You are on page 1of 5

Cách Việt Á chi tiền để được 'nâng đỡ' trong sản

xuất kit xét nghiệm


Hay tin Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cần tiền "giải quyết công việc", Tổng giám
đốc Việt Á đã giao 2 triệu USD tiền mặt và đổi lại Việt Á được nâng đỡ trong kinh
doanh kit xét nghiệm Covid-19.

Sau 18 tháng điều tra đại án Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C03) ngày 17/8 ra kết luận
đề nghị truy tố 38 bị can. Trong số này có cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu bí thư Hải
Dương Phạm Xuân Thăng, cựu bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh.
Y tế là lĩnh vực có nhiều người liên quan tại vụ án này, riêng ở Bộ Y tế có ông Long cùng thư ký
Nguyễn Huỳnh, cựu vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế Nguyễn Minh Tuấn và cựu vụ trưởng
Kế hoạch tài chính Nguyễn Nam Liên. Bốn ông đều bị đề nghị truy tố với cáo buộc Nhận hối lộ, tổng
cộng 2,65 triệu USD và 4 tỷ đồng.
Kết luận điều tra nêu đầu năm 2020, khi Covid-19 bùng phát mạnh, nhà chức trách có chủ trương
nghiên cứu sản xuất sinh phẩm phục vụ phòng chống dịch. Nắm bắt cơ hội, Phan Quốc Việt, Tổng
giám đốc Công ty Việt Á, đã thông đồng với Trịnh Thanh Hùng, Vụ phó thuộc Bộ Khoa học Công
nghệ, để được tham gia cùng Học viện Quân y nghiên cứu kit xét nghiệm Covid-19.
C03 đánh giá, từ đầu mục đích của Việt là "tham gia nghiên cứu để sau đó chiếm đoạt, biến kit xét
nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu nhà nước thành sở hữu của công ty". Ngay sau khi được
chuyển giao quy trình nghiên cứu kit xét nghiệm, Việt giao cấp dưới tiếp tục phát triển để sản xuất, rồi
xin cấp phép lưu hành, kinh doanh thương mại.

Bị can Phan Quốc Việt lúc bị bắt. Ảnh: Bộ Công an


Vì sao kit xét nghiệm của Việt Á có giá 470.000 đồng?
Ngày 17/2/2020, lần đầu tiên Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế nhận được hồ sơ xin cấp số đăng ký
lưu hành kit xét nghiệm của Công ty Việt Á. 20 ngày sau, Thứ trưởng Y tế ký cấp số đăng ký lưu hành
tạm thời.
Khi tiếp tục hoàn thiện hồ sơ từ tháng 4/2020, ngoài Vụ Trang thiết bị, Việt Á còn gửi công văn đề nghị
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hỗ trợ kết quả kiểm nghiệm. Trong hồ sơ xin cấp số đăng ký lưu hành
chính thức Việt Á gửi Vụ Trang thiết bị không có tài liệu thể hiện được giao quyền sử dụng kết quả
nghiên cứu đề tài. Thế nhưng tháng 12/2020, Việt Á vẫn được cấp số đăng ký lưu hành chính thức.
Việt Á vừa được cấp số lưu hành tạm thời kit xét nghiệm, ông Long, khi đó là thứ trưởng Y tế, đã ký
công văn gửi Bộ Tài chính đề xuất không lập hồ sơ hiệp thương. Ông đề nghị Bộ Tài chính hiệp thương
theo nguyên tắc dựa trên giá thành sản xuất phù hợp, cộng với các khoản thuế, lợi nhuận dự kiến để
"khuyến khích sản xuất trong nước".
Quá trình tham gia hiệp thương giá cùng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, ông Long giao cấp dưới là ông
Minh Tuấn và Nam Liên thay mặt Bộ Y tế thực hiện. Việt Á sau đó đồng ý với Bộ Y tế là chỉ hưởng
mức lợi nhuận khoảng 5%.
Cơ quan điều tra cáo buộc với mục đích đạt lợi nhuận cao trên 20%/kit để có tiền sử dụng chi % ngoài
hợp đồng cho các đơn vị, cơ sở y tế mua kit xét nghiệm, Việt Á đã nâng khống giá trị nguyên vật liệu
đầu vào. Giá nâng khống được đưa vào cơ cấu đơn giá hiệp thương để Bộ Y tế xác định là 470.000
đồng/kit xét nghiệm.
Trong quá trình tham gia hiệp thương, Bộ Y tế chỉ yêu cầu Việt Á giảm lợi nhuận từ 24% xuống còn
5%, mà không yêu cầu giải trình về chi phí hợp lý, hợp lệ cấu thành giá. Từ đó khiến việc xác định giá
hiệp thương 470.000 đồng/kit là không có căn cứ, C03 xác định.
Cùng tham gia, Cục Quản lý giá cho rằng giá 470.000 đồng chỉ là "tạm tính và tạm thanh toán" nên Bộ
Y tế và Việt Á có trách nhiệm quyết toán theo quy định. Bộ Tài chính chỉ thông báo về mức giá mà hai
bên đã thỏa thuận sau khi hiệp thương chứ không quyết định giá.

Bộ kit xét nghiệm của Việt Á. Ảnh: B.N


Hiệp thương xong, Việt Á bàn giao lô kit xét nghiệm đầu tiên cho các đơn vị, địa phương trên sử dụng
phòng chống dịch theo đề nghị của Bộ Y tế. Khi làm thủ tục thanh toán tiền mua kit xét nghiệm, Bộ Y
tế lại không có căn cứ để sử dụng tiền ngân sách Nhà nước. Bởi nếu dùng ngân sách, Bộ Y tế phải xác
định chính xác giá kit xét nghiệm Việt Á trên chi phí hợp lý, hợp lệ, giá thành và lợi nhuận tối đa không
quá 5%.
Theo cơ quan điều tra, với mục đích được thanh toán tiền theo giá hiệp thương để làm căn cứ công bố
trên Website Bộ Y tế, tạo mặt bằng giá bán cho các địa phương, Việt đã đánh tiếng nhờ ông Nam Liên
và Nguyễn Văn Trịnh (cán bộ Văn phòng Chính phủ) hỗ trợ. Ông Nam Liên sau đó đề xuất và được
ông Long đồng ý sử dụng tiền từ nguồn tài trợ của 7 ngân hàng, thay vì dùng ngân sách Nhà nước.

Bộ Y tế "ưu ái" Việt Á thế nào?


Bộ Y tế không thực hiện kiểm tra giá nên Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế quyết
định giá mua kit xét nghiệm Việt Á. Mặc dù người đứng đầu Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo nhưng Bộ
Y tế không chủ trì kiểm tra giá hiệp thương.
Kết luận nêu, ba tháng sau kể từ khi Thủ tướng chỉ đạo lần thứ 2, Bộ Y tế mới lập đoàn kiểm tra giá
hiệp thương. Tại buổi kiểm tra đã phát hiện Việt Á dùng nguyên vật liệu sản xuất khác với đăng ký,
một số thành viên có ý kiến rút số đăng ký lưu hành. Thế nhưng cuối cùng Bộ Y tế vẫn "chốt" cấp phép
lưu hành và ấn định giá hiệp thương cho Việt Á.
Cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long không chỉ hỗ trợ cấp số đăng ký, hiệp thương giá còn hỗ trợ
Việt Á bán hàng. Khi Việt Á gặp khó trong việc cung cấp kit xét nghiệm cho tỉnh Hải Dương, ông
Long đã giới thiệu Việt với Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng.
Đồng thời, ông Long nhắn tin số điện thoại của ông Thăng cho Huỳnh để chuyển tới cho Việt liên hệ.
Sau khi Việt Á được cung cấp kit cho Hải Dương, ông Long nói với Huỳnh: "Tốt rồi", kết luận điều tra
nêu.
Cảnh sát xác định giá sản xuất tối đa một kit xét nghiệm là hơn 143.000 đồng nhưng Việt Á được hiệp
thương giá 470.000 đồng/kit. Trong năm 2020 và 2021, Việt Á sản xuất hơn 8,7 triệu kit xét nghiệm và
đã tiêu thụ 8,3 triệu kit theo đơn giá 470.000 đồng, thu lợi bất chính 1.235 tỷ đồng.
Mang một triệu USD tiền mặt đi hối lộ bộ trưởng
Tổng giám đốc Việt Á khai quen biết và duy trì mối quan hệ thân thiết với ông Long, Trịnh, Huỳnh từ
năm 2017 khi tình cờ gặp tại một lễ khai trương.
Quá trình tham gia kinh doanh kit xét nghiệm, Việt đã nhờ ông Long, Trịnh, Huỳnh chỉ đạo cấp dưới
can thiệp giúp để được kiểm định chất lượng, cấp số đăng ký, hiệp thương giá. Khi Việt đặt vấn đề, ông
Long đồng ý và giao cho Huỳnh làm cầu nối giữa Việt Á và Bộ trưởng Y tế.
Được nâng đỡ, Việt bị cáo buộc đã 5 lần đưa hối lộ cho ông Long tổng cộng 2,25 triệu USD, trong đó 4
lần đưa qua thư ký Huỳnh. Lần đầu vào tháng 12/2020 Việt chủ động xách túi đựng 200.000 USD đến
nhà Huỳnh nhờ đưa cho ông Long.
Một tháng sau đó, Huỳnh chủ động gọi điện cho Việt qua phần mềm mạng xã hội nói về việc "ông
Long đang cần huy động một số tiền lớn để xử lý công việc". Việt hỏi "cần số tiền bao nhiêu và thời
gian nào để sắp xếp", Huỳnh nói "tùy bố trí và nếu chuyển được nhiều thì đỡ phải huy động chỗ khác".
Theo kết luận điều tra do chơi thân từ lâu, Việt bảo Huỳnh đưa ra con số và được trả lời: "Một triệu
USD, càng sớm càng tốt". Tổng giám đốc Việt Á đồng ý nhưng xin thời gian để sắp xếp vì gần Tết âm
lịch, khó xử lý nguồn tiền. Đầu tháng 2/2021, Việt mang một triệu USD và 2 tỷ đồng đến nhà Huỳnh
nói: "Em gửi anh số tiền hôm trước anh dặn mang cho Sếp và có chút ít chúc Tết anh".
Lần khác vào đầu tháng 11/2021, Huỳnh nhắn tin qua Whatsapp cho Việt trao đổi về việc ông Long
"cần huy động một số tiền lớn để xử lý công việc, đề nghị Việt hỗ trợ". Lần này, Huỳnh hẹn cho Việt
gặp ông Long tại căn hộ chung cư cao cấp trên phố Núi Trúc. Khi Việt đến, thư ký Huỳnh bận nên Việt
tự lấy thẻ từ mở cửa vào nhà ngồi chờ theo chỉ dẫn. Do ông Long sau đó không đến được, Việt đưa một
triệu USD nhờ Huỳnh "đưa cho sếp lo việc".
Cơ quan điều tra cho rằng lần duy nhất Việt đưa tiền trực tiếp cho ông Long là vào cuối tháng 6/2021.
Khi đó Việt đến trụ sở Bộ Y tế gặp nhờ ông Long ủng hộ chủ trương phát triển vaccin phòng chống
Covid-19. Lúc ra về, Việt lấy bọc tiền 50.000 USD gói trong túi vải màu xanh đưa cho ông Long nói "lì
xì cho mấy cháu". Ông Long cầm và cười nói: "Vẽ chuyện".

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Hoàng Phong


Với bị can Trịnh, cán bộ Văn phòng Chính phủ, Việt cũng đặt vấn đề nhờ "can thiệp giúp chỗ Bộ Y tế"
để mọi việc suôn sẻ, Việt Á bán được hàng. Tổng giám đốc Việt Á sau đó hai lần đưa cho ông Trịnh,
tổng cộng 200.000 USD. Có lần Trịnh thắc mắc, Việt nói: "Có là gì với sự giúp đỡ của anh đâu, sắp tới
thanh toán ổn, em còn cảm ơn anh nữa".
Việt còn bị cáo buộc đưa hối lộ ông Tuấn 300.000 USD, ông Nam Liên 100.000 USD. Bị can Nguyễn
Huỳnh nhận 54 tỷ đồng từ Việt (trong đó đưa cho ông Long 50 tỷ, hưởng lợi 4 tỷ).
Quá trình điều tra, ông Long cùng các bị can được ghi nhận thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích
cực hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án. Trong đó, ông Long đã nộp khắc phục phần lớn
số tiền nhận hối lộ, các bị can còn lại đã khắc phục hết.
Nguyên thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn được miễn trách nhiệm hình sự
Theo kết luận, nguyên thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn là người ký quyết định cấp số lưu hành cho
kit xét nghiệm Việt Á, dựa trên tờ trình của Vụ Trang thiết bị và công trình y tế.
Ông Sơn thừa nhận Việt Á chưa đủ điều kiện để được cấp số đăng ký lưu hành, nhưng đồng ý do nhận
thức pháp luật hạn chế và "mong có kịp kit xét nghiệm để phòng chống dịch". Hơn nữa khi đó tình hình
dịch bệnh phức tạp và Chính phủ chỉ đạo khẩn trương có sinh phẩm phục phòng chống dịch.
Nguyên thứ trưởng khai không được hưởng lợi từ Việt Á và không có động cơ cá nhân khi ký các quyết
định liên quan công ty này.
Cảnh sát cho rằng hành vi của ông Sơn giúp Việt Á sử dụng số đăng ký lưu hành chính thức để kinh
doanh kit xét nghiệm, thu lợi bất chính, có dấu hiệu tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành
công vụ".
Tuy nhiên, việc ông Sơn ký quyết định không phải nhiệm vụ thường xuyên, không thỏa thuận để làm
lợi cho Việt Á và không có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân. Bởi thế C03 miễn trách nhiệm hình
sự cho ông Sơn, không khởi tố.

You might also like