You are on page 1of 3

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG CÁC CHỨNG TỪ ĐIỆN TỬ TRONG TTQT

TRONG ĐIỀU KIỆN CMCN 4.0 TRÊN THẾ GIỚI VÀ TẠI VIỆT NAM
Quy trình TTQT truyền thống khiến cho các giao dịch diễn ra trong thời gian dài, từ
đó có thể dẫn đến khả năng xảy ra nhiều sai sót và phát sinh thêm nhiều chi phí. Để
giải quyết vấn đề này, nhờ vào sự phát triển của công nghệ số, các chuyên gia về
thương mại bắt đầu nghiên cứu việc ứng dụng các giải pháp công nghệ mới vào
hoạt động TTQT. Trong đó, sự ra đời của phương thức thanh toán BPO (Bank
Payment Obligations) với công nghệ so khớp dữ liệu điện tử là một bước tiến trong
việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động TTQT tại ngân hàng. Khác với các
phương thức TTQT truyền thống trước đây, điểm đặc biệt của phương thức BPO là
cơ chế trao đổi dữ liệu và xuất trình chứng từ điện tử qua hệ ứng dụng so khớp dữ
liệu giao dịch (TMA - Transaction Matching Application). Người mua, người bán
và các ngân hàng có thể thiết lập dữ liệu, gửi các chứng từ dưới dạng điện tử qua
TMA. Tổ chức quản lý, vận hành TMA là TSU (Trade Services Utility). Các ngân
hàng muốn sử dụng TMA phải đăng ký với TSU. Toàn bộ quy trình được tự động
hóa, việc so khớp dữ liệu và kiểm tra các chứng từ điện tử được thực hiện bằng máy
qua TMA một cách nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian xử lý giao dịch hơn
so với việc giao dịch bằng chứng từ giấy. Standard Chartered Bank là ngân hàng
đầu tiên thực hiện thành công giao dịch BPO vào năm 2012, trước khi URBPO
được Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) thông qua. Theo báo cáo của SWIFT, hiện
nay có 27 tập đoàn tài chính lớn trên thế giới đã triển khai sử dụng phương thức
thanh toán BPO (Đào Minh Tuấn, 2019). Tuy nhiên, đến nay, BPO với công nghệ
so khớp dữ liệu điện tử này dường như không còn được quan tâm nhiều như thời
điểm mới ra đời mà thay vào đó là công nghệ Blockchain.
Một mô hình giao dịch L/C trên nền tảng công nghệ Blockchain được xem là lý
tưởng khi tất cả các bước của một giao dịch L/C đều được thực hiện thống nhất trên
cùng một mạng lưới Blockchain, từ khâu phát hành và thông báo L/C đến khâu xuất
trình và kiểm tra chứng từ cho đến khâu thanh toán. Trong khâu phát hành và thông
báo L/C, người đề nghị tạo đơn mở L/C trong mạng Blockchain. Sau đó, ngân hàng
phát hành xem xét và lưu trữ trên Blockchain. Sau khi ngân hàng phát hành chấp
nhận yêu cầu của người đề nghị, quyền truy cập sẽ tự động được cung cấp cho các
ngân hàng liên quan khác trước khi được gửi cho người thụ hưởng. Người thụ
hưởng có thể kiểm tra điều kiện và điều khoản của L/C. Sau khi được người thụ
hưởng chấp thuận, L/C được hoàn thiện như một hợp đồng giữa ngân hàng phát
hành và người thụ hưởng. Bất kỳ sửa đổi hoặc cập nhật nào trên L/C đều có thể
được biết và có sự chấp thuận của các bên liên quan. Trong khâu xuất trình và kiểm
tra chứng từ, khác với việc xuất trình chứng từ giấy trong giao dịch L/C truyền
thống, chứng từ sẽ được xuất trình dưới dạng chứng từ điện tử (Emad Mohammad
Al-Amaren, Che Thalbi Bt Md. Ismail, Mohd Zakhiri bin Md. Nor, 2020). Việc
kiểm tra chứng từ được thực hiện theo cơ chế tự động hóa. Khâu thanh toán cũng
được thực hiện trên mạng Blockchain mà không phải thanh toán qua một hệ thống
công nghệ hay một trung gian khác. Qua đó, có thể nhận thấy giao dịch L/C ứng
dụng công nghệ Blockchain có những ưu điểm vượt trội hơn so với giao dịch L/C
truyền thống.
Với những ưu điểm vượt trội, công nghệ Blockchain đã được các ngân hàng trên
thế giới khám phá và ứng dụng trong giao dịch L/C. Barclays ở Anh là ngân hàng
đầu tiên ứng dụng Blockchain trong một giao dịch L/C giữa Hợp tác xã thực phẩm
nông nghiệp Ailen Ornua và Công ty Thương mại Seychelles vào tháng 9 năm 2016
trên nền tảng công nghệ của một công ty khởi nghiệp sáng tạo, Wave. Tháng 11
năm 2017, Ngân hàng Banco Bilbao Vizcaya Argentaria (BBVA) ở Tây Ban Nha
thông báo đã sử dụng công nghệ Blockchain của Wave để thay thế cho các chứng từ
thương mại truyền thống (BBVA, 2017).
Công nghệ Blockchain được ứng dụng trong thanh toán quốc tế tại thị trường Việt
Nam từ năm 2019 với giao dịch L/C đầu tiên của HSBC chi nhánh Việt Nam thông
qua Voltron. Cũng như các ngân hàng trên thế giới, công nghệ này được thử nghiệm
trước hết với giao dịch L/C tại các NHTM Việt Nam. Các NHTM Việt Nam đã thử
nghiệm giao dịch L/C trên nền tảng công nghệ chuỗi khối Corda của R3 thông qua
Contour. Trong giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm, Contour chào mời các ngân
hàng thực hiện thí điểm một giao dịch L/C đầu tiên và hoàn toàn miễn phí. Chương
trình thử nghiệm này đã khép lại vào cuối năm 2020. Tính đến cuối tháng 2 năm
2021, có 5 NHTM Việt Nam đã triển khai thử nghiệm ứng dụng Blockchain trong 5
giao dịch L/C
BIDV là NHTM Việt Nam đầu tiên công bố thực hiện thành công giao dịch phát
hành và thông báo L/C xác nhận liên ngân hàng ứng dụng công nghệ Blockchain
vào tháng 9 năm 2020. Giao dịch này diễn ra giữa bên mua là Công ty cổ phần
Nhựa Opec của Việt Nam và bên bán là một tập đoàn lớn tại Thái Lan. BIDV Việt
Nam là ngân hàng phát hành, Standard Chartered Thái Lan là ngân hàng thông báo
và xác nhận L/C. Khác với giao dịch L/C trên Blockchain của HSBC Việt Nam đã
được tiến hành năm 2019, đây là giao dịch L/C đầu tiên tại Việt Nam được thực
hiện giữa các ngân hàng khác hệ thống. Ngoài ra, điểm đặc biệt của giao dịch này là
có sự tham gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với vai trò ngân hàng bảo
lãnh xác nhận (BIDV, 2020).
Tiếp theo sau đó, HDBank chính thức công bố giao dịch phát hành và thông báo
L/C đầu tiên trên nền tảng Blockchain vào tháng 11 năm 2020. Tham gia vào giao
dịch này gồm có Công ty cổ phần Sợi thế kỷ, nhà nhập khẩu hàng đầu ngành sợi
Việt Nam và Công ty Tainan Spinning, nhà sản xuất và xuất khẩu sợi hàng đầu Đài
Loan, HDBank là ngân hàng phát hành và Ngân hàng CTBC của Đài Loan là ngân
hàng thông báo L/C (HDBank, 2020). Cùng trong tháng 11 năm 2020, Vietinbank
cho biết đã thực hiện giao dịch phát hành và thông báo L/C trên Blockchain thành
công.
Tháng 12 năm 2020, MBBank ra thông cáo báo chí về việc ứng dụng Blockchain
trong giao dịch L/C, trong đó thực hiện được trọn vẹn toàn bộ quy trình nghiệp vụ
L/C, từ khâu phát hành L/C đến khâu xuất trình chứng từ theo L/C trên cùng một
mạng lưới Contour (MBBank, 2020). Tuy nhiên, thực chất khâu xuất trình chứng từ
trên Blockchain chỉ mới được thực hiện đối với các chứng từ do người bán phát
hành như hối phiếu, hóa đơn thương mại, phiếu đóng gói. Chứng từ do bên thứ ba
phát hành như chứng từ vận tải, chứng từ bảo hiểm và các giấy chứng nhận về hàng
hóa vẫn được xuất trình dưới hình thức chứng từ giấy.
Cuối tháng 12 năm 2020, Vietcombank công bố đã thực hiện thành công giao dịch
L/C nội địa trên nền tảng Blockchain đầu tiên tại Việt Nam. Giao dịch L/C này bao
gồm bên mua là Công ty TNHH Kirby Đông Nam Á, bên bán là Công ty cổ phần
Tôn Đông Á, HSBC Việt Nam đóng vai trò là ngân hàng phát hành và Vietcombank
là ngân hàng thông báo và cũng là ngân hàng được chỉ định. Toàn bộ quy trình giao
dịch này (trừ khâu thanh toán) được hoàn thành trên nền tảng Blockchain. Các bên
đã hoàn thành việc xuất trình bộ chứng từ trên mạng lưới Contour thay cho việc gửi
chứng từ giấy qua đường chuyển phát (Vietcombank, 2020). Song, trong giao dịch
L/C nội địa, bộ chứng từ thương mại được yêu cầu xuất trình rất đơn giản, chỉ bao
gồm các chứng từ do người bán lập mà không có các chứng từ của bên thứ ba. Do
vậy, trong giao dịch này, bên bán hoàn toàn có thể tải các chứng từ này dưới dạng
điện tử lên Blockchain.
Việc ứng dụng công nghệ Blockchain trong giao dịch L/C là một dấu mốc quan
trọng thể hiện nỗ lực của các NHTM Việt Nam trong tiến trình đổi mới sản phẩm
dịch vụ trên cơ sở số hóa hoạt động thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại. Các
ngân hàng trên bước đầu đã hoàn thành việc thí điểm giao dịch L/C trên nền tảng
Blockchain, qua đó khẳng định uy tín và thương hiệu đối với khách hàng.

You might also like