You are on page 1of 4

 

Hình ảnh người anh hùng vệ quốc có lẽ luôn là một hình tượng quen thuộc, lớn lao
được các tác giả xưa và nay trân trọng đưa vào các tác phẩm của mình. Thời đại nhà Trần lúc
bấy giờ là quãng thời gian khó khăn mà đất nước ta bị kẻ thù lăm le xâm lược với đầy rẫy
những chông gai thử thách, và cũng chính trong hoàn cảnh ấy lại là điều kiện cho âm vang
hào khí Đông A hào hùng cất lên, tinh thần của nhân dân ta kiên cường bất khuất. Qua bài
thơ “Thuật hoài” của Phạm Ngũ Lão đã cho ta thấy một hình tượng uy nghi, hiên ngang của
người chiến sĩ lúc bấy giờ và hơn hết là những tâm tư tình cảm của người làm tướng chỉ huy
cả đạo quân trong sự hào hùng, sục sôi của thời đại Đông A.
“Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.”
Phạm Ngũ Lão (1255-1320) là một tác giả tiêu biểu của nền văn học trung đại Việt
Nam. Các tác phẩm của ông khắc họa, phản ánh những vận động đổi thay của lịch sử đất
nước. Đồng thời cũng khắc họa hình tượng người anh hùng, người chiến sĩ đánh giặc ngoại
xâm để giành lại độc lập nước nhà. Từ đó truyền tải những tư tưởng lớn ảnh hưởng đến thời
đại. Tác phẩm “Thuật hoài” được ông sáng tác cuối năm 1284, khi cuộc kháng chiến chống
quân Mông Nguyên lần hai đã đến rất gần. Khi đó tác giả cùng với các binh sĩ của mình đang
trấn giữ ở các cửa ải quan trọng. Chính nhan đề bài thơ cũng đã một phần khái quát được nội
dung của tác phẩm. “Thuật” là kể, “hoài” là nỗi lòng, qua đó bài thơ là sự bày tỏ khát vọng,
hoài bão trong lòng của chính chủ thể trữ tình, một vị tướng chỉ huy quân đội làm nhiệm vụ
trấn giữ non sông Tổ quốc.
Mở đầu bài thơ là vẻ đẹp của người anh hùng vệ quốc đang làm nhiệm vụ trấn giữ
biên ải đầy hiên ngang lẫm liệt với những lí tưởng và nhân cách lớn lao được thể hiện qua
câu thơ :
“Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu”
Qua câu thơ đầu tiên với nhịp thơ 2/2/3 cổ điển khái quát lên vẻ đẹp của người anh
hùng vệ quốc khi sánh ngang với cả đất trời. “Hoành sóc” là tư thế cầm ngang ngọn giáo, để
bảo vệ tổ quốc, một thế đứng hiên ngang, lẫm liệt của người chiến sĩ. Đó là dáng đứng chủ
động phòng thủ để bảo vệ bờ cõi, giữ vững sự bình an cho nhân dân. Qua đó cũng thể hiện
nước ta là một nước tuy nhỏ nhưng có ý thức bảo vệ tổ quốc rất cao, không phải là một nước
hiếu chiến, chúng ta không muốn xâm lược các nước khác mà đơn giản là chỉ muốn giữ gìn
bờ cõi nước nhà. Đồng thời cũng phần nào tô điểm lên lòng nhân đạo của nhân dân Việt Nam
ta từ bao đời nay. Với hình ảnh gợi cảm, mang vẻ đẹp hoành tráng đã khiến hình ảnh người
chiến sĩ anh hùng trở nên đầy uy nghiêm nhưng cũng không kém phần oai phong. Đến đây ta
chợt nhớ đến ba câu thơ cuối bài “Đồng chí”:
“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc
Đầu súng trăng treo”
Dù hai bài thơ ra đời cách xa nhau nhưng có vẫn sự liên hệ nhất định giữa các tác giả
khi miêu tả về tư thế người anh hùng trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Dù là người chiến sĩ
quân đội nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên hay người anh hùng vệ
quốc trong chiến dịch Việt Bắc thu đông (1948) vẫn nổi bật lên sự chủ động, một dáng đứng
hiên ngang vững vàng của người chiến sĩ trấn giữ biên cương tổ quốc.
Và giờ đây người anh hùng ấy lại được đặt trong một không gian to lớn của “giang
sơn”. “Giang sơn” là đất, là trời, là tất cả những gì xung quanh chúng ta. Giang sơn là những
thứ to lớn, bao la, hùng vĩ về không gian rộng lớn, là non sông đất nước mà ta đang sinh
sống. Người anh hùng đứng kiên cường giữa đất trời để bảo vệ chính quê hương tổ quốc ấy.
Đặt con người giữa không gian to lớn sánh ngang tầm vũ trụ tưởng chừng sẽ làm con người
nhỏ bé đi, mờ nhạt đi nhưng không điều đó lại càng làm nổi bật hình tượng người chiến sĩ
anh hùng. Chính đất trời còn lui về sau mà ngắm nhìn người chiến sĩ trấn giữ không kể ngày
đêm để bảo vệ người dân, bảo vệ quê cha đất tổ. Và họ không chỉ đứng đó vài giờ, vài ngày
mà đã là “kháp kỉ thu”. Khoảng thời gian hai năm canh giữ biên cương tổ quốc không phải là
quá dài với một công cuộc bảo vệ đất nước, nhưng hai năm xa nhà xa gia đình, bỏ lại mẹ già
con thơ ở quê mà lên đường đi đánh giặc là biết bao nỗi nhớ thương vô bờ bến. Thế nhưng
những người anh hùng ấy, với cái chí làm trai của thời đại Đông A vẫn sẵn sàng hi sinh
những thứ cá nhân của bản thân vì một lợi ích chung của dân tộc. Đổi với các chiến sĩ quân
đội nhà Trần đó chỉ đơn giản là chỉ như mấy mùa thu mà thôi. Họ có thể đứng đấy lâu hơn
nữa, cống hiến nhiều hơn nữa cuộc đời mình, chỉ mong sao đất nước bình yên. Bên cạnh đó,
mùa thu là một mùa thay lá với bao sự đổi thay. Thu qua đông tới, mùa đông gợi nên bao sự
khó khăn nhọc nhằn cho các anh chiến sĩ. Thế nhưng tác giả lại không muốn dùng mùa đông
gợi lên để kể về những nỗi khổ ấy, bởi hơn ai hết họ biết đấy là trách nhiệm của bản thân họ
để trấn giữ biên cương tổ quốc, giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ. Qua câu thơ mở đầu với chiều dài
về không gian và cả thời gian, ta nhận thấy rất rõ con người mang tầm vóc, tư thế, hành động
lớn lao  kì vĩ thể hiện qua hình tượng người chiến sĩ quân đôi nhà Trần-một con người vĩ đại.
Ngoài vẻ đẹp người anh hùng trong công cuộc bảo vệ đất nước trước sự lăm le xâm
lược của quân Mông Nguyên, vẻ đẹp của thời đại qua hình tượng ba quân với sức mạnh và
khí thế hào hùng của đội quân nhà Trần cũng đã được Phạm Ngũ Lão miêu tả rất riêng, rất
đặc sắc nhưng lại vô cùng gần gũi qua câu thơ thứ hai:
“Tam quân tì hổ khí thôn ngưu”
Với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt gồm 28 chữ nhưng bài thơ đã nói lên được cả một hào
khí của thời đại Đông A, điển hình là qua sức mạnh của quân đội thời Trần. “Tam quân” hay
“Ba quân” bao gồm tiền quân (đánh ở phía trước), trung quân (hỗ trợ cả hai hướng quân) và
cuối cùng là hậu quân (đánh ở phía sau). Qua hình ảnh ba quân ta nhận thấy được sự tổ chức
quy cũ của quân đội nhà Trần, một sự đầy đủ đầy đặn về quy mô. Chính điều đó cũng cho
thấy nhà Trần đã rất chú trọng vào việc xây dựng lực lượng quân đội nhằm giữ thái bình cho
đất nước. Ba quân là hình ảnh nói về quân đội nhà Trần những đồng thời cũng tượng trưng
cho sức mạnh dân tộc , tác giả đã vô cùng tinh tế khi lấy cái chi tiết nói cái tổng thể làm cho
bài thơ giàu sức liên tưởng. “Tam quân tì hổ” nghĩa ba quân mạnh như hổ. Nghệ thuật so
sánh vừa cụ thể hóa sức mạnh vật chất của ba quân và hướng tới sự khái quát hóa tinh thần
của đội quân mang hào khí Đông A.Việc lựa chọn hình ảnh “hổ” đưa vào bài thơ tưởng
chừng như đơn giản lại ẩn chứa bao ý nghĩa sâu xa. Bởi lẽ hổ là chúa tể của muôn loài, của
rừng xanh thể hiện một sự oai dung, chủ động trong việc tác chiến với kẻ thù khiến bao con
vật khác phải khiếp sợ. Điều đó càng tô đậm thêm sức mạnh của quân đội ta lúc bấy giờ. Hơn
thế nữa, hổ là con vật vô cùng thiêng liêng gắn bó với văn hóa phương Đông nói chung và
văn hóa Việt Nam nói riêng. Hình ảnh con hổ thường xuất hiện trong các đền đài, lăng tẩm
trước cổng thường có hai con hổ ngự trị nhằm bộc lộ sức mạnh uy nghiệm. Đồng thời nó
cũng xuất hiện trong các tác phẩm tranh Đông Hồ hay những tranh cổ, những tác phẩm văn
học gắn liền với nhân dân ta từ bao đời nay. Tại sao tác giả lại dùng “hổ” mà không dùng
những con vật khác như “long”. Bởi lẽ hổ là đại diện cho tầng lớp quan lại, binh lính. Cuối
cùng, hổ là một con vật gần gũi, gắn liền với đời sống của người dân, giúp người dân dễ dàng
có sự liên tưởng. Nó nằm trong kí ức, nằm trong những quan niệm đời sống dân gian ta bao
đời nay. Chỉ với việc đưa hình ảnh “hổ” vào tác phẩm của mình, Phạm Ngũ Lão đã cho thấy
sự tài tình trong cách làm thơ. Quân đội ấy không chỉ mạnh như hổ mà còn mang trong mình
“khí thôn ngưu”. Ở câu thơ này có hai cách hiểu. Cách hiểu thứ nhất là sức mạnh của quân
đội có khí thế nuốt trôi cả sao Ngưu trên trời. Liên hệ với câu thơ đầu tiên, con người sánh
ngang tầm vóc giang sơn thì giờ đây lại được đặt trong bối cảnh là vũ trụ. Qua đó đã cho thấy
rõ được khao khát của con người chiếm lĩnh vũ trụ, đặt trong tâm thế to rộng của vũ trụ,
không chỉ là đất trời mà còn chạm đến các vì sao tinh tú mà ở đây là sao Ngưu- một trong nhị
thập bát tú. Chính việc so sánh khí thế nuốt trôi cả sao ngưu đã cho thấy sức sáng của quân
đội nhà Trần sáng hơn cả những tinh tú trên trời cao. Với cách hiểu thứ hai là nuốt trôi cả con
trâu. Khi nhắc đến trâu, ta đều biết đây là con vật gắn liền với đời sống nhân dân Việt Nam
ta. Trâu to lớn, chăm chỉ cần cù nhưng cũng không kém phần lì,dai nên rất phù hợp với công
việc nặng nhọc. Không những thế trâu còn là một con vật quen thuộc giúp tạo sự liên tưởng
dễ dàng cho người đọc. Và để nuốt trôi được cả con trâu ấy không phải chỉ cần mỗi sức mạnh
mà cần phải rất kiên trì, bền bỉ. Chính vì thế thật không ngoa khi nói quân đội nhà Trần mạnh
mẽ, uy dũng, anh hùng và vô cùng kiên trì nhẫn nại. Thế nhưng căn cứ vào những đặc điểm
của văn học trung đại lúc bấy giờ thì cách hiểu thứ hai phù hợp hơn. Bởi lẽ nó phụ thuộc vào
tính trang nhã của văn học trung đại. Trong những tác phẩm trung đại tác giả luôn muốn đưa
đến những gì đẹp đẽ nhất, tao nhã, trau chuốt nhất. Từ đó tạo nên dư âm, dư vang trong lòng
người đọc và thể hiện khát khao, khát vọng làm chủ thiên nhiên vũ trụ của con người. Tất cả
đã cho chúng ta thấy vẻ đẹp con người và vẻ đẹp thời đại hòa quyện vào nhau. Con người
vừa là sản phẩm vừa sự thể hiện sức mạnh của thời đại, của dân tộc. Tới đây ta chợt nhớ đến
các câu thơ của tác giả [..]
Nghĩa binh tráng khí thôn Ngưu Đẩu
Thệ diệt xâm lăng sài lang quân.
(Đăng Sơn-Hồ Chí Minh)
Lảu hay ba kế, gồm lọn năm tài
Miệng thèm lèm giương dạ nuốt trâu .
Thập giới cô hồn quốc ngữ văn   (Lê Thánh Tông)
Hổ báo chi tử, nhi vị thành văn, hữu thực ngưu chi khí. (Thi Tử)
Nếu như hai câu thơ đầu tiên, tác giả bày tỏ niềm tự hào về quân đội của mình, trong
đó có cả bản thân là người làm tướng thì đến với hai câu thơ tiếp theo Phạm Ngũ Lão đã nói
lên khát vọng phụng sự nhà Trần cho đến hết đời, lập được công danh sánh ngang với Gia
Cát Lượng.
“Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.”
Con người với lý tưởng và nhân cách lớn lao thể hiện qua cái chí, cái tâm của người
anh hùng, chí lớn lập công danh trong sự nghiệp cứu nước cứu dân. Chí của trang nam nhi
thời Trần là chí làm trai mang tinh thần thời đại Đông A và tư tưởng tích cực của Nho giáo,
đó là công danh của bậc nam tử, lập công (để lại sự nghiệp), lập danh (để lại tiếng thơm).
Qua đó đã cho thấy quan niệm lập công lập danh đã trở thành quan niệm tư tưởng của trang
nam nhi thời phong kiến. Đặt trong bối cảnh xã hội lịch sử lúc bấy giờ thì chí làm trai là một
nội dung vô cùng tích cực, có tác động to lớn, nó đã cổ vũ con người từ bỏ lối sống ích kỉ,
tầm thường. Chính vì thế con người đã sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì sự nghiệp cứu nước,
cứu dân để công danh ngàn đời được lưu truyền. Cái tâm của người anh hùng được thể hiện
qua nỗi thẹn. Phạm Ngũ Lão lúc bấy giờ cũng đã lập được bao chiến công cho quân đội nhà
Trần, thế nhưng ông vẫn cảm thấy như thế là chưa đủ, ông thẹn mình không có tài mưu lược
như Gia Cát Lượng đã khôi phục cơ đồ nhà Hán. Ở đây tác giả đã sử dụng điển tích điển cố
Vũ hầu. Vũ Hầu là cánh tay phải đắc lực của Lưu Bị, tận tụy cống hiến hết mình, góp một
phần công lao to lớn vào những chiến thắng của Lưu Bị. Ông nổi tiếng với câu nói:
“Cúi mình tận tụy đến chết mới thôi”
Gia Cát Lượng khổng minh là tiền nhân, là người đi trước cách Phạm Ngũ Lão một
khoảng thời gian khá dài, không phải là những người cùng thế hệ, cùng một thời đại. Ông là
một người trong lịch sử, một vị hiền triết, một danh nhân có tiếng. Gia Cát Lượng là một
trong những người nổi tiếng là tận tụy, trung thành cống hiến cả cuộc đời cho chủ tướng Lưu
Bị. Chính điều này đã dựng lên trong đó đặc điểm giống nhau với Phạm Ngũ Lão: Ông đi
theo Trần Quốc Tuấn. Và hơn hết Phạm Ngũ Lão có sự tách biệt, không có sự nhọc nhằn
giữa ý thức về người tài trong xã hội, người mang lại giá trị tốt đẹp trong đời sống khiến ta
phải học hỏi và những vấn đề mang tính chính trị hay những cuộc chiến mang tính dân tộc.
Gia Cát Lượng khiến PNL cảm thấy rất đáng học hỏi, ngưỡng mộ và trân trọng bởi lẽ Gia Cát
Lượng đã dành cả cuộc đời mình cho Lưu Bị trong khi Phạm Ngũ Lão thì chưa làm được
điều đó. Ông mới chỉ theo Trần Quốc Tuấn một thời gian ngắn. Chính điều đó đã thể hiện
mong ước của tác giả là dành cả cuộc đời để tận tâm cống hiến cho Trần Quốc Tuấn. Qua đó
đã cho thấy nhân cách và lí tưởng lớn lao của Phạm Ngũ Lão: một vị tướng giỏi thời Trần.
Ông mang cái tâm với nỗi “thẹn” mang giá trị nhân cách cao. Nỗi thẹn của người anh hùng
thời Trần là chưa lập được công danh trong sự nghiệp cứu nước, cứu dân. Nỗi thẹn ấy mang
một giá trị nhân cách to lớn, nó không những không làm con người thấp bé đi mà ngược lại
còn tôn lên được vẻ đẹp con người khi tự biết nhìn nhận vai trò trách nhiệm của bản thân, của
một trang nam nhi đối với giang sơn, đất nước. Tất cả, tất cả đã cho thấy vẻ đẹp của con
người thời đại Đông A bấy giờ với những lí tưởng và nhân cách lớn lao đặc biệt là Phạm Ngũ
Lão. Với âm hưởng trầm lắng suy tư, hai câu thơ cuối đã làm bật nên nỗi khát vọng khát khao
được cống hiến hết cuộc đời mình cho quân đội nhà Trần của chính nhà thơ hay còn là nỗi
thẹn khi chưa có tài mưu lược sánh ngang với Gia Cát Lượng Khổng Minh.
Bài thơ với thủ pháp nghệ thuật thiên về gợi, khái quát đạt tới độ súc tích cao. Chỉ với
thể thơ thất ngôn tứ tuyệt (28 chữ) nhưng đã nói lên được cả hào khí hào hùng thời đại Đông
A với sức mạnh quân đội thời Trần và hơn hết là hùng tâm, tràng khí của danh tướng Phạm
Ngũ Lão. Phạm Ngũ Lão đã thể hiện cái tài của mình khi sử dụng bút pháp nghệ thuật có tính
sử thi với hình ảnh gợi cảm, mang vẻ đẹp hoành tráng. Với những từ ngữ cô đọng mà hình
ảnh lại có sức gợi tả mạnh mẽ, truyền cảm: cây giáo đo bằng chiều ngang của non sông và
con người vĩ đại dường như át cả không gian bao la của đất trời. Chính không gian thời gian
ấy làm nổi bật lên hình tượng một con người vĩ đại. Việc so sánh tam quân tì hổ khí thôn
ngưu đã gây ấn tượng mạnh cho người đọc, kết hợp giữa hình ảnh khách qua với cảm nhận
chủ quan và sự lãng mạn đã khái quát hóa sức mạnh tinh thần của đội quân mang hào khí
Đông A. Cùng với đó, điển tích điển cố Vũ hầu cũng đã góp phần tô điểm thêm về cái chí của
trang nam nhi trong thời đại lúc bấy giờ, hơn cả là nỗi khát khao được cống hiến, phụng sự
hết cuộc đời mình cho đất nước, cho nhân dân của vị tướng tài ba Phạm Ngũ Lão.
Qua những điều trên ta đã thấy được vẻ đẹp, dáng đứng hiên ngang giữa giang sơn vũ
trụ của người chiến sĩ quân đội nhà Trần đang làm nhiệm vụ giữ gìn bờ cõi. Hình ảnh, tầm
vóc con người giờ đây mang tầm vóc sánh ngang với núi rừng hùng vĩ. Với những hình ảnh
so sánh đầy trau chuốt, đẹp đẽ tác giả đã thể hiện niềm tự hào về sức mạnh của đội quân của
mình. Và với chí làm trai của trang nam nhi thời phong kiến, nỗi khát khao được cống hiến
của tác giả Phạm Ngũ Lão cũng như những giá trị nhân cách vô cùng cao đẹp đã được bộc lộ
đầy cảm xúc. “Thuật hoài” là bài thơ trữ tình bày tỏ được hùng tâm tráng trí và hoài bão lớn
lao của tuổi trẻ đương thời. Bài thơ có tác dụng giáo dục rất sâu sắc về nhân sinh quan và lối
sống tích cực đối với thanh niên mọi thời đại.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

You might also like