You are on page 1of 7

Phân tích bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên

Nếu thơ Xuân Diệu có giọng điệu say đắm, rạo rực, thơ Hàn Mặc Tử có
chút điên loạn, thơ Huy Cận có nỗi buồn ảo não thì thơ Vũ Đình Liên lại
mang một giọng điệu hoài cổ. Mỗi người nghệ sĩ có phong cách thơ khác
nhau, đây là nét riêng biệt để họ được phân biệt với các tác giả khác và
cũng là ấn tượng riêng để bạn đọc nhớ đến họ. Tuy sáng tác không nhiều
nhưng Vũ Đình Liên đã để lại cho văn học Việt Nam những tác phẩm giá
trị, tiêu biểu là bài thơ “Ông đồ”.
Bài thơ được sáng tác năm 1936 và được đăng trên tạp chí “Tinh hoa”. Bài
thơ ra đời trong hoàn cảnh nền Hán học đang mất dần vị thế của mình do
sự xâm nhập của nền văn hóa phương Tây. Đây cũng là lúc các ông đồ
không còn được trọng vọng do thời thế đã thay đổi. Nhan đề bài thơ gợi
nhớ một nét đẹp đã lùi sâu vào dĩ vãng cùng sự tiếc thương vô cùng.
Nhắc đến ông đồ là nhắc đến những thầy dạy chữ Nho ngày xưa, mỗi dịp
Tết đến xuân về ông thường xuất hiện bên đường phố để viết những câu
đối đỏ:

“Mỗi năm hoa đào nở


Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua”.
Hình ảnh này đã trở nên quen thuộc bởi Tết nào ông đồ già cũng xuất hiện
cùng với mực tàu và giấy đỏ. Đó là thời đắc ý, thời vàng son của ông. Như
một sự tuần hoàn của chu kì thời gian, mỗi dịp chuyển giao giữa năm cũ
và năm mới, khi những cánh đào hồng tươi khoe sắc thắm thì đó cũng là
lúc ông đồ xuất hiện. Không gian làm việc của ông là bên phố. Ta hãy hình
dung dưới những bông hoa đào cùng tiết trời se lạnh có một ông đồ già
đang vẽ những nét chữ điêu luyện và sự nhộn nhịp của bước chân người
qua lại tạo nên một bức tranh thật tươi vui. Từ “mỗi”, “lại” đã phần nào thể
hiện nhịp điệu đều đặn ấy. Hoa đào và ông đồ đã song hành, sóng đôi
cùng nhau để tôn thêm vẻ đẹp của ngày Tết. Màu hồng của hoa đào, màu
đen của thỏi mực, màu đỏ của giấy đã làm bức tranh thật sinh động.
Tài năng viết chữ của ông đồ được mọi người ngợi khen, thán phục:

“Bao nhiêu người thuê viết


Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”.
Rất nhiều người thuê ông viết chữ, họ không chỉ quý trọng những nét chữ
của ông mà họ còn dành cho ông một lòng kính trọng. Ông đã phô diễn tài
năng của mình qua các câu đối đỏ, qua những nét chữ rồng bay phượng
múa. Phải là một người am hiểu về Hán học, chữ Nho thì ông đồ mới có
thể viết những nét chữ tài hoa đến như vậy. Phép tu từ so sánh “như
phượng múa rồng bay” đã thể hiện được lòng ngưỡng mộ, sự tôn trọng
của Vũ Đình Liên cũng như của nhân dân ta dành cho ông đồ. Đây cũng là
sự trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Chơi chữ là
một thú vui thể hiện cốt cách thanh cao của người thường thức nó. Đồng
thời, người viết chữ cũng được xem như một nghệ sĩ tài ba bởi nét chữ thể
hiện được cái tâm, cái chí của người sáng tạo. Không những viết đẹp mà
ông còn viết nhanh, điều này thật đáng khâm phục. Những nét chữ uốn
lượn một cách tài tình dưới đôi tay của một người có học thức khiến ai
cũng muốn thuê ông viết cho câu đối đỏ. Có thể nói, thời đắc ý ông đồ vô
cùng đông khách, người ta đến với ông vì sự thán phục những nét chữ
phóng khoáng. Cả người viết chữ và người chơi chữ như có mối đồng cảm
sâu sắc vì họ đều là người biết yêu và thường thức cái đẹp.

Nhưng khi thời thế thay đổi cũng là lúc ông đồ không còn được trọng vọng,
ngưỡng mộ:

“Nhưng mỗi năm mỗi vắng


Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu…”
Trước đây, người thuê ông đồ viết chữ nhiều là thế nhưng nay họ đã đi
đâu hết? Họ vẫn ở đó, vẫn xuất hiện trong cuộc sống thường nhật nhưng
sự xâm nhập của văn hóa phương Tây đã làm những giá trị văn hóa truyền
thống của dân tộc bị mai một. Tác giả đã miêu tả một khung cảnh quạnh
hiu,vắng vẻ đến thê lương. Thời gian đã cuốn trôi đi những gì tươi đẹp của
quá khứ khiến con người không khỏi xót xa, tiếc nuối. Câu hỏi tu từ:
“Người thuê viết nay đâu?” vang lên với bao đau đớn. Thực tại thú chơi
chữ đã không còn được ưa chuộng, người chơi chữ, mua chữ cũng ít dần
đi theo năm tháng. Nỗi buồn đã nhuốm sang cả cảnh vật, sang cả những
gì vô tri vô giác. Giấy đỏ cũng biết buồn nên đã chẳng còn thắm, màu giấy
đã phôi phai đi rồi nhạt dần, thỏi mực đã mài nhưng không được dùng đến
nay cũng đọng lại trong nghiên. Biện pháp nhân hóa đã thể hiện tâm trạng
u uất của ông đồ và cũng là sự xót xa, thương cảm của nhà thơ.

Nền Hán học đã suy tàn nhưng với mong muốn lưu giữ lại những giá trị
văn hóa mà ông đồ già vẫn kiên trì ngồi bên hè phố như bao năm trước:

“Ông đồ vẫn ngồi đấy


Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay”
Nhưng sự xuất hiện của ông không được mọi người chú ý, quan tâm như
thời vàng son. Bóng dáng ông cứ lặng lẽ qua đường, lặng lẽ bên phố mà
không một ai hay biết. Hình ảnh ông đồ đã rơi vào quên lãng. Hình ảnh ấy
chỉ là “cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn” (Vũ Đình Liên). Sự
tàn phai, úa rụng được thể hiện qua hình ảnh chiếc lá vàng cùng không khí
lạnh lẽo của làn mưa bụi lất phất đã bao trùm lên toàn bộ khung cảnh
khiến cảnh vật nhuốm màu sắc tâm trạng. Mọi người đã gạt ông đồ ra khỏi
trí nhớ và kí ức, họ coi ông như người vô hình trong xã hội đương thời.

Vũ Đình Liên đã bộc lộ nỗi xót xa, niềm hoài cổ của mình qua khổ thơ cuối:

“Năm nay hoa đào nở


Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”
Ông đồ đã thực sự vắng bóng, đào vẫn khoe sắc hương, cảnh vật vẫn
tuần hoàn theo quy luật tự nhiên nhưng ta không còn thấy sự xuất hiện của
ông đồ nữa. Sự vắng bóng của ông khiến chúng ta không khỏi thương tiếc
cho một giá trị tinh thần đã không còn tồn tại. Những con người trước đây
từng thuê ông đồ viết câu đối, những người từng tôn trọng ông đồ nay đã
hoàn toàn thay đổi. Họ bận thích nghi với nền văn hóa mới từ Tây phương
nên tâm hồn họ cũng không còn chỗ cho những tinh túy của văn hóa
truyền thống. Câu hỏi tu từ vang lên ở cuối bài đọng lại bao sự cảm
thương, hối tiếc cho những gì đã mất.

Bằng việc sử dụng hình ảnh hoa đào, ông đồ ở đầu và cuối bài thơ, tác giả
đã khắc họa thành công hình ảnh trái ngược của ông đồ ở thời kì vàng son
và ông đồ khi thất thế. Thể thơ năm chữ đã giúp nhà thơ bày tỏ cảm xúc
một cách dễ dàng. “Ông đồ” là sự hoài niệm về những giá trị xưa cũ, bộc lộ
niềm cảm thương sâu sắc của tác giả Vũ Đình Liên.

Nghị luận về tình yêu quê hương của Tế Hanh


Tế Hanh là một trong số những gương mặt tiêu biểu của nền thơ ca hiện đại Việt Nam
với những vẫn thơ giàu hình ảnh, ngôn ngữ tự nhiên, giản dị và luôn chất chứa tình yêu
quê hương tha thiết. Bài thơ "Quê hương" được sáng tác năm 1939 khi nhà thơ còn
đang học ở Huế là một sáng tác tiêu biểu của ông. Đọc bài thơ, người đọc sẽ cảm nhận
được một cách rõ nét tình yêu quê hương sâu nặng của nhà thơ.

Trước hết, tình yêu quê hương của tác giả được thể hiện gián tiếp qua cách nhà thơ
giới thiệu về quê hương của mình trong hai câu thơ mở đầu bài thơ.

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới


Nước bao vây cách biển nửa ngày sông
Với hai câu thơ tám chữ ngắn gọn nhưng có thể thấy tác giả đã giới thiệu một cách
toàn diện, khái quát và đầy đủ về quê hương của chính mình. "Làng tôi" là cách gọi đầy
thiết tha, trìu mến, chan chứa bao tình cảm của nhà thơ với quê hương của mình. Để
rồi, từ đó, nhà thơ vẽ ra những đặc điểm, vị trí của quê hương mình. Cụm từ "vốn làm
nghề chài lưới" đã cho thấy quê hương của nhà thơ là một làng nghề đánh cá truyền
thống từ lâu đời. Cùng với đó, vị trí của làng chính là ở gần biển, chỉ "cách biển nửa
ngày sông", có thể dễ dàng nhận thấy đây chính là cách tính không gian quen thuộc
của người dân miền biển - lấy thời gian để đo không gian. Như vậy có thể thấy nhà thơ
đã giới thiệu một cách ngắn gọn, tự nhiên, giản dị về quê hương của mình. Ẩn sau lời
giới thiệu ấy chính là tình cảm thiết tha, đằm thắm và nỗi niềm yêu thương, tự hào về
quê hương mình của nhà thơ Tế Hanh.

Không dừng lại ở đó, tình yêu quê hương của tác giả trong bài thơ còn được thể hiện
qua nỗi nhớ, cách miêu tả của tác giả về khung cảnh sinh hoạt, lao động của những
người dân làng chài nơi mảnh đất quê hương. Khung cảnh đầu tiên hiện lên trong nỗi
niềm của tác giả đó chính là khung cảnh đoàn thuyền ra khơi đánh cá vào mỗi buổi
sáng.

Khi trời xanh, gió nhẹ, sớm mai hồng


Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.
Hai câu thơ đã mở ra khoảng không gian và thời gian để những chiếc thuyền của người
dân làng chài ra khơi đánh cá. Đó là một buổi sớm mai với ánh mặt trời ấm áp cùng
những ánh nắng hồng tỏa sáng muôn nơi, khoảng thời gian ấy đã gợi ra biết bao niềm
tin, hi vọng cho người dân nơi đây. Và trong khoảng thời gian ấy, trong không gian của
"trời xanh', của "gió nhẹ" những người dân nơi đây đã giong buồm ra khơi đánh cá.

Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã


Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.
Hình ảnh những con thuyền nối đuôi nhau ra khơi được tác giả khắc họa thật đẹp, thật
dũng mãnh, khỏe khoắn và tràn đầy tự tin qua hình ảnh so sánh độc đáo "hăng như
con tuấn mã" cùng việc sử dụng hàng loạt động từ mạnh như "phăng", "vượt". Và
không chỉ dừng lại ở đó, khung cảnh ra khơi của những người dân làng chài còn được
thể hiện ở hình ảnh cánh buồm trong những câu thơ tiếp theo.

Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng


Rướn thân trắng bao la thâu góp gió
Hình ảnh so sánh độc đáo cùng phép tu từ ẩn dụ làm hiện lên hình ảnh của cánh buồm
trắng, mang linh hồn, sự sống, sức mạnh của cả xóm làng. Có thể thấy đây là một hình
ảnh thơ lãng mạn, qua đó thể hiện sự tự hào, niềm tin và tình yêu quê hương của tác
giả.
Trong nỗi nhớ, tình yêu quê hương, nhà thơ Tế Hanh còn khéo léo miêu tả lại khung
cảnh những đoàn thuyền đánh cá trở về sau ngày dài vượt khơi xa.

Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ


Khắp dân làng tấp nập đón ghe về
"Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng"
Dưới ngòi bút của Tế Hanh, khung cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về trên bến quê thật
ồn ào, tấp nập, tràn đầy tiếng cười nói vui vẻ sau một chuyến ra khơi bội thu với những
chiếc ghe đầy cá, với những con cá tươi ngon. Để rồi, những người dân chài lưới nơi
đây lên tiếng thầm cảm ơn thiên nhiên, cảm ơn người mẹ biển cả đã dịu hiền, chở che,
bảo vệ những đứa con để họ có thể trở về với "cá đầy ghe". Đồng thời, trong niềm vui
ấy, tác giả đã khắc họa hình ảnh những người dân làng chài với vẻ đẹp thật khỏe
khoắn.

Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng


Cả thân hình nồng thở vị xa xăm
Hình ảnh những người dân làng chài hiện lên với làn da đen bởi rám nắng cùng thân
hình với những bắp thịt cuồn cuộn đã tạo nên phong thái khỏe khoắn, mạnh mẽ của họ.
Thêm vào đó, cụm từ "vị xa xăm" còn gợi lên vị mặn của biển cả, của đại dương bao la,
mênh mông, dường như, tất cả chúng đã thấm sâu vào thân hình của những con người
nơi đây. Cùng với hình ảnh những người dân làng chài, bằng ngòi bút tài hoa tinh tế và
tình yêu của mình, nhà thơ còn khắc họa hình ảnh con thuyền nghỉ ngơi sau ngày làm
việc mệt nhọc.

Chiếc thuyền im, bến mỏi trở về nằm


Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.
Với nghệ thuật nhân hóa độc đáo cùng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác dường
như đã làm hiện ra trước mắt người đọc hình ảnh con thuyền như một sinh thể có tâm
hồn, như một sự sống lao động của những con người nơi đây, nó cũng có những cảm
nhận của riêng mình sau mỗi hành trình ra khơi. Và để rồi, qua đó giúp chúng ta cảm
nhận thấy tâm hồn nhạy cảm, tinh tế của nhà thơ. Có lẽ phải thật sự giàu lòng yêu quê
hương, luôn nhớ tới quê hương thì nhà thơ mới có những cảm nhận sâu sắc và độc
đáo đến như vậy.
Thêm vào đó, tình yêu quê hương của nhà thơ Tế Hanh còn được bộc lộ trực tiếp qua
nỗi nhớ quê hương trong khổ thơ cuối của bài thơ.

Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ


Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá.
Những ngày tháng rời xa quê hương, trong nỗi lòng của Tế Hanh luôn hiện hữu nỗi
nhớ quê da diết, sâu nặng. Nhớ về quê hương, nhà thơ nhớ những nét bình dị, thân
thuộc nhất của nơi đây, đó là màu nước xanh của biển cả, là cá bạc, là thuyền vôi và
đặc biệt là nhớ "cái mùi nồng mặn" - cái vị mặn mòi của biển cả đã thấm sâu vào trong
mỗi người con làng chài. Đặc biệt, điệp từ "nhớ" được lặp lại trong đoạn thơ đã nhấn
mạnh rõ nét nỗi nhớ quê hương của nhà thơ. Chắc hẳn, nhà thơ phải yêu quê hương
thật nhiều thì mới có một nỗi nhớ quê da diết, cháy bỏng đến vậy.

Với những hình ảnh thơ độc đáo, lãng mạn cùng ngôn ngữ giản dị, tự nhiên, bài thơ
"Quê hương" đã giúp người đọc cảm nhận một cách chân thực và rõ nét tình yêu quê
hương tha thiết, sâu sắc của nhà thơ Tế Hanh. Tình yêu ấy được thể hiện rõ nét trong
những tháng ngày nhà thơ phải sống xa quê hương của mình.

You might also like