You are on page 1of 15

LINH HỒN TẠO VẬT TRONG BÀI

TRÀNG GIANG
Hà Bình Trị
(Trích)

Và nói cho công bằng, cái buồn của Huy Cận ở bài
thơ này, trước sau, vẫn là cái buồn trong sáng, góp phần
làm phong phú thêm tâm hồn của bạn đoc; nó cũng
giống "cái buồn đã làm nên sức hấp dẫn mê hồn của thơ
ca dân gian Nga" như Belinxki (1811-1848) đã nhận xét.

Bài thơ có ý vị cổ điển tạo nên được những vang


hưởng kỳ lạ do tác giả đã chọn được thể thơ thích hợp
(gần với thể cổ phong), vận dụng tự nhiên lối đối, sử
dụng có hiệu quả, với tần số cao hệ thống từ láy (10 lần
trong 16 dòng thơ), và cách ngắt nhịp truyền thống...
Chất cổ điển đặc biệt rõ ở câu kết. Thôi Hiệu (704-754)
nhìn khói sóng nhớ đến quê hương "Nhật mộ hương
quan hà xứ thị? - Yên ba giang thượng sử nhân sầu" -
(Hoàng Hạc Lâu). Tản Đà (1888-1939) dịch: Quê hương
khuất bóng hoàng hôn, Trên sông khói sóng cho buồn
lòng ai? Huy Cận không cần có khói sóng - cái gợi nhớ -
mà lòng vẫn nhớ nhà. Rõ ràng nỗi nhớ của Huy Cận da
diết hơn, thường trực hơn và cháy bỏng hơn; do đó hiện
đại hơn!

Cổ kính, trang nghiêm; Tràng giang còn là một bài


thơ rất Việt Nam. Dòng sông sóng gợn, con thuyền xuôi
mái chèo, cành củi khô bồng benh, cánh bèo lênh đênh,
chợ chiều của làng quê, cánh chim trong buổi chiều tà...
thật gần gũi với chúng ta. Đọc bài thơ này, nhiều người
nhớ đến cái làng sơn cước heo hút bên bờ sông Thâm,
cạnh núi Mồng Gà, thuộc đất Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh,
nơi chôn rau cắt rốn của nhà thơ. "Suy cho cùng Tràng
giang là một bài thơ ca hát non sông đất nước, do đó dọn
đường cho lòng yêu giang sơn Tổ quốc (Xuân Diệu).

Tràng Giang
Văn Tâm

Tác giả bài Tràng Giang có ý phiền lòng khi thấy


có một chữ trong bài thơ của mình tái bản mười lần thì
đến chín lần thường in sai: "Hai chữ dợn dợn của tôi
thường bị dọc sai in thành dờn dợn như thể chẳng có
nghĩa gì.” Nhưng mọi cuốn từ điển Việt lại đều không
có điệp từ dợn dợn mà chỉ có dợn (rợn) có nghĩa là nổi
lên như sóng, như vân trên gỗ. Dợn dợn là một chữ mới
được nhà thơ chế tác.

Thật ra đôi môi người đọc Tràng Giang có thể nhìn


sai (rồi in sai) nhưng cái tâm thẩm mỹ của họ, sự cảm
nhận toàn khối của họ đối với bài thơ có lẽ không lầm.
Số là cách phát âm từ láy dợn dợn rất gần (nhất là đối
với người miền Bắc) với rờn rợn (sợ hãi), thậm chí: rởn
(sợ đến lạnh người). Độc giả bài Tràng giang khi để cho
toàn khối bài thơ “ập vào tâm trí trong một giây" (chữ
của Sêkhốp) đã thu nhận được một tín hiệu tổng hòa:
con người trong bài thơ đã rờn rợn trước những cái Vô
cùng: trời rộng, "trời lên sâu chót vót" cùng "lớp lớp
mây cao"...; rờn rợn trước cái Vô biên: "sóng gợn" sông
dài "điệp điệp", mênh mông không một đò ngang nối
liền đôi "bờ xanh tiếp bãi vàng", triều nước thì vời vời
ngoài tầm mắt...; cuối cùng, rờn rợn trước cái Vô định:
trên trăm ngả sóng vật vờ một cành củi khô lạc nẻo cùng
những mảng bèo lênh đênh trôi dạt... Độc giả "đọc sai" -
với ý nghĩa tiếp thụ một tứ thơ hàm nghĩa như vậy là vì
chính họ cũng rợn, là thuận theo một phản xạ tâm lý phổ
biến: con người thường cảm thấy nhỏ bé, thậm chí bất
lực mà rờn rợn trước cái vô giới hạn của không gian
(Vũ) và của thời gian (Trụ): “Ai người trước đã qua - Ai
người sau chưa đẻ - Nghĩ trời đất vô cùng - Một mình
tuôn giọt lệ" (Tiền bất kiến cổ nhân - Hậu bất kiến lai
giả - Niệm thiên địa chỉ du du - Độc thương thiên nhi lệ
hạ - Trần Tử Ngang); tương tự người ta thường rợn
ngợp trước biển cả mù mịt không gian, hoặc trước
những dãy mộ chí giữa nghĩa trang dẫn lộ về thời gian
xa lắc... - Chính tác giả Lửa thiêng cũng là một thi nhân
có biệt tài trong việc thể hiện những rung cảm khó có
thể tinh vi hơn về nỗi sầu ngui ngút trước không gian vô
cùng: "Vu vi gió hút nẻo vàng - Một trời thu rộng mấy
hàng mây nao" Đẹp xưa ), cũng như trước thời gian vô
tận: "Ngàn năm sực tỉnh lê thê. Trên thành son nhạt.
Chiều tê cúi đầu" (Chiều xưa)... Như vậy, những đọc giả
"đọc sai" thơ Huy Cận, phải chăng với cõi lòng hồn
nhiên của mình, đã vượt qua ý thức nghệ thuật của tác
giả đặng bắt đúng cái bất giác của một con người. Cái
bất giác của một con người ấy cũng là phản của con
người phổ quát - tạo nên một lực cuốn hút của bài thơ.

Những thước phim tài liệu nghệ thuật về tạo vật vô


cùng vô hạn trong bài Tràng giang còn được hỗ trợ hiệu
quả của yếu tố âm nhạc: trường giang được biên âm
thành tràng giang để hai vận mẫu ang phối cùng nhau
khiến con sông dài thêm dài; rồi lối cấu trúc các bộ phận
câu đăng đối: “Thuyền về nước lại…” “Sông dài, trời
rộng…” với hai câu có tính tiểu đối: “Sóng gợn tràng
giang buồn điệp điệp - Con thuyền xuôi mái nước song
song” tương tự các câu có kiểu cấu trục đối xứng khác
(loại câu có khả năng gợi tả một không gian rộng: bên
này và bên kia, đàng trước và đàng sau...) khiến bầu trời
và mặt nước còn rộng dài thêm biết bao nhiều nữa...
Chính cảm giác rờn rợn này của chủ thể lãng mạn, chứ
không phải nguyên nhân gì khác, đã làm nảy sinh tâm lý
nhớ nhà - vì trong buổi hoàng hôn ấy không hề có “trên
sông khói sóng” (yên ba giang thượng) tạo nên điều kiện
phản xạ gợi nhớ “hương quan” (cổng làng - đường về
quê cũ) như Thôi Hiệu, tác giả Hoàng Hạc lâu thuở xưa.
Nhớ nhà, muốn được trở về có mặt giữa gia đình ấm
cúng, giữa quê hương thân thương là để hóa giải cảm
giác rờn rợn của kẻ lâm nguy. Vì sao vậy? Vì gia đình
quê hương thường có công năng là tổ, mà ở tổ thì từ bao
đời xa xưa khi nào cũng có sẵn điều kiện, phương tiện
giải nguy thoát hiểm. Thiết tưởng, lời khuyến dụ về lòng
yêu quý gia đình, tinh thần gắn bó với quê hương xứ sở
trong bài Tràng giang không phải là những dòng ý nghĩ
lộ thiên đơn giản, mà là hiện tượng bộc lộ mặc nhiên
những qui luật tâm lý thầm kín từ đáy thẳm tâm linh.

Tâm linh đã rờn rợn, lại thêm một nỗi u hoài. Bởi
“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, nên ba cõi trời,
đất và người đã hắt bóng vào bài thơ những nét tử biệt
sinh ly: “Bóng chiều sa” (ngày tàn rồi); “vãn chợ chiều”
“cảnh đông vui chẳng còn”; “củi một cành khô” (cây
xanh đã héo)...; rồi “thuyền về nước lại” thì còn đâu sum
họp; và đôi bến sông cô liêu không cầu nối, không một
chuyến đò ngang gắn bó...; có một con chim nào đó lẻ
bạn nghiêng đôi cánh nhỏ giữa lúc hoàng hôn đổ
xuống... Những nét bút thơ chấm phá tài tình hàm súc
mà rõ nét đầy khơi gợi ấy phút chốc đã làm hiển hiện
trước mắt người đọc một bộ tranh thủy mặc cổ kính mà
hiện đại, dân tộc và dân dã… Thơ mới, đến giai đoạn
Lửa thiêng quả đã nhuần nhị lắm rồi: Tràng giang là
một trong những bài thơ tiêu biểu cho sự kết hợp thuần
thục không ít yếu tố ưu mỹ của thơ ca cổ kim trong và
ngoài nước.

Bông gợn buồn, gió điu hiu, bến cô liêu... là thần


thái của đất trời mà cũng là nỗi niềm của con người.
Trong cõi lòng này không phải không có những"… tủi
nắng sầu mưa - Cùng đất nước nặng buồn sông núi"
(Huy Cận - Mai sau), nhưng tứ thơ chủ yếu phải chăng
vẫn là phản xạ mặc nhiên tự cảm tự tri về tính hữu hạn
của kiếp người trước Thiên Địa vô thủy vô chung? Sự tự
cảm tự tri này thật cần thiết với người đời, bởi vì một
khi người ta ý thức sâu sắc được sự hữu hạn của “Trăm
năm một giấc mơ màng” (Tản Đà), thì con người sẽ biết
điều tiết dục vong (nằm trong lẽ tri túc, tri chỉ của người
xưa); từ đó có thêm khả năng duy trì nhân phẩm...; công
năng tích cực “hồn nhiên” của tứ thơ lãng mạn tưởng
như tiêu cực này phải chăng là ở đó?
Tràng giang, một trong những bài thơ thành công đặc
sắc, “rất Huy Cận”, trong thi phẩm Lửa thiêng, với nét
bút thơ chấm phá thần tình tạo vật, và với đôi lời tâm sự
nhẹ nhàng, đã có khả năng đối thoại thấm thía với người
đọc về mấy lẽ nhân sinh mang tính lương và thiên. Ma
lực của Tràng giang (cũng như một số bài thơ đặc sắc
khác thuộc dòng văn học lãng mạn) là đã thông qua hệ
thống vi ba ngôn từ, làm rung động được những dây trời
tín hiệu tận đáy hồn người.
In trong Giảng văn văn học Việt Nam
NXB Giáo dục, 2000

HUY CẬN - LỬA VẪN CÒN


THIÊNG
Trần Mạnh Hảo
Từ độ Nguyễn Du lục bát hóa đời Kiều để ngự trên
ngôi báu thi ca, chừng như long mạch thơ nước Việt đã
mấy lần rót về Hà Tĩnh, khơi nguồn cho những dòng thơ
lớn khác xuất hiện: Nguyễn Công Trứ, Xuân Diệu và
Huy Cận. Sau tám năm từ độ ra đời, Thơ Mới (1932-
1945) đang cuồn cuộn chảy như một dòng sông lắm
ghềnh nhiều thác, lúc ẩn, lúc hiện, chợt bùng lên rồi lắng
lại sững sờ, như ngẩn ngơ, như luyến tiếc cội nguồn?
Kể cũng lạ, khi dòng Thơ Mới cuộn chảy, gầm reo tới
cao trào với Xuân Diệu thì cũng là lúc nó chợt phình ra
giống một cái hồ cho mưa nguồn chớp bể trong hồn
sông nước được nghỉ ngơi, trầm lắng, ưu tư mà hoài cổ.
Khúc sông giống hồ nước của dòng Thơ Mới ấy chính là
Huy Cận với tập “Lửa Thiêng” gồm 50 bài thơ ra mắt
năm 1940.
Nếu không có khúc sông hóa hồ nước Huy Cận
giúp Thơ Mới có cơ hội lắng xuống, thảnh thơi và điềm
tĩnh, chùng chình và mênh mông lại, biết đâu nó đã
chẳng chảy tuột vào bề thẳm Tây phương? Chừng như
hình thức complet, cravate của Phương Tây Huy Cận
khoác lên người không mang nổi hồn vía Đông phương
u uẩn, thẳm vời trong ông? Sau khi nhà thơ từng thổn
thức nỗi Verlaine, cái hồn ấy phiêu du ông về vạn cổ,
kéo ông lạc vào Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Nguyễn Trãi,
Nguyễn Du... ngay giữa lòng thế kỷ XX ồn ào phố xá…
Thành ra, trong dòng Thơ mới sục sôi với tầng tầng lớp
lớp thi nhân, Huy Cận tuy không khăn đống áo the như
Đông Hồ, không nâu sồng dân dã như Nguyễn Bính,
nhưng hồn ông đã ràng buộc với thất ngôn và lục bát
xưa. Ông hóa nỗi buồn xưa mà lênh đênh nguồn cội, một
mình bơ vơ ngay giữa “Hội trùng dương” Thơ Mới, bơ
vơ ngay giữa hồn mình. Có thể nói, Huy Cận cô đơn
ngay cả trong niềm nồng cháy ban đầu Xuân Diệu. Vì
sao một gã trai mười chín đôi mươi lại có một tâm hồn
nghìn tuổi, một niềm thơ vạn cổ rất tân thời như "Lửa
thiêng "59 năm trước ?

Ta bắt gặp trong "Lửa Thiêng" một Huy Cận buổi


"Tựu trường-Thơ Mới", tuy không mê đắm đến điên
cuồng "Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi" như
Xuân Diệu, nhưng cũng rất tinh khôi niềm yêu đời, một
niềm cách tân cả ý tưởng đến hồn vía: “Tủ mới đánh và
lòng trai thơm ngát” ( Tựu trường). Chiếc tủ - hình -
thức - Tây phương vừa đánh verni, tưởng chỉ có thể treo
những bộ áo quần tân thời ý tưởng như câu thơ rất Tây
trong bài “Tình tự”: “Sáng hôm nay hồn em như tủ áo /
Ý trong veo là lượt xếp từng đôi”. Huy Cận đi giữa tủ,
rương như đi giữa những thời đại bảo tàng, những thời
đại ngọc ngà dễ vỡ, tưởng chừng ông toan biến đời mình
thành chiếc rương cất giữ vẻ tân kỳ hôm nay: “Rương
nho nhỏ với linh hồn bằng ngọc” ( Tựu trường). Một cậu
trai thuần khiết “Quần áo trắng đẹp như lòng mới mẻ”
thuở ấy ai ngờ lại có thể viết được những câu thơ rất
mới, rất Tây: “Anh hãy bận hồn em màu sáng chói”
(Tình tự)… "Lòng giắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng"
(Đi giữa đường thơm)… hoặc “Bắt gặp mùa tươi lên rún
rẩy” (Xuân)… Huy Cận chìa câu thơ thất ngôn truyền
thống ra như chìa bàn tay mình để bắt tay ngọn gió mới
Tây phương, bằng cách đột ngột gieo một liên từ làm
vần cuối câu thơ thứ hai, khiến câu thơ vừa đứt, vừa nối,
vừa chênh vênh, hụt hẫng lại vừa an nhiên, tự tại: “Khi
bóng hoàng hôn phủ núi xa / Khi niềm tư tưởng vướng
chân, và…”(Em về nhà). Ta còn có thể bắt gặp trong
“Lửa thiêng” nhiều vẻ đẹp Tây phương mới lạ của Huy
Cận, nhất là trong 15 bài thơ 8 chữ khá phóng túng của
ông như bài “Trò chuyện”: “Phố không cây thôi sầu biết
bao chừng” , “Buồn vạn lớp trên mái nhà dợn sóng”,
“Chiều hiu hiu khêu gợi nhớ nhung hờ”, “Hồn bơ vơ
không biết tựa vào đâu / Mây không bay thương nhớ
cũng không màu / Nắng không xế và lòng sầu mất
hướng”...Huy Cận thậm chí Tây không kém gì Xuân
Diệu với nỗi sầu, nỗi chết ban đầu với tận cùng cảm giác
kiểu “Tay bồng thân, và tay nữa ôm mồ”( Trình bày)…
“Chiều mồ côi, đời rét mướt ngoài đường”… “Xương cọ
vào xương bớt nỗi hàn”(Ngủ chung)…hoặc “Ôi chiều
buồn sao nắng quá mong manh”(Nhạc sầu).

Ta có một Huy Cận hướng ngoại tới tận trời tượng


trưng Verlaine cả trong buồn, vui, sống, chết, trong thế
giới khả giác lúc nào như cũng muốn nổi da gà. Có khi,
Huy Cận thử tìm tới tất cả, thử vồ vập tất cả nhưng vì
sao ông chưa thỏa nỗi rưng rưng, dù khi ông viết về tình
yêu thời đi học với những câu thơ hay đến kinh ngạc:
“Một hôm trận gió tình yêu lại / Đứng ngẩn trông vời áo
tiểu thơ”(Học sinh). “Trận gió tình yêu” mới mẻ phương
Tây rất nồng nhiệt kia đã thổi bay đi tất cả niềm vui
mong manh chớm hé. Chỉ còn lại nhà thơ “Đứng ngẩn
trông vời... “hiện tại, dù hiện tại kia, tình yêu kia kỳ diệu
tới mức, lãng mạn tới mức thần tiên: “Em lùa gió biếc
vào trong tóc / Thổi lại phòng anh cả núi non”(Áo
trắng). Nhờ “Em”, nhờ ngọn gió tóc kia mà căn phòng
anh được nới rộng ra cả đất trời? Hay chính là “Em” đã
nhốt núi non, nhốt cái sừng sững cao vời vào căn phòng
thi ca anh để vô hạn hóa cái hữu hạn? Niềm vui tình đầu
Huy Cận đẹp thế, hay thế nhưng chỉ là gió thổi qua, chỉ
là thoáng chốc. Trong thơ, Huy Cận cần một cách giải
thoát khác Xuân Diệu.

Huy Cận đi từ “Ngẩn” tới “Vời”: “Đứng ngẩn


trông vời…”, đi từ tha nhân đến bản thân mình, từ niềm
vui đến nỗi cô đơn, như chiếc thuyền trong bài “Mưa”
sau: “Lòng êm như chiếc thuyền trên bến / Nghe rét thu
về hạ bớt mui”. Câu thơ này mới đích thực thần thái Huy
Cận; nó hay một cách hoang vắng, se se, tồi tội, khẽ
khàng, hiu hắt. Tâm hồn Huy Cận là chiếc thuyền miền
sơn cước thi ca, lặng lẽ “hạ bớt mui” khi rét thu về, lặng
lẽ rút vào tranh thủy mặc xa xưa mà u tịch. Nếu Xuân
Diệu nhảy bổ vào tình yêu như nai kia khát nước nhảy
bổ vào nguồn suối, lăn xả vào đời sống con người mà
choàng ôm tất cả, mà mê cuồng, say đắm tất cả thì Huy
Cận ngược lại, cứ một mình thui thủi tìm về nơi hoang
vắng, tránh xa nơi phồn hoa đô hội. Huy Cận tĩnh bên
một Xuân Diệu động.
Huy Cận xưa bên một Xuân Diệu nay. Huy Cận
buồn bên một Xuân Diệu vui, dù cả hai đều “Hai chàng
thi sĩ choáng hơi men” (Tình trai-X.D.). Những bài thơ
hay nhất trong “Lửa thiêng” là những bài Huy Cận thu
hồn về ở ẩn trong một thiên nhiên hoang vắng, thẫn thờ,
như thể ông đã bị cuộc đời dồn đến trước lầu “Ngưng
Bích”, cùng Thuý Kiều lẫn vào “Vẻ non xa tấm trăng
gần ở chung”(Kiều). Trong 50 bài “Lửa thiêng”, chỉ có 8
bài thơ lục bát: “Buồn đêm mưa”, “Trông lên”, “Chiều
xưa”, “Đẹp xưa”, “Thuyền đi”, “Xuân ý”, “Thu rừng” và
“Ngậm ngùi”. Nhưng nếu không có 8 bài thơ lục bát
này, “Lửa thiêng“ dù có nhiều bài thất ngôn hay ví như
“Tràng giang” thì cũng chưa thể làm nên một Huy Cận
vượt thời gian như đã có. Nguyễn Du đại thiên tài lục
bát, đã đưa nhịp sáu tám Việt Nam lên tới đỉnh mây trời
nhân loại. Nguyễn Du từng ít nhiều ảnh hưởng lục bát ca
dao, ảnh hưởng lục bát của Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia
Thiều để làm ra hàng nghìn câu thiên thu tuyệt diệu
riêng mình. Thấm đẫm hồn thơ cha ông, Huy Cận đã
hiện đại hóa câu thơ sáu tám Việt Nam. Ông như người
kế thừa trung thành của phả hệ lục bát Nguyễn Du rồi
phát triển nó về u tịch. Đọc thơ lục bát Huy Cận, cơ hồ
như hồn Nguyễn Du phảng phất đâu đây, như thể bút
thần xưa được hậu thế cầm lên viết tiếp, như bài " Đẹp
xưa”:
”Ngập ngừng mép núi quanh co
Lưng đèo quán dựng, mưa lò mái ngang…
Vi vu gió hút nẻo vàng
Một trời thu rộng mấy hàng mây nao
Dừng cương nghỉ ngựa non cao
Dặm xa lữ thứ kẻ nào héo hon
Đi rồi khuất ngựa sau non
Nhỏ thưa tràng đạc tiếng còn tịch liêu
Trơ vơ buồn lọt quán chiều
Mái nghiêng nghiêng gửi buồn theo hút người…”

Câu thơ “Lưng đèo quán dựng, mưa lò mái ngang”


trên của Huy Cận làm ta nhớ đến “Cát vàng cồn nọ, bụi
hồng dặm kia “của Tố Như xưa. Huy Cận lấy hồn muôn
năm trước mà hiện đại hóa câu thơ lục bát bây giờ, như
gió xưa vàng đẫm lá thu nay: “Vi vu gió hút nẻo vàng”.
Ngọn gió Huy Cận mặc áo vàng nghìn thu mà hun hút,
mà nghiêng nghiêng mái chữ, mái-hiên-người, cũng là
mái thơ: “Mái nghiêng nghiêng gởi buồn theo hút
người”. Cũng như bài “Đẹp xưa”, bài lục bát “Buồn đêm
mưa”và bài “Chiều xưa”hay đến từng câu từng chữ. Cái
buồn Huy Cận nơi đây đẹp đến rụng rời, đẹp đến ngơ
ngác, hoang vu.

NGỌN NGUỒN CỦA LỬA


THIÊNG

Đi tìm hạt nhân cho cấu trúc tinh thần của thi sĩ
Huy Cận, người ta thường dừng ở niềm thiết tha với sự
sống của ông. Nhưng có nghệ sĩ chân chính nào không
thiết tha với sự sống! Dừng ở đó, khó nhận chân được
nét độc đáo thực sự của Huy Cận.

Điều cần nói phải là: cái hạt nhân của niềm thiết tha ấy
ở Huy Cận là gì? Những tâm niệm của thi sĩ khi đi dọc
bờ biển có thể xem như một thứ tự bạch về cái tạng
riêng của hồn thơ này: “Mỗi lần đi dọc bờ biển, ta lại có
một xao động kỳ lạ trong người: nửa thấy đời đang tiếp
tục nảy sinh, dạt dào vô tận; nửa lại thấy như sự sống đã
cổ, đã vững chãi, yên dằm. Ta đi trên biên giới của cái
biến đổi và cái định hình. Cảm giác vũ trụ, cảm giác về
sự sống, về sự sáng tạo vô hồi vô hạn của vũ trụ, của vật
chất, của đất trời. Cảm giác về sự lớn lao lồng lộng của
con người trong vũ trụ sinh hoá vô hạn vô hồi đó. Cảm
giác Biển và cảm giác Đất lẫn trong nhịp thở, trong nhịp
máu của ta.”(Báo Văn nghệ số Tết, 2-1980).

Đọc Huy Cận, ta có thể thấy rằng không chỉ khi đi


dọc bở biến “xao động kỳ lạ” kia mới dậy lên trong ông.
Đó chỉ là lúc ông thấy mình rõ rệt nhất thôi. Thực tình,
hầu như tất cả những gì được thi sĩ viết ra đều nảy sinh
từ “xao động kỳ lạ” ấy. Bởi biết bao cảm giác về ngoại
giới đang “lẫn trong nhịp thở, trong nhịp máu” mà Huy
Cận nói đến trên đây, xét đến cùng, chỉ là sự hoà điệu
của hồn mình vào nhịp sinh hoá vô hạn vô hồi trong cõi
giới này. Và đó chính là cốt tuỷ của niềm thiết tha ở Huy
Cận. Sự hoà điệu giữa cá thể cá nhân với toàn thể hoàn
vũ trong cuộc hoá sinh vô hạn vô hồi kia là sự hoà điệu
toàn vẹn từ vi mô đến vĩ mô, từ mơ hồ mong manh hư
thoảng đến kỳ vĩ trường cửu vĩnh hằng. Thế nên: luôn
luôn lắng nghe sự hoà điệu đó cả trong sâu thẩm hồn
mình, cả trong tâm hồn của cuộc đời và tạo vật chính là
căn cốt của hồn thơ Huy Cận. Nói cách khác, đó chính là
cái động thái mang nét độc đáo của hồn thơ này. Yếu tố
hạt nhân ấy quyết định trước hết đến việc hồn thơ Huy
Cận luôn mở vào các đối cực không gian của thế giới
này: vừa hướng tới cái “sâu chót vót” của vũ trụ, vừa
huóng tới cái “sâu kỳ bí” của mạch đời. Có lẽ thế, đặc
sắc của Huy Cận không phải chỉ là sự tinh vi của ngũ
quan hướng ngoại đề nắm bắt cái hình tướng của sự vật,
mà quan trọng hon là sự linh diệu của một thứ tâm cảm
hướng nội nào đó khiến thi sĩ nghe được những vi điệu
của hoá sinh trong lòng tạo vật: “Nở hạt thời gian giữa
lặng im - Nằm trên lưmg núi giữa chừng đêm - Ta nghe
vật chất nghìn kiên nhẫn - Từ đá làm nên ngọn lá mềm”.
Khi Huy Cận viết về dòng nhựa cõi mơ hồ: “Vườn hân
hoan muôn vạn nỗi dàn bày - của nhựa mạnh thành tơ
trong lá mới”, “Nghe nhân thơm trong trái nặng - Nghe
nhựa ấm trong cành thưa - Nghe đưa đẩy tiếng gió ru lúa
chín - Xôn xao cuống lá rụng thay mùa”, nghe trái sầu
chín trong hồn người. “Tay anh em hãy tựa đầu - cho
anh nghe nặng trái sầu rụng rơi”, hay nghe tiếng chuông
sao rung những sống âm vang vang ngân trong vũ trụ:
“Trời thắm duyên rằm vừng nhạc mở - Chuông sao rung
nhớ tiếng vàng bay” thì đó đâu còn là cảm nhận của
thính giác, mà nó là sự hoà điệu của hồn thơ với nhịp
hoá sinh diệu kỳ của vạn vật. Nó là sản phẩm của những
“xao động kỳ lạ” trong hồn thi sĩ.

Khởi nguồn từ “xao động kỳ lạ” này có một nguồn


cảm hừng dồi dào và thường trực mà đã nói đến Huy
Cận ít ai có thể quên: Cảm hứng Vũ trụ. Tôi dành phần
cuối để nói thêm về điều này.

Như đã trình bày ở trên và như lời “tự bạch” của


Huy Cận, thực ra, Cảm hứng Vũ trụ chỉ là anh em song
sinh với cảm hứng Biển và cảm hứng Đất đai. Nói khác
đi nó chỉ là một phân nhánh của cảm hứng Tạo vật. Tuy
nhiên, cảm hứng Vũ trụ dường như vượt trội hơn, và
cũng đem lại cho người đọc nhiều ấn tượng hơn. Có thể
nói vũ trụ trong “Vũ trụ ca” là một vũ trụ nghiêng - nó
quá nghiêng về phía lãng mạn. Có lẽ, nó chỉ đơn thuần
là cõi siêu thoát dễ dãi của một hồn thơ lãng mạn. Còn
về sau, vũ trụ trong thơ Huy Cận cân bằng hơn: vẻ lãng
mạn hoà điệu với nét hiện thực. Người đọc thấy nó vừa
gần gũi với cái nhìn từ kính thiên văn của nhà thiên văn
học, vừa lạ lùng bởi những hình ảnh kia chỉ có thể có
trong tưởng tượng của nhà thơ: “Ta ngồi mảng sáng giữa
đêm khuya - Vở hết trang rồi, viết đến bìa - Nhìn thẳm
ra đêm trang vũ trụ - Chữ vàng sao rụng ném thia lia”.
“Mở cửa ra sao sáng từng bầy - Như xúm xít uống
những hồ leo lẻo - Trong những đáy trời xa vạn nẻo”.
Vũ trụ đâu còn là nơi để lánh đời, mà là nơi đời muốn
tới để mở mang sự sống. Và bản thân Vũ trụ cũng tiềm
tàng sự sống: một sự sống vừa như “đã cổ, đã yên đầm”,
vừa như “tiếp tục nảy sinh dạt dào vô tận” - “Dậy sớm
tưởng trời vừa tạo lập - Gió hây hây thổi tự chùm sao -
Cây chưa có bóng, ngày chưa ấp - Sóng ẵm thuyền êm,
chửa động sào”. Như vậy, vẻ đẹp và những bí ẩn của Vũ
trụ thu hút nhiều cây bút, nhưng Huy Cận vẫn có lối cảm
nhận riêng và cảm nhận đó vẫn thuộc về cùng một mối
“xao động kỳ lạ” ở ngòi bút này.

Vâng, xao động kỳ lạ ấy là ngọn nguồn của mọi tia


lửa thiêng trong hồn thơ Huy Cận, không chỉ khi ông
viết về cái tôi, về vũ trụ, hay cuộc đời! Chính nó làm nên
tầm vóc của tác giả Lửa thiêng.
Văn chỉ, 2002-2006

You might also like