You are on page 1of 22

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

KHOA TÂM LÝ HỌC

BÀI TIỂU LUẬN KẾT THÚC MÔN


CAN THIỆP VÀ TRỊ LIỆU TÂM LÝ TRẺ EM
Giảng viên: TS. Lê Thị Mai Liên
Tên đề tài: Tìm hiểu về Trị liệu khay cát

Người thực hiện: Võ Thị Cẩm Tú

MSSV: 1956160192

Sinh viên Khoá 12.

Thành phố Hồ Chí Minh, Tháng 01 năm 2023

1
Mục Lục
Lý Do Thực Hiện Tiểu Luận ........................................................................................................ 1
Phương Pháp Thực Hiện Tiểu Luận ........................................................................................... 2
1. Phương pháp phân tích – tổng hợp tài liệu .......................................................................... 2
2. Phương pháp quan sát trực quan .......................................................................................... 2
Nội Dung Tiểu Luận ..................................................................................................................... 3
1. Giới thiệu về trị liệu khay cát (Sandtray therapy) ................................................................ 3
2. Cơ sở lý thuyết của trị liệu khay cát .................................................................................... 4
3. Phân tích kỹ thuật của trị liệu khay cát ................................................................................ 5
3.1. Mục đích ....................................................................................................................... 5
3.2. Đối tượng ...................................................................................................................... 5
3.3. Phương tiện ................................................................................................................... 6
3.4. Quy trình thực hiện chơi ............................................................................................... 7
3.5. Diễn biến trải nghiệm của thân chủ trong liệu pháp khay cát ...................................... 8
4. Minh họa cho trị liệu khay cát ............................................................................................. 8
5. Thực trạng áp dụng trị liệu khay cát ở trong và ngoài nước .............................................. 11
6. Bàn luận và nối kết với góc nhìn cá nhân .......................................................................... 12
Kết Luận ...................................................................................................................................... 15
Tài Liệu Tham Khảo .................................................................................................................. 16
Phụ Lục ........................................................................................................................................ 18
Lý Do Thực Hiện Tiểu Luận
Trong lĩnh vực can thiệp và trị liệu tâm lý trẻ em, chơi trị liệu là một trong những liệu pháp trị
liệu cực kỳ hiệu quả đối với trẻ. Chơi là một dạng hoạt động tự nguyện, gắn liền với sự phát triển
của trẻ. Liệu pháp chơi dựa trên ý tưởng cho rằng trẻ em giao tiếp một cách vô thức thông qua
chơi. Trong khi chơi, trẻ có thể dễ dàng bộc lộ những mong muốn, cảm xúc của mình theo cách
mà trẻ không hề nhận ra. Nếu nhà trị liệu tạo cho trẻ một môi trường an toàn khi chơi, trẻ có thể
bày tỏ những điều mà trẻ luôn thấy khó khăn mỗi khi bày tỏ bằng ngôn ngữ hay hành động nào
đó. Chơi trị liệu là việc sử dụng các hoạt động chơi và đồ chơi (đất sét, nước, hình khối, búp bê,
con rối,…) trong trị liệu tâm lý trẻ em (Minh Hà, 2014). Play Therapy International (PTI) báo
cáo rằng có tới 71% trẻ em trải qua liệu pháp chơi cho thấy có hiệu quả. Phiên thường kéo dài 30
- 45 phút (About Play Therapy, 2021).
Trong các hình thức chơi trị liệu, có một phương pháp mà em đặc biệt quan tâm và muốn tìm
hiểu, phân tích sâu hơn, đó là trị liệu khay cát (sandtray therapy) hay gọi là trò chơi trên cát
(sandplay). Em nhận thấy đây là một liệu pháp rất hay, cho phép chúng ta kết nối những cảm xúc
bên trong mình, tìm lại những gì thuộc về con người thật mà mình từng chối bỏ. Khi được cô
Mai Liên giới thiệu về trị liệu khay cát, em đã rất ấn tượng, do một phần nào đó những trải
nghiệm của em được khơi dậy mà em đã quyết định chọn nó cho bài tiểu luận của mình, để có
thêm cơ hội được tìm hiểu và phân tích sâu hơn cũng như nối kết với những trải nghiệm của cá
nhân em.
Em có thể còn hạn chế về mặt kiến thức, kinh nghiệm hay cách nhìn nhận và tiếp cận chưa thật
sự đầy đủ, sâu sắc nên bài tiểu luận khó có thể tránh khỏi những thiếu sót. Vì vậy, em rất mong
nhận được sự góp ý và hỗ trợ từ phía cô để có thể khắc phục, sửa chữa kịp thời và hoàn thiện hơn.

1
Phương Pháp Thực Hiện Tiểu Luận
1. Phương pháp phân tích – tổng hợp tài liệu
Bài tiểu luận sử dụng phương pháp này để tìm kiếm những tài liệu (bài báo, bài nghiên cứu, quan
điểm lý thuyết, quan điểm của các tác giả,…) có liên quan đến chủ đề bài tiểu luận và từ đó phân
tích, tổng hợp các kiến thức thật đầy đủ và đa dạng.
2. Phương pháp quan sát trực quan
Phương pháp quan sát trực quan là phương pháp nhằm quan sát đối tượng nghiên cứu để phân
tích, hiểu rõ hơn về lĩnh vực nghiên cứu của mình. Vì một số hạn chế mà bài tiểu luận không thể
sử dụng phương pháp này cho việc quan sát đối tượng trực tiếp mà sẽ sử dụng cho việc quan sát
trên các trang thông tin trực tiếp đáng tin cậy có các video giới thiệu hay thực hành liệu pháp trị
liệu để minh họa cho liệu pháp mà bài tiểu luận thực hiện .

2
Nội Dung Tiểu Luận
1. Giới thiệu về trị liệu khay cát (Sandtray therapy)
Những hình mẫu thu nhỏ (miniatures) tượng trưng cho những con người, thú vật, hoặc sự vật
thông thường, sẽ được sử dụng để tạo nên những bối cảnh và nội dung chơi trên bề mặt của cát.
Điều này được gọi là trò chơi trên cát (sandplay) hay trị liệu trên khay cát (Sandtray therapy)
hoặc như cách gọi tên của Magaret Lowensfeld (tác giả của phương pháp) là Kỹ thuật Thế giới
(World Technique).
Liệu pháp khay cát được phát triển bởi Magaret Lowensfeld trong thập niên 1920 lấy cảm hứng
từ Floorgames (Trò chơi trên sàn nhà) của H.G. Wells, và được áp dụng tại Trung tâm Trị liệu
Trò chơi tại Luân Đôn, Anh Quốc. Wells và các con trai của mình đã cùng chơi những trò chơi
trên sàn nhà; họ lấy những hình mẫu thu nhỏ để bày ra những cảnh chơi đầy kịch tính trên sàn
nhà của một căn phòng sau khi đã dọn sạch các vật dụng khác. Những trò chơi này đã cho phép
gia đình của Wells khám phá các chủ đề trong cuộc sống (Minh Tiến, 2015).
Lowensfeld, cũng giống như Freud, Klein và Winnicott, bà hiểu rằng trẻ em cần có những loại
công cụ phi ngôn ngữ để giao tiếp và tạo nên ý nghĩa cho những trải nghiệm của mình. Bà phát
triển “Kỹ thuật thế giới” vì sự thất vọng với những hạn chế của liệu pháp nói chuyện truyền
thống trong phân tâm học. Bà muốn tìm cách hòa nhập với đời sống nội tâm của trẻ em và hiểu
được những ý tưởng, cảm xúc mà trẻ không thể diễn đạt bằng lời (The Dr Margaret Lowenfeld
Trust - Child Psychotherapy, n.d.). Bà nhận ra rằng các hoạt động chơi có khả năng giúp chuyển
biến và tổng hợp lại những thế giới quan còn hạn chế của trẻ. Bằng sự thông thái của mình, bà
không chỉ đưa thêm vào khay đựng những nội dung chơi mà còn cho cả cát và nước vào để cho
phép đứa trẻ giải bày tâm trạng phức tạp của mình. Bộ công cụ này nhằm giúp trẻ cảm nhận
được các trải nghiệm của mình chứ không giúp gia tăng khả năng diễn giải của nhà trị liệu về
thực tại của đứa trẻ.
Bà tiếp tục phát triển phương pháp này để làm việc với trẻ em tại Viện Tâm lý Trẻ em (Institute
for Child Psychology). Bà cung cấp một số khay cát ướt và khay cát khô khác và một tủ đồ chơi
được phân thành các loại khác nhau – ví dụ: động vật, nhân vật hành động, tòa nhà, xe cộ, v.v.
Ngoài ra còn có các dụng cụ bao gồm xẻng, phễu và sàng, v.v. để trẻ có thể sử dụng để thử
nghiệm các kết cấu khác nhau của cát khô và ướt. Những thân chủ của Lowensfeld đã sử dụng
các vật liệu chơi này một cách hết sức nhiệt tình và thích thú vì tính chất rất hấp dẫn, đa năng và
đa chiều kích. Lowenfeld gọi nó là Kỹ thuật Thế giới vì 'Thế giới' là từ mà một đứa trẻ đã sử

3
dụng để mô tả những gì chúng đã làm với cát và đồ chơi (The Dr Margaret Lowenfeld Trust -
Child Psychotherapy, n.d.).
Nhiều năm trôi qua kể từ ngày Lowensfeld áp dụng kỹ thuật này vào Trung tâm trị liệu của bà,
các giáo viên, những nhà tư vấn và nhà nghiên cứu theo nhiều trường phái lý thuyết khác nhau
đã sử dụng bộ công cụ này đến những đối tượng mà họ làm việc. Theo thời gian, trò chơi trên cát
đã được áp dụng để giúp con người hiểu và trở nên quan tâm hơn về các cá nhân và liên cá nhân
trong đời sống.
Liệu pháp khay cát ngày nay đã vươn rộng ra ngoài khuôn khổ tham vấn và trị liệu tâm lý; nó
được sử dụng trong trường học, trong công sở,… cũng như trong bất cứ hoàn cảnh nào mà những
người có nguồn gốc xuất thân và văn hóa khác nhau muốn hiểu biết lẫn nhau.
2. Cơ sở lý thuyết của trị liệu khay cát
Liệu pháp khay cát là một hình thức tâm lý trị liệu có tính năng động và diễn đạt (dynamic and
expressive), giúp cho thân chủ có thể giải bày thế giới nội tâm của họ thông qua các biểu tượng
và hình ảnh ẩn dụ. Trường phái nhân văn nhấn mạnh đến việc hình thành một mối quan hệ trị
liệu sâu sắc và có tính chấp nhận, cùng với cách tiếp cận xử lý nội dung trong khay cát dựa trên
những trải nghiệm tại đây và ngay lúc này (here-and-now).
Quan điểm nhân văn tin rằng khi con người trưởng thành và phát triển ở độ tuổi trẻ em và thanh
thiếu niên, họ sẽ dần mất đi sự kết nối với chính con người mà mình đang là. Họ thường học
cách chấp nhận một vài cảm xúc nào đó và không chấp nhận những cảm xúc khác. Trong tiến
trình chối bỏ những thứ thuộc về con người thật sự của mình, họ sẽ trở nên mất kết nối với bản
ngã của riêng mình. Liệu pháp khay cát theo hướng nhân văn mang đến những trải nghiệm về
quá trình tái kết nối của con người với bản ngã thực của mình và đưa con người trở lại khám phá
chính mơ ước, hy vọng và tương lai.
Lowenfeld đã phát triển “Kỹ thuật Thế giới” như một phương pháp nghiên cứu các quá trình tâm
trí của một đứa trẻ khi chúng đặt đồ chơi vào khay cát. Mối quan tâm của bà ấy là dành toàn bộ
sự chú ý cho trẻ và truyền đạt cho chúng rằng những gì được tạo ra trong khay cát này đều quan
trọng với bản thân trẻ. Bằng cách này, bà bước vào thế giới của đứa trẻ, tạo ra một phương pháp
mà trẻ có thể bộc lộ đầy đủ bản thân của mình. Lowenfeld không cố gắng điều chỉnh những gì bà
quan sát được về tâm trí của đứa trẻ vào một lý thuyết đã có sẵn, như những người cùng thời với
mình theo phân tâm học là Melanie Klein và Anna Freud đã thực hành. Thay vào đó, bà cẩn thận
ghi lại những gì đứa trẻ đã làm, đã nói trong mỗi buổi trị liệu. Trong lúc trẻ chơi, không có nỗ

4
lực để thay đổi trò chơi hay ảnh hưởng đến các lựa chọn của đứa trẻ hoặc sửa đổi hành vi của
chúng. Lowenfeld chú trọng đến mối quan hệ giữa nhà trị liệu với thân chủ và đẩy mạnh việc
thực hành theo quan điểm của trường phái nhân văn là Thân chủ trọng tâm, bà quan sát trẻ và
cho trẻ thoải mái chơi với khay cát mà không tác động đến chúng – Lấy trẻ làm trung tâm
(Child-Centered) (Lowenfeld & Kalff, n.d.).
Trong liệu pháp khay cát, nhà trị liệu tạo lập một không gian an toàn và có tính chấp
nhận cho thân chủ khi đối mặt với những vấn đề nội tâm của họ. Bản chất mang tính ẩn dụ của
khay cát giúp tạo ra một khoảng cách an toàn cho thân chủ có thể giải toả các cảm giác khổ
đau của họ. Khay cát cho phép thân chủ bộc lộ bản thân họ dưới dạng những biểu tượng không
lời, đồng thời tạo ra một sự phóng chiếu có tính thị hiện trong nội tâm cũng như trong các mối
quan hệ của thân chủ. Chỉ nên sử dụng khay cát khi thân chủ đã có lòng tin khá sâu sắc với nhà
trị liệu, không được thực hiện khi thân chủ còn lưỡng lự. Nhà trị liệu cũng phải trình bày rõ mục
đích, thời lượng khi chơi khay cát với thân chủ.
Liệu pháp khay cát thường được sử dụng có hiệu quả với thân chủ bị bế tắc vì nó bóc tách từng
lớp vỏ trong con người thân chủ, khiến họ phải đối mặt với những cảm xúc ẩn sâu bên trong
mình, như một cách thức để đưa việc trị liệu đến tầng mức can thiệp sâu hơn, thế nên cần phải
đảm bảo thân chủ sẵn sàng và hiểu những gì mình sắp làm (Minh Tiến, 2015).
3. Phân tích kỹ thuật của trị liệu khay cát
3.1. Mục đích
Khay cát là một loại công cụ mang tính giải bày, diễn đạt bao gồm:
- Một môi trường được cấu trúc tốt, thông qua đó những hình ảnh ẩn dụ của thân chủ sẽ được tạo
lập và khám phá
- Một cách bộc lộ các vấn đề của thân chủ để quá trình làm việc có thể tập trung vào chủ đề cốt
lõi trong suốt phiên trị liệu
- Thân chủ có thể nhìn lại những biểu tượng trong quang cảnh mà mình tạo dựng, ngay cả khi đã
khám phá và thực hiện theo sự hướng dẫn về vấn đề của họ.
- Một trải nghiệm sâu sắc với thân chủ. Khay cát tạo điều kiện cho họ khám phá bản ngã của
mình mà không tránh né.
- Một phương tiện gián tiếp giúp thúc đẩy các hoạt động trị liệu cho những thân chủ bị bế tắc,
giúp họ vượt qua các phản ứng phòng vệ và hóa giải các phản kháng (Minh Hà, 2014).
3.2. Đối tượng

5
Trẻ em từ 8 tuổi trở lên, vị thành niên và cả người lớn. Cần phân biệt việc dùng khay cát để tạo
cảnh có ý nghĩa ẩn dụ với việc sử dụng cát như một loại vật liệu vô định hình trong những hoạt
động vui chơi giúp cải thiện tâm vận động ở trẻ em. Các đối tượng của liệu pháp khay cát
là cả trẻ em và người lớn không có vấn đề về trí tuệ hay rối loạn phát triển tâm vận động,
mà phần lớn là những thân chủ có trí năng phát triển tốt nhưng đang trải qua các chấn
thương, đau khổ hoặc bế tắc trong đời sống tâm lý.
Khay cát cũng có thể tạo bối cảnh cho một người tham gia vào quá trình tìm hiểu và khám
phá những trải nghiệm cảm xúc của bản thân. Trong thực tế lâm sàng, đã sử dụng khay cát đối
với một số trẻ em mồ côi sống trong các trung tâm bảo trợ xã hội, trẻ em trong gia đình có xung
đột hay trẻ gặp trở ngại trong học tập và những vị thành niên hoặc người lớn có vấn đề khó
khăn về cảm xúc (Minh Tiến, 2015).
3.3. Phương tiện
Khay chứa cát là phương tiện chính. Kích thước khay cát có thể lớn hoặc nhỏ tuỳ theo mục đích
sử dụng và tuổi tác của thân chủ, sao cho đủ rộng để thân chủ dễ dàng thực hiện các cảnh chơi.
Khay cát có thể đặt trên sàn nhà hay để trên bàn cao cho phép thân chủ đứng hoặc ngồi bên cạnh
khay. Bên trong khay là cát sạch, có thể là cát khô hoặc cát ẩm ướt, từ đó thân chủ có thể tạo địa
hình của cát trong cảnh diễn.
Nhà trị liệu phải có sẵn nhiều các mẫu vật thu nhỏ (miniatures) đại diện cho thật nhiều những con
người, thú vật và sự vật hiện hữu trong cuộc sống mà thân chủ có thể dùng để đặt vào bên trong
khay cát tạo cảnh. Các mẫu vật đó có thể gồm:
- Những hình người: lớn, bé, già, trẻ, đàn ông, phụ nữ, có trang phục và tư thế đại diện cho các
nhóm ngành nghề hoặc kiểu người khác nhau như nông dân, công nhân, giáo viên, bác sỹ, cảnh sát,
học sinh. .. Thậm chí có cả những hình người trong phim ảnh hoặc truyện tranh như siêu nhân,
robot, batman hay người tiền sử vv. .. cho trẻ dễ tưởng tượng
- Những thú vật: Nên sắp xếp và phân loại thành thú hoang và thú nuôi, chim hoang và gia cầm,
thú hiền và thú dữ, loài vật sống trên cạn hoặc dưới nước, một số loài thông dụng hiện vẫn tồn
tại lẫn các loài vật cổ đại đã tuyệt chủng như khủng long, hoặc loài vật chỉ có trong truyền thuyết
như rồng, quái vật. ..
Hoặc có cả các con vật đã được nhân cách hoá hoặc con vật nổi tiếng từ phim, truyện như vịt
Donald, chuột Mickey. .. Nếu có thể, mỗi loài vật nên có các con kích thước to nhỏ khác nhau để
khi cần thiết thân chủ có thể đóng cảnh gia đình của loài vật đó.

6
- Những sự vật, đồ vật: Cần những mẫu vật tiêu biểu cho đa dạng loại đồ vật và sự vật trên thế
giới, từ những vật quen thuộc trong tự nhiên như đất, đá hay các hình tượng thực vật: cây cối,
bông hoa, cho đến những vật thể nhân tạo to nhỏ khác nhau như nhà, xe, ghế, bàn, biển báo, đèn,
vân vân và vân vân. .. Những mẫu vật càng đa dạng thì khả năng tạo cảnh càng phong phú.
3.4. Quy trình thực hiện chơi
Giai đoạn tạo cảnh (scene creation phase)
Là giai đoạn quan trọng và cũng là giai đoạn trung tâm để thân chủ đạt đến các trải nghiệm từ
khay cát. Ở giai đoạn này, thân chủ sẽ sắp đặt các hình mẫu nhỏ trên khay cát.
Homeyer và Sweeney (1998) luôn cho thân chủ một câu mở đầu trước khi đi đến bước tạo cảnh
như "Bạn hãy tạo một quang cảnh về cuộc sống của bạn như thể nó đang có trong hiện tại. Bạn
cũng có thể sử dụng các hình ảnh trong quá khứ cũng như tương lai nhưng phải thành
thật với chính bạn về đời sống của bạn ngay lúc này"
Trong quá trình tạo cảnh, nhà trị liệu cần biết đặt mình trong hiện tại nhưng sẽ không nói gì đặc
biệt cả. Điều quan trọng với thân chủ là cần có được sự trải nghiệm bên trong thông qua việc kết
nối với những hình mẫu thu nhỏ và chọn vật nào trong số chúng để tạo cảnh. Nhà trị liệu không
làm gián đoạn trải nghiệm bên trong này nhưng cần thiết phải cho thân chủ thấy rằng, nhà trị liệu
đang ở cạnh thân chủ trong khi họ trải nghiệm từng phút giây của quá trình tạo cảnh.
Điều thú vị là một số nhà trị liệu khay cát tin rằng tiến trình hồi phục trong liệu pháp khay cát chỉ
diễn ra trong giai đoạn tạo cảnh. Vì thế, các nhà trị liệu này không đi đến giai đoạn xử lý. Một số
nhà trị liệu khác thì sử dụng những cảnh quan trên khay cát làm chủ đề khởi điểm cho các hoạt
động tương tác bằng lời. Việc xử lý các nội dung trong khay cát bằng lời nói có thể giúp khai triển
và mở rộng những diễn biến trong nội tâm thân chủ mà những việc này đã bắt đầu trong giai đoạn
tạo cảnh.
Giai đoạn tạo cảnh sẽ giúp tạo nên sắc thái cho quá trình thân chủ tự thăm dò và khám phá bản
thân khi họ nhìn vào những hình mẫu thu nhỏ và tìm thấy mối liên hệ với chúng. Một số thân chủ
cảm thấy lạc lối khi tìm cách xếp các hình mẫu thu nhỏ đúng theo ý mình muốn. Nếu giai đoạn tạo
cảnh được trải nghiệm một cách có ý nghĩa đối với thân chủ, khi họ nhìn vào và suy nghĩ về
những khía cạnh trong đời sống mà họ thường không chú ý đến thì khi đó giai đoạn xử lý đã bắt
đầu bên trong nội tâm của họ. Việc chuyển qua giai đoạn xử lý bằng lời sẽ trở nên tự nhiên hơn rất
nhiều khi thân chủ cho phép bản thân trải nghiệm giai đoạn tạo cảnh (Minh Hà, 2014).
Giai đoạn xử lý (processing phase)

7
Là giai đoạn suy xét lại những trải nghiệm đã hình thành trong giai đoạn tạo cảnh. Thông qua đó,
thân chủ nhìn lại bối cảnh trong khay cát và những trải nghiệm về tác động của nó.
Một cách điển hình, nhà trị liệu sẽ bắt đầu giai đoạn xử lý bằng việc nói với thân chủ: "Hãy nói
về quang cảnh mà bạn đã tạo ra". Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể bắt đầu khi thân chủ nhận thấy
một điều gì đó ngay trong giai đoạn tạo cảnh. Nhà trị liệu thường sẽ nói: "Bạn trông có vẻ rất buồn
bã. Bạn đang chú ý điều gì vào thời điểm hiện tại?". Sự hiện diện với thân chủ trong mỗi khoảnh
khắc là khái niệm trung tâm của cách tiếp cận nhân văn ở giai đoạn xử lý. Cách tiếp cận tập trung
vào sự khám phá mà không phải kỹ thuật diễn giải (Minh Hà, 2014).
3.5. Diễn biến trải nghiệm của thân chủ trong liệu pháp khay cát
Có nhiều người thắc mắc rằng việc đi sâu vào khám phá bản thân thì có giá trị gì? Tại sao khám phá
những trải nghiệm lại có tính trị liệu?
Trong thực tế, việc cho phép bản thân trải nghiệm một cách đầy đủ những gì bên trong mình mang
lại không ít những giá trị. Thứ nhất, điều này giúp bản thân thân chủ cảm thấy “ổn định với vấn đề
của chính mình”, họ sẽ tự hỏi “làm thế nào để ta có thể hài lòng với những trải nghiệm của chính
ta?”…Thứ hai, theo C.Rogers một khi những cảm xúc phiền nhiễu được cảm nhận đầy đủ nhất, thì
người ta mới có thể đi đến sự thay đổi, là phần rất quan trọng trong tiến trình thay đổi.
Khung cảnh khay cát thường phác họa trạng thái phân cực đối lập hoặc hai khuynh hướng, thành
phần, mong muốn tương phản. Những hình mẫu thường được sắp xếp thành từng cụm ở trong góc
hoặc khu vực nào đó của khay cát. Bất cứ lúc nào thân chủ sử dụng đến những vách ngăn hoặc rào
chắn thì có nghĩa là sự phân cực đã xuất hiện. Ở thân chủ thường có sự giằng co giữa mong muốn
thay đổi và nỗi sợ sự thay đổi. Khi nhà trị liệu bắt gặp sự phân cực trong khay cát hay trong lời nói
của thân chủ, nhà trị liệu có thể nghĩ đến các chọn lựa cho việc đáp ứng với thân chủ trong khi vẫn
phải chú tâm đến sự phân cực đã được nhìn thấy. Nếu thân chủ chưa sẵn sàng trải nghiệm đi sâu
vào những cảm xúc buồn đau, nhà trị liệu cần phải thừa nhận điều này và làm việc trên nỗi sợ thay
vì nỗi đau. Khi đó, thân chủ sẽ không kháng cự việc trị liệu, nếu thân chủ vẫn chưa sẵn sàng, cần
thiết phải làm việc tại nơi thân chủ đang đứng hơn là thúc đẩy họ đi tới nơi họ cần khi mà họ chưa
chuẩn bị tốt tâm thế (Minh Hà, 2014).
4. Minh họa cho trị liệu khay cát
Video ví dụ minh họa 1 (Xem Phụ lục 3)
Đây là một ví dụ minh họa cho Kỹ thuật thế giới của Magaret Lowensfeld. Trong ví dụ này, nhà
trị liệu đã sử dụng liệu pháp khay cát để trị liệu cho một bé gái 8 tuổi, nhà trị liệu vừa quan sát bé

8
gái tạo cảnh, vừa đặt những câu hỏi gợi mở cho bé. Trong video ví dụ này có kèm theo những
đánh giá, những góc nhìn của nhà trị liệu về buổi trị liệu đó để chúng ta có cái nhìn rõ hơn về Kỹ
thuật thế giới được thực hiện như thế nào.
Theo nhà trị liệu, phòng chơi cần phải có cả khay cát khô và khay cát ướt để thân chủ có thể có
những trải nghiệm đa dạng, vì cảm giác mỗi loại cát đem đến là khác nhau. Bà cho rằng, trẻ nhỏ
thường có xu hướng khám phá cát khô hơn vì chúng có thể vùi tay vào trong cát dễ dàng để cảm
nhận từng hạt cát, còn một số trẻ lớn hơn một chút sẽ thích sử dụng cát ướt trước. Một số trẻ có
xu hướng tập hợp đủ các hình mẫu nhỏ mình cần ở bên ngoài khay cát, rồi mới bắt đầu đặt chúng
vào bên trong khay để tạo cảnh, một số khác thì chỉ cần nắm vật này, vật kia rồi cho thẳng vào
khay.
Quay trở lại với ví dụ về phiên trị liệu của cô bé 8 tuổi, điều đầu tiên mà nhà trị liệu làm khi cùng
trẻ bước vào phòng chơi là san phẳng cát trong khay để nó hình thành một mặt phẳng cát trống
để bé gái có thể dễ dàng tạo cảnh hơn. Khi lần đầu tiên đối diện với hai khay cát khác nhau, cô
bé đã chọn cát ướt, bé chạm vào cát và bắt đầu tạo nên hình dạng cho cát. Điều này đã khiến cho
nhà trị liệu bất ngờ và thấy thú vị. Cô bé tạo nên những gò đất nhỏ, dùng ngón tay tạo nên những
cái lỗ trên cát, rồi dùng máy bay đặt vào khay, tiếp đó bé tạo nên một vách ngăn, chia cái khay ra
làm hai nửa. Một điều khá thú vị đó là cô bé đã dùng ngón tay khoét một lỗ ở vách ngăn rồi tạo
nên một đường nối nhỏ, kết nối hai nửa khay lại qua lỗ trên vách ngăn. Một nửa khay trẻ đặt
những con vật vào, có cả con vật dưới biển và trên cạn, một ngăn còn lại là những chiếc máy bay,
bé đã tạo ra hai nửa thế giới khác nhau trên cùng một khay cát.
Tiếp theo, bé chuyển hoạt động qua khay cát khô, cũng giống hệt như khay cát ướt, bé tạo nên
một vách ngăn giữa khay, vì cát khô nên vách ngăn khó tạo như ý bé, bé đã phá nó đi, quyết định
san bằng mặt cát, lúc này bé sử dụng đến công cụ là một cái cào nhỏ để điều chỉnh mặt cát theo
mong muốn. Sau đó, bé đã tìm những hình mẫu là những loại cây rồi vùi phần gốc vào khay cát
như thể bé đang trồng cây trên một hòn đảo, sau đó bé đặt vào một chiếc lều nhỏ. Và khi nhà trị
liệu hỏi về chiếc lều, bé nói rằng những người bên trong lều đang ngủ. Nhà trị liệu hỏi rằng
những người đó sẽ làm gì và cô bé lắc đầu, nhà trị liệu tiếp tục gợi mở cô bé tưởng tưởng những
gì mà họ làm thì cô bé vẫn không biết. Nhà trị liệu thừa nhận điều đó và chuyển sang quan sát
toàn bộ hai khay cát. Bà hỏi về những gì bé tạo ra, bé nói rằng bé đã tạo ra sa mạc, đất liền, biển
và bầu trời, có đầy đủ các loại động vật trên cạn, dưới nước và máy bay trên bầu trời, cô bé đã
tạo cảnh có thể bao trọn cả thế giới. Tuy nhiên, vì những chiếc máy bay chưa thể hiện rõ được

9
bầu trời nên cô bé đã tạo nên ông mặt trời để trông chính xác hơn, như thể máy bay đang bay chứ
không phải bị treo lơ lửng. Nhà trị liệu đã để cho bé thoải mái tạo dựng nên thế giới mà bé muốn
và dùng những câu hỏi gợi mở về những gì bé tạo nên để biết bé nghĩ gì về chúng.
Theo nhà trị liệu, khi đến giai đoạn xử lý, chúng ta sẽ hỏi trẻ rằng “con có thể nói cho cô biết về
những gì mà con đã tạo ra”, lúc này trẻ trả lời “đây là thế giới của con” và chúng ta cũng nên
cảm nhận đây là thế giới của trẻ như trẻ đã nói, không nên hạn chế hay gián đoạn những gì mà
trẻ làm trong lúc tạo cảnh. Hãy cố gắng sử dụng những từ ngữ và tên gọi mà trẻ đã sử dụng khi
chúng miêu tả về quang cảnh mà chúng tạo. Dù trẻ chỉ vào vật khác và nói tên một vật khác thì
chúng ta cũng nên gọi theo trẻ, không nên hạn chế vốn từ vựng của chúng. Nhà trị liệu không chỉ
xem quang cảnh cuối cùng mà trẻ tạo còn nên chụp hình lại để xem sau, và tất nhiên điều này
cần được sự đồng ý của trẻ.
Video ví dụ minh họa 2 (Xem Phụ lục 3)
Ở ví dụ minh họa này, nhà trị liệu làm việc với thân chủ lớn hơn là một cô gái ở tuổi vị thành
niên. Khi bước vào phòng chơi, nhà trị liệu đã giới thiệu cho thân chủ những hình mẫu thu nhỏ
trong phòng chơi đang có, qua video chúng ta có thể thấy trong phòng chơi không chỉ có một mà
nhiều cái kệ lớn chứa rất nhiều hình mẫu thu nhỏ khác nhau, mà thân chủ có thể thoải mái lựa
chọn. Nhà trị liệu đưa cho thân chủ một chiếc giỏ nhỏ để đựng những hình mẫu mà thân chủ
chọn.
Sau khi thân chủ chọn xong những hình mẫu, bắt đầu bước vào giai đoạn tạo cảnh. Lúc này, nhà
trị liệu đã gợi ý thân chủ có thể cảm nhận cát trước, tự mình điều chỉnh nền cát bằng tay hoặc
công cụ tùy thân chủ muốn. Khi thân chủ bắt đầu tạo cảnh, nhà trị liệu đã dành ra 3 phút hoặc lâu
hơn là hoàn toàn yên lặng để thân chủ tập trung vào việc tạo cảnh và trải nghiệm. Khi thân chủ
tạo cảnh xong, nhà trị liệu đã hỏi rằng liệu thân chủ có muốn quay lại kệ để đặt thêm các hình
mẫu khác không? Điều này giúp cho thân chủ hiểu rằng cô không bị hạn chế bất cứ thứ gì, có thể
thêm hoặc bớt những thứ có trong khay cát của mình. Khi thân chủ xác nhận là không cần thêm
hình mẫu, nhà trị liệu tiến hành giai đoạn xử lý bằng cách đưa ra lời gợi mở “bạn hãy nói một
chút về những gì bạn tạo ra ở đây nhé”.
Thân chủ nói rằng những gì cô tạo trong khay cát là đại diện cho cuộc sống của cô. Nhìn vào
khay cát chúng ta có thể thấy rõ sự phân cực, hai nửa đại diện cho hai điều khác nhau trong cuộc
sống của thân chủ. Một nửa đại diện cho những điều tốt đẹp: búp bê nữ tượng trưng cho gia đình
của thân chủ - thân chủ có đông chị em, đều là con gái và cô rất yêu thương họ; con ốc, mặt trời

10
tượng trưng cho bãi biển – là nơi mà thân chủ rất thích; hòn đá tượng trưng cho chính thân chủ -
thân chủ nói rằng cô là một người có lòng tự trọng tốt,..Một nửa còn lại đại diện cho những điều
không mấy tốt đẹp: con rắn – con vật là thân chủ rất sợ, điếu thuốc lá được khóa vào trong tủ -
thân chủ lớn lên trong môi trường đầy khói thuốc và thân chủ thật sự ghét nó, không muốn nó
xuất hiện trong cuộc đời; cuối cùng là chiếc điện thoại – thứ có thể giúp ích nhưng cũng gây
không ít trở ngại cho thân chủ. Những hình mẫu được tách ra hai nửa trên khay cát đại diện cho
những nguồn lực và trở ngại của thân chủ. Lần thứ hai tạo cảnh, khi thân chủ cho thêm những
hình mẫu khác, cô đã đặt vào khay những thứ có thể chống lại những trở ngại của mình như tấm
lưới trói chặt con rắn, chiếc cúp đại diện cho những thành tựu sẽ chiến thắng chiếc điện
thoại,…Lúc này thì sự phân cực trong khay cát phần nào được lấp đi.
5. Thực trạng áp dụng trị liệu khay cát ở trong và ngoài nước
Trên thế giới
Phương pháp khay cát ban đầu được tạo ra bởi Margaret Lowenfeld vào những năm 1920. Công
việc của bà phát triển cùng lúc với công việc của Anna Freud và Melanie Klein, những người tin
rằng trò chơi có thể được sử dụng để thay thế cho sự liên tưởng tự do bằng lời nói trong phân
tâm học (Mitchell & Friedman, 1999). Carl Jung đã phân tích một khay cát do Lowenfeld tạo ra
và sau đó viết về những trải nghiệm của bản thân với khả năng chữa bệnh khi chơi với cát và đá
trong cuốn sách của ông - Memories, Dreams, Reflections (Jung, 1989). Erik Erikson cũng đã
thử nghiệm các phương pháp của Lowenfeld và sử dụng chúng trong hai nghiên cứu, ông mô tả
sự xuất hiện của những ký ức và trải nghiệm phi ngôn ngữ, chẳng hạn như ký ức chấn thương.
Hiện tại, các nhà trị liệu bằng khay cát có thể được tìm thấy trên khắp thế giới đại diện cho một
số lượng đáng kể các nền văn hóa và bối cảnh bao gồm:
• Trung Quốc - trẻ em mắc hội chứng Asperger (Cao, Shan, Xu, & Xu, 2013);
• Tehran - Sự đau khổ của thanh thiếu niên(Roubenzadeh, Abedin, & Heidari,
2012);
• Nam Phi - Hỗ trợ trẻ em mắc AID mắc rào cản ngôn ngữ (Ferreira, Eloff, Kukard,
& Driegler 2014);
• Thụy Điển - Một nghiên cứu về kỹ thuật khay cát được sử dụng với Trẻ em Thụy
Điển từ 1945-1960 (Nelson, 2011);
• Canada - Khay cát như một phương pháp nghiên cứu đánh giá trải nghiệm của trẻ
(Linzmayer, Halpenny, 2013).

11
• Liệu pháp khay cát được sử dụng rộng rãi ở Nhật Bản, nơi nó được gọi là
'Hakoniwa' và được coi là một phương pháp trị liệu tâm lý chính (Enns & Casai,
1993).
Khi toàn cầu hóa tiếp tục gia tăng sự đa dạng và cơ hội trong tham vấn đa văn hóa, việc sử dụng
các phương pháp khay cát có thể cung cấp một phương tiện để tăng cường hiểu biết trong bối
cảnh tham vấn (Ramsey, 2014).
Ở Việt Nam
Trị liệu khay cát đã được một số nhà trị liệu đưa về nước ta và ứng dụng vào hoạt động trị liệu
tâm lý. Một số cơ sở có trị liệu khay cát có thể kể đến như: Công ty TNHH Tham vấn tâm lý
Giang Vũ, phòng trị liệu của CLB Trăng Non,…Ở CLB Trăng Non, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến đã
dịch nhiều tài liệu về liệu pháp khay cát rất hay và có ích cho những người đang học tập và làm
việc ở lĩnh vực Tâm lý trị liệu.
6. Bàn luận và nối kết với góc nhìn cá nhân
Trong mỗi chúng ta, ai cũng đều mang trong mình một vết thương lòng hay một trải nghiệm đầy
đau đớn. Và khi nỗi đau đó quá lớn, nằm sâu trong vô thức - các loại trị liệu nói chuyện điển
hình khó có thể giúp đỡ được chúng ta. Đây là lúc mà liệu pháp khay cát có thể giúp ích.
Liệu pháp khay cát cho phép thân chủ chọn những hình mẫu mà họ cảm thấy phù hợp hoặc khiến
họ cảm thấy an toàn. Bằng cách tạo quang cảnh trên khay cát, thân chủ và nhà trị liệu sau đó có
thể suy nghĩ về những gì đang hiện hữu đằng sau.
Liệu pháp này đặc biệt hữu ích cho những người gặp khó khăn trong việc nói ra những ký ức và
vết thương của mình, bao gồm trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn:
+ mắc chứng tự kỷ
+ mắc trầm cảm hoặc rối loạn lo âu
+ mắc chứng tăng động giảm chú ý (ADHD)
+ đã trải qua chấn thương
+ đang trải qua giai đoạn đau buồn
+ khuyết tật về thể chất hoặc khó khăn trong học tập
Liệu pháp khay cát cũng có thể giúp ích cho những người có lòng tự trọng thấp, khó khăn trong
giao tiếp xã hội hoặc gây rắc rối ở trường. Trị liệu khay cát giúp phát triển mối quan hệ giữa nhà
trị liệu và thân chủ, giúp thúc đẩy quyền tự chủ và tự do ngôn luận cho những người thân chủ trẻ
tuổi trong môi trường trị liệu (Pedersen, 2021).

12
Liệu pháp khay cát đã giúp em hiểu được sức mạnh và sự đa dạng trong việc trị liệu tâm lý. Hiện
nay, có rất nhiều liệu pháp trị liệu khác nhau đang được sử dụng, mỗi liệu pháp đều có những kỹ
thuật, nền tảng lý thuyết khác nhau, đều mang đến những trải nghiệm đặc biệt cho thân chủ.
Nhưng chung quy lại, tất cả các liệu pháp đều mang một mục đích là có thể giúp đỡ thân chủ
vượt qua những trở ngại tâm lý của họ, để họ có thể sống như họ mong muốn. Liệu pháp khay
cát cũng không ngoại lệ và điều đặc biệt của liệu pháp này khiến em ấn tượng chính là những kỹ
thuật được thực hiện trong buổi trị liệu – tự do, sáng tạo, ẩn dụ, đối diện – đó là tất cả những gì
em cảm nhận được khi tìm hiểu về liệu pháp này. Em thấy rằng khi vào phiên trị liệu, thân chủ
được tự do chọn hình mẫu mình mong muốn, tự do tạo quang cảnh trên khay cát mà không gặp
bất kỳ hạn chế nào. Cách trị liệu sáng tạo này giúp cho thân chủ dễ dàng bộc lộ những cảm xúc
của mình, những điều dồn nén khó có thể bày tỏ ra bằng ngôn ngữ. Từng hình mẫu, từng quang
cảnh mà thân chủ tạo ra đều mang một ý nghĩa ẩn dụ cho cuộc sống của thân chủ, cho vấn đề mà
thân chủ luôn mang. Và để tạo ra được một “bức tranh” khay cát của mình, bản thân thân chủ
phải đối diện với những trải nghiệm đau thương, đối diện với những cảm xúc đau buồn, khó chịu
mà họ không bao giờ muốn trải qua. Trong lúc đó, nhà trị liệu có vai trò là người đồng hành, gợi
mở cho thân chủ từng bước tiến sâu vào hành trình khám phá bản thân trong môi trường tự do và
an toàn nhất. Những điều này đặc biệt có ích cho đối tượng là trẻ em vì các em có thể không giỏi
diễn đạt vấn đề bên trong mình qua lời nói. Bản thân em cũng có những ký ức không mấy dễ
chịu, luôn đặt nặng trong lòng mà không thể nói ra. Cách thân chủ được tập trung hoàn toàn vào
việc khám phá bản thân, từng bước đi sâu vào nội tâm của mình rồi từ từ đặt từng hình mẫu, tạo
hình dạng cát, tạo ra thế giới mà mình mong muốn mà không cần phải nói ra bằng lời chính là
điều mà em vô cùng ấn tượng về liệu pháp này và mong rằng sau này sẽ có cơ hội được trải
nghiệm, tìm hiểu nhiều hơn về liệu pháp khay cát trong thực tế.
Là một học sinh năm thứ 4, sắp phải đi thực tập và chuẩn bị ra trường, em đã rất lo lắng cho
tương lai sau này của mình, vì em vẫn chưa thể xác định mình sẽ làm gì khi không còn ngồi trên
ghế nhà trường nữa. Lúc đăng ký học phần cho kỳ học cuối cùng, em đã quyết định theo chuyên
ngành trị liệu và đăng ký môn Can thiệp và trị liệu tâm lý trẻ em. Em mong đợi được học thêm
nhiều kiến thức mới về việc can thiệp, trị liệu tâm lý cho đối tượng là trẻ em và hơn hết là muốn
xem mình có hợp làm việc với trẻ em không. Và sau khoảng thời gian được học tập cùng cô Liên,
thầy Điệp và các bạn, em đã gặt hái kha khá thành quả cho mình (Xem cây thành quả ở Phụ Lục).

13
Thứ nhất, em học được nhiều liệu pháp trị liệu rất hay và thú vị như trị liệu qua tranh vẽ, trị liệu
chơi, trị liệu bằng trò chơi điện tử,…Ngoài ra em còn học được những điều hay ho từ thầy cô khi
thầy cô chia sẻ về công việc của mình, những kinh nghiệm mà thầy cô đúc kết được khiến em
thấy rất ngưỡng mộ; còn có cả chia sẻ đến từ các bạn trong lớp, những chuyện các bạn gặp phải
trong lúc làm thêm các công việc ở trung tâm trẻ chuyên biệt, những việc các bạn hay làm để cân
bằng cảm xúc của bản thân,…
Thứ hai, em khám phá được nhiều điều ở bản thân mình hơn và thấy yên bình hơn mỗi khi được
làm các bài tập trị liệu tranh vẽ, đặc biệt là khi vẽ Mandala cảm xúc, em đã nghĩ về nhiều điều đã
từng trải qua trong đời, đã hồi tưởng lại, gậm nhắm nó và cho nó đi qua.
Thứ ba, đây là điều mà em không ngờ mình có thể nhận được, đó chính là có thể hiểu thêm về
bạn bè của mình, những người đã cùng đồng hành với em trong suốt 4 năm đại học. Khi cùng
các bạn vẽ tranh, làm bài tập nhóm cùng nhau, em đã được nghe các bạn chia sẻ về nhiều điều ở
các bạn, về những ước mơ, những dự định, thậm chí là những vết thương khi các bạn đủ tin
tưởng. Điều này khiến em cảm nhận được dường như chúng em đang được kéo lại gần nhau hơn,
em rất vui khi thấy các bạn đủ cởi mở và tin tưởng những người bạn cùng học Tâm lý chung với
mình để chia sẻ những điều trong lòng các bạn.
Qua môn học này, em đã quyết định sẽ thử làm việc trên đối tượng là trẻ em với liệu pháp mà em
đã học được là trị liệu chơi và em rất vui khi đã tìm được một công việc ưng ý đó là hỗ trợ trẻ tự
kỷ bằng trị liệu chơi không hướng dẫn. Em đã được các anh chị ở chỗ làm giúp đỡ rất nhiều.
Những lúc được chơi cùng các bạn tự kỷ, được học hỏi thêm kiến thức đã khiến em rất vui và
hạnh phúc.
Em cám ơn thầy cô và các bạn lớp Can thiệp và trị liệu tâm lý trẻ em rất nhiều vì đã cho em
những trải nghiệm tuyệt vời và quý giá, giúp em có thêm can đảm để nhận công việc và giờ nó
đã trở thành một công việc ý nghĩa nhất với em từ trước đến giờ.

14
Kết Luận
Liệu pháp khay cát là một kỹ thuật trị liệu rất hay và thú vị, có thể ứng dụng trên nhiều đối tượng,
trong đó có trẻ em, đã có nhiều kiểm chứng về hiệu quả mà nó mang lại, nhiều nhà trị liệu trên
thế giới đã học tập và áp dụng liệu pháp này trong công việc trị liệu của mình. Bài tiểu luận vừa
đi qua những nội dung liên quan đến liệu pháp khay cát như: lịch sử hình thành, cơ sở lý thuyết,
kỹ thuật trị liệu, tính ứng dụng,.. và ví dụ minh họa cho liệu pháp. Ngoài ra, trong bài tiểu luận
em còn đề cập đến quan điểm, cảm nhận của riêng em về liệu pháp và những chia sẻ về trải
nghiệm mà em có được trong môn Can thiệp và trị liệu tâm lý trẻ em.
Tóm lại, về liệu pháp khay cát, đây là một phương pháp sử dụng khay cát cùng với các hình mẫu
nhỏ đa dạng các thể loại để giúp thân chủ bộc lộ bản thân mà không cần lời nói. Nó là một cách
hiệu quả để giúp thân chủ đối phó với chấn thương và lo âu, cũng như bày tỏ cảm xúc của họ
trong trị liệu. Nó đã được chứng minh là đặc biệt hiệu quả ở trẻ em, nhưng nó cũng có thể hữu
ích cho thanh thiếu niên và người lớn. Liệu pháp khay cát giúp trẻ tiếp cận những ký ức chấn
thương và cải thiện khả năng thích ứng hành vi. Nó cũng có thể giúp chữa lành vết thương cho
trẻ sau khi bị lạm dụng tình dục, giảm bớt sự hung hăng và điều trị chấn thương cho những trẻ có
rào cản ngôn ngữ hay những trẻ còn quá nhỏ để có thể diễn đạt vấn đề của mình qua lời nói.

15
Tài Liệu Tham Khảo
About Play Therapy. (2021, November 4). PTI - Play Therapy International.

https://playtherapy.org/about-play-therapy/

Cao, H., Shan, W., Xu, Y., Xu, Ruijie, (2013). Eastern Sandplay as a safe container for a

combined intervention for a child with Asperger syndrome: A case study The Arts in

Psychotherapy, 40 134-142

Enns, C.Z. & Kasai, M., (1993). Hakonlwa: Japanese Sandplay Therapy, The Counseling

Psychologist 2003 31:93 DOI:10.1177/0011000002239403

Ferreira, R., Eloff, I., Kukard, C., Kriegler, S. (2014). Using sandplay therapy to bridge a

language barrier in emotionally supporting a young vulnerable child. The Arts In

Psychotherapy, 41107-114. doi:10.1016/j.aip.2013.11.009

Hà, L. T. M. (2014). Giáo trình đại cương tâm lý trị liệu. Trường Đại Học Sư Phạm TP Hồ Chí

Minh.

Jung, C. G. (1989). Memories, Dreams, Reflections. Rev. ed., C. Winston & R. Winston, Trans.

A. Jaffe, Ed. New York: Random House, Inc.

Linzmayer, C. D., & Halpenny, E. A. (2013). “It was Fun”: An evaluation of sand tray pictures

as innovative Visually Expressive method for researching childrens experiences with

nature. International Journal of Qualitative Methods. 310

Lowenfeld & Kalff. (n.d.). Transpersonal Sandplay Therapy Center. http://sandplay.net/test1

Mitchell, R., & Friedman, H. S. (2002). Sandplay : Past, Present, and Future. London:

Routledge

Nelson, K.Z., (2011), The sandtray technique for Swedish children 1945-1960: diagnostics,

psychotherapy and processes of individualization. Paedagogica Historica Vol. 47, No. 6

Dec. 2011, 825-840

16
Pedersen, T. (2021, October 7). What Is Sand Tray Therapy? Psych Central.

https://psychcentral.com/health/sand-tray-therapy

Ramsey, L. C. (2014). Windows and Bridges of Sand: Cross-cultural Counseling Using Sand

Tray Methods. Procedia - Social and Behavioral Sciences, 159, 541–545.

https://doi.org/10.1016/j.sbspro.2014.12.421

Roubenzadeh, S., Abedin, A. Heidari, M., (2012) Effectiveness of SandTray Short Term Group

Therpay with Grieving Youth. Procedia-Social and Behavioral Sciences 69 (2012) 2131-

213

The Dr Margaret Lowenfeld Trust - Child psychotherapy. (n.d.). https://lowenfeld.org/the-world-

technique/

Tiến, N. M. (2015). Liệu pháp khay cát - Santray Therapy. Câu lạc bộ Tâm lý Trị liệu TRĂNG

NON

17
Phụ Lục

1. Phụ lục liên quan đến chủ đề tiểu luận

Phụ lục 1: Hình ảnh Margaret Lowenfeld làm việc với một đứa trẻ tại Viện Tâm lý Trẻ em bằng

Kỹ thuật Thế giới.

Phụ Lục 2: Phương tiện của liệu pháp khay cát

18
Phụ lục 3: Link video minh họa cho liệu pháp khay cát

Video ví dụ minh họa 1


https://www.youtube.com/watch?v=DEXHWdLD1Og
Video ví dụ minh họa 2
https://www.youtube.com/watch?v=KztpPorWVQU&t=157s
2. Phụ lục về tiến trình trải nghiệm cá nhân trong suốt môn học

Cây Mong Đợi Lịch sử phát triển Tâm lý trị liệu

Bài tập Tìm những trò chơi hỗ trợ trẻ ADHD Trải nghiệm liệu pháp trị liệu trong môn học

19
Bài tập Chuẩn bị Câu chuyện xã hội Bài tập Phân tích tranh vẽ của cô Minh Đức

Trải nghiệm Mandala cảm xúc Trải nghiệm vẽ tranh người, cây và tranh tự do

Cây thành quả

20

You might also like