You are on page 1of 5

Môn Lịch sử Mỹ thuật

GVHD: Vũ Thị Trang

PHÂN TÍCH TÁC PHẨM


“NHỮNG CÔ GÁI TRẺ
Ở AVIGNON”

Họ và tên MSSV
Bùi Đoan Trâm 207DH59634
Trên khắp thế giới vào giai đoạn cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX đã xuất hiện nhiều làn sóng
khám phá cái mới, phá vỡ quy tắc truyền thông và thúc đẩy các nghệ sĩ tiến gần hơn tới chủ nghĩa
Hiện đại. Các trường phái mới dần xuất hiện như: Dã thú, Vị lai, Siêu thực, Dada,… Khi mà Henri
Matisse vẽ bức “Portrait of Madame Matisse. The Green Line” của mình vào năm 1905, Paul Cézanne
hoàn thành “The Large Bathers” vào năm 1906, thì Picasso cũng đang cuốn vào làn sóng ấy và dần
thực hiện tư tưởng định nghĩa lại sáng tạo hội họa của ông. Picasso - 25 tuổi thiếu thời - bắt đầu vẽ kiệt
tác “Les Demoiselles d’Avignon” vào mùa đông năm 1906 và hoàn thành nó vào năm 1907.

“Les Demoiselles d'Avignon” là một cuộc cách mạng vì Picasso hoàn toàn phủ nhận tất cả
những quy chuẩn của hội họa hàn lâm phương Tây vào thời điểm đó, khi mà người ta lý tưởng hóa về
phối cảnh, tỷ lệ cơ thể người, đem chính xác những gì mắt thấy vào trong tranh càng đúng càng tốt. Có
lẽ từ sự táo bạo của bức tranh - điều gây sốc đối với cả đồng nghiệp của chính Picasso đã khiến “Les
Demoiselles d'Avignon” bị giấu kín suốt hơn 20 năm sau khi trưng bày lần đầu tiên vào tháng 7 năm
1916 và bắt đầu công khai trở lại trong triển lãm của các hoạ sỹ lập thể vào năm 1937, khi trường phái
này đã có chỗ đứng vững chắc.

Vào tháng 5 hoặc tháng 6 năm 1907, Picasso đã đi xem các tác phẩm nghệ thuật châu Phi tại bảo
tàng dân tộc học ở Trocadéro và hoàn toàn bị ám ảnh bởi sự vĩ đại và nguyên sơ của những chiếc mặt
nạ có nguồn gốc từ Bờ Biển Ngà ấy. Những khám phá này đã ảnh hưởng sâu đậm tới Picasso và thôi
thúc ông hoàn thành “Les Demoiselles d'Avignon” vào tháng 7 cùng năm. Những ảnh hưởng này
không chỉ tác động lên tư tưởng của Picasso vào thời điểm ấy mà còn đi theo ông trong suốt quá trình
làm nghệ thuật.

Avignon, tên gọi của một con phố ở Barcelona, Carrer d’Avinyó, nơi được biết đến với nhiều
nhà thổ. Năm nhân vật trong bức tranh là “những cô nàng ở Avignon", những cô gái điếm ở khu đèn
đỏ Barcelona đã táo bạo nhìn chằm chằm vào người xem khiến ta liên tưởng tới “Le déjeuner sur
l'herbe” (Bữa trưa trên cỏ) của Edouard Manet - người họa sĩ được cho là đã truyền cảm hứng nhiều
tới Picasso. Bức tranh ấy cũng đã họa một người phụ nữ khỏa thân nhìn chằm chằm vào người xem
như “những cô nàng ở Avignon” kia.

Đây là tác phẩm có sự chuẩn bị và đầu tư hơn bao giờ hết với hàng trăm bản phác thảo và trăn
trở từ mùa đông năm 1906 đến mãi mùa hè năm 1907, tức nửa năm sau, ông mới bắt đầu những nét cọ
đầu tiên trên bức tranh khổ lớn hoàn chỉnh. Những bản nháp ban đầu đã từng vẽ hai người đàn ông:
một người thủy thủ và một chàng sinh viên ôm quyển sách và đầu lâu. Hai người đàn ông trái ngược
nhau, người thủy thủ được coi như vẻ thô mộc nguyên sơ của dục vọng, chàng sinh viên và quyển sách
thì tượng trưng cho kiến thức còn chiếc đầu lâu kia thì là biểu tượng trường kỳ của cái chết. Trông như
hai bản chất trái ngược của con người: chối bỏ tính dục, coi đây là việc thấp hèn nhưng bản chất của
chính họ ngay từ thuở sơ khai đã gắn liền với nó. Tuy nhiên, ông đã loại bỏ hai hình tượng này để thay
vào đó tập trung vào hình dáng phụ nữ khỏa thân.

Trong bức tranh, các cô nàng ở các tư thế khác nhau, khỏa thân trước một khung nền bộn bề
trông như những tấm vải luộm thuộm. Chùm nho, miếng dưa hấu và vài loại trái cây chỉ được đặt đơn
sơ ở phía dưới. Tất cả khiến ta chú ý đến thân hình nõn nà, gợi cảm của các cô đào - điều trái ngược
hoàn toàn với khuôn mặt như những chiếc mặt nạ nguyên thủy kia. Bên cạnh là một họa sĩ thì Picasso
còn là một nhà điêu khắc, điều này đã ảnh hưởng đến “Les Demoiselles d'Avignon” qua những đường
nét dứt khoát, mạnh mẽ ở trong bức tranh nhưng ta vẫn cảm nhận được nét yêu kiều toát ra. Những ánh
nhìn sắc sảo của những cô đào gây sốc cho người xem đương thời bởi tính táo bạo của chủ đề - gái mại
dâm trong những tư thế quan hệ tình dục mạnh bạo. Picasso áp dụng những hình dáng mặt nạ vào
khiến cho tính dục của họ không chỉ mạnh bạo mà còn rất nguyên thủy - điều mà lẽ ra rất bình thường
vì đã luôn xuất hiện cùng sự phát triển của loài người từ thuở sơ khai nhưng vẫn bị coi là chủ đề bất
bình thường và ít được đề cập tới.

Picasso đã sử dụng một bảng màu gồm các tông màu đất, các màu nâu chồng lên nhau và màu
vàng với các màu đỏ đậm; điểm nét một số chỗ với màu xanh dương và xanh lá. Những mảng màu tối
hơn được sử dụng ở bên trái bức tranh và màu ấm hơn ở bên phải bức tranh. Mảng màu xanh dương
bên phải kia trông như một cái nhìn thoáng qua bầu trời, bao quanh hình người ở phía trên bên phải,
bầu trời của sự tự do thoáng đãng đối lập với nhà chứa ngột ngạt.

Thật ra, ban đầu Picasso vẽ tất cả các gương mặt phụ nữ na ná như nhau. Nhưng sau chuyến
thăm định mệnh tới bảo tàng dân tộc học ở Trocadéro thì ông đã chuyển hướng. Ta có thể thấy những
liên kết khá chặt chẽ của các bức mặt nạ từ bảo tàng mà Picasso đã tới thăm ngay trước khi vẽ “Les
Demoiselles d'Avignon” và mặt của những cô gái ở trong bức tranh: Mặt nạ Dan của những bộ tộc ở
Bờ Biển Ngà và Liberia có nét tương đồng với cô gái số 1 bên trái ngoài cùng và cô gái số 4 bên phải
đang đứng; Mặt nạ Ngil của người Fang sống ở Gabon với cô gái số 2 và 3 ở giữa; Mặt nạ Mbuya của
người Zaire (Congo) với cô gái đang ngồi.

Bên cạnh những điều xuất sắc của kiệt tác “Les Demoiselles d'Avignon” thì vẫn còn một số vấn
đề đáng được đề cập mỗi khi nhắc đến bức tranh này. Picasso thừa nhận rằng chuyến viếng thăm bảo
tàng dân tộc học Trocadero đã thay đổi ông, song ông không bao giờ công nhận nghệ thuật châu Phi.
Ông đã phủ nhận điều này nhưng đã có nhiều bằng chứng chỉ ra việc ông đã quan sát, học hỏi thậm chí
là sưu tầm các vật phẩm châu Phi. Năm 2018, triển lãm ”Picasso và Nghệ thuật Châu Phi” tại Bảo tàng
Mỹ thuật Montreal ở Canada đã đặt các tác phẩm của ông và nghệ thuật châu Phi để đối chiếu. Mục
đích của cuộc triển lãm không phải để buộc tội chiếm đoạt văn hóa của Picasso nhưng đã chứng minh
được ông có sự vay mượn và học hỏi từ nền nghệ thuật này, thể hiện cách ông đã vượt qua điều đó và
tạo ra một loại hình thẩm mỹ mới. Điều này là nền tảng để xuất phát ra câu nói nổi tiếng của Picasso:
“Nghệ sĩ giỏi sẽ sao chép, còn nghệ sĩ vĩ đại sẽ biết cách đánh cắp” - câu nói đã truyền cảm hứng cho
Austin Kleon đặt bút viết nên quyển sách bán chạy bậc nhất của New York Times - quyển sách được
coi như bài học vỡ lòng của dân sáng tạo - “Steal like an artist” (tựa Việt là “Nghệ thuật đánh cắp ý
tưởng”). Song việc phủ nhận đã lấy cảm hứng từ nền nghệ thuật châu Phi của Picasso không nên được
bình thường hóa, mặc cho đây không phải là trường hợp họa sĩ phương Tây duy nhất vay mượn văn
hóa khác. Có thể kể đến danh họa Vincent van Gogh, nhưng khác với Picasso, Vincent đã thừa nhận sự
ảnh hưởng của tranh in khắc gỗ ukiyo-e trong suốt sự nghiệp của ông qua những lá thư gửi em trai.
Thế hệ nghệ sĩ chúng ta ngày nay cần có sự hiểu biết nhiều hơn và cẩn thận hơn về vấn đề chiếm dụng
văn hóa trước khi vay mượn, học hỏi từ một nền văn hóa khác hoặc chỉ đơn giản là ý tưởng của người
khác.

Chung quy thì “Les Demoiselles d'Avignon” vẫn được coi là bệ phóng của trường phái Lập thể
và không thể phủ nhận sự ảnh hưởng lớn của nó cho đến tận bây giờ. André Breton - cha đẻ của Chủ
nghĩa Siêu thực đã đưa ra lời cảm thán về kiệt tác ấy rằng: “Đó là một tác phẩm khiến tâm trí tôi vượt
qua cả hội họa; nó là nhà hát của tất cả mọi thứ đã xảy ra trong 50 năm qua”. Phong trào nói chung và
tác phẩm của Picasso nói riêng cũng truyền cảm hứng về kiến trúc hiện đại, tác phẩm điêu khắc, quần
áo, và thậm chí cả văn học gần 100 năm về sau.
NGUỒN THAM KHẢO

Les Demoiselles d'Avignon by Picasso – https://blog.artsper.com/en/a-closer-look/artwork-analysis-


les-demoiselles-d-avignon-by-

Historical Influence of African Art in the Modern Art Movement – https://www.artdex.com/historical-


influence-of-african-art-in-the-modern-art-movement/

How African Mask Changed the World of Modern Art – https://sum.cuny.edu/african-masks-picasso-


modernism-black-art-renaissance/

Picasso’s African-influenced Period – 1907 to 1909 – https://www.pablopicasso.org/africanperiod.jsp

MMFA 2018: Picasso – https://artframe.blogspot.com/2018/05/mmfa-2018-picasso.html

How much did Picasso’s paintings borrow from African art? –


https://www.theguardian.com/artanddesign/2006/mar/15/art

Stories of Iconic Artworks: Pablo Picasso‘s Les Demoiselles d’Avignon –


https://magazine.artland.com/les-demoiselles-davignon-analysis-picasso-painting/
The Art of Pablo Picasso - https://www.megaessays.com/viewpaper/102066.html

You might also like