You are on page 1of 5

Những mặt tồn tại

Học thuyết chính trị của Pháp gia tuy đã có đóng góp rất to lớn trong việc đưa nước Tần
trở nên hùng mạnh và tiến tới thống nhất toàn bộ đất nước Trung Quốc lúc bấy giờ. Tuy
nhiên, sau đó, Tần Thủy Hoàng đã cứng nhắc và áp dụng triệt để các tư tưởng của Pháp gia
vào thời bình khiến nhà Tần nhanh chóng bị suy vong. Thất bại đó là do bản thân học thuyết
Pháp trị của Hàn Phi tồn tại nhiều điểm quá cực đoan, cụ thể như sau:
- Thể hiện sự coi thường trí tuệ và sức mạnh của nhân dân.
Học thuyết của Hàn Phi với nhãn quan của một đại quý tộc, đã thể hiện một sự coi
thường sâu sắc trí tuệ cũng như sức mạnh của nhân dân. Dân không phải ngu xuẩn không
biết lợi ích lâu dài mà không chịu ra sức làm công trình công cộng, chỉ vì kẻ cầm quyền
thường lấy việc công để làm lợi riêng. Học thuyết của Hàn Phi xem con người là ai cũng vì
mình, để khuyên vua không nên tin người mà chỉ nên tin vào chính mình, tin vào quyền thế
bản thân. Nhưng ở khía cạnh khác, Hàn Phi lại dựa nhiều vào niềm tin của dân chúng vào
tính công minh của pháp luật: theo phép công nhất định được thưởng, trái pháp luật sẽ bị
phạt. Cá nhân Hàn Phi có lẽ cũng đã quá tin vào những người cầm quyền. Nhận biết lợi ích
chung khác với lợi ích riêng, Hàn Phi chỉ đề ra biện pháp uốn nắn tư lợi của người dưới,
không đưa ra cách đề phòng trường hợp vua dùng quyền thế phục vụ lợi ích riêng. Hàn Phi
có lẽ tin rằng, kẻ làm vua có trí tuệ nên ý thức được lợi ích lớn nhất của mình là đất nước
được giàu mạnh, không để dục vọng nhất thời làm hỏng lợi ích vĩnh viễn.
Như vậy là Hàn Phi đã quá đề cao kẻ cầm quyền, ông cho rằng con người đều có ham
muốn cá nhân, nhưng lại tuyệt đối tin vào kẻ làm vua, coi thường nhân dân, chỉ có nhân dân
mới tư lợi cho riêng bản thân mà không hề nghĩ rằng bất cứ một ai cũng đều sẽ có bản tính
này. Chính niềm tin mù quáng này đã phần nào làm cho các bậc đế vương càng trở nên bạo
tàn, dùng quyền thế để tư lợi, để phục vụ cho lợi ích, ham muốn của riêng bản thân, bỏ qua
lợi ích chung của đất nước, của con dân, xem dân chúng là công cụ phục vụ cho nhu cầu của
riêng mình.
- Đồng nhất việc cai trị dựa trên pháp luật với việc cai trị dựa vào các hình phạt nghiêm
khắc.
Pháp gia quá nhấn mạnh đến biện pháp trừng phạt nặng nề, phủ nhận tình cảm đạo đức,
thủ tiêu văn hóa giáo dục… là đi ngược lại xu hướng phát triển của văn minh nhân loại.
Pháp gia cho rằng, ngoài pháp luật là chỗ dựa duy nhất để nhà vua tin cậy, tất cả các quan
hệ khác như: vua tôi, cha con, anh em, vợ chồng… đều tuyệt đối không thể tin tưởng và
luôn phải cảnh giác. Mọi thứ tình cảm như sự kính trọng, thủy chung, trung hiếu… đều
không hề tồn tại, là huyễn hoặc xa vời. Đây là một điểm hạn chế, vì rõ ràng trên thực tế
những tình cảm này là hoàn toàn có tồn tại.
Pháp trị cho rằng bản chất của con người vốn dĩ là tà ác, luôn tranh giành lẫn nhau về lợi
ích, cho nên những lời ca ngợi sự tin tưởng giữa con người với con người đều là giả dối,
ngây thơ, không đáng tin cậy. Vì vậy, chủ trương dùng hình phạt nghiêm khắc để trừng phạt
và răn đe được đặt lên hàng đầu, bỏ qua tất cả những gì gọi là nhân đạo, tình người.
Với các nhà Pháp trị, pháp luật được đặt ở vị trí tối thượng và thực sự là thứ đạo đức
không có tình cảm. Tuy rằng hình phạt có tác dụng răn đe, nhưng hình phạt quá hà khắc sẽ
làm cho dân chúng oán kẻ cầm quyền, hình phạt càng nặng bao nhiêu thì kẻ dưới càng oán
kẻ trên nhiều bấy nhiêu. Để đến lúc hình phạt làm cho dân chúng không còn chịu đựng được
nữa thì họ sẽ vùng dậy chống đối lại những kẻ cầm quyền.
- Quan niệm về pháp luật của Pháp gia quá cứng nhắc, không có tính linh hoạt
Cứng nhắc ở đây được thể hiện ở chỗ, có công chắc chắn sẽ được thưởng, còn có tội thì
nhất định phải phạt, giữa thưởng và phạt, chú trọng sử dụng cưỡng chế nhiều hơn. Sử dụng
hình phạt một cách cứng nhắc, không tạo điều kiện cho kẻ phạm tội có cơ hội sửa chữa, bù
đắp cho tội lỗi của mình.
Trong xã hội tồn tại rất nhiều dạng người, do đó động cơ phạm tội của mọi người không
phải là hoàn toàn giống nhau. Có những người tâm địa xấu xa, phạm tội vì lợi ích riêng cho
bản thân, coi thường sức khỏe và sinh mạng của kẻ khác, nhưng cũng có những người bản
chất vốn không xấu, nhưng do hoàn cảnh tác động, hoặc do quá trình trưởng thành không
được chỉ dẫn điều hay lẽ phải, lầm đường lạc lối, nếu như áp dụng cùng một loại hình phạt
cho hai loại người trên, thì đã làm mất đi tính công bằng được coi là nguyên tắc hàng đầu
của Pháp gia.
Pháp luật của Pháp gia đặt ra chỉ có một khuôn mẫu duy nhất, áp dụng cho mọi đối tượng
phạm tội không phân biệt cao thấp sang hèn. Về nguyên tắc, điều này đã đảm bảo được tính
công bằng của luật pháp. Nhưng trên thực tế, có rất nhiều trường hợp khác nhau xảy ra,
cùng một tội danh giết người, nhưng có loại sẵn sàng giết người để chiếm đoạt tài sản, giết
người diệt khẩu, thủ tiêu nhân chứng, che giấu hành vi phạm tội của mình nhưng cũng sẽ có
người chỉ giết người để tự vệ, để bảo vệ cho người thân. Việc áp dụng pháp luật và hình
phạt một cách cứng nhắc, tuy rằng sẽ trừng phạt được kẻ xấu, có tác dụng răn đe cho những
người còn lại, nhưng sẽ có khả năng trách lầm người tốt, bỏ qua nhân tài của đất nước, thậm
chí gây nên oán hận trong lòng dân chúng, từ đó dẫn đến khó khăn trong việc trị quốc.
- Chính sách Pháp trị chưa xét một cách đầy đủ nhu cầu của con người.
Hàn Phi nhận ra rằng con người có lòng ham muốn và thích hư danh, nhưng ông đã hoàn
toàn bỏ qua ảnh hưởng của các yếu tố còn lại. Hàn Phi xem động cơ hành động của con
người chỉ bao gồm lòng hiếu lợi và thói hiếu danh. Thực tế động lực của chúng ta còn bao
gồm nhiều thứ khác. Nếu trong xã hội tồn tại những kẻ bệnh hoạn giết người hàng loạt mà
không có động cơ, vui sướng trên sự đau đớn của đồng loại thì ngược lại, xã hội cũng tồn tại
những người vô cùng vị tha, nhiệt tình giúp người không đòi hỏi sự đền đáp. Cảm giác hạnh
phúc khi giúp đỡ người khác là một cảm giác mà người bình thường ai cũng có. Nó xuất
phát từ tình thương yêu đồng loại, từ ý muốn kết thân với đồng loại, lưu tâm đến đồng loại,
nghĩ đến họ cũng như đang tự nghĩ đến mình. Lòng nhân từ là một tình cảm tự nhiên có ảnh
hưởng đến hành động của chúng ta.
Đối với Hàn Phi, người dân trong lúc đất nước thịnh vượng chỉ cần được ăn no, được
sống yên ổn là đủ, người có học thì phải ra làm quan để giúp ích cho đất nước. Vì thế Hàn
Phi, về sản xuất chỉ coi trọng việc binh, nông, coi thường công thương, kẻ sĩ có học nhưng
không ra làm quan là kẻ sâu mọt làm hại đất nước. Số lượng người có học vì vậy chỉ cần đủ
để làm quan, dân hiếu học là điềm mất nước. Chủ nghĩa thực dụng hẹp hòi này vì vậy không
những không thể phát triển toàn diện con người mà còn kiềm hãm khoa học phát triển. Tuy
học vấn phải được đưa ra ứng dụng nhưng người học cũng cần phải vươn lên khỏi những
cái ích lợi tầm thường trước mắt mới có thể đặt cho mình một căn bản học vấn sâu rộng, từ
đó mới mang đến cho nhân loại một sự ứng dụng lớn lao hơn.
- “Công bằng” trong Pháp trị của Hàn Phi chưa thật sự được gọi là công bằng.
Theo quan niệm hiện đại, hàm nghĩa của “Pháp” có hai mặt tích cực và tiêu cực. Tiêu cực
được thể hiện ở chỗ có tính phòng ngừa, pháp đã quy định sẵn, ttrường hợp phạm vào lệnh
cấm nào, thì phảo chịu theo hình phạt ấy. Còn về mặt tích cực, có những điều khoản bảo
đảm quyền lợi chính đáng cho người dân. Tuy nhiên, nhìn vào cái “Pháp” mà Hàn Phi luôn
luôn nhấn mạnh, thì chỉ có mặt tiêu cực. Nói cách khác, Pháp của Hàn Phi, chỉ có những
điều do kẻ thống trị đòi hỏi ở nhân dân, ngược lại, nhân dân chẳng có quyền đòi hỏi điều gì
ở kẻ thống trị.
Xuất phát từ lợi ích của giai cấp thống trị nên nội hàm của khái niệm công bằng theo Hàn
Phi còn phiến diện và khác xa so với hiện nay bởi đó mới chỉ là quy định công bằng trong
phục tùng nghĩa vụ giữa các thành viên trong xã hội, còn công bằng về quyền lợi chưa được
đề cập đến. Do vậy mà pháp luật chỉ được chú trọng đến quyền lợi của Nhà nước mà xem
nhẹ quyền lợi của người dân và các biện pháp chế tài cũng thường tuyệt đối hoá mặt trừng
trị mà chưa nhìn thấy một chức năng không kém phần quan trọng của pháp luật là giáo dục.
Trong tư tưởng của Hàn Phi, chữ Pháp hay gắn liền với chữ Cấm. Cái gọi là Pháp đều là
lệnh cấm, là những gì mà kẻ thống trị đòi hỏi một chiều ở người dân, ai làm đúng với lệnh
đó thì được thưởng, trái với lệnh đó là phải thọ phạt. Thưởng và Phạt chính là hai cái cán,
giúp cho kẻ thống trị kiểm soát, thậm chí nô dịch nhân dân.
Hàn Phi cho rằng pháp luật là công cụ đắc lực và hiệu nghiệm nhất để duy trì và củng cố
quyền lực chính trị của nhà vua – công cụ của đế vương, chỗ dựa vững chắc nhất để đảm
bảo an toàn cho sự ngự trị của vua, nên theo ông, nhà vua sáng suốt phải đặt pháp luật lên
trên đức hạnh và trên cả người hiền.
Ý nghĩa đương đại từ thuyết pháp trị
Với những giá trị khoa học và thực tế, học thuyết pháp trị chứa đựng nhiều yếu tố phù
hợp đối với thực tiễn pháp lý đương đại với những tư tưởng dùng pháp luật để quản lý xã
hội và chấn hưng đất nước, tinh thần thượng tôn pháp luật, đề cao giá trị công bằng và tính
nghiêm minh trong thi hành pháp luật. Nghiên cứu, tham chiếu học thuyết pháp trị Trung
Hoa cổ đại của Hàn Phi Tử không chỉ giúp chúng ta hiểu thêm lịch sử tư tưởng chính trị –
pháp lý của các thời đại khác nhau, mà còn góp phần khẳng định yêu cầu khách quan của
việc quản lý xã hội bằng pháp luật, tác dụng của pháp luật trong việc trị nước.
Trên phương diện lý luận – lịch sử nhà nước và pháp luật, học thuyết pháp trị đưa ra
những nhận thức đúng đắn về vai trò, chức năng của pháp luật với những quan điểm và
nguyên tắc pháp lý khoa học, tiến bộ về xây dựng và thực hiện pháp luật. Tinh thần pháp
luật thể hiện rõ trong chủ trương đề cao pháp trị, pháp luật phải được xây dựng phù hợp với
hiện thực cuộc sống, công bằng, minh bạch và thống nhất. Để đáp ứng yêu cầu và lợi ích tối
cao của toàn xã hội, pháp luật phải thực hiện nghiêm minh, bình đẳng, không a dua phụ họa,
nể vì quyền quý. Cùng với đề cao vai trò của pháp luật, pháp trị cũng đề cao chính sách
dụng nhân (dùng người theo tài năng) và đặt ra những yêu cầu về khảo sát, điều tra, kiểm
tra, đánh giá, xử lý trong quản lý. Các pháp gia cũng phê phán tệ lũng đoạn quyền lực, chủ
trương kêu gọi củng cố quyền lực từ phía nhà cai trị theo tinh thần thượng tôn pháp luật.
Ngoài ra, việc chú trọng đến nhu cầu thực tế, không chuộng nói suông là một đặc điểm quan
trọng của tư tưởng pháp gia. Nhìn chung, địa vị chủ yếu và giá trị bao trùm của học thuyết
pháp trị trước hết là đưa ra đường lối, quan điểm chính trị thực tế, thiết thực và thực dụng,
đề cao giá trị của các quy phạm pháp luật trong quản lý xã hội.
Việc kế thừa, phát huy tư tưởng đề cao vai trò của pháp luật và các nguyên tắc đảm bảo
thực thi pháp luật nghiêm minh của học thuyết pháp trị sẽ góp phần khắc phục những hạn
chế về tư duy và phương pháp quản lý xã hội truyền thống, xây dựng ý thức pháp luật, tăng
cường quản lý xã hội bằng pháp luật.

You might also like