You are on page 1of 55

CHƯƠNG 2: CÔNG NGHIỆP DU LỊCH VÀ NHỮNG TÁC ĐỘNG

KINH TẾ - XÃ HỘI - MÔI TRƯỜNG CỦA DU LỊCH


Mục tiêu của chương:
 Trong ngành du lịch,
 Giới thiệu cho sinh viên các ngành chuyên môn hóa trong du lịch,
 Trong mỗi ngành chuyên môn hóa, giới thiệu các loại hình doanh nghiệp
trong ngành, phân tích cho sinh viên thấy cấu trúc thị trường của ngành và xu
hướng thay đổi của cấu trúc này.
 Trong quan hệ giữa du lịch và hệ thống kinh tế - xã hội,
 Trang bị cho sinh viên những hiểu biết sâu sắc về các tác động tích cực và tiêu
cực của sự phát triển du lịch đến các khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường của
một địa phương, một quốc gia.
 Rèn luyện kỹ năng phân tích các tác động kinh tế, xã hội, môi trường của phát
triển du lịch ở một địa phương, quốc gia cụ thể.
 Trên cơ sở đó, xây dựng cho sinh viên ý thức về sự cần thiết phải phát triển du
lịch bền vững.

2.1. HỆ THỐNG CÁC NGÀNH TRONG CÔNG NGHIỆP DU LỊCH


Sản phẩm du lịch được tạo bởi các dịch vụ vận chuyển, lưu trú và ăn uống, tham quan
giải trí, mua sắm hàng lưu niệm, được đóng gói và phân phối thông qua các dịch vụ lữ hành.
Mỗi loại dịch vụ nêu trên được cung ứng bởi các doanh nghiệp thuộc các ngành kinh doanh
khác nhau. Mỗi ngành có các loại hình doanh nghiệp, cấu trúc ngành khác nhau và vì vậy
hành vi doanh nghiệp trong mỗi ngành cũng có những đặc thù của mình.

2.1.1. NGÀNH VẬN CHUYỂN DU LỊCH


Để được trải nghiệm các dịch vụ du lịch, khách du lịch phải rời nhà đến các nơi cung
ứng dịch vụ du lịch. Dịch vụ vận chuyển là bộ phận không thể thiếu được của sản phẩm du
lịch.
Để đi lại từ nhà đến điểm du lịch, giữa các điểm đu lịch và bên trong điểm du lịch,
khách du lịch có thể lựa chọn đa dạng các loại hình phương tiện vận chuyển khác nhau, bao
gồm cả vận chuyển đường không, đường bộ, đường sắt và đường thủy. Để hiểu được các ưu
nhược điểm của từng loại phương tiện, chúng ta phải hiểu, khách du lịch lựa chọn chúng
theo những tiêu thức nào?
Xét trên khía cạnh vận chuyển khách du lịch, các tiêu chuẩn lựa chọn là:
 Thời gian tiêu tốn cho việc đi lại: Điều này phụ thuộc vào tốc độ vận chuyển, thời
gian làm thủ tục, tần suất chuyến đi (mỗi ngày có mấy chuyến),…
 Tiện nghi của phương tiện vận chuyển: sự mệt nhọc của hành khách khi tham gia
vận chuyển, các dịch vụ cung ứng trong vận chuyển, …
 Khả năng khám phá không gian du lịch: khả năng đưa khách đến sát các điểm du
lịch, khả năng thưởng thức cảnh quan trong khi di chuyển,..
 và giá cước vận chuyển.
Căn cứ vào những tiêu chuẩn này, chúng ta thấy không có phương tiện nào có ưu thế
tuyệt đối. Mỗi phương tiện vận chuyển có những ưu nhược điểm khác nhau.
Dịch vụ hàng không có tốc độ nhanh nhất và sự thoải mái cao khi vận chuyển nhưng giá
cước cao và khả năng tiếp cận các điểm tham quan cũng như khả năng thưởng ngoạn trong
khi vận chuyển bị hạn chế.
Ngược lại, dịch vụ vận chuyển đường bộ chậm và nhiều khách du lịch không chịu đựng
nổi sự vất vả khi di chuyển nhưng có thể mang khách du lịch đến các điểm du lịch hẻo lánh
và nếu biết lựa chọn tuyến hành trình thì bản thân quá trình di chuyển cũng mang lại sự trải
nghiệm du lịch thú vị.
Đường sắt, với các loại hình tàu cao tốc, tàu suốt, tàu chợ,… có lẽ có những ưu nhược
điểm trung bình so với các phương tiện vận chuyển trên.
Vận chuyển đường sông luôn mang lại khả năng thưởng ngoạn cao cho khách khi mà
cảnh quan hai bên bờ sông không ngừng thay đổi trước mắt khách du lịch. Còn vận chuyển
đường biển du lịch, ngày nay, với các cruise ship trở thành một loại phương tiện vận chuyển
- lưu trú đặc thù của du lịch.
Trong thực tế, chúng ta thấy rằng dịch vụ vận chuyển hành khách trong du lịch bị thống
trị bởi hai phương tiện vận chuyển chính: ô tô (nhất là xe riêng ở các nước công nghiệp phát
triển) và máy bay. Từ những ưu nhược điểm trên, quy luật phổ biến là sự lựa chọn phương
tiện vận chuyển đường bộ cho cho các chuyến đi khoảng cách ngắn, cho du lịch trong nước
và vận chuyển hàng không cho khoảng cách dài, cho du lịch quốc tế.
Bảng 2.1 Cơ cấu lượt khách phân theo phương tiện vận chuyển sử dụng năm 2010(%)
Các chuyến đi quốc tế Các chuyến đi trong nước
Quốc gia
Hàng không Ô tô riêng Khác Hàng không Ô tô riêng Khác
Mỹ 58 38 4 18 77 5
Nhật Bản 99 0 1 4 57 39
Anh 51 26 23 2 80 18
Nguồn: Individual country NTO statistics
Cũng vậy, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cho đến nay, chủ yếu nhất vẫn là vận
chuyển hàng không, vận chuyển bằng đường bộ khá khiêm tốn. Mặc dù nước ta là nước ven
biển, có hệ thống cảng biển dày đặc nhưng đến Việt Nam bằng đường biển rất ít và thiếu ổn
định qua các năm.
Bảng 2.2. Cơ cấu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phân theo phương tiện đi lại
ST Số lượt khách quốc tế
T Chỉ tiêu (triệu lượt khách) Cơ cấu khách (%)
2015 2016 2017 2018 2019 2015 2016 2017 2018 2019
Tổng số 7,90 10.01 12.92 15.50 18.01 100,00100,00100,00100,00100,00
Phân theo phương tiện
1 Đường không 6,28 8,26 10,91 12,48 14,38 79,53 82,50 84,43 80,56 79,84
2 Đường bộ 1,55 1,47 1,75 2,80 3,37 19,67 14,65 13,57 18,05 18,70
3 Đường biển 0,63 0,28 0,26 0,22 0,26 0,80 2,84 2,00 1,39 1,47
Nguồn: Tổng cục Du lịch
Trong từng loại hình vận chuyển, chúng ta cũng cần thấy các loại phương tiện khác nhau
thì quy luật phổ biến là phương tiện càng nhanh, càng tiện nghi thì khả năng khám phá
không gian du lịch càng thấp, giá cước càng cao. Trong hàng không, theo thứ tự là máy bay
phản lực thân rộng, máy bay cánh quạt, máy bay trực thăng. Trong đường bộ là xe 45 chỗ,
29 chỗ, 16 chỗ, 4 chỗ, xe gắn máy, xe đạp, xích lô, đi bộ. Trong đường sắt là tàu thống nhất,
tàu nhanh, tàu chợ,…
Mỗi loại hình phương tiện vận chuyển có những ưu nhược điểm riêng, một chương trình
du lịch có những cung đường có độ dài khác nhau, điều kiện hạ tầng khác, người lập
chương trình du lịch cần tính toán lựa chọn trong sự đa dạng các phương tiện mới có thể tận
dụng tối đa ưu điểm của từng loại phương tiện và nhờ đó mới có thể tạo nên một trải
nghiệm du lịch trọn vẹn và sự hài lòng cho du khách. Thông thường, với khoảng cách trên
500 km, đường không được sử dụng nhiều, từ 200 km đến 500 km là đường sắt, dưới 200
km là đường bộ. Trong nội thị, trong phạm vi của một điểm thu hút, các phương tiện vận
chuyển thô sơ như xe ngựa, xích lô, xe đạp, thậm chí đi bộ cần phải được cân nhắc lựa
chọn.

2.1.1.1. Ngành vận tải hành khách hàng không


Tuy KLM (Koninklijke Luchtvaart Maatschappij) của Hà Lan là hãng hàng không hoạt
động lâu đời nhất từ năm 1920, nhưng trong vận chuyển du lịch, hàng không là một ngành
non trẻ. Mãi đến sau chiến tranh thế giới lần II, với sự ra đời của các máy bay phản lực dân
dụng công suất lớn, ngành hàng không mới có những bước phát triển nhanh chóng về vận
tốc, sức chứa, tiện nghi và tầm hoạt động. Từ cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, việc giảm
điều tiết của chính phủ với ngành hàng không đã làm gia tăng sự cạnh tranh trong ngành.
Nhờ vậy, giá vé có phần rẻ hơn, đặc biệt gần đây là sự xuất hiện ào ạt các hãng hàng không
giá rẻ, những người thu nhập thấp đã có thể tiếp cận với dịch vụ hàng không. Đây là nhân tố
chính để phát triển du lịch quần chúng trong du lịch quốc tế hiện đại.
Hiện nay, ngành hàng không là một ngành được tổ chức tốt: “Chúng ta chỉ cần gọi điện
thoại hay truy cập vào website của một công ty hàng không hoặc đại lý du lịch để đăng ký
vé. Việc còn lại là đến phi trường và gửi hành lý”. Điều đó cho thấy rằng ngày nay, với
ngành hàng không, dịch vụ trên không và dưới đất đều rất nhanh chóng và phối hợp tốt.
Về sản phẩm dịch vụ hàng không: chúng ta phân biệt hai loại hình sản phẩm:
 Các chuyến bay theo lịch trình định sẵn: tuyến bay cố định và giờ bay cố định
(scheduled flights)
 Các chuyến bay thuê chuyến.
Về cấu trúc ngành và cường độ cạnh tranh trong ngành: Trong thời gian qua, lần lượt ở
các quốc gia khác nhau, trong đó có Việt Nam, chúng ta chứng kiến sự thay đổi cấu trúc thị
trường trong ngành hàng không từ kém cạnh tranh do sự điều tiết mạnh mẽ của Nhà nước
đến cạnh tranh mạnh mẽ bởi quá trình phi thể chế hóa. Chúng ta sẽ dành nhiều thời gian cho
nghiên cứu vấn đề này bởi nó phản ánh cuộc đấu tranh giữa hai quan điểm về cơ chế quản
lý ngành: Nhà nước cần điều tiết mạnh mẽ hay để thị trường tự điều chỉnh hoạt động của
các doanh nghiệp trong ngành.
Trước năm 1978, ở Mỹ cũng như nhiều nước khác, chính phủ đã can thiệp sâu vào thị
trường hàng không bao gồm quy định về giá vé, tuyến đường và sự gia nhập thị trường của
các hãng hàng không mới. Lúc đó, Cơ quan Hàng không dân dụng Hoa Kỳ (CAB - Civil
Aeronautics Board) quy định giá vé sàn trên cơ sở chi phí cộng mức thu nhập hợp lý. Quy
định này làm cho mọi chi phí chuyển thẳng về phía khách hàng. Đồng thời CAB còn quyết
định các tuyến bay sẽ được phục vụ bởi hãng hàng không nào. Hai điều này cùng với những
quy định ngặt nghèo trong thành lập hãng hàng không mới khiến ngành hàng không Mỹ lúc
đó mất đi môi trường cạnh tranh. Lý do được đưa ra để hạn chế sự cạnh tranh tự do là:
 Sự cạnh tranh sẽ dẫn đến cắt giảm chi phí và vì vậy giảm an toàn bay: cạnh tranh có
nguy cơ giảm chi phí bảo trì máy bay, tận dụng tuổi thọ máy bay, dẫn đến đội bay
gồm những máy bay già cỗi,
 Tự do kinh doanh dẫn đến các hãng chọn các tuyến bay nhiều lãi, các tuyến bay ít
khách, ít lợi nhuận sẽ không có hãng nào khai thác. Điều này dẫn đến dân cư nhiều
vùng, nhiều địa phương không còn tuyến bay phục vụ.
Kết quả của sự can thiệp này là lúc ấy, ở hầu hết các nước, chẳng hạn ở Mỹ:
 Các hãng hàng không hoàn toàn không lo việc phá sản.
 Giá vé quá cao. Ferederick Alfred Laker, cha đẻ của hàng không giá rẻ dưới hình
thức skytrain, năm 1977, tuyên bố rằng giá vé hàng không lúc đó cao gấp hai lần so
với giá vé mà nó có thể có nếu áp dụng tự do cạnh tranh,
 Chỉ một số ít hãng hàng không lớn khống chế thị trường hàng không (ở thị trường
hàng không nội địa Mỹ lúc đó là 4 ông lớn (Big fours): Pan Am, Eastern Airlines,
United Airlines, American Airlines),
 Các hãng hàng không nhỏ phát triển dịch vụ cho thuê chuyến để tránh sự độc quyền
của các hãng lớn trên các tuyến sinh lợi.
Với nỗ lực giảm sự kiểm soát của chính phủ ở các lĩnh vực mà sự điều tiết của chính
phủ làm các công ty tránh áp lực cạnh tranh, năm 1978, Quốc hội Mỹ thông qua một loạt
đạo luật phi thể chế hóa, bãi bỏ hầu hết những quy định điều tiết bảo hộ ngành hàng không,
đường bộ và đường sắt. Các công ty được phép cạnh tranh thông qua việc sử dụng bất cứ
tuyến đường hàng không, đường bộ, hoặc đường sắt nào mà họ chọn, đồng thời được phép
tự do hơn khi định giá cho các dịch vụ của mình. Kết quả là:
 Sự cạnh tranh trong hàng không Mỹ diễn ra quyết liệt, các hãng lớn truyền thống và
cả các hãng mới bị phá sản hoặc bị sát nhập (điển hình là Pan America World
Airways (Pan Am) và Eastern Airlines bị phá sản năm 1991) .
 Giá vé giảm mạnh, nhiều hãng hàng không nhỏ và hàng không giá rẻ ra đời,
 Kết quả là loại hình du lịch bằng đường hàng không tăng mạnh. Năm 1978, khách
hàng bay tổng cộng 362.880 triệu km trên các hãng hàng không của Mỹ. Đến năm
1997, số liệu đó đã tăng gần gấp ba, lên tới 968.640 km.
Kết quả là:
 Các chuyến bay theo lịch trình định sẵn phát triển nhanh hơn hẳn so với các chuyến
bay thuê chuyến,
 Tồn tại độc quyền nhóm với 8 hãng lớn, chiếm 95% thị trường Mỹ,
 Các hãng đẩy mạnh dị biệt hóa sản phẩm (khác biệt trong tuyến vận chuyển, giá vé,
trong thuận lợi đặt vé)
Sự phi điều tiết này sau đó lan tỏa sang Châu Âu và lan rộng sang các quốc gia khác. Ở
Châu Âu, nhà nước sở hữu một phần hay toàn bộ những hãng hàng không lớn. Vì vậy, ở
những công ty này, tối đa hóa lợi nhuận không phải là mục tiêu số 1 mà vì những lý do
chính trị như mở các tuyến bay “cần thiết về mặt xã hội” hay “những tuyến bay mị dân”
(flag-waving routes). Điều này khiến cho ngành hàng không châu Âu vào những năm 1980
chịu sự điều tiết mạnh mẽ của chính phủ (dù ít chặt chẽ hơn Mỹ). Và cũng như hàng không
Mỹ những năm 1970’s, ở Châu Âu những năm 1980’s, cũng tồn tại và phát triển những
hãng hàng không cho thuê như Sterling, Britannia và Arco Lloyd. Các hãng này bỏ những
chuyến bay theo lịch trình định trước trên những tuyến phục vụ chủ yếu khách công vụ, tập
trung vào khách du lịch giải trí từ Bắc Âu đi Nam Âu (Chúng ta liên tưởng đến các chuyến
bay thuê chuyến từ Đông Âu đến Cam Ranh thời gian qua, Quảng Đông đến Việt Nam hiện
nay). Những hãng hàng không này:
 vận hành với giá vé rất rẻ và hệ số tải trọng cao,
 thường cung cấp dịch vụ hàng không như là một phần của chương trình du lịch trọn
gói,
 thường được sở hữu bởi các doanh nghiệp lữ hành,
 sử dụng năng lực ngoài mùa để cung cấp những chuyến bay theo lịch trình hay cho
các hãng vận chuyển khác thuê.
Tuy nhiên, sau đó, việc phi điều tiết mạnh mẽ hơn nữa ở Châu Âu đã làm sự phân biệt
giữa hàng không theo lịch trình và hàng không cho thuê chuyến không còn rõ ràng.
Ở phần còn lại của thế giới, những hãng hàng không có vai trò trong du lịch là những
hãng hàng không quốc gia. Nếu nhà nước là chủ sở hữu, chúng được yêu cầu phải đóng góp
vào hoạt động ngoại giao quốc gia hay mục tiêu phát triển thương mại hơn là những công ty
kinh doanh thuần túy. Nhiều hãng trong số này là những thành viên nhiệt tình của khía cạnh
phối hợp giá của IATA (International Air Transport Association, Hiệp hội vận tải hàng
không quốc tế). Mặc dù vậy, quá trình tư nhân hóa ngày càng tăng, sự cạnh tranh với những
hãng hàng không tư nhân đã thúc đẩy những hãng hàng không thuộc sở hữu nhà nước trở
thành những doanh nghiệp định hướng lợi nhuận nhiều hơn. Quá trình phi điều tiết cũng
diễn ra ở nước ta. Việt Nam từ chỗ chỉ có một hãng Vietnam Airlines giữ vị trí độc quyền
thì sau 1990 vị trí này không còn với sự ra đời lần lượt của Jetstar Pacific (1990), Vietjet
Air (2007), Indochina Airlines (2008), Air Mekong (2010), Bamboo Airways (2018),…
Về sự liên kết trong ngành: Cạnh tranh quyết liệt dẫn đến tìm kiếm liên kết và các hình
thức liên kết mới ra đời như các thỏa thuận liên doanh (joint-operation), hợp nhất
(consolidation) với các hãng khác hay liên danh chia sẻ chuyến bay (flight-code sharing)
(Trên một chuyến bay nhưng chỗ ngồi có thể do những hãng khác nhau cùng bán với các
code hãng khác nhau. Ví dụ: trong cùng một chuyến bay, một chỗ ngồi có thể do Hàng
không Việt Nam bán với code VN123, nhưng chỗ ngồi khác lại do Quantar bán với code
QT4567),. Suốt những năm 1990's, đã có những hoạt động liên doanh, mua lại lớn của các
hãng hàng không lớn như United Airlines, British Airways và KLM. Nhiều chuyên gia đã
dự đoán rằng giữa thế kỷ XXI, phần lớn hàng không vận chuyển hành khách thế giới có thể
được cung ứng bởi không quá 20 hãng vận chuyển khổng lồ (megacarrier).

2.1.1.2. Ngành vận chuyển đường bộ


Nếu ngành hàng không là ngành vận chuyển quan trọng nhất trong phục vụ khách du
lịch quốc tế thì vận chuyển đường bộ là ngành vận chuyển quan trọng nhất trong phục vụ
khách du lịch đi lại trong nước. Sự thuận lợi của nó là giá cước thấp, cơ động, có thể đi đến
hầu hết các nơi. Vì vậy, vận chuyển đường bộ vẫn được coi là ngành quan trọng nhất trong
vận chuyển du lịch, đặc biệt trong nội bộ điểm du lịch và nối liền các điểm du lịch của một
quốc gia. Do đó, trong hình thành một điểm du lịch, vấn đề quy hoạch và xây dựng hệ thống
đường sá đi lại là mối quan tâm hàng đầu.
Về sản phẩm: Dịch vụ vận chuyển hành khách đường bộ bao gồm các dịch vụ vận
chuyển công cộng theo tuyến cố định và dịch vụ vận chuyển thuê chuyến ("xe hợp đồng").
Mặc dù có những khách du lịch sử dụng phương tiện vận chuyển công cộng theo tuyến cố
định của địa phương và một số công ty vận chuyển du lịch kinh doanh tuyến cố định dưới
hình thức "chương trình du lịch mở (open tour)" nhưng phương thức vận chuyển theo lối
thuê chuyến là hình thức vận chuyển đường bộ có sự nổi bật rõ ràng trong du lịch. Điều
này, một phần vì giá cước rẻ thu hút cầu khá co giãn của một vài đoạn thị trường du lịch
giải trí, một phần vì khả năng linh hoạt trong vận hành cho phép chuyên biệt hóa thị trường.
Đặc thù này dẫn đến việc hình thành các công ty vận chuyển đường bộ chuyên phục vụ
khách du lịch.
Về cấu trúc ngành: Không như ngành hàng không, đường sắt, đường thủy, nhu cầu về
vốn của kinh doanh vận chuyển đường bộ thấp hơn nhiều, do đó số lượng doanh nghiệp
tham gia vào thị trường này là khá lớn. Do chỉ phục vụ chủ yếu trên các cung đường dưới
300 km nên các doanh nghiệp vận chuyển đường bộ đa phần mang tính địa phương và khu
vực. Điều này cũng góp phần làm gia tăng số lượng doanh nghiệp vận chuyển du lịch
đường bộ của quốc gia. Số lượng doanh nghiệp nhiều, năng lực thương lượng bán thấp, đối
diện với sự tập trung cao của các hãng lữ hành có năng lực thương lượng mua cao, cùng với
sức ép bởi tính thời vụ của du lịch, các Công ty vận chuyển du lịch đường bộ thường bị
chèn ép, thậm chí bị khống chế bởi các hãng lữ hành lớn.1
Suốt những năm 1970's và 1980's. nhiều quốc gia đã phi điều tiết hóa dịch vụ vận
chuyển hành khách đường dài và dẫn đến cạnh tranh đào thải. Chẳng hạn, trên các tuyến
đường chính ở bờ đông nước Úc, 10 công ty xe bus hoạt động trong năm 1987 nhưng năm
1994, chỉ 6 công ty còn tồn tại.
Về sự liên kết trong ngành: Cũng như với các hãng hàng không, sự cạnh tranh về giá đã
dẫn đến việc bán lại hay hợp nhất, như vậy, hệ số tập trung hóa đang tăng lên. Ở Mỹ, năm
1989, tập đoàn Greyhound/Trailways chiếm đến 60% tổng doanh thu xe bus liên thành phố.

2.1.1.3. Ngành vận chuyển đường sắt


Ở những quốc gia có mật độ dân cư cao và mạng lưới đường sắt phát triển như Châu Âu
và Nhật Bản, du lịch đường sắt khá quan trọng.
Nhưng về sản phẩm, ít có doanh nghiệp đường sắt đưa ra sản phẩm riêng khác biệt đáng
kể cho khách du lịch phân biệt với vận chuyển hành khách nói chung trừ một số ngoại lệ
sau:
 các chuyến tàu (cho thuê) chuyên biệt cho các chương trình du lịch trọn gói ở Châu
Âu,
 các sản phẩm nửa phân biệt như tuyến đường sắt qua vùng núi cảnh đẹp,
 dịch vụ vận chuyển ô tô của đường sắt.
Về cấu trúc thị trường: Hầu hết các doanh nghiệp đường sắt là người cung ứng độc
quyền về dịch vụ đường sắt trong khu vực của mình. Dù vậy, chúng phải cạnh tranh với
những hình thức vận chuyển khác. Để cạnh tranh với ngành vận chuyển khác, ngày nay
ngành đường sắt đang có những chuyển biến tích cực về tốc độ và tiện nghi.
Việt Nam là đất nước hẹp và dài, nhiều cung đường chạy dọc theo biển hay đồi núi, có
cảnh quan rất đẹp (cung đường nối giữa hai điểm đến lớn Đà Nẵng và Huế, Nha Trang và
Quy Nhơn chẳng hạn), du lịch đường sắt có điều kiện phát triển. Tuy nhiên, ở các cung

1
Ở nước ta, các doanh nghiệp vận chuyển du lịch đường bộ, ngoại trừ là đơn vị thành viên của các công
ty du lịch, là nơi tập hợp các chủ xe dưới hình thức hợp tác xã hoặc đăng ký tham gia doanh nghiệp nhưng
vẫn tự hạch toán. Sự phân tán này dẫn đến hiện tượng dễ bị các công ty du lịch lớn khống chế bằng các hợp
đồng bao thuê cả năm.
đường dài, ngày nay đường sắt Việt Nam đang bị sức ép cạnh tranh ráo riết bởi hàng không
giá rẻ. Với sức ép này, cùng với ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, năm 2020, Tổng Công ty
Đường sắt Việt Nam lỗ 1.327 tỷ đồng2. Trong khi chờ đợi những đầu tư dài hạn để nâng cao
chất lượng phục vụ, khai thác những cung đường ngắn dưới 400 km phục vụ khách du lịch
là một hướng cần xem xét.
Một khía cạnh khác cũng cần xem xét là sự mở rộng cạnh tranh trong ngành vận chuyển
đường sắt. Rõ ràng, một ngành mà quy mô tối ưu của doanh nghiệp lớn hơn sản lượng cân
bằng thị trường thì sẽ xuất hiện độc quyền tự nhiên bởi trong trường hợp này độc quyền sẽ
hiệu quả hơn. Nhưng phân tích kỹ chúng ta thấy ngành đường sắt có 3 hoạt động: 1/Xây
dựng và khai thác tuyến đường, hệ thống nhà ga, 2/ Vận hành các đầu máy, toa xe để vận
chuyển hàng hóa, hành khách, 3/ Phân phối vé. Rõ ràng, chỉ có doanh nghiệp xây dựng và
khai thác tuyến đường, hệ thống nhà ga mới cần quy mô lớn và nên duy trì độc quyền. Hai
hoạt động sau (bao gồm phân phối vé và kinh doanh vận chuyển trên cơ sở đầu tư đầu máy,
toa xe, thuê sử dụng tuyến đường và nhà ga theo giờ) nên cho phép nhiều doanh nghiệp
tham gia để cạnh tranh. Đây là hướng cần xem xét đề tạo môi trường cạnh tranh trong
ngành vận chuyển đường sắt ở nước ta. Hiện nhiều nước đã phi điều tiết ngành vận chuyển
đường sắt theo hướng này.

2.1.1.4. Ngành vận chuyển đường thủy


Đường thủy là phương tiện giao thông có từ rất lâu, nhưng để khám phá du lịch thì đó là
hiện tượng khá mới mẻ. Vận chuyển đường thủy rất thích hợp cho những chuyến đi du lịch
vòng quanh biển (sea cruise). Trong những thập niên cuối thế kỷ XX ở Mỹ và Châu Âu,
những năm đầu thế kỷ XXI ở Châu Á, du lịch tàu biển là mode rất thịnh hành.
Nếu năm 1979 chỉ có 500.000 người tham gia loại hình du lịch này thì năm 1980 đã có
tới 3.000.000. Sở dĩ có tốc độ phát triển như vậy là nhờ sự tiện nghi và dễ dàng bố trí thêm
các dịch vụ giải trí trên tàu như khiêu vũ, giải trí…
Ngày nay, các công ty kinh doanh du lịch tàu biển đang cạnh tranh nhau mạnh mẽ thông
qua việc phát triển các đội tàu, tăng cường các hoạt động giải trí trên tàu, nhất là tìm kiếm
thêm các cảng mới để ghé vào. Sự tăng trưởng này không chỉ ảnh hưởng đến khách du lịch,
các công ty cruise, mà còn đem lại sự khởi sắc cho các thành phố có cảng đón tiếp. Đây là
cơ hội cho các thành phố cảng biển, các đảo du lịch của nước ta.
Từ những phân tích trên chúng ta thấy: Ở hầu hết các nước, cả hoạt động vận chuyển
đường không, đường bộ, đường sắt lẫn đường biển trải qua các giai đoạn sau: đầu tiên
ngành được cung ứng bởi các Công ty thuộc sở hữu nhà nước, được kiểm soát chặt chẽ, sau
đó các Công ty được đánh giá lại mục tiêu, rồi diễn ra quá trình phi điều tiết/tư nhân hóa
ngành và hiện nay hầu hết là những ngành cạnh tranh.

2
Báo cáo tài chính 2020 của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, công bố tại https://vr.com.vn/bao-cao-
tai-chinh/bao-cao-tai-chinh-cua-cong-ty-me-va-bao-cao-tai-chinh-hop-nhat-nam-2020.html
2.1.2. NGÀNH KINH DOANH LƯU TRÚ

2.1.2.1. Sự phân tán và đa dạng của ngành kinh doanh lưu trú
Về cấu trúc thị trường, kinh doanh lưu trú là ngành phân tán với nhiều doanh nghiệp nhỏ
tham gia ngành. Không những thế, đó còn là một ngành đa dạng nhiều loại hình, cấp hạng,
phong cách,… khác nhau. Phải nói rằng, lưu trú có lẽ là ngành phân tán và đa dạng hơn bất
kỳ ngành nào khác trong du lịch.
Đó là do:
 Thứ nhất, ngành kinh doanh lưu trú thương mại hóa phải cạnh tranh với việc cung
cấp chỗ lưu trú miễn phí bởi bạn bè và người thân vốn thường chiếm khoảng 30 -
50% đêm lưu trú của khách du lịch, bao gồm cả khách du lịch công vụ.
 Thứ hai, đặc thù ngành về rào cản thâm nhập thấp với khách sạn cấp hạng thấp, sự
phức tạp trong quản lý chất lượng của khách sạn cấp hạng cao khiến cho quy mô tối
ưu của một khách sạn thường không lớn. Cấp hạng chất lượng khách sạn càng thấp
thì tính phân tán của ngành càng cao. Chúng ta thường thấy cấu trúc thị trường cạnh
tranh hoàn hảo ở nhóm các khách sạn không được xếp hạng và độc quyền nhóm ở
các resort 5.
 Thứ ba, hệ thống sản phẩm lưu trú là một chuỗi các loại sản phẩm đa dạng. Cung
ứng dịch vụ lưu trú có thể là một bãi cắm trại đơn giản đến những khách sạn cao cấp
hay tàu cruise. Trong mỗi loại hình lưu trú này, cơ sở lưu trú khai thác những đặc
điểm về cảnh quan, bản sắc văn hóa và vật liệu địa phương để có thể có sự dị biệt
hóa sản phẩm hầu như vô tận.
 Thứ tư, các cơ sở lưu trú còn đa dạng theo hình thức sở hữu. Chúng được đầu tư bởi
những những cá nhân, tổ chức rất khác nhau có khả năng khác nhau và mục tiêu đầu
tư khác nhau. Đó có thể là các cơ sở lưu trú của Công viên quốc gia thuộc sở hữu
nhà nước vốn cung cấp một sản phẩm “miễn phí” vì những lý do xã hội hơn là kinh
tế, các đơn vị lưu trú của gia đình cho thuê nhà hay phòng của mình chỉ với mong
muốn vượt qua chi phí biến đổi cho đến các Công ty đa quốc gia hoạt động với mục
tiêu tối đa hóa lợi nhuận.
Nói chung, giá trị của 'sản phẩm lưu trú' có thể được hợp thành bởi ba bộ phận (sub-
product) chính như trong hình 2.1. Cách phân chia này giúp các nhà quản trị cơ sở lưu trú
thuận lợi khi phân tích để chọn cho mình cách phối hợp các bộ phận tạo nên sự khác biệt
hóa sản phẩm, phục vụ định vị sản phẩm trên thị trường.

Ngành lưu trú


:

Tài sản Dịch vụ Phong cách và


vật chất lưu trú các dịch vụ khác
Đất đai/không gian Dịch vụ phòng Chủ đề/trang trí
Tòa nhà/xe cộ Dịch vụ ăn uống Các hoạt động
Địa điểm Dịch vụ cá nhân Chất lượng/hình ảnh
Hình 2.1. Các bộ phận hợp thành giá trị sản phẩm lưu trú
Chẳng hạn tàu biển cruise thay vì tạo hệ thống dịch vụ lưu trú độc đáo, họ ưu tiên cho
bộ phận tài sản vận chuyển thông qua việc cung cấp một hệ thống các cảng cập bến phong
phú. Dựa vào đó họ cạnh tranh với nhau và cạnh tranh trực tiếp với các resort. Trong trường
hợp này, bộ phận 'tài sản vật chất' là tiêu chuẩn định vị. Càng ngày, những nhà cung ứng
dịch vụ lưu trú càng nhận thức rằng họ phải cung cấp những bộ phận hợp thành (sub-
products) chuyên biệt nào đó. Những công ty quản lý khách sạn như Hilton hay Hyatt cung
cấp 'Phong cách và các dịch vụ' thông qua thương hiệu và hoạt động marketing, còn các tài
sản vật chất thuộc sở hữu của các doanh nghiệp khác.
Sự cạnh tranh trong hoạt động lưu trú còn phụ thuộc vào khả năng bao phủ thị trường về
mặt địa lý. Hầu hết các doanh nghiệp lưu trú, nhất là những cơ sở lưu trú quy mô nhỏ, sở
hữu thương hiệu riêng, chỉ nhắm đến khách du lịch nội địa, khách địa phương. Trong
trường hợp này, sự cạnh tranh thường chỉ giới hạn trong tài sản vật chất và các dịch vụ lưu
trú căn cứ vào quy mô thị trường và các điều kiện ảnh hưởng đến giá cả của địa phương .
Khi doanh nghiệp lưu trú phục vụ thị trường quốc tế, họ sẽ cạnh tranh với các quốc gia khác
với một số lượng lớn các nhà cung ứng hiệu quả (mà có thể có cấu trúc chi phí khác) nhắm
đến những người tiêu dùng có nhu cầu đa dạng hơn. Cấu trúc này đặc biệt đúng cho:
 Các chuỗi lưu trú đa quốc gia (như Holiday Corporation, Sheraton, Ramada hay
Club Mediterrance)
 Các chuỗi franchising (như Intercontinental của IHG Group, các thương hiệu Sofitel,
Novotel, Mercure,…của Accor,…),
 Những nhà cung ứng chất lượng cao, chuyên biệt mà giá cả và phong cách của nó
dành riêng cho một giới khách hàng riêng nào đó trên toàn thế giới (ví dụ Paris Ritz,
Cunard cruise),
 Các Hiệp hội liên kết quốc tế.
Có rất ít trường hợp độc quyền trong ngành lưu trú, ngay cả trong nền kinh tế kế hoạch
hóa tập trung, bởi các chính phủ đều thấy sự cạnh tranh trong kinh doanh lưu trú mang lại
lợi ích rõ ràng cho phát triển du lịch.

2.1.2.2. Các loại hình lưu trú


Như đã nói, sự đa dạng của các doanh nghiệp lưu trú thể hiện ở sự khác biệt của các
doanh nghiệp lưu trú về loại hình lưu trú, chúng ta có thể phân biệt:
1. Khách sạn
Khá đa dạng về cấp hạng chất lượng và quy mô.
Về cấp hạng, chúng ta có các khách sạn không được xếp hạng đến các khách sạn được
xếp hạng từ 1 đến 5 , quy mô từ khách sạn mini (từ 10 đến 15 buồng ngủ) đến khách
sạn quy mô lớn trên 100 phòng. Về phong cách, nhiều tác giả chia ra:
 Khách sạn thành phố: Khách hàng mục tiêu khá đa dạng nhưng nhắm nhiều đến
khách công vụ; có phong cách công năng tiện dụng cho nhu cầu sinh hoạt và công
tác của khách.
 Resort: Khách hàng mục tiêu là khách nghỉ ngơi, thư giãn; thường nằm ở bên bờ
biển, vùng núi có khí hậu tốt; phong cách tạo không khí nhẹ nhàng, thư giãn, ít bóng
lộn và ít gò bó bởi các nguyên tắc lễ nghi cứng nhắc; các dịch vụ bổ sung thể thao và
giải trí phong phú, đa dạng.
 Khách sạn có phong cách thể hiện nét văn hóa địa phương: Khách hàng mục tiêu là
khách du lịch du lịch văn hóa; lối kiến trúc, trang trí và phong cách phục vụ mang
đến cho khách một không gian mang đậm bản sắc văn hóa địa phương.
2. Motel
Thuật ngữ motel được ghép từ hai từ motor + hotel. Motel có khách hàng mục tiêu là
những sử dụng ô tô riêng ghé lại nghỉ tạm qua đêm trong hành trình của mình. Từ đó, motel
thường tọa lạc bên xa lộ, ngoài thành phố, kiến trúc thấp tầng, cung cấp các dịch vụ phòng
và ăn uống ở mức hạn chế (thường là 1 hoặc thấp hơn), nhưng lại có các dịch vụ phục vụ
ô tô (bãi đậu xe, đỗ xăng, rửa xe, châm nước, sửa chữa nhỏ,…) và lái xe (thức ăn nhẹ mang
theo ăn trên đường,..)
3. Biệt thự
Khách hàng mục tiêu là những khách du lịch đi theo gia đình ở tương đối dài ngày, có
không gian rộng rãi và biệt lập bởi vườn bao quanh, số lượng buồng ngủ hạn chế, có bếp
cho khách sử dụng.
4. Làng du lịch
Khách hàng mục tiêu là những khách du lịch lớn tuổi hoặc đi theo gia đình ở dài ngày
muốn có một không gian yên tĩnh, tách biệt nhưng không cô độc, bao gồm các đơn nguyên
tương đối xa nhau, mỗi đơn nguyên gồm một hay hai bungalow. Dù vậy, làng du lịch có
khu chung, tương đối náo nhiệt, với phòng đón tiếp các nhà hàng, quầy bar, cửa hàng mua
sắm, khu vui chơi giải trí, thể thao và các tiện ích khác phục vụ khách du lịch.
5. Khu đất trại
Khách hàng mục tiêu là thanh niên hay các gia đình trẻ thích sống gần thiên nhiên. Đó là
khu vực đất được quy hoạch ở nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp, có bãi cắm trại, có khu vệ
sinh chung và khu bếp chung, có hệ thống cung cấp điện, nước, có khu đón tiếp chung với
các dịch vụ cho thuê phương tiện sinh hoạt trại, khu thể thao, giải trí.
6. Homestay (Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê)
Là nơi sinh sống của người sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp trong thời gian cho thuê lưu
trú du lịch, có trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê lưu trú, có thể có dịch vụ khác
theo khả năng đáp ứng của chủ nhà.

2.1.3. NGÀNH KINH DOANH DỊCH VỤ THAM QUAN, GIẢI TRÍ VÀ CÁC
DỊCH VỤ HỖ TRỢ

2.1.3.1. Ngành kinh doanh dịch vụ tham quan, giải trí


Dịch vụ tham quan, giải trí trong du lịch được cung ứng bởi các cơ sở như Viện Bảo
tàng, các điểm di tích hay công viên xanh, công viên nước,… mà chúng ta sẽ gọi chung là
các điểm thu hút (attraction), Luật Du lịch 2017 gọi là “điểm du lịch”3.
Cũng như ngành lưu trú, ngành kinh doanh các điểm thu hút du lịch và dịch vụ hỗ trợ
khá phân tán và đa dạng. Nhưng không như ngành lưu trú và vận chuyển vốn có sản phẩm
mà mức chất lượng mang tính tiêu chuẩn hóa cao, ngành kinh doanh dịch vụ tham quan,
giải trí thường có xu hướng tạo ra những cống hiến độc đáo và duy nhất.
Các điểm thu hút khá đa dạng có thể được phân chia theo các tiêu thức sau:
 Tiêu thức tài nguyên:
Dựa vào yếu tố hấp dẫn mà trên đó xây dựng các dịch vụ tham quan, giải trí, chúng ta
chia ra:
 Các điểm thu hút tự nhiên: các khu thắng cảnh tự nhiên, vườn quốc gia, công viên
xanh,..
 Các điểm thu hút văn hóa: các di tích văn hóa, lịch sử, các viện bảo tàng,..
 Các cơ sở giải trí: không khai thác trên các nét hấp dẫn có sẵn mà yếu tố hấp dẫn
là các công trình xây dựng phục vụ khách: các công viên chủ đề (công viên nước,
công viên mô phỏng,..), các casino,…
 Tiêu thức mục tiêu hoạt động: Các cơ sở cung ứng dịch vụ tham quan, giải trí không
vì mục tiêu lợi nhuận (miễn phí hoàn toàn hay miễn phí một phần do tài trợ) hay
hoàn toàn vì lợi nhuận.
 Tiêu thức hình thức sở hữu: Thuộc sở hữu công hay sở hữu tư nhân. Đó có thể là một
công việc xanh, khu bảo tồn thiên nhiên của nhà nước hay một công viên chủ đề, một
khu phức hợp mà trong đó có các hình thức sở hữu khác nhau như Khu Bảo tồn thiên
nhiên Bà Nà có các cơ sở kinh doanh của Sun Group, hoặc một bến cảng của nhà
nước có Công ty điều hành thực hiện nhượng quyền kinh doanh các cơ sở ăn uống,
bán hàng lưu niệm cho các tư nhân.
 Các điểm thu hút vật thể (khu thắng cảnh, các công viên giải trí "bê tông hóa",...),
phi vật thể (các điểm thu hút dựa vào các hoạt động đặc biệt như sự kiện thể thao hay
festival,..).

3
Chúng ta sẽ làm rõ các khái niệm “điểm thu hút”, “điểm đến du lịch” ở chương 6
Do sự đa dạng này, khó mà đòi hỏi có một ngành kinh doanh dịch vụ giải trí thuần nhất
mà chúng ta có thể đưa ra một định nghĩa rõ ràng: Trong khi Thế giới Walt Disney (Florida)
là một điểm thu hút thương mại hóa đơn lẻ lớn nhất (cao điểm: 32 triệu khách viếng năm
1993), làm sao có thể so với bãi biển Torremolinos, Tây Ban Nha hay khu mua sắm trung
tâm Kowloon, Hongkong? Đối với một khách du lịch, đây có thể được coi là những điểm
thu hút đơn lẻ.

2.1.3.2. Ngành kinh doanh dịch vụ hỗ trợ du lịch


Các dịch vụ hỗ trợ càng có xu hướng khó đưa ra một định nghĩa rõ ràng và bao quát, nó
quan hệ một cách đặc biệt với nhu cầu du lịch ở nơi xuất phát hay nơi đến như trong bảng
2.2 sau:
Bảng 2.3. Các kiểu dịch vụ hỗ trợ du lịch
Dịch vụ cho khách du lịch Dịch vụ cho nhà cung ứng
Bảo hiểm du lịch In ấn quảng cáo
Dịch vụ tại nơi Tài chính du lịch Hướng dẫn và kế hoạch
gửi khách VISA & hộ chiếu Hệ thống ĐKGC qua mạng
Thông tin du lịch Phân phát tập gấp
Hướng dẫn tour Hỗ trợ thông tin du lịch
Dịch vụ tại điểm Banking Huấn luyện du lịch
đến Y tế Hỗ trợ marketing
Thông tin địa phương Tài chính chuyên ngành

Bản chất của thị trường và mức độ tinh tế của những hoạt động này phụ thuộc vào quốc
gia hay khu vực mà chúng được triển khai. Chúng ta lưu ý hai loại hình tổ chức cung ứng
dịch vụ hỗ trợ du lịch:
Văn phòng du lịch quốc gia: Hầu hết các quốc gia phát triển du lịch đều tổ chức Văn
phòng du lịch quốc gia tại các quốc gia hay vùng gửi khách chính cho mình. Hoạt động của
các Văn phòng du lịch quốc gia và vùng là một hoạt động của chính quyền mang tính độc
quyền với mục tiêu là tối đa hóa số lượng khách du lịch hay doanh thu du lịch. Bản thân các
Văn phòng du lịch quốc gia là một đơn vị thực hiện các hoạt động của nó hay cung ứng các
dịch vụ trong khuôn khổ một ngân sách định trước.
Hệ thống đăng ký giữ chỗ qua mạng: Một lĩnh vực thú vị của nguồn cung quốc tế là hệ
thống đăng ký giữ chỗ qua mạng (CRS: Computerized reservation systems). Dựa trên CRS
của hàng không, nối kết với các đầu cuối chung của các cơ sở lưu trú, cho thuê xe v.v…, đã
hình thành một hệ thống hữu ích cho đại lý du lịch nhờ độ rộng bao phủ của nó. Hậu quả là
công nghệ CRS đã trở thành một thị trường cạnh tranh độc quyền mang tính quốc tế của các
nhóm được thống trị bởi một vài CRS bao phủ toàn thế giới như Sabre, Covia/Galileo và
Gemini/Pars. Hầu hết các hệ thống này là công ty liên doanh hoạt động với mục tiêu tối đa
hóa độ bao phủ thị trường cho các doanh nghiệp chủ của nó. Ngày nay, chúng ta thấy sự
phổ biến của các OTA (Online Travel Agent). Là đại lý du lịch trực tuyến, các OTA hỗ trợ
các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch như khách sạn, hãng lữ hành, hàng không bán các sản
phẩm dịch vụ du lịch như: phòng khách sạn, tour du lịch, vé máy bay… Các giao dịch mua
bán, thanh toán đều được thực hiện thông qua hình thức online. Mặc dù mỗi khách sạn đều
có một website riêng nhưng khách sạn vẫn cần khai thác các OTA bởi chúng một kênh phân
phối hiệu quả cho khách sạn. Khách sạn cũng không bỏ ra nhiều chi phí ban đầu để
marketing online vì các OTA sẽ thực hiện việc này. Chính nhờ các OTA mà ngày nay các
khách sạn nhỏ có thể giao dịch trực tiếp với khách hàng trên toàn thế giới. Mô hình OTA đã
rất phát triển trên thế giới với những tên tuổi lớn như: TripAdvisor, Booking, Agoda,
Expedia,… Ở Việt Nam đó là Agoda, Booking, Vietnam booking, Bestprice, Traveloka,
Vntrip,..

2.1.4. NGÀNH LỮ HÀNH VÀ CÁC DỊCH VỤ TRUNG GIAN DU LỊCH KHÁC


Nhóm cuối cùng của các doanh nghiệp du lịch bao gồm "các nhà trung gian" sắp xếp và
phân phối các sản phẩm du lịch. Các đơn vị này chủ yếu là các Đại lý du lịch và các Tour
operator.

2.1.4.1. Tour operator


Tour operator (hay Tour wholesaler) thực sự là những nhà sản xuất của một sản phẩm
du lịch đặc biệt. Sản phẩm này là một chương trình du lịch trọn gói (IT: inclusive tour) bao
gồm một hay nhiều hơn các dịch vụ du lịch 'được đóng gói' để bán cho khách du lịch. Rõ
ràng, các tour operator là người ủy nhiệm, và người mua các sản phẩm này là khách du lịch.
Nét chung của các Tour operator là ở chỗ họ cung ứng sản phẩm du lịch được chắt lọc và
sắp xếp hợp lý. Nếu có ai đó được coi là người cung ứng 'du lịch' thì đó là các Tour
operator. Có nhiều loại tour operator khác nhau:
1. Tour operator ở thị trường gửi khách dựa vào các doanh nghiệp cung ứng chương
trình du lịch bằng đường hàng không
2. Những nhà cung ứng chương trình du lịch trọn gói đường bộ, đường biển mở
rộng
3. Những tour operator hoạt động thực tế như người bán sĩ cho các tập đoàn khách
sạn, cho thuê xe
4. Những tour operator ở điểm đến dựa vào việc tổ chức các dịch vụ tham quan,
thường hoạt động như một đại lý bán và đảm nhận thực hiện các chương trình du
lịch tại địa phương cho các doanh nghiệp T.O. bên ngoài (hình thức phổ biến của
các Công ty lữ hành nước ta hiện nay).
Các tour operator loại đầu tiên đã phát triển một cách mạnh mẽ ở Anh, Đức, các nước
Tây, Bắc Âu khác và Nhật Bản. Các ngành công nghệ ở các quốc gia này hỗ trợ một chuỗi
các tour operator có khả năng cạnh tranh từ việc là doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm
khác biệt hóa cao cho đến những doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm cung ứng đại trà cao
như Jettour (Nhật Bản), Thomson (Anh), TUI (Đức).
Các điều kiện và thị hiếu thị trường ở các nước khác đã không hoàn toàn ưa thích sự
phát triển của loại tour operator này. Các doanh nghiệp cạnh tranh của loại thứ ba và tư xuất
hiện ở mọi nơi.
Vai trò và mục tiêu của tour operator cũng khác nhau từ tối đa hóa lợi nhuận cho đến
phát triển số khách du lịch ở các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, hay vận chuyển
nhiều khách du lịch nhất cho những ông chủ của tour operator mà có thể là các nhà vận
chuyển chẳng hạn.

2.1.4.1. Các đại lý du lịch


Đại lý du lịch (T.A. Travel Agency) là doanh nghiệp du lịch hoạt động với tư cách là đại
lý bán hàng cho các người ủy nhiệm để hưởng hoa hồng. Các người ủy nhiệm này thường là
các T.O. (bán lẻ chương trình du lịch cho các T.O.), tuy nhiên họ cũng bán vé cho các hãng
hàng không, đường sắt, đường bộ hay nhận đặt phòng khách sạn. Vậy họ là người bán lẻ
các sản phẩm du lịch. Mặc dù vậy, các đại lý cũng có vai trò cung ứng dịch vụ tuyển lựa
nhà cung ứng cho khách hàng của mình. Với ý nghĩa này, chúng cũng được xem như là nhà
môi giới hơn là đại lý vì chúng mang người bán và người mua lại với nhau. Mặc dù vậy,
hầu như toàn bộ thu nhập của họ là từ các khoản hoa hồng do các người ủy nhiệm trả như là
giá của dịch vụ bán.
Ở những quốc gia gửi khách, ngành đại lý du lịch là ngành cạnh tranh hoàn hảo vì số
lượng đại lý là rất lớn (ở Mỹ khoảng 25.000, ở Đức và Anh, mỗi nước khoảng 5.000 đại lý
du lịch). Họ cung cấp các dịch vụ tương tự nhau, lợi thế cạnh tranh riêng của mình chỉ thể
hiện qua vị trí địa lý của văn phòng hay kỹ năng bán hàng. Bởi vì tỷ lệ hoa hồng tiêu chuẩn
được thương lượng bởi các đại lý du lịch (thường thông qua hiệp hội). Mối quan hệ giữa
các nhà cung ứng (sản xuất) dịch vụ du lịch và đại lý tạo thành một liên minh hiệu quả,
được bảo vệ bởi cả các đại lý lẫn người ủy nhiệm nhằm duy trì "trật tự phân phối hợp lý".
Dù vậy, sự thống trị của liên minh sẽ có thể bị vô hiệu hóa hay bị vỡ khi xảy ra các trường
hợp sau:
 Các đơn vị ủy nhiệm đưa ra hệ thống Hoa hồng phụ trội (overriding commissions)
cho các đại lý được ưu đãi hay cho các dịch vụ đặc biệt; điều này cung cấp các chi
trả khác nhau cho những đại lý khác nhau. Đại lý X, nếu có doanh số bán cao cho
một người ủy nhiệm, sẽ nhận được một mức giá hoa hồng cao hơn đại lý Y (nhờ đã
thật sự trở thành một 'sản phẩm' dịch vụ bán tốt hơn). Chẳng hạn, các đại lý Úc và
New Zealand đã có thể kiếm đến 26% hoa hồng, bao gồm cả hoa hồng phụ trội, bằng
cách tích cực bán các chương trình du lịch tàu biển CTC trong năm 1988 sau vụ
chìm tàu nổi tiếng ở bờ biển New Zealand.
 Các đại lý sử dụng một phần của hoa hồng của họ để thực hiện chiết khấu trên giá
của người ủy nhiệm cho khách du lịch. Trên một ý nghĩa nào đó, đây có thể được
xem như một chi phí marketing của đại lý du lịch mà tỷ lệ hoa hồng của nó về mặt
kỹ thuật là cố định; nhưng sự cạnh tranh thường làm cho việc chiết khấu trở thành
một việc bình thường - các đại lý thật sự khổ sở với điều này vì nó làm thay đổi
mạnh mức hoa hồng thực tế họ nhận được. Tình trạng này sẽ không xảy ra chỉ khi
nào nhà nước có những nỗ lực to lớn trong việc duy trì giá bán lại.
 Sự phân phối các dịch vụ du lịch có thể bỏ qua đại lý du lịch như một nhà trung gian.
Có nhiều phương án phân phối. Thực tiễn kinh doanh du lịch hiện nay cho thấy nhờ
khai thác mạng internets, hầu hết các sản phẩm nội địa được bán không qua đại lý.
Vì hiệu quả và thu nhập biên của các phương án này cao hơn nên các người ủy
nhiệm sáng suốt sử dụng chúng.

* Cơ sở ra đời và xu hướng phát triển của ngành kinh doanh lữ hành


Như đã trình bày ở chương 1 (mục 5 trong 1.2.1.2. Cấu trúc của sản phẩm du lịch), do
sự e ngại không biết nên xem gì, ngủ đâu, ăn đâu ở điểm đến, e ngại vì mức giá cao khi mua
lẻ các dịch vụ du lịch, khách du lịch phải nhờ cậy đến các doanh nghiệp lữ hành với tư cách
là chuyên gia sắp xếp và mua sĩ các dịch vụ du lịch riêng lẻ để có một chương trình du lịch
hợp lý với giá cả phải chăng.
Tuy nhiên, với sự phát triển của mạng lưới internet, trước khi đi, khách du lịch có thể
tìm hiểu chi tiết về các điểm đến. Họ có thể biết ở đó có những điểm hấp dẫn nào không nên
bỏ qua, những hãng vận chuyển, khách sạn, nhà hàng nào phù hợp với mong muốn và túi
tiền của mình. Đặc biệt là sự phát triển của hệ thống các OTA, ở đó họ có thể xem các đánh
giá của khách du lịch đi trước để có những thông tin mà họ tin là chi tiết và khách quan về
các điểm thu hút và khách sạn, nhà hàng. Quan trọng hơn, họ có thể thể đặt chỗ tất cả các
dịch vụ họ chọn ở điểm đến. Đến lượt nó, các nhà cung ứng dịch vụ du lịch, khi tỷ trọng
bán online trực tiếp tăng lên, họ không còn lệ thuộc quá nhiều vào việc bán dịch vụ cho các
T.O. nên không còn bị ép giá như trước. Hai cơ sở ra đời cũng là hai điểm mạnh của hãnh
lữ hành là thông tin về điểm đến và khả năng mua các dịch vụ du lịch với giá rẻ đã không
còn như trước. Mặt khác, theo thời gian, những khách có ý thức tự do cao thích tự tổ chức
chuyến đi của thế hệ X nay đã là các trung niên. Họ cũng còn có đam mê này. Điều đó, dẫn
đến càng ngày lượng khách hàng lệ thuộc vào các chương trình du lịch trọn gói càng giảm.
Tất cả đang dẫn đến sự khó khăn của các T.O và từ đó là các T.A. Dấu ẫn cho xu hướng này
là ngày 21/9/2019, Thomas Cook, hãng lữ hành đầu tiên cũng là một trong những hãng lữ
hành lớn nhất trên thế giới, tuyên bố phá sản sau 178 năm hoạt động (1841 – 2019) để lại
21.000 nhân viên thất nghiệp và 600.000 du khách khách hàng của hãng này mắc kẹt ở khắp
nơi trên thế giới. Dĩ nhiên sự phá sản của Thomas Cook còn do những quyết định đầu tư sai
lầm. Nhưng theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân cơ bản là do áp lực cạnh tranh của các đơn
vị kinh doanh du lịch trực tuyến.
Ở nước ta, thời gian qua, du lịch phát triển chủ yếu là du lịch nhận khách. Các hãng lữ
hành hoạt động với tư cách là T.O. loại 4, hãng lữ hành của điểm đến. Các công ty này thiết
kế các chương trình du lịch bán cho các T.O. loại 1 ở các thị trường gửi khách nước ngoài.
Đây là lý do vì sao trong thời gian qua chúng ta không thấy sự phát triển của các T.A. ở
Việt Nam. Khi nước ta mở cửa không chỉ là thị trường hàng hóa mà cả thị trường dịch vụ,
các hãng lữ hành nước ngoài bắt đầu có thể quan hệ trực tiếp với các hãng vận chuyển,
khách sạn, nhà hàng trong nước. Nguồn khách quốc tế của lữ hành nước ta giảm mạnh.
Điều này buộc các hãng lữ hành nước ta phải đẩy mạnh khai thác thị trường khách du lịch
trong nước đi du lịch nước ngoài (du lịch outbound) hoặc đi du lịch trong nước. Lẽ ra với
xu hướng này nước ta sẽ phát triển các đại lý du lịch. Tuy nhiên, cho đến nay, các hãng lữ
hành lớn như Saigontourist hay Viettravel,… lại chọn việc mở các chi nhánh của mình ở
các địa phương hơn là sử dụng hệ thống đại lý du lịch bên ngoài. Chính điều này đã làm
tăng chi phí cố định cho công ty và chậm tốc độ phát triển mạng lưới bán lẻ. Đến nay, với
xu hướng suy giảm của ngành lữ hành thế giới, các công ty du lịch lữ hành nước ta cũng
không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Xu hướng chuyển hướng đầu tư sang các hoạt động kinh
doanh khác của các công ty lữ hành nước ta là xu hướng phổ biến của các công ty lữ hành
nước ta hiện nay.

2.2. NHỮNG TÁC ĐỘNG KINH TẾ-XÃ HỘI-MÔI TRƯỜNG CỦA DU LỊCH
Nước ta là một trong những nước có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch và chọn du
lịch như là một ngành kinh tế trọng điểm. Nhiều địa phương, đặc biệt là các địa phương
Miền Trung và Tây Nguyên, có mong muốn phát triển du lịch tại địa phương của mình. Tuy
nhiên, nguồn lực là có hạn, việc phát triển du lịch sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển các
ngành khác, chưa kể việc phát triển du lịch có khả năng xuất hiện những tác động không
mong muốn. Vì vậy, để làm cơ sở cho việc lựa chọn hướng phát triển du lịch, chúng ta cần
phải đánh giá tác động nhiều mặt của phát triển du lịch. Chính vì vậy, trong chương này
chúng ta dành một số trang khá dài để phân tích những tác động của phát triển du lịch, thậm
chí ở nhiều nội dung chúng ta bàn bạc khá chi tiết và giới thiệu một số phương pháp định
lượng trong đánh giá hay sử dụng.
Mọi ngành kinh tế khi phát triển sẽ khiến các hoạt động kinh tế rầm rộ hơn, môi trường,
tài nguyên được khai thác nhiều hơn, và vì vậy sẽ tác động đến cả 3 mặt: kinh tế, văn hóa -
xã hội và môi trường. Du lịch cũng vậy. Tuy nhiên, phát triển du lịch có những đặc thù
riêng. Do đó, bên cạnh việc phân tích những tác động chung, chúng ta sẽ lưu ý những tác
động mang tính đặc thù của phát triển du lịch. Mặt khác, ở phần này, chúng ta lưu ý cả
những tác động cả tích cực lẫn tiêu cực, cả tác động tại vùng nhận khách (điểm đến du lịch),
vùng gửi khách lẫn khu vực tuyến đường nối liền.
Một vấn đề khác cũng cần lưu ý khi phân tích là chúng ta thường xét tác động của phát
triển du lịch trên ba khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường, nhưng ba loại tác động này
không thể tách bạch rạch ròi. Chẳng hạn, để tăng sức thu hút của điểm đến Đà Nẵng, chính
quyền thành phố dự định quy hoạch phát triển khu giải trí về đêm dọc sông Hàn. Điều này
sẽ tác động đến kinh tế địa phương thông qua việc kích thích khách du lịch kéo dài thời gian
lưu trú, tăng chi tiêu. Nhưng đồng thời sẽ xuất hiện những hậu quả văn hóa, xã hội khi mà
một bộ phận cư dân địa phương sẽ thay đổi hành vi, có thể họ sẽ sinh hoạt ngoài phố khuya
hơn và không loại trừ số lượng tội phạm tăng lên. Cuối cùng dễ thấy là cùng với việc hình
thành khu giải trí về đêm, sẽ dẫn đến sự gia tăng ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm cảnh quan, ô
nhiễm rác thải tại khu vực này. Không những thế, một tác động trên khía cạnh này sẽ kéo
theo tác động trên khía cạnh khác. Khi khu giải trí về đêm phát triển, một bộ phận dân cư
tăng thu nhập, điều này khiến lối sống, cách ăn mặc và cả chuẩn giá trị xã hội của họ thay
đổi… Thật khó để phân biệt rạch ròi tác động nào thuộc khía cạnh nào.
Đồng thời, chúng ta cũng phải thấy rằng thật khó mà tách bạch rạch ròi giữa tác động
tích cực và tiêu cực của du lịch. Một tác động diễn ra, đối với người này là tích cực, đối với
người kia là tiêu cực, đối với người khác nữa là trung tính. Điều này phụ thuộc vào vị trí
của họ trong hệ thống du lịch (họ là khách du lịch, là người làm du lịch, chính quyền hay cư
dân địa phương), phụ thuộc vào đặc điểm văn hóa của cộng đồng và đặc điểm cá nhân của
người đánh giá. Gần như cứ mỗi tác động chúng ta đều thấy có cả hai mặt tích cực và tiêu
cực của nó. Đây là điều ta sẽ phân tích sâu sắc hơn ở phần cuối của mục này.
Với sự tác động đa chiều trên, trong thực tế phân tích, chúng ta không nên và không thể
tách bạch các tác động của phát triển du lịch. Nhưng để thuận lợi cho quá trình nhận thức,
chúng ta bắt đầu nội dung này bằng việc phân loại các tác động theo từng khía cạnh. Dù
thỉnh thoảng chúng ta vẫn bàn đến những tác động đến vùng gửi khách, tuyến đường, nhưng
chủ yếu vẫn là phân tích các tác động đến vùng nhận khách.

2.2.1. NHỮNG TÁC ĐỘNG KINH TẾ CỦA PHÁT TRIỂN DU LỊCH


Du lịch, do các hoạt động của khách du lịch trong thời gian lưu lại tại điểm đến, trực tiếp
và gián tiếp tạo ra nhu cầu và sự gia tăng các hoạt động kinh tế tại đây. Lợi ích kinh tế dễ
thấy nhất từ phát triển du lịch là việc gia tăng sự giàu có của người dân từ du lịch. Thay đổi
trong tài sản của người dân không chỉ thông qua việc tăng dòng thu nhập cho hộ gia đình,
mà còn thông qua sự thay đổi giá trị tài sản hiện có từ sự thay đổi giá trị thị trường của
chúng. Dễ thấy hơn cả là bất động sản. Du lịch phát triển, giá trị tài sản nhà, đất tại điểm
đến tăng lên mạnh mẽ (Đây là tác động tích cực hay tiêu cực? Rõ ràng là khác nhau đối với
những cư dân đang sở hữu một hoặc nhiều nhà, đất với những cư dân đang thuê nhà hoặc
đang có nhu cầu mua nhà). Nếu bỏ qua những thay đổi trong giá trị tài sản, sự thay đổi
trong thu nhập phát sinh từ sự chi tiêu của khách du lịch là tác động cần được phân tích thấu
đáo.
Mở rộng hơn, những tác động kinh tế chủ yếu của du lịch bao gồm những tác động đến
nguồn thu ngoại tệ, khả năng đóng góp vào thu ngân sách của chính phủ, khả năng giải
quyết việc làm, tạo ra thu nhập và khả năng kích thích phát triển các vùng trong nước. Hai
tác động đầu nằm ở cấp độ quốc gia, trong khi ba tác động sau xảy ra ở các cấp địa phương.
Cũng nhìn nhận như trên, những tác động này có mối quan hệ lẫn nhau, thật khó nói một
kết quả kinh tế nào đó là do một tác động riêng lẻ nào, nhưng một lần nữa, về mặt nghiên
cứu, chúng ta cần phân tích các tác động này một cách phân biệt để có được một nhận thức
rõ ràng về ảnh hưởng của du lịch đối với nền kinh tế của một quốc gia hay một địa phương.
Trước khi đi vào nội dung, cần lưu ý rằng, ngoại trừ tác động đến nguồn thu ngoại tệ,
các tác động kinh tế khác cũng có thể là kết quả của phát triển hoạt động du lịch nội địa. Dù
vậy, ngay cả ở đây, chúng ta thấy rằng, khuyến khích du lịch trong nước cũng có thể cho
phép tiết kiệm ngoại tệ, bởi nếu không, những khoản chi tiêu trong nước này sẽ được chi
cho du lịch nước ngoài. Khi chúng ta gia nhập WTO, việc thực hiện những cam kết của
WTO sẽ không thể ngăn chặn các quốc gia thành viên sử dụng các biện pháp để hạn chế
người dân đi du lịch ra nước ngoài (du lịch outbound). Ở các nước đang phát triển, tuy vẫn
không được áp dụng các biện pháp hạn chế du lịch outbound, nhưng vẫn còn phổ biến việc
sử dụng biện pháp giới hạn số lượng ngoại tệ được mang ra trong việc đi du lịch nước ngoài
vì mục đích giải trí. Các biện pháp này nhằm bảo vệ dự trữ ngoại hối vốn ít ỏi. Du lịch
trong nước, tuy chỉ thể hiện việc chuyển dịch sức mua giữa các bộ phận dân cư trong nền
kinh tế nhưng ít nhiều ảnh hưởng đến nguồn thu ngoại tệ, ảnh hưởng đầy đủ đến các tác
động khác nên vẫn có ý nghĩa đáng kể đến nền kinh tế quốc gia.

2.2.1.1. Tác động của du lịch lên quy mô tăng trưởng kinh tế
Dễ dàng thấy rằng mục tiêu chính của hầu hết các chính phủ là phát triển kinh tế đất
nước, trước hết là tăng trưởng quy mô của nền kinh tế. Trong khi vẫn có những tranh cãi về
lựa chọn giữa tăng trưởng nhanh về quy mô (tăng nhanh GDP) và tăng trưởng chậm nhưng
bền vững, chất lượng, nhiều quốc gia vẫn chọn tăng trưởng nhanh. Đó là vì quy mô kinh tế
tăng sẽ đáp ứng được các nhu cầu trong nước và quốc tế, cung cấp thêm nhiều việc làm và
gia tăng thu nhập cho nhân dân, sẽ tăng nguồn thu ngân sách để tài trợ cho hoạt động quốc
phòng, an ninh, giáo dục, xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ an sinh xã hội, và các dịch vụ
mang lại lợi ích khác. Trong ngắn hạn, một quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh sẽ làm
tăng sự lựa chọn dành cho dân cư và các tổ chức, dẫn đến cải thiện chất lượng cuộc sống
cho tất cả.
Cũng như bất kỳ ngành kinh tế nào khác, sự phát triển của du lịch sẽ tạo ra sự gia tăng
GDP cho nền kinh tế. Nhưng là một trong những lĩnh vực lớn nhất của kinh tế thế giới,
trong 60 năm qua, du lịch được quan tâm bởi sự tăng trưởng cao và ổn định, ít bị biến động
so với các ngành khác. Trong những thập niên đến, ngoại trừ đại dịch Covid – 19 mà chắc
chắn sẽ được kiểm soát, chúng ta chưa thấy có dấu hiệu nào cho thấy nhu cầu du lịch toàn
cầu sẽ giảm.
Trong mô hình phân tích đầu vào - đầu ra (input - output analysis model), ba loại hiệu
ứng khác nhau được xác định: tác động trực tiếp, gián tiếp và kéo theo (direct, indirect and
induced effects).
1. Những tác động trực tiếp của du lịch đối với quy mô tăng trưởng kinh tế
Được tính là tác động trực tiếp là những tác động ngay lập tức từ những nhu cầu có
thêm do hoạt động của khách du lịch tại điểm đến lên quá trình sản xuất, cung ứng hàng hoá
và dịch vụ dưới dạng những hàng hóa và dịch vụ tăng thêm, giá trị tăng thêm và các thành
phần của nó (gọi là chi tiêu nội bộ du lịch - tourism internal consumption hay tổng cầu nội
bộ du lịch - total tourism internal demand).
Như vậy, nó là những tiêu thụ trực tiếp về sản lượng và giá trị gia tăng của ngành công
nghiệp du lịch và các ngành công nghiệp khác trực tiếp phục vụ khách du lịch. Tác động
trực tiếp này được phản ánh qua chi tiêu của khách du lịch.
Khối lượng chi tiêu này tăng lên nhanh chóng trong 60 năm qua trên thế giới đặc biệt là
khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á của chúng ta. Năm 2013, chỉ riêng du
lịch quốc tế đã mang lại thu nhập lên đến 1.159 tỷ đô la Mỹ cho các nước trên thế giới.
Bảng 2.4. Thu nhập từ du lịch quốc tế
Thu nhập DL Qtế
Thị
Tốc độ tăng thu nhập du Trên1
phần
lịch quốc tế (%) Tỷ USD lượt
2013
khách
(%)
10/09 11/10 12/11 13/12 2012 2013 2013
Thế giới 5,2 4,5 4,2 5,3 100 1.078 1.159 1.070
Các nền kinh tế tiên tiến 5,8 5,9 4,0 6,0 64,3 688 745 1.280
Các nền kinh tế mới nổi 4,0 2,1 4,5 4,0 35,7 390 413 820
Phân theo khu vực bởi UNWTO:
Châu Âu -0,2 4,9 1,9 3,8 42,2 454,0 489,3 870
Bắc Âu 3,4 2,4 3,3 7,1 6,4 67,6 74,2 1.080
Tây Âu 1,4 3,9 2,7 1,7 14,5 157,9 167,9 960
Trung/Đông Âu -3,5 6,8 4,0 3,4 5,2 56,3 59,9 380
Nam Âu/ĐTHải -1,9 6,1 0,0 4,5 16,2 172,2 187,3 930
28 quốc gia thành viên EU 0,9 4,0 1,7 3,4 34,8 374,2 402,9 930
Châu Á-TBDương 14,9 8,3 6,7 8,2 31,0 329,1 358,9 1.450
Đông Bắc Á 21,4 9,2 7,9 9,3 15,9 167,2 184,7 1.450
Đông Nam Á 15,0 12,9 10,6 9,7 9,3 96,0 107,4 1.150
Châu Đại dương -3,0 -4,1 -1,3 1,9 3,7 43,0 42,6 3.410
Nam Á 10,7 11,6 -0,6 5,3 2,1 22,9 24,3 1.570
Châu Mỹ 4,2 5,1 5,7 6,4 19,8 212,9 229,2 1.360
Bắc Mỹ 6,0 5,9 6,7 7,8 14,8 156,4 171,0 1.550
Vùng Caribbean 0,7 -1,5 1,2 2,1 2,1 24,2 24,8 1.170
Trung Mỹ 0,3 9,7 7,5 3,2 0,8 8,7 9,4 1.020
Nam Mỹ -2,2 5,7 3,2 3,2 2,1 23,6 23,9 870
Châu Phi 2,6 1,7 7,3 0,0 3,0 34,3 34,2 610
Bắc Phi 0,2 -5,5 9,1 -1,4 0,9 10,0 10,2 520
Châu Phi hạ Sahara 3,8 5,0 6,5 0,6 2,1 24,3 24,0 660
Trung Đông 16,3 -17,2 2,2 -1,9 4,1 47,5 47,3 920
Số liệu 2013 là số liệu ước tính vào tháng 05/2014 Nguồn: UNWTO (2014)
Ở nước ta, năm 2013, khi bối cảnh nền kinh tế vẫn đang trong quá trình khắc phục suy
thoái, tái cấu trúc và từng bước tìm kiếm động lực tăng trưởng mới, Du lịch là ngành kinh tế
duy nhất duy trì tốc độ tăng trưởng cao và là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam. Năm
2013, cả nước đã đón 7,57 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng +10,6%; 35 triệu lượt
khách nội địa; tổng thu trực tiếp từ khách du lịch đạt 200 nghìn tỷ đồng, đóng góp trên 6%
GDP.
2. Những tác động gián tiếp của du lịch
Nếu chỉ tính chi tiêu nội bộ du lịch, nhiều tác động khác của du lịch sẽ bị bỏ qua. Để
phục vụ khách du lịch, hoạt động sản xuất đòi hỏi sự gia tăng quy mô các yếu tố đầu vào: ví
dụ, các nhà hàng phải mua và chuẩn bị nhiều thức ăn hơn, khách sạn cần nhiều dịch vụ giặt
là và dịch vụ vệ sinh công cộng hơn, công viên nước tiêu thụ nhiều điện năng và nhiều nước
hơn, các doanh nghiệp vận tải phải mua xăng và phụ tùng nhiều hơn,… Thông thường, để
phục vụ lượng khách hàng tăng thêm thì phải tăng thêm đầu tư trực tiếp: xây dựng nhiều
đường giao thông hơn, nhiều khách sạn, nhà hàng hơn, nhiều bãi biển được thiết lập và bảo
vệ,… để đáp ứng các chi tiêu khởi phát từ khách du lịch. Đó là một đợt gia tăng lượng cầu
hàng hóa và dịch vụ đầu vào của doanh nghiệp phục vụ việc sản xuất các dịch vụ du lịch.
Những đầu vào hoặc hàng hóa trung gian cần phải được cung ứng thông qua sản xuất
hoặc nhập khẩu, và điều này, đến lượt nó, kéo theo một chuỗi các nhu cầu bổ sung cho các
yếu tố đầu vào khác nhau (lao động và vốn), hiện tượng này tiếp tục diễn ra kéo dài qua
nhiều vòng cho đến khi kiệt sức bởi hiện tượng rò rỉ. Chuỗi các tác động mà các hoạt động
trực tiếp phục vụ khách du lịch tạo ra được gọi là tác động gián tiếp của du lịch tại vùng
nhận khách.
Chuỗi tác động gián tiếp của tiêu dùng du lịch lên các ngành công nghiệp khác là do sự
liên kết của các ngành phục vụ du lịch với các ngành khác cung cấp cho du lịch những yếu
tố đầu vào trung gian, kế tiếp là mối liên kết của các ngành này với những người khác cung
cấp đầu vào cho chúng, và cứ kéo dài như vậy. Tác động này đồng thời tạo ra các chuỗi giá
trị gia tăng, chuỗi việc làm, tiền lương, thu nhập, chuỗi thuế, ngân sách, v.v…
3. Những tác động kéo theo của du lịch
Ngoài ra, sự gia tăng của thu nhập hình thành từ tiêu dùng của khách du lịch được phân
phối cho lực lượng lao động và các chủ sở hữu các doanh nghiệp sản xuất. Đến lượt nó, khi
người lao động và chủ sở hữu có thêm thu nhập từ phát triển du lịch, họ có nhu cầu gia tăng
đối với hàng hóa dịch vụ tiêu dùng thông thường thông qua một sự gia tăng trong tiêu dùng
hộ gia đình của họ. Cũng như nhu cầu hàng hóa đầu vào, nhu cầu tiêu dùng bổ sung này
cũng tạo ra một chuỗi các tác động kéo theo trên một loạt các hàng hóa và dịch vụ.
Tác động kinh tế tổng thể của du lịch vào nền kinh tế là một sự kết hợp của tác động
trực tiếp, gián tiếp và kéo theo.
Khi một khách du lịch chi tiêu 1 USD tại điểm đến, chi tiêu này tạo ra thu nhập 1 USD
cho những người cung ứng sản phẩm du lịch (tác động trực tiếp của du lịch). Từ 1 USD đầu
tiên này, người cung ứng du lịch sử dụng nó để mua các yêu tố đầu vào từ các ngành khác
(nguyên vật liệu, điện, nước, máy móc thiết bị, công trình xây dựng,…). Qua mối quan hệ
liên kết với các ngành khác, việc mua sắm này sẽ tạo ra nhu cầu và hình thành nên thu nhập
của các ngành khác (tác động gián tiếp). Cũng từ một USD tăng thêm này, người cung ứng
du lịch sử dụng để trả lương cho người lao động và để lại lợi nhuận cho chủ sở hữu. Với thu
nhập tăng thêm này, người lao động và chủ sở hữu tăng thêm tiêu dùng cá nhân, tạo ra thu
nhập cho những người sản xuất hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thông thường khác (tác động
kéo theo). Nhưng tác động của 1 USD đầu tiên không dừng ở đó, đến lượt họ, các doanh
nghiệp và dân cư nhận được thu nhập từ tác động gián tiếp và kéo theo cũng phải chi tiêu,
tạo ra làn sóng thu nhập thứ ba. Và cứ như vậy, tạo ra chuỗi làn sóng vô hạn.
Vậy, từ 1 USD đầu tiên của khách du lịch, nền kinh tế không chỉ tăng 1 USD cho GDP
mà tăng hơn nhiều lần nhờ sự liên kết trong nền kinh tế. Nhưng từ 1 USD, qua chuỗi vô hạn
các làn sóng, nền kinh tế không thể tăng lên con số vô hạn USD mà các làn sóng này, qua
sự rò rỉ, bị yếu dần và GDP chỉ tăng lên một con số USD có giới hạn.
Giả sử trung bình, một người đầu tư sản xuất hay tiêu dùng khi thu nhập khả dụng tăng
thêm một đơn vị, họ chi tiêu thêm một lượng tiêu dùng X. Lượng tiêu dùng X tăng thêm
này gọi là xu hướng tiêu dùng cận biên (MPC - Marginal Propensity to Consume). Kết quả
là từ 1 đồng đầu tiên, GDP tăng lên được K đồng. K được gọi là nhân tử Keynne. Lúc đó, K
được tính theo công thức:.
1
K=
1 − MPC
Liên kết và rò rỉ là hai hiện tượng cần phải được xác định rõ ràng để đánh giá tác động
kinh tế của du lịch. Độ lớn của chúng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ mức độ và vai trò của du lịch
trong tác động đến nền kinh tế.
Liên kết là mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa các quá trình sản xuất khác nhau trong nền
kinh tế, là khả năng cung ứng hàng hóa, dịch vụ đầu vào cho ngành này của ngành khác trong
nước, được thể hiện và tính toán qua mô hình input - output. Thống kê ngành thường sử dụng
chúng để thể hiện chính xác độ lớn của quan hệ liên kết này.
Rò rỉ xảy ra khi một phần của các khoản thu nhập gia tăng tạo ra bởi du lịch không được
đưa vào nền kinh tế. Nó bao gồm cả hai khoản: Khoản thu nhập tăng thêm bị giữ lại do tiết
kiệm (không chi tiêu và không đầu tư); Khoản thu nhập tăng thêm không được giữ lại trong
nền kinh tế của quốc gia nhận khách mà bị thất thoát ra các quốc gia khác bởi 2 hình thức:
Một là, nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ để phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch, hai là,
chuyển thu nhập ra nước ngoài (chủ đầu tư nước ngoài, người lao động nước ngoài chuyển
lợi nhuận, thu nhập về nước họ). 4
Rò rỉ cũng mở rộng vào vòng thứ hai và các vòng tiếp theo của quá trình sản xuất, có
nghĩa là, chúng không chỉ bao gồm những hàng hóa nhập khẩu dành cho tiêu thụ trực tiếp
của khách du lịch, cho đầu tư du lịch hay cho các yêu tố trung gian (đầu vào) trực tiếp phục
vụ khách du lịch hay để sản xuất hàng hóa đầu tư du lịch (vòng đầu tiên), mà còn là nguyên
liệu nhập khẩu và tổng tài sản cố định cần thiết cho việc sản xuất các hàng hóa đầu vào và
đầu tư (vòng hai) và sau đó các đầu vào cần thiết cho sản xuất của các vòng sau. Sự rò rỉ

4
Những khái niệm và nội dung phân tích phần này bạn đọc xem thêm trong Lý thuyết về hiệu ứng số
nhân của Keynne trong Kinh tế vĩ mô.
cũng diễn ra ở các dòng chảy liên quan đến việc phân phối và phân phối lại thu nhập và việc
sử dụng thu nhập trong nước để tăng tiêu dùng để cuối cùng có thể mở rộng hàng nhập
khẩu. Tổng của tất cả các hàng nhập khẩu bổ sung cho nền kinh tế và luồng ra của thu nhập
sẽ được gọi là rò rỉ gián tiếp.
Việc phân tích hiệu ứng số nhân, mức độ liên kết và rò rỉ không chỉ xét trên một quốc
gia mà cũng thường được phân tích trong nền kinh tế của một vùng, một địa phương. Một
quốc gia, một địa phương phát triển du lịch có độ rò rỉ khác nhau sẽ có mức độ tác động
khác nhau đến toàn bộ cộng đồng. Cả Đà Nẵng và Hội An đều phát triển du lịch. Cả thu
nhập trực tiếp, việc làm trực tiếp và ngân sách trực tiếp từ phát triển du lịch không có nhiều
hiệu quả khác biệt. Tuy nhiên, trong khi Đà Nẵng phát triển với hệ thống resort cao cấp do
người nước ngoài và ngoài địa phương đầu tư, sử dụng với tỷ lệ cao của các trang thiết bị,
nguyên vật liệu và cả thực phẩm nhập khẩu thì Hội An phát triển với nhiều doanh nghiệp
quy mô nhỏ (như homestay, khách sạn cấp hạng và quy mô vừa, hệ thống các dịch vụ may
mặc, các nhà hàng và cửa hàng lưu niệm) khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ, chủ yếu do
người địa phương đầu tư. Do đó, dễ thấy rằng phát triển du lịch Đà Nẵng hầu như chỉ tác
động đến những người trực tiếp làm du lịch, mức độ lan tỏa thấp, thì tại Hội An, du lịch
phát triển ảnh hưởng rộng rãi, gần như cuộc sống mọi người Hội An đều được cải thiện nhờ
phát triển du lịch. Phải chăng đây là sự lựa chọn định hướng phát triển du lịch khác nhau
của hai địa phương: Phát triển du lịch nhanh chóng hay phát triển du lịch bền vững?
Trên đây là những trình bày lý thuyết để chỉ ra cơ chế tác động lan tỏa của phát triển du
lịch. MPC sẽ khác nhau ở những người tiêu dùng và đầu tư khác nhau và việc xác định
MPC là khó khăn. Trong thực tế, dựa vào nguồn dữ liệu thực tế có thể thu thập được, cách
tính toán là như sau:
Tổng đóng góp Đóng góp trực Tác động Tác động
của du lịch = tiếp của du lịch + gián tiếp + kéo theo
vào GDP vào GDP của du lịch của du lịch
Trong đó:
Đóng góp trực tiếp Tiêu dùng du lịch Giá trị hàng mua của các nhà
= -
của du lịch vào GDP nội bộ cung ứng dịch vụ du lịch
+ Tiêu dùng 'nội bộ' cho hoạt động du lịch (Internal tourism consumption) là tổng chi
tiêu trong một quốc gia cụ thể cho du lịch của người dân trong nước và người nước ngoài
cho mục đích kinh doanh và giải trí tại quốc gia. Do khách du lịch được trợ cấp một phần
hay toàn bộ khi hưởng các dịch vụ du lịch do Nhà nước hỗ trợ nên cũng tính ở đây gồm cả
các chi tiêu của chính phủ cho riêng du lịch (government 'individual' spending), tức chi tiêu
của chính phủ cho các dịch vụ du lịch liên quan trực tiếp đến du khách, chẳng hạn như chi
tiêu dịch vụ văn hóa, giải trí (ví dụ: chi tiêu hỗ trợ viện bảo tàng, hỗ trợ vườn quốc gia).
Tiêu dùng Tổng thu nhập từ du Chi tiêu du lịch nội địa (bao gồm
du lịch = lịch quốc tế inbound + chi tiêu riêng của chính phủ)
nội bộ (Visitor exports) (Domestic expenditure)
Giá trị hàng mua của các nhà cung ứng dịch vụ du lịch là tiền mua hàng kể cả hàng nhập
khẩu của các doanh nghiệp thuộc các ngành đặc trưng về du lịch như khách sạn, hãng hàng
không, sân bay, đại lý du lịch và các dịch vụ giải trí và nghỉ ngơi có giao dịch trực tiếp với
khách du lịch.
+ Đóng góp tài chính gián tiếp của du lịch bao gồm giá trị hàng hóa dịch vụ sau:
 Các hàng hóa dịch vụ trong chuỗi cung ứng trong nước xuất phát từ việc cung ứng
hàng hóa dịch vụ du lịch cho khách du lịch (Domestic supply chain). Bao gồm các khoản
mua hàng hóa và dịch vụ trong nước của các ngành giao dịch trực tiếp với khách du lịch -
ví dụ, mua thực phẩm và dịch vụ dọn dẹp của khách sạn, mua nhiên liệu và dịch vụ ăn
uống của các hãng hàng không, mua dịch vụ CNTT của các đại lý du lịch,… và các
khoản mua kéo theo ở các vòng sau.
 Chi tiêu đầu tư cho du lịch là chi tiêu quan trọng cho cả khía cạnh hoạt động hiện tại
lẫn tương lai, bao gồm các hoạt động đầu tư như mua máy bay mới và xây dựng khách
sạn mới;
 Chi tiêu “chung” của chính phủ (Government collective spending), chi tiêu của Chính
phủ giúp hoạt động du lịch theo nhiều cách khác nhau vì nó được thực hiện thay mặt cho
'cộng đồng nói chung' - ví dụ: tiếp thị và quảng bá du lịch, dịch vụ vệ sinh, dịch vụ an
ninh nói chung, dịch vụ an ninh khu nghỉ dưỡng,…
Đóng góp tài Chuỗi Đầu tư Chi tiêu Giá trị hàng hóa
chính gián tiếp = cung ứng + trong du + “chung” của - dịch vụ nhập khẩu
của du lịch trong nước lịch chính phủ từ chi tiêu gián tiếp
Sau đây là Bảng tính toán các tác động kinh tế của du lịch Việt Nam giai đoạn 2012 -
2018 do Hội đồng Du hành và Du lịch thế giới (World Travel & Tourism Council) công bố
trong Báo cáo Tác động kinh tế của du hành và du lịch 2018 – Việt Nam
Bảng 2.5 Đóng góp kinh tế của Du lịch Việt Nam giai đoạn 2012 – 2018
Đơn vị tính:tỷ VND, giá thực tế năm 2017
2018 2028
2012 2013 2014 2015 2016 2017
(ước (dự
tính) báo)
1.Xuất khẩu du lịch (chi tiêu
của khách du lịch quốc tế) 162.531 165.503 164.615 169.148 191.518 200.843 214.300 398.107
2. Chi tiêu du lịch nội địa
(bao gồm cả chi tiêu riêng
của chính phủ) 121.738 126.841 139.957 166.527 172.886 195.478 208.637 354.926
3. Tiêu dùng du lịch trong
nước (=1+2) 284.269 292.344 304.572 335.675 364.404 396.321 422.937 753.033
4. Giá trị hàng mua của các
nhà cung ứng dịch vụ du
lịch, bao gồm cả hàng hóa
nhập khẩu (chuỗi cung ứng) -67.891 -73.247 -77.193 -86.521 -93.782 -101.661 -108.506 -188.065
5. Đóng góp trực tiếp của 216.378 219.097 227.379 249.154 270.622 294.660 314.431 564.968
du lịch vào GDP (=3+4)
Các tác động tài chính khác (gián tiếp và kéo theo)
6. Chuỗi cung ứng trong
nước 64.121 64.927 68.482 76.634 83.237 90.631 96.712 173.771
7. Đầu tư du lịch 91.304 98.985 103.773 101.932 98.047 116.788 125.012 203.748
8. Chi tiêu “chung” của chính
phủ 2.754,0 3.026,0 3.275,7 3.545,1 3.883,9 4.160,1 4.392,1 7.208,3
9. Hàng nhập khẩu từ chi - - -
tiêu gián tiếp -70.901 -77.546 -82.911 -84.872 -87.127 104.557 113.525 179.682
10. Chi tiêu kéo theo 57.224 56.427 57.987 60.500 64.201 66.610 70.282 130.931
11. Tổng đóng góp của du
lịch vào GDP
(=5+6+7+8+9+10) 360.879 364.916 377.986 406.893 432.864 468.291 497.303 900.944
Tác động tạo việc làm (tr. vl)
12. Đóng góp trực tiếp tạo
việc làm của du lịch 2.401,8 2.345,2 2.323,1 2.325,3 2.402,2 2.467,6 2.515,4 2.917,5
13. Tổng đóng góp trong
tạo việc làm của du lịch 4.094,7 4.042,2 3.993,6 3.941,9 3.987,1 4.060,9 4.116,8 4.790,3
Các chỉ số khác
14. Chi tiêu du lịch outbound 67.740 78.081 78.161 82.296 83.512 89.058 96.517 166.368
Nguồn: WTTC

2.2.1.2. Những tác động của du lịch lên hoạt động kinh tế đối ngoại
Trước khi đi vào ý nghĩa này của du lịch, chúng ta cần xem xét khái niệm xuất khẩu và
nhập khẩu du lịch, chỉ ra sự khác biệt giữa xuất nhập khẩu hàng hóa thông thường với xuất
nhập khẩu sản phẩm du lịch.
*Xuất khẩu du lịch: Khi một người có thu nhập từ nước A đến du lịch tại nước B, anh ta
mang tiền kiếm được từ nước A tiêu tại nước B, tức là anh ta đưa vào nước B một lượng
ngoại tệ, thông qua việc nhận ngoại tệ từ khách du lịch, B đã xuất khẩu sản phẩm du lịch
sang A. Khác với xuất khẩu hàng hóa thông thường, chúng ta thu ngoại tệ từ việc đưa hàng
hóa ra nước ngoài, xuất khẩu du lịch lại thu ngoại tệ từ khách du lịch nước ngoài vào Việt
Nam.
Quốc gia xuất khẩu du lịch là quốc gia tiếp nhận khách du lịch từ nước ngoài đến – gọi
chung là “quốc gia nhận khách”. Quốc gia nhận khách sẽ có được thu nhập bằng ngoại tệ từ
những chi tiêu của khách du lịch nước ngoài khi họ đến.
*Nhập khẩu du lịch: ngược lại với xuất khẩu du lịch, khi một người của quốc gia A đi
du lịch ở nước B và tiêu ở đấy tiền kiếm được tại A thì nước A đã nhập khẩu sản phẩm du
lịch vào nền kinh tế của họ.
Quốc gia nhập khẩu du lịch là quốc gia có cư dân của mình đi du lịch ở nước ngoài –
gọi chung là “quốc gia gửi khách” hay “quốc gia gốc”. Người dân của họ mang tiền ra nước
ngoài chi tiêu, với sự di chuyển ngoại tệ ra khỏi làm cho quốc gia gửi khách trở thành quốc
gia nhập khẩu du lịch.

Khách du lịch

Nước xuất khẩu Nước nhập khẩu


du lịch du lịch

Ngoại tệ

Hàng hóa vật chất

Nước xuất khẩu Nước nhập khẩu


hàng hóa hàng hóa

Ngoại tệ

Hình 2.2. Dòng vận chuyển trong xuất khẩu hàng hóa và xuất khẩu sản phẩm du lịch
Trong điều kiện ngày nay, hầu hết các nhà nghiên cứu và hoạt động thực tiễn đều công
nhận rằng du lịch quốc tế là một trong những bộ phận quan trọng nhất của các dòng thương
mại toàn cầu. Là một hệ thống cung ứng liên kết toàn cầu, hoạt động trên nhiều lĩnh vực rất
khác nhau, tác động qua lại giữa du lịch và nền kinh tế quốc tế là rất phức tạp. Tuy xét trên
tổng thể của du lịch thế giới, sự phát triển của cầu du lịch khá ổn định, nhưng xét sự phát
triển của dòng khách từ một nước gửi khách đến một nước nhận khách cụ thể, lượng cầu du
lịch như đã phân tích ở Chương 1 là hết sức nhạy cảm với các biến động về kinh tế, an ninh
và môi trường.
Du lịch quốc tế có hai tác động chính; đầu tiên, trong thương mại, và thứ hai, trong hiệu
ứng tái phân phối của nó.
+ Tác dụng thương mại là một đặc điểm của cầu du lịch. Khi khách du lịch đến thăm các
nước, sự chi tiêu của họ sẽ kích thích hoạt động thương mại quốc tế. Hầu hết khách du lịch
quốc tế đến nước ta đến bằng đường hàng không với hầu hết các máy bay được sản xuất và
xuất khẩu từ Mỹ và Châu Âu. Tại các điểm đến, khách du lịch có thể sử dụng chỗ ở thuộc
sở hữu và quản lý bởi người nước ngoài. Họ có thể tiêu dùng thức ăn và đồ uống không
được cung cấp trong nước. Ví dụ, một khách du lịch Đức thăm Việt Nam có thể được chở
đến bởi Vietnam Airlines sử dụng máy bay Boeing 777 (sản xuất ở Mỹ), ở khách sạn Sofitel
thuộc sở hữu của nhà đầu tư Hongkong và quản lý của công ty Pháp, uống rượu whisky
Scotland và ăn thịt bò Úc. Với khách du lịch Đức này, Việt Nam xuất khẩu sản phẩm du
lịch nhưng nhập khẩu các sản phẩm khác và diễn ra sự rò rỉ thu nhập ngoại tệ. Đối với nền
kinh tế toàn cầu, chúng cấu thành các cơ hội thương mại và tạo ra hoạt động xuất nhập
khẩu.
+ Hiệu ứng tái phân phối (phân phối lại) của du lịch quốc tế thể hiện ở chỗ khách du lịch
sử dụng thu nhập kiếm được ở nước này chi tiêu ở nước khác. Thực tế là hầu hết khách du
lịch quốc tế, họ đến từ các nước phát triển có thu nhập cao và dành một phần thu nhập khả
dụng của họ chi tiêu ở các nước thu nhập thấp bằng việc mua các kỳ nghỉ. Trong ý nghĩa
này, một số thu nhập thặng dư của các nước giàu có, thông qua du lịch, phân phối lại cho
các nước khác mà nhiều nước trong đó là các nước đang phát triển. Các quốc gia tương đối
giàu có của Tây Âu và Bắc Mỹ là các quốc gia gửi khách chính. Những nước có thặng dư
cao trong cán cân thanh toán, chẳng hạn như Nhật Bản, khuyến khích người dân đi du lịch ở
nước ngoài như một phương tiện của việc giảm và phân phối lại thặng dư. Những tác dụng
tái phân phối là quan trọng vì chúng cung cấp cho các nước đang phát triển một trong số rất
ít cơ hội để xuất khẩu sản phẩm miễn thuế.

2.2.1.3. Tác động đến việc làm và thu nhập


Khó mà đo lường quy mô việc làm và thu nhập do du lịch tạo ra. Ngay ở các nước phát
triển, dữ liệu thống kê về việc làm và số lượng người làm việc tại bất kỳ một thời gian nào
luôn sẵn có, nhưng với số liệu việc làm trong du lịch, chúng ta chỉ ước tính và cũng rất khó
ước tính chính xác số lao động tham gia vào du lịch Đó là do tính đa ngành của du lịch.
Trong thực tế, việc ước tính việc làm và thu nhập từ du lịch được thực hiện từ các cuộc điều
tra mẫu, từ các nghiên cứu đa ngành hoặc từ bảng Cân đối liên ngành (input–output tables).
Ở cấp độ quốc gia hay địa phương, vấn đề cần xem xét là: cùng với một số tiền đầu tư,
liệu việc làm và thu nhập phát sinh trong du lịch nhiều hay ít hơn so với các lĩnh vực khác.
Cần lưu ý rằng, bên cạnh số lượng, chất lượng việc làm cũng là một vấn đề có ý nghĩa. Do
đó chúng ta xem xét tác động tạo việc làm của du lịch theo một số quan điểm khác nhau.
1. Hiệu quả tạo số lượng việc làm trong du lịch
Sản phẩm du lịch về bản chất là dịch vụ, thường được mô tả như một chuỗi các hoạt
động lao động. Từ biểu hiện đơn giản này, chúng ta có thể hình dung rằng với mỗi đơn vị
đầu tư vốn, du lịch tạo ra nhiều việc làm hơn so với các lĩnh vực khác. Trong các ngành
công nghiệp có hiệu quả quy mô hay có công nghệ phức tạp, đầu tư lớn có thể tạo ra ít việc
làm. Chẳng hạn nhà máy lọc dầu đòi hỏi vốn đầu tư lớn để xử lý dầu nhưng tạo ra ít việc
làm.
Ở các nước đang phát triển, dân số tăng nhanh và mức thất nghiệp cao, số lượng sức lao
động được sử dụng sẽ được ưu tiên xem xét hơn là năng suất lao động, lúc đó, khi lao động
được cung ứng dồi dào với giá rẻ, đầu tư cho lao động thay thế cho đầu tư máy móc diễn ra
ở nhiều lĩnh vực bao gồm cả du lịch. Rõ ràng khách sạn sẽ không nhập khẩu cửa mở tự
động nếu việc thuê nhân viên gác cửa tốn ít chi phí hơn. Hơn nữa, trong rất nhiều trường
hợp, tự động hóa thường mang lại cảm giác chất lượng dịch vụ thấp hơn so với việc phục
vụ của nhân viên.
Vấn đề về phương pháp do lường việc làm do du lịch tạo ra
Việc làm do du lịch tạo ra được phân loại thành việc làm trực tiếp và gián tiếp. Việc làm
trực tiếp được định nghĩa là việc làm được tạo ra đặc biệt bởi sự cần thiết phải cung cấp và
phục vụ khách du lịch. Chẳng hạn đó là những việc làm được tạo ra từ hoạt động của một
khách sạn, nhà hàng... Tuy nhiên, để khách sạn, nhà hàng ra đời và vận hành, đòi hỏi phải
có một số lượng lớn yếu tố đầu vào từ ngành xây dựng, ngành cung cấp thực phẩm,… và từ
đó những người lao động xây dựng, nông dân có việc làm từ phát triển du lịch. Những công
việc liên quan đến du lịch như vậy được coi là việc làm gián tiếp với ý nghĩa rằng họ sẽ
chuyển hướng sang phục vụ các lĩnh vực khác khi yêu cầu xây dựng công trình du lịch bị
giảm. Ở những nơi du lịch là ngành kinh tế chủ đạo, việc làm gián tiếp do du lịch tạo ra tạo
thành một khía cạnh quan trọng trong tổng số việc làm.
Trong tính toán, một kiểu ước tính hay dùng là đơn giản hóa, xem các phân ngành khách
sạn và nhà hàng là đại diện cho ngành du lịch. Kiểu cắt ngắn như vậy có thể làm giảm tổng
số việc làm do du lịch tạo ra. Nhưng nó cũng có thể làm tăng vì lao động trong ngành lưu
trú và ăn uống cũng có thể phục vụ cư dân địa phương, phục vụ các bữa ăn công nghiệp và
suất ăn bệnh viện…
Ở những quốc gia không có số liệu thống kê tốt, phương pháp thực tế duy nhất là thực
hiện các cuộc điều tra, thường là điều tra chọn mẫu. Nhưng phương pháp này không tính
được việc làm gián tiếp từ du lịch. Để khắc phục, phương pháp lập bảng Cân đối liên ngành
được sử dụng, bắt đầu từ các cuộc điều tra đặc biệt khảo sát chi tiêu du lịch. Những sản
phẩm và dịch vụ du lịch nào được khách du lịch tiêu dùng, việc làm được tạo ra ở đây là
bao nhiêu. Để sản xuất các sản phẩm và dịch vụ du lịch này, các sản phẩm đầu vào nào
được tiêu dùng, việc làm được tạo ra từ sản xuất các sản phẩm đầu vào đó và tiếp tục,…
tương tự như xác định hiệu quả số nhân của thu nhập. Khảo sát việc làm bên cạnh cung cấp
số lượng việc làm cũng có thể mang lại dữ liệu định tính về các loại hình công việc, chất
lượng công việc và cho chúng ta biết nhiều hơn về yêu cầu lao động và việc làm. Đây là
loại khảo sát cơ bản phục vụ công tác hoạch định nguồn nhân lực du lịch.
2. Chất lượng việc làm
Ơ các nước, nhất là ở những nước phát triển, việc làm trong du lịch thường bị xem là
loại việc làm ít đòi hỏi tay nghề, thu nhập thấp. Ở nhiều quốc gia, làm du lịch chủ yếu là
phụ nữ. Những ý kiến này có thể đúng hoặc không đúng cho từng trường hợp cụ thể. Được
xem là đúng, việc làm trong du lịch tạo thu nhập thấp, trước hết bởi cầu việc làm trong du
lịch có tính thời vụ. Vào ngoài mùa du lịch, hiện tượng sa thải nhân viên là phổ biến và điều
này có ý nghĩa quan trọng đối với người lao động và gia đình họ. Quy luật thời vụ là thuộc
tính phổ biến của du lịch, điều này ảnh hưởng đến thái độ của người lập kế hoạch sử dụng
lao động. Họ có xu hướng tăng cường sử dụng lao động thời vụ, lao động bán thời gian để
hạn chế tác động của tính thời vụ. Bên cạnh thu nhập thấp, lao động thời vụ thường là
những công việc ít đòi hỏi tay nghề. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, đối với nhiều người, làm
việc bán thời gian hoặc theo mùa là một lựa chọn ưa thích.
Về vấn đề việc làm tay nghề thấp, không có sự khác nhau giữa du lịch và các ngành
khác. Trong du lịch, ở các khách sạn, resort cao cấp, trong ngành hàng không hay trong
doanh nghiệp tiếp thị du lịch sử dụng công nghệ mới,… số lượng việc làm có tay nghề cao
và được trả lương cao ngày càng tăng. Mỗi ngành sản xuất sẽ có một hệ thống cấp bậc công
việc. Thách thức thực sự trong du lịch là có cơ chế để đảm bảo rằng người lao động nếu
phấn đấu có thể thăng tiến trong hệ thống cấp bậc công việc. Đây là lĩnh vực chính sách,
nhưng chính sách không thể phát triển mà không có dữ liệu để cung cấp một thông tin về
việc làm. Hệ thống dữ liệu này giúp xác định những kỹ năng cần thiết và chỉ ra những kỹ
năng này có thể được phát triển ở đâu và như thế nào. Nếu lực lượng lao động tại chỗ không
có khả năng này, chúng ta phải thuê chuyên gia nước ngoài một cách lâu dài. Điều này
không chỉ tạo ra mặt bằng lương thấp cho người lao động trong nước, gây ra sự rò rỉ của
nền kinh tế mà còn có thể dẫn đến những bất ổn xã hội và chính trị.
Nhu cầu đào tạo phục vụ phát triển nguồn nhân lực du lịch được xác định từ dữ liệu
phản ánh số lượng và chất lượng công việc tạo ra trong du lịch. Nếu không có dữ liệu như
vậy thì không thể xây dựng các chương trình đào tạo cụ thể và các cơ sở đào tạo sẽ không
thể nắm được nhu cầu nhân lực du lịch để đáp ứng. Trong một lĩnh vực có tính quốc tế như
du lịch, vấn đề không chỉ đơn giản là tạo việc làm, mà còn là đào tạo để có những người đủ
điều kiện đảm đương các công việc này. Trong đó, người làm công tác kế hoạch du lịch
quan tâm hơn đến số lượng việc làm tạo ra; nhưng những nhà quản trị du lịch lại quan tâm
nhiều hơn đến yêu cầu về chất lượng việc làm. Cả hai khía cạnh là phụ thuộc lẫn nhau. Vì
vậy, hai khía cạnh định lượng và định tính quan hệ chặt chẽ nhau liên quan nhau trong quy
hoạch nguồn nhân lực du lịch.
3. Tạo thu nhập
Tác động tạo thu nhập của du lịch đã được mô tả bằng cách sử dụng khái niệm hiệu quả
số nhân như đã trình bày ở trên. Rất khó để đánh giá liệu các hiệu ứng thu nhập phát sinh từ
việc làm du lịch là lớn hơn hoặc ít hơn so với các ngành khác. Nhưng do du lịch thường
phát triển ở các khu vực nông thôn, vùng núi, rừng nhiệt đới, bãi biển, những vùng khó có
điều kiện phát triển các ngành công nghiệp khác. Từ đó, ý nghĩa đầu tiên của nó là du lịch
tạo ra một thu nhập địa phương ở nơi mà các ngành khác không thể làm.
Về mặt kinh tế, du lịch có thể tạo ra nhiều lợi ích, bao gồm cả việc làm và thu nhập, và
có lẽ là cải thiện cơ sở hạ tầng như một hệ quả của phát triển du lịch. Về mặt xã hội, hoạt
động du lịch tại các khu vực kém phát triển về kinh tế mang lại sự phát triển đồng đều giữa
các khu vực cho phép hạn chế sự di dân đến các khu vực phát triển hơn của quốc gia. Ở
những vùng núi, hải đảo, nông thôn, chẳng hạn như Sapa, Bản Đôn, Lý Sơn, Mỹ Sơn,… du
lịch đã góp phần đa dạng hóa thu nhập dân cư và duy trì cộng đồng. Điều tương tự cũng
diễn ra ở những vùng dân cư từng có thời kỳ phát triển mà nay điều kiện phát triển cũ
không còn nữa. Chính du lịch phát triển đã mang lại sự hồi sinh mà Hội An là trường hợp
điển hình. Ở đó, du lịch đã trở thành hoạt động kinh tế chi phối.
Cũng cần lưu ý rằng, ở nhiều nước đang phát triển, thu nhập du lịch tạo ra thường cao
hơn so với mức thu nhập trung bình. Yếu tố này dẫn đến những tác động cả trên bình diện
cá nhân,, khu vực lẫn quốc gia. Đối với cá nhân, việc làm du lịch thường không chỉ cung
cấp một mức thu nhập cao hơn mà còn có điều kiện làm việc dễ chịu hơn nhiều so với
những công việc thay thế có sẵn khác. Đối với một địa phương, nền kinh tế được kích thích
bởi chi tiêu cao hơn và chính quyền có thể được hưởng lợi thông qua thuế. Đối với quốc
gia, thu nhập cao hơn trong lĩnh vực du lịch có thể dẫn đến nhu cầu tăng tiền lương trong
các lĩnh vực khác để giữ chân lực lượng lao động từ đó có thể gây ra các vấn đề lớn về
chính sách.
Những tác động đến việc làm và thu nhập của du lịch có quan hệ chặt chẽ nhau. Tầm
quan trọng đặc biệt của chúng là khả năng kích hoạt hiệu ứng số nhân. Thu nhập và việc
làm, mặc dù được nghiên cứu như một số liệu thống kê, lại có ý nghĩa rộng hơn. Bản chất
và loại công việc du lịch có ý nghĩa xã hội và văn hóa; thực tế là việc làm trong du lịch có
thể dẫn đến những thay đổi đặc điểm và kết cấu xã hội. Những thay đổi này tạo ra các vấn
đề chính sách rất quan trọng cần tiếp tục nghiên cứu.

2.2.1.4. Tác động đến đầu tư và phát triển


Nhìn chung, sự phát triển của bất kỳ ngành nào cũng tạo ra cơ hội đầu tư. Nhưng khác
với các ngành khác, ngành du lịch là tập hợp các doanh nghiệp có quy mô rất khác nhau,
trong đó có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ của hàng loạt các loại hình dịch vụ khác nhau. Khi
ngành công nghiệp ô tô, đóng tàu, luyện kim hay dệt may,… có điều kiện phát triển, muốn
kinh doanh trong những ngành này nhà đầu tư cần phải huy động đủ một lượng vốn khổng
lồ lên đến hàng triệu USD. Trong khi đó, khi nhà nước đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch (hệ
thống đường sá, công viên... ) và đôi khi cả kiến trúc thượng tầng (nghệ thuật, lễ hội, văn
hóa dân gian... ) nhằm tạo điều kiện cho du lịch phát triển, các nhà đầu tư với nhiều mức
quy mô vốn khác nhau đều có thể tham gia kinh doanh du lịch. Đó có thể là những nhà đầu
tư lớn với yêu cầu hàng trăm triệu USD cho các resort đến các nhà đầu tư nhỏ với yêu cầu
vài ngàn USD cho chiếc chiếc xích lô du lịch, bán hàng lưu niệm, homestay,… Du lịch phát
triển sẽ kích thích sự tham gia đầu tư rộng rãi của các tầng lớp nhân dân và sự hình thành
của các doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn.
Vì qui mô nhỏ, đòi hỏi về vốn đầu tư tương đối thấp, do đó sự đầu tư được triển khai rất
nhanh. Sự đầu tư xuất phát từ du lịch sẽ kéo theo sự bùng nổ đầu tư ở các ngành sản xuất
vật chất và dịch vụ khác (xây dựng, giao thông vận tải, tiểu thủ công nghiệp, thông tin liên
lạc...). Một vấn đề nữa cần lưu ý, với quy mô thu hút vốn nhỏ, dân cư địa phương có thể đầu
tư tham gia kinh doanh du lịch và hưởng lợi trực tiếp từ phát triển du lịch.
Du lịch muốn phát triển cần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Vì khả năng sinh lợi thấp
của đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc tiếp cận các điểm du lịch nên chính
nhà nước là người thực hiện công tác đầu tư này.

2.2.1.5. Tác động đến nguồn thu ngân sách


Ở những quốc gia mà du lịch là một ngành quan trọng của nền kinh tế, du lịch có thể
mang lại ba khả năng tạo nguồn thu ngân sách. Thứ nhất, thuế trực thu từ thu nhập cá nhân
và thu nhập doanh nghiệp; Thứ hai, thuế gián thu và thuế nhập khẩu; và thứ ba, các loại phí
cho các dịch vụ mà chính quyền cung cấp.
Chính phủ nhận được nguồn thu từ du lịch có thể từ thuế trực thu hay gián thu. Nguồn
trực thu đến từ thuế thu nhập gồm cả thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp tạo ra bởi
việc làm và kinh doanh du lịch. Nguồn gián thu chủ yếu bao gồm các loại thuế đánh vào
hàng hóa và dịch vụ cung cấp cho khách du lịch. Ở các nước đang phát triển, các địa
phương chưa phát triển, quy mô việc làm nhỏ, chủ yếu trong nông nghiệp và nguồn thu
chính phủ hầu hết từ các loại thuế gián thu, ví dụ về thuế sử dụng đất, thuế VAT, thuế nhập
khẩu. Khi du lịch phát triển, nó tạo khả năng mở rộng cơ sở thuế cả với thuế gián thu và
trực thu. Đối với nhiều quốc gia đang phát triển, trực thu là nguồn thu ngân sách quan trọng.
Dù vậy, lạm thu ngân sách bằng thuế trực thu trên thu nhập cá nhân và công ty sẽ không
khuyến khích các nhà đầu tư và có thể ngăn chặn tái đầu tư. Ở một số nước, nơi du lịch là
một hoạt động quan trọng, đầu tiên chính phủ áp dụng miễn thuế thu nhập công ty, và sau
này giữ ở mức rất thấp. Nhiều nơi, chẳng hạn như ở Bahamas (Caribbean), chính phủ tìm
cách khác để nâng cao nguồn thu và thường là thông qua thuế gián thu.
Có nhiều cách để thực hiện thuế gián thu trong du lịch. Bên cạnh các loại thuế đánh vào
hàng hóa, dịch vụ mua của khách du lịch, ở một số nơi như thành phố Rome chẳng hạn, có
loại thuế chỉ đánh vào khách du lịch quốc tế. Khách du lịch quốc tế thuê khách sạn, phải
nộp thêm một khoản thuế cho thành phố gọi là thuế du lịch mà người dân Italia không phải
nộp. Tương tự nhưng dưới dạng phí, ở Myanmar, tại một số thành phố du lịch như Bagan,
Nayung Shwe, khách du lịch quốc tế phải trả phí ngay khi bước vào thành phố. Đây được
xem là các phương tiện để nâng cao nguồn thu ngân sách từ khách du lịch. Điều tương tự
cũng được sử dụng trong việc áp dụng các loại thuế sân bay.
Ở nhiều nước đang phát triển, một tỷ lệ đáng kể nguồn thu là từ thuế nhập khẩu. Khi du
lịch phát triển, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa và nguyên vật liệu tăng lên, điều này tạo ra
nguồn thu đáng kể.
Chính phủ cung cấp các dịch vụ công phục vụ du lịch, như dịch vụ tham quan hay y tế
và an ninh. Chính phủ cũng có vai trò rất tích cực trong hỗ trợ du lịch phát triển như cho
thuê đất, dịch vụ sân bay và dịch vụ đào tạo. Ở một số nước đang phát triển như Ấn Độ,
Pakistan, Bangladesh và Trung Quốc, chính phủ cũng cung cấp các dịch vụ thương mại cho
khách du lịch thông qua các cơ quan chuyên môn, đôi khi được gọi là tập đoàn phát triển du
lịch. Tại các nước này, chính phủ cung cấp dịch vụ thu phí do khu vực tư nhân không có
khả năng hoặc không sẵn sàng cung cấp như các dịch vụ tham quan các công trình kiến
trúc, thắng cảnh hay các trung tâm thủ công mỹ nghệ. Ở các nước phát triển, chính phủ có
xu hướng tư nhân hóa các dịch vụ thương mại này.
Du lịch có thể đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách, nhưng tổng nguồn thu ngân
sách do phát triển du lịch tạo ra là bao nhiêu thật khó đo lường. Chẳng hạn, ngay trong
ngành khách sạn và nhà hàng, bao nhiêu trong mức thuế là thuế tạo được từ khách du lịch
bởi các doanh nghiệp này cũng có những thu nhập phi du lịch. Bên cạnh đó, ở đây, một lần
nữa chúng ta lại gặp vấn đề xác định dòng chảy của khoản tiền thu từ hoạt động du lịch.
Khảo sát và nghiên cứu hiệu ứng số nhân lại được sử dụng để phân tách các luồng chi tiêu
nhằm theo dõi những đóng góp ngân sách cho các hoạt động trực tiếp, gián tiếp, kéo theo từ
phát triển du lịch. Điều này có ý nghĩa quan trọng bởi với một quốc gia mà du lịch có vai
trò lớn như nước ta chẳng hạn, nguồn thu chính phủ phụ thuộc nhiều vào du lịch, cần phải
đo lường đúng nguồn thu này. Vì một lý do nào đó, thấy rõ nhất là đại dịch Covid 19, cầu
du lịch biến động sẽ tác động trực tiếp vào ngân sách chính phủ. Thâm hụt nguồn thu buộc
chính phủ phải thay đổi hoặc đình chỉ các mục tiêu phát triển. Bằng cách đo lường sự đóng
góp doanh thu du lịch, chính phủ sẽ có ý thức hơn về sự phụ thuộc và dễ bị tổn thương của
chính phủ hay chính quyền địa phương về nguồn thu này.

2.2.1.6. Du lịch phát triển thúc đẩy sự phát triển của các địa phương
Du lịch phát triển, sự tiêu dùng của khách du lịch gia tăng sẽ làm cho luồng tiền và cơ
hội tìm việc làm tại địa phương tăng lên.
Ở đây có một khía cạnh cần lưu ý là du lịch có điều kiện phát triển ở những vùng mà
môi trường tự nhiên còn nguyên sơ, môi trường văn hóa còn mang đậm tính bản địa. Đây
thường lại là những vùng không có điều kiện phát triển công nghiệp hay thương mại. Hầu
hết các vùng còn phong cảnh thiên nhiên đẹp, sinh thái đa dạng, môi trường trong sạch, các
di tích lịch sử và văn hóa còn được bảo tồn lại thường là những vùng nghèo nàn về kinh tế.
Các nước đang phát triển hay Huế, Hội An, Sapa, Bà Nà,… là những nơi như vậy. Do vậy,
chính sự phát triển du lịch giúp sự phát triển của các địa phương đồng đều hơn.
Do vậy, sự phát triển du lịch ở những vùng khó khăn về phát triển công nghiệp, nông
nghiệp dẫn đến hiện tượng thu nhập từ những vùng giàu có được mang đến những vùng
nghèo hơn và đem lại thu nhập cũng như công ăn việc làm cho những vùng này. Du lịch
phát triển là một trong những biện pháp hữu hiệu để phát triển những vùng vốn có tốc độ
tăng tưởng kinh tế thấp.
Những vấn đề nêu trên là những ý nghĩa kinh tế của phát triển du lịch. Và thật là thiếu
sót khi xét đến các tác động của du lịch nếu chúng ta không xét đến những ảnh hưởng xã
hội, môi trường của nó.
* Những tác động tiêu cực về kinh tế của phát triển du lịch
Như bất kỳ sự phát triển của ngành nào, du lịch phát triển sẽ phải cạnh tranh giành
nguồn lực phát triển của các ngành khác. Hơn nữa, du lịch chỉ phát triển trong điều kiện
môi trường tự nhiên ở đó phải được bảo vệ tốt nên một địa phương muốn phát triển du lịch
buộc phải cân nhắc khi phát triển các ngành công nghiệp khác, đặc biệt là các ngành công
nghiệp có khả năng gây ô nhiễm môi trường. Sự mâu thuẫn trong phát triển ngành du lịch
và công nghiệp hóa dầu ở vịnh Văn Phong (Khánh Hòa) hay biển cho phát triển du lịch
hoặc phát triển cảng than ở Quảng Ninh là những ví dụ.
Một tác động tiêu cực về kinh tế dễ thấy, thường được bàn đến, là sự gia tăng mặt bằng
giá ở nơi nhận khách. Khi du lịch phát triển, khách du lịch ồ ạt đến, lượng tiền chi tiêu tăng
lên, giá cả nhiều hàng hóa dịch vụ, kể cả hàng hóa đầu vào hay hàng hóa tiêu dùng, sẽ tăng.
Về hàng hóa, dịch vụ đầu vào, dễ thấy nhất là giá đất sẽ tăng lên nhanh chóng bởi đây là
yếu tố mà lượng cung bị cố định. Điều này không chỉ gây khó khăn cho nhà đầu tư mà hệ
quả kéo theo là giá nhà và giá thuê nhà tăng lên tạo gánh nặng cho cư dân địa phương. Một
yếu tố đầu vào khác là mặt bằng lương cũng sẽ tăng, từ đó các ngành khác sẽ bị ảnh hưởng
trong giữ chân lao động và tiết kiệm chi phí lao động.
Về hàng hóa tiêu dùng, tác động trước hết là những hàng hóa mà khách du lịch tiêu
dùng, trước hết là thực phẩm và một số nhu yếu phẩm. Kế đó, thu nhập của những người
làm du lịch tăng dẫn đến mặt bằng giá hàng tiêu dùng chung cũng tăng. Điều này sẽ gây áp
lực cho cư dân địa phương mà không làm du lịch.

2.2.2. NHỮNG TÁC ĐỘNG VĂN HÓA - XÃ HỘI CỦA PHÁT TRIỂN DU LỊCH
Du lịch phát triển sẽ có những tác động to lớn đến cộng đồng cư dân địa phương về văn
hóa và xã hội. Cộng đồng ở đây có thể là dân cư của một quốc gia, khu vực hoặc địa điểm,
là một nhóm những người sống chung trong cùng một vị trí. Sau nhiều năm tồn tại, một
cộng đồng sẽ phát triển truyền thống, thái độ và phong cách sống riêng của mình có thể có
ít nhiều đặc biệt. Tất cả thường được kết hợp trong từ 'văn hóa'.
Khi khách du lịch vào nước chủ nhà, họ không chỉ mang theo sức mua mà còn mang
theo lối sống của họ nữa. Điều này một mặt giúp cư dân địa phương có cơ hội để giao lưu
văn hóa. Nhưng mặt khác cũng có một số ảnh hưởng tiêu cực về văn hóa. Có nhiều công
trình nghiên cứu về những tác động phi kinh tế của du lịch, nhưng đáng tiếc là trong lĩnh
vực này, chúng ta chủ yếu gặp những phân tích về tác động tiêu cực của phát triển du lịch
nhằm yêu cầu phải có các giải pháp quản lý. Những công trình nghiên cứu như vậy sẽ tiếp
tục xuất hiện và thậm chí sẽ ngày càng nhiều hơn.
Một khu nghỉ có cơ sở hạ tầng dựa trên các tiêu chuẩn phương Tây được xây dựng ngay
cả trong các nước nghèo nhất. Khu nghỉ này cung cấp cho các khách du lịch phương xa một
'bong bóng sinh thái' bảo vệ lối sống quen thuộc của họ - thậm chí cực đoan hơn là việc xuất
hiện các khu nghỉ mà trong nhân viên là người nước ngoài, cả điều kiện vật chất, phong
cách phục vụ, ngôn ngữ sử dụng,… tách rời hẳn với truyền thống địa phương. Trong một
nghĩa nào đó, khách du lịch nước ngoài không tích hợp thành một thành tố của xã hội tại
chỗ, mà đúng hơn, họ đối đầu với nó. Khi số lượng khách du lịch là lớn và thường xuyên,
phản ứng tiêu cực của cộng đồng cư dân bản địa là không tránh khỏi. Phản ứng có thể dưới
hai hình thức: hoặc là thái độ từ chối khách du lịch nước ngoài của người dân địa phương,
hoặc là chấp nhận những mô hình hành vi của người nước ngoài để tạo thành một “hiệu ứng
trình diễn” xã hội, tức người dân địa phương bắt chước những gì người nước ngoài mặc và
làm. Trong cả hai trường hợp, vấn đề sẽ phát sinh. Mức độ tác động là khác nhau ở những
điểm đến khác nhau, nó lệ thuộc vào số lượng khách du lịch đến, sức mạnh văn hóa của
cộng đồng và khả năng hạn chế những tác động tiêu cực của địa phương thông qua các hoạt
động để giúp khách du lịch biết về phong tục địa phương, truyền thống và "điều cấm kỵ".
Các tác động xã hội và văn hóa cơ bản là vấn đề định tính hơn là con số định lượng vì vậy
đây là lĩnh vực khó ra quyết định định lượng. Ví dụ, Seychelles đã xác định giới hạn tăng
trưởng hàng năm của các cơ sở lưu trú là 4.000 buồng phòng trong kế hoạch phát triển du
lịch của mình. Nhưng tại sao là con số 4.000 chứ không phải 5.000 hoặc thậm chí 3.000? Ở
một mức độ, giới hạn công suất được xác định theo đặc điểm của vùng và sự sẵn có của cơ
sở hạ tầng, điều này nghe có vẻ có cơ sở nhưng không xác định thực tế về khả năng chịu
đựng của điểm đến.

2.2.2.1. Tác động lên hành vi xã hội và các giá trị văn hóa
Khi khách du lịch đến, họ mang theo một kiểu hành vi khác mà có thể biến đổi một cách
sâu sắc những thói quen xã hội của địa phương thông qua việc loại bỏ và thay đổi những
tiêu chuẩn (giá trị văn hóa) của dân cư sở tại. Ngoài ra, du lịch là một “sự kiện xã hội khổng
lồ” có thể dẫn đến những thay đổi trong cấu trúc xã hội. Cả hai loại thay đổi trên mang tính
phổ biến ở khắp nơi trên thế giới.
Trong mùa du lịch, dân cư không chỉ phải chấp nhận những ảnh hưởng của tình trạng
quá đông mà họ còn phải thay đổi cách sống (gia tăng công việc thời vụ, làm việc theo ca)
và sống gần gũi với những đối tượng khách du lịch khác nhau, chủ yếu là dân thành thị,
những người đến đơn giản chỉ để giải trí. Sự 'chung sống' này thường dẫn đến các căng
thẳng xã hội và tinh thần bài ngoại, đặc biệt nơi dân cư, vì lý do tâm lý, văn hóa, xã hội,
chưa sẵn sàng để chấp nhận 'cuộc xâm lược du lịch'.
“Hiệu ứng trình diễn”, kết quả từ sự tương tác gần của các nhóm khác nhau dẫn đến sự
biến đổi của các giá trị. Phổ biến nhất là do kỳ vọng tăng lên của dân địa phương với mong
muốn đạt được tiêu chuẩn vật chất và hình ảnh như của khách du lịch. Những thay đổi các
giá trị xã hội đến lượt nó lại dẫn đến thay đổi những tiêu chuẩn chính trị, đôi khi đưa đến
những hậu quả đáng ngại. Bên cạnh đó, người ta cũng thấy sự suy giảm trong giá trị đạo
đức và tôn giáo hiển thị thông qua mức độ tội phạm gia tăng. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm khi
quy tất cả cho du lịch, đây là những thay đổi xã hội ảnh hưởng đến cộng đồng trong quá
trình hiện đại hóa. Du lịch chỉ làm tăng tốc quá trình chứ không tạo ra nó.
2.2.2.2. Tác động văn hóa
Ở đây bàn về tác động đến các hiện tượng văn hóa. Du lịch có thể tạo ra chi phí xã hội,
thường khó ước tính, nhưng không thể bỏ qua. Một ví dụ là mối đe dọa cho trang phục
truyền thống đặc thù của mỗi nước và mỗi vùng. Tuy nhiên, du lịch cũng có thể trở thành
người bảo trợ cho việc bảo vệ những truyền thống như là duy trì sức hấp dẫn của điểm đến.
Điều quan trọng trong bảo vệ và duy trì di sản văn hóa là việc đối phó với các vấn đề như
đào trộm di sản, mua bán bất hợp pháp cổ vật và động vật hoang dã, việc thương mại hóa
các sự kiện văn hóa truyền thống dẫn đến việc tạo ra các giả văn hóa, văn học dân gian phế
phẩm cho du lịch vốn không có giá trị văn hóa cho người dân địa phương hay khách du lịch.
Vấn đề là các xung đột tiềm tàng giữa kinh tế và lợi ích văn hóa, dẫn đến văn hóa bị hy sinh
cho lý do tạo ra một giá trị kinh tế bổ sung giá trị văn hóa bị mất. Tuy nhiên, xét trên bình
diện thế giới, việc gia tăng tiếp xúc của dân cư với các nền văn hóa khác do du lịch là một
quá trình không thể đảo ngược. Trên mức độ xã hội, du lịch được tổ chức tốt có thể có lợi
cho sự kết nối giữa khách du lịch và người dân địa phương, khuyến khích trao đổi văn hóa,
dẫn đến sự thưởng thức thân thiện và có trách nhiệm. Cuối cùng, sẽ tăng cường liên kết
giữa các quốc gia. Từ quan điểm của du lịch có trách nhiệm, những tác động tích cực có thể
có được mà những tác động. Đó có thể là:
1. Du lịch hình thành một phương pháp phát triển và thúc đẩy nhất định những khu vực
nghèo hoặc phi công nghiệp hóa, nơi các hoạt động truyền thống bị mai một do thiếu hỗ trợ.
Mặt khác, sự phát triển du lịch cho phép cư dân địa phương không phải bỏ xứ tha hương,
cộng đồng vẫn còn nguyên vẹn và làm chậm quá trình di dân lên thành phố lớn. Việc lưu
giữ và tiếp tục của cộng đồng tại chỗ thường là cách tốt nhất để bảo tồn truyền thống và lối
sống. Các cơ hội thu nhập và việc làm phát sinh từ du lịch cung cấp một sự ổn định cho
cuộc sống cộng đồng. Hội An là minh chứng sống động cho quá trình này.
2. Du lịch làm nổi bật các giá trị xã hội có sức hấp dẫn khách du lịch, du lịch phát triển
đòi hỏi một môi trường văn hóa chất lượng cao.
3. Nếu quản lý thích hợp, du lịch có thể đảm bảo việc bảo tồn lâu dài môi trường của
vùng cảnh quan có vẻ đẹp tự nhiên nổi bật và/hoặc có giá trị thẩm mỹ, ví dụ Vịnh Hạ Long,
Công viên quốc gia ở Mỹ, Ayers Rock tại Úc.
4. Du lịch có thể kích thích phục hồi truyền thống kiến trúc địa phương. Những công
trình kiến trúc gắn liền với điều kiện đặc thù của khu vực, di sản của tổ tiên và môi trường
văn hóa sẽ được tôn trọng. Với góc độ này, du lịch là động lực cho sự hồi sinh cho các đô
thị cổ.
5. Du lịch góp phần làm hồi sinh nghệ thuật địa phương, các lễ hội văn hóa và nghề sản
xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống trong một khung cảnh môi trường tự nhiên được
bảo vệ. Nghề đá Non Nước nếu không có sự phát triển du lịch thì có lẽ đá Non nước đã bị
khai thác cạn kiệt cho nhu cầu vật liệu xây dựng.
6. Trong trường hợp thuận lợi nhất, du lịch có thể cung cấp một cách để làm sống lại đời
sống xã hội và văn hóa của người dân địa phương, củng cố các cộng đồng dân cư, khuyến
khích giao lưu với cả nước, thu hút những người trẻ tuổi từ nơi khác về địa phương.
Cần lưu ý rằng các tác động kinh tế của du lịch thường được quan sát thấy trong ngắn
hạn nếu không nói là ngay lập tức. Khách du lịch có thể nhìn thấy điều này khi đến sân bay
và chi tiêu tiền. Những tác động xã hội và văn hóa mất rất nhiều thời gian thay đổi và bộc
lộ. Những thay đổi này thường tinh tế và khó đo lường. Vấn đề là những thay đổi chậm
chạp này sẽ tích lũy dần các mâu thuẫn cho đến một ngày chúng bộc phát dưới hình thức
bạo lực của sự bất mãn. Sự bùng phát như vậy sẽ ngăn chặn dòng khách du lịch và thường
mất nhiều năm kiên nhẫn (và tốn kém) để xây dựng lại hình ảnh. Vì vậy khi phát triển du
lịch chúng ta phải xác định các xung đột tiềm năng, xoa dịu tình huống trước khi chúng xảy
ra. Tuy du lịch là một khái niệm trừu tượng nhưng khách du lịch là không trừu tượng - họ
có mặt trong xã hội và có thể trở thành tâm điểm cho sự oán giận của địa phương. Điều này
phải được tránh, không chỉ vì lợi ích của du lịch và khách du lịch, mà còn cho các cộng
đồng địa phương. Khái niệm phát triển bền vững đã được áp dụng cho du lịch. Nhà quy
hoạch du lịch cần có ý thức về sự cần thiết phải nhìn thấy sự phát triển du lịch trong một
tầm nhìn dài hạn. Một trong những hướng được nhiều nơi thực hiện là sự phát triển du lịch
ở một nơi nào đó phải được sự đồng ý của cộng đồng nơi đó. Thậm chí, nhiều địa phương
phát triển du lịch dưới hình thức du lịch cộng đồng. Ở đó, cộng đồng cư dân địa phương có
quyền tham gia vào cả quy hoạch và quản lý phát triển du lịch, là người được hưởng trước
hết những lợi ích từ phát triển du lịch. Đây là loại hình “du lịch cộng đồng” được nhiều nơi
áp dụng thành công.
Cần lưu ý rằng du lịch là một sự mua bán tùy ý. Khách du lịch phải được thuyết phục,
họ không thể bị cưỡng chế để tham quan một đất nước. Nếu một quốc gia đã bị mang tiếng
có thái độ thù địch với khách du lịch, lượng khách đến sẽ dần suy giảm, không có điều biện
minh nào có thể thuyết phục khách. Trong quy hoạch du lịch, bảo vệ lợi ích của cộng đồng
địa phương cũng quan trọng như đảm bảo sự viếng thăm lâu dài và sự chấp nhận của khách
du lịch; cả hai mục tiêu này có quan hệ liên kết với nhau.

2.2.3. NHỮNG TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG CỦA PHÁT TRIỂN DU LỊCH
Cả chính quyền, cư dân địa phương, doanh nghiệp du lịch và khách du lịch ngày càng
quan tâm về các tác động đến môi trường của phát triển du lịch. Cần lưu ý rằng không phải
chỉ phát triển du lịch làm thoái hóa môi trường. Ở nhiều nơi, phát triển công nghiệp và nông
nghiệp cũng mang lại hậu quả tai hại không kém. Thế giới đang phải đối mặt với sự xuống
cấp của môi trường. Trong một thế giới phẳng như hiện nay, những vấn đề địa phương đang
thu hút sự chú ý toàn cầu. Mặc dù phát triển du lịch không là tác nhân lớn và duy nhất,
nhưng ở một số nơi, do phát triển du lịch phát triển không kiểm soát, môi trường tự nhiên
và hoạt động kinh doanh du lịch đều sẽ bị ảnh hưởng. Từ đó, người lập kế hoạch phát triển
du lịch ngày nay kể cả ở cấp độ quốc gia, địa phương hay doanh nghiệp đều phải có ý thức
cao hơn về trách nhiệm của mình đối với môi trường.
Trong định nghĩa rộng nhất, môi trường được hiểu là tất cả các yếu tố vật chất tạo nên
không gian mà con người hoạt động, trong đó bao gồm cả các yếu tố tự nhiên và được xây
dựng. Môi trường tự nhiên là những gì tồn tại từ thiên nhiên - khí hậu và thời tiết, tính năng
nước, địa hình và đất, thực vật và động vật, v.v… Môi trường xây dựng gồm những vật thể
do con người tạo ra, chủ yếu là các tòa nhà và các công trình kiến trúc khác.
Tuy nhiên, khi phân tích môi trường, chúng ta cần phân tích một cách toàn diện, các yếu
tố văn hóa xã hội và kinh tế của môi trường phải được tính đến. Trong thực tế, thường rất
khó để tách rời các thành phần kinh tế, xã hội và vật chất của môi trường. Tuyên bố Manila
của Tổ chức Du lịch Thế giới, được thông qua vào năm 1980, nhấn mạnh tầm quan trọng
của cả hai nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa trong phát triển du lịch, và sự cần thiết
phải bảo tồn các nguồn tài nguyên này vì lợi ích của du lịch cũng như của cư dân địa
phương. Tuyên bố chung trong Chương trình Môi trường năm 1982 của UNWTO và Liên
Hợp Quốc đã chính thức hóa yêu cầu về sự phối hợp liên ngành trong phát triển du lịch và
bảo vệ môi trường.
Việc bảo vệ, tăng cường và cải thiện các thành phần khác nhau của môi trường là một
trong những điều kiện cơ bản cho sự phát triển hài hòa của du lịch. Tương tự như vậy, quản
lý hợp lý du lịch có thể đóng góp cho một mức độ lớn để bảo vệ và phát triển môi trường
vật lý và các di sản văn hóa, cũng như để cải thiện chất lượng cuộc sống ....
Có hai vấn đề môi trường chính. Một là tác động đến môi trường của du lịch, hai là cách
thức duy trì, và nếu cần thiết, nâng cao chất lượng tổng thể môi trường của khu du lịch.
Du lịch có thể tạo ra các tác động tích cực và tiêu cực về môi trường, tùy thuộc vào sự
phát triển được hoạch định và kiểm soát như thế nào. Những tác động chủ yếu được nêu
dưới đây. Không phải tất cả đều xảy ra như nhau. Những gì xảy ra và mức độ tác động của
từng hiện tượng phụ thuộc vào loại hình, quy mô phát triển du lịch và các đặc điểm môi
trường của khu vực.
Do điều dễ thấy là khối lượng khách du lịch càng đông, xu hướng tạo ra các tác động
môi trường càng lớn nên nhiều nơi đang đặt ra vấn đề hạn chế số lượng khách du lịch tại
các điểm tham quan và điểm đến. Tuy nhiên, hiểu một cách tích cực, bảo vệ môi trường là
sự bảo đảm cho du lịch phát triển bền vững. Du lịch bền vững là du lịch cho phép giảm
thiểu các chi phí và nâng cao tối đa các lợi ích của du lịch cho môi trường tự nhiên và cộng
đồng địa phương, là sự phát triển không ảnh hưởng xấu đến nguồn lực cho sự phát triển của
mình, bảo đảm cho sự phát triển hôm nay và cả cho các thế hệ tương lai.
Trên quan điểm đó, chúng ta xét các mặt tác động của du lịch đến môi trường. Trên từng
mặt, chỉ ra các hoạt động có thể thực hiện để hạn chế những tác hại.

2.2.3.1. Tác động tiêu cực


Ô nhiễm nguồn nước
Nếu khách sạn, khu nghỉ dưỡng hoặc các cơ sở du lịch khác không có hệ thống xử lý
nước thải thích hợp, sẽ xuất hiện tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm từ nước thải; hoặc
nếu cửa xả nước thải chưa xử lý tốt được xây dựng gần con sông hoặc vùng nước ven biển
sẽ gây ô nhiễm nước mặt. Nhiều khu du lịch như Pattaya Beach Resort, Thái Lan, người ta
sử dụng biểu tượng Cờ xanh của Cộng đồng châu Âu để chỉ những bãi biển và vùng nước
sạch như là một nỗ lực thông báo cho người sử dụng tiềm năng về việc đạt tiêu chuẩn của
môi trường bãi biển.
Ô nhiễm không khí
Du lịch thường được coi là một "ngành công nghiệp sạch", nhưng ô nhiễm không khí do
phát triển du lịch có thể là kết quả của vận chuyển khách, đặc biệt là tại các địa điểm thu hút
du lịch lớn. Vấn đề này là do công tác xác định tiêu chuẩn khí thải và việc bảo trì hệ thống
thải của máy bay, ô tô không đúng cách. Ngoài ra, ô nhiễm dưới dạng bụi bẩn trong không
khí có thể được tạo ra từ các khu vực phá dở, xây dựng các công trình kiến trúc du lịch
không được quản lý tốt. Quy định nghiêm ngặt về tiêu chuẩn khí thải cũng như khuyến
khích các doanh nghiệp du lịch sử dụng năng lượng sạch là các hướng phổ biến.
Ô nhiễm tiếng ồn
Tiếng ồn tạo ra bởi sự tập trung của khách du lịch, xe du lịch, và đôi khi một số loại
điểm vui chơi hoặc đường đua xe ô tô/gắn máy có thể đạt đến mức độ khó chịu.
Ô nhiễm cảnh quan (ô nhiễm thị giác)
Khách sạn và các cơ sở du lịch được thiết kế và xây dựng kém, không phù hợp với
phong cách kiến trúc địa phương hoặc cảnh quan nơi đó, việc sử dụng quá nhiều bảng
quảng cáo lớn và xấu xí hay các tòa nhà và cảnh quan được bảo dưỡng kém đều mang lại
môi trường không hấp dẫn đối với cả khách du lịch và người dân.
Tình trạng quá tải và tắc nghẽn
Quá đông khách du lịch, đặc biệt là tại các điểm tham quan du lịch nổi tiếng cũng như
sự tắc nghẽn xe cộ là các vấn đề về môi trường do du lịch tạo ra, có thể dẫn đến sự bất bình
của một bộ phận cư dân tại khu vực.
Việc phát triển các điểm du lịch vệ tinh để kéo dãn dòng du khách, giảm mật độ du
khách và theo đó cũng giảm tiếng ồn là điều các nhà quy hoạch du lịch phải tính đến.
Vấn đề sử dụng đất
Theo nguyên tắc quy hoạch, du lịch ưu tiên lựa chọn những khu đất ít có giá trị cho các
nhu cầu sử dụng đất khác như canh tác, xây dựng khu dân cư, khu công nghiệp và có lẽ nên
vẫn đặt dưới sự kiểm soát bảo tồn nghiêm ngặt.
Hủy hoại sinh thái
Một số vấn đề sinh thái có nguyên nhân từ việc phát triển du lịch không kiểm soát được.
Ví dụ như các môi trường tự nhiên mong manh bị khách du lịch sử dụng quá nhiều dẫn đến
thiệt hại sinh thái như làm diệt chủng hay làm chậm sự tăng trưởng của động thực vật trong
khu bảo tồn; việc mua bán các bộ sưu tập các loại vỏ sò, san hô, vỏ rùa quý hiếm hoặc các
mặt hàng khác sẽ làm cạn kiệt một số loài nhất định; phá và giết hại san hô bởi thuyền, mỏ
neo và hoạt động của thợ lặn, (san hô đòi hỏi nhiều thập kỷ để tái tạo); khai thác quá mức
đầm lầy ngập mặn sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống quan trọng cho đời sống biển và sự
tuần hoàn nước.
Rủi ro môi trường
Xác định địa điểm và thiết kế kỹ thuật cơ sở du lịch kém có thể tạo ra sạt lở đất, lũ lụt và
bồi lắng của sông và các khu vực ven biển dẫn đến từ việc loại bỏ thảm thực vật, sự gián
đoạn của các kênh thoát nước tự nhiên, v.v…
Thiệt hại đối với di tích lịch sử và khảo cổ
Lạm dụng hoặc lạm dụng các địa điểm khảo cổ và lịch sử mong manh với môi trường có
thể dẫn đến tổn thương của các tính năng này thông qua quá mòn, rung động và phá hoại.
Xả rác, xử lý chất thải không đúng cách
Rác thải trên khu vực cảnh quan là một vấn đề phổ biến ở các khu du lịch vì số lượng
lớn người sử dụng diện tích và loại hoạt động họ tham gia vào. Xử lý không đúng cách chất
thải rắn từ các khu nghỉ mát và khách sạn có thể tạo ra cả rác và vấn đề sức khỏe từ sâu bọ,
bệnh tật và ô nhiễm.

2.2.3.2. Tác động tích cực


Du lịch, nếu quy hoạch và kiểm soát tốt có thể giúp duy trì và cải thiện môi trường với
nhiều cách khác nhau như sau:
Bảo tồn các khu vực tự nhiên quan trọng
Du lịch có thể giúp giải thích và tài trợ cho việc bảo tồn các khu thiên nhiên, vui chơi
giải trí ngoài trời và bảo trì các điểm tham quan mà nếu không có sẽ làm các nơi này giảm
chất lượng về mặt sinh thái.
Bảo tồn các địa điểm khảo cổ và lịch sử
Du lịch cổ động và tài trợ cho việc bảo tồn các địa điểm khảo cổ và lịch sử (như các
điểm tham quan cho khách du lịch) mà nếu không có thể giảm chất lượng hoặc biến mất.
Nâng cao chất lượng môi trường
Du lịch có thể đóng góp vào hoạt động 'làm sạch' môi trường tổng thể thông qua sự kiểm
soát mức ô nhiễm không khí, nước, tiếng ồn, rác và các vấn đề môi trường khác. Nó cải
thiện thẩm mỹ môi trường thông qua các công trình kiến trúc được thiết kế và xây dựng phù
hợp, bảo trì tốt, v.v... Mặc dù điều này vì lợi ích chủ quan nhưng phát triển các cơ sở du lịch
được thiết kế tốt có thể nâng cao một cảnh quan thiên nhiên hay đô thị, nếu không có sẽ gây
buồn tẻ và nhàm chán.
Cải thiện cơ sở hạ tầng
Cơ sở hạ tầng địa phương, sân bay, đường giao thông, hệ thống thoát nước, viễn thông
v.v…, thường có thể được cải thiện thông qua phát triển du lịch, cung cấp các lợi ích kinh tế
cũng như môi trường.

2.2.4. VẤN ĐỀ ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA DU LỊCH


Nhận thức được những tác động của du lịch không chỉ có ý nghĩa trong kinh doanh du
lịch, mà còn có ý nghĩa quan trọng về trách nhiệm môi trường và xã hội. Như đã được phân
tích trong cấu trúc hệ thống không gian du lịch, nhiều lớp của các hệ thống, đặc biệt là đối
với vùng nhận khách, cần phải xem xét cộng đồng cư dân địa phương và môi trường nơi đó
như là một phần của sản phẩm du lịch bởi hai yếu tố này có thể làm cho một điểm đến du
lịch trở nên hấp dẫn hơn hay ngày càng mai một. Do đó, việc đánh giá tác động của du lịch
là rất quan trọng để hiểu được môi trường kinh doanh hiện đại của ngành du lịch cũng như
các mối quan hệ giữa du lịch và điểm đến.

2.2.4.1. Quan điểm toàn diện về đánh giá tác động của du lịch
Phát triển du lịch có tác động tích cực hay tiêu cực đến vùng nhận khách và cả vùng gửi
khách là một trong những cuộc tranh luận thu hút nhiều nhà nghiên cứu du lịch hiện nay.
Một thời gian dài, du lịch được coi là nhân tố thuận lợi và có ảnh hưởng tích cực đến điểm
đến. Tuy nhiên, như đã nói ở chương 1, với sự ra đời của một thế hệ mới máy bay phản lực
vào cuối năm 1960 và đầu những năm 1970, và tăng trưởng du lịch quốc tế vẫn tiếp tục cho
đến ngày nay, du lịch đã bộc lộ những tác động không mong muốn cho các điểm đến bên
cạnh các lợi ích kinh tế tiềm năng của nó.
Có một số vấn đề cần lưu ý:
 Những tác động này sẽ được giới thiệu một cách phân tích với việc phân chia thành các
tác động tích cực, tiêu cực, các tác động kinh tế, xã hội và môi trường nhưng cũng xin
nhấn mạnh rằng những tác động này không rời rạc mà luôn có sự ảnh hưởng trong quan
hệ tác động qua lại lẫn nhau.
 Một trong những khía cạnh quan trọng trong việc đánh giá tác động của du lịch là việc
nhận thức về tác động của du lịch thường khác nhau bởi những người khác nhau.
 Du lịch phát triển gây ra sự thay đổi, có những thay đổi nhanh chóng tức thời, nhưng
cũng có những thay đổi rất chậm. Trường hợp thay đổi xảy ra rất chậm và đang gia tăng
trong tự nhiên thường tương đối ít có thái độ tiêu cực. Hầu hết các trường hợp phản đối
liên quan đến những thay đổi tiêu cực nhanh chóng của du lịch như tăng chỉ số giá, tác
nghẽn giao thông, ứ đọng rác thải,… bởi thay đổi nhanh chóng làm cho cộng đồng khó
khăn trong thích ứng với thay đổi. Thế nhưng những thay đổi chậm cũng không kém
phần nguy hại, nếu không muốn nói luôn có ảnh hưởng lâu dài, khó khắc phục. Tuy
nhiên, trong những năm gần đây, nhận thức về hậu quả của du lịch đã tăng đều đặn do
đó thái độ với du lịch không khác so với bất kỳ hình thức nào khác của phát triển công
nghiệp. Thật vậy, cộng đồng ngày càng thấy rằng, du lịch có tiềm năng lớn trong việc
làm thay đổi một số lĩnh vực như văn hóa và quan hệ xã hội, bởi vì cùng với việc tạo ra
những trải nghiệm cho khách du lịch, bản chất du lịch đòi hỏi phải có sự trao đổi xã hội.
1. Mối quan hệ và phụ thuộc lẫn nhau giữa các khía cạnh tác động
Một cách hàn lâm, như đã trình bày ở trên, tác động của du lịch được chia thành ba loại
chính: môi trường (đề cập đến môi trường vật lý, sinh thái), xã hội và kinh tế (Matheson và
Wall 1982). Việc phân loại này không tách bạch, một tác động có thể trên các lĩnh vực khác
nhau hoặc tác động trên lĩnh vực này rồi từ đó ảnh hưởng đến lĩnh vực khác nhưng phân
chia như vậy là cần thiết cho nhận thức về tác động của du lịch. Chúng ta có thể mô hình
hóa sự giao thoa của các khía cạnh tác động như ở hình 2.2.
Các mối quan hệ và phụ thuộc lẫn nhau giữa các khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội
có nghĩa là chúng có một vùng chung mà từ đó hình thành quan điểm về phát triển du lịch
bền vững.

Các tác
động KT-XH
CÁC (phân phối thu nhập,…) CÁC
TÁC ĐỘNG TÁC ĐỘNG
XÃ HỘI KINH TẾ
Cách tiếp cận Các tác
Các tác hội nhập của tác . động KT-MT
động XH-MT động. (giá trị kinh tế
(cảnh quan thay của tổn thất môi
đổi …) trường…) .
CÁC TÁC ĐỘNG
MÔI TRƯỜNG VÀ
NGUỒN LỰC TỰ NHIÊN

Hình 2.3 Những mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau của các tác động du lịch
2. Vấn đề phân biệt tác động ở các bộ phận khác nhau của hệ thống không gian du lịch
Một vấn đề khác của tác động du lịch là chúng xảy ra ở các khu vực khác nhau và ở các
giai đoạn khác nhau của chuyến du lịch. Ví dụ, đối với các yếu tố của hệ thống không gian
du lịch (Bảng 2.4), rất nhiều các tác động của du lịch với xảy ra bên ngoài của điểm đến.
Việc xả thải gây hiệu ứng nhà kính từ các phương tiện giao thông chủ yếu xảy ra dọc theo
tuyến đường quá cảnh nhưng có tác dụng trên tất cả các yếu tố của hệ thống. Vì vậy, những
cộng đồng sống ở nơi diễn ra tất cả các giai đoạn của việc tạo ra chuyến đi sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy vậy, vẫn thấy rằng tác động lớn nhất là vẫn ở vùng nhận khách.
Bảng 2.6 Ma trận về sự thay đổi do tác động của phát triển du lịch
Mức độ thấy Loại tác động Vùng Vùng Môi trường
Tuyến
được hậu quả (theo lĩnh vực bị ảnh gửi nhận bên ngoài
đường
của tác động hưởng) khách khách chuyến đi
Môi trường tự nhiên Tr.bình Tr.bình Cao Tr.bình

Môi trường xây dựng Yếu Tr.bình Khá Yếu

Môi trường kinh tế Tr.bình Yếu Tr.bình Yếu


Cao
Môi trường VH-XH Yếu Yếu Tr.bình Yếu

Môi trường SP-Dvụ Yếu Tr.bình Cao Yếu


Khá Yếu Tr.bình
Quan hệ giữa nhân
Không
viên – khách du lịch Khách DL Khách DL Khách DL

Quan hệ giữa nhân DN DN DN


Thấp Không
viên – doanh nghiệp Yếu Tr.bình Tr.bình
Trong phân tích tác động môi trường, sự chú ý thường tập trung vào ảnh hưởng của du
lịch đến việc mất nguồn tài nguyên tự nhiên, thay đổi cảnh quan, ô nhiễm môi trường, vấn
đề đa dạng sinh học và mối quan hệ giữa du lịch và bảo tồn. Có lẽ đáng kể nhất trong nhận
thức về tác động của du lịch đến môi trường là càng ngày người ta càng thấy sự tác động
không chỉ diễn ra tại điểm đến mà còn cả ở khu vực tuyến đường và do đó đã xuất hiện
ngày càng nhiều những đánh giá lại trong phân tích du lịch hiện đại.
Các hậu quả xã hội và văn hóa của du lịch là vô cùng phức tạp vì chúng không chỉ tác
động đến khá nhiều khía cạnh khác nhau: các nền văn hóa, cộng đồng và cá nhân - mà còn
ảnh hưởng khác nhau trên các chủ thể khác nhau: khách du lịch, chính quyền, cộng đồng cư
dân địa phương và các nhà cung ứng dịch vụ du lịch. Vấn đề còn phức tạp hơn nữa khi cùng
một cá nhân nhưng họ sẽ có vai trò khác nhau vào các thời điểm khác nhau. Lúc là khách du
lịch, lúc là cư dân địa phương, lúc là nhà cung ứng sản phẩm du lịch.
Ở cấp độ điểm đến, mức độ gây ra những thay đổi giá trị cá nhân hay văn hóa cộng đồng
của du lịch là một nội dung quan trọng cần phân tích. Về tác động văn hóa - xã hội, người ta
thường lưu ý đến những tác động tiêu cực, tuy nhiên, trong một số trường hợp, du lịch phát
triển cũng tạo điều kiện bảo tồn văn hóa bởi nó làm cho các hoạt động văn hóa vốn ít được
bên ngoài quan tâm nay có được thị trường của mình và từ đó có được nguồn kinh phí bảo
tồn. Tại vùng gửi khách, khi trở lại quê hương mình, khách du lịch không chỉ phản ánh lại
các trải nghiệm mà những quan niệm, sự hiểu biết của bản thân, những quan hệ xã hội trong
gia đình hoặc nơi làm việc cũng có sự thay đổi. Đối với nhân viên du lịch, kinh nghiệm dịch
vụ không chỉ là nhiệm vụ cần thực hiện mà còn dẫn đến việc đánh giá lại các khái niệm về
bản thân và các mối quan hệ cá nhân.
4. Sự song hành của tính tích cực và tiêu cực của cùng một tác động
Nếu chỉ xem xét bên ngoài, một tác động được xem là tích cực hay tiêu cực phụ thuộc
vào quan điểm của người đánh giá và bối cảnh xảy ra của nó. Bảng 2.4 mô tả một điều rằng
cùng một ảnh hưởng nhưng có thể có thấy ở đó là tác động tích cực hay tiêu cực. Đây có thể
là do mặt nào bộc lộ mạnh hơn nhưng cũng có thể do quan điểm của người xem xét.
Bảng 2.7 Tác động của du lịch đến điểm đến du lịch
Loại Tích cực Tiêu cực
tác động
Tăng chi tiêu Lạm phát và tăng giá tại vùng chi tiêu
Tạo việc làm Lao động nhập cư thay lao động địa
phương
Tăng khả năng cung ứng lao động Tăng thất nghiệp thời vụ
Giá trị của bất động sản tăng Xuất hiện hiện tượng đầu cơ bất động
sản
Gia tăng tiêu chuẩn sống Gia tăng sự cách biệt thu nhập giữa
người giàu và người nghèo
Kinh tế Tăng đầu tư Tăng chi phí cơ hội của đầu tư
Phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ Cơ sở hạ tầng ở những nơi khác trong
công vùng và nhiều dịch vụ công khác không
nhận được hỗ trợ
Gia tăng thương mại tự do (xuất Không xem xét đầy đủ khả năng cung
khẩu sản phẩm du lịch, nhập khẩu ứng vật tư du lịch tại chỗ
vật tư du lịch)
Thu hút đầu tư nước ngoài Không đánh giá đầy đủ chi phí phát triển
du lịch, mất quyền sở hữu địa phương
Nâng cao hình ảnh điểm đến Bị nhận tiếng xấu khi đầu tư cơ sở vật
chất không đủ, thực hiện không tốt hoặc
giá cả quá cao
Nâng cao kiến thức đầu tư như tiềm Phản ứng tiêu cực từ các DNDL đang có
Du lịch / năng đầu tư và hoạt động thương bởi làm gia tăng cạnh tranh nguồn nhân
Thương mại tại các điểm đến. lực và sự hỗ trợ của nhà nước
mại Phát triển cơ sở hạ tầng và cơ sở Hình ảnh điểm đến và các nhãn hiệu
kinh doanh mới, như khách sạn và không phù hợp.
các cơ sở giải trí.
Tăng khả năng tiếp cận.
Nâng cao hình ảnh điểm đến.
Những thay đổi trong quá trình tự Những thay đổi trong quá trình môi
nhiên làm tăng giá trị môi trường trường tự nhiên
Duy trì đa dạng sinh học Mất đa dạng sinh học
Bảo tồn các công trình kiến trúc Làm ô nhiễm và hư hại công trình kiến
Môi trúc
trường
tự nhiên Bảo tồn di sản thiên nhiên và văn Hủy hoại di sản
hóa
Bảo dưỡng và tái tạo môi trường Tiêu hủy môi trường sống và hệ sinh thái
sống và hệ sinh thái. Vượt quá khả năng chịu đựng của sức
chứa
Văn hóa Tăng sự tham gia của địa phương Thương mại hóa và công nghệ hóa các
/ xã hội trong các hoạt động địa điểm và sự hoạt động, sự kiện và vật thể có tính
kiện riêng tư của cộng đồng
Đổi mới cộng đồng Thay đổi cấu trúc cộng đồng
Củng cố các giá trị và truyền thống Làm xói mòn hay mất đi các giá trị và
của cộng đồng truyền thống của cộng đồng
Tiếp xúc với những ý tưởng mới Gia tăng tội phạm
mang tính toàn cầu và xuyên quốc
gia
Tạo ra các không gian cộng đồng Mất không gian cộng đồng
mới Gây chia rẻ trong cộng đồng
Vượt khả năng chịu đựng của xã hội
Mất tính xác thực
Tăng cường tự hào địa phương và Xu hướng tăng thái độ bảo thủ
tinh thần cộng đồng
Du lịch là lực lượng mang lại hòa Tăng khả năng hiểu lầm dẫn đến xuất
bình hiện sự thù địch chủ/khách ở các mức
độ khác nhau
Nâng cao nhận thức về các giá trị và Tăng sự tha hóa do những điều quen
chuẩn mực của các cộng đồng khác thuộc bị thay đổi
Tâm lý Tăng cường công nhận quốc tế đối Khai thác người dân địa phương để đáp
với khu vực điểm đến ứng tham vọng của tầng lớp chính trị
chóp bu
Cởi mở hơn về chính trị Sử dụng du lịch để hợp pháp hóa các
quyết định hoặc chế độ không được lòng
dân
Phát triển các tổ chức hành chính Sử dụng du lịch để tài trợ cho chế độ
mới đàn áp của mình

2.2.4.2. Phương pháp đánh giá tác động của phát triển du lịch
1. Yêu cầu về thấu hiểu tác động của du lịch
Như đã nói ở trên, tác động của du lịch phải được xem xét trong những điều kiện cụ thể.
Điều này yêu cầu phải có một phương pháp phù hợp trong việc xác định và thấu hiểu tác
động của du lịch (đến điểm đến du lịch) (Hall 2008) (Hình 2.3):
1. Khái niệm du lịch: Là vấn đề muôn thuở, cần xác định thế nào là du lịch và khách du
lịch, phân biệt du lịch với các hoạt động giải trí và rời khỏi nhà khác (xem chương 1). Dù
khó khăn, nhưng chúng ta cần tách các tác động của du lịch khỏi tác động của các hình thức
di chuyển khác của con người.
2. Thực hiện sự phân biệt: Tiếp theo sự xác định phạm vi của du lịch, cần phân biệt tác
động của du lịch với các tác động của các ngành công nghiệp và các hoạt động văn hóa
khác, thấy được cả tác động tích cực lẫn tiêu cực của phát triển du lịch. Trong thực tế, du
lịch thường xuyên bị quy trách nhiệm cho việc thay đổi các điểm đến ở các nước đang phát
triển. Ví dụ, một trong những cuốn sách đầu tiên về quy hoạch du lịch của Baud-Bovy và
Lawson (1977: 183) nhận xét rằng du lịch “là tác nhân gây ra sự thoái hóa không thể đảo
ngược những điểm thu hút, làm xói mòn tài nguyên thiên nhiên, làm hỏng cảnh quan bằng
các tòa nhà bê tông, gây ô nhiễm bãi biển, gây thiệt hại rừng, phá vỡ sự thống nhất và
không gian truyền thống của cộng đồng, thậm chí làm mất bản sắc văn hóa độc đáo bởi sự
du nhập ào ạt của các cơ sở kinh doanh nước ngoài”. Tuy nhiên, phải thấy rằng, bất kỳ hình
thức phát triển nào cũng có thể ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và xã hội – cả tốt và
xấu. Các chỉ trích nhằm vào du lịch đặc biệt mạnh mẽ về các tác động văn hóa. Mặc dù rõ
ràng du lịch là một phần của quá trình toàn cầu hóa văn hóa nhưng thật khó mà phân biệt
đâu là ảnh hưởng của du lịch và đâu là ảnh hưởng từ những phương tiện truyền thông, mạng
internet hoặc ngay cả tôn giáo. Trong thực tế, có thể do tính hiển thị dễ thấy của khách du
lịch và các cơ sở kinh doanh du lịch, nó đã trở thành một tác nhân bị tập trung chú ý nhiều
hơn các tác nhân khác.

Môi trường

Doanh nghiệp du lịch


Sự thấu hiểu về tác động của du
lịch, phụ thuộc vào:
 Định nghĩa về Du lịch,
 Thực hiện sự phân biệt, Các cá
 Xác định bình diện phân tích, nhân và
 Tác động qua lại, tổ chức
 Thông tin cơ bản,
 Giám sát, khác
 Phân mảnh,
 Vấn đề định nghĩa, vai trò và sự
công nhận.
Khách du lịch

Hình 2.4 Thấu hiểu những tác động của môi trường
3. Khía cạnh phân tích (scale): Du lịch có tác động trên nhiều bình diện khác nhau, từ
các cá nhân đến các cộng đồng rồi các điểm đến và xa hơn nữa. Ngoài ra, du lịch tác động
theo thời gian. Vì vậy, trong nghiên cứu đánh giá các tác động của du lịch, xác định rõ
phạm vi phân tích và chỉ ra những ưu nhược điểm của ranh giới sử dụng là vô cùng quan
trọng. Ví dụ, phần lớn các nghiên cứu về tác động của du lịch dừng ở cấp độ điểm thu hút
hay một điểm đến, nghĩa là sẽ có một số những hiệu ứng toàn cầu của du lịch bị bỏ qua
(Gössling và Hall 2006; xem Chương 13) và, cũng với ý nghĩa vậy, nhiều nghiên cứu du
lịch là nghiên cứu “chụp ảnh” (nghiên cứu lát cắt tại một thời điểm) thay vì nghiên cứu
“quay phim” (nghiên cứu cả một quá trình kéo dài về thời gian). Phân tích như vậy không
cho chúng ta thấu hiểu cách du lịch ảnh hưởng đến một nơi theo thời gian. Các vấn đề về
bình diện và phạm vi phân tích đã ảnh hưởng nhiều đến các nghiên cứu về tác động kinh tế
của du lịch. Hiện đã có những sai lầm trong nhiều nghiên cứu về xác định phạm vi quy mô
của nền kinh tế cần nghiên cứu - các khu vực nhỏ được phân tích nhưng phân tích hiệu quả
số nhân buộc chúng ta phải xét đến những tác động ngoài vùng về thu nhập, việc làm,
nguồn thu ngân sách. Vì vậy, như đã nói, khi xác định phạm vi phân tích, cần chỉ rõ với
phạm vi này, những yếu tố nào được phân tích, những yếu tố nào không được phân tích
trong đánh giá tác động kinh tế, xã hội và môi trường.
4. Tác động qua lại: Du lịch thường được xem xét như một tác nhân tác động một chiều,
tức là du lịch ảnh hưởng đến điểm đến, mà không phân tích đầy đủ thực tế rằng du lịch và
điểm đến có tác động hai chiều, du lịch có ảnh hưởng tới điểm đến và ngược lại , điểm đến
ảnh hưởng đến du lịch. Đây là vấn đề quan trọng vì rõ ràng quá trình tương tác xảy ra ở tất
cả các cấp du lịch, từ quan hệ cá nhân giữa khách du lịch và các thành viên của cộng đồng
đến các xu hướng kinh tế và môi trường.
5. Thông tin cơ bản: Để thấu hiểu những tác động của du lịch, cần phải nắm rõ thực
trạng của vùng trước khi phát triển du lịch. Thật không may, chúng ta thường có rất ít dữ
liệu cơ bản như thế. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, chúng ta đành sử dụng các ước tính
gần đúng cả về khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.
6. Giám sát: Ít điểm đến có sự giám sát liên tục về ảnh hưởng của phát triển du lịch. Ví
dụ, Úc, một quốc gia phát triển, theo Warnken và Buckley (2000), chỉ có 7,5 % điểm đến du
lịch tổ chức quá trình giám sát chính thức về tác động đến môi trường của phát triển du lịch.
Do hoạt động của con người là khó lường, các doanh nghiệp không muốn đầu tư cho giám
sát mà muốn khởi công xây dựng ngay sau khi nhận được phê duyệt, không có thời gian
phân tích thực trạng khu vực trước đầu tư, vì vậy chúng ta chỉ mới tổ chức giám sát sau khi
diễn ra sự kiện. Vì vậy. trong thiết kế đánh giá tác động môi trường, cần so sánh BA (trước,
sau), thậm chí cần sử dụng quy trình BACIP (trước, sau, điều khiển, tác động, lấy mẫu cặp-
before, after, control, impact, paired sampling).
7. Phân mảnh: Những kiến thức về tác động của du lịch rất rời rạc. Hiện tượng này là
kết quả của những vấn đề nêu trên, nhưng cũng bởi nghiên cứu du lịch thường chỉ tập trung
vào một số điểm đến hoặc chỉ một số khía cạnh nghiên cứu. Điều này yêu cầu phải có sự
nghiên cứu trên một số lượng đối tượng nhiều hơn và mang tính đa dạng hơn cho nhiều loại
hình du lịch như du lịch nghỉ biển nghỉ núi, tham quan thành phố, tham quan nông thôn, du
lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm,… và so sánh với các điểm đến
khác.
8. Vấn đề định nghĩa, vai trò và sự công nhận: Mặc dù nghe có vẻ hơi kỳ cục nhưng một
trong những vấn đề quan trọng nhất để phân tích tác động của du lịch là hiểu được thế nào
là tác động của du lịch. Phát triển du lịch tác động đến các đối tượng khác nhau theo cách
khác nhau. Tài nguyên du lịch là nguồn lực không khan hiếm, cách thức tác động của du
lịch đến tài nguyên chủ yếu là sự thậm dụng. Nó khác với cách thức tác động đến các nguồn
lực khan hiếm. Một vấn đề khác, nhiều tác động của du lịch được đánh giá khác nhau bởi
những người giữ vai trò khác nhau trong hệ thống du lịch. Khách du lịch, doanh nghiệp du
lịch, chính quyền, cư dân địa phương sẽ có khả năng nhận thức, góc độ tiếp cận, cách cảm
nhận,… khác nhau nên sẽ có những đánh giá khác nhau. Bên cạnh đó, những người khác
nhau, dân tộc khác nhau, với các giá trị văn hóa khác nhau có thể có nhận thức khác nhau
về hậu quả của du lịch, nhất là về các giá trị hoặc các phán đoán thẩm mỹ. Nói cách khác,
có những tác động của du lịch, ở cộng đồng này, người ta coi đó là vấn đề nhưng với một
cộng đồng khác, điều này có thể không được quan tâm. Một resort được xây dựng tại vùng
cảnh quan, đối với người này, đó là sự ô nhiễm kiến trúc nhưng đối với người khác lại được
coi là đẹp và làm tăng giá trị cho khu cảnh quan.
9. Tích hợp: Phần lớn các nghiên cứu đã xem xét các tác động của du lịch trên một môi
trường cụ thể (môi trường kinh tế, môi trường xã hội và môi trường tự nhiên), hoặc trên một
vài thành phần nào đó của môi trường chứ không phải xem xét một cách toàn diện và ít có
công trình nghiên cứu có cách tiếp cận tích hợp để đánh giá các tác động của du lịch (Hall
và Härkönen 2006). Điều này có nghĩa rằng các vấn đề về tác động của du lịch thường được
thực hiện theo yêu cầu pháp lý trên một bình diện nào đó chứ không phân tích các vấn đề
trong mối quan hệ được hòa quyện vào nhau. Ví dụ, vấn đề môi trường tự nhiên thường là
kết quả của các vấn đề kinh tế và xã hội và vì vậy, không thể thấy nguyên nhân của nó trong
sự tách biệt và các biện pháp xử lý vấn đề môi trường sẽ không hiệu quả trừ phi chúng ta
đặt vấn đề phân tích và giải quyết nó qua sự phân tích toàn diện cả về môi trường tự nhiên,
xã hội và kinh tế.
2. Phương pháp tiếp cận trong đánh giá toàn diện
Để giải quyết vấn đề đánh giá tích hợp, có hai cách tiếp cận ngày càng được sử dụng
nhiều. Đó là cách tiếp cận tích hợp và tiếp cận hậu pháp lý.
2a. Phương pháp tiếp cận tích hợp
Phương pháp tiếp cận tích hợp khá thích hợp trong quản trị tài nguyên, chỉ ra được mối
quan hệ giữa các bên liên quan. Với tiếp cận tích hợp, chiến lược hợp tác ngày càng được
sử dụng nhiều trong quản trị môi trường và tài nguyên vốn liên quan đến nhiều bên, có
nhiều quan điểm về vấn đề và giải pháp. Hợp tác là “một quá trình qua đó các bên nhìn thấy
ở một vấn đề những khía cạnh khác nhau, có thể khám phá sự khác biệt của họ và tìm các
giải pháp vượt qua tầm nhìn hạn chế riêng của các bên về những gì có thể” (Gray 1989: 5).
Nó là một quá trình có sự tham gia của nhiều bên cùng mong muốn:
1. Thống nhất một mục đích chung.
2. Đảm bảo giải quyết vấn đề một cách vừa toàn diện vừa minh bạch.
3. Cho phép các bên tham gia vào thiết kế quá trình.
4. Thúc đẩy hoạt động chung trong tìm kiếm và giải quyết vấn đề một cách sáng tạo.
5. Nhấn mạnh vào trách nhiệm.
6. Phát triển một kế hoạch hành động.
7. Phát triển sự lãnh đạo hợp tác (Margerum 1999; Margerum và Whitall 2004).
Chẳng hạn trường hợp khai thác hồ nước cho du lịch, một loại hình du lịch rõ ràng gắn
liền với việc sử dụng nguồn lực tự nhiên và có nhiều bên khai thác, Hall và Härkönen
(2006) đã xác định bốn lý do tại sao phương pháp cộng tác và tích hợp được sử dụng trong
việc quản lý hệ thống hồ mà ở du lịch là hoạt động quan trọng:
1. Sự cạnh tranh giành nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng gia tăng, cùng với
ý thức về bảo tồn hệ sinh thái, đã làm tăng xung đột trong quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Cách tiếp cận hợp tác được xem như là một thay thế tốt cho phương pháp tiếp cận pháp lý
thường gây tốn kém trong giải quyết xung đột.
2. Cùng với gia tăng hiểu biết về tính phức tạp của hệ thống tự nhiên và xã hội, người ta
càng thấy cần phải có những hoạt động mang tính tổng hợp trong quản trị với sự tập hợp
rộng lớn hơn các nhà hoạch định chính phủ và phi chính phủ có năng lực cung cấp và phân
tích thông tin.
3. Nhiều vấn đề môi trường hiện nay là kết quả của các hành động thứ phát như thay đổi
dòng nước, thay đổi mục đích sử dụng đất hay thay đổi nơi cư trú,… là những điều khó
được giải quyết thông qua các hành động pháp lý truyền thống. Do đó cách tiếp cận hợp tác
cho phép có được sự tham gia của nhiều bên sẽ phù hợp hơn trong thúc đẩy sự hiểu biết và
cam kết của một số lượng lớn những người ra quyết định.
4. Có nhiều cơ quan và tổ chức khác nhau có trách nhiệm chồng chéo. Rõ ràng cách tiếp
cận hợp tác tạo cơ hội để giảm lãng phí, trùng lặp, xung đột và cho phép chia sẻ dữ liệu và
chuyên gia.
2b. Phương pháp tiếp cận hậu pháp lý (post-disciplinary approache)
Cùng với những thay đổi trong các cách tiếp cận quản trị, chúng ta cũng có một cơ sở
triết lý khác để giải quyết vấn đề. Sự phức tạp của các tác động từ du lịch cho thấy rằng
chúng ta cần có những cách giải quyết vấn đề ngoài cách sử dụng pháp luật. Việc quản trị
nguồn lực đã dẫn đến phương pháp tiếp cận liên ngành và xuyên ngành trong đó các vấn đề
chứ không phải quan hệ pháp lý là mối quan tâm chính (Mitchell 1989). Trong du lịch, cách
tiếp cận như vậy gọi là quan điểm hậu pháp lý (Coles et al. 2006). Ví dụ, Coles et al. (2006:
18) đã quan sát thấy sự xuất hiện của các hình thức mới của du lịch và tính cơ động ngày
càng tăng của một số nhóm xã hội đòi hỏi sự tiếp cận đa chiều với sự đóng góp của các
chuyên gia từ ngoài lĩnh vực du lịch. Rõ ràng sự di chuyển chưa từng có của con người và
từ đó là sự phức tạp của các quan hệ giữa du lịch với thay đổi môi trường toàn cầu đã vượt
quá khả năng của cách tiếp cận pháp lý riêng lẻ. Cách tiếp cận hậu pháp lý, ở đó có sự phối
hợp giữa các cá nhân và tổ chức đa ngành và xuyên ngành không có nghĩa là những ngành
truyền thống đã biến mất hoặc sẽ biến mất, đúng hơn là chúng đang thay đổi và nên thay đổi
để giải quyết các vấn đề phức tạp của các vấn đề con người. Chúng ta không thể tiếp cận
các vấn đề phức tạp như vậy từ bất kỳ một ngành duy nhất nào.
Trong một bài báo chuyên đề mô tả các kết nối giữa du lịch và bảo tồn, Budowski
(1976) đã xác định ba mối quan hệ khác nhau giữa du lịch và môi trường cần được sử dụng
để mô tả mối quan hệ giữa du lịch và tất cả các khía cạnh của môi trường điểm đến. Đó là
những quan hệ xung đột, cùng tồn tại và cộng sinh cả về xã hội và kinh tế:
1. Du lịch và môi trường có sự mâu thuẫn. Đó là khi du lịch được coi là có ảnh hưởng
xấu đến môi trường của cư dân ở điểm đến.
2. Du lịch và môi trường đang ở trong tình trạng cùng tồn tại. Đó là khi du lịch không có
tác động tiêu cực nhưng cũng không có đóng góp tích cực gì cho môi trường. Tình trạng
này hiếm khi tồn tại trong thực tế nhưng ta vẫn có thể sử dụng với hàm ý rằng mọi thứ đang
ở tình trạng thay đổi rất chậm.
3. Cuối cùng, có một mối quan hệ cộng sinh. Đó là khi du lịch tích cực đóng góp cho
môi trường và ngược lại. Đây là quan hệ win-win cổ điển, trong đó khách du lịch được
hưởng lợi và chất lượng cuộc sống của điểm đến nói chung được cải thiện như môi trường
xã hội, kinh tế và thể chất đều được tăng cường bởi du lịch.
Trạng thái cuối cùng này rõ ràng được coi là lý tưởng khi chúng ta đánh giá các hậu quả
của du lịch và nó là một trong những đòi hỏi không chỉ đánh giá tổng hợp các tác động của
du lịch, mà còn là một chiến lược quy hoạch tổng hợp.
***
Mục 2.2 này đã cung cấp một đánh giá các tác động của du lịch đến điểm đến và những
ảnh hưởng tổng thể của du lịch. Là một phần của một phương pháp tiếp cận các dịch vụ du
lịch hiện đại. Nội dung nêu bật một thực tế rằng khi trải nghiệm du lịch là kết quả của một
sự phối hợp thì các các tác động của nó sẽ liên quan đến nhiều trên nhiều phương diện. Nội
dung được trình bày ở trên chỉ ra rằng một số yếu tố sẽ ảnh hưởng khác nhau lệ thuộc vào
quan điểm, tiêu chuẩn giá trị và vị trí của người đánh giá trong hệ thống du lịch, dẫn đến họ
(a) quan sát thấy như xảy ra và (b) liên quan một cách tích cực, tiêu cực hay trung tính.
Điều này có nghĩa rằng một tác động của ngành du lịch tại cùng một nơi đồng thời được coi
là tích cực với người này và tiêu cực với người khác. Thật vậy, như đã lưu ý, tác động cũng
có thể được nhìn nhận khác nhau khi xem xét trạng thái hay quá trình. Vì vậy, trong việc
tìm hiểu tác động của du lịch, vấn đề không phải là chỉ ra tác động mà quan trọng hơn là
làm thế nào nó được cảm nhận và hiểu rõ nó ở những giác độ khác nhau. Trải nghiệm du
lịch được đồng sáng tạo nhưng hệ quả của nó được nhìn nhận khác nhau ở các bên liên quan
khác nhau.

CÂU HỎI NGHIÊN CỨU


1. Hãy giới thiệu các tiêu chuẩn đánh giá một dịch vụ vận chuyển tốt đứng trên giác độ
khách du lịch. Hãy phân tích ưu nhược điểm của các loại hình phương tiện vận
chuyển trong du lịch.
2. Nếu xây dựng một chương trình du lịch chủ đề chính là tìm hiểu văn hóa kinh thành
Huế và cảng thị triều Nguyễn ở Hội An cho khách du lịch Hà Nội, những phương
tiện vận chuyển nào bạn dự định sẽ sử dụng trong chương trình? Vì sao?
3. Bạn hãy phân tích ưu điểm và hạn chế của thể chế hóa và phi thể chế hóa trong
ngành hàng không? Quan điểm của bạn về phi thể chế hóa ngành này?
4. Quá trình phi thể chế hóa ngành hàng không diễn ra như thế nào ở nước ta? Quan
điểm của bạn? Bạn nghĩ có nên làm điều tương tự trong ngành đường sắt ở nước ta
hay không?
5. Ở các loại hình lưu trú khác nhau, hãy phân tích sự khác nhau về khách hàng mục
tiêu dẫn đến sự khác biệt về thiết kế, cấu trúc sản phẩm, vị trí,.. của mỗi loại hình.
6. Bạn hãy giới thiệu các loại hình lưu trú hiện có ở Đà Nẵng.
7. Phân biệt nội dung kinh doanh giữa tour operator và đại lý du lịch.
8. Theo bạn, vì sao ở Việt Nam, chúng ta ít thấy đại lý du lịch? Hoạt động của các hãng
lữ hành nước ta thuộc loại nào trong hai loại trên hay là một loại thứ ba nào khác?
9. Hãy chỉ ra cấu trúc thị trường (thị trường cạnh tranh hoàn hảo, thị trường độc quyền,
thị trường cạnh tranh độc quyền) của các tiểu ngành trong các ngành vận chuyển, lưu
trú, ăn uống, tham quan giải trí, lữ hành.
10. Hãy phân biệt các tác động trực tiếp, gián tiếp và kéo theo trong tác động kinh tế của
phát triển du lịch.
11. Hãy tự tìm hiểu và giới thiệu về Mô hình Đầu vào – Đầu ra (input - output analysis
model ).
12. Hãy giới thiệu về nhân tử Keynne. Phân tích ý nghĩa việc sử dụng các yếu tố đầu vào
là hàng hóa sản xuất trong nước của các doanh nghiệp du lịch.
13. Quan điểm của bạn về sử dụng thiết bị, vật tư, thực phẩm nhập khẩu trong các khách
sạn cấp hạng cao?
14. Hãy phân tích tác động của phát triển du lịch đến hoạt động kinh tế đối ngoại.
15. Bạn đánh giá thế nào về hiện tượng người Việt Nam đi du lịch nước ngoài ngày càng
tăng so với đi du lịch trong nước?
16. Phân tích sự khác biệt trong thu hút đầu tư, tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế địa phương
của phát triển du lịch so với phát triển các ngành sản xuất khác.
17. Quan điểm của bạn đối với nhận định chất lượng việc làm trong du lịch là thấp?
18. Theo bạn, sự phát triển của du lịch là tốt hay không tốt đến văn hóa, xã hội của điểm
đến?
19. Hãy giới thiệu các giải pháp giúp phát huy những mặt tích cực, hạn chế tác động tiêu
cực của phát triển du lịch đối với đời sống văn hóa, xã hội của điểm đến du lịch.
20. Hãy giới thiệu các giải pháp giúp phát huy những mặt tích cực, hạn chế tác động tiêu
cực của phát triển du lịch đối với môi trường tự nhiên của điểm đến du lịch.
21. Dành cho các bạn muốn nghiên cứu sâu về tác động của du lịch:
a. Tại sao những lo ngại về tác động của du lịch dường như trở nên quan trọng
hơn kể từ những năm 1970?
b. Tại sao những hậu quả tương tự của ngành du lịch nhìn thấy khác nhau bởi
những người khác nhau?
c. Phân tích các yêu cầu của sự thấu hiểu tác động của du lịch khi muốn đánh
giá tác động của du lịch.
d. Với phương pháp tiếp cận tích hợp, để thực hiện chiến lược hợp tác, theo
Margerum, 7 điều kiện cần có là gì? Vì sao?
e. Mối quan hệ giữa sự hiểu biết của chúng ta về đặc điểm nguồn lực trong du
lịch (Chương 1) và thấu hiểu những tác động của du lịch?
f. Vì sao nói rằng tác động của du lịch là những vấn đề phải xét trong ngữ cảnh
và tình huống cụ thể?

BÀI TẬP VẬN DỤNG


Nhóm anh (chị) hãy phân tích những tác động kinh tế, văn hóa – xã hội và môi trường
của phát triển du lịch tại địa phương mà nhóm đã chọn.

CÂU HỎI ÔN TẬP


1. Anh (chị) hãy:
a. Nêu những vấn đề chính mà “Chương 2: Công nghiệp du lịch và những tác động
kinh tế - xã hội – môi trường của du lịch” phải giải quyết.
b. Theo anh (chị), vai trò của chương này trong học phần là gì?
c. Từ nghiên cứu những tác động kinh tế - xã hội – môi trường của du lịch, anh
(chị) thấy đâu là tác động mà anh (chị) quan tâm nhất khi kinh doanh du lịch sau
này? Vì sao?
2. Anh (chị) hãy:
a. Nêu 3 tiêu thức đánh giá phương tiện vận chuyển của du khách.
b. Hãy phân tích ưu nhược điểm của mỗi loại hình vận chuyển.
c. Thiết kế chương trình cho đoàn khách nước ngoài tham quan Đà Nẵng (2 ngày –
1 đêm), anh (chị) chọn những loại hình vận chuyển nào cho cung đường nào? Vì
sao?
3. Anh (chị) hãy:
a. Giới thiệu ưu nhược điểm của phương tiện vận chuyển hàng không (từ máy bay
lên thẳng đến máy bay phản lực thân rộng).
b. Hãy phân tích xu hướng dịch chuyến cấu trúc thị trường của ngành vận chuyển
hàng không thế giới (và cũng của Việt Nam) trong thời gian gần đây.
c. Xu hướng này ảnh hưởng như thế nào đến phát triển du lịch nói chung và với
doanh nghiệp lữ hành?
4. Anh (chị) hãy:
a. Giới thiệu ưu nhược điểm của phương tiện vận chuyển đường bộ (từ đi bộ đến ô
tô 45 chỗ).
b. Hãy phân tích cấu trúc thị trường của các loại hình vận chuyển đường bộ nước ta.
c. Cấu trúc này này ảnh hưởng như thế nào đến quyết định kinh doanh của các đơn
vị vận chuyển và với doanh nghiệp lữ hành?
5. Anh (chị) hãy cho biết:
a. Thế nào là ngành kinh doanh lưu trú?
b. Vì sao nói trong du lịch, ngành kinh doanh lưu trú là một ngành phân tán và đa
dạng?
c. Hãy chỉ ra cấu trúc thị trường của các loại hình “khách sạn quy mô nhỏ, không
được xếp hạng (không sao)” và “resort ven biển cao cấp (5 sao)” ở Đà Nẵng. Cấu
trúc này ảnh hưởng như thế nào đến quyết định kinh doanh của họ?
6. Anh (chị) hãy:
a. Liệt kê các loại hình lưu trú.
b. Phân tích đặc điểm của loại hình khách sạn và motel.
c. Nếu có người đề nghị bạn tư vấn về việc mở một motel tại Đà Nẵng. Anh (chị) sẽ
tư vấn như thế nào: Nên: ở đâu? như thế nào? Không nên: vì sao?
7. Anh (chị) hãy:
a. Liệt kê các loại hình lưu trú.
b. Phân tích đặc điểm của loại hình biệt thự và làng du lịch.
c. Nếu có người đề nghị bạn tư vấn về xây dựng biệt thự kinh doanh lưu trú tại Đà
Nẵng. Anh (chị) sẽ tư vấn như thế nào: Nên: ở đâu? như thế nào? Không nên: vì
sao?
8. Anh (chị) hãy:
a. Liệt kê các loại hình lưu trú.
b. Phân tích đặc điểm của loại hình camping và homestay.
c. Nếu có người đề nghị bạn tư vấn về xây camping tại Đà Nẵng. Anh (chị) sẽ tư
vấn như thế nào: Nên: ở đâu? như thế nào? Không nên: vì sao?
9. Anh (chị) hãy:
a. Giới thiệu các loại hình cơ sở dịch vụ tham quan, giải trí phân theo các tiêu thức
khác nhau.
b. Phân tích vai trò của ngành kinh doanh dịch vụ tham quan, giải trí trong phát
triển một điểm đến du lịch.
c. Thử kiểm kê các cơ sở kinh doanh dịch vụ tham quan, giải trí phân theo các tiêu
thức nói trên của Đà Nẵng (hay địa phương của anh (chị)). Anh (chị) đánh giá
như thế nào về sự phát triển ngành này ở đây?
10. Anh (chị) hãy:
a. Qua bảng “Các kiểu dịch vụ hỗ trợ du lịch”, giới thiệu các loại hình doanh nghiệp
trong nhóm dịch vụ hỗ trợ du lịch.
b. Đâu là dịch vụ mà Đà Nẵng (hay địa phương của anh (chị)) còn thiếu? Vì sao?
c. Ra trường khởi nghiệp, anh (chị) có thể thấy ở đây loại hình dịch vụ nào cho
mình không? Nếu có, về cơ bản, phương án triển khai như thế nào?
11. Anh (chị) hãy cho biết:
a. Các loại hình doanh nghiệp trong ngành lữ hành.
b. Hãy phân tích vai trò của các doanh nghiệp lữ hành trong hệ thống các doanh
nghiệp du lịch.
c. Hãy chỉ ra những đặc thù của doanh nghiệp lữ hành nước ta hiện nay so với
doanh nghiệp lữ hành đã nêu trong chương. Anh (chị) có nghĩ rằng những đặc thù
này có thay đổi trong tương lai không?
12. Anh (chị) hãy cho biết:
a. Thế nào là đại lý du lịch?
b. Hãy phân tích sự phát triển của hệ thống đại lý du lịch nước ta hiện nay.
c. Các hãng lữ hành lớn của ta hiện nay, thay vì khai thác các đại lý du lịch, họ
thường mở các chi nhánh tại tỉnh lẻ. Hãy cho biết ưu nhược điểm của việc mở chi
nhánh so với khai thác đại lý du lịch.
13. Anh (chị) hãy cho biết:
a. Thế nào là tour operator?
b. Hãy phân tích các đặc điểm của các công ty lữ hành nước ta hiện nay so với nội
dung kinh doanh của một tour operator nêu trên.
c. Anh (chị) có nghĩ rằng trong thời gian đến, các hãng lữ hành nước ta sẽ thay đổi
để kinh doanh như định nghĩa về T.O. không? Vì sao?
14. Anh (chị) hãy:
a. Liệt kê các tác động chính trong 3 nhóm tác động kinh tế, xã hội, môi trường của
du lịch.
b. Vì sao nói “một hoạt động du lịch thường tác động đến cả ba khía cạnh kinh tế,
xã hội, môi trường, không thể tách bạch rạch ròi”, đồng thời “cũng thật khó mà
tách bạch rạch ròi giữa tác động tích cực và tiêu cực của du lịch”?
c. Một cách ngắn gọn, anh (chị) hãy trình bày đánh giá của mình về tác động của
phát triển du lịch đối với nước ta (hoặc Đà Nẵng hoặc địa phương của anh (chị)).
15. Anh (chị) hãy:
a. Liệt kê các tác động chính trong 3 nhóm tác động kinh tế, xã hội, môi trường của
du lịch.
b. Phân tích sự tác động của phát triển du lịch lên quy mô tăng trưởng của nền kinh
tế.
c. Thử xây dựng một bài nói 3 phút về tác động tích cực của phát triển du lịch nhằm
thuyết phục Hội đồng nhân dân thông qua ngân sách hỗ trợ phát triển du lịch.
16. Anh (chị) hãy:
a. Liệt kê các tác động chính trong 3 nhóm tác động kinh tế, xã hội, môi trường của
du lịch.
b. Thế nào là tác động của sự rò rỉ (thể hiện qua MPS = 1 - MPC) lên quy mô tăng
trưởng của nền kinh tế và khả năng tạo việc làm của phát triển du lịch?
c. Anh (chị) có thể đưa ra các giải pháp nào để hạn chế tác động của sự rò rỉ này?
17. Anh (chị) hãy:
a. Liệt kê các tác động chính trong 3 nhóm tác động kinh tế, xã hội, môi trường của
du lịch.
b. Phân tích sự tác động của phát triển du lịch lên hoạt động kinh tế đối ngoại, lên
hiệu quả tạo việc làm và thu nhập cho dân cư.
c. Thử xây dựng một bài nói 3 phút về tác động tích cực của phát triển du lịch
nhằm thuyết phục Hội đồng nhân dân thông qua ngân sách hỗ trợ phát triển du
lịch.
18. Anh (chị) hãy:
a. Liệt kê các tác động chính trong 3 nhóm tác động kinh tế, xã hội, môi trường của
du lịch.
b. Phân tích sự tác động của phát triển du lịch lên thu hút đầu tư cho địa phương,
khả năng đóng góp vào sự phát triển đồng đều hơn giữa các địa phương.
c. Có nhà lãnh đạo một địa phương X cho rằng: Tuy quy mô phát triển du lịch ở X
không lớn bằng Đà Nẵng nhưng Đà Nẵng phát triển du lịch chủ yếu thông qua
thu hút đầu tư nước ngoài trong khi ở X chủ yếu là phát triển du lịch cộng đồng.
Vì vậy, tác động của phát triển du lịch đến kinh tế địa phương ở X là tốt hơn ở Đà
Nẵng. Quan điểm của bạn về nhận định này?
19. Anh (chị) hãy:
a. Liệt kê các tác động chính trong 3 nhóm tác động kinh tế, xã hội, môi trường của
du lịch.
b. Phân tích sự tác động của phát triển du lịch lên lên khía cạnh văn hóa – xã hội
của địa phương.
c. Thử đánh giá tác động văn hóa – xã hội của phát triển du lịch đến văn hóa – xã
hội của Đà Nẵng (hoặc địa phương của anh (chị)).
20. Anh (chị) hãy:
a. Liệt kê các tác động chính trong 3 nhóm tác động kinh tế, xã hội, môi trường của
du lịch.
b. Phân tích sự tác động của phát triển du lịch lên lên khía cạnh môi trường của địa
phương.
c. Thử đánh giá tác động văn hóa – xã hội của phát triển du lịch đến môi trường của
Đà Nẵng (hoặc địa phương của anh (chị)).
21. Anh (chị) hãy:
a. Liệt kê các tác động chính trong 3 nhóm tác động kinh tế, xã hội, môi trường của
du lịch.
b. Hãy sử dụng "hiệu quả số nhân" (nhân tử Keyne) để phân tích tác động gián tiếp,
tác động kéo theo và độ rò rỉ trong phân tích tác động của phát triển du lịch đến
sự phát triển của nền kinh tế địa phương.
c. Thử đánh giá so sánh tác động gián tiếp và kéo theo của du lịch Đà Nẵng và du
lịch Hội An.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CỦA CHƯƠNG
1. Leonard J. Lickorish, Carson L. Jenkims; An Introduction to Tourism; Nxb
Butterworth-Heinemann, 1997 (Xem Chapter 5: Economic impacts of tourism,
Chapter 6: Social and cultural aspects of tourism, Chapter 7: Tourism and the
environment , p.63-98)
2. Chris Cooper, C. M. (2008). Contemporary Tourism: an International Approach.
Oxford: Butterworth-Heinemann, 2008 (Xem Chapter 7: Consequences of visitation
at the contemporary destination, p.160-188)
3. McIntosh, R. W. (1990). Tourism principles, practices, philosophies, 6th edition.
New York: John Wiley & Sons, Inc.
4. Travel & Tourism Economic Impact 2018 Vietnam, World Travel & Tourism
Council
5. Bình, BQ (2008), Kinh tế vĩ mô, Nxb Giáo dục

You might also like