You are on page 1of 1

“Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh đã cho ta thấy những kỉ niệm đẹp đẽ tuổi thơ và tình cảm bà

cháu qua cảm xúc của người lính. Tác phẩm mang đến góc nhìn mới về tình cảm yêu gia đình, quê
hương sâu sắc của người chiến sĩ khi đang hành quân xa. Những dòng thơ đầu là niềm xúc động trào
dâng trong tâm trí người lính khi nghe được tiếng gà trưa qua một xóm nhỏ: “Nghe xao động nắng
trưa”, “Nghe bàn chân đỡ mỏi”, “Nghe gọi về tuổi thơ”. Hình ảnh đàn gà nhiều màu sắc, đẹp đẽ và khỏe
mạnh: “mái mơ”, “đốm trắng”, “mái vàng”, “màu nắng”, “ổ rơm hồng” khiến những kí ức hiện lên thật
sinh động và đầy sức sống. Nhà thơ đã kỳ công trong những nét vẽ khắc họa hình tượng người bà:
“mắng yêu cháu”, “chăm sóc đàn gà”, “mua cho cháu quần áo mới” và đặc biệt là “lo sương muối gà toi”
khiến độc giả vừa hình dung được sự tần tảo, chịu khó; yêu thương, bảo ban cháu của người bà, vừa
cảm nhận được sự yêu mến, biết ơn của cháu dành cho bà. Tuy chỉ là những hình ảnh thơ bình dị, gần
gũi về tuổi thơ của người lính nhưng lại gợi ra trong lòng người đọc cảm giác bình yên và thân thuộc lạ
lùng. Những cảm xúc đẹp đẽ đọng lại trong tâm hồn người đọc còn được nhân lên từ hình thức nghệ
thuật đặc sắc của bài thơ. Thể thơ năm chữ giàu tính tự sự, nhịp thơ đều đặn, cùng các biện pháp tu từ
so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ,... mang đến cho tác phẩm sự êm đềm bên bà của người lính. Những hình ảnh
thơ giản dị, chân thực mà sống động đã khẳng định tình bà cháu sâu đậm, thắm thiết. Ở đó ta thấy được
ý nghĩa của hành động ra đi chiến đâu bảo vệ “tổ quốc”, “xóm làng thân thuộc”, “bà”, “tiếng gà cục tác”
của người lính. Bài thơ không chỉ thể hiện tình cảm yêu kính bà, nỗi nhớ về kỉ niệm tuổi thơ mà còn làm
sâu sắc thêm tình yêu quê hương, đất nước cả những người lính chiến đấu để mang lại cuộc sống bình
yên.

You might also like