You are on page 1of 21

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN

Viện Ngân hàng – Tài chính

BÀI TẬP LỚN MÔN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHOA HỌC

Đề 1: Phân tích về tình cảnh người công nhân ở thế kỷ 19 trong cuốn sách
“Tình cảnh giai cấp Công nhân Anh” của Ăngghen. Nêu suy nghĩ của anh chị
về học thuyết Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân của Mác và ý nghĩa của
nó ngày nay.

Họ và tên: Trần Thị Thu Huyền


Mã sinh viên: 11218871
Lớp: CNXHKH_35

Hà Nội, 2022
I, Phân tích về tình cảnh người công nhân ở thế kỷ 19 trong cuốn sách
“Tình cảnh giai cấp Công nhân Anh” của Ăngghen.
1.Giới thiệu tác phẩm
Phơ-ri-đơ-rích Ăng-ghen sinh ngày 28/11/1820 ở thành phố Ba-rơ-men tỉnh
Ranh, Vương quốc Phổ. Ông là nhà lý luận chính trị, một triết gia và nhà khoa
học nổi tiếng người Đức thế kỷ XIX, người cùng với C.Mác sáng lập và phát
triển Chủ nghĩa Cộng sản. Tuy xuất thân từ một gia đình tầng lớp trên, thuộc
giai cấp tư sản, nhưng Phri-đrích Ăng-ghen đã dành tất cả con tim, khối óc, tình
cảm và trí tuệ cho giai cấp vô sản, hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình cho sự
nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân, nhằm mục tiêu, lý tưởng cao đẹp là
giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng nhân dân lao động khỏi mọi ách áp
bức, bóc lột.
Ăng-ghen sinh sống, thâm nhập thực tiễn vào phong trào cách mạng ở nhiều
nước khác nhau để tìm hiểu cuộc sống người dân. Cuối năm 1842, ông sang
Anh nghiên cứu đời sống kinh tế - chính trị nước Anh, đồng thời trực tiếp tham
gia phong trào công nhân mới, chứng kiến tận mắt cuộc sống của những người
dân lao động. Những điều mắt thấy tai nghe được ông viết thành tác phẩm
“Tình cảnh giai cấp Công nhân Anh”, Ăng-ghen sau đó đã có một nhận định
quan trọng trong sự nghiệp của mình: Giai cấp công nhân không chỉ là những
con người cùng cực nhất trong xã hội tư bản mà còn mang sứ mệnh tự giải
phóng cho giai cấp mình cũng như dẹp bỏ xiềng xích cho nhân loại. Tác phẩm
đã miêu tả một cách chân thực, sâu sắc nhất tình cảnh đáng thương, khốn cùng
không thể tưởng tượng được của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Anh.
Sau đây sẽ là phần phân tích cụ thể tình cảnh giai cấp công nhân Anh trong tác
phẩm.
2. Phân tích tình cảnh giai cấp công nhân Anh
a.Vai trò to lớn của người công nhân trong nền kinh tế; quan hệ sở hữu và phân
phối trong xã hội
Giai cấp công nhân là những người trực tiếp tham gia lao động sản xuất ra
những của cải, vật chất của xã hội, không chỉ riêng nước Anh, mà còn cung cấp
hàng hóa, vật phẩm cho khắp mọi nơi trên thế giới. Họ chính là lực lượng đông
đảo đóng góp trực tiếp vào sự lớn mạnh, phồn thịnh của nền kinh tế Anh khi đó.
Không có những cánh tay lao động cật lực, bị bóc lột một cách cùng kiệt thì
nước Anh chẳng thể nào có được địa vị kinh tế lũng đoạn thế giới; cũng chả có
những thành phố công xưởng như Manchester; hay London - thủ đô thương
nghiệp của thế giới với những bến dỡ hàng khổng lồ, với hàng mấy nghìn chiếc
tàu luôn luôn trùm kín dòng sông Thames hùng vĩ; không có các khối nhà cửa,
các xưởng đóng tàu và vô số tàu thuỷ, ngày càng chen nhau san sát, không có
khung cảnh hàng trăm chiếc tàu thường xuyên hối hả ngược xuôi. Nếu không
có những người dân lao động Anh thì của cải, vật chất chẳng thể nào tự mọc
lên, để nước Anh khiến người ta rất đỗi kinh ngạc, mê mẩn những cái thật hùng
tráng, thật lớn lao như được miêu tả ở trên.
Vậy mà, trong cái xã hội ấy, giai cấp tư sản đã lũng đoạn mọi tư liệu sản xuất
đến sinh hoạt, hiểu theo nghĩa rộng nhất. Quá trình công nghiệp hóa cùng với
sự cạnh tranh đã sinh ra những người vô sản chiếm đại đa số trong xã hội, thứ
anh ta có duy nhất bây giờ chỉ có cánh tay và sức lực của mình để đem đi bán.
Mọi cái người vô sản cần dùng, anh ta chỉ có thể nhận từ tay giai cấp tư sản, mà
sự lũng đoạn của chúng được Nhà nước bảo hộ. Cho nên, về pháp luật cũng
như trên thực tế, người vô sản đều là nô lệ của giai cấp tư sản; giai cấp này nắm
quyền sinh sát đối với họ. Giai cấp tư sản cung cấp cho họ tư liệu sinh hoạt,
nhưng đổi lấy "vật ngang giá", tức là lao động của họ; thậm chí còn làm cho họ
ảo tưởng rằng: dường như họ cũng hành động theo ý chí của chính mình,
dường như họ ký kết hợp đồng với giai cấp tư sản một cách tự do, không bị ép
buộc, như một người tự chủ. Quý hoá thay, cái tự do chỉ để cho người vô sản
mỗi một con đường, là chịu nhận mọi điều kiện mà giai cấp tư sản đặt cho họ,
hoặc là phải chết đói, chết rét, phải trần như nhộng tìm chốn dung thân giữa
đám thú rừng! Quý hoá thay, cái "vật ngang giá", mà thước đo lại hoàn toàn tuỳ
thuộc vào thiện ý của giai cấp tư sản! Và nếu người vô sản ngu xuẩn đến nỗi thà
chết đói còn hơn là chịu nhận những điều kiện "công bằng" của bọn tư sản, là
những "bề trên tự nhiên" của họ; thì có hề gì, người ta sẽ tìm ngay được người
khác một cách dễ dàng, bởi vì trên đời này thiếu gì người vô sản, và không phải
ai cũng ngu xuẩn đến nỗi thích chết hơn sống.[Chương 6].
Trên thực tế, công nhân là nô lệ của giai cấp có của, của giai cấp tư sản; họ bị
nô lệ đến mức có thể bị bán đi như hàng hoá, và cũng lên giá xuống giá như
hàng hoá. Nhu cầu về công nhân tăng thì họ lên giá, nhu cầu giảm thì họ xuống
giá, nếu nhu cầu giảm đến nỗi một số công nhân trở nên không thể bán được,
phải "tồn kho", thì họ đành không có việc làm, mà không có việc làm thì không
sống được, phải chết đói. Nhưng trường hợp lên giá lại rất ít khi xảy ra, nên họ
dường như còn không bằng cả những hàng hóa được trao đổi. Nhưng đối với
giai cấp tư sản thì tình hình hiện nay có lợi hơn rất nhiều so với chế độ nô lệ
ngày xưa; lúc nào muốn là chúng có thể đuổi công nhân mà vẫn không mất gì
đến vốn bỏ ra.
Trong khi đó, giai cấp tư sản Anh thì trụy lạc, hư hỏng vì tư lợi tới mức vô
phương cứu chữa, mục nát từ bên trong và không sao tiến bộ được. Với họ thì
trên thế giới, không cái gì tồn tại mà không vì tiền bạc, kể cả bản thân họ; họ
sống chỉ để kiếm tiền, họ không biết đến hạnh phúc nào ngoài việc mau chóng
phát tài, và không có gì đau khổ hơn việc bị mất tiền. Với cái tính tham tiền đến
thế thì không hoạt động nào của tâm hồn con người còn trong trắng được [
Chương 14]. Họ chả thèm quan tâm đời sống người lao động cực khổ ra sao,
sống chết như thế nào, thứ họ quan tâm chỉ là làm sao để kiếm được nhiều tiền
nhất, nên bóc lột được của công nhân càng nhiều càng tốt, chúng tìm cách giảm
chi phí tiền lương cho người công nhân hết mức có thể. Ví dụ, một chủ xưởng
mỗi ngày có thể thuê mười công nhân làm trong chín giờ; nếu các công nhân
làm mười giờ một ngày, thì ở đấy chỉ có chín công nhân có việc làm, còn anh
thứ mười sẽ thất nghiệp. Nhân lúc nhu cầu về công nhân không cao lắm, một
chủ xưởng có thể dùng cách doạ đuổi, mà bắt chín công nhân cũng với chừng
ấy lương, mà mỗi ngày phải làm thêm một giờ nữa, tức là làm mười giờ theo ví
dụ của tôi, thì hắn đuổi người thứ mười và giữ tiền lương của người ấy ở túi
hắn.[ Chương 6]. Trong khi phải làm việc cực khổ, mệt nhọc tạo ra càng nhiều
sản phẩm nhưng cuối cùng cuộc sống của họ lại chẳng thể thoải mái hơn, mà
chỉ làm bọn tư sản đã giàu ngày một giàu thêm nhanh chóng, cuối cùng chúng
cũng chả quan tâm gì tới đời sống khó khăn của người công nhân, lại trả ơn
bằng cách bóc lột người lao động như vậy đấy. Trong cuộc chiến tranh xã hội
ấy, vũ khí là tư bản, tức là sự chiếm hữu trực tiếp hoặc gián tiếp những tư liệu
sinh hoạt và tư liệu sản xuất, nên rõ ràng là tất cả những điều bất lợi của tình
trạng ấy đều rơi lên đầu người nghèo. Không một ai quan tâm đến anh ta; một
khi bị xô đẩy vào dòng nước xoáy dồn dập ấy, anh ta phải biết cách tìm lấy
đường mà thoát. Nếu anh ta may mắn có được việc làm, nghĩa là nếu giai cấp tư
sản ban cho anh ta cái đặc ân là dùng anh ta để làm giàu, thì anh ta sẽ có được
đồng lương chỉ vừa suýt soát đủ để giữ cho thần hồn khỏi lìa thần xác; nếu
không kiếm được việc làm, thì anh ta có thể đi ăn cắp, nếu không sợ cảnh sát,
hoặc chết đói. Người lao động biết rằng hôm nay anh ta còn có một chút gì, và
cũng biết rằng ngày mai còn có gì nữa hay không là không tuỳ thuộc vào anh
ta; anh ta biết rằng chỉ một chút chuyện nhỏ mọn, một chút dở chứng của người
chủ, một chút bất lợi trong việc buôn bán, là anh ta lại có thể bị đẩy vào xoáy
nước kinh khủng là thất nghiệp, là chết đói. Anh ta biết rằng, tuy ngày hôm nay
anh ta còn sống được, nhưng ngày mai thì chưa chắc gì đã sống nổi.[Chương 5]
Thêm vào đó, sự cạnh tranh khốc liệt cũng đẩy mức lương của những người lao
động xuống càng ngày càng thấp. Công nghiệp nước Anh phát triển nhanh
chóng, thu hút đông đảo dân lao động Ireland sang, cạnh tranh trực tiếp với
những người lao động Anh, kéo tụt hẳn mức lương xuống. Mỗi lần công nghệ,
máy móc được cải tiến, lương của họ cũng lại thấp đi, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Cứ thế, mức lương của những người lao động Anh không đủ để đáp ứng những
nhu cầu thiết yếu cho con người, nó chỉ vừa suýt soát để giữ cho hồn khỏi lìa
khỏi thân xác.
b.Điều kiện lao động của công nhân
Công nhân không được ăn no, mặc ấm nhưng phải làm việc, lao động trong
điều kiện nghèo nàn, vất vả, bị vắt kiệt sức lao động không thương tiếc, khiến
họ bị mắc đủ các thể loại bệnh tật trong người.
Tiền lương ngày một thấp, khiến những công nhân phải làm việc cật lực, kéo
dài thời gian từ 16-18 giờ một ngày, đến không còn sức lực, họ muốn tự mình
chui vào quan tài vì không chịu nổi nữa. Nhưng vẫn phải làm thôi, nghèo đói
buộc họ phải làm như vậy, để kiếm miếng bánh cho con. Từ 6-8 tuổi, có những
đứa trẻ đã phải làm mỗi ngày 10-12 giờ, trong những phòng nhỏ hẹp, ngột ngạt.
Rất nhiều trẻ bị công việc làm cho yếu ớt, đến nỗi không làm nổi những công
việc trong nhà bình thường nhất; còn ít tuổi mà đã phải đeo kính, vì bị cận thị.
Những cô gái làm hàng thời trang không bao giờ có quá sáu giờ nghỉ; thường
chỉ được ba, bốn giờ, có khi chỉ hai giờ. Như thế, nếu không phải làm thâu đêm,
thì họ cũng phải làm 19-22 giờ mỗi ngày! Tới khi mệt quá, tay không còn cầm
nổi kim, thì công việc của họ mới tạm ngưng. Đã có trường hợp: chín ngày liền,
họ không được thay đồ, chỉ có thể tranh thủ thời gian ngả mình chốc lát trên
chiếc đệm; người ta cho họ các thức ăn đã thái nhỏ, để họ nuốt cho thật nhanh.
Họ phải sống như nô lệ, dưới sự đe dọa của cái roi tinh thần, đó là nguy cơ bị sa
thải. Ngoài ra, không khí ngột ngạt trong xưởng và tại nơi ở, việc thường phải
ngồi gò lưng gập ngực, thức ăn tồi và khó tiêu, nhưng hơn hết là việc lao động
quá dài và thiếu không khí. Rất mau chóng, họ thấy mệt mỏi, kiệt sức, suy
nhược, chán ăn, đau vai, đau lưng, đau hông, nhất là đau đầu; sau đó là cột sống
bị vẹo, hai vai nhô cao và biến dạng, gầy gò; sưng mắt, chảy nước mắt và đau
mắt, cận thị; ho, ngực lép, khó thở và đủ thứ bệnh phụ nữ. Có nhiều trường hợp,
mắt bị tổn thương nặng tới mức mù hẳn, thị lực hoàn toàn bị phá hoại; nhưng
nếu mắt còn đủ khỏe để tiếp tục làm việc, thì bệnh lao phổi cũng sẽ kết thúc
cuộc đời bi thảm, ngắn ngủi.
Những công nhân ngành mài lưỡi dao và răng dĩa làm cho công nhân chết sớm,
đặc biệt là khi mài bằng đá khô, do phải đứng khom lưng, ngực và dạ dày
thường bị ép; nhưng chủ yếu là vì hít phải rất nhiều bụi kim loại li ti sắc cạnh,
bay đầy trong không khí. Họ thường chết ở tuổi 28-32.
Trẻ em trong ngành gốm phải chạy đi chạy lại suốt ngày, mang vác quá nặng so
với tuổi; phải làm ở nơi nhiệt độ cao, nên chúng càng mệt mỏi. Những trẻ ấy
đều gầy gò, xanh xao, yếu đuối, bé nhỏ, thân hình khó coi; chúng hầu hết đều
mắc bệnh đường ruột, bị nôn mửa, chán ăn, nhiều đứa chết vì lao phổi. Những
đứa trẻ quay bánh xe (jigger) phải đem sản phẩm ngâm vào nước men chứa
nhiều chì, và thêm nhiều thạch tín, rồi dùng tay không để lấy những đồ vừa
ngâm trong nước men ấy ra. Bàn tay và quần áo của những công nhân ấy, đàn
ông và trẻ em, luôn nhầy nhụa nước men; da tay bở ra, và vì phải thường xuyên
cầm những vật xù xì, da dễ bị rách, nên ngón tay bị chảy máu, luôn làm cho
những chất độc ấy rất dễ xâm nhập vào cơ thể. Kết quả là những cơn đau dữ dội
và những bệnh nghiêm trọng về ruột và dạ dày: táo bón dai dẳng, đau bụng; có
khi là lao phổi, trẻ con thì thường bị động kinh. Đàn ông thường bị liệt cơ bàn
tay, và liệt hoàn toàn các chi. Một nhân chứng nói: hai chú bé làm cùng anh ta
đã chết vì bị co giật khi đang làm việc. Một nhân chứng khác, hồi nhỏ đã phụ
việc ở thùng tráng men trong hai năm, thì nói: đầu tiên anh ta bị đau dụng dữ
dội, sau đó bị co giật, phải nằm liệt giường hai tháng; từ đấy về sau thì bị co
giật ngày càng nhiều, bây giờ hàng ngày đều lên cơn, thường từ 10-20 cơn mỗi
ngày. Nửa thân bên phải đã bị liệt, và bác sĩ nói rằng anh sẽ không bao giờ sử
dụng được tay phải và chân phải nữa. Tóm lại, cái bệnh ghê gớm ấy là hậu quả
tự nhiên của việc tráng men, và cũng là để làm giàu thêm cho giai cấp tư sản! Ở
chỗ đánh bóng đồ gốm, không khí tràn ngập bụi đá li ti, hít phải nó cũng có hại
hệt như những thợ mài phải hít bụi thép. Họ bị khó thở, không thể nằm xuống,
đau họng, ho dữ dội, giọng nói yếu nên gần như không ai nghe thấy. Các công
nhân đều bé nhỏ, gầy gò và thể lực rất kém; có nhiều người bị cong vẹo lồng
ngực hoặc cột sống [Chương 10]
c.Đời sống nghèo nàn, cùng cực của người dân lao động Anh
Hãy xem rốt cuộc xã hội đã trả công cho người lao động bằng nhà ở, quần áo và
ăn uống như thế nào để đền bù công việc họ đã làm; hãy xem xã hội đã đảm bảo
cho những người đóng góp nhiều nhất vào sự sinh tồn của nó một cuộc sống
như thế nào?
*Ngoài cảnh những người chết đói, không chốn dung thân ra, thì nơi ở cho ta
thấy sự nghèo khổ cùng cực của người dân lao động đáng sợ đến mức nào, nó
thật sự khiến người đọc phải hãi hùng vì sự bẩn thỉu, nhớp nhúa, tồi tệ, nơi có
thể dễ dàng phát sinh những ổ bệnh, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tuổi
thọ của người dân, khiến họ bệnh tật và chết sớm. Những khu phố lao động
nhiều đường phố và nhiều ngõ, nhiều sân không lát, bí bách, không thoáng khí
mà cũng chẳng có cống rãnh gì cả; đủ mọi loại rác rưởi, cặn bã, mọi vật bẩn
thỉu, chất đống đang thối rữa; nước bẩn thì đọng thành vũng ở hầu khắp mọi
nơi, trong nhà của những người dân cũng chả có gì cả ngoài chật chội và khó
thở.
Có vùng là những cottage, đều hư hỏng, không bao giờ được sửa chữa, bẩn
thỉu. Những căn nhà hầm để ở, ẩm thấp, nước tràn vào phải tát vẫn có người ở.
Đường phố không lát gì, cũng không có cống rãnh; nhiều đàn lợn hoặc nhốt
trong các sân nhỏ, hay trong chuồng, hoặc tự do lang thang. Đường sá ở đây
bùn lầy đến nỗi khi trời thật khô ráo mới có thể đi qua mà không ngập bùn đến
mắt cá. Chỗ nào cũng có hàng đống rác rưởi, cặn bã và bùn lầy bẩn ghê tởm nổi
lên giữa những vũng nước tù, làm cho bầu không khí, vốn đã u uất khó thở vì
khói của hàng tá ống khói nhà máy, lại sặc mùi hôi thối bốc lên từ những đống
ấy. Đàn bà, trẻ con rách rưới đi lại khắp nơi, bẩn thỉu không kém những con lợn
lăn mình trên các đống rác và trong các vũng bùn.
Phần lớn chỉ có một căn phòng độc nhất, và dù rất bí hơi nhưng vẫn lạnh, vì
khung cửa làm không kín và kính bị vỡ nát, trong phòng ẩm ướt và nhiều khi
còn ở thấp hơn mặt đất; đồ đạc thường tồi tàn hoặc không có gì cả: nhiều khi cả
một gia đình chỉ có một ổ rơm để ngủ, đàn ông, đàn bà, già, trẻ ngủ lẫn lộn với
nhau, làm cho ta trông thấy phải phẫn nộ. Phải ra vòi nước công cộng mới lấy
được nước; và khó khăn trong việc lấy nước là điều kiện thuận lợi để truyền bá
bẩn thỉu. Chỗ thì ban đêm giường là chỗ gà ngủ; chó và thậm chí cả ngựa nữa
ngủ cùng một phòng với người; như thế thì tất nhiên là trong những căn nhà đó
bẩn thỉu hôi thối vô cùng, vô số rệp bọ đủ các giống. [Chương 5]
Có những vùng còn đáng sợ hơn, thường là cả một gia đình nằm chen chúc trên
một cái giường; nhiều khi một đống rơm bẩn được phủ bằng bao tải cũ, dùng
làm chỗ nằm chung; mọi người đều trụy lạc như nhau vì nghèo khổ, đần độn và
phóng đãng. Có khi hai gia đình ở chung một căn nhà có hai phòng, một phòng
dùng làm buồng ngủ cho tất cả, phòng kia dùng làm bếp và nhà ăn chung; thậm
chí nhiều khi, mấy gia đình sống trong một gian nhà hầm ẩm ướt; trong bầu
không khí hôi thối của gian hầm đó, từ mười hai tới mười sáu người ở chen
chúc, còn có tình trạng người ta nuôi lợn và các con vật khác cả ở đấy, và còn
nhiều cái khác, đã gây ra sự bẩn thỉu kinh tởm nhất, là nguồn bệnh truyền
nhiễm dịch tả khi đó.
Những thành phố lớn, khu phố của người lao động còn là chỗ bẩn thỉu ghê tởm
có một không hai, quả thật ở đây có những nhà cửa kinh khủng nhất. Những
chuồng tiêu của cả khu phố không có cửa và bẩn thỉu; đến nỗi cư dân trong sân,
mỗi khi về nhà hoặc ra phố, đều không thể không bước qua một vũng nước tù
sặc mùi cứt đái hôi thối. Có nhiều những xí nghiệp thuộc da, làm cho xung
quanh sặc mùi thịt da thối rữa. Muốn xuống các sân ở phía dưới cầu, thường
phải qua những cầu thang nhỏ hẹp, bẩn thỉu, và muốn vào nhà thì phải bước
qua những đống rác rưởi và bùn nhơ. Con sông đen ngòm, hôi thối, đầy rác
rưởi và cặn bã, từ đáy những vũng bùn ấy, sủi lên những bong bóng khí độc,
xông lên một mùi hôi, đến nỗi đứng trên cầu cách mặt nước đến bốn, năm mươi
foot cũng không chịu nổi.
Đâu đâu cũng thấy những ngôi nhà đổ nát một phần hoặc hoàn toàn đổ nát,
trong nhà rất ít khi thấy nền lát gỗ hoặc lát đá, hầu như ở chỗ nào, cửa sổ và cửa
ra vào cũng hư nát, xộc xệch, và bẩn thỉu làm sao! Chỗ nào cũng có những
đống rác rưởi, đồ bẩn thỉu và vật bỏ đi, cũng có những vũng nước tù thay cho
cống rãnh. Bếp, buồng ở, buồng ngủ, tất cả trong một phòng duy nhất. Trong
nhiều gian nhà, hoàn toàn không có gì cả. Trước cửa, chỗ nào cũng có rác rưởi
và bùn lầy. Không có điều kiện cần thiết để giải quyết ngay cả những nhu cầu
hàng ngày và tự nhiên nhất. Nhà vệ sinh hiếm hoi đến nỗi ngày nào cũng đầy
tràn, hoặc là quá xa, nhiều người không thể sử dụng được. Người ta còn tắm
rửa làm sao được khi gần đó chỉ có dòng nước bẩn của con sông, còn ống dẫn
nước và vòi nước thì chỉ thấy ở những khu "lịch sự" của thành phố. Còn có một
hiện tượng rất tai hại đến vệ sinh của cư dân: đó là từng đàn lợn lang thang
khắp các ngõ ngách, mõm rúc vào rác rưởi, hoặc bị nhốt trong các chuồng nhỏ
dựng trong các sân., và cư dân trong sân vứt vào đấy mọi thứ cặn bã, rác rưởi;
lợn nhờ đó mà béo lên, còn không khí trong các sân, vốn đã ngột ngạt vì bốn
phía đều bị chắn, thì hoàn toàn ô uế vì các chất của động vật và thảo mộc thối
rữa.
Trong chương 5 “Những thành phỗ lớn”, Ăng ghen viết: “cảnh bẩn thỉu, đổ nát,
tối tăm, cách kiến trúc trái ngược với mọi yêu cầu về sạch sẽ, thoáng khí và vệ
sinh của một khu vực chứa ít nhất là hai ba vạn người. Và một khu vực như vậy
lại tồn tại, ngay trong trung tâm của một thành phố hàng thứ hai của Anh, thành
phố công xưởng hàng đầu của thế giới! Nếu muốn biết một con người cần ít
không gian đến mức nào để có thể cử động, cần ít không khí - mà là thứ không
khí gì! - đến mức nào để có thể thở, cần ít tiện nghi đến mức nào để có thể sinh
tồn; thì chỉ cần đến Manchester sẽ rõ, chỉ có công nghiệp mới cho phép bọn chủ
đem các chuồng súc vật ấy cho người thuê với giá cắt cổ, lợi dụng sự nghèo
khổ của người lao động, huỷ hoại sức khoẻ của hàng nghìn con người để làm
giàu riêng cho chúng; chỉ có công nghiệp mới có thể khiến người lao động -
vừa mới thoát khỏi chế độ nông nô - bị sử dụng như vật vô tri vô giác, như đồ
dùng, làm cho họ phải tự giam mình trong một chỗ ở mà mọi người khác đều
cho là quá tồi tệ, một chỗ ở mà họ phải trả bằng những đồng tiền do mồ hôi
nước mắt của họ làm ra; tất cả những cái ấy chỉ là do công nghiệp gây nên, nền
công nghiệp này nếu không có những người lao động đó, không có tình trạng
bần cùng và bị nô dịch của họ thì không thể tồn tại được. Đúng là quy hoạch
ban đầu của các khu phố ấy rất tồi, từ quy hoạch đó khó mà làm được cái gì tốt
đẹp hơn. Nhưng thử hỏi bọn chủ đất đã làm gì, nhà đương cục địa phương đã
làm gì để cải thiện nó trong khi tiếp tục xây dựng lại ở đấy? Chẳng làm gì cả;
trái lại, chỗ nào còn một xó trống là người ta xây thêm nhà, chỗ nào còn một
ngõ đi thừa là người ta xây thêm nhà. Giá đất tăng lên cùng với đà phát triển
của công nghiệp, và giá đất càng tăng thì trên từng mảnh đất người ta càng xây
dựng thêm một cách điên cuồng và lộn xộn, chẳng hề quan tâm đến vấn đề sức
khoẻ cũng như vấn đề tiện nghi của cư dân, chỉ với ý nghĩ duy nhất là làm sao
được nhiều lợi nhuận nhất; vì một túp lều tồi tàn đến đâu, cũng có một anh
nghèo kiết xác phải thuê, vì không thuê nổi một chỗ tốt hơn.” [Chương 5]
*Tuyệt đại đa số người lao động đều ăn mặc hết sức tồi tệ. Chất liệu không
thích hợp. Toàn bộ y phục của người lao động, dù là còn tốt đi nữa, cũng rất ít
thích nghi với khí hậu. Thời tiết ở Anh ẩm ướt, thay đổi thất thường, dễ bị cảm,
nên gần như toàn bộ giai cấp có của mặc áo lót bằng nỉ mỏng; khăn quàng, gi-
lê, băng bụng bằng nỉ mỏng đều rất thông dụng. Giai cấp lao động không
những không thể dự phòng như vậy, mà còn hầu như không bao giờ may được
một cái áo len. Nếu một người lao động có thể mua một chiếc áo khoác ngoài
bằng len để mặc ngày chủ nhật, thì anh ta phải đến "cửa hàng bán rẻ", để mua
một chiếc áo làm từ loại vải xấu gọi là devil's dust, chỉ độ nửa tháng là sờn hoặc
rách ngay; hoặc anh ta phải đến hàng quần áo cũ, mua lại một chiếc áo đã tàng
tàng, và chỉ còn dùng được vài tuần. Hơn nữa, quần áo của phần lớn người lao
động vốn đã không ra gì, thế mà thỉnh thoảng có tấm nào hơi khá thì lại phải
đem gửi nhà cầm đồ. Quần áo của rất nhiều người lao động, nhất là người
Ireland, đúng là giẻ rách, thậm chí nhiều khi không còn chỗ đặt miếng vá nữa,
hoặc vì vá nhiều quá nên không nhận ra được lúc đầu nó có màu gì. Quần áo
bằng những mụn vải rách nát, cởi ra mặc vào là việc hết sức khó khăn. Ở các
thành phố công xưởng, thấy rất nhiều người, nhất là đàn bà và trẻ con, đi chân
đất, và cái thói quen ấy lan dần sang những người Anh nghèo khổ nhất.
*Mặc thế nào thì ăn thế vậy: người lao động chỉ kiếm được những cái mà giai
cấp tư sản cho là không ăn được. Trong các thành phố lớn ở Anh, của ngon vật
lạ cái gì cũng có, nhưng rất đắt, người lao động phải tính từng xu trong chi tiêu,
không thể nào bỏ ra nhiều tiền. Khoai tây hỏng, rau héo, pho-mát để lâu chất
lượng kém, mỡ lợn ôi, thịt dởm, dai, của súc vật gầy, già, thường là của súc vật
ốm hoặc chết, nhiều khi đã gần thối hỏng là những gì họ mua để ăn. Những
người lao động nghèo khổ nhất còn phải đặc biệt xoay xở, để với số tiền ít ỏi
của mình, họ có thể mua được những thực phẩm cần thiết, dù là chất lương kém
đi nữa. Loại thức ăn mà người lao động mua thường là không còn ăn được.
Thường là đến nửa đêm thứ bảy tất cả các cửa hàng đều phải đóng cửa, và chủ
nhật thì không có mua bán gì; nên khoảng giữa mười và mười hai giờ đêm, các
cửa hàng bán những thứ không thể để lại đến sáng thứ hai với giá rất rẻ. Nhưng
những thứ đến mười giờ đêm thứ bảy còn ế lại, thì đến sáng chủ nhật, chín phần
mười là không ăn được nữa, và đó chính là thức ăn chủ nhật của giai cấp nghèo
khổ nhất. Có khi, những người bán thịt thối hỏng bị bắt. Động vật đã trương
phình lên và có mùi hôi thối được xẻ thịt ra để bán tràn lan cho người lao động
nghèo, những gian hàng hóa vi phạm tràn lan khắp các chợ nằm dọc tất cả các
phố lớn.
Người dân lao động còn phải khổ vì lòng tham của giai cấp tư sản. Bọn thương
nhân và chủ xưởng làm giả các loại thực phẩm một cách vô lương tâm nhất,
hoàn toàn coi rẻ sức khoẻ của những người buộc phải tiêu thụ những thực phẩm
đó. Những cặn bã nấu xà phòng cũng đem trộn với những thứ khác giả làm
đường. Ca-cao thường trộn lẫn với đất sét màu nâu xám nghiền vụn có phết mỡ
cừu, để cho dễ lẫn với ca-cao thật. Chè thì trộn lẫn với lá mận gai và những thứ
giống như thế, hoặc lá chè đã pha rồi được đem phơi khô, rang trên tấm đồng
nung nóng để lấy lại mầu chè, rồi bán làm chè mới. Các loại thuốc lá bán ở thị
trường đều pha lẫn với đủ mọi thứ đáng tởm. Trộn bột thạch cao hoặc bột phấn
vào bột mì, v.v. Người ta lừa bịp khắp mọi nơi, những người đi lừa đảo bị phát
hiện ở khu này thì họ sang khu phố khác bán. Người lao động là người chịu
những hậu quả tai hại của sự giả mạo ấy nhiều hơn bất kì ai.
Số lượng và chất lượng thức ăn là do tiền lương quyết định, cho nên những
công nhân lương thấp bị đói, kể cả khi họ có việc làm, kể cả khi gia đình họ
không có đông người; số công nhân lương thấp ấy lại rất nhiều. Nhất là ở
London, nơi mà sự cạnh tranh giữa công nhân tăng lên cùng với dân số, giai
cấp công nhân rất đông, nhưng ở các thành phố khác cũng thấy có giai cấp ấy.
Trong tình hình đó, người ta xoay xở đủ cách, và do không có thức ăn nào khác,
người ta phải ăn cả vỏ khoai, lá rau nhặt bỏ đi, hoa quả thối, bất kì cái gì còn
chút ít dưỡng chất là người ta đều tham lam vơ vét hết. Khi chưa hết tuần mà
tiền lương hàng tuần đã cạn, thì thường trong mấy ngày cuối tuần, cả nhà
không ăn gì cả, hoặc chỉ ăn đủ để khỏi chết đói thôi. Có những đứa trẻ lao động
thường mặc đồ tồi tàn, rách rưới, ăn uống rất kém, phần lớn chỉ có bánh mì và
nước chè, mấy tháng liền không được ăn thịt. Có nơi, công nhân hầu như chỉ
được ăn thịt của các con vật bị bệnh hoặc bị chết: thịt ôi, cá ươn, thịt bê chết
non, thịt lợn chết trong toa xe lửa, hậu quả tự nhiên của nó là bệnh đường ruột
rất thường xuyên, và các bệnh khác nữa. Ngoài ra, bọn trẻ ít khi được ăn no, và
ngoài bộ đồ lao động, chúng không có quần áo gì khác; đó là một nguyên nhân
khiến chúng không đi học ở các trường chủ nhật. Chỗ ở tồi tàn và bẩn thỉu, đến
mức trở thành nguồn phát sinh bệnh tật, lũ trẻ rất bé nhỏ, khẳng khiu, yếu đuối;
nhiều khi chúng còn bị tàn tật ghê gớm do lao động. Cách sống như vậy nhất
định phải gây nên vô số bệnh tật, và khi bệnh tật chỉ vừa mới bắt đầu xảy ra,
nhất là khi người đàn ông đau ốm, người chủ yếu nuôi gia đình và cần ăn nhiều
nhất; thì nỗi cùng khổ càng lớn, và càng bộc lộ đặc biệt rõ rệt tính tàn nhẫn của
xã hội: bỏ mặc những thành viên của mình, khi họ cần đến sự giúp đỡ của xã
hội nhiều nhất. [Chương 5+Chương 10]
d.Xét đến khía cạnh đời sống tinh thần, tư tưởng của người lao động:
Chính sự phát triển của công nghiệp đã nhen nhóm lên lối sống chỉ theo đuổi
lợi ích của bản thân mình, sự ích kỷ, hẹp hòi, lãnh đạm và tàn nhẫn trong mỗi
người. Nó bộc lộ một cách trắng trợn, vô liêm sỉ, một cách có ý thức. Những
dòng người chen chúc của các đường phố đã có một cái gì ghê tởm, một cái gì
trái với bản chất của con người. Hàng chục vạn con người đại diện cho mọi giai
cấp và mọi đẳng cấp đang tụ tập trên các đường phố đó, phải chăng tất cả bọn
họ không phải đều là những con người cùng một bản chất và cũng đều khao
khát hạnh phúc như nhau? Chẳng phải là họ đều tìm kiếm hạnh phúc bằng
những phương pháp và những con đường giống nhau? Vậy mà, họ lướt qua
nhau vội vã, không thèm quan tâm bất cứ thứ gì như không có chút gì chung
với nhau, không hề có liên quan gì với nhau. Cuộc chiến tranh xã hội, cuộc
chiến tranh của mọi người chống mọi người, đã được công khai tuyên bố ở đây.
Mỗi người đều coi người khác như kẻ thù, cần phải gạt khỏi đường đi của
mình; hoặc tốt nhất là như một phương tiện, có thể sử dụng cho lợi ích của
mình. Họ chỉ coi nhau như những đối tượng có thể lợi dụng được; mỗi người
đều bóc lột người bên cạnh. Đâu đâu cũng là cướp bóc lẫn nhau dưới sự che
chở của pháp luật, và tất cả những cái ấy đều làm một cách trắng trợn, thản
nhiên, đến nỗi người ta ghê sợ.
Xã hội mục nát có đủ thứ tện nạn gian lận, trộm cướp, cãi nhau trong gia đình,..
Địa vị của người lao động, và toàn bộ hoàn cảnh xung quanh họ, đều đẩy họ
đến chỗ mất đạo đức. Họ nghèo, cuộc sống đối với họ không có gì thú vị, họ
hầu như không được hưởng thú vui nào; với họ, sự trừng trị của luật pháp cũng
có gì đáng sợ nữa đâu, vậy thì tại sao họ phải hạn chế những thèm muốn của
mình? Tại sao họ phải để cho bọn nhà giàu hưởng thụ của cải của chúng, tại sao
lại không chiếm lấy cho mình một phần của cải ấy? Người vô sản vì cớ gì mà
không đi ăn cắp? Sự cùng khổ chỉ cho người lao động lựa chọn: hoặc chết dần
chết mòn vì đói, hoặc tự sát; hoặc lấy những gì anh ta cần ở nơi nào có thể, nói
trắng ra là ăn cắp. Và không ngạc nhiên khi thấy đa số thích ăn cắp hơn chết đói
hoặc tự sát, dẫn đến số vụ phạm tội tăng cao.[Chương 8]
Mọi thứ tai hại đổ lên đầu kẻ nghèo. Cư dân thành phố nói chung đã ở rất chen
chúc, nhưng chính họ lại buộc phải sống chật chội hơn. Phải hít thở không khí ô
uế ngoài phố cũng chưa đủ, họ còn bị nhét hàng tá người vào một gian phòng,
và không khí họ hít thở ban đêm trở nên hoàn toàn ngột ngạt. Người ta cho họ ở
trong những phòng ẩm thấp, những nhà hầm nước thấm từ dưới lên, những
tầng sát mái nước dội từ trên xuống. Người ta xây cho họ những căn nhà mà uế
khí không có lối thoát. Người ta cho họ những áo quần xấu, rách tả tơi, bở bục;
những thức ăn tồi tệ, làm giả và khó tiêu. Người ta gây cho họ những tâm trạng
đối lập mạnh mẽ nhất, những thay đổi đột ngột, lúc thì lo sợ, lúc thì hy vọng;
người ta dồn đuổi họ như săn thú, không cho họ yên thân và sống cuộc đời yên
tĩnh. Người ta tước đoạt của họ mọi thú vui, trừ tình dục và rượu chè, và hàng
ngày bắt họ làm việc tới kiệt sức về tinh thần cũng như thể chất; do đó luôn đẩy
họ chìm đắm một cách không sao kìm hãm được, vào hai thú vui duy nhất mà
họ có, nó khiến họ dần suy đồi về đạo đức và mất hết tính người, tệ nạn ở khắp
mọi nơi.[Chương 8]

Trong một gian nhà bẩn thỉu, không có tiện nghi, thậm chí chưa đáng làm chỗ
ngủ, đồ đạc tồi tàn, thường không che nổi mưa gió, không được sưởi ấm, thiếu
không khí, quá đông người ở; thì không thể có hạnh phúc gia đình. Chồng làm
việc cả ngày, vợ và các con lớn thường cũng vậy, họ đều làm ở những nơi khác
nhau, chỉ gặp nhau vào sáng sớm và buổi tối. Khiến họ luôn bị rượu chè lôi
cuốn, để quên đi hiện tại. Trong hoàn cảnh như vậy, đời sống gia đình bất bất
hòa và thường xuyên cãi cọ trong nhà, gây nên ảnh hưởng rất đồi bại, không
những đối với vợ chồng, mà đặc biệt là đối với con cái. Lơ là mọi bổn phận gia
đình, nhất là những bổn phận đối với con cái, là hiện tượng rất phổ biến trong
công nhân Anh. Những đứa trẻ không ai dạy dỗ, lớn lên trong cảnh trụy lạc mà
chính cha mẹ chúng cũng thường mắc phải, sau này sẽ trở thành những người
xấu do thiếu đi sự giáo dục.
e.Các phong trào công nhân đấu tranh chống lại giai cấp tư sản dần hình thành
Công nhân Anh không thể cảm thấy hạnh phúc trong tình cảnh của họ, cái tình
cảnh mà ở đó, cả cá nhân cũng như toàn bộ giai cấp đều không thể sống, cảm
giác và suy nghĩ như con người. Vì thế, công nhân phải đấu tranh, để thoát khỏi
cái tình cảnh chỉ xứng với súc vật ấy, để có được một tình cảnh tốt hơn, hợp với
con người hơn. Hình thức đầu tiên, thô sơ và ít hiệu quả nhất của sự đấu tranh
là phạm tội. Hình thức phản kháng ấy có tính cô lập, và bị hạn chế ở những khu
vực cá biệt. Công nhân đã sớm nhận ra là làm thế thì chẳng ích gì. Việc phạm
tội chỉ là hành động đơn thương độc mã chống lại chế độ xã hội hiện tồn, với tư
cách cá nhân; mà xã hội có thể dùng mọi sức mạnh để đối phó, và áp đảo kẻ
địch đơn độc bằng ưu thế tuyệt đối. Hơn nữa, trộm cắp là hình thức đấu tranh
thô sơ và vô ý thức nhất; thế nên riêng một việc đó không thể trở thành biểu
hiện chung của dư luận công nhân, dù họ vẫn ngầm tán thành.
Công nhân bí mật lập những hội bí mật, rồi năm 1812 đã có tổng bãi công của
thợ dệt ở Glasgow, sau đó các cuộc bãi công lần lượt diễn ra. Nhưng tính chất
bí mật của toàn bộ hoạt động đã gây trở ngại cho sự phát triển của các hội ấy.
Đến năm 1824, công nhân có quyền tự do lập hội, thì những hội ấy lan rộng rất
nhanh trên khắp nước Anh, và có ảnh hưởng lớn. Trong mọi ngành lao động
đều thành lập nên các công liên, với chủ trương công khai là bảo vệ từng công
nhân riêng lẻ, chống sự bạo ngược và nhẫn tâm của giai cấp tư sản. Mục đích
của những công liên ấy là: qui định tiền lương, thương lượng với giới chủ trên
tư cách là một lực lượng, điều chỉnh tiền lương theo lợi nhuận của chủ, tăng
lương khi có thể, và giữ một mức lương bằng nhau cho một nghề ở mọi nơi. Do
đó, họ thường đấu tranh đòi các nhà tư bản thực hiện một mức lương chung, và
tuyên bố bãi công với người nào không chấp nhận mức đó. Có thể thấy rằng tất
cả công nhân ở thành phố và nông thôn đã họp thành công liên, và thỉnh thoảng
đã tổng bãi công để phản kháng sự thống trị của giai cấp tư sản. [Chương 11]
Rồi có những cuộc khởi nghĩa nổ ra. Bắt đầu xuất hiện từ năm 1835, phong trào
Hiến chương chủ yếu được truyền bá trong công nhân. Năm 1834, ở Lyon đã
nổ ra cuộc khởi nghĩa, đòi thành lập nước cộng hòa; còn năm 1842, ở
Manchester đã nổ ra cuộc tổng bãi công, đòi Hiến chương nhân dân và tăng
lương. Nhưng so với khởi nghĩa, bãi công cũng đòi hỏi dũng cảm, thậm chí là
dũng cảm hơn nhiều; và còn cần quyết tâm to lớn và kiên quyết hơn nhiều, điều
ấy rất rõ ràng. Thật thế, với các công nhân đã từng trải qua và hiểu rõ cảnh
nghèo khổ, thì việc họ và vợ con đối mặt với việc đó; cùng nhau chịu đựng đói
rét, thiếu thốn hàng tháng ròng, mà vẫn kiên định, không lay chuyển; đó không
phải là chuyện nhỏ. Công nhân Anh thà chịu chết dần vì đói, hàng ngày phải
nhìn vợ con đói khổ, biết chắc là sau này giai cấp tư sản sẽ báo thù, họ thà chịu
tất cả chứ không cúi đầu dưới ách áp bức của giai cấp tư sản. Năm 1843, đã có
cuộc chiến thực sự nổ ra ở nhà máy gạch (Pauling & Henfrey), khi công nhân
tấn công và đập phá nhà máy, họ bố trí thành đội hình chiến đấu, dùng cả vũ khí
là súng để tấn công. Họ đã dần hiểu ra rằng: khi công nhân không cạnh tranh
với nhau nữa, khi tất cả đều quyết tâm không để giai cấp tư sản bóc lột mình
nữa, thì vương quốc của chế độ tư hữu đến ngày tận số. Tiền lương chỉ phụ
thuộc vào quan hệ cung - cầu, vào tình hình ngẫu nhiên trên thị trường lao
động; đó là vì cho đến bây giờ, công nhân vẫn để người ta coi mình là những sự
vật, có thể đem mua bán. Khi nào công nhân quyết tâm không để người ta mua
bán họ nữa, khi nào họ thấy rõ giá trị của lao động đúng ra là gì; khi công nhân
không còn là đồ vật nữa, mà là con người, không chỉ có sức lao động mà còn có
ý chí; thì lúc ấy qui luật tiền lương, sẽ tận số. Công nhân đã ngày càng hiểu rõ
là cạnh tranh mang lại cho họ những tai hại gì, họ còn hiểu hơn giai cấp tư sản
rằng cạnh tranh giữa những người hữu sản cũng dẫn đến khủng hoảng thương
nghiệp, do đó cũng có hại cho công nhân, thế nên phải tiêu diệt sự cạnh tranh
ấy. Họ sẽ mau chóng hiểu rằng mình phải làm việc đó như thế nào. [Chương
11]
Kết luận: Như vậy, giai cấp công nhân Anh bị bóc lột một cách tàn nhẫn, không
thương tiếc, họ phải làm việc trong điều kiện nghèo nàn, độc hại; chính họ là
người làm giàu cho giai cấp tư sản; nhưng cuối cùng, lại bị họ bóc lột không
thương tiếp, đẩy họ vào cuộc sống không xứng với một con người. Sự nổi dậy,
đấu tranh chống lại giai cấp tư sản của người dân lao động Anh xảy ra là điều
tất yếu, để họ đòi lại những gì mình hoàn toàn xứng đáng nhận được, họ vẫn
đang đấu tranh để thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình, giải phóng chính mình
và giải phóng toàn thể xã hội.

II, Học thuyết Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân của Mác và ý nghĩa
của nó ngày nay.
1, Sứ mệnh lich sử của giai cấp công nhân theo Mác
Theo Mác, sứ mệnh lịch sử tông quát của giai cấp công nhân là thông qua chính
đảng tiền phong, giai cấp công nhân tổ chức, lãnh đạo nhân dân lao động đấu
tranh xóa bỏ các chế độ người bóc lột người, xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, giải
phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động khỏi mọi sự áp bức, bóc lột,
nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa văn minh.
*Giai cấp công nhân đảm đương được sứ mệnh lịch sử này vì những lí do sau.
Đầu tiên phải nói đến địa vị kinh tế – xã hội của giai cấp công nhân. Trong chủ
nghĩa tư bản, sản xuất công nghiệp phát triển với quy mô ngày càng mở rộng
làm cho tất cả các giai cấp khác đều suy tàn; trái lại giai cấp công nhân là sản
phẩm của bản thân nền công nghiệp và nó “được tuyển mộ trong tất cả các giai
cấp của dân cư”.
Trong mỗi hình thái kinh tế – xã hội, lực lượng sản xuất là yếu tố động nhất và
luôn vận động phát triển do sự thay đổi không ngừng của công cụ lao động ở
trình độ ngày càng cao. Nhưng trình độ của công cụ lao động thay đổi được là
kết quả của hoạt động sáng tạo của con người. Trong chủ nghĩa tư bản và chủ
nghĩa xã hội với nền sản xuất đại công nghiệp ngày càng phát triển, giai cấp
công nhân trở thành bộ phận quan trọng nhất, cách mạng nhất trong các yếu tố
cấu thành lực lượng sản xuất. Lao động sống của giai cấp công nhân tạo ra
phần lớn của cải vật chất cho xã hội và đóng vai trò có ý nghĩa quyết định đối
với sự tồn tại và phát triển của xã hội.
Trong chủ nghĩa tư bản, do không có hoặc có rất ít tư liệu sản xuất, giai cấp
công nhân buộc phải bán sức lao động trở thành người làm thuê cho giai cấp tư
sản và bị giai cấp tư sản bóc lột nặng nề. Trong chủ nghĩa tư bản, giai cấp tư sản
chỉ có thể bóc lột được giai cấp công nhân khi họ nắm giữ, chi phối tư liệu sản
xuất của xã hội. Do vậy, bằng mọi giá, giai cấp tư sản phải duy trì chế độ sở
hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Mặt khác, giai cấp công nhân cũng chỉ được
giải phóng khỏi mọi sự áp bức, bóc lột khi xoá bỏ được chế độ sở hữu tư nhân
về tư liệu sản xuất và thay thế vào đó là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất.
Hơn nữa, trong chủ nghĩa tư bản, giai cấp nông dân, tầng lớp trí thức cũng bị
giai cấp tư sản bóc lột, song giai cấp công nhân là đối tượng bị bóc lột trực tiếp
và nặng nề nhất. Do vậy, lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân đối lập trực tiếp
với lợi ích cơ bản của giai cấp tư sản.
Giai cấp công nhân có lợi ích cơ bản thống nhất với lợi ích của đại đa số nhân
dân lao động, bởi vì muốn giải phóng mình khỏi mọi sự áp bức, bóc lột, giai
cấp công nhân phải đấu tranh xoá bỏ chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất.
Nếu điều này trở thành hiện thực thì giai cấp công nhân không chỉ giải phóng
mình mà còn giải phóng toàn xã hội khỏi mọi sự áp bức, bóc lột. Hơn nữa, do
điều kiện làm việc và điều kiện sống chủ yếu là ở các khu công nghiệp tập
trung và ở các thành phố lớn, nên giai cấp công nhân có khả năng tập hợp lực
lượng, đoàn kết với các giai cấp, tầng lớp nhân dân lao động khác trong cuộc
đấu tranh chống lại giai cấp tư sản để giải phóng mình và giải phóng toàn xã
hội.

Thứ hai phải nói đến đặc điểm chính trị – xã hội của giai cấp công nhân.
Do địa vị kinh tế - xã hội quy định khiến cho giai cấp công nhân có những đặc
điểm chính trị – xã hội mà những giai cấp và tầng lớp khác không thể có được.
Đó là những đặc điểm sau:
+ Giai cấp công nhân có tính tiên phong và tinh thần cách mạng triệt để
nhất.Tính tiên phong của giai cấp công nhân thể hiện ở việc nó đại diện cho
phương thức sản xuất tiên tiến của thời đại. Do yêu cầu khách quan của việc
đổi mới liên tục công nghệ của sản xuất công nghiệp, nên giai cấp công nhân
phải không ngừng học tập, rèn luyện trau dồi tri thức chuyênmôn kỹ thuật,
nâng cao tay nghề ở trình độ ngày càng cao.
Giai cấp công nhân có hệ tư tưởng độc lập, được trang bị bởi lý luận tiền phong
là chủ nghĩa Mác-Lênin và là lực lượng đi đầu trong mọi phong trào cách mạng
xoá bỏ áp bức, bóc lột, xây dựng xã hội mới tiến bộ vì hạnh phúc của con
người.
Giai cấp công nhân có tinh thần cách mạng triệt để nhất bởi vì lợi ích của họ
mâu thuẫn trực tiếp với lợi ích của giai cấp tư sản. Lợi ích của giai cấp công
nhân chỉ thực sự được đảm bảo khi xoá bỏ triệt để chế độ sở hữu tư nhân tư bản
chủ nghĩa và các hình thức tư hữu khác. Trong điều kiện của chủ nghĩa tư bản,
giai cấp công nhân chỉ được giải phóng khi đồng thời giải phóng toàn xã hội
khỏi mọi sự áp bức, bóc lột. Tính triệt để cách mạng của giai cấp công nhân còn
được thể hiện trong tiến trình cách mạng không ngừng cho tới khi xây dựng
thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi thế giới.

+ Giai cấp công nhân là giai cấp có ý thức tổ chức kỷ luật cao.
Sản xuất công nghiệp hiện đại theo dây chuyền và tính chuyên môn hoá cao độ
đã khách quan rèn luyện cho giai cấp công nhân có tính tổ chức kỷ luật cao
trong quá trình lao động sản xuất. Đồng thời, bản thân cuộc đấu tranh một mất
một còn của giai cấp công nhân chống lại giai cấp tư bản đã tôi luyện cho giai
cấp công nhân phải có ý thức tổ chức cao.
+ Giai cấp công nhân có bản chất quốc tế.
Bản chất quốc tế của giai cấp công nhân thể hiện ở địa vị kinh tế – xã hội, ở nội
dung sứ mệnh lịch sử của họ giống nhau trên toàn thế giới. Bản chất quốc tế
của giai cấp công nhân có được còn xuất phát từ yêu cầu khách quan của sản
xuất công nghiệp hiện đại ngày nay đã mang tính quốc tế hoá và toàn cầu hoá
rộng rãi. Hơn nữa, vì mục tiêu lợi nhuận, giai cấp tư sản ở các nước phải liên
kết với nhau trên phạm vi quốc tế. Do vậy, muốn chiến thắng giai cấp tư sản và
chủ nghĩa tư bản, giai cấp công nhân ở các nước phải đoàn kết lại tạo thành
phong trào đấu tranh mạnh mẽ và trở thành lực lượng quốc tế hùng mạnh.
*Ý nghĩa: Nội dung của sứ mệnh lịch sử giai cấp công nhân là một quá trình
cách mạng toàn diện để xây dựng một hình thái kinh tế - xã hội mới trên các
phương diện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tư tưởng. Nó làm xuất hiện hình
thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa mà giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội.
Lần đầu tiên trong lịch sử, có “một cuộc cách mạng của đại đa số mưu lợi ích
cho tuyệt đại đa số”, nhờ việc hướng tới xây dựng một xã hội trên cơ sở công
hữu những tư liệu sản xuất chủ yếu.
2.Giai cấp công nhân ngày nay và giá trị của Học thuyết sứ mệnh lịch sử của
giai cấp công nhân vẫn còn vẹn nguyên giá trị.
a) Về những tương đồng GCCN ngày nay với GCCN thế kỉ 19
Giai cấp công nhân hiện nay vẫn đang là lực lượng sản xuất hàng đầu của xã
hội hiện đại. Họ là chủ thể của quá trình sản xuất công nghiệp hiện đại mang
tính xã hội hóa ngày càng cao. Ở các nước phát triển, sự phát triển của giai cấp
công nhân tỷ lệ thuận với sự phát triển kinh tế. Cũng vì thế, đa số các nước
đang phát triển hiện nay đều thực hiện chiến lược công nghiệp hóa nhằm đẩy
mạnh tốc độ, chất lượng và quy mô phát triển. Công nghiệp hóa vẫn là cơ sở
khách quan để giai cấp công nhân hiện đại phát triển mạnh mẽ cả về số lượng
và chất lượng.
Cũng giống như thế kỷ XIX, ở các nước tư bản chủ nghĩa hiện nay, công nhân
vẫn bị giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản bóc lột giá trị thặng dư. Quan hệ sản
xuất tư bản chủ nghĩa với chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa sản sinh ra
tình trạng bóc lột này vẫn tồn tại. Thực tế đó cho thấy, xung đột về lợi ích cơ
bản giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân vẫn tồn tại, vẫn là nguyên nhân
cơ bản, sâu xa của đấu tranh giai cấp trong xã hội hiện đại ngày nay.
Trong lòng thế giới tư ¬bản hiện đại, mâu thuẫn vốn có giữa lực lượng sản xuất
hiện đại và quan hệ sản xuất dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ
nghĩa về tư liệu sản xuất không những vẫn còn tồn tại, mà có mặt còn sâu sắc
hơn và lan ra phạm vi rộng hơn. Cho dù CNTB hiện đại có những biến đổi và
phát triển như thế nào, thì bản chất bóc lột của nó vẫn không hề thay đổi, vẫn
đúng với sự phát hiện của C. Mác trước đây. Không những thế, sự bóc lột và
bản chất phản động của CNTB còn mở rộng đến các nước đang phát triển bằng
các hình thức nô dịch kinh tế và chủ nghĩa cường quyền mới về chính trị, kinh
tế và quân sự. Mâu thuẫn xã hội cơ bản giữa tư bản và lao động; giữa những
người nghèo và những người giàu không chỉ trong phạm vi một quốc gia, mà
đã phát triển ở tầm quốc tế; đó là mẫu thuẫn giữa các nước nghèo và các nước
giàu, giữa các nhóm nước kinh tế phát triển với nhóm nước kinh tế đang phát
triển,…
Trong lòng xã hội tư bản, đời sống của người lao động tuy có được cải thiện,
nhưng số người bị hất ra hè phố, số người nghèo khổ vẫn ngày càng tăng. Sự
phát triển của các tập đoàn tư bản, các công ty tư bản xuyên quốc gia cùng sự
bòn rút tài nguyên và bóc lột nhân dân nhiều nước thuộc thế giới thứ ba; các
cuộc chiến tranh đẫm máu chống các quốc gia có chủ quyền do chủ nghĩa đế
quốc phát động... là nguyên nhân chủ yếu khiến cho hơn 500 triệu người bị đe
dọa chết đói, 1,6 tỷ người sống trong cảnh khốn cùng, 600 triệu người thất
nghiệp, hơn 800 triệu người mù chữ... Tất cả điều đó đã nói lên tính chất bóc
lột, phản động của CNTB.
Ở khía cạnh tư tưởng, chính trị thì chỉ có giai cấp công nhân mới tập hợp được
các giai tầng lao động khác do Đảng Cộng sản lãnh đạo để xây dựng nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do dân, vì dân. Do địa vị chính trị, xã hội của
mình, chỉ có giai cấp công nhân mới giải quyết được các vấn đề chính trị - xã
hội trong quá trình xây dựng xã hội mới.
Phong trào cộng sản và công nhân ở nhiều nước vẫn luôn là lực lượng đi đầu
trong các cuộc đấu tranh vì hòa bình, hợp tác và phát triển, vì dân sinh, dân chủ,
tiến bộ xã hội và chủ nghĩa xã hội.
b) Những điểm có sự thay đổi của GCCN ngày nay so với GCCN thế kỉ 19
Gắn liền với cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, với sự phát triển kinh
tế tri thức, công nhân hiện đại có xu hướng trí tuệ hóa. Tri thức hóa và trí thức
hóa công nhân là hai mặt của cùng một quá trình, của xu hướng trí tuệ hóa đối
với công nhân và giai cấp công nhân. Trên thực tế đã có thêm nhiều khái niệm
mới để chỉ công nhân theo xu hướng này. Đó là “công nhân tri thức”, “công
nhân trí thức”, “công nhân áo trắng”, lao động trình độ cao. Nền sản xuất và
dịch vụ hiện đại đòi hỏi người lao động phải có hiểu biết sâu rộng tri thức và kỹ
năng nghề nghiệp.
Báo cáo phát triển nhân lực của Ngân hàng Thế giới từ đầu thế kỷ XXI (2002)
đã nêu rõ: “Tri thức là một động lực cơ bản cho việc gia tăng năng suất lao
động và cạnh tranh toàn cầu. Nó là yếu tố quyết định trong quá trình phát minh,
sáng kiến và tạo ra của cải xã hội”.
Ngày nay, công nhân được đào tạo chuẩn mực và thường xuyên được đào tạo
lại, đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ trong nền sản xuất. Hao
phí lao động hiện đại chủ yếu là hao phí về trí lực chứ không còn thuần túy là
hao phí sức lực cơ bắp. Cùng với nhu cầu về vật chất, nhu cầu về tinh thần và
văn hóa tinh thần của công nhân ngày càng tăng, phong phú đa dạng hơn và đòi
hỏi chất lượng hưởng thụ tinh thần cao hơn.
Xu hướng “trung lưu hóa” gia tăng. Một bộ phận công nhân đã tham gia vào sở
hữu một lượng tư liệu sản xuất “đặc biệt” của xã hội thông qua chế độ cổ phần
hóa. Nhìn qua hình thức, có vẻ như không còn là “vô sản” nữa có thể được
“trung lưu hóa”, nhưng thực chất, ở các nước tư bản, do không chiếm được tỷ
lệ sở hữu cao nên quá trình sản xuất và phân chia lợi nhuận vẫn phụ thuộc cổ
đông lớn. Việc làm và lao động vẫn là nhân tố quyết định thu nhập. Quyền định
đoạt quá trình sản xuất và có chế phân phối lợi nhuận vẫn thuộc về giai cấp tư
sản. Với những biến đổi đó mà đi đến kết luận GCCN không còn bản chất cách
mạng nữa là sai lầm cả về chính trị và khoa học. Công nhân hiện nay dù có cổ
phiếu, cũng chẳng làm thay đổi được địa vị làm thuê và bị bóc lột trong xã hội
tư bản. Chế độ cổ phiếu thật sự là phương pháp hữu hiệu cột chặt người lao
động và bắt họ lệ thuộc hơn nữa vào giới chủ.
Trong bối cảnh mới của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cách mạng công
nghiệp thế hệ mới (4.0), công nhân hiện đại cũng tăng nhanh về số lượng, thay
đổi lớn về cơ cấu trong nền sản xuất hiện đại. Với tri thức và khả năng làm chủ
công nghệ, với năng lực sáng tạo trong nền sản xuất
hiện đại, người công nhân hiện đại đang có thêm điều kiện vật chất để tự giải
phóng. Công nhân hiện đại với trình độ tri thức và làm chủ công nghệ cao, với
sự phát triển của năng lực trí tuệ trong kinh tế tri thức, trở thành nguồn lực cơ
bản, nguồn vốn xã hội quan trọng nhất trong các nguồn vốn của xã hội hiện đại.
Giai cấp công nhân đã trở thành giai cấp lãnh đạo giành chính quyền và xây
dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa ở một số quốc gia như ở Liên Xô và Đông Âu
trước đây, hay ở các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay như Việt Nam, Trung
quốc,…
*Nhận xét: Phải chăng, việc lợi dụng những thành tựu khoa học - công nghệ để
điều chỉnh và thích nghi chính là chủ nghĩa tư bản đang rèn dũa vũ khí giết
mình thêm sắc nhọn hơn - điều mà C. Mác và Ph. Ăng-ghen đã từng nói cách
đây hơn 160 năm trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Ta có thể thấy, ngày
nay trong điều kiện đó, GCCN càng nhận thức rõ hơn sứ mệnh lịch sử của mình
là loại bỏ CNTB ra khỏi đời sống xã hội, xây dựng CNCS văn minh, xác định
rõ hơn con đường, biện pháp để thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình. Cuộc đấu
tranh của GCCN dù còn nhiều bước thăng trầm, nhưng nó vẫn tiếp tục diễn ra
theo quy luật khách quan của lịch sử. Chính sự vận động của những mâu thuẫn
nội tại trong lòng CNTB và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động sẽ quyết định
vận mệnh của CNTB. Thế giới ngày nay đã trải qua nhiều biến động. Tuy
nhiên, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác về đấu tranh giai cấp, về sứ
mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong việc tạo dựng một xã hội mới không
còn áp bức, bất công vẫn còn nguyên sức sống của nó.
III, Tài liệu tham khảo
1. Anon, 2012. In Giáo trình chủ nghĩa xã Hội Khoa Học. Hà Nội: Nhà xuất
bản Chính trị quốc gia-sự thật.
2. PGS, TS. NGUYỄN MẠNH HƯỞNG, Phải chăng ngày nay giai cấp công
nhân không còn sứ mệnh lịch sử?
3. Friedrich, E., Tình cảnh giai cấp công nhân Anh. Available at:
https://www.marxists.org/vietnamese/marx-
engels/1845/tinh_canh_giai_cap_cong_nhan_anh/ [Accessed September 12,
2022].

You might also like