You are on page 1of 4

Tai nạn giao thông

THƯƠNG TÍCH DO PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG

Mục tiêu học tập


1. Nêu được nguyên nhân chính của tai nạn giao thông.
2. Trình bày được các nhóm tổn thương của tai nạn ô tô.
3. Trình bày được tổn thương do tai nạn tàu hỏa.

Tổn thương do tai nạn giao thông là loại tổn thương thường gặp trong
giám định y pháp, tai nạn giao thông đã trở thành một mối hiểm họa lớn và
là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao đối với các nước trên thế
giới cũng như ở nước ta. Ở các nước phát triển số lượng và lưu lượng
phương tiện tham gia giao thông rất lớn nhưng sự gia tăng của tai nạn giao
thông lại thấp hơn ở các nước đang phát triển bởi họ đã khắc phục được
những vấn đề mấu chốt dẫn đến tai nạn giao thông như: Mở mang đường xá,
làm đường nhiều tầng, đường vượt qua các giao lộ, quy định đường một
chiều, đường dành riêng cho từng loại phương tiện, quy định tốc độ tối đa
cho mỗi loại xe trên những phần đường nhất định, kiểm soát chặt chẽ người
sử dụng phương tiện và các loại phương tiện tham gia giao thông…
Nước ta đang trong giai đoạn phát triển nền kinh tế các loại phương tiện
tham gia giao thông ngày càng tăng, lưu lượng vận chuyển ngày càng lớn,
rất nhiều loại phương tiện đồng loạt cùng tham gia trên cùng một con đường
nên tai nạn giao thông cũng không ngừng tăng lên. Sự gia tăng của tai nạn
giao thông đã trở thành vấn đề bức bách của toàn xã hội do đó Đảng và Nhà
nước đã có những chủ trương và chính sách, các giải pháp nhằm giảm thiểu
tai nạn giao thông, tuy nhiên tình hình tai nạn giao thông vẫn chưa được cải
thiện. Nguyên nhân gây tai nạn là do hệ thống đường xá chật hẹp, xuống
cấp, tình trạng chiếm lòng lề đường, các loại phương tiện tham gia giao
thông cũ nát và chắp vá, đặc biệt là sự nhận thức của nhân dân còn hạn chế
về luật lệ giao thông...
Phương tiện giao thông có rất nhiều loại: Xe đạp, xe máy, ô tô, máy bay,
tàu hỏa, tàu thủy... mỗi loại phương tiện tạo nên tổn thương đặc trưng của
nó, tuy nhiên trong phạm vi phần này chỉ đề cập đến hai loại tai nạn giao
thông chính là tai nạn ô tô và tai nạn tàu hỏa.

I. TỔN THƯƠNG DO TAI NẠN Ô TÔ


Nói đến tai nạn ô tô, người ta nghĩ đến thương tích do bánh xe ô tô lăn
qua người, tuy nhiên thương tích này thường ít gặp hơn những thương tích
do bộ phận của xe gây nên như: Vô lăng (volant), ghế ngồi, cánh cửa xe
hoặc ngã từ trên xe xuống. Tổn thương do ô tô gây nên thường là tổn
thương phối hợp do:
- Bộ phận của xe tác động trực tiếp vào cơ thể như: Ðầu xe, thành xe,
chắn bùn, đèn pha, chỗ lên xuống...
- Nạn nhân bị các bộ phận của xe xô ngã xuống nền đường.
- Nạn nhân bị bánh xe lăn lên người.
1. Bộ phận của xe tác động lên cơ thể
1.1. Tổn thương trực tiếp
- Ðối với người đi đường
Các loại xe nhỏ thường gây nên những tổn thương ở phần thấp. Chắn
sốc (pare-chocs) của xe con tác động trực diện làm gãy 1/3 trên hoặc giữa
xương cẳng chân, chắn sốc xe lớn làm gãy xương đùi, vỡ xương mu, xương
chậu hoặc cao hơn gây vỡ tạng đặc: Gan, lách, thận... Hình ảnh gãy xương
thường đa dạng gãy làm hai hoặc nhiều mảnh và kèm theo có tổn thương
phần mềm. Tổn thương bên ngoài là bầm tím có khi không có dấu tích
nhưng tổn thương bên trong rất nặng nề.
Trong trường hợp thương tích sọ não thường thấy bầm tím, rách da đầu,
rạn vỡ xương sọ, tụ máu trong não ở những nơi tác động trực tiếp hoặc dập
não ở những nơi đối diện lực tác động.
- Ðối với người ngồi trên xe
Thường gặp khi tai nạn bất ngờ như xe chạy tốc độ lớn đâm vào cột
điện, cây, xe chạy ngược chiều... Lái xe thường bị vô lăng đập mạnh vào
ngực làm dập lồng ngực, tim, phổi. Người ngồi trong xe bị chấn thương cột
sống (tủy giãn đột ngột) dẫn đến tử vong. Người ngã từ trên xe xuống
thường gặp là chấn thương sọ não, sau đó mới đến chấn thương chân tay và
chấn thương ngực bụng.
1.2. Tổn thương gián tiếp
Tổn thương thứ phát là do nạn nhân bị các bộ phận của xe xô ngã gây
nên chấn thương sọ não kín hoặc hở, chấn thương lồng ngực ít gặp hơn.
Trường hợp nạn nhân bị xe kéo lê trên mặt đường do đó bên ngoài có các
mảng xây xát da chạy song song. Căn cứ vào hướng vết xây xát ta có thể
phán đoán hướng chuyển động của xe.
2. Ðặc điểm thương tích của bánh xe lăn qua người
Tổn thương này ít gặp hơn tổn thương do va quệt và thường do các loại
xe lớn gây nên. Mức độ và đặc điểm của tổn thương tùy thuộc vào tốc độ,
trọng lượng, hướng lăn của xe, bộ phận cơ thể bị đè ép... Tìm tổn thương
này dựa vào hai đặc điểm sau:
- Tìm dấu vết lốp xe
Dấu ấn của lốp in trên cơ thể là dấu hiệu đặc trưng của loại tổn thương
này. Dấu hiệu này có thể thấy trên áo quần hoặc trên cơ thể, những chỗ bám
bụi đất là phần lõm của lốp, còn phần không thấy hoặc thấy rất ít bụi đất là
phần lồi của lốp hoặc những vùng bầm máu là phần lồi của lốp và phần
không bầm máu là phần lõm của lốp xe. Xác định được vết lốp xe giúp ta
tìm ra loại xe gây tai nạn.
- Tìm tổn thương lóc da
Tổn thương lóc da là tổn thương đặc hiệu khi bánh xe lướt qua trên bề
mặt cơ thể thường gặp ở mông, đùi, cẳng chân, cánh tay và cẳng tay. Phần
da tách rời khỏi bộ phận bên dưới trên một diện rộng tạo ra những hồ máu
dưới da và trên phần dập nát. Bên ngoài da thấy xây xát, bầm tím, phồng
lên, nắn lùng nhùng, rạch da ta có thể lấy được nhiều máu cục có khi hàng
lít. Tổn thương lóc da xác minh có bánh xe lăn qua cơ thể, riêng thương tích
này có thể chết do choáng chấn thương. Bánh xe lăn qua đầu gây bẹp sọ, lồi
não và khó nhận dạng nạn nhân, bánh xe lăn qua ngực bụng gây vỡ các tạng
bên trong.

Hình 23. Vết lốp trên áo Hình 24. Vết lốp ở đùi

Hình 25. Vết lốp ở ngực Hình 26. Vết ép trên mặt đường

II. TỔN THƯƠNG DO TAI NẠN TÀU HỎA


Hoàn cảnh xảy ra loại tai nạn này rất đa dạng: Hai tàu ngược chiều đâm
nhau, tàu đổ, đứng sát đường bị tàu hút vào đường ray, ngã từ trên tàu
xuống... hoặc gặp trong trường hợp đưa tử thi vào đường ray để làm hiện
trường giả. Có hai nhóm tổn thương chính:
1. Tổn thương điển hình
- Là tổn thương do đè ép giữa bánh xe và đường ray: Phần mềm và
xương bị nghiền nát, đứt rời và bàm ngấm máu kèm theo dính nhiều dầu mỡ
và bụi than ở tổ chức cơ thể.
- Những phần tổ chức bị cắt rời, dập nát bị kéo lê và rải trên mặt đường.
2. Tổn thương không điển hình
Ðây là những tổn thương do quá trình va đập gây nên lúc tàu đang
chuyển động như: Nhảy lên, xuống tàu, đi trên nóc tàu, đứng giữa hai toa
xe... Các loại tổn thương có thể thấy là xây xát, rách nát phần mềm chấn
thương sọ não, gãy xương, vỡ phủ tạng...tổ chức bị tổn thương không dính
dầu mỡ.
Tóm lại: Khi tiến hành giám định một trường hợp bị thương tích do ô tô,
tàu hỏa cần phải:
- Tìm các tổn thương đặc hiệu của mỗi loại phương tiện.
- Xác định tư thế của nạn nhân so với phương tiện giao thông
gây tai nạn. - Xác định đâu là những tổn thương trước khi chết và
đâu là tổn thương sau chết. - Nguyên nhân gây tử vong cho nạn
nhân.
- Thu giữ và đối chiếu vết dầu mỡ, vết sơn trên cơ thể nạn nhân cũng
như vết máu, tổ chức trên phương tiện (nếu có) xem có phù hợp không.
Tất cả các yếu tố đó giúp cho giám định viên phân biệt được đây là
trường hợp chết do tai nạn giao thông hay chết do các nguyên nhân khác.

------o0o------

43

You might also like