You are on page 1of 4

BÀI THI KẾT THÚC MÔN HỌC

MÔN KÝ CHÂN DUNG


LỚP: BÁO CHÍ K20CQTT
GV PHỤ TRÁCH: NGUYỄN VĂN HÀ
HỌ VÀ TÊN SV: LÂM HỮU KHA
MSSV: 2056030113

BÀI LÀM
Câu 1:

TRUYỀN LỬA ĐAM MÊ TRONG TỪNG TIẾT HỌC LỊCH SỬ

(1404 chữ)

Gần 15 năm dạy lịch sử cô giáo Lưu Thị Nga, Trường trung học phổ thông
số 1 Tư Nghĩa (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) không ngừng mày mò,
tìm kiếm các phương thức dạy học sáng tạo để biến môn học tưởng chừng
khô khan này trở nên hấp dẫn, hứng thú với cả người dạy và học. Cô Nga
cho rằng, nếu giáo viên không chịu đổi mới thì người thiệt thòi nhất chính
là học sinh.

Để lịch sử không “khô khan”

Chia sẻ đam mê với Lịch Sử từ khi còn nhỏ, cô Lưu Thị Nga cho biết tình yêu
với môn học được nhen nhóm từ những câu chuyện ông ngoại kể về thời đi lính
của mình trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Lớn lên với những câu chuyện ông kể về quá khứ hào hùng của dân tộc cô Nga
yêu lịch sử lúc nào không hay. Do đó, dù đỗ khoa báo chí của Trường ĐH
KHXH và NV, cô vẫn chọn sử để theo đuổi đam mê.

Cho rằng môn lịch sử có vai trò quan trọng trong giáo giục tình yêu quê hương,
đất nước và tự hào về truyền thống dân tộc cho học sinh, nhưng cô vẫn nhận
thức được rằng ở góc độ nào đó xã hội vẫn coi đây là môn phụ. Đặc trưng môn
lịch sử lại “khô khan”, nhiều con số, sự kiện, nên học sinh ngại và ít hào hứng
với môn học.

Với phương pháp tích cực của cô Nga, học sinh tự hiểu được sự khốc liệt của
chiến tranh và sự hi sinh của thế hệ đi trước, được khơi dậy, nuôi dưỡng niềm
đam mê tìm hiểu lịch sử…
Thay vì thụ động tiếp nhận kiến thức, học sinh đóng vai nhân vật lịch sử để
dựng lại hoạt cảnh, đưa ra quyết định xử lý tình huống lịch sử. Và vì vậy, sau
mỗi tiết dạy, năng lực, kỹ năng mềm phần nào được hình thành ở học sinh.

Để trả lời cho câu hỏi: làm thế nào để lịch sử trở thành môn học hấp dẫn, với cô
Nga là cả một hành trình dài tìm tòi, học hỏi.
“Trong tiết dạy Sử, ngoài hướng dẫn học sinh khai thác kiến thức trong sách
giáo khoa, tôi hướng dẫn các em về nhà tìm hiểu lịch sử từ những sự vật, hiện
tượng xung quanh. Trình chiếu những video hay hình ảnh để các em cảm thấy
hứng thú hơn thay vì chỉ nghe cô nói trên lớp” - cô Nga chia sẻ.

Cô Nga cũng nói thêm về bí quyết để lịch sử không đơn thuần là bài học trên
giấy và không mấy thiết thực với học sinh, mà còn là bài học để các em vận
dụng vào cuộc sống. Cách làm là giúp học sinh rút ra từ lịch sử những quy luật,
bài học, sau đó vận dụng đưa những giá trị lịch sử áp dụng vào cuộc sống hiện
tại.

Đơn cử, cách kết thúc chiến tranh của Lý Thường Kiệt giúp học sinh hiểu và
tiếp nối truyền thống nhân đạo của dân tộc; sự sụp đổ của nhà nước An Dương
Vương giúp các em rút ra được bài học đoàn kết nội bộ và tinh thần cảnh giác
với kẻ thù; từ thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ... để
rút ra bài học về sức mạnh của tinh thần đoàn kết toàn dân, sức mạnh hội tụ của
người lãnh đạo tài giỏi; sự khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1933 giúp các
em hiểu quy luật cung cầu…

Cùng với đó là việc vận dụng kiến thức liên môn để giờ dạy lịch sử không chỉ
là chuỗi sự kiện, mốc thời gian khô khốc với những con số mà lịch sử là khúc
ca khi hùng tráng lúc bi ai và có cả thơ, âm nhạc, hội họa…

“Để thu hút học sinh, tôi luôn cho các em sử dụng môn học khác minh họa làm
rõ hơn bài học. Không gì cuốn hút hơn khi trong giờ học lịch sử lại được nghe
đọc một đoạn thơ về chiến sĩ Điện Biên “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm”…,
hát một bài hát về ngày toàn thắng náo nức, vẽ một bức tranh về ngày thống
nhất non sông, hoặc quảng bá di tích Lịch sử bằng song ngữ….

Với phương pháp này, không chỉ những học sinh thích sử mới hứng thú mà đã
lôi tất cả học sinh có năng khiếu môn học khác, học sinh không chỉ là người
học mà còn trở thành những trợ giảng đắc lực” - cô Nga chia sẻ.

Không bó buộc

Cô Nga cho rằng trong công tác giảng dạy, nếu giáo viên không chịu đổi mới
thì học sinh chính là những người thiệt thòi nhất.

"Tất nhiên, không ai ép mình phải thay đổi cả. Bản thân giáo viên cũng không
bị trừ lương vì không chịu đổi mới. Nhưng thực tế, nếu mình không thay đổi,
mình cũng sẽ trở nên cũ kỹ, còn học sinh sẽ chịu thiệt thòi. Các em vốn dĩ đã
thua thiệt nhiều thứ. Thế nên, nếu không tự thay đổi, mình cũng cảm thấy thật
có lỗi với học sinh”.
Vì thế, cô Nga luôn cố gắng nỗ lực từng ngày để cập nhật cách thức giảng dạy
mới. Đối với những điều không biết, cô giáo trẻ thường tìm cách “mở rộng
không gian lớp học”.

Em Phạm Thanh Nhã (học sinh lớp 11 trường THPT số 1 Tư Nghĩa) chia sẻ:
“Cách dạy học này của cô giúp em dễ tiếp thu và yêu thích môn học này hơn,
từ khi được cô Nga giảng dạy môn lịch sử không còn là nỗi ám ảnh với em như
giai đoạn trước nữa”.

Cô Nga cho biết luôn tổ chức cho học sinh các hoạt động trải nghiệm, đặc biệt
là trải nghiệm thực địa tại di tích lịch sử tại địa phương. Những di tích lịch sử
như núi Thiên Ấn, chùa Thiên Ấn và mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng, khu chứng
tích Sơn Mỹ là kho tư liệu lịch sử quý giá, lưu giữ nhiều giá trị lịch sử thế hệ
trước trao truyền cho thế hệ sau.

Giáo viên giữ vai trò là người trung gian, giúp học trò tiếp nhận để từ đó bồi
đắp tình yêu quê hương, giữ gìn di sản quê hương, giữ gìn văn hóa dân tộc.
Đây là điều hết sức quan trọng bởi đó là cơ sở hình thành lòng yêu nước và tinh
thần dân tộc.

Nói về kinh nghiệm triển khai tốt nhất phương pháp này, theo cô Lưu Thị Nga,
trước mỗi bài giảng đều phải xây dựng kế hoạch chi tiết, liên hệ với phụ huynh,
liên hệ với người quản lý di sản, di tích lịch sử, nghệ nhân... để đảm bảo điều
kiện vật chất, tính giáo dục và an toàn khi tiết học diễn ra.

Khi tổ chức dạy học thực địa, không gian dạy học là không gian mở, nhiều lực
lượng tham gia giáo dục như người quản lý di tích, nghệ nhân, nhân chứng lịch
sử... Phát huy lợi thế đó, giáo viên hình thành cho học sinh các năng lực phản
biện, giao tiếp, tự tin...; đồng thời giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ
chủ quyền quốc gia... Đây cũng chính là mục tiêu đào tạo con người mà giáo
dục Việt Nam giai đoạn hiện nay hướng tới. Hình thức dạy học thực địa thông
qua di sản và di tích lịch sử địa phương thực sự giúp học sinh có ý thức trách
nhiệm với quê hương, năng động sáng tạo và tự tin hơn. Từ thay đổi của học
sinh, làm thay đổi cách nhìn của phụ huynh về bộ môn Lịch sử.

Dự định và mong muốn của cô trong tương lai là tiếp tục học hỏi và cải tiến
hơn nữa mô hình giảng dạy của mình và mong muốn cách dạy lịch sử của mình
sẽ được nhiều giáo viên khác biết đến và áp dụng.

Câu 2:

1. Quá trình thực hiện:

Em liên lạc với cô Lưu Thị Nga qua facebook, vì em và cô đã có quen biết từ
trước. Sau khi được sự cho phép của cô, em bắt đầu chuẩn bị câu hỏi phỏng
vấn cụ thể. Sau đó em nhắn tin hỏi cô thời gian rảnh để thuận tiện cho việc
phỏng vấn. Hôm sau em chuẩn bị giấy bút và liên lạc với cô để phỏng vấn.

Em khai thác những nội dung về việc dạy học của cô, về tuổi thơ và cơ duyên
nào đưa cô đến với môn lịch sử. Sau đó em liên hệ và phỏng vấn qua điện thoại
với một số bạn học sinh được cô giảng dạy.

Sau khi phỏng vấn em bắt đầu xem lại video đã quay màn hình viết lại những
thông tin thô, chọn lọc ra những thông tin nào làm được lead, window, box…
em xác định kết cấu và hướng viết cụ thể của bài.

Giới thiệu về bài viết:

Bài viết nói về cô giáo Lưu Thị Nga, tốt nghiệp đại học sư phạm Quy Nhơn và
là một giáo viên cực kỳ yêu nghề. Bài viết cho thấy được cách tiếp cận khá mới
mẻ đối với môn lịch sử của cô Nga.

You might also like