You are on page 1of 4

MÙA XUÂN NHO NHỎ

MB:

- Mùa xuân đã đánh thức cảm hứng sáng tạo của nhiều thế hệ thi nhân. Nhưng nhà thơ Thanh Hải, dù đang ở giữa mùa đông, tuổi già và bệnh tật vẫn có thể vẽ ra trong thơ mình một

bức tranh xuân dịu dàng, đằm thắm và tươi mới, thể hiện niềm thiết tha với cuộc sống, với con người và đất nước.

- Trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” (11/ 1980) bằng cảm xúc tinh tế, tác giả đã ca ngợi mùa xuân của đất trời, của con người và thể hiện ước nguyện được làm một “mùa xuân nho

nhỏ” dâng cho đời.

TB:

1. Sáu câu đầu: Cảm xúc trước mùa xuân thiên nhiên, đất nước.

a. Hai câu đầu:

- Nếu mùa xuân trong thơ Nguyễn Du bắt đầu bằng bãi cỏ non trải đến tận chân trời thì mùa xuân trong thơ Thanh Hải lại gắn liền với dòng sông Hương thơ mộng chảy trong lòng

thành phố Huế. Ngay từ hai câu thơ đầu, tác giả đã gợi cho người đọc liên tưởng đến một khung cảnh Huế hiền hòa, nên thơ:

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

- Nhắc đến mùa xuân, người ta thường nghĩ ngay đến vàng rực hoa mai, đỏ thắm hoa đào. Nhưng nhà thơ Thanh Hải lại chọn cho mình một bông hoa màu tím biếc mọc xa xa giữa

dòng sông mùa xuân. Ấy là cái sắc màu đặc trưng cho xứ Huế và cũng là sự thể hiện tấm lòng tha thiết với quê hương của thi nhân.

- Tác giả đặt màu tím của bông hoa lên trên nền màu xanh của dòng sông mùa xuân làm cho bức tranh xuân không rực rỡ, chói gắt mà sáng dịu, tươi mát. Đọc hai câu thơ này lên,

người đọc không chỉ cảm thấy bầu không khí trong sáng của mùa xuân mà còn cảm nhận được hơi thở mát mẻ, dịu dàng của đất trời.

- Bằng biện pháp đảo trật tự cú pháp, tác giả đặt động từ “mọc” ra đầu bài thơ, gợi cảm giác bông hoa kia không phải đang trôi nổi, dập dềnh trên dòng sông mà như là đang mọc lên

từ dưới lòng sông. Vì thế bức tranh mùa xuân dù có dịu dàng, thanh đạm nhưng vẫn tràn đầy sức sống.

* Chỉ bằng vài nét chấm phá, nhà thơ Thanh Hải đã vẽ nên một bức tranh xuân tươi mới và đằm thắm.

b. Hai câu tiếp:

- Đặc biệt, lan tỏa trong không gian vô cùng vô tận ấy là tiếng chim chiền chiện hót ca:

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

+ “Chiền chiện” là loài chim mỗi năm chỉ hót có một lần vào mùa xuân, cái mùa trong lành và tươi mới nhất.

+ Âm thanh ríu rít của tiếng chim được khuếch đại qua trái tim yêu đời của tác giả thành ra “vang trời”, lan tỏa nơi nơi, trong cùng trời cuối đất.

+ Những từ ngữ “Ơi” và “hót chi” vừa là một cách nói rất Huế, vừa là cách gọi âu yếm, yêu thương của tác giả.

c. Hai câu tiếp:

- Tiếng chim ấy vang lên nhưng không hề vụt tan biến mà như đọng lại thành từng giọt long lanh, trong vắt

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng

- Những “giọt long lanh” ấy có thể là giọt nắng bình minh, giọt sương buổi sớm, giọt mưa xuân long lanh trong nắng mai mà cũng có thể là tiếng chim như rơi thành từng giọt, được

hứng đầy trong lòng tay người ngắm cảnh.

- Nghĩ đến đất trời mùa xuân, lòng tác giả lâng lâng ngất ngây nên cảm giác cũng có sự chuyển đổi: Từ thính giác (tiếng chim) sang thị giác (từng giọt), đến xúc giác (đưa tay

hứng); từ cái vô hình sang cái hữu hình.

- Với những cảm giác ấy, sắc thái mùa xuân được cảm nhận thêm ngọt ngào, tinh tế, thêm say mê và đắm đuối.

* Trong 6 câu thơ đầu, chỉ bằng vài nét phác họa, tác giả đã vẽ ra được một bức tranh xuân với không gian cao rộng của dòng sông, mặt đất, bầu trời; với sắc màu tươi thắm của

dòng sông xanh, bông hoa tím; với âm thanh vang vọng tươi vui của tiếng chim chiền chiện. Tất cả những điều ấy được chuyển tải bằng một thứ ngôn ngữ vừa giàu chất tạo hình,

vừa dạt dào cảm xúc.

2. Hai khổ thơ tiếp: Cảm xúc của nhà thơ trước vẻ đẹp của mùa xuân đất nước và con người.

* Mùa xuân không chỉ phô bày vẻ đẹp mà còn gợi dậy sức sống tươi lành, mạnh mẽ cho đất nước, cho con người
Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy trên lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ

- Mùa xuân đã ban “lộc” cho con người:

+ Lộc là những búp lá non xanh biểu tượng cho mùa xuân tràn đầy sức sống.

+ Lộc non còn là biểu tượng của niềm vui, của may mắn và hạnh phúc mà thiên nhiên, tạo vật mùa xuân ban tặng cho con người.

🡪 Đối với mỗi một con người, mùa xuân cũng không hề quên lãng

+ Với người cầm súng: Lộc non làm lá ngụy trang che chở cho người chiến sĩ trên đường ra trận.

+ Với người ra đồng: Lộc xuân là từng nhánh mạ tươi non, trải dài trên đồng ruộng, hứa hẹn một mùa vàng bội thu.

-> Nhắc đến “người cầm súng” và “người ra đồng” cũng là nhắc đến những không gian khác nhau trên đất nước. Mùa xuân đã trải màu xanh tràn trề sức sống của lộc non chồi

biếc lên khắp mọi nơi, từ đồng bằng đến miền núi, từ những thung lũng, cánh đồng đến núi rừng biên cương xa xôi. Mùa xuân ban lộc cho con người và con người mang mùa xuân

đi khắp nơi.

-> Tác giả chỉ nhắc đến hai hình ảnh con người tiêu biểu: “người cầm súng” và “người ra đồng” là để nhấn mạnh đến hai nhiệm vụ trọng tâm của cả dân tộc trong thời kì mới:bảo

vệ và xây dựng đất nước.

- Sự xuất hiện của con người làm cho bức tranh mùa xuân thêm sinh động, khỏe khoắn và tràn đầy sức sống.

- Từ hai hình ảnh tiêu biểu của con người, tác giả đã khái quát một bức tranh rộng lớn về cuộc sống của nhân dân, đất nước:

Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao

+ Hai câu thơ điệp cả từ ngữ lẫn cấu trúc đã tạo nên một âm hưởng dào dạt, nhịp nhàng.

+ Nhịp thơ ấy đã diễn tả được nhịp điệu lao động sôi nổi, khẩn trương, rộn ràng của cả đất nước.

+ Dù lao động “hối hả” mà vẫn không hề căng thẳng, nặng nề, vẫn đầy ắp niềm vui, “xôn xao” tâm trạng, phơi phới ở trong lòng.

* Mạch thơ đã liên tục phát triển, đi từ những quan sát cụ thể mà dẫn đến suy ngẫm

Đất nước bốn ngàn năm

Vất vả và gian lao

- Nhìn vào chiều dài thời gian thẳm sâu của lịch sử, xuyên suốt tiến trình bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, tác giả nhắc đến muôn vàn vất vả, gian lao:

+ Ngoại xâm đến sớm, lặp đi lặp lại biết bao lần.

+ Hạn hán, lụt lội hoành hành đe dọa triền miên.

- Nhưng đất nước này, dân tộc này vẫn cứ tồn tại vững vàng và tiến lên phía trước, chưa bao giờ chịu lùi bước trước một khó khăn gian khổ nào.

- Tác giả đã chọn được một hình ảnh thật đẹp đẽ và chính xác để viết về đất nước:

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước

-> Vì sao sáng ấy như đã xé màn đêm mà tiến lên, cũng như dân tộc Việt Nam đã băng qua bóng tối của nô lệ, đói nghèo, lạc hậu để vươn tới cuộc sống độc lập, tự do, ấm no, hạnh

phúc.

3. Tám câu tiếp: Suy nghĩ và ước vọng của nhà thơ trước mùa xuân của đất nước.

* Mùa xuân không quên lãng một ai và ngược lại mỗi người phải có ý thức và trách nhiệm góp phần làm nên mùa xuân cho đất nước

Ta làm con chim hót

Ta làm một nhành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến

- Phép trùng điệp “Ta làm” diễn tả một cách tha thiết khát vọng hòa nhập vào cuộc sống của đất nước.

- Nhà thơ muốn dâng hiến những gì là tinh túy, đẹp đẽ nhất của lòng mình cho đất nước. Những gì mà tác giả nguyện làm thật nhỏ bé, giản dị, bình thường, khiêm tốn nhưng có ích:

+ Nhà thơ muốn làm tiếng chim hót để ngợi ca cuộc sống,
+ Muốn làm một cành hoa để khoe sắc đưa hương, điểm tô cho cuộc đời thêm đẹp.

-> Ở phần đầu bài thơ tác giả đã phác họa bức tranh mùa xuân bằng các hình ảnh bông hoa và tiếng chim. Đến đây, tác giả lại dùng những hình ảnh đẹp ấy của tự nhiên để nói lên

ước nguyện của mình: “làm con chim hót”, “làm một cành hoa”. Cách cấu tứ lặp lại như vậy tạo ra sự đối ứng chặt chẽ, đồng thời mang đến một ý nghĩa mới: sống có ích, sống

cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên như con chim mang đến tiếng hót, bông hoa phải tỏa sắc hương.

- Tác giả còn muốn làm một nốt nhạc trầm nhỏ bé, thầm thì thôi, có tác dụng hài hòa và nâng đỡ các nốt nhạc cao réo rắt khác ở trong bản hòa ca của cuộc đời.

🡪 Nhà thơ đã đề cập đến một vấn đề lớn: đời sống của mỗi cá nhân chỉ có ý nghĩa khi gắn kết trong mối quan hệ với cả cộng đồng.

🡪 Mỗi người góp vào cuộc đời chung này cái phần riêng nhỏ bé của mình. Dù vậy, trong sự dâng hiến, hòa nhập ấy mỗi người không được đánh mất đi bản sắc riêng của mình. Ví

như làm một nốt nhạc trầm trong bản hòa ca nhưng cũng phải là một nốt trầm “xao xuyến”.

🡪Tất cả những sự dâng hiến ấy đều được diễn ra trong lặng lẽ, “lặng lẽ dâng cho đời”, và cũng rất đỗi khiêm nhường: “một mùa xuân nho nhỏ”. Đó là biểu hiện đạo lí ngàn đời

của dân tộc.

* Nhà thơ thể hiện những tâm niệm chân thành của mình bằng giọng điệu tha thiết, nhỏ nhẹ mà chứa đựng nhiều xúc cảm

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc

- Sự dâng hiến ấy là của mọi người và suốt đời, từ lúc tuổi còn thanh niên cho đến khi bạc tóc. Nhà thơ tự nhủ với mình mà cũng như là lời nhắn gửi với mọi người: không chỉ những

người còn trẻ mà cả những người đã về già, tất cả đều phải đóng góp sức mình để dựng xây đất nước.

4. Năm câu kết: Lời ngợi ca quê hương đất nước qua điệu dân ca xứ Huế.

- Cuối bài thơ, tác giả như quên đi mùa đông, tuổi già và bệnh tật để cất lên câu hát êm đềm với những vần bằng thiết tha và êm ái, tạo nên giai điệu da diết, gợi liên tưởng về những

làn điệu dân ca ngọt ngào của vùng đất cố đô

Mùa xuân ta xin hát

Câu Nam ai, Nam bình

Nước non ngàn dặm mình

Nước non ngàn dặm tình

Nhịp phách tiền đất Huế

🡪 “Nam ai, Nam bình” là hai điệu dân ca Huế nổi tiếng mấy trăm năm nay. Và điểm nhịp cho những lời ca ấy là phách tiền – một nhạc cụ dân tộc độc đáo.

- Câu thơ “Mùa xuân ta xin hát” diễn tả niềm khao khát, bồi hồi của nhà thơ đối với quê hương yêu dấu buổi xuân về.

- Bài thơ này mở đầu bằng khung cảnh Huế và kết thúc bằng câu hát Huế. Nhưng câu hát ấy đã vút xa ra ngoài không gian Huế, trải dài trên ngàn dặm nước non, đó là “ngàn dặm

mình” mà cũng là “ngàn dặm tình”, đâu đâu con người cũng sống chan chứa yêu thương, đậm nghĩa, nặng tình.

5. Nghệ thuật:

- Thể thơ 5 chữ gần với các điệu dân ca, đặc biệt là dân ca miền Trung, có âm hưởng nhẹ nhàng, tha thiết. Tác giả sử dụng cách gieo vần liền giữa các khổ thơ, tạo sự liền mạch của

dòng cảm xúc.

- Kết hợp những hình ảnh tự nhiên giản dị từ thiên nhiên và những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu trưng, khái quát. Đáng chú ý là những hình ảnh biểu trưng thường được phát triển từ

hình ảnh thực, tạo nên sự lặp lại và nâng cao, đổi mới của hệ thống hình ảnh (như các hình ảnh cành hoa, con chim, mùa xuân).

- Cấu tứ của bài thơ chặt chẽ dựa trên sự phát triển của hình ảnh mùa xuân. Từ mùa xuân của đất trời sang mùa xuân của đất nước và mùa xuân của mỗi người góp vào mùa xuân lớn

của cuộc đời chung.

- Giọng điệu bài thơ thể hiện đúng tâm trạng, cảm xúc của tác giả. Giọng điệu có sự biến đổi phù hợp với nội dung từng đoạn: vui say sưa ở đoạn đầu, trầm lắng hơi trang nghiêm mà

thiết tha ở những đoạn bộc bạch tâm niệm, sôi nổi và thiết tha ở đoạn kết.

KB:

- “Mùa xuân nho nhỏ” là một bức tranh đẹp và nên thơ.
- Đây cũng là lời nhắn nhủ tha thiết của nhà thơ với đất nước, với dân tộc và với mỗi người trong mùa xuân mới tràn đầy hi vọng. Mỗi người hãy là một mùa xuân, đất nước ta sẽ

mãi mãi là một mùa xuân tươi đẹp.

- Thanh Hải đã góp cho thơ ca dân tộc một bài thơ xuân đẹp, đậm đà tình nghĩa.

You might also like