You are on page 1of 12

HÌNH ẢNH CON NGƯỜI TRONG VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VN

+ Anh hùng dân tộc với áng thi ca


Văn học trung đại Việt Nam (Văn học từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX) cũng không
nằm ngoài đặc điểm chung ấy, cũng tha thiết một tiếng nói cảm thông, trân trọng,
yêu thương dành cho con người.
 Con người sử thi
Con người sử thi là hình ảnh những con người đại diện cho sức mạnh, bản lĩnh,
phẩm chất của cả cộng đồng, dân tộc trong những thời điểm đặc biệt của lịch sử
như thời chiến tranh vệ quốc hay giai đoạn trùng hưng đất nước. Đây là mẫu
người lý tưởng mang tầm vóc thời đại, là những người “khổng lồ” mà qua đó ta
nhìn thấy vẻ đẹp của cả một thời đại oanh liệt, hào hùng.
Trong bài thơ “Thuật hoài” (Tỏ lòng) - thi phẩm xuất sắc của Phạm Ngũ Lão, tác giả
đã thể hiện sâu sắc hình ảnh con người thời đại Đông A qua hình tượng người
tráng sĩ thời Trần với vẻ đẹp hùng tráng, hào sảng. Người tráng sĩ ấy hiện lên qua
tư thế “Cầm ngang ngọn giáo bảo vệ non sông đã mấy thu”, một thế đứng hiên
ngang, lẫm liệt với nhiệt tình cứu nước sục sôi, chưa lúc nào quên cảnh giác với kẻ
thù. Tầm vóc người anh hùng càng trở nên kì vĩ, lớn lao khi được đặt trong một
không gian rộng lớn “giang san”, một thời gian dài lâu “kháp kỉ thu”.
Lúc ấy ngọn giáo trên tay người tráng sĩ như được đo bằng kích thước của vũ trụ,
đất trời. Không chỉ thế, người trai thời Trần còn hiện lên với vẻ đẹp của lí tưởng
lớn lao, khát vọng cháy bỏng và nhân cách cao đẹp “Nam nhi vị liễu công danh
trái/ Tu thính nhân gian thuyết vũ hầu”. Một con người cầm ngang ngọn giáo trấn
giữ non sông đã mấy thu chưa lúc nào ngơi nghỉ mà vẫn tự nhận rằng chưa trả
xong nợ công danh, vẫn cảm thấy thẹn khi nghe chuyện Vũ Hầu, chứng tỏ con
người ấy vẫn chưa tự bằng lòng với chính mình, vẫn thấy mình cống hiến chưa đủ,
vẫn khao khát lập nhiều chiến công hơn nữa. Nỗi thẹn ấy vì thế là nỗi thẹn cao cả,
nỗi thẹn làm nên nhân cách khiến hình tượng người tráng sĩ trở nên đẹp rạng rỡ,
hào hùng.
Cuối thời Trần, khi non sông rơi vào tay giặc, hình ảnh con người sử thi lại được
thể hiện sâu sắc qua vẻ đẹp bi tráng của người tráng sĩ trong bài thơ “Cảm hoài”
(Nỗi lòng) của Đặng Dung. Đó là một con người tuy lâm vào hoàn cảnh bế tắc
nhưng nhiệt tình cứu nước vẫn sục sôi, hào khí vẫn lẫm liệt, oai hùng. Hai câu thơ
“Thế sự du du nại lão hà/ Vô cùng thiên địa nhập hàm ca” (Sự đời dằng dặc mà ta
già rồi, biết làm sao đây/ Trời đất mênh mông thu vào trong cuộc rượu hát nghêu
ngao) nêu lên một hoàn cảnh đầy bi kịch: Việc đời còn rối bời, sự nghiệp chưa
thành mà ta đã già rồi. Thời gian, tuổi tác không cho phép tiếp tục thực hiện hoài
bão, con người chỉ giải tỏa nỗi buồn thương bằng cách đắm mình trong cuộc rượu
hát ca.
Người tráng sĩ mang hoài bão lớn lao muốn giúp chúa xoay chuyển tình thế, khôi
phục đất nước nhưng lại cảm thấy bất lực, không thể làm gì trước thời cuộc. Vậy
mà khí phách, khát vọng người anh hùng vẫn tỏa sáng ngay trong cảnh ngộ thất
cơ, lỡ vận “Quốc thù vị báo đầu tiên bạch/ Kỉ độ long tuyền đái nguyệt ma” (Thù
nước trả chưa xong mà đầu đã bạc/ Bao đêm rồi ngồi mài gươm dưới bóng trăng).
Trong hai câu thơ, người anh hùng hiện lên tuyệt đẹp; lồng lộng, hiên ngang ngay
cả khi rơi vào bi kịch. Nhiệt tình cứu nước không lúc nào suy giảm dù tóc trên đầu
đã bạc vì sương gió chiến chinh.
 Con người ưu ái
Con người ưu ái là những con người nặng lòng với non sông đất nước, lúc nào
cũng thường trực một tình yêu, một nỗi âu lo dành cho cuộc sống của nhân dân.
Họ mang trong mình lý tưởng “trí quân trạch dân”, khát khao xây dựng một xã hội
thịnh trị, giúp cho cuộc cuộc sống nhân dân yên ổn, thanh bình. Và khi xã hội rơi
vào loạn lạc, cuộc sống nhân dân lầm than, lòng họ nặng trĩu bao nhiêu xót xa, cay
đắng.
Trong văn học trung đại Việt Nam, hình ảnh con người ưu ái ấy xuất hiện trong
thơ Trần Nguyên Đán “Tam vạn quyển thư vô dụng xứ/ Bạch đầu không phụ ái dân
tâm” (Đọc ba vạn cuốn sách mà thành vô dụng/ Bạc đầu luống phụ lòng thương
dân) (Nhâm dần lục nguyệt tác), trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm “Ưu thời thốn niệm
bằng thùy tả/ Duy hữu hàn san bán dạ chung” (Nỗi lòng lo đời biết nói cùng ai/
Chỉ có tiếng chuông chùa trên núi vắng lúc nửa đêm san sẻ) (Tân Quán ngụ hứng).
Nhưng sâu sắc nhất có lẽ là trong thơ Nôm Nguyễn Trãi. Trong thơ Nguyễn Trãi, ta
thường xuyên bắt gặp hình ảnh một con người ưu ái, suốt đời âu lo cho vận mệnh
của đất nước, cho hạnh phúc nhân dân.
Nguyễn Trãi từng viết câu thơ nổi tiếng “bình sinh độc bão tiên ưu chí” (Hải khẩu
dạ bạc hửu cảm). Ông nguyện trở thành người “lo thì lo trước thiên hạ, vui thì vui
sau thiên hạ”. Ông đau lòng, xót xa khi nhìn cảnh nhân dân lầm than, khốn khổ
dưới sự bạo tàn của giặc “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ Vùi con đỏ
xuống dưới hầm tai vạ” (Bình Ngô Đại Cáo), ông vui mừng, hồ hởi khi đất nước
được thanh bình, cuộc sống nhân dân yên ổn, hạnh phúc “Xã tắc từ đây vững
bền/ Giang sơn từ đây đổi mới” (Bình Ngô Đại Cáo).
Là một người thông tuệ lại sống gần dân, Nguyễn Trãi hiểu hơn ai hết vai trò, sức
mạnh của nhân dân “Phúc chu thủy tín dân do thủy” (Lật thuyền mới biết dân như
nước). Vì thế mà ông trân trọng và thương yêu nhân dân hết mực. Sở nguyện của
đời ông là làm sao cho cuộc sống nhân dân được hạnh phúc, yên bình “Dẽ có Ngu
cầm đàn một tiếng/ Dân giàu đủ khắp đòi phương” (Bảo kính cảnh giới 43), “Vua
Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn/ Chừng ấy ta đà phỉ sở nguyền” (Tự thán 4).
Ông kêu gọi giới cầm quyền phải biết thương dân, chăm lo cho vận mệnh nhân
dân “lấy điều lo của sinh dân làm điều lo thiết kỉ”, “ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”. Ông
gọi tấm lòng ấy là “lòng ưu ái”, “lòng trung hiếu”: “Bui một tấc lòng trung lẫn
hiếu/ Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen” (Thuật hứng 24), “Bui một tấc lòng
ưu ái cũ/ Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông” (Thuật hứng 5). Nguyễn Trãi tự
nguyện làm cây Tùng trải bao sương gió nhọc nhằn, đem “hổ phách, phục linh”
của đời mình mà “dành để trợ dân này”.
Tuy nhiên, bên cạnh đó hình ảnh con người trong văn học trung đại cũng nổi cộm
sự cô đơn, lạc lõng giữa xã hội phong kiến ở vào giai đoạn suy tàn.
 Con người tự phản tỉnh
Phản tỉnh là tự thức tỉnh để nhìn lại, nhận thức lại, phán xét lại chính mình từ đó
nhận ra sai lầm mà ăn năn, sám hối để hướng đến những giá trị cao đẹp hơn. Tinh
thần phản tỉnh là một một biểu hiện nhân văn góp phần hình thành vẻ đẹp nhân
cách của con người.
Trong “Dạ Vũ” của Trần Minh Tông, tinh thần tự phản tỉnh thể hiện trong hình ảnh
một con người xót xa, dằn vặt, ăn năn vì những lỗi lầm của 30 năm trước. Câu thơ
đầu tiên “Thu khí hòa đăng thất thự minh” (Hơi thu hòa vào ngọn đèn làm mờ đi
ánh sáng ban mai) gợi khung cảnh của một buổi bình minh khi những tia nắng đầu
tiên của một ngày mới chiếu vào phòng. Thế nhưng con người dường như không
trông thấy rõ ánh ban mai vì khí thu hòa vào ánh sáng của ngọn đèn làm mờ đi. Tại
sao đến lúc canh tàn ngọn đèn vẫn chưa tắt? Câu thơ thứ hai giúp ta lí giải điều
này “Bích tiêu song ngoại đệ tàn canh” (Giọt mưa trên tàu chuối xanh ngoài cửa sổ
tiễn canh tàn). Người nằm đó, lắng nghe từng giọt mưa qua tàu chuối tí tách rơi
trong đêm tận đến lúc tàn canh. Thì ra, ngọn đèn chưa tắt là vì con người trằn trọc
suốt đêm thâu không thể nào chợp mắt.
Con người không ngủ được phải chăng có gì đó liên quan đến những hạt mưa
đêm theo cái lẽ “Cảnh buồn người thiết tha lòng” (Chinh phụ ngâm)? Thực ra,
những giọt mưa hiu hắt kia sẽ chẳng thể nào chi phối được giấc ngủ của con
người nếu con người ấy đạt được trạng thái “đối cảnh vô tâm”, tức là luyện được
một cái tâm an nhiên, bình thản trước mọi biến dịch từ ngoại cảnh. Vậy thì hẳn
người đang thao thức kia phải đang mang nặng một nỗi niềm u uất. Nhà thơ giãi
bày nỗi niềm ấy trong hai câu thơ cuối: “Tự tri tam thập niên tiền thác/ Khẳng bả
nhàn sầu đối vũ thanh” (Tự biết sai lầm của mình ba mươi năm trước/ Đành ôm
nỗi sầu ngồi nghe mưa rơi). Giây phút lắng nghe tiếng mưa đêm cũng là giây phút
nhân vật trữ tình đối diện với lương tâm, tự vấn, tự xét chính mình để những lỗi
lầm từ 30 năm trước cứ thế hiện về vò xé tâm can.
Người cung nữ trong “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều ban đầu đặt
rất nhiều niềm tin, hy vọng vào “đấng quân vương”, mơ ước được sống một cuộc
sống nhung lụa vàng son theo kiểu “Một ngày tựa mạn thuyền rồng/ Còn hơn
mãn kiếp ngồi trong thuyền chài”. Nàng mong muốn được sống giàu sang vinh
hiển, khát vọng đạt được hạnh phúc tột đỉnh. Đối với nàng, cuộc sống đúng nghĩa
phải là cuộc sống nơi lầu vàng gác tía, nàng coi thường cuộc sống thường dân:
“Lan mấy đóa lạc loài sơn dã/ Uổng mùi hương vương giả lắm thay”. Thế nhưng
khi bị thất sủng, phải đối mặt với một thực tại chua xót, bẽ bàng, đối mặt với bao
nhiêu đau khổ, bao nhiêu uất ức, một khối cô đơn gặm nhấm tâm hồn nàng:
“Buồn mọi nỗi lòng đà khắc khoải/ Ngán trăm chiều bước lại ngẩn ngơ”. Sống
trong tâm trạng ấy, người cung nữ dần dần đánh mất niềm tin vào những thứ
trước đây nàng tin tưởng. Giấc mộng lầu son giờ đổ vỡ, mọi ảo tưởng, ngộ nhận
tiêu tan. Nàng rơi vào bi kịch vỡ mộng. Nàng bắt đầu phản tỉnh để nhận thức
được rằng hóa ra những thứ mà trước đây nàng cho là tốt đẹp, cao quý lại là
những thứ đen tối, xấu xa. Vinh hoa phú quý chỉ như một thứ “mồi”, thứ “bả” lừa
gạt con người: “Mồi phú quý dử làng xa mã/ bả vinh hoa lừa gã công khanh/ Giấc
Nam Kha khéo bất bình/ Bừng con mắt dậy thấy mình tay không”.
Mất niềm tin vào những giá trị cũ, người cung nữ tìm đến với những giá trị mới.
Nàng hiểu ra rằng hạnh phúc không phải được tạo nên từ lầu vàng điện ngọc, từ
phù phiếm, xa hoa. Hạnh phúc chỉ đến từ tình yêu chân thành, chung thủy. Cuộc
sống êm đẹp nhất là cuộc sống vui vẻ sum vầy, có chồng có vợ. “Kìa điểu thú là
loài vạn vật/ Dẫu vô tri cũng biết đèo bòng/ Có âm dương có vợ chồng/ Dẫu từ
thiên địa cũng vòng phu thê”. Trực tiếp trải nghiệm trong một thực tế phũ phàng,
trực tiếp nếm trải bao đắng cay, chua chát, nàng mới cảm thấy thèm cái giản dị
nhưng rất đỗi ngọt ngào của “cảnh sống nhà quê” đầm ấm chan hòa: “Miếng cao
lương phong lưu nhưng lợm/ Mùi hoắc lê thanh đạm mà ngon/ Cùng nhau một
giấc hoành môn/ Lau nhau ríu rít cò con chung tình”.
+ Khúc bi tráng và những áng văn để đời
 Con người cô đơn, lạc long
Hình ảnh con người cô đơn, lạc lõng trong văn học trung đại thường xuất hiện khi
xã hội phong kiến Việt Nam ở vào giai đoạn suy tàn. Mọi trật tự tôn ti sụp đổ, mọi
giá trị lộn nhào. Lúc ấy con người, đặc biệt là những người trí thức vốn đặt niềm
tin vào lý tưởng nhà Nho cảm thấy lạc lõng, bơ vơ, mất phương hướng, khủng
hoảng niềm tin một cách trầm trọng.
Đó là hình ảnh một con người bơ vơ, trôi dạt, không biết đi về đâu, chẳng biết làm
gì cho đúng khiến tâm trạng trở nên bức bối, khiến cõi lòng trở nên hoen rỉ trong
thơ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác: “Tìm đường về Hán chưa xong/ Sang Tần là
việc đã không nên rồi/ Bể hồ trôi dạt đôi nơi/ Cho người tráng chí ra người cuồng
ngông” (Y tông tâm lĩnh).
Đó là một con người mang nặng một nỗi uất ức, bấn loạn khiến tâm hồn nhàu nhĩ,
bi thương trong thơ Nguyễn Du: “Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên/ Hùng tâm
sinh kế lưỡng mang nhiên” (Người tráng sĩ đầu bạc buồn ngẩng mặt nhìn trời/
Hùng tâm, sinh kế cả hai đều mờ mịt cả) (Tạp thi). Đó là một con người sụp đổ
niềm tin, chán ngán trước tất cả trong thơ Nguyễn Công Trứ “Ngồi buồn mà trách
ông xanh/ Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười/ Kiếp sau xin chớ làm người/
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo” (Vịnh cây thông). Và đó là một con người
tuy nhận ra con đường công danh mờ mịt, tăm tối mà vẫn phải ngụp lặn, tất tả
ngược xuôi trong ấy để cõi xót xa, day dứt trong thơ Cao Bá Quát: “Trường sa
phục trường sa/ Nhất bộ nhất hồi khước/ Nhật nhập hành vị dĩ/ Khách tử lệ giao
lạc”(Bãi cát dài lại bãi cát dài/ Đi một bước như lùi một bước/ Mặt trời đã lặn
không dừng được/ Lữ khách trên đường nước mắt rơi.) (Sa hành đoản ca).
Trong bài thơ “Tự tình 2” của Hồ Xuân Hương, ta bắt gặp hình ảnh người phụ nữ
một mình đối diện với không gian mênh mông, thời gian đêm khuya thanh vắng
mà trơ “cái hồng nhan” ra cùng tuế nguyệt “Đêm khuya văng vẳng trống canh
dồn/ Trơ cái hồng nhan với nước non”. Nàng khát khao tìm đến rượu để giải tỏa
nỗi buồn nhưng “Chén rượu hương đưa say lại tỉnh”. Nàng tìm đến vầng trăng với
khát khao hạnh phúc tròn đầy thì tiếc thay lại là trăng khuyết, trăng xế bóng “Vầng
trăng bóng xế khuyết chưa tròn”. Dù mạnh mẽ bức phá, quẫy đạp mong thoát
khỏi tình cảnh tù túng, cô đơn nhưng cuối cùng người phụ nữ lại càng chìm sâu
vào bị kịch với bao nhiêu chán chường, tuyệt vọng “Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại/
Mảnh tình san sẻ tí con con”.
Nàng Kiều trong kiệt tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du cũng không ít lần rơi vào
trạng thái cô đơn, tuyệt vọng như vậy. Đó là sau khi tự mình trao duyên, trao tình
yêu cho em, nàng trở về với chính cõi lòng mình để bao nhiêu buồn tủi, xót xa lan
tỏa trong tâm hồn“ Bây giờ trâm gãy gương tan/ Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân/
Trăm nghìn gửi lạy tình quân/ Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi/ Phận sao phận
bạc như vôi/ Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng”. Đó là giây phút nàng tỉnh rượu
sau những “bướm lả ong lơi”, những “cuộc vui đầy tháng trận cười suốt đêm”, đối
diện với một đêm khuya quạnh vắng, nỗi cô đơn, chán chường như tan chảy trong
sâu thẳm cõi lòng “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh/ Giật mình mình lại thương mình
xót xa/ Khi sao phong gấm rủ là/ Giờ sao tan tác như hoa giữa đường/ Mặt sao
dày gió dạn sương/ Thân sao bướm chán ong chường bấy thân”.
Nhìn lại toàn bộ tiến trình văn học trung đại Việt Nam, có thể nhìn thấy một sự
vận động không ngừng của quan niệm nghệ thuật về con người. Hình tượng con
người trong văn học phát triển theo chiều hướng ngày càng mang bản sắc riêng,
có sự dịch chuyển từ tuân thủ chuẩn mực đến sáng tạo trong thể hiện khiến hình
tượng con người ngày càng trở nên phong phú và giàu sức hấp dẫn hơn. Sự đa
dạng, phong phú trong sự thể hiện con người ấy đã góp phần tạo nên giá trị nhân
đạo sâu sắc, tạo nên vẻ đẹp nhân văn lấp lánh trong nền văn học.
Nói đến văn học Việt Nam thời trung đại, một trong những vấn đề quan trọng cần
được đặc biệt lưu tâm là vấn đề thể hiện con người. Giáo sư Trần Đình Sử cho
rằng, “Con người trong văn học chịu ảnh hưởng sâu đậm của tư tưởng triết học,
thần học mỗi thời”(1).
+Sự thể hiện con người trong văn học trung đại Việt Nam
Văn học trung đại Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm của ba hệ tư tưởng Nho -
Phật – Lão; con người trong văn học trung đại, do đó cũng mang đậm dấu ấn của
ba triết thuyết này ở chủ trương phi ngã của Nho giáo, vong ngã của Lão - Trang và
vô ngã của Phật giáo...

1.Tuy nhiên “cả Đạo, Phật, Nho, tam giáo đều chủ trương lý thuyết phá ngã, vô
ngã, vô kỷ, nhưng không hề là một sự diệt ngã tuyệt đối. Trái lại, tất cả đều dựa
vào phẩm chất cá nhân để giải phóng cho cái ngã nội tại khao khát tự do được
bước sang một thế giới khác, không gò bó, tạm bợ”(2).
Điều này khiến văn học trung đại, tuy chịu sự quy định chặt chẽ của tính quy
phạm nhưng con người cá nhân vẫn được thể hiện một cách phong phú, sinh
động.Văn học trung đại Việt Nam tồn tại trong thế lưỡng phân thành hai thành
phần chính: Văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm.
Sự song hành của hai thành phần văn học này tạo nên hiện tượng song ngữ khiến
văn học trung đại phát triển với những biểu hiện vừa đối lập, vừa bổ sung cho
nhau, tạo nên một thế giới nghệ thuật phong phú, đa dạng: vừa mang tính qui
phạm, vừa phá vỡ qui phạm; vừa cao nhã, quý phái , bình dị, đơn sơ; vừa tiếp thu
lại vừa từ bỏ dần các yếu tố văn hóa Hán, văn học Hán
Chịu sự chi phối của hệ thống thi pháp trung đại, đồng thời không ngừng sáng tạo
theo tiếng gọi của cảm xúc bản ngã.
Con người trong văn học trung đại theo đó cũng có sự thay đổi theo nhiều chiều
khác nhau, lúc nghiêm trang trong vòng khuôn thước kinh điển, lúc bứt phá dữ
dội để tâm hồn rung động và thăng hoa bằng những cảm xúc chân thật và mãnh
liệt vốn có của con người.
Chỉ có điều nếu xã hội hiện đại tự do, cởi mở khiến các nhà văn, nhà thơ có một
cõi riêng để tự do sáng tạo, để cái tôi trữ tình tha hồ vùng vẫy, thể hiện hết những
cung bậc cảm xúc của mình thì xã hội trung đại với những quy định nghiêm nhặt
khiến nhà sáng tác dù muốn dù không cũng phải chịu sự ràng buộc của khuôn
phép, của lề lối kinh điển.
Con người cá nhân, cá thể do đó cũng không được thể hiện một cách phóng
khoáng, cởi mở như trong văn học hiện đại .Mặc dù chịu sự chi phối của tính quy
phạm, người ta vẫn nhìn thấy trong văn học trung đại những tâm hồn nghệ sĩ phá
cách; biết yêu, say, rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống và con
người; biết sống bằng những cảm xúc riêng tư từ trong thẳm sâu con tim mình.
Các nhà văn, nhà thơ ngoài những lúc hướng về “khuôn vàng thước ngọc” vẫn tự
tìm cho mình một con đường sáng tạo riêng để cái tôi cá nhân, cá thể lên tiếng.
Nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam, có thể nhìn thấy hai dòng riêng giữa một
dòng chung. Một dòng hướng về những chuẩn mực, hướng về những chủ đề,
quan niệm mang tính công thức. Dòng này tạo nên kiểu văn học mang tính quan
phương, cung đình, chủ yếu là tụng ca vua sáng tôi hiền, đề cao lễ nghĩa Nho giáo.
Nhà sáng tác quan niệm “thi dĩ ngôn chí”, “văn dĩ tải đạo”, văn chương xoay quanh
những chủ đề quen thuộc của đạo đức nhà Nho. Con người xuất hiện trong dòng
văn học này, lẽ dĩ nhiên là con người cộng đồng, con người quân quốc… mang lí
tưởng “trí quân trạch dân”, mang khát vọng xây dựng một xã hội Nghiêu Thuấn.
Dòng thứ hai vượt thoát ra ngoài khuôn phép, luật lệ để những cảm xúc thật,
những tình cảm thật được thăng hoa. Ở dòng thứ hai này, con người cá nhân có
dịp bứt phá, quẫy đạp bằng một cái tôi mạnh mẽ, phóng khoáng.
Nếu lấy những quy tắc, điển phạm trong mỹ học phong kiến làm tâm thì có thể
xem dòng văn học thứ nhất là “dòng văn học hướng tâm” và dòng văn học thứ hai
là “dòng văn học ly tâm” (Chữ dùng của PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn).
Lịch sử văn học chứng minh rằng, chỉ khi nào văn học ly tâm thì mới xuất hiện
những tiếng nói nghệ thuật đích thực, mới xuất hiện những tác giả văn học lớn.
Những kiệt tác để đời của những đấng tài hoa như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ
Xuân Hương… phần lớn được sáng tạo trong những giây phút ly tâm của tâm hồn
họ.
Nói như Nguyễn Hữu Sơn: “Trong những trạng huống bức xúc, những cảnh ngộ dễ
khơi gợi niềm trắc ẩn trong tâm hồn nhà nghệ sĩ… sẽ là lúc bột khởi những rung
động nghệ thuật đích thực, từ đó khởi động những suy cảm cá nhân” (3)
2.Sự thể hiện con người trong văn học trung đại theo chiều hướng tâm hay ly tâm
gắn liền với cá tính sáng tạo của nhà văn, đồng thời gắn liền với sự vận động của
lịch sử. Mỗi thời đại văn học với những điều kiện lịch sử, xã hội, văn hóa riêng sẽ
hình thành quan niệm nghệ thuật về con người của riêng thời đại ấy.
Có thể nhận thấy điều này qua nghiên cứu sự vận động của văn học trung đại Việt
Nam trong suốt mười thế kỉ hình thành và phát triển của nó. Thời trung đại, văn
học chủ yếu được thể hiện qua hai nguồn cảm hứng chủ đạo: Cảm hứng yêu nước
và cảm hứng nhân đạo.
Hai cảm hứng sáng tác này bao trùm nền văn học và hòa quyện nhau không thể
tách rời. Tuy nhiên mỗi cảm hứng thể hiện rõ nét ở một giai đoạn lịch sử nhất
định và quy định đặc trưng văn học của mỗi giai đoạn đó.
Cảm hứng yêu nước được thể hiện rõ nét trong văn học giai đoạn đầu (thế kỉ X –
XV), sau đó trở lại trong văn học cuối thế kỉ XIX (khi thực dân Pháp xâm lược). Cảm
hứng nhân đạo thể hiện rõ trong văn học từ thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX.
Sự vận động của văn học đi từ cảm hứng yêu nước sang cảm hứng nhân đạo bắt
đầu từ sự vận động của quan niệm nghệ thuật về con người để rồi chính quan
niệm này quy định sáng tác của nhà văn, chi phối việc lựa chọn ngôn ngữ, thể loại,
bút pháp…
Từ thế kỉ X – thế kỉ XV là giai đoạn phục hưng và phát triển đất nước sau nghìn
năm Bắc thuộc, giai đoạn này cũng là giai đoạn mà dân tộc ta không ngừng đấu
tranh chống các thế lực ngoại xâm phương Bắc để gìn giữ bờ cõi. Chính vì thế,
cảm hứng chính trong văn học là cảm hứng yêu nước, con người được đề cao
trong văn học là con người cộng đồng - con người hướng tâm, tức là những con
người sống theo những chuẩn mực đạo đức của cộng đồng (thời trung đại chuẩn
mực ấy là đạo đức Nho giáo).

Hiện thực giai đoạn đầu đơn giản, không rối rắm, phức tạp nên con người trong
văn học cũng không có nhiều băn khoăn, day dứt; cũng không thể hiện nhiều
những ham muốn, khát vọng cá nhân.
Có thể kể ra một số hình ảnh con người nổi bật như: con người hùng tráng với tư
thế lẫm liệt, lí tưởng lớn lao, khát vọng cháy bỏng, nhân cách cao đẹp trong
“Thuật hoài” của Phạm Ngũ Lão; con người bi tráng dù rơi vào hoàn cảnh bi kịch
nhưng nhiệt tâm cứu nước vẫn không lúc nào vơi cạn trong “Cảm hoài” của Đặng
Dung; con người ưu ái, suốt đời lo nghĩ cho nước cho dân trong thơ Nguyễn Trãi…
Từ thế kỉ XVI về sau, hiện thực trở nên phức tạp hơn rất nhiều, xã hội phong kiến
rơi vào khủng hoảng, các thế lực phong kiến chém giết, tàn hại lẫn nhau. Mâu
thuẫn giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
Vận mệnh, quyền sống của con người bị đặt bên bờ vực thẳm.
Lúc này văn học nói lên tiếng nói của mình để bênh vực, ngợi ca, yêu thương, trân
trọng con người. Chính vì thế văn học chuyển từ cảm hứng yêu nước sang cảm
hứng nhân văn, nhân đạo. Con người được đề cao trong văn học là con người cá
nhân.
Những con người có sự cựa quậy về cái tôi bản ngã, phản ứng lại lễ giáo phong
kiến; những con người mất dần niềm tin vào những giá trị của đạo đức nhà Nho,
cảm nhận được sự cô độc, lạc lõng đồng thời không ngừng khát khao về tình yêu
và hạnh phúc.
Có thể kể ra một số hình ảnh con người nổi bật như: con người bi kịch, con người
khát vọng trong “Truyện Kiều, “Chinh phụ ngâm”, “Cung oán ngâm”, thơ Nôm Hồ
Xuân Hương…; con người khủng hoảng niềm tin trong thơ chữ Hán Nguyễn Du,
thơ Cao Bá Quát; con người tự phản tỉnh trong “Cung oán ngâm”, thơ Nguyễn
Công Trứ….
Suy ra : quá trình vận động của hình tượng con người trong văn học trung đại đi
từ chỗ giản đơn đến phức tạp, từ con người cộng đồng đến con người cá nhân với
nhiều biểu hiện đa dạng đã khiến văn học có những bước phát triển vượt bậc
theo hướng từ bỏ dần các yếu tố quan phương, cung đình để tìm đến với những
cảm xúc chân thật, những rung động tế vi trong thẳm sâu tâm hồn.

3.Trong thực tế thường cùng tồn tại cả hai dòng văn học (hướng tâm và ly tâm)
trong cùng một tác giả văn học hay một giai đoạn văn học. Chỉ có điều là mức độ
đậm nhạt, nhiều ít khác nhau mà thôi.
Ngay cả thơ văn Lý Trần chủ yếu là thơ văn chịu ảnh hưởng của triết lý Thiền Tông,
các nhà sáng tác (chủ yếu là thiền sư) viết văn làm thơ thường để thuyết giảng
giáo lý, thơ văn thường là những bài kệ mang đậm cảm quan Phật giáo, vậy mà
trong sáng tác của những thiền sư - thi sĩ ấy, ta vẫn bắt gặp những phút giây
conngười ly tâm, vượt ra ngoài khuôn phép, để cho cái tôi bản thể nói lên tiếng
nói của mình.
Đó là trường hợp Tuệ Trung Thượng sĩ tự do phá chấp đến mức phóng cuồng
(Phóng cuồng ngâm). Đó là trường hợp của Trần Nhân Tông, vị hoàng đế thả hồn
mình theo những rung động tế vi trước bức tranh chiều quê thanh đạm yên bình
(Thiên Trường vãn vọng)…
Trường hợp Nguyễn Trãi là một minh chứng tiêu biểu hơn nữa cho điều này. Là
một người “bình sinh độc bão tiên ưu niệm”, thơ ông nói nhiều đến trung hiếu,
nói nhiều đến đạo quân thần, nói nhiều đến lý tưởng trí quân trạch dân với mong
muốn xây dựng một xã hội thịnh trị có thánh đế, có lương thần. Song cũng có
những khoảnh khắc, cái tôi trữ tình trong thơ ông tự do thể hiện, mê say đắm
đuối trước vẻ đẹp của thiên nhiên, tạo vật.
Nhìn lại toàn bộ tiến trình văn học trung đại Việt Nam, có thể nhìn thấy một sự
vận động không ngừng của quan niệm nghệ thuật về con người. Hình tượng con
người trong văn học phát triển theo chiều hướng ngày càng mang bản sắc riêng,
có sự dịch chuyển từ tuân thủ đến sáng tạo trong thể hiện khiến hình tượng con
người ngày càng trở nên phong phú và giàu sức hấp dẫn hơn.
Trong văn học giai đoạn từ thế kỉ X đến thế kỉ XIV, có thể nhìn thấy một con người
sử thi trong thơ Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Đặng Dung; một con người siêu
nghiệm, vô ngã, vô ngôn, vô ý trong thơ Thiền; một con người ưu hoạn, có khí tiết
giữ mình trong sạch trong thơ Trần Nguyên Đán, Chu An, Trần Quang Triều.
Sang giai đoạn thế kỉ XV đến hết thế kỉ XVII, văn học tập trung thể hiện con người
quân quốc trong thơ Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tôn; con người ưu thời mẫn thế trong
thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Hàng…
Đến giai đoạn thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX, khi văn học thăng hoa đến độ
viên mãn nhất của nó, thường thấy trong văn học là hình ảnh con người cá nhân
với những biểu hiện cụ thể như: con người lẻ loi trong “Chinh phụ ngâm”, con
người tự phản tỉnh trong “Cung oán ngâm khúc”, con người bản năng trong thơ
Hồ Xuân Hương, con người cô đơn trong “Truyện Kiều”…
1+2. Trần Đình Sử (1999), Mấy vấn đề thi pháp văn học Trung đại Việt Nam, NXB
GD, Hà Nội.3. Nguyễn Hữu Sơn (1998), Về con người cá nhân trong văn học cổ Việt
Nam, NXBGD, 1998
+Lí do chọn:

You might also like