You are on page 1of 2

TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN

TỔ SỬ - ĐỊA

CHUYÊN ĐỀ
CUỘC ĐẤU TRANH NGOẠI GIAO TỪ KHI NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA RA
ĐỜI ĐẾN KẾT THÚC CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC (1945 – 1975)

Người thực hiện: Võ Đức An

1. Trong giai đoạn từ 9/1945 – 14/9/1946


Trong những năm đầu sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945, giữa vòng vây của
chủ nghĩa đế quốc thực dân, nhằm tranh thủ thời gian để chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng
chiến lâu dài, Đảng, Chính phủ do chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu thực hiện chính sách nhân
nhượng, hòa hoãn, tránh xung đột bất lợi, song vẫn giữ vững mục tiêu cách mạng, bảo đảm
nguyên tắc độc lập, tự chủ.
Đối với quân Trung Hoa dân quốc và bọn phản cách mạng vừa chống phá chính quyền
cách mạng vừa sách nhiễu kinh tế, ta thực hiện chính sách mềm dẻo: cung cấp lương thực cho
chúng, tiêu tiền quan kim, quốc tệ đã mất giá, nhường cho tay sai của chúng 70 ghế trong Quốc
hội không qua bầu cử, 4 ghế Bộ trưởng và 1 chức Phó Chủ tịch nước. Những việc làm của ta đã
làm dịu tình hình căng thẳng giữa ta với Trung Hoa dân quốc, chúng không có cớ gì để đánh ta.
Đồng thời ta cũng cương quyết vạch trần âm mưu phá hoại của bọn tay sai, trấn áp bọn phản
cách mạng, ra sắc lệnh an trí những thành phần nguy hiểm với cách mạng.
Đầu năm 1946, thực dân Pháp và Trung Hoa dân quốc kí với nhau bản Hiệp ước Hoa –
Pháp (28/2/1946). Theo Hiệp ước này, Pháp sẽ đưa quân ra miền Bắc thay thế quân Trung Hoa
dân quốc, đổi lấy việc Pháp nhường cho Trung Hoa dân quốc một số quyền lợi về kinh tế. Sự
thỏa thuận này đã chà đạp lên chủ quyền của dân tộc ta, coi Việt Nam là món hàng trao đổi giữa
2 lực lượng phản động, đặt nước ta vào thế phải đối phó cùng lúc 2 kẻ thù. Trước tình hình đó,
Đảng, Chính phủ và chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương đàm phán với Pháp, đồng ý cho quân
Pháp thay thế quân Trung Hoa dân quốc và cũng để tranh thủ thời gian hòa hoãn, bảo toàn
chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài dẫn đến việc kí Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946.
Nội dung Hiệp định buộc Pháp công nhận Việt Nam là quốc gia tự do, có Chính phủ, Quốc hội,
quân đội riêng, tài chính riêng nằm trong khối Liên hiệp Pháp.
Tiếp đó phái đoàn Chính phủ ta và chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường sang Pháp đàm phán
tại Hội nghị Fontainebleau nhưng không thành công vì Pháp không từ bỏ thái độ xâm lược Việt
Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp đã kí với đại diện
Chính phủ Pháp bản Tạm ước 14/9/1946 là sách lược đúng đắn của ta về chính sách ngoại giao,
cho phép ta có thêm thời gian quý báu để chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài mà ta
biết không thể tránh khỏi. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Chúng ta cần hòa bình để xây dựng đất
nước, cho nên chúng ta đã ép lòng mà nhân nhượng để giữ hòa bình,… khi Pháp cố ý gây chiến
tranh, chúng ta không thể nhịn được nữa, thì cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu”.
Việc ta kí Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946) và Tạm ước (14/9/1946) vẫn có những hạn chế như
Pháp chỉ công nhận nước ta là quốc gia tự do, chưa công nhận nước ta là một quốc gia độc lập,
Pháp được đưa quân ra miền Bắc thay thế quân Trung Hoa dân quốc, nguy cơ một cuộc chiến
tranh đang đến gần…
2. Trong kháng chiến chống Pháp (19/12/1946 – 1954)
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, quan điểm của Đảng và Chính phủ ta là sẵn sàng
giải quyết chiến tranh bằng con đường ngoại giao, song thực dân Pháp với bản chất của chủ
nghĩa thực dân xâm lược đã nhiều lần khước từ lời đề nghị đàm phán của Chính phủ ta.
Chỉ khi cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Việt Nam đến cận kề thất bại, và sự thất
bại của Pháp là không thể tránh khỏi với việc quân ta giành thắng lợi ở Điện Biên Phủ thì Pháp
mới chịu thay đổi thái độ, chấp nhận đàm phán với ta ở Hội nghị Geneve.
Ngày 4/5/1954, phái đoàn Chính phủ ta do Phạm Văn Đồng dẫn đầu tới hội nghị với tư
thế là đại diện cho một dân tộc đang chiến thắng.
Ngày 7/5/1954, ta tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày 8/5/1954, hội nghị
Geneve bắt đầu thảo luận về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ngày 21/7/1954, Hiệp định
Geneve về Đông Dương được kí kết, có nội dung cơ bản là buộc Pháp phải công nhận độc lập,
chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, Lào, Campuchia sẽ thong qua tổng tuyển
cử vào tháng 7/1956…
Việc kí Hiệp định lần đầu tiên trong lịch sử các nước đế quốc phải công nhận về mặt pháp
lý của một nước thuộc địa. Miền Bắc được giải phóng.
Tuy nhiên, nội dung kí Hiệp định Geneve vẫn có những hạn chế như chúng ta chỉ mới
giải phóng được miền Bắc, miền Nam vẫn bị dưới ách thống trị của đế quốc Pháp, sau là Mỹ,
Lào và Campuchia, vùng giải phóng có hạn chế…
3. Trong kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975)
Trong kháng chiến chống Mỹ, ta tấn công địch trên cả 3 mặt trận quân sự, chính trị,
ngoại giao. Sau thắng lợi của cuộc tổng Tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968, Mỹ buộc phải
đàm phán với ta ở Hội nghị Paris. Tuy nhiên do thái độ hiếu chiến của Mỹ mà cuộc đấu tranh
trên bàn Hội nghị diễn ra quyết liệt và kéo dài (202 phiên họp 4 bên, 22 cuộc tiếp xúc riêng 2
bên). Bước vào năm 1972 quân ta mở cuộc tiến công vào quân Mỹ và quân đội Sài Gòn ở khắp
miền Nam, chọc thủng 3 phòng tuyến mạnh nhất ở Quảng Trị, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
đã tạo điều kiện thuận lợi cho ta trên bàn đàm phán buộc Mỹ phải chấp nhận bản dự thảo hiệp
định do ta đưa ra và hứa sẽ kí vào cuối tháng 10/1972. Tuy nhiên, Mỹ đã lật lọng mở cuộc tập
kích chiến lược bằng B.52 xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác trong 12 ngày
đêm cuối năm 1972 (18 – 29/12/1972). Tuy nhiên, quân dân ta đã làm nên “trận Điện Biên Phủ
trên không” buộc Mỹ phải kí Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 cam kết tôn trọng độc lập, chủ
quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, phải rút hết quân về nước…

Như vậy, cuộc đấu tranh ngoại giao dưới sự lãnh đạo của Đảng ta từng bước phát triển.
Với Hiệp định Sơ bộ, Pháp chỉ công nhận nước ta là một quốc gia tự do. Hiệp định Geneve
được kí kết buộc Pháp phải công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Tuy
nhiên, một nửa nước vẫn còn dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai. Với việc kí Hiệp
định Paris, Mỹ phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của
Việt Nam, rút quân về nước tạo điều kiện để ta hoàn thành thống nhất đất nước.

You might also like