KTCT PDF

You might also like

You are on page 1of 15

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN

Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế

BÀI TẬP LỚN


Học phần: Chủ nghĩa xã hội khoa học

Đề bài: Phân tích về tình cảnh người công nhân ở thế kỷ 19 trong
cuốn sách “Tình cảnh giai cấp Công nhân Anh” của Ăngghen. Nêu
suy nghĩ của anh chị về học thuyết Sứ mệnh lịch sử của giai cấp
công nhân của Mác và ý nghĩa của nó ngày nay.

Họ tên: Nguyễn Phương Mai

Mã sinh viên: 11217449

Lớp tín chỉ: Chủ nghĩa xã hội khoa học 22

HÀ NỘI - 9/2022
I. Phần 1: Tình cảnh của người công nhân ở thế kỷ 19 qua tác phẩm
“Tình cảnh giai cấp công nhân Anh” của Ăngghen.
1. Khái niệm giai cấp công nhân và sự ra đời của giai cấp công nhân thế
kỷ 19
Giai cấp công nhân là một tập đoàn xã hội hình thành và phát triển
cùng với quá trình phát triển của nền công nghiệp hiện đại; họ lao động bằng
phương thức công nghiệp ngày càng hiện đại và gắn liền với quá trình sản
xuất vật chất hiện tại, là đại biểu cho phương thức sản xuất mang tính xã hội
hóa ngày càng cao. Họ là người làm thuê do không có tư liệu sản xuất buộc
phải bán sức lao động để sống và bị giai cấp tư sản bóc lột giá trị thặng dư; vì
vậy lợi ích cơ bản của họ đối lập với lợi ích cơ bản của giai cấp tư sản. Đó là
giai cấp có sứ mệnh phủ định chế độ tư bản chủ nghĩa, xây dựng thành công
chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới.
Bắt đầu từ nửa sau thế kỷ 19, với sự phát minh ra máy hơi nước và các
máy dệt bông là nguồn gốc cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất –
cuộc cách mạng đã làm thay đổi toàn bộ xã hội thời bấy giờ và khiến cho giai
cấp công nhân ra đời và phát triển. Trong công nghiệp, sự ra đời của các loại
máy móc khiến cho các chủ xưởng có thể sản xuất ra ngày càng nhiều hàng
hóa với giá rẻ, những người sản xuất nhỏ không thể cạnh tranh nổi và bị phá
sản, họ phải bán tư liệu sản xuất của mình và cuối cùng là bán cả sức lao động
để mưu sinh. Trong nông nghiệp, một số đông tiểu điền nhỏ canh tác theo
phương pháp sản xuất cũ kĩ trên một mảnh đất nhỏ cũng không thể cạnh tranh
được với những tá điền lớn, những người này buộc phải bán mảnh ruộng của
mình và đi làm thuê cho tá điền lớn hoặc các chủ xưởng. Như vậy là tiến bộ
của khoa học kĩ thuật đã khiến cho năng suất lao động ngày càng tăng cao,
cạnh tranh cũng ngày càng gay gắt, giai cấp tư sản thì ngày càng giàu lên
trong khi các giai cấp khác thì bị bần cùng hóa, điều đó dẫn tới sự tăng lên
nhanh chóng về số lượng của giai cấp vô sản thế kỉ 19 và là nguyên nhân cho
sự ra đời của giai cấp công nhân.

2
2. Về đời sống vật chất
Sự cùng khổ của giai cấp công nhân thế kỷ 19 trước hết được thể hiện
qua đời sống vật chất. Cụ thể là qua hai mặt đó là điều kiện sinh hoạt và điều
kiện làm việc.
Về điều kiện sinh hoạt, khi nói về tình cảnh giai cấp công nhân thế kỷ
19 trước hết ta phải nói về vấn đề nhà ở, không gian sống của họ - điều mà
Ăngghen đã nhắc đến rất nhiều lần trong tác phẩm. Trong những thành phố
lớn của Anh thời bấy giờ như Manchester, Birmingham hay là ở Leeds đều
tồn tại những khu ổ chuột là nơi giai cấp lao động sống chen chúc. Họ phải
sống trong những căn nhà chật chội, bẩn thỉu và ẩm thấp – chúng thảm hại
đến mức mà Ăngghen đã miêu tả đó là “những căn nhà tồi tàn nhất trong khu
tồi tàn nhất của thành phố”. Thường là cả gia đình phải chui rúc trong một căn
phòng nhỏ hẹp, thiếu thốn đủ mọi tiện nghi: giường, tủ, chăn, nệm,... bởi lẽ
những vật dụng ấy đã bị đem cầm để đổi lấy từng bữa ăn trong những giai
đoạn khủng hoảng kinh tế và thất nghiệp. Ăngghen đã trích dẫn ra số liệu của
một số thành phố tiêu biểu như “Ở Liverpool hơn 1/5 dân số, tức 45000
người, sống trong những căn nhà hầm tối tăm, chật chội, ẩm thấp, bí hơi,
trong thành phố có tới 7862 căn nhà như vậy… Ở Bristol , người ta có lần
điều tra 2800 gia đình lao động, 46% trong đó chỉ có một phòng”. Nhưng
những ai còn có một mái nhà để nương thân thì vẫn còn may mắn hơn là
những kẻ đầu đường xó chợ. “Ở London, hàng ngày có năm vạn người buổi
sáng thức dậy mà không biết đêm nay mình sẽ ngủ nơi đâu”.
Bên trong những căn nhà cũ nát là vậy thì ta cũng chả thể trông mong
gì hơn ở cơ sở hạ tầng đường xá bên ngoài. “Đường phố ở đây cũng thường
không được lát, bẩn thỉu, có nhiều ổ gà, đầy rác rưởi và xác sinh vật, không có
cống rãnh thoát nước, nhưng ngược lại, thường xuyên có nhiều vũng nước hôi
thối. Do xây dựng luộm thuộm nên không khí khó lưu thông, và vì rất nhiều
người sống trong một không gian nhỏ hẹp, nên có thể dễ dàng tưởng tượng

3
bầu không khí của các khu lao động ấy như thế nào.” Giai cấp tư sản còn dựa
vào việc cho thuê nhà ở để bóc lột thêm của người lao động. “Chỉ riêng những
con người đói khát ở phố Charles đã trả cho các chủ nhà một số tiền hàng
năm là 2000 Bảng và 5366 gia đình ở Westminster hàng năm trả một số tiền
bằng 40000 Bảng để thuê nhà”.
Tình cảnh bần cùng của người công nhân còn được thể hiện qua thức
ăn mà họ ăn. Thức ăn của họ nói chung rất khó tiêu và hoàn toàn không phù
hợp với trẻ nhỏ. Chính vì vậy không có gì ngạc nhiên khi hầu hết công nhân
đều mắc chứng tiêu hoá kém (và đây lại là nguồn gốc của nhiều chứng bệnh
khác phổ biến nhất là bệnh tràng nhạc) còn trẻ em thì còi xương, chậm phát
triển. Vậy nhưng họ vẫn phải ăn những thứ thức ăn gây nên chứng bệnh đó
của họ bởi vì với đồng lương ít tỏi và phải làm việc trong công xưởng tới 16
tiếng một ngày người công nhân không có đủ thời gian và tiền bạc để tìm
kiếm những thứ tốt hơn. Thêm vào đó giai cấp tư sản thường trả lương cho
người công nhân vào mỗi chiều thứ bảy, khi người công nhân ra chợ thì
những thứ tươi ngon nhất đã bị mua hết rồi (mà dù còn thì họ cũng chắc
không thể mua được). Cung cấp thức ăn cho công nhân thường là những
người lái buôn nhỏ, để có được mức giá rẻ như vậy thì những thứ hàng mà họ
buôn bán luôn là những thứ tồi nhất mà chắc chắn giai cấp có của không bao
giờ mua “rau héo, pho-mát để lâu và phẩm chất kém, mỡ lợn ôi, thịt không
béo, dai, của súc vật gầy, già, thường là của súc vật ốm hoặc chết, nhiều khi
đã gần thối hỏng”. Bọn thương nhân và chủ xưởng vô lương tâm còn đầu độc
sức khỏe của người lao động bằng những thứ đồ giả, đê tiện nhất vẫn là trộn
bột thạch cao hoặc bột phấn vào bột mì.
Còn thứ quần áo mà họ mặc cũng làm từ thứ vải rẻ tiền nhất – nhung
sợi bông. Thứ vải này dày hơn, cứng hơn và nặng hơn nhưng chống lạnh và
chống ẩm thì lại kém hơn len dạ. Thậm chí nhung sợi bông (fustian) đã trở
thành từ đồng nghĩa để chỉ quần áo của người lao động Anh, và họ cũng tự
xưng là fustian-jackets; để phân biệt với các ngài mặc len dạ (broad-cloth), từ

4
này lại dùng để chỉ những người tư sản. Đa phần những người công nhân đều
chỉ có một bộ quần áo và bộ quần áo này đã cũ nát, tả tơi: “Quần áo của rất
nhiều người lao động, nhất là người Ireland, đúng là giẻ rách, thậm chí nhiều
khi không còn chỗ đặt miếng vá nữa, hoặc vì vá nhiều quá nên không nhận ra
được lúc đầu nó có màu gì”.
Chính vì điều kiện sinh hoạt như vậy nên bệnh tật là điều mà người
công nhân khó có thể tránh khỏi. Những căn nhà với điều kiện thông gió kém
và bẩn thỉu khiến cho khi mà các loại bệnh dịch lan truyền như dịch tả xuất
hiện thì giai cấp công nhân là những người đầu tiên và cũng là những người
phải gánh chịu những hậu quả trầm trọng nhất. Cùng với đó là điều kiện sinh
hoạt không đảm bảo chính là nguồn gốc cho mọi bệnh tật của họ, trong đó
phổ biến nhất là bệnh lao phổi – thứ bệnh đã làm hủy hoại cả nhân dạng của
người lao động được Ăngghen miêu tả như sau: “…những bóng ma nhợt nhạt,
gầy còm, ngực lép, mắt sâu đó, mà người ta gặp ở mỗi bước đi; những bộ mặt
tiều tụy, uể oải, mất hết nhựa sống ấy, tôi không thấy ở đâu nhiều như
London” Tuy nhiên tiền thuê bác sĩ thì rất đắt và những người lao động đành
phải tìm tới những tên lang băm. Lợi dụng sự nghèo khó và thiếu hiểu biết
của họ giai cấp tư sản còn bán ra những thứ thuốc giả được quảng cáo là trị
bách bệnh như “Thuốc viên Morrison, Thuốc viên Bổ khí Parr, Thuốc viên
Bác sĩ Mainwaring và hàng ngàn loại thuốc viên, tinh dầu, dầu thơm khác”.
Thứ bệnh hoành hành dữ dội nhất trong nhân dân lao động thời bấy giờ đó là
bệnh thương hàn. Điều đó được thể hiện qua những con số thống kê trên khắp
đất nước Anh thời bấy giờ “tại Bệnh viện Sốt London, năm 1843 có 1462
bệnh nhân điều trị, nhiều hơn bất cứ năm nào trước đó 418 người”; “ở
Edinburgh, nạn dịch năm 1817 có 6000 người, nạn dịch năm 1837 có 10.000
người mắc bệnh”; “sau cơn khủng hoảng năm 1842: 1/6 tổng số dân nghèo
Scotland mắc bệnh”. Nhưng những bệnh tật ấy hiển nhiên không đụng tới các
giai cấp trung đẳng và thượng đẳng của xã hội “Ở Liverpool năm 1840, tuổi
thọ trung bình của các giai cấp trên là 35, trong giới buôn bán và các thợ thủ

5
công khá giả là 22 tuổi, còn với công nhân, người làm công nhật, và người lao
động làm thuê nói chung thì chỉ có 15 tuổi”. Theo Ăngghen các báo cáo khác
cũng chỉ ra sự thật tương tự.
Giai cấp công nhân chính là những người đóng góp nhiều nhất cho sự
phồn thịnh của một xã hội, là giai cấp tạo ra đa số của cải vật chất để nuôi
sống xã hội nhưng đổi lại xã hội trả công họ bằng nhà ở, quần áo và ăn uống
tồi tàn nhất. Bởi lẽ những thứ tốt đẹp nhất đều bị giai cấp tư sản chiếm đoạt
dưới sự bảo hộ của pháp luật, công sức lao động mà người công nhân làm ra
đã bị bóc lột một cách tàn nhẫn.
Về điều kiện làm việc, thứ nhất, người lao động phải làm việc trong
những điều kiện hết sức khắc nghiệt, thậm chí là nguy hiểm mà không có các
biện pháp bảo hộ. Việc phải thường xuyên làm việc với máy móc khiến công
nhân phải duy tri một tư thế trong thời gian dài và bệnh tật cùng những dị tật
của cơ thể là một hậu quả tất yếu không thể tránh khỏi. “Đặc biệt có hại là
việc kéo sợi lanh bằng phương pháp ẩm,… và hậu quả là cảm mạo thường
xuyên và bệnh phổi”. “Một hậu quả của việc kéo sợi lanh là việc vai biến
dạng đặc biệt, xương bả vai bên phải nhô ra trước, do bản chất của công việc
ấy gây ra”. Ở thời kì đó, máy móc được sắp xếp không hợp lý, thường là rất
sát nhau mà lại không có lan can hay rào chắn bảo vệ. “Làm việc cùng máy
móc thường gây ra nhiều tai nạn ít nhiều nghiêm trọng… Ở Manchester,
ngoài những người bị dị tật, ta còn thấy một số rất lớn người cụt chân tay;
người này mất một nửa hoặc cả cánh tay, người kia mất một bàn chân, người
khác mất một nửa chân; cứ như là sống giữa một toán thương binh từ chiến
trận trở về”. Ngoài ra ở một số ngành công nghiệp điều kiện làm việc độc hại
gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động mà họ vẫn không nhận được
một khoản tiền bồi thường thích đáng từ người chủ.
Thứ hai, họ phải chịu đựng rất nhiều luật lệ hà khắc và là nạn nhân của
những áp bức bất công trong chế độ tư bản. Ở nhà xưởng, chủ xưởng là nhà
lập pháp tuyệt đối và người công nhân buộc phải tuân thủ theo những quy

6
định đó dù cho nó có phi lí đến đâu. Việc ăn uống ngủ nghỉ của anh ta đều
phải theo mệnh lệnh, cả thời gian đi vệ sinh cũng giảm tới mức tối thiểu. Có
nhiều chủ xưởng dùng những biện pháp tàn bạo và nhẫn tâm nhất, để kiếm
thêm tiền phạt từ công nhân: “Buổi sáng, khi đến xưởng, công nhân thường
thấy đồng hồ của xưởng nhanh lên mười lăm phút, do đó cổng đã khóa và họ
không vào được; trong khi đó, tên nhân viên văn phòng, tay cầm sổ phạt, đi
qua các phân xưởng và ghi lại một số lớn công nhân vắng mặt”.
Qua đó, có thể thấy những người công nhân phải chịu đựng đủ mọi khổ
cực bởi lòng tham của giai cấp tư sản. Chỉ vì lợi ích của một giai cấp, mà bao
nhiêu người đã bị dị tật hoặc tàn phế và bao nhiêu công nhân cần cù đã phải
sống trong đói khổ, bệnh tật.

3. Về đời sống tinh thần


Xã hội tư bản ấy không những đày đọa người công nhân về mặt thể
chất mà còn khiến họ tha hóa về tinh thần.
Thứ nhất, cuộc sống nghèo khổ đã tước đi đời sống gia đình của người
công nhân. Việc ứng dụng máy móc kĩ thuật khiến cho tính chất nặng nhọc
của lao động chân tay giảm đi đáng kể và các chủ xưởng có thể thuê cả lao
động là phụ nữ hoặc trẻ em với giá rẻ hơn so với công nhân nam, từ đó trở đi
mối quan hệ trong gia đình bị đảo lộn hoàn toàn: người chồng mất việc phải ở
nhà còn người vợ và các con của anh ta thì lại phải trở thành trụ cột gia đình.
Thậm chí, hạnh phúc của một gia đình có thể bị hủy hoại khi mà người phụ
nữ phải đi làm cả ngày không có thời gian cho gia đình cũng như nuôi dạy
con cái, kể cả khi có thai họ vẫn phải làm việc đến tận ngày đẻ. Và vì trẻ em
gái phải đi làm trong công xưởng từ khi mới 7-9 tuổi nên sau này lớn lên
chúng cũng không biết cách chăm lo cho gia đình. Con cái thì không được săn
sóc, không biết kính yêu cha mẹ; đàn ông thì bị thất nghiệp, chồng phải sống
nhờ vào vợ con. Hơn nữa, sống trong điều kiện những căn nhà cũ nát, tồi tàn,

7
không có bất kỳ tiện nghi nào như thế thì cũng khó mà có được hạnh phúc
thật sự.
Thứ hai, trong xã hội đầy áp bức bóc lột ấy người công nhân bị tha hóa
về mặt đạo đức. Giai cấp tư sản luôn phê phán giai cấp công nhân vì những
tính xấu của họ nhưng lại không cung cấp cho người công nhân một nền giáo
dục đầy đủ và đúng nghĩa mặc dù theo luật pháp quy định các chủ xưởng phải
có trách nhiệm đó. Theo "Báo cáo của tiểu ban điều tra về lao động trẻ em" ở
Birmingham mà Ăngghen đã trích dẫn trong tác phẩm thì có quá nửa số trẻ 5-
15 tuổi không được đi học, số trẻ đi học thì luôn thay đổi, thế nên muốn cho
chúng chút ít giáo dục kha khá cũng không được; tất cả trẻ đều bỏ học rất sớm
để đi làm. Kể cả khi có được đến trường thì chúng cũng không được giáo dục
về đạo đức và những người giáo viên (thường là những công nhân không còn
sức lao động được các chủ xưởng thuê với cái giá rẻ mạt) cũng không đảm
bảo được yêu cầu về kĩ năng chuyên môn cũng như là đạo đức để dạy học.
“Do đó, trình độ đạo đức của trẻ em rất tệ: một nửa số tội phạm là dưới 15
tuổi; chỉ trong một năm, đã có 90 trẻ mười tuổi bị kết án, trong đó 44 đứa
phạm tội hình sự. Theo các ủy viên tiểu ban, thì quan hệ tình dục hỗn loạn,
ngay từ tuổi rất nhỏ, hầu như là hiện tượng phổ biến (Grainger, "Báo cáo" và
Văn kiện)”. Vì vậy khó tránh khỏi chúng lớn lên trở thành những người
không đàng hoàng.
Bên cạnh đó, dưới sự bóc lột chế độ tư bản người công nhân không
được hưởng những thú vui về tinh thần, mà toàn là những thú vui về thể xác:
uống rượu và dâm ô, cho nên chẳng có gì ngạc nhiên khi họ sa vào thói xấu
ấy. Bản thân người công nhân phải chịu trách nhiệm với những sa đọa của họ
nhưng ở đây giai cấp tư sản còn đáng trách hơn bởi chúng chính là chủ mưu
đẩy giai cấp công nhân vào tình cảnh ấy. Chúng là kẻ tiếp tay cho nạn mại
dâm: “Trong số bốn vạn gái điếm, mỗi đêm đứng đầy các phố ở London, có
bao nhiêu người sống nhờ vào giai cấp tư sản đức hạnh? Có bao nhiêu người
đã cảm ơn kẻ quyến rũ họ lần đầu tiên, chính là người tư sản, về việc ngày

8
nay, họ phải bán thân cho mỗi khách qua đường, để khỏi chết đói?” Những vụ
tội phạm ngày càng tăng lên chính là hậu quả của sự suy đồi về mặt đạo đức
ấy. Điển hình cho điều đó là tình hình nước Anh từ 1805 đến 1842: trong 37
năm, số vụ bắt giam đã tăng bẩy lần. “Trong số vụ bắt giam năm 1842, riêng
Lancashire có 4497 vụ, tức là hơn 14%, và ở Middlesex (bao gồm cả London)
có 4049 vụ, tức là hơn 13%. Vậy, ta thấy rằng chỉ riêng hai khu vực có những
thành phố lớn, đông đảo dân vô sản, đã có tới trên 1/4 tổng số vụ phạm tội
của cả nước, tuy rằng dân số ở đó còn xa mới bằng 1/4 tổng số dân cả nước.”
Thứ ba, lao động trong công xưởng là thứ lao động cưỡng bức, và điều
đó tất yếu dẫn tới sự tha hóa trong lao động. Công việc ở công xưởng mặc dù
không cần phải dùng đến đầu óc hay sức lực gì nhiều nhưng lại giết chết niềm
đam mê, hăng say lao động, sự sáng tạo của người công nhân. Đó không phải
là thứ lao động chân chính mà chỉ là những thao tác nhàm chán lặp đi lặp lại,
kéo dài trong nhiều giờ liền, người công nhân mặc dù chán ghét nhưng vẫn
phải tiếp tục công việc đó vì mưu sinh. Mặc dù phân công lao động đã giúp
năng suất của người công nhân tăng lên nhưng nó cũng là có những mặt trái:
sự phân công lao động càng cao, các thao tác càng được chia nhỏ ra thì tác
động tiêu cực của lao động cưỡng bức càng tăng lên. “Nếu một người, từ thuở
nhỏ, suốt mười hai giờ liền (hoặc hơn nữa) trong mỗi ngày chỉ làm đầu kim
găm hoặc giũa các bánh xe răng cưa thì đến tuổi ba mươi, anh ta còn giữ được
bao nhiêu tình cảm và năng lực của con người?”
Tình cảnh giai cấp công nhân thế kỷ 19 là như vậy. Ăngghen đã đưa ra
nhận xét: “Nhìn vào đâu, ta cũng thấy cảnh bần cùng thường xuyên hoặc tạm
thời, bệnh tật do điều kiện sống hoặc tính chất của bản thân lao động gây ra,
và sự bại hoại đạo đức; ở đâu cũng thấy con người dần bị hủy hoại không
ngừng, về tinh thần cũng như thể xác”.

Phần 2: Học thuyết Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và ý nghĩa
của nó ngày nay.

9
1. Suy nghĩ của em về học thuyết Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân
Theo chủ nghĩa Mác Lênin, sứ mệnh lịch sử tổng quát của giai cấp
công nhân là thông qua chính đảng tiền phong, giai cấp công nhân tổ chức,
lãnh đạo nhân dân lao động đấu tranh xóa bỏ các chế độ người bóc lột người,
xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động
khỏi mọi sự áp bức, bóc lột, nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng xã hội cộng sản chủ
nghĩa văn minh.
Học thuyết sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân quả thực là một
phát kiến vô cùng vĩ đại của Mác. Bằng tài năng, nhãn quan triết học cũng
như sự thấu hiểu của Mác đối với giai cấp công nhân, ông đã khám phá ra và
luận giải một cách khoa học về vai trò của người công nhân trong lực lượng
sản xuất, từ đó chỉ ra sứ mệnh lịch sử của họ. Học thuyết ấy đã cổ vũ nhân
dân lao động đứng lên đấu tranh không chỉ để đòi quyền lợi cho giai cấp mình
mà còn cho cả xã hội, đó là lần đầu tiên trong lịch sử có “một cuộc cách mạng
của đại đa số mưu lợi ích cho tuyệt đại đa số”, nhờ việc hướng tới xây dựng
một xã hội trên cơ sở công hữu những tư liệu sản xuất chủ yếu.
Học thuyết Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân chỉ ra cho quần
chúng lao động con đường đúng đắn mà họ phải đi. Nhờ có học thuyết này
mà người công nhân đã trưởng thành hơn về mặt nhận thức, tư tưởng, ý thức
được vai trò lịch sử của mình. Trong chủ nghĩa tư bản, giai cấp công nhân gắn
liền với lực lượng sản xuất tiên tiến nhất vì thế đây được xem là lực lượng
quyết định phá vỡ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Sau khi giành được
chính quyền giai cấp công nhân đại diện cho sự tiến hóa tất yếu của lịch sử và
cũng là giai cấp duy nhất có khả năng lãnh đạo xã hội xây dựng một phương
thức sản xuất mới cao hơn phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Vì thế giai
cấp công nhân như một làn sóng mới, tạo nên cú bật lịch sử và quyết định sự
tồn tại và phát triển xã hội.
Từ những phân tích và lập luận trên ta có thể thấy rằng sứ mệnh lịch sử
của giai cấp công nhân về cả lý luận lẫn thực tiễn đã khẳng định tính khách

10
quan đúng như lời C. Mác nói. Sau quá trình tìm hiểu, khai thác đánh giá thì
một lần nữa ta hiểu và phát triển nhận thức về tầm quan trọng của giai cấp
công nhân cả thế giới lẫn trong nước trong việc tạo ra giá trị thặng dư, góp
phần lớn trong việc hình thành hình thành hình thái xã hội qua các thời kỳ
khác nhau. Qua đó, mỗi cá nhân càng cần có trách nhiệm phát triển tư duy,
nhận thức và ý thức về giai cấp để nâng cao tri thức văn hóa bản thân cũng
như giá trị xã hội.
Nội dung của sứ mệnh lịch sử giai cấp công nhân là một quá trình cách
mạng toàn diện để xây dựng một hình thái kinh tế - xã hội mới trên các
phương diện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tư tưởng. Nó chỉ ra nhiệm vụ
cụ thể mà giai cấp công nhân cần phải thực hiện trong từng lĩnh vực của đời
sống xã hội để có thể đạt được mục tiêu là xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, xây dựng
chủ nghĩa xã hội, góp phần định hướng cho hoạt động thực tiễn của quần
chúng nhân dân.
2. Ý nghĩa của học thuyết Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong
thời đại ngày nay
Thời đại ngày nay có nhiều điều thay đổi, khác biệt so với thời đại của
Mác, vì vậy có ý kiến cho rằng học thuyết sứ mệnh lịch sử của giai cấp công
nhân đã không còn phù hợp nữa. Thứ nhất là do cuộc cách mạng khoa học –
công nghệ khiến cho ngày càng nhiều robot thông minh, trí tuệ nhân tạo thay
thế con người. Nhiều người cho rằng giai cấp công nhân không còn giữ vai
trò chủ thể của lực lượng sản xuất nữa mà sẽ bị thay thế bởi máy móc, các
lãnh đạo doanh nghiệp ngày càng tập trung vào cải tiến khoa học kĩ thuật thay
vì tuyển thêm nhân công. Thứ hai là do xu hướng trung lưu hóa giai cấp công
nhân, nhiều công nhân đã nắm trong tay cổ phần, cổ phiếu vì vậy họ không
còn là giai cấp vô sản nữa. Điều kiện sống không còn cơ cực như trước sẽ làm
tiêu biến đi ý chí dấu tranh của quần chúng nhân dân lao động. Thứ ba là tầng
lớp trí thức đang ngày càng lớn mạnh về mặt số lượng và bản thân giai cấp
công nhân cũng có xu hướng trí thức hóa làm phát sinh quan điểm tầng lớp trí

11
thức có thể thay thế giai cấp công nhân thực hiện sứ mệnh lịch sử là giải
phóng toàn xã hội.
Tuy nhiên có thể thấy, trước hết là máy móc dù có hiện đại đến đâu
cũng chỉ là sản phẩm của trí tuệ và bàn tay con người, và chúng vẫn còn phải
có sự can thiệp của con người để có thể vận hành một cách trơn chu. Như vậy
là người công nhân vẫn nắm giữ vai trò chi phối, vị trí của họ trong lực lượng
sản xuất là không thể thay thế được. Thứ hai, về xu hướng trung lưa hóa, quả
thật đời sống của một bộ phận giai cấp công nhân có được cải thiện nhưng
những người bị thất nghiệp, bị bần cùng hóa cũng ngày càng tăng. Về bản
chất họ vẫn như những người công nhân thế kỷ 19, vẫn phải nhờ đến “giai cấp
tư sản ban cho anh ta cái đặc ân là dùng anh ta để làm giàu”, vẫn là đối tượng
dễ bị tổn thương nhất bởi những biến động của nền kinh tế. Kể cả khi nắm
được cổ phần công ty trong tay thì họ vẫn không quyết định được quan hệ
quản lí sản xuất và quan hệ phân phối do phần trăm cổ phần họ nắm giữ là
quá nhỏ so với giai cấp tư sản. Thứ ba là về xu hướng trí thức hóa, mặc dù
tầng lớp trí thức có tăng lên về số lượng nhưng họ vẫn chỉ là một tầng lớp chứ
không phải là một giai cấp, họ không có hệ tư tưởng nên không thể giữ vai trò
lãnh đạo xã hội.
Tóm lại, học thuyết Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân vẫn còn
giữ nguyên ý nghĩa của nó trong thời đại ngày nay. Học thuyết giúp trang bị
những nhận thức về kinh tế, chính trị, xã hội cho giai cấp công nhân, giúp
củng cố niềm tin, lý tưởng và bản lĩnh cách mạng vững vàng để người công
nhân hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, giải phóng giai cấp, giải phóng xã
hội, giải phóng con người. Nó là vũ khí lý luận của giai cấp công nhân, giúp
họ đấu tranh chống lại những nhận thức sai lệch, những quan điểm chống phá
của các thế lực thù địch
Giai cấp công nhân xuất hiện đã tạo ra nhiều thắng lợi rực rỡ, mang thế
giới đến với những giá trị tốt đẹp. Vì vậy trước những thành tựu của quá khứ
cũng như sự đòi hỏi cố gắng không ngừng của xã hội hiện đại, để đảm bảo

12
duy trì bền bỉ và thắng lợi trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước, cá nhân và tập thể cần tăng cường hơn nữa bản chất giai cấp thì mới
đáp ứng được nhu cầu. Không chỉ cần tăng cường sức mạnh thể chất, số
lượng lao động, giai cấp công nhân còn cần trau dồi về tri thức, giáo dục một
cách bài bản và chuyên nghiệp để thúc đẩy sự phát triển về chất lượng. Đây là
một trong những vấn đề cấp thiết mà mỗi nhà nước luôn lưu tâm và tìm cách
khắc phục để tạo nên một xã hội phồn vinh, thúc đẩy sự tăng trưởng ngành
công nghiệp và góp phần tạo nên thắng lợi sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã
hội.

13
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. F. Engels (1844), Tình cảnh của giai cấp công nhân Anh (C. Mác - Ph.
Ăng-ghen Toàn tập, Tập 2) NXB Chính trị quốc gia

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021), Giáo trình Chủ nghĩa xã hội khoa học, Nhà
xuất bản chính trị quốc gia sự thật

3. TS. Lê Thị Chiên, Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong “Tuyên
ngôn của Đảng Cộng sản” và ý nghĩa thời đại, 23/07/2021

http://congdoan.quangtri.gov.vn/Tuyen-truyen-giao-duc/su-menh-lich-su-
cua-giai-cap-cong-nhan-trong-tuyen-ngon-cua-dang-cong-san-va-y-nghia-
thoi-dai-2403.html

4. PGS, TS. Nguyễn Mạnh Hưởng, Phải chăng ngày nay giai cấp công nhân
không còn sứ mệnh lịch sử?, 21/05/2012

http://tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/phai-
chang-ngay-nay-giai-cap-cong-nhan-khong-con-su-menh-lich-su/1205.html

5. QĐND, Không thể xuyên tạc, phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công
nhân, 2/8/2022

http://baoyenbai.com.vn/244/248536/Khong-the-xuyen-tac-phu-nhan-su-
menh-lich-su-cua-giai-cap-cong-nhan.aspx

14

You might also like