990) đưa ra 3 giá trị: (1) Không gây hại, (2) Không bất công, (3) Không vi phạm
quyền tự do của người khác. Lickona (1990) chọn 2 giá trị: (1) tôn trọng người khác và (2) có trách
nhiệm. Theo một lộ trình phát triển, niềm tin (tôi tin…) chuyển thành giá trị (tôi xem trọng…), giá trị
trở thành nguyên tắc (tôi sẽ không …), nguyên tắc chuyển hóa thành luật (thành văn hay bất thành
văn), hành động (tôi sẽ thực hiện luật này …) được thực hiện căn cứ theo luật. Nguyên tắc đạo đức
được hình thành trong một quá trình như vậy, là cơ sở xác định chúng ta là ai và cư xử với mọi người
xung quanh như thế nào.
Trong quá trình tư duy nhận thức đạo đức, các giá trị đạo đức thường được viết thành dạng đặc
biệt gọi là nguyên tắc. Các giá trị được chọn lựa khi được thể hiện bằng văn viết dưới dạng nguyên tắc
là cơ sở cho việc ra quyết định đạo đức. Nguyên tắc hướng dẫn chung cho chúng ta biết hành động, ý
định và động cơ bị cấm, bắt buộc hay được cho phép trong quan hệ tương tác giữa con người với nhau.
Nguyên tắc nên được xem như quy tắc xử sự chung hay quy định cơ bản xác định giá trị được xã hội
xem trọng. Frankena (1973) và DeMarco & Fox (1990) là các nhà khoa học đã đưa ra các nguyên tắc
đạo đức, tạo cơ sở lý luận cho các nhà nghiên cứu sau này khi muốn chọn lựa các giá trị đạo đức chính.
Lumpkin và các cộng sự (2003) nhận định nên chọn ra 3 hoặc 4 giá trị là tốt nhất.
Có vô số giá trị đạo đức chính bao gồm: tính trung thực, danh dự, sự chân thật, sự tôn trọng,
lòng chân thành, tính chính trực, công bằng, trách nhiệm, tính hợp tác… Làm cách nào chọn ra chỉ 3
hay 4 giá trị? Việc này không dễ dàng nhưng đã từng có tiền lệ trong lịch sử. Thí dụ, nếu khảo sát các
khía cạnh lịch sử hay văn hóa trong Kinh thánh, Kinh tạng Pali, Kinh Koran và hầu hết các nguyên tắc
xử thế trong xã hội, chúng ta sẽ phát hiện ra đa số các giá trị đạo đức xoay quanh: (1) tính công bằng,
(2) tính chân thực, (3) trách nhiệm, và (4) tính nhân đạo. Các giá trị này cũng được xem trọng trong
lĩnh vực thể thao, khoa học thể thao, giáo dục thể chất, huấn luyện thể thao và thể thao giải trí, biểu
hiện qua quy định về các điểm sau: đối xử công bằng trong lớp học; luật chơi công bằng trên sân; đối
xử công bằng với khách hàng; không nói dối, lừa đảo, trộm cắp trong lớp học, trong công việc và trên
sân thể thao; có tinh thần trách nhiệm, nhận trách nhiệm về hành động của bản thân; tinh thần nhân
đạo, thương người, không gây tổn hại cho người khác và luôn cố gắng làm điều tốt… Các giá trị trên
đều rất phổ biến trong mọi lĩnh vực nghề nghiệp, nếu không áp dụng thì người lao động khó lòng tồn

13
tại và xây dựng được nhân cách đạo đức cần thiết để thiết lập các mối quan hệ trong xã hội (Lumpkin
A. và các cộng sự , 2003).
Dựa trên các giá trị đạo đức chính được xác định ở trên, Lumkin (2003) này đưa ra 4 giá trị đạo
đức cơ bản nhất.
Giá trị đạo đức 1: Công bằng
Có 4 kiểu công bằng hiện hữu là (1) công bằng về phân phối, (2) công bằng về thủ tục hoặc quy
tắc, (3) công bằng về hình phạt, (4) công bằng về đền bù. Công bằng về phân phối đề cập đến sự công
bằng trong phân phối lợi ích và nghĩa vụ liên quan đến thu nhập hay của cải xã hội. Công bằng về thủ
tục hay quy tắc đề cập đến chính sách, thủ tục quy trình và thỏa thuận để tạo sự công bằng. Công bằng
về hình phạt liên quan đến sự công bằng trong vấn đề xử phạt người vi phạm luật hay phạm tội lỗi.
Công bằng về đền bù liên quan đến sự cộng bằng trong vấn đề bồi thường thiệt hại hay đền bù bất công
cho một hay nhiều người phải chịu đựng trong quá khứ. Các giá trị đạo đức về tính công bằng trên đều
được áp dụng trong lĩnh vực đạo đức thể thao. Thí dụ, các tổ chức thể thao ban hành luật thi đấu (thủ
tục), nếu các quy định này bị vi phạm thì sẽ có những hình phạt như phạt đền (penalty), phạt thẻ, phạt
điểm hay truất quyền thi đấu, chỉ đạo … Giá trị đạo đức công bằng về phân phối thể hiện rõ trong vai
trò, nghĩa vụ, mức độ đóng góp và thu nhập của từng vận động viên, từng huấn luyện viên, nhà quản
lý…được thực hiện một cách công bằng về thủ tục qua các hợp đồng chi tiết được thỏa thuận giữa
những người tham gia. Công bằng đền bù thể hiện qua khía cạnh công bằng về giới tính, lứa tuổi, trình
độ chuyên môn hay hoạt động thể thao cho người khuyết tật – cơ hội cho người khuyết tật thi đấu thể
thao, đóng góp cho cuộc sống. Hầu hết các giải thi đấu thể thao đều phân chia nội dung thi đấu riêng rẽ
cho nam và nữ, người khuyết tật và người khỏe mạnh bình thường, phân chia các lứa tuổi khác nhau,
các trình độ vận động viên chuyên nghiệp và nghiệp dư.
Giá trị đạo đức 2: Tính trung thực (chân thực)
Trung thực hay chân thực (truth) là thành thật với người và cả với chính mình, luôn tuân thủ
chuẩn mực đạo đức chân thật trong từng lời nói và hành động. Đó là một trong những phẩm chất quan
trọng nhất tạo nên giá trị của một con người chân chính. Tính trung thực giúp con người trở nên đáng
tin cậy trong mọi mối quan hệ, giao dịch, đó là sức mạnh lớn nhất giúp thuyết phục người khác. Người
trung thực không chấp nhận gian dối trong bất kì việc gì. Trung thực làm nên nhân cách con người.
Sống trung thực không phải lúc nào cũng dễ, nó đòi hỏi sự dũng cảm và nghiêm khắc với bản thân. 
Trong thể thao, tính trung thực là khả năng đáng tin của một người khi tương tác với người
khác kể cả đối thủ trong thi đấu. Tính trung thực thể hiện qua sự công bằng và đúng đắn trong lời nói
và hành động. Giá trị đạo đức về tính trung thực dựa trên tiền đề là người/tổ chức thực hiện lời nói hay
hành động không nói dối, lừa đảo. Thí dụ, giá trị “trung thực” của một người là người chấp nhận rằng
luật lệ là cần thiết cho thi đấu và luôn luôn thực hiện luật đó. Nếu đã cho rằng luật lệ không có hiệu
quả, người đó cần phải lựa chọn 1 trong 3 hướng quyết định: (1) chấp nhận luật và cuộc chơi, (2) chấp
nhận luật nhưng sẽ tìm cách thay đổi, (3) từ chối cuộc chơi. Tình huống thay đổi luật có thể đồng nghĩa
với hành động phản đối hay thậm chí là chống lại việc áp dụng luật đó, dễ dẫn đến khả năng ngầm
phạm luật hay gian lận. Có 2 lựa chọn cho người tham gia là: từ chối cuộc chơi hay chấp nhận luật đó
cho đến khi luật mới ban hành. Rõ ràng một vận động viên trung thực phải thực hiện các lựa chọn như
trên nhằm tránh khả năng ngầm phạm luật hay gian lận.

14
Có khá nhiều thí dụ về tính trung thực nhận được tôn vinh trong thi đấu thể thao. Ở Giải vô địch
bóng đá Đức năm 1987, trong trận giữa Werder Bremen và Cologne, hậu vệ F. Ordenewitz của Bremen
để bóng chạm tay trong khu cấm, trọng tài không thấy song anh vẫn đến báo cho trọng tài biết để chấp
nhận chịu phạt đền cho Cologne. Cuối cùng Bremen vẫn thắng 2-1. Tình huống này rõ ràng trái ngược
với tình huống “bàn tay của chúa” của Maradona trong thí dụ trên.
Giá trị đạo đức 3: Trách nhiệm
Trách nhiệm đề cập đến việc nỗ lực làm tròn nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về hành
động của một chủ thể. Theo Frankena (1973) có 3 cách diễn đạt khác nhau liên quan đến giá trị “trách
nhiệm”: (1) Jane có tinh thần trách nhiệm, ý nói về nhân cách của Jane; (2) Jan có trách nhiệm, ý nói
Jane đang và đã chịu trách nhiệm về hành động trong quá khứ; (3) Jane chịu trách nhiệm về hành động
Y, ý nói Jane chịu trách nhiệm về hành động Y trong tương lai. Tình huống thứ nhất liên quan đến giá
trị đạo đức. Tình huống thứ hai có thể liên quan trực tiếp đến hành động không thuộc phạm trù đạo đức
(thí dụ như lấy một vật dụng hay thiết bị ra phục vụ cho một hoạt động) hoặc hành động thuộc phạm
trù đạo đức (như làm tổn thương một đối thủ). Tình huống thứ ba cũng có những khả năng như tình
huống thứ hai, có thể đề cập đến hành động thuộc hay không thuộc phạm trù đạo đức. Trong lĩnh vực
thể thao trên thế giới ngày nay, từ “trách nhiệm” ám chỉ tính cách có trách nhiệm và hành động chịu
trách nhiệm. Vận động viên có thể tự hào khi thể hiện được phẩm chất này với đội, huấn luyện viên và
sự nghiệp thi đấu của họ.
Ngày 12-7-1998, trận chung kết World Cup 1998 giữa Pháp và Brasil. Sau bữa ăn trưa, cầu thủ
trụ cột của Brasil, vận động viên hay nhất thế giới lúc bấy giờ, Ronaldo lả xuống, mặt tái nhợt rồi
miệng trào bọt mép, toàn thân co giật và được đưa đến trung tâm y tế Les Lilas để kiểm tra tổng thể.
6h30 chiều tuyển Brazil lên xe bus rời khách sạn đến sân Stade de France đá trận chung kết. “Ở các
trận trước, mỗi lúc ra xe, cả đội Brazil rộn tiếng cười. Nhưng trước trận chung kết này là một sự yên
tĩnh đáng sợ. Họ lên xe đi như thể họ vừa thua trận bóng”, rõ ràng khả năng vắng mặt của Ronaldo là
một áp lực rất lớn lên toàn đội ngay trước trận chung kết. Cùng lúc đó, Ronaldo cũng đi từ trung tâm y
tế Les Lilas đến sân thi đấu. 42 phút trước giờ bóng lăn là một cuộc chiến cân não trong phòng thay đồ
của tuyển Brazil trước khi ban huấn luyện quyết định đưa Ronaldo vào thi đấu chính thức. Ronaldo
khẳng định với HLV Zagallo là anh hoàn toàn bình thường, có thể thi đấu được. Trên sân bóng,
Ronaldo không còn tốc độ, sức mạnh, cảm giác như các trận trước. Brazil thua 0-3, một trong những
trận thua nặng nề nhất của họ ở lịch sử World Cup. Dù sau đó có nhiều giả thiết về sự kiện này, nhưng
lúc đó Ronaldo đã thể hiện trách nhiệm của một cầu thủ, một trụ cột của truyển Brazil, sẵn sàng vào
sân cho dù thể lực không đảm bảo.
Giá trị đạo đức 4: Tính nhân đạo
Nhân đạo: hiểu theo nghĩa đen là đường đi của con người. Con đường đó còn gọi là đạo lý. Đó
là tôn trọng quyền lợi chính đáng của con người, không được xâm phạm đến sinh mệnh, thân thể, sự tự
do về tư tưởng cũng như tình cảm của con người. Chủ nghĩa nhân đạo đòi hỏi sự yêu thương, quý trọng
con người, thuật ngữ này nhấn mạnh đến khía cạnh đạo đức. Tính nhân đạo của một người thể hiện khi
họ (1) không gây tổn hại, (2) ngăn chặn tổn hại, (3) triệt tiêu tổn hại, và (4) thực hiện hành động tốt
đẹp. Trong thể thao, tính nhân đạo thể hiện qua luật chơi công bằng, có thể thấy được qua thí dụ sau.

15
Một trong những điều luật quy định môn đua thuyền buồm vòng quanh thế giới: “vận động
viên/thuyền tham gia thi đấu phải nỗ lực hết sức để giúp đỡ vận động viên/thuyền khác gặp nguy
hiểm”. Trong cuộc đua Velux 5 oceans (vòng quanh thế giới), đoàn đua gặp một cơn bão lớn, thuyền
Hugo Boss của Thompson bị lật, phải bỏ thuyền và Thopson có khả năng nguy hiểm đến tính mạng
trong cơn bão giữa biển khơi. Lúc đó, thuyền Ecover của Mike Golding đang ở vị trí thứ 2 của đoàn
đua, cách vị trí Hugo Boss nhiều giờ, tuy nhiên Mike Golding cũng quyết định quay thuyền lại để cứu
Alex Thompson. Sau khi cứu được Thompson, thuyền của Mike cũng bị gẫy cột buồm và bị loại khỏi
cuộc đua. Sau này Mike viết: “đó là cuộc chơi, đó là cái chúng ta đã làm”, và không hề ân hận gì về
việc cứu Thompson cho dù bị loại khỏi cuộc đua.
I.2. Nguyên tắc đạo đức
Chúng ta sống trong thời đại có niềm tin rằng danh dự và nguyên tắc đóng vai trò quan trọng,
do đó việc khảo sát và làm rõ các giá trị có ý nghĩa đối với việc ra quyết định về mặt đạo đức là điều
hết sức cần thiết. Chính việc sống và hành động hàng ngày theo những giá trị mình tin tưởng giúp mọi
người thể hiện các nguyên tắc đạo đức của bản thân. Các giá trị thường được đúc kết thành văn bản
chính thức được gọi là nguyên tắc. Nguyên tắc hướng dẫn con người xác định các hành động được xã
hội chấp nhận khi tương tác với người khác. Khi viết ra nguyên tắc cần sử dụng dạng phủ định, thí dụ
như “tôi sẽ không…” hay “không…” (Lumpkin A. 2003).
Như đã trình bày ở trên, 4 giá trị đạo đức chung được xác định là công bằng, trách nhiệm, tính
trung thật và tính nhân đạo. Các giá trị trên cần được vận dụng để viết ra một bộ nguyên tắc làm kim
chỉ nam cho hoạt động thể thao. Nguyên tắc về cơ bản là một ý văn ở dạng phủ định mô tả niềm tin và
giá trị làm nền tảng hình thành luật lệ, ví dụ như “tôi không nói dối”. Có thể hình thành các nguyên tắc
từ 4 giá trị đạo đức như sau:
Công bằng: Nguyên tắc 1 – Không bất công (đối xử với mọi người theo cùng tiêu chuẩn và
quan niệm về tính công bằng về phân phối, thủ tục, hình phạt và khen thưởng).
Chân thật: Nguyên tắc 2 – Không nói dối, lừa đảo hay trộm cắp (nói dối là phát ngôn không
chân thật; lừa đảo là hành động không chân thật sau khi đã hứa sẽ theo đúng luật; trộm cắp là lấy đi thứ
gì đó thuộc về người khác).
Trách nhiệm: Nguyên tắc 3 – Không được vô trách nhiệm (nhận thức rõ hành động mình đang
chuẩn bi thực hiện, làm như đã hứa và chấp nhận kết quả cũng như hậu quả của hành động đó).
Nhân đạo: Nguyên tắc 4 – Không được gây tổn hại cho người khác (đối xử với người khác theo
khía cạnh bạn không gây tổn hại cho họ, bạn triệt tiêu tổn hại có thể xảy ra với họ, bạn ngăn chặn tổn
hại cho họ và bạn cố gắng thực hiện hành động tốt đẹp).
Trong một số trường hợp đặc biệt, hành động không nói sự thật có thể chấp nhận được. Thí dụ,
về một người Hà Lan kháng chiến trong Chiến tranh thế giới thứ II. Ông ấy không tin vào Adolph
Hitler và chính sách giam giữ người Do Thái trong trại tập trung, nơi mà ông ấy không biết điều gì xảy
ra với họ và nghi ngờ họ có thể bị giết. Một số người bạn thân của ông ấy là người Do Thái. Họ ẩn
trong nhà, sống nhờ vào lương thực và nước uống ông ấy cung cấp. Một hôm có một người lính Đức
Quốc xã đến nhà ông ấy hỏi “Có phải anh đang che dấu những người Do Thái trong nhà không? ông ấy
sẽ trả lời “Có, hãy lên cầu thang đằng kia và bắt giữ họ đi” hay nói dối để bảo vệ những người bạn của
mình? Trong trường hợp này, vì việc nói thật sẽ gây tổn hại đến mạng sống của những người bạn Do
16
Thái nên che dấu sự thật là điều được đại đa số chấp nhận. Tuy vậy, sẽ có ý kiến cho rằng nói dối là
điều không thể chấp nhận được và quyết định thật sự về những gì xảy ra với những người Do Thái đó
thuộc về Chúa trời. Hai luồng tư tưởng này thật sự tạo nên tình huống nghịch lý đạo đức cần thảo luận.
Tình huống trên không thường xuyên xảy ra trong cuộc sống thực và liên quan đến hai nguyên
tắc đạo đức xung đột với nhau, theo đó không thể theo đuổi một trong hai giá trị đạo đức mà không vi
phạm giá trị còn lại. Hãy xem xét 4 giá trị đạo đức “trung thực, công bằng, trách nhiệm và nhân đạo”,
giá trị nào có nguy cơ bị vi phạm? Giá trị đạo đức nào là quan trọng hơn trong tình huống trên? Tại sao
lại như vậy? Thông thường, ai có lập luận chặt chẽ cũng sẽ cho rằng giá trị đạo đức liên quan đến trách
nhiệm với mạng sống con người quan trọng hơn tính chân thật. Do đó, để cứu sống người khác có thể
cho phép nói dối. Cách đo lường giá trị trong tình trạng xung đột này được nhìn nhận dưới 2 vấn đề:
(1) so sánh cân nhắc và (2) đưa ra ngoại lệ cho giá trị đạo đức. Thuật ngữ “so sánh cân nhắc” chỉ việc
xem xét tầm quan trọng của các giá trị và nguyên tắc, từ đó cố gắng đưa ra giải pháp hợp lý và kể
hoạch vượt qua khó khăn. Các câu hỏi đặt ra như “Tính chân thật có quan trọng hơn trách nhiệm?”
“Công bằng có quan trọng hơn tính chân thật?” “Tính nhân đạo có quan trọng hơn tính chân thật hay
không?” Tình huống trên cho thấy có sự xung đột giữa nguyên tắc về tính chân thật và nguyên tắc về
trách nhiệm. Nhiệm vụ của chúng ta là tìm ra ngoại lệ về nguyên tắc đạo đức. Giả sử bạn đã quyết định
rằng nguyên tắc quan trọng nhất là tính chân thật. Khi ra quyết định đạo đức sẽ nảy sinh quy luật chung
“Nếu và chỉ khi một hành động vi phạm bất cứ nguyên tắc nào trong 4 nguyên tắc chính thì có thể cho
phép hình thành ngoại lệ.” Điều này có nghĩa là nếu một trong các nguyên tắc bị vi phạm thì sẽ rất hợp
lý nếu giải quyết vấn đề bằng việc xem xét một ngoại lệ. Trong tình huống ở trên, 2 nguyên tắc xung
đột với nhau. Khi nguyên tắc xung đột và hành động của chủ thể bên ngoài có vấn đề và vi phạm đạo
đức thì cần thiết phải cân nhắc lại các nguyên tắc thành văn. Hành động của chủ thể bên ngoài trong
tình huống trên thuộc về người lính Đức Quốc xã. Một số ý kiến cho rằng “Nếu họ làm sai thì có thể
nói dối được.” Tuy vậy, lý luận như vậy vẫn chưa rõ ràng ở 2 điểm “Thực hiện hai hành động sai có tạo
nên hành động đúng?” và “Làm như vậy có phải theo thuyết hoàn cảnh quyết định hành vi hay
không?”. Nếu áp dụng điểm thứ nhất, chúng ta hoàn toàn không nhất quán và trở thành kẻ nói dối. Khi
so sánh các nguyên tắc, hầu như ai cũng sẽ chọn tính trung thực làm nguyên tắc số 1. Thật ra, nếu tính
trung thực là nguyên tắc đầu tiên quan trọng nhất của bạn, bạn sẽ muốn có ngoại lệ khi đặt mình vào
tình huống trên vì nói thật sẽ gây tổn hại đến mạng sống của người khác. Khi cân nhắc vấn đề sinh
mạng con người, nguyên tắc trung thực lúc bấy giờ liệu có thể còn ở vị trí quan trọng nhất hay không,
hay bạn cứ áp dụng để rồi vi phạm một nguyên tắc đạo đức khác? Vào những tình huống như trên, tính
mạng con người như ngàn cân treo sợi tóc. Có thể tạo ra ngoại lệ cho những tình huống rất quan trọng
như vậy. Hãy suy nghĩ thận trọng trước khi viết ra bất cứ ngoại lệ nào.
Khi ứng dụng các nguyên tắc đạo đức vào thực tế cuộc sống, chúng ta có thể gặp phải một số
tình huống nghịch lý đạo đức. Dưới đây là một tình huống như vậy.
Huấn luyện viên Don rất nổi tiếng trong lịch sử huấn luyện bóng chày của thành phố Big City –
Mỹ. Ông đã trải qua 20 năm huấn luyện các đội bóng chày thi đấu thành công. Huấn luyện viên Joe là
trợ lý mới của ông và cảm thấy rất vinh dự nhận được vị trí này. Trong các buổi tập ném, Joe chú ý
thấy Don chỉ cho vận động viên ngôi sao ném bóng James cách bôi trơn quả bóng một cách bí mật. Joe
lắng nghe chỉ dẫn và nội dung huấn luyện của Don, đợi đến lúc ông còn lại một mình mới hỏi “Huấn
luyện viên ơi, dạy cách bôi trơn bóng liệu có đúng với đạo đức không?” Don mỉm cười đáp lại “Không,
17
chỉ trái đạo đức khi cậu bị bắt thôi. Các chàng trai của tôi không bao giờ bị bắt cả. Tôi huấn luyện họ
rất tốt. Joe này, đây là thế giới thật và cậu phải sớm nhận biết nó - đây là thế giới luôn phải tranh đua
với nhau.”
Bạn nghĩ như thế nào về tình huống trên? Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta tự cho phép mình
nói dối và thực hiện một vài hành động mang tính gian lận. Nhiều lúc hành động đó của chúng ta
không vì bản thân mà là để hỗ trợ người khác. Thí dụ, một người bạn thân rất nhạy cảm hỏi ý kiến nhận
xét của bạn về một bộ đồ thể thao cô ấy mới mua. Nếu nói thật là cô ấy mặc bộ đồ đó không hợp, bạn
sẽ làm tổn thương cô ấy. Bạn sẽ tìm cách tránh né, nói vòng vo để không làm mất lòng cô ấy hay nói sự
thật? Nếu chọn cách thứ nhất nghĩa là bạn giúp cô ấy tự lừa bản thân mình. Khi đó, bạn đang nói dối vì
muốn mọi người xung quanh nghĩ rằng bạn biết cách cư xử nhẹ nhàng, là người đặc biệt không muốn
làm tổn thương tình cảm của người khác. Thật ra, nói dối sẽ dễ dàng hơn so với nói thật và tranh luận
với bạn bè. Nếu thật sự quan tâm đến ai, bạn sẽ muốn người đó có trách nhiệm với bản thân và biết
mình, biết người. Thật sai lầm khi nghĩ rằng chúng ta không sống chân thật chỉ trong một vài thời điểm
nào đó nhưng biết giới hạn nên sẽ kết thúc rồi điểu chỉnh hành vi của mình sau đó. Trong thi đấu thể
thao, gian lận đôi khi mang lại chiến thắng nhưng không hướng mục tiêu của chúng ta theo tinh thần
thể thao – thi đấu hết mình vì cuộc chơi, vì tôn trọng đối thủ và để có được nhiều trải nghiệm tuyệt vời.
Tuân theo nguyên tắc là không hề dễ dàng. Bartlett Giamaitti (1989) cho rằng thi đấu là một trải
nghiệm vui sướng với những mục đích cơ bản sau: (1) Tăng cường sức khỏe và điều tiết trạng thái tinh
thần, (2) Rèn luyện và phát triển tính chính trực và lòng dũng cảm, (3) Tuân thủ quy định và tinh thần
luật lệ. Khi đạt được những mục đích vừa nêu, chiến thắng thậm chí còn ngọt ngào và vinh quang hơn.
Tóm lại, khám phá sự khác biệt giữa giá trị đạo đức và giá trị xã hội, xác định được những giá
trị làm kim chỉ nam cho quá trình ra quyết định về mặt đạo đức là cơ sở phát triển các nguyên tắc đạo
đức. Bốn giá trị đạo đức quan trọng trong lĩnh vực thể thao là tính trung thực (chân thật), công bằng,
trách nhiệm và nhân đạo. Xây dựng nguyên tắc đạo đức thành văn không dễ dàng, và áp dụng chúng
đôi khi còn khó hơn do có nhiều tình huống nghịch lý đạo đức vì đấu tranh bao giờ cũng khó khăn hơn
là buông xuôi.
Vấn đề thảo luận
Thảo luận về các thí dụ về 4 giá trị đạo đức: tính công bằng, tính trung thực, tính trách nhiệm và
tính nhân đạo trong hoạt động thể dục thể thao.
Câu hỏi ôn tập

1/ Trình bày bốn giá trị đạo đức cơ bản nhất. Cho thí dụ về các giá trị đạo đức đó trong thể dục thể
thao.
2/ Trình bày bốn nguyên tắc được hình thành từ bốn giá trị đạo đức.
3/ Xây dựng danh sách giá trị đạo đức của bản thân. Vận dụng danh sách đó để lập ra bộ nguyên tắc
đạo đức bạn cảm thấy cần thiết cho quá trình phát triển đạo đức của mình.

18
CHƯƠNG III Tư duy nhận định đạo đức
III.1. Tuân thủ luật và quy định
Huấn luyện viên Jones là một người đáng mến. Ông cống hiến 30 năm trong đời cho sự nghiệp
giảng dạy bóng rổ cho học sinh trung học tại địa phương ông sống. Bóng rổ là niềm đam mê của ông
nhưng điều quan trọng là tình cảm của ông đã thay đổi cuộc sống của nhiều bạn trẻ. Trông có vẻ cộc
cằn nhưng ông lại có trái tim nhân hậu. Ông rất tự hào về việc giúp đỡ những người có hoàn cảnh
không thuận lợi đạt được cuộc sống tốt đẹp hơn. Đối với ông, một học sinh sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn
nếu được nhận một suất học bổng đại học ở một môi trường học thuật tốt, tại đó người đó sẽ tạo nên sự
khác biệt tích cực. Ông đã làm việc cùng Jamal nhằm mục đích giúp anh ấy đạt được học bổng thể thao
tại trường Đại học Big Time – Mỹ, một trường có những chương trình học bổng cho các tài năng bóng
rổ được quảng bá nhiều nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng. Huấn luyện viên Great tại Big
Time biết cách khích lệ tinh thần và đào tạo vận động viên của mình. Big Time nổi tiếng về đội ngũ
đào tạo và số lượng lớn vận động viên bóng rổ giỏi tốt nghiệp từ trường này. Jamal đầy đủ tố chất để
trở thành một vận động viên bóng rổ tài năng, đã từng thể hiện được các tiềm năng thể thao suất xắc
khi thi đấu tại trường trung học. Học giỏi, đi học đều, không gây nên phiền toái gì cho ai, là một công
dân tốt, anh không chỉ chơi bóng giỏi mà còn rất thanh lịch và được nhiều người yêu quý. Jamal trải
qua một kỳ thi kiểm tra trong đó nếu trải qua 3 lần đạt điểm đủ cao thì sẽ được nhận vào một trường
thuộc NCAA nhưng anh thất bại. Huấn luyện viên Jones biết rằng Jamal rất thông minh và có thể hoàn
thành test đó, nhưng do yếu tố tâm lý nên đã không thành công. Qua trò chuyện với đồng nghiệp, ông
còn biết rằng dường như còn có điểm chưa phù hợp trong khâu thiết kế test kiểm tra. Sau đó, ông quyết
định “sửa chữa” tình thế và lên một kế hoạch bí mật để nâng điểm số của Jamal lên. Ông thuê Michael,
một học sinh giỏi, kiểm tra thay cho Jamal. Michael được chọn vì thành tích học tập tốt và hình thức
sáng sủa, bù lại huấn luyện viên Jones sẽ chi trả chi phí và bảo hiểm y tế cho mẹ của cậu. Nhiệm vụ
của Michael là không cần đạt điểm cao, chỉ cần đạt điểm vừa đủ. Jones quen biết người giám sát kỳ thi
và có thể thuyết phục ông ấy lờ đi khi Michael thi thay Jamal. Jones hiểu kế hoạch này trái với đạo đức
và phạm luật nhưng nghĩ rằng sẽ tạo cho Jamal, một người có năng lực, có cơ hội thay đổi cuộc sống,
đồng thời khâu thiết kế kỳ thi lại có điểm bất cập tạo tình thế bất công cho Jamal. Ông cho rằng việc
lách luật để giúp Jamal trong trường hợp này là điều chấp nhận được.
Tình huống trên có thể diễn ra hàng ngày trong nhiều khía cạnh của cuộc sống. Người tốt có
đạo đức tốt đối mặt với mâu thuẫn khi gặp hoàn cảnh có vẻ bất công. Tình huống nghịch lý đạo đức
này đặt ra câu hỏi: Làm cách nào một người có hành động tốt nếu luật hay quy định “có vẻ như” không
phù hợp của một tổ chức cản đường tiến hay phấn đấu của một người khác? Nếu luật không công bằng
thì nó có nên tồn tại để ngáng đường đến thành công của những người xứng đáng? Vậy, điều đúng phải
làm là gì? Tại sao? Điều cần lưu tâm là đôi khi người ta có thể phá vỡ luật lệ và nguyên tắc.
Huấn luyện viện Jones rõ ràng có một hệ thống giá trị đạo đức rất vững chắc. Ông có vẻ là một
người chân thực, quan tâm đến người khác và có năng lực. Có thể ông đã chọn các giá trị này thành
kim chỉ nam trong cuộc sống, thí dụ “không vô trách nhiệm”, “không dối trá”, và “không vô nhân đạo”.
Trong trường hợp trên, ông xem xét khía cạnh liệu mình nên tuân thủ theo luật hay vi phạm luật để
giành lấy sự công bằng cho Jamal. Rốt cục, ông đã nghiêng về tạo cơ hội phát triển cho Jamal. Nghĩa

19
vụ của Huấn luyện viên Jones trong bối cảnh này gồm có: (1) nghĩa vụ đối với bản thân, (2) nghĩa vụ
đối với Jamal, (3) nghĩa vụ đối với xã hội và quy định đạo đức, (4) nghĩa vụ đối với nguyên tắc của
chính mình. Điều khó khăn khi sống theo quy định đạo đức của xã hội là quyết định phản kháng lại
“đạo đức tình huống” (situational ethics). Đạo đức tình huống thay đổi hướng dẫn xử sự khi có lý do
phù hợp. Nếu quy tắc xử sự của Jones không phù hợp với nhu cầu hay mong muốn của ai đó thì cần
thay đổi các quy tắc đó. Đối với Jones, việc ông làm có thể tạo ra những cơ hội tốt đẹp cho Jamal như
sau: (1) đi học đại học, (2) tham gia một đội bóng rổ tốt, (3) có cơ hội học hành tốt, (4) nhận được sự
hỗ trợ học thuật từ Đại học Big Time, (5) tham gia thế giới thể thao chuyên nghiệp, (6) hưởng lợi từ
những điều tốt đẹp cho gia đình trong tương lai. Những khả năng đó có vẻ quá nặng trong cán cân với
quy tắc “ Không dối trá”. Nếu là Jones và nếu phải ra quyết định chọn giá trị cá nhân xác định và luật
lệ, bạn sẽ quyết định như thế nào? Hãy trả lời các câu hỏi sau:
1) Tuân thủ đúng luật và Jamal mất cơ hội học tập tại trường Đại học Big Time?
2) Có phạm luật vì tin rằng tương lai của Jamal quan trọng hơn luật?
Đạo đức tình huống cho thấy hành động giành lại lợi ích cho Jamal có vẻ quan trọng hơn luật
lệ. Trong trường hợp này và tất cả các trường hợp mâu thuẫn giá trị đều có những bước đi có thể giúp
bạn suy nghĩ giải quyết vấn đề một cách hệ thống.
III.2. Các bước tư duy nhận định vấn đề đạo đức
Bước 1: Có nguyên tắc đạo đức nào bị vi phạm không?
Theo đề xuất trong các chương trước, có 4 nguyên tắc đạo đức làm căn bản hình thành nghĩa vụ
nền tảng trong thể thao. Khi đồng ý tuân thủ, bạn đã đồng ý áp dụng các nguyên tắc đạo đức này mọi
thời điểm. Nếu vi phạm bất cứ nguyên tắc nào, bạn phải quyết định hành động này có phải là ngoại lệ
hay không hoặc là hành động không thể chấp nhận được về mặt đạo đức. Làm cách nào bạn nhận biết
được hành động vi phạm nguyên tắc? Câu trả lời ẩn trong những gì bạn tin tưởng, trân trọng và đặt làm
nguyên tắc. Nếu không biết, bạn sẽ gặp vấn đề khi ra quyết định về quy tắc xử sự. Mục đích của bạn
khi đặt ra các nguyên tắc này là vạch rõ ra những gì mình tin tưởng cũng như hình thành công cụ và kỹ
năng cần thiết để hỗ trợ một xã hội thể thao công bằng, chân thực, trách nhiệm và văn minh.
Trong trường hợp của huấn luyện viên Jones, nguyên tắc “Không dối trá” đã bị vi phạm. Bất kể
nhận định của chúng ta về câu chuyện như thế nào, huấn luyện viên Jones đã có hành vi gian lận. Ông
tạo ra một tình huống trong đó bản thân ông trở nên vô trách nhiệm với hành động của mình ở vị trí
một lãnh đạo và huấn luyện viên đạo đức. Câu hỏi đặt ra tại đây là làm cách nào Jones mong đợi người
khác hành xử trung thực và có tinh thần trách nhiệm nếu bản thân mình không như vậy? Tuy nhiên, có
lẽ có ai đó sẽ cho rằng đây là ngoại lệ vì luật lệ đặt ra vốn đã “vi phạm quy tắc đạo đức” ở khía cạnh sự
không công bằng cho Jamal. Luật này có đáng để tuân theo không?
Bước 2: Có quy định về đạo đức nào bị vi phạm không?
Từ mỗi nguyên tắc hình thành vô số luật lệ/quy định đạo đức áp dụng vào cuộc sống hàng ngày.
Các luật lệ/quy định này điều chỉnh tất cả hành vi trong thế giới thể thao. Các quy định mang tính
hướng dẫn này sẽ trở thành kim chỉ nam cho bạn khi tham gia hoạt động thể thao; nếu không, bạn cần
phải tìm hiểu lý do chúng trở thành ngoại lệ.

20
Trong trường hợp trên, các quy định (test kiểm tra chuyên môn) được đặt ra để kiểm soát quá
trình tuyển chọn đã rõ ràng. Mục đích của quy định là tạo sân chơi công bằng và kêu gọi trách nhiệm
của vận động viên. Nếu một vận động viên không thể đạt yêu cầu của hệ thống test kiểm tra hay các kỳ
kiểm tra khác, khả năng thành công trong môi trường học thuật của anh ta sẽ bị nghi vấn. Mọi cá nhân
làm việc hay tham gia công tác huấn luyện theo quy định của tổ chức chuyên môn phải cập nhật tinh
thần này và theo đúng quy trình, quy định đã đặt ra. Huấn luyện viên Jones phải có trách nhiệm với hệ
thống này. Về cơ bản, ông đã có hành vi gian lận vì ông đã lên kế hoạch đánh lừa tổ chức cấp học bổng
cho Jamal.
Bước 3: Trường hợp này có phải là ngoại lệ không?
Luật có thể có ngoại lệ, nhưng ngoại lệ phải hợp lý. Bạn cần phải chứng minh lý do chính đáng
cho phép hình thành ngoại lệ. Thí dụ, nếu có quy định đạo đức mâu thuẫn với nguyên tắc đạo đức thì
có thể tạo ra ngoại lệ. Hãy khảo sát một tình huống liên quan đến nguyên tắc đạo đức “Không bất
công”. Một vận động viên bị hen suyễn và cần dùng loại thuốc đặc trị ở mức tối thiểu, tuy nhiên theo
quy định phòng chống doping, các loại thuốc hen suyễn là “chất cấm” và “Không được dùng thuốc
này”. Đây là một ngoại lệ, do đó nếu có nhiều ngoại lệ kiểu này thì cần phải thay đổi quy định thành
“Không được dùng thuốc này, trừ phi có chỉ định của bác sĩ nhằm đáp ứng điều kiện điều trị ở mức tối
thiểu”.
Trong trường hợp của huấn luyện viên Jones, ngoại lệ có thể được chấp nhận nếu quy tắc được
chuyển thành “Không dối trá, trừ phi luật không công bằng.” Tuy nhiên, một ngoại lệ như vậy sẽ gặp
cản trở khi có ai đó đặt ra câu hỏi “Ai quyết định luật có công bằng hay không? Tiêu chuẩn xác định
tính công bằng của luật là gì?”. Ngoại lệ của Jones không có căn cứ vững chắc. Nếu quy định không
công bằng thì cần phải được thay đổi theo quy trình đúng. Nếu cứ tùy tiện tuân theo luật không phù
hợp sẽ dẫn đến tình trạng lộn xộn.
Bước 4: Luật/quy định có đúng không?
Đôi khi luật/quy định không theo quy tắc đạo đức, thí dụ như những luật/quy định gây tổn hại
hoặc không công bằng một cách tùy tiện. Khi áp dụng luật/quy định, bạn phải tự vấn về tính đúng đắn
của chúng. Nếu một luật/quy định vi phạm một trong những nguyên tắc đạo đức của bạn dù có lý do
hợp lý, bạn có thể phát biểu một cách trung thực rằng điều đó không đúng về mặt đạo đức. Thí dụ,
trong một ấn bản trước đây của sách luật NCAA (1991), tại phần 16.10.2.7 có câu “Một trường hay
nhân viên của trường đó có thể không cung cấp dịch vụ vận chuyển (cụ thể như huấn luyện viên đưa về
nhà) cho sinh viên – vận động viên đang theo học dù cho người đó hoàn lại chi phí nhiên liệu cho
người nhân viên đó.” Mục đích của quy định này là để khiến huấn luyện viên hay người hướng dẫn
không thể cho vạn động viên đi quá giang miễn phí hay tính phí. Mục đích và động cơ ban đầu mang
thiện chí nhằm bảo đảm sinh viên là vận động viên không nhận được bất kỳ sự ưu ái nào. Tuy nhiên,
quy đinh đó mang lại hệ quả xấu. Giả sử huấn luyện viên A đang lái xe vượt qua một cơn mưa bão và
thấy vận động viên B cuốc bộ mà không hề có ô hay áo mưa. Nếu A cho B đi nhờ, A đang vi phạm
luật. NCAA có lý do và động cơ hợp lý khi xây dựng luật này, theo đó tổ chức điều hành này cố gắng
giảm sự bất công hay ngăn chặn những vấn đề như quà tặng/lợi ích miễn phí giữa nhân viên của
trường, thí dụ ở đây là huấn luyện viên, và học sinh/vận động viên. Tuy nhiên, quy định trong trường

21
hợp này lại vi phạm 2 nguyên tắc đạo đức “Không được vô trách nhiệm” (để một người đi trong mưa
bão và không được bảo vệ trong khi chúng ta có thể bảo vệ họ) và “Không được vô nhân đạo” (có lòng
tốt hỗ trợ cho ai đó). Quy định trong trường hợp này đi ngược lại 2 nguyên tắc đạo đức cơ bản, có vẻ
như có điểm sai sót khi áp dụng vào tình huống cụ thể trên mặc dù có thể hợp lý ở những tình huống
khác. Do đó, NCAA đã không thể bảo lưu được quy định này.
Trong trường hợp của huấn luyện viên Jones, quy định có bất công không? Vấn đề bài test kiểm
tra chuẩn đã được thực hiện và tổng kết trong thời gian có thể lên đến 40 năm. Tình thế nghịch lý đạo
đức Jones gặp phải là khi giải quyết vấn đề nằm ở yếu tố kỹ thuật nhằm đánh giá khả năng của một vận
động viên tiềm năng xứng đáng được nhận học bổng tại một trường đại học. Trong trường hợp của
Jones, bài kiểm tra chuẩn có thể chưa hoàn toàn đúng, hoàn thiện cho mọi trường hợp, nhưng không là
lý do xác đáng cho hành động gian lận theo giải thích và quan điểm của Jones.
Bước 5: Có thể thay đổi luật/quy định như thế nào?
Bất kỳ sự thay đổi hay điều chỉnh về luật/quy định của một tổ chức sẽ có tác động đến nhiều
người, những người có liên quan đến hoạt động của tổ chức đó. Nếu không thể tuân theo các luật/quy
định đó, có thể người ta sẽ tìm lại công bằng bằng cách phá vỡ hay vi phạm luật lệ trong phạm vi
nguyên tắc đạo đức của mình, như trường hợp của huấn luyện viên Jones đã làm.
Khi chọn giúp đỡ Jamal, Jones có thể áp dụng các bước suy luận đạo đức sau:
1) Sự lựa chọn của Jones có vi phạm nguyên tắc đạo đức nào của bản thân không? Có. Sự lựa
chọn của Jones vi phạm ít nhất 2 nguyên tắc: nguyên tắc công bằng (tuân thủ luật, công bằng thủ tục)
và nguyên tắc chân thật (tổ chức thi hộ để Jamal có thể vượt qua kỳ thi). Jones biết rõ sự tồn tại của
luật/quy định đó, đồng thời ông ấy đang sống trong một xã hội có sự chi phối của luật pháp, trong đó
ông là một công dân tốt, do đó, về nguyên tắc đạo đức xã hội, ông ấy cần phải tuân thủ luật.
2) Trường hợp này có phải là ngoại lệ không? Nếu trả lời có, thì ngoại lệ sẽ khiến nguyên tắc
trở thành “Không dối trá ngoại trừ gặp trường hợp hành động không chân thật tạo ra một điều tốt hơn”.
3) Có minh chứng cho thấy cần có ngoại lệ hay không? Có thể hình thành ngoại lệ trong trường
hợp này? Tại điểm này, Jones có thể gặp nhiều khó khăn khi đi tìm minh chứng. Trách nhiệm dẫn
chứng đòi hỏi phải phổ thông hóa ngoại lệ này cho mọi trường hợp. Điều gì sẽ xảy ra nếu ngoại lệ
“Không dối trá trong trường hợp hành đồng không chân thật tạo ra một điều tốt hơn” được áp dụng.
Vấn đề là xác định và kiểm soát khái niệm “điều tốt hơn”. Trong trường hợp này, các giả định đưa ra
để lách luật chưa chắc đã mang lại điều tốt. Jones khó đưa ra các minh chứng cụ thể để chứng minh là
Jamal sẽ thành công khi được nhận vào trường.
4) Có nên thay đổi luật/quy định không? Nếu ngoại lệ đủ hợp lý và thuyết phục thì có thể thay
đổi, điều chỉnh luật lệ. Nội dung luật lệ có nên bao gồm yêu cầu “Tất cả luật lệ cần được tuân thủ, trừ
ngoại lệ hành động vi phạm có thể giúp một vận động viên thành công” hay “Tất cả luật lệ cần được
tuân thủ”. Việc hình thành ngoại lệ tùy thuộc các trường hợp cụ thể khi luật đó gây ra những “tổn hại
thân thể nghiêm trọng” hay “tổn hại cảm xúc nghiêm trọng” và chỉ khi không tìm ra giải pháp nào
khác. Trong trường hợp của Jamal, không thể biết rằng việc đi học đại học để chơi cho một đội tuyển
bóng rổ trong tương lai sẽ gây ra tổn hại thân thể “nghiêm trọng” hay không, hoặc việc giúp đỡ Jamal
do tâm lý lo lắng sẽ tạo ra tổn hại thân thể hay cảm xúc “nghiêm trọng” hay không. Thật ra, sẽ tốt hơn
nếu hỗ trợ Jamal vượt qua tâm trạng lo lắng khi thi cử, vì trong tương lai Jamal sẽ cần phải nhiều lần
22
đối mặt với cảm giác lo lắng khi thi cử. Đồng thời, không biết chắc việc đi học đại học có phải là tốt
nhất cho Jamal hay không, có thể Jamal sẽ phù hợp hơn với lĩnh vực nghề nghiệp khác. Rõ ràng “cơ
hội” thành công của Jamal khi vào trường đại học trong trường hợp này là hữu hạn. Do đó, không có cơ
sở nào để ủng hộ việc “vi phạm” luật lệ.
III.3. Trở lực và ngụy biện
Hãy nghĩ xem bạn có thể gặp phải vấn đề gì trong quá trình nhận định đạo đức và ứng dụng vào
thực tế hành động. Vì chính bản chất của quá trình đó, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức của bản
thân và xã hội khi tiến hành kế hoạch mình đã vạch ra.
Thách thức đầu tiên là lấy được can đảm đứng ra bảo vệ giá trị bản thân trước những nghi ngờ,
ánh mắt nhạo báng và tâm lý e ngại của những người xung quanh. Nhiều người sẽ không tin vào các
giá trị, nguyên tắc và quy định đạo đức. Họ đưa ra nhiều ý kiến tranh luận tại sao một nhận định đạo
đức là vô dụng hay ngờ nghệch. Dưới đây là một số trở lực đối với nhận định đạo đức (reasoning
obstacle) được xem là quan điểm hạn chế, lấn át và làm lu mờ quan điểm tiến bộ.
Quan điểm theo chủ nghĩa hoài nghi (Scepticism)
Một số người sẽ thể hiện quan điểm hoài nghi cực đoan về sự tồn tại của quá trình nhận định
đạo đức. Những người theo chủ nghĩa hoài nghi cho rằng không thể tư duy nhận định đạo đức. Họ tin
rằng bất cứ sự quyết định về mặt đạo đức nào cũng đơn giản là một cách bày tỏ cảm giác hay cảm xúc.
Thí dụ, những người hoài nghi có thể phát biểu rằng “Hành động đó đúng chỉ vì không có gì hơn là vấn
đề ý thích cá nhân đại loại như ‘tôi thích thế,’ ‘đó là cách tôi cảm nhận về vấn đề đó và tất cả chỉ có
vậy,’ ‘Bạn được quyền theo cảm xúc của mình và tôi theo của tôi,’ hay ‘thật sự không có câu trả lời
đúng sao?’”. Nếu bạn xem lại các cách phát biểu trên, bạn sẽ chú ý thấy những người theo quan điểm
hoài nghi sử dụng những từ như “một cách đơn giản”, “chỉ”, “hay “không có gì hơn là”. Nghiên cứu về
đạo đức hoạc rất phức tạp, khó khăn và gian khổ. Đạo đức liên quan đến cảm giác và cảm xúc. Đạo đức
thuộc phạm trù cảm giác nhưng quá trình tư duy nhận định đạo đức thì còn nhiều hơn thế. Cho dù nhận
định đạo đức thuộc phạm trù cảm giác, bạn vẫn có thể tư duy về tình cảm, mong muốn và quyết định
mình nên hay không nên thực hiện một hành động. Bạn có thể đưa ra phán xét đạo đức, theo các quy
định, nguyên tắc và giá trị đạo đức về các cảm giác và cảm xúc. Bạn phải sẵn lòng đón nhận cách giải
quyết vấn đề thông qua những phương tiện phù hợp và nâng cao khả năng tư duy của mình, không
được cho rằng mình đã thất bại ngay từ lúc bắt đầu.
Đạo đức học theo thuyết tương đối (Relative Ethics)
Đạo đức theo thuyết tương đối là thách thức thứ 2 đối với quá trình nhận định đạo đức. Tất cả
chúng ta đều đã từng nghe ai đó nói “Điều đó ổn miễn là đừng phiền đến tôi,” “Tôi là ai mà phán xét?”
“Ai cũng có quyền quyết định niềm tin của mình,” hay “Họ có một quan điểm về tiêu chuẩn đạo đức
mà tôi không có quyền xâm phạm.” Những phát biểu trên tác động đến khả năng xác định tình huống
nghịch lý đạo đức thường gặp của chúng ta: những phán xét đạo đức là nhận định không có giải pháp
mục tiêu và do đó mang tính tương đối. Chúng thay đổi theo thời gian và không gian. Những người
theo thuyết tương đối sẽ đưa ra các lối tranh luận khác nhau để chứng tỏ không có tiêu chuẩn nào tồn
tại một cách tuyệt đối và các ngoại lệ theo đó cũng không tồn tại.

23
Quan điểm theo chủ nghĩa giáo điều (Dogmatism)
 Chủ nghĩa giáo điều gắn liền với những quan niệm, những điều đã được khẳng định là chân lý
bất di bất dịch, không thể phê phán và có tính cách bắt buộc với mọi người. Người theo chủ nghĩa giáo
điều thường có tất cả các câu trả lời. Vì họ cảm nhận vấn đề rất sâu nên dễ bị lẫn lộn giữa khía cạnh
chủ quan với khách quan. Hiển nhiên sự thuyết phục đáng tin cậy là cần thiết nhưng những người theo
chủ nghĩa giáo điều chối từ khả năng mắc lỗi hay thừa nhận mình sai. “Quá trình tư duy nhận định
không cần thiết vì câu trả lời đã rõ rồi; tôi biết và không quan tâm điều người khác nói.” Người theo
chủ nghĩa giáo điều rất bảo thủ và từ chối tiếp nhận bất kỳ sự thay đổi nào.
Một trong những mục đích của quá trình suy luận đạo đức là hỗ trợ hướng đúng cho lối tư duy
giáo điều, nếu không có thể tự đối lập với bản thân khi tư duy, chối bỏ trách nhiệm với chính quan
điểm và hành động của mình, đồng thời đánh mất khả năng giao tiếp có lý lẽ và hòa hợp với người
khác.
Nhận định sai về lý luận và thực tiễn (False Obstruction of Theory and Practice)
Một số người tin rằng lý thuyết đạo đức là sản phẩm cuối cùng của một lý thuyết và do đó
không xác thực, thực tế hay mang tính thực tiễn. Bạn sẽ nghe ai đó nói “Thế giới thực không giống như
vậy.” Tuy vậy bạn không được phủ nhận các lý thuyết đó đơn giản chỉ vì chúng mang tính lý luận. Bạn
chỉ nên làm điều đó khi có minh chứng về điểm không phù hợp. Lý luận không bị xem là không phù
hợp chỉ vì nó là lý thuyết. Tất cả các hoạt động của con người trong xã hội văn minh liên quan đến các
giả thuyết được phổ thông hóa trong xã hội và gần như tất cả lý luận đều mang tính thực tiễn ít nhất là
trong phạm vi ứng dụng tiềm năng của chúng.
Trở lực khác: Ngụy biện trong quá trình nhận định đạo đức (Other obstacles: Fallacies in
Reasoning)
Theo định nghĩa, ngụy biện là cách tranh luận cố dùng những lập luận tưởng như vững chắc,
nhưng thật ra là vô căn cứ. Là một người thực hiện quá trình nhận định đạo đức, bạn phải nhận ra rằng
nếu chúng ta không theo một chuẩn mực nào thì lối tư duy logic của bạn có thể trở thành ngụy biện.
Nếu chú ý thì có thể nhận thấy hầu hết mọi người đều nhận định đạo đức dựa trên tâm lý hơn là triết lý.
Một cách cụ thể, cách người ta tranh luận sẽ tạo nên sức mạnh tranh luận. Họ thuyết phục được người
khác không phải nhờ vào nội dung mà là cách phát biểu vấn đề. Lối nhận định như vậy gắn với những
gì người khác muốn tin hay định kiến của họ. Các loại ngụy biện thường gặp:
Ngụy biện quyền lực (Fallacy of Authority): Sự ngụy biện quyền lực diễn ra khi người quyền
lực nói như vậy chứ không phải vì điều đó có cơ sở minh chứng.
Ngụy biện đánh vào tình cảm con người (Ad Hominem Arguments):“không thể tin lấy một từ
anh ấy nói ra vì anh ta là một tên dối trá”. Trong lời ngụy biện vừa rồi có quan điểm hay niềm tin sai
lệch chủ yếu vì đối tượng “anh ấy” hoặc “anh ta” có tiếng tăm là người xấu hay không có uy tín. Lời
xúc phạm đích danh rất khó bác bỏ, gây tác hại to lớn nhất và là cách thắng cuộc tranh luận đáng chê
trách nhất. Phương pháp này khá hiệu quả vì mang tính hằn học cao. Người ta thường đánh bại đối thủ
bằng cách biến họ thành trò cười.
Ngụy biện theo quyền lực đặt sai chỗ và không phù hợp (Misplaced and Improperly Placed
Authority): Vì một lý do nào đó, người ta có xu hướng bị thuyết phục và tin vào các chuyên gia hay
24
những người có bằng cấp chuyên môn cao hoặc người đang nắm giữ một nhiệm vụ quan trọng. Đây là
một trong những lý do người ta thường mua sản phẩm do các vận động viên thần tượng quảng cáo, dù
sản phẩm đó không hề liên quan đến chuyên môn của vận động viên đó.
Ngụy biện theo sự hấp dẫn của sức mạnh (The Appeal to Force): Sức mạnh tạo ra quyền lực –
điều này giả định rằng ý kiến của nhóm lớn hơn và mạnh hơn là đúng và có thể quyết định vị thế đúng
của giá trị đạo đức. Vị trí này trong suy nghĩ của mọi người thường theo quan niệm đạo đức thực tế
nhất vì tiêu chuẩn đánh giá phụ thuộc vào thế giới thực tại. Số đông hơn vẫn có thể sai về một vấn đề
đạo đức.
Ngụy biện kêu gọi lòng thương hại và gợi ý chế nhạo (The Appeal to Pity and Ridicule): “xin
hãy giúp tôi; Tôi luôn luôn sai; tại sao anh lại chọn tôi? Anh không thích tôi, không ai thích tôi cả.”
những câu cho thấy thí dụ điển hình của lối ngụy biện kêu gọi lòng thương hại và gợi ý chế nhạo.
Lặp đi lặp lại vấn đề (Begging the Question): Nguy cơ này được biết là lối tranh luận vòng tròn
trong đó lý lẽ sử dụng không theo logic, căn cứ trên thông tin không đúng hoặc lặp đi lặp lại thông tin.
Người ta cố gắng thắng cuộc tranh luận đơn giản bằng cách lặp đi lặp lại, khăng khăng hoặc hét to cùng
một thông tin lần này qua lần khác.
Lập luận nước đôi (Equivocation): Theo cách này người ta sử dụng từ không đúng hay cố tình
chọn từ có nghĩa sai. Đây cũng là lối tranh luận mà nghĩa đúng từ ngữ bị biến đổi theo lý lẽ đưa ra.
Trở lực tâm lý (Psychological Obstacles)
Sử dụng trở lực tâm lý là cách không hay. Vì nhiều lý do, nhiều người không bao giờ học cách
tư duy. Họ tự mô tả mình qua các khẩu hiệu, sáo ngữ hay mô phỏng lời nói/hành động của người khác
mà Marx gọi là “hành vi bầy đàn”.
Nhận định cuối cùng về lòng can đảm (Final Comment on Courage)
Dù chưa xác định được đáp án đúng, quá trình tư duy nhận thức có thể giải thoát bạn khỏi định
kiến cá nhân, hướng dẫn bạn loại bỏ niềm tin căn cứ trên các tiền đề sai và hiểu rõ hơn góc nhìn của
những người xung quanh. Chỉ cần phân biệt các hành động đạo đức là hợp lý hay không hợp lý thôi
cũng đã đủ giúp nâng cao được năng lực suy luận đạo đức của cá nhân. Cuối cùng, khi phát triển được
năng lực tư duy nhận thức đạo đức, cần có lòng can đảm và tinh thần mạnh mẽ để công bố lý lẽ của
mình là đúng. Tìm được vị thế đó không dễ dàng. Tuy vậy, dũng khí đưa ra nhận định đạo đức và bảo
vệ lẽ đúng là biện pháp duy nhất để công bố “đạo đức mới.” Một loạt bài kiểm tra đạo đức đòi hỏi cả
dũng khí và tính khiêm nhường; dũng khí vì sẽ gặp người có ý kiến đối nghịch, và tính khiêm nhường
vì có thể bạn sẽ cần phải nhận ra lỗi sai và hạn chế của mình.
Vấn đề thảo luận
Hoạt động thể thao của liên đoàn Division I – NCAA (National Collegiate Athletic Association)
mang lại cơ hội kinh doanh lớn, thu về hàng triệu đô-la riêng từ tiền vé và gây quỹ hỗ trợ học thuật.
Theo quy định của NCAA, quy định giới hạn thời gian tập luyện của vận động viên (sinh viên) là 20
giờ/tuần. Tuy nhiên, vận động viên là sinh viên trong giai đoạn chuẩn bị thi đấu lại thường dành ra 40-
60 tiếng/tuần để tập luyện một cách gian khổ như các vận động viên chuyên nghiệp. Đã đến lúc mọi
người cần nhìn nhận nhiều vận động viên sinh viên là các tài năng đóng góp rất nhiều thành tích cho
thể thao quốc gia và đã trở thành các huyền thoại thể thao. Do đó, việc đề nghị phải thay đổi các quy

25
định như phải trả lương cho vận động viên sinh viên và thành lập giải bán chuyên nghiệp để tạo điều
kiện cho họ hoạt động và tiếp tục phát triển. Đây là sự công bằng và hợp lý cần đặt ra.
Quan điểm 1: Đề nghị trên cần được cân nhắc tùy theo mục đích, tính chất của các trận đấu,
giải đấu (có nguồn thu từ các trận đấu/giải đấu này hay không).
Quan điểm 2: Một trong những mục đích của hoạt động thể thao là kiếm tiền, xây dựng danh
tiếng và uy tín xã hội của trường đại học. Vận động viên biết vị trí của mình trong mục đích đó. Họ
phải nhận được hỗ trợ tài chính. Đó là tất cả những gì họ cần và xứng đáng với công sức của họ bỏ ra.
Quan điểm 3: Mục đích của hoạt động thể thao trường học là giáo dục - giáo dục cho vận động
viên sinh viên, cộng đồng và các sinh viên khác trong trường đại học. Đây là định hướng và không hề
đạo đức giả khi xây dựng chương trình thể thao trường học.
Câu hỏi ôn tập

1/ Cho một ví dụ về hành động phá vỡ nguyên tắc đạo đức?


2/ Trình bày các bước tư duy nhận định vấn đề đạo đức?
3/ Bạn hiểu như thế nào về trở lực trong quá trình tư duy nhận định đạo đức? Nêu các trở lực bạn
biết.
4/ Ngụy biện là gì? Nêu các loại ngụy biện thường gặp.

26
CHƯƠNG IV. Hành vi đe dọa trong thi đấu thể thao
IV.1. Hành vi đe dọa
Trong một cuộc họp bàn về tinh thần thể thao, một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp thảo luận về
thế nào là một vận động viên tốt. Anh cho rằng tinh thần thể thao tích cực gắn với hành vi một vận
động viên đối xử với đối thủ trước, trong và sau trận đấu. Người đó bắt tay đối thủ trước và sau khi thi
đấu, giúp đối thủ đứng dậy sau khi bị ngã, tuân thủ luật lệ, chiến thắng một cách tự hào và khi thua chỉ
buông ít lời không hay (nếu có) với đối thủ. Ngoài ra, người đó trân trọng trận đấu và ý nghĩa của luật
chơi công bằng. Ngược lại hoàn toàn với những lời hùng hồn về tinh thần thi đấu fair play trong cuộc
họp, trong thực tế, cầu thủ chuyên nghiệp này bị giới truyền thông khắc họa là một đối thủ “thẳng tay”
trong việc triệt hạ đối thủ khi thi đấu trên sân.
Khi được hỏi về vai trò của thái độ đe dọa trong thi đấu, anh ấy trả lời “tôi là một cầu thủ tốt
giữa và khi kết thúc các trận đấu, nhưng điểm cốt yếu trong công việc của tôi là loại đối thủ ra khỏi trận
đấu về mặt thể chất, tâm lý và tinh thần”. Câu hỏi tiếp theo là “Đến lúc đó anh sẽ đấu với ai?” Câu trả
lời của anh ấy là “Cầu thủ thứ hai, lại cùng hành động đó.” Câu hỏi thứ 3: “Nếu trong trường hợp đó,
tại sao anh không vào phòng thay đồ của đối thủ trước trận đấu mà bắn họ cho rồi? Bắn luôn người thứ
hai. Có thể bắn hết họ đi rồi chắc chắn anh sẽ thắng”, và câu trả lời là: “Tôi sẽ làm vậy nếu luật cho
phép. Cái chính là chúng ta loại đối thủ ra khỏi trận đấu để thắng trận. Bóng đá thể hiện sinh và tử
chừng nào mọi động thái còn nằm trong khuôn khổ luật định.”
Liệu sự đe dọa có nên được áp dụng như một công cụ, một phương tiện chiến thuật để giành
chiến thắng trong thi đấu thể thao? Vận động viên có nên mong muốn loại đối thủ về mặt thể chất, tâm
lý và tinh thần? Đáp án cho các câu hỏi trên tùy thuộc vào nhận định và đánh giá về sự đe dọa.
Một khái niệm liên quan là bạo lực (violence) chỉ sức mạnh thể chất được áp dụng với mục đích
gây chấn thương, tổn hại cho người khác. Nhiều nhà quản lý thể thao chuyên nghiệp bày tỏ sự lo ngại
về tình trạng gia tăng bạo lực giữa các vận động viên, giữa vận động viên và trọng tài, giữa vận động
viên và khán giả cũng như giữa người hâm mộ trên khán đài và trong các dịp thành phố tổ chức mừng
đón chiến thắng giải vô địch.
Một khái niệm khác là nghệ thuật thắng trận đấu bằng cách khiến đối thủ mất lòng tin
(gamemanship), ám chỉ hành động phạm đến giới hạn luật nhưng không bị phát hiện và sử dụng bất kỳ
phương pháp thiếu minh bạch khả thi nào để đạt được kết quả mong muốn. Với chủ ý dọa dẫm, kềm
chế và khiến người khác sợ hãi khi có hành động nào đó, hành vi đe dọa khác với hai khái niệm trên.
Sự đe dọa (intimidation) là động thái làm ai đó sợ hãi, phải rút lui, hay sợ bị đàn áp. Sự đe dọa là hoạt
động có 2 thái cực theo đó nảy sinh 2 trường hợp: đe dọa có mục đích và đe dọa không có mục đích.
IV.2. Đe dọa trong công tác huấn luyện
a) Đe dọa trong huấn luyện: Có mục đích
Khi đe dọa người khác một cách có chủ đích, kể cả bằng lời nói hay hành động, đều cần có
quyết định tỉnh táo. Hành vi này hiện đang trong vòng tranh cãi về khía cạnh đạo đức. Từ lâu sự đe dọa
đã trở thành một công cụ kiểm soát hành vi của người xung quanh. Các huấn luyện viên áp dụng lối
luyện tập mang tính hăm dọa để thúc đẩy vận động viên hành xử theo định hướng có kiểm soát, thí dụ:

27
làm vận động viên trở nên hiếu thắng hơn, học tập tốt hơn hoặc nâng cao yêu cầu về trách nhiệm của
một vận động viên. Người đại diện cho đạo đức, ở đây là huấn luyện viên, tin rằng sự đe dọa sẽ tạo ra
động cơ cho vận động viên theo đúng hướng dự định nhờ vào nỗi sợ hãi hay tâm lý diễn ra tương ứng ở
vận động viên. Các phương pháp đe dọa điển hình thay đổi từ chiến thuật ôn hòa như nhìn trừng trừng
hay cao giọng cho đến chiến thuật mạnh mẽ hơn liên quan đến thể chất và tình cảm như la mắng, chửi
bới, ném vật vào người, đá, nhiếc móc, đẩy người, hay phun nước bọt vào mặt vận động viên. Theo lý
luận tâm lý học, các dạng động thái trên thường được gọi là hành vi thúc đẩy tiêu cực (negative
feedback) (Dieffenbach, 1998). Sự xúc phạm bằng lời nói nhất thời có thể thúc đẩy vận động viên vận
dụng hết khả năng của mình. Hành vi thúc đẩy tiêu cực đánh vào cái tôi mong muốn chiến thắng. Hành
vi thúc đẩy tích cực (positive motivation/ feedback) có xu thế hướng vận động viên đến thi đấu/nhiệm
vụ/môi trường chuyên môn bằng cách giáo dục, tạo ra động cơ một cách lành mạnh cho vận động viên,
theo các nhà nghiên cứu, vận động viên sẽ thi đấu đạt thành tích tốt nhất nếu động cơ thúc đẩy mang
tính tích cực.
Nhiều nghiên cứu cho thấy công tác huấn luyện kỹ thuật phối hợp với động thái thúc đẩy tích
cực về lâu dài sẽ tốt hơn cho vận động viên, huấn luyện viên và cả người hâm mộ. Tuy nhiên, trên thực
tế một số huấn luyện viên vẫn áp dụng động cơ thúc đẩy tiêu cực để thực hiện công việc của mình một
cách nhanh chóng hơn. Theo một huấn luyện viên, họ không có nhiều thời gian và năng lượng để lo
lắng về việc vận động viên nào cần động thái thúc đẩy kiểu gì. Nguyền rủa và la hét khiến công việc
chạy nhanh hơn, do đó họ có thể dành thời gian cho việc tư duy chiến lược. Người này đã minh chứng
sự thành công trong sự nghiệp và lưu ý phương pháp này dựa trên cơ sở mô hình kỷ luật quân đội. Câu
hỏi đặt ra là liệu kỹ thuật huấn luyện thúc đẩy tiêu cực có tốt hay không. Thật ra, nếu huấn luyện với
hành vi đe dọa mang chủ đích thì hoạt động này trở thành một vấn đề đạo đức, nói cách khác, nếu một
người có động cơ và ý định xâm phạm người khác, kể cả là huấn luyện viên với chủ đích tạo động cơ
để vận động viên mau tiến bộ và thành công, thì hành động của họ cần được xem xét về khía cạnh đạo
đức.
b) Đe dọa trong huấn luyện: Không có mục đích
Hành vi đe dọa có thể diễn ra trong tình thế chủ thể (Thí dụ, huấn luyện viên) không có động
cơ, ý định hay hành động có chủ đích. Nhiều người không cố tình đe dọa người khác nhưng thái độ, vẻ
bên ngoài hay nghề nghiệp của họ có thể đẩy người khác vào tình thế bị đe dọa. Một nhân viên có thể
bị cảm giác đe dọa đè nặng không phải bằng hành động trực tiếp (lời nói, cử chỉ, hành vi) của người
giám sát mà bằng chính nhận thức của người đó về chức năng công việc của người giám sát. Trẻ con có
thể bị người lớn đe dọa không phải bằng những gì họ thể hiện là mà bằng kích thước cơ thể, độ trầm và
sức mạnh âm giọng hay cung cách bước đi cũng như ăn mặc. Trong thể thao, các vận động viên có thể
bị huấn luyện viên đe dọa bằng uy tín của người đó. Uy tín liên quan đến mức độ thành công và kinh
nghiệm chuyên môn của huấn luyện viên.
Nhận thức là chìa khóa của vấn đề. Chủ thể đạo đức là cá nhân thực hiện hành vi đe dọa và do
đó đối tượng tiếp nhận hành vi đó hành xử theo một cách nhất định – sợ hãi chủ thể hành vi hoặc có thể
tránh giao tiếp với người đó bằng mọi giá. Nếu hành vi của chủ thể không có ý định hay động cơ đe
dọa, tác động đến nhận thức của đối tượng tiếp nhận hành vi thì không phải do lỗi của chủ thể hành vi.
Tuy vậy, một số ý kiến vẫn cho rằng nếu chủ thể hành vi biết vị trí, phong cách ăn mặc, vật dụng mang
28
kèm, giọng nói, kích thước cơ thể hay thái độ của mình đe dọa người khác thì họ nên tìm cách khác.
Thí dụ, nếu trẻ em bị ai đó lấn lát do kích cỡ cơ thể, người đó nên nói chuyện nhẹ nhàng với đứa trẻ,
quỳ xuống để hạ thấp chiều cao hay có cử chỉ dịu dàng. Chủ thể hành vi không phải chịu trách nhiệm
về sự đe dọa không có mục đích của bản thân, nhưng cũng nên nhớ rằng con người cảm nhận khác
nhau về thế giới xung quanh, do đó động cơ và ý định của mỗi người cũng khác nhau. Nếu chúng ta
cảm nhận hành vi đe dọa từ một người nào đó, những người khác chưa chắc có cùng cảm nhận. Nhận
thức phụ thuộc vào thế giới quan của cá nhân, ý định đe dọa của người khác là không chắc chắn, vì vậy
nhận thức không thể là cơ sở cho chúng ta quyết định các vấn đề đạo đức.
IV.3. Hành vi đe dọa của vận động viên
a) Hành vi đe dọa của vận động viên: Có mục đích
Hành vi đe dọa cũng là một thủ thuật các vận động viên áp dụng để chiếm thế thượng phong so
với đối thủ. Một vận động viên sẽ lý luận rằng nếu đối thủ bị đe dọa, cảm giác đó sẽ loại đối thủ khỏi
trận đấu do yếu tố tâm lý. Nếu đối thủ sợ hãi, vận động viên hoặc chủ thể hành vi đe dọa sẽ có nhiều cơ
hội thắng trận đấu. Hành vi đe dọa là con dao 2 lưỡi – vừa mang tính có chủ đích và ngược lại.
Hành vi đe dọa của vận động viên có mục đích là động cơ, ý định và hành động trực tiếp nhằm
loại đối thủ khỏi trận đấu theo cách nào đó. Thông thường hành động có mục đích liên quan đến các
chiêu trò tâm lý như phô trương thanh thế trước, trong hoặc sau trận đấu. Thí dụ, một vận động viên thể
dục dụng cụ có thể phô diễn khả năng để khiến đối thủ có tâm lý lo lắng về khả năng của bản thân,
hoặc một vận động viên bóng rổ trong quá trình khởi động có thể thực hiện những kỹ thuật ném bóng
khó để thể hiện bản thân đồng thời tạo ra sự mất tự tin cho đối thủ.
Thông thường, hành vi đe dọa tâm lý có mục đích diễn ra trong thủ đoạn khiêu khích bằng lời
nói (trash talking). Dùng lời nói để mắng mỏ nhau, chì chiết về kỹ năng, kích cỡ cơ thể, hành vi thi
đấu, hay một đặc điểm nào đó. Thí dụ như “Đó là tất cả những gì anh có sao? Chị tôi chơi còn giỏi hơn
anh nữa đấy.” Thủ đoạn miệt thị để khiêu khích người khác thường xuất hiện ở các môn thể thao dành
cho giới trẻ, thể thao trường học và các giải thể thao chuyên nghiệp. Trẻ em, phụ nữ và cả người hâm
mộ cũng áp dụng. Nếu hành vi này quá phổ biến thì liệu có trở thành một vấn đề đạo đức cần xem xét
hay không? Theo Rudd (1996), thủ đoạn khiêu khích dùng lời lẽ miệt thị là một vấn đề đạo đức vì khi
thực hiện hành vi đó chủ thể đã thể hiện sự thiếu tôn trọng với người khác vì mục đích lợi ích cá nhân.
Do đó, nếu thủ đoạn này được áp dụng có mục đích thì nghịch lý đạo đức xuất hiện.

29
Một thí dụ minh họa cho hành vi đe dọa có mục đích trong thi đấu thể thao là sự kiện xảy ra
trong bóng đá. Trận chung kết World Cup 2006 tại Berlin sẽ đi mãi vào tâm trí người hâm mộ không
chỉ ở việc Italia lên ngôi một cách kịch tính sau loạt 11m luân lưu mà còn là hình ảnh đội trưởng đội
tuyển Pháp Zidane húc đầu vào Materazzi và nhận thẻ đỏ trực tiếp rời sân. Đây cũng là trận đấu cuối
cùng mà huyền thoại người Pháp thi đấu chuyên nghiệp. Hơn 1 năm sau, Materazzi đã thừa nhận về sự
khiêu khích của mình đối với Zidane. Sử dụng những lời khiêu khích, nhục mạ, trung vệ Marco
Materazzi đã khiến người đội trưởng điềm đạm của tuyển Pháp Zidane mất hết bình tĩnh và thực hiện
ngay cú húc đầu để rồi nhận thẻ đỏ rời sân, góp phần giúp Italy chiến thắng trong loạt luân lưu để đoạt
Cup vàng. Materazzi vẫn thấy cắn rứt sau trận chung kết World Cup, "Đó là những từ ngữ ngu ngốc
nhất mà tôi từng thốt ra. Tôi nghĩ mình đã sai khi làm như vậy. Nhưng Zidane cũng đã sai khi phản ứng
theo cách tiêu cực", Materazi đã phát biểu. Một năm sau, trong bài trả lời phỏng vấn tờ Bild-am-
Sontag, cựu tuyển thủ Pháp bắt đầu hối hận:  "Tôi thực sự thất vọng với những gì mình đã làm trong
trận chung kết World Cup cách đây một năm. Đó là hành động không thể tha thứ, trọng tài Elizondo đã
đúng khi rút thẻ đỏ phạt tôi".
Đe dọa thể chất: Có mục đích
Nếu một vận động viên tiến vào sân cỏ và toan tính loại bỏ đối thủ bằng một hành động thể chất
thì đó là hành vi đe dọa thể chất. Mục đích trực tiếp của hành vi này có thể không gây chấn thương lâu
dài nhưng đủ để khiến đối thủ nghĩ đi nghĩ lại trước khi hành động, rung lên hồi chuông đủ để đánh
thức nỗi sợ hãi trong tâm trí anh ta. Vấn đề này trở nên rối rắm trước các môn thể thao đối kháng trực
tiếp, đặc biệt các môn mang tính hiếu chiến về mặt thể chất như khúc côn cầu trên băng, lacrosse (đánh
bóng bằng vợt), bóng đá, bóng rổ, các môn võ thuật... Vận động viên dùng kích thước cơ thể, sức mạnh
thể chất chống lại đối phương để giành ưu thế trong thi đấu. Tranh đấu và va chạm bằng cơ thể là một
phần của những môn thể thao này. Tuy vậy, nếu vận động viên cố tình loại đối thủ thì anh ta đã phạm
phải một vấn đề đạo đức. Marten, một cựu cầu thủ bóng đá, đô vật và huấn luyện viên, phát biểu “Nếu
vận động viên nào định loại đối thủ khác thì anh ta là một tên hèn. Nếu không sẵn lòng vận dụng hết
khả năng để đấu lại họ mà lại dùng đến vũ lực để chiến thắng thì anh đích thị là kẻ hèn. Đó là cách của
một người hèn hạ.” Từ “kẻ hèn” thật sự rất nặng nề. Marten có vẻ rất cương quyết, tuy vậy, phải chăng
là sai khi vận động viên kết hợp cả sức mạnh tinh thần và thể chất để giành cơ hội chiến thắng?
Giamati, cựu Hiệu trưởng của Đại học Yale, đã từng viết một cuốn sách về bóng rổ khá nổi tiếng có tên
“Take Time for Paradise (1989) trong đó có đoạn:
Tăng cường độ dẻo dai của cơ thể và điều tiết tâm hồn…
Tập trung phát triển tính chính trực và lòng dũng cảm…
Tuân thủ quy định và tinh thần luật lệ…
… để chiến thắng ngọt ngào hơn.
Nếu vận động viên nung nấu ý định và động cơ loại đối thủ khỏi trận đấu bằng phương thức tác
động tâm lý và thể chất thì họ đang gợi lên vấn đề đạo đức, vì trong trường hợp đó họ vừa không công
bằng và không chịu trách nhiệm về hành động đó.
Hành vi đe dọa không có mục đích về mặt tâm lý

30
Giống như tình huống sự đe dọa không chủ đích đến từ một huấn luyện viên, trường hợp tương
tự có thể xảy ra đối với vận động viên. Vận động viên từ trong bản chất – không hề có chủ đích – có
thể đe dọa đối thủ bằng đặc điểm kích thước cơ thể, thái độ, nét mặt, trình độ chuyên môn... Tuy vậy,
điều này không tạo nên vấn đề đạo đức vì vận động viên không dự tính hoạt động với bất kỳ động hay
ý định cơ tiêu cực nào nhằm loại đối thủ khỏi sân đấu. Đúng là hành động trong thể thao có thể hình
thành cảm giác bị đe dọa nhưng vận động viên không phải chịu trách nhiệm về việc đó do vấn đề nhận
thức của con người. Hãy nhớ là trong trường hợp này chủ thể hành vi không có trách nhiệm về việc các
vận động viên tiếp nhận hiểu như thế nào về hành động đó. Thế giới sẽ đẹp hơn nếu người ta hiểu đúng
động cơ và ý định tốt, nhưng trong thể thao nhiều khi điều đó không thể xảy ra.
Thí dụ, trước khi một trận thi đấu giao hữu thể dục dụng cụ trong trường trung học bắt đầu, các
vận động viên của các đội tiến hành khởi động theo thường lệ. Huấn luyện viên A quan sát một vận
động viên đặc biệt có tài năng của đội đối phương. Sau khi cô gái dừng bài tập, huấn luyện viên A bảo
cô có chương trình tập rất tốt và chúc đội của cô may mắn. Vận động viên không đáp lại nhưng nói
chuyện lại với huấn luyện viên đội mình “Cô ấy nói vậy là có ý gì?” Huấn luyện viên của cô căm phẫn
nói “Mặc kệ họ, họ chỉ đang cố uy hiếp tâm lý của em thôi.” Huấn luyện viên A rõ ràng không hề có ý
định uy hiếp tâm lý cô vận động viên trẻ. Bà chỉ thích thú với bài tập, đánh giá cao và thật lòng chúc
may mắn cho cô ấy. Một trong những vận động viên của bà khi quan sát sự việc lại có một nhận định
khác. Cô nghĩ rằng huấn luyện viên đội bên kia đã thể hiện sự thô lỗ và đáng ghét, do đó cô nói to
“Huấn luyện viên ơi, sao cô không giải thích cho rõ?”. Các nhà sư phạm sẽ cho rằng đây là một thời
khắc sư phạm; động cơ và ý định tốt vẫn còn nguyên bản chất dù cho người khác hiểu sai. Điều thú vị
là nữ vận động viên trẻ đó lẽ ra phải bị loại vì chỉ mới có kỹ năng thực hành tốt chứ chưa có kinh
nghiệm thi đấu tốt. Ngày hôm đó, cô ấy ngã nhiều lần – điều chưa từng xảy ra khi cô luyện tập hàng
ngày. Kết quả là thành tích của toàn đội bị cô ấy kéo xuống và họ thua vào ngày hôm đó. Có thể nhận
định: sự tiêu cực của người huấn luyện viên của cô ấy hoặc động cơ và ý định tốt của huấn luyện viên
A đã có tác động tiêu cực đến tâm lý của vận động viên, hoặc có thể cô ấy và vận động viên của mình
có vấn đề tâm lý nào đó khác. Tuy nhiên, huấn luyện viên A và vận động viên của mình rút ra một bài
học lớn vào ngày hôm đó về hành vi đe dọa không có chủ đích. Họ không thể kiểm soát được nhận
thức của người khác về ý kiến vô tư và mang tính hỗ trợ đó. Trong các buổi giao hữu sau này, huấn
luyện viên A rất cẩn thận, không đưa ra bất cứ lời bình luận nào về đội hay đối thủ nào. Bà tham gia
giải đấu và không đưa ra lời bình luận tích cực, nhận xét hỗ trợ và đánh giá kỹ năng của người khác.
Ngày hôm đó thể thao đã thành công, chỉ có những con người đề cập trong tình huống trên là thất bại.
Một thí dụ khác trong môn bóng đá về hành vi đe dọa không có mục đích về tâm lý. Lev
Yashin, thủ môn đội tuyển bóng đá Liên Xô (1958 – 1966), được thừa nhận là thủ môn vĩ đại nhất của
thế kỉ 20 và hiện vẫn là thủ môn duy nhất trong lịch sử bóng đá từng giành quả bóng vàng châu Âu vào
năm 1963, với kỷ lục 270 trận chính thức giữ sạch lưới cùng hơn 150 lần cản phá thành công phạt đền
trong sự nghiệp thi đấu, nhiều hơn so với bất cứ thủ môn nào trong lịch sử . Ông có thân hình hộ pháp
(cao 1m90, nặng 86kg) cùng phản xạ cực nhanh. Đứng trong khung gỗ, thủ môn huyền thoại này như
người khổng lồ mà mọi đối thủ đều ngán ngại. Ngoài ra, ông được đặt biệt danh là "nhện đen" vì
Yashin luôn mặc những bộ đồ màu đen khi ra sân và cũng bởi khả năng cứu bóng của ông làm người ta
liên tưởng đến chú nhện có đến 8 chân. Ngay cả những danh thủ lớn nhất cùng thời với Yashin khi đối
diện với ông trên chấm 11m đều thừa nhận họ bị áp lực tâm lý rất mạnh và sự tự tin khi thực hiện quả
31
phạt đền bị giảm sút đáng kể, do phải đối mặt với một thủ môn quá suất xắc về trình độ cũng như vẻ bề
ngoài, họ thường sút mạnh chứ không nghĩ đến việc làm cho thủ môn huyền thoại này đánh lừa.
Đe dọa thể chất: Không có mục đích
Vận động viên có thể gây chấn thương và tổn hại thể chất cho đối thủ mà không có chủ đích,
điều này có thể được giải thích giống với trường hợp hành vi đe dọa không có mục đích. Khi không có
động cơ và ý định gây chấn thương cho người khác, hành vi đe dọa không trở thành vấn đề đạo đức.
Tất cả các vận động viên thể thao đều có nguy cơ bị chấn thương trong quá trình tập luyện và thi đấu.
Ở các môn thể thao sức mạnh và đối kháng trực tiếp thì tỷ lệ chấn thương là cao, trong đó nguyên nhân
từ những va chạm trên sân chiếm một phần đáng kể. Vận động viên thi đấu và phải vận dụng khả năng
tốt nhất của mình. Nếu một cầu thủ bóng đá Mỹ nhận nhiệm vụ cản bóng, anh ta phải vận dụng từng
sợi cơ trong cơ thể để thực hiện tốt công việc của mình. Khi hoạt động liên quan đến thể chất và đối thủ
cũng vận dụng thể chất thì luôn có khả năng chấn thương xảy ra. Điều quan trọng là vận động viên
không có chủ đích triệt hạ đối thủ về mặt thể chất, nếu không sẽ tạo ra vấn đề đạo đức.
IV.4. Sự dọa từ bên ngoài
Ngoài sự đe dọa ngay bên trong sân mà chủ thể là các vận động viên, huấn luyện viên, trọng
tài…còn có những yếu tố khác ảnh hưởng đến trận đấu từ bên ngoài. Nhiều người tin rằng khi mua vé
vào xem trận đấu thì họ không chỉ có quyền mà còn có nghĩa vụ với đội mình hâm mộ trong việc tác
động đến trận đấu thông qua tất cả các hình thức đe dọa. Hình thức đe dọa có mục đích ôn hòa liên
quan đến các hành vi như: (1) phân phát các vật dụng cho người hâm mộ để vẫy qua vẫy lại sau lưng
khung thành để gây mất tập trung cho đối phương hoặc (2) bố trí ban nhạc đứng sau lưng ghế ngồi nghỉ
của đối thủ trong suốt thời gian nghỉ giữa hiệp và chơi nhạc thật to hoặc hô các khẩu hiệu gây ức chế
đối phương. Những cổ động viên này thực hiện việc này lý luận rằng chính huấn luyện viên có trách
nhiệm phải dạy cho vận động viên của mình lờ đi các tác động đó, đồng thời người hâm mộ của đội đối
thủ có cùng cơ hội để hành động như vậy. Nói cách khác, “Tất cả đều công bằng trong tình yêu, chiến
tranh và thể thao.”
Dù có nhiều người yêu thể thao cho rằng những hình thức trên chỉ là một phần rất tự nhiên của
trận đấu, hành vi đe dọa có chủ đích mang lại tác động bất lợi. Thí dụ, trong một trận bóng rổ gần đây,
một nhóm sinh viên hát đi hát lại những lời miệt thị hướng đến đội đối phương. Bài hát to đến nỗi đài
phát thanh phải vặn nhỏ âm lượng đài phát lại vì họ không thể phát những lời lẽ đó cho đông đảo người
dân nghe. Buổi sáng tiếp theo, báo chí trong vùng cũng dành một cột phê phán hành động của nhóm
sinh viên, chỉ trích rằng các sinh viên đã không fair play khi thực hiện hành động xúc phạm đối phương
bằng lời nói. Khi các nhà quản lý có mặt trong lúc đám sinh viên hát bài hát đó được phỏng vấn, họ trả
lời “Các bạn đó không cố tình đâu; họ không hề nhỏ mọn, chỉ là ủng hộ đội của mình thôi.” Mặc dù
vậy, điều thú vị là chiến thuật đó đã có hiệu quả. Vận động viên là đối tượng của bài hát đã ghi 18 điểm
ít hơn thành tích trung bình trong mùa giải và đội của anh ta đã thua trận đấu.
Hình thức đe dọa từ bên ngoài không chỉ là các bài hát, câu la hét hay hành vi đe dọa đơn thuần.
Trong thể thao, đã không ít lần sự đe dọa bên ngoại gây ra những tổn hại, chấn thương trực tiếp cho cầu
thủ thi đấu trên sân và thực sự tác động xấu đến tâm lý và sức khỏe của các vận động viên. Thí dụ:
trong trận đấu ở giải ngoại hạng Anh giữa Sheffield Wednesday và Leeds mùa giải 2011-2012, vào

32
phút 76, thủ môn Kirkland của Sheffield Wednesday đã bị một cổ động viên của đội khách đã chạy
xuống sân và lao đến tấn công. Sau khi nhận cú đánh bất ngờ khá mạnh này, thủ thành 31 tuổi của
Sheffield Wednesday đã nằm bất tỉnh trên sân. Nhờ sự chăm sóc của các nhân viên y tế, Kirkland tỉnh
trở lại và tiếp tục thi đấu. Huấn luyện viên Dave Jones của Sheffield Wednesday cho biết: “Kirkland đã
bị đau, choáng váng và thậm chí bị đe dọa”, Dave Jones càng tỏ ra tức giận khi hành vi quá khích trên
nhận được sự tán dương của rất nhiều cổ động viên đội Leeds. Dĩ nhiên, sau khi trận đấu tiếp tục, tâm
lý và khả năng chuyên môn của thủ môn Kirkland đã bị ảnh hưởng nặng nề, nguy cơ phạm sai lầm dẫn
đến bị thủng lưới, thua trận là rõ ràng.
Việc các ngôi sao quần vợt bị đe dọa và tấn công ngay trên sân là điều không phải hiếm xảy ra.
Roger Federer bị một kẻ giấu mặt đe dọa giết trên mạngtrước khi đến tham dự Shanghai Masters 2013;
Kiều nữ quần vợt Maria Sharapova bị đe doạ hành hung trong chiến dịch bảo vệ chức vô địch
Wimbledon 2013 bởi một CĐV quá khích người Anh. Và một sự việc thật sự nghiêm trọng đối với ngôi
sao quần vợt Monica Seles.
Ngày 30/4/1993, trong một giải đấu tại Hamburg, trong lúc ngồi nghỉ ngơi chuẩn bị cho game
tiếp theo trận đấu với Magdalena Maleeva (Seles đang dẫn 6-4, 4-3), Monica Seles đã bị một người đàn
ông tên Guenter Parche nhảy vào sân và đâm vào lưng. Khi đó, mới 19 tuổi, Seles đã sở hữu 6 danh
hiệu Grand Slam và một tương lai vô cùng sáng lạn phía trước. Sau sự cố trên, Monica Seles bị chấn
thương tâm lý và không thể ra sân thi đấu trong suốt hai năm. Cả khi trở lại thi đấu sau đó, Seles cũng
không bao giờ tìm lại được phong độ đỉnh cao ngày trước. Parche là cổ động viên cuồng nhiệt của
Steffi Graf. Khi đó, Seles và tay vợt người Đức này đang cạnh tranh gay gắt ngôi vị số 1 làng quần vợt
nữ thế giới. Bằng việc gây chấn thương cho Seles, Parche hy vọng sẽ tạo lợi thế cho Graf. Và anh ta đã
đúng. Parche bị giam 6 tháng tù và nhận án 2 năm tù treo.
Sự đe dọa từ bên ngoài dù vậy vẫn không hề bị hạn chế trong thời gian diễn ra trận đấu. Thí dụ,
một huấn luyện viên ở trường trung học ở Mỹ đã quyết định rằng để đội của mình chiếm ưu thế hơn đội
đối phương trong giải vô địch, ông cần phải thực hiện hành vi đe dọa đội đối phương. Ông gọi một
người bán hoa, thuê một chiếc xe tang và lái xe và yêu cầu họ phát cho mỗi thành viên của đội đối thủ
một bông hồng héo rũ cùng một tấm thiệp ghi “Chúc mày là kẻ tệ nhất trong trận đấu ngày thứ Bảy.”
Vấn đề đặt ra là “Mục đích của thi đấu là gì?” Nếu câu trả lời là “để thắng bằng mọi giá” thì
hành vi đe dọa từ bên ngoài có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nếu mục đích của hoạt động thi đấu là
sự so tài kỹ năng giữa vận động viên / đội này và vận động viên / đội khác thì không thể chấp nhận
hành vi đó. Không vận động viên tự trọng nào lại muốn chiến thắng một cách không công bằng. Hầu
như tất cả vận động viên giỏi đều theo chủ nghĩa thuần túy – họ muốn có người hâm mộ, khán giả ủng
hộ và yêu mến.
Vấn đề thảo luận
Hãy thảo luận các tình huống nghịch lý đạo đức sau:
1) Hai đội thi đấu bóng rổ với nhau trên sân của đội A. Trong suốt trận đấu, cầu thủ ngôi sao
của đội B liên tục bị nhóm cổ vũ đội nhà nhạo báng bất cứ khi nào để trượt cơ hội ghi điểm, chuyền
hay dẫn bóng không thành công. Đến lượt trận đấu trên sân nhà đội B, lực lượng cổ vũ đội B trả đũa
bằng cách nhạo báng vận động viên đội A với cùng cách thức. Hành động như vậy là công bằng và có

33
thể chấp nhận được do cổ động viên cả hai bên có cơ hội như nhau, tuy không phải là hành động fair
play và cao thượng trong thể thao.
2) Khúc côn cầu trên băng được xem là một trong những môn thể thao có tính rất bạo lực.
Trong thi đấu, sự va chạm mạnh mẽ giữa các đấu thủ là thường xuyên và nguy cơ chấn thương là khá
cao. Cầu thủ A và B là 2 đối thủ trong một trận tranh giải vô địch. Trong khi cố gắng di chuyển để
kiểm soát bóng, cầu thủ A dồn mạnh cầu thủ B vào bảng vành sân trong tình huống tranh chấp bóng.
Chỉ ít phút sau cầu thủ B đã trả đũa bằng cách tương tự, dồn mạnh cầu thủ A vào vành sân. Vì “đánh
mạnh” và “dồn đối thủ vào vành sân” là một phần không thể thiếu trong trận đấu và được luật cho phép
nên hành động của cầu thủ B là chấp nhận được.
3/ Yolanda là vận động viên giỏi nhất trong đội XYZ. Cô ấy luôn ghi điểm cao và đội XYZ đều
thắng mỗi khi có cô ấy cùng thi đấu. Gần đây, cô đồng hành cùng XYZ trong giải đấu tranh chức vô
địch với đội ABC, một đội giỏi hơn theo căn cứ thống kê trên bảng xếp hạng, nhưng ABC vẫn e ngại
Yolanda. Một tuần trước khi trận đấu quan trọng diễn ra, bà MeaMa của Yolanda qua đời. Cô quyết
định vẫn tham gia thi đấu, nói rằng “vì Bà đã muốn tôi thi đấu”. Vì tiếng tăm của cô nên cả bang đều
biết MeaMa là bà của Yolanda. Trong suốt trận đấu, Yolanda thi đấu hết sức mình. ABC quyết định áp
dụng chiêu thức khiêu khích và bố trí 2 vận động viên thực hiện nhiệm vụ. Những câu như “Nè, Yo …
cô MeaMa?”, “Yo, qua đây nè để gặp lại MeaMa.” Chiến thuật của ABC có hiệu quả: Yolanda cùng
XYZ thất bại, ABC thắng. Hành vi này chấp nhận được hay không? Hãy giải thích lý do.
4) Vận động viên khúc côn cầu được phép đánh bóng mạnh miễn là bóng không bắn vào đối thủ
một cách có chủ định. Cầu thủ Delphine của đội A đánh bóng về phía khung thành nhưng vô tình trúng
phải Maria ở đội B. Maria phàn nàn là Delphine cố tình đánh bóng vào cô ấy; tuy nhiên trọng tài không
giải quyết khiếu nại vì cho hành vi của Delphine là không chủ ý. Khi trở lại trận đấu, Maria đón được
bóng và trả đũa lại bằng cách đánh bóng thật mạnh vào Delphine. Hành động của Maria có được cho là
chấp nhận được không?

Câu hỏi ôn tập

1/ Hành vi đe dọa là gì? Bạn hiểu như thế nào về hành vi đe dọa của các chủ thể là huấn luyện viên
và vận động viên?
2/ Nêu những hình thức đe dọa phổ biến trong thể thao, cho thí dụ minh họa.
3/ Trình bày các động cơ của hành vi đe dọa.

34
CHƯƠNG V. Bạo lực thể thao
V.1. Các loại hình quy định về bạo lực thể thao
Kretchmar (1995) cho rằng con người phát triển một vết chai trong tim trước các vấn đề
đạo đức giống như vết chai trên bàn tay. Vết chai đó ngày càng rắn lại khiến con người ngày càng
chai lì và cản trở cảm giác bức xúc trước những hành động sai trái về đạo đức. Để loại bỏ vết chai
đó, con người cần nghiêm khắc nhìn nhận bản thân là ai, tin vào điều gì và niềm tin đó tác động
như thế nào đến nhận thức của mình về một sự việc (hay một trận đấu thể thao). Triệu chứng khi
xuất hiện vết chai đó là khi chúng ta chấp nhận luận điệu “nếu không có hại gì cho ai hay khi
không bị phạt thì hành động đó được cho phép”. Vấn đề quan trọng là chúng ta phải phân biệt
được điều đúng và sai cũng như hiểu được sự khác biệt giữa chiến lược bền vững và chiêu trò vi
phạm đạo đức.
Các vận động viên thường cãi nhau kịch liệt trong bóng rổ và so găng với nhau trong
bóng đá dù theo luật các hành vi này bị liệt vào hàng bạo lực. Người hâm mộ nhận ra những cú
hích, cú đánh tiểu xảo trong bóng đá. Trong môn khúc côn cầu thì gậy được xem là vũ khí gây
chấn thương nghiệm trọng cho vùng đầu và đầu gối. Tuy vậy, những hiện tượng đó ngày càng
xảy ra nhiều hơn và có vẻ ngày càng được chấp nhận nhiều hơn. Nhiều người lý luận rằng tổn
thương thể chất, thậm chí chấn thương, là một phần tự nhiên của trận đấu ở một số môn thể thao
mang tính chất mạnh mẽ.
Nhiều người đồng tình, thậm chí cổ vũ cho những hành vi xâm phạm về tâm lý và đạo
đức. Bạo lực trong thể thao trở nên phổ biến đến mức một số vận động viên lạnh như tiền trước
đối thủ bị chấn thương. Thật ra, thường thì mục tiêu loại đối thủ khỏi vòng đấu là một phần trong
nỗ lực chiến thắng. Thí dụ, trong bóng đá không ít các huấn luyện viên đã dạy cho vận động viên
các “tiểu xảo” được xem như một phần của chiến thuật để gây ức chế về tâm lý cho đối thủ.
Thậm chí có thể sử dụng bạo lực để gây chấn thương cho đối thủ để giành chiến thắng.
Tất cả đều thừa nhận rằng Gentile là hậu vệ đội tuyển Ý thuộc dạng khó chơi nhất, tàn
khốc nhất từng xuất hiện trong lịch sử bóng đá và nhiều tiền đạo đã phải run sợ thực sự khi đối
mặt với ông. Gentile thường xuyên có những cú xoạc từ phía sau, dùng móng tay bấm vào tay đối
thủ trong những pha kèm người và thậm chí quật ngã đối phương bất cứ lúc nào có thể, miễn là
qua mắt được trọng tài. Tại World Cup 1982, Gentile hoàn toàn vô hiệu hóa Maradona vì áp dụng
thành công chiến thuật kèm người bạo lực, góp công rất lớn đưa Italia đến chức vô địch.
Nếu không có quy định chuẩn hóa thì sẽ không có khuôn khổ nào cho hoạt động thể
thao. Có 03 loại hình quy định: (1) Quy định cơ bản, (2) quy định cấm đoán, (3) quy định về tinh
thần thể thao.
Quy định cơ bản - Luật thi đấu
Quy định hướng dẫn luật chơi trong một trận thi đấu là quy định cơ bản. Các luật đó dần
được phát triển đi trước nhu cầu để cân bằng cuộc thi và điều chỉnh những khía cạnh như thời
lượng thi đấu, số lượng vận động viên, trình độ người tham gia, nhu cầu so sánh thành tích của
đội và cá nhân. Những quy định này đặt ra điều kiện về kỹ năng, chiến lược và kỹ thuật thi đấu
cụ thể phù hợp với các môn thể thao khác nhau. Loại hình quy định này còn đưa ra giới hạn đối
35
với hành động của vận động viên, kiểm soát hành vi trong phạm vi phù hợp. Thí dụ, luật chơi của
môn bóng rổ quy định rõ các hành vi va chạm, cú hích và nắm giữ không được chấp nhận sẽ bị
phạt đuổi khỏi sân hoặc tước quyền thi đấu đối với một số cử chỉ bạo lực nghiêm trọng. Luật chơi
bóng chày và bóng ném chỉ rõ thời điểm và phương pháp một vận động viên có thể đẩy người
phòng thủ. Quy định cơ bản xây dựng cấu trúc cho thể thao, hỗ trợ để trận đấu diễn ra một cách
công bằng cho tất cả mọi đối tượng và chuẩn hóa môi trường thi đấu nhằm dành cho các vận
động viên cơ hội thể hiện như nhau.
Ngoài ra, quy định điều phối các yếu tố như độ tuổi, cân nặng, trình độ kỹ năng và mức
độ trưởng thành của thanh thiếu niên trong một số giải đấu. Đối với các vận động viên trong lứa
tuổi đến trường đều có yêu cầu nhất định về độ tuổi, giới tính, địa điểm cư trú và trình độ học
vấn. Các trường đại học cũng phải tuân theo quy chế về tiến trình, năng lực, tuyển sinh, nguồn tài
chính và thời gian phục vụ công tác đào tạo. Nhìn chung, quy định cơ bản do tổ chức quản lý
điều hành lĩnh vực thể thao lập ra.
Quy định cấm đoán
Quy định / luật cấm đoán diễn đạt những hành động bị cấm như lao vào đối thủ từ phía
sau trong bóng đá, cắt bóng trong bóng rổ, chêm lưng khi đối phương nhảy lên trong bóng đá,
bóng rổ… vì nguy cơ gây ra chấn thương cao. Trong một số môn thể thao, lợi thế ghi điểm và
chiến thắng có thể dựa vào việc vận động viên dùng cơ thể và trang thiết bị làm phương tiện (vũ
khí) tác động đến đối phương, gây đau đớn, chấn thương nghiêm trọng và thậm chí tử vong, thí
dụ sử dụng gậy tấn công đối phương trong môn hốc-cây. Do đó quy định cấm đoán được thiết lập
để ngăn chặn vận động viên cố tình làm hại đối thủ, một số quy định cấm đoán được ban hành
sau sự kiện trong đó hành vi của vận động viên bị xem là bạo lực.
Hầu hết các câu lạc bộ và tổ chức quản lý thể thao áp đặt luật đối với người tham gia
nhằm kiểm soát bạo lực trong suốt các cuộc thi đấu, từ đó hạn chế các tình huống bạo lực trên
sân. Hình phạt đối với các trường hợp gây chấn thương cho đối thủ có thể là thẻ phạt hay cấm thi
đấu. Thí dụ, NBA có hẳn một nhân viên chuyên quyết định lệnh phạt cho các hành động bạo lực.
Các liên đoàn thể thao thế giới đều có Ban đạo đức – khen thưởng và kỷ luật nhằm xem xét và
trừng phạt các hành vi bạo lực trong hoạt động của môn mình quản lý. Nếu hành động bạo lực
xảy ra bên ngoài sân thể thao thì chủ thể sẽ bị phạt tù hay bị pháp luật trừng trị vì được xem như
một hành vi vi phạm pháp luật.
Các án phạt nghiêm khắc nhất trong lịch sử bóng đá, cũng như các môn thể thao khác, về
hành vi bạo lực trên sân cỏ, có thể minh họa cho cuộc chiến chống bạo lực của các câu lạc bộ,
liên đoàn: Án phạt nặng nhất từ trước tới giờ trong lịch sử bóng đá thế giới là hành vi tung cú
kungfu của Eric Cantona vào cổ động viên của Crystan Palace năm 1995 khi bị cổ động viên này
nhục mạ. Cantona bị cấm thi đấu 9 tháng và lao động công ích 120 giờ. Báo chí Anh gọi Barton
một kẻ côn đồ thực sự ở trong trận đấu với Man City ở vòng đấu cuối cùng của Premier League
mùa giải 2011/12. Hết chơi xấu Tevez đến Aguero và tiền vệ này đã phải nhận án treo giò tổng
cộng 12 trận, lãnh đạo câu lạc bộ đã quyết định đuổi cầu thủ này ngay sau đó. Năm 1998, Paolo
DiCanio (Sheffield Wednesday) đã phản ứng mạnh mẽ sau chiếc thẻ đỏ của trọng tài Paul
Alcock nên đã lao vào tranh cãi và đẩy ngã trọng tài này, DiCanio phải trả giá cho phút nông nổi
36
với án treo giò 11 trận. Kevin Keegan (Liverpool) and Billy Bremner (Leeds) đã lao vào đánh
nhau trong trận tranh cúp Charity Shield 1974, kết quả mỗi người nhận án phạt treo giò 10 trận.
Ngôi sao của đội Sacramento Kings, DeMarcus Cousins là một cầu thủ nóng tính trên sân bóng
rổ và anh phải nhận một án phạt nghiêm khắc từ NBA sau khi không kiềm chế được và có pha
đánh nguội bằng cùi chỏ với Mike Dunleavy của Milwaukee Bucks. Cousins đã bị các trọng tài
đuổi khỏi sân vì lỗi này. Thông thường, những lỗi như thế nếu bị buộc tội là cố ý, cầu thủ phạm
lỗi có thể sẽ bị NBA cấm thi đấu một vài trận và kèm theo án phạt tiền lên đến hàng chục nghìn
đô-la Mỹ. Tại Olympic Sydney 2000, Angel Matos, võ sĩ taekwondo của Cuba, đã phải nhận án
phạt treo giò vĩnh viễn sau khi có hành vi tấn công trọng tài trong trận tranh huy chương đồng
hạng cân trên 80 kg, vì bị cho là bị xử ép. Không chỉ có Matos mà cả huấn luyện viên Leudis
Gonzalez, cũng bị cấm không được tham gia các giải đấu của Liên đoàn taekwondo thế giới. Ông
Yang Jin Suk, Tổng thư ký Liên đoàn taekwondo thế giới đã gọi hành vi phi thể thao của vận
động viên Cuba là "xúc phạm tinh thần thượng võ của taewondo và hình ảnh Olympic".
Quy định về tinh thần thể thao
Một loại hình quy định khác là các điều luật về tinh thần thể thao, đề cập đến phẩm chất
vốn có của việc thi đấu thể thao trong đó nhấn mạnh một điểm là phải tôn trọng yêu cầu và tinh
thần của luật. Nhiều luật đã có tính chất ngăn chặn những hành vi đặt chiến thắng lên trên tất cả,
kể cả tình trạng an toàn của đối thủ. Quy định về tinh thần thể thao được đưa ra nhằm ngăn chặn
tình huống vi phạm vấn đề đạo đức trong hoạt động thể thao.
Thí dụ, vận động viên bóng rổ có thể bị đuổi ra khỏi sân do một hành động vi phạm tinh
thần thể thao là tranh cãi với trọng tài, dập mạnh bóng xuống sàn hay huýt sáo cổ vũ một hành
động chơi xấu hay bạo lực. Trọng tài bóng đá có thể phạt cầu thủ thẻ vàng hay thẻ đỏ khi anh ta
có hành động vi phạm tinh thần thể thao. Ban tổ chức các giải thi đấu luôn mong đợi vận động
viên ứng xử tôn trọng tinh thần thể thao như bắt tay đối thủ trước và sau trận đấu.
V.2. Bạo lực và đạo đức
Nguyên nhân chính xảy ra bạo lực trong thi đấu thể thao là do vận động viên không tôn
trọng luật và tinh thần thể thao. Họ bỏ qua vấn đề đạo đức để giành lợi thế. Khi một vận động
viên có hành vi gần chạm giới hạn luật, cho dù chưa phạm luật, đối thủ chịu tác động có thể trả
đũa một cách bạo lực bằng hành động tấn công thể chất hay đe dọa tâm lý.
Thông thường, người ta chống chế cho hành vi bạo lực và vi phạm đạo đức bằng lý lẽ “ai
cũng làm vậy.” Trong trường hợp này có lẽ vận động viên tin rằng hành vi bạo lực là công bằng
nếu đối thủ cũng sử dụng vũ lực. “Vì ai cũng bạo lực, tôi cũng phải vậy nếu không sẽ bị áp chế”.
Khi một vận động viên sử dụng vũ lực để phản ứng lại một hành vi vũ lực của đối phương là
công bằng và đúng đắn? Đôi khi, một số hành động sẽ dẫn đến bạo lực khi vận động viên cảm
nhận hành vi của đối thủ đối với họ mang tính bất công. Nhiều vận động viên nói họ chọn cách
bắt đầu hành vi phạm luật với hy vọng không bị phát hiện, nhưng đối thủ của họ sẽ bị phạt khi trả
đũa. Đây chính là trường hợp của Zidane và Materazi, Materazi nhục mạ Zidane (trọng tài không
phát hiện) và Zidane bị đuổi khỏi sân vì hành vi trả đủa bạo lực.

37
Một dạng hành vi bạo lực nữa trong thể thao được gọi là xúc phạm, hành hạ người khác
(đồng đội, vận động viên) cũng cần được đề cập. Hành vi thiếu tôn trọng nếu không nói là bạo
lực khi huấn luyện viên bắt phạt một vận động viên cởi bỏ quần áo và chạy trần như nhộng khi họ
không thực hiện được nhiệm vụ. Hoặc khi các thành viên lớn tuổi hơn trong đội có những hành vi
quấy rối, hành hạ người mới gia nhập đội. Trong trường hợp khác, vận động viên mới vào đội bị
yêu cầu uống quá nhiều thức uống có cồn, chạy đến khi kiệt sức, hay bị đánh đập - đây không chỉ
là hành vi bạo lực mà còn vi phạm luật pháp. Những sự việc trên đã và đang xảy ra trong thế giới
thể thao. Có thể minh họa cho dạng hành vi bạo lực này bằng sự việc nghiêm trọng vừa xảy ra
cho đội tuyển Judo Nhật Bản vào năm 2012 được báo chí đặt tên là “bóng tối bao trùm Judo Nhật
Bản”. Cuối năm 2012, 15 nữ vận động viên đội tuyển judo Nhật Bản đã gửi đơn tố cáo huấn
luyện viên Ryuji Sonoda lên Ủy ban Olympic Nhật Bản (JOC). Nội dung của đơn thư trình bày
rõ Sonoda không chỉ gây áp lực, chửi bới, bạt tai, dùng những chiếc gươm bằng gỗ và tre dày để
đánh các học trò, thậm chí ngay cả khi bị thương họ phải ra sàn đấu. Huấn luyện viên Sonoda đã
quyết định từ chức sau khi thừa nhận đã đánh đập các học trò trong quá trình chuẩn bị cho
Olympic London 2012. JOC chỉ áp dụng hình phạt khiển trách với Sonoda nhưng Bộ trưởng Thể
thao Nhật Bản, Hakubun Shimomura, đã yêu cầu phải tiến hành một cuộc điều tra trên diện rộng.
Bên cạnh đó, cảnh sát cũng cần phải vào cuộc để làm rõ vấn đề. Liên đoàn Judo thế giới (IJF)
cũng phản ứng rất mạnh mẽ, khẳng định rằng hành vi bạo lực và bạo hành không có chỗ trong
môn thể thao này. Chủ tịch của JOC Tsunekazu Takeda tuyên bố sẽ làm tất cả những gì có thể để
những chuyện như trên không bao giờ xảy ra nữa. Tuy nhiên Giám đốc điều hành của cơ quan
này Noriyuki Ichihara lại không tin như vậy: “Sự việc chỉ là phần nổi của tảng băng, tôi nghĩ
những chuyện thế này vẫn sẽ tiếp tục”. Hoài nghi của ông Tsunekazu Takeda không phải không
có cơ sở. Bạo lực trong làng thể thao Nhật Bản từng bị phanh phui sau cái chết của một vận động
viên sumo vào năm 2007 do bị 3 thành viên trong đội đánh đập theo yêu cầu của huấn luyện viên.
Huấn luyện viên này đã bị phạt 6 năm tù. Một loạt những yêu cầu cải cách, sửa đổi quy định đã
được thực hiện. Thế nhưng, 5 năm sau, vấn đề trở nên đáng báo động khi một học sinh trường
cấp ba ở Osaka đã tự tử sau khi bị huấn luyện viên đội bóng rổ đánh đập. Ngay trước khi scandal
đội tuyển Judo Nhật Bản bị phanh phui là một vụ gây chấn động: cựu vô địch Olympic Masato
Uchishiba bị bỏ tù 5 năm vì hãm hiếp đồng nghiệp nữ trong đội judo của trường đại học năm
2011. Tất cả đã phủ bóng đen lên nền thể thao Nhật Bản và sự việc này đã gây ảnh hưởng không
nhỏ tới chiến dịch vận động đăng cai Olympic 2020 của Tokyo.
Liệu chiến thắng có phải là mục đích duy nhất?
Nhu cầu chiến thắng ảnh hưởng trực tiếp đến giới hạn bạo lực thể chất và tâm lý trong thể
thao. Đạt được chiến thắng là rất quan trọng và là mục tiêu tối thượng trong thể thao chuyên
nghiệp. Chiến thắng mang lại vinh quang, tiền bạc, danh tiếng, địa vị xã hội…nên các huấn luyện
viên và vận động viên chọn cách dùng mọi thủ đoạn thậm chí là bạo lực để dành chiến thắng.
Chúng ta dễ dàng bắt gặp hiện tượng này khi đánh giá hành động bạo lực ở nhiều cấp độ thi đấu
thể thao khác nhau. Trong các giải thể thao trường học, hành vi bạo lực thường liên quan đến
những người trưởng thành, phụ huynh quá đề cao chiến thắng. Đáng buồn là một số phụ huynh
sẵn sàng xúc phạm huấn luyện viên, trọng tài và kể cả vận động viên vì ganh tị với chiến thắng
38
của họ. Thí dụ, Thomas Junta đã đánh người cha của một vận động viên đối thủ của con trai mình
đến tử vong tại sân khúc côn cầu trên băng. Kết quả là sau trận đấu hai cậu con trai đều không
được gặp cha - một người đã chết còn người kia bị cầm tù. Tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng
một phần là do áp lực của tâm lý muốn chiến thắng.
Lời khen ngợi sẽ giúp giảm áp lực của mong muốn chiến thắng. Một số bậc phụ huynh
không chỉ tập trung mô tả tầm quan trọng của chiến thắng mà còn xem người khác là kẻ thua
cuộc hay xếp hạng thứ 2. Trong thế giới thể thao khi quan điểm chỉ có chiến thắng là mục đích
duy nhất thì vận động viên hiếm khi được tưởng thưởng, khen ngợi, khích lệ và giáo dục theo
hướng tích cực. Nhiều bậc phụ huynh thậm chí còn nguyền rủa và ném vật vào vận động viên,
huấn luyện viên khi họ thua cuộc, vì cho rằng họ không tập luyện đúng mức. Tương tự, ở trình độ
thi đấu cao hơn, không hiếm các trường hợp vận động viên / đội bóng bị chính các cổ động viên
của mình nguyền rủa, tấn công khi thất bại.
Với các hoạt động thể thao chuyên nghiệp mang tính thương mại và giải trí cao, bạo lực
thể chất và tinh thần cũng gia tăng. Khiêu khích đối thủ đến mức đánh nhau, tạo tình huống để
đạt lợi thế một cách không công bằng và cố tình gây chấn thương cho đối thủ có kỹ năng tốt là
những thí dụ về hành vi bạo lực phục vụ mong muốn chiến thắng. Ở trình độ đỉnh cao, nhiều vận
động viên chuyên nghiệp thừa nhận họ đã từng bị đề nghị hành xử bạo lực mà không quan tâm gì
đến đối thủ hay lo lắng về hậu quả, xem như một nhiệm vụ được giao trong trận đấu, dĩ nhiên là
huấn luyện viên không thể tuyên bố nhiệm vụ “tế nhị” này trước toàn đội. Nếu từ chối họ có thể
không được tham gia trận đấu hoặc loại ra khỏi đội. Khi thể thao nhuộm màu hiếu thắng sẽ khiến
mức độ bạo lực ngày càng tăng theo cấp độ thi đấu.
Trong thực tiễn, một vài vận động viên xem đối thủ của mình là vật thể chứ không phải là
người. Khi nghĩ như vậy họ có vẻ không hề ăn năn khi cố tình gây thương tích cho đối thủ. Đôi
khi, một vận động viên được đánh giá tốt khi loại bỏ đối thủ bằng đòn nặng để tạo cơ hội lớn hơn
cho đội nhà chiến thắng, hoặc bị cho là yếu đuối khi không thực hiện được hành vi bạo lực khi
được giao. Đặc tính chiến thắng đòi hỏi lòng trung thành vô điều kiện với mục đích thành công
của đội bằng mọi cách có thể.
Khi bất chấp luật lệ (cơ bản, cấm đoán và tinh thần thể thao), vận động viên thường xem
đối thủ như vật thể thù địch và vượt qua giới hạn về thể chất, tinh thần và tình cảm con người. Họ
thường bộc lộ rằng mình không mong muốn gây chấn thương để chấm dứt sự nghiệp thể thao của
đối thủ, chỉ để ngăn cản họ thi đấu.
Có một mối liên hệ rất rõ ràng giữa sự tập trung vào chiến thắng và niềm tin vào hành vi
hiếu chiến và thiếu tinh thần thể thao. Người thắng cuộc sẽ nhận được cúp, giải thưởng, sự chú ý
của giới truyền thông và danh tiếng cũng như cơ hội nâng cao trình độ. Phần thưởng rất giá trị, do
đó để đạt được những lợi ích đó thì vận động viên học cách thực hiện hầu như mọi điều bao gồm
cả hành động bạo lực. Vì lý do đó, hành vi bạo lực ngày càng phổ biến trong thế giới thể thao.
Tóm lại, bạo lực trên thực tế không hề tồn tại khi người ta chơi thể thao trên tinh thần giải
trí, không đặt nặng thắng bại. Quy định cơ bản được thiết lập để tổ chức thi đấu, quy định cấm
đoán để ngăn hành động gây tổn hại đến đối thủ, quy định về tinh thần thể thao hạn chế tình trạng

39
vận động viên vi phạm quy tắc đạo đức trong thi đấu. Bạo lực gia tăng khi người tham gia thi đấu
thể thao quá chú trọng đến chiến thắng và phần thưởng.
V.3. Quy chuẩn đạo đức trong thể thao
Bạo lực phổ biến trong lĩnh vực thể thao đòi hỏi cần có quy chuẩn đạo đức bao gồm các
nguyên tắc đạo đức điều chỉnh hành động bạo lực. Quy chuẩn đạo đức là quy tắc phổ thông áp
dụng cho mọi tình huống dựa trên cơ sở là nguyên tắc đạo đức không thể phủ nhận được. Sau đây
là danh sách các quy tắc đạo đức chung, cơ bản nhất cần hướng đến, có thể hạn chế hoặc ít nhất
là giảm bạo lực thể thao:
1) Người chơi thể thao thật sự chơi thể thao bằng khả năng tốt nhất của mình trong khuôn khổ
và theo tinh thần của luật.
2) Hành vi tìm kiếm chiến thắng có thể chấp nhận được chỉ khi khuôn khổ và tinh thần của
luật được tuân thủ.
3) Đối thủ không phải là kẻ thù mà là một vận động viên, một đồng nghiệp xứng đáng được
đối xử theo cách giống như ai cũng mong muốn nhận được.
4) Sự trả thù không bao giờ có thể được chấp nhận bất kể có sự bất công hay bạo lực trong
hành động khởi đầu.
5) Các trận đấu không dành cho hành vi đe dọa; mục đích lý tưởng của chúng là sân chơi
chung cho những người xuất sắc so tài thông qua thi đấu bình đẳng và công bằng.
6/ Tinh thần thể thao chân chính cần có sự khiêm tốn và tính nhân đạo. Sự vinh quang, lời
ngợi ca cho người chiến thắng, và lòng tự trọng cho người bại trận.
V.4. Tác động của bạo lực đến thể thao
Lý do bạo lực tồn tại
Nhiều lý thuyết tâm lý và xã hội học bàn về lý do bạo lực diễn ra trong lĩnh vực thể thao.
Một lý thuyết cho rằng vận động viên thể thao thường có khuynh hướng hiếu chiến, một trong
những tính cách để tồn tại và thành công trong thi đấu thể thao, và cần phương tiện xã hội chấp
nhận để giải tỏa. Một lý thuyết khác cho rằng thể thao nuôi dưỡng bạo lực thông qua cấu trúc và
kỷ luật của lĩnh vực này. Theo đó thì chỉ những người có thể hòa mình vào một môi trường đầy
áp lực, tưởng thưởng cá nhân, cần sức mạnh, có hành vi bạo lực thì mới có thể tồn tại và tiến
triển trong một số loại hình hoạt động thể thao, thí dụ, bạo lực thường xảy ra ở các môn đối
kháng trực tiếp hơn là các môn đối kháng gián tiếp. Cuối cùng, một lý thuyết nghiên cứu xã hội
chỉ ra rằng bạo lực xảy ra mang tính được mô phỏng, nghĩa là con người bắt chước các hành vi để
đạt đến thành công và được khen thưởng.
Ngoài ra, các giá trị xã hội đã thay đổi đáng kể. Trong lĩnh vực thể thao, ngôn ngữ và cử
chỉ tục tĩu, hành vi đe dọa bằng lời nói và thể chất, những cú chơi xấu tệ hại, cố tình gây chấn
thương, thủ đoạn nhằm tác động xấu đến tâm lý đối phương, lợi thế chiến lược, đánh nhau, cãi
nhau kịch liệt, thủ đoạn chiến thắng bằng cách khiến đối thủ xao lãng, … hầu hết đều xuất hiện
gần đây. Nhiều huấn luyện viên và vận động viên rất muốn quyền hành, đặc quyền và đôi khi là
cương vị ngôi sao khi tham gia thể thao nhưng lại từ chối nhận trách nhiệm liên quan đến việc
thừa hành quy chuẩn đạo đức đã trình bày ở phần trước.
40
Bạo lực xảy ra trong thể thao do luật quy định chưa chặt chẽ hay do những người quản lý
để hành vi này diễn ra mà thiếu sự trừng phạt nghiêm khắc và do các vận động viên thất bại trong
việc giữ mình theo đúng tinh thần của luật. Vận động viên ở mọi cấp nhanh chóng học được
những gì họ có thể và không thể làm theo hướng vận dụng luật để đạt được lợi thế nhất trong thi
đấu.
Việc lập ra quy định để ngăn chặn bạo lực thể thao thoạt trông có vẻ dễ dàng, tuy nhiên
thực tế cho thấy nhiều quy định chưa thực sự có hiệu quả. Một số huấn luyện viên và vận động
viên dường như chỉ mới quan tâm đến câu chữ của quy định chứ chưa phải là tinh thần. Trừ phi
những người tham gia thể thao thực sự tôn trọng sự an toàn của đối thủ, luật chơi công bằng, và
tính chính trực trong thể thao, nếu không thì cần phải viết lại nhiều quy định để hạn chế cơ hội lợi
dụng lợi thế của một số người. Những nhà viết luật có nên cụ thể hóa ngôn từ trong các quy định
cũng như giải thích tinh thần của luật? Nói cách khác, luật có nên bao gồm lời giải thích tại sao
luật đó được đưa ra và áp dụng như thế nào để đạt được tinh thần công bằng trong thi đấu thể
thao? Các nhà quản lý cần đẩy mạnh áp dụng luật một cách nhất quán, tăng cường hình phạt, đưa
ra hình phạt nghiêm khắc phù hợp với lỗi vi phạm và quan tâm đến các hành động khởi đầu bạo
lực.
Huấn luyện hành vi bạo lực
Thực tế cho thấy, nhiều huấn luyện viên dạy cho vận động viên của mình các cách thức
thực hiện các tiểu xảo liên quan đến hành vi bạo lực để chiếm ưu thế so với đối thủ, nhất là trong
thể thao chuyên nghiệp. Nếu huấn luyện viên hướng dẫn đội mình chiến thắng trong khuôn khổ
và tinh thần luật, họ sẽ không cố chiếm ưu thế theo cách vi phạm luật công bằng. Hành vi bạo lực
thường thâm nhập vào tâm trí con người và họ sẽ bắt chước thực hiện sau khi xem phim, quảng
cáo, chương trình, tường thuật thể thao trên các phương tiện thông tin đại chúng và màn hình lớn
tại các địa điểm thi đấu. Vận động viên trẻ nhìn thấy hành động thô bạo nhưng không có lời bình
luận về tính phù hợp, đồng thời khi những thước phim bạo lực được xã hội chào đón thì họ hiểu
lầm rằng hành vi bạo lực được xã hội cho phép và thậm chí còn mong nó xảy ra.
Các huấn luyện viên đều nhận thấy hành vi bạo lực và thường đưa vào nội dung huấn
luyện. Phụ huynh và những người hâm mộ thường nhận định các hành vi đó đơn giản là “cách
trận đấu diễn ra”, chấp nhận và đôi khi ủng hộ hành vi bạo lực trong thể thao khi hành vi đó
mang lại lợi thế cho vận động viên hay đội thể thao mình ủng hộ. Đã có sự kiện người cha của
một học sinh trung học đã mài sắc các góc cạnh trên mũ bảo hiểm của con trai mình trong môn
bóng đá Mỹ, nhằm cứa và gây thương tích cho đối thủ khi va chạm vào chiếc mũ trong thi đấu.
Hành vi với ý định tàn nhẫn đó đã gợi ý cần có giới hạn cho việc chiếm thế thượng phong thiếu
đạo đức trong thi đấu.
Cấp độ thi đấu càng cao thì sức ép thi đấu bạo lực từ huấn luyện viên, cổ động viên đối
với vận động viên càng tăng. Cầu thủ bóng đá Mỹ chuyên nghiệp thường được khắc họa và có
hình ảnh hung hăng trong tâm trí mọi người. Truyền thông tán dương những pha thi đấu khốc liệt
giữa hai đội. Bill Romanowski, người phòng thủ của đội Denver Broncos, đã được ca ngợi về sự
hung hăng và khả năng “tàn phá” đối thủ trên sân. Một số vận động viên cho biết họ dùng steroid

41
chuyển hóa và thuốc kích thích vì những dược phẩm này giúp tăng tính hiếu chiến và thường thúc
đẩy hành động vượt kiểm soát.
Lý do hành vi bạo lực được bỏ qua
Bạo lực tiếp diễn một phần vì nhiều người hâm mộ thích vậy, truyền thông khiến bạo lực
trở nên quyến rũ, và bạo lực giúp vận động viên chiến thắng. Họ anh hùng hóa hình ảnh các vận
động viên có nhiệm vụ đe dọa và làm đối thủ chấn thương. Thí dụ, trong bóng đá Ý, một số cầu
thủ nổi tiếng về lối chơi thô bạo, luôn dùng những tiểu xảo để ngăn cản đối phương như Claudio
Gentile (Juventus – tuyển Ý), Paolo Montero (Juventus), Romeo Benetti (Juventus & Milan),
Marco Materazzi (Inter – tuyển Ý)…cũng nhiều lần được các huấn luyện viên hay giới truyền
thông ca ngợi về những đóng góp đáng kể cho sự thành công của đội nhà, sự lên án hay phê phán
lối chơi thô bạo là không đáng kể, thậm chí là không bị phê phán khi đội nhà giành được chiến
thắng.
Một cuộc tranh luận bất tận về vấn đề bạo lực trên sân băng thúc đẩy sự phát triển và tầm
ảnh hưởng của môn thể thao khúc côn cầu trên băng. Một số ý kiến cho rằng các trận đánh nhau
tăng sự hấp dẫn của trận đấu, trong khi ý kiến ngược lại không tán thành vì trong tình huống đó
không có kỹ năng thể thao nào được vận dụng. Trước đây, khúc côn cầu trên băng vốn đã tồn tại
với hình ảnh là một môn thể thao bạo lực, nếu không hẳn đã có luật ngăn cấm hành động bạo lực
này. Ủy ban đạo đức thể thao Canada (Canada’s Fair Play Commission) kết hợp với Chương
trình phát triển Hockey Quốc tế của Canada (International Hockey Program of Canada) tạo nên
một tia hy vọng khi quyết định sẽ quảng bá các chương trình phát triển môn khúc côn cầu trên
băng ở cấp độ nghiệp dư và chuyên nghiệp không có yếu tố bạo lực dựa trên cơ sở mối quan tâm
về giáo dục và hình ảnh đạo đức của môn thể thao này.
Lý do và cách tưởng thưởng hành vi bạo lực
Bạo lực ngoài việc được huấn luyện và tán dương còn được tưởng thưởng. Bạo lực mang
lại lợi ích cho vận động viên khi luyện tập và giúp anh ta chiến thắng. Hành vi hung hăng trong
bóng rổ là một thí dụ điển hình. Vận động viên sẽ rất hiếu chiến chừng nào chưa bị tuýt còi. Họ
thích nghi với điều chỉnh của trọng tài và cư xử bạo lực đến cận giới hạn phạm vi cho phép. Hành
động giữ và đẩy đối thủ giúp vận động viên phòng thủ hiệu quả và hạn chế đối phương ghi điểm.
Khi các hành động đó mang lại vinh quang và thậm chí là chức vô địch thì sẽ được công nhận và
tưởng thưởng.
Nhiều hành vi bạo lực được áp dụng để đe dọa đối phương. Khi người phòng thủ dàn
hàng ngang tạo tầm đón bóng rộng với thái độ hằn học, điều này có nghĩa là “cứ lao vào đây rồi
sẽ phải trả giá”. Trong thể thao nhà nghề, bên cạnh hình ảnh của những tài năng thể thao thực sự
thì hình ảnh vận động viên hung hăng thường có mặt trong những thước phim nổi bật, nhận được
hợp đồng lớn và thương lượng được mức lương cao. Vận động viên nếu có thể sử dụng hành
động bạo lực và chiến thắng đối thủ thì nhận được nhiều sự hâm mộ và yêu mến nhất là từ phái
nữ, điểm thưởng và các khoản tiền kín đáo. Vận động viên trẻ được dạy cách đe dọa đối phương
bằng lời nói nhanh chóng nhận ra rằng hành động hiếu chiến được người lớn đánh giá cao.

42
Thực tiễn cho thấy, đôi khi hành vi bạo lực lại được tưởng thưởng. Từ đó nhiều cá nhân
khi tham gia thể thao lại không tin rằng hành vi bạo lực thể thao là sai trái. Nếu vận động viên tin
rằng các hợp đồng sinh lợi, sự cổ vũ trên toàn quốc, danh tiếng trong trường học, tình bạn và
nhiều đặc quyền đặc lợi khác sẽ đến từ vinh quang, anh ta có thể sẽ chọn cách thi đấu bạo lực để
giành lợi ích.
Tác động của bạo lực đến thể thao
Bạo lực làm xói mòn các giá trị có thể học được từ thể thao và nhạo báng ý nghĩa của thể
thao. Khi được chấp nhận, bạo lực tạo ra nguy cơ giảm thiểu thậm chí triệt tiêu tính công bằng,
hợp tác và kỷ luật bản thân trong thể thao. Đối nghịch về đạo đức với hành động thi đấu công
bằng, hành vi bạo lực được áp dụng để đạt được ưu thế không theo khuôn khổ và tinh thần luật.
Ngược lại, luật chơi công bằng yêu cầu sự tuân thủ quy định nhằm bảo đảm cơ hội đồng đều cho
tất cả mọi người. Sự hợp tác cần có tinh thần sẵn sàng hành động vì điều tốt cho tất cả mọi người,
cho trận đấu và cho cả đội. Trong khi vận động viên có khuynh hướng hành động bạo lực chỉ
quan tâm chủ yếu đến bản thân và thành công cá nhân thì vận động viên tuân thủ nguyên tắc sẽ
không gây chấn thương hay làm hại một đối thủ nào để đạt thế thượng phong.
Thể thao có thể được định nghĩa là thi đấu và hoạt động thể hiện tài năng và kinh nghiệm
trong đó khâu tổ chức và luật chơi đóng vai trò quan trọng. Ý nghĩa thật sự của thể thao đòi hỏi
sân chơi công bằng và bình đẳng, trong đó mỗi vận động viên đều có cơ hội như nhau để thành
công. Khi bất kỳ cá nhân hay đội nào sử dụng hành vi bạo lực, ý nghĩa và tinh thần của thể thao
đã bị xói mòn.
Một tác động khác của bạo lực đến ý nghĩa xã hội của thể thao. Lawrence Phillips giúp
đội của trường anh – Đại học Nebraska – thắng liên tiếp trong giải vô địch quốc gia bằng phong
cách hiếu chiến, đã được huấn luyện viên bảo vệ và cho phép tiếp tục ở trong đội sau một quyết
định đình chỉ dù anh ta đã cưỡng hiếp một vận động viên nữ tại trường đó. Mặc dù đây chỉ là một
trong những hành động ngu ngốc của một vận động viên sinh viên, phải thừa nhận trong số các
hành động bạo lực của vận động viên là sinh viên có hoạt động hiếp dâm, đánh nhau tại quán
rượu hay ký túc xá và bắn nhau do vấn đề liên quan đến ma túy. Ngoài ra còn có những trường
hợp vận động viên ở nhiều lứa tuổi phạm tội giết người, buôn bán ma túy, cưỡng dâm và hành
hung có vũ khí… Tuy nhiên, về mặt thống kê không có nhiều vận động viên bạo lực nhưng giới
truyền thông chọn cách công bố những hành vi không đúng đắn của một số vận động viên vì sự
nổi tiếng của họ.
V.5. Đề xuất
Trước khi tìm cách kiểm soát bạo lực, những người tham gia thể thao phải nhìn nhận mức
độ lan tỏa của khía cạnh này. Một cuộc khảo sát tại Mỹ đã xác định được các loại hình bạo lực
phổ biến trong thể thao sau: các huấn luyện viên đánh đập vận động viên của mình hoặc xúc
phạm họ bằng lời nói, hành động; người hâm mộ nổi loạn trên khán đài và ném đồ vật vào trọng
tài hay các vận động viên đội khách; Vận động viên cố tình gây chấn thương cho đối thủ; các bậc
phụ huynh tấn công quan chức thể thao, những vận động viên trẻ khác và huấn luyện viên.

43
Qua các loại hình bạo lực trên, có thể thấy hành vi bạo lực của người hâm mộ, khán giả
có mức độ và quy mô gây ra những “thảm họa” thực sự cho xã hội và hình ảnh thể thao. Có thể
thấy qua một số thảm họa nổi bật do khán giả gây ra trong các trận thi đấu bóng đá: Ngày
24/5/1964, trận đấu vòng loại Olympic giữa Peru và Argentina ở Lima, số người thiệt mạng: 318
hơn 500 người khác bị thương.
Trận chung kết cup Châu Âu giữa Liverpool (Anh) và Juventus (Ý) trên sân vận động Heysel
(Bỉ), ngày 29/5/1985: 39 người đã thiệt mạng, thảm họa này đã được gọi là "giờ đen tối nhất
trong lịch sử các cuộc đấu của Liên đoàn bóng đá Châu Âu”. Ngày 15/4/1989 tại trận bán kết FA
Cup giữa Liverpool và Nottingham Forest, một góc khán đài trên sân Hillsborough đã bị sụp
suống khiến 96 người tử vong. Trong tháng 4/2001, 4 vụ thảm họa bóng đá lớn đã diễn ra tại
châu Phi. 43 người chết, 250 người bị thương trong một trận đấu tại Nam Phi. 14 người chết, 51
người bị thương tại Congo và 1 người chết, 39 người bị thương sau một cuộc đụng độ giữa cảnh
sát và CĐV ở Bờ Biển Ngà. Tại giải Vô địch quốc gia Ghana giữa Asante Kotoko và Hearts of
Oak, 126 người chết và rất nhiều người khác bị thương. Ngày 1/2/2012 diễn ra cuộc bạo loạn
đáng quên trong lịch sử bóng đá Ai Cập, 73 người đã chết trong một cuộc ẩu đả diễn ra ngay trên
khán đài sân vận động giữa các cổ động viên đội bóng đá chủ nhà al Masry và đội khách al-Ahly.
Bằng nhiều biện pháp ngăn chặn từ các chính phủ, Liên đoàn, câu lạc bộ, sân tổ chức…
tình hình hiện nay đã được cải thiện hơn rất nhiều so với thời kỳ đỉnh cao của các hooligan những
năm 1970 và 80, khi mỗi cuối tuần đều có người chết hay bị thương vì bóng đá. Bóng đá ngày
nay đã văn minh và đỡ chết chóc hơn rất nhiều.
Cần có nhiều biện pháp kiểm soát nhằm loại bỏ hoặc ít nhất là hạn chế bạo lực trong thể
thao. Trong thể thao trẻ, quan chức liên đoàn và trọng tài nên giáo dục và thúc đẩy tuân thủ luật
và giá trị đạo đức thể thao. Không nên dung thứ bất kỳ hành vi vi phạm của bất cứ vận động viên
hay huấn luyện viên nào; cần có hình phạt nhanh chóng và thích hợp cho các hành vi đó. Bất kỳ
người trưởng thành nào – huấn luyện viên, phụ huynh hay người hâm mộ - dính dáng đến hành vi
bạo lực đều bị cấm vĩnh viễn đến khu vực ghế ngồi nghỉ của các đội hay thậm chí vào khán đài.
Thể thao trường học dưới sự chỉ đạo của các nhà quản lý trường học và huấn luyện viên
nên có các quy định chặt chẽ ban hành nhằm điều khiển các chương trình hoạt động. Tất cả luật
lệ về thể thao, liên đoàn, trường học và đội tuyển cần được tuân thủ và phải có những quy định
nghiêm ngặt ngăn chặn hành vi bạo lực và vi phạm đạo đức. Huấn luyện viên cần có trách nhiệm
đưa quy định giáo dục đạo đức, tinh thần thể thao chân chính vào nội dung huấn luyện và phát
triển kỹ năng cho vận động viên chứ không phải chỉ cho mục tiêu duy nhất là thành tích họ đạt
được. Phụ huynh và người hâm mộ cần tuân thủ quy tắc hành xử có trách nhiệm hoặc bị tước
quyền xem trận đấu. Vận động viên phải chơi theo quy định cơ bản, quy định cấm đoán và tinh
thần thể thao kể cả tuân theo khuôn khổ và tinh thần luật chơi của môn thể thao chuyên môn; nếu
không họ sẽ bị loại khỏi đội.
Tương tự, vận động viên các trường đại học nên được yêu cầu tuân thủ theo đúng luật thể
thao và đường lối của đội. Nên giảm thiểu thái độ tập trung chiến thắng bằng mọi giá – rất hay
dẫn đến hành vi phạm luật. Trường đại học, bộ môn huấn luyện và huấn luyện viên nên thống
nhất với vận động viên rằng lựa chọn chơi thể thao hoặc sự chấp nhận học bổng sẽ quy định

44
nghĩa vụ của họ là vận dụng hết khả năng để thi đấu chứ không phải suy mưu tính kế hành vi bạo
lực để chiến thắng.
Các trường đại học nên ra quy định kiềm chế người ủng hộ và hâm mộ có ham muốn
chiến thắng vô độ. Điều này dễ thực hiện hơn nếu trường học (chứ không phải là tổ chức độc lập
nào) là đơn vị tổ chức các chương trình và quy định huấn luyện viên sẽ được đánh giá dựa trên cơ
sở thành tích thể thao, học tập và phát triển về mặt xã hội, không phải dựa trên số lần chiến thắng.
Ngoài ra, các trường cần ràng buộc người hâm mộ, sinh viên, nhân sự quản lý sinh viên, huấn
luyện vên và vận động viên với một quy chuẩn đạo đức nhằm ngăn ngừa bạo lực trong và xung
quanh môi trường thể thao.
Mặc dù kiểm soát bạo lực ở cấp độ chuyên nghiệp còn khó khăn hơn, dù sao việc đó cũng
rất quan trọng và hoàn toàn khả thi. Vì nghề nghiệp của vận động viên không phải là bất định,
nhà quản lý liên đoàn và đội tuyển nên ra lệnh không dung thứ hành vi bạo lực và sẽ áp dụng
hình phạt nhanh chóng và nghiêm khắc. Có thể cần đến 1 hay 2 vụ việc cũng như quyết định phạt
để tăng độ nghiêm túc nhưng một thông điệp rõ ràng sẽ ngăn chặn tốc độ lan tỏa của bạo lực.
Một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp cần hỗ trợ như thế nào khi chống lại một người hâm
mộ tấn công? Thông qua các giải pháp như mời cảnh sát giải quyết hay thông báo trục xuất người
vi phạm ra khỏi sân, tăng cường các biện pháp kiểm soát người hâm mộ, an ninh cho trận đấu…
Truyền thông cũng cần hỗ trợ giáo dục lại người hâm mộ bằng cách ngưng tán dương và phổ biến
hành vi bạo lực trong thể thao. Điều này sẽ có ích cho mọi cấp độ thể thao, đặc biệt tại các giải
chuyên nghiệp.
Dù các biện pháp kiểm soát trên có thể giảm bớt bạo lực trong thể thao, một giải pháp có
thể là biến đổi tình thế hiệu quả là tổ chức một chương trình giáo dục đạo đức toàn diện dành cho
huấn luyện viên, vận động viên, phụ huynh, người hâm mộ, nhà quản lý và giới truyền thông.
Chương trình này sẽ tập trung vào các giá trị, quy chuẩn và tư duy nhận thức đạo đức. Các
nguyên tắc và khái niệm về tư duy nhận thức đạo đức sẽ gợi lên giá trị và cam kết của các đối
tượng. Các giá trị đạo đức hướng dẫn hành vi là công bằng, chân thật, trách nhiệm và nhân đạo.
Nguyên tắc dựa trên các giá trị này tương ứng là không bất công, không dối trá – lừa đảo – trộm
cắp, không vô trách nhiệm, không cư xử thiếu văn minh. Cần có phần thảo luận về giá trị và đạo
đức học, từ đó ai tham gia thể thao đều có cam kết. Một chương trình giáo dục đạo đức như vậy
sẽ hoàn toàn hướng sự chú ý của các đối tượng tham gia vào những giá trị nên có của thể thao.
Có lẽ cần sự khẳng định tuyên bố của các đội trưởng đại diện cho mọi vận động viên: “Chúng tôi
ở đây hôm nay để chơi hết mình và không hề có ý định gây tổn hại cho đối thủ. Chúng tôi hy
vọng rằng tất cả chúng ta là những người tham gia thể thao tốt và thi đấu trong khuôn khổ và theo
tinh thần luật lệ. Chúng tôi kêu gọi bạn giúp chúng tôi thực hiện tốt nhiệm vụ. Chúng tôi đề nghị
bạn cổ vũ cho những người xuất sắc. Và, chúng tôi yêu cầu bạn không giễu cợt hay chê bai chúng
tôi khi thi đấu dù theo cách nào. Chúng tôi cần sự giúp đỡ của quý vị. Hãy cùng là người tham
gia thể thao tốt!”
Vấn đề thảo luận
Peter bắt đầu chơi đá bóng ở vị trí phòng thủ kể từ khi lên 8 tuổi. Cậu thích hành vi cản
phá đối phương một cách mạnh mẽ để nhận được cái nhìn kính nể của các đối thủ trên sân. Lúc
nào cậu cũng được chơi trong đội tranh giải vô địch trường phổ thông cơ sở và trường trung học.
45
Huấn luyện viên nào cũng thích phong cách hung hăng của cậu, nhờ vào đó cậu đã được chọn
vào đội tuyển ở trường đại học.
Vào năm nhất, Peter bắt đầu học các kỹ thuật mới để chơi môn thể thao ưa thích. Cơ thể
to lớn và sức mạnh của Peter không phải là nổi bật trong đội bóng trường đại học theo tiêu chuẩn
tuyển chọn về chiều cao và cân nặng. Peter được huấn luyện cách chơi xấu mà không bị phát
hiện, kỹ thuật thoát không đúng luật và cản đối phương nhằm mục đích gây chấn thương và loại
đối phương. Ban đầu Peter căng thẳng khi sử dụng các thủ đoạn đó nhưng chẳng mấy chốc cậu
nhận ra nếu không làm vậy thì người khác nhận làm sẽ vào thay vị trí của cậu. Vì vậy Peter tập
thành thục các kỹ thuật này và các kỹ thuật bạo lực khác để chống lại đối phương và giúp đội
mình đạt được thành công.
Đội của Peter thắng hai giải lớn trong những năm cậu học đại học và đều có sự góp mặt
của Peter. Dường như vận động viên nào ở vị trí phòng thủ cũng đều được huấn luyện kỹ thuật
giống nhau vì đội của Peter được biết đến do hành động cản phá thô bạo cũng như vi phạm luật.
Họ dẫn đầu về số lần bị phạt và hầu hết rơi vào các vận động viên phòng thủ.
1) Hoạt động thi đấu đã khiến Peter trở thành nạn nhân của sự bạo lực như thế nào?
2) Sự chấp nhận tham gia hành vi bạo lực cho thấy điều gì về tư duy nhận thức đạo đức
của Peter?
4) Hành vi đạo đức mâu thuẫn với mục tiêu chiến thắng bằng mọi cách theo khía cạnh
nào?
5) Peter nên xử sự như thế nào để là người có trách nhiệm đạo đức? Bạn sẽ làm gì nếu là
Peter?
Câu hỏi ôn tập

1/ Có bao nhiêu đối tượng của hành vi bạo lực? Cho thí dụ.
2/ Trình bày các loại quy định cơ bản ngặn chặn bạo lực thể thao.
3/ Động cơ phổ biến nhất của hành vi bạo lực là gì? Nêu các tác nhân của hành vi bạo lực?
4/ Thế nào là quy chuẩn đạo đức? Nêu 6 quy chuẩn đạo đức thể thao cơ bản nhất để ngăn
chặn bạo lực thể thao.
5/ Trình bày các tác động của bạo lực đến thể thao.

46
CHƯƠNG VI Tư cách phù hợp trong thể thao
VI.1. Cơ sở lịch sử và xã hội học
Trong lĩnh vực thể thao vấn đề tư cách phù hợp rất được quan tâm. Nếu kết quả không
thuộc phạm trù đạo đức của chiến thắng vượt trên tầm quan trọng của việc thi đấu vì thể thao thì
những người tham gia sẽ có động cơ làm mọi việc cần thiết để thắng trận. Vì vận động viên theo
đuổi chiến thắng một cách mãnh liệt nên quy chế về tư cách phù hợp cũng không ngừng được
khai thác một cách khéo léo và sáng tạo ở mọi cấp thi đấu. Cùng với quá trình tìm kiếm chiến
thắng bằng mọi giá, sẽ xuất hiện hành vi trái đạo đức liên quan đến tư cách và giá trị không thuộc
phạm trù đạo đức thay thế các giá trị đạo đức công bằng, chân thật, trách nhiệm và nhân đạo. Từ
góc nhìn lịch sử và xã hội học, hành vi của một số vận động viên, huấn luyện viên và nhà quản lý
thể thao cho thấy họ trân trọng chiến thắng hơn lối chơi công bằng, tuân thủ luật và hành động có
trách nhiệm.
Trong các môn thể thao giải trí thường không có quy định về tư cách phù hợp. Mọi người
tự nguyện đến tham gia với mục đích tìm niềm vui, kết bạn và tập luyện tăng cường sức khỏe,
không coi trọng thắng thua. Nhưng khi chiến thắng trở thành quan trọng, thí dụ như có xuất hiện
cá cược kết quả thì một số người sẽ cố lén lút gian lận để thay đổi tình thế trận đấu.
Có một thí dụ về điều có thể xảy ra khi thiếu luật quy định về tư cách phù hợp trong thể
thao liên quan đến bóng chày nghiệp dư ở thập niên đầu cuối thế kỷ 19. Lúc đó, môn thể thao này
thiếu quy định chính thức và nhất quán do ý nghĩ không cần thiết quy định về tư cách phù hợp
tham gia thi đấu. Tuy nhiên khi người ta bắt đầu chú trọng tầm quan trọng của chiến thắng hơn
thì các đội bắt đầu tuyển dụng và trả lương cho những vận động viên giỏi nhất. Dù không vi
phạm luật về tư cách phù hợp do chưa có quy định nào, nhưng hành vi đó đã gợi lên sự giận dữ
giữa những người tham gia thi đấu. Điều tương tự cũng xảy ra trong quá trình phát triển của Hiệp
hội Thể thao nghiệp dư Mỹ (Amateur Athletic Union), các câu lạc bộ sử dụng các vận động viên
hoạt động theo tính cách chuyên nghiệp để tham dự các giải đấu nghiệp dư nhằm giành chiến
thắng do chưa có luật hay quy định về tư cách phù hợp của người tham dự. Do đó có thể thấy
hiện tượng sự vi phạm luật tư cách phù hợp đã tồn tại từ lâu trước khi thể thao được tổ chức theo
các cấp độ khác nhau.
Thể thao trẻ
Các vấn đề về tư cách bắt đầu xuất hiện trong lĩnh vực thể thao cho giới trẻ liên quan đến
các vấn đề tuổi tác, cân nặng, nơi cư trú và giới tính. Ngày nay, các vấn đề liên quan đến luật
ngăn cản phụ nữ tham gia các chương trình thể thao giành cho nam giới đã dần bị loại bỏ. Tuy
nhiên các vấn đề liên quan đến 4 yếu tố trên vẫn còn tồn tại. Nhằm bình đẳng hóa thi đấu và tránh
gặp rắc rối, nhiều giải thể thao trẻ phân nhóm vận động viên theo lứa tuổi do những người cùng
lứa tuổi có cân nặng và chiều cao tương đối giống nhau. Về vấn đề nơi cư trú, các chương trình
thể thao trẻ thường được các đơn vị phụ trách giải trí công cộng tài trợ. Theo quy định của các
chương trình này, những người sống trong phạm vi địa lý của địa phương hỗ trợ tài chính cho
chương trình sẽ có tư cách tham gia thi đấu. Phụ huynh ký đơn và xác nhận họ sinh sống trong
một quận, thành phố hay cộng đồng. Những quy định này được đặt ra vì các gia đình đóng thuế
cho một khu vực nào đó sẽ hỗ trợ và bảo đảm lực lượng vận động viên nhiều trình độ khác nhau
47
cho các đội tuyển. Tuy nhiên, do động lực của chiến thắng, nhiều vấn đề liên quan đến nơi cư trú
bắt đầu xuất hiện. Một số phụ huynh khai sai thông tin ngày sinh và điền địa chỉ cư trú trong đơn
không đúng. Một vận động viên khai thấp tuổi hơn sẽ có lợi thế về hình thể và kỹ năng. Liên
quan đến vấn đề cân nặng, khác với bóng đá Mỹ hạn chế hạng cân của cầu thủ nhằm hạn chế
chấn thương xảy ra cho những người thấp bé nhẹ cân hơn, các môn võ thuật đưa ra luật quy định
khá rõ ràng về vấn đề hạng cân. Vận động viên trẻ thường được phụ huynh, huấn luyện viên và
những người xung quanh khuyến khích tập luyện giảm cân hết mức có thể trước khi kiểm tra
hạng cân thi đấu. Cách nhanh nhất để trẻ con giảm cân nhanh trong vòng 12 - 24 tiếng là giảm
lượng calo hấp thu, mặc áo nhựa tổng hợp hay cao su khi tập luyện, và/hoặc uống thuốc lợi tiểu.
Bất chấp luật quy định về vấn đề ép cân nhằm hạn chế chấn thương và tử vong của vận động viên
trong các môn võ thuật ở tất cả các cấp thi đấu, hoạt động tập luyện nguy hiểm này vẫn diễn ra.
Về lý thuyết chương trình thể thao cho giới trẻ nào cũng hướng đến sự vui thích, rèn
luyện sức khỏe, giáo dục và dựa trên tinh thần tự nguyện tham gia của thanh thiếu niên. Tuy
nhiên hành động của một số bậc phụ huynh, giáo viên, huấn luyện viên, nhà quản lý cho thấy họ
sẵn lòng làm mọi việc để đạt được thành tích cao nhất. Có các huấn luyện viên cũng như phụ
huynh vi phạm luật thi đấu. Vận động viên trẻ học được những bài học thiếu tính đạo đức từ cha
mẹ và huấn luyện viên, những người vô trách nhiệm khi cho họ thấy quan điểm luật về tư cách
được đưa ra để khơi mào cho hành vi vi phạm luật và lách luật. Vận động viên trẻ trở thành nạn
nhân trong trường hợp này vì họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc theo tính toán của người
lớn dù hướng dẫn đó đúng hay sai.

48
Một thí dụ minh họa về vấn đề gian lận tuổi trong thể thao Trung Quốc vừa được công bố
trên Nhật báo Thành Đô ngày 29/3/2013 với tiêu đề “95% cầu thủ Trung Quốc gian lận tuổi”
(theo báo tin tức Việt Nam, 31/3/2013). Do cạnh tranh quyết liệt, nên giữa các tỉnh đã xuất hiện
tình trạng tố cáo nhau và 4 cầu thủ chuyên nghiệp phát hiện khai man tuổi tác. Sở dĩ họ khai man
như vậy chủ yếu là nghe theo “gợi ý” của đội bóng địa phương, nếu không làm đúng, họ không
thể tham gia vào đội tuyển địa phương, cũng không thể kéo dài cuộc đời cầu thủ. Hệ quả là sau
khi bị phát hiện, 4 cầu thủ này đã phải nhận án phạt cấm thi đấu nửa năm từ Liên đoàn Bóng đá
Trung Quốc. 
Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Một số câu lạc bộ cũng thừa nhận các
tuyển thủ thường sửa tuổi trước khi bước vào thi đấu chuyên nghiệp, nhưng giới chức câu lạc bộ
chỉ có thể “lờ đi” vì đó đã trở thành quy tắc ngầm truyền thống. Thậm chí, theo một quan chức
Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc từng tham gia vào cuộc điều trần trừng phạt các cầu thủ khai man
tuổi tác tiết lộ: “Tuyệt đại đa số cầu thủ đang chơi ở giải Super League và giải hạng A đều đã thay
đổi tuổi tác, 100% thì không dám nói, nhưng chí ít là 95%”.
Cho dù mấy năm lại đây, Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc đẩy mạnh tấn công nạn gian lận
tuổi tác của cầu thủ, nhưng theo Nhật báo Thành Đô, ban đầu Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc
cũng tham gia vào việc sửa đổi tuổi tác của cầu thủ. Năm 2008, Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc
thành lập đội tuyển U16 tham gia giải U16 châu Á, một số cầu thủ sinh đã được Liên đoàn Bóng
đá Trung Quốc sửa tuổi để đủ tư cách tham gia. Không chỉ có vậy, một cầu thủ Thiên Tân khi
tham gia giải U19 châu Á khai tuổi khác với khi tham gia AFC Champions League, khiến Liên
đoàn Bóng đá Trung Quốc phải chịu sự trừng phạt của Liên đoàn Bóng đá châu Á.
Một nguồn thạo tin trong giới bóng đá Trung Quốc nói với Nhật báo Thành Đô rằng thông
thường việc sửa tuổi được tiến hành theo phương thức giảm bớt độ tuổi của cầu thủ để giành lấy
ưu thế “lấy lớn đánh bé”.
Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ. Năm 2004, Trong số 36 tỉnh, thành đã nộp báo cáo
cho Ủy ban Thể dục thể thao về kết quả kiểm tra gian lận tuổi, có đến 23 địa phương thừa nhận
có sai phạm về tuổi vận động viên. Để tránh việc gian lận tuổi và tráo người trong các giải thi
đấu, Ủy ban Thể dục thể thao đã ra yêu cầu từ sau ngày 30-11-2004 tất cả các vận động viên khi
tham dự các giải đấu phải xuất trình thẻ, chứng minh thư hoặc giấy khai sinh bản chính. Việc làm
này của Ủy ban Thể dục thể thao là một biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn những tiêu cực như
tráo tên, gian lận tuổi trong thời gian gần đây. Theo thống kê của Ủy ban Thể dục thể thao đã có
trên 100 vận động viên phải chịu các mức kỷ luật như truất quyền thi đấu, tước huy chương.
Ngay cả các cán bộ, huấn luyện viên có vận động viên sai phạm cũng phải chịu án kỷ luật. Hơn
thế nữa Nghị định 141/2004/NĐ -CP ngày 1-7-2004 đã ban hành những quyết định về xử phạt vi
phạm hành chính trong lĩnh vực TDTT đối với những vận động viên, cán bộ, huấn luyện viên
mắc sai phạm. Đây sẽ là một biện pháp tích cực đẩy lùi những tiêu cực trong các giải thi đấu
mang lại sự trong sáng và công bằng cho thể thao.
(http://www.tdtt.gov.vn/tabid/57/ArticleID/207/Default.aspx)
Thể thao Olympic

49
Trong lịch sử phát triển, một số quy định của Ủy ban Olympic quốc tế cũng đã từng có
những quy định chưa hoàn chỉnh ở các thời điểm khác nhau. Quy định về tư cách vận động viên
tham gia thi đấu tại Thế vận hội cho thấy nghịch lý đạo đức trong lĩnh vực thể thao thành tích
cao. Thí dụ, vào năm 1896, những vận động viên tham gia Thế vận hội đầu tiên trong kỷ nguyên
mới đã phải chứng minh tình trạng nghiệp dư của mình trước khi được phép thi đấu. Theo lý
tưởng thể thao nghiệp dư do Pierre de Coubertin – người sáng lập Thế vận hội hiện đại – thì chỉ
những quý ông là vận động viên chơi thể thao vì tình yêu thể thao mới đủ tư cách tham gia thi
đấu. Tuy vậy, đáng lưu ý là lúc bấy giờ Thế vận hội chỉ cổ vũ những người chơi thể thao nghiệp
dư, người tham dự các cuộc thi trong sự kiện này đòi hỏi sự thanh lịch (tầng lớp giai cấp cao) và
không cho phép giới nữ thi đấu. Luật nghiệp dư ngăn cản các vận động viên kiếm được bất kỳ chi
phí nào từ các hoạt động có liên quan đến thể thao nên các vận động viên thuộc tầng lớp bình dân
khó mà đủ khả năng vừa kiếm sống vừa tập luyện để thi đấu.
Ban đầu IOC cấm vận động viên nhận phần thưởng và chỉ thi đấu vì thể thao, không vì lợi
ích tài chính, do đó không cho phép những người ở tầng lớp kinh tế xã hội thấp tham gia. Tuy
vậy, khi vận động viên nhận tiền hay lợi ích khác từ các tổ chức, quốc gia để tham gia thi đấu, nói
cách khác, các vận động viên này đã vi phạm luật thể thao nghiệp dư, nhưng IOC lại có vẻ không
sẵn lòng gia tăng áp lực của quy định về tư cách. Các luật lệ của thế vận hội về tính nghiệp dư
vẫn là nguyên nhân của nhiều tranh cãi trong nhiều năm.
Nhằm phát triển thành tích của quốc gia trên bản đồ thể thao thế giới, một số chính phủ đã
tài trợ và đưa ra những hình thức khen thưởng đáng kể cho các vận động viên Olympic. Chi phí
cho việc huấn luyện, tập luyện và thi đấu trở nên phổ biến hơn. Một số vận động viên giành toàn
bộ thời gian tập luyện thể thao, hoạt động theo chế độ một vận động viên chuyên nghiệp chứ
không còn là nghiệp dư. Ngoài ra còn có chi phí các nhà tổ chức sự kiện trả cho những vận động
viên giỏi nhất để tham gia thi đấu quốc tế. Dù xuất hiện trước đó nhưng sự thương mại hóa công
khai phát triển mạnh từ thập kỷ thứ 80 của thế kỷ 20 qua việc vận động viên trượt tuyết phô bày
biểu tượng thương mại của doanh nghiệp trên đồng phục hay các tay đua khoác giày của nhà tài
trợ lên cổ trên bục vinh quang. Ánh vinh quang của huy chương vàng khiến người ta gạt sang
một bên mối quan tâm đạo đức về việc liệu vận động viên có đáp ứng quy định về tư cách tham
gia thi đấu hay không. Vốn cổ vũ cho tình hữu nghị giữa các quốc gia, Thế vận hội lại tạo cơ hội
cho hành động phổ biến hệ tư tưởng quốc gia. Các vận động viên đại diện phải thể hiện khả năng
suất xắc, nổi bật để thực hiện mục tiêu đó. Những người chiến thắng nhận nhiều tài trợ, ưu ái và
quá trình huấn luyện đặc biệt nhằm bảo đảm chiến thắng và đạt được nhiệm vụ quốc gia. Do đó,
hành vi vi phạm luật tư cách tiếp tục diễn ra, được chấp nhận và trở thành phổ biến cho đến khi
IOC sửa đổi quy định này.
Năm 1983, đa số các thành viên của IOC đều chấp nhận hầu hết các vận động viên
Olympic thi đấu một cách chuyên nghiệp với mong muốn rằng các môn thể thao là hoạt động
chính của họ (chuyên nghiệp). IOC đã yêu cầu từng Liên đoàn thể thao thế giới (ISF) xác định lại
quy định về tư cách tham gia thi đấu của từng môn. Sau một thập niên, gần như tất cả các ISF đã
bãi bỏ sự khác biệt giữa các vân động viên nghiệp dư và các vận động chuyên nghiệp. Một trong
những thí dụ điển hình của sự thay đổi là vào năm 1992 khi các vận động viên chuyên nghiệp của

50
Liên đoàn bóng rổ quốc gia (NBA – National Basketball Association) đã được phép thi đấu tại
thế vận hội mùa hè Barcelona, Tây Ban Nha.
Một vấn đề khác xuất hiện thách thức nhà tổ chức Olympic là quyết định tư cách vận
động viên về quy định quốc tịch của họ. Một số vận động viên đã rời bỏ quốc gia nơi mình sinh
ra để nhận quyền công dân của một đất nước khác chủ yếu vì lý do thể thao. Đôi khi sự thay đổi
lại giúp họ tìm được một vị trí trong đội tuyển Olympic của đất nước mới, và đôi khi trình độ thi
đấu của một vận động viên có thể dẫn đến sự ưu ái khi xét quyền công dân ở một đất nước khác.
Đây là một vấn đề xã hội chứ không chỉ riêng trong lĩnh vực thể thao. Nhìn chung, trong lịch sử
các kỳ Olympic, các vận động viên tham gia thi đấu đều phải tuân thủ quy định tư cách vận động
viên về quốc tịch.
Ngoại lệ bắt đầu xuất hiện vào Olympic London 2012, lần đầu tiên trong lịch sử, Ủy ban
Olympic quốc tế (IOC) chấp nhận cho một vận động viên không có quốc tịch tham dự Olympic
với tư cách là một vận động viên độc lập. Đó là trường hợp của vận động viên chạy marathon
Guor Marial, sinh ra ở Nam Sudan nhưng lớn lên tại Mỹ. Marial tị nạn ở Mỹ từ khi 8 tuổi và mặc
dù sinh sống tại Arizona cho đến nay là 28 tuổi, Marial vẫn chưa được công nhận như là một
công dân Mỹ. Điều này cũng đồng nghĩa anh không thể thi đấu cho Mỹ, Nam Sudan hay Sudan
theo quy định của IOC. Theo IOC thì đây là trường hợp đầu tiên họ gặp trong lịch sử Olympic
bởi Marial không có hộ chiếu hay đại diện cho bất cứ Ủy ban Olympic quốc gia nào. Trong khi
đó, Nam Sudan tuy mới được công nhận độc lập hồi năm ngoái (2011) sau khi tách ra khỏi
Sundan nhưng quốc gia này chưa được IOC công nhận là thành viên. Trước Marial, cũng có một
số ngoại lệ được IOC chấp thuận như: Olympic 1992 tại Barcelona cũng có các vận động viên từ
Nam Tư cũ (quốc tịch Nam Tư nhưng không được Ủy ban Olympic Nam Tư cử đi do xung đột
xảy ra tại quốc gia này) do xung đột xảy ra tại quốc gia này. Olympic Sedney 2000, 4 vận động
viên Đông Timor cũng thi đấu dưới màu cờ Olympic bởi khi đó Đông Timor vẫn chưa được công
nhận là một quốc gia độc lập.
Thể thao phản ánh xã hội. Những giá trị được xã hội xem trọng thể hiện qua hoạt động thể
thao. Luật thi đấu chỉ được tuân thủ khi và chỉ khi người tham gia trân trọng nguyên tắc đạo đức.
Vi phạm xảy ra khi huấn luyện viên, vận động viên, phụ huynh và các nhà quản lý thể thao cổ
xúy các giá trị không thuộc phạm vi đạo đức của chiến thắng vượt lên trên nguyên tắc luật chơi
công bằng, chân thực và trách nhiệm. Vi phạm trong thể thao trẻ, thể thao trường học, cũng như
thể thao Olympic sẽ giảm đi nếu các đối tượng tham gia trân trọng quy định về tư cách.
VI.2. Vấn đề tư cách và tư duy nhận thức đạo đức
Nhằm tạo ra sự công bằng trong thi đấu thể thao, luật về tinh thần thể thao và tư cách quy
định các tiêu chuẩn tham gia thi đấu. Ở các cấp độ thi đấu khác nhau, mọi vận động viên đều
mong muốn tranh tài với đối thủ có cùng tiêu chuẩn. Do đó luật tư cách quy định độ tuổi, kích cỡ
cơ thể, địa chỉ cư trú, tư cách, tình trạng học thuật, lợi ích được nhận và phẩm chất tương đồng
của các vận động viên tham gia. Tinh thần công bằng, trung thực và chân thật yêu cầu mọi người
tôn trọng và tuân thủ luật. Ngoài ra, không gian lận và lừa dối đối thủ cũng là điều hết sức cần
thiết.

51
Thông qua giáo dục, môi trường sống, các tấm gương đạo đức, người ta học được cách ra
quyết định đúng đắn. Hệ thống thể thao thi đấu không phải lúc nào cũng hỗ trợ quá trình phát
triển đạo đức. Thí dụ, khi trẻ em chơi các trò chơi với nhau thì chúng tự nhận ra sự khác biệt về
văn hóa và khả năng thể hiện mà không chịu ảnh hưởng nào từ luật tư cách. Hiếm khi chúng
tranh luận về việc ai là người có thể chơi và ai không được tham gia. Trẻ em hiểu được ý nghĩa
của niềm vui. Ngược lại, khi người lớn quyết định thay cho trẻ em trong thể thao thì có thể ảnh
hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển đạo đức của họ.
Theo một nghiên cứu với trên 35.000 đối tượng từ lớp 9 đến sinh viên đại học, thi đấu thể
thao càng lâu thì vận động viên càng dễ trở nên nhẫn tâm về mặt đạo đức, nghĩa là họ ít tôn trọng
đối thủ và đồng đội hơn hoặc ít tôn trọng nguyên tắc chân thật, công bằng, khuôn khổ và tinh
thần luật hơn. Sự nhẫn tâm về mặt đạo đức đối nghịch với tư duy nhận thức đạo đức, ngăn cản
việc xem xét một cách khách quan góc nhìn của người khác khi ra quyết định. Thực tế thể thao
mang tính chất cạnh tranh cao độ ngày nay không phải lúc nào cũng giáo dục và nâng cao giá trị
trách nhiệm, chân thực, công bằng hay nhân đạo.
Những người trẻ tuổi hiếm khi phải chịu trách nhiệm ra quyết định trong các môn thể thao
mang tính tổ chức cao do người lớn (huấn luyện viên, nhà quả lý) là người đưa ra tất cả các nhận
định về đạo đức và thi đấu. Khi người lớn ra quyết định thay cho người trẻ tuổi trong thể thao,
điều này ảnh hưởng tiêu cực đến phương pháp tư duy đạo đức và có thể làm mòn đi sự phát triển
lý tưởng đạo đức của họ. Khuynh hướng này xuất hiện do cấu trúc chương trình thể thao các cấp.
Tư duy đạo đức cần quá trình học hỏi. Thông qua giáo dục và môi trường sống nguyên tắc với
các tấm gương đạo đức tốt, con người có thể học cách ra quyết định đúng đắn. Không may là đôi
khi cấu trúc chương tình thể thao thi đấu không hề hỗ trợ tư duy đạo đức và do đó một số vận
động viên không học được cách ra quyết định đạo đức tốt, đáng tin cậy và nhất quán.
Liên quan đến thể thao trường học, các vấn đề sau cần được xem xét: Liệu các nguyên tắc
đạo đức có được tôn trọng trong hệ thống chương trình thể thao? Các nhà quản lý trường học và
huấn luyện viên có nên cố gắng thương mại hóa thể thao trường học và ngăn cản hành động vi
phạm quy định về tư cách? Các lãnh đạo nhà trường, các liên đoàn thể thao có nên đặt ra một tiêu
chuẩn liên quan đến thành tích học tập của vận động viên? Các chương trình thể thao liên trường
có nên nâng cao sự tham gia của sinh viên vào quá trình ra quyết định để giúp họ trưởng thành
hơn về mặt tư duy nhận thức đạo đức hay không?
VI.3. Nghịch lý đạo đức liên quan đến vấn đề tư cách
Các vấn đề liên quan đến tư cách là những thách thức những người tham gia thể thao ở
mọi cấp độ thi đấu. Mỗi người có thể chọn việc tuân thủ hay không tuân thủ các nguyên tắc trung
thực, công bằng, trách nhiệm và nhân đạo. Khi đề cập đến các vấn đề đạo đức, nên bắt đầu bằng
cách xây dựng giá trị ưu tiên và sau đó tìm giải pháp bằng cách xác định hành động mình chọn sẽ
tác động đến bản thân và người khác như thế nào. Hành động của mỗi người nên thể hiện tính
nhất quán và công bằng. Mục a dưới đây thể hiện những thách thức liên quan đến giá trị đạo đức
và tư cách. Hãy chọn (các) lựa chọn từ cột danh sách bên phải hoặc đề xuất ý kiến khác. Tương
ứng với những câu hỏi ở mục a, mục b liệt kê các nguyên tắc có thể hướng dẫn tư duy nhận thức
đạo đức.
52
a. Thách thức liên quan đến giá trị đạo đức và tư cách
Nghịch lý A. Đáp án khả thi
1. Thiếu luật cấm quy định về tư B.b. Hành động sẽ căn cứ trên giá trị đạo đức cá nhân, không
cách có tạo điều kiện cho phải luật.
hành động theo đúng đạo đức c. Sự thiếu luật này sẽ tạo điều kiện cho mọi hành vi chiến
không? thắng bằng mọi giá.
d. Hành động tuân theo tinh thần của luật và chơi theo phong
cách có trách nhiệm đạo đức sẽ diễn ra dù có luật hay
không.
2. Luật về tư cách vốn đã chân C.a. Luật tồn tại không nhất thiết phải chân thực. Người chơi
thực chưa? không tuân thủ luật nếu nó không công bằng.
b. Vì luật tồn tại nên nó chân thực và công bằng.
c. Sự chân thực đòi hỏi sự tuân thủ với khuôn khổ luật, không
nhất thiết với tinh thần của luật.
d. Nếu một luật tồn tại và mọi người đồng ý thi đấu theo luật
đó thì mọi người ai cũng có nghĩa vụ phải tuân thủ. Nếu ai
đó không đồng ý, người đó có từ chối thi đấu hay khởi đầu
một phong trào vận động thay đổi luật.
3. Điều gì khiến một hành động D.a. Tính không chân thực tồn tại nếu có hành động phạt hay kỷ
vi phạm luật tư cách trở nên luật nặng.
không chân thực? b. Một hành động lừa dối hay không chân thật trái với đạo đức
dù có hình phạt hay không.
c. Mỗi tình huống và hoàn cảnh kèm theo quyết định một
cách độc lập một hành động có chân thực hay không.
d. Tính không chân thực là sai trái chỉ khi một người tin vào
giá trị của tính chân thực.
4. Vận động viên trẻ, học trung E. a. Có, hành vi nhận tiền vi phạm luật tư cách nghiệp dư.
học, học đại học hay Olympic b. Không, luật cấm nhận tiền phân biệt đối xử với người
có đánh mất tư cách thi đấu không có lợi thế về kinh tế.
khi nhận tiền từ người hâm c. Không, những vận động viên này có được bất cứ khoản tiền
mộ hay không? nào nhận được từ thành tích thi đấu.

53
Nghịch lý A. Đáp án khả thi
d. Còn tùy thuộc lý do nhận tiền; nếu để bay về nhà thăm cha
mẹ ốm thì có thể nhưng nếu mua máy nghe đĩa thì không
được.
e. Có, sẽ vi phạm đạo đức nếu nhận với tư cách vận động viên
nghiệp dư.
f. Không, vận động viên là người tạo hoạt động giải trí nên
cần được trả tiền.
g. Có, những vận động viên này đã đồng ý tuân thủ luật nhưng
luật cần được thay đổi.
5. Có phù hợp đạo đức không F. a. Có, thi đấu là một đặc quyền, không phải là quyền.
khi yêu cầu một vận động b. Có, trường học tồn tại vì mục đích giáo dục, không phải thể
viên đạt trình độ học thuật thao.
nhất định trước khi được phép c. Không, tiêu chuẩn học thuật phân biệt đối xử những người
thi đấu? gặp bất lợi về mặt học thuật.
d. Không, hệ thống tiêu chuẩn về cơ bản không đúng đạo đức;
thi đấu thể thao vẫn còn là quyền của mọi sinh viên.
6. Các huấn luyện viên hành G.a. Có, vận động viên xứng đáng được đối xử ưu ái vì họ đóng
động có chân thực không khi góp cho vinh quang, doanh thu và uy tín của trường.
họ giúp vận động viên nâng b. Không, vận động viên nên có tiến trình học tập thật sự.
cao điểm số hay thi đậu không c. Chỉ tiêu thành tích khiến huấn luyện viên phải hành động
đúng với thực lực nhằm mục như vậy. Điều này không chân thực chỉ khi vận động viên
đích duy trì tư cách thi đấu? không muốn hay khi huấn luyện viên không bị phạt khi
không đạt được chỉ tiêu thành tích do nhà trường giao.
d. Không, nói dối hay gian lận không bao giờ được chấp nhận
về mặt đạo đức.

b. Nguyên tắc đạo đức hướng dẫn tư duy nhận thức đạo đức trong thể thao
Bao gồm các nguyên tắc cơ bản sau:
(1) Xem chiến thắng là triển vọng, không phải là mục đích phải đạt bằng mọi giá.
(2) Giáo dục huấn luyện viên, vận động viên và nhà quản lý thể thao về các giá trị đạo
đức cơ bản chân thật, công bằng, trách nhiệm và nhân đạo.
54
(3) Thông báo với vận động viên, phụ huynh, huấn luyện viên và nhà quản lý thể thao
về tầm quan trọng của luật và tinh thần đạo đức của luật.
(4) Xây dựng và công khai các quy tắc đạo đức của huấn luyện viên, phụ huynh, vận
động viên và người làm công tác quản lý thể thao đồng thời yêu cầu sự tuân thủ
nghiêm túc.
(5) Quy định hình phạt, mức độ kỷ luật như nhau đối với các hành động không chân
thực của vận động viên, huấn luyện viên hay nhà quản lý thể thao.
(6) Khảo sát, nghiên cứu để điều chỉnh hay thay đổi các luật và chính sách thể thao
không công bằng, dẫn đến hành động không chân thực của vận động viên hoặc vô
trách nhiệm.
(7) Bảo đảm mọi vận động viên đều có cơ hội được học tập và hỗ trợ bằng các biện
pháp phù hợp như tư vấn, hỗ trợ phụ đạo, bố trí thời gian hoàn tất quá trình học tập,
hỗ trợ tài chính và tư vấn nghề nghiệp.
(8) Thuê và giữ huấn luyện viên trên nhiều yếu tố khác chứ không chỉ là thành tích
thắng – thua của họ.
(9) Tưởng thưởng huấn luyện viên giúp vận động viên đạt thành tích học tập.
(10) Làm rõ luật tư cách cụ thể cho mọi cấp độ thi đấu thể thao và thi hành một cách
nhất quán và công bằng.
(11) Công nhận và tưởng thưởng vận động viên, huấn luyện viên và các nhà quản lý thể
thao thực hiện công tác giáo dục và thực hành các giá trị đạo đức chân thật, công
bằng, trách nhiệm và nhân đạo.
Nếu tư duy nhận thức đạo đức được ưu tiên coi trọng trong xã hội và thể thao thì vận
động viên phải được giáo dục về các giá trị đạo đức như tinh thần trách nhiệm, tính chân thật,
công bằng và nhân đạo. Nếu những người tham gia thể thao không trân trọng đạo đức thì vấn đề
về tư cách sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Các chương trình nhằm giáo dục vận động viên cách tư
duy đạo đức là rất cần thiết. Một trong những phương pháp giảng dạy khả thi là thảo luận và phân
tích tình huống, cũng như nguyên nhân vận động viên lựa chọn hành động, hành vi ứng xử.
Thông qua diễn đàn mở ra cho những người trong đội, vận động viên có thể bắt đầu suy nghĩ liệu
mình tuân thủ hay vi phạm giá trị của mình trong thể thao. Nếu họ nhận ra vi phạm thì có thể sẽ
thay đổi. Cần có dũng khí phát biểu giá trị của mình và đứng lên ủng hộ giá trị đó. Hạnh kiểm rất
quan trọng và mang tính quyết định đối với tư cách tham gia thể thao ở mọi cấp độ thi đấu.

Vấn đề thảo luận


Hãy xem xét và thảo luận vấn đề sau.
A bắt đầu chơi đấu vật từ năm 8 tuổi và nhanh chóng trở thành một vận động viên giỏi.
Cậu lần lượt thi đấu ở các hạng cân từ nhẹ đến nặng và luôn chiến thắng ở thứ hạng cao tại các
giải thi đấu theo lứa tuổi. Khi lên 14 tuổi, A bắt đầu tăng cân nhiều, phải thi đấu ở hạng cân lớn
hơn. Trong nhiều tháng sau đó, A thi đấu thất bại, thường thua ngay ở các vòng đầu tiên.

55
Dù cân nặng của A chỉ ở mức trung bình so với lứa tuổi của mình, huấn luyện viên của A
đề nghị cậu giảm cân để có thể thi đấu ở hạng cân thấp hơn. Huấn luyện viên đề xuất một chế độ
ăn kiêng khắt khe không có đường và thịt kèm theo chế độ tập luyện khổ luyện hàng ngày.
Vì A yêu thích môn vật và luôn cố tuân theo những gì huấn luyện viên hướng dẫn nên cậu
nghiêm túc tuân thủ chương trình huấn luyện. Trước giải đấu kế tiếp, A đã không thể giảm cân đủ
để thi đấu ở hạng cân huấn luyện viên dự tính, do đó vẫn phải thi đấu ở hạng cân cũ. Kết quả là A
không chỉ tiếp tục thất bại trong thi đấu mà còn cảm thấy hết sức yếu ớt, mệt mỏi suốt trận đấu.
Trong thời gian trước giải đấu tiếp theo sau đó, A ăn rất ít và tập luyện chăm chỉ hơn. Cậu
tin rằng tất cả những nỗ lực của cậu sẽ xứng đáng nếu giảm được cân và thi đấu ở hạng cân thấp
hơn, là hạng cân A đã từng đạt nhiều chiến thắng trước đó. Viễn cảnh chiến thắng giúp A có động
cơ tuân thủ chế độ ăn kiêng và chạy bộ. Dù A có vẻ mệt mỏi và bơ phờ, huấn luyện viên vẫn tán
dương tính tự kỷ luật của cậu và khuyến khích cậu giảm cân để có thể đạt thành công như đã từng
có.
1) Huấn luyện viên của A có vi phạm nguyên tắc đạo đức không khi định hướng cho A thi
đấu ở hạng cân thấp hơn mức phát triển tự nhiên của mình? Nếu có thì đó là nguyên tắc
nào?
2) Động cơ thành công có tác động và làm A vi phạm nguyên tắc đạo đức nào không? Nếu
có thì đó là nguyên tắc nào?
3) Có phải A đang gian lận khi thi đấu ở hạng cân không tự nhiên không (một vận động viên
trưởng thành hơn sẽ có lợi thế hơn so với vận động viên không trưởng thành bằng)? Tại
sao và tại sao không?
4) Huấn luyện viên và A đang có hành vi như thế nào đối với luật tư cách về khía cạnh phân
loại hạng cân nhằm tuân thủ công bằng trong thi đấu?

Câu hỏi ôn tập

1/ Trình bày yêu cầu về tư cách phù hợp đối với các đối tượng tham gia thể thao.
2/ Bạn nhận định như thế nào về việc tuân thủ quy định về tư cách tham gia thể thao?
3/ Trình bày những thách thức đối với vấn đề tư cách và xác định nguyên tắc hướng dẫn tư
duy đạo đức.

56
CHƯƠNG VII. Thể thao thương mại
Hiện nay, tại rất nhiều quốc gia, thể thao được xem là phương tiện truyền tải giá trị. Hầu hết các
môn thể thao được tán dương vì tăng cường sự phát triển nhân cách, tinh thần cống hiến, tự chủ, kỷ
luật, tính công bằng và nhiều phẩm chất khác. Kết quả là quan chức và quản lý các trường học trong
nhiều thập kỷ đã chấp nhật hình ảnh thể thao rất đơn giản, cho phép người tham gia tự quản lý mình và
không bị bó buộc bởi điều luật nào. Tuy vậy, doanh thu tiềm năng (thí dụ như từ các công ty tài trợ),
mâu thuẫn nội bộ, bất đồng giữa người lao động và nhà quản lý, và áp lực ngày càng gia tăng lên huấn
luyện viên và vận động viên về chiến thắng đã làm lu mờ hình ảnh vốn bình dị của thể thao. Nhiều
chính sách và luật giới hạn đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, vấp phải trường hợp vi phạm công khai và
không công khai, và thỉnh thoảng được áp dụng – tất cả là do lợi ích tài chính và vinh quang xã hội hấp
dẫn người chiến thắng trong nhiều môn thể thao. Gian lận xảy ra ở mọi cấp độ thi đấu thường gắn với
sự ép buộc phải chiến thắng hay cơ hội nắm lấy vị trí số một.
Sau đây là một số định nghĩa liên quan đến thương mại hóa thể thao. Thể thao thương mại
(commercialized sport) xuất phát từ thi đấu thể thao có tổ chức, trong đó nhấn mạnh giá trị giải trí,
được quảng cáo và quảng bá - sản phẩm của quá trình này có tầm quan trọng về tài chính và mang lại
uy tín trong thể thao. Mở rộng hơn, thương mại hóa thể thao là lĩnh vực của các doanh nghiệp thể thao
có liên quan đến việc mua bán, trình diễn, sử dụng các hoạt động thể thao hoặc các lĩnh vực liên quan
đến thể thao để tạo ra lợi nhuận. Hầu hết các môn thể thao chuyên nghiệp, nổi bật là bóng đá và bóng
rổ, tại hầu hết các trường đại học hạng I của NCAA đều được tổ chức thành chương trình thể thao giải
trí thương mại; nghĩa là kinh doanh giải trí. Thể thao giải trí (recreational sport) là các hoạt động thể
dục thể thao cho mọi lứa tuổi, giới tính, trình độ. Có đặc điểm là tham gia hoạt động thể thao với tinh
thần tự giác nhằm mục đích tìm niềm vui, phát triển kỹ năng, củng cố sức khỏe, giao tiếp xã hội…,
không chú trọng đến thắng bại trong thi đấu.
Thể thao thương mại và áp lực chiến thắng tác động đến giá trị đạo đức, thường theo xu hướng
tiêu cực. Người tham gia thể thao khi gây tổn thương cho đối thủ về mặt thể chất hay tâm lý nhằm đạt
lợi thế thi đấu đã lờ đi giá trị đạo đức. Khía cạnh đạo đức của thể thao thương mại có thể được phân
tích theo 4 góc độ (1) thể thao vì mục đích quan hệ công chúng và quảng bá, (2) thể thao là ngành kinh
doanh, (3) thể thao là ngành giải trí, và (4) thể thao là phương tiện truyền tải giá trị kinh tế.
VII.1. Thể thao vì mục đích quan hệ công chúng và quảng bá
Thể thao thương mại đã hình thành cùng lúc với sự xuất hiện của các vận động viên Hy Lạp,
những người chơi thể thao nghiệp dư đầu tiên. Sau nhiều thế kỷ thi đấu với mục đích duy nhất là phô
diễn tài năng thể thao siêu phàm, các cuộc thi đấu thể thao có xu hướng thiên về những trận đấu giữa
các vận động viên được trả tiền để chiến thắng và một số người hối lộ cho đối thủ để họ cho mình
thắng. Vận động viên giành chiến thắng trong các kỳ Thế vận hội cổ đại được người dân tôn sùng như
người hùng, được nhận sự kính trọng của xã hội, kèm theo các địa vị, chức vụ, khoản trợ cấp và tặng
vật hậu hĩ khi mang lại niềm tự hào cho quê nhà.
Trong những thập kỷ gần đây, tại rất nhiều nước chủ nghĩa tư bản, đặc biệt là các nước có nền
thể thao mạnh, thì thể thao được vận dụng như là một phương tiện hữu hiệu để quảng bá thành phố,
doanh nghiệp, trường học, khu vực trong quốc gia, và sản phẩm thương mại. Với tính chất hiển thị rõ
57
ràng, giá trị giải trí và liên kết với các đơn vị thương mại, nhiều môn thể thao đã trở nên phổ biến trong
xã hội. Điều này cho phép các nhóm tài trợ phát triển được danh tiếng và tạo lập số lượng người hâm
mộ cho đội tuyển của mình cũng như mở rộng tầm ảnh hưởng của dịch vụ và sản phẩm họ kinh doanh.
Mối quan hệ cộng sinh nối kết các môn thể thao phổ biến nhất với các hãng tin và truyền thông điện tử.
Báo chí và truyền hình không ngừng tuyên truyền về thể thao, đáp lại thể thao đã giúp họ bán được báo
chí, quảng cáo và sản phẩm.
Phân tích việc sử dụng thể thao như là một hoạt động quan hệ công chúng và quảng bá tại nước
Mỹ sẽ minh họa rõ nết hơn về vấn đề đạo đức trong thể thao trẻ và thể thao trường học trong xu hướng
thương mại hóa thể thao.
Thể thao trẻ
Khi các địa phương và doanh nghiệp tại Mỹ bắt đầu tài trợ các đội tuyển thể thao trẻ vào những
năm 1920, một trong những điều họ muốn đạt được là hiệu quả quảng bá. Khi tài trợ các đội thể thao
trẻ, doanh nghiệp đồng thời có thể phục vụ lợi ích kinh tế của mình. Vào thời điểm này, quy mô của
hoạt động này còn nhỏ nên không ai thắc mắc gì về mối quan hệ cộng sinh này. Thời điểm đầu, doanh
nhân cung cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và áo thun in tên, biểu tượng nhà tài trợ sau lưng cho các
vận động viên trẻ. Các giải thể thao từ khuyến khích phát triển tinh thần thể thao và kỹ năng dần trở
thành sân chơi khuyến khích chiến thắng các giải vô địch, vì chỉ giành chiến thắng mới mang lại sự tiếp
tục hỗ trợ từ nhà tài trợ. Ngày nay, huấn luyện viên nhiều đội tuyển được địa phương và doanh nghiệp
tài trợ theo mức độ thành công của họ. Vận động viên trẻ được tuyển mộ, trao đổi theo hợp đồng
thương mại và đôi khi bị đối xử thiếu nhân đạo nhằm mục đích duy nhất là đạt được chiến thắng.
Có lẽ các vị lãnh đạo khi cố gắng quảng bá hình ảnh thành phố của mình và doanh nghiệp khi
cố đạt được lợi thế kinh doanh cho sản phẩm của mình đã sử dụng trẻ em cho mục đích thương mại.
Thủ thuật thường được áp dụng là chiêu mộ vận động viên trẻ từ các thành phố/ đội tuyển khác, khai
man ngày sinh, tặng quần áo và giày cho vận động viên và gia đình của họ. Điều này đặc biệt hiệu quả
đối với các trường hợp có gia cảnh nghèo. Một số công ty giày tài trợ giải mùa hè cho tuyển bóng rổ trẻ
12 tuổi và hỗ trợ các đội vào vòng đấu quốc gia. Nhiều vận động viên trẻ hàng đầu bị lôi kéo thay đổi
câu lạc bộ và sử dụng các thương hiệu giày, áo thun, túi xách, và những hàng hóa đắt tiền khi đi thi
đấu. Họ trở thành người biểu diễn cho các doanh nghiệp và quốc tế hóa tầm quan trọng của chiến
thắng. Các giá trị đạo đức bị xói mòn khi vận động viên trẻ nghĩ rằng thi đấu trên thực tế cần phải đạt
được chiến thắng bằng mọi giá.
Thể thao trung học
Tại Mỹ các nhà quản lý trường trung học ngày càng lúng túng khi xem xét việc tham gia thi đấu
thể thao ở cấp độ này là quyền hay đặc quyền. Nếu là quyền thì các vận động viên học sinh, các đội
tuyển thể thao phải được nhà trường hỗ trợ tài chính và sẵn sàng đón nhận mọi học sinh không phân
biệt giới tính, sắc tộc hay trình độ kỹ năng. Luật nhân quyền liên bang tại Mỹ yêu cầu học sinh không
phân biệt giới tính, sắc tộc, tôn giáo và dân tộc phải được tham gia thể thao trường học một cách bình
đẳng. Cung cấp tài chính cho các đội tuyển thể thao là thách thức đối với các nhà quản lý giáo dục và
hội đồng nhà trường. Vấn đề đặt ra là họ lấy ngân sách từ đâu để chi trả cho công tác huấn luyện, đồng
phục, di chuyển, thi đấu, cơ sở vật chất và trang thiết bị. Khi đề cập đến vấn đề này, một số trường đã
xác định lại cơ hội tham gia thi đấu thể thao trường trung học là một đặc quyền. Xu hướng này không
58
ngừng lan rộng vì các trường mong mỗi vận động viên đóng phí để giảm gánh nặng chi phí cá nhân,
đồng phục đội và di chuyển của mỗi người. Tuy nhiên, những học sinh không đủ điều kiện về kinh tế
có thể sẽ không có cơ hội thi đấu dẫn đến tình trạng bất công. Một số trường có quỹ hỗ trợ do mạnh
thường quân đóng góp. Cách các trường thường áp dụng để gây quỹ hỗ trợ hoạt động thi đấu thể thao
là xây dựng các câu lạc bộ cổ động viên có thành viên là người dân hoặc doanh nhân địa phương. Họ
đóng góp quỹ cho câu lạc bộ bằng tiền riêng hoặc tiền kinh doanh. Với khoản đóng góp của mình, một
số người có thể tìm cách ảnh hưởng quyết định trong các hoạt động của đội (ví dụ như quyết định ai là
huấn luyện viên) và yêu cầu đội chiến thắng.
Liều thuốc thần cho nỗi lo tài chính của các trường là tiềm năng phối hợp tài trợ và doanh thu
truyền hình. Tuy nhiên, khi cố gắng hỗ trợ hoạt động thi đấu thể thao của học sinh, nhà trường lại đối
mặt với những khó khăn khác khi ra quyết định. Thí dụ, các nhà tài trợ thương mại bao gồm cả những
doanh nghiệp bán sản phẩm là thuốc lá, thức uống có cồn, và các thực phẩm không bổ dưỡng khác rất
hào hứng muốn quảng cáo sản phẩm trong các chương trình thi đấu. Vấn đề đạo đức ở đây là nhà
trường có nên để xuất hiện quảng cáo thuốc lá, rượu, bia tại sự kiện trong môi trường giáo dục hay
không. Nếu có thì người ta có thể hiểu rằng nhà trường ủng hộ việc sử dụng các sản phẩm có hại cho
sức khỏe.
Một số công ty sản xuất đồ dùng thể thao rất sẵn sàng tài trợ dưới hình thức trang bị giày, quần
áo thi đấu… cho các đội tuyển thể thao thành công cũng như trả lương cho huấn luyện viên. Một số
người ủng hộ và đơn vị kinh doanh thể thao tìm cách thưởng cho các ngôi sao thể thao khi đạt thành
tích tại các giải địa phương bất chấp quy định cấm. Lợi ích lớn dành cho các đội đạt được thành công
thường khiến các huấn luyện viên, vận động viên có thể áp dụng những chiến thuật đáng bị lên án, thí
dụ như tổ chức tập luyện ngoài quy định cho phép, tuyển mộ vận động viên từ vùng khác, gian dối về
tuổi vận động viên, gian lận điểm kiểm tra nhằm duy trì tư cách học thuật của vận động viên, và huấn
luyện những tiểu xảo lách luật để đạt chiến thắng. Khi áp dụng các chiến thuật trên, họ đã vi phạm
nguyên tắc đạo đức. Ngoài ra, đôi khi vận động viên ở lứa tuổi học sinh được xem như công cụ giúp cải
thiện thành tích của huấn luyện viên và nhà trường. Ngay từ cấp độ thể thao trung học, sự thương mại
hóa thể thao vì lợi ích doanh thu có thể thay thế mục đích giáo dục như phát triển tinh thần đồng đội,
tinh thần thể thao, hợp tác, tự kỷ luật và dẫn đến hành động vi phạm đạo đức.
Thể thao đại học
Từ đầu những năm 1890, hiệu trưởng các trường đại học tại Mỹ nhận thấy: danh tiếng của các
vận động viên, các đội thể thao thành công có thể tăng uy tín và hình ảnh của nhà trường. Nhiều trường
nhận thấy đơn đăng ký học tăng rõ rệt sau khi đội tuyển thể thao của trường nằm trong danh sách 10
đội giỏi nhất hay chiến thắng trong các giải vô địch quốc gia, quốc tế. Hầu hết người hâm mộ thể thao
có thể kể tên các trường có tiềm năng đạt giải vô địch quốc gia môn bóng đá Mỹ hay bóng rổ.
Hiệu trưởng trường đại học, những người chịu trách nhiệm cao nhất về tất cả các chương trình
trong trường, thường sẵn sàng đề cao thể thao là công cụ quan hệ công chúng hữu hiệu nhất. Các nhà
quản lý trường đại học thường xây dựng mối liên hệ với cựu sinh viên thông qua những sự kiện xã hội
có liên quan đến thể thao. Cựu sinh viên và nhiều người hâm mộ thể thao, kể cả khi không phải là sinh
viên các trường họ yêu thích, sẵn sàng đóng góp tài chính cho chương trình thể thao và học thuật cho
nhà trường, trên thực tế, hầu hết đóng góp của những người hâm mộ không phải là sinh viên hay cựu

59
sinh viên đều được đưa về ngân quỹ cho hoạt động thể thao. Các nhà giáo dục học, xã hội học đã nhiều
lần đưa ra bàn luận vấn đề: Khi một trường nổi tiếng về thành tích thể thao hơn là chất lượng giáo dục,
giá trị thương mại hóa thể thao có ảnh hưởng tiêu cực đến nhiệm vụ đào tạo của trường đó hay không.
Các trường thường gặp thách thức liên quan đến thương mại hóa thể thao, đặc biệt nổi bật ở 4
khía cạnh: đóng góp cá nhân, kinh doanh vé xem thi đấu, tài trợ thương mại và bản quyền truyền hình.
Tất cả đều kết nối với quan hệ công chúng và hoạt động quảng bá. Người hâm mộ dễ chi tiền cho
những đội thắng giải liên trường, giải vùng hay giải vô địch quốc gia. Gia nhập một câu lạc bộ hâm mộ
để ủng hộ đội mình yêu thích, thành viên còn được nhận thêm nhiều ưu đãi khác về ghế ngồi, chỗ đậu
xe và các đặc quyền khác.
Vai trò và mục đích của người hâm mộ không tạo ra các vấn đề về tạo đức nếu họ tuân thủ mục
đích và mục tiêu của giáo dục đại học. Khi họ vi phạm các mục đích của thể thao đại học thì nghịch lý
đạo đức xảy ra. Người hâm mộ có thể hỗ trợ một chương trình thể thao và trường đại học theo hướng
tích cực chỉ khi họ cùng tuân thủ nguyên tắc.
Tình hình kinh doanh vé vào cổng thể hiện độ thành công của một đội tuyển thể thao đại học.
Tại các trường nhỏ, số vé bán ra có thể là vài chục, vài trăm hay vài nghìn. Tại các trường lớn, con số
đó có thể lên đến hàng chục hay trăm nghìn. Doanh thu từ vé có vai trò quan trọng đối với sức mạnh tài
chính của nhiều đội. Số lần chiến thắng nhiều hơn số lần thua sẽ là yếu tố duy trì lượng người hâm mộ.
Trưởng ban thể thao của trường nào cũng đều biết rằng chiến thắng = người hâm mộ = tiền bạc = chiến
thắng = người hâm mộ = tiền bạc. Vòng tròn này mang lại doanh thu cần thiết để tái đầu tư cho đội đạt
chiến thắng. Trong khi thương mại hóa tác động nhiều hơn hẳn đến các môn thể thao tạo doanh thu thì
thương mại hóa và hoạt động gây quỹ cũng có thể gợi lên những vấn đề tương tự ở các môn thể thao
không tạo nên doanh thu (đua xe đạp, đua thuyền…). Cụ thể, khi vé được phát hành và các kỹ thuật
tiếp thị được vận dụng thành công thì áp lực “chiến thắng bằng mọi giá” sẽ được đặt lên hàng đầu và đe
dọa mục tiêu giáo dục thông qua hoạt động thể thao.
Ít có chương trình thể thao nào có thể tồn tại được nếu không nhận được tài trợ tư nhân và
thương mại. Các quảng cáo kinh doanh và doanh nghiệp phổ biến trong các chương trình thi đấu, trên
bảng điểm, sân bãi và trang phục thi đấu của huấn luyện viên, vận động viên. Tuy nhiên, các nhà quản
lý thể thao trường học cần quyết định có nên nhận nguồn tài trợ do một nhà phân phối rượu bia hay
công ty thuốc lá để đăng quảng cáo, ký hợp đồng tài trợ độc quyền với một công ty trước khoản hứa
hẹn hấp dẫn về trang thiết bị, quần áo hay các khoản chi trả tài chính lớn. Các nhà tổ chức sự kiện thể
thao trường học thường cân nhắc và đưa ra giới hạn về đối tượng tiếp thị trong chương trình thể thao.
Ngoài ra, có nên bán quần áo lưu niệm và các sản phẩm khác có in biểu tượng đội thể thao cùng với
tên, biểu tượng của các công ty bị buộc tội bóc lột nhân công hay không cũng là một vấn đề đạo đức
nữa mà các trường đối mặt.
Mặt trái của truyền hình thể thao có thể tạo nên khuynh hướng xói mòn giá trị đạo đức do các
chương trình truyền hình hứa hẹn mang lại doanh thu khổng lồ. Thí dụ, do số tiền lớn các hãng truyền
hình quốc gia, khu vực và công ty truyền hình cáp chi trả, một số trường đồng ý cho phép đội tuyển thể
thao của mình tập luyện và thi đấu vào bất kỳ thời gian nào mà không bảo đảm hiệu quả của chương
trình học tập cho sinh viên. Khi hứa hẹn mang lại nguồn doanh thu lớn, các đài truyền hình có thể đưa
ra yêu cầu về lịch tập luyện và thi đấu thuận lợi cho đài như: ngày trong tuần, thời gian trong ngày, địa
điểm và đối thủ thi đấu cho các đội.
60
Thể thao chuyên nghiệp
Các đội thể thao chuyên nghiệp ngày càng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong hoạt động quan
hệ công chúng, quảng bá sản phẩm cho các doanh nghiệp. Lãnh đạo các thành phố sẵn sàng chi những
khoản tiền lớn để mời các liên đoàn thể thao chuyên nghiệp đặt chi nhánh tại thành phố của họ, xây
dựng các công trình thể thao, tạo điều kiện để lôi kéo các câu lạc bộ, các đội thể thao chuyên nghiệp đặt
trụ sở ở thành phố.
Một thí dụ sống động cho mong muốn có được một đội tuyển thể thao chuyên nghiệp trong
thành phố thể hiện qua sự sẵn sàng của New York khi tân trang lại sân vận động Yankee với giá hàng
tỷ đô-la trong tình trạng ngân sách thành phố đang bị thâm hụt để đội bóng chày danh tiếng Yankee
hoạt động. Tại Lousiana, các thế hệ sau sẽ phải trả món nợ khi thành phố xây dựng sân Superdome.
Nhiều thành phố dùng ngân sách công cộng để xây dựng những sân vận động và nhà thi đấu lớn rồi cho
thuê với giá không thực tế để lôi cuốn và giữ các đội chuyên nghiệp ở lại thành phố. Sự đúng đắn của
việc sử dụng ngân sách thành phố đầu tư xây dựng sân vận động thể hiện ở việc tạo ra công ăn việc
làm, nguồn thu thuế và lợi nhuận kinh doanh có được từ sự hiện diện của các đội tuyển.
VII.2. Thể thao thương mại là ngành kinh doanh
Các phương tiện truyền thông đưa thông tin về hoạt động của các đội thể thao chuyên nghiệp,
thể thao trường học và thể thao trẻ đến với công chúng suốt 24 tiếng/ngày, 7 ngày trong tuần. Những
cuộc nói chuyện tại văn phòng, các buổi tiệc tùng quảng bá cho các chương trình, sự kiện thi đấu và sự
phổ biến của mục thể thao USA Today là 3 ví dụ cho thấy độ lan tỏa của thể thao trong xã hội. Trẻ em
tôn sung và bắt chước những thần tượng trong thế giới thể thao. Các vận động viên chuyên nghiệp trở
thành hình mẫu dù họ có muốn hay không.
Những tài năng thể thao trẻ mơ ước đạt được danh tiếng và tiền bạc mà nhiều vận động viên
chuyên nghiệp đang tận hưởng. Cuộc sống và những lợi ích do thể thao mang lại cho những ngôi sao
thể thao được các nhà tài trợ tung lên các phương tiện thông tin đại chúng suốt ngày hoặc vào các giờ
đông người xem truyền hình nhằm quảng bá sản phẩm. Các công ty tận dụng sự nổi tiếng của vận động
viên để bán giày, thực phẩm, thức uống, thuốc giảm đau và rất nhiều các sản phẩm khác. Vấn đề đặt ra
là có trung thực không khi các ngọi sao thể thao quảng bá sản phẩm để nhận tiền dù việc cá nhân họ sử
dụng sản phẩm chỉ là thêu dệt và phóng đại?
Thể thao tràn ngập cuộc sống của con người. Ngoài việc thảo luận, đọc thông tin và xem các
chương trình thể thao, nhiều người hỗ trợ quảng bá cho đội tuyển mình yêu thích khi tự hào sử dụng
sản phẩm thương mại liên quan đến đội tuyển đó. Những nhà chuyển nhượng chuyên nghiệp và trường
học thu một khoản lợi nhuận lớn mỗi năm từ việc bán quần áo và đồ lưu niệm của đội.
Sự thương mại hóa thể thao là điều tất yếu trong xã hội ngày nay. Nhà tài trợ nếu trả đủ tiền
thậm chí có thể đổi tên giải đấu. Truyền hình luôn đưa hình ảnh “do đơn vị… tài trợ” khi cung cấp số
liệu thống kê trận đấu hoặc chiếu lại những giây phút ghi bàn hay cuộc đua. Trên các cúp chiến thắng
tặng cho vận động viên xuất sắc luôn có tên nhà tài trợ. Ảnh hưởng của tiền bạc có lộ diện rõ ràng hơn
khi đại diện truyền thông của các báo, tạp chí, đài phát thanh và hãng truyền hình nhận được thù lao
đặc biệt khi đưa đến các hợp đồng giúp thu hút thêm người hâm mộ. Thể thao trở thành ngành kinh
doanh mang lại hàng tỉ đô-la khi kết hợp các yếu tố cạnh tranh và giải trí. Mặc dù thể thao giải trí góp

61
phần phát triển các giá trị như luật chơi công bằng, tính tự kỷ luật và tinh thần hợp tác, vẫn bị thay đổi
trước tiềm năng thu hút lợi ích tài chính thậm chí từ cấp độ thấp nhất.
Sức khỏe thể chất và tâm lý cũng như tiến bộ cá nhân của mỗi vẫn động viên thi đấu trong các
giải lớn thường bị xem nhẹ hơn khả năng chiến thắng, được tôn vinh và nhận phần thưởng giành cho
người chiến thắng. Hầu hết ngân quỹ và hoạt động thương mại hóa cho lĩnh vực thể thao đến từ các
doanh nghiệp và tập đoàn tìm kiếm lợi nhuận một cách trực tiếp hay gián tiếp thông qua mối liên kết
với các đội tuyển trẻ và chuyên nghiệp.
Rõ ràng, các vận động viên chuyên nghiệp đều biết họ được trả tiền để biểu diễn, thi đấu, mang
lại sự giải trí cho khán giả, người hâm mộ. Tuy nhiên, nhiều nhà đạo đức học, xã hội học và ngay cả
bản thân các vận động viên cũng đặt ra vấn đề về việc có sự bóc lột về thể chất vận động viên hay
không. Thí dụ, phải thi đấu khi chưa hồi phục hẳn sau chấn thương khi được yêu cầu. Đây là một trong
những yêu cầu đối với vận động viên trong thể thao chuyên nghiệp, được xem là hình thức ép buộc có
khả năng gây nguy hiểm về thể chất và sự nghiệp thể thao của vận động viên. Hay một số vận động
viên đã được chữa trị không đúng cách khi bị chấn thương và đối mặt với tương lai kết thúc sự nghiệp
trong tình trạng tàn tật.
Dù ở bậc thi đấu nào, tình trạng bóc lột diễn ra khi chiến thắng là mục tiêu cao nhất, vượt qua
cả mục tiêu giáo dục hoàn thiện và phát triển giá trị trong cuộc sống. Khi chiến thắng và lợi ích tài
chính trở nên quan trọng hơn tất cả thì sẽ tồn tại các tác động tiêu cực về mặt đạo đức đối với thể thao.
VII.3. Thể thao là ngành giải trí
Khi thể thao chuyển hướng thành ngành giải trí, một nghịch lý đạo đức hình thành là liệu vai trò
mới này của thể thao có đe dọa nhiệm vụ giáo dục của trường học. Các cơ sở giáo dục tồn tại để giúp
sinh viên học hành, thu thập kiến thức, từ đó chuẩn bị cho trải nghiệm cuộc sống và cống hiến cho xã
hội khi tốt nghiệp. Tư duy lý luận, học tập và theo đuổi kiến thức luôn là mục tiêu của giáo dục. Vấn đề
cần được các nhà xã hội học, giáo dục học thảo luận nghiêm túc là: Thể thao với tư cách là ngành giải
trí liệu có thể đồng hành với những mục tiêu giáo dục không? Nghịch lý đạo đức ở đây là thể thao với
tư cách là ngành giải trí trong môi trường giáo dục tại nhiều nước trên thế giới, với phân tích cụ thể tại
nước Mỹ.
Thể thao trẻ và trung học
Dù được hình thành sau các chương trình thể thao đại học và chuyên nghiệp, thể thao dành cho
vận động viên trẻ ở mức độ nào đó vẫn bị ảnh hưởng từ mặt trái của ngành giải trí. Các vận động viên
có trình độ kém hơn sẽ thu hút được ít khán giả và các lợi ích đi kèm hơn. Tuy nhiên, phụ huynh và
những người hâm mộ quá nhiệt tình có thể mong đợi hoặc thậm chí yêu cầu tính chất giải trí của cấp độ
người lớn ở con em của họ. Sức ép của thành công, thường mang tính áp đặt, đã khiến một số huấn
luyện viên thể thao trẻ đưa vận động viên quá tuổi hoặc tuyển mộ vận động viên từ các thành phố hay
chương trình khác vào đội tuyển.
Những vận động viên thất bại trong các giải đấu sẽ bị một số người hâm mộ chê bai và mắng
mỏ. Người lớn sẽ không ngớt tán dương và tưởng tưởng vận động viên chiến thắng. Niềm tự hào của
gia đình, nhà trường và thành phố sẽ đặt lên vai của các vận động viên trẻ gánh nặng là vừa phải chiến
thắng vừa phải đáp ứng nhu cầu giải trí. Khi sức ép quá lớn, họ có thể sẽ gian lận và phạm luật để chiến

62
thắng, nhận được sự hoan nghênh và phần thưởng. Khi trả tiền, khán giả mong đợi yếu tố giải trí thậm
chí khi vận động viên vẫn chưa trưởng thành. Không còn nghi ngờ gì về việc kỹ năng thi đấu càng cao
thì lòng mong đợi yếu tố giải trí càng lớn. Sự thất bại trong việc đáp ứng các yêu cầu đặt ra sẽ khiến
vận động viên trẻ nhận được những lời bình luận chê bai và không được ủng hộ nữa.
Thể thao đại học
Hiệu trưởng trường Đại học Sans Francisco đã loại chương trình bóng rổ nam khỏi hoạt động
thể thao của nhà trường trong thập kỷ 1980 để phản đối chủ trương biến thể thao trường học thành
ngành giải trí và thương mại hóa thể thao sinh viên của NCAA. Ông đặt vấn đề về việc làm cách nào
các cơ sở giáo dục có thể cho phép việc bán rẻ nguyên tắc, sự liêm chính và sinh viên cho mục đích
chiến thắng, giành lấy danh hiệu cũng như thu nhập phi nghĩa. Khi thể thao trở thành ngành giải trí, báo
chí dành ra hẳn một cột cho lĩnh vực này. Một trong những đối tượng ưa thích các thông tin này là giới
cá độ. Số tiền cá cược khổng lồ cho thể thao đại học có thể góp phần vào thu nhập của những vận động
viên, đội thể thao cố tình thua trận đấu hoặc dàn xếp tỉ số. Ngày nay các trường đại học đối mặt với
tình thế khó xử khi cố gắng bảo đảm uy tín học thuật của mình đồng hành cùng các chương trình kinh
doanh thể thao giải trí nổi bật mang lại hàng triệu đô-la. Vấn đề nan giải ở chỗ liệu các trường đại học
có nên giành khoản tài trợ cho các đội tuyển tham gia thể thao thương mại nhiều hơn so với các chương
trình mang tính giáo dục?
Chưa ai có thể xác định được mức độ các huấn luyện viên, nhà quản lý thể thao và thậm chí các
hiệu trưởng vận dụng thể thao thành phương tiện giải trí nhằm quảng bá bản thân, trường và đội tuyển
của họ. Tuy nhiên, lượng tiền cá cược trong các giải thể thao liên trường đại học tại Mỹ là rất lớn. Có lẽ
không có biên giới cho việc sử dụng thể thao làm phương tiện giải trí chừng nào các luật, quy định
trừng phạt vẫn còn chưa thực sự hiệu quả. Các chương trình thể thao có được tổ chức một cách đúng
đắn, công bằng, trách nhiệm và phục vụ con người hay không còn phụ thuộc vào giá trị đạo đức của
những người phụ trách và cách áp dụng nguyên tắc đạo đức của họ.
Ngân quỹ hàng triệu đô của các ban thể thao trường học có nguồn chính từ kinh doanh vé vào
cổng, chi phí bản quyền truyền hình và thỏa thuận chia sẻ lợi nhuận tổ chức giải. Nhiều hiệu trưởng
nhận thấy cách kiểm soát khắt khe chính sách, quyền hạn cá nhân và hành động của những người quản
lý hoạt động thể thao trong trường sẽ gặp nhiều trở ngại. Vấn đề đặt ra là liệu có tồn tại sự liêm chính
trong lĩnh vực thể thao giải trí hay không.
NCAA và các trường thành viên hạng I đang tham gia vào ngành kinh doanh thể thao giải trí.
Người hâm mộ đánh giá cao yếu tố giải trí từ thể thao đại học và sẵn sàng mua vé xem thi đấu. Trách
nhiệm chính của huấn luyện viên, vận động viên là cung cấp màn giải trí hấp dẫn nhất có thể, trong đó
không thể thiếu yếu tố chiến thắng.
Thể thao chuyên nghiệp
Vận động viên trong các giải đấu chuyên nghiệp nhận thấy họ là đối tượng thương mại trong
một quá trình liên tục cung cấp dịch vụ giải trí nhằm mang lại lợi nhuận. Họ bị mua bán, chuyển
nhượng, trao đổi thương mại vừa để nâng cao cơ hội chiến thắng vừa để tiết kiệm tiền. Vào thời điểm
danh hiệu “World Series” có thể mua được (như giải Florida Marlins năm 1997) hoặc đội vô địch được

63
bán (Florida Marlins năm 1998), lòng trung thành của người hâm mộ với những vận động viên nổi
tiếng trong các đội họ yêu thích giảm xuống.
VII.4. Thể thao là phương tiện truyền tải giá trị kinh tế
Trong sự nghiệp của vận động viên, ban đầu giá trị kinh tế có thể có vị trí ưu tiên hơn giá trị đạo
đức. Lợi ích kinh tế quan trọng đến mức nhiều người định nghĩa lại tinh thần thể thao chuyên nghiệp là
“đẩy luật đến giới hạn mà không bị phát hiện”.
Mối quan tâm về kinh tế và hành vi phạm luật
Thi đấu thể thao đòi hỏi sự tồn tại của luật và sự tôn trọng của người tham gia. Tầm quan trọng
của giá trị kinh tế trực tiếp dẫn đến điểm kết của “tinh thần luật”. Luật cơ bản tạo ra các giới hạn trong
thi đấu thể thao. Nếu một vận động viên vượt qua các giới hạn đó, anh ta đã phạm luật. Vận động viên
có thể vô tình phạm luật, hoặc cố tình vi phạm nhằm tiến gần hơn đến chiến thắng và đạt được nhiều
lợi ích liên quan khác. Hai kiểu vi phạm cố tình thường thấy là: (1) vận động viên cố tình vi phạm luật
và mong bị phát hiện, chấp nhận phạt nhằm đạt được một lợi thế chiến thuật nào đó; (2) vận động viên
cố tình phạm luật và hy vọng không bị phát hiện nhằm hưởng lợi từ hành vi vi phạm đó.
Các hình phạt dành cho lỗi cố ý vi phạm luật đều được nêu rõ trong luật thi đấu tất cả các môn
thể thao, và được xem như hành vi vi phạm đạo đức và thi thần thể thao. Khi mục tiêu thi đấu là chiến
thắng bằng mọi giá thì hành vi phạm luật được đặt lên trên hành vi đạo đức và tinh thần thể thao.
Trong một số trường hợp, các vận động viên trẻ cũng được huấn luyện và tưởng thưởng cho
hành vi trái luật. Thay vì được huấn luyện về luật chuẩn một cách chính thống và có hệ thống, một số
vận động viên được dạy cách thực hiện các tiểu xảo, chiến thuật không đúng luật và cách tránh bị trọng
tài phát hiện. Vì một số huấn luyện viên xem trọng các chiến thuật phạm luật nên vận động viên tin
rằng việc vận dụng luật rất quan trọng đối với huấn luyện viên của họ, đồng nghĩa với việc hiểu rằng
nên phạm luật nếu điều đó dẫn đến chiến thắng. Hành vi phạm luật khá phổ biến trong thể thao trẻ vì
vận động viên được huấn luyện cách cách cản đối thủ mà không bị phát hiện. Không chỉ trong các môn
đối kháng trực tiếp, trong các môn đối kháng gián tiếp cũng có xảy ra, thí dụ: trong bóng chuyền, vận
động viên được huấn luyện nói dối và đánh lừa trọng tài để giành điểm khi chạm bóng chạm tay trong
chắn bóng, chạm lưới...
VII.5. Nghịch lý đạo đức liên quan đến thương mại hóa
Thương mại hóa tác động đến thể thao ở mọi cấp độ thi đấu. Mỗi vận động viên, huấn luyện
viên và nhà quản lý thể thao phải cân nhắc nhiều lần xem liệu quan hệ công chúng, ngành giải trí và giá
trị kinh tế có vượt trên giá trị đạo đức công bằng, chân thật, trách nhiệm và nhân đạo hay không. Dưới
đây là một số câu hỏi cơ bản hỗ trợ tư duy về nghịch lý đạo đức gắn với thương mại hóa thể thao.
Ngoài các giải pháp có sẵn, có thể bổ sung thêm các giải pháp khác.
Nghịch lý Giải pháp
1. Mục đích chính của thể thao a. Đúng, điều này chấp nhận được bất cứ khi nào các đơn vị
có phải là quảng bá cho một này tài trợ cho thể thao.
thành phố, cơ sở giáo dục hay b. Không, thành phố dù lớn hay nhỏ đều không nên sử dụng

64
một doanh nghiệp? thể thao để “quảng bá”.
c. Thể thao là hoạt động ngoại khóa, không phải lý do để cơ
sở giáo dục sử dụng để quảng bá hình ảnh.
d. Vì các doanh nghiệp trả quá nhiều tiền tài trợ hoạt động thể
thao nên họ xứng đáng được nhận lợi ích quảng bá gắn liền
với thể thao.
2. Thể thao có nên được vận a. Không, các cơ sở giáo dục nên xây dựng uy tín và vị thế
dụng thành công cụ phát triển của mình dựa trên chất lượng đào tạo, chương trình học
quan hệ công chúng? thuật chứ không phải thể thao.
b. Có, các cơ sở giáo dục nên tìm cách thu lợi từ danh tiếng và
thành công của đội tuyển trường.
c. Có, có chi nhánh của một đội tuyển thể thao chuyên nghiệp
sẽ mang đến cho thành phố uy tín trong hiệp hội thể thao.
3. Có phải ý nghĩ mong muốn a. Có, nhưng hành động gian lận được phép chừng nào chưa
chiến thắng bằng mọi giá là ai bị thương.
nguyên nhân của hành động b. Có, chừng nào chưa bị phát hiện thì vẫn được phép gian
khai thác vận động viên? lận.
c. Có, để thắng lợi thì vận động viên được chấp nhận đặt vấn
đề duy trì tư cách thi đấu lên trên việc tuân thủ luật.
d. Có, huấn luyện viên có quyền sử dụng vận động viên theo
mọi cách cần thiết nhằm đạt chiến thắng.
e. Không, chiến thắng không bao giờ có thể quan trọng hơn
sức khỏe thể chất, tâm lý, tinh thần, xã hội và trình độ học
thuật của vận động viên.
f. Có, thường thì chiến thắng sẽ dẫn đến tình trạng vận động
viên bị khai thác và vi phạm luật.
4. Khi nào mới nên để thể thao a. Đối với thể thao trẻ thì không bao giờ, vì mục đích của lĩnh
đáp ứng mục đích giải trí của vực thể thao này là mang lại niềm vui và phát triển kỹ năng
người hâm mộ? thể thao.
b. Không nên để việc này diễn ra trong thể thao trường trung
học vì các hoạt động thể thao nên mang tính chất ngoại

65
khóa nhằm xây dựng giá trị giáo dục.
c. Hầu hết các chương trình thể thao đại học có hoạt động thi
đấu nhằm giúp người tham gia tích lũy kinh nghiệm chứ
không phải giải trí.
d. Vì các đội bóng đá và bóng rổ nam tại nhiều trường đại học
thu hút nhiều người hâm mộ đến xem thi đấu nên các
chương trình này nên được đưa vào kinh doanh giải trí.
e. Thể thao chuyên nghiệp tồn tại vì mục đích giải trí.
5. Trong thể thao, giá trị kinh tế a. Có, khi đồng tiền và các lợi ích tài chính khác trở nên quan
và giá trị đạo đức có mâu trọng hàng đầu thì người ta sẽ vi phạm giá trị đạo đức.
thuẫn với nhau không? b. Vận động viên trẻ không bao giờ phải chọn lựa giữa hai
điểm này (nghĩa là không có mâu thuẫn).
c. Hiếm khi vận động viên trung học bị tiền bạc hay lợi ích
khác lung lạc mà phạm luật.
d. Chỉ có vận động viên chuyên nghiệp mới đối mặt với
nghịch lý đạo đức liên quan đến vấn đề kinh tế.
e. Không có mâu thuẫn nào giữa tiền bạc và nguyên tắc đạo
đức trong thể thao chuyên nghiệp.
6. Sự thương mại hóa ngày càng a. Tích cực, vì vận động viên các cấp được đối xử tốt hơn khi
phát triển sẽ tác động như thế nhân được lương cao hơn, hỗ trợ tài chính nhiều hơn, tập
nào đến thể thao? luyện và thi đấu trong tình trạng cơ sở vật chất tốt hơn và
truyền thông đại chúng rộng rãi hơn.
b. Tiêu cực, vì tiền bạc có ảnh hưởng nhiều đến quyết định
nhiều vấn đề trong thi đấu, đôi khi là các quyết định có ảnh
hưởng đến chuyên môn, thí dụ như thời gian, ngày thi đấu
không phù hợp…
c. Tích cực, vì thể thao đóng vai trò ngày càng quan trọng
trong cuộc sống.
d. Tiêu cực, vì việc kiếm được nhiều tiền hơn được ưu tiên
hơn vấn đề giáo dục và áp dụng giá trị đạo đức cho vận
động viên, huấn luyện viên.

66
Vấn đề thảo luận

Đại học Midwest State (MSU) hàng năm đều tổ chức Ngày hội Phụ huynh (Parents’ Day) vào
một kỳ nghỉ cuối tuần, trong chương trình ngày hội sẽ diễn ra một trận bóng đá vào buổi chiều. Thuyết
giảng, triển lãm, chương trình văn nghệ và hoạt động xã hội được lên lịch hàng tháng trước đó cho
phép phụ huynh và con cái họ cùng nhau trải nghiệm thời gian học thuật và vui vẻ bên nhau tại trường.
Đầu tuần trước khi diễn ra ngày hội, một đài truyền hình có kế hoạch phát sóng trận bóng đá liên lạc
với trưởng ban thể thao của nhà trường đề nghị thay đổi thời gian bắt đầu trận đấu từ 7 giờ chiều thành
11 giờ sáng. Họ hứa hẹn sẽ mang lại một lượng khán giả lớn hơn và doanh thu đạt 500.000 đô-la cho cả
trường chủ nhà và trường khách, đồng thời chương trình sẽ có lượng khán giả theo dõi nhiều hơn.
1) Trường hợp này có liên quan đến vấn đề đạo đức nào không? Đó là những vấn đề nào và nên
tiếp cận như thế nào?
2) Ai, nếu có, sẽ là người trưởng ban thể thao nhà trường tham khảo ý kiến trước khi ra quyết định
đồng ý thay đổi thời gian?
3) Ban lãnh đạo nhà trường có nên quyết định thay đổi thời gian trận đấu theo yêu cầu của đài
truyền hình hay không?
4) Luận điểm đúng đắn khi quyết định thay đổi và không thay đổi thời gian là gì?

Câu hỏi ôn tập

1/ Thể thao thương mại là gì?


2/ Mục đích của thể thao thương mại là gì?
3/ Hãy giải thích ý sau “thương mại hóa thể thao là điều tất yếu trong xã hội ngày nay”.

67
CHƯƠNG VIII. Bình đẳng giới trong thể thao
VIII.1. Góc nhìn lịch sử
Lịch sử thể thao cổ đại và cả hiện đại đều cho thấy, đã có giai đoạn nam giới được tự do
tham gia hoạt động thể thao nhưng phụ nữ lại bị hạn chế hoặc cấm đoán, nói cách khác, thi đấu
thể thao chỉ giành cho nam giới. Thể thao thế giới đã phải đi qua một chặng đường rất dài đấu
tranh về bình đẳng giới tính để có thể chứng kiến hình ảnh phụ nữ tham gia thi đấu thể thao như
hiện nay.
Phụ nữ bị cấm tham gia thi đấu tại Olympic hiện đại lần đầu tiên được tổ chức vào năm
1896 ở Athen, Hy lạp. Olympic 1900 ở Paris đánh dấu một bước tiến quan trọng về bình đẳng
giới trong thể thao khi những vận động viên nữ đầu tiên được tham gia đua tài ở các môn tennis,
đua thuyền, croquet và golf. Đến Olympic 1912, phụ nữ lần đầu tiên được quyền tham gia các
cuộc thi bơi lội. Năm 1928, các vận động viên nữ được tham gia các môn điền kinh. Olympic
năm 1984 cho phép phụ nữ được đua tài trong môn bắn súng. Olympic năm 1984 cho phép phụ
nữ được đua tài trong môn bắn súng. Tại Olympic 2000 lần đầu tiên môn thi cử tạ được dành cho
các nữ vận động viên. Tại Olympic London 2012, Ủy ban Olympic quốc tế mới quyết định đưa
quyền anh nữ vào các môn thi đấu của thế vận hội.
Trong suốt những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, phụ nữ thượng lưu trong các sự
kiện dành cho môn golf, quần vợt, bắn cung và cưỡi ngựa vẫn còn tuân theo tiêu chuẩn và quan
điểm xã hội quy định giới hạn đức hạnh của người phụ nữ về phương diện ăn mặc và hành vi. Họ
không bao giờ được để lộ đồ mặc bên trong, vẫn còn thái độ xem phụ nữ tham gia thi đấu thể
thao là phù phiếm, đặt nặng mục tiêu giao tiếp xã hội trong các sự kiện thể thao hơn là vinh
quang đạt được.
Khi Gertrude Ederle thắng cuộc thi bơi xuyên eo biển Anh và phá kỷ lục trước đó của một
vận động nam, xã hội tán dương đó là một sự thành công không thể tin nổi ở giới nữ. Tuy vậy,
Helen Wills, Glenda Collert Vare và Gertrude Ederle được chú ý vì tham gia thể thao chứ không
phải vì thành tích vượt trội của mình. Giải bóng rổ nữ của Mỹ (1943-1954) và Hazel Walker’s
Arkansas Travelers (1946-1966) luôn được chú ý ở phương diện ăn mặc nữ tính và hành vi chứ
không phải kỹ năng trong môn thể thao dành vốn được nhìn nhận là dành cho nam.
Trang phục thi đấu của vận động viên nữ luôn được quan tâm vì người ta sợ để lộ quá
nhiều chỗ trên cơ thể người phụ nữ. Tuy nhiên, trang phục thể thao luôn thay đổi, dần dần từ đồ
dài sang bikini trong môn bóng chuyền bãi biển. Về sau này, đồ thể thao mát mẻ được thiết kế
nhằm thu hút sự chú ý của người hâm mộ nam chứ không hẳn để phát huy thành tích thi đấu.
Dù có sự tiến triển vượt bậc về cơ hội tham gia thể thao của nữ giới, nhiều nam vận động
viên vẫn xem nhẹ năng lực của nữ giới và giới truyền thông thường tảng lờ thành tích của vận
động viên nữ. Năm 1977, Hiệp hội bóng rổ nữ Mỹ ra đời và thất bại trong việc vận động thành
lập giải bóng rổ chuyên nghiệp nữ do thiếu người hâm mộ. Các hãng truyền thanh và truyền hình
không thường xuyên phát sóng thành tích thi đấu của các đội tuyển nữ ngoại trừ giải golf và quần
vợt chuyên nghiệp Grand Prix cùng một số môn Olympic như trượt băng nghệ thuật và thể dục
dụng cụ.

68
Sự bất bình đẳng giới trong thể thao có thể thấy rõ nhất trong môn bóng đá. Một số minh
chứng như: Các cầu thủ nữ của đội tuyển bóng đá Nhật Bản tỏ ra rất bức xúc vì Liên đoàn bóng
đá quốc gia (JFA) bố trí trên chuyến bay đến dự Olympic London 2012 với ghế hạng thường,
trong khi tuyển U.23 nam nước này lại được ngồi ghế hạng doanh nhân. Đội trưởng tuyển nữ
Homare Sawa phát biểu: “Tôi đoán có một điều gì đó đối xử không công bằng trong chuyện này.
Chưa nói đến việc chúng tôi vừa đoạt cúp thế giới và có nhiều cơ hội đoạt huy chương vàng ở
Olympic London”. Chính ngôi vô địch của đội tuyển bóng đá nữ Nhật Bản tại World Cup không
những làm nên chiến tích lịch sử của bóng đá châu Á, mà còn là niềm an ủi rất lớn cho người dân
Nhật Bản sau thảm họa sóng thần, động đất hồi tháng 3 /2011. Ngược lại tuyển U.23 Nhật Bản
chưa một lần gây tiếng vang ở đấu trường thế giới. Tại Việt Nam, có thể thấy tình trạng bình
đẳng giới trong môn bóng đá ở cấp độ đội tuyển quốc gia qua nhận định của một nhà báo kỳ cựu:
“Ra đời muộn nhưng bóng đá nữ của chúng ta nhanh chóng bắt kịp đấu trường khu vực và vươn
lên khẳng định vị trí một cách thần tốc. Thế nhưng, ngay từ buổi đầu ấy, cả các nhà quản lý lẫn
người hâm mộ đã thiếu sự công bằng với bóng đá nữ Việt Nam. Các cô gái không có được một
điều kiện tập luyện tốt, không có chỗ ăn ở tốt, phụ cấp thấp, và khi ra sân thì còn chẳng có nổi
một tấm băng rôn cổ vũ như người ta vẫn căng đầy sân cho bóng đá nam. Người ta kêu gọi bình
quyền giới song bóng đá nước ta, vẫn hiển hiện mồn một sự trọng nam khinh nữ. Và khoảng cách
của hai giới quần đùi áo số nước ta càng ngày càng xa nhau vời vợi trên nhiều mặt, trong đó,
đáng ngại nhất vẫn là vấn đề ưu tiên đầu tư”. (Nguyễn Lưu, Bóng đá Việt trọng nam khinh nữ,
VTC thể thao, 25/9/2012).
VIII.2. Bình đẳng giới trong thể thao

Thể thao theo truyền thống là thế giới của đàn ông. Nam giới thi đấu, huấn luyện, tổ chức,
công bố, sở hữu, thông báo, cá cược và xem thể thao trong không gian không có sự tham gia của
phụ nữ. Theo tư tưởng tôn giáo, y học và xã hội thì phụ nữ gắn với vai trò người vợ làm nội trợ
và chăm sóc con cái. Họ có thể xem hoặc cổ vũ trận đấu khi đàn ông thi tài. Tính quyết đoán, làm
chủ, gai góc, ngoan cường và lãnh đạo được xem là thuộc về người đàn ông, không phù hợp với
phụ nữ. Nhiều người phụ nữ được mô tả là quá mỏng manh, chậm chạm, thấp bé hoặc yếu ớt để
có thể vượt ra khỏi phạm vi tham gia thể thao vì mục đích giải trí. Trong lịch sư có những quan
điểm sai lầm về phụ nữ như “Phụ nữ sẽ ngã khi nhảy quá cao và chạy quá nhanh,” Phụ nữ sẽ vô
sinh khi tham gia thể thao đòi hỏi vận động mạnh,” và “Phụ nữ có nguồn năng lượng hữu hạn,
nếu sử dụng trong thể thao sẽ khiến họ bất lực và không thể mang thai”.
Đôi khi các cô bé phát hiện anh, em trai và bạn nam cùng lớp được khuyến khích chơi thể
thao, còn mình thì không. Đồ chơi cho con trai thường hướng đến những hoạt động mang tính
mạnh mẽ, quyết đoán và cạnh tranh, trong khi đồ chơi cho con gái hướng đến những trò chơi
mang tính thụ động, hợp tác và hướng nội. Một số cô bé không hài lòng với điều này đã tham gia
cùng đám con trái trong các trò chơi của nam và đôi khi còn vượt trội hơn họ về mặt kỹ năng.
Theo xu hướng xã hội, nữ giới thường tự áp đặt bản thân và theo sự áp đặt của cha mẹ hoặc xã
hội khi ra quyết định. Nhiều người rời bỏ thể thao thi đấu để trở thành người hâm mộ hoặc hoạt
náo viên. Những người khác tiếp tục tham gia các môn phù hợp hơn với nữ giới như quần vợt

69
hoặc golf, dù họ có thể thích bóng chày, bóng đá hơn. Lựa chọn chủ động tham gia môn thể thao
ưa thích khiến họ gặp phải nguy cơ bị xem là giống con trai hoặc có vấn đề về giới tính.
Trong quá khứ và cả hiện nay, không nhiều người băn khoăn về vấn đề bình đẳng giới
trong thể thao, vì quan điểm nam giới sở hữu đặc điểm gen hay sinh lý phù hợp với thể thao hơn
nữ giới. Nhắc đến tinh thần đồng đội, tính công bằng, hợp tác, kỷ luật và khả năng tự kiểm soát
trong thể thao, phụ nữ hoàn toàn có quyền và có thể phát triển những giá trị đáng mong muốn
trên.
Sự hạn chế
Một số quan điểm y học đã từng góp phần nhận định cơ thể nữ giới không thể chịu đựng
những hoạt động thể chất với cường độ cao, là một yêu cầu tất yếu để nâng cao thành tích thể
thao, như nam giới. Nhiều nhà giáo dục thể chất phụ nữ vào thập kỷ đầu của thế kỷ 20 lưu ý rằng
phụ nữ nên chơi thể thao giải trí chứ không nên thi đấu thể thao vì hoạt động nhẹ nhàng sẽ mang
lại sức khỏe tốt cho họ. Thi đấu được xem là nguy hiểm đối với phụ nữ.
Trước thập niên 1970, có rất ít chương trình thể thao tạo cùng điều kiện thi đấu cho nữ.
Có lẽ các cô bé không thích thú, không thuận lợi về mặt sinh lý như các bạn nam hoặc nhận thấy
họ khó thi đấu ở trình độ cao hơn và sợ hãi môi trường tập luyện nặng sẽ hạn chế sự phát triển tự
nhiên nữ giới. Một số ít cô bé phấn đấu thành vận động viên, thường ở các môn phù hợp với nữ
giới, đã chứng minh sự tự tin và quyết tâm thay đổi nhận thức xã hội về giới nữ tham gia thi đấu
thể thao.
Tại nhiều nước, cũng như tại Mỹ, nữ sinh thiếu cơ hội tham gia thể thao cho đến thập niên
1970. Trước thời gian này, chỉ một tỷ lệ nhỏ nữ sinh chơi bóng rổ, thể dục, bơi lội…số còn lại
hầu hết đều không hứng thú hoặc thiếu kỹ năng chơi các môn bóng, đặc biệt là các môn đối
kháng trực tiếp đòi hỏi sự va chạm mạnh mẽ để có thể trở thành vận động viên. Tương tự, ít có cơ
hội thi đấu thể thao cho phụ nữ ở trường đại học. Các nhà nghiên cứu về giáo dục thể chất cho
phụ nữ phản đối mô hình thể thao đại học mang tính cạnh tranh cao và thương mại hóa. Họ cho
rằng nhu cầu hoạt động của phụ nữ sẽ được đáp ứng tốt nhất nhờ vào các chương trình giáo dục
thể chất mang tính hướng dẫn, chương trình nội khóa và một số ngày thi đấu hoặc luyện tập thể
thao (trong đó đề cao yếu tố tương tác xã hội và thi đấu thân thiện). Tuy vậy, đến những năm
1970, rõ ràng phụ nữ có trình độ kỹ năng thể thao cao hơn và mong muốn được thi đấu thể thao
như nam giới. Sau nhiều đấu tranh và thay đổi chính sách nhằm đẩy mạnh quyền bình đẳng giới
tính trong hoạt động thể dục thể thao, đến thập kỷ 1980, tại Mỹ, các nam sinh và nữ sinh mới bắt
đầu chia sẻ bình đẳng quyền sử dụng cơ sở vật chất, sân bãi, dụng cụ phục vụ tập luyện và thi
đấu. Một số nhà quản lý dù vậy vẫn chống lại việc đối xử bình đẳng với nữ sinh. Một số trường
vẫn trả tiền lương cho huấn luyện viên đội tuyển nam cao hơn. Huấn luyện viên cho các đội
tuyển nữ thường là nam, nữ bị hạn chế trong tuyển dụng làm huấn luyện viên.
Ủy ban Olympic quốc tế IOC và sự nỗ lực bình đẳng giới
Trong nhiều thập kỷ qua IOC đã làm việc hết mình để thúc đẩy sự góp mặt của phụ nữ
trong các môn thể thao. Nếu tại Thế vận hội Olympic Atlanta năm 1996 có tới 26 quốc gia không
cử các vận động viên nữ tham gia vào đoàn của họ, thì 12 năm sau, tại Olympic Bắc Kinh 2008,
con số này đã giảm xuống chỉ còn ba và tại Olympic London 2012, ba quốc gia còn lại cũng đã
70
cử những nữ vận động viên đầu tiên tham dự. Đây có thể coi là một dấu mốc quan trọng trong
lịch sử của Olympic. Kể từ khi phong trào Thế vận hội Olympic hiện đại ra đời, sự tham gia của
nữ giới ngày càng tăng: Từ 0% tại Olympic Athens 1896, lên 2,2% tại Olympic Paris 1900, 9,6%
tại Olympic Amsterdam 1928 và 42,37% tại Olympic Bắc Kinh năm 2008. Con số này đã được
cải thiện một lần nữa vào Olympic London 2012. Một cột mốc quan trọng nữa trong cuộc đấu
tranh cho bình đẳng giới trong thể thao là sự kiện môn quyền anh nữ được chính thức đưa vào
chương trình Olympic London năm 2012, để đảm bảo rằng phụ nữ có cơ hội thi đấu ở tất cả các
môn như nam giới.

VIII.3. Quan điểm xã hội


Quan điểm của xã hội đối với nữ giới trong thể thao cản trở cơ hội của họ. Vận động viên
nữ thường phải chịu nhiều sức ép từ định kiến xã hội. Xã hội giáo dục các cô bé không được quá
mạnh mẽ, quyết đoán, cộc cằn, gai góc mặc dù để thành công trong thể thao đôi khi họ cần các
tính cách này. Xã hội tán dương những chàng trai giành được chiến thắng và thường dành cho
giới nữ ít sự quan tâm hơn. Dù nam giới có lợi thế về thể chất khi tham gia thể thao, phụ nữ vẫn
có khả năng thi đấu đỉnh cao. Thí dụ, Babe Didrikson, vận động viên nữ nổi tiếng và đa năng của
nửa đầu thế kỷ 20, cô giành 2 huy chương vàng và 1 huy chương bạc môn điền kinh tại Olympic
1932, giải thưởng tài năng bóng rổ Mỹ, đạt nhiều thành tích nổi bật về bóng chày, nhảy cầu, bóng
mềm…đã phải chịu đựng không ít tiếng tăm khi thể hiện năng lực cao trong nhiều môn thể thao.
Một khía cạnh khác về sức ép tâm lý xã hội đối với phụ nữ liên quan đến những môn thể
thao được cho là phù hợp với nữ giới. Nhiều quan điểm cho rằng phụ nữ không nên chơi các môn
có tính chất quá mạnh mẽ, hay bạo lực như bóng đá Mỹ, quyền anh, đua xe, bóng bầu dục, vật,
hoặc đấu bò. Bóng rổ, bóng mềm, bóng chuyền, điền kinh là những môn xã hội có thể chấp nhận
được nhưng vẫn có nguy cơ vận động viên nữ bị nghi ngờ có bất thường về giới tính. Vận động
viên nữ các môn như quần vợt, golf, bơi lội, trượt băng nghệ thuật và thể dục dụng cụ được giới
truyền thông chú ý hơn và xã hội ủng hộ. Vấn đề đồng tính cũng là tâm điểm chú ý của huấn
luyện viên và nhà quản lý thể thao. Họ luôn chú ý tránh bị buộc tội là dung túng cho hành vi đồng
tính nữ trong đội tuyển nhằm bảo đảm uy tín của trường. Một vấn đề khác, bất chấp quy định của
71
Điều IX, trong nhiều tình huống thi đấu, vận động viên nam vẫn được ưu tiên về trang thiết bị, cơ
sở vật chất, công tác huấn luyện, phần thưởng và những hình thức hỗ trợ khác tốt hơn.
VIII.4. Giáo dục đạo đức
Các nhà lãnh đạo, quản lý thể thao cần hiểu rõ giá trị cá nhân và quan điểm của mình liên
quan đến quan hệ nhân sự và chuyên môn như thế nào. Các chủ trương, định hướng về nhiệm vụ
và mục đích của một tổ chức thể thao nói lên giá trị và niềm tin có phù hợp với định hướng đạo
đức, giá trị đạo đức và hành động đạo đức của tổ chức đó hay không. Các vấn đề đạo đức liên
quan đến bình đẳng giới vẫn còn tồn tại. Để có sự công bằng, vận động viên nữ cần phải nhận
được sự đối xử bình đằng. Đây là kim chỉ nam cho các dịch vụ hỗ trợ tài chính và các quyền lợi
khác dành cho vận động viên.
Câu hỏi ôn tập

1/ Hãy trình bày nguyên nhân của sự bất bình đẳng giới trong thể thao.
2/ Sự bất bình đẳng giới có còn tồn tại trong thể thao ngày nay hay không? Cho thí dụ.
3/ Cơ hội tham gia thể thao của nữ giới Việt Nam ngày nay như thế nào? Hãy kể ra những vận
động viên nữ mà bạn biết cùng thành tích/khó khăn của họ.

72
Chương IX. Ủy ban Olympic quốc tế và vấn đề đạo đức thể thao
Ủy ban Olympic quốc tế IOC là cơ quan có quyền hành cao nhất về hoạt động Olympic. Các
thành viên của IOC bao gồm các Ủy ban tổ chức của các Thế vận hội mùa hè và mùa đông, Các Ủy ban
Olympic quốc gia thành viên (NOC), tất cả các Liên đoàn Thể thao Quốc tế và quốc gia. Phong trào
Olympic dưới sự điều hành của IOC liên tục phát triển qua các giai đoạn và luôn thể hiện vai trò tổ
chức có quyền lực cao nhất trong các hoạt động thể thao trên toàn thế giới, có tác động đến tất cả các
lĩnh vực văn hóa, xã hội, chính trị, kinh tế của thế giới.
Trong quá trình hoạt động và phát triển, IOC cũng phải vượt qua nhiều thử thách và phải điều
chỉnh, thay đổi một số quy định trong hiến chương để phù hợp với sự phát triển của thế giới nhằm đưa
phong trào Olympic ngày càng phát triển. Trong đó, vấn đề đạo đức thể thao luôn được chú trọng. Việc
giáo dục đạo đức trong thể thao là điều rất quan trọng, phải tăng cường giáo dục cho vận động viên,
huấn luyện viên, trọng tài và kể cả khán giả.
Tất cả các tổ chức, cá nhân thành viên của IOC phải cam kết tuân thủ Hiến chương Olympic và
đặc biệt là các nguyên tắc đạo đức cơ bản; luôn luôn tôn trọng và bảo đảm Quy tắc đạo đức của IOC
(IOC code of ethnics) được tôn trọng.
IX.1. Vai trò của thi đấu cao thượng – tinh thần Fair Play
IX.1.1. Các khái niệm
Ở bất kỳ giải đấu thể thao cấp độ nào, trước khi thi đấu đều có phần tuyên thệ của vận động
viên là sẽ thi đấu hết mình, fair play. Các trọng tài cũng tuyên thệ điều hành giải với tinh thần công
bằng, trung thực và cao thượng. Đó cũng chính là tinh thần của thể thao chân chính. Ở Thế vận hội, sân
chơi thể thao lớn nhất, khắc nghiệt nhất hành tinh, điều này càng có ý nghĩa.
Hemingway – nhà văn nổi tiếng Mỹ, con người rất thích thể thao viết: “Thể thao dạy cho con
người thắng một cách trung thực, thua trong danh dự và nói chung thể thao góp phần dạy con người
mọi điều trong cuộc sống”.
Juan Antonio Samaranch, chủ tịch IOC 1980-2001, nhận định: “Sự trung thực vẫn là một
nguyên tắc có tính chất nền tảng trong thi đấu thể thao. Chúng ta lấy làm sung sướng khi nguyên tắc thi
đấu cao thượng cũng trở thành nguyên tắc hàng đầu trong các lĩnh vực khác của đời sống.”
Vậy Fair Play là gì? Hiện nay, có khá nhiều khái niệm, định nghĩa về Fair Play trong thể thao.
“Fair Play” được các từ điển định nghĩa như sau: “Fair”: Trung thực, công bằng, ngay thẳng, chân
thành (trọng tài không công bằng, chấm không chính xác là không fair). “Fair Play”: Đòi hỏi cách cư
xử có đạo đức trong cuộc thi đấu thể thao và vui chơi. “Fair Play” được biểu hiện qua việc tuân thủ luật
lệ, tôn trọng đối phương trong mọi trường hợp và giúp đỡ họ khi cần thiết. “Fair Play” là thi đấu hoặc
chơi một cách ngay thẳng theo đúng các quy tắc các tiêu chuẩn đã được chấp thuận. “Fair Play” còn là
cử chỉ đẹp, một thái độ cao thượng, được thể hiện qua thái độ tôn trọng đối phương và bước vào cuộc
thi đấu một cách tự hào. Fair còn có nghĩa là công bằng, không lợi dụng hoàn cảnh mà đối phương gặp
bất lợi khi không phải do anh ta gây ra để giành chiến thắng. “Fair Play” trong thể thao đồng nghĩa với
các từ luân lý, đạo đức, sự lịch thiệp, tinh thần hiệp sĩ, sự cao thượng. Khi kết hợp tất cả các yếu tố đó

73
lại với nhau thì ta sẽ có một định nghĩa hoàn chỉnh về khái niệm “Fair Play”. Theo IOC, Fair Play là
một nguyên tắc có tính chất nền tảng trong thi đấu thể thao. Fair Play là tôn trọng điều lệ, tôn trọng
trọng tài và các quyết định của họ. Fair Play là tôn trọng đối thủ, mọi người được bình đẳng tham gia
thi đấu. Fair Play là giữ tính tự chủ bản thân trong mọi lúc.
IX.1.2. Nguồn gốc và sự phát triển của tinh thần Fair Play trong thể thao
Từ “Fair Play” được nhà đại văn hào người Anh William Shakespeare (1564-1616) dùng đầu
tiên vào năm 1555 trong vở kịch “Vua Lear”. Đến thế kỷ 20, nước được xem là dẫn đầu về nguyên tắc
Fair Play trong thi đấu thể thao trên thế giới là nước Anh, ở đó đã hình thành nền thể thao lịch thiệp và
trở thành nguồn cảm hứng cho những người làm luật nghiên cứu và sáng tạo.
Năm 1963, Ủy ban Fair Play quốc tế (Tiếng Anh: International Fair Play Committee. Tiếng
Pháp: Comité International pour le Fair Play - CIFP) được thành lập tại Pháp. Là tổ chức phi lợi nhuận
và phi chính phủ, được thành lập để thúc đẩy tinh thần đạo đức trong thi đấu thể thao quốc tế. CIFP bao
gồm các thành viên là UNESCO, Hiệp hội báo chí thể thao quốc tế (AIPS), Hội đồng khoa học thể thao
và giáo dục thể chất quốc tế (ICSSPE), và các Liên đoàn thể thao quốc tế FIFA (bóng đá), FIBA (bóng
rổ), FILA (thể thao dưới nước) và FIRA (bóng bầu dục). Từ năm 1965, CIFP đã tiến hành trao giải
thưởng Fair Play hàng năm cho các vận động viên, trọng tài, huấn luyện viên, đội thể thao và các tổ
chức có tinh thần thể thao nổi bật trong năm. Năm 1964, những nguyên tắc đạo đức cơ bản trong các
cuộc thi đấu thể thao đã được hình thành và góp phần tạo ra luật thi đấu cao thượng Fair Play, cũng như
thành lập ủy ban pháp chế về các vấn đề fair play. Tài liệu về những nguyên tắc đạo đức cơ bản được
xem là nền tảng đạo đức của tất cả các cuộc thi đấu thể thao, được Hội đồng quốc tế về các vấn đề Thể
dục thể thao chấp nhận là quan điểm chính thức của hội đồng, là tiền thân của Hiến chương “Fair Play”
của IOC sau này.
Về tài liệu này Tổng Giám đốc phụ trách các vấn đề giáo dục và văn hóa UNESCO của Liên
hiệp quốc đã nói: “Cái thời mà thể thao như một cá thể biệt lập tách ra khỏi xã hội đã qua, chúng ta tìm
thấy ở nó như là nguyên nhân của các quan hệ xã hội, có khi như là hệ quả hay như một chỉ số đơn giản
đáng được quan tâm nhất. Thể thao sẽ mãi mãi gắn bó với các vấn đề quan trọng, mà giải quyết được
chúng sẽ tạo điều kiện tốt cho tương lai của thế giới văn minh chúng ta”. Chủ tịch hội đồng Quốc tế về
các vấn đề thể dục thể thao coi tài liệu “Fair Play” là quan điểm chính thức của Hội đồng quốc tế về
các vấn đề thể dục thể thao (CIEPS) Philip Barker, giám đốc UNESCO, người đoạt giải thưởng Nobel
hòa bình nói: “ý nghĩa của nguyên tắc Fair Play được phát triển thêm trong phần tinh thần thể thao như
sau: Tinh thần thể thao là sự đồng nhất với nguyên tắc Fair Play, nó còn đòi hỏi một thái độ nhân hậu
đối với đối phương và trọng tài, đòi hỏi một ý thức kỷ luật tuyệt đối, nó còn nhấn mạnh thái độ ôn hòa
trong lúc chiến thắng cũng như thất bại và nó là luật cơ bản trong thể thao”.
UNESCO đã coi tài liệu fair play là quan điểm chính thức của mình, ngày 4/5/1971 Tổng giám
đốc Ren Mahew nói UNESCO tự hào vì đã góp sức mình và tạo nên luật “Fair Play” và tán thành trao
giải thưởng Fair Play hằng năm cho các vận động viên, trọng tài, huấn luyện viên và các nhà hoạt động
thể thao. Giải thưởng nhằm tôn vinh giá trị đạo đức về thể thao phục vụ sức khỏe và sự công bằng, bắt
thành tích phục tùng sự trung thực và công bằng. Điều này vốn đã có từ lâu trong thời văn minh cổ đại.
UNESCO đặc biệt chú ý tới những gì làm cho con người trở thành fair play chính vì mong
muốn nhấn mạnh đến giá trị đạo đức cơ bản do thể thao mang lại. Những giải thưởng mà UNESCO
74
trao tặng cho những trọng tài, vận động viên, huấn luyện viên, đội thể thao … đã thể hiện rõ: Thể thao
cho phép mỗi cá nhân phát triển toàn diện về thể chất và đạo đức. Mỗi cá nhân, mỗi vận động viên,
huấn luyện viên, quần chúng, trọng tài… thông qua tinh thần fair play sẽ “tạo nên tinh thần đoàn kết
hữu nghị, bác bỏ lợi ích vị kỷ, đóng góp vào sự phát triển thể thao, sự phát triển chung của xã hội và
hòa bình thế giới.
Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử thể thao, con người đã không ngừng đấu tranh bảo vệ sự
trung thực trong thi đấu thể thao, coi đó là cứu cánh của thể thao, như nguyên nhân tồn tại và phát triển
của thể thao mà các quốc gia phải giữ gìn các giá trị nhân văn của nó. Nhìn lại lịch sử thể thao có thể
thấy: Từ đại hội Olympic cổ đại năm 98 trước công nguyên, sự trung thực trong thi đấu đã rất được tôn
trọng. Tại thế vận hội năm 98 trước công nguyên, lực sĩ Enpolix đã hối lộ 3 đối thủ của mình và giành
chiến thắng, khi bị phát hiện cả Enpolix lẫn người thua điều bị trừng phạt nặng – mỗi người bị phạt 1
số tiền đủ để dựng một bức tượng của mình, dưới có khắc dòng chữ: “không phải là tiền bạc mà là
những đôi chân nhanh như gió và một tinh thần hùng mạnh mới giành được thắng lợi tại đại hội
Olympic”. Trong thế kỷ 20, đặc biệt trong vài thập kỷ gần đây, sự thiếu trung thực và thương mại hóa
trong thể thao đã trở thành vấn đề lớn làm cho mọi người lo ngại. Việc sử dụng các chất kích thích để
nhằm đạt các thành tích thể thao một cách giả tạo gây nhiều tổn thất cho phong trào thể thao thế giới.
Thực trạng tình hình vi phạm đạo đức thể thao diễn ra ở nhiều môn thi đấu, nhiều cấp độ - từ thế vận
hội đến các giải châu lục, khu vực và quốc gia- và nhiều lĩnh vực, một số thí dụ như: FIFA cấm thi đấu
2 năm với đội bóng đá Mehico vì tội gian lận tuổi trong giải vô địch bóng đá trẻ thế giới. 1988 ở
Hungary vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử bóng đá nước này bị phanh phui với 52 bị can tham gia vào
các vụ hối lộ, dàn xếp tỉ số các trận đấu trong giải vô địch quốc gia Hungary năm 1987 – 1988. Vụ sử
dụng doping của vận động viên điền kinh Ben Jonson (Canada) ở đại hội Olympic Seoul, chỉ trong 72
giờ sau khi thi đấu Jonson đã bị phát hiện - bị tước HCV và danh hiệu vô địch – bị cấm thi đấu 2 năm.
Ở đại hội thể thao châu Á 12 Hiroshima 94, OCA đã quyết định hủy bỏ 22 huy chương (12 vàng, 6 bạc,
1 đồng ) của các Jonson Trung Quốc vì đã sử dụng chất kích thích. Ủy ban Olympic Trung Quốc đã
thừa nhật quyết định này của OCA. Trung Quốc đã lập ủy ban điều tra để trừng phạt các Jonson đó –
cấm tham dự thi đấu 4 năm. Như vậy từ năm 1972 tới nay đã có 34 vận động viên Trung Quốc bị phát
hiện có kết quả dương tính trong xét nghiệm doping. Sự việc này được coi là vụ doping lớn nhất với số
người vi phạm kỷ lục thế giới suốt 50 năm qua. Đại hội thể thao Liên Mỹ (Pan American Games) và
đại hội thể thao châu Phi đã phát hiện hàng loạt vụ sử dụng doping và cho đến khi người ta phát hiện ra
nữ vận động viên Srilanca Susan Thika giành vô địch điền kinh châu Á nhờ chất kích thích – người ta
nghĩ trường hợp SusanThika không phải là trường hợp cuối cùng. Đó chỉ là những thí dụ về vi phạm
các luật lệ thi đấu, vi phạm đạo đức thể thao cần phải được ngăn chặn.
Fair Play và vận động viên: Trong lịch sử thể thao, đã có khá nhiều tấm gương Fair Play được
tôn vinh. Một trong những minh họa được IOC đưa vào chương trình giảng dạy và truyền bá tinh thần
Fair Play như sau: Tại đại hội Olympic Melbourne - Úc năm 1956, ở vòng chung kết môn chạy 3.000
m vượt chướng ngại, vận động viên Christopher Brasher (Anh) khi đến khúc đường vòng đã vô tình
ngoắc phải khuỷu tay và làm ngã Larsen (Na Uy), Brasher tiếp tục vượt lên, vượt cả vận động viên
Sando Rose (Hungary), còn Lacsen về thứ ba. Ban trọng tài coi việc ngã của Larsen là do lỗi của
Brasher và tuyên bố kỷ luật Brasher. Nghe tin đó, Larsen (người bị ngã) đã tới gặp trọng tài và nói
rằng: “tuy Brasher có làm tôi ngã nhưng hoàn toàn là do vô ý và không làm ảnh hưởng tới tốc độ của
75
tôi”. Anh đã xác nhận:” ở đoạn nước rút tôi đã quá mệt nên không thể theo kịp Brasher và Sando Rose,
họ cùng vượt qua tôi một lúc, không xô đẩy tôi. Anh ta không dừng lại mà vượt lên vì thể lực của anh
ta rất tốt. Còn khuỷu tay ngoắc vào nhau khi chạy không ảnh hưởng lớn đến thành tích đến tôi. Brasher
rõ ràng có khả năng hơn trong cuộc thi, anh ta đã thi đấu Fair play và xứng đáng nhận huy chương
vàng”. Nếu kỷ luật Brasher, Larsen sẽ nhận huy chương bạc thay vì huy chương đồng, nhưng anh đã
cao thượng từ chối.
Câu chuyện vận động viên về chót vĩ đại – Biểu tượng của tinh thần Olympic: Không phải là
các huy chương vàng hay lập kỷ lục thế giới, câu chuyện xúc động nhất tại thế vận hội 1968 tại Mexico
là về vận động viên cán đích cuối cùng trong môn Marathon. 7 giờ tối Ngày 20/10/1968 tại sân vận
động Olympic, thủ đô Mexico, lễ trao huy chương nội dung marathon đã kết thúc. Các VĐV và khán
giả đang ra về. Bất ngờ, tiếng loa thông báo của ban tổ chức đề nghị mọi người nán lại giây lát. Từ
đường hầm dẫn vào sân vận động, những môtô hộ tống xuất hiện, phía sau là một VĐV với băng trắng
quấn kín đầu gối phải, tập tễnh tiến về đích. Đám đông cổ động viên ít ỏi còn lại trên khán đài lặng
người nhìn VĐV đang nhích những bước cuối cùng về đích, nơi xe cứu thương đã chờ sẵn để đưa anh
vào bệnh viên. Chấn thương nặng ở đầu gối sau khi xuất phát ít phút không thể khiến VĐV người
Tanzania John Stephen Akhwari (1938) bỏ cuộc. Ngày hôm sau, mọi người đều thắc mắc "Tại sao
không bỏ cuộc để được chăm sóc vết thương vì chắc chắn anh sẽ không thể chiến thắng cuộc đua?”.
Câu trả lời của Akhwari là bài học về tinh thần Olympic cho bất kỳ VĐV nào: "Đất nước Tanzania
không cử tôi vượt 11.000 km đến chỉ để BẮT ĐẦU cuộc đua. Họ cử tôi đến để KẾT THÚC cuộc đua!”
Fair Play và trọng tài. Quyết định thay đổi kết quả ngay sau một quyết định sai trước đó của
mình của trọng tài môn thể dục dụng cụ tại Olympic London 2012 vừa qua được xem là dũng cảm và
fair play. Cần nhớ, thông thường khi trọng tài đã ra quyết định thì mọi sự khiếu kiện được giải quyết về
sau thường có kết quả không thay đổi. Sự việc xảy ra ở đợt thi đấu cuối cùng môn thể dục dụng cụ, khi
Anh và Nhật Bản đang so kè chiếc HCB. Lúc đó, VĐV Kohei Uchimura của Nhật Bản thi đấu ở môn
ngựa tay quay. Uchimura chỉ nhận được 13,466 điểm, một số điểm khá thấp, thậm chí không có cả
HCĐ. Lúc này, phía Anh vui mừng vì họ chắc chắn sẽ nhận được HCB. Tuy nhiên, HLV đội thể dục
dụng cụ Nhật Bản không phục và quyết định khiếu nại. Sau hơn 15 phút, Ủy ban kỹ thuật và ban trọng
tài đã xem lại băng ghi hình tới 10 lần và quyết định tăng thêm 0,7 điểm cho Uchimura. Điều này đã
đưa đội Nhật Bản lên hạng nhì, đoạt HCB và đẩy đội Anh xuống hạng ba, HCĐ. Tổng thư ký Liên
đoàn Thể dục thế giới Gueisbuhler phát biểu: “Bất cứ ai cũng có thể mắc sai lầm. Chúng tôi có thể nói
rằng sự công bằng đã chiến thắng. Tất nhiên tôi lấy làm tiếc cho Vương quốc Anh, nhưng Nhật Bản
xứng đáng với HCB. Tôi tin chắc rằng không người Anh nào muốn giành chiếc huy chương mà họ
không xứng đáng được nhận”.
Điều đáng nói ở đây là sự dũng cảm của các trọng tài. Họ đã vượt lên sức ép ghê gớm từ khán
giả chủ nhà để thay đổi một quyết định quan trọng. Nếu như các trọng tài giữ nguyên quyết định thì đội
Anh sẽ có tấm HCB và đây cũng là điều bình thường trong thi đấu thể thao vì đội chủ nhà bao giờ cũng
được ưu ái hơn. Thế nhưng, các trọng tài đã làm điều ngược lại. Kết quả này gây sốc với nhiều người,
nhưng với những VĐV và người yêu thể thao chân chính nước Anh sẽ thấy tự hào hơn vì một Olympic
trong sạch, trung thực và cao thượng.

76
Ngược lại với tấm gương trên, lịch sử thể thao thế giới đã chứng kiến không ít trường hợp
trọng tài vi phạm trắng trợn tinh thần fair play, tinh thần thể thao chân chính trong khi thực hiện
nhiệm vụ. Một thí dụ gần đây: Liên đoàn pencak silat Singapore (SSF) đã quyết định kỷ luật vô thời
hạn trọng tài Jasni Salam sau khi ông này cho võ sĩ chủ nhà giành chiến thắng đầy tranh cãi ở trận
chung kết hạng cân dưới 50 kg. Tại trận chung kết giữa võ sĩ Indonesia Dian Kristanto và Anothai
Choopeng của Thái Lan, trọng tài chính Jasni đã gây sốc khi cho võ sĩ Indonesia (nước chủ nhà)
chiến thắng dù anh này thua điểm 2 hiệp đầu và phạm luật – chạy, cắn đối thủ rồi trốn sau lưng trọng
tài. Còn gây sốc hơn khi không chịu gặp 5 trọng tài để giải thích cho quyết định đổi trắng thay đen kể
trên. SSF nói riêng và báo chí Singapore nói chung rất xấu hổ trước quyết định nực cười của trọng tài
Jasni. Báo chí gọi ông là “thằng hề” trong vở “hài kịch pencak silat” tại SEA Games 26- 2011.
IX.1.3. Các giải thưởng Fair Play quốc tế tiêu biểu
Từ năm 1965, Ủy ban Fair Play quốc tế CIFP đã tiến hành trao giải thưởng Fair Play quốc tế
dưới 3 hình thức: Giải thưởng Pierre de Coubertin nhằm tôn vinh tinh thần Fair Play của vận động viên
nổi bật; Giải thưởng Jean Borotra trao cho các vận động viên thể hiện tinh thần Fair Play trong suốt sự
nghiệp; và Giải thưởng Willi Daume trao cho các nhân hoặc tổ chức phát triển và thúc đẩy tinh thần
Fair Play nổi bật. Đây được xem như các giải thưởng Fair Play danh giá nhất của thể thao thế giới.
Người được giải thưởng đầu tiên của Ủy ban Fair Play quốc tế CIFP là Eugenio Monti (Italia)
VĐV trượt băng bằng xe – hành động Fair Play nổi bật của anh là: Tại vòng chung kết trượt băng của
đại hội Olympic mùa đông 1964 ở Innsbuck (Áo) khi thấy VĐV Tony Nash (Anh) đang thất vọng vì xe
của anh bị hỏng – Monti liền chạy tới Nash khắc phục sự cố, sửa xong cho Nash đúng vào lúc xuất
phát. Nash ngồi vào xe và bắt đầu cuộc thi mà không gặp trở ngại gì và đạt huy chương vàng. Monti là
người đến chúc mừng đối thủ và là người đầu tiên nhận giải thưởng “Fair Play” mang tên Pierre de
Coubertin do UNESCO trao tặng.
Gần đây nhất, Ủy ban Fair Play quốc tế CIFP đã trao giải Fair Play Quốc tế 2012 cho vận động
viên điền kinh Mỹ Curtis Beach. Quyết định dựa trên hành động cao thượng của Beach dành cho đối
thủ đồng hương Ashton Eaton trong cuộc thi 10 môn phối hợp của giải điền kinh Mỹ 2012. Vào nội
dung cuối chạy 1.500 m khi đang dẫn đầu cùng Eaton trên đường về đích, Beach đã tự động chuyển
qua đường chạy bên cạnh để nhường chỗ cho Eaton vượt lên chiến thắng. Mục đích nhằm giúp Eaton
đạt số điểm tổng cộng đủ phá kỷ lục thế giới 10 môn phối hợp. C. Beach 22 tuổi, lúc đó là nhà vô địch
bảy môn phối hợp, vô địch chạy 800 m và nhảy xa Mỹ.
Giải thưởng fair play của FIFA
Từ năm 1987, FIFA đã đặt ra giải thưởng Fair play hằng năm nhằm tôn vinh những hành vi thể
thao cao thượng trong bóng đá của một cá nhân hay tập thể (đội bóng), người hâm mộ (khán giả), các
Hiệp hội hay Liên đoàn Bóng đá. Sau đây là một số giải thưởng tiêu biểu:
1987. Trong trận giải Đức giữa Werder Bremen và Cologne, hậu vệ F. Ordenewitz của Bremen
để bóng chạm tay trong khu cấm, trọng tài không thấy song anh vẫn đến báo cho trọng tài biết để chấp
nhận chịu phạt đền cho Cologne. cuối cùng thắng 2-1. Cổ động viên đội Dundee United (Scotland)

77
cũng được tuyên dương trong trận chung kết lượt đi Cúp UEFA sân nhà thua Gotheborg (Thụy Điển)
1-2 tan trận vẫn đồng loạt đứng lên hoan hô… đội khách! 
1989. Dành cho khán giả Trinidad & Tobago sau trận chung kết  CONCACAF trên sân nhà, với
kết quả thua đội Mỹ 0-1 nhưng vẫn vỗ tay chúc mừng đội khách dù đội nhà bị loại khỏi World Cup
1990.
1990. Dành cho tiền đạo Anh G. Lineker được vinh danh với sự nghiệp 15 năm đá chuyên
nghiệp không hề… lãnh thẻ nào kể cả thẻ vàng lẫn thẻ đỏ. Lúc đó anh đang chơi cho Tottenham, sau đó
qua Nhật đá thuê ba năm nữa đến 1994 giải nghệ.
1997. Cầu thủ J. Zovinec (Slovakia) chơi bóng đá nghiệp dư 60 năm không bị phạt thẻ nào. Dù
đá nghiệp dư nhưng ông cũng đã khoác áo 15 CLB.
2001. Tiền đạo Ý Pablo Di Canio của đội West Ham Anh trong trận sân khách gặp Everton.
thấy thủ môn đối phương đang bị chấn thương nằm sân mà trọng tài không thấy, thay vì nhận đường
chuyền của đồng đội dễ dàng đưa bóng vào lưới trống của đối phương đã dùng tay bắt bóng lại chờ bác
sĩ chạy vào săn sóc thủ môn. Dù kết quả trận đó đội của anh thảm bại… 0-5.
2010. Tiền đạo A. Motevaselzadeth của đội Moghamvemat ở Iran trong trận đấu với đội Steel
Azim dù đội nhà cần thắng để trụ hạng song trong một tình huống tấn công thủ môn đội bạn trúng bóng
vào đầu nằm sân, anh không sút ghi bàn mà đá bóng ra biên. Kết quả thua 1-2 và đội bị xuống hạng.
Ngoài ra, các liên đoàn thể thao quốc tế, các cơ quan thông tấn lớn cũng có những giải thưởng
Fair Play để thúc đẩy và tôn vinh tinh thần thể thao cho cá nhân, tổ chức do mình quản lý. Tại Việt
Nam, từ năm 2012 giải thưởng Fair Play dành cho các giải bóng đá chuyên nghiệp nằm trong hệ thống
thi đấu quốc gia do báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh và VFF phối hợp ra đời. Không chỉ nhằm tôn vinh
các cầu thủ, những thành phần tham gia vào trận đấu đều thuộc đối tượng vinh danh Fair Play như
trưởng đoàn, giám đốc điều hành CLB, các HLV trưởng, phó, săn sóc viên, nhân viên y tế, tập thể cổ
động viên…
IX.2. Thực trạng các vấn đề đạo đức thể thao
Ngoài các vấn đề vi phạm đạo đức thể thao như: không công bằng, không trung thực, hành vi đe
dọa, hành vi bạo lực trong tập luyện và thi đấu thể thao, vi phạm quy định tư cách thi đấu… đã nêu ở
các chương trên, Ủy ban Olympic quốc tế hiện nay đang phải đối mặt với một số các vấn nạn về đạo
đức trong thể thao sau:
IX.2.1. Vấn nạn doping
Định nghĩa ban đầu và chung nhất nhưng vẫn chưa rõ ràng của doping là: “việc sử dụng các
chất thuốc nhằm phát triển thành tích trong thể thao”. Sau nhiều tranh cãi, các nhà khoa học đã đưa ra
những định nghĩa rõ ràng hơn, đặc biệt là dựa trên các lý lẽ hợp pháp rõ ràng hơn. Định nghĩa đầu tiên
có tính chất pháp lý về doping được Nghị viện Châu Âu đưa ra vào năm 1963, doping là “sử dụng các
chất ngoại sinh dưới hình thức bất thường hay cách thức làm tăng sức khỏe con người với mục đích
duy nhất là đạt được sự cải tiến thành tích thi đấu thể thao một cách gian lận (không công bằng) và
không tự nhiên”. Định nghĩa ban đầu của IOC là: “Doping là việc sử dụng các chất được bào chế từ các
nhóm thành phần bị cấm và việc sử dụng các phương pháp bị cấm”, cùng với 1 danh sách kèm theo.

78
Sau nhiều bàn cãi, định nghĩa doping hiện nay của IOC đề cập đến “ việc sử dụng hay cố tình sử dụng
chất cấm hay phương pháp bị cấm đã được liệt kê trong danh sách bị cấm”.
Hiện nay, vẫn còn nhiều vấn đề cần thảo luận về các định nghĩa doping trình bày trên. Theo
định nghĩa doping của Nghị viện Châu Âu, doping là sự can thiệp về sinh học không cần thiết cho sức
khỏe nhưng có mục đích duy nhất là phát triển thành tích, điều này rất khó (nếu nói là không thể) để
xác định biên giới rõ ràng giữa sức khỏe và khả năng vận động. Đối với định nghĩa của IOC, căn cứ
trên danh sách cấm, thì vấn đề chính là tập trung vào các nguyên tắc chung để liệt kê các chất và
phương pháp bị cấm, vậy thì các chất không nằm trong danh sách cấm vẫn là hợp pháp. Nguyên tắc
này không thể giải quyết vấn nạn doping, cả về lý thuyết và thực tiễn, do tình trạng “mèo đuổi chuột
không có hồi kết” giữa các nhà làm luật thể thao và các nhà nghiên cứu bào chế thuốc (doping).
Lịch sử của Doping: từ thời xa xưa người ta đã biết được nhiều dược liệu (phần lớn là từ nguồn
gốc thực vật) có tác dụng kích thích khả năng hoạt động thể chất và tinh thần của cơ thể con người và
động vật. Khoảng thế kỉ thứ 3 trước công nguyên, nhiều tài liệu cho biết người Hy Lạp đã ăn một loại
nấm để tăng cường sức khỏe khi phải dùng sức tối đa. Những người dân Nam Mỹ, Trung Mỹ, Nam Phi
từ lâu cũng đã biết sử dụng các loại quả cây (dừa, coca…) để làm giảm cảm giác đói và mệt mỏi trong
những cuộc đi dài ngày.
Vào năm 1788, trong cuộc chiến tranh giữa Thụy Điển và Na uy người ta đã cho binh sĩ Thụy
Điển ăn 1 loại nấm có chứa chất halucinatio có tác dụng kích thích tinh thần chiến đấu. Trong cuộc
chiến tranh thế giới lần thứ nhất, quân đội Pháp đã dùng 1 loại rượu hỗn hợp ête làm chất kích thích
tinh thần chiến đấu. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, quân đội Anh, Mỹ đã sử dụng hàng triệu
viên thuốc tăng lực- energy tablets – trong đó có một trong những nhóm chất kích thích hay được sử
dụng là nhóm amin để tăng cường sức lực, giảm mệt mỏi trong chiến đấu.
Từ “Doping” bắt nguồn từ thổ dân Banta ở Châu Phi. Họ hay dùng 1 loại thuốc nước của địa
phương gọi là “Dop” để làm chất kích thích. Còn từ “Chất kích thích” đã xuất hiện trong từ điển Anh
ngữ lần đầu tiên vào năm 1889 và được giải thích là một hợp chất giữa nha phiến và thuốc ngủ thường
được dùng trong các cuộc đua ngựa.
Lịch sử doping trong thể thao cận đại của thế giới bắt nguồn từ thập kỷ 50 thế kỷ 19. Các tài
liệu ghi lại cho thấy, vào năm 1865 tại cuộc thi bơi tại sông đào Amsterdam, các vận động viên đã sử
dụng doping. Trong cuộc đua xe đạp 6 ngày tổ chức vào năm 1879, các vận động viên đã sử dụng
cafein, đường ngâm trong ête, nước uống có pha rượu và nitroslyxerin… các tài liệu còn cho thấy trong
thời gian đó các huấn luyện viên còn cho các vận động viên dùng chất kích thích có heroin và cocain.
Năm 1886, trong cuộc đua xe đạp đường trường dài 600km từ Bordeaux đến Paris, một vận động viên
bị huấn luyện viên cho uống trimetyl quá mức và đã tử vong. Stychnin và hỗn hợp của rượu mạnh với
cocain đã được dùng trong các trận đấu quyền anh từ đầu thế kỷ 20.
Năm 1952, nhiều ống thuốc và kim tiêm được nhìn thấy trong phòng thay quần áo của các vận
động viên thi trượt băng tốc độ tại Đại hội Olympic mùa đông tại Oslo. Phải đến đại hội Olympic mùa
hè 1960 tại Roma, người ta mới thật sự chú ý đến vấn đề doping ở vận động viên. Cái chết của vận
động viên đua xe đạp Kurt Enemax Jensen, có liên quan đến việc dùng Amphetamin, đã gây xôn xao
trong Hội đồng thể thao Châu Âu. Đến đại hội Olympic ở Tokyo 1964, việc lạm dụng doping lại tăng
lên rõ rệt. Chính tại đây “định nghĩa về doping đã được hội nghị quốc tế về doping của Liên đoàn y học

79
thể thao quốc tế (FIMS) cũng như ủy ban Olympic quốc tế chấp nhận. Tuy nhiên, những năm sau đó
nhiều vận động viên xe đạp, bóng đá, quyền anh đã bị chết vì sử dụng các chất doping. Thí dụ, trong
giải vô địch cử tạ thế giới năm 1970, chín trong số 12 vận động viên đạt huy chương đã bị loại sau
những cuộc kiểm tra nước tiểu. Kết quả khẳng định họ đã dùng amphetamine. Cái chết của nữ vận
động viên bơi lội nổi tiếng của Hàn Quốc Sin Xo En chính là do dùng liên tục các chất lợi tiểu
(diurectics) gây nên sự mất cân bằng các chất điện giải trong máu, rối loạn hệ thống điều hòa thân
nhiệt, dẫn đến kiệt sức, loạn nhịp tim, suy tim và chết.
IOC bắt đầu cuộc chiến doping vào năm 1976: Bắt đầu tiến hành kiểm tra chất steroid đồng hóa
và các chất doping bị cấm khác tại Olympic Montreal. Đến năm 1999, cơ quan chống doping thế giới
(WADA) được hình thành.
Thực trạng vấn đề doping trong thế giới thể thao
Việc sử dụng doping là hành vi phi thể thao, hành vi này trái ngược với tinh thần Olympic: fair
play. Nhiều chất (hay phương pháp sử dụng) bị cấm do có hại cho sức khỏe vận động viên và có thể
gây tử vong. Trong đó có nhiều chất cấm như:
- Các steroid đồng hóa giúp tạo cơ và vì vậy được sử dụng trong các môn thể thao đòi hỏi khỏe,
tốc độ, thí dụ như môn đẩy tạ và chạy tốc độ.
- Các chất chẹn bêta làm giảm huyết áp và giúp cho việc duy trì đôi tay của vận động viên vững
chắc, vì vậy được sử dụng trong bắn cung hoặc bắn súng.
- Các thuốc lợi tiểu thải nhiều nước ra khỏi cơ thể, chúng được dùng trong thể thao khi các vận
động viên thi đấu theo cân nặng như đua thuyền, quyền anh, vật, Judo… việc dùng thuốc lợi tiểu có thể
gây mất nước nặng.
Một câu hỏi cần đặt ra là: chống doping có phải là mong muốn có tính chất xã hội? Câu trả lời
thường là có, vì doping liên quan đến nhiều tác động tiêu cực đến không chỉ vận động viên mà còn hủy
hoại danh tiếng thể thao. Preston và Szymanski (2003) liệt kê 4 tác động tiêu cực chính của doping: 1)
Doping có hại cho sức khỏe vận động viên; 2) Vận động viên sử dụng doping chiếm lợi thế không
công bằng trong thi đấu; 3) Doping xói mòn sự quan tâm vào thể thao; 4) Doping hủy hoại danh tiếng
thể thao.
Tại sao vận động viên sử dụng doping? Nhìn lại lịch thi đấu các môn thể thao có thể thấy được
sự khắc nghiệt của thể thao chuyên nghiệp. thí dụ: Giải Tour de France, các vận động viên phải thi đấu
21 chặng (chặng ngắn nhất phải mất hơn 3h30 phút và chặng dài nhất mất 5h41 phút để hoàn thành);
các cầu thủ bóng đá phải thi đấu trung bình hơn 70 trận/năm; các vận động viên điền kinh, bơi lội, quần
vợt… thì đối mặt với các giải Grand Prix, giải VĐTG, Olympic, giải đấu khu vực được sắp xếp dày đặc
quanh năm.Với cường độ thi đấu ngày càng dày, vượt qua giới hạn sức khỏe chịu đựng của các vận
động viên, điều có thể khiến họ có thể giữ vững phong độ và đạt thành tích cao là sử dụng chất kích
thích !!! Ngoài ra, vấn đề giải thưởng, danh tiếng, quyền lợi đạt được khi chiến thắng cũng là một động
lực lớn khiến vận động viên sử dụng doping, thí dụ: các nhà quảng cáo, kinh doanh, và cả báo chí chỉ
quan tâm tới huy chương vàng. Nhờ vào chiếc huy chương vàng bóng lăn mà 2 vận động viên Kanit và
Petchara (Thailand) từng được thưởng dài hạn 1.000 USD mỗi tháng và nếu dành được HCV Olympic
sẽ lãnh liên tục 30 năm, Nga thưởng 120.000 USD, Đức thưởng 40.000 USD cho mỗi huy chương vàng

80
Olympic. Chính phủ Singapore tuyên bố thưởng 1 triệu Đôla Singapore (715.000 USD) cho mỗi HCV
tại Atlanta… chưa kể các hợp đồng quảng cáo, lương, các nguồn thu nhập khác tăng lên rõ rệt sau khi
giành được huy chương vàng Olympic hoặc chức vô địch thế giới.
Các scandal doping lớn nhất trong lịch sử thể thao
1. Chỉ sau 1 kỳ Olympic, Đông Đức cũ với 17 triệu dân đã nâng gấp đôi số HCV đoạt được (từ
20 lên 40) và trở thành cường quốc thể thao sau Mỹ và Liên Xô thập niên 1970, 1980. Sau khi bức
tường Berlin sụp đổ, nhiều VĐV Đông Đức đã thú nhận đã được các bác sĩ tiêm chất kích thích từ rất
sớm.
2. Khoảng 100 VĐV Mỹ ở nhiều bộ môn khác nhau trong thời gian 1998-2000 đã có kết quả xét
nghiệm doping dương tính.
3. Tại Olympic Seoul 1988, Ben Johnson (Canada) đã vượt qua Carl Lewis (Mỹ) để giành lấy
HCV cự ly 100 mét với thời gian kỷ lục 9.79 giây. Sau khi bị phát hiện có sử dụng chất kích thích,
Johnson đã bị tước HCV cũng như kỷ lục thế giới và cấm thi đấu 2 năm.
4. Từ một VĐV bơi lội không có thành tích cao, Michelle Smith (Ireland) bất ngờ đoạt 3 HCV
và 1 HCĐ tại Olympic Atlanta 1996. Smith còn gian dối bỏ thêm cồn vào mẫu mồ hôi để đánh lừa các
phòng thí nghiệm nhưng đến năm 1998 mọi việc đã được làm sáng tỏ, Smith bị cấm thi đấu 4 năm.
5. Vốn không mạnh ở môn bơi nhưng các cô gái Trung Quốc đã gây chấn động thế giới bằng 4
HCV Olympic Barcelona 1992 và 12/14 HCV tại giải VĐTG 2 năm sau đó. Toàn bộ các thành viên
trong đội bơi này đều có dính đến chất kích thích.
6. Tour de France: nổi tiếng với độ khó và sự danh giá, mọi cuarơ đều bằng mọi giá muốn là
người giành chiến thắng. Vì vậy từ quá khứ cho đến hiện tại rất nhiều VĐV đã dùng doping. Tai tiếng
nhất là vụ doping quy mô lớn của đội đua Festina năm 1998.
7. Sau khi giải nghệ vào năm 2002, VĐV bóng chày Jose Canseco cho biết 85% các VĐV của
giải Major League Baseball (Mỹ) có sử dụng chất kích thích và chính bản thân anh cũng đã tiêm chất
steroid.
8. "Vết nhơ lớn nhất lịch sử thể thao" là lời than vãn của chủ tịch Liên đoàn điền kinh thế giới
(IAAF) Lamine Diack sau sự kiện VĐV điền kinh người Mỹ Marion Jones thừa nhận đã sử dụng doping
trước thềm Olympic Sydney năm 2000. Marion Jones đối mặt với án phạt 6 tháng tù giam và bị tước 5
chiếc huy chương (3 HCV, 2 HCĐ) tại Olympic 2000.
9. Olympic Athens 2004 là một sự thất bại lớn trong công tác phòng chống tệ nạn doping với 12
tấm HCV bị tước, cùng 40 VĐV bị cấm thi đấu.
10. Cú sốc về doping cho thể thao thế giới: Bản báo cáo của USADA cho biết Lance Armstrong
và đồng đội đã thực hiện một kế hoạch doping chuyên nghiệp, quy mô và thành công nhất trong lịch sử
thể thao.  Lance Armstrong đương nhiên bị USADA và IOC tước bảy áo vàng Tour de France và cấm
thi đấu suốt đời do “Lance Armstrong sử dụng EPO, testosteron và doping máu và còn bắt đồng đội
phải doping để phục vụ mục tiêu của mình". Cuối cùng, Amstrong đã thú nhận việc sử dụng doping
trong chương trình truyền hình Oprah Winfrey vào tháng 1/2013.

81
IX.2.2. Vấn nạn tham nhũng
Một số vụ việc nổi bật liên quan đến các quan chức cấp cao của IOC và FIFA: Năm 1999, 10
thành viên IOC phải từ chức hoặc bị cách chức và 10 thành viên khác bị khiển trách vì liên quan đến
việc nhận quà “trên mức tình cảm” của Ủy ban tranh cử tổ chức Olympic mùa đông Salt Lake city
2002.
Liên đoàn Bóng đá Thế giới FIFA lại bùng nổ một scandal mới trong năm 2012. Theo bản
báo cáo về vụ tham nhũng liên quan tới Công ty kinh doanh thể thao quốc tế ISL và FIFA của tòa án
Thụy Sỹ, người tiền nhiệm của đương kim chủ tịch Sepp Blatter, ông Havelange (chủ tịch FIFA
trong 24 năm, từ 1974 đến 1998) và thành viên Ban chấp hành FIFA Ricardo Teixeira đã nhận hối lộ
trong thời gian tại vị số tiền khổng lồ lên tới 17 triệu euro. Ricardo Teixeira đã phải từ chức chủ tịch
Liên đoàn bóng đá Brazil, trưởng ban tổ chức World Cup 2014, đồng thời rời ghế thành viên Ủy ban
chấp hành FIFA.
IX.2.3. Vấn nạn hối lộ, dàn xếp kết quả
Báo The New Paper nhận định về vấn nạn gian lận, dàn xếp kết quả trong thi đấu thể thao như
sau: “đó là 1 trò chơi đuổi bắt thường xuyên như giữa cảnh sát và kẻ trộm, chỉ có điều là cách thức gian
lận có biến đổi đôi chút, và nhất là, theo nhận định của giới thể thao nói chung, cá độ, gian lận tỷ số đã
trở thành mối đe dọa cho sự toàn vẹn của ngành thể thao, chẳng khác gì nạn doping”. 
Ngày 18/10/2012 tòa án Ý đã tuyên phạt và buộc các quan chức, trọng tài phải bồi thường một
số tiền kỷ lục lên đến 5,25 triệu USD cho LĐBĐ nước này do đã gây ra vụ bê bối dàn xếp tỷ số lớn
nhất ở Ý trong hai năm 2005 và 2006. Trước đó, các quan chức, trọng tài và hàng chục cầu thủ, HLV,
lãnh đạo một số đội bóng đá cũng đã bị kết án tù về các tội danh nói trên. Đây là vụ bê bối bán độ lớn
nhất bóng đá Ý từ trước tới nay. Calciopoli đã làm xấu hình ảnh môn thể thao “vua” ở nước Ý và để lại
nhiều hệ quả nặng nề.
Đầu tháng 2/2013, người đứng đầu Tổ chức Cảnh sát Liên minh châu Âu (Europol) cho biết, đã
khám phá được âm mưu phạm pháp lớn về dàn xếp kết quả của hằng trăm trận bóng đá, kể cả một số
trận vòng loại của các giải danh giá như: World Cup (Giải Vô địch Bóng đá Thế giới do Liên đoàn
Bóng đá Thế giới (FIFA) tổ chức 4 năm 1 lần), Euro (Giải Vô địch Bóng đá châu Âu do Liên đoàn
Bóng đá châu Âu (UEFA) tổ chức 4 năm 1 lần), UEFA Champions League (Cúp Các đội Vô địch Bóng
đá Quốc gia châu Âu hay còn gọi là Cúp C1 châu Âu do UEFA tổ chức hàng năm)… Đây là kết quả 1
cuộc điều tra tiến hành từ tháng 7/2011 đến tháng 1/2013 liên quan đến hàng nghìn trận thi đấu tại châu
Âu và trên các lục địa khác. Ông Rob Wainwright, Giám đốc Europol, khẳng định: Âm mưu sửa đổi
kết quả các trận đấu này liên quan tới 1 băng đảng tội phạm có trụ sở ở Singapore, với hàng loạt “đại
lý” ở châu Âu, đã chi hơn 130.000 USD cho mỗi trận đấu để hối lộ các cầu thủ và giới chức. “Tổng
cộng, 425 quan chức trận đấu, quan chức câu lạc bộ và cầu thủ của hơn 15 quốc gia bị nghi là có can
dự vào toan tính sửa chữa kết quả hơn 380 trận bóng đá chuyên nghiệp ở châu Âu và khoảng 300 trận
khác tại châu Á, châu Phi, Trung Mỹ và Nam Mỹ từ năm 2008 đến 2011” - Giám đốc Europol cho
biết. 
Không chỉ trong môn bóng đá, mà các môn thể thao khác, kể cả những môn được xem là trong
sạch nhất, cũng xảy ra hiện tượng bán độ - dàn xếp kết quả. Một số thí dụ sau:
82
Trong lịch sử hơn trăm năm của quần vợt, “bán độ” có lẽ là từ không mấy khi được nhắc đến
khi mà Liên đoàn quần vợt thế giới luôn tự hào đây là môn thể thao “trong sạch nhất thế giới”. Các tay
vợt thi đấu kiếm tiền và khẳng định năng lực bản thân trên sân đấu và thật khó để chuyện dàn xếp tỷ số
diễn ra trong một trận đấu kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Không những thế thực tế tennis nặng về yếu tố
cá nhân và sẽ chẳng tay vợt nào dại dột làm sai lệch kết quả như kiểu một cầu thủ bóng đá có thể che
dấu hành vi phạm tội trong một tập thể đội bóng. Nhưng cuối cùng chính Liên đoàn quần vợt thế giới
cũng phải thừa nhận, có những nghi án bán độ đang hiện hữu và vòi bạch tuộc của những thế lực ngầm
đang bủa vây thế giới tennis hiện đại và những án phạt đầu tiên trong lịch sử quần vợt thế giới gần đây
là một minh chứng. Tổ chức chống tiêu cực của Liên đoàn quần vợt quốc tế ITF là Tennis Integrity
Unit (TIU) đã cáo buộc Koellerer tham gia cá cược trên internet, cả những trận đấu của chính mình,
trong khoảng thời gian từ 10/2009 đến tháng 7/2010 và đó là cơ sở để TIU đưa ra án phạt cấm thi đấu
suốt đời cùng 100.000 USD vào tháng 6/2011. Tương tự như Koellerer, thậm chí Savic còn vô danh
trên bản đồ tennis thế giới, nhưng đó là tay vợt chuyên nghiệp thứ hai nhận án treo vợt trọn đời cũng vì
những nghi ngờ dàn xếp tỷ số. 
Ngày 2-5-2010, tờ News of The World (Anh) đã công bố một đoạn băng video ghi lại cảnh cơ
thủ billiards nội dung snooker số 1 thế giới người Scotland John Higgins đồng ý nhận 300.000 bảng
Anh để giả vờ thua trong một số trận đấu quan trọng tại Giải World snooker series sẽ diễn ra trong năm
2010. Đoạn băng trên đang gây xôn xao dư luận, vì Higgins là cơ thủ số 1 thế giới hiện nay. Anh là một
trong những VĐV thể thao nổi tiếng của Anh, từng được nữ hoàng Anh đích thân trao tặng Huân
chương Hiệp sĩ đế chế Anh (MBE). Chủ tịch WPBSA Barry Hearn cho biết: “Nếu là sự thật, điều đó sẽ
rất nghiêm trọng và làm tổn thương sâu sắc đến môn thể thao này. Chúng tôi sẽ mở cuộc điều tra về vụ
việc trên”. Kết quả: WPBSA kết luận Higgins không đóng vai trò chủ động trong việc đàm phán với
tay môi giới (do phóng viên tờ News of the World giả dạng) để dàn xếp kết quả một số trận đấu sắp tới
của anh. Tuy nhiên anh phải nhận án phạt cấm thi đấu 6 tháng - tính từ tháng 5-2010 và khoản tiền phạt
75.000 bảng vì làm ảnh hưởng tới hình ảnh của môn billiards & snooker.
Năm 2011, thể thao quốc tế chấn động vì vụ dàn xếp kết quả trong bóng đá Hàn Quốc và trong
sumo của Nhật. Các công tố viên Hàn Quốc đã truy tố hơn 70 cầu thủ bóng đá, người môi giới và các
đối tượng khác bị nghi ngờ có liên quan đến một vụ dàn xếp kết quả. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng
đang điều tra một cuộc dàn xếp kết quả tương tự trong bóng đá nước này. Ở Nhật, 25 VĐV và HLV
của môn vật sumo đã bị khai trừ sau khi bị phát hiện tham gia dàn xếp kết quả.
Tại Đại hội của Ủy ban Olympic châu Á (OCA) tại Tokyo năm 2010, Chủ tịch IOC Jacques
Rogge đã phát biểu “Chúng ta đã xem cuộc chiến chống doping là ưu tiên hàng đầu. Bây giờ, có một
nguy cơ mới đang đến mà hầu như tất cả các quốc gia đã bị ảnh hưởng. Đó là nạn mua chuộc, dàn xếp
kết quả và cá cược bất hợp pháp”. Ông cũng khẳng định:“Đây là một cuộc chiến mới mà chúng ta phải
đương đầu. Ngày nay, bạn không thể mở một tờ báo mà không thấy những trường hợp tương tự. Vì
vậy, chúng ta phải chống lại những tệ nạn này. Các chính quyền và các tổ chức thể thao phải cùng nhau
phát động cuộc chiến”.
IX.2.4. Đạo đức thể thao và khán giả, cổ động viên - vấn nạn bạo lực
Càng ngày người ta càng chứng kiến về sự gia tăng của tính chất bạo lực, thô bạo trong thể
thao, chủ tịch Samaranch khẳng định rằng: “ khán giả đóng góp vào sự gia tăng của tính chất thô bạo,
man rợ nhiều hơn là vận động viên vì các vận động viên tuân thủ luật Fair Play”. Có thể minh chứng
83
qua các sự kiện được xem là “thảm họa của thể thao” trên thế giới do khán giả, cổ động viên quá khích
gây ra. Các sự kiện này đã làm hoen ố hình ảnh và tinh thần của thể thao.
Thảm họa trên sân cỏ Peru:Ngày 24/5/1964, trận đấu vòng loại Olympic giữa Peru và
Argentina ở Lima. Cuộc ẩu đả giữa cổ động viên của của 2 đội Peru và Argentina diễn ra chỉ vì những
quyết định sai lầm của trọng tài. Đây cũng là một trong những thảm họa lớn nhất trong lịch sử bóng đá
thế giới. Số người thiệt mạng: 318 hơn 500 người khác bị thương.
Thảm họa Heysel: Heysel là một thảm họa bạo lực bóng đá xảy ra trong trận chung kết cup
Châu Âu giữa Liverpool (Anh) và Juventus (Ý) trên sân vận động Heysel (Bỉ), ngày 29/5/1985. Mọi
chuyện đã vượt qua ra ngoài tầm kiểm soát khi 2 nhóm cổ động viên sặc hơi men bắt đầu chửi rủa và
ném tất cả những gì có trong tay về phía nhau. Thảm họa thực sự xảy ra khi vài trăm hooligan
Liverpool phá tung hàng rào ngăn cách và tràn sang đuổi đánh cổ động viên Juventus. Cảnh chen lấn,
hỗn loạn, dẫm đạp lên nhau đã khiến một bức tường cao 3m sụp đổ đè bẹp những người xấu số. Kết
quả: 39 người đã thiệt mạng, trong đó có 38 người Ý, 1 người Bỉ sau hành động điên cuồng mà các
hooligan gây ra. Thảm họa này đã được gọi là "giờ đen tối nhất trong lịch sử các trận đấu của Liên
đoàn bóng đá Châu Âu”.
Thảm họa Hillsborough: Sự cố thảm khốc nhất của bóng đá thế giới đã xảy ra ngày 15/4/1989
tại trận bán kết FA Cup giữa Liverpool và Nottingham Forest. Một góc khán đài trên sân Hillsborough
đã bị sụp suống khiến 96 người tử vong.
Thảm họa bóng đá Châu Phi: Trong tháng 4/2001, 4 vụ thảm họa bóng đá lớn đã diễn ra tại
châu Phi. 43 người chết, 250 người bị thương trong một trận đấu tại Nam Phi. 14 người chết, 51 người
bị thương tại Congo và 1 người chết, 39 người bị thương sau một cuộc đụng độ giữa cảnh sát và CĐV
ở Bờ Biển Ngà.
Vụ tồi tệ nhất xảy ra tại giải Vô địch quốc gia Ghana giữa Asante Kotoko và Hearts of Oak.
Mọi chuyện bắt đầu khi cổ động viên của Hearts of Oak làm loạn trên khán đài. Cảnh sát vào cuộc, giải
tỏa đám đông bằng khí gas. Sự hoảng loạn thực sự đã diễn ra, các cổ động viên giẫm đạp lên nhau để
thoát thân. Vụ việc này khiến 126 người chết và rất nhiều người khác bị thương.
  Ẩu đả tại Ai Cập: Ngày 1/2/2012 diễn ra cuộc bạo loạn đáng quên trong lịch sử bóng đá Ai
Cập. 73 người đã chết trong một cuộc ẩu đả diễn ra ngay trên khán đài sân vận động giữa các cổ động
viên đội bóng đá chủ nhà al Masry và đội khách al-Ahly.
IX.2.5. Hành vi phi đạo đức
Scandal thể thao lớn nhất liên quan tới hành vi phi đạo đức, xem thường khán giả và ban tổ
chức thuộc về 8 nữ VĐV cầu lông tại Olympic 2012, trong đó có 4 người Hàn Quốc, 2 người Trung
Quốc và 2 người Indonesia.  Các cặp đấu Trung Quốc 1 - Hàn Quốc 1 và Indonesia - Hàn Quốc 2 đã
diễn một vở kịch tồi tệ trước hàng nghìn khán giả có mặt tại nhà thi đấu Wembley Arena. Không cặp
đôi nào muốn thắng nhằm tránh đụng độ cường địch ở tứ kết. Cái tên bị chỉ trích nhiều nhất trong
scandal là Trung Quốc khi nhiều chuyên gia, VĐV cáo buộc họ đã sử dụng trò giả dối này nhiều lần
trong các giải đấu trước đó. Sau sự kiện trên, VĐV Trung Quốc Yu Yang đã tuyên bố giải nghệ dù vẫn
có thể thi đấu đỉnh cao được nhiều năm nữa. HLV trưởng đội tuyển cầu lông Trung Quốc Li Yongbo
cũng chính thức đưa ra lời xin lỗi tới toàn thể người hâm mộ vì những hành vi đáng xấu hổ của đội.

84
IX.3. Bộ quy tắc đạo đức của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC)
Trong quá trình hoạt động và phát triển, IOC cũng phải vượt qua nhiều thử thách và phải điều
chỉnh một số quy định trong hiến chương để đưa phong trào Olympic ngày càng phát triển. Trong đó,
vấn đề đạo đức, tinh thần thể thể thao luôn được chú trọng.
Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC- International Olympic Committee) và mỗi thành viên bao gồm:
thành phố đăng cai tổ chức Thế vận hội Olympic; các Ban tổ chức Thế vận hội Olympic (Organizing
Committees of the Olympic Games); hoặc các Ủy ban Olympic Quốc gia (National Olympic
Committees), dưới đây gọi chung là thành viên Olympic, công bố cam kết tuân thủ Hiến chương
Olympic và đặc biệt là Nguyên tắc đạo đức cơ bản (Fundamental Principles). Các thành viên Olympic
khẳng định trung thành với lý tưởng Olympic (Olympic ideals) do Pierre de Coubertin khởi nguồn.
Các thành viên Olympic và vận động viên trong khuôn khổ Thế vận hội Olympic luôn luôn tôn
trọng và bảo đảm Quy tắc đạo đức của IOC (IOC code of ethnics) được tôn trọng. Các Liên đoàn thể
thao quốc tế và các Tổ chức được IOC tuyên bố bằng văn bản việc tuân thủ và ứng dụng các nguyên
tắc đạo đức dựa trên cơ sở Quy tắc đạo đức của IOC hoặc áp dụng chính bộ Quy tắc đạo đức của IOC
trong toàn bộ hoạt động của tổ chức mình quản lý.
Sau đây là một số quy định chính của bộ Quy tắc đạo đức của IOC – năm 2012:
A. Phẩm giá (Dignity)
1) Bảo vệ phẩm giá của mỗi cá nhân là yêu cầu cơ bản của tinh thần Olympic.
2) Không có sự phân biệt giữa các vận động viên về mặt chủng tộc, giới tính, nguồn gốc dân
tộc, tôn giáo, quan điểm triết học hoặc chính trị, tình trạng hôn nhân hay các yếu tố khác.
3) Hành vi sử dụng chất kích thích trong thể thao (doping) ở mọi cấp độ đều bị nghiêm cấm.
Cần tuân thủ các điều khoản chống doping trong Quy tắc chống doping thế giới một cách nghiêm ngặt.
4) Nghiêm cấm hành động thực hiện bất kỳ hình thức quấy rối nào về mặt thể chất, chuyên môn
hoặc giới tính và gây ra bất kỳ chấn thương nào về mặt thể chất hoặc tâm lý cho vận động viên.
5) Nghiêm cấm tất cả hình thức tham gia hay ủng hộ hoạt động cá cược liên quan đến Thế vận
hội Olympic, và nghiêm cấm tất cả hình thức quảng bá hoạt động cá cược liên quan đến Thế vận hội
Olympic.
6) Các vận động viên tham dự Thế vận hội Olympic không được vi phạm nguyên tắc thi đấu
công bằng, thể hiện hành vi phi thể thao, hoặc cố tình gây ảnh hưởng đến tiến trình hay kết quả của một
trận thi đấu hoặc bất kỳ giai đoạn nào trái với đạo đức thể thao.
7) Các thành viên Olympic cần bảo đảm điều kiện an toàn, phúc lợi và chăm sóc sức khỏe của
vận động viên phù hợp nhất với tình trạng thể chất và tinh thần của họ.
B. Tính chính trực (Integrity)
1) Các thành viên Olympic hay người đại diện của họ không được đòi hỏi, nhận hay chi trả bất
kỳ khoản thù lao, hoa hồng, lợi ích hay dịch vụ không minh bạch nào liên quan đến công tác tổ chức
Thế vận hội Olympic.
2) Các thành viên Olympic có thể trao tặng hoặc nhận quà lưu niệm không có giá trị lớn so với
tiêu chuẩn thông thường trong phong tục tập quán địa phương, quà tặng chỉ mang biểu tượng lòng tôn
trọng và tình hữu nghị. Bất kỳ tặng phẩm nào khác đều phải được chuyển đến cơ quan chủ quản của
người nhận.

85
3) Đại diện các thành viên Olympic và những người tháp tùng nhận sự tiếp đón không vượt quá
tiêu chuẩn thông thường tại nước chủ nhà.
4) Các thành viên Olympic phải tôn trọng Luật quy định mâu thuẫn quyền lợi ảnh hưởng đến
hành vi của các thành viên Olympic.
5) Các thành viên Olympic phải có trách nhiệm và nỗ lực trong quá trình thực thi để hoàn thành
nhiệm vụ, không được hành động theo cách có thể ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của Phong trào
Olympic.
6) Các thành viên Olympic cùng cơ quan và người đại diện của mình không được dính líu đến
các công ty hay cá nhân có hoạt động và tiếng tăm không phù hợp với các nguyên tắc đề ra trong Hiến
chương Olympic và bộ Quy tắc đạo đức hiện hành của IOC.
7) Thành viên Olympic không được cung cấp, nhận chỉ dẫn hay bị sự can thiệp trong các cuộc
bầu cử của IOC.
C. Công tác điều hành và sử dụng nguồn lực (Good governance and resources)
1) Tất cả các thành viên tham gia Phong trào Olympic phải tôn trọng bộ Nguyên tắc chung cơ
bản hướng dẫn điều hành Phong trào Olympic và thể thao một cách hiệu quả, theo đó cần bảo đảm tính
minh bạch, tinh thần trách nhiệm và có trách nhiệm giải trình với IOC.
2) Các thành viên Olympic có thể sử dụng nguồn lực Olympic chỉ nhằm mục đích phục vụ mục
đích Olympic.
2.1. Hoạt động thu và chi của các thành viên Olympic cần được lưu lại trong nhật ký tài khoản;
quy trình này phải được thực hiện theo các nguyên tắc kế toán chung. Kiểm toán độc lập kiểm tra sẽ
các tài khoản này.
2.2. Trong trường hợp IOC hỗ trợ tài chính cho thành viên Olympic:
a) Việc sử dụng các nguồn lực Olympic chỉ phục vụ mục đích cho Olympic và phải được tuyên
bố rõ ràng, thể hiện qua tài khoản.
b) Tài khoản của các thành viên Olympic chịu sự kiểm toán của một chuyên gia do Ban điều
hành IOC chỉ định.
2.3. Thành viên Olympic công nhận hoạt động đóng góp quan trọng của các hãng truyền thông,
nhà tài trợ, đối tác và những người ủng hộ sự kiện thể thao khác nhằm phục vụ sự phát triển và uy tín
của Thế vận hội Olympic trên toàn thế giới. Tuy nhiên, sự ủng hộ đó phải tuân theo luật thể thao, các
nguyên tắc xác định trong Hiến chương Olympic và bộ Quy tắc đạo đức hiện hành. Các mạnh thường
quân không được can thiệp vào quy trình vận hành của các tổ chức thể thao. Công tác tổ chức và thiết
kế hoạt động thi đấu thể thao là trách nhiệm của riêng các tổ chức thể thao độc lập do IOC công nhận.
D. Ứng cử viên (Candidatures)
Thành viên Olympic tuyệt đối tôn trọng các cẩm nang (manuals) do IOC xuất bản gắn với hoạt
động bầu chọn thành phố đăng cai tổ chức Thế vận hội Olympic, đặc biệt là Luật quy định tư cách
thành phố đăng cai tổ chức Thế vận hội Olympic (Rules of Conduct Applicable to All Cities Wishing
to Organise the Olympic Games).
Các thành phố muốn đăng tổ chức Thế vận hội Olympic, không kể những yếu tố khác, phải
kiềm chế không được tiếp cận bất kỳ thành viên khác hay một bên thứ ba nhằm mục đích đạt được bất
kỳ sự hỗ trợ về mặt tài chính hay chính trị nào không phù hợp với các điều khoản quy định trong các
cẩm nang và Luật tư cách (Rules of Conduct).
86
E. Quan hệ với các nhà nước (Relations with states)
1) Thành viên Olympic cần nỗ lực duy trì quan hệ hài hòa với các nhà nước theo nguyên tắc
toàn cầu hóa và trung lập chính trị của Phong trào Olympic.
2) Thành viên Olympic có quyền tự do tham gia vai trò lãnh đạo phát triển cuộc sống của người
dân tại quốc gia / lãnh thổ của mình; tuy nhiên không được dính líu vào bất kỳ hoạt động hay theo đuổi
hệ tư tưởng không phù hợp với nguyên tắc và quy định trong Hiến chương Olympic và bộ Quy tắc đạo
đức hiện hành.
3) Thành viên Olympic nỗ lực bảo vệ môi trường trong bất kỳ sự kiện nào mình tổ chức. Trong
bối cảnh Thế vận hội Olympic, thành viên Olympic cam kết đảm bảo các chuẩn mực chung về bảo vệ
môi trường.
F. Bảo mật thông tin (Confidentiality)
Thành viên Olympic không được để lộ thông tin được ủy thác bảo mật. Ban Đạo đức IOC cần
tuyệt đối tôn trọng Nguyên tắc bảo mật thông tin trong mọi hoạt động. Việc công bố các thông tin khác
không nhằm mục đích phục vụ lợi ích cá nhân lẫn gây tổn hại cho uy tín của bất kỳ cá nhân hay tổ chức
nào.
G. Thực hiện (Implementation)
1) Thành viên Olympic cần tôn trọng việc áp dụng nguyên tắc và quy định của Hiến chương
Olympic và bộ Quy tắc đạo đức hiện hành.
2) Thành viên Olympic cần báo với Chủ tịch IOC về bất kỳ điểm bất ổn hay chưa hợp lý nào
trong bộ Quy tắc nhằm chuyển vấn đề đến Ban Đạo đức IOC.
3) Ban Đạo đức IOC có thể ban hành các điều khoản quy định việc thực hiện bộ Quy tắc đạo
đức hiện hành.
Thảo luận về các quy tắc đạo đức liên quan đến các nhà lãnh đạo, quản lý thể thao trong bộ Quy tắc
đạo đức của IOC.
Câu hỏi ôn tập

1/ Trình bày khái niệm Fair Play của Ủy ban Olympic quốc tế.
2/ Trình bày vai trò của Ủy ban Fair Play quốc tế
3/ Trình bày các vấn đề vi phạm đạo đức thể thao nổi cộm (các vấn nạn) của thể thao thế giới
4/ Trình bày các nội dung của quy định “phẩm giá” trong bộ Quy tắc đạo đức của IOC – năm
2012.
5/ Trình bày các nội dung của quy định “tính chính trực” trong bộ Quy tắc đạo đức của IOC –
năm 2012.

87
CHƯƠNG X. VẤN ĐỀ ĐẠO ĐỨC TRONG LĨNH VỰC THỂ DỤC THỂ THAO
TẠI VIỆT NAM
Trong lĩnh vực Thể dục thể thao (TDTT), được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự ủng hộ
của nhân dân, những năm qua sự nghiệp TDTT không ngừng phát triển, thể thao thành tích cao đã đạt
được những tiến bộ đáng khích lệ, nhiều vận động viên (VĐV) đã giành được huy chương tại các kỳ
Đại hội TDTT toàn quốc, Đại hội TDTT khu vực Châu lục và thế giới. Trong quá trình đào tạo, huấn
luyện và thi đấu nhiều HLV, VĐV vừa tích cực tập luyện thể thao, vừa tích cực học tập văn hóa, tu
dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, và trở thành những tấm gương tiêu biểu, được nhân dân yêu mến.
Tuy nhiên, một bộ phận VĐV, HLV, trọng tài, cán bộ TDTT có biểu hiện sa sút về phẩm chất
chính trị, đạo đức, có những hành vi tiêu cực vi phạm pháp luật như mua bán tỷ số, cá độ, gian lận, bạo
lực trong tập luyện và thi đấu thể thao, gây ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển sự nghiệp TDTT và
có ảnh hưởng xấu tới xã hội.
Chính vì vậy, có thể thấy rằng việc tăng cường công tác giáo dục nhằm nâng cao phẩm chất
chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ văn hóa cho cán bộ, HLV, VĐV và trọng tài đã và đang là một
trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với các nhà lãnh đạo, quản lý ngành TDTT.
Đạo đức nói chung đó là phẩm chất tốt đẹp mà con người có được nhờ tu dưỡng theo những
tiêu chuẩn, nguyên tắc được xã hội thừa nhận, nó quy định cách hành xử, mối quan hệ của con người
đối với nhau và đối với xã hội. Đạo đức của cán bộ quản lý, huấn luyện viên, giáo viên, trọng tài, VĐV
thể thao và những người hành nghề kinh doanh hoạt động thể thao phải là đạo đức cách mạng. Trong
đó, "Đạo đức cách mạng là bất kỳ ở cương vị nào, bất kỳ làm công việc gì, đều không sợ khó, không sợ
khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân” (lời dạy của Bác Hồ tại
Đại hội lần thứ III Đoàn TNLĐVN ngày 24/3/1961). Tiêu chuẩn đạo đức ấy được xây dựng dựa trên
những chuẩn mực về cách hành xử giữa người với người trong các hoạt động thể thao theo nguyên tắc
đoàn kết - trung thực - cao thượng.
Cán bộ quản lý, huấn luyện viên, giáo viên (gọi chung là cán bộ), trọng tài, VĐV thể thao trước
hết là một công dân, phải nhận thức rõ và thực hiện tốt trách nhiệm công dân của mình đối với Tổ
quốc, Dân tộc và cộng đồng xã hội. Người cán bộ, trọng tài, VĐV thể thao phải nghiêm chỉnh chấp
hành mọi chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước đã được thể chế hoá bằng luật và các
văn bản quy phạm pháp luật dưới luật, trong đó có rất nhiều quy định điều chỉnh các hành vi về các đức
tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư như vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng,
chống tham nhũng; chống tham ô, cửa quyền hách dịch, lười biếng, ỷ lại, cá nhân, ích kỷ…
Trong quyết định Số: 02/2007/TT-UBTDTT về ban hành “Quy định tiêu chuẩn cơ bản về đạo
đức nghề nghiệp của huấn luyện viên, trọng tài thể thao” của Uỷ ban TDTT (nay là Bộ VH,TT&DL)
có những quy định về cách hành xử, mối quan hệ giữa những người tham gia hoạt động thể thao cần
được khuyến khích như những cử chỉ, hành vi mang tính “Fairplay”, giúp đỡ lẫn nhau một cách vô tư,
thực chất; là những hành vi đạo đức thể hiện lòng yêu nghề say mê học tập để nâng cao trình độ; tinh
thần tận tuỵ sẵn sàng vượt qua khó khăn vì VĐV; không bị bất kỳ lợi ích vật chất hoặc tinh thần nào
chi phối làm ảnh hưởng đến sự trung thực, tính độc lập nghề nghiệp; thận trọng trong mọi quyết định
88
để hạn chế tối đa sai sót trong huấn luyện; giữ gìn thông tin bảo mật khi hành nghề của người huấn
luyện viên thể thao...
Luật Thể dục, thể thao và Nghị định 112/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
một số điều của Luật thể dục, thể thao và các văn bản quy phạm pháp luật khác; quy định nhiều nội
dung về đạo đức và giáo dục đạo đức cho cán bộ, trọng tài, VĐV thể thao như: Đối với VĐV thể thao
thành tích cao Điều 32 quy định tại khoản 1 điểm e là: Chấp hành quy định của luật thi đấu thể thao và
điều lệ giải thể thao; khoản 3 là: Rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức; nâng cao ý chí, lòng tự hào
dân tộc. Đối với HLV thể thao thành tích cao phải quản lý, giáo dục VĐV (Điều 33 khoản 1 điểm d).
Muốn quản lý, giáo dục VĐV được tốt người HLV phải gương mẫu với đạo đức tốt, ngoài những tiêu
chuẩn chuyên môn khác. Theo quy định của luật, người HLV phải chấp hành quy định của luật thi đấu
thể thao và điều lệ giải thể thao (Điều 33 khoản 1 điểm e), mà trong điều lệ giải thường có những quy
định về vấn đề đạo đức. Đối với trọng tài, Điều 34 khoản 4 quy định phải điều chỉnh hành thi đấu theo
quy định của luật thi đấu thể thao và theo quy định của điều lệ giải; khoản 5 quy định phải trung thực,
khách quan trong điều hành thi đấu.
I. Những hoạt động bị nghiêm cấm trong hoạt động TDTT
Trong hoạt động thể dục, thể thao, người cán bộ, trọng tài, VĐV thể thao và cả những người
kinh doanh hoạt động này trước hết phải hiểu biết pháp luật về thể thao, nhất là những hành vi bị cấm
để không có những hành vi vi phạm do thiếu hiểu biết gây ra; tìm hiểu những quy định của pháp luật
khuyến khích làm những việc gì, không nên làm những việc gì hoặc buộc phải làm gì trong các hoạt
động thể dục, thể thao để có những hành vi ứng xử đúng đắn.
Luật Thể dục, thể thao quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thể dục thể thao
tại điều 10 bao gồm:
a) Lợi dụng hoạt động thể dục, thể thao xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp
pháp của tổ chức, cá nhân; gây thiệt hại đến sức khoẻ, tính mạng con người, trái với đạo đức, thuần
phong mỹ tục và bản sắc văn hoá dân tộc.
b) Sử dụng chất kích thích, phương pháp bị cấm trong tập luyện và thi đấu thể thao.
c) Gian lận trong hoạt động thi đấu thể thao.
d) Bạo lực trong hoạt động thể thao.
e) Cản trở hoạt động thể dục, thể thao hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
f) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm sai lệch kết quả thi đấu thể thao.
Điều 3 Nghị định 112/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/6/2007 quy định chi tiết những
hành vi bị cấm trong hoạt động thể dục, thể thao.
Đây cũng chính là những quy định làm cơ sở để xác định chuẩn đạo đức chung trong hoạt động
thể dục thể thao. Tất cả những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thể dục thể thao nếu vi phạm ở
mức độ nhẹ nhất đều là những hành vi vi phạm đạo đức trước hết phải lên án bằng dư luận xã hội và
nếu vi phạm nặng hơn thì sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật tuỳ theo mức độ vi phạm nặng nhẹ

89
khác nhau. Như vậy, những định hướng và chuẩn mực đạo đức của cán bộ, VĐV thể thao đã được Luật
Thể dục, thể thao và các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định.
II. Thực trạng
Chỉ thị 15/2002/CT-TTG của Thủ tường chính phủ ngày 26/7/2002 về việc chống tiêu cực trong
các hoạt động thể dục thể thao đã nêu thực trạng về vấn đề tiêu cực trong hoạt động thể dục thể thao
như sau:
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự hưởng ứng của đông đảo các
tầng lớp nhân dân, sự nghiệp thể dục thể thao đã đạt được nhiều thành tích đáng kể, nâng cao trình độ
thể thao và tầm vóc người Việt Nam, hình thành lối sống lành mạnh, hạn chế các tệ nạn xã hội; nâng
cao vị thế của thể thao Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh mặt tích cực, những hiện tượng tiêu cực trong các hoạt động thể thao có xu hướng gia
tăng, cả về tính chất và hình thức. Hành vi tiêu cực thể hiện không chỉ ở trong thi đấu thể thao như:
gian lận về độ tuổi, vận động viên nhường điểm, cá độ, mua bán tỷ số và xử sai luật trong thi đấu, nhất
là trong thi đấu bóng đá và các môn thể thao đối kháng, mà còn tồn tại cả trong việc tuyển chọn, đào
tạo vận động viên.
Tình trạng tiêu cực đã kéo dài, làm mất tính trung thực, cao thượng của thể thao, làm tha hoá,
biến chất không ít cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài; là tồn tại không chỉ ở trong ngành
thể dục thể thao, mà đã trở thành một trong những tệ nạn xã hội.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu cực trong hoạt động thể thao, nhưng chủ yếu là do
công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng đạo đức, lối sống trong hoạt động thể dục thể thao chưa
được chú trọng thường xuyên; một số ngành, địa phương, đơn vị, những người làm công tác quản lý,
vận động viên ... còn có tư tưởng cục bộ và bệnh thành tích, chưa nhận thức sâu sắc mức độ và tác hại
nghiêm trọng của các hiện tượng tiêu cực trong thể thao; công tác quản lý nhà nước của ngành thể dục
thể thao chậm đổi mới và còn nhiều bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; công tác kiểm
tra, thanh tra, giám sát chưa được tăng cường; việc xử lý các vi phạm chưa nghiêm và triệt để.
II.1. Hành vi sử dụng chất kích thích bị cấm trong luyện tập và thi đấu thể thao
Sử dụng chất kích thích bị cấm là hành vi vi phạm thường thấy nhất nơi các VĐV và HLV
muốn học trò của mình đạt thành tích cao mà lại không muốn khổ luyện. Hành vi sử dụng chất kích
thích được xem như một trong những vi phạm có thể dẫn tới những hình phạt cao nhất như bị cấm thi
đấu có thời hạn, bị cấm thi đấu vĩnh viễn và trong một số trường hợp ở nước ngoài, những người vi
phạm còn có thể bị kết tội hình sự.
Doping một vấn đề không còn xa lạ và mới mẻ đối với thể thao Việt Nam những năm gần đây.
Tuy nhiên, những kiến thức về doping lại chưa thực sự trở thành "hành trang" của mỗi VĐV, hay mỗi
người hâm mộ thể thao tại Việt Nam chưa có cái nhìn tổng quát về nó.
Hiện nay trên thế giới, kiểm tra doping có hai hình thức lấy mẫu là: kiểm tra mẫu nước tiểu và
kiểm tra mẫu máu. Ở Việt Nam thường thì việc kiểm tra doping thường thông qua việc kiểm tra mẫu
nước tiểu, vì kiểm tra mẫu máu sẽ tốn chi phí nhiều hơn.
90
Tại Olympic Bắc Kinh 2008, Ngân Thương là một trong ba vận động viên đã bị phát hiện
doping tại Olympic Bắc Kinh, cùng với VĐV đua xe đạp Maria Isabel Moreno của Tây Ban Nha và
Kim Jong Su - xạ thủ của CHDCND Triều Tiên bị tước HC bạc và HC đồng ở hai nội dung bắn súng
ngắn. Trưởng tiểu ban y tế của IOC (Uỷ ban Olympic quốc tế) Arne Ljungqvist tin rằng Ngân Thương
chỉ tình cờ dùng thuốc lợi tiểu, đây là một loại thuốc phổ biến. Ông nói: "Tôi cho rằng trường hợp của
Thương có lẽ là hậu quả của việc các vận động viên bị thiếu thông tin, không có đủ kiến thức để biết
thuốc gì có thể sử dụng, và thuốc gì cần phải tránh tuyệt đối". Dù vậy, Ngân Thương cũng bị cấm thi
đấu trên phạm vi toàn thế giới trong thời hạn 1 năm. Ngân Thương là chủ nhân của 5 HC vàng ở các kỳ
SEA Games 22, 23, 24.
Trường hợp doping khác cũng được nhắc đến nhiều trong thể thao Việt Nam là khi VĐV cử tạ
Hoàng Anh Tuấn bị xác định là đã doping tại giải Vô địch thế giới vào tháng 9/2010. Đó là một tin gây
sốc bởi Tuấn từng đoạt huy chương bạc tại Olympic Bắc Kinh 2008. Với hành vi này, Tuấn đã bị cấm
thi đấu trên phạm vi toàn thế giới trong thời hạn 2 năm. Đó là mức án nhẹ nhất, chỉ dành cho người vi
phạm lần đầu.
Trường hợp Hoàng Anh Tuấn đã khiến các nhà quản lý thể thao Việt Nam phải quan tâm hơn
đến việc kiểm tra doping. Lần đầu tiên, việc thử doping đã được thực hiện rộng rãi hơn tại kỷ Đại hội
TDTT Toàn Quốc năm 2010. Tuy nhiên tỷ lệ lấy mẫu thử còn rất khiêm tốn: chỉ lấy 30 mẫu thử trong
tổng số hơn 3.000 VĐV dự đại hội, tức là chỉ 1%. Kết quả là vẫn có VĐV bị phát hiện doping. Đó là
VĐV cử tạ Ngô Thị Hạnh, sinh năm 1990 của đoàn Hà Tĩnh, người đoạt 3 HCV ở các nội dung cử đẩy
với thành tích 127kg, cử giật với thành tích 97kg và tổng cử với thành tích 224kg (hạng cân 75kg).
Trong các trường hợp bị xác định là đã doping thông qua việc đưa vào một cách bất hợp pháp
các chất: steroids chuyển hóa, các chất dẫn xuất amphetamin, các chất kích thích như cafein, thuốc lợi
tiểu, nhóm thuốc chẹn bêta, thuốc giảm đau và gây ngủ, VĐV sẽ phải chịu hình phạt như sau:
- Hủy kết quả thi đấu, cấm thi đấu 2 nǎm đối với những VĐV vi phạm lần đầu.
- Hủy kết quả thi đấu, cấm thi đấu suốt đời với những VĐV vi phạm lần thứ hai.
Đối với các trường hợp doping dương tính khi sử dụng ephedrin, phenylpropanolamine, codein
(trừ trường hợp chỉ định điều trị ho, hoặc giảm đau liên quan tới viêm mũi dị ứng hoặc các thuốc kháng
histamin theo đường uống) thì phải chịu các hình phạt sau:
- Hủy kết quả thi đấu, cấm thi đấu tối đa 3 tháng đối với những VĐV vi phạm lần đầu.
- Hủy kết quả thi đấu, cấm thi đấu 2 nǎm đối với những VĐV vi phạm lần thứ hai.
- Hủy kết quả thi đấu, cấm thi đấu suốt đời đối với những VĐV vi phạm lần thứ 3.
Không chỉ các VĐV doping bị trừng phạt mà những người có liên quan như các bác sĩ, kỹ thuật
viên massage, huấn luyện viên, chủ tịch các câu lạc bộ nếu bị phát hiện là có liên quan tới việc sử dụng
doping của VĐV cũng sẽ bị kỷ luật.
II.2. Hành vi gian lận trong hoạt động thể dục thể thao

91
Có nhiều hình thức gian lận trong thể thao mà mục đích là nhằm đạt đến kết quả nào đó bằng
một cách không hợp pháp. Những hình thức phổ biến là:
- Gian lận tuổi trong các cuộc thi đấu có quy định độ tuổi của VĐV.
- Gian lận đối tượng trong các cuộc thi có quy định đối tượng được tranh tài.
- Gian lận bằng cách móc ngoặc giữa 2 đội hay 2 VĐV để một bên có được kết quả như
mong muốn.
- Gian lận giới tính.
a) Gian lận tuổi: điều này xảy ra trong các giải có quy định độ tuổi, chẳng hạn như giải bóng
đá U-13 (dành cho các cầu thủ có tuổi dưới 13) hay giải bóng đá SEA Games hiện nay chỉ dành cho
các cầu thủ dưới 23 tuổi.
Trong các hình thức gian lận trong thể thao thì gian lận tuổi là phổ biến nhất. Đó là vì việc kiểm
tra độ tuổi của các VĐV chỉ dựa vào giấy khai sinh hay CMND hoặc hộ chiếu. Vì muốn có thành tích
tích cho địa phương mình nên việc làm giấy tờ giả là khá dễ dàng. Trong nhiều giải, ban tổ chức có đưa
ra biện pháp đo tuổi xương để xác định tuổi của VĐV nhưng quy định này không là phổ biến do còn
tranh cãi về tính chính xác và chi phí cao.
Nguyên nhân chính được xác định là do căn bệnh thành tích còn nặng trong nhận thức của
nhiều lãnh đạo địa phương và các đơn vị trong ngành. Không phải địa phương nào cũng có được chiến
lược đầu tư đúng đắn nhằm có nhiều VĐV giỏi nên con đường ngắn nhất dẫn đến thành công là gian
lận tuổi.
Năm 2004, Ủy ban TDTT đã tổ chức kiểm tra việc gian lận tuổi VĐV ở các địa phương, ít nhất
đã có đến 40 sở TDTT thuộc các tỉnh thành phố trên cả nước thừa nhận đã gian lận tuổi cho tổng số
hơn 200 VĐV. Đáng chú ý là có đến 10% trường hợp gian lận tuổi đã khai bớt đến 5 tuổi.
Khó mà kể ra hết những trường hợp gian lận tuổi xảy ra, chỉ có thể nêu ra vài thí dụ cụ thể:
- Ở các giải bóng đá thiếu niên – nhi đồng toàn quốc, có đến 5 đội đạt thành tích cao nhưng sau
đó bị tước danh hiệu vì gian lận tuổi. Đó là các đội U-11 Nghệ An (vô địch giải nhi đồng năm 2001,
2002); U-13 Nghệ An (vô địch giải thiếu niên năm 2003); U-11 Đăk Lăk (vô địch giải nhi đồng năm
2003); U-11 Hà Tĩnh (hạng nhì giải nhi đồng 2003); U-11 Quảng Trị (hạng ba giải nhi đồng 2003).
- Ở giải bóng bàn thiếu niên nhi đồng toàn quốc 2004, Sở TDTT Hà Nội thừa nhận 2 tay vợt
Nguyễn Đại Hải (thi đấu lứa U12-13 nam), Trần Thanh Huyền (U12-13 nữ) gian tuổi. Trong đó Đại
Hải ăn gian 2 tuổi còn Thanh Huyền lố 1 tuổi. Nguy hiểm hơn, Đại Hải và Thanh Huyền đều có “thành
tích” ăn gian từ 4 năm trước.
Hiện tượng gian lận tuổi còn diễn ra ở các giải dành cho người lớn tuổi. Trong các giải này,
thường có quy định giải dành cho đối tượng trên 40 tuổi, trên 50 tuổi… Nhưng vẫn có nhiều địa
phương sẵn sàng làm giấy tờ cho VĐV của mình trở thành “già hơn” để có thể thi đấu. Điều này
thường diễn ra ở các giải thi đấu cá nhân như bóng bàn, quần vợt…

92
Để chữa căn bệnh này từ gốc rễ, vẫn phải xuất phát từ con người và nếp nghĩ, cách làm. Đây
mới là nguyên nhân trung tâm của mọi căn bệnh tiêu cực trong thể thao. Tuy nhiên, các biện pháp của
Ủy ban TDTT đề ra để quét sạch nạn tiêu cực mới chỉ đề cập tới các yếu tố phần mềm như tăng cường
công tác giáo dục, pháp luật, đổi mới biện pháp tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, ban
hành các văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường con người và điều kiện làm việc của thanh tra
chuyên ngành TDTT...
b) Gian lận đối tượng: Hiện tượng này diễn ra trong các cuộc thi có quy định đối tượng tham
dự, như giải dành cho học sinh, sinh viên, giải dành cho cán bộ công nhân viên... Đặc biệt là các kỳ Hội
khỏe Phù Đổng Toàn quốc (diễn ra 4 năm 1 lần).
Để được thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng, VĐV phải là học sinh do vậy đã có những địa phương
gian lận bằng cách làm giả khai sinh, hộ khẩu cùng học bạ cho VĐV của mình thi đấu. Hầu như kỳ
HKPĐ nào, Ban tổ chức cũng phát hiện những trường hợp gian lận như thế này.
Các trường hợp gian lận ở các giải thi đấu với quy mô nhỏ hơn thì đơn giản hơn. Thi dấu giải
học sinh thì chỉ cần có thẻ học sinh, thi đấu giải sinh viên thì có thẻ sinh viên, thi đấu giải công nhân
viên chức thì chỉ cần xuất trình hợp đồng làm việc… Đó là những giấy tờ mà các đơn vị có thể làm rất
dễ dàng để VĐV của mình có thể thi đấu hợp pháp.
c) Gian lận bằng cách móc ngoặc, dàn xếp tỷ số: là hành vi 2 (hoặc nhiều) đội hoặc 2 (hoặc
nhiều) VĐV thỏa thuận để kết quả trận đấu diễn ra đúng ý một bên. Hiện tượng này xảy ra trong nhiều
môn mang tính đối kháng, có thể vì tình cảm giữa 2 bên và cũng có thể vì tiền, vật chất.
Minh họa rõ nét nhất về hành vi gian lận này là vụ việc CLB Sông Lam Nghệ An dùng tiền để
mua chức vô địch quốc gia mùa bóng 2001-2002 thông qua kết quả các trận đấu có liên quan đến các
CLB Công an TPHCM và Cảng Sài Gòn.
Trong vụ Sông Lam Nghệ An, loạt trận cuối cùng mùa giải sẽ quyết định CLB nào sẽ vô địch
giữa 2 đội SLNA và Nam Định. SLNA chỉ vô địch với 2 điều kiện: thắng Công an TPHCM trên sân
Vinh đồng thời Cảng Sài Gòn thắng Nam Định trên sân Thống Nhất. Kết quả đúng như vậy: SLNA
thắng CA TPHCM 4-3 và Cảng SG thắng Nam Định 5-0. Cũng từ vụ này mà trưởng đoàn CLB, cùng
nhiều cầu thủ của SLNA, CATPHCM và Cảng SG bị khởi tố hoặc cấm thi đấu. Theo kết quả điều tra,
CLB Sông Lam Nghệ An đã chi 60-70 triệu đồng cho đội CA TPHCM và 100-150 triệu đồng cho đội
Cảng SG để có được những kết quả này.
Trong sinh hoạt bóng đá Việt Nam, khó mà kể ra hết những chuyện gian lận bằng hình thức
móc ngoặc giữa 2 đội nhằm giúp cho một đội có điểm để trụ hạng hoặc xếp thứ hạng cao trên bảng xếp
hạn cuối cùng. Ngoài vụ việc Sông Lam Nghệ An hồi năm 2002, còn có thể kể thêm những trường hợp
khác như: đội Ngân Hàng Đông Á-Thép Pomina hồi năm 2005, đội Hải Quan hồi năm 1997, đội Tôn
Hoa Sen-Cần Thơ năm 2004… Các vụ này đều gây xôn xao dư luận và công an đã vào cuộc với nhiều
quan chức, HLV và cầu thủ bị khởi tố.
d) Gian lận giới tính: là hành vi gian lận để một VĐV nam thi đấu trong một cuộc thi của nữ
giới, và ngược lại. Tuy ở Việt Nam chưa phát hiện trường hợp gian lận nào trong lĩnh vực này, nhưng
việc quy định điều này trong Luật Thể dục, thể thao là rất cần thiết vì đã có nhiều trường hợp gian lận
93
như thế này ở nước ngoài. Với đà phát triển khoa học kỹ thuật hiện nay, việc thay đổi giới tính đã trở
nên dễ dàng hơn và các nhà quản lý TDTT cần phải đón đầu những trường hợp như vậy.
II.3. Hành vi bạo lực trong hoạt động thể dục thể thao 
Hành vi bạo lực được xác định khi diễn ra trong các trường hợp sau:
- Đe dọa xâm phạm sức khỏe, uy tín, bí mật đời tư; đe dọa xâm phạm hoặc xâm phạm danh dự,
nhân phẩm vận động viên, trọng tài, thành viên Ban tổ chức, người đang thi hành công vụ, huấn luyện
viên, trưởng đoàn.
- Chơi thô bạo hoặc gây chấn thương, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe vận động viên khác
trong luyện tập, thi đấu thể thao trái với luật thi đấu của từng môn thể thao.
- Có hành vi quá khích hoặc lôi kéo nhóm người quá khích gây ảnh hưởng tới hoạt động và thi
đấu thể thao.
- Cố ý gây thương tích cho trọng tài trong thi đấu thể thao.
Việc đe dọa xâm phạm sức khỏe của trọng tài và nghiêm trọng hơn là cố ý gây thương tích cho
trọng tài trong thi đấu thể thao là chuyện đã diễn ra từ nhiều năm nay và chưa có dấu hiệu là sẽ chấm
dứt trong tương lai gần. Có thể xác định tình trạng này đến từ tâm lý cay cú ăn thua của cầu thủ hoặc
của cổ động viên khi đội nhà thua trận, đặc biệt là khi thất bại này dẫn đến hệ quả quan trọng hơn như
mất chức vô địch hay bị rớt hạng.
Có thể kể ra vài trường hợp minh họa như sau:
- Ngày 6/10/1996, trận chung kết Giải vô địch bóng đá quốc gia diễn ra trên sân Cao Lãnh giữa
đội chủ nhà Đồng Tháp và đội Công an TPHCM kết thúc với tỷ số 3-0 nghiêng về đội chủ nhà. Khi còi
tan trận vừa vang lên, một số cầu thủ Công an TPHCM đã xông đến đuổi đánh trọng tài Tuấn Hùng.
Dẫn đầu là trung vệ Chu Văn Mùi và tiền đạo Lê Huỳnh Đức. Hôm ấy, cú đấm của Mùi đi chệch mục
tiêu nhờ trọng tài Tuấn Hùng chạy né được. Lê Huỳnh Đức chưa ra đòn nhưng lại xông về phía trọng
tài Hùng với thái độ hung hãn. Kết quả, Chu Văn Mùi bị treo giò vĩnh viễn, còn Huỳnh Đức bị cấm thi
đấu 6 tháng.
- Mùa giải 1999-2000, ở SVĐ Vĩnh Long trong trận đấu giữa đội Vĩnh Long và Đồng Tháp,
trọng tài Trương Thế Toàn cho đội Đồng Tháp hưởng quả phạt đền vào phút 90+2, các cầu thủ Vĩnh
Long đã rượt đánh trọng tài.Tuy không gây thương tích cho trọng tài, nhưng đội Vĩnh Long bị xử rớt
liền 2 hạng.
- Gần đây nhất là trường hợp các CĐV của đội Hải Phòng đã hành hung trọng tài Võ Minh Trí
vào đêm 13/5/2012 sau khi diễn ra trận đấu giữa hai đội bóng Đồng Tháp và Hải Phòng trong khuôn
khổ vòng 17 V-League 2012. Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can đối với ông Trần Bá
Hòa (58 tuổi) và Trần Tiến Dũng (38 tuổi, cùng trú quận Lê Chân, Hải Phòng) về hành vi “gây rối trật
tự công cộng” từ tháng 6. Đến tháng 9, quá trình điều tra hoàn tất, công an đề nghị truy tố hai bị can.
Hai bị cáo Phạm Bá Hòa và Trần Tiến Dũng đã nhận hết những sai sót và xin lỗi trọng tài Võ Minh Trí.
Sau khi Hội đồng xét xử phân tích những sai trái và vi phạm pháp luật của các bị cáo, đã tuyên phạt bị

94
cáo Phạm Bá Hòa 18 tháng tù treo, hai năm thử thách; bị cáo Trần Tiến Dũng một năm tù treo và 2
năm thử thách.
Việc chơi thô bạo, gây chấn thương gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe VĐV khác xảy ra ở nhiều
các môn thể thao, nhất là ở những môn mang tính đối kháng cao như bóng đá, bóng rổ, bóng ném…
Tuy nhiên, chấn thương của cầu thủ sau một pha va chạm thô bạo còn ít khi được xử theo luật Thể dục,
thể thao (phạt tiền từ 40-50 triệu đồng) mà thường chỉ được xử theo luật bóng đá (phạt thẻ, cấm thi đấu
có thời hạn hoặc vĩnh viễn) dù nhiều khi chấn thương ấy khiến cầu thủ phải chữa thương nhiều tháng,
thậm chí không còn có thể thi đấu trở lại được. Thí dụ, ở giải V-League năm 2011, cầu thủ Thanh
Hùng của đội Khánh Hòa trong một pha tranh bóng đã làm gãy chân cầu thủ Thái Học của đội Hoàng
Anh Gia Lai. Tuy nhiên, sau đó Thanh Hùng không bị chế tài theo luật Thể dục, thể thao mà cũng
không bị phạt nặng từ Ban tổ chức giải vì một quan chức của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam xác định
“đó là tình huống va chạm nhưng không mang tính cố tình triệt hạ đối phương và trọng tài đã phạt thẻ
đúng thời điểm. Cầu thủ Khánh Hòa vào bóng chứ không cố tình lao vào chân đối thủ và cầu thủ
HAGL vào sau, đúng tầm chân lao tới thôi".
II.4. Các hành vi vi phạm khác
a) Đưa nhận hối lộ và môi giới hối lộ
Tuy trong luật Thể dục, thể thao không có quy định chế tài về các hành vi này mà nó thuộc về
khung hình phạt của luật Hình sự nhưng cũng cần nhắc đến để thấy rằng hành vi này cũng thường xảy
ra trong hoạt động TDTT và hành vi này vi phạm thô bạo những chuẩn mực đạo đức trong thể thao.
Trong những năm gần đây sự cố liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ làm xôn xao hoạt động thể
thao, đó là vụ một nhóm trọng tài, được xác định là do trọng tài L.T.V cầm đầu, đã dàn xếp tỷ số các
trận đấu. Năm 2004, trọng tài L.T.V đã nhúng tay vào hầu hết các phi vụ dàn xếp trận đấu của CLB
Ngân Hàng Đông Á - Thép Pomina (NHĐA-TP). Các cán bộ lãnh đạo một số đội bóng như NHĐA-TP,
CLB Tôn Hoa Sen - Cần Thơ đã móc nối với L.T.V để nhờ quan hệ với các trọng tài, đề nghị họ điều
khiển các trận đấu theo hướng có lợi cho đội bóng của mình. Tại V-League 2004, L.T.V đã giúp
NHĐA-TP có kết quả thuận lợi trong một số trận đấu và được bồi dưỡng 30-50 triệu đồng mỗi trận,
cũng như giúp CLB Tôn Hoa Sen - Cần Thơ thắng Quân Khu 5 tại Giải hạng Nhất quốc gia năm 2004.
Qua các phi vụ trên, L.T.V nhận tổng số 134 triệu đồng, trong đó chi cho các trọng tài khác hết 89,8
triệu đồng và bỏ túi riêng 44,2 triệu đồng.
Vụ án này cơ quan điều tra đã khởi tố 18 bị can, nhưng sau khi xem xét các chứng cứ, tài liệu
liên quan, Viện KSND tối cao đã quyết định đình chỉ điều tra đối với chín bị can. Cũng trong vụ án
này, ngoài các trọng tài liên quan còn có nhiều quan chức của các CLB bị tạm giam, khởi tố như giám
đốc điều hành CLB Đông Á Thép Pomina, HLV trưởng CLB Đông Á Thép Pomina, HLV CLB Đông
Á Thép Pomina, Lãnh đạo Sở Thể dục thể thao Cần Thơ.
Vào đầu năm 2006 còn có một vụ tai tiếng có liên quan đến tội danh “đưa hối lộ” trong bóng
đá. Sau trận đấu Hoàng Anh Gia Lai gặp Đồng Tâm Long An trên sân Pleiku, chủ tịch CLB HAGL đã
đưa 4 phong bì (mỗi phong bì có 200 USD) cho các trọng tài với danh nghĩa là “lì xì Tết”. Khi mọi
việc vở lở, Cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an đề nghị khởi tố chủ tịch
95
CLB HAGL với tội danh “đưa hối lộ”. Tuy nhiên, Viện KSND tối cao đã không phê chuẩn lệnh khởi tố
và sau đó lệnh khởi tố bị bãi bỏ sau khi cơ quan điều tra chấp nhập lập luận “đó chỉ là tiền lì xì năm
mới theo tập tục của người Việt chứ không phải “mua” trọng tài”.
b) Đánh bạc và tổ chức đánh bạc
Trưa ngày 24/11/2005, trước khi diễn ra trận Việt Nam-Myanmar tại SEA Games 23, cầu thủ
L.Q.V gặp một số cầu thủ khác trong đội tuyển Việt nam để cho biết nếu Việt Nam thắng cách biệt
Myanma một bàn thì sẽ có người cho tiền từ 20 đến 30 triệu đồng, cả nhóm đồng ý thực hiện theo lời
bàn của L.Q.V. Thỏa thuận xong với các đồng phạm, L.Q.V điện thoại từ Philippines về Việt Nam
thông báo với T.T.H (cựu tuyển thủ quốc gia và CLB Cảng Sài Gòn, người môi giới để dàn xếp tỷ số
và ra kèo cho các đối tượng cá độ ở Việt Nam tham gia). Kết quả trận đấu Việt Nam-Myanma có kết
quả đúng như tính toán ban đầu của các đối tượng. Nhóm các cầu thủ này đã nhận tổng cộng 490 triệu
đồng. Vụ này được Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 25 tháng
1 và phúc thẩm ngày 20 tháng 4 năm 2007. Kết thúc phiên tòa, L.Q.V bị án tù (4 năm), các cầu thủ
khác bị án treo do có các tình tiết giảm nhẹ. Trong đó 6 cầu thủ bị phạt từ 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù
vì tội tổ chức đánh bạc.
Hành vi của Lê Quốc Vượng và các cầu thủ khác nếu chiếu theo luật thể dục, thể thao thì là
“Hành vi gian lận trong hoạt động thể dục, thể thao” nhưng xét theo luật hình sự thì lại phạm vào tội
“Đánh bạc và tổ chức đánh bạc” mà biện pháp chế tài là án tù có thời hạn chứ không chỉ là phạt tiền và
cấm thi đấu có thời hạn. Cơ quan chức năng đã dùng luật hình sự trong trường hợp này chứ không
dùng luật Thể dục, thể thao.
c) Hành vi vi phạm trong việc tuyển chọn vận động viên tham gia đội tuyển thể thao.
Có 2 trường hợp vi phạm:
- Hành vi không tuyển chọn vận động viên đội tuyển thể thao có đủ tiêu chuẩn theo quy định
pháp luật.
- Hành vi tuyển chọn vận động viên vào đội tuyển thể thao không đủ tiêu chuẩn theo quy định
pháp luật.
Đây là các trường hợp mà người có trách nhiệm - huấn luyện viên trưởng hoặc trưởng bộ môn –
cố tình chọn VĐV không đủ năng lực vào đội tuyển thay vì VĐV có trình độ tốt hơn vì có quan hệ
riêng hoặc cũng có thể vì vấn đề tiêu cực. Hai hiện tượng này tuy có tính chất khác nhau nhưng lại có
mối quan hệ tương hỗ: không tuyển chọn VĐV có đủ tiêu chuẩn vào đội tuyển thường là để dành chỗ
đó cho VĐV không đủ tiêu chuẩn, có thể vì lý do thân quen và cũng có thể vì lý do nhận tiền hối lộ.
Trong phần nói về hành vi gian lận trong thể thao ở trên, đã có nhắc đến trường hợp các đội
bóng đá lứa tuổi gian lận tuổi khi thành lập các đội tuyển dự giải toàn quốc. Các trưởng đoàn, HLV của
các đội bóng có cầu thủ gian lận tuổi đó đáng bị xử lý theo luật Thể dục, thể thao vì hành vi tuyển chọn
vận động viên vào đội tuyển thể thao không đủ tiêu chuẩn theo quy định pháp luật với mức phạt tiền là
từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Tuy nhiên, năm đó do chủ trương của Tổng cục TDTT là
khoan hồng cho các Sở TDTT và các đương sự vi phạm nên không ai bị xử lý kỷ luật.

96
II.5. Tinh thần Fair – Play
Trong thể thao, fair-play được dùng để nói về những hành động cao thượng, trung thực và tôn
vinh cái đẹp. Trong bất cứ giải thể thao quan trọng nào cũng có một phần thưởng dành cho đội hoặc
VĐV hành xử theo những tiêu chí nêu trên. Đó có thể là đội thể thao hoặc VĐV không đạt thành tích
cao nhất nhưng đã để lại dấu ấn bằng lối chơi fair-play của mình. Nếu những hành vi vi phạm đạo đức
vẫn còn là điều chưa thể tiệt trừ trong hoạt động thể thao thì vẫn còn đó những tấm gương fair-play
đáng được ghi nhận.
Đây đó, chúng ta vẫn thường thấy những hành động fair-play như vậy. Một VĐV cầu lông đánh
cầu qua khỏi vạch giới hạn, trọng tài không quan sát kịp, cho rằng quả cầu vẫn còn chạm vạch nên ghi
điểm cho VĐV ấy. Tuy nhiên, VĐV ấy đã xác nhận cầu đã qua vạch vôi nên điểm ấy phải là của đối
phương. Đó là điều không ít lần xảy ra, và đó là một hành động fair-play trong thể thao.
Trong bóng đá, người ta đã không ít lần ghi nhận trường hợp bóng đã vượt qua vạch cầu môn
và trọng tài đã sẵn sàng công nhận bàn thắng ấy, thế nhưng cầu thủ ghi bàn đã thừa nhận với trọng tài
là anh đã xô cầu thủ đội bạn trong pha bóng ấy nên bàn thắng ấy đó là không hợp lệ. Đó là một hành
động fair-play khác trong thể thao.
Trong vụ các tuyển thủ bóng đá Việt Nam bán độ ở SEA Games 23, trong khi các cầu thủ gian
lận thỏa thuận việc dàn xếp tỷ số thì một cầu thủ chẳng những không tham gia vào việc này mà còn báo
cáo sự việc với ban huấn luyện. Đó là tiền vệ Phan Văn Tài Em. Anh đã được xem như là biểu tượng
của fair-play không chỉ vì hành động đó mà còn vì trong suốt sự nghiệp bóng đá Tài Em chưa bao giờ
thể hiện hành động thô bạo với đối phương trong bất cứ tình uống nào.
Năm 2013, cầu thủ Võ Nhật Tân đã được trao giải Fair-play của Báo Pháp Luật sau khi anh tố
cáo một đồng nghiệp âm mưu dùng tiền để mua bán độ trận Tây Ninh - ĐT Long An. HLV Nguyễn
Hữu Thắng của CLB Sông Lam Nghệ An cũng được trao giải Fair-play sau khi HLV này chủ động đề
nghị hoãn trận đấu giữa Sông Lam Nghệ An và SHB Đà Nẵng trên sân Vinh mùa bóng 2012 vì trước
đó nhiều cầu thủ Đà Nẵng bị ngộ độc thực phẩm. Nếu SLNA quyết đá theo đúng kế hoạch thì ban tổ
chức giải buộc phải tiến hành trận đấu theo đúng ngày giờ đã định nhưng đội SLNA đã không tận dụng
cơ hội các cầu thủ đội bạn bị bệnh như một lợi thế trước trận đấu. HLV Nguyễn Hữu Thắng đã được
Báo Pháp Luật trao giải fair-play vì hành vi cao thượng này.
III. Công tác giáo dục đạo đức và phòng chống tiêu cực trong hoạt động thể dục thể thao tại Việt
Nam
III.1. Vấn đề giáo dục đạo đức trong hoạt động TDTT
Giáo dục đạo đức cho huấn luyện viên, trọng tài, giáo viên TDTT và VĐV thể thao là công việc
mà ngành TDTT và toàn xã hội nhiều năm qua đã thực hiện và thu được nhiều kết quả tốt đẹp, góp
phần to lớn vào xây dựng con người mới và đào tạo được nhiều gương mặt ưu tú cho đất nước. Tuy
nhiên, trong thời kỳ mới công tác giáo dục đạo đức cho cán bộ, VĐV thể thao cần được đổi mới về nội
dung và phương pháp giáo dục để đạt hiệu quả cao hơn. Một trong những nội dung và phương pháp đó
là việc nghiên cứu những quy định của pháp luật về thể dục thể thao quy định về quyền và nghĩa vụ của

97
cán bộ, VĐV thể thao; quy định về những hành vi được làm, được khuyến khích và những hành vi bị
nghiêm cấm, không khuyến khích đối với những người tham gia hoạt động thể dục, thể thao.
Giáo dục đạo đức cho cán bộ, VĐV cần được chú trọng toàn diện về nội dung và phương pháp,
trong đó những quy định của pháp luật phải là những nội dung được đặc biệt coi trọng. Giáo dục ý thức
chấp hành pháp luật, đồng thời cũng chính là giáo dục đạo đức và ngược lại làm tốt giáo dục đạo đức
góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật từ đó hạn chế tiến tới loại bỏ các biểu hiện tiêu cực phi
đạo đức trong các hoạt động thể dục, thể thao.
Giáo dục đạo đức không đơn thuần chỉ là nghiên cứu học tập những bài giảng về những quy
định trong văn bản, sách vở mà cần phải tổ chức hoạt động thực tiễn để cán bộ, VĐV thể hiện hành vi
đạo đức của mình. Giáo dục ý thức trách nhiệm công dân cho cán bộ, VĐV là quá trình kế thừa và tiếp
tục công tác giáo dục đạo đức của nhà trường, gia đình và xã hội trong môi trường hoạt động thể thao.
Các hành vi biểu hiện trong hoạt động thể dục thể thao ngoài việc được điều chỉnh bằng các quy
định của pháp luật còn được điều chỉnh bằng dư luận xã hội: biểu dương khích lệ đối với những hành
vi mang tính nhân văn tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong tập luyện cũng như trong thi đấu thể thao, đồng
thời lên án những hành vi thiếu đạo đức như kèn cựa, tự phụ, kiêu căng tự mãn, coi thường người khác.
Việc triển khai thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí
Minh" chính là đưa tư tưởng, đạo đức của Người trở thành lẽ sống của mỗi người dân Việt Nam trong
đó có lực lượng cán bộ, trọng tài, VĐV thể thao. Mỗi cán bộ, VĐV làm theo tấm gương đạo đức Hồ
Chí Minh là thể hiện bằng hành động trong từng thời điểm cụ thể có ý thức tự chọn cho mình một việc
làm có ý nghĩa thể hiện rõ nét nhất về đạo đức theo tấm gương của Bác như: Tận tuỵ trong công việc
huấn luyện, giáo dục VĐV của người huấn luyện viên, giáo viên thể dục, thể thao. Cần cù tập luyện
không ngại khó, ngại khổ đối với các VĐV. Tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động thể thao của cán
bộ quản lý. Trọng tài phải công tâm trong khi làm nhiệm vụ. Chủ các doanh nghiệp thể thao phải chăm
sóc tận tình đối với VĐV, người tập... Luật Thể dục, thể thao là sự thể chế hoá đường lối của Đảng về
thể dục thể thao, trong đó những tư tưởng của Bác về thể dục thể thao được thể hiện xuyên suốt và tấm
gương đạo đức thường xuyên chăm lo đến sự nghiệp thể dục thể thao cho nhân dân.
III.2. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tiêu cực trong hoạt động TDTT
Phòng, chống các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động TDTT đã và đang được xác định là một
trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành TDTT phải triển khai quyết liệt. Thực hiện các văn bản chỉ
đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành TDTT đã triển khai nhiều biện pháp tích cực để khắc phục tình
hình nhằm: nâng cao nhận thức về mọi mặt cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường công
tác kiểm tra, giám sát, phối hợp với ngành Công an xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; quản lý chặt
chẽ công tác tổ chức giải thi đấu thể thao, bảo đảm an toàn, an ninh...
Nhằm từng bước ngăn chặn và đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, xây dựng đạo đức, phong cách
trung thực, lành mạnh có văn hoá trong các hoạt động thể dục thể thao. Chỉ thị 15/2002/CT-TTG của
Thủ tường chính phủ ngày 26/7/2002 về việc chống tiêu cực trong các hoạt động thể dục thể thao đã
giao nhiệm vụ:
1) Uỷ ban Thể dục Thể thao:
98
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sửa đổi, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm
quyền sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để phòng, chống tiêu cực trong hoạt động thể
dục thể thao.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra,
kiểm tra, phát hiện, xử lý hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm minh theo pháp luật các
tập thể, cá nhân có hành vi tiêu cực trong các hoạt động thể dục thể thao.
2) Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác đảm bảo an
ninh trật tự trong hoạt động thể dục thể thao; chủ động phát hiện và kịp thời có biện pháp phòng ngừa,
ngăn chặn và kiên quyết xử lý theo quy định hiện hành các tổ chức, cá nhân có hành vi tiêu cực trong
hoạt động thể dục thể thao.
3) Bộ Văn hoá - Thông tin chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng kịp thời biểu dương những tập
thể, cá nhân có thành tích tốt, đồng thời phê phán những hành vi tiêu cực trong các hoạt động thể dục
thể thao.
4) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Chỉ đạo tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng đạo đức, lối sống văn hoá
đối với cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài, học sinh, sinh viên... Nhằm nâng cao nhận
thức và kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động thể dục thể thao.
Ngoài ra, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI – 2011 đã xác định “Kiên quyết khắc phục
những hiện tượng tiêu cực trong thể thao”. Chiến lược phát triển TDTT đến 2020 nêu rõ: “ Khắc phục
tình trạng tiêu cực, bạo lực trong thi đấu bóng đá... Đẩy mạnh công tác quản lý, giáo dục tư tưởng,
đạo đức chuyên nghiệp đối với đội ngũ cán bộ quản lý, huấn luyện viên, trọng tài, vận động viên”.
Điều này đòi hỏi toàn ngành TDTT phải tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống tiêu cực trong các
hoạt động TDTT trong thời gian tới.
Có thể nói, phát triển sự nghiệp TDTT và công tác phòng, chống các biểu hiệu tiêu cực trong
hoạt động TDTT là công việc chung của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, trong đó đội ngũ cán bộ, công
chức, viên chức ngành TDTT giữ vị trí trung tâm, bởi lẽ đội ngũ này là chủ thể trực tiếp đưa các chủ
trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về TDTT vào cuộc sống, là nòng cốt trong triển
khai các nhiệm vụ chuyên môn, bảo đảm cho hoạt động TDTT thực sự mang lại lợi ích thiết thực, tạo
ảnh hưởng và uy tín của ngành đối với xã hội.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế - Ủy ban TDTT nhận định: Trong thời gian
vừa qua, ngành TDTT đã tổ chức triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm khắc phục hiện tượng tiêu
cực, trong đó có công tác giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên việc thực
hiện chưa mạnh mẽ, chưa tương xứng với ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác này. Để công tác này
mang lại hiệu quả thiết thực, ngành TDTT cần chú trọng hơn, tổ chức thường xuyên hơn các hình thức
giáo dục pháp luật trong từng hoạt động cụ thể để đấu tranh với hiện tượng tiêu cực trong TDTT. Cụ
thể tập trung vào một số biện pháp sau:

99
 1) Trong các lớp, khóa tập huấn cán bộ, trọng tài trước mỗi đại hội, giải thi đấu thể thao cần đưa
pháp luật vào chương trình tập huấn. Nội dung pháp luật trong các lớp tập huấn này nên ngắn gọn, dễ
hiểu, chủ yếu phổ biến các văn bản về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của công chức, viên chức
trong thực thi công vụ, mô phỏng những tình huống tiêu cực có thể xảy ra và hậu quả pháp lý...
2) Trong các chương trình, kế hoạch phối hợp giữa ngành TDTT và ngành Công an về phòng
chống tiêu cực trong hoạt động TDTT cần đưa giáo dục pháp luật vào là một phần trong các công việc
phải triển khai. Khi cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật dẫn đến hiện
tượng tiêu cực trong TDTT, bên cạnh việc áp dụng các hình thức kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính,
truy cứu trách nhiệm hình sự, cần tuyên truyền, giáo dục pháp luật giúp họ hiểu rõ lỗi lầm và có hướng
sửa chữa, hoàn lương.
3) Có chế độ khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, cá nhân tuân thủ nghiêm túc các quy định
của pháp luật, điều lệ giải, các quy định của Ban Tổ chức, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình triển
khai thực hiện và tổ chức các hoạt động TDTT. Trưởng Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức các đại hội, giải thể
thao hoặc các hoạt động TDTT khác cần có hình thức chỉ đạo hợp lý, tổ chức quán triệt các quy định
của pháp luật nói chung, pháp luật về TDTT, về an ninh an toàn nơi công cộng, về trách nhiệm của
công chức, viên chức nhằm nâng cao nhận thức, nghiêm túc thực hiện, góp phần vào thành công trong
tổ chức các hoạt động TDTT.
Câu hỏi thảo luận

1/ Trình bày khái niệm đạo đức của cán bộ quản lý, huấn luyện viên, giáo viên, trọng tài, VĐV
thể thao và những người hành nghề kinh doanh hoạt động thể thao Việt Nam.
2/ Trình bày những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thể dục thể thao của Luật thể dục,
thể thao.
3/ Trình bày thực trạng về vấn đề tiêu cực trong hoạt động thể dục thể thao trong Chỉ thị
15/2002/CT-TTG.
4/ Trình bày các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tiêu cực trong hoạt động thể thao tại
Việt Nam.
5/ Trình bày những nét chính trong công tác giáo dục đạo đức trong hoạt động thể dục thể thao.
6/ Trình bày những nét chính trong việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tiêu cực trong hoạt
động thể dục thể thao.

100
Tài liệu tham khảo

1) Lumpkin, A., Stoll, S.K. & Beller, J.M.. Sport Ethics: Applications for Fair Play (3rd ed).
USA, McGraw-Hill, 2003.
2) Lisa P. Masteralexis, Carol A. Barr & Mary A. Hums. Principal and Pratice of Sport
Management. USA, Jones and Bartlett Publishers, 2005.
3) Chỉ thị 15/2002/CT-TTG về Chống tiêu cực trong các hoạt động thể dục thể thao (2002)
4) Nghị định số 141/2004/NĐ-CP về Quy định về xử phạt vi phạm hành chính  trong lĩnh vực
thể dục, thể thao (2004)
5) Luật thể dục, thể thao (2006)
6) Ủy ban Thể dục thể thao (2007), Quy định tiêu chuẩn cơ bản về đạo đức nghề nghiệp của
huấn luyện viên, trọng tài thể thao.
7) Vũ Trọng Lợi (2009), Giáo dục đạo đức cho cán bộ, VĐV thể thao trên cơ sở pháp luật về
thể thao. http://www.tdtt.gov.vn
8) Lê Thanh Liêm (2010), Một số vấn đề về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ngành TDTT
giai đoạn hiện nay. http://www.tdtt.gov.vn
9) Lê Thanh Liêm (2010), Đẩy mạnh Công tác phòng, chống tiêu cực trong hoạt động TDTT.
http://www.tdtt.gov.vn
10) IOC code of Ethnics 2012

101
THUẬT NGỮ CHUYÊN NGÀNH

Từ tiếng Anh Nghĩa tiếng Việt

Athletic conference Giải đấu thể thao trường học trong vùng; giải vùng

Burden of proof Trách nhiệm dẫn chứng

Character development Sự phát triển nhân cách

Commercialized sport Thể thao thương mại


Sport commercialization Thương mại hóa thể thao

Constitutive rules Quy định/ luật cơ bản


Proscriptive rules Quy định/ luật cấm đoán

Eligibility Sự đủ tư cách; tư cách phù hợp


Amateur eligibility Tư cách nghiệp dư
Academic eligibility Tư cách học thuật

Ethical dilemma Tình thế tiến thoái lưỡng nan về mặt đạo đức/ nguyên
tắc xử sự; nghịch lý đạo đức

Ethical issue Vấn đề đạo đức; vấn đề xử thế/ sự

Ethical principle Nguyên tắc đạo đức; nguyên tắc xử sự

Ethics Khoa học về đạo đức; đạo đức học; đạo đức

Feedback/motivation Hành vi/ động cơ thúc đẩy


Negative feedback/motivation Hành vi/ động cơ thúc đẩy tiêu cực
Positive feedback/motivation Hành vi/ động cơ thúc đẩy tích cực

Gamemanship Nghệ thuật thắng trận đấu bằng cách khiến đối thủ mất
lòng tin/ tinh thần

Gender equity Bình đẳng giới

102
Hazing Xúc phạm trước mặt nguời khác

Intimidation Hành vi/ sự đe dọa


Purposeful intimidation Hành vi/ sự đe dọa có mục đích/ có chủ đích
Nonpurposeful intimidation Hành vi/ sự đe dọa không có mục đích/ chủ đích

Juvenile delinquency Tình trạng vị thành niên phạm tội

Moral/ethical reasoning Sự/quá trình/việc tư duy/ nhận định/ nhận thức đạo
đức

Morality Đạo đức; đạo lý; nguyên tắc xử thế/sự đúng đắn

Nonmoral value Giá trị không thuộc về đạo đức

Personal preferences Sở thích/mong muốn cá nhân

Reasoning obstacle Trở lực đối với nhận định đạo đức

Self-discipline Kỷ luật cá nhân/ bản thân

Situational ethics Đạo đức tình huống

Sportmanship Tinh thần thể thao

Teamwork Hoạt động/ làm việc theo nhóm

Trash talking Thủ đoạn khiêu khích bằng lời nói; miệt thị; dùng lời
nói để mắng mỏ đối phương

Universality Tính chung/ phổ thông (áp dụng giống nhau cho tất cả
mọi người)

Values Giá trị/ tiêu chuẩn ứng xử đạo đức; nguyên tắc đạo
đức; phương châm xử thế/ sự

Violence Bạo lực

103

You might also like