You are on page 1of 6

Sinh viên: Nguyễn Hồng Mơ

MSSV: 1856010085
Giảng viên: PGS.TS Trần Thị Quỳnh Thuận

BÀI TIỂU LUẬN CUỐI KÌ


MÔN VĂN HỌC TÂY ÂU 1
Đề tài: Hãy phác họa dòng chảy văn học châu Âu từ thời cổ đại đến thế kỷ XVII

"Không ai tắm hai lần trên một dòng sông", câu nói của triết gia Hy-lạp cổ đại Heraclitus với
hàm ý rằng vạn vật trên thế giới luôn vận động không ngừng thay đổi. Dòng chảy văn học châu
Âu từ cổ đại đến thế kỷ XVII cũng như vậy. Với văn học Hy-lạp và La-mã cổ đại là khởi
nguồn, nối tiếp là văn học Trung đại, kế tiếp là văn học Phục hưng, kết thúc là văn học Cổ
điển, mỗi thời kì có kế thừa giai đoạn trước, nhưng cũng xác lập con đường đi riêng.
Trước hết, văn học cổ đại (từ khởi thủy đến thế kỷ V) gồm văn học Hy-lạp và La-mã cổ
đại. Tên gọi cho thấy sự nối kết giữa Hy-lạp và La-mã. Kho tàng văn học người Hi-lạp cổ đại để
lại với nhiều thể loại phong phú như: thần thoại, anh hùng ca, thơ, văn hùng biện, truyện ngụ
ngôn,… đậm đà phẩm chất nhân văn.Văn học Hy-lạp cổ đại lấy đối tượng chủ yếu là con người.
Ta thấy các vị thần trên đỉnh Olympe đầy đủ những đức tính của con người như ghen tuông, hờn
giận, vui buồn. Do lấy con người làm đối tượng miêu tả nên văn học Hy Lạp còn giàu tính hiện
thực. Anh hùng ca dù mang tính chất hoang đường vẫn là bức tranh trung thực cuộc sống bấy
giờ. Thơ trữ tình cũng phát triển với những tên tuổi Minermer, Pindare, Sapho,… Đó là những
sáng tác thô sơ đầu tiên về tình yêu của con người. Hùng biện là một lĩnh vực mà người Hy-lạp
cổ quan tâm, Démosthène là người nổi tiếng trong lĩnh vực này. Ngụ ngôn của Aesop thì giàu giá
trị nhân văn và ông trở thành “ông tổ của ngụ ngôn” nhân loại. Bi kịch phản ánh những vấn đề
lớn của nhân loại với ba tên tuổi lớn Eschyle, Sophocle, Euripide. Cuộc đời của họ gắn liền với
sự thăng trầm của nhà nước dân chủ chủ nô Hy-lạp và sáng tác của họ đã phản ánh hiện thực của
thời đại với nội dung nhân văn sâu sắc. Nghệ thuật kịch của họ được các chuyên gia nghiên cứu
sân khấu đánh giá là “khuôn mẫu” cho đời sau học.
Sau khi đánh chiếm thành phố Tarentơ của Hi-lạp trên bán đảo Ý vào năm 272 TCN, La-mã
bắt đầu tiếp xúc với văn học Hy-lạp, do đó chịu nhiều ảnh hưởng của văn học Hy-lạp, nhưng sau
đó La-mã đã xác lập con đường đi riêng, với các thành tựu thể hiện tinh thần La-mã.Văn học
thời kì này hoàn thiện con người đắc dụng của cộng đồng, dựng xây một đất nước hùng cường,
tổ chức và phát triển một xã hội qui củ, đồng thời đề cập đến những vấn nạn của hiện thực xã
hội. Nếu so sánh Aeneid và Iliad, Odyssey, ta thấy rằng dù Aeneid có kết cấu, cốt truyện mô
phỏng kiểu mẫu Homer, nhưng ta thấy Aeneid phát triển nhiều hơn quan niệm anh hùng từ thời
Homer. Người anh hùng trong Aeneid không chỉ là cá nhân kiệt xuất tham gia vào những chiến

1
công như Iliad hay Odyssey mà còn là cá nhân quyết định trực tiếp đến số phận cộng đồng. Về
thơ, tuy có kế thừa Hy-lạp nhưng đến Horatius, vần luật thơ tiếng Latinh đã đạt đến chỗ hoàn mĩ.
Kịch La-mã thường phỏng theo kịch Hy-lạp hoặc cải biến các vở kịch Hi-lạp thành kịch La-mã.
Kịch La-mã sở dĩ quan trọng là vì nó chịu ảnh hưởng của các kịch tác gia sau này- đặc biệt là
thời Phục hưng.
Kế tiếp là văn học trung đại (thế kỷ V-XIV), sử gia phương Tây gọi giai đoạn này là thời kì
“đêm trường trung cổ” với sự ngự trị tuyệt đối của thần quyền, quân quyền. Đó là khi tòa án
giáo hội đưa lên giàn thiêu bất cứ ai nghi ngờ chân lí, giáo lí nhà thờ, có tư tưởng tự do hoặc tìm
tòi khoa học. Điều đó trói buộc con người, chà đạp lên quyền sống, quyền tự do của họ. Mặt
khác, do thiếu ánh sáng của văn hóa đã kìm hãm lịch sử phát triển của châu Âu, văn học không
phát triển được,

Theo đó, con người và cái tôi cá nhân từng được văn học cổ đại đề cao bị rơi xuống hàng thứ
yếu, chiếm lĩnh vị trí độc tôn là hình ảnh của một vị chúa toàn năng hoặc một đức vua quyền uy
trên ngai vàng. Vì vậy nên văn học được giao cho nhiệm vụ chủ yếu là tập trung ca ngợi vua chúa.
Những tác phẩm cổ xúy cho đức tin, triết lí Thiên Chúa giáo như Kinh Thánh, Thần khúc, Tụng ca,
… là một nét đặc trưng nổi bật của thời kì này. Hình ảnh những chàng hiệp sĩ phong nhã phụng sự
Chúa và vua trong các romance đã trở thành một kiểu mẫu tương tự người hùng lí tưởng trong các
anh hùng ca. Tuy vậy, văn chương không bị bó hẹp chỉ trong phạm vi tôn giáo. Trong thời kì này,
Tristan et Iseult (Béroul), một huyền thoại tình yêu lãng mạn và bi kịch ra đời. Vẻ đẹp của thiên
nhiên, những tình cảm nồng nhiệt được in đậm trong những bài lyric như Cuckoo Song, Alysoun,…,
rồi những bản ballad thể hiện đời sống bình dân của thanh niên nam nữ. Ở Ý, Decameron – truyện
thế sự cuối thời Trung đại thì tràn ngập niềm lạc thú trong tình yêu.

Khép lại thời kì Trung đại, mở ra giai đoạn Phục hưng. Trong tiếng Anh, thuật ngữ Phục
hưng là Renaissance, trong tiếng Italia là Renascita. Văn học Phục hưng (thế kỷ XIV-XVI)
làm sống lại những truyền thống văn hóa tốt đẹp mà Hi-La đã nêu để nối tiếp và giải quyết
những tinh thần thời họ sống-giai đoạn cuối thời trung cổ. Nhà văn là những "người khổng lồ"
(chữ dùng của Ănghen).

Chủ nghĩa nhân văn

Đây là thời kỳ nền văn học châu Âu bước vào một trào lưu mới với chủ nghĩa nhân văn làm
nền tảng cơ bản. Trên cơ sở tinh thần dân chủ, nhân văn, khám phá và sáng tạo, một đội ngũ
đông đảo văn nghệ sĩ thuộc nhiều tầng lớp xã hội đã nhiệt tình góp mặt với đa dạng thể loại : thơ,
truyện kể, triết luận, kịch đều có những tác phẩm có giá trị gắn với tên tuổi nhiều tác giả nổi
tiếng. Nếu văn học trung cổ được viết bằng tiếng Anh cổ và tiếng Anh trung cổ thì văn học Phục
hưng được viết bằng tiếng Anh hiện đại sớm; văn học trung cổ tập trung vào các khái niệm như

2
tôn giáo, hào hiệp và tình yêu thì văn học Phục hưng liên quan đến tôn giáo, các vấn đề lịch sử
và xã hội. Thơ ca, ta có Đantê, người tiên phong phong trào Phục hưng của Italia. Tác phẩm lớn
nhất của ông là Thần Khúc. Qua tác phẩm, ta thấy niềm tin vào con người, vào trí thông minh, cả
niềm tin vào một Italia thống nhất và giàu mạnh. Ngoài Đantê còn có Pettracque, thi phẩm của
ông là tập thơ Canzoniere ca ngợi tình yêu tặng nàng Lôra. Không thể không kể đến Bôccaciô -
người được xem là có công mở đầu cho nền văn xuôi nghệ thuật Ý. Sau khi phong trào Văn hóa
Phục hưng lan rộng sang các nước Tây Âu khác, ở Pháp và Tây Ban Nha xuất hiện hai nhà văn
nổi tiếng, đó là Rabelais (Gargantua và Pantagruel) và Cervantes (Don Quijote). Với kịch, có
Shakespera, ông đã kế thừa truyền thống của đất nước và tinh hoa của kịch Hi-La cổ đại để đưa
nghệ thuật kịch lên tuyệt đỉnh. Kiểu con người mới ra đời, con người bất bình trước thực tế phũ
phàng của xã hội, con người muốn giành lại sự sống ngay ở cõi trần, Hamlet là hiện thân của
kiểu người ấy, trong cơn đau khổ chàng đã đặt ra câu hỏi “To be or not to be?, đây là điều mới
mẻ tôi không tìm thấy ở văn học trung đại. Các nhà văn phục hưng đã khám phá các chủ đề tôn
giáo và xã hội trong tác phẩm của họ, các chủ đề tôn giáo thường được khám phá với một cách
tiếp cận hoàn toàn khác so với các nhà văn thời trung cổ. 

Phong trào Phục hưng lắng xuống thì đến thế kỉ 17, chủ nghĩa Cổ điển ra đời, đỉnh cao của
nó được tập trung tại Pháp. Chủ nghĩa cổ điển không phải là sự thống nhất của hai dòng văn học
cầu kì và hiện thực dung tục, mà nó ra đời từ cuộc đấu tranh chống lại hai dòng văn học ấy. Việc
sáng tạo văn chương được quy định bởi các nguyên tắc cổ điển chủ nghĩa. Các nhà văn là những
nhà tư sản tiến bộ có lương tri, mang tư tưởng trung dung của thời đại, ý thức sâu sắc về nhu cầu
thống nhất dân tộc, ổn định và phát triển quốc gia.

Chủ nghĩa cổ điển

Trong đó người đại biểu xuất sắc nhất sáng tác theo khuynh hướng chủ nghĩa cổ điển và
được gây nhiều tranh luận nhất trong giai đoạn này là phải kể đến Cornây. Ông không những là
người mở đầu cho khuynh hướng sáng tác của chủ nghĩa cổ điển Pháp mà ông còn được tôn vinh
là “Cha đẻ của bi kịch cổ điển Pháp”. Tôi thấy qua Lecid, nhân vật có khác so với thời kì khác,
họ hành động theo lí trí chứ không theo thần quyền, tuy vậy họ phải đấu tranh với say mê và dục
vọng để phục vụ cho những quyền lợi riêng. Đến thế kỉ XVII, hài kịch trút bỏ cái thô thiển, tục
tĩu để trở thành một loại hình hấp dẫn, có chỗ đứng vững chắc, dù trong quy phạm cổ điển thì chỉ
có bi kịch mới được coi là loại hình cao cấp, còn hài kịch là loại hình hạ đẳng. Điển hình là hài
kịch của Molière (Lão hà tiện, Trưởng giả học làm sang, Người bệnh tưởng,…) cho ta thấy
nhiều nét chân thực về bộ mặt của những con người xấu xa, tạo nên bao tràng cười thâm thúy và
bất tận. Những bài thơ ngụ ngôn của Jean de la Fontaine thì nói về những thói hư, tật xấu của
con người. Ông kế thừa truyền thống sáng tác của các nhà ngụ ngôn như Esope, Phedre và sáng
tạo nên nhiều hình tượng mới có tính chất thời đại. Mượn hình ảnh các con vật như chó sói, con
cáo, sư tử, con bò,… nhà thơ đã vạch trần những mặt đáng ghét của bọn tư sản, quý tộc.

3
Qua dòng chảy văn học Tây Âu từ khởi thủy đến thế kỷ XVII, tôi thấy được bức tranh sinh
hoạt văn học đa dạng, nhiều màu sắc, mỗi giai đoạn văn học vừa có nét tương đồng lại được
phân biệt qua những nét riêng, vừa kết nối với thời kì trước, đồng thời mở ra một kỉ nguyên mới,
để lại cho thế giới một kho tàng văn học đồ dộ với các tác phẩm có giá trị về nhiều mặt. Một lần
nữa, tôi lại nhớ đến câu nói của triết gia Hi-lạp “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”, phải
chăng dòng chảy văn học cũng đổi thay không ngừng, cùng chảy trên một dòng sông, nhưng
không chảy lại dòng chảy cũ. Tôi sẽ xem dòng chảy văn học từ cổ đại đến thế kỷ XVII là một
thứ nước mát ngọt lành, tôi được tắm lên mình tình yêu văn chương bởi thứ nước ấy, để rồi sẽ là
hành trang để tôi tiếp tục xuôi dòng trên những dòng chảy văn học khác.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:


1. Lê Huy Bắc, Lê Nguyên Cẩn, Nguyễn Linh Chi (2015), Giáo trình văn học phương Tây, Nxb
Giáo dục Việt Nam
2. Trần Thị Thuận, Đề cương chi tiết Văn học Tây Âu 1
3. Vũ Dương Ninh chủ biên (2015), Lịch sử văn minh thế giớI, Nxb Giáo dục Việt Nam
4. The Editors of Encyclopaedia Britannica, Sappho.
https://www.britannica.com/biography/Sappho-Greek-poet, (truy cập 25/8/2020)
5. The Editors of Encyclopaedia Britannica, Wiliam Shakespeare,
https://www.britannica.com/biography/William-Shakespeare (truy cập ngày 25/8/2020)

4
"KHÔNG AI TẮM HAI LẦN TRÊN MỘT DÒNG SÔNG''

"Không ai tắm hai lần trên một dòng sông?"


Mượn câu nói của triết gia Hy-lạp để nói về văn học
Phải chăng tôi là một kẻ ngốc?
(Chắc là, không).

Tại sao chúng ta phải học một nền văn học xa lạ, mênh mông?
Tôi nhớ anh bạn nào đã hỏi cô câu đó
Rồi khi ngày kết thúc cũng dần sắp đến
Tôi tự hỏi mình, ai còn nhớ, hay ai đã quên!?

Mỗi thời kì văn học đều có một cái tên
Này Cổ đại, Trung đại, Phục hưng, rồi Cổ điển
Mọi sự so sánh cũng chỉ là khập khiễng
Nói làm sao cho hết, trong vài ba trang giấy, đây?

Ôi thế giới thần thoại làm tôi mê say


Những vị thần mà cũng ghen tuông, hờn giận
Dù thế giới hoang đường nhưng lại đầy hiện thực
Sappho "dám" viết về tình yêu đồng giới, trở thành nữ thi sĩ đầu tiên.

La-mã kế thừa Hy-lạp nhưng cũng có lối đi riêng


Lý giải tự nhiên, bộc bạch những nỗi niềm
Những tác phẩm làm tôi nhiều chiêm nghiệm
Tôi tưởng mình đang trên chiếc thuyền của Aeneid phiêu lưu.

5
Rồi, rồi sau đó là những bóng đêm
Con người cá nhân bị bỏ rơi đâu mất
Cuộc sống giờ đây đầy tối tăm, chết chóc
Văn chương chỉ ca tụng hiệp sĩ, Chúa hay một đức vua.

Đời sao lắm những cuộc tranh đua


Thành bại, thắng thua chỉ là phút chốc
Donkihote ai cũng cho chàng ngốc
Nhưng Phục hưng ra đời là để để khám phá, tái sinh.

Xong Cổ điển là kết thúc một hành trình


Nghe cô đọc thơ La Fontaine, tôi thấy lòng nhiều xúc cảm
Chó sói, cáo, sư tử,… những hình tượng đầy mới mẻ
Những con vật bình thường nhưng lại đầy “ngụ ngôn”.

Dòng sông chảy đi, chảy mãi, không ngừng


Không một ai tắm lại dòng sông cũ
Dòng chảy văn chương, cũng luôn luôn thay đổi
Mọi chuyện trên đời đều sẽ phải đổi thay.

Tôi đắm mình trong dòng chảy hôm nay


Thì ngày mai sẽ là dòng chảy khác
Văn học ơi, ta sẽ còn gặp lại
Nhưng sẽ là dòng chảy mới phải không?

Bởi "không ai tắm hai lần trên một dòng sông"…

You might also like