You are on page 1of 6

HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT

HỒN TRƯƠNG BA VÀ ĐẾ THÍCH

Trong làng kịch nói Việt Nam, có lẽ ai cũng biết đến Lưu Quang Vũ - một hiện
tượng đặc biệt của sân khấu kịch trường những năm tám mươi của thế kỉ XX. Tuy có tài
ở nhiều lĩnh vực như viết truyện ngắn, soạn kịch, làm thơ, vẽ tranh... nhưng ông được
xem là một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt
Nam hiện đại. Trong các vở kịch của Lưu Quang Vũ, đáng chú ý nhất là vở "Hồn Trương
Ba, da hàng thịt". Bằng nghệ thuật xây dựng nội tâm độc đáo, cảnh VII, đoạn cuối vở
kịch đem đến cho người đọc nhiều vấn đề tư tưởng sâu sắc qua bi kịch của nhân vật
Trương Ba. Đoạn trích khi nhân vật Hồn Trương Ba đối thoại với Đế Thích để khẳng
định quan điểm sống đã thể hiện chiều sâu triết lí về con người của nhà biên kịch Lưu
Quang Vũ.

“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được viết năm 1981, ra mắt công chúng năm
1984 gây chấn động dư luận về nội dung tư tưởng. Đây là vở bi kịch hiện đại được cải
biến từ truyện dân gian, xoáy sâu vào bi kịch sống nhờ, sống gửi, từ đó đặt ra nhiều vấn
đề mang ý nghĩa xã hội và gửi gắm những triết lí nhân sinh sâu sắc của tác giả. Nhan đề
“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là một nhan đề hay và ý nghĩa. “Hồn” là phần trừu tượng,
vô hình, là cái tinh thần bên trong mỗi con người. “Da” (xác) là cái cụ thể, hữu hình, là
cái vỏ bề ngoài, là “cái bình để chứa đựng linh hồn”. Đây là hai yếu tố quan trọng, tồn tại
thống nhất và biện chứng trong một con người, nhưng nhan đề cho thấy rõ sự chắp vá,
vênh lệch giữa hồn người này và xác người kia, đẩy con người vào nghịch cảnh trớ trêu
“bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”.

Trương Ba là một người làm vườn chăm chỉ, tốt bụng và chơi cờ rất giỏi. Vì sự
tắc trách của Nam Tào, Bắc Đẩu nên ông chết một cách đột ngột. Tiếc tài đánh cờ của TB
và cũng để sửa sai, tiên cờ Đế Thích đã dùng phép cho Hồn TB nhập vào xác anh hàng
thịt để được tiếp tục sống. Mọi rắc rối và trớ trêu bắt đầu từ đây. Vì trú ngụ trong thân
xác thô lỗ, kềnh càng của anh hàng thịt, hồn TB nhiễm một số tật xấu và càng ngày càng
bị xác hàng thịt lấn lướt. TB cũng dần dần trở nên xa lạ với người thân. Tất cả những
người ấy: Người thì chua xót tủi thân (vợ), người thì tức tưởi xua đuổi (cháu), người thì
thấu hiểu chia sẻ nhưng không thừa nhận sự thật (con dâu) đều nhận ra và đau khổ trước
bi kịch của Trương Ba nhưng đành bất lực. TB giống như người đang đứng trước vực
thẳm sâu hoắm khắc khoải cần một ai đó níu giữ nhưng kết quả chỉ là bế tắc vô vọng. Gia
đình là nơi chốn bình yên nhất để ta chống lại những tai ương của số phận, khi gia đình
cũng không còn là mảnh đất có thể bấu víu nữa, thử hỏi sự tồn tại của TB còn có ý nghĩa
gì? TB hiểu mình đã mất tất cả. Đó là lúc bi kịch đẩy lên đỉnh điểm.
Đau đớn và tuyệt vọng, TB thắp hương gọi ĐT. Nếu cuộc đối thoại giữa HTB
với người thân là nhằm đẩy nỗi đau của TB lên đến đỉnh điểm thì cuộc đối thoại giữa
HTB với ĐT lại là nơi gửi gắm những quan niệm, triết lí về sự sống, cái chết, về hạnh
phúc của LQV. Cuộc đối thoại nằm ở đoạn cuối của cảnh VII, bộc lộ rõ quan điểm sống
của TB và ĐT. Quan điểm sống là cách nhìn về cuộc sống. Quan điểm đúng thể hiện lập
trường, đạo đức, vốn sống, văn hóa và sự tiến bộ, tích cực trong cuộc sống. Quan điểm
sai lệch biểu hiện lối sống tiêu cực, hành động sai trái, tạo cơ hội cho kẻ xấu làm điều ác,
hãm hại người tốt…
LỜI THOẠI 1 - 12

Quan niệm được sống là chính mình thể hiện qua màn đối thoại giữa TB và
ĐT. Mở đầu là lời độc thoại: “Mày đã thắng thế rồi đấy, cái thân xác không phải của ta
ạ”.” Những câu hỏi liên tiếp: “Lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh
mất mình? Chẳng có cách nào khác? Nhưng có thật là không có cách nào khác?” Những
câu hỏi cuộn xoáy dữ dội, giằng xé trong lòng TB, thôi thúc ông đi đến quyết định từ bỏ
thân xác để giải thoát cho chính mình và người thân. HTB thắp hương gọi ĐT để xin
được giã từ sự sống.
Trương Ba bày tỏ nguyện vọng với ĐT: “Tôi không thể tiếp tục mang thân anh
hàng thịt được nữa, không thể được!”. Lời thoại có hai lần phủ định “Tôi không thể,
không thể được” nhằm khẳng định quyết tâm rời bỏ xác hàng thịt của HTB. TB kiên
quyết chối từ lối sống vay mượn “Bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”. Đó là lối
sống giả dối, gây đau khổ cho người thân, gây phiền toái cho chính mình. Điều đó chứng
tỏ Trương Ba đã dũng cảm đối diện với hoàn cảnh nghiệt ngã, dám từ bỏ cuộc sống
không phải là mình. Ông đã thoát ra khỏi sức cám dỗ của những lí lẽ đã từng giúp ông
yên lòng bám víu vào cuộc sống không phải của mình, những lí lẽ mà khi xác hàng thịt
nói ra, ông đã xấu hổi vì nhận thấy sự “ti tiện”. Từ đó, TB lên tiếng đòi nhu cầu chính
đáng của bản thân : “Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”.“Là tôi toàn vẹn”, là sống trọn vẹn
cả linh hồn và thể xác, được sống là chính mình, sống trung thực không giả dối, dám chịu
trách nhiệm về những gì mình làm, mình nghĩ. Đó mới thực sự là cuộc sống có ý nghĩa
với bản thân và đem lại hạnh phúc cho mọi người.
TB mạnh mẽ phê phán Đế Thích nghĩ đơn giản, sống quan liêu hời hợt: “Sống
nhờ vào đồ đạc, của cải của người khác đã là điều không nên, đằng này đến cái thân tôi
cũng phải sống nhờ vào anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng
sống như thế nào thì ông chẳng cần biết”. Đối với Trương Ba, sống không được là mình
mà phải nhờ vả, mượn thân xác người khác chẳng qua là sự tồn tại vô hồn, không ý
nghĩa. Dám từ bỏ những thứ không phải của mình, TB xin được trả lại sự sống cho anh
hàng thịt: “Thì đây, thân thể của anh hàng thịt còn lành lặn nguyên xi đây, tôi trả lại cho
anh ta. Ông hãy làm cho hồn anh ta được sống lại trong thân xác này”. Trương Ba là
người nhân hậu, sống cao thượng, vị tha.
Nếu ở cuộc đối thoại giữa Hồn và Xác, Trương Ba phủ nhập hoàn toàn vai trò
của xác thịt: âm u, đui mù, không có tiếng nói, không có tư tưởng, cảm xúc, thì giờ đây,
Trương Ba đã nhận ra vai trò của xác, đặc biệt là sự hòa hợp giữa linh hồn và thể xác:
“Tầm thường, nhưng nó đúng là của anh ta, sẽ sống hòa thuận được với thân anh ta,
chúng sinh ra là để sống với nhau”. Con người là một thể thống nhất, hồn và xác phải
hài hòa. Không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thân xác phàm tục, tội lỗi. Khi
con người bị chi phối bởi những nhu cầu bản năng của thân xác thì đừng chỉ đổ tội cho
thân xác, không thể tự an ủi, vỗ về mình bằng vẻ đẹp siêu hình của tâm hồn. Hơn nữa,
sống thực sự cho ra con người quả không hề dễ dàng, đơn giản. Khi sống nhờ, sống gửi,
sống chắp vá, khi không được là mình thì cuộc sống ấy thật vô nghĩa. Qua cuộc đối thoại
ngắn với Đế Thích, Trương Ba thể hiện mình là người có lòng tự trọng, khao khát sống là
chính mình trọn vẹn thể xác và linh hồn. Đó là lối sống đẹp, đáng trân trọng của những
người đề cao giá trị, ý nghĩa của cuộc sống.
Người đọc dễ dàng nhận ra sự đối lập về quan niệm sống giữa Trương Ba và
Đế Thích. Trước yêu cầu của TB, ĐT khẳng định rằng: “Thế ông ngỡ tất cả mọi người
đều được là mình toàn vẹn cả ư? Ngay cả tôi đây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống
theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng
phải khuôn ép mình cho xứng với cái danh vị Ngọc Hoàng.” Trong quan niệm của ĐT,
không phải mọi người đều được sống toàn vẹn như mình mong muốn. Không ai được
sống là chính mình, trên trời dưới đất đều sống kiểu bên trong một đằng, bên ngoài một
nẻo: Tôi, ông và cả Ngọc hoàng thượng đế tối cao cũng vậy. Nếu TB cho rằng sống vay
mượn là điều trái tự nhiên thì với ĐT đó lại là điều hoàn toàn bình thường “dưới đất trên
trời đều thế cả”. LQV đã khéo léo mượn lời thoại của ĐT để nâng lối sống giả tạo lên
thành tình trạng phổ biến, trở thành tâm lí đám đông, tồn tại ở cả người và thánh thần, cả
mặt đất lẫn thiên đình. Từ đó , ĐT khuyên TB hãy học cách thỏa hiệp và chấp nhận, đừng
cố gắng đi ngược lại với đám đông. ĐT cho rằng chỉ cần thể xác được sống lại cho linh
hồn trú ngụ còn thể xác và linh hồn không thống nhất không quan trọng.
Quan điểm của Đế Thích không coi trọng sự sống thực sự mà chỉ coi trọng sự
tồn tại. Đó là quan điểm của vị tiên trên trời quan liêu hời hợt, vô cảm. Trương Ba đúng
đắn, tích cực, coi trọng sự sống thực sự, còn Đế Thích sai lầm, quan liêu chỉ coi trọng sự
tồn tại, còn sống có ý nghĩa hay không thì không cần quan tâm. Quan điểm của Trương
Ba thể hiện tư tưởng chủ đề của vở kịch và cũng là thông điệp của nhà văn đến mọi
người.
LỜI THOẠI 13 - 30
Lưu Quang Vũ đặt Trương Ba vào cao trào tình huống kịch bằng sự việc thằng
cu Tị con trai độc nhất của chị Lụa chết để nhân vật bộc lộ phẩm chất. ĐT muốn TB nhập
hồn vào xác cu Tị: “Ông sống trong thân xác thằng bé chắc sẽ ổn”. Câu nói này của Đế
Thích một lần nữa cho thấy lối suy nghĩ đơn giản, quan niệm sống chỉ là tồn tại. Thực
chất của lối suy nghĩ này là xuất phát từ chính cuộc sống của Đế Thích. Bởi tiên phật
thánh thần chẳng bao giờ chết cho nên sống là để hưởng thụ. Lối sống này ảnh hưởng
trực tiếp lên tư tưởng ấy dẫn đến những sai lầm của Đế Thích.
Trước yêu cầu của Đế Thích, Trương Ba ngập ngừng: “Ông cho tôi suy nghĩ
một lát đã”. Sự phân vân của Trương Ba cho thấy: cuộc sống đáng quý thật, được tồn tại
mãi mãi là điều còn quý giá hơn. Sự phân vân này cũng cho thấy Trương Ba rất ham
sống, vẫn muốn được sống. Trương Ba lại tiếp tục trải qua cuộc đấu tranh nội tâm dữ dội.
Ông hình dung thấy trước mắt là cuộc sống tương lai của mình trong cơ thể của một
thằng bé lên mười. Hình dung ra mọi sự vô lí nhất là khi ông nhìn thấy được sự cô đơn
của bản thân khi: “Vẫn phải sống suốt bao năm tháng dằng dặc. Mình tôi giữa đám
người hậu sinh… Tôi sẽ bơ vơ lạc lõng”. Để rồi ông đi đến quyết định dứt khoát không
sống nhờ thân xác của bất cứ ai nữa. Tuy nhiên, điều khiến chúng ta trân trọng ở Trương
Ba là tấm lòng nhân hậu, vị tha cao thượng: “Tôi không thể cướp cái thân thể non nớt
của cu Tị” và cũng chính cái chết của cu Tị cùng với khát vọng được cứu sống thằng bé
đã khiến Trương Ba trở nên mạnh mẽ. Trương Ba lên tiếng khẩn khoản cầu cứu Đế Thích
“Ông hãy cứu nó! Ông phải cứu nó!… vì con trẻ… Ông hãy giúp tôi lần cuối cùng”.
Nếu ĐT cho rằng, TB “phải sống bằng bất cứ giá nào” thì TB khẳng định
“không thể sống bằng mọi giá. Có những cái giá quá đắt, không thể nào trả được”.
Quan niệm sống của TB là quan niệm của một người đã thấm thía nỗi đau khổ vô hạn khi
phải sống nhờ sống gửi trong thân xác dung tục, tầm thường của anh hàng thịt. Nếu ĐT
cho rằng sống trước tiên là vì mình thì hồn TB khẳng định, sống không phải chỉ vì mình
mà còn là vì người khác, vì những người thân yêu: “Sống thế này còn khổ hơn là chết!
Mà không phải chỉ mình tôi khổ. Những người thân của tôi sẽ còn phải khổ vì tôi.” Đó là
lối sống vị tha, nhân ái. ĐT cho hồn TB sống lại trong xác hàng thịt không đơn thuần vì
lòng tốt mà còn là để sửa sai cho những người đồng cấp, và nhất là để có đối thủ chơi cờ:
“Nhờ ông đánh cờ với tôi, người trên trời dưới đất đều mới biết tôi cao cừ thế nào. Ông
chính là lẽ tồn tại của tôi.” Như vậy, trong quan niệm của ĐT, sự tồn tại của mỗi người
luôn phụ thuộc vào người khác. Đối lập với quan niệm ấy, HTB khẳng định: “Ông phải
tồn tại lấy chứ”, nhằm thể hiện quan niệm sống đúng đắn: Mỗi người đều phải tự khẳng
định sự tồn tại của chính mình.
Cuối cùng, TB cũng đưa ra quyết định của mình: “Tôi đã nghĩ kĩ.. Tôi không
nhập vào hình thù ai nữa! Tôi đã chết rồi, hãy để tôi chết hẳn!”. Đó là quyết định khiến
ông cảm thấy mình lại là TB thật, thấy tâm hồn mình trở lại thanh thản, trong sáng như
xưa. Đó cũng là quyết định tất yếu. Giữa một thế giới mà trên trời dưới đất đều sống giả
tạo, sống vay mượn thì những người muốn sống là mình, sống toàn vẹn, sống hòa hợp
tâm hồn và thể xác như TB chỉ còn cách là chết. Đó là quyết định dũng cảm, dám chết để
được sống là chính mình. Qua quyết định này, chúng ta càng thấy TB là con người nhân
hậu, sáng suốt, giàu lòng tự trọng. Đặc biệt, đó là con người ý thức được ý nghĩa của
cuộc sống. Một kết cục bi kịch nhưng là sự chiến thắng của những điều tốt đẹp, của bản
lĩnh của một tâm hồn TB “nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn”. TB chết nhưng những
giá trị đích thực của cuộc sống được bảo toàn. Không còn thân xác nhưng TB sẽ sống
mãi trong lòng người thân, bạn bè với những gì tốt đẹp nhất.
Sau khi HTB thoát khỏi xác hàng thịt, ông hóa thân vào đồ đạc của gia đình:
trong cái cơi đựng trầu, cầu ao vo gạo, bậc cửa nhà, trong màu xanh và sức sống của cây
lá sum suê, trong trái quả ngọt ngào thơm ngát mà cái Gái nâng niu cùng cu Tị. Kết thúc
tác phẩm bi kịch là cái chết của nhân vật chính nhưng không nhấn chìm người đọc trong
sự bi thương đau đớn mà trái lại đem đến cho chúng ta niềm tin về sự bất biến vĩnh hằng
của những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, của nhân cách con người. Đó là một kết thúc
giàu chết thơ, mở ra một khung cảnh thanh bình, ngập tràn màu xanh và ánh sáng của
khu vườn. Nơi ấy, có những đứa trẻ đang nô đùa, vừa hái trái vừa gieo hạt để ươm mầm
cây xanh lớn lên, mãi mãi. Đúng như nhà văn Lỗ Tấn đã nói: “Con người chỉ chết hẳn
khi chết ở trong lòng người sống”. Tâm hồn cao khiết của TB sẽ bất tử cùng thời gian,
trong lòng những người ở lại. Qua cách kết thúc vở kịch như vậy, LQV muốn đề cao
những giá trị tinh thần cao quý mà con người luôn phải biết đấu tranh, hoàn thiện nhân
cách để vươn tới. Đoạn kết thể hiện những giá trị nhân bản, nhân văn cao đẹp của tác
phẩm. Cái kết mà khi phông màn nhung trên sân khấu khép lại, niềm vui lan tỏa trong
tâm hồn tất cả mọi người.
Thông qua màn đối thoại, Lưu Quang Vũ bày tỏ quan niệm phải sống là chính
mình đó mới chính là hạnh phúc thật sự của con người. Ở đây hai hình tượng hồn và xác
cũng là ẩn dụ cho phần con và phần người. Hồn Trương Ba ẩn dụ cho những gì đẹp đẽ,
thanh cao; xác hàng thịt ẩn dụ cho sự dung tục, thô phàm. Tác giả Lưu Quang Vũ nhấn
mạnh không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thân xác phàm tục. Con người chỉ
thực sự hạnh phúc khi được sống là chính mình, được hoà hợp giữa thể xác và tâm hồn,
giữa bên ngoài và bên trong. Cuộc sống chắp vá, giả tạo “bên trong một đằng, bên ngoài
một nẻo” thì còn khổ hơn cái chết. Bởi vậy trong cuộc sống chúng ta phải biết đấu tranh
với sự dung tục tầm thường và chiến thắng nghịch cảnh để hoàn thiện nhân cách của bản
thân. Có như vậy chúng ta mới được là chính mình toàn vẹn.
Làm nên sự thành công cho tác phẩm nói chung và đoạn trích nói riêng còn
nằm ở phương diện nghệ thuật. Từ cốt truyện dân gian, nhà văn đã sáng tạo nên vở kịch
mang đậm chất hiện đại mà vẫn giữa được những giá trị truyền thống qua đó gửi gắm
những tư tưởng mang chiều chiều sâu triết lí. Nghệ thuật phát triển kịch tính vừa hấp dẫn
vừa làm rõ cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt trong mỗi con người để chiến thắng bản thân,
chiến thắng nghịch cảnh. Nghệ thuật dựng cảnh, dựng đối thoại, độc thoại nội tâm, khắc
họa tâm lý nhân vật phù hợp với hoàn cảnh, tính cách, góp phần làm nên thành công của
vở kịch. Ngôn ngữ đối thoại trau chuốt, có chiều sâu triết lí, đặc biệt đoạn kết vừa giàu
chất thơ vừa lãng mạn bay bổng mang đậm phong cách nghệ thuật kịch nói Lưu Quang
Vũ.
Qua đoạn trích, tác giả LQV đã gióng lên 1 hồi chuông cảnh báo sâu sắc về
những vấn đề nóng hổi đang nảy sinh trong cuộc sống hiện đại. Đó là được sống làm
người quý giá thật, nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn với những gì mình có
và theo đuổi còn quý giá hơn. Sự sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người được sống tự
nhiên hài hòa thể xác và tâm hồn. Điều quan trọng là làm sao để thể xác và linh hồn của
một người được hài hòa, cân đối, cố tình nghiêng về bất cứ bên nào cũng sẽ đem đến hậu
quả nghiêm trọng. Không những vậy, con người phải luôn đấu tranh với nghịch cảnh, với
chính bản thân mình, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những
giá trị tinh thần cao quý: “Không có chiến thắng nào vinh quang hơn chiến thắng chính
bản thân mình ”. Quá trình đấu tranh cũng như cân bằng giữa hai mặt này đòi hỏi mỗi
một người phải trung thực, vừa phải nghiêm khắc với bản thân, thậm chí còn cần đến cả
bản lĩnh và lòng dũng cảm.
Khát vọng của HTB là khát vọng vươn đến cái chân thực, cái toàn vẹn tuyệt
đối và sẵn sàng chấp nhận để bảo toàn, để vươn đến cái tuyệt đối đó. Ở góc độ này, HTB
đứng cao hơn cả ĐT bởi đã dũng cảm nói lên tiếng nói bảo vệ chân lí cao quý của con
người. Bằng cái chết của mình, HTB đã trở nên bất tử. Đây là một nghịch lý, nhưng cũng
chính là con đường phục hưng những giá trị nhân văn.

You might also like