You are on page 1of 67

BỘ TÀI CHÍNH

TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÀI CHÍNH – MARKETING

VIỆN NGHIÊN CỨU KINH TẾ ỨNG DỤNG


BỘ MÔN KỸ NĂNG MỀM

KỸ NĂNG TÌM VIỆC LÀM


(Bậc cao đẳng chương trình Đại trà, Chất lượng cao)

Chủ biên: ThS. Nguyễn Kim Vui


Thành viên biên soạn:
ThS. Trần Hữu Trần Huy
ThS. Lê Thị Thúy Hà
ThS. Nguyễn Võ Huệ Anh
ThS. Trần Thị Thảo

TP. HCM – NĂM 2021


Kỹ năng Tìm việc làm

MỤC LỤC
Trang
Chương 1: XÂY DỰNG KẾ HOẠCH TÌM VIỆC ......................................................................3
ĐÁNH GIÁ BẢN THÂN ..............................................................................................5
THIẾT LẬP MỤC TIÊU...............................................................................................7
1.3 THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG VÀ NGUỒN THÔNG TIN TÌM VIỆC .........................8
1.4. QUY TRÌNH XÂY DỰNG KẾ HOẠCH TÌM VIỆC ................................................10
Chương 2: CHUẨN BỊ HỒ SƠ TÌM VIỆC ..............................................................................12
TỔNG QUAN VỀ HỒ SƠ TÌM VIỆC ....................................................................12
2.1.1. Khái niệm hồ sơ tìm việc: .......................................................................................12
2.1.2. Nhà tuyển dụng mong đợi gì từ hồ sơ tìm việc .......................................................13
2.1.3. Các loại giấy tờ cần có cho bộ hồ sơ tìm việc .........................................................14
2.1.4. Sắp xếp hồ sơ tìm việc ............................................................................................14
2.1.5. Cách gửi hồ sơ tìm việc ...........................................................................................15
2.1.6. Những lỗi cơ bản khi chuẩn bị hồ sơ tìm việc ........................................................17
KỸ NĂNG VIẾT THÔNG TIN ỨNG VIÊN (CURRICULUM VITAE - CV) ...17
2.2.1. Khái niệm ................................................................................................................17
2.2.2. Các kiểu Sơ yếu lý lịch............................................................................................18
2.2.3. Các nội dung cơ bản của một sơ yếu lý lịch............................................................19
2.2.4. Cách thức viết sơ yếu lý lịch gây ảnh hưởng và thu hút .........................................23
2.2.5. Những lỗi cơ bản khi viết CV .................................................................................25
KỸ NĂNG VIẾT THƯ ỨNG TUYỂN (COVER LETTER) .................................25
2.3.1. Các nội dung cơ bản của một Thư ứng tuyển .........................................................25
2.3.2. Những lỗi cơ bản khi viết thư ứng tuyển ................................................................26
2.3.3. Nghệ thuật viết thư ứng tuyển .................................................................................26
Chương 3: KỸ NĂNG TRẢ LỜI PHỎNG VẤN .......................................................................29
3.1. CÁC DẠNG BÀI KIỂM TRA TRONG TUYỂN DỤNG ......................................29
3.2. CÔNG VIỆC CẦN CHUẨN BỊ TRƯỚC PHỎNG VẤN ......................................31
3.2.1. Chuẩn bị trang phục phỏng vấn...............................................................................31
3.2.2. Các thông tin cần chuẩn bị ......................................................................................34
3.2.3. Chuẩn bị sức khỏe và tâm lý ...................................................................................34
3.2.4. Những chuẩn bị khác...............................................................................................35
3.3. KỸ NĂNG TRẢ LỜI CÂU HỎI TRONG PHỎNG VẤN .....................................37
3.3.1. Các hình thức phỏng vấn .........................................................................................37
3.3.2. Các vòng phỏng vấn ................................................................................................38
3.3.3. Các loại câu hỏi trong phỏng vấn tuyển dụng .........................................................40
3.3.4. Kỹ năng trả lời các câu hỏi phỏng vấn ....................................................................41
3.3.5. Kỹ năng đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng ................................................................44
3.4. NHỮNG LƯU Ý SAU PHỎNG VẤN ......................................................................45
TÀI LIỆU THAM KHẢO...........................................................................................................48
PHỤ LỤC ...................................................................................................................................51

1
Kỹ năng Tìm việc làm

LỜI NÓI ĐẦU

Các bạn sinh viên thân mến!


Trong những năm gần đây, thực trạng vấn đề tuyển dụng tại đa số các doanh nghiệp cho thấy hầu
hết các sinh viên khi mới ra trường có tỉ lệ thành công khi xin việc là rất thấp. Bên cạnh vấn đề về
kiến thức chuyên ngành còn một số hạn chế nhất định, lý do quan trọng phải kể đến đó chính là việc
thiếu các kỹ năng mềm cần thiết để hòa nhập và thành công trong công việc của các bạn.
Với nền khoa học và công nghệ 4.0 hiện nay “Cả thế giới phải đối mặt với thách thức lớn là việc
làm cho thanh niên và thách thức này ngày càng lớn do số thanh niên cần việc ngày càng tăng”.
Thông thường, khi sắp tốt nghiệp, các bạn sinh viên sẽ có rất nhiều cảm xúc khác nhau: bên cạnh
sự nhiệt huyết, tự tin và những lo lắng về tương lai phải rời xa môi trường học tập vốn dĩ bình yên
và đối mặt với thế giới việc làm thực sự. Chính vì vậy, tập bài giảng này ra đời nhằm phục vụ đối
tượng độc giả là đông đảo các bạn sinh viên, các bạn trẻ, …. và bất cứ ai đang cần đến kỹ năng tìm
việc để có thể tìm cho mình một công việc phù hợp.
Bài giảng Kỹ năng tìm việc sẽ giúp sinh viên khái quát được tiến trình tìm kiếm được một công
việc mong đợi, phù hợp với năng lực và tính cách của bản thân thông qua việc phân tích được điểm
mạnh và hạn chế của bản thân từ các bài trắc nghiệm IQ, EQ, MBTI, v.v…. Sau khi hình dung được
quá trình tìm kiếm việc làm, biết được những điểm mạnh, hạn chế và cân nhắc giữa “đam mê” và
“thực tế” của bản thân, sinh viên sẽ xây dựng được bảng kế hoạch nghề nghiệp cho riêng mình, làm
chủ thời gian, nắm bắt các cơ hội việc làm. Đồng thời, sinh viên sẽ được cung cấp các kiến thức và
kỹ năng chuẩn bị hồ sơ tuyển dụng hoàn hảo, tạo được sự thu hút với nhà tuyển dụng.
Ngoài ra, tập bài giảng này còn cung cấp một số cách thức giúp các bạn sinh viên xây dựng được
hình ảnh một ứng viên chuyên nghiệp, phong cách tự tin nhằm tạo ấn tượng ban đầu tốt đẹp. Kết
hợp với môn học Kỹ năng giao tiếp, Kỹ năng tìm việc trang bị kiến thức, kinh nghiệm giao tiếp và
thương lượng với nhà tuyển dụng một cách cụ thể và hiệu quả.
Nội dung chính của tập bài giảng Kỹ năng tìm việc gồm 3 chương, mỗi chương được trình bày
theo kết cấu: A. Mục tiêu chương – B. Nội dung – xen lẫn trong phần nội dung là các tình huống
tham khảo, các bài tập thực hành – C. các câu hỏi ôn tập. Với kết cấu như vậy, chúng tôi hy vọng
sẽ giúp các bạn sinh viên có sự định hướng rõ ràng ngay khi bắt đầu việc đọc một chương cụ thể.
Thông qua 3 chương của tài liệu này, chúng tôi cung cấp cho các bạn sinh viên những kiến thức
cơ bản về kỹ năng tìm việc. Trên cơ sở đó, sinh viên có thể tự mình xây dựng và thực hiện các bước
tìm kiếm công việc cụ thể. Nhờ vậy, sinh viên sẽ tự tin hơn và dần hoàn thiện các kỹ năng soạn thảo
CV, trả lời phỏng vấn và thương lượng, ... của mình.
Với những kiến thức được chuyển đạt bằng ngôn từ gần gũi, dễ hiểu, những ví dụ sinh động và
tình huống thực tế để xử lý và tham khảo, chúng tôi hy vọng các bạn sinh viên sẽ cảm thấy thật sự
ý nghĩa và thú vị với tập tài liệu này.
Do lần đầu ra mắt nên tập bài giảng chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót. Vì vậy, chúng
tôi rất mong nhận những ý kiến đóng góp quý báu của quý thầy cô, các bạn sinh viên để kịp thời
chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi tập bài giảng được được nâng lên thành giáo trình.
Mọi ý kiến đóng góp của các bạn sẽ giúp cho tài liệu này hoàn thiện hơn trong những lần cập
nhật sau này. Thư từ góp ý xin gửi về: Bộ môn Kỹ năng mềm - Viện Nghiên cứu Kinh tế ứng dụng
trường Đại học Tài chính - Marketing.
NHÓM BIÊN SOẠN

2
Kỹ năng Tìm việc làm

Chương 1: XÂY DỰNG KẾ HOẠCH TÌM VIỆC

MỤC TIÊU CHƯƠNG

Sau khi học xong chương 1, sinh viên có thể


Về mặt kiến thức
- Hiểu tổng quan về thị trường việc làm
- Đánh giá được bản thân và thị trường lao động
- Hiểu những công việc cần phải thực hiện trong giai đoạn xây dựng kế hoạch tìm việc
- Xác định được công việc mong đợi và lập kế hoạch để đạt được công việc
Về mặt kỹ năng
- Phân tích được điểm mạnh và hạn chế của người học phục vụ cho việc định hướng nghề
nghiệp phù hợp
Về thái độ
- Có ý thức rèn luyện, cải thiện chuyên môn và các kỹ năng bổ trợ khác để tìm được công
việc tốt nhất
- Chủ động, tích cực, sáng tạo trong việc tìm hiểu và định hướng nghề nghiệp

3
Kỹ năng Tìm việc làm

NỘI DUNG CHI TIẾT

Tìm việc là một trong những kỹ năng thuộc về nhiệm vụ Quản lý nghề nghiệp của mỗi
người. Thậm chí, đối với những người đã tích lũy nhiều thời gian, kinh nghiệm làm việc, cũng
cần biết đến kỹ năng này, ở mức độ cao hơn, gọi là Quản lý nghề nghiệp. Theo Rebecca Tee, tác
giả cuốn sách Cẩm nang Quản lý nghề nghiệp, bạn phải phác họa được nghề nghiệp của mình
qua các lĩnh vực chính sau đây:
Những lĩnh vực chính Những yếu tố cần xem xét
Tự phân tích, đánh giá bản thân Sự trung thực trong tự đánh giá về nghề nghiệp, bạn sẽ
Nghiên cứu bản thân bằng cách đánh giá biết được điểm mạnh và yếu của mình.
những kinh nghiệm trong quá khứ Việc phân tích sẽ giúp bạn quyết định lĩnh vực phù hợp
nhất với bản thân.
Đánh giá thị trường Nghiên cứu thị trường lao động kỹ lưỡng sẽ giúp bạn
Tìm hiểu nhu cầu thị trường lao động nắm bắt được cơ hội thích hợp trong lĩnh vực của mình.
Thành thật xem xét những đóng góp của bạn cho môi
trường công việc.
Đặt mục tiêu Bạn sẽ tập trung hơn khi đưa ra được mục tiêu cụ thể.
Thiết lập mục tiêu và thời gian cần hoàn Sau khi có mục tiêu, bạn có thể đề ra các bước nhằm
thành hoàn thành mục tiêu này.
Kiểm soát sự thay đổi Tự điều chỉnh để thích nghi, hoặc cũng có thể đổi hướng
Xử lý những khó khăn về công việc khi nghề nghiệp nếu cần.
chúng xuất hiện Tìm kiếm sự hỗ trợ từ các mối quan hệ liên quan khi có
những thay đổi lớn.
Giám sát Thường xuyên đánh giá lại bản kế hoạch để đảm bảo
Kiểm tra tiến độ của quá trình hướng đến bạn đang đi đúng hướng.
mục tiêu nghề nghiệp Theo dõi những diễn biến mới của thị trường lao động
có thể ảnh hưởng đến nghề nghiệp của bạn.

Như vậy, để đạt được công việc mong đợi, các lĩnh vực kể trên là những gợi ý tốt để bạn
thực hiện, ở bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời, kể cả khi bạn đang ngồi trên ghế nhà trường hoặc
lúc bạn đã trải qua một khoảng thời gian dài làm việc.
Tìm việc không phải là một hành vi cụ thể, mà là một quá trình, chính vì vậy mà bạn cần
sự chuẩn bị và xây dựng thành kế hoạch, bắt đầu từ việc Tự phân tích chính bản thân. Tìm hiểu
về thị trường lao động, theo dõi các công ty, ngân hàng, nhu cầu tuyển dụng ở khắp các nơi là
điều chắc chắn bạn nên làm. Nhưng trước khi thực hiện điều này, hãy dành thời gian đánh giá
chính mình, trả lời cho câu hỏi: “Tôi sẵn sàng với công việc gì?”; “Tôi phù hợp với công việc
như thế nào?”

4
Kỹ năng Tìm việc làm

ĐÁNH GIÁ BẢN THÂN


Theo Robert Heller (2004) trong quyển sách Nghệ thuật tuyển dụng nhân sự, các nhà
tuyển dụng khi tìm hiểu và đánh giá ứng viên dựa trên hai tiêu chí: năng lực và tính cách. Như
vậy, trong vai trò ứng viên, bạn phải là người rõ nhất về các tiêu chí trên, của chính mình. Hãy
ngưng nghĩ đến việc bạn sẽ “khuếch trương” chính mình bởi vì nhà tuyển dụng sẽ luôn có cách
để tìm ra sự thật, hoặc nếu không, bạn sẽ có một công việc “vượt khả năng”.
Hiểu chính mình đòi hỏi bạn phải thực hiện nó như một công việc cụ thể trong tiến trình
quản lý nghề nghiệp. Năng lực và tính cách là kết quả được tích lũy trong quá trình sống và học
tập của mỗi người. Theo Scott William, nhà Tâm lý học người Mỹ, đề xuất 05 yếu tố sau đây
giúp chúng ta nhận diện được bản thân:

Tính cách
(Personality)

Cảm xúc Giá trị


(Emotions) (Values)

Nhu cầu Thói quen


(Needs) (Habits)

Tính cách: ảnh hưởng đến cách thức chúng ta làm việc và đưa ra các quyết định trong
cuộc sống. Ví dụ: anh B. là người có tính cách hướng ngoại, mạnh mẽ, quyết liệt. Anh có xu
hướng chọn những công việc nhiều thử thách, năng động, sáng tạo. Trong khi đó, chị N. có tính
cách hướng nội rõ ràng. Chị thích và cảm thấy an toàn với những công việc mang tính ổn định,
ít áp lực.
Giá trị: là những quan niệm của con người hy vọng đạt được trong quá trình sống, làm
việc trong một nhóm, một tập thể nào đó.
Tiếp tục ví dụ trên, anh B. cho rằng, anh lao động để phát triển chính bản thân mình.
Ngoài ra anh còn trách nhiệm nuôi dưỡng mẹ già và chăm sóc gia đình nhỏ của anh. Điều này
khiến anh xác định một trong những tiêu chí công việc của anh là phải được thể hiện đúng năng
lực, tính cách của mình, thu nhập cao, môi trường làm việc chuyên nghiệp, có hướng tới lợi ích
cho nhân viên.
Đối với chị N., công việc chỉ là một phần của cuộc sống, chị muốn dành nhiều thời gian
cho gia đình. Vì theo chị, gia đình mới là trên hết. Chị có khuynh hướng tìm một công việc không
phải đi công tác, thu nhập vừa phải nhưng ổn định, môi trường làm việc ít áp lực, thị phi.

5
Kỹ năng Tìm việc làm

Thói quen: những hành vi mà chúng ta tin rằng sử dụng nó sẽ đạt được hiệu quả. Anh B.
hiện là Giám đốc sáng tạo của công ty quảng cáo Yess. Anh đề cao tinh thần làm việc nhóm, nên
khi nhận một dự án mới, anh thường tổ chức các buổi trao đổi, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng,
phân công công việc. Anh cũng thường xuyên trao đổi với anh K. (phó giám đốc) trước khi đưa
ra những quyết định trong công việc.
Trong công ty, chị N. là một kiểm toán viên nổi tiếng là người cẩn thận. Mọi thứ liên
quan đến công việc chị đều ghi chép và lưu giữ văn bản rõ ràng, chu đáo. Khi nhận một công
việc mới, chị thường tìm hiểu hoặc hỏi han thật kỹ lưỡng về trách nhiệm của chị, những yêu cầu
cụ thể của cấp trên. Chị cũng rà soát hồ sơ rất tỉ mỉ, nghiêm túc.
Nhu cầu: những mong đợi của chúng ta trong cuộc sống, chi phối động cơ làm việc của
con người. Theo tháp nhu cầu của Maslow, nhu cầu của con người khác nhau và trong từng thời
điểm cũng khác nhau.
Một sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường có nhu cầu thuộc về một tổ chức, công ty để làm
việc và phát triển. Nhưng với anh B. trong ví dụ trên, đã có hơn 10 năm kinh nghiệm, nhu cầu
của anh là được công nhận năng lực của mình. Nếu cả hai người này đều có kế hoạch tìm việc,
đương nhiên, cách thức họ thực hiện sẽ hoàn toàn khác nhau. Bạn sinh viên, có thể, sẽ dễ chấp
nhận mọi yêu cầu của công việc để trở thành một nhân viên, được làm việc chính thức, có thu
nhập và từ đó tìm kiếm những kinh nghiệm, cơ hội khác. Còn anh B., với rất nhiều kinh nghiệm,
nhu cầu của anh khi này sẽ là môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn, thu nhập cao hơn, chức
vụ cao hơn và có cơ hội truyền đạt chuyên môn lại cho những đồng nghiệp trẻ.
Với chị N., nhu cầu của chị là giữ một công việc với thu nhập ổn định, chị xác định cần
phải dành nhiều thời gian cho gia đình, con cái của chị. Có một số công ty kiểm toán mời chị về
làm việc, nhưng nếu ảnh hưởng đến thời gian chăm sóc gia đình đều khiến chị từ chối.
Cảm xúc: Theo mô hình lý thuyết về trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence – EI) của hai
nhà tâm lý học Mỹ John Mayer và Peter Salovey, có 4 năng lực cảm xúc như sau:
(1) Khả năng nhận biết cảm xúc của chính bản thân
(2) Sử dụng cảm xúc để hỗ trợ tư duy, phù hợp với hoạt động (công việc, xây dựng mối
quan hệ, …)
(3) Hiểu được cách vận hành của cảm xúc (nguyên nhân và sự biến đổi qua thời gian)
(4) Quản lý/ Kiểm soát cảm xúc.
Theo mức độ từ thấp đến cao (1 – 4) thể hiện năng lực cảm xúc con người. Người có trí
thông minh cảm xúc cao sẽ độ nhạy cảm để giải quyết công việc, ảnh hưởng đến suy nghĩ và
hành động.
Năng lực quản lý cảm xúc là một trong những tiêu chí tuyển dụng trong thời gian gần
đây. Trong lĩnh vực làm việc với khách hàng, các nhà quản trị luôn cần những nhân viên giỏi
nắm bắt cảm xúc của người khác, từ đó đưa ra những giải pháp linh hoạt nhất để trấn an, chăm
sóc, giữ chân khách hàng.
Khi tìm hiểu về 05 yếu tố này của bản thân, chúng tôi có những đề nghị với bạn như sau:
- Hãy lấy những kinh nghiệm trong quá khứ làm căn cứ cho các câu trả lời. Kinh
nghiệm quá khứ là những tình huống đã xảy ra xung quanh các mối quan hệ của bạn, như:
với gia đình, bạn bè, hàng xóm, thầy cô giáo, những cộng sự, đối tác, …

6
Kỹ năng Tìm việc làm

- Thành thật với chính bản thân.


- Đặt vào mối quan hệ của bạn với chuyên ngành học tập, các kỹ năng mềm khác để
dễ gợi mở câu trả lời cho chính mình như: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết
vấn đề và ra quyết định, kỹ năng giao tiếp, …
Bạn cần hiểu mình để hình dung ra vị trí công việc phù hợp với mình. Hãy liệt kê những
điều bạn tự đánh giá và sau đó đối chiếu với những nhận xét của người khác (gia đình, bạn bè,
đồng nghiệp) về bạn cũng dựa trên 05 yếu tố này.
Khi đã tìm được sự thống nhất giữa cách bạn và người khác đánh giá về những ưu điểm,
bạn đã có một danh sách về tính cách và năng lực, được xem như là những “tài sản” của mình.
Bạn sẽ bước vào một công ty để tìm việc với năng lực chuyên môn và những gì thuộc về bản
thân mình. Như vậy, tự tìm hiểu và đánh giá bản thân sẽ giúp bạn xác định công việc phù hợp.
Hãy nhớ rằng, các nhà tuyển dụng luôn cần biết bạn hiểu về chính mình thế nào.
Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu bản thân bằng một số bài trắc nghiệm tính cách mang tính
khoa học như MBTI, Big 5. Đừng ngại liệt kê những ưu điểm mà bạn tin rằng mình sở hữu. Nếu
bạn càng nắm rõ những lợi thế của mình, bạn càng dễ dàng đối diện với nhà tuyển dụng. Vì gần
như chắc chắn, những câu hỏi mà họ đặt ra với các ứng viên sẽ xoay quanh việc bạn đánh giá
chính mình thế nào. Thái độ hợp tác, sự tự tin, khả năng của bạn sẽ được ban tuyển dụng nhận
diện từ điều này.

THIẾT LẬP MỤC TIÊU


Thiết lập mục tiêu là chỉ ra những cột mốc mà bạn muốn đạt được trong tương lai. Đồng
thời cũng chỉ ra cách thức để thực hiện được điều đó. Đầu tiên, hãy tập trung vào mục tiêu cao
nhất của bạn, từ đó đặt ra những cột mốc trong nghề nghiệp và những chỉ tiêu phấn đấu.
- Hãy dành thời gian xem xét những cản trở trên con đường thực hiện mục tiêu này. Ví
dụ như biến động thị trường lao động đối với ngành nghề của bạn, hoặc thời gian bạn trau dồi
tiếng Anh theo yêu cầu từ nhà tuyển dụng.
- Làm rõ mục tiêu của bạn, bằng cách phát biểu nó thành lời một cách rõ ràng, đo lường
được. Ví dụ: Trong 5 năm tới, tôi muốn trở thành trưởng phòng Marketing.
- Đặt chỉ tiêu phấn đấu. Để đạt được mục tiêu cao nhất của mình, bạn phải tính toán
những “nấc thang” mà bạn sẽ phải đi qua để leo lên được bậc cao nhất. Ở mỗi “nấc thang” đó,
hãy liệt kê những điều cần làm để hoàn thành nó và đủ điều kiện để bước lên “bậc” tiếp theo. Giả
sử mục tiêu cao nhất của bạn là “trở thành người lãnh đạo trong lĩnh vực của mình”, những chỉ
tiêu bạn cần phải đạt trước đó là nâng cao trình độ, xây dựng danh tiếng (qua công việc, hội
thảo,…), thực hiện nghiên cứu khoa học,… Từ những chỉ tiêu đó, bạn lại tiếp tục chỉ ra những
công việc như là giải pháp giải quyết vấn đề.
- Hãy luôn dành thời gian suy nghĩ về mục tiêu và chỉ tiêu phấn đấu của bạn, có khả thi
không, bạn có nỗ lực hoàn thành không.

7
Kỹ năng Tìm việc làm

1.3 THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG VÀ NGUỒN THÔNG TIN TÌM VIỆC
Hiện nay trên thị trường có nhiều khóa học “Kỹ năng xin việc” hoặc “Hồ sơ xin việc”, thật
ra những chữ này không được dùng đúng. Bạn là ứng viên có khả năng, bạn đang tìm kiếm công
việc phù hợp với sở trường, sở thích chứ không xin xỏ nhà tuyển dụng trao cho công việc. Đổi
tâm thế từ “xin việc” thành “tìm việc” là mấu chốt đầu tiên để bạn hiểu đúng. Một khi chuyển tư
thế sang người tìm, ứng viên sẽ nhìn vào bên trong xem bản thân có gì, cần gì, có khớp với yêu
cầu ứng tuyển hay không thay vì chăm chăm uốn mình thành người khác để đạt mục đích tuyển
dụng.
Rất nhiều sinh viên hiện nay thiếu kiến thức về thị trường lao động nên thường mua một
bộ hồ sơ tìm việc có sẵn, điều này làm cho khả năng bạn được gọi phỏng vấn là khá thấp. Hơn
thế nữa, nếu bạn là sinh viên cao đẳng, hồ sơ của bạn càng phải nổi bật. Vì thế khóa học được
thiết kế nhằm giúp các bạn có kỹ năng chuẩn bị hồ sơ dự tuyển và kỹ năng trả lời phỏng vấn hiệu
quả.
Sau khi đã xác định được bản thân phù hợp với công việc nào, bạn nên đầu tư vào đánh
giá thị trường. Nắm bắt thông tin về các công ty, cơ hội nghề nghiệp là rất quan trọng. Hãy tìm
hiểu càng nhiều càng tốt nghề nghiệp mà bạn quan tâm, qua những cách thức sau đây:
- Đọc sách báo, tin tức trên TV, internet, báo chí, hoặc tham gia những buổi hội thảo,
triển lãm để luôn cập nhật những thông tin về ngành mà bạn quan tâm. Cần theo dõi những phân
tích của các chuyên gia về dự báo phát triển của ngành nghề đó.
- Đọc các tài liệu được công bố của công ty mà bạn quan tâm sẽ giúp bạn nắm bắt được
những mục tiêu ưu tiên, chính sách và kế hoạch hiện tại.
- Truy cập vào các trang website của công ty để hiểu họ đang hướng vào vấn đề gì, nhu
cầu tuyển dụng ở các mảng nào.
- Khảo sát trang website của các hiệp hội thương mại và nghề nghiệp để giúp giải thích
những lĩnh vực công việc mà bạn chưa quen.
- Theo dõi các trang website việc làm trên internet để tìm kiếm cơ hội cho bạn.
- Tìm kiếm thông tin từ các mối quan hệ của bạn. Hãy bắt đầu bằng cách liệt kê tất cả
những người mà bạn quen biết, để có được những tin tức, cơ hội liên quan đến việc làm bạn đang
mong đợi.
Ngoài ra, bạn cũng cần phải tìm hiểu về cơ cấu tổ chức, quy mô của công ty. Điều
quan trọng là bạn phải nắm rõ vấn đề này để có thể nói chuyện một cách tự tin về môi trường
làm việc khi được mời phỏng vấn. Bảng đánh giá dưới đây như một gợi ý.
Cty ƯU ĐIỂM NHƯỢC ĐIỂM
NHỎ - Tự do ra quyết định. - Những hành động và quyết định của bạn
- Tham gia vào tất cả các khía cạnh của rất quan trọng, nên trách nhiệm cũng lớn
công việc. hơn.
- Liên hệ với nhà tư vấn và cung cấp từ - Không khí làm việc giống gia đình,
bên ngoài. cũng có áp lực kiểu gia đình.
- Quan hệ trực tiếp với khách hàng. - Khả năng thăng tiến trong nấc thang
nghề nghiệp bị hạn chế.

8
Kỹ năng Tìm việc làm

TRUNG - Công việc tập thể là quan trọng, quan - Công ty quá lớn nên bạn khó có thể nổi
BÌNH hệ gần gũi với đồng nghiệp. bật, và cũng quá nhỏ nên khó có cơ hội
- Có cơ hội để quan sát và học hỏi từ thăng tiến.
những ngành và chức năng khác. - Ít người bên ngoài công ty biết đến danh
- Có cơ hội đóng góp và thể hiện ý tiếng của nó.
tưởng. - Việc làm không bảo đảm so với các
- Ổn định về tài chính công ty lớn.
LỚN - Có nhiều hướng phát triển nghề - Tổ chức quá lớn nên bạn cảm thấy bị
nghiệp. hạn chế trong một bộ phận.
- Có nhiều cơ hội đầu tư vào sự phát - Ít có dịp để một cá nhân có thể tác động
triển của bản thân. đến hiệu quả của công ty.
- Mức lương và phúc lợi cao hơn. - Khó có thể đạt được sự công nhận hay
- Cơ hội lớn hơn trong thị trường việc cảm giác thành tựu.
làm khi bạn muốn thay đổi
Nguồn: Phát triển nghề nghiệp, Cẩm nang quản lý hiệu quả, NXB Tổng hợp Tp.HCM (2005)
Thị trường lao động là nơi gặp gỡ của người mua lao động và người bán lao động. Nếu
bên bán lao động không bán được sản phẩm của mình điều đó đồng nghĩa chúng là hàng tồn kho,
thuật ngữ thường dùng đó là thất nghiệp. Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội, năm 2015, cả nước có trên 200.000 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp, chiếm 20%
tổng số lao động thất nghiệp. Nguyên nhân được chuyên gia đưa ra là do người lao động được
đào tạo nghề nhưng chưa đáp ứng nhu cầu thật sự của doanh nghiệp. Vậy trước khi chọn được
nghề và từng bước phát triển nghiệp cho tương lai, bạn cần phải hiểu thị trường nghề đang đòi
hỏi gì ở người lao động.
Tùy vào các công việc khác nhau mà nhà tuyển dụng cần những yêu cầu khác nhau với
mỗi ứng viên, tuy nhiên, nhìn chung nhà tuyển dụng cần các yêu cầu sau đây:
- Các yêu cầu về kiến thức chuyên môn và kiến thức xã hội.
- Các kỹ năng mềm trong môi trường làm việc
- Các kỹ năng cứng trong công việc đặc thù
- Thái độ và tinh thần làm việc phù hợp với văn hóa doanh nghiệp
Các nguồn thông tin tuyển dụng bạn có thể nghĩ tới là:
- Các thông tin tuyển dụng mỗi ngày trên báo chí
- Các trung tâm tư vấn – giới thiệu việc làm
- Các website giới thiệu việc làm có uy tín trên mạng internet
- Các website của các công ty, tổ chức
- Các ngày hội việc làm
- Người thân
Như vậy, có rất nhiều nguồn thông tin có thể giúp bạn tìm kiếm việc làm. Thông tin về
việc làm có thể có ở bất cứ đâu. Hầu hết những người tìm kiếm việc làm đều được khuyến khích
nên tìm đến nhiều loại thông tin việc làm khác nhau cùng một lúc, rằng bạn càng thu thập được
nhiều thông tin càng tốt. Tuy nhiên, chúng ta cần cân nhắc nguồn thông tin và quỹ thời gian phù

9
Kỹ năng Tìm việc làm

hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của cá nhân. Nói cách khác, bạn chỉ cần quan tâm đến những
thông tin nào có giá trị và phù hợp với mình nhất mà thôi.
Mạng internet đã có thể mang lại cho bạn rất nhiều thông tin bổ ích – nếu bạn biết đọc
một cách có chọn lọc. Chẳng hạn, danh mục các công việc hiện có trong xã hội, mức thu nhập
trung bình đối với từng công việc cụ thể, thông tin về các công ty có nhu cầu tuyển dụng, các
trung tâm giới thiệu việc làm, … Bên cạnh đó, bạn cũng đừng bỏ qua những cuốn danh bạ, những
ấn phẩm mới. Bởi vì, chúng có thể cập nhật những thông tin về các công ty mới được thành lập,
những khu công nghiệp, khu công nghệ cao đang cần tuyển dụng thêm lao động để đáp ứng nhu
cầu mở rộng quy mô sản xuất, …. Bạn phải bảo đảm rằng những thông tin mà bạn tìm kiếm được
là những thông tin đáng tin cậy và có giá trị.
Một số công ty có hẳn mục “tuyển dụng” ngay trên website của công ty họ. Bạn
có thể tìm đến những mục tuyển dụng này. Tuy nhiên, bạn cần gọi điện thoại liên lạc với
công ty. Mục đích của việc gọi điện thoại là để kiểm tra xem công ty có còn tuyển dụng
vị trí mà bạn đang dự định nộp hồ sơ vào làm hay không? Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý
là có một số công ty lại không sẵn lòng tiếp chuyện với ứng viên qua điện thoại. Bởi thực
tế, không công ty nào giống công ty nào, hành trình tìm việc làm rất đa dạng.

1.4. QUY TRÌNH XÂY DỰNG KẾ HOẠCH TÌM VIỆC


Sinh viên cần nắm rõ quy trình tuyển dụng của doanh nghiệp để có thể hiểu mình
sẽ có những bước chuẩn bị nào cho từng giai đoạn tuyển dụng.
Quy trình tuyển dụng của một doanh nghiệp

Thử việc và
Thông báo
quyết định
tuyển dụng
tuyển dụng

QUY
TRÌNH Thu nhận
Phỏng vấn TUYỂN Và chọn lọc
tuyển chọn DỤNG hồ sơ

Kiểm tra Phỏng vấn


Trắc nghiệm sơ bộ

Sau khi đã phân tích thị trường lao động, hiểu biết quy trình tuyển dụng, bạn cần tìm hiểu
chi tiết hơn với các công việc cụ thể nhằm giúp bạn rõ hơn về vai trò phù hợp với bản thân nhất.
Trước khi chuyển sang giai đoạn thứ hai, hoàn thành hồ sơ và tham gia phỏng vấn, chúng ta hãy

10
Kỹ năng Tìm việc làm

tổng hợp lại những việc cần phải làm trong giai đoạn đầu tiên – xây dựng kế hoạch tìm việc, qua
sơ đồ sau đây:

Đánh giá bản thân Đánh giá thị trường LĐ

Tìm công việc quan tâm, tìm hiểu mô tả công việc

Nghiên cứu chi tiết và đánh giá sự phù hợp của bản thân và công việc

Phác thảo những đóng góp mà bạn có thể thực hiện và lập kế hoạch trình bày

Phác thảo một hồ sơ tuyển dụng ấn tượng

Chuẩn bị sẵn các câu hỏi để trực tiếp trao đổi trong buổi phỏng vấn

Tìm việc là một quá trình đòi hỏi nhiều thời gian chuẩn bị về chuyên môn, kỹ năng, sự
tìm hiểu về bản thân, công việc, … Hãy bắt đầu bằng cách so sánh yêu cầu của công việc với khả
năng của mình. Từ đó, đề ra những chỉ tiêu để hoàn thiện các yêu cầu từ công việc. Đây chính là
bước quan trọng để bạn tìm hiểu doanh nghiệp, phân tích được khả năng đáp ứng của bản thân
đối với công việc. Ngoài sự chuẩn bị kỹ lưỡng, xây dựng kế hoạch tìm việc còn là giai đoạn đầu
tư kiến thức, kỹ năng để bạn đối phó với quá trình tuyển dụng, phỏng vấn, thử việc, … một cách
chuyên nghiệp nhất.

CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG 1


1. Bạn hãy tự đánh giá bản thân theo mô hình 5 yếu tố của Scott William
2. Danh sách này có làm bạn nghĩ đến môi trường làm việc nào thích hợp hoặc không thích hợp
cho bạn?
3. Hãy liệt kê những năng lực và tính cách bạn muốn thêm vào danh sách này để đáp ứng tốt hơn
với công việc mà bạn đang hướng tới. Lưu lại danh sách này và đề ra cách thức để học tập hoặc
rèn luyện để có được nó.
4. Thiết lập mục tiêu và các chỉ tiêu phấn đấu. Hãy xác định các chỉ tiêu bạn A. cần phải đạt
được để hoàn thành mục tiêu đã đề ra ở trên. Từ đó đưa ra các giải pháp thực hiện.
Mục tiêu Chỉ tiêu Giải pháp
Ví dụ: Bạn A. đang là sinh viên năm 3 khoa Kế
Toán. Mục tiêu của bạn khi ra trường là trở
thành Kiểm toán viên của tập đoàn KPMG – là
công ty kiểm toán nổi tiếng thế giới

11
Kỹ năng Tìm việc làm

Chương 2: CHUẨN BỊ HỒ SƠ TÌM VIỆC

MỤC TIÊU CHƯƠNG


Sau khi học xong chương này, sinh viên có thể:
Về mặt kiến thức
- Trình bày được khái niệm về hồ sơ tìm việc
- Phân biệt được hồ sơ tìm việc, thư ứng tuyển và sơ yếu lý lịch
- Giải thích được tầm quan trọng của hồ sơ ứng tuyển
Về mặt kỹ năng
- Soạn thảo được thư ứng tuyển và sơ yếu lý lịch hoàn chỉnh
Về thái độ
- Chủ động, tích cực, sáng tạo trong việc xây dựng và soạn thảo bộ hồ sơ tìm việc

NỘI DUNG CHI TIẾT


TỔNG QUAN VỀ HỒ SƠ TÌM VIỆC
2.1.1. Khái niệm hồ sơ tìm việc:
Chúng ta quen gọi Hồ sơ tuyển dụng là Hồ sơ xin việc, thực tế chúng ta đang tìm việc mà
nhà tuyển dụng có nhu cầu, phù hợp với năng lực của mình nên không có “xin” gì ở đây. Với các
cơ sở tư nhân điều này càng rõ ràng là đàm phán giữa hai bên, phù hợp giữa mức lương đưa ra
và năng lực đáp ứng công việc tương ứng. Do đó, nên thay Hồ sơ xin việc thành Hồ sơ tuyển
dụng, Hồ sơ đăng ký dự tuyển, Hồ sơ tham gia dự tuyển, Hồ sơ tham gia tuyển dụng, Hồ sơ tìm
việc.
Chuẩn bị tốt bộ hồ sơ tìm việc là hết sức quan trọng. Mỗi nhà tuyển dụng có quy trình
riêng cho phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp. Tuy nhiên, dù khác nhau như thế nào thì quy
trình tuyển dụng đều có những bước cơ bản bắt buộc phải có như bước thu nhận và sàng lọc hồ
sơ ứng viên. Trong bước này, nhà tuyển dụng sẽ xem xét để chọn ra những ứng viên phù hợp
nhất với vị trị đang được tuyển dụng. Có rất nhiều hồ sơ tìm việc được gửi tới cho nhà tuyển
dụng dưới nhiều hình thức (chẳng hạn qua email, qua website hay bản in nộp trực tiếp), trong
khi đó, nhà tuyển dụng có rất ít thời gian, họ sẽ không dành thời gian đọc từng câu chữ trong hồ
sơ của ứng viên. Do đó, họ sẽ sử dụng một số các kỹ thuật để chọn được ứng viên phù hợp nhất.
Ví dụ, bước đầu, họ sẽ xem xét loại bỏ các ứng viên không đáp ứng được các yêu cầu cơ bản một
cách dễ dàng. Giả sử như vị trí tuyển dụng yêu cầu ứng viên có bằng đại học, vậy tất cả hồ sơ
nào không thỏa mãn yêu cầu này đều bị loại ra. Dĩ nhiên, sẽ có một số trường hợp đặc biệt là ứng
viên không thỏa mãn yêu cầu cơ bản này nhưng nội dung trình bày về kinh nghiệm làm việc lại
phù hợp với yêu cầu công việc có thể được xem xét tiếp trong bước tiếp theo. Bước thứ hai, nhà
tuyển dụng sẽ xem xét cấu trúc hồ sơ và sẽ loại tiếp các hồ sơ có nhiều lỗi như lỗi trình bày hay
nội dung.
Cùng với phát triển của internet, hồ sơ tìm việc có thể được gửi trực tuyến đến nhà tuyển
dụng. Các ứng viên có thể tự làm hồ sơ hay tải mẫu hồ sơ theo yêu cầu của nhà tuyển dụng trên
website nhưng hình thức thông dụng nhất vẫn là hồ sơ được in ấn (hồ sơ giấy). Trên thực tế, bạn

12
Kỹ năng Tìm việc làm

có thể dễ dàng mua một bộ hồ sơ tìm việc trong đó bao gồm các giấy tờ sẵn có trong các cửa
hàng văn phòng phẩm. Tuy nhiên cách này chỉ sử dụng để ứng tuyển việc làm tại các cơ quan
nhà nước, những công việc bán thời gian hay đòi hỏi trình độ không cao.
Cách tốt nhất cho ứng viên là hãy tự tạo bộ hồ sơ cho mình. Hồ sơ có thể đánh máy hay
viết tay và điều quan trọng nhất đó là tạo được sự khác biệt so với các bộ hồ sơ khác và bạn sẽ
có nhiều cơ hội hơn để vượt qua vòng sàng lọc hồ sơ.
2.1.2. Nhà tuyển dụng mong đợi gì từ hồ sơ tìm việc
Hồ sơ tìm việc là một căn cứ quan trọng để nhà tuyển dụng quyết định xem có nên phỏng
vấn bạn hay không. Khi xem xét bộ hồ sơ của ứng viên, nhà tuyển dụng sẽ có thể đánh giá được
năng lực, trình độ thậm chí tính cách của ứng viên. Thông qua cách ứng viên thể hiện hồ sơ của
mình, nhà tuyển dụng có thể đánh giá được ứng viên ở tính cẩn thận, ngăn nắp; khả năng tổ chức
sắp xếp, bố trí công việc; khả năng diễn đạt thông tin hiệu quả thể hiện qua các tài liệu có trong
hồ sơ được sắp xếp theo thứ tự khoa học. Một bảng lý lịch không có lỗi chính tả hoặc lỗi đánh
máy; thư xin việc ngắn gọn nhưng súc tích sẽ giúp ứng viên đạt được hiệu quả trong việc truyền
tải hình ảnh bản thân tới nhà tuyển dụng qua ngôn ngữ viết. Ngoài ra, tính logic, hợp lý của hồ
sơ cũng được thể hiện ở mối liên quan giữa các phần trong hồ sơ... Hồ sơ chính là cơ hội duy
nhất và hữu hiệu nhất để ứng viên “tiếp thị” hình ảnh của mình đến với nhà tuyển dung.
Thứ nhất, hồ sơ phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chí đặt ra theo yêu cầu của vị trí tuyển
dụng. Các tiêu chí được nêu rõ trong thông báo tuyển dụng của doanh nghiệp như kinh nghiệm,
mục tiêu nghề nghiệp, giới tính, chuyên ngành, số năm kinh nghiệm, trình độ tiếng Anh, mức
lương yêu cầu…
Ví dụ, nếu một công ty đang tìm kiếm một lập trình viên máy tính chắc chắn sẽ không
mời bạn phỏng vấn khi hồ sơ của bạn cho thấy bạn học chuyên ngành nhân sự. Hoặc một công
ty cần tuyển một nhân viên có kinh nghiệm nhưng đọc hồ sơ họ thấy bạn là sinh viên mới ra
trường và chưa từng trải qua một việc làm thêm nào thời sinh viên.
- Thứ hai, hồ sơ được sắp xếp và trình bày hợp lý và khoa học: Hồ sơ của bạn không
được có bất cứ một lỗi nào dù là nhỏ như lỗi chính tả, đánh máy. Nhà tuyển dụng không có thời
gian kiểm tra lại chúng và hơn thế họ còn đánh giá bạn là người không cẩn trọng khi làm việc
cũng như thiếu thiện chí và nghiêm túc trong việc ứng tuyển. Ngoài ra bạn cần trình bày hồ sơ
có trật tự, dễ đọc và dễ ghi nhớ. Lời khuyên cho các ứng viên là trước khi gửi hồ sơ: hãy nhờ bạn
bè hay người thân đọc qua hồ sơ của bạn và hỏi họ những câu hỏi tương tự như: Họ có nhớ được
bạn có những kinh nghiệm gì? Với những kinh nghiệm đó bạn có phù hợp với công việc bạn định
ứng tuyển không? Họ có nhớ mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì không...?
- Thứ ba, nhiều nhà tuyển dụng xem xét hồ sơ để biết ứng viên có thể làm việc lâu dài
với doanh nghiệp của họ. Việc tuyển dụng nhân viên mới luôn tốn thời gian, tiền bạc của các
công ty. Bởi vì chi phí tốn kém như vậy nên nhà tuyển dụng muốn tìm kiếm những ứng viên có
ý định làm việc lâu dài, có những kế hoạch phát triển chiến lược trong công việc chứ không muốn
nhận một nhân viên chỉ tìm việc làm tạm thời. Thông qua hồ sơ ứng tuyển, nhà tuyển dụng có
thể phát hiện ra những bằng chứng có thể cho họ thấy bạn không phải người hay nhảy việc.

13
Kỹ năng Tìm việc làm

2.1.3. Các loại giấy tờ cần có cho bộ hồ sơ tìm việc


Khoản 2 điều 7 của NĐ Số: 03/2014/NĐ-CP ghi: Hồ sơ đăng ký dự tuyển lao động của
người lao động gồm các văn bản sau đây:
-Phiếu đăng ký dự tuyển lao động theo mẫu do Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội quy định;
-Bản sao các văn bằng, chứng chỉ chứng minh trình độ chuyên môn kỹ thuật; trình độ ngoại
ngữ, tin học theo yêu cầu của vị trí cần tuyển;
-Giấy chứng nhận sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế;
-Các giấy tờ cần thiết khác theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ tìm việc thường được làm theo mẫu quy định chung hoặc mẫu riêng của từng đơn
vị tuyển dụng. Các loại giấy tờ cũng có thể khác nhau tùy vào nhà tuyển dụng nhưng không vượt
quá yêu cầu ghi trong Khoản 2 điều 7 của NĐ Số: 03/2014/NĐ-CP. Thông thường một bộ hồ sơ
đầy đủ gồm có các loại giấy tờ sau:
- Thư ứng tuyển (trong các bộ hồ sơ bán sẵn ghi là Đơn xin việc): Đây là bức thư được
gửi đến nhà tuyển dụng nhằm thể hiện mong muốn, thiện chí của bạn cũng như sự phù hợp của
bản thân với công việc ứng tuyển. Tựa đề thư ứng tuyển là phù hợp và đúng bản chất hơn so với
đơn xin việc. Bản chất của tìm việc làm không phải là sự xin - cho mà thực chất là sự trao đổi và
hợp tác giữa nhà tuyển dụng và ứng viên. Nhà tuyển dụng tìm kiếm những ứng viên phù hợp với
văn hóa doanh nghiệp cũng như vị trí công việc đang tuyển dụng, còn ứng viên tìm kiếm vị trí
và môi trường làm việc họ mong muốn.
- Thông tin ứng viên - CV: Lý lịch phải phản ánh được nhân cách, làm nổi bật kinh
nghiệm, khả năng của bạn đối với việc hoàn thành công việc của đơn vị tuyển dụng. Vì thế việc
trình bày và chọn lọc các thông tin trên lý lịch rất quan trọng. Một bản lý lịch sạch sẽ, không có
lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng, đầy đủ nội dung nhưng ngắn gọn và súc tích sẽ góp phần giúp bạn
thành công.
- Các văn bằng, chứng chỉ có công chứng: Để chuẩn bị tìm việc làm bạn nên sao y mỗi
loại chứng chỉ thành nhiều bản có công chứng để sẵn sàng nộp hồ sơ cho nhiều đơn vị khác nhau.
Trường hợp đơn vị tuyển dụng không yêu cầu Bản sao y (có công chứng) thì bạn chỉ cần gửi bản
photo vì nhà tuyển dụng thường không trả lại hồ sơ dù hồ sơ của bạn không đạt (điều này thường
được ghi rõ trong thông báo tuyển dụng). Nếu bạn có nhiều văn bằng, chứng chỉ thì chỉ nên lựa
chọn những văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu hoặc mang lại lợi thế cho bạn khi ứng tuyển.
- Giấy khám sức khỏe: Giấy chứng nhận sức khỏe là minh chứng thể hiện bạn có đủ sức
khỏe để làm việc. Bạn cần xin giấy chứng nhận sức khỏe của đơn vị y tế có thẩm quyền. Giấy
khám sức khỏe sẽ là điểm cộng cho bạn nếu bạn có thể chất khỏe mạnh.
Ngoài ra, tùy vào các doanh nghiệp có thể yêu cầu các loại giấy tờ khác cần thiết có thể
được bổ sung sau khi bạn đã được chính thức tuyển dụng.
2.1.4. Sắp xếp hồ sơ tìm việc
Tùy vào cách thức gửi hồ sơ của ứng viên tới nhà tuyển dụng mà có thể chọn cách sắp
xếp trình bày cho phù hợp. Ứng viên phải đọc kỹ yêu cầu của nhà tuyển dụng trong việc nhận hồ
sơ cũng như các yêu cầu về loại giấy tờ và hướng dẫn về cách sắp xếp giấy tờ để thực hiện cho
đúng.

14
Kỹ năng Tìm việc làm

Với cách gửi trực tiếp hay qua đường bưu điện, khi hoàn chỉnh xong các loại giấy tờ theo
yêu cầu, tất cả các giấy tờ trên được đựng trong một túi hồ sơ. Túi hồ sơ bạn có thể mua sẵn hoặc
tự làm nhưng phải đảm bảo đủ lớn để không phải gấp các giấy tờ, điều này tránh cho giấy tờ bị
nhàu nát hay bị rách. Bên ngoài túi có ghi đầy đủ thông tin ứng viên và tên các loại giấy tờ có
bên trong.
Hồ sơ bên trong được sắp theo thứ tự giấy tờ ghi ngoài hồ sơ. Không có quy tắc chung
cho việc sắp xếp thứ tự các loại giấy tờ nhưng cách liệt kê và sắp xếp thông thường theo thứ tự
ưu tiên từ cao xuống thấp. Thứ tự thông thường là: Thư ứng tuyển, Thông tin ứng viên (CV),
Thư giới thiệu (nếu có), Bằng cấp…Thông tin ứng viên ghi bên ngoài hồ sơ bao gồm: họ tên,
ngày tháng năm sinh, số điện thoại và địa chỉ liên lạc. Đặc biệt nên ghi rõ vị trí mà bạn muốn
ứng tuyển. VD: Nguyễn Thu Hiền - Ứng tuyển Nhân viên kinh doanh Bất động sản. Điều này
giúp việc phân loại nhanh hơn, nghĩa là hồ sơ sẽ đến được gần hơn với vị trí cần tuyển người.
Trường hợp hồ sơ được gửi qua email, ứng viên cần đặt tên tập tin đính kèm rõ ràng, có
thể đặt tên tập tin là CV kèm theo tên của ứng viên, ví dụ CV-ThuHien thay vì CV. Ngoài ra, do
đặc thù của việc gửi hồ sơ xin việc qua email nên bạn có thể scan và ghép các loại giấy tờ như
thư ứng tuyển, sơ yếu lý lịch, ảnh chụp các bằng cấp, chứng minh nhân dân và các giấy tờ liên
quan vào một tập tin duy nhất, rồi dưới định dạng PDF. Lưu ý, cần trình bày sao cho đẹp mắt vì
đó chính là một minh chứng cho ưu điểm “Kỹ năng sử dụng vi tính tốt” mà bạn có thể đã ghi
trong CV.
Ngoài ra, trong một số trường hợp khác, ứng viên có thể nộp hồ sơ dự tuyển dưới dạng
các tập tin riêng lẻ, nhưng phải nén trong một tập tin *.zip hoặc *.rar. Tốt nhất là *.zip vì định
dạng này mặc định đã được Windows hỗ trợ, chứ không cần cài đặt chương trình giải nén khác,
do đó sẽ tiện hơn cho nhà tuyển dụng. Lưu ý, nếu chọn cách này, bạn phải đặt tất cả các tập tin
vào một thư mục đã đặt tên cụ thể, như HoSoUngTuyen-ThuHien, rồi sau đó mới nén thư mục
này. Tất nhiên, bạn phải đặt số thứ tự cho các tập tin như yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Chẳng hạn:
1.ThuUngTuyen-ThuHien.doc,
2.CV-ThuHien.doc,
3.Anh3x4-ThuHien.jpg,
4.BangDaiHoc-ThuHien.jpg...vv.
Một bộ hồ sơ đầy đủ được trình bày cẩn thận về cả hình thức và nội dung sẽ gây ấn tượng
tốt cho nhà tuyển dụng. Điều này chứng tỏ ứng viên là người cẩn thận, có trách nhiệm và nghiêm
túc trong quá trình tìm kiếm việc làm.
2.1.5. Cách gửi hồ sơ tìm việc
Có nhiều cách thức để gửi hồ sơ tìm việc, nhà tuyển dụng có thể yêu cầu ứng viên gửi
trực tiếp tới doanh nghiệp, qua đường bưu điện hay qua mạng internet.
Nộp hồ sơ qua mạng có thể tiến hành theo hai phương thức: Một là, ứng viên có thể gửi
hồ sơ trực tiếp tới email do nhà tuyển dụng cung cấp; Hai là, tạo cho mình một hồ sơ trực tuyến
trên các website tuyển dụng, khi tìm kiếm thấy vị trí phù hợp, ứng viên chỉ cần click vào nút
"ứng tuyển" hoặc "nộp hồ sơ trực tuyến"… Khi nộp hồ sơ, ứng viên cần chọn hình thức đúng
theo yêu cầu của nhà tuyển dụng (thường được đăng trong thông báo tuyển dụng về cách thức

15
Kỹ năng Tìm việc làm

nộp hồ sơ). Nhà tuyển dụng muốn ứng viên thực hiện theo những gì họ yêu cầu và sẵn sàng loại
bỏ những hồ sơ không làm theo các hướng dẫn. Ví dụ: nếu họ yêu cầu bạn gửi CV qua email
dưới dạng file PDF, đừng gửi CV bằng file Word mà hãy chuyển đổi theo đúng định dạng chẳng
hạn.
Dưới đây là các cách thức gửi hồ sơ của ứng viên và các lưu ý khi gửi hồ sơ:
- Gửi hồ sơ trực tiếp
Ứng viên mang hồ sơ đến nộp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ trong thông báo tuyển dụng
theo thời gian qui định. Dù đi nộp hồ sơ, bạn cũng cần chú ý đến trang phục bên ngoài và thể
hiện sự chuyên nghiệp vì đây là cơ hội tạo ấn tượng ban đầu với nhà tuyển dụng.
- Gửi hồ sơ qua email
Theo xu hướng hiện nay, để tiết kiệm thời gian và công sức của cả nhà tuyển dụng và ứng
viên, nhiều nhà tuyển dụng nhận hồ sơ qua email. Một số vấn đề ứng viên cần lưu ý khi nộp hồ
sơ qua email như sau:
+ Chọn địa chỉ email nghiêm túc:
Email dùng để gửi nên trung tính và nghiêm túc, tốt nhất là sử dụng ngay tên của bạn như
thanhnv@, ngoclanpham@, trunghieunguyent@,... tránh các địa chỉ email dạng nickname như
batnapquantai_honemlancuoi@ hay congchuakieuky1992@, meoluoingungay@...Đặc biệt chú
ý, nếu địa chỉ email có liên kết với Facebook thì bạn hãy làm sạch Timeline của tài khoản
Facebook đó; nếu địa chỉ email thường được dùng cho các hoạt động không mấy tốt đẹp trên
mạng thì bạn nên tạo một email mới để tránh mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
+ Chữ ký trong email phải trang trọng: Chữ ký ở cuối email thường chứa một số thông tin cá
nhân để người nhận có thể liên lạc lại sau khi đọc email, đây cũng là một thông tin để đánh giá
tính cách của ứng viên. Do vậy, bạn nên tạo chữ ký sao cho thật nghiêm túc: chỉ cần họ tên đầy
đủ, đơn vị công tác, trường học, số điện thoại liên hệ là được; đừng chèn vào những câu từ, lời
thơ không phù hợp.
+ Khi gửi email nên gửi tới một địa chỉ duy nhất: Có nhiều ứng viên nhất là các bạn sinh viên
mới ra trường thường gửi rất nhiều hồ sơ cùng lúc tới nhiều doanh nghiệp khác nhau với tâm lý
“được đâu hay đó”. Tuy nhiên, với nhà tuyển dụng, điều đó thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp,
không tôn trọng người nhận và họ có thể sẽ xóa ngay email hoặc không đánh giá cao về ứng viên.
Ứng viên cũng không được chuyển tiếp thư đã gửi từ nơi này tới nơi khác. Nếu muốn ứng tuyển
ở nhiều nơi khác nhau, bạn nên dành thời gian soạn các bức email riêng biệt
+ Chú ý đến tiêu đề email: Nhiều ứng viên soạn email không có tiêu đề hay một tiêu đề quá ngắn
gọn và không liên quan, điều này khiến họ mất điểm hoặc mất ngay cơ hội khi nhà tuyển dụng
không đọc email. Khi viết tiêu đề cần phản ảnh được vị trí ứng tuyển. Tuyệt đối không đặt tiêu
đề email dạng “CV”, “Xin việc”, “Đơn xin việc”, “Gửi chị A/anh B”, … Thay vào đó, bạn phải
ghi rõ vị trí ứng tuyển trong tiêu đề, chẳng hạn: “Thư ứng tuyển vị trí Trưởng phòng kinh doanh
của công ty X”.
+ Về nội dung email: Ứng viên phải soạn thảo nội dung cho email chứ không được để trống hay
soạn thảo quá sơ sài. Đặc biệt, phải kiểm tra kỹ lỗi chính tả, câu từ. Viết một email tốt cũng chính
là cơ hội để ứng viên thể hiện sự chuyên nghiệp trong cách viết email và thu hút nhà tuyển dụng
bằng những ưu điểm, kinh nghiệm làm việc của mình.

16
Kỹ năng Tìm việc làm

Trước khi nộp hồ sơ, ứng viên hãy photocopy một bộ để lưu giữ hoặc xem lại trước khi
đi phỏng vấn. Sau khi gửi hồ sơ, ứng viên có thể kiểm tra lại nhằm đảm bảo hồ sơ đã được gửi
đến nơi chưa và thường xuyên cập nhật, theo dõi xem có cần bổ sung hoặc hoàn thiện hồ sơ
không, đặc biệt là theo dõi thông báo mời phỏng vấn hay thử việc.
2.1.6. Những lỗi cơ bản khi chuẩn bị hồ sơ tìm việc
Hồ sơ tìm việc chỉ là “tấm vé” để bạn giới thiệu cơ bản về bản thân với nhà tuyển dụng.
Việc chuẩn bị tốt một bộ hồ sơ tìm việc là một trong những cách tốt nhất để đón nhận những cơ
hội may mắn trên hành trình tìm việc của bạn. Nhà tuyển dụng suy nghĩ là nếu bạn làm một việc
đơn giản không tốt thì bạn sẽ khó lòng đáp ứng yêu cầu công việc được. Vì thế một nguyên tắc
cơ bản là không có lỗi trong bộ hồ sơ tìm việc. Ứng viên cần tránh những lỗi cơ bản sau:
- Sắp xếp hồ sơ không khoa học: Một bộ hồ sơ được sắp xếp khoa học sẽ giúp cho nhà
tuyển dụng dễ dàng theo dõi và họ sẽ có ấn tượng tốt hơn về ứng viên. Ngược lại, hồ sơ sắp xếp
lộn xộn, không theo trật tự khiến nhà tuyển dụng mất thời gian và khó khăn trong việc xem xét
hồ sơ cũng như đánh giá không tốt về ứng viên.
- Lỗi chính tả: Nhiều ứng viên còn mắc nhiều lỗi chính tả, đánh máy và vì chủ quan hay
cẩu thả mà không kiểm tra lại hồ sơ. Hồ sơ tìm việc cần được chuẩn bị một cách công phu, bài
bản và nghiêm túc. Một hồ sơ có nhiều lỗi chính tả và ngữ pháp thể hiện ứng viên thiếu cẩn trọng
hoặc không để ý đến chi tiết. Nhà tuyển dụng cũng có thể cho rằng ứng viên thiếu kinh nghiệm,
cẩu thả hay lười biếng và thực sự không nghiêm túc hay chú tâm đến tìm việc.
- Lỗi cần tránh tiếp theo đó là hình thức trình bày hồ sơ. Nhiều ứng viên viết các đoạn
quá dài với không phân chia ý rõ ràng khiến cho người đọc cảm thấy khó chịu. Ứng viên cần lưu
ý khi trình bày các thông tin cần dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, không nên viết quá dài dòng. Lưu ý,
trình bày thoáng với khoảng trắng phân bố hợp lí để hồ sơ trông sạch sẽ và hấp dẫn. Tuyệt đối
tránh viết những đoạn văn dài cả trang giấy, kể lể dài dòng.
- Hồ sơ hoàn thiện xong nội dung nên được in ấn trên chất liệu giấy có chất lượng tốt,
tất cả các giấy tờ photo phải rõ ràng. Đặc biệt, phải chuẩn bị đúng hồ sơ theo yêu cầu của nhà
tuyển dụng, không thêm hay bớt giấy tờ nào trừ trường hợp giấy tờ đó là minh chứng hay tạo
thêm lợi thế cho ứng viên. Trước khi gửi hồ sơ, cần kiểm tra lại một cách chính xác và sắp xếp
các loại giấy tờ một cách khoa học…
- Cuối cùng dùng một kẹp giấy để cố định toàn bộ hồ sơ của bạn thành một tập theo
đúng thứ tự đã được ghi ngoài bìa hồ sơ.
Chuẩn bị hồ sơ là một khâu quan trọng, đòi hỏi sự nghiêm túc và chu đáo của ứng viên
để tránh những lỗi cơ bản từ đó ghi điểm đối với nhà tuyển dụng. Cần tránh làm một hồ sơ duy
nhất cho tất cả các doanh nghiệp. Các công ty dù trong cùng một ngành nghề, thị trường cũng
đều có những điểm khác biệt về văn hóa doanh nghiệp, tài chính... Do đó, nhà tuyển dụng cũng
sẽ có những yêu cầu khác nhau đối với các ứng viên.

KỸ NĂNG VIẾT THÔNG TIN ỨNG VIÊN (CURRICULUM VITAE - CV)


2.2.1. Khái niệm
Sơ yếu lý lịch là một văn bản tóm tắt và liệt kê quá trình học tập, kỹ năng, kinh nghiệm
làm việc và các thông tin liên quan của một cá nhân có thể được xem như một phần quan trọng

17
Kỹ năng Tìm việc làm

nhất trong hồ sơ tìm việc làm. Sơ yếu lý lịch là thuật ngữ được sử dụng trong các văn bản hành
chính về quản lý cán bộ công chức. Theo Khoản 2, Điều 6, Quyết định Số: 14/2006/QĐ –BNV
về việc ban hành quy chế quản lý hồ sơ cán bộ, công chức ngày 06 tháng 11 năm 2006 có định
nghĩa bản “Sơ yếu lý lịch cán bộ, công chức” là tài liệu quan trọng phản ánh tóm tắt về bản thân
cán bộ, công chức và các mối quan hệ gia đình và xã hội của cán bộ, công chức. Sơ yếu lý lịch
do cán bộ, công chức quy định tại khoản 1 Điều này và các tài liệu bổ sung khác của cán bộ, công
chức được cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức xác minh, chứng nhận.
Sơ yếu lý lịch thường được xem xét đầu tiên bởi nhà tuyển dụng khi nhận hồ sơ của một
ứng viên; nó đóng vai trò cung cấp thông tin quan trọng cho nhà tuyển dụng trong việc đánh giá
năng lực và chọn lựa ứng viên.
Sơ yếu lý lịch thường được gọi tắt là CV (viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Curriculum
Vitae”) hay Resume. Với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài thì CV là thuật
ngữ được dùng nhiều hơn. Trong các cơ quan nhà nước, mẫu lý lịch được quy định thống nhất
theo mẫu 2C-BNV/2008 ban hành kèm theo Quyết định số 02/2008/QĐ-BNV ngày 06/10/2008
của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, là mẫu sơ yếu lý lịch dành cho cán bộ công chức. Còn với doanh
nghiệp hay các tổ chức khác, mẫu lý lịch sẽ do doanh nghiệp quy định hay tự ứng viên làm thực
hiện, có thể có hoặc không yêu cầu phần thông tin về gia đình của ứng viên, cũng như có thể
không yêu cầu xác nhận của các cơ quan quản lý địa phương.
2.2.2. Các kiểu Sơ yếu lý lịch
Căn cứ vào mục đích và đối tượng áp dụng, Sơ yếu lý lịch (còn gọi là Thông tin ứng viên)
được chia thành nhiều nhóm khác nhau. Hai nhóm được chấp nhận rộng rãi đó là Lý lịch kiểu
Mỹ (Resumé) và Lý lịch kiểu quốc tế (CV)
Lý lịch kiểu Mỹ (Resumé): Là văn bản ngắn gọn từ một đến hai trang (thường gói gọn
trong một trang), thích hợp với tuyển dụng kinh doanh thông thường. Resumé mô tả ngắn gọn,
cô đọng và nhấn mạnh về thành tích đạt được của ứng viên. Khi gửi Resumé thì không cần gửi
kèm thư ứng tuyển (Cover Leter)
Lý lịch kiểu quốc tế (CV): CV là văn bản chi tiết hơn Resumé bao gồm quá trình học tập
và làm việc của ứng viên được trình bày chi tiết có thể dài hơn vài trang; ngoài chứa thông tin về
kinh nghiệm làm việc, quá trình giáo dục, các ấn bản, các giải thưởng đạt được,… nó còn có thể
chứa thêm ví dụ về các công trình khoa học được thực hiện bởi ứng viên. CV kiểu này hay được
các nhà tuyển dụng về nghiên cứu khoa học hay y khoa yêu cầu. Khi gửi CV, ứng viên nhất thiết
phải gửi kèm theo một thư ứng tuyển. Tùy mỗi quốc gia lại có các quy định khác nhau khi viết
CV. CV ở Mỹ có một số đặc điểm như: Không khuyến khích kèm ảnh chụp cá nhân trong CV,
trừ ngành nghệ thuật biểu diễn hay các CV cho vị trí nghiên cứu khoa học thì liệt kê các sự kiện
cũ nhất trước còn CV cho ngành khác thì liệt kê sự kiện mới nhất trước. CV thường được dùng
chủ yếu khi bạn nộp hồ sơ tìm việc cho các vị trí liên quan đến học thuật, giáo dục, khoa học và
nghiên cứu. Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng CV trong hồ sơ xin học bổng tại Mỹ. Nếu bạn
nộp hồ sơ tìm việcở các nước Châu Âu, Trung Đông, Châu Phi, Châu Á, CV bao giờ cũng được
yêu cầu nhiều hơn so với Resumé. Tại các nước nói tiếng Đức, CV luôn phải kèm theo hình ảnh
chân dung của người viết…Những trường hợp ngoại lệ khi thực hiện CV như: Các nghệ sĩ có thể

18
Kỹ năng Tìm việc làm

viết CV khá dài và có thể theo các định dạng sáng tạo không theo khuôn mẫu, và thêm thông tin
về các biểu diễn hay trưng bày cá nhân hoặc theo nhóm.
Nhìn chung trên thế giới có sự phân biệt giữa CV và Resumé. Còn ở Việt Nam, chỉ có
một hình thức là CV. Khi nộp đơn dự tuyển, ứng viên cần quyết định là sẽ làm hồ sơ tìm việc
theo kiểu Resumé hay CV. Điều này tùy thuộc vào mục đích tuyển dụng của doanh nghiệp và
quan điểm, phong cách của người làm nhân sự tại doanh nghiệp đó. Điều quan trọng nhất là ứng
viên nên làm đúng theo yêu cầu của nhà tuyển dụng trong việc chuẩn bị sơ yếu lý lịch. Mỗi vị trí
ứng tuyển cần một cách trình bày khác nhau để liệt kê kinh nghiệm chuyên môn, bằng cấp và các
hoạt động khác. Vì vậy bạn nên thiết kế theo cách riêng của bạn và với công ty mà bạn đang ứng
tuyển.
Ngoài ra, căn cứ theo kiểu viết lý lịch, người ta chia sơ yếu lý lịch thành bốn nhóm sau:
- Lý lịch kiểu kỹ năng: Kiểu lý lịch này thích hợp với những người có được kinh nghiệm
quý báu qua nhiều công việc và khoá học không liên quan đến nhau. Nó đặc biệt phù hợp với
sinh viên mới ra trường hoặc một người đang muốn thay đổi công việc. Lý lịch kiểu này tập trung
vào khả năng hơn là công việc trước đây.
- Lý lịch theo trình tự thời gian: Kiểu lý lịch thẳng thắn này hữu ích với những người có
kinh nghiệm làm việc ở những vị trí nói chung liên quan đến công việc họ muốn và không có sự
ngắt quãng lớn về thời gian giữa các công việc. Nó bắt đầu bằng công việc gần đây nhất và tiếp
tục đi ngược lại thời gian.
- Lý lịch kiểu chức năng: Làm nổi bật kinh nghiệm làm việc trước đây (không nhất thiết
phải theo thời gian), trực tiếp cho thấy bạn đáp ứng được công việc đang ứng tuyển.
- Lý lịch kiểu hình tượng: Đôi khi được những người tìm việc trong lĩnh vực nghệ thuật
như thiết kế và quảng cáo sử dụng. Kiểu này sử dụng các phông chữ, hình vẽ, màu sắc và cách
bố trí để thể hiển tính sáng tạo cá nhân của người ứng tuyển.
Để có hình thức cho một CV ấn tượng với nhà tuyển dụng, ứng viên cầu chú ý những vấn
đề sau:
- Dùng nhiều từ chuyên ngành liên quan đến công việc trong CV
- Câu chữ trình bày rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu, các mục quan trọng bạn nên để chữ đứng,
gạch chân hoặc in nghiêng để gây sự chú ý.
- Cỡ chữ, kiểu chữ, màu sắc, căn chỉnh hài hoà
- Trình bày hồ sơ trên hai trang giấy. Thông thường một hồ sơ không nên dài hơn hai
trang giấy, trừ phi bạn có nhiều ưu thế và kinh nghiệm thật sự nổi bật.
- Sự khác biệt giữa CV – Sơ yếu lý lịch – Resumé chính là mức độ chi tiết thông tin cá
nhân của bạn.
2.2.3. Các nội dung cơ bản của một sơ yếu lý lịch
Nắm được bố cục cơ bản của một CV, hiểu rõ nội dung từng phần thể hiện sẽ giúp bạn
sở hữu CV ấn tượng, phù hợp yêu cầu của nhà tuyển dụng. Các nhà tuyển dụng có thể đưa ra các
yêu cầu khác nhau về những nội dung cần có của một bản sơ yếu lý lịch nhưng thông thường,
nội dung trong bản sơ yếu lý lịch đều có những mục sau đây:
- Thông tin cá nhân

19
Kỹ năng Tìm việc làm

Đây là các thông tin liên hệ của ứng viên bao gồm: họ và tên, ngày tháng năm sinh, quê
quán, chỗ ở hiện nay, điện thoại và email liên hệ… Email sử dụng phải trung tính, trang trọng,
thường chọn email là chính tên họ của ứng viên khi dùng để tìm việc. Hình ảnh đưa vào phải rõ
ràng, trang phục lịch sự và chuyên nghiệp.
- Mục tiêu nghề nghiệp
Mục tiêu nghề nghiệp cần viết cụ thể rõ ràng, không viết mục tiêu chung chung như
“Tìm kiếm vị trí phù hợp với bản thân để phát huy hết tất cả những kinh nghiệm, kỹ năng của
bản thân; từ đó hoàn thiện, trau dồi vốn sống cho bản thân”. Mục tiêu nghề nghiệp cần đề cập
đến vị trí ứng tuyển, hướng đến công việc như:
“Là một nhân viên có trách nhiệm, sử dụng những kiến thức đã có về Marketing và chịu
khó học hỏi tích lũy thêm để trở thành một nhân viên Marketing xuất sắc, góp phần đưa thương
hiệu Công ty lên Top đầu của ngành du lịch”.
Khi đọc mục tiêu nghề nghiệp của ứng viên, thông thường nhà tuyển dụng quan tâm tới
hai điều. Thứ nhất là mục tiêu phải phù hợp với vị trí và công việc đang tuyển dụng để xem xét
đến khả năng làm việc và gắn bó lâu dài với công ty, thứ hai là mục tiêu phải phù hợp với kinh
nghiệm, khả năng thực tế của ứng viên, ví dụ một sinh viên mới ra trường mà đặt mục tiêu là trở
thành quản lý sau một năm sẽ rất khó khả thi.
- Trình độ học vấn và quá trình đào tạo
Phần này nêu rõ tên trường, khóa học, bằng cấp đạt được. Nếu đã tốt nghiệp đại học thì
không cần nêu tên trường cấp 1, 2. Các khóa học nghiệp vụ, kỹ năng có liên quan đến chuyên
môn nghiệp vụ hoặc bổ trợ cho công việc (nếu có). Nếu trong quá trình học tập được khen thưởng
về thành tích nổi bật, ứng viên cũng nên ghi vào. Không nên đưa vào những khóa học không liên
quan đến công việc dù bạn có tham gia.
- Kinh nghiệm làm việc
Những nội dung cần đề cập như ngày tháng bắt đầu và kết thúc công việc, tên công việc
đảm nhận, thông tin về công ty như địa chỉ, ngành nghề kinh doanh, mô tả công việc, thành tích
đạt được… Khi trình bày kinh nghiệm, không nên đưa những công việc có khoảng thời gian làm
quá ngắn (ngoại trừ khoảng thời gian thực tập hay làm thời vụ…) như từ 2/2016 đến 4/2016:
Nhân viên Sales-Marketing, Công ty ABC. Nếu nhà tuyển dụng thấy bạn có quá nhiều công việc
trong một khoảng thời gian ngắn, nghĩa là trong mắt họ bạn là người thường xuyên nhảy việc và
có thể sẽ không gắn bó với họ lâu dài nếu bạn được tuyển dụng. Trong trường hợp có những
khoảng trống trong quá trình làm việc, tức là thời gian đó bạn không làm việc thì cũng cần trình
bày vắn tắt lý do sự gián đoạn đó.
Về nội dung mô tả công việc: ứng viên nên mô tả chi tiết hơn, không nêu trách nhiệm công
việc phải làm một cách chung chung. Thay vào đó, nên nhấn mạnh thêm kết quả công việc như
đưa vào những kỹ năng và thành tựu đạt được để nhà tuyển dụng thấy được bạn đã mang đến
những giá trị cho chính bản thân bạn và công ty. Bạn cần cung cấp dẫn chứng cụ thể bằng các
con số, tên chương trình, sản phẩm…Các chuyên gia cho rằng khi mô tả những công việc bạn
từng làm, hãy đính kèm cả những thành công đạt được.
Ví dụ, nếu bạn từng làm quản lí văn phòng, đừng chỉ đơn giản viết rằng “quản lý nhân
viên” mà hãy liệt kê cả kết quả thực tế như “giúp làm giảm một phần ba chi phí quản lý của văn

20
Kỹ năng Tìm việc làm

phòng”. Leslie Sokol (2009) đồng tác giả cuốn sách: “Suy nghĩ tự tin, ứng xử tự tin” cho rằng:
“Đã qua rồi cái thời chỉ cần liệt kê công việc và trách nhiệm”.
Ví dụ: không nên viết như sau:
Thiết kế - Công ty ABC (2012-2013)
Thiết kế website công ty, Thiết kế các hình ảnh.
Thay vào đó nên viết:
Thiết kế | Công ty ABC (7/2012-10/2013)
Thiết kế Website Công ty: [link website]
Thiết kế banner cho các sự kiện A, B, C của Công ty
Sự công nhận: Nhân viên xuất sắc nhất tháng 5/2013
Trong phần trình bày kinh nghiệm làm việc, chỉ nên đưa vào những công việc có liên
quan đến vị trí đang được tuyển dụng hay những công việc giúp bạn học được các kinh nghiệm
và kỹ năng cần thiết cho công việc đang ứng tuyển. Nhiều ứng viên đưa vào những công việc
không liên quan và không chỉ ra các điều học hỏi được cần có cho vị trí ứng tuyển mới. Nếu đã
từng làm nhiều công việc thì bạn chỉ nên đưa vào những công việc liên quan nhiều nhất đến vị
trí ứng tuyển. Nếu chưa có kinh nghiệm nhiều thì có thể đề cập đến những việc không liên quan
nhưng nên đưa vào những điều bạn đạt được và học hỏi được từ công việc mà điều này cần có
cho vị trí ứng tuyển.
Ví dụ, nếu ứng tuyển vị trí nhân viên bán hàng, không nên viết như sau:
2012-2013: Phát tờ rơi cho Công ty ABC
Phân phát các tờ quảng cáo về…tới mọi người ở các khu vực…
Thay vào đó nên viết:
- 2012-2013: Phát tờ rơi cho Công ty ABC
- Phân phát các tờ quảng cáo về…tới mọi người ở các khu vực…
- Học được sự kiên nhẫn, giữ thái độ tích cực khi bị từ chối nhận tờ quảng cáo
Những sinh viên mới tốt nghiệp, chưa có nhiều kinh nghiệm thường cảm thấy khó khăn
khi viết nội dung này. Tuy nhiên, bạn đừng lo lắng, thực tế mọi người ai cũng từng là sinh viên
mới tốt nghiệp. Bạn có thể thể hiện kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm có liên quan đến công
việc qua một bài tập tình huống, giải quyết vấn đề trong một khóa học hoặc bạn đã tham gia một
khóa đào tạo thêm. Kinh nghiệm của bạn trong khoảng thời gian thực tập, khóa luận tốt nghiệp/
nghiên cứu khoa học hoặc những công việc tình nguyện… bạn cũng có thể đề cập vào CV. Bạn
hãy chú ý nêu bật thêm phần thành tích, sự đạt được của bạn khi tham gia các chương trình, công
việc đó và đặc biệt nhấn mạnh những kỹ năng, kinh nghiệm đạt được có liên quan đến công việc
ứng tuyển.
Ví dụ, một công ty đang cần tuyển vị trí trợ lý marketing, đòi hỏi có kiến thức chuyên
ngành, kĩ năng giao tiếp, lãnh đạo và làm việc nhóm. Bạn có thể liệt kê trong kinh nghiệm của
mình về sự tham gia của bạn trong nhóm Marketing, của một tổ chức tình nguyện ABC, nhiệm
vụ của bạn là làm việc với một nhóm để nghĩ ra các ý tưởng, v.v. Việc liệt kê các hoạt động
tình nguyện và bài tập ở trường như kinh nghiệm sẽ có hiệu quả, nếu những hoạt động đó thực
sự liên quan và nhà tuyển dụng thấy được bạn đã làm gì trong các hoạt động đó. Vì vậy, khi
liệt kê bạn hãy:

21
Kỹ năng Tìm việc làm

+ Thật cụ thể, chi tiết vai trò bạn đã làm trong công việc đó.
+ Sử dụng các số liệu cụ thể để chứng minh.
+ Bắt đầu mỗi gạch đầu dòng với các động từ mạnh để gây ấn tượng.
Dưới đây là một ví dụ:
Tình nguyện viên nhóm Truyền thông – Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Quản lý nhóm 20 bạn tình nguyện viên phụ trách các hoạt động khác nhau bao gồm:
+ Liên hệ, làm việc trực tiếp với báo đài như VTV1, Vnexpress, etc.
+ Quản lý, quảng bá sự kiện trên Website và Facebook. Trong sự kiện năm 2013, trang
Facebook của Bảo tàng đã tăng từ 7,000 đến 12,000 likes nhờ các sự kiện quảng bá.
+ Biên tập ảnh, video clip phục vụ cho quảng bá sự kiện của Bảo tàng.
+ Kết quả, đã có 22,000 lượt khách thăm quan BTDTH trong 3 ngày Tết 2015, vượt chỉ
tiêu đề ra
Hoặc bạn cũng có thể viết ở CV mô tả công việc bạn thực tập như sau:
Thực tập tại phòng xuất nhập khẩu ở công ty XYZ
+ Tìm hiểu về quy trình nghiệp vụ xuất, nhập khẩu hàng hóa
+ Học cách thức tìm kiếm, đánh giá nhà cung cấp
+ Thực hành tìm nguồn cung cấp hàng hóa
+ Tìm hiểu các hợp đồng ngoại thương và đàm phán về hợp đồng
- Kỹ năng
Trong phần này, ứng viên cần nhấn mạnh vào các kỹ năng liên quan đến vị trí ứng tuyển.
Ví dụ nếu ứng tuyển vào vị trí kế toán thì hãy tập trung vào các kỹ năng chuyên môn như khả
năng sử dụng thành thạo phần mềm kế toán MISA, Excel, sự cẩn thận. tỉ mỉ… Các kỹ năng hỗ
trợ như ngoại ngữ, tin học cần phải ghi rõ cấp độ đạt được dưới dạng điểm số hay chứng nhận,
chứng chỉ. Kỹ năng mềm luôn là điều cần thiết với bất kỳ công việc nào. Các bạn sinh muốn có
được điều này thì chắc chắn bạn phải tự rèn luyện, tự tạo cơ hội cho mình bằng việc tham gia các
hoạt động, các dự án trong trường và ở ngoài trường.
Các sinh viên mới tốt nghiệp nên đọc kỹ bản mô tả công việc, yêu cầu công việc ở thông
tin tuyển dụng để lập ra các kỹ năng cần thiết cho công việc, có những từ ngữ chuyên môn chưa
hiểu ở bản mô tả thì bạn nên tìm hiểu qua sách vở hay qua báo mạng. Có những quảng cáo tuyển
dụng ngắn gọn, chưa nêu hết những yêu cầu mà người tuyển dụng mong muốn thì bạn có thể
tham khảo thêm các tin tuyển dụng của vị trí đó ở các công ty khác. Bạn cũng có thể tìm kiếm
trên google các kỹ năng, phẩm chất cần thiết cho công việc bạn đang quan tâm để biết được bạn
cần phải rèn luyện, học hỏi thêm kỹ năng gì, từ đó bổ sung vào CV của mình.
- Các hoạt động/Thành tích đạt được
Trình bày các hoạt động bạn đã và đang tham gia. Các hoạt động nên liên quan đến công
việc như hỗ trợ hay học hỏi được nhiều kiến thức hay kỹ năng hỗ trợ cho công việc ví dụ như
tham gia câu lạc bộ tiếng Anh, tham gia nhóm tình nguyện, tham gia đề tài nghiên cứu khoa học,
đọc sách chuyên ngành bạn đam mê và yêu thích…Từ các hoạt động đó thể hiện được bạn là
người đam mê và mong muốn làm vị trí công việc ứng tuyển bằng việc thể hiện bạn yêu thích
đọc sách, tin tức về lĩnh vực đó.

22
Kỹ năng Tìm việc làm

Về thành tích đạt được, cần nêu bật những thành tích về học tập, về chuyên môn, về công
việc hay các hoạt động khác. Thành tích đạt được thường ghi bằng minh chứng như: giấy khen,
bằng khen, giải thưởng, phần thưởng, khen thưởng, học bổng hay điểm số của một kỳ thi, chứng
nhận hay chứng chỉ đạt được.
Ví dụ: Cộng tác viên, tình nguyện viên ở câu lạc bộ trẻ em khuyết tật Hoa Nắng
- Lên kế hoạch giảng dạy, lập form đăng ký và gửi tới tình nguyện viên
- Giảng dạy trực tiếp tại lớp học giúp các em biết đọc, biết viết và làm toán đơn giản
- Lên kế hoạch và tổ chức các hoạt động cho các em trong dịp Trung Thu, sinh nhật…
- Sở thích cá nhân
Trong CV cũng có thể bao gồm mục Sở thích cá nhân. Không có gì đáng ngại khi bạn
đưa vào CV một vài sở thích cá nhân của mình. Ví dụ như một người có sở thích đọc sách, nghiên
cứu tài liệu, học tiếng Anh, hoặc môn thể thao … sẽ thể hiện được tính hiện đại, hòa đồng của
mình. Nếu như bạn học ngành học khác với vị trí bạn ứng tuyển thì bạn càng nên thể hiện điều
này. Ví dụ: Bạn học Kế toán nhưng lại yêu thích làm công việc Marketing thì bạn có thể hiện ở
mục sở thích cá nhân của bạn như sau: Đọc cuốn sách: Chiến lược Marketing…của tác giả….
Đọc các bài báo về lĩnh vực Marketing ở các trang web như…
- Người giới thiệu/Người tham khảo
Vì nhà tuyển dụng chưa biết rõ bạn nên việc có người giới thiệu hoặc sẵn sàng cung cấp
thêm thông tin tham khảo về bạn sẽ giúp cho doanh nghiệp tuyển dụng đánh giá bạn cao hơn,
nhất là từ những người tham khảo uy tín. Nếu được, bạn nên nhờ người viết thư giới thiệu và gửi
kèm với hồ sơ tìm việc

2.2.4. Cách thức viết sơ yếu lý lịch gây ảnh hưởng và thu hút
Bản sơ yếu lý lịch hết sức quan trọng trong quá trình tìm việc của bạn. Theo một cuộc
thăm dò của trang CareerBuilder.com, 25% nhà quản lý nhân sự cho biết họ nhận được trung
bình 75 hồ sơ cho một vị trí tuyển dụng, và họ chỉ dành 1-2 phút để lướt qua từng bộ hồ sơ. Họ
cũng cho biết chỉ quan tâm đến ứng viên có sơ yếu lý lịch thật ấn tượng và thu hút. Sử dụng các
kỹ năng sau đây sẽ giúp bạn hoàn thiện hơn bản sơ yếu lý lịch:
Thứ nhất, hãy nghĩ về mục tiêu của nhà tuyển dụng - Một bản sơ yếu lý lịch thì không
nhiều hơn một quảng cáo. Bạn đang cố gắng "bán" gì? Chính là bạn! Cho nên, khi bạn đang "tân
trang" lại sơ yếu lý lịch thì điều đầu tiên bạn nên làm là chắc chắn rằng mỗi bản sơ yếu lý lịch
bạn gửi đều phải phù hợp theo vị trí và yêu cầu của công ty bạn dự tuyển.
Thứ hai, hãy chọn kiểu sơ yếu lý lịch phù hợp với bạn. Những sơ yếu lý lịch theo trình
tự thời gian thích hợp với những người có thành tích, kinh nghiệm hoặc bản thân đúng với tiêu
chuẩn nghề nghiệp đòi hỏi. Sơ yếu lý lịch phân tích kỹ năng thì thích hợp với những khả năng
mà bạn có, nhiều hơn lịch sử công việc của bạn, phù hợp cho những ai muốn thay đổi công việc
mới. Vấn đề chính bạn đặt ra ở đây là những kỹ năng và thế mạnh của bạn.
Thứ ba, hãy tập trung hoàn thành công việc hơn chỉ là những bổn phận công việc. Nhà
tuyển dụng luôn muốn tìm hiểu những thành tích bạn có thể đóng góp cho công ty của họ nếu
tuyển dụng bạn. Vì thế, bạn hãy sử dụng bản sơ yếu lý lịch để chứng minh bạn có thể có lợi như
thế nào cho công ty.

23
Kỹ năng Tìm việc làm

Thứ tư, hãy lượng hóa thành tích hay kết quả bạn đã đạt được bằng cách bổ sung vào lý
lịch các con số. Điều này giúp nhà tuyển dụng dễ hiểu hơn khi đọc thông tin của bạn và cảm thấy
bạn khác biệt so với các ứng viên khác.
Thứ năm, hãy làm CV trở nên cá tính hơn: Nhà tuyển dụng phải đọc hàng trăm CV mỗi
ngày, và họ thấy điều này quả rất buồn chán nếu các CV đều viết theo một phong cách giống
nhau. Vì thế, một điều gì đó khác biệt sẽ gây chú ý hơn tới nhà tuyển dụng. Tất nhiên bạn vẫn
luôn phải giữ CV thật chuyên nghiệp, nhưng sẽ luôn có cách để bạn thể hiện sự cá tính trong CV
của mình.
Cuối cùng đó là nâng cao chất lượng của bản CV bằng cách sử dụng từ ngữ dễ đọc, dễ
hiểu. Tránh sử dụng thuật ngữ, thành ngữ, từ rút gọn không cần thiết, vì chúng sẽ khiến việc đọc
bản CV giống như việc giải mã hay dịch ngoại ngữ. Thông tin của bản CV phải dễ đọc và dễ
hiểu. Các thay đổi theo những cách sau đây để giúp CV dễ đọc hơn:
- Chỉnh phông chữ, giãn chữ bằng cách rút gọn câu và tăng lề. Bạn có thể viết 2 trang
nếu cần thiết.
- Tổng hợp các vị trí công việc thay vì liệt kê từng công việc cụ thể
- Tránh trùng lặp thông tin
- Sử dụng một loại phông chữ và các định dạng chữ (in hoa, in nghiêng, in đậm…) để
phân biệt tiêu đề chính và tiêu đề phụ.
- Cố gắng hạn chế những thông tin đọc giống như mô tả về công việc
Cùng với sự phát triền của internet, ứng viên có thể đính kèm cả địa chỉ ở các trang mạng
xã hội của mình như facebook, tất nhiên nó phải thể hiện một hình ảnh chuyên nghiệp về bạn và
cập nhật thường xuyên thông tin nghề nghiệp. Tránh bao gồm các mạng xã hội lỗi thời hoặc có
thông tin mang tính đời sống cá nhân.
Mạng xã hội video Youtube đã cung cấp thêm một phương tiện điện tử khác để các ứng
viên có thể sáng tạo trong quá trình tìm việc. CV bằng video nhanh chóng trở thành một cách
thức hiệu quả để thu hút sự chú ý của những nhà tuyển dụng tương lai trong một số lĩnh vực.
Cũng như bất cứ hồ sơ xin việc nào, có một số điều mà ứng viên cần quan tâm để có một video
CV hoàn hảo, đó là:
- Hãy lựa chọn trang phục chuyên nghiệp (comple) và lựa chọn màu sắc sẽ khiến xuất
hiện đẹp nhất trên video. Tránh các màu như màu trắng, các màu nhạt và các sắc thái xanh.
- Tạo một phông nền phù hợp. Bạn sẽ không muốn nhà tuyển dụng bị mất tập trung bởi
một bộ sưu tập mũ lưỡi trai hay áo quần của bạn trong video. Tránh tình trạng lộn xộn của phông
nền bằng cách quay phim với một màn treo phía sau.
- Cắt móng tay cẩn thận, đặc biệt nếu bạn nói với cử chỉ tay. Chuẩn bị chu đáo thể hiện
một hình ảnh chuyên nghiệp cho video.
- Thiết kế một phần giới thiệu ngắn và thú vị. Giống với hồ sơ bằng giấy, bạn luôn muốn
thu hút sự chú ý người xem ngay lập tức và sau đó nhanh chóng tạo họ lý do tại sao họ nên tuyển
dụng bạn.
- Luôn nhớ đưa vào cả những thông tin trong CV thông thường của bạn và trả lời một
số câu hỏi phỏng vấn phổ biến. Bạn chỉ có từ 2 đến 3 phút, vậy nên hãy cố gắng tập trung vào
việc nhấn mạnh và cất giữ những chi tiết cho cuộc phỏng vấn trực tiếp.

24
Kỹ năng Tìm việc làm

- Cung cấp thông tin liên lạc ở phần cuối video cho nhà tuyển dụng để họ có thể biết
làm cách nào để liên lạc với bạn.
- Hợp tác với một dịch vụ làm video CV để giúp hồ sơ của bạn có thêm cơ hội trước
những nhà tuyển dụng.
2.2.5. Những lỗi cơ bản khi viết CV
+ Hình/ ảnh cá nhân quá hoặc không nghiêm túc hoặc trang phục không trang trọng
+ Địa chỉ email thiếu nghiêm túc, chuyên nghiệp.
+ Mục tiêu công việc, nội dung CV chung chung không có điểm nhấn.
+ Thời gian không được sắp xếp theo trình tự
+ Nội dung CV không liên quan đến vị trí ứng tuyển, sử dụng 1 CV cho nhiều vị trí ứng
tuyển khác nhau
+ Đưa vào CV những công việc, kinh nghiệm không liên quan hoặc có khoảng thời gian
làm việc quá ngắn (chỉ 1- 2 tháng)
+ Đề cập đến yếu tố thu nhập trong CV
+ Trình bày CV lộn xộn, dài hơn 2 trang A 4, sai lỗi chính tả, ngữ pháp khi viết CV, dùng
nhiều kiểu chữ, nhiều màu

KỸ NĂNG VIẾT THƯ ỨNG TUYỂN (COVER LETTER)


2.3.1. Các nội dung cơ bản của một Thư ứng tuyển
Thư ứng tuyển là phần quan trọng trong bộ hồ sơ tìm việc. Thư ứng tuyển và CV luôn đi
kèm và liên quan mật thiết với nhau, do vậy, không thể xem nhẹ việc viết một bức thư ứng tuyển
sao cho thật ấn tượng.
Hiện nay, một mẩu tin đăng trên trang tuyển dụng trực tuyến có thể nhanh chóng thu hút
trên 100 hồ sơ ứng tuyển. Vậy làm cách nào để hồ sơ của ứng viên thật sự nổi bật, được nhà
tuyển dụng lựa chọn và mời tham gia phỏng vấn? Câu trả lời đó là những hồ sơ ứng tuyển nổi
bật. Các nhà tuyển dụng nhân sự thường chú ý đến những lá thư ứng tuyển thu hút và nổi bật và
hiển nhiên ứng viên đó dễ dàng vượt lên trước và dành một suất tham dự phỏng vấn trong cuộc
chiến tuyển dụng đầy cam go. Thư ứng tuyển giúp nhà tuyển dụng biết được nhanh nhất những
thông tin mà bạn muốn gởi đến họ, ví dụ như: kinh nghiệm, bằng cấp, kỹ năng và trình độ chuyên
môn, .v.v… những điều mà bạn cho rằng mình sẽ là người phù hợp nhất với vị trí đang tuyển
dụng cũng như mong muốn của bạn đối với công việc và khả năng đóng góp của bạn cho công
ty. Một số câu hỏi gợi ý sau sẽ giúp ứng viên có thể hình dung những gì được trình bày trong thư
ứng tuyển: Tại sao công ty nên tuyển bạn? Bạn sẽ đem lại những giá trị gì cho công ty? Bạn sẽ
cống hiến cho công ty bằng cách nào?...
Với mỗi vị trí công việc khác nhau, bạn phải viết thư ứng tuyển khác nhau cho từng vị trí
công việc cụ thể. Thông thường, một bức thư ứng tuyển sẽ có các nội dung sau:
- Tên và địa chỉ người nhận: phải chính xác và không nên cắt dán
- Ngày tháng viết thư
- Tên và địa chỉ của bạn
- Lời chào đầu

25
Kỹ năng Tìm việc làm

- Tiếp đến là
v Phần giới thiệu
Trong phần này, ứng viên cần nêu rõ công việc hoặc vị trí dự tuyển và nói rõ nguồn thông
tin tuyển dụng của công ty mà bạn biết, ví dụ như “đọc được thông tin trên trang web, trên báo...
hay được giới thiệu bởi một người nào đó về vị trí tuyển dụng.
v Phần thông tin cá nhân:
Trong phần này, ứng viên nên tóm lược các bằng cấp, trình độ chuyên môn liên quan đến
vị trí đang ứng tuyển. Điều quan trọng nhất là trình độ chuyên môn của ứng viên phù hợp với
yêu cầu của vị trí tuyển dụng. Ứng viên không nên lặp lại những gì đã có trong hồ sơ tuyển dụng
mà nên nhấn mạnh hoặc mở rộng các thông tin như một vài điểm mạnh hoặc các phẩm chất cá
nhân liên quan đến vị trí đang ứng tuyển. Cho dù ứng tuyển vào vị trí công việc nào thì trong thư
ứng tuyển phải nêu rõ được các nội dung chính sau đây:
* Sự phù hợp với công việc: Cần chứng minh mình là ứng viên phù hợp với vị trí mà công
ty đang tuyển dụng.
* Khả năng đóng góp cho công ty: Cần thể hiện mong muốn đóng góp cho sự phát triển
của công ty. Hãy dùng lời lẽ chân thành, tránh dùng những từ ngữ sáo rỗng.
v Phần kết thúc
Các chuyên gia về tuyển dung đưa ra lời khuyên cho ứng viên nên kết thúc bức thư với
cam kết cũng như hành động phù hợp, cũng như cần để lại thông tin liên hệ như số điện thoại, ví
dụ bạn sẽ tiếp tục theo dõi thông tin trên trang tuyển dụng trong vài ngày tới hay bạn mong chờ
được có cơ hội gặp gỡ và trao đổi thêm. Ứng viên phải cám ơn đại diện công ty đã dành thời gian
đọc thư ứng tuyển của mình và thể hiện mong muốn được thu xếp một buổi phỏng vấn để mình
có cơ hội thể hiện cụ thể rõ ràng hơn nữa những kỹ năng, kinh nghiệm và trình độ của mình là
phù hợp như thế nào với vị trí mà công ty đang tuyển dụng.

2.3.2. Những lỗi cơ bản khi viết thư ứng tuyển


- Ghi sai tên Nhà tuyển dụng, chức vụ, giới tính người nhận
- Không ghi vị trí ứng tuyển, quên ký tên
- Nội dung Thư ứng tuyển đề cập quá nhiều lợi ích, mong muốn của cá nhân
- Sao chép từ nhiều nguồn có sẵn, không đọc lại, biên tập lại
- Viết lan man, chung chung dài hơn 1 trang A4
- Lỗi chính tả, dấu câu, câu dài, câu không chủ ngữ.
- Định dạng văn bản không hài hoà, kiểu chữ, cỡ chữ không thống nhất

2.3.3. Nghệ thuật viết thư ứng tuyển


Một lá thư ứng tuyển luôn được gửi kèm cùng bản CV của ứng viên, thư ứng tuyển giúp
cho hồ sơ mang dấu ấn cá nhân của người ứng tuyển. Theo nguyên tắc, bức thư ứng tuyển nên
giới thiệu về ứng viên càng nhiều càng tốt và ứng viên nên xem đây là một cơ hội để phân biệt
bản thân với những người tìm việc khác bằng cách làm nổi bật bản thân mình. Vì thế, viết thư

26
Kỹ năng Tìm việc làm

ứng tuyển là một việc làm mang tính khoa học và nghệ thuật. Khi viết thư ứng tuyển, người viết
cần chú ý những điều sau:
Thư ứng tuyển là giấy tờ duy nhất và có vai trò quan trọng trong việc kết nối ứng viên
với nhà tuyển dụng và coi nhà tuyển dụng như một cá nhân nên bức thư cần được “cá nhân hóa”
ở mức tối đa. Thay vì viết “Kính gửi Ông/Bà hay Kính gửi Nhà tuyển dụng, hoặc Kính gửi các
bên liên quan” ở đầu thư, ứng viên nên cố gắng tìm hiểu rõ tên người sẽ đọc là thư ứng tuyển của
mình. Điều đơn giản này có thể giúp cho người đọc cảm thấy họ được trân trọng cũng như thể
hiện bạn rất tỉ mỉ, cẩn thận và thực sự quan tâm tới vị trí ứng tuyển. Ứng viên cũng cần ghi nhớ
rằng, với các vị trí công việc khác nhau, ứng viên nên viết thư ứng tuyển khác nhau. Không nên
sử dụng một lá thư ứng tuyển cho tất cả các vị trí công việc mà mình muốn ứng tuyển.
v Về nội dung
Về phần giới thiệu bản thân, hãy liệt kê những điểm mạnh nghề nghiệp của bạn. Đừng
liệt kê chung chung mà hãy trình bày cụ thể, đồng thời sử dụng những từ khóa hoặc từ ngữ với
sắc thái mạnh để chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ dễ dàng nhìn thấy, ví dụ: “Quản trị Marketing”,
“Kiểm soát chi phí” hay “Huấn luyện về sản phẩm”.
Liệt kê rõ ràng, chi tiết về thành tích bạn đã đạt được theo từng chức vụ và vị trí đảm
nhiệm. Đừng chỉ mô tả chi tiết công việc và trách nhiệm bạn phải hoàn thành; mà hãy nêu rõ bạn
đã góp phần tạo nên sự thành công cho công ty trước như thế nào. Nếu có thể, định lượng cụ thể
thành tích của bạn, ví dụ “tăng doanh số bán hàng vượt hơn 80% với sản phẩm mới ra mắt và
những chiến lược đổi mới về định giá”, v.v…
Sau khi hoàn tất phần mô tả kinh nghiệm làm việc và thành tích đạt được, bạn nên đề cập
đến bằng cấp chính quy và những khóa đào tạo chuyên nghiệp mình đã tham gia. Khi trình bày
cần nêu rõ tên hệ đào tạo, tên trường và năm tốt nghiệp để nhà tuyển dụng có thể dễ dàng kiểm
tra (khi cần)
v Về cách thức trình bày
Tất cả những gì mà bạn muốn thể hiện mình với nhà tuyển dụng sẽ trở nên thất bại nếu
bạn không đầu tư kỹ lưỡng cho phần trình bày, bố cục lá thư ứng tuyển của mình. Do vậy, bạn
nên dành nhiều thời gian để đảm bảo rằng hồ sơ ứng tuyển của bạn được trình bày rõ ràng, ấn
tượng và thu hút nhất. Hãy định dạng, chọn chính xác kiểu chữ và hình thức trình bày, tránh
nhiều khoảng trống không cần thiết. Tóm lại, thư ứng tuyển nên trình bày rõ ràng, cân đối và
chuyên nghiệp. Tóm lại, về trình bày và văn phong, một bức thư cần đảm bảo được các yếu tố
sau:
- Bố cục hợp lý
- Câu từ đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu
- Văn phong ngắn gọn, không trùng lắp
- Sử dụng từ ngữ thông dụng, tránh dùng từ ngữ địa phương hoặc viết theo kiểu văn nói
- Trình bày thu hút và sạch sẽ
- Không có lỗi chính tả và lỗi ngữ pháp
- Thư ứng tuyển không nên dài quá một trang A4
Tóm lại, thư ứng tuyển không đơn thuần là bảng tổng kết kinh nghiệm làm việc, mà là
một bảng “kế hoạch marketing” hoàn hảo về bản thân bạn. Hồ sơ cá nhân sẽ giúp bạn ghi những

27
Kỹ năng Tìm việc làm

điểm đầu tiên trong mắt nhà tuyển dụng trước khi họ quyết định mời bạn tham dự phỏng vấn. Vì
thế, sự đầu tư kỹ lưỡng sẽ giúp bạn tạo được những ấn tượng tốt đẹp ngay từ ban đầu.

CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG 2


1) Phân biệt hồ sơ tìm việc, sơ yếu lý lịch và thư ứng tuyển
2) Theo bạn, khi chuẩn bị hồ sơ tìm việc, các bạn sinh viên mới ra trường gặp những khó khăn
gì? Có cách nào để khắc phục?
3) Trình bày những cách thức để viết một CV thu hút và hấp dẫn với nhà tuyển dụng?
4) Trình bày quan điểm của bạn về nhận định sau đây: “Hồ sơ tìm việc là quảng cáo chào hàng
mà sản phẩm là chính bạn”.

BÀI TẬP THỰC HÀNH


1) Hãy viết các mục tiêu nghề nghiệp của bạn sau một năm; sau 5 năm.
2) Liệt kê các kỹ năng cần thiết cho công việc bạn dự định ứng tuyển sau khi ra trường? Đánh
giá các kỹ năng hiện có của bạn theo thang điểm 5 mức độ: 1. Rất kém, 2. Kém, 3. Trung
bình, 4. Tốt, 5. Rất tốt
3) Liệt kê các khóa học bạn dự định tham gia để hoàn thiện thêm kỹ năng và kiến thức hỗ trợ
công việc của bạn sau này
4) Hãy chọn một kiểu CV và tạo CV cho bạn để ứng tuyển công việc sau khi bạn ra trường
5) Hãy viết một thư ứng tuyển cho vị trí tuyển dụng mà bạn quan tâm
6) Chuẩn bị 01 bộ hồ sơ ứng tuyển bao gồm: thư ứng tuyển, CV, văn bằng, chứng chỉ liên quan,
hồ sơ cá nhân … cho một vị trí công việc cụ thể
7) Giả sử tập đoàn Vingroup đang tuyển dụng rất nhiều vị trí với cả hình thức làm việc bán thời
gian và toàn thời gian. Bạn hãy hoàn thành bản sơ yếu lý lịch được đăng tải trên website của
doanh nghiệp. Bạn nhận xét gì về mẫu lý lịch này.
8) Xem một số mẫu CV và thư ứng tuyển phần Phụ lục. Bạn hãy đọc kỹ và nhận xét các mẫu
giấy tờ trên
9) Viết email nộp đơn tuyển dụng ở một vị trí công việc cụ thể

28
Kỹ năng Tìm việc làm

Chương 3: KỸ NĂNG TRẢ LỜI PHỎNG VẤN

MỤC TIÊU CHƯƠNG


Sau khi học xong chương 3, sinh viên có thể:
Về mặt kiến thức
- Hiểu được các nội dung cần chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn tuyển dụng
- Hệ thống hóa các nguyên tắc giao tiếp trong xin việc.
- Tổng hợp được các yếu tố cần thiết để có được một buổi phỏng vấn thành công
Về mặt kỹ năng
- Xây dựng được tác phong chuyên nghiệp khi phỏng vấn
- Có chiến lược chuẩn bị trả lời các câu hỏi tuyển dụng
Về thái độ
- Tự tin bước vào cuộc phỏng vấn
- Thể hiện được năng lực bản thân trước nhà tuyển dụng

NỘI DUNG CHƯƠNG


3.1. CÁC DẠNG BÀI KIỂM TRA TRONG TUYỂN DỤNG
Bài kiểm tra tuyển dụng là dạng kiểm tra tâm lý, doanh nghiệp thường sử dụng trong quá
trình tuyển dụng để lựa chọn ứng viên phù hợp từ vô vàn các hồ sơ dự tuyển. Bài kiểm tra tuyển
dụng có thể có nhiều dạng như kiểm tra tính toán nhanh (numerical reasoning test), kiểm tra đọc,
hiểu và tư duy (verbal test), bài kiểm tra khả năng xử lý tình huống (situational judgment tests),
bài kiểm tra khả năng tư duy logic (logical reasoning test) ...một số công ty chuyên nghiên cứu
và cung cấp bài kiểm tra dạng này bao gồm: Ceb’s SHL, Kenexa, Aville, Talent Q, Cubiks…
Bài kiểm tra tính toán nhanh (numerical reasoning test)
Câu hỏi của bài kiểm tra này về toán học. Thí sinh được cung cấp thông tin dưới dạng
biểu đồ hoặc bảng thông tin. Thí sinh được yêu cầu tính toán bằng cách sử dụng tỷ lệ phần trăm
hoặc các tỷ số. Thông qua bài kiểm tra tính toán nhanh, thí sinh sẽ được đánh giá khả năng làm
việc với con số và kỹ năng quan sát và đọc hiểu. Trong bài kiểm tra này, thường có tối đa 20 câu
hỏi, thí sinh có khoảng 1 phút cho mỗi câu. Tùy vào vị trí tuyển dụng, mức độ khó và thời gian
làm bài của mỗi bài kiểm tra tính toán nhanh sẽ khác nhau. Hầu hết các big 4 đều sử dụng dạng
bài kiểm tra tính toán nhanh trong quy trình tuyển dụng nhân viên.
“Trắc nghiệm lý luận số học” là một thuật ngữ chung chỉ những đánh giá về mặt tính toán
từ toán học cơ bản cho đến lý luận phê phán. Sự đa dạng của các loại bài kiểm tra được sử dụng
và tương ứng với nhiều cấp độ công việc: từ vị trí quản lý cấp cao, những công việc thuộc về
quản lý và đào tạo cho đến các vị trí thuộc về hành chính và bán hàng. Trắc nghiệm khả năng
tính toán là loại kiểm tra năng khiếu và tâm lý của các ứng cử viên phổ biến nhất cho nên đây là
loại trắc nghiệm mà họ phải đối mặt trong bất kỳ trung tâm đánh giá hay quy trình tuyển dụng
nào. Trong tất cả các cấp độ, người thử nghiệm được đánh giá về “khả năng hiểu và đưa ra quyết
định dựa trên các dữ liệu số” - một kỹ năng cực kỳ cần thiết trong nhiều công việc ngày nay.

29
Kỹ năng Tìm việc làm

Kiểm tra số học được thiết kế để tìm ra những kỹ năng và khả năng cần thiết trong hầu
hết mọi công việc. Toán cơ bản gồm bốn phép tính: cộng, trừ, nhân, chia hay tính phần trăm và
tỷ lệ là một trong số những cái tên mà tất cả đều là những kỹ năng tính toán căn bản cần thiết
hàng ngày. Khả năng hiểu và phân tích biểu đồ, dữ liệu số rất cần thiết cho nhóm vị trí đào tạo
và quản lý. Nếu bạn đang làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thì kỹ năng lập luận tài
chính là bắt buộc phải có. Công việc kỹ thuật thường yêu cầu ứng viên phải có kỹ năng nhạy bén
và tập trung khi làm việc với các dữ liệu số. Lý luận phê phán là cần thiết đối với nhiều vị trí cấp
cao và kỹ năng lập dự toán để làm việc một cách nhanh chóng là một lợi thế lớn trong nhiều việc.
Link free numerical test:https://www.jobtestprep.co.uk/numerical-challenge
Bài kiểm tra đọc, hiểu và tư duy (verbal test)
Trong bài kiểm tra này, thí sinh sẽ được cung cấp bài đọc. Trong mỗi câu hỏi, thí sinh sẽ
được cung cấp thông tin và được yêu cầu so sánh thông tin của câu hỏi với thông tin của bài đọc
để trả lời các dạng câu hỏi 'đúng', 'sai' hoặc 'không thể kết luận'. Để có câu trả lời đúng, thí sinh
phải sử dụng kỹ năng đọc, hiểu và tư duy. Việc đọc kỹ, chú ý đến những chi tiết nhỏ về sự khác
nhau giữa thông tin của câu hỏi và bài đọc là vô cùng quan trọng. Cũng như bài kiểm tra tính
toán nhanh, thời gian làm bài và mức độ khó của bài kiểm tra tùy thuộc vào từ vị trí tuyển dụng.
Hầu hết các big 4 đều sử dụng dạng bài kiểm tra đọc, hiểu và tư duy trong quy trình tuyển dụng
nhân viên.
Những kỹ năng được đo trong một bài kiểm tra đọc, hiểu và tư duy là kỹ năng sử dụng
ngôn ngữ tiếng Anh, tùy thuộc vào từng bài trắc nghiệm cụ thể. Các kỹ năng có thể được chia
thành các nhóm sau:
+ Từ vựng: Sự am hiểu của bạn về những từ thuộc chuyên môn công việc (từ chuyên
ngành). Điều này được đo lường thông qua các trắc nghiệm như câu hỗn hợp, hoàn thành các bài
kiểm tra câu, kiểm tra chính tả …
+ Ngữ pháp: Các trắc nghiệm kiểm tra hiểu biết của bạn về ngữ pháp tiếng Anh và khả
năng nhận ra cấu trúc ngữ pháp phù hợp. Ngữ pháp được đo thông qua các bài tập như hoàn
chỉnh câu, xác định các câu đúng tiếp theo trong một đoạn văn.
+ Hiểu nghĩa: Hiểu nghĩa là khả năng hiểu thông tin trong văn bản, phân tích và giải thích
những gì bạn đã đọc để trả lời câu hỏi.
+ Biện luận: Biện luận là một biện pháp để đo lường cách bạn phân tích thông tin đã cho.
Trong đó, bạn thường được yêu cầu để xác định xem một phát biểu là đúng hay sai dựa trên các
thông tin đã có, cho dù những dữ liệu được cung cấp một cách không đầy đủ và rõ ràng.
Link free verbal reasoning test: https://www.jobtestprep.co.uk/freeverbal.aspx
Bài kiểm tra khả năng xử lý tình huống (situational judgment test).
Bài kiểm tra này thường được các công ty sử dụng với các bài kiểm tra tuyển dụng khác,
sau khi thí sinh đã vượt qua vòng hồ sơ. Trong bài kiểm tra này, thí sinh phải giải quyết các tình
huống công việc để doanh nghiệp đánh giá được các ưu tiên và giá trị mà thí sinh đang theo đuổi
để từ đó tìm ứng viên phù hợp với doanh nghiệp. Bài kiểm tra cung cấp cho thí sinh các tình
huống về mâu thuẫn và vấn đề phát sinh trong công việc, trong mối quan hệ giữa cấp trên và cấp
dưới, giữa khách hàng và đại diện công ty và giữa đồng nghiệp với nhau (giao tiếp trong nội bộ
tổ chức và giao tiếp với khách hàng)

30
Kỹ năng Tìm việc làm

Thường có 2 dạng câu hỏi: (1) thí sinh được yêu cầu chọn giải pháp tốt nhất trong các
giải pháp câu hỏi đưa ra; (2) thí sinh được yêu cầu sắp xếp thứ tự quan trọng của giải pháp (từ
giải pháp tốt nhất đến giải pháp tệ nhất)
Link free situational judgment test:
Https://www.jobtestprep.co.uk/practice_situational_judgement
Bài kiểm tra tư duy (logical reasoning test)
Bài kiểm tra này không phải là bài kiểm tra đọc hiểu hay bài kiểm tra về toán. Bài kiểm
tra này thường được gọi là bài kiểm tra phi ngôn ngữ (non-verbal test). Bài kiểm tra cung cấp
một số ảnh, hình và khối được sắp xếp theo một logic nào đó. Thí sinh sẽ phải chọn ảnh, hình
hoặc khối đáp ứng quy luật logic của các hình đã cho. Hoặc thí sinh được yêu cầu nhóm ảnh,
hình và khối theo một logic nào đó.
Link free logical reasoning test:
Https://www.jobtestprep.co.uk/logicalreasoning.aspx?Affiliateid=10190

3.2. CÔNG VIỆC CẦN CHUẨN BỊ TRƯỚC PHỎNG VẤN


3.2.1. Chuẩn bị trang phục phỏng vấn
Nếu CV (curriculum vitae – hồ sơ xin việc) là ấn tượng đầu tiên làm cho nhà tuyển dụng
xem xét ở vị trí công việc, thì hình ảnh người dự tuyển tạo ra trong cuộc phỏng vấn là một yếu
tố cảm tính có tác động rất lớn đến sự lựa chọn. Bên cạnh đó, chuẩn bị trang phục chu đáo cho
một buổi phỏng vấn không chỉ tạo nên ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng mà còn giúp bạn cảm
thấy tự tin hơn. Nhiều nhà tuyển dụng cho biết trang phục không phù hợp chính là một trong
những yếu tố khiến các ứng viên bị từ chối trong các buổi phỏng vấn. Chọn bộ trang phục có thể
mang thành công đến với bạn chứ đừng để những điều đơn giản như mặc trang phục không phù
hợp làm ảnh hưởng đến cơ hội nghề nghiệp của bạn.
Ấn tượng đầu tiên thường chỉ kéo dài trong vòng 20 giây, do đó, phải chọn cách ăn mặc
phù hợp khi bước vào cuộc phỏng vấn. Điều này có nghĩa là họ sẽ đánh giá bạn thông qua vẻ bề
ngoài và cách ứng xử ban đầu của bạn, vì thế cách bạn chọn trang phục là rất quan trọng tới thành
công của buổi phỏng vấn. Cách ăn mặc của bạn có thể tăng hoặc giảm cơ hội giành được công
việc mới cho bạn, vì vậy, hãy ăn mặc phù hợp để người phỏng vấn có thể tín nhiệm bạn hơn. Quá
trình phỏng vấn khá căng thẳng, vì thế việc thể hiện tốt bản thân cũng là một cách giúp bạn tạo
ấn tượng tích cực ban đầu và tiến gần hơn tới vị trí mà bạn ứng tuyển.
Rõ ràng, hình ảnh không phải là cơ sở để phán xét nhưng bạn vẫn không thể cứ mở tủ
quần áo và chọn bộ quần áo hằng ngày của mình để đi phỏng vấn. Bạn có thể rớt một cuộc phỏng
vấn, đôi khi chỉ vì bộ đồ bạn mặc không chuyên nghiệp, đặc biệt là khi bạn nộp đơn cho các công
việc phải gặp mặt khách hàng thường xuyên hoặc trong các sự kiện sang trọng. Vì vậy, trước khi
phỏng vấn, điều đặc biệt cần thiết là dành thời gian chuẩn bị và chỉnh trang trang phục, ngoại
hình cho chính bản thân mình.
Tùy vào vị trí tuyển, bạn có sự lựa chọn trang phục khác nhau, nhưng tựu trung lại, dù
bạn mặc thế nào thì cũng phải đảm bảo đủ các yếu tố: phù hợp, đứng đắn, lịch sự, thông minh
nhưng cũng thật đẳng cấp. Thông thường, áo vest đen kết hợp sơmi trắng là lựa chọn phổ biến
với cả hai phái. Tuy nhiên, cách kết hợp các món đồ, đầu tóc, phụ kiện của người làm tài chính,

31
Kỹ năng Tìm việc làm

hành pháp... khác hoàn toàn với cá nhân làm công tác xã hội. Bạn có thể chọn màu trung tính
như xanh hải quân, xám, be, oliu hay trắng và đen. Cần tránh màu quá đậm hoặc quá chói bởi
chúng lấn át cá tính của bạn, khiến người phỏng vấn xao lãng hoặc có ấn tượng sai về bạn.
Không hề phí phạm nếu đầu tư một bộ vest đắt tiền, chất vải tốt, phom dáng vừa vặn, tuy
nhiên, nếu công việc không đòi hỏi mặc đứng đắn, trang trọng thì bạn có thể thay thế bằng blazer
trẻ trung, năng động. Khi đi phỏng vấn, bạn có thể đeo phụ kiện như đồng hồ, nhẫn, khuyên tai
bản nhỏ kèm theo một chiếc túi, cặp táp, ví da tốt thì càng hoàn hảo. Một đôi giày đánh bóng
chỉn chu với màu sắc hòa hợp với làn da (như be, nâu) là đòi hỏi bắt buộc. Đôi khi, trang phục
bình thường có thể được tôn lên nhờ đôi giày tốt. Bạn nên hạn chế đi giày hở mũi đến một cuộc
phỏng vấn.
Hãy mặc những trang phục đem đến cho bạn sự thoải mái. Những bộ đồ không quá chật,
không khiến bạn phải mất thời gian đưa tay chỉnh sửa mỗi lần đứng lên ngồi xuống sẽ đem đến
cho bạn sự tự tin hơn. Bạn nên tránh mặc những trang phục màu sắc nổi bật, vải bóng hoặc hoa
văn sặc sỡ. Xanh nhớt, xám sậm được khuyên nên dùng vì chúng khiến bạn trông chững chạc
hơn (các sếp thường có cảm tình với những nhân viên có phong thái chững chạc, tự tin). Tránh
xức quá nhiều nước hoa hoặc dùng nước hoa mùi mạnh. Nước hoa có thể làm ảnh hưởng đến
cảm xúc của người phỏng vấn, vì thế, tốt nhất là bạn nên giữ cho mình một khoảng cách an toàn.

MỘT SỐ LƯU Ý CỤ THỂ VỀ LỰA CHỌN TRANG PHỤC PHỎNG VẤN DÀNH
RIÊNG CHO TỪNG GIỚI:
- Đối với nữ giới:
+ Trang phục công sở:
Phụ nữ có lợi thế cho sự linh hoạt và sáng tạo khi lựa chọn tủ quần áo của họ. Tuy nhiên,
làm quá thì cũng chưa hẳn là điều hay. Trang phục công sở không cần áo vest là lựa chọn tốt nhất
cho cuộc phỏng vấn. Mặc đầm khi đi phỏng vấn không phải là một ý kiến tốt. Các công sở cũng
không chấp nhận nhân viên mặc quần jean, vì chúng trông thiếu nghiêm túc. Tốt nhất là bạn nên
mặc sơ-mi và quần hoặc váy chữ a ngang đầu gối. Nếu phỏng vấn xin vào những vị trí như nhân
viên kinh doanh, nhân viên chăm sóc khách hàng, bạn sẽ được hoan nghênh nếu mặc vest màu
xanh nhớt, xám, đen đi cùng với áo sơ mi trắng, hoặc xanh. Váy phải dài quá đầu gối và không
được trên đầu gối quá mức. Họa tiết và màu sắc quần áo phải thanh lịch và cổ điển. Ví dụ, đồng
bộ, vải tuýt, màu xanh, màu kaki, màu xanh dương đen, và màu than.
+ Giày:
Để phù hợp với bộ quần áo, giày dép nên theo phong cách cổ điển. Không nên mang giày
quá cao. Những đôi giày cao khoảng 5cm có màu hợp với trang phục sẽ giúp bạn vững tin hơn
là những đôi giày cao lênh khênh. Không thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng bằng cách mang
giày có màu tương phản với trang phục. Khi bước vào một cuộc phỏng vấn, hãy đặt tất cả những
đôi dép, dép có quai hậu hay bất kỳ loại dép xỏ ngón ở nhà.
+ Phụ kiện:
Hãy mang đôi vớ có màu trùng với màu da (không sử dụng vớ trắng). Đừng quên mang
thắt lưng trong trường hợp đóng thùng. Màu thắt lưng phải hợp với màu giày (ví dụ: đen đi với
đen).

32
Kỹ năng Tìm việc làm

Hãy chú ý đến tóc. Kiểu tóc cũng nên đơn giản và cổ điển. Nếu tóc dài, bạn có thể cột
chúng lại đằng sau cho gọn gàng. Tránh trường hợp bạn đi xe máy đến và tóc bạn rối bời xõa
ngang lưng.
Mang càng ít trang sức càng tốt. Tránh mang những trang sức đong đưa hoặc tạo nên
tiếng kêu mỗi khi bạn bước đi. Nếu bạn đeo hoa tay ở mũi, lông mày, lưỡi, nhất định bạn phải
tháo chúng trước khi đến buổi phỏng vấn. Hãy tạo một vẻ ngoài chu đáo cho bản thân: cắt tỉa
mỏng tay cẩn thận, tránh sơn móng tay với màu sặc sỡ (nếu đang sơn móng tay, tốt nhất là bạn
nên chùi sạch màu sơn). Chỉ trang điểm đơn giản, không dùng những màu nổi bật như: mắt xanh,
môi tím. Không nên dùng mỹ phẩm có kim tuyến lấp lánh. Trang điểm nhẹ và thanh lịch, không
đánh quá nhiều mascara và viền mắt. Làm sạch sơn móng tay hoặc sử dụng màu sắc nhẹ. Luôn
ghi nhớ không sử dụng quá nhiều nước hoa hoặc nước hoa có mùi quá nồng.
- Đối với nam giới:
+ Trang phục công sở:
Bộ quần áo sẫm màu, có thể là màu than, màu xanh dương đậm, và ô liu đen, luôn là lựa
chọn tốt nhất cho trang phục phỏng vấn. Bộ trang phục bao gồm một chiếc áo sơ mi màu sáng
và cà vạt. Có một số công việc mà không đòi hỏi trang phục phải chuyên nghiệp, tuy nhiên, ăn
mặc lịch sự vẫn được đánh giá cao.
Thông thường, áo sơ mi có màu trắng, màu xanh cũng có thể chấp nhận. Hai màu này là
sự lựa chọn an toàn bởi sự phù hợp với tất cả các loại da và màu trang phục. Ngoài ra, hãy chọn
áo sơ-mi có màu sắc cổ điển như xanh đậm, xám nhạt, ghi... Để tạo cho mình một vẻ ngoài chững
chạc. Thắt lưng và giày phải có màu tệp với màu quần tây. Mặc áo tay dài. Chọn áo có cổ và vai
thoải mái để dễ dàng hơn trong lúc phỏng vấn.
+ Cà vạt:
Nếu tham gia buổi phỏng vấn chọn nhân viên cao cấp (Giám đốc, Trưởng phòng...), bạn
nên thắt cà vạt. Màu cà vạt phải hài hòa với màu áo sơ mi. Không nên chọn cà vạt có màu sắc
sặc sỡ. Cà vạt được làm bằng lụa và sẫm màu hơn so với áo sơ mi và không dài hơn hoặc ngắn
hơn so với dây thắt lưng. Tốt hơn là cà vạt không nên có những họa tiết lấp lánh.
+ Giày dép:
Giống như với nữ giới, đi phỏng vấn, dép hoặc bất kỳ loại dép xỏ ngón đều không thể
chấp nhận được. Giày dép phải phù hợp với dây nịt, do đó, màu đen là lựa chọn hàng đầu. Tương
tự như vậy, nên lựa vớ màu tối. Hãy chú ý đến đôi giày của mình, không nên mang những đôi
giày cũ kỹ, sờn da. Ít nhất, bạn cũng nên đánh xi giày cho mới. Khi xin vào những vị trí đơn giản
như nhân viên bình thường, bạn cũng phải chú ý cách ăn mặc của mình. Bạn vẫn có thể mặc áo
sơ-mi trắng và quần tây, giày sandal, nhưng chú ý, mọi thứ phải trông sạch sẽ và gọn gàng. Bạn
không nên đi phỏng vấn với mái tóc dài rủ xuống mặt, trừ khi bạn là dân làm nghệ thuật và muốn
xin vào một công ty quảng cáo.
+ Phụ kiện:
Không xịt quá nhiều nước hoa. Cắt tóc gọn gàng. Không hút thuốc trước khi phỏng vấn,
có thể dẫn đến hôi miệng và bộ trang phục cũng bị bám mùi. Không mang quá nhiều đồ trang
sức, một chiếc đồng hồ là đủ.

33
Kỹ năng Tìm việc làm

3.2.2. Các thông tin cần chuẩn bị


Để phỏng vấn xin việc thành công cần có sự chuẩn bị. Không có sự chuẩn bị, khả năng
thành công của bạn sẽ không phải là điều chắc chắn. Khi bước vào một buổi phỏng vấn, nhà
tuyển dụng thường sẽ hỏi bạn về khả năng đóng góp của bạn cho công ty, hay những thông tin
về lợi nhuận năm trước và những sản phẩm mới nhất của họ là gì để chắc chắn bạn đã biết rõ mọi
thứ ở nhà. Không gì thất vọng hơn là khi một ứng viên cứ nói liên hồi về sự nhiệt tình nhưng lại
thực sự không biết đến những thông tin và số liệu cơ bản nhất về công ty đang phỏng vấn.
Tìm kiếm thông tin online
Website của công ty là nơi tốt nhất để bắt đầu quá trình tìm kiếm. Tại đây, bạn sẽ tìm
thấy những thông tin chính thức, những sản phẩm cũng như những dịch vụ mà công ty hiện có.
Bạn cũng có thể nhìn thấy phần nào phong cách và văn hóa công ty qua cách thức thể hiện website
của họ. Hãy đọc thông tin đủ để hiểu về công việc của công ty đó, các khách hàng và mục tiêu
chung của công ty như thế nào. Đừng thôi đọc trước khi bạn có thể trả lời những câu hỏi sau đây:
công ty này làm công việc gì? Mục tiêu của công ty hướng tới là gì? Công ty tuyên bố điều gì
làm họ khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh?
Kiểm tra các báo cáo hàng năm, tìm kiếm các thông cáo báo chí và tham khảo thêm thông
tin tại trang tin tức của công ty. Hãy lọc lại tất cả các thông tin này và nhận định về những gì bạn
có thể đáp ứng phù hợp với định hướng của công ty. Bạn cũng có thể sử dụng các công cụ tìm
kiếm trong trang web để khám phá thêm thông tin về những người có khả năng sẽ là người phỏng
vấn bạn.
Dành thời gian để tìm trên mạng những thông tin khác về công ty. Gõ tên của công ty
trên Google để xem có những tin tức nào viết về công ty gần đây hay không. Bạn cũng có thể
tham khảo một số thông tin từ những người đang làm việc tại đó, chẳng hạn như lý do tại sao họ
lại thích làm việc tại môi trường này.
Còn một điều nữa, bạn cũng nên thử tìm kiếm thông tin trên mạng từ chính tên của mình
để xem có điều gì nên và không nên để nhà tuyển dụng nhìn thấy hay không. Vì rất có thể nhà
tuyển dụng cũng làm những công việc tương tự như vậy trước khi phỏng vấn bạn.
Các nguồn thông tin về ngành nghề
Không chỉ cần thông tin về công ty, bạn cũng có một kiến thức nền tốt về lĩnh vực ngành
nghê liên quan để có thể gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Do đó, việc xem qua các ấn phẩm
kinh doanh và các website để xem những thông tin về công việc tiềm năng của bạn và ngành
nghề liên quan sẽ giúp bạn có thông tin nhiều hơn.
Nếu chuyên ngành của bạn đã phù hợp với công việc mà bạn ứng tuyển, bạn có thể hỏi
thêm bạn bè để có thể hiểu rõ hơn về lĩnh vực mà công ty bạn ứng tuyển đang tham gia, hay
những kiến thức nhóm ngành cần thiết, … nếu họ biết về công ty đó.

3.2.3. Chuẩn bị sức khỏe và tâm lý


Sự chuẩn bị tốt về tinh thần (thái độ tích cực)
Hầu hết các nhà tuyển dụng đều có ấn tượng tốt với các ứng viên tự tin. Đôi khi chính
thái độ chứ không phải khả năng hay bằng cấp mới là yếu tố để nhà tuyển dụng quyết định có
tuyển bạn hay không.

34
Kỹ năng Tìm việc làm

Bạn không thể mang bộ mặt lo âu, căng thẳng bước vào phỏng vấn. Một nụ cười, môt cái
bắt tay thật chặt, ánh mắt kiên định... Tất cả đều thể hiện sự sẵn sàng của bạn. Việc chuẩn bị tinh
tốt sẽ giúp bạn không thấy vấp váp hay căng thẳng trong buổi phỏng vấn. Vì vậy, đừng quên
chuẩn bị cho mình sự tự tin, thái độ tích cực, cách cư xử chừng mực cho những lần phỏng vấn.
Ngoài ra, để đạt được thành công vững chắc trong tương lai, bạn cần phải “kiên nhẫn”.
Kiên nhẫn không bao giờ là điều thừa, kể cả khi bạn thất bại trong phỏng vấn, bạn cũng phải kiên
nhẫn để duy trì sự tự tin và lạc quan.

3.2.4. Những chuẩn bị khác


Việc chuẩn bị kỹ lưỡng luôn là chìa khoá mở ra sự thuận lợi và ấn tượng đẹp cho buổi
phỏng vấn. Mang theo những thứ cần thiết khi đi phỏng vấn góp phần quan trọng giúp bạn tự tin
để gặt hái kết quả mỹ mãn nhất. Hãy thuyết phục nhà tuyển dụng (NTD) rằng họ thật may mắn
khi có bạn.
Chuẩn bị một cách có phương pháp
Đọc CV và ghi chú lại, tương tự như khi bạn đang chuẩn bị cho bài kiểm tra. Nghiên cứu
những ghi nhận về công việc của bạn, tại sao bạn phù hợp với công việc này và bạn đã đạt được
điều gì. Bạn nhìn thấy bản thân mình như thế nào? Bạn đã làm được gì trước đó? Những thành
tựu nào bạn đã đạt được?
Hãy ghi chú lại và hình dung việc nói về bản thân như thế nào. Sẽ tốt hơn nếu bạn có thể
nói lớn thành tiếng. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy giống như đang ở cuộc phỏng vấn thật.
Cố gắng liên hệ những phần cụ thể của cv với những mô tả về công việc. Điều này giúp
làm rõ hơn cho nhà tuyển dụng vì sao họ nên chọn bạn ở vị trí này.
Bạn nên nhớ, một trong những câu hỏi phỏng vấn phổ biến nhất chính là “hãy nói về bản
thân bạn?”. Do đó hãy chuẩn bị trước một câu trả lời ngắn gọn và xúc tích cho câu hỏi này, chứ
không phải kể một câu chuyện dài về cuộc đời bạn. Hãy trả lời một cách nhanh chóng và đừng
để bị ảnh hưởng bởi cảm xúc. Tránh những vấn đề nhạy cảm như chính trị và tôn giáo.
Những nhà tuyển dụng thường sử dụng câu hỏi này để tìm hiểu về những phẩm chất cá
nhân của bạn, không phải thành tựu của bạn – vì những điều đó đã được trình bày rõ trong CV
của bạn rồi.
Các giấy tờ cần thiết
Ngày nay, rất nhiều ứng viên gửi thư xin việc qua internet. Việc mang theo bộ hồ sơ xin
việc đầy đủ là điều cần thiết. Hãy chú ý tất cả giấy tờ phải được in hoặc ghi trên loại giấy chất
lượng.
Trong buổi phỏng vấn, rất có thể nhiều người phỏng vấn bạn cùng lúc. Rắc rối xảy ra
khi bộ phận nhân sự không in đủ số lượng hoặc một trong số họ quên mang theo. Mặc dù nhà
tuyển dụng có thể xem CV (bản sơ yếu lý lịch) trên máy tính nhưng họ vẫn đánh giá cao nếu bạn
tự in và mang theo CV. Điều này giúp cho buổi phỏng vấn diễn ra tập trung hơn vì nhà tuyển
dụng không phải dò tìm CV của bạn giữa hàng trăm email hay thư mục trên máy tính.
Điều đó sẽ thể hiện sự chu đáo và chuyên nghiệp của bạn. Hơn nữa, cũng tiện hơn cho
nhà tuyển dụng nếu họ cần ghi chép ngay trên CV những điểm đặc biệt nổi trội mà bạn thể hiện
trong buổi phỏng vấn.

35
Kỹ năng Tìm việc làm

Thông tin công ty


Hãy ghi ra giấy tất cả thông tin cơ bản: địa chỉ, số điện thoại, người liên hệ, tên công ty.
Còn gì tốt hơn khi bạn đang tìm đường đến nhưng bị lạc. Những thông tin này vô cùng hữu ích
cho bạn đến đúng nơi cần đến.
Ít nhất một ngày trước cuộc phỏng vấn, hãy đi tới địa điểm mà bạn sẽ được phỏng vấn:
bạn hãy thử đến nơi phỏng vấn cùng khoảng thời gian mà bạn sẽ được phỏng vấn vào ngày sau
đó. Cách làm này giúp bạn hiểu rõ tình hình giao thông có thể sẽ diễn biến như thế nào. Có thể
bạn sẽ phát hiện ra rằng, hướng đi mà bạn trù tính ban đầu là ngược đường, hoặc con đường
chính mà bạn định đi đang bị đóng để sửa chữa, hoặc giao thông trên tuyến đường đó đông đúc
hơn bạn nghĩ. Bằng cách “diễn tập” trước, bạn sẽ căn được đủ thời gian để lên đường vào ngày
được phỏng vấn và không bao giờ lo bị lạc đường hay đến muộn.
Sổ tay, bút ghi
Rất nhiều bạn khi đang được phỏng vấn không mang theo gì cả. Đây thực sự là thiếu sót
không đáng có. Bạn không thể nhớ hết tất cả những gì nhà tuyển dụng nói trong buổi phỏng vấn,
sẽ có những điểm quan trọng bạn cần ghi chú lại. Ngoài ra, nếu bạn ứng tuyển vào vị trí tư vấn,
tài chính, kỹ sư thì việc phải làm những bài kiểm tra ngắn bất ngờ cần đến giấy, bút là điều hoàn
toàn có thể xảy ra. Đây chính là điểm khiến NTD đánh giá sự quan tâm và đầu tư vào vị trí ứng
tuyển của bạn.
Vì vậy, chuẩn bị sẵn số tay, giấy, bút để mang theo là rất cần thiết, nhưng cũng đừng chỉ
chú tâm vào viết mà hãy cân bằng giữa việc ghi chép và lắng nghe.
Đồ dùng gọn nhẹ
Theo nghiên cứu về ngôn ngữ cơ thể, những người mang đồ dùng cồng kềnh khi phỏng
vấn không được đánh giá cao. Họ là những người có đầu óc tổ chức kém và khó hoàn thành công
việc đúng hạn.
Đừng để bạn rơi vào trường hợp này. Hãy chọn một chiếc túi đơn giản, có thể chứa tất
cả vật dụng của bạn. Đừng bao giờ mang áo khoác trên tay trong khi có thể bỏ gọn vào cặp.
Điện thoại để chế độ rung hoặc tắt
Cần kiểm tra điện thoại của mình trước khi bắt đầu buổi phỏng vấn. Nếu không có gì
quan trọng, bạn nên tắt hoặc để chế độ rung cho máy. Tiếng chuông điện thoại vang lên rất dễ
làm ngắt quãng buổi phỏng vấn.
Hãy nói tạm biệt với công việc tương lai khi nghe điện thoại trong lúc phỏng vấn. Không
thực sự muốn làm việc, bất lịch sự là những điều ntd sẽ nghĩ về bạn qua hành động đó.
Mang theo Portfolio (hồ sơ năng lực)
Ngày nay, rất nhiều ứng viên đã biết cách "tô điểm thêm" hồ sơ xin việc nhiều hơn là
kinh nghiệm thực tế mà họ có được. Việc liệt kê hàng loạt công việc "hoành tráng" khiến rất
nhiều NTD hoài nghi sự thật.
Để buổi phỏng vấn thêm thuyết phục, hãy chuẩn bị sẵn Portfolio hoặc những bằng chứng
chứng minh khả năng của bạn. Tùy vào đặc điểm công việc ứng tuyển mà bạn có thể chọn lọc để
mang theo, đó có thể là những bài báo, công trình nghiên cứu hay các mẫu thiết kế, vài mẫu sản
phẩm, hình ảnh hoặc tối thiểu là card visit cũ.

36
Kỹ năng Tìm việc làm

3.3. KỸ NĂNG TRẢ LỜI CÂU HỎI TRONG PHỎNG VẤN


3.3.1. Các hình thức phỏng vấn
a. Phỏng vấn trực tiếp:
Nhà tuyển dụng trao đổi trực tiếp với ứng viên về các thông tin liên quan đến vị trí tuyển
dụng. Tùy theo số lượng ứng viên được phỏng vấn trong một lần mà có thể phân chia thành 2
hình thức phỏng vấn trực tiếp sau:
- Phỏng vấn cá nhân: Một người phỏng vấn 1 ứng viên hoặc nhiều người phỏng vấn 1
ứng viên (còn gọi là phỏng vấn hội đồng)
Với các vị trí quan trọng, nhà tuyển dụng thường sử dụng hình thức phỏng vấn hội đồng
để có nhiều ý kiến đánh giá về ứng viên tại một thời điểm. Thông thường sẽ có một người điều
khiển chính cuộc phỏng vấn, đó là người đặt câu hỏi cho bạn nhiều nhất. Tuy nhiên đôi khi người
có ảnh hưởng nhiều hơn có thể chính là người chỉ quan sát và lắng nghe câu trả lời của bạn. Điều
bạn nên làm trong cuộc phỏng vấn này là làm chủ được cảm xúc của mình, giữ thái độ bình tĩnh.
Khi trả lời câu hỏi, bạn hãy nhìn vào người trả lời và đưa ra các câu trả lời ngắn gọn, rõ ràng,
mạch lạc nhưng không quên quan sát thái độ của những người còn lại.
- Phỏng vấn nhóm: Một người phỏng vấn nhóm ứng viên hoặc nhiều người phỏng
vấn nhóm ứng viên
Hình thức phỏng vấn này giúp cho nhà tuyển dụng có sự so sánh trực tiếp về kiến thức,
kỹ năng và thái độ giữa các ứng viên với nhau. Trên hồ sơ, những ứng viên cùng tham gia phỏng
vấn có các điều kiện gần như tương đồng với bạn. Không cướp lời ứng viên khác, không trả lời
khi chưa được mời, không chê bai ý kiến của ứng viên khác là điều cơ bản bạn phải tuân thủ.
Nhưng điều quan trọng hơn hết là bạn phải gây ấn tượng mạnh với nhà tuyển dụng bằng sự khác
biệt, độc đáo của mình.
b. Phỏng vấn gián tiếp
Khi việc gặp gỡ ứng viên trực tiếp để phỏng vấn không thuận lợi do yếu tố thời gian,
khoảng cách địa lý thì nhà tuyển dụng có thể đề nghị phỏng vấn thông qua các phương tiện thông
tin liên lạc. Phỏng vấn qua điện thoại hoặc phỏng vấn qua phần mềm ứng dụng như Skype, Zalo,
Viber, …
Một số cuộc phỏng vấn gián tiếp được báo trước, khi đó bạn có nhiều thời gian để chuẩn
bị nội dung cũng như hồ sơ cần thiết. Đôi khi những cuộc phỏng vấn qua điện thoại bất ngờ đến
với bạn. Nếu thời điểm trả lời không phù hợp, bạn hãy cho người gọi biết và đề nghị một thời
điểm khác. Khi trả lời phỏng vấn qua điện thoại, bạn cần chọn nơi không có tiếng ồn để có thể
nghe đầy đủ các thông tin. Nhớ tên người gọi sẽ giúp cho khoảng cách giữa hai bên thu hẹp lại.
Câu trả lời của bạn cần ngắn gọn, rõ ràng và lịch sự. Bạn cần ghi chép lại những thông tin quan
trọng, nhất là thông tin về cuộc hẹn phỏng vấn trực tiếp với nhà tuyển dụng.
c. Phỏng vấn tạo áp lực (gây sốc)
Trong hình thức phỏng vấn này, nhà tuyển dụng sẽ đưa ứng viên vào các tình huống khó
khăn, bất ngờ để đánh giá phản ứng của họ. Các tình huống có tính chất gây sốc từ nhẹ đến nặng.
Các câu hỏi gây sốc có mục đích thử phản xạ, quan điểm, cách hành xử, kiểu thần kinh và nhận
dạng điểm yếu của ứng viên. Một số tình huống gây sốc nhà tuyển dụng có thể tạo ra trong kiểu
phỏng vấn này bao gồm:

37
Kỹ năng Tìm việc làm

- Sơ ý đổ ly nước vào người ứng viên


- Đột nhiên quát tháo
- Để ứng viên ngồi trên ghế sắp gãy
- Tạo tiếng ồn để ứng viên mất tập trung
- Cố tình để ứng viên chờ lâu
- Hỏi nhiều vấn đề không liên quan rồi yêu cầu ứng viên tổng hợp
- Tỏ vẻ không hiểu, yêu cầu ứng viên nhắc lại nhiều lần
- Tỏ vẻ phản bác, chê bai thành tích ứng viên để bắt buộc ứng viên phản ứng
Cách ứng xử phù hợp trong kiểu phỏng vấn này là giữ được bình tĩnh, không nóng vội
hay tỏ ra bối rối, lúng túng. Nhà tuyển dụng cố tình đưa bạn vào tình thế khó khăn theo kịch bản
đã được chuẩn bị để thử thách bạn. Vì thế bạn phải chứng tỏ cho họ thấy bản lĩnh của mình khi
đối diện các vấn đề. Sự điềm tĩnh, tự tin sẽ giúp bạn sáng suốt đưa ra câu trả lời thích hợp. Đôi
khi bạn cũng có thể tranh luận với nhà tuyển dụng để bảo vệ quan điểm của mình nhưng tránh
cướp lời họ hay nóng giận.
d. Phỏng vấn hành vi
Trong hình thức phỏng vấn này, nhà tuyển dụng quan tâm nhiều đến cách xử lý các vấn
đề trong quá trình làm việc trước đó của ứng viên. Thông qua đó, họ có thể dự đoán cách thức
và kết quả công việc trong tương lai của ứng viên khi đảm nhận vị trí tuyển dụng. Nhà tuyển
dụng sẽ hỏi bằng nhiều cách để biết rõ cách thức ứng viên đã thực hiện công việc trước đây như
thế nào. Do đó, khi trả lời câu hỏi kiểu này, bạn cần cung cấp thông tin chi tiết về sự việc đã xảy
ra, cách thức cụ thể bạn đã làm, những kỹ năng đã sử dụng để giải quyết vấn đề và kết quả đạt
được.

3.3.2. Các vòng phỏng vấn


Số vòng phỏng vấn mà ứng viên sẽ phải trải qua tùy thuộc vào Quy trình tuyển dụng của
mỗi công ty. Thông thường trước khi bước vào vòng phỏng vấn chính thức, các ứng viên phải
vượt qua vòng sơ tuyển hồ sơ. Các ứng viên có hồ sơ dự tuyển đạt yêu cầu sẽ được nhà tuyển
dụng liên hệ qua điện thoại để xác lập một cuộc phỏng vấn chính thức. Cơ bản mỗi ứng viên sẽ
trải qua 2 vòng phỏng vấn trực tiếp với nhà tuyển dụng. Mỗi vòng phỏng vấn sẽ được thực hiện
bởi những người khác nhau, với các mục đích và tiêu chí đánh giá khác nhau. Ứng viên cần biết
rõ điều này để có sự chuẩn bị về mặt tâm lý lẫn nội dung trao đổi.
a. Phỏng vấn vòng 1
Đây là lần tiếp xúc chính thức đầu tiên giữa nhà tuyển dụng và ứng viên. Người phỏng
vấn ở vòng này thông thường thuộc phòng Nhân sự, họ có thể là các nhân viên Tuyển dụng hoặc
Trưởng phòng Nhân sự - tùy thuộc vào vị trí tuyển dụng. Mục đích của cuộc gặp gỡ này chính là
xác định mức độ phù hợp của ứng viên với công việc dự tuyển cũng như văn hóa công ty. Chính
vì vậy, nội dung buổi phỏng vấn sẽ trao đổi tập trung vào Thái độ - Kỹ năng và Kiến thức của
ứng viên. Những thông tin ứng viên trình bày trong hồ sơ dự tuyển sẽ được đối chiếu với nội
dung trả lời của ứng viên tương ứng với từng câu hỏi của nhà tuyển dụng. Do đó, mục tiêu quan
trọng cần phải đạt được của ứng viên là tạo dựng một ấn tượng ban đầu tốt đẹp trong đánh giá

38
Kỹ năng Tìm việc làm

của nhà tuyển dụng. Việc tạo ấn tượng đẹp ngay từ đầu sẽ giúp cho ứng viên có nhiều lợi thế khi
gây được thiện cảm ở người phỏng vấn.
Ở vòng này, ứng viên phải cạnh tranh với khá nhiều đối thủ, vì vậy việc tận dụng cơ hội
để lại ấn tượng tốt đẹp với người phỏng vấn là việc rất quan trọng. Những vấn đề nhà tuyển dụng
đề cập đến thoạt nghe có vẻ không liên quan đến công việc, nhưng bạn phải luôn ý thức trả lời
rõ ràng, mạch lạc. Bên cạnh sự phù hợp về năng lực chuyên môn của ứng viên với yêu cầu công
việc, nhà tuyển dụng còn tìm kiếm sự phù hợp với văn hóa công ty. Quan điểm nghề nghiệp, các
giá trị, đạo đức nghề nghiệp cũng là yếu tố quan trọng được xem xét trong vòng phỏng vấn này.
Kết thúc buổi phỏng vấn, ứng viên cần gửi đến nhà tuyển dụng lời cảm ơn chân thành vì
đã dành thời gian phỏng vấn. Ứng viên cũng có thể chủ động hỏi nhà tuyển dụng về thời gian
nhận được kết quả phỏng vấn nếu điều này chưa được đề cập trong buổi trao đổi. Nếu thật sự
quan tâm đến vị trí này, ứng viên nên gửi email (thư điện tử) cảm ơn nhà tuyển dụng một lần nữa
để tạo ấn tượng tốt.
Thông thường từ 3-7 ngày sau khi phỏng vấn vòng 1 ứng viên sẽ nhanh chóng nhận được
kết quả (có thể sớm hơn nếu công ty đang cần người gấp). Khi nhận được kết quả, ứng viên
không nên quên gửi đến nhà tuyển dụng lời cảm ơn chân thành một lần nữa, cho dù kết quả đạt
hay không. Nếu được mời phỏng vấn lần hai, ứng viên cần hỏi rõ các thông tin liên quan như:
người phỏng vấn, nội dung trao đổi, hồ sơ, thời gian, địa điểm …Nếu nhận được lời từ chối, ứng
viên có thể đề nghị nhà tuyển dụng cho biết những điểm chưa phù hợp để rút kinh nghiệm, khắc
phục để làm tốt hơn ở lần phỏng vấn sau.
b. Phỏng vấn vòng 2
Người phỏng vấn ở vòng này thông thường là người quản lý trực tiếp của vị trí tuyển
dụng. Nội dung trao đổi trong vòng này liên quan đến các công việc cụ thể mà ứng viên sẽ làm
nếu như trúng tuyển. Trong vòng phỏng vấn này, người phỏng vấn tập trung xem xét, đánh giá
về sự thành thạo kỹ năng, sự am hiểu chuyên môn nghiệp vụ cũng như khả năng phát triển trong
ngành nghề của ứng viên. Chính vì thế, ứng viên cần thể hiện một cách thuyết phục sự phù hợp
của bản thân với yêu cầu công việc. Với những yêu cầu công việc cao hơn khả năng hiện tại của
bản thân, ứng viên không nên chủ quan cho rằng chỉ cần cố gắng sẽ hoàn thành tốt. Điều nhà
tuyển dụng đánh giá cao là sự tự nhận thức đúng đắn của ứng viên về năng lực của họ cũng như
sự cầu thị và dám chấp nhận thử thách. Nếu yêu cầu công việc vượt quá khả năng, lời từ chối đôi
khi được đánh giá cao hơn sự ngộ nhận, ảo tưởng về khả năng thực tế của bản thân.
Tùy theo Quy trình tuyển dụng của công ty, việc thực hiện các bài kiểm tra chuyên môn
(test) có thể tiến hành trong vòng phỏng vấn lần 1 hoặc 2. Và cũng tùy thuộc vào vị trí tuyển
dụng mà việc thực hiện bài kiểm tra chuyên môn có được đưa ra hay không. Thông thường ở các
vị trí tuyển dụng là Nhân viên, Chuyên viên sẽ có bài kiểm tra chuyên môn được xây dựng bởi
bộ phận quản lý công việc của vị trí đó. Ở các vị trí tuyển dụng cao hơn, đặc biệt ở các vị trí quản
lý cấp cao, nhà tuyển dụng có thể yêu cầu ứng viên viết kế hoạch làm việc cụ thể (working plan).
Ở vòng phỏng vấn này, ứng viên thu hẹp lại về số lượng, tuy nhiên chất lượng thì đòi hỏi
cao hơn. Bên cạnh chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng cho yêu cầu của công việc hiện tại, nhà tuyển
dụng còn quan tâm đến khả năng phát triển của ứng viên trong tương lai. Vì thế, ứng viên cần
chứng tỏ cho người phỏng vấn thấy rõ tiềm năng phát triển, có thể bằng các kế hoạch ngắn hạn

39
Kỹ năng Tìm việc làm

hay dài hạn đã vạch ra trước đó. Những kế hoạch này phải khả thi, phù hợp với công việc dự
tuyển. Ứng viên cũng có thể chia sẻ cho người phỏng vấn những điều đã và đang làm để hoàn
thành các mục tiêu nghề nghiệp trong kế hoạch tương lai.
Một nội dung trao đổi không thể thiếu trong vòng phỏng vấn này là những việc cụ thể mà
ứng viên đã làm trong quá khứ. Người phỏng vấn muốn biết được chính xác ứng viên đã thực
hiện công việc đó như thế nào. Do đó, ứng viên cần chuẩn bị trước một số tình huống đã xử lý
khi thực hiện công việc trước đây. Việc chuẩn bị trước các tình huống có thể giúp ứng viên chủ
động chọn lựa vừa phù hợp với yêu cầu của nhà tuyển dụng, vừa kiểm soát được thông tin an
toàn. Một lưu ý đó là các tình huống được chia sẻ phải là những gì ứng viên đã trải qua. Người
phỏng vấn là người quản lý về mặt chuyên môn của công việc nên họ có thể đánh giá được những
điều ứng viên chia sẻ là có thật hay đang được tưởng tượng.
Nội dung ứng viên trình bày trong buổi phỏng vấn sẽ được lưu lại. Những người đã phỏng
vấn ứng viên sẽ trao đổi với nhau về ý kiến đánh giá để thống nhất kết quả phỏng vấn. Vì thế,
những thông tin ứng viên cung cấp cần đảm bảo tính trung thực, chính xác và thống nhất. Trước
khi đưa ra quyết định tuyển dụng cuối cùng, nhà tuyển dụng sẽ thực hiện công việc kiểm tra với
bên thức ba (người có mối quan hệ công việc với ứng viên) về các thông tin mà ứng viên đã cung
cấp. Các thông tin từ người liên hệ mà ứng viên đề cập trong hồ sơ hay buổi phỏng vấn (đồng
nghiệp cũ, quản lý cũ …) giữ vai trò quan trọng trong kết quả đánh giá. Do đó, ứng viên cần cân
nhắc khi cung cấp thông tin của người liên hệ.
Không phải bất kỳ vấn đề nào người phỏng vấn đặt ra ứng viên đều phải trả lời và giải
quyết hoàn hảo. Đặt ra mục tiêu này sẽ làm tăng áp lực cho bản thân khi tham dự phỏng vấn. Nếu
như ở vòng phỏng vấn đầu tiên là cuộc tiếp xúc để chính xác hóa những hiểu biết về nhau giữa
công ty và ứng viên, thì ở vòng phỏng vấn thứ 2 là dịp để đánh giá chính xác hơn nữa sự phù hợp
giữa hai bên. Nếu như người phỏng vấn đề cập đến những thông tin nhạy cảm của công cũ, ứng
viên có thể cân nhắc việc trả lời hay không. Việc chia sẻ tất cả thông tin về nơi làm việc cũ có
thể ảnh hưởng đến sự đánh giá của nhà tuyển dụng về tính bảo mật của ứng viên.
Cũng như ở vòng thứ nhất, kết thúc phỏng vấn vòng 2, ứng viên cần có một email cảm
ơn chính thức đến người đã phỏng vấn. Điều này góp phần củng cố hình ảnh tốt đẹp, chuyên
nghiệp của ứng viên trong nhận thức của nhà tuyển dụng. Nếu vị trí này không phù hợp, ứng viên
chắc chắn sẽ được nhà tuyển dụng nhớ đến đầu tiên khi có vị trí tuyển dụng khác phù hợp hơn.

3.3.3. Các loại câu hỏi trong phỏng vấn tuyển dụng
Câu hỏi Mục đích Ví dụ

Đóng xác nhận vấn đề Anh đã từng làm Giám sát bán hàng trước đây chưa?
Mở lấy thêm thông tin, tạo điều Anh đã từng làm Giám sát bán hàng cho công ty nào?
kiện cho ứng viên trình bày
Thăm thu thập những chi tiết đặc Anh cho biết đã làm Giám sát bán hàng rất tốt ở công
dò biệt để tìm hiểu sự thành thật ty cũ, vậy tại sao Anh lại muốn nghỉ việc?

40
Kỹ năng Tìm việc làm

So sánh đối chiếu kinh nghiệm thực Anh thấy quy trình bán hàng ở công ty chúng tôi có
tế trước đây của ứng viên khác biệt gì so với quy trình ở công ty Anh đang làm?

Tình đưa ra cách giải quyết hợp lý, Anh sẽ giải quyết như thế nào khi bị đồng nghiệp nói
huống thuyết phục xấu với khách hàng?

Gây đưa ứng viên vào những tình Sếp yêu cầu bạn làm một việc không đúng quy định
“sốc” huống khó khăn, áp lực khi của công ty, nếu bạn không làm sẽ có thể bị cho nghỉ
phải lựa chọn câu trả lời việc. Bạn có đồng ý làm theo yêu cầu của sếp không?

3.3.4. Kỹ năng trả lời các câu hỏi phỏng vấn


Trong phỏng vấn, sau khi đặt câu hỏi, nhà tuyển dụng sẽ dành thời gian cho ứng viên suy
nghĩ tìm câu trả lời thích hợp. Vì vậy ứng viên không nên vội vàng trả lời câu hỏi nếu chưa có
sự chuẩn bị. Với các câu hỏi đơn giản, ứng viên có thể trả lời sau khi nhà tuyển dụng dứt lời. Với
các câu hỏi tình huống, yêu cầu so sánh hay đưa ra quan điểm riêng, ứng viên có thể trả lời sau
từ 3 đến 5 giây. Ứng viên cần tránh để nhà tuyển dụng đợi quá lâu mới nhận được câu trả lời.
Nếu chưa rõ về nội dung hỏi, hoặc nghe chưa đầy đủ, ứng viên không nên vội vàng trả lời theo
suy diễn của mình mà cần hỏi lại nhà tuyển dụng cho rõ. Việc nghe không rõ câu hỏi sẽ dẫn đến
câu trả lời không chính xác, qua đó nhà tuyển dụng có thể cho rằng ứng viên khá vội vàng, hấp
tấp trong giao tiếp.
Khi trả lời một số câu hỏi, ứng viên có thể chủ động đề cập đến lý do của lựa chọn một
cách ngắn gọn mà không cần đợi người phỏng vấn hỏi “Vì sao”. Điều này làm cho cuộc nói
chuyện diễn ra một cách tự nhiên, nhịp nhàng, không bị gián đoạn bởi những câu hỏi và câu trả
lời quá ngắn.
Nội dung đánh giá ở ứng viên mà nhà tuyển dụng tập trung đặt câu hỏi bao gồm các khía
cạnh sau đây:
Nội dung Câu hỏi/Đề nghị
Khả năng trình bày, diễn đạt Anh/chị hãy trình bày một số nét chính về
Mặc dù một số thông tin có thể đã được ghi bản thân.
rõ trong hồ sơ (CV, thư dự tuyển), tuy nhiên Anh/chị hãy cho tôi biết đôi điều về gia đình
nhà tuyển dụng vẫn thường đề nghị ứng viên của Anh/chị.
trình bày trực tiếp. Trong trường hợp này,
ứng viên cần chọn lọc những thông tin quan
trọng và trình bày ngắn gọn, tránh kể lể dài
dòng.
Tính cách Mọi người thường nhận xét Anh/chị là người
Các câu hỏi này mới nghe có vẻ không liên như thế nào?
quan đến công việc nhưng nội dung trả lời Anh/chị tự nhận thấy mình có những mặt
của ứng viên có thể ảnh hưởng đến quyết mạnh và mặt yếu nào?
định của nhà tuyển dụng. Bên cạnh các kỹ Anh/chị thích làm việc với những người có
năng, nhà tuyển dụng muốn xác định xem tính cách như thế nào?

41
Kỹ năng Tìm việc làm

tính cách của ứng viên có phù hợp với đặc Những hoạt động xã hội nào mà Anh/chị
thù của công việc hay không. Các công việc quan tâm?
đòi hỏi sự bảo mật cao thì không phù hợp với Anh/chị thích môn giải trí nào?
ứng viên có tính cách quá cởi mở. Ai là người ảnh hưởng đến Anh/chị nhiều
nhất?
Khi gặp khó khăn, chán nản trong cuộc sống,
Anh/chị thường tâm sự với ai?
Thái độ đối với công việc Động cơ nào thúc đẩy Anh/chị muốn thay đổi
Thái độ ảnh hưởng đến tính tích cực trong công việc?
công việc của người lao động. Điều này lại Điều khiến Anh/chị thích nhất trong công
liên quan đến hiệu quả cũng như sự cam kết việc này là gì?
trong công việc của họ. Nhà tuyển dụng Anh/chị quan tâm đến yếu tố nào nhiều nhất
thường tìm kiếm ứng viên có thái độ nghiêm khi lựa chọn công việc?
túc, nhiệt tình và sự cam kết cao trong công Trong công việc, điều gì làm Anh/chị hài
việc. lòng nhất?
Quan điểm làm việc, các giá trị quan trọng Tại sao Anh/chị muốn ứng tuyển vào vị trí
trong công việc của ứng viên cũng là yếu tố này?
nhà tuyển dụng phải cân nhắc trong khi ra Kế hoạch nghề nghiệp trong năm tới của
quyết định. Người sử dụng lao động sẽ lưu ý Anh/chị như thế nào?
nhiều hơn đối với ứng viên có cùng quan Theo Anh/chị, như thế nào là hoàn thành tốt
điểm, giá trị của công ty. một công việc được giao?
Nội dung câu trả lời cũng giúp cho nhà tuyển Những thành công nào trong công việc khiến
dụng hình dung ra cách thức xử lý tình Anh/chị hãnh diện nhất?
huống, giải quyết vấn đề của ứng viên trong Khi gặp khó khăn trong công việc Anh/chị
tương lai nếu làm việc tại công ty. Nếu hình thường làm gì?
ảnh liên hệ trong tương lai của ứng viên
không phù hợp với văn hóa của công ty thì sẽ
khiến cho nhà tuyển dụng phải hết sức cân
nhắc trong quyết định tuyển chọn ứng viên
đó.
Kỹ năng và sự hiểu biết về công việc Trách nhiệm chính của Anh/chị trong công
Sự nhận thức đúng đắn về công việc sẽ giúp việc hiện nay là gì?
hình thành thái độ tích cực trong công việc. Khi có bất đồng trong công việc với đồng
Trước khi tham dự phỏng vấn, ứng viên cần nghiệp, Anh/chị thường giải quyết như thế
tìm hiểu đầy đủ về những việc mà vị trí dự nào?
tuyển đảm trách. Không hiểu biết về công Nếu không đồng tình với ý kiến của cấp trên,
việc cho thấy sự thiếu nghiêm túc và thiếu Anh/chị có bày tỏ quan điểm của mình
trách nhiệm của ứng viên. không?
Khi trả lời những câu hỏi này, ứng viên cần Khi gặp khó khăn với khách hàng, Anh/chị
cung cấp thông tin cụ thể, chi tiết. Việc trả sẽ tự mình giải quyết hay tìm sự hỗ trợ của
lời mơ hồ, chung chung không thuyết phục cấp trên?

42
Kỹ năng Tìm việc làm

được người phỏng vấn rằng đó thật sự là Anh/chị hãy nêu một trường hợp cụ thể về
những gì ứng viên đã trải nghiệm. cách giải quyết khó khăn trong công việc của
mình.
Anh/chị đã học hỏi được gì qua quá trình làm
việc trước đây?
Những tính cách nào mà Anh/chị cho rằng
phù hợp với công việc này?
Theo Anh/chị, để làm tốt công việc này đòi
hỏi người phụ trách phải có khả năng nào?
Câu hỏi khác Khi nào Anh/chị có thể bắt đầu công việc?
Thông tin thu nhận từ những câu hỏi này Anh/chị có thể công tác xa nhà được không?
giúp cho nhà tuyển dụng có cái nhìn vừa toàn Mức lương mà Anh/chị mong muốn là bao
diện, vừa cụ thể về ứng viên. Dựa trên những nhiêu?
thông tin có được, nhà tuyển dụng có thể Anh/chị có nguyện vọng nào thêm không?
đánh giá mức độ phù hợp của ứng viên với vị Anh/chị có muốn hỏi thêm điều gì không?
trí tuyển dụng và với công ty. Vì thế, ứng viên
cần cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác.
Sự ngập ngừng, mơ hồ sẽ làm giảm tính tin
cậy cho những thông tin được cung cấp.

Để trả lời tốt trong buổi phỏng vấn, ứng viên cần có các kỹ năng sau:
- Kỹ năng lắng nghe: ứng viên cần tập trung nghe đầy đủ nội dung được hỏi, tóm
tắt nội dung hỏi, hình dung và sắp xếp nội dung trả lời
- Kỹ năng nói: trình bày nội dung trả lời ngắn gọn, chính xác, rõ ràng.
- Kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ: tư thế thoải mái, lưng thẳng; giao tiếp bằng mắt;
cử chỉ dứt khoát, giọng nói tự tin, không có cử chỉ thừa (gãi đầu, xoa tay, đung đưa chân
…)
- Kỹ năng từ chối: không phải mọi vấn đề được hỏi ứng viên đều bắt buộc phải đưa
ra câu trả lời. Việc đưa ra thông điệp từ chối phải được cân nhắc kỹ với lý do thuyết phục.
- Kỹ năng đặt câu hỏi: ứng viên chủ động đưa ra những câu hỏi cho nhà tuyển dụng
chứng tỏ sự quan tâm đến vị trí dự tuyển và có sự chuẩn bị chu đáo trước khi tham dự
phỏng vấn.
Những điều ứng viên nên và không nên đề cập đến khi phỏng vấn:
NÊN:
Ø Đam mê, sự yêu thích trong lĩnh vực công việc dự tuyển
Ø Những thành tích đạt được trong các công việc trước đây
Ø Những tình huống khó khăn trong công việc và cách thức ứng viên đã vượt qua
Ø Sự chủ động trong việc lựa chọn công việc, doanh nghiệp theo những tiêu chí rõ ràng
Ø Khả năng làm việc cùng người khác để đạt được mục tiêu của tổ chức lẫn cá nhân
Ø Những bước ngoặt trong nghề nghiệp và cách thức ứng viên đối phó

43
Kỹ năng Tìm việc làm

Ø Hình ảnh về chính bản thân như là một ứng viên có năng lực, chủ động trong công
việc cũng như có tiềm năng phát triển trong tương lai
KHÔNG NÊN:
Ø Nói dối về công việc và thành tích đạt được cũng như lý do nghỉ việc. Nhà tuyển dụng
có đủ kinh nghiệm để kiểm tra thông tin ứng viên cung cấp là chân thật hay từ trí tưởng tượng.
Không thành thật sẽ để lại ấn tượng xấu với nhà tuyển dụng.
Ø Than phiền về công việc hiện tại. Điều này cho nhà tuyển dụng thấy một ứng viên
không nỗ lực tìm giải pháp mà chỉ tập trung than vãn.
Ø Tranh luận về những vấn đề nhạy cảm. Nếu nhà tuyển dụng đề cập đến những vấn đề
liên quan đến quan điểm về tôn giáo, chính trị hay vấn đề có thể gây tranh cãi, ứng viên nên lắng
nghe nhiều hơn là nói.
Ø Nói xấu đồng nghiệp, sếp và công ty cũ. Việc nói xấu những người từng hợp tác
không giúp ứng viên ghi thêm điểm trong phỏng vấn mà có thể làm nhà tuyển dụng lo ngại việc
ứng viên sẽ làm với họ như vậy trong tương lai.
Ø Sử dụng từ chuyên môn, đặc thù hoặc tiếng lóng. Không phải từ chuyên ngành nào
cũng phổ thông, dễ hiểu. Nếu cần thiết phải sử dụng từ chuyên môn, ứng viên nên có lời giải
thích để đảm bảo mọi người cùng hiểu theo một nghĩa duy nhất.
Ø Kể về mối quan hệ của bạn với những người nổi tiếng hoặc có vị trí xã hội. Nếu nhà
tuyển dụng không hỏi, việc chủ động đề cập những thông tin này có thể khiến ứng viên bị hiểu
lầm là đang có ý “khoe khoang”. Trừ khi yêu cầu công việc cần thiết mối quan hệ rộng rãi, ứng
viên nên cân nhắc chia sẻ những thông tin cá nhân này.
3.3.5. Kỹ năng đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng
Câu hỏi là phương tiện giúp con người đạt được thông tin cần biết trong hoạt động giao
tiếp. Nhà tuyển dụng thông qua câu hỏi để xác định ứng viên phù hợp cho doanh nghiệp của họ.
Ứng viên bên cạnh việc trả lời cũng cần quan tâm đến việc đưa ra câu hỏi cho nhà tuyển dụng.
Câu hỏi giúp ứng viên xác định lại nội dung cần trả lời. Ngoài ra, câu hỏi sẽ thể hiện cho nhà
tuyển dụng thấy sự quan tâm của ứng viên đến nội dung họ đang nói và vị trí bạn đang ứng tuyển.
Trong quá trình trao đổi, khi có vấn đề chưa rõ, ứng viên cần hỏi lại nhà tuyển dụng để
tránh hiểu lầm, hiểu sai ý truyền đạt. Hơn nữa, để cuộc nói chuyện diễn ra tự nhiên, ứng viên
cũng cần chủ động đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng. Trong một cuộc giao tiếp, một người luôn
đặt câu hỏi và một người chỉ làm nhiệm vụ trả lời sẽ khiến cho bầu không khí trở nên tẻ nhạt,
đơn điệu. Ung viên cần phải để ý đến người phỏng vấn và quá trình trao đổi để xác định thời
điểm đặt câu hỏi. Thông thường nhà tuyển dụng đã chuẩn bị sẵn trình tự cuộc phỏng vấn và
không muốn bị cắt ngang. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ứng viên chỉ có duy nhất nhiệm
vụ trả lời. Xác định đúng thời điểm đặt câu hỏi giúp cho ứng viên thể hiện sự tự tin, chủ động
trong cuộc phỏng vấn và tạo được sự kết nối tốt hơn với nhà tuyển dụng. Khi đặt câu hỏi cho nhà
tuyển dụng, ứng viên cần lưu ý các vấn đề sau:
NÊN:
Ø Mỗi câu hỏi chỉ bao gồm 1 ý hỏi
Ø Từ ngữ khi hỏi phải rõ ràng, lịch sự
Ø Câu hỏi có đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ

44
Kỹ năng Tìm việc làm

Ø Hình dung chủ đề Anh/chị đưa ra có thể dẫn đến tình huống mà nhà tuyển dụng hỏi
về vấn đề Anh/chị không muốn trả lời hay không. Nếu câu trả lời là có, Anh/chị cần xem xét lại
việc gợi ý chủ đề đó.
Ø Nếu có những vấn đề Anh/chị không thích thì tránh tập trung vào vấn đề đó khi nó
không trực tiếp liên quan đến công việc của mình.
Ø Chuẩn bị sẵn danh sách các câu hỏi trước khi tham gia buổi phỏng vấn.
KHÔNG NÊN:
Ø Câu hỏi bao gồm nhiều ý hỏi
Ø Hỏi về vấn đề đã được nhà tuyển dụng đề cập trước đó (điều này chứng tỏ ứng viên
thiếu sự lắng nghe) hoặc đã được công bố trên trang web của công ty
Ø Câu hỏi dùng từ không rõ nghĩa, mơ hồ
Ø Câu hỏi đề cập đến vấn đề cá nhân của người phỏng vấn
Ø Hỏi về sự đánh giá của người phỏng vấn đối với bản thân
Ø Vội vàng hỏi về chế độ lương bổng, phụ cấp tiền thưởng … ngay từ đầu cuộc phỏng
vấn (trừ khi Anh/chị biết chắc nhà tuyển dụng đã quyết định chọn mình).
Ø Hỏi về những gì công ty có thể làm cho Anh/chị. Không nhà tuyển dụng nào đánh
giá tốt ứng viên có tính cách ngạo mạn và ích kỷ, cho dù đó thật sự là ứng viên tài năng.
Ứng viên cần thu thập đầy đủ thông tin về nơi làm việc và vị trí đang tuyển để có thể đưa
ra quyết định chính xác. Ứng viên cần đặt câu hỏi khi còn vấn đề nào chưa được cung cấp. Những
nội dung ứng viên có thể hỏi nhà tuyển dụng bao gồm:
Ø Trách nhiệm chính của vị trí tuyển dụng
Ø Chính sách đào tạo phát triển nguồn nhân lực của công ty
Ø Lộ trình nghề nghiệp của bạn khi đảm nhận vị trí này
Ø Cơ cấu tổ chức, phong cách quản lý của ban lãnh đạo và của người quản lý trực tiếp
Ø Cách thức đánh giá hiệu quả công việc
Ø Nhân sự hoặc phòng ban mà vị trí công việc này cần phải tương tác thường xuyên
Ø Những thách thức lớn của vị trí công việc này
Ø Những ưu tiên của công ty cho vị trí này

3.4. NHỮNG LƯU Ý SAU PHỎNG VẤN


Kết thúc các vòng phỏng vấn, ứng viên cần lưu ý các vấn đề sau:
- Ghi chú các thông tin quan trọng: những thông tin liên quan đến công việc ứng tuyển,
công ty được thu thập trong quá trình phỏng vấn cần được ứng viên ghi chú lại cẩn thận. Điều
này sẽ giúp ích cho các vòng phỏng vấn tiếp theo
- Lời cảm ơn: một lá thư cảm ơn vừa thể hiện sự trân trọng với cơ hội phỏng vấn, vừa là
cách giúp nhà tuyển dụng ấn tượng về ứng viên nhiều hơn.
- Tự đánh giá: tham dự phỏng vấn là một quá trình đòi hỏi thái độ nghiêm túc từ trước
khi bắt đầu cho đến khi kết thúc. Kết thúc mỗi vòng phỏng vấn, ngoài thư cảm ơn gửi đến nhà
tuyển dụng, ứng viên cần xem xét, đánh giá lại những thể hiện của mình với nhà tuyển dụng. Tự
đánh giá chính xác sẽ giúp ứng viên có những điều chỉnh phù hợp, hiệu quả cho những lần phỏng
vấn tiếp theo.

45
Kỹ năng Tìm việc làm

- Kế hoạch hành động: một số vị trí tuyển dụng có thể yêu cầu ứng viên thực hiện kế
hoạch hành động nếu như nhận việc. Ứng viên cần lưu ý thu thập đầy đủ thông tin cần thiết để
có thể xây dựng một kế hoạch chi tiết, hợp lý. Trong xây dựng mục tiêu, ứng viên cần cân nhắc
mức độ và thời điểm hoàn thành. Ứng viên luôn có nhiều hoài bão, nhiệt huyết với các thử thách
mới. Tuy nhiên, thực tế trong công việc có rất nhiều khó khăn, thử thách. Vì vậy, ứng viên không
nên chủ quan đưa ra những mục tiêu quá lớn với những mốc thời gian hạn hẹp để chứng tỏ khả
năng. Mục tiêu phải khả thi, cụ thể và trong khả năng thực hiện.
Xem xét lại toàn bộ quá trình phỏng vấn: trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về lời
mời nhận việc của nhà tuyển dụng, ứng viên cần có sự đánh giá lại toàn bộ vấn đề liên quan bằng
cách trả lời các câu hỏi sau:
Đánh giá công việc: Anh/chị phải chắc chắn vị trí tuyển dụng đó đúng là công việc
Anh/chị đam mê, yêu thích.
Cơ hội đào tạo, phát triển năng lực: thực hiện công việc có giúp Anh/chị phát triển chuyên
môn nghiệp vụ? Công ty có tạo cơ hội cho Anh/chị được huấn luyện nhằm nâng cao kiến thức,
kỹ năng?
Môi trường văn hóa công ty: đặc trưng văn hóa của công ty có phù hợp với Anh/chị? Khả
năng Anh/chị có thể hòa hợp và thích nghi với những nét văn hóa của công ty là bao nhiều phần
trăm?
Lương và chế độ phúc lợi: mức lương Anh/chị được nhận có tương xứng với phạm vi
trách nhiệm công việc và năng lực của Anh/chị? Chính sách phúc lợi của công ty có đáp ứng các
mong đợi và làm cho Anh/chị an tâm cống hiến?
Cấp trên và đồng nghiệp: những người sẽ cùng làm việc với Anh/chị trong tương lai có
phải là những người mà Anh/chị có thể hợp tác, học hỏi để cùng nhau đạt được mục tiêu công
việc tốt nhất?
Nếu phần lớn câu trả lời là không thì ứng viên cần cân nhắc lại quyết định nhận việc của
mình. Nếu chọn lựa một công việc không phù hợp sẽ làm mất thời gian của cả hai phía cũng như
bỏ lỡ những cơ hội khác phù hợp hơn cho chính mình.
Nếu phần lớn câu trả lời là có, đó chính là công việc mơ ước của bất kỳ ứng viên nào.
Khi đã quyết định nhận việc, ứng viên cần thực hiện đầy đủ, chính xác những thỏa thuận với
công ty mới. Bàn giao công việc ở công ty cũ là điều ứng viên cũng phải hoàn thành trước khi
nhận việc mới. Điều này sẽ thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của ứng viên. Ngược lại nếu chưa
đạt được vị trí mong muốn, ứng viên cần tìm hiểu nguyên nhân cụ thể để có sự chuẩn bị tốt hơn
cho đợt phỏng vấn ở công ty khác.
Những việc cần làm nếu kết quả phỏng vấn là thất bại:
Thất bại trong phỏng vấn là kết quả không ai mong muốn, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra
với bất kỳ ứng viên nào – từ ứng viên mới ra trường cho đến những ứng viên nhiều kinh nghiệm.
Việc xác định nguyên nhân thất bại một cách nghiêm túc sẽ giúp cho ứng viên có những kinh
nghiệm làm cơ sở cho thành công của cuộc phỏng vấn tiếp theo. Điều bạn ứng viên cần làm để
tìm ra những giá trị cho lần phỏng vấn thất bại này là trả lời các câu hỏi sau:
- Những lý do nhà tuyển dụng trả lời cho việc từ chối hợp tác với Anh/chị là gì? Lý do
đó có hợp lý không?

46
Kỹ năng Tìm việc làm

- Có điều gì liên quan đến nội dung trả lời hay cách ứng xử của Anh/chị khiến cho nhà
tuyển dụng thay đổi ý định hợp tác của họ đối với Anh/chị?
- Thư dự tuyển và thông tin ứng viên mà Anh/chị cung cấp có phải được trình bày chuyên
nghiệp, hướng vào một công việc cụ thể không? Thư dự tuyển có thể hiện được Anh/chị là ứng
viên phù hợp với vị trí đó không?
- Anh/chị có những kiến thức, kỹ năng phù hợp với công việc dự tuyển không?
- Anh/chị có thành thật trong những thông tin chia sẽ về quá trình làm việc trước đây
không? Những người tham khảo Anh/chị cung cấp có phản hồi những thông tin tích cực về
Anh/chị cho nhà tuyển dụng không?
- Anh/chị có thể hiện được sự cam kết, gắn bó cao trong lĩnh vực công việc Anh/chị dự
tuyển không?
- Anh/chị có tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng bằng sự tự tin, khả năng giao tiếp
tốt và cầu thị không?
Đôi khi vấn đề có thể không nằm ở ứng viên, mà nguyên nhân có thể do công việc và
công ty không phù hợp. Vì vậy việc lượng giá lại toàn bộ quá trình tham gia phỏng vấn sẽ cho
ứng viên những câu trả lời chính xác về những gì ứng viên đã làm được và những gì chưa tốt.
Thành công trong phỏng vấn đòi hỏi ở người tham dự quá trình chuẩn bị cẩn thận, sự tập luyện
nghiêm túc và tinh thần lạc quan, tích cực sau mỗi đợt tham dự phỏng vấn.

CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG 3


Câu 1: Có những dạng bài kiểm tra nào thường được sử dụng trong phỏng vấn tuyển dụng?
Câu 2: Ứng viên cần phải chuẩn bị những gì trước khi tham dự một cuộc phỏng vấn tìm việc?
Câu 3: Làm thế nào để xây dựng hình ảnh của một ứng viên chuyên nghiệp trong mắt nhà tuyển
dụng?
Câu 4: Theo Anh/chị có những hình thức phỏng vấn tuyển dụng nào?
Câu 5: Để trả lời tốt các câu hỏi trong buổi phỏng vấn, ứng viên cần có các kỹ năng nào?
Câu 6: Ứng viên cầu chú ý những gì khi đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng?
Câu 7: Đàm phán trong phỏng vấn tìm việc bao gồm những bước nào?
Câu 8: Ứng viên cần chú ý thực hiện những gì sau khi kết thúc cuộc phỏng vấn?
BÀI TẬP THỰC HÀNH
Anh/chị hãy thực hiện những công việc cần thiết để dự tuyển vào vị trí cụ thể tại một doanh
nghiệp phù hợp với khả năng hiện tại. Yêu cầu:
1. Xác định vị trí dự tuyển phù hợp
2. Phân tích yêu cầu tuyển dụng
3. Chuẩn bị hồ sơ dự tuyển: Thông tin ứng viên, Thư dự tuyển, bằng cấp, chứng chỉ liên quan
4. Gửi hồ sơ bằng email cho nhà tuyển dụng (Giảng viên)
5. Tham dự phỏng vấn với nhà tuyển dụng (Giảng viên)
6. Gửi email cảm ơn nhà tuyển dụng (Giảng viên)

47
Kỹ năng Tìm việc làm

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Alpha Books (Biên soạn). 2010. Bản CV hoàn hảo. NXB Lao động – Xã hội
2. Alpha Books (Biên soạn). 2013. Chọn nghề theo tính cách. NXB Thanh Niên
3. Alpha Books (Biên soạn). 2015. Vượt qua thử thách trong phỏng vấn tuyển dụng. NXB Lao
động – Xã hội
4. Huỳnh Phú Thịnh, 2007. Kỹ năng tìm việc làm (Tài liệu phục vụ chuyên đề rèn luyện kỹ năng
sống cho sinh viên thiệt thòi trường ĐH An Giang – dự án P.H.E
5. Lynn Williams. 2015. Cuốn sách số 1 về tìm việc. NXB Lao động – Xã hội; ThaiHabooks
6. Shoya Zichy & Ann Bidou. 2018. Nghề nào cho bạn nghề nào cho tôi. NXB Lao động–Xã hội
7. Robert Heller.2004. Nghệ thuật tuyển dụng Nhân sự. NXB Văn hóa – Thông tin
8. Rebecca Tee. 2005. Phát triển nghề nghiệp. NXB Tổng hợp Tp.HCM
9. Ros Jay. 2015. Thật đơn giản – Phỏng vấn tuyển dụng, NXB Lao động
10. Co-operative Education Program and Career. 2011.What’s the difference between a CV and
a resumé, University of Victoria

Website:
https://www.accacareers.com/career_centre/uk/big-4-aptitude-tests-2/
http://www.ftmsglobal.edu.vn/phong-van-thu-free-online-test

48
Kỹ năng Tìm việc làm

PHỤ LỤC

Mẫu 1

HỒ SƠ ỨNG TUYỂN VIỆC LÀM


ẢNH
(4x6cm)
VỊ TRÍ ỨNG TUYỂN: ………………………………………………
THÔNG TIN CÁ NHÂN:

Họ và tên:…………………………………………………………………….
Ngày tháng năm sinh:………………………………………………………..
Số CMND: ……………........... …. Ngày cấp: ………....……….……… Nơi cấp:
………………
Tình trạng hôn nhân: Độc thân Đã kết hôn Ly dị Giới tính: Nam Nữ

Chỗ ở hiện tại:


.........................................................................................................................................................
Hộ khẩu thường trú:
.........................................................................................................................................................
Số Điện thoại: Nhà riêng: ................. …… Di động: .......................... …
Email:. ..............................................
Chiều cao:……………………………………. Cân
nặng:……………………………………………
TRÌNH ĐỘ HỌC VẤN

Thời gian đào tạo Bằng


Tên trường Chuyên ngành cấp/Chứ
ng chỉ
Từ năm Đến năm

KINH NGHIỆM LÀM VIỆC

Thời gian làm việc Mức


Lý do nghỉ
Tên Công ty Chức danh lương
việc
Đến (net)
Từ năm
năm

49
Kỹ năng Tìm việc làm

QUAN HỆ GIA ĐÌNH (Cha, Mẹ, Anh, Chị, Vợ, Chồng, Con)
Mối quan Năm
Họ và tên Nghề nghiệp Nơi công tác
hệ sinh

NHỮNG THÔNG TIN KHÁC


1. Anh/Chị có người ruột thịt/ họ hàng đang làm việc tại Tập đoàn Vingroup không?
Có Không

Nếu có, xin vui lòng ghi rõ: Họ tên, Chức danh , Đơn vị công tác

.................................................................................................................................................................
.................................................................................................................................................................
.................................................................................................................................................................
.................................................................................................................................................................
2. Anh/Chị đã từng ứng tuyển vào một vị trí nào khác tại Tập đoàn Vingroup?
Có Không

Nếu có, xin vui lòng ghi rõ: Vị trí, Tên Công ty, Thời gian ứng tuyển

.................................................................................................................................................................
.................................................................................................................................................................
3. Trong trường hợp khẩn cấp, chúng tôi có thể liên hệ với ai?

Họ tên:................................................. Mối quan hệ: ......................................................


Số điện thoại: ..................................... Địa chỉ: ..............................................................
4. Mức lương tối thiểu Anh/Chị mong muốn:…………Net .............................Gross
5. Thời gian có thể bắt đầu làm việc tại Công ty:………………………………………………
Tôi xin cam đoan những thông tin trên là đầy đủ và chính xác. Nếu có những thông tin không
đúng sự thật, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm và chấp nhận hình thức Sa thải (nếu đã được
Công ty tuyển dụng).

ỨNG VIÊN
(Ký và ghi rõ họ tên)

50
Kỹ năng Tìm việc làm
Mẫu 2
PHỤ LỤC
THÔNG TIN CÁ NHÂN
Họ và tên:
Ngày sinh:
Địa chỉ liên hệ:
Điện thoại:
Email:

QUAN ĐIỂM NGHỀ NGHIỆP


Làm việc hết mình vì sự phát triển vững bền của Công ty.
TRÌNH ĐỘ HỌC VẤN
- Cử nhân Quản lý công nghiệp, chuyên ngành Quản trị kinh doanh, trường Đại học Bách
Khoa TP. HCM
- Chuyên viên Quản lý thương hiệu (APO)
- Chuyên viên Marketing Manager (VietNamMarcom)
KINH NGHIỆM LÀM VIỆC
- Đăng quảng cáo, tiếp thị qua mạng.
- Làm gia sư cho học sinh lớp 6.
HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA
- Trao đổi, phỏng vấn Phó phòng Tin dụng Ngân hàng BIDV.
- Trao đổi với Giám đốc công ty Daiko Đào Thanh Vân.
- Tham gia chương trình Nụ cười đêm trăng 2012 tổ cho các em có hoàn cảnh khó khăn.
- Tham gia Tiếp sức mùa thi 2012.
KỸ NĂNG
- Sử dụng thành thạo vi tính văn phòng: Microsoft Word, Excel, Power Point, Access.
- Giao tiếp tiếng Anh tốt.
- Có kỹ năng giao tiếp, trình bày tốt.
- Chăm chỉ, biết tổ chức sắp xếp công việc và có tinh thần trách nhiệm.
- Dễ dàng thích nghi với môi trường mới.
SỞ THÍCH: Chơi cầu lông, đọc sách; giao lưu kết bạn với nhiều người và nghe nhạc khi rảnh
rỗi.

51
Kỹ năng Tìm việc làm
Mẫu 3
HỌ VÀ TÊN ỨNG VIÊN THÔNG TIN ỨNG VIÊN

HÌNH
1. THÔNG TIN CÁ NHÂN

Vị trí dự tuyển: CHUYÊN VIÊN NHÂN SỰ


Tôi yêu thích công việc và trân trọng con người, có khả năng học hỏi nhanh các kiến thức mới để
áp dụng trong thực tế. Được trang bị đầy đủ và hệ thống kiến thức quản trị nhân sự, với hơn 2 năm kinh
nghiệm trong nghề và gần 2 năm là thành viên của diễn đàn http://hrlink.vn, tôi rất mong muốn được thể
hiện những gì mình đã học được!
2. KINH NGHIỆM LÀM VIỆC
Thời gian Công việc Công ty Công việc đã từng tham gia
4/2008 đến CTV diễn đàn Diễn đàn CLB - Cộng tác viên diễn đàn, Mod quản lý box
nay http://hrlink.vn Giám đốc nhân Luật lao động, BHXH.
02/2008 – Phụ trách công tác CTCP
sự Phát triển - Phụ trách công tác hành chính – nhân sự của
nay hành chính nhân sự nhà Tây Đô công ty;
- Quản lý hồ sơ dự án.
12/2007 – Nhân viên Nhân sự Tập đoàn Tân - Phụ trách công tác tuyển dụng các vị trí cho
02/2008 kiêm trợ lý TP NS Hồng Hà các công ty thành viên
- Quản lý hồ sơ nhân sự của Tập đoàn.
- Giải quyết thủ tục cho nhân viên thử việc,
thủ tục nghỉ việc cho nhân viên.
- Quản lý và biên soạn HĐ thử việc, HĐLĐ
chính thức.
- Thực hiện công tác BHXH.
- Trợ lý TP. Tổ chức – Hành chính trong công
tác soạn thảo văn bản hành chính, sửa đổi bổ
sung các quy trình, quy định của Tập đoàn,
cập nhật Hồ sơ lương của CBNV trong tập
23/11 – Cộng tác viên nhập Trung đoàn.
tâm - Nhập 300 bảng câu hỏi trong 3 ngày
25/11/2007 liệu VNData – FPT - Kết quả: Hoàn thành công việc.
IS – 101 Láng
01/2007 – Nhân viên văn TNHH Quốc tế - Nhập Feedback theo phần mềm.
Hạ - Hà Nội
10/2007 phòng bán thời Khánh Sinh – - Quản trị máy tính văn phòng.
gian 24C Lý Quốc Sư - Hướng dẫn sử dụng phần mềm WinFAX
– Hoàn Kiếm – Pro10, …
Hà Nội - Cài đặt phần mềm cho các máy tính trong văn
phòng.
- Cập nhật dữ liệu lên website Tiếng Anh và
tiếng Việt của công ty (http://khanhsinh.com).

52
Kỹ năng Tìm việc làm

3. QUÁ TRÌNH HỌC TẬP


Thời gian Trường Chuyên ngành Bằng cấp Xếp loại

10/2008 - Liên thông


ĐH Lao động – Xã hội Quản trị nhân sự Khá (dự kiến)
04/2010 CĐ lên ĐH
10/2004 - Quản trị nhân sự
ĐH Lao động – Xã hội Cử nhân Khá (7.76)
07/2007 (Hệ cao đẳng chính quy)
Công nghệ thông tin
10/2003 - ĐH Công nghệ thông tin - Khá (7.2)
(Hệ đào tạo từ xa qua Cử nhân
12/2007 ĐH Quốc gia TPHCM
mạng tin học Viễn thông)
4. KHÓA ĐÀO TẠO NGẮN HẠN
Thời gian Cơ sở đào tạo Khóa đào tạo Bằng cấp
Ngày The R Vietnam JSC Quản lý bản thân dành cho Chứng chỉ hoàn thành
23/12/2009 Nữ doanh nhân, Nữ quản lý khóa học
Từ 17/8- The R Vietnam JSC Những kỹ năng làm việc Chứng chỉ hoàn thành
08/10/2009 chuyên nghiệp (13 kỹ năng) khóa học
Ngày AMICA Kỹ năng giám sát công việc Chứng chỉ hoàn thành
15&16/8/200 hiệu quả khóa học
9
Trung tâm hỗ trợ doanh NHẬN THỨC VỀ CHẤT
Từ 25 đến Giấy chứng nhận hoàn
nghiệp vừa và nhỏ (TAC Hà LƯỢNG VÀ QUẢN LÝ
29/8/2008 thành khóa học
Nội) CHẤT LƯỢNG TOÀN
DIỆN (TQM)
Trung tâm Hợp tác nguồn
Từ 01/4 – “Quản trị hành chính văn Giấy chứng nhận hoàn
nhân lực Việt Nam – Nhật Bản
08/4/2008 phòng và nghiệp vụ thư ký” thành khóa học
(VJCC)

5. KHẢ NĂNG BẢN THÂN


- Khả năng làm việc độc lập Cao þ Trung bình ¨ Thấp ¨
- Kỹ năng làm việc nhóm Cao þ Trung bình ¨ Thấp ¨
- Khả năng làm việc theo kế hoạch Cao þ Trung bình ¨ Thấp ¨
- Khả năng thuyết phục người khác Cao þ Trung bình ¨ Thấp ¨
- Tính tự tin, quyết đoán Cao þ Trung bình ¨ Thấp ¨

53
Kỹ năng Tìm việc làm
Mẫu 4

54
Kỹ năng Tìm việc làm

Mẫu 5

55
Kỹ năng Tìm việc làm

Mẫu 6
Họ và tên
Địa chỉ:
Điện thoại:
Email:
THƯ ỨNG TUYỂN
Vị trí…
Tp. Hồ Chí Minh, ngày tháng năm

Kính gửi: Hội đồng tuyển dụng …

Thông qua trang https://www.instagram.com/mori_daydream/, tôi được biết cửa hàng đang có
nhu cầu tuyển dụng nhân viên partime. Mori Daydream là môi trường làm việc tôi đã mong muốn
từ lâu vì không chỉ được trau dồi kinh nghiệm mà đây còn như gia đình thứ hai của tập thể nhân
viên.
Tôi hiện đang là sinh viên năm hai trường Đại học Tài Chính – Marketing, chuyên ngành Thương
mại quốc tế. Trong 4 tháng làm việc tại vị trí sale assistant ở Gago shop, tôi đã học được kĩ năng
tư vấn cho khách hàng, cách tạo đơn bán hàng, kiểm hàng ở kho và quản lí hàng hóa khi nhập và
xuất đi tỉnh. Tôi từng là nhân viên xuất xắc và nhân viên có doanh thu cao nhất 2 tháng liên tiếp.
Ngoài ra, kĩ năng tin học như sử dụng thành thạo Internet, Microsoft Office cùng với khả năng
giao tiếp lưu loát với khách ngoại quốc đã giúp tôi đạt được thành tích trên.
Chân thành cảm ơn Hội đồng tuyển dụng đã dành thời gian xem xét hồ sơ của tôi. Tôi mong nhận
được phản hồi sớm nhất để tôi có cơ hội trình bày nhiều hơn về sự phù hợp của bản thân với vị
trí mà cửa hàng đang tuyển.

Trân trọng,
Kính thư
Ứng viên

Họ và tên

56
Kỹ năng Tìm việc làm

Mẫu 7

THƯ ỨNG TUYỂN VỊ TRÍ TRỢ LÝ NHÃN HIỆU


– CÔNG TY SỮA VINAMILK

Ngày 28 tháng 9 năm 2017,

Kính gửi: Ông/ Bà … - Trưởng Phòng Nhân Sự


Công ty Cổ phần sữa Việt Nam

Thông qua website vinamilk.com.vn, tôi được biết Quý công ty đang cần tuyển vị trí Trợ
lý nhãn hiệu. Tôi mong muốn được ứng tuyển vị trí này để thử sức mình trong môi trường làm
việc hết sức năng động ở công ty Vinamilk.
Tôi mới tốt nghiệp khoa Quản lý công nghiệp, trường Đại học Bách Khoa TP. HCM. Với
tính cách hướng ngoại, trưởng thành cũng như các kỹ năng và vốn kiến thức về lĩnh vực thương
mại, tôi hoàn toàn tự tin có thể đảm nhận vị trí này.
Tôi tham gia ứng tuyển vị trí này vì tôi muốn được thăng tiến với các vị trí quản lý từ
thấp tới cao. Tôi luôn quan tâm tới những sản phẩm chất lượng, bổ dưỡng và ngon miệng của
nhà sản xuất sữa hàng đầu tại Việt Nam – Vinamilk. Tôi luôn muốn góp sức mình cùng công ty
để Vinamilk trở thành niềm tin số một Việt Nam về sản phẩm dinh dưỡng và sức khỏe phục vụ
cuộc sống con người.
Cảm ơn Ông/ Bà đã dành thời gian quý báu để xem xét hồ sơ của tôi. Tôi rất mong có thể
tham dự cuộc phỏng vấn để có thể trình bày rõ hơn về bản thân cũng như tìm hiểu thêm các yêu
cầu chi tiết cho vị trí này. Ông/ Bà có thể liên lạc với tôi bất cứ lúc nào.

Kính thư

Họ và tên ứng viên

57
Kỹ năng Tìm việc làm

Mẫu 8

MẪU THƯ ỨNG TUYỂN VÀO CÔNG TY VENUS

June 28, 2017

Mr. Minh
Venus Communications Ltd
90 Ky Con Street, Ward Nguyen Thai Binh
District 1
Ho Chi Minh City, Vietnam

Dear Mr. Minh,


Application for the Press Relations Manager position in Venus Communications Ltd
According to the vietlambank.com, I learned that your company is currently looking for a Press
Relations Manager in which I am very interested. From my research on your company, I have
developed my interest in working for Venus Communications Ltd owing to the fact that the
position requirements suit my education background and professional skills.
A dynamic individual with good academic standing, and a wide-spectrum of experiences, that is
what I can bring to your organization in the Press Relations Manager position. I have just
completed a Master of Science with specialization in Marketing from the joint between Institute
Singapore and University of Wales. With my concentration in Public Relations and Advertising,
I am entirely confident that I am able to apply my theoretical and empirical studies of marketing
quickly and efficiently if I stand a chance to work for well-known firm like Venus
Communications Ltd.
Apart from my education background, I am young, very active and enthusiastic. Therefore, I
hope to seek an opportunity to experience myself in a challenging but stimulating working
environment which undoubtedly fully enhance both my capabilities and my professional
experience. I believe that I am eligible for your vacant position and I would perform my best
once I become an integrated element of your organization.
I am confidence that employment with your organization will be mutually beneficial. I look
forward to meeting you in person to further elaborate what my enclosed resume is not able to
furnish. I can be contacted at ……………. or .........@yahoo.com
Thank you for your consideration.
Yours truly,

58
Kỹ năng Tìm việc làm

Bài đọc thêm số 1:


PHỎNG VẤN XIN VIỆC
Nguồn: Café sáng Cùng Tony

Rất đông sinh viên bây giờ có 2 cái nghiệp là tốt nghiệp và thất nghiệp. Nghịch lý là
doanh nghiệp nào cũng than thở là tìm không ra nhân viên giỏi. Cung và cầu đều rất lớn, nhưng
sao không gặp nhau?
Các bạn sinh viên nên coi lại mình. Sức lao động là một loại hàng hóa đặc biệt, và lương
chính là giá cả của hàng hóa đó. Nên hàng tốt giá cao và ngược lại. Có hàng bán chạy cũng có
hàng tồn kho. Nên mỗi bạn phải tự thay đổi, để chất lượng tốt, mẫu mã đẹp mới dễ bán. Vì sức
hàng hóa là sản phẩm có thể thay đổi theo quyết tâm của mỗi cá nhân. Tập thể dục thể thao cho
cơ thể tráng kiện. Hớt tóc gọn gàng, ăn mặc sạch sẽ thơm tho để ngoại quan dễ coi một chút. Rồi
chăm chỉ đọc sách, học ngoại ngữ, đọc báo tin tức kinh tế xã hội, tăng cường kỹ năng giao tiếp.
Cần gì phải lên trung tâm, không có tiền thì học kiểu không có tiền. Mở internet ra, gì không có.
Vô youtube.com, tha hồ giọng Anh giọng Mỹ. Lên các nhà văn hóa thanh niên tham gia câu lạc
bộ tiếng Anh, các nhóm này nhóm kia, chạy bộ ở công viên, chạy trước nhà trọ, chạy trong phòng
cũng được. Làm thêm chẳng từ việc gì để cọ xát thực tế.
Ngày xưa, từ năm 2 năm 3 là Tony và các bạn cùng trang lứa đã làm thêm đủ nghề, từ
phục vụ bàn, mở cửa ở khách sạn, tiếp thị, điều tra thị trường, bán hàng… vừa có tiền vừa có
kinh nghiệm. Và bữa phỏng vấn chính là bữa GIỚI THIỆU và ĐÀM PHÁN BÁN HÀNG HÓA
SỨC LAO ĐỘNG, nên phải chuẩn bị chu đáo.
Có hàng hóa tốt rồi tổ chức rao bán khắp nơi, ở Hà Nội hết việc thì đi Đắc Lắc. Tụi Tây
tụi Nhật, nhà giàu gấp mấy lần mình mà vẫn đi châu Phi làm việc có sao đâu. Đời người như cái
đồng hồ cát, maximum 100 năm, một ngày sống là một ngày mình càng gần đến cái chết, mắc
mớ gì mình lành lặn chân tay, biết đọc biết viết mà sáng ngủ dậy, rồi ăn, rồi ngủ, rồi hết ngày,
uổng vậy. Đừng đổ lỗi cho ai. Đâu có thể thay đổi chương trình giáo dục, cũng đâu có thể thay
đổi thầy cô, chỉ có một giải pháp duy nhất là TỰ THAY ĐỔI MÌNH.
Giờ các doanh nghiệp nước ngoài, các công ty tư nhân... không quan tâm tốt nghiệp
trường nào cả, qua được bài test IQ, EQ, kiến thức xã hội và tiếng Anh là vô làm. Còn giỏi nữa
thì xuất khẩu qua nước ngoài làm việc. Không thì mở cái gì đó tự làm. Bỏ mấy trăm ngàn làm
vốn, xuống ngoại thành mua rau về đầu hẻm ngồi bán cũng được vậy. Hỏi lý do thất nghiệp,
đụng cái đám vớ vẩn này là tụi nó đổ thừa xoen xoét. Tại nền giáo dục, tại thầy cô, tại cái trường,
khởi nghiệp làm gì có vốn, thất nghiệp vì không có quen biết lớn, không ai xin cho mình đi làm...
toàn lý do của người khác chứ không bao giờ nói TẠI MÌNH. Nên các bạn gặp đám này, nói
thẳng luôn: thất nghiệp là tại mày LƯỜI chân tay và LƯỜI động não.
Tony phỏng vấn nhiều sinh viên mới tốt nghiệp và thấy buồn. Điều kiện học tập tốt hơn,
sao chất lượng của hàng hóa sức lao động lại xuống? Kỹ năng tư duy giải quyết vấn đề, giao tiếp,
tâm lý.... phần lớn đều không bằng xưa. Hệ thống giáo dục ư, Tony và các bạn thế hệ Tony cũng

59
Kỹ năng Tìm việc làm

đào tạo từ các nhà máy ấy. Phương pháp đào tạo ư, thậm chí các bạn bây giờ có phương pháp
đào tạo tiên tiến hơn. Internet phổ cập, giáo trình kinh doanh trường Harvard hay ĐH Cà Mau
đều giống nhau cả. Vậy tại sao lại dở hơn xưa?
Bèn tự mình giải thích. Có thể do kinh tế gia đình bây giờ cũng đủ đầy nên chu cấp cho
con cái khá nhiều, làm triệt tiêu khả năng phải làm việc để tồn tại của một số bạn. Có nhiều bạn
kể với Tony, tốt nghiệp xong, em đi làm cũng được mà không đi cũng được, tháng nào cũng có
mấy triệu gia đình gửi lên xài. Nên thái độ với công việc không tốt vì không có áp lực và đam
mê. Tony có lần hẹn phỏng vấn bạn kia, đọc lý lịch thấy bằng cấp rồi ngoại ngữ tin học, tham
gia hoạt động xã hội đều tuyệt vời, thế là hẹn 2h chiều hôm sau lên phỏng vấn. Ngồi đợi đến 3h
không thấy đâu, sợ cậu ấy bị sự cố gì đó nghiêm trọng nên không gọi lại hủy cuộc hẹn được, mới
điện hỏi ai dè nó nói anh ơi em quên mất. Giờ em đang ngủ trưa, có gì mai em lên được không?
Dạ được, anh Hai.
Có cô bé kia tốt nghiệp loại giỏi, phỏng vấn đã đời vào làm được 2 ngày thì lấp ló vào
phòng Tony. Mình hỏi có việc gì hem, nó nói em xin nghỉ vì công việc ở đây không phù hợp.
"Em tốt nghiệp về quản trị mà đi làm lính như thế này, má em biết má em mắng chết. Em phải
làm công việc đúng chuyên môn đào tạo là một nhà quản trị chiến lược". Dạ, thôi em về kêu má
em mở công ty rồi em ngồi quản trị chiến lược cho cái công ty ấy đi, chứ ở đây chỉ có mình anh
làm việc đó thôi, em đòi làm thì anh thất nghiệp sao.
Rồi hồ sơ xin việc sơ sài phát ớn. Đâu cái đơn mua ngoài cửa hàng tạp hóa, viết vài chữ
ở chỗ chấm chấm chấm. Rồi giấy khám sức khỏe cái chi cũng 10/10, cứ như bác sĩ tặng không.
Rồi thấy ghi “Kính gửi công ty phân bón Phượng Hồng” mang đến nộp, mình nói đây là công ty
Phượng Tím em à, nó cãi Phượng Hồng. Mình nói ủa công ty của anh thì anh phải biết chớ, tên
là Phượng Tím. Nó cãi một hồi thấy không xong nên nói thôi để em sửa lại, miệng lầm bầm nói
Phượng Hồng không đặt, đặt Phương Tím nghe lúa thấy mẹ (mình đoán được, Tony vốn bậc thầy
trong nghệ thuật nhép miệng đoán chữ).
Có đứa đi phỏng vấn còn dắt theo một đám bạn ngồi lao nhao ngoài cửa, mình hỏi xin
vui lòng cho biết ai đang xôn xao ngoài đó, nó nói dạ đám bạn thân của em. Mình hỏi, ơ mang
theo chi vậy, nó nói tại tụi em đi chung cho vui. Lỡ anh không chịu nhận em thì em giới thiệu
đứa khác vô liền cho anh coi. Ôi dễ thương quá.
Thời gian toàn là facebook với chat chit, vậy mà đơn xin việc nào cũng ghi sở thích là
“đọc sách và thể thao”. Cái mình hỏi, thấy bạn ghi sở thích là đọc sách, thế chẳng hay cuốn sách
bạn đang đọc có tựa đề gì. Nó bị bất ngờ, và vì nói xạo nên ấp úng một hồi rất lâu rồi trả lởi "Dạ,
truyện cổ tích". Đó là tất cả nó biết về văn hóa đọc. Còn thể thao, em đang chơi môn thể thao nào
vậy. Nó nói dạ em hay quánh bida độ vào buổi tối. Thỉnh thoảng cũng có đánh bài như tiến lên
xập xám phỏm bài cào. Cũng vận động tay mắt rất kinh anh à.
Ừa, thấy em hay quá, anh sẽ nhận em.

60
Kỹ năng Tìm việc làm

Bài đọc thêm số 2:


SINH VIÊN CẦN CHUẨN BỊ GÌ KHI TỐT NGHIỆP

Khi bước vào năm học cuối cùng của giảng đường đại học, hầu hết các sinh viên không
khỏi băn khoăn và lo lắng về việc tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Vậy, các bạn sinh viên
phải chuẩn bị những gì khi đi xin việc và phỏng vấn xin việc?
Nhiều giám đốc tuyển dụng cho biết kinh nghiệm có liên quan đến công việc sắp tới của
ứng viên là yếu tố quan trọng nhất trong quyết định tuyển người. Thật không may, sinh viên mới
ra trường thường xem nhẹ những trải nghiệm mà họ thu lượm được qua các đợt thực tập, công
việc bán thời gian cũng như hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, phần đông nhà tuyển dụng lại
xem hoạt động tình nguyện cũng là dạng kinh nghiệm đáng ghi nhận.

Tự tin dù chưa có kinh nghiệm


Hầu hết các bạn sinh viên mới ra trường đều rất bỡ ngỡ trong quá trình tìm kiếm việc
làm và tiếp cận với các doanh nghiệp để xin việc làm. Một điều dễ nhận thấy rằng hầu hết các
doanh nghiệp khi đăng thông tin tuyển dụng đều đòi hỏi ứng viên phải có kinh nghiệm trong khi
sinh viên mới ra trường, nếu không có doanh nghiệp nào nhận vào làm, không đi làm thì lấy
kinh nghiệm ở đâu?
Trả lời câu hỏi này, nhiều doanh nghiệp cho rằng, dù yêu cầu như vậy nhưng doanh
nghiệp vẫn tiếp nhận hồ sơ của các bạn chưa có kinh nghiệm. Do đó các bạn không nên e ngại
khi có ý định nộp hồ sơ xin việc vào các doanh nghiệp. Dù chưa có kinh nghiệm, chưa từng làm
ở đâu nhưng trong thời gian thử việc, nếu các bạn thể hiện được khả năng của mình thì doanh
nghiệp cũng không thể từ chối các bạn được!
Muốn tìm kiếm một công việc ổn định, bạn hãy chuẩn bị cho mình một hành trang xin
việc đầy đủ.

Sinh viên mới ra trường: Tôi là ai?


Có thế nói rằng, việc xuất hiện ngày càng nhiều các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn
quốc tế lớn đã mang đến cho các bạn sinh viên mới ra trường rất nhiều cơ hội việc làm và tất
nhiên cả cơ hội thăng tiến nữa. So với các tỉnh, thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Bình
Dương, Đà Nẵng… thì các bạn sinh viên mới ra trường ở các tỉnh khác có ít cơ hội hơn nhưng
không phải là không có.
Trước hết các bạn phải xem công việc đó có phù hợp, có đúng với chuyên ngành mà
mình đã học hay không? Ngoài ra các bạn cần phải xem mình có những khả năng gì nổi bật mà
trong công việc sắp tới mình có thể phát huy thế mạnh đó không? Khả năng giao tiếp, kinh
nghiệm, các văn bằng chứng chỉ như Anh Văn, Vi tính… cũng là yếu tố đặc biệt quan trọng,
cộng điểm cho các bạn khi gửi hồ sơ xin việc. Đánh giá được khả năng và sở trường của mình
sẽ giúp các bạn lựa chọn được công việc phù hợp với mình hơn và khả năng “lọt” vào “tầm
ngắm” của nhà tuyển dụng cũng sẽ cao hơn.
Với các bạn sinh viên, trong quá trình học tập ở nhà trường thường tham gia các phong
trào, hoạt động của đoàn, hội của trường sẽ giúp các bạn năng động hơn và các doanh nghiệp

61
Kỹ năng Tìm việc làm

cũng đánh giá cao quá trình hoạt động xã hội này của các bạn. Do đó, khi đi phỏng vấn hay làm
đơn xin việc các bạn phải thể hiện được năng khiếu nổi trội của mình. Việc các bạn đi làm bán
thời gian, đi dạy kèm hay làm tiếp thị… trong quá trình học cũng là những điều kiện để các
doanh nghiệp đánh giá cao bạn.
Bên cạnh đó, với không ít nhà tuyển dụng, điều mà họ muốn nhìn thấy nhất ở ứng viên
là khả năng hòa nhập với công ty lẫn đồng nghiệp.

Bằng cấp không quyết định tất cả


Nền tảng học vấn của ứng viên cũng là yếu tố “ghi điểm” được thể hiện ở nơi học, chuyên
ngành và bằng cấp. Hãy đảm bảo phần này có đề cập đến cả các khóa học khác và những dự án
hoàn chỉnh nếu chúng có liên quan đến công việc.
Nhiều sinh viên băn khoăn rằng bằng cấp của các trường ở tỉnh không có thương hiệu
bằng bắng cấp của các trường ở TP.HCM hay bằng của trường dân lập, tư thục… không bằng
bằng của các trường công lập… như vậy khi đi xin việc sẽ không được các doanh nghiệp đánh
giá cao?
Nhưng theo các doanh nghiệp và nhà tuyển dụng, văn bằng của các trường không phải
là yếu tố quyết định, bằng của trường nào cũng được xem xét như nhau, quan trọng là khả năng
làm việc, tiếp nhận và xử lý công việc của các bạn như thế nào trong quá trình làm việc thực tế.
Do đó, trước khi trở thành nhân viên chính thức của các doanh nghiệp, các bạn sinh viên đều có
thời gian để các bạn thử thách (có thể từ 1-3 tháng) qua đó doanh nghiệp sẽ đánh giá năng lực
thực tế của các bạn và xem xét khả năng phù hợp của các bạn đối với công việc như thế nào?
Cũng có thể trong quá trình thử việc các bạn cũng sẽ được tập huấn, bổ sung những kỹ năng,
kiến thức cần thiết cho công việc mà các bạn tiếp nhận.
Vài năm đầu sau khi tốt nghiệp chỉ là khởi đầu của một quá trình khám phá lâu dài. Bạn
có thể phải làm những công việc tẻ nhạt, hoàn toàn không phù hợp với tích cách.
Nhưng hãy nhớ rằng, không ai làm mãi một nghề. Khi cuộc sống của bạn có nhiều thứ
để lo lắng hơn bạn sẽ ít phạm sai lầm trong nghề nghiệp hơn. Bạn sẽ học được nhiều từ những
vấp ngã ban đầu.
"Sự nghiệp của mỗi người là một quá trình dài trong đó công việc đầu tiên chỉ là viên
gạch khởi đầu. Từng bước, từng bước bạn sẽ nhận ra con đường sự nghiệp của mình"

Thể hiện lòng đam mê


Đam mê là ưu điểm hàng đầu mà nhiều nhà tuyển dụng tìm kiếm ở ứng viên. Những
người hết lòng với công việc cho thấy họ là nhân viên hiệu quả tiềm năng. Để trả lời câu hỏi:
“Tại sao anh/chị muốn làm ở đây?”, trong mọi trường hợp bạn nên nhấn mạnh đến thế mạnh của
công ty cũng như các thách thức ở vị trí mới. Thái độ “nhiệt tình hay hờ hững” với công việc
không qua mắt được ban tuyển dụng và họ cũng sẽ cảm thấy tương tự như thế về bạn.

62
Kỹ năng Tìm việc làm

Bài đọc thêm số 3:


21ST CENTURY SKILLS – KỸ NĂNG THẾ KỶ 21
Nguyễn Phi Vân

“I’m calling on our nation’s governors and state education chiefs to develop standards
and assessments that don't simply measure whether students can fill in a bubble on a test, but
whether they possess 21st century skills like problem-solving and critical thinking and
entrepreneurship and creativity – Tôi kêu gọi các thống đốc, các nhà lãnh đạo giáo dục tiểu bang
phát triển tiêu chuẩn và công cụ đánh giá, không phải để học sinh phải tô vào các vòng tròn khi
đi thi, mà để giúp học sinh học được các kỹ năng thế kỷ 21 như kỹ năng giải quyết vấn đề, tư
duy phản biện, kỹ năng kinh doanh, và khả năng sáng tạo.”
Trên đây là lời phát biểu của tổng thống Obama về việc đưa kỹ năng thế kỷ 21 vào trường
học, vì thế giới mà chúng ta đang sống được gọi là the new global society – xã hội toàn cầu mới.
Ở đó, mọi nguyên tắc truyền thống đều bị phá vỡ. Ở đó, con người từ những nền văn hoá rất khác
nhau kết nối và hợp tác để sáng tạo. Ở đó, xa lộ thông tin kẹt xe, nhưng dữ liệu lớn thay đổi cuộc
sống mà con người từng biết. Và nền tảng của kỹ năng thế kỷ 21 là 4 chữ C.

1. Critical Thinking (and problem-solving) – Tư duy phản biện (và kỹ năng giải
quyết vấn đề): one cannot learn well without thinking well – chẳng bao giờ học tốt nếu không
biết cách tư duy. Nhiều bạn trẻ phàn nàn với tôi rằng sách vở, internet nói lung tung, giờ chả biết
phải tin vào nguồn nào nữa. Hoang mang như vậy là có cơ sở, là vì các bạn chưa biết cách lọc,
phân tích, đánh giá thông tin và nguồn thông tin. Đây là một môn học trong các trường quốc tế
và là môn đầu tiên trong chuỗi giáo dục về tư duy phản biện, đánh giá mức độ tin cậy của nguồn
thông tin. Để rèn luyện tư duy phản biện, các bạn trẻ cần được học phương pháp suy diễn và quy
nạp để hiểu rõ một vấn đề. Các bạn cần được học cách phân tích một vấn đề phức tạp và hiểu
cách kết nối của những thành phần khác nhau trong hệ thống; học cách tìm và chắt lọc thông tin;
học cách đặt câu hỏi quan trọng để làm rõ quan điểm và giúp giải quyết vấn đề. Kỹ năng này đặc
biệt quan trọng. Tôi thấy bạn trẻ Việt Nam nói sao nghe vậy, lười tìm hiểu, lười đặt câu hỏi, hay
là không biết cần đặt câu hỏi. Có khi, chưa tự mình tìm hiểu gì cả đã bắn tin qua hỏi trên FB, vì
bắn tin dễ quá, nên lười tự thân vận động. Nhiều khi đọc câu hỏi xong, tôi nản không biết phải
nói làm sao. Sao chuyện dễ vậy mà không tự mình tìm hiểu? Cứ như củ khoai thế thì biết chừng
nào mới hội nhập được vào xã hội toàn cầu? Nên cứ phải tự mình đi tìm hiểu, thu thập thông tin,
phân tích và đánh giá đã, rồi mới đi hỏi quan điểm của người khác nhé. Vì có như thế thì các bạn
mới có thể đưa ra quyết định. Tôi gọi người không đưa ra được quyết định hay không dám đưa
ra quyết định là trẻ trâu. Bạn chẳng bao giờ lớn nếu bạn không đưa ra quyết định. Mà có đưa ra
quyết định sai cũng chả sao. Sai thì có tiền lệ để tham chiếu và sửa sai thôi. Chuyện nhỏ mà!

2. Communication – Kỹ năng giao tiếp: giao tiếp nghĩa là ta thể hiện suy nghĩ, ý kiến
của mình một cách rõ ràng, dễ hiểu, chuyển tải một yêu cầu chính xác, là tạo cảm hứng cho người
khác có động lực thực hiện. Các bạn trẻ muốn giao tiếp hiệu quả cần được dạy cách giao tiếp qua
các kênh khác nhau, như f2f – trực tiếp face-to-face, qua kênh số hoá – digital channels, khi làm

63
Kỹ năng Tìm việc làm

việc nhóm, vv. Trong từng trường hợp, các bạn cần học cách chia sẻ thông tin, cách trình bày và
đưa ra yêu cầu hiệu quả, chính xác. Nói nhiều quá, ít quá, giải thích dài dòng quá, sử dụng ngôn
từ khó hiểu quá, nói boring quá, nói mà chả biết người đối diện là ai và cách tiếp thu thế nào, vv
đều khiến cho giao tiếp không hiệu quả. Mà nói đã không thông thì khỏi làm gì. Người ta có hiểu
và có muốn tham gia đâu. Nên kỹ năng này quan trọng lắm và cần rèn luyện mới có thể đạt được.
Không có kỹ năng này thì ý tưởng có hay cách mấy cũng thua nhe.

3. Collaboration – Kỹ năng hợp tác: khoản này hình như Việt Nam mình hơi yếu. Chê
bai, ganh ghét thì giỏi, hợp tác thì chưa làm đã rã đám. Cho nên cộng đồng nước khác ở nước
ngoài thì mạnh, đến Việt Nam thì yếu xìu, vì chảng ai chịu làm gì với ai. Thế kỷ thứ 21 này chữ
collaboration là chữ chủng nhất. Co-founder từ nhiều nền văn hoá khác nhau, từ những khu vực
kinh tế khác nhau cùng giải quyết một vấn đề. Nếu không collaborate thì làm sao giải được những
bài toán chung của xã hội toàn cầu? Cho nên, bạn trẻ Việt Nam cần được dạy cách làm việc hiệu
quả với những nhóm đói tượng khác nhau, từ những quốc gia và nền văn hoá khác nhau. Các bạn
cần học cách hiểu và tương tác, tiến thoái trong một đội nhóm để có thể cùng thực hiện mục tiêu
chung, cùng chia sẻ trách nhiệm chứ không đùng đẩy nhau khi cùng thực hiện dự án. Khoản này
ở Việt Nam thì cần dạy nhiều lắm. Tôi thấy các bạn trẻ dường như sợ trách nhiệm, sợ phải tranh
đấu vì mục tiêu chung. Các bạn ưa sự dễ dàng, thích khỏi vướng bận chứ ít thấy ai đưa tay lên
nhận lãnh trách nhiệm về mình. Mà tôi thì, thích và đánh giá cao những người dám nhận lãnh
trách nhiệm. Tôi ngĩ rằng họ là lãnh đạo của tương lai, và tôi luôn mentor cho những người như
thế.
4. Creativity – Khả năng sáng tạo: đây là khả năng có thể tạo ra những góc nhìn mới,
khác, hoặc độc đáo. Suy nghĩ sáng tạo nghĩa là không đi theo lối mòn, mà nhìn sự việc từ một
góc nhìn hoàn toàn khác, không bị giới hạn bởi luật lệ, bởi qui định, bởi truyền thống, bởi tiền
lệ, vv. Sau một thời gian làm việc tại Việt Nam, tôi thấy các bạn bị sợ phải làm khác, sợ bị loại
ra khỏi đám đông, sợ bị quýnh giá. Có thể nói, các bạn không dám nghĩ khác chứ không phải là
không có khả năng nghĩ khác. Sự sợ hãi này cũng có lý do, vì văn hoá Việt Nam mình là văn hoá
xếp hàng mà. Ai không thẳng hàng thì dễ bị trù dập, dễ bị ném đá, dễ bị chửi cho đến chết. Có
khi, biết mà không dám lên tiếng khác đi, cứ len lén sống trộm trong suy nghĩ. Đó không phải là
sống. Đó là vật vờ trôi. Nếu muốn đám trẻ nhà mình hội nhập vào thế kỷ 21, trước hết người dạy
cần sự dũng cảm, và người học cần được dạy cách sáng tạo, cách tạo ra và trình bày ý tưởng độc
đáo, khác người của mình, cách phân tích, đánh giá, hiệu chỉnh và cải tiến ý tưởng, cách triển
khai ý tưởng thành hiện thực chứ không chỉ là len lén trộm nghĩ trong giấc mơ hoàn hảo lúc nữa
khuya.
4C’s – bốn chữ C này dạy được thì ta đã có một thế hệ hoàn toàn khác để Việt Nam còn
hội nhập được vào xã hội toàn cầu mới của thế kỷ 21. Bạn có đang đóng góp vào hành trình đó?

64
Kỹ năng Tìm việc làm

Bài đọc thêm số 4:


7 KỸ NĂNG CHUẨN BỊ CHO NHỮNG CÔNG VIỆC CÒN CHƯA RA ĐỜI
Nguyễn Phi Vân

Hôm qua, gặp cô phụ trách các chương trình giáo dục của Unicef, cô nhận xét điều khó
khăn nhất trong việc triển khai các chương trình gíao dục kỹ năng thế kỷ 21 tại Việt Nam là tư
duy của người giảng dạy. Theo phương pháp giáo dục mới của các quốc gia phát triển nhất về
giáo dục, giáo viên chỉ đóng vai trò là facilitator – người tạo điều kiện, người kích hoạt mà thôi.
Tương tự như vậy, trong thời gian làm việc với phòng giáo dục và gặp gỡ các dự án giáo dục tại
Phần Lan, tôi hiểu rằng điều được xem là ưu việt trong giáo dục của họ đơn giản là tập trung vào
việc giúp trẻ tự mình, hoặc qua hợp tác nhóm, tìm ra cách giải quyết vấn đề. Cuối cùng, mục tiêu
của giáo dục là tạo ra những con người có tư duy và khả năng nhận biết vấn đề, đưa ra các giải
pháp hiệu quả nhất để lựa chọn, thử nghiệm để chọn lựa cách gảii quyết hợp lý nhất so với nguồn
lực và hoàn cảnh hiện có. Còn việc các em sử dụng kiến thức và kỹ năng gì để làm được điều đó,
đó chính là những gì các em biết mình cần phải tìm hiểu, học hỏi, nghiên cứu, phản biện với mục
tiêu giải quyết vấn đề.
Nghe thì có vẻ dễ nhưng thật ra là rất khó, vì chúng ta đã quen với cách “control” môi
trường và học sinh. Các em phải ngồi nghe giáo viên giảng, nhiều khi không hiểu tại sao mình
học cái mình đang học. Và học xong thì mới kiến thức đó có liên quan gì đến cuộc đời mình.
Không hiểu nên không học tốt hoặc là học vẹt. Vậy nên, học xong khi ra đời cũng không giải
quyết được vấn đề gì, vì quá thiếu kỹ năng và kiến thức tương lai. Trong khi đó, theo diễn đàn
kinh tế thế giới, 65% trẻ em bước vào trường cấp 1 hôm nay sẽ làm những loại công việc còn
chưa được khai sinh. Đó là vì chúng ta đang sống trong sự giao thoa của 2 luồng biến chuyển lớn
trong xã hội. Một là sự chuyển đổi từ kinh tế sản xuất sang kinh tế tri thức. Hai là sự thay đổi
hoàn toàn về cách tiếp cận tri thức của thế hệ trẻ qua internet. Thế giới thay đổi. Kinh tế và đòi
hỏi về nguồn nhân lực cho nền kinh tế thay đổi. Cách học thay đổi. Trong những thay đổi mang
tính nền tảng đó, giáo dục đã thay đổi gì và thay đổi thế nào? Hay ta vẫn đang nuôi gà công
nghiệp?
Job còn chưa biết là gì? Ta dạy các em sao? Trong cuốn “Global Achievement Gap –
Khoảng cách thành tựu toàn cầu” của tác giả Tony Wagner, giám đốc nhóm đào tạo lãnh đạo tại
đại học Havard, ông khuyến cáo rằng ngay cả một số trường loại xịn trên thế giới chưa chắc đã
đang cung cấp cho các em đúng kỹ năng tương lai mà các em cần đến. Vì vậy, phụ huynh, nhà
trường, hệ thống giáo dục, cần hết sức dũng cảm nhìn nhận rằng, tương lai là bất định. Cái chưa
biết là chưa biết. Cái đang có một số đã hết sức lỗi thời. Điều duy nhất có thể làm trong giai đoạn
giao thoa này là chuẩn bị cho các em những kỹ năng nền tảng của tương lai mà nền kinh tế tri
thức đòi hỏi, theo cách các em tiếp cận xã hội mới. Còn những kiến thức cụ thể các em cần cho
những công việc chưa được khai sinh, khi chúng được khai sinh thì ta update cho các em tiếp
vậy.
Vậy, những kỹ năng tương lai và nền tảng đó có thể là gì?
1. Critical thinking & problem solving – Tư duy phản biện và khả năng giải quyết vấn
đề.

65
Kỹ năng Tìm việc làm

2. Collaboration across networks and leading by influence – Hợp tác giải quyết vấn đề
bằng cách kết nối những hệ thống khác nhau (đó là lý do vì sao cần dạy STEAM - khoa học,
công nghệ, cơ khí, nghệ thuật, toán học) và khả năng lãnh đạo bằng cách tạo ảnh hưởng với các
hệ thống khác nhau.
3. Agility and adaptability – sự linh hoạt và khả năng thích ứng cao
4. Initiative and entrepreneurialism – Khả năng đưa ra sáng kiến và tinh thần doanh nhân
(khả năng thương mại hoá sáng kiến của mình)
5. Effective oral and written communication – Kỹ năng giao tiếp hiệu quả, nói và viết.
6. Accessing and analyzing information – Khả năng tiếp cận và phân tích, xử lý thông
tin.
7. Curiosity and imagination – Tính ham học hỏi & khả năng tưởng tượng.
Trong những kỹ năng trên đây, cha mẹ có mấy kỹ năng? Thầy cô có mấy kỹ năng? Những
người làm quản lý và phát triển giáo dục có mấy kỹ năng?
Tất cả đều mới, với tất cả mọi người. Cha mẹ học thì con mới học. Thầy cô học thì trò
mới học. Xã hội học thì trẻ em được học. Những gì chúng ta từng biết đã quá cũ và lỗi thời rồi.
Ta học, thì các em được học.

66

You might also like