You are on page 1of 3

Dù truyền thuyết dựa trên cái nôi lịch sử khô khan thế nhưng tác giả dân gian

vẫn
biết cách làm mới nó thông qua những yếu tố kì ảo độc đáo, như cây xương rồng
đơn độc giữa sa mạc, cuối cùng thì truyền thuyết cũng “nở hoa” trong lòng độc giả.
Và đã nói đến thể loại này thì không thể quên nhắc đến một trong những tác phẩm
xuất sắc nhất - “Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thuỷ” (trích từ
“Truyện Rùa Vàng” trong “Lĩnh Nam chích quái”). Nỏ thần từ đây mà lưu truyền
mãi, An Dương Vương cũng vì thế mà trở thành hình tượng nhân vật bất hủ trong
kho tàng văn học Việt Nam.

“Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thuỷ” nói riêng và truyền thuyết
nói chung đều có xen vào những chi tiết kì ảo nhằm mục đích thể hiện quan điểm
nhân dân trong đó, do vậy mà tác phẩm cũng trở nên cuốn hút hơn bội phần. Mở
đầu câu chuyện, ta được biết An Dương Vương - vua nước Âu Lạc, tên thật là
Thục Phán, trong thời gian trị vì, ông đã quyết định xây thành Cổ Loa, thế nhưng
“hễ đắp tới đâu lại lở tới đấy”, thế nhưng ông vẫn kiên trì thực hiện. Thật may,
nhờ được một bà lão mách trước, ông đã kịp nghênh đón Rùa Vàng từ cửa đông.
Dù “trên vạn người” thế nhưng An Dương Vương vẫn đứng chờ sứ Thanh Giang,
sau đó còn dùng xe vàng long trọng đón vào thành, chi tiết này cho thấy ông rất
biết cách trọng dụng hiền tài, mà cụ thể ở đây chính là Rùa Vàng. Và quả nhiên
dưới sự giúp đỡ của Rùa, “thành xây nửa tháng đã xong”, mặc dù nghe rất phi lý
nhưng ta phải hiểu rằng, ở những tác phẩm thuộc thể loại này, bản thân người đọc
phải đặt mình vào vị trí tác giả dân gian để hiểu câu chuyện, nói cách khác thì
chính sự đồng lòng chung sức của quân dân Âu Lạc đã tạo ra sức mạnh phi thường
giúp thành chỉ xây nửa tháng đã xong. Tuy nhiên An Dương Vương vẫn chưa hết
nỗi âu lo, ông lại hỏi Rùa Vàng: “Nay nếu có giặc ngoài thì lấy gì mà chống?”
Phải là một vị vua “nhìn xa trông rộng”, “yêu nước thương dân” tới mức nào mới
lo nghĩ cho an nguy xã tắc đến thế. Và Rùa Vàng dường như cũng hiểu được lòng
An Dương Vương nên mới cho móng, từ đó nỏ thần mới ra đời và giúp vua đánh
đuổi quân Đà xâm lược. Vừa anh minh, sáng suốt lại còn hết lòng vì nước vì dân,
công lao của An Dương Vương đối với nhân dân Âu Lạc khi xưa và với chúng ta
ngày nay rất lớn, chống giặc ngoại xâm và góp phần củng cố nhà nước sơ khai.

Vậy nhưng sống trên đời ai chưa từng phạm sai lầm, An Dương Vương cũng thế.
Là vua đứng đầu một nước, thế mà ông lại không nắm rõ được bản chất kẻ thù, dễ
dàng để con gái mình kết hôn với Trọng Thủy – con kẻ từng xâm lược Âu Lạc mà
chẳng mảy may cảnh giác, ngược lại còn “nuôi ong tay áo” cho Trọng Thủy ở rể.
Riêng với nỏ thần – thứ vũ khí đặc biệt quan trọng với ông thì không được bảo vệ
cẩn thận, khiến nó rơi vào tay giặc từ lúc nào chả hay. Chưa dừng lại ở đó, bởi ỷ lại
vào sức mạnh của nỏ thần mà khi quân giặc đã kéo đến trước cổng thành, An
Dương Vương còn “điềm nhiên đánh cờ”, cười nói: “Đà không sợ nỏ thần sao?”
Sự chủ quan, khinh địch ấy đã đẩy bao người và cả An Dương Vương vào cảnh
“nước mất nhà tan”. Thế nhưng nguyên nhân chủ yếu đẩy ông vào bước đường
cùng thực chất là việc ông không nhận ra sai lầm của bản thân, trái lại trách “Trời
hại ta…” Ông kh đấy không chỉ cùng đường trong hiện thực mà còn cùng đường
trong suy nghĩ, dẫn đến phải cầu cứu Rùa Vàng. Đọc xong tác phẩm, chúng ta phải
công nhận rằng chỉ đến khi được Rùa Vàng chỉ điểm thì ông mới nhận ra Mị Châu
tiếp tay cho giặc mà chém chết nàng, phri tự tay kết liễu đứa con gái yêu dấu, thử
hỏi còn nỗi đau nào lớn hơn? Biết rằng sai lầm nào cũng phải trả giá, nhưng có lẽ
cái giá An Dương Vương phải trả thực sự quá đắt…

Và đó cũng là sự trừng phạt nghiêm khắc nhất tác giả dân gian dành cho ông.
Bên cạnh đó, thái độ nhân dân về những sự kiện – nhân vật lịch sử còn được thể
hiện qua các yếu tố kì ảo. Tiêu biểu ta có hình ảnh “Rùa Vàng” đã thể hiện sự đồng
thuận, ủng hộ của họ về việc An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Hay việc cho
ông “cầm sừng tê bảy tấc” “đi xuống biển” cũng là một cách độc đáo để bất tử hóa
hình tượng vị vua anh minh, lỗi lạc trong lòng người Việt Nam, cho thấy sự tha thứ
cũng như biết ơn sâu sắc của nhân dân đối với An Dương Vương. Các chi tiết hư
cấu, thần kì ấy còn góp phần lớn tạo nên những gam màu đặc trưng cho thể loại
truyền thuyết, giúp cốt lõi lịch sử lôi cuốn, sinh động thêm bội phần. Đồng thời
“Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy” đã khắc họa quá trình dựng
nước và giữ nước gần như trọn vẹn, giúp ta hiểu rõ hơn, trân trọng hơn thành quả
ngày nay ta hưởng thụ. Cũng từ đó, ta biết được bản thân cần phải làm gì để giữ
gìn cơ ngơi ngàn năm ấy, và đặc biệt là lưu giữ những truyền thuyết để chúng
không bị hao mòn dưới cát bụi thời gian.

Nhờ sự ra đời của “Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy” mà độc
giả đã có một cái nhìn mới mẻ hơn về nhân vật An Dương Vương. Dù là vua một
nước và có anh minh, tài giỏi đến thế nào đi chăng nữa thì cuối cùng ông vẫn bị
đánh bại trước sai lầm của bản thân. Ở thời đại nào, ở bất kì đâu sai lầm cũng là
thứ con người chẳng thể né tránh, chỉ khi bình tĩnh đối mặt nó ta mới giải quyết
được vấn đề. Tôi hy vọng mỗi chúng ta đều có thể nhận ra và sửa chữa sai lầm
mình mắc phải khi còn có thể, đừng để quá muộn rồi hối hận như An Dương
Vương.

You might also like