You are on page 1of 4

TRÍ NHỚ ĐẠI DƯƠNG

By Truc Anh
TTCT - Đại dương có trí nhớ không, và nếu có thì chúng có thể mất trí nhớ không?
Câu trả lời là có, cho cả hai câu hỏi.
Tất nhiên, trí nhớ ở đây không hiểu theo nghĩa đen. Cái gọi là “trí nhớ” của đại
dương là khả năng các vùng biển cả bao la ghi nhớ điều kiện/tình trạng trước đó của
chúng, chẳng hạn mức nhiệt ở bề mặt, dòng chảy, cấu trúc và cả màu sắc.
Không như thời tiết vốn thay đổi liên tục mỗi ngày, bề mặt đại dương rất ít khi biến
đổi. Bên dưới những con sóng, nhiệt độ mặt biển thường rất ổn định, nghĩa là nhiệt
độ ngày mai có thể sẽ không khác mấy so với hôm nay. Chính khả năng duy trì tính
ổn định này đã hình thành “trí nhớ” của đại dương, cho phép các nhà khoa học dự
đoán tình trạng tương lai của chúng. Nhưng dưới tác động của biến đổi khí hậu, các
vùng biển không thể duy trì được sự ổn định này, “cứ như thể đại dương đang mắc
chứng mất trí nhớ vậy”, theo Daisy Hui Shi - nhà nghiên cứu thuộc Viện Farallon
(Petaluma, California).
Shi là tác giả chính của nghiên cứu về “trí nhớ” của đại dương, với nhận định đáng
buồn rằng tình trạng “mất trí nhớ” đang diễn ra rộng khắp và nhanh chóng. Các thủy
vực khắp hành tinh đang chịu quá nhiều bất trắc, nào băng tan, mực độ nước biển
tăng, rồi thì các rặng san hô bị hủy diệt. Giờ lại thêm chuyện “mất trí nhớ”, khiến sự
thay đổi của chúng ngày càng khó đoán và để lại nhiều hệ lụy.
Theo kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Advances hồi đầu tháng 5, nhiệt
độ đại dương đang biến động dữ dội hơn trước vì các vùng biển mất khả năng điều
tiết và “ghi nhớ” các tình trạng trước đó. “Trí nhớ” đại dương tốt hay xấu là liên
quan đến độ dày của tầng mặt trên cùng của nó. Cách hình dung dễ nhất là so sánh
nó với tấm nệm. Nệm càng dày càng êm, tầng mặt càng dày thì đại dương có “trí
nhớ” càng tốt. Vẫn theo lối ví von đó, đệm mỏng thì không êm, mặt biển nông thì
“trí nhớ” đại dương kém. Vấn đề là tầng mặt đang ngày càng nông khi Trái đất ngày
càng nóng lên.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra tầng mặt đại dương sẽ nông hơn vào mùa xuân
và mùa hè, khi nhiệt độ cao hơn. Khi Trái đất nóng lên vì biến đổi khí hậu (mà
nguyên nhân là các hoạt động của con người, chủ yếu là đốt nhiên liệu hóa thạch),
nhiệt độ bề mặt nước biển dự kiến sẽ dao động bất thường hơn trong những thập
niên tới. “Chúng tôi khám phá ra hiện tượng này bằng cách so sánh sự tương đồng
về nhiệt độ bề mặt đại dương của một năm so với năm tiếp theo và dùng nó như phép
đo đơn giản cho trí nhớ đại dương” - Hui Shi viết.
Dự báo thay đổi về "trí nhớ đại dương" từ nay đến 2100 (xanh: tăng; đỏ: giảm). -
Ảnh: Nhóm nghiên cứu Hui Shi
Sử dụng nhiều mô hình khí hậu với mức phát thải khí nhà kính toàn cầu từ thấp, vừa
đến cao, các nhà khoa học nhận định “trí nhớ” đại dương nhiều khả năng sẽ suy giảm
khắp thế giới vào cuối thế kỷ này. Điều này có nguy hại gì cho hành tinh và chính
con người chúng ta? Theo nhóm nghiên cứu, một trong những hệ quả nghiêm trọng
của việc đại dương “mất trí nhớ” là việc dự đoán tình trạng biển cả sẽ khó hơn trước
đây. Thông thường các nhà khoa học có thể dự báo trước từ vài tháng đến một năm
trước khi nhiệt độ tầng mặt có biến động bất thường, nhưng khoảng cách này có thể
bị thu hẹp khi “trí nhớ” đại dương suy giảm.
Theo đồng tác giả nghiên cứu Fei-Fei Jin, giáo sư khoa học khí quyển tại Trường
Công nghệ và khoa học trái đất và đại dương Mānoa (Đại học Hawai), nhiệt độ bề
mặt biển giúp dự đoán thời tiết trên đất liền chẳng hạn như sóng nhiệt và lượng mưa
gió mùa. Đại dương “mất trí nhớ”, tức nhiệt độ bề mặt trở nên khó đoán, sẽ ảnh
hưởng đến độ chính xác của các dự báo thời tiết quan trọng nêu trên.
Theo Hua Shi, nếu nhiệt độ bề mặt đại dương trở nên khó dự đoán sẽ gây ra ảnh
hưởng rộng khắp. Chẳng hạn, trong quản lý ngư nghiệp, trữ lượng cá trong tương lai
được ước tính dựa trên giả định rằng đại dương sẽ trong tình trạng tương đối ổn định.
Sự bất ổn của đại dương vì thế sẽ khiến các ước tính này trở nên không đáng tin cậy.
Sự suy giảm “trí nhớ” của đại dương cũng có thể khiến việc dự báo các thay đổi có
khả năng ảnh hưởng mạnh lên các hệ sinh thái biển dễ tổn thương sẽ trở nên khó
khăn hơn, từ đó ảnh hưởng công tác bảo tồn và có thể gây ra tác động tiêu cực đến
các quần thể tài nguyên sinh vật../.
VỀ ĐƯỢC ĐẾN NHÀ TRONG MƯA BÃO
Đào Trung Thành
TTCT - Có lẽ người ta cần phải sống và đi lại đầy bất an khổ sở trong ngập lụt, hoặc
bị tát 231 cái, bị làm nhục, tê liệt trong phản kháng hay phải đòi hỏi quyền sống của
mình thì mới cảm nhận được cái hạnh phúc mà Gilbert nói.

Tôi nghĩ gì khi máy bay đảo trên bầu trời Sài Gòn hàng chục lần trong mưa bão?

Trong bộ phim kinh điển Casablanca, Ilsa Lund (Ingrid Bergman đóng) dằn vặt giữa
việc ở lại với Rick Blaine (Humphrey Bogart đóng) - người mà cô từng yêu và mất
liên lạc một thời gian dài, nay gặp lại - ở thành phố biển Casablanca của Morocco
thuộc Pháp, hay lên máy bay đi Lisbon với người chồng là kháng chiến quân chống
lại Đức Quốc xã.

Kết thúc phim, cô lên máy bay đi cùng người chồng của mình. Cô ấy có hối tiếc
không? Cuối cùng cô ấy có ân hận về quyết định đã làm? Theo Daniel Gilbert, tác
giả của Stumbling on Happiness (Va phải hạnh phúc), các quyết định sẽ làm cho cô
ấy hạnh phúc như nhau trong thời gian dài.

D. Gilbert nói về trạng thái ảo tưởng của tâm trí trong một thế giới mà đau khổ là
chất liệu nền của cuộc nhân sinh. Ông là một nhà tâm lý học rất nổi tiếng ở Đại học
Harvard, có sở trường thực hiện những cuộc thử nghiệm lý thú phản ánh những lỗ
hổng và thành kiến của tâm trí con người.

Trong cuốn sách này, ông nhiều lần chỉ ra: với tư cách là con người, chúng ta luôn
phán xét một cách thiếu chính xác về thứ khiến chúng ta hạnh phúc trong quá khứ,
thứ khiến chúng ta hạnh phúc trong tương lai, thậm chí là cả những thứ làm cho
chúng ta cảm thấy hạnh phúc ở thời điểm hiện tại.

Thực tế, nhiều năm nghiên cứu về hạnh phúc của Gilbert chỉ ra cùng một thực tế
đáng lo ngại: hạnh phúc không mấy liên quan đến những điều xảy ra với ta trong
cuộc đời, nhưng lại rất liên quan đến việc ta quan sát mọi thứ xảy ra như thế nào.

Sáng 25-11, sau khi hoàn thành cuộc marathon lần thứ ba trong năm ở giải chạy
Halong Heritage International Marathon 2018, tôi cảm thấy khá hạnh phúc vì đã đạt
được mục tiêu mà một trung niên U-50 có thể đạt được. Đi nhờ xe về Hà Nội lúc
15h chiều, nhưng chuyến bay là 20h. Một lần nữa, tôi lại cảm thấy may mắn vì đổi
được giờ bay sớm lúc 16h30.

Ngồi trên máy bay, đang hoan hỉ vì hạnh phúc, lại nghe thông báo ngồi chờ 45 phút
vì thời tiết xấu ở TP.HCM. Niềm hạnh phúc tụt một chút. Kế đó là hai giờ bay giữa
thời tiết xấu với những cú thót tim vì những “ổ gà” trên không. Tâm trạng quay lại
trạng thái “hồi quy về trung bình”, nghĩa là bình thường xen lẫn mệt mỏi. Sắp tới
giờ hạ cánh, lại nghe cơ trưởng thông báo sẽ bay ít nhất 20 phút trên bầu trời dông
bão do chưa thể hạ cánh.
Nếu là tôi, cảm xúc của bạn cũng hết sức phức tạp, 20 phút nữa bạn sẽ hơi lo ngại,
tiếp sau 20 phút nữa thì có lẽ bạn đã bắt đầu cầu nguyện... Ông đại gia ngồi sau lưng
đã thôi hứng thú kể chuyện các dự án hàng chục tỉ; quý bà phía trước cũng không
còn hào hứng về những túi LV, Hermes; mấy cậu thanh niên thôi bình luận về việc
“chén” em này em kia.

Và rồi một câu chuyện khiến tôi chú ý, từ hai cô giáo bên cạnh. Cô trẻ nói với cô
nhiều tuổi hơn:

- Em nghĩ chị là con người thẳng thắn, bộc trực cho nên em mới nói, chứ không phải
như chị L. (một vị hiệu phó đang tranh chấp ngôi vị hiệu trưởng với người đối thoại)
vừa xảo quyệt lại vừa đạo đức giả. Đấy, cái chuyện tập thể dục cũng thế. Chị ấy ra
vẻ mình trẻ trung, xinh đẹp, quyến rũ.

Lúc này, máy bay im ắng, mỗi người theo đuổi suy nghĩ riêng. Tôi bắt đầu nghĩ đến
mấy đứa nhỏ ở nhà, các cụ thân sinh, bạn bè thân quen. Sau cùng, tôi được ngắm
sân bay Phnom Penh trong 3 giờ trước khi quay về lại và đáp được xuống sân bay
Tân Sơn Nhất sau 8 giờ cho hành trình từ Hà Nội về TP.HCM.

Nhưng chưa hết, hạnh phúc lại đi đâu mất. Sân bay Tân Sơn Nhất “vỡ trận” taxi về
nhà. Một anh bạn cho biết cô vợ yêu quý không thể bắt được taxi sau hai giờ vô
vọng, anh buộc phải lội nước trong cái thế chưa bao giờ ngập lụt như thế để đón về.
Thế vẫn còn may vì có người đợi tới 2, 3 giờ hoặc đến sáng. Về được đến nhà là tốt
rồi, may rồi và hạnh phúc rồi!

Gilbert viết: “Nếu bạn muốn hạnh phúc, khỏe mạnh, giàu có, và thông thái, thì đừng
uống mấy viên vitamin và làm những phẫu thuật thẩm mỹ, thay vào đó, hãy thử bị
làm nhục trước đông người, bị bỏ tù oan, hoặc bị bại liệt toàn thân... Các nghiên cứu
về những người tồn tại sau những đau khổ lớn cho rằng phần lớn mọi người đều khá
ổn và một tỉ lệ lớn tuyên bố cuộc đời họ đã tốt hơn bởi chính trải nghiệm ấy”.

Người ta hay đưa ra dẫn chứng Việt Nam thuộc quốc gia có chỉ số hạnh phúc hàng
đầu thế giới. Theo diễn giải của Gilbert về những ảo tưởng của hạnh phúc, những
người này suy nghĩ tương lai chỉ có thể tốt hơn cái thực tế ảm đạm trước mắt.

Có lẽ người ta cần phải sống và đi lại đầy bất an khổ sở trong ngập lụt, hoặc bị tát
231 cái, bị làm nhục, tê liệt trong phản kháng hay phải đòi hỏi quyền sống của mình
thì mới cảm nhận được cái hạnh phúc mà Gilbert nói.

Hôm sau, những cơn mưa rớt do bão chuyển thành áp thấp nhiệt đới. Bọn trẻ được
ở nhà không phải đến trường. Đó là lúc người ta hiểu rằng mình cần nhất là bình yên
trong giai đoạn này chứ không phải tiền bạc, địa vị hay danh vọng.■

You might also like