You are on page 1of 21

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

***

TIỂU LUẬN
Đề tài: Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên

Họ và tên: Lã Thị Thu Trang


MSSV: 47.01.608.146
Lớp học phần: Quan hệ quốc tế ở Đông Bắc Á từ sau chiến tranh
thế giới thứ 2 đến nay – HIST107302
Giảng viên hướng dẫn: TS. Nguyễn Minh Mẫn

TP.HCM, ngày 31 tháng 3 năm 2022


Lời mở đầu

Bán đảo Triều Tiên là điểm hội tụ, đan xen và tranh giành ảnh hưởng cũng như
lợi ích của các nước lớn. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Triều Tiên bị chia cắt
dẫn đến sự hình thành hai nhà nước có chế độ chính trị khác nhau và nơi đây trở
thành khu vực có nguy cơ xảy ra xung đột. Đặc biệt trong đó là vấn đề hạt nhân.
Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã tồn tại trong gần ba thập kỷ qua, trở
thành một trong những tâm điểm chú ý của dư luận thế giới khi khu vực này
luôn trong tình trạng căng thẳng, đáng báo động, gây quan ngại cho các nước
xung quanh và toàn thể các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Sự chia
cắt  lâu dài giữa hai miền đã tạo nên sự đối đầu gay gắt, tiềm ẩn nguy cơ xung
đột, chiến tranh. Đó là những vấn đề không chỉ riêng của hai miền Triều Tiên
mà đã trở thành vấn đề quốc tế, chi phối đời sống chính trị thế giới. Bởi thế
cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật
Bản,… đã vào cuộc và đang nỗ lực tìm ra tiếng nói chung để giải quyết vấn đề
này.
Sự chuyến biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường của vấn đề hạt nhân trên bán
đảo Triều Tiên ở các mức độ khác nhau đều tác động tới an ninh quốc tế, khu
vực, quốc gia, trong đó cũng ảnh hưởng tới Việt Nam. Do đó, việc nghiên cứu
“Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên” là vô cùng quan trọng, cấp thiết
trong quan hệ quốc tế thế giới hiện nay.
Lịch sử và nguyên nhân phát triển vũ khí hạt nhân của
Triều Tiên.
1. Lịch sử phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên
-Sau Hiệp định đình chiến với Nam Hàn (1950 –1953), từ năm 1956 – dưới
sự chỉ đạo của Chủ tịch Kim Il-sung, Triều Tiên bắt đầu tiến hành nghiên
cứu hạt nhân.

Hình 1.1 Kim Il Sung cùng con trai Kim Jong-Il tham gia hoạt động năm 1983

-Năm 1958, sau khi Mỹ mang đầu đạn hạt nhân đến Hàn Quốc, Triều Tiên
đã bắt tay ký kết thỏa thuận hợp tác với Liên Xô để giúp Triều Tiên xây
dựng Trung tâm hạt nhân Yongbyon.
-Năm 1975, khi Mao Trạch Đông đi tới hòa giải, theo sát Mỹ sau chuyến
thăm Bắc Kinh của Tổng thống Richard Nixon (2/1972) và khước từ hợp tác
trong kế hoạch thống nhất Triều Tiên thì Bình Nhưỡng dứt khoát bỏ qua Bắc
Kinh để tự mình giải quyết vấn đề, tập trung mọi nỗ lực và sự giúp đỡ của
Liên Xô để tiếp tục chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân.
-Từ năm 1980–1985, Triều Tiên tiến hành xây dựng thêm một nhà máy ở
Trung tâm hạt nhân Yongbyun để tích lũy Uranium. Năm 1985, Triều Tiên
ký “Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân” (NPT) nhưng vẫn lặng lẽ
nghiên cứu và hoàn thiện loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này mặc cho các lệnh
trừng phát, cấm vận của Liên Hiệp Quốc và các quốc gia Mỹ,Anh, Pháp,...
-Sau khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, trật tự Thế giới hai
cực do Mỹ và Liên Xô đứng đầu trong gần 50 năm đã chấm dứt. Bắc Triều
Tiên bị mất chỗ dựa quan trọng về kinh tế , chính trị, vừa bị mất thị trường
truyền thống, khiến cho Bắc Triều Tiên vốn đã bị khó khăn và cô lập càng
thêm khó khăn trước sự bao vây cấm vận của Mỹ.
-Dưới thời Chủ tịch Kim Jong Il, Triều Tiên tiến một bước dài trên con
đường nghiên cứu hạt nhân và chế tạo tên lửa, giúp nước này chiếm thế
thượng phong trong đàm phán với Mỹ và Hàn Quốc. Tháng 10/1994, Mỹ và
Triều Tiên ký một thỏa thuận đóng băng chương trình sản xuất Plutonium để
đổi lấy xăng, dầu, lương thực cùng 2 nhà máy điện hạt nhân nước nhẹ phục
vụ cho dân sự.

Hình1.2 Hiệp định ký kết năm 1994

-Tháng 8/1998, Triều Tiên bất ngờ phóng tên lửa mang theo vệ tinh thăm dò
thời tiết. Từ đó, Triều Tiên tiếp tục nghiên cứu, chế tạo vũ khí nguyên tử,
cũng như phớt lờ cảnh báo của Tổng thống Mỹ George W. Bush.
Hình 1.3 Tên lửa được phóng năm 1998

-Tháng 1/2001, trong diễn văn tại nhà Trắng, Tổng thống Bush đã gọi Iraq,
Iran và Triều Tiên thuộc “trục ma quỷ” với cáo buộc những nước này sở hữu
vũ khí hủy diệt hàng loạt. Để đáp lại, Triều Tiên cho hay đang phát triển
chương trình hạt nhân bí mật và rút khỏi Hiệp định khung 1994.

Hình 1.4 Tổng thống Bush tại buổi diễn văn ở nhà Trắng

-Tháng 2/2003, Triều Tiên kích hoạt lại các cơ sở hạt nhân và mọi hoạt động
diễn ra bình thường.
-Tháng 4/2003, Triều Tiên rút khỏi hiệp ước NPT.
-Tháng 6/2003, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ xây dựng “lực lượng răn đe hạt
nhân” trừ khi chính phủ Mỹ từ bỏ chính sách thù địch với họ.
-Tháng 8/2003, để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, vòng đàm phán 6
bên giữa Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nga và Trung Quốc đã diễn
ra tại Bắc Kinh. Vòng đàm phán này đã trải qua 6 lần được tổ chức ở những
năm tiếp theo cho đến năm 2008.

Hình 1.5 Đàm phán 6 bên ở Bắc Kinh

- Ngày 19/9/2005, Triều Tiên một lần nữa đồng ý chấm dứt chương trình vũ
khí hạt nhân, để đổi lại các khoản viện trợ năng lượng, kinh tế, và an ninh.
-Tháng 6/2006, Triều Tiên lại bắn 7 tên lửa xuống biển Nhật Bản, trong đó
có một hỏa tiễn kiểu mới được thiết kế để vươn đến mục tiêu ở xa. Hành
động này đã bị chỉ trích bởi các nước trên thế giới.
-Ngày 8/10/2006, Triều Tiên lần đầu tiên tuyên bố thực hiện công cuộc thử
hạt nhân, một việc mà đến những nước đồng minh cũng lên án.
-Tháng 2/2007, Mỹ và 4 quốc gia khác đạt được một thỏa thuận tạm thời về
việc cung cấp nhiên liệu và 400 triệu USD tiền viện trợ nhằm đổi lại việc
Bình Nhưỡng dừng lại hoạt động của các cơ sở hạt nhân và cho phép các
thanh sát viên quốc tế quay trở lại quốc gia này.
-Tháng 6/2008, Triều Tiên phá hủy tháp làm mát trong tổ hợp hạt nhân chủ
chốt mang tên Yongbyun. Hành động này được xem là sự cam kết đồng ý
với cuộc đàm phán.
Hình 1.6 Triều Tiên phá hủy tháp Yongbyun năm 2008

-Tuy nhiên, năm 2008 cũng là năm đánh dấu vòng đàm phán 6 bên rơi vào
bế tắc. Tháng 5/2009, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 2, một
động thái khiến cả thế giới lo ngại. Đáp lại hành động này, Liên Hiệp Quốc
đã tăng cường lệnh trừng phạt mới.
-Cho đến hiện nay, Triều Tiên đã tiến hành 6 lần thử nghiệm vũ khí hạt nhân
vào các năm 2006, 2009, 2013, 2016 và 2017.
-Trong lần thử hạt nhân lần thứ 6, truyền thông Triều Tiên đưa tin nước này
đã sản xuất được đầu đạn hạt nhân gắn vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
-Mới đây nhất, ngay đầu năm 2022, Triều Tiên đã 9 lần phóng thử tên lửa.
Cuộc thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên diễn ra vào thời điểm nhạy cảm
trong khu vực, khi đồng minh lớn duy nhất của nước này là Trung Quốc sắp
tổ chức thế vận hội mùa đông năm 2022 ở Bắc Kinh vào đầu tháng 2 và
trong bối cảnh Hàn Quốc chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử tổng thống vào
tháng 3.
=> Phải thừa nhận rằng, là một đất nước bị áp lệnh trừng phạt nặng nề nhưng
công nghệ hạt nhân của Triều Tiên lại tiến bộ nhanh chóng một cách thần kỳ,
vượt xa mức dự đoán của tất cả các chuyên gia trong lĩnh vực này khiến cả
thế giới không khỏi ngỡ ngàng.

2. Nguyên nhân phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên
-Việc CHDCND Triều Tiên muốn có bằng được vũ khí hạt nhân xuất phát từ
việc giới lãnh đạo Bình Nhưỡng nhận thức được sức mạnh ghê gớm của thứ
này qua việc Mỹ thả 2 quả bom hạt nhân xuống Nhật Bản năm 1945, khiến
cho không chỉ nước Nhật, mà cả Thế giới phải choáng váng.
-Theo tiến sĩ Sung Yoon Lee (tại Đại học Tufts), Lãnh đạo Triều Tiên lúc
bấy giờ là Kim Il-sung nhận thấy thế yếu của mình trong cuộc chiến
với Hàn Quốc (1950-1953) chỉ vì Mỹ có vũ khí hạt nhân còn Triều Tiên và
Trung Quốc thì không nên phải chấp nhận ngưng chiến. Điều này đã khiến
Kim Il-sung đi đến quyết định: Bất cứ chiến lược nào để thống nhất Triều
Tiên thì đều cần đến vũ khí hạt nhân.
-Ngoài ra, việc Triều Tiên tập trung năng toàn bộ khả năng để đạt bước tiến
về vũ khí hạt nhân không chỉ bởi nguyên nhân lịch sử mà còn bởi sự đe dọa
của hơn hai mươi ngàn quân Mỹ đóng tại Hàn Quốc, bởi các cuộc tập trận
thường xuyên của quân đội Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong khi Trung
Quốc từ chối hỗ trợ Triều Tiên thống nhất bán đảo bằng vũ lực, thì sự đe dọa
của Mỹ càng khiến cho tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân để không bị chèn
ép của Triều Tiên trở nên quyết liệt hơn cả.

I. Quan hệ của Triều Tiên với các nước lớn trong vấn đề hạt
nhân

1. Quan hệ với Hàn Quốc


-Sau cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953, hai nước Triều Tiên
và Hàn Quốc vẫn chưa có hòa bình bởi chỉ tạm kí Hiệp định ngừng bắn.
Cả hai bên đều thành lập nhà nước riêng với chế độ khác nhau. Cho đến
hiện tại, chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân của Triều Tiên luôn gây lo
ngại cho Hàn Quốc và nhiều nước láng giềng.
-Khi Hàn Quốc tuyên bố sẽ tấn công phủ đầu nhằm phá hủy các cơ sở vũ
khí hạt nhân của Triều Tiên thì đất nước này cũng đáp trả lại một cách
đanh thép sẽ hủy diệt Hàn Quốc.
-Năm 2010, quan hệ Triều Tiên – Hàn Quốc trở nên căng thẳng khi Hàn
Quốc cáo buộc đất nước này đã bắn chìm tàu chiến Cheonan của mình
làm 46 thủy thủ đoàn thiệt mạng, nhưng Triều Tiên bác bỏ cáo buộc này.
Tiếp đến tháng 11/2010, Triều Tiên nã pháo lên đảo Yeonpyeong của
Hàn làm 4 người chết và phá hủy hàng trăm nhà dân.
Hình 1.1 Xác tàu chiến Cheonan

Hình 1.2 Triều Tiên nã 50 quả đạn pháo vào đảo Yeonpyeong

-Năm 2011, Triều Tiên tiếp tục đe dọa Hàn Quốc khi các nhà hoạt động
xã hội Hàn Quốc thả truyền đơn chống đối qua biên giới, cũng như việc
báo truyền thông Hàn đăng tin sức khỏe Kim Jong-un đang xấu đi.
“Những con rối Seoul cần nhớ rằng Triều Tiên có khả năng tấn công phủ
đầu và hủy diệt mọi thứ, biến chúng thành tro bụi chứ không chỉ đẩy
chúng vào biển lửa”
-Triều Tiên thường gọi chính phủ Hàn Quốc là ‘bù nhìn’, ‘con rối’ của
‘đế quốc Mỹ’ hay đe dọa biến Seoul thành tro bụi nhưng mặt khác họ vẫn
nhận viện trợ từ Hàn Quốc từ thuốc men, quần áo, mì gói đến chăn mền.
Triều Tiên cũng yêu cầu miền Nam hỗ trợ bột mì, gạo và xi măng nhưng
về sau chính phủ Hàn Quốc không muốn tiếp tục viện trợ vì cho rằng
chính phủ nước này đang cung cấp nhu yếu phẩm cho quân đội thay vì
cho dân thường.
-Tuy nhiên, vẫn có những mặt tốt đẹp nhất định trong nỗ lực ngoại giao
giữa 2 nước. Vào những năm cuối thế kỉ 20, khi tổng thống Hàn Quốc
Kim Dae-jung thực hiện chính sách Ánh dương và đặc biệt thành lập
được khu công nghiệp chung của 2 nước, đây được coi là điểm khởi sắc
trong quan hệ 2 nước kể từ gần nửa thập kỷ sau chiến tranh.

Hình 1.3 Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il.

-Nhưng đến thời Tổng thống Lee Myung-bak, ông đã áp dụng biện pháp
cứng rắn hơn để buộc Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Năm 2009, Triều Tiên
đáp trả bằng cách chấm dứt tất cả các thỏa thuận trước đó với miền Nam
– đưa quan hệ 2 nước trở về con số không.
-Vào tháng 5 năm 2017, Moon Jea-in được bầu làm Tổng thống Hàn
Quốc với lời hứa sẽ quay lại chính sách Ánh dương với miền Bắc. Tháng
2 năm 2018 cả vận động viên của 2 miền đã dùng chung cờ Thống nhất
để diễu hành trong lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông 2018.
Hình 1.1. Đoàn vận động viên hai miền Triều Tiên cùng diễu hành chung dưới lá cờ mang hình một
bán đảo Triều Tiên thống nhất tại lễ khai mạc Olympic PyeongChang 2018

Hình 1.2 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc
gặp lịch sử năm 2018

2. Quan hệ với Trung Quốc.

- Trước đến nay, Trung Quốc vẫn là nước có quan hệ tốt nhất với Triều
Tiên. Triều Tiên đã được Trung Quốc giúp đỡ rất nhiều trong chiến tranh
với Đại Hàn Dân Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc còn là bạn hàng kinh tế,
nhà đầu tư lớn của Triều Tiên. Trung Quốc cũng là 1 trong những nước
trong bàn đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. /

- Tuy nhiên, mối quan hệ giữa 2 nước vào những năm 2017 đã nằm trên bờ
vực căng thẳng do việc thử tên lửa hạt nhân bừa bãi của Triều Tiên gây ra
các cuộc động đất liên tiếp khiến người dân ở vùng Đông Bắc Trung
Quốc lo sợ. Do đó, Trung Quốc đã ủng hộ một số lệnh trừng phạt lên
Triều Tiên mà Liên Hiệp Quốc áp dụng. Chính bước đi này của Bắc Kinh
đã khiến quan hệ 2 nước xấu đi nghiêm trọng.

- Sau cuộc gặp của Chủ tịch nước Kim Jong-un với Chủ tịch Trung Quốc
Tập Cận Bình năm 2018, căng thẳng 2 bên mới giảm xuống. Từ cuộc gặp
đó tới nay, 2 nhà lãnh đạo đã có thêm 3 cuộc gặp thượng đỉnh nữa chủ
yếu thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa, hòa bình trên bán đảo Triều
Tiên.

Hình 2 nhà lãnh đạo duyệt đội danh dự tại sân bay ở Bĩnh Nhưỡng năm 2019
Hình 2.2 Hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch nước Kim Jong-un và Chủ tịch nước Tập Cận
Bình

- Dù hiện nay Trung Quốc vẫn ủng hộ lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc
đối với Triều Tiên và ngừng bán dầu cho Triều Tiên nhưng quan hệ giữa
2 nước không quá mức căng thẳng.

3. Quan hệ với Nga.

- Vào thời kỳ Liên Xô, cả 2 nước thiết lập mối quan hệ thân thiết chưa từng
có khi Chủ tịch nước đầu tiên của CHDCND Triều Tiên Kim Il Sung
được Liên Xô ủng hộ làm lãnh đạo Triều Tiên. Nhưng kể từ năm 1985,
khi Gorbachyov lên nắm quyền, Triều Tiên gọi những cải cách của vị
lãnh đạo mới này là “ngu dốt và tệ hại”. Và căng thẳng ngày càng leo
thang sau khi Liên Xô sụp đổ và Boris Yeltsin lên làm Tổng thống Nga.
Quan hệ chỉ bớt căng thẳng khi đến năm 2000, Vladimir Putin lên làm
Tổng thống, nhưng Triều Tiên vẫn không thiết lập được quan hệ thân
thiết vì Tổng thống Putin không quan tâm lắm tới Triều Tiên.

- Đến cuối năm 2011, khi Nga ủng hộ lệnh trừng phạt Triều Tiên mới
khiến quan hệ giữa 2 nước trở nên xấu đi so với thái độ hòa nhã bên
ngoài.
- Tuy nhiên sau đó Nga đã mở lại tuyến đường sắt vào Triều Tiên để cung
cấp than đá cho quốc gia này. Triều Tiên đã ca ngợi mối quan hệ với Nga
nhưng Nga không có thái độ cụ thể về việc này.

- Tháng 4/2019, Tổng thống Nga Putin có cuộc gặp mặt lần đầu tiên với
Chủ tịch nước Kim Jong Un để bàn về giải pháp hòa bình và vấn đề hạt
nhân trên bán đảo Triều Tiên. Hội thảo còn bàn luận về quan hệ song
phương, bao gồm lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa và hợp tác về con
người.

Hình 3.1 Hai nhà lãnh đạo bắt tay trước khi bước vào bàn hội đàm ở Nga. Ảnh:REUTERS

4. Quan hệ với Hoa Kỳ

- Quan hệ giữa Mỹ - Triều luôn là mối quan hệ xấu nhất, Triều Tiên luôn
coi Hoa Kỳ là cái nôi của “chủ nghĩa tồi tệ nhất thế giới” trong khi Hòa
Kỳ coi Triều Tiên là “nơi đáng sợ nhất thế giới” và coi Triều Tiên là “địa
ngục trần gian”, song Triều Tiên vẫn nhận viện trợ của Hoa Kỳ.

- Sau khi phóng tên lửa năm 2012, Mỹ quyết định cắt viện trợ lương thực
cho nước này với cáo buộc “vi phạm luật pháp quốc tế” về việc thử
nghiệm tên lửa đạn đạo.

- Sau việc phóng vệ tinh lần 2 vào năm 2012 mà thế giới cáo buộc là thử
nghiệm tên lửa đạn đạo, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc đã tăng lệnh trừng
phạt Triều Tiên.
- Khi Hoa Kỳ và Hàn Quốc tiến hành tập trận chung vào năm 2013, Triều
Tiên đã di chuyển tên lửa tới căn cứ quân sự ở Đông Nam Triều Tiên, gây
mối lo ngại về chiến tranh Triều Tiên tái diễn.

- Vào năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã đẩy mâu thuẫn với Triều
Tiên lên mức đỉnh điểm. Nhưng nếu như Tổng thống Donald Trump
khiến quan hệ Mỹ-Triều rơi vào căng thẳng thì cũng chính ông giúp hạ
nhiệt đột ngột mối quan hệ này. Mặc dù Hội nghị Mỹ - Triều tại Hà Nội
không đạt được kết quả, nhưng quan điểm của những người đứng đầu
Nhà Trắng không xem nó là kết cục bi quan. Ngày 3/3/2019, Mỹ-Hàn
quyết định hủy bỏ các cuộc tập trận chung lớn. Nói về vấn đề này, Tổng
thống Trump cho rằng đây là quyết định ông chủ trương từ rất lâu trước
khi thành Tổng thống để tiết kiệm hàng trăm triệu USD mà không bao
giờ nước Mỹ có thể lấy lại được.

Hình 4.1 Hội nghị thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch nước
Kim Jong Un

5. Quan hệ với Nhật Bản


- Nhật Bản là số ít quốc gia không công nhận chủ quyền hay có quan hệ
đối ngoại với Triều Tiên, như một di sản của sự thù hận, chống chủ nghĩa
cộng sản tồn tại trong mối quan hệ của Nhật Bản với Triều Tiên. Nhật
Bản là một trong những thành viên của cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề
hạt nhân của Triều Tiên. Mâu thuẫn của 2 nước là từ việc các công dân
Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970-1980.

II. Tác động của vũ khí hạt nhân đến với các bên liên quan
1. Đối với Mỹ
-Trong các thế lực đóng vai trò chủ yếu giải quyết vấn đề hạt nhân ở
Triều Tiên (Mỹ, Trung, Nga, Nhật), rõ rệt nhất vẫn là thái độ của Mỹ. Đe
dọa về an ninh là điều đầu tiên mà khủng hoảng hạt nhân ở Triều Tiên
mang lại cho Mỹ. Nếu leo thang thành chiến tranh sẽ là ảnh hưởng đến
căn cứ của Mỹ đóng ở Guam và các đồng minh ở khu vực này.
-Ngoài ra, việc Triều Tiên theo đuổi mục tiêu chế tạo vũ khí hạt nhân
khiến cho Mỹ lo ngại nước này có thể dùng vũ khí hạt nhân chống lại Mỹ
hoặc bán cho các đối tượng thù địch Mỹ. Cho đến trước 2018, cách thức
hành xử cứng rắn của Mỹ chỉ khiến tình trạng căng thẳng hạt nhân ở
Triều Tiên càng bế tắc, mà tiến trình thống nhất Triều Tiên của Hàn Quốc
không đạt được bước tiến nào.

2. Đối với chính Triều Tiên

- Đối với một đất nước lựa chọn quân sự hóa để phát triển như Triều Tiên,
vũ khí hạt nhân được xem là con át chủ bài không thể thiếu để kiềm chế
Mỹ và Hàn Quốc. Điều này đã trở thành nhận thức chung của các nhà
lãnh đạo Triều Tiên.
- Tuy vậy, việc quân sự hóa đất nước và tập trung phát triển vũ khí hạt
nhân khiến đất nước này phát triển không cân bằng. Sức mạnh quân sự
của Triều Tiên vượt xa khả năng về kinh tế. Ước tính có khoảng 12 triệu
người dân ở mức đói (dưới mức 1$/1 ngày), ngoài ra nước này còn phải
đối diện với nạn đói, suy dinh dưỡng và dịch bệnh.
Hình 2.1 Ảnh những đứa trẻ trong nạn đói ở Triều Tiên

-Việc trì hoãn không thực hiện cam kết trong các Hiệp ước, đặc biệt trong
các cuộc đàm phán 6 bên khiến Triều Tiên bị chỉ trích nặng nề và đất
nước vốn bị trừng phạt nay càng bị cô lập nặng nề hơn.

3. Đối với các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

- Nguy cơ chiến tranh toàn diện và chiến tranh hạt nhân nổ ra trên bán đảo
Triều Tiên ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định của khu vực kinh tế động
chiếm đến 56% GDP toàn cầu. Do đó nó cản trở sự phát triển kinh tế
trong thời đại toàn cầu hóa – với xu thế tăng cường phụ thuộc lẫn nhau
giữa các nước và ưu thế phát triển kinh tế.
III. Những khó khăn và triển vọng giải quyết vấn đề hạt nhân
của Triều Tiên.
- Đàm phán hòa bình là nghệ thuật, mỗi Hiệp định không chỉ là ký kết mà
để đạt được kết quả bền vững thì phải có kỹ năng đàm phán và cả sự hy
sinh của các bên liên quan để đạt được lòng tin.
- Về mặt kỹ thuật, Mỹ luôn nhấn mạnh việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên
phải đảm bảo 3 yếu tố, đó là toàn diện, kiểm chứng được và không thể
đảo ngược. Việc Triều Tiên chấp thuận cho chuyên gia Mỹ vào giám sát
việc đóng cửa bãi thử hạt nhân là dấu hiệu hết sức tích cực. Nhưng với
Mỹ chừng đó chưa đủ 3 yếu tố nói trên.
- Và quan trọng hơn hết là vấn đề lòng tin, mối nghi ngờ lớn nhất của Mỹ
là Triều Tiên sẽ chỉ giả vờ đàm phán, thậm chí ký thỏa thuận để được gỡ
bỏ cấm vận, rồi mọi chuyện đâu lại hoàn đó. Ở chiều ngược lại, Triều
Tiên không hẳn vô lý khi không tin vào Mỹ. Mỹ đã đơn phương không
thực hiện những cam kết hộ trợ Triều Tiên trong thỏa thuận năm 1994 mà
còn đưa nước này vào danh sách “trục ma quỷ”. Bình Nhưỡng cũng được
chứng kiến Tổng thống Donald Trump xé bỏ hiệp ước về Kế hoạch hành
động chung toàn diện được ký bởi chính quyền tiền nhiệm sau khi Iran
đồng ý dừng chương trình hạt nhân.
- Vũ khí hạt nhân gần như là thứ vũ khí duy nhất cho phép một nước nhỏ
có thể có tiếng nói ngang cơ với những siêu cường trong bàn cờ quốc tế.
Việc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân một cách dễ dàng không khác nào
đặt số phận của mình vào lời hứa không lấy gì đảm bảo của đối thủ như
Mỹ. Do vậy, tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân trên bản đảo Triều Tiên là
con đường đầy khó khăn không thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Kết luận

Sự phức tạp của vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đã phản ánh những tàn
dư của cục diện Chiến tranh lạnh ở Đông Bắc Á và những khó khăn trong việc
phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Vấn đề được dấy lên bởi sự bất đồng
giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên nhưng lại liên quan tới lợi ích của các nước ở Đông
Bắc Á hay thậm chí là cả thế giới. Căn cứ vào chiến lược ngoại giao chung, các
nước liên quan đều tích cực tham gia hòa giải và điều đình vấn đề hạt nhân của
Bắc Triều Tiên.
Do tính chất phức tạp và lợi ích an ninh chồng chéo của các nước lớn dẫn đến
việc giải quyết triệt để vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ còn khó
khăn và mất rất nhiều thời gian nữa trong tương lai tới. Và khả năng khôi phục
đàm phán 6 bên sau gần 2 thập kỷ chỉ có thể thành công nếu các bên – đặc biệt
là Mỹ và Bắc Triều Tiên thực sự muốn có giải pháp thông qua đối thoại, chứng
tỏ được các bên có cam kết chính trị để đưa vấn đề đến đích cuối cùng.
Tài liệu tham khảo
1. Tạp chí khoa học – Số 30/2019. Trường Đại Học Thủ Đô Hà
Nội.
2. Báo Việt Nam Plus.
3. Tỷ lệ suy dinh dưỡng và dịch bệnh gia tăng tại Triều Tiên.
(18/07/2019) theo Tin tức Thông tấn xã Việt Nam.
4. Diễn biến khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên (1/3/2012). Theo
báo VNEXPRESS.
5. Bắc Triều Tiên tìm cách tăng cường tình hữu nghị với Nga
(21/05/2020). Theo KBS WORLD VIETNAMESE.
6. Vấn đề Triều Tiên: Đàm phán hòa bình – Cách tiếp cận cần
được ưu tiên. (18/09/2017). Theo Báo điện tử Đảng Cộng Sản
Việt Nam.
7. Điểm lại các dấu mốc về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều
Tiên (11/06/2018). Theo báo Nhân Dân
8. Vấn đề hạt nhân ở CHDCND Triều Tiên – Thực trạng và
nguyên nhân (19/02/2014) Theo Viện hàn lâm Khoa học xã hội
Việt Nam

You might also like