You are on page 1of 5

TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO E-LEARNING

Họ và tên: PHAN HẢI LINH

Tài khoản học tập: linhph002

Lớp: EHTM517C

ĐỀ KIỂM TRA TỰ LUẬN

HỌC PHẦN: LUẬT HIẾN PHÁP VIỆT NAM

Đề 1. Phân tích đặc điểm về tính hiệu lực pháp lý tối cao của hiến pháp. Cho ví dụ
minh họa.
1. Khái niệm về Hiến pháp
Theo từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam,”Hiến pháp là đạo luật cơ bản
của nhà nước, do cơ quan đại diện và quyền lực nhà nước cao nhất ban hành hoặc
sửa đổi theo một trình tự nghiêm ngặt; là văn bản có hiệu lực pháp lí cao nhất, có ý
nghĩa chính trị - pháp lí lớn. Hiến pháp quy định những vấn đề cơ bản, quan trọng
và quyết định của đời sống xã hội, như hình thức tổ chức nhà nước, cơ cấu và thẩm
quyền của bộ máy nhà nước, trình tự hình thành các cơ quan nhà nước, chính sách
đối nội và đối ngoại của nhà nước; quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; những
nguyên tắc chung nhất thể hiện mục đích, xu hướng vận động của xã hội trong một
giai đoạn lịch sử nhất định. Các quy định của Hiến pháp là những quy định xác lập,
có giá trị xuất phát điểm; chúng điều chỉnh những quan hệ xã hội quan trọng nhất
và đồng thời là cơ sở pháp luật cho tất cả các ngành luật nhằm bảo đảm tính thống
nhất của hệ thống pháp luật của một nước. Các văn bản pháp luật khác phải phù
hợp với Hiến pháp. Những văn bản trái với Hiến pháp bị xem là vi phạm Hiến
pháp, phải bị xoá bỏ”.
Theo Nguyễn Đăng Dung (2006), “Hiến pháp là một đạo luật cơ bản do cơ
quan quyền lực nhà nước cao nhất ban hành quy định việc tổ chức nhà nước, cơ
cấu, thẩm quyền các cơ quan nhà nước Trung ương và quyền cơ bản của con người.
Mọi cơ quan và mọi tổ chức phải có nghĩa vụ tuân thủ hiến pháp”.
Theo Đề cương những vấn đề cơ bản về Luật Hiến pháp của Giảng viên Lưu
Đức Quang Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh (2010), “Hiến pháp là đạo luật
cơ bản của nhà nước do cơ quan đại diện có thẩm quyền cao nhất của nhân dân
thông qua hoặc nhân dân trực tiếp thông qua; trong đó quy định những vấn đề cơ
bản, quan trọng nhất của chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, quyền và nghĩa
vụ cơ bản của công dân, tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước then chốt;
thể hiện một cách tập trung nhất, mạnh mẽ nhất ý chí và lợi ích của lực lượng cầm
quyền trong xã hội”.
Từ các khái niệm trên, Hiến pháp có thể được hiểu như đạo luật cơ bản của
Nhà nước do cơ quan đại diện có thẩm quyền cao nhất của nhân dân thông qua
hoặc nhân dân trực tiếp thông qua thể hiện ý chí, lợi ích của nhà cầm quyền gồm
những nguyên tắc cơ bản nhất trong tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và
các quyền cơ bản của công dân.
Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quy định khái quát về
chế độ, quyền, nghĩa vụ nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các lĩnh vực trong đời
sống xã hội, của công dân Việt Nam và thể chế hoá mối quan hệ giữa Đảng – Nhà
nước – Nhân dân.
2. Tính hiệu lực pháp lý tối cao của Hiến pháp
Hiến pháp ra đời nhằm bảo vệ thành quả cách mạng của giai cấp thống trị
đối với các giai cấp khác, bảo vệ quan hệ sản xuất, các quyền và lợi ích của con
người, công dân. Bên cạnh đó, về bản chất, Hiến pháp là 1 văn bản để hạn chế
quyền lực nhà nước và bảo vệ quyền lợi của người dân. Với tầm quan trọng và bản
chất đặc biệt của Hiến pháp như “là văn bản của quyền lực gốc, điều chỉnh mối
quan hệ, xác định hình thức nhà nước, mô hình tổ chức thực hiện quyền lực nhà
nước, cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, địa vị pháp lý của công dân, mối quan hệ
giữa công dân và Nhà nước” (ĐBQH Vũ Hồng Anh, 2009), Hiến pháp nhất thiết
phải có vị trí tối cao trong hệ thống pháp luật và cần thiết phải đảm bảo tính hợp
hiến trong hoạt động lập pháp, lập quy của các cơ quan nhà nước để Hiến pháp
thực sự áp dụng vào cuộc sống một cách hiệu quả.
Tính tối cao của Hiến pháp thể hiện trước hết qua việc ghi nhận chủ quyền
tối cao của nhân dân. Vì vậy, Hiến pháp là văn bản chính trị - pháp lý chứa đựng
những giá trị cơ bản, cao quý nhất của xã hội (Tào Thị Quyên, 2009).
Tính tối cao của Hiến pháp thể hiện thông qua quy trình, thủ tục pháp lý đối
với việc ban hành, sửa đổi và hiệu lực pháp lý được quy định tại các điều 146, 147
Hiến pháp 1992. Việc ban hành, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải thuộc quyền của
nhân dân nói chung, hoặc cơ quan đại diện có thẩm quyền cao nhất của nhân dân
(Quốc hội) thông qua theo một trình tự thủ tục đặc biệt vì Hiến pháp điều chỉnh và
bảo vệ những quan hệ xã hội quan trọng nhất, cơ bản nhất, và là công cụ để bảo vệ
thành quả đấu tranh Cách mạng. Bên cạnh đó, điều 146 Hiến pháp 1992 quy định,
mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp, không được trái với Hiến
pháp, cho thấy Hiến pháp là văn bản pháp luật duy nhất quy định và thực hiện toàn
bộ quyền lực nhà nước – lập pháp, hành pháp, tư pháp (Trường Đại học Luật
Tp.Hồ Chí Minh, 2010).
Chính trong quy định của Hiến pháp đã khẳng định Hiến pháp là luật cơ bản
của nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Hiến pháp là luật cơ bản của nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vì những lý do chủ yếu sau đây:
– Hiến pháp là văn bản duy nhất quy định về chủ quyền nhân dân, tổ chức quyền
lực nhà nước; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; là hình
thức pháp lý thể hiện tập trung nhất hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, nhân dân
lao động và cả dân tộc; ở từng giai đoạn phát triển, Hiến pháp còn là văn bản, là
phương tiện pháp lý thực hiện tư tưởng, chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản
Việt Nam dưới hình thức những quy phạm pháp luật.
– Về nội dung, đối tượng điều chỉnh của Hiến pháp rất rộng, bao quát hầu hết các
lĩnh vực của đời sống xã hội, đó là những quan hệ xã hội cơ bản liên quan đến các
lợi ích cơ bản của mọi giai cấp, mọi tầng lớp, mọi công dân trong xã hội, như: chế
độ chính trị; quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; chế độ kinh tế, xã hội, văn hóa,
giáo dục, khoa học công nghệ và môi trường; quyền con người; tổ chức và hoạt
động của bộ máy nhà nước.
– Về mặt pháp lý, Hiến pháp có hiệu lực pháp lý cao nhất, phản ánh sâu sắc nhất
quyền của Nhân dân và mối quan hệ giữa Nhà nước với Nhân dân; Hiến pháp là
nguồn, là căn cứ để ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết và các văn bản khác thuộc
hệ thống pháp luật: Tất cả các văn bản khác không được trái với Hiến pháp mà phải
phù hợp với tinh thần và nội dung của Hiến pháp, được ban hành trên cơ sở quy
định của Hiến pháp và để thi hành Hiến pháp. Các điều ước quốc tế mà Nhà nước
tham gia không được mâu thuẫn, đối lập với quy định của Hiến pháp; khi có mâu
thuẫn, đối lập với Hiến pháp thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền không được tham
gia ký kết, không phê chuẩn hoặc bản lưu đối với từng điều. Ngoài ra, tất cả các cơ
quan nhà nước phải thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình theo
Hiến pháp, sử dụng đầy đủ các quyền hạn, làm tròn các nghĩa vụ mà Hiến pháp quy
định. “Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân
dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể Nhân dân
có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp”. Tất cả các công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến
pháp, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Hiến pháp; “Nhân dân Việt Nam
xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân
chủ, công bằng, văn minh”. Đặc biêt, việc xây dựng, thông qua, ban hành, sửa đổi
Hiến pháp phải tuân theo trình tự đặc biệt được quy định trong Hiến pháp.
3. Thực tiễn đánh giá Tính hiệu lực pháp lý tối cao của hiến pháp
Mặc dù đã có quy chế giám sát việc thực hiện và bảo vệ Hiến pháp, tuy
nhiên Hiến pháp vẫn đang bị vi phạm và các vi phạm đó vẫn chưa được khắc phục.
Một vài ví dụ thực tiễn được minh hoạ dưới đây có thể phần nào trả câu hỏi “ Hiến
pháp Việt Nam thật sự đã được đảm bảo tính tối cao trong hệ thống pháp luật và
đời sống xã hội hay chưa?”
a. Vi phạm Hiến pháp của Liên đoàn bóng đá VN (VFF) trong việc hạn chế
các cầu thủ nước ngoài đã nhập tịch được tham gia đội tuyển quốc gia và tham
gia vào các Câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp từ năm 2011.
Trong luật quốc tịch và trong tất cả văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam
không có khái niệm công dân nhập quốc tịch. Mọi công dân đã nhập quốc tịch thì
được đối xử như một công dân Việt Nam và được quyền thực hiện các quyền và
nghĩa vụ của mình là công dân Việt Nam. Điều 52 Hiến pháp quy định: “Mọi công
dân đều có quyền bình đẳng trước pháp luật”. Và luật lao động ghi rõ: “Mọi công
dân đều có quyền được lao động, quyền tự do lựa chọn lao động... Cấm mọi hành
vi phân biệt đối xử, kỳ thị, dù người đó thuộc màu da, dân tộc hay tôn giáo nào,...”.
Còn luật dân sự thì: “Mọi công dân đều có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau”.
Nghị quyết của VFF ngoài việc vi phạm Luật quốc tịch, Hiến Pháp đã vi phạm
chính điều lệ VFF (cấm hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử) lẫn vi phạm quy chế thành
viên của FIFA. Nhiều khả năng VFF sẽ đối mặt với những vụ kiện trong tương lai
từ những cầu thủ nhập tịch do thể hiện sự phân biệt đối xử. Cần lưu ý rằng quy chế
bóng đá hay các quy định của VFF cũng phải đảm bảo nguyên tắc pháp chế, tức là
không được trái hiến pháp, Luật quốc tịch, Bộ luật lao động (Tuổi Trẻ, 2009).
Theo báo Tuổi Trẻ ngày 22/11/2009 xung quanh quy định mỗi CLB chỉ có
một cầu thủ nhập tịch thi đấu trên sân ở V-League 2010 của VFF Bộ trưởng Bộ Tư
pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh “Đã là công dân thì được đối xử bình đẳng”
(Tuổi Trẻ, 2009)
b. Tình trạng cố ý vi phạm luật thông qua các văn bản quy phạm pháp luật
Theo Thông tấn xã Việt Nam (chẳng hạn ngày 22-9-2010, Cục trưởng Cục
Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn đã gửi văn bản
nhắc nhở 7 Bộ, ngành cùng 13 tỉnh, thành trong việc ban hành văn bản có dấu hiệu
trái luật. Bộ Tài chính (3 văn bản); Bộ Xây dựng (2 văn bản); UBND tỉnh Nghệ An
(2 văn bản); đồng thời, có một số Bộ và địa phương quá chậm trong việc xử lý văn
bản được thông báo như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (có văn bản trái
pháp luật đã được thông báo ngày 05-02-2009); Bộ Tài chính (có văn bản trái pháp
luật đã được thông báo ngày 05-8-2009); UBND tỉnh Nghệ An (có văn bản trái
pháp luật đã được thông báo ngày 05-02-2009 và ngày 10-6-2009); UBND tỉnh
Hưng Yên (có văn bản trái pháp luật đã được thông báo ngày 07/4/2009)
Nội dung văn bản trên khẳng định, nếu các đơn vị không thực hiện việc tự
kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật theo quy định, Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư
pháp sẽ báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý
theo quy định của pháp luật.
c. Hàng ngàn văn bản trái luật được ban hành theo Hoàng Khuê (báo
VnExpress, 2008)
Bộ Tư pháp cho biết, khoảng 12% số văn bản được kiểm tra do các cơ quan
chức năng ban hành đã bị phát hiện có dấu hiệu trái luật, kiểm tra và xử lý văn bản
pháp luật từ năm 2003- 2008. Chỉ riêng 800 văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn đã thấy khoảng 200 văn bản trái luật. Con số này tại Bộ Giao thông
vận tải là 12 trong số gần 60 văn bản được kiểm tra.Tại tỉnh Cao Bằng có một nửa
trong số 124 văn bản kiểm tra có sai phạm.
Tỷ lệ này ở Nghệ An là 660 trong 1.000 văn bản được kiểm tra, hay tại Bình
Thuận có 111 văn bản hết hiệu lực pháp luật và đã được thay thế, bãi bỏ. Tổng
cộng, 63 địa phương kiểm tra hơn 26.000 văn bản thì con số sai phạm bị phát hiện
là hơn 3.100. Còn qua việc kiểm tra của Bộ Tư pháp, trong hơn 35.800 văn bản tiếp
nhận do các đơn vị ban hành đã phát hiện hơn 4.300 sai luật.
Thông tư 02 ngày 13-1-2003 của Bộ Công an về hướng dẫn tổ chức cấp đăng
ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đã quy định: "...Mỗi người chỉ được
đăng ký 1 xe môtô hoặc xe gắn máy". Quy định này đã hạn chế Quyền sở hữu của
công dân, được quy định tại Điều 58 Hiến pháp 1992, vi phạm khoản 1, Điều 221
của Bộ luật hình sự là công dân có quyền sở hữu tài sản không bị hạn chế về số
lượng, giá trị. Quy định trên đã gián tiếp tạo ra những thủ tục rườm rà, gây khó
khăn trong các giao dịch mua bán xe máy, buộc người mua xe phải chi thêm những
khoản tiền vô lý. Thực tế, quy định này cũng không phải là giải pháp có hiệu quả
nhằm tiến tới giảm dần số vụ tai nạn giao thông, khắc phục được tình trạng ùn tắc
bởi "một người dù mua nhiều xe, nhưng ra đường cũng chỉ sử dụng được 1 chiếc".
Nhiều văn bản có nội dung trái luật đã bị công luận lên tiếng như nội dung
trái luật trong công văn không cho phép học sinh, sinh viên tham gia biểu diễn nghệ
thuật tại vũ trường, quán karaoke; hay quyết định của Bộ Y tế về việc người dưới
40 kg không được điều khiển xe máy trên 50 phân khối.

You might also like