You are on page 1of 9

1.3.

Môi trường quản trị


1.3.1. Khái niệm môi trường quản trị
Môi trường quản trị chỉ các định chế hay lực lượng bên trong và bên ngoài có ảnh hưởng
đến hoạt động quản trị của tổ chức.
Theo Robbins, nhà quản trị chỉ có ảnh hưởng giới hạn đến kết quả hoạt động của tổ chức
(mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên) vì tổ chức có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả
của tổ chức mà nhà quản trị không thể kiểm soát, khống chế được nó. Chúng là các yếu
tố của môi trường bên trong và bên ngoài tổ chức.
Các yếu tố của môi trường quản trị luôn vận động, tương tác lẫn nhau, có ảnh hưởng trực
tiếp hay gián tiếp đến hoạt động quản trị một tổ chức. Tình hình suy thoái kinh tế dẫn đến
sức mua giảm, sự thay đổi của công nghệ, kỹ thuật dẫn đến trên thị trường xuất hiện sản
phẩm mới có chất lượng tốt, giá rẻ, một cán bộ quản trị giỏi, một nhân viên thạo việc
bỗng nhiên xin đi khỏi công ty mà chưa có người thay thế tương xứng, sự thay đổi của
giá cả các yếu tố đầu vào... tất cả chúng đều ảnh hưởng đến hoạt động quản trị.
Các yếu tố của môi trường quản trị được chia thành 2 nhóm: nhóm yếu tố môi trường bên
ngoài và nhóm yếu tố môi trường bên trong tổ chức.
1.3.2. Môi trường bên ngoài
Môi trường bên ngoài tổ chức bao gồm hai nhóm yếu tố: những yếu tố của môi trường vĩ
mô và những yếu tố của môi trường vi mô (môi trường ngành). Những yếu tố này đều
nằm ngoài tổ chức.
1.3.2.1. Môi trường vĩ mô
Đây là nhóm các yếu tố không chỉ ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến hoạt động quản
trị tổ chức mà còn ảnh hưởng đến cả các yếu tố của môi trường vi mô và môi trường bên
trong tổ chức. Chúng bao gồm các yếu tố kinh tế vĩ mô, chính trị, luật pháp, văn hóa xã
hội, sự tiến bộ của khoa học công nghệ, yếu tố tự nhiên... những yếu tố này có thể tạo cơ
hội cũng như rủi ro cho hoạt động quản trị tổ chức.
a) Yếu tố kinh tế vĩ mô
Các yếu tố kinh tế vĩ mô gồm: Thu nhập quốc dân (tăng trưởng hay suy thoái kinh tế),
lạm phát, tỷ giá hối đoái và lãi suất, công ăn việc làm và tiền lương, thuế...
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP): GDP tăng hay giảm có ảnh hưởng đến tăng hay giảm
thu nhập của dân cư, tăng hay giảm đầu tư, chi tiêu công dẫn đến tăng hay giảm nhu cầu
hàng hóa dịch vụ trong nền kinh tế, tăng, giảm quy mô thị trường hang hoá dịch vụ... Đây
là những thông tin quan trọng cho các hoạt động quản trị (hoạch định chiến lược, tác
nghiệp, tổ chức điều hành và kiểm soát cũng như các hoạt động quản trị tác nghiệp).
Lạm phát: Lạm phát làm cho gia tăng chi phí các yếu tố đầu vào, giá cả tăng cao làm sức
cạnh tranh giảm, khó tiêu thụ. Mặt khác lạm phát cao cũng dẫn đến thu nhập thực tế của
người dân giảm nên nhu cầu người dân và sức mua giảm. Các thông tin trên giúp nhà
quản trị doanh nghiệp cần phải điều chỉnh chiến lược và chính sách thích hợp để tránh
được thua lỗ, hạn chế tác hại, rủi ro của yếu tố lạm phát.
Tỷ giá hối đoái và lãi suất: Tỷ giá hối đoái ảnh hưởng đến chi phí và giá thành hàng
hóa, dịch vụ. Nhất là đối với doanh nghiệp kinh doanh thương mại quốc tế. Sự thay đổi tỷ
giá ảnh hưởng mạnh đến xuất nhập khẩu và đầu tư, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản
phẩm thông qua nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị và sử dụng dịch vụ...
Yếu tố lãi suất tiền vay cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí, giá thành ảnh hưởng trực
tiếp đến đầu vào và đầu ra của doanh nghiệp. Trong hoạch định thực thi chiến lược và
chính sách quản trị kinh doanh, quản trị tài chính cần phải chú ý đến các yếu tố này.
Công ăn việc làm và thu nhập: Tình trạng công ăn việc làm và thu nhập của người lao
động, chính sách tiền lương của nhà nước có tác động mạnh đến việc mở rộng hay hạn
chế việc thuê mướn lao động, tác động đến chi phí và giá thành của sản phẩm. Tình hình
cung cầu lao động và tiền lương trên thị trường lao động buộc các nhà quản trị phải cân
nhắc trong thuê mướn lao động, mở rộng hay hạn chế quy mô, thu hút, sử dụng lao động,
đến việc áp dụng các mô hình kinh doanh sử dụng công nghệ cao với lao động lành nghề
hay ngược lại. Chính sách tiền lương tối thiểu và việc thay đổi hệ thống tiền lương có thể
sẽ gây ra áp lực hoặc tạo thuận lợi cho nhà quản trị, đòi hỏi phải có biện pháp có hiệu quả
hơn sử dụng nguồn nhân lực.
Thuế: Thuế suất tăng dẫn đến chi phí tăng, làm tăng giá thành, gây khó khăn cho kinh
doanh. Việc hạ thấp thuế suất sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Thuế suất áp dụng cho
các ngành nghề, lĩnh vực, sản phẩm ở mỗi giai đoạn có thể khác nhau đòi hỏi nhà quản trị
phải linh hoạt trong hoạch định kinh doanh, chiến lược sản phẩm, thị trường để tránh rủi
ro và kinh doanh có lợi.
b) Yếu tố chính trị, luật pháp
Ổn định chính trị là điều kiện cần thiết khách quan để phát triển kinh tế đất nước vì các
doanh nghiệp là tế bào của nền kinh tế. Các nghị quyết, chính sách của Đảng và nhà
nước, hệ thống luật đúng đắn, phù hợp với thực tiễn thị trường sẽ thúc đẩy hoạt động của
doanh nghiệp trong kinh tế thị trường. Mở cửa, hội nhập nền kinh tế có tác động định
hướng chung đối với nền kinh tế và doanh nghiệp vừa có thể tạo thời cơ song cũng có thể
là rủi ro mà trong quản trị doanh nghiệp phải tính đến để đưa ra những quyết định quản
trị cả về chiến lược lẫn tác nghiệp phù hợp. Trong dài hạn luật và chính sách có thể thay
đổi do những nguyên nhân khác nhau, có thể là chúng không phù hợp với thực tiễn hoặc
do yếu tố môi trường thay đổi nên cần phải có những thay đổi, điều chỉnh do đó trong
chiến lược dài hạn các doanh nghiệp phải dự báo được sự thay đổi của luật, chính sách để
chủ động hoạch định, điều chỉnh chiến lược phát triển.
Trong điều kiện hội nhập với thị trường bên ngoài, quản trị doanh nghiệp phải nắm được
quy định của WTO, của các khối thị trường và quốc gia mà doanh nghiệp có quan hệ
kinh tế để đảm bảo các quyết định quản trị chiến lược và hoạt động tác nghiệp phù hợp,
tận dụng những cơ hội và hạn chế rủi ro trong môi trường quốc tế.
c) Yếu tố văn hóa, xã hội
Quản trị tổ chức liên quan đến vấn đề sử dụng nguồn nhân lực, đến khách hàng, nhà cung
cấp, đối thủ cạnh tranh mà yếu tố văn hóa truyền thống, phong tục tập quán, các chuẩn
mực xã hội, đạo đức, đặc điểm nhân khẩu học chi phối mạnh mẽ hành động của người lao
động trong tổ chức, doanh nghiệp, hành vi của khách hàng, nhà cung cấp và đối thủ cạnh
tranh trong kinh doanh cùng với xu hướng toàn cầu hóa dẫn đến sự đa dạng về văn hóa,
lối sống của các đối tượng này mà quản trị tổ chức, doanh nghiệp cần phải có nội dung,
cách thức thích hợp.
d) Yếu tố công nghệ, kỹ thuật
Mục đích kinh doanh trong kinh tế thị trường là đáp ứng nhu cầu của thị trường, khách
hàng để tìm kiếm lợi nhuận. Song nhu cầu của thị trường luôn thay đổi, khách hàng đòi
hỏi ngày càng khắt khe về chất lượng, sự phù hợp về giá cả và phương thức phục vụ nên
doanh nghiệp cần phải áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng hàng hoá, dịch
vụ mà áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ là một trong những con đường cơ bản, hữu
hiệu; Ở một khía cạnh khác cạnh tranh khốc liệt với đối thủ để tồn tại và phát triển cũng
đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh, việc đối thủ đi trước trong áp
dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ cũng là yếu tố buộc doanh nghiệp phải liên tục đổi
mới, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, nhất là trong bối cảnh môi trường
khoa học, công nghệ có những đặc điểm mới với nhiều cơ hội và thách thức. Có thể tóm
tắt những đặc điểm của yếu tố môi trường công nghệ, kỹ thuật hiện nay như sau:
Do những lợi thế vượt trội của kỹ thuật, công nghệ mà nhu cầu sản phẩm kỹ thuật, công
nghệ ngày càng tăng đã thúc đẩy sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ dẫn
đến lượng phát minh, sáng chế ngày càng tăng, thời gian ứng dụng chuyển giao ngày
càng rút ngắn, chu kỳ đổi mới công nghệ, kỹ thuật ngày càng giảm cùng với vòng đời sản
phẩm, xuất hiện nhiều vật liệu mới, công nghệ kỹ thuật mới với những tính năng vượt trội
đem lại hiệu quả cao trong ứng dụng, sự bùng nổ của internet và các công nghệ thông tin,
truyền thông... Có thể nói các yếu tố trên đây vừa có thể đem lại thời cơ song cũng là
những thách thức to lớn trong kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Phần thắng sẽ dành
cho các doanh nghiệp có năng lực dự báo, phân tích, lựa chọn, tiếp nhận và khai thác
thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ và ứng dụng chúng có hiệu quả vào hoạt động
kinh doanh và quản trị.
e) Yếu tố tự nhiên
Yếu tố tự nhiên bao gồm khí hậu, thủy văn, địa lý, địa hình, các nguồn tài nguyên thiên
nhiên... Các yếu tố tự nhiên là một nguồn lực đem lại cuộc sống cho con người. Lối sống,
sinh hoạt và các nhu cầu của con người do đó chịu sự chi phối mạnh mẽ của các yếu tố tự
nhiên. Song việc khai thác, sử dụng các yếu tố tự nhiên thiếu khoa học, hợp lý cũng dẫn
đến tàn phá môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến con người. Do đó, trong kinh doanh và
quản lý cần phải có kế hoạch khoa học, hợp lý để khai thác và bảo vệ tài nguyên, bảo vệ
môi trường là cái nôi mà con người đang sống. Doanh nghiệp cần phải thể hiện trách
nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp trong vấn đề này.
Như vậy, các yếu tố môi trường vĩ mô tồn tại khách quan, chúng tác động theo hướng cả
tạo cơ hội lẫn rủi ro và bản thân chúng cũng luôn có mối quan hệ tác động lẫn nhau. Hoạt
động của doanh nghiệp không chỉ chịu tác động thụ động bởi các yếu tố môi trường vĩ
mô mà cũng tác động đến chúng cả tích cực lẫn tiêu cực, do đó trong hoạt động quản trị
không chỉ chú trọng nhận thức, khai thác, sử dụng mà phải chú ý đến cả việc hoàn thiện
các yếu tố môi trường vĩ mô.
Hộp 1.2:
Môi trường vĩ mô ở Việt Nam và những thay đổi Báo cáo thường niên về chỉ số thuận lợi
kinh doanh (Doing Business report) do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố việc xếp hạng
dựa trên 10 tiêu chí gồm: Thành lập doanh nghiệp; xin cấp phép xây dựng; tiếp cận điện
năng; đăng ký tài sản; vay vốn; bảo vệ nhà đầu tư nhỏ; nộp thuế; giao thương quốc tế;
thực thi hợp đồng; xử lý khi mất khả năng thanh toán.
Theo Doing Business 2017, có bốn nền kinh tế khu vực Đông Á Thái Bình Dương lọt vào
nhóm 10 nền kinh tế đứng đầu bảng xếp hạng Môi trường Kinh doanh tốt, đó là New
Zealand (số 1), Singapore (số 2), Đặc khu Hành chính Hồng Kông, Trung Quốc (số 4) và
Hàn Quốc (số 5). Các nền kinh tế xếp hạng thấp nhất trong khu vực là Myanmar (số 170)
và Timor-Leste (số 175). Các nền kinh tế lớn khác và thứ hạng của chúng như sau: Trung
Quốc (số 78), Nhật Bản (số 34), Indonesia (số 91), Malaysia (số 23), Philippines (số 99),
Thái Lan (số 46) và Việt Nam (số 82). Cụ thể theo Báo cáo này, Việt Nam xếp hạng 82
trên tổng số 190 nền kinh tế được đánh giá, tăng 9 bậc so với năm 2016 với một số tiêu
chí được cải thiện như: Tiếp cận điện năng tăng 5 bậc lên thứ 96 trên bảng xếp hạng; Tiêu
chí bảo vệ nhà đầu tư nhỏ tăng ấn tượng 31 bậc lên thứ 87; Tiêu chí nộp thuế tăng 11 bậc
lên thứ 167; Tiêu chí giao thương quốc tế cũng tăng tới 15 bậc lên thứ 93. Bên cạnh đó
vẫn có những tiêu chí quan trọng nhưng bị sụt giảm thứ hạng như: Tiêu chí thành lập
doanh nghiệp giảm tới 10 bậc, xuống thứ 121 trên bảng xếp hạng; Tiêu chí xin cấp phép
xây dựng và vay vốn đều giảm 3 bậc. WB cũng đánh giá: Thách thức vẫn tồn tại trong
các lĩnh vực Thành lập doanh nghiệp, Thương mại qua biên giới và Thực thi hợp đồng.
Ví dụ, để hoàn thành thủ tục xuất khẩu phải mất đến 57 giờ, đây là mức cao hơn hẳn so
với mức trung bình 12 giờ tại các nước thu nhập cao trong khối OECD.
Theo Doing Business 2018, hai nền kinh tế của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương
đứng trong số 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới trong bảng xếp hạng của Môi trường kinh
doanh, đó là Singapore (xếp thứ 2) và ĐKHC Hồng Kông của Trung Quốc (thứ 5). Các
nền kinh tế có thứ hạng thấp nhất của khu vực là Myanmar (thứ 171) và Timor-Leste (thứ
178). Việt Nam và Indonesia là hai nước thực hiện nhiều cải cách nhất trong 15 năm qua,
trong đó mỗi nước cùng có 39 cải cách (doanh nhân tại TP. Hồ Chí Minh chỉ mất 22 ngày
và 6,5% thu nhập đầu người để đăng ký thành lập doanh nghiệp mới, so với 61 ngày và
31,9% năm 2003. Tại Jakarta, mức thu hồi vốn bình quân khi giải thể doanh nghiệp hiện
nay là 64,3 cent Mỹ trên mỗi Đôla, so với 9,9% của năm 2003). Việt Nam tiếp tục được
tăng hạng về môi trường kinh doanh khi xếp hạng 68/190 nền kinh tế được đánh giá, tăng
thêm 14 bậc so với năm 2017; với số điểm 67,93 trên thang 100.
Mặc dù nhiều chỉ số quan trọng ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và năng lực cạnh
tranh đều tăng điểm, tăng hạng và được các tổ chức quốc tế ghi nhận; tuy nhiên, tại Hội
thảo “Kinh tế Việt Nam 2017 và triển vọng 2018: Vững bước cải cách”, bà Nguyễn Minh
Thảo, Trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản
lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, những chuyển biến này vẫn còn thiếu tính bền
vững.
Nguồn: Xuân Thân (2016) - https://vov.vn/kinh-te/viet-nam-tang-9- bac-xep-hang-moi-
truong-kinh-doanh-563581.vov; Quỳnh Chi (2018) - http://theleader.vn/moi-truong-kinh-
doanh-o-viet-nam-da-thuc-suthuan-loi -20180125123538124.htm; https://vov.vn/kinh-
te/xep-hangmoi-truong-kinh-doanh-viet-nam-bat-tang-14-bac-689807.vov
1.3.2.2. Môi trường ngành
Môi trường ngành (hay còn gọi là môi trường đặc thù) bao gồm các yếu tố sau đây:
a) Khách hàng
Khách hàng là người mua sản phẩm của doanh nghiệp. Mua cái gì? Có mua hay không?
Cách thức mua như thế nào? Khi nào mua? là những thông tin mà doanh nghiệp cần phải
có để có thể có kế hoạch đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Trong hoạt động kinh
doanh và quản trị doanh nghiệp cần phải coi khách hàng là thượng đế, là người trả lương,
nuôi sống và phát triển doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp đáp ứng được tốt nhất các nhu
cầu của họ thì sẽ tồn tại và phát triển ngược lại sẽ thất bại. Tất cả các hoạt động hoạch
định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát của doanh nghiệp đều phải dựa trên cơ sở thông tin
về nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, khả năng mua, hành vi và cách thức mua hàng của
khách; phải tính đến sự tín nhiệm của khách hàng để tạo dựng và phát triển chữ tín, phát
triển thương hiệu; phải luôn chủ động thiết lập các kênh thông tin về khách hàng, chủ
động trong dự báo về những thay đổi nhu cầu, thị hiếu, hành vi mua của khách hàng, cập
nhật nhanh chóng, chính xác các thông tin này trong việc ra quyết định kinh doanh và
quản trị.
b) Nhà cung ứng
Nhà cung ứng các yếu tố đầu vào của doanh nghiệp bao gồm: Cung ứng vốn, lao động,
hàng hóa, nguyên vật liệu, công nghệ và thông tin. Các yếu tố đầu vào ảnh hưởng đến số
lượng, chất lượng đầu ra - các sản phẩm mà doanh nghiệp cung ứng cho thị trường. Do
đó, khi xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động tác nghiệp phải tính đến năng lực
nhà cung cấp, đến uy tín của họ và luôn phải có phương án dự phòng để đảm bảo hoạt
động kinh doanh có thế diễn ra thường xuyên, đều đặn mới đảm bảo thực hiện mục tiêu
của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải tổ chức thiết lập, duy trì các mối quan hệ tốt với
nhà cung ứng, luôn có thông tin đầy đủ, chính xác về nhà cung ứng để có quyết định
đúng đắn hữu hiệu trong cung ứng.
c) Đối thủ cạnh tranh
Đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp bao gồm đối thủ cạnh tranh trực tiếp và tiềm ẩn.
Cạnh tranh luôn tồn tại khách quan trong kinh tế thị trường, trong tư duy cạnh tranh ngày
nay người ta không coi “Thương trường là chiến trường” mà cạnh tranh theo hướng cạnh
tranh để phát triển “Vừa cạnh tranh, vừa hợp tác”, để tất cả đều chiến thắng. Để có thể
tồn tại trong cạnh tranh, các doanh nghiệp cần phải có thông tin cập nhật, đầy đủ, chính
xác về chiến lược, chiến thuật của đối thủ cạnh tranh từ đó có chiến lược, chiến thuật, các
công cụ và biện pháp cạnh tranh hữu hiệu. Ngoài yếu tố công nghệ, kỹ thuật thì yếu tố cơ
bản quyết định năng lực cạnh tranh và năng lực cạnh tranh bền vững là dựa trên nguồn
nhân lực với sự sáng tạo không ngừng được tạo ra qua đào tạo để tạo ra sự khác biệt, sự
tiết kiệm chi phi, nâng cao chất lượng hàng hoá, dịch vụ. Để duy trì và nâng cao năng lực
cạnh tranh doanh nghiệp phải thường xuyên nhận diện, xây dựng và duy trì các yếu tố
năng lực cạnh tranh cốt lõi.
Trong khi chú ý đến đối thủ trực tiếp hiện có thì doanh nghiệp còn phải chủ động nhận
diện, dự báo, đánh giá các đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn, các đối thủ mới gia nhập vào ngành
để có biện pháp chủ động đối phó trong dài hạn.
d) Các cơ quan hữu quan
Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp luôn chịu sự quản lý, tác động của các cơ quan
hữu quan như chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý thị trường, hải quan, thuế vụ,
công an. Các cơ quan hữu quan khác thực thi các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, những tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hiệp
hội doanh nghiệp, các tổ chức bảo vệ môi trường, cơ quan truyền thông đại chúng... cũng
vừa là các tổ chức có thể tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp song cũng có thể
tạo ra áp lực mà doanh nghiệp phải tính đến trong quá trình hoạt động.
1.3.3. Môi trường bên trong
Môi trường bên trong tổ chức (nội bộ) gồm các yếu tố và điều kiện bên trong tổ chức
như: nguồn tài chính, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ, cơ cấu tổ chức,
văn hóa tổ chức...
Nguồn tài chính
Nguồn lực tài chính có ảnh hưởng quan trọng đến hoạt động quản trị. Tất cả các hoạt
động và quyết định quản trị đều phải có nguồn tài chính để thực hiện. Nguồn tài chính
đầy đủ, dồi dào sẽ tạo thuận lợi cho việc ra quyết định và triển khai các hoạt động của tổ
chức, và ngược lại sẽ gặp khó khăn, nhất là đối với doanh nghiệp, nếu thiếu không có
nguồn lực tài chính mạnh sẽ khó triển khai hiệu quả hoạt động kinh doanh, thậm chí thua
lỗ, phá sản. Nguồn tài chính có đầy đủ, dồi dào hay không phụ thuộc chủ yếu vào năng
lực tạo và duy trì nguồn cung cấp vốn, vào khả năng sử dụng hiệu quả đồng vốn.
Cơ sở vật chất, kỹ thuật,công nghệ
Các quyết định quản trị và triển khai các hoạt động của nhà quản trị phải dựa trên cơ sở
cơ sở vật chất và kỹ thuật hiện có, phải đảm bảo nhận thức đầy đủ và khai thác tiềm năng
của cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ hiện có và có thể huy động. Cơ sở vật chất, kỹ
thuật, công nghệ yếu kém, lạc hậu sẽ khó khăn cho việc triển khai các hoạt động kinh
doanh và quản trị. Để thuận lợi cho các hoạt động quản trị, nhà quản trị cần có chiến lược
và triển khai chiến lược phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ phù hợp với chiến
lược kinh doanh phát triển của tổ chức.
Nguồn nhân lực
Trong các nguồn lực của tổ chức thì quan trọng nhất là nguồn nhân lực và thực chất quản
trị là quản trị con người. Nhà quản trị cần nhận thức đầy đủ tiềm năng, thế mạnh của con
người trong tổ chức, biết tạo điều kiện, môi trường và động lực để khai thác triệt để và
phát triển các tiềm năng, thế mạnh đó. Khác với các nguồn lực khác, để thu hút và sử
dụng nguồn nhân lực hiệu quả, nhà quản trị coi trọng việc xây dựng và phát triển văn hóa
tổ chức, tạo những nét đặc trưng, thế mạnh cho tổ chức trong hoạt động và quản trị. Lý
luận và thực tiễn đã khẳng định nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng
nhất đối với sự thành bại của một tổ chức. Do đó, để quản trị tổ chức thành công, nhà
quản trị phải biết cách tạo ra, duy trì, phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực của
tổ chức.
Cơ cấu tổ chức
Cơ cấu tổ chức do nhà quản trị xây dựng nên, song đến lượt nó, cơ cấu tổ chức lại tác
động đến hoạt động quản trị tổ chức. Cơ cấu tổ chức hay cấu trúc tổ chức của một tổ chức
được thiết kế như một hệ thống có mục tiêu, nguyên tắc và có cơ chế vận hành nhất định.
Hoạt động quản trị tổ chức phải định hướng đến thực hiện mục tiêu và tuân thủ các
nguyên tắc và cơ chế vận hành của hệ thống mới đảm bảo sự thành công. Song cơ cấu tổ
chức không phải là một hệ thống “đóng”, cố định, bất biến mà còn là hệ thống “mở” có
thể thay đổi, điều chỉnh để phù hợp với môi trường thường xuyên biến động, mà nhà
quản trị chính là chủ thể của sự thay đổi, điều chỉnh này. Cơ cấu tổ chức đúng đắn sẽ đảm
bảo hệ thống quản trị vận hành thuận lợi, hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu của tổ
chức và ngược lại.
Văn hóa tổ chức
Văn hóa tổ chức được xem là nền tảng của hệ thống tổ chức thứ hai. Văn hóa tổ chức quy
định triết lý, các giá trị và chuẩn mực ứng xử... mà mọi thành viên trong tổ chức phải
tuân thủ. Văn hóa tổ chức được xây dựng tốt, tạo được những nét đặc trưng, phát huy
được các giá trị cốt lõi sẽ tạo nên sự cố kết vững chắc, tạo nên sức canh tranh đảm bảo sự
tồn tại và phát triển doanh nghiệp.
Trong quá trình hoạt động, nhà quản trị doanh nghiệp phải nhận diện các điểm mạnh,
điểm yếu của doanh nghiệp thông qua các yếu tố nội bộ của doanh nghiệp xây dựng mục
tiêu, chiến lược, kế hoạch, chính sách của doanh nghiệp, đảm bảo khai thác và sử dụng
hữu hiệu. Mặt khác, nhà quản trị phải thường xuyên hoàn thiện, tạo dựng, duy trì và phát
triển các yếu tố thuộc năng lực cốt lõi, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của nó và
khắc phục những điểm yếu. Trong các yếu tố đó, nguồn nhân lực không chỉ là yếu tố
quan trọng để duy trì hoạt động kinh doanh mà còn là một trong những yếu tố quyết định
khả năng cạnh tranh, đến sự tăng trưởng và phát triển doanh nghiệp.
Ngoài các yếu tố môi trường trên đây, vấn đề toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đang là xu
thế tất yếu, có tác động mạnh mẽ đến tất cả các hoạt động, lĩnh vực của các quốc gia. Các
tổ chức, các doanh nghiệp do đó không chỉ chịu tác động của các yếu tố môi trường trong
nước mà còn cả các yếu tố của môi trường toàn cầu, chúng bao gồm các định chế của khu
vực và toàn cầu, sự phát triển của khoa học công nghệ, sự phát triển của các hình thức
mới về tổ chức và kinh doanh, môi trường đa văn hóa... Môi trường toàn cầu có đặc điểm
mà nhà quản trị cần lưu ý trong quá trình quản trị, đó là:
Hội nhập, toàn cầu hóa kinh tế thế giới có xu hướng ngày càng phổ biến, tăng nhanh cả
chiều rộng lẫn chiều sâu dẫn đến việc tăng nhanh các hoạt động thương mại, đầu tư và
hợp tác.
Xuất hiện các hiệp ước và liên minh kinh tế của các nước trong khu vực và toàn cầu với
các định chế về thương mại và đầu tư có thể tạo thời cơ và những thách thức cho doanh
nghiệp.
Sự xuất hiện của các công ty đa quốc gia với tiềm lực lớn, quy mô hoạt động rộng gây
nên những áp lực cạnh tranh mạnh mẽ.
Hộp 1.3: Môi trường toàn cầu
Hệ thống toàn cầu hóa hơi khác đi chút ít. Nó cũng chứa đựng một đặc điểm lớn - sự hội
nhập. Thế giới ngày nay đã trở nên một nơi có những quan hệ chồng chéo đan xen. Dù
bạn là một công ty hay một đất nước thì những mối đe dọa cũng như những cơ hội sẽ đến
với bạn chính từ những đối tác mà bạn có 45 quan hệ. Hệ thống này cũng được miêu tả
tượng trưng bằng một từ “web (mạng internet)”. Vì thế, theo một nghĩa rộng thì ta đang
tiến từ một hệ thống xây dựng trên sự chia cắt nhiều bức tường ngăn cách, đến một hệ
thống được xây dựng lên bằng sự hội nhập và mạng internet.
Nguồn: Thomas L.Friedman, Chiếc LEXUS và cây O LIU / Toàn cầu hóa là gì? Nhà xuất
bản Khoa học Xã hội, 2005
Các tiến bộ khoa học công nghệ ngày càng tăng cùng với tiến độ chuyển giao và ứng
dụng ngày càng nhanh nhờ sự bùng nổ của công nghệ thông tin cũng là những yếu tố tạo
cơ hội và cả rủi ro cho các doanh nghiệp.
Sự phát triển của các hình thức tổ chức mới, hình thức thương mại hiện đại, cùng với sự
ra đời và phát triển của thương mại điện tử đã làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm
trong kinh doanh và quản trị doanh nghiệp.
Kinh tế ngày càng phát triển, thu nhập người dân ngày càng tăng đã dẫn đến sự thay đổi
trong nhu cầu, cơ cấu nhu cầu và thị hiếu, hành vi mua sắm của người tiêu dùng toàn cầu,
cùng với đó cũng thay đổi những nét văn hóa trong tiêu dùng, mua sắm. Do đó trong xây
dựng chiến lược, kế hoạch và tổ chức các hoạt động doanh nghiệp cần phải tính đến đầy
đủ các yếu tố trên, phải coi sân chơi của doanh nghiệp là “toàn cầu”, phải tính toán, dự
báo đầy đủ, chính xác, kịp thời những cơ hội và thách thức từ sân chơi này. Hội nhập
cũng dẫn đến nhà quản trị có thể phải làm việc trong môi trường đa văn hóa của những
người lao động đến từ các vùng miền, quốc gia khác nhau. Các nhà quản trị cần phải có
những điều chỉnh thích hợp trong quản trị nhân lực, trong xây dựng văn hóa và bầu
không khí làm việc, tinh thần doanh nghiệp trong môi trường đa văn hóa.

You might also like