You are on page 1of 2

PHÂN TÍCH NHÂN VẬT BÉ THU:

Viễn Phương đã từng viết:


“Công cha như núi Thái Sơn
Núi nào là núi cao hơn công người”
Tình cảm gia đình luôn là một nguồn cảm hứng bất tận trong văn chương. Rất nhiều nhà văn,
nhà thơ đã dùng ngòi bút của mình để khai thác “mảnh đất chủ đề” màu mỡ ấy. Tình cha luôn
là thứ thiêng liêng cao quý, đặc biệt trong thời chiến tranh khiến cho tình cảm ấy được trân
trọng hơn bao giờ hết. Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng đã làm rung cảm trái tim bạn
đọc với những hình ảnh về tình cha con chân thực và được thể hiện rõ nét nhất qua nhân vật bé
Thu.
Nguyễn Quang Sáng là một trong những cây bút sáng tác nhiều truyện ngắn giá trị
trong những năm kháng chiến, ông được mệnh danh là cây đại thụ của văn học Nam Bộ với
các tác phẩm đầy hơi thở bình dị và chân chất nhưng hào sảng đầy phóng khoáng của người
dân miền Nam. “Chiếc lược ngà” được viết dưới ngòi bút giản dị nhưng sâu sắc vào thời kì
kháng chiến chống Mĩ ác liệt. Tác phẩm tập trung thể hiện tình cảm cha con trong thời chiến –
một tình cảm cao quý, thâm trầm nhưng mặn mà sâu thẳm.

Truyện kể về hai cha con: Ông Sáu và bé Thu. Ông Sáu ở chiến khu về thăm nhà với hy
vọng gặp lại con gái sau 8 năm xa cách. Chiến tranh đã để lại trên mặt ông một vết sẹo lớn, rất
khác so với tấm ảnh chân dung mà con gái ông luôn nghĩ về người cha nên mấy ngày đầu, bé
Thu đã không nhận ông là cha. Đến cái ngày trước khi ra chiến trường, nghe ngoại giải thích về
vết sẹo thì bé Thu mới nhận ra. Ở khu căn cứ, người cha luôn mong nhớ và dồn tình cảm vào
một chiếc lược ngà tự tay làm. Trước khi hy sinh vì chiến tranh, ông đã kịp nhờ đồng đội
chuyển báu vật ấy cho con gái của mình. Và đó chính là mạch cảm xúc chính của truyện được
nhà văn gửi gắm qua nhân vật bé Thu.
Chính những cuộc chiến tranh phi nghĩa đã chia cắt đi tình cảm gia đình vì những người
thân phải ra chiến trường, đấu tranh giành hòa bình dân tộc. Đối với bé Thu cũng vậy, bé còn
quá nhỏ để phải xa cha mình nên khi gặp lại lần đầu sau 8 năm xa cách, Thu nhìn anh Sáu “với
cặp mắt xa lạ và cảnh giác, nhất quyết không chịu kêu tiếng ba”, thậm chí còn có thái độ hỗn
xược “bé Thu hất cái trứng cá mà ông Sáu gắp cho nó, làm cơm văng tung tóe”. Điều đó khiến
ông Sáu tức giận, vung tay đánh vào mông nó. Dù bị đánh nhưng Thu không khóc, gắp lại
trứng cá rồi bỏ sang nhà ngoại. Đó là thái độ rất ương ngạnh của một đứa bé mới tám tuổi
nhưng Nguyễn Quang Sáng đã cho ta hiểu được tâm lí của trẻ em, vốn rất thơ ngây nhưng cũng
đầy cố chấp, nhất là kho có sự hiểu lầm, chúng kiên quyết từ chối tình cảm mà không cần suy
nghĩ, đặc biệt Thu lại là một cô bé cá tính, bướng bỉnh. Có thể người đọc sẽ cảm thấy giận Thu
mà thương cho anh Sáu. NHưng thật ra em vẫn là cô bé dễ thương bởi nguyên nhân sâu xa xủa
sự từ chối này vấn là tình yêu thương cha một cách tôn thờ, trung thành tuyệt đối với người cha
trong tấm ảnh chân dung chụp cùng mẹ - người ba với gương mặt không có vết thẹo dài.
Chiến tranh đã gây ra những mất mát và đau thương. Mà một đứa trẻ như Thu còn quá bé
bỏng để có thể hiểu được những tình thế khắc nghiệt, éo le mà ngay cả người lớn cũng không
kịp chuẩn bị cho nó. Chỉ vì một vết sẹo trên mặt người cha cộng với bức ảnh mà nó biết về cha,
nó đã không nhận cha. Vết thương do chiến tranh đã trở thành vết thương lòng sâu nặng của
tình cảm cha con.
Nhưng trời cao không phụ lòng người, tình cha con đã trở lại vào thời khắc ngắn ngủi
nhất, đem lại cho người đọc nỗi xúc động nghẹn ngào. Trước cái ngày ông Sáu lên đường vào
chiến khu, bé Thu ngủ cùng bà ngoại và nghe bà giải thích về vết sẹo ghê sợ đó. Và con bé đã
hiểu rằng đó chính là minh chứng tàn khốc của chiến tranh. Nó đã lăn lộn cả đêm không ngủ,
có lẽ là hối hận vì những hành động cũ. Nó không những yêu, mà còn thương ba rất nhiều.
Trước phút giây ông Sáu lên đường, thì tình cảm thiêng liêng của bé Thu dành cho cha đã
bùng cháy. Mọi thái độ và hành động của bé Thu bỗng đột ngột thay đổi. Khi nhìn thẳng, đối
diện với người cha "đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao". Đằng sau đôi mắt mênh
mông ấy chắc đang xao động biết bao ý nghĩ, tình cảm. Lần đầu tiên bé cất tiếng gọi "Ba...ba"
và tiếng kêu như tiếng xé lòng, nó hôn tóc hôn cổ, hôn cả vết thẹo dài trên má của ba mà trước
kia nó từng cho là xấu xí, ghê tởm.Tâm lý ngờ vực đã được giải tỏa. Vì thế trong phút chia tay
với cha tình yêu và nỗi mong nhớ suốt bao năm trời bị dồn nén nay trở nên mạnh mẽ và có cả
sự hối hận. Cảnh tượng ấy diễn ra xúc động trong lòng mọi người. Và khi ông Sáu nói "Ba đi
rồi ba về với con", bé Thu đã hét lên là "không", rồi hai tay siết chặt cổ, dang cả hai chân quặp
lấy ba, đôi vai nhỏ run run.
Chắc cô bé đã khóc, khóc vì sự ân hận của mình đã không nhận ra cha, khóc vì xót thương
người cha vì chiến tranh mà phải xa gia đình. Chỉ vì bom đạn quân thù, mà ba đã mang sẹo trên
mặt. Đó là điều đau khổ. Vậy mà, bé Thu đã không hiểu, lại còn xa lánh cha khiến cha đau khổ.
Được bà ngoại giảng cho, bé đã hiểu. Nhưng có lẽ khi bé hiểu ra thì... muộn rồi. Cha bé đã phải
xa gia đình trở về chiến trường, phải chịu bao gian khổ của mưa bom bão đạn.
Trong tâm hồn cô bé, tình yêu với cha đã có sự thay đổi. Ngoài tình yêu còn có tình thương
và cao cả hơn là niềm tự hào, kiêu hãnh vô bờ vì cha là chiến sĩ, cống hiến cả cuộc đời cho
cuộc kháng chiến vĩ đại trên nền độc lập dân tộc như lời kêu gọi mà Tổ quốc ngân vang:
“ Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông” ( Chế Lan Viên)
Cuộc chia tay của bé Thu trong những giây phút cuối cùng này có ai biết được rằng đó là
cuộc chia tay lần cuối là lúc cha xa em vĩnh viễn, không thực hiện lời hứa "ba đi rồi ba về với
con". Nhưng lòng yêu cha thành kính đã tạo nên một sức mạnh thôi thúc, rèn giũa để Thu
trưởng thành sau này, khi cô trở thành một chiến sĩ giao liên gan dạ, dũng cảm.
Nguyễn Quang Sáng đã thành công trong việc xây dựng một tình huống truyện độc đáo,
bất ngờ nhưng vô cùng hợp lí, đắt giá cùng với nghệ thuật miêu tả, lời truyện được trần thuật
theo lời kể của bạn ông Sáu khiến cho câu chuyện đáng tin cậy hơn, khắc họa tâm lí nhân vật
tài tình, sâu sắc, lột tả được những tính cách, tâm trạng chân thực nhất để đưa người đọc vào
một thế giới đầy sâu lắng, chiêm nghiệm và trân trọng hơn thứ tình yêu bất diệt ấy – tình yêu
gia đình.
Ta cũng đã bắt gặp một “Bếp lửa” của Bằng Việt với tình cảm bà cháu đầy xót xa trong
cảnh đói khổ của chiến tranh bom đạn hay “ Những khúc hát ru em bé lớn trên lưng mẹ” của
Nguyễn Khoa Điềm với tình yêu con, yêu nước sâu sắc của người mẹ miền núi, hăng hái lao
động sản xuất làm ra của cải vật chất để nuôi bộ đội đánh giặc giải phóng quê hương đất nước.
Đó hoàn toàn là những hình ảnh đẹp và đắt giá nhất trong văn chương, xứng đáng lưu giữ ngàn
đời.
Mọi thứ theo thời gian có thể sẽ bị bào mòn và băng hoại. Chỉ duy nhất nghệ thuật là sống
mãi theo thời gian, sẽ trường tồn qua từng thế hệ. Thật vậy, “Chiếc lược ngà” đã vẽ nên một
bức tranh tuyệt đẹp về tình phụ tử thiêng liêng và sẽ hằn in trong sâu thẳm trái tim của bạn đọc
bởi “ Văn của Nguyễn Quang Sáng mang đậm hơi thở đồng bằng, cái hồn riêng được phù sa
màu mỡ bồi đắp và cả nét chân phương, mộc mạc đặc trưng mà chỉ ông mới có” ( Quốc Việt ).

You might also like