You are on page 1of 5

3.3.

1 Tổng quan về công ty


Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) được thành lập năm 2007, có trụ sở
chính tại TP Hồ Chí Minh, do ông Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty) cùng 2 cổ đông
sáng lập. Đây là công ty cung cấp các thiết bị, hóa chất y tế của Việt Nam.
Việt Á được biết đến nhờ việc sản xuất kit xét nghiệm COVID-19 trong đại dịch ở Việt Nam.
Trước đại dịch COVID-19, công ty đã được Bộ Y tế cấp phép sản xuất 15 bộ kit thử bệnh
lao, viêm gan A, viêm gan B, tay - chân - miệng, HPV,… Ngày 10/3/2021, Việt Á được Chủ
tịch nước khen tặng huân chương lao động hạng ba do có thành tích xuất sắc trong nghiên
cứu, chế tạo và ứng dụng sinh phẩm xét nghiệm RT-PCR phát hiện virus SARS-CoV-2, phục
vụ hiệu quả cho công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, tháng 12/2021, Việt Á bị khởi tố sai phạm trong hành vi nâng khống giá kit-test
Covid-19, trở thành vụ án điển hình về tham nhũng, tiêu cực, quy mô lớn từ cấp trung ương
đến cấp cơ sở. Trên thực tế, tại nơi doanh nghiệp này đăng ký đặt trụ sở, chỉ có bảng hiệu
được đặt nhờ. Phòng sản xuất kit test của công ty này chỉ rộng chừng hơn 10m² với 10 nhân
sự.
3.3.2 Tình huống vi phạm đạo đức kinh doanh của Việt Á
Năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát mạnh dẫn đến nhu cầu về trang thiết bị phòng chống
dịch rất lớn, nhất là bộ sinh phẩm xét nghiệm (gọi tắt là kit test). Khi đó, bộ Khoa học và
Công nghệ (KH&CN) đã phê duyệt đề tài nghiên cứu cấp quốc gia về chế tạo bộ sinh phẩm
xét nghiệm COVID-19 và giao cho Học viện Quân Y chủ trì. Ngày 4/3/2020, Công ty Việt Á
được Học viện Quân y chọn hợp tác và sản xuất thành công kit xét nghiệm COVID-19.
Tháng 4/2020, công ty đã hối lộ và được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành tạm thời kit test
COVID-19, đến tháng 12/2020 đã được cấp phép lưu hành chính thức. Tuy nhiên, lợi dụng
tính cấp bách về nhu cầu test COVID-19 của các địa phương trên cả nước, Tổng giám đốc
Công ty là ông Phan Quốc Việt và nhóm của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị và
chi phí nguyên vật liệu đầu vào, đưa vào thuyết minh cơ cấu giá, xác định giá bán là 470.000
đồng/kit. Ông Việt thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC
các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm. Bên cạnh đó, Việt Á bán cả kit PCR
lẫn kit test nhanh nhập khẩu từ Trung Quốc với giá khai báo Hải quan là 0,955 USD/kit
(khoảng 21.560 đồng/kit).
Ban đầu, Phan Quốc Việt chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các
bệnh viện, CDC của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước sử dụng. Công ty đã thông đồng với lãnh
đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách sử dụng các pháp nhân trong hệ
thống, lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá cao hơn nhiều so với giá
thành sản xuất. Đồng thời, để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số
lượng lớn, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, ông Phan Quốc Việt còn
thỏa thuận, thống nhất chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng số tiền rất lớn. Theo Bộ
Công an, kết quả điều tra cho thấy kit test được nâng khống giá lên khoảng 45% so với giá
thành sản xuất, số tiền Công ty Việt Á thu về trong vụ này là trên 500 tỷ đồng. Bên cạnh đó,
số tiền được công ty chi “hoa hồng” cho các đối tác là gần 800 tỷ đồng.
3.3.3 Phân tích hành vi vi phạm đạo đức
- Lừa đảo khách hàng: Bộ kit xét nghiệm PCR của Công ty Việt Á không đạt tiêu chuẩn quốc
tế và được WHO kết luận là chưa tuân thủ tiêu chuẩn ISO 13485:2016 (một yêu cầu để thiết
bị y tế được công nhận trên thế giới). Theo điều tra, nguyên liệu hóa chất, chất thử, nguyên
liệu sản xuất sinh phẩm chẩn đoán xét nghiệm được Việt Á nhập từ nhiều nước khác nhau để
tạo nên thành phẩm chứ không phải tự sản xuất. Thêm nữa, Công ty cổ phần Việt Á được
giới thiệu sở hữu đội ngũ chuyên môn về lĩnh vực sinh học phân tử cùng hàng ngàn nhân
viên. Tuy nhiên, thực tế phòng sản xuất chỉ có vài người không có kinh nghiệm về y tế và
nhân viên kế toán, bán hàng và tiếp thị. Có thể thấy, lừa đảo khách hàng là hành vi vi phạm
triết lý đạo đức trong kinh doanh, cụ thể là tính trung thực. Đây là hành động trực tiếp gây hại
cho người tiêu dùng và khách hàng của Việt Á.
+ Gây ảnh hưởng đến người dân: Người dân sử dụng những bộ kit test COVID 19 không đạt
tiêu chuẩn quốc tế và đánh giá chất lượng có thể nhận về kết quả sai lệch. Người dân có kết
quả âm tính giả sẽ mất cảnh giác, không thực hiện phòng ngừa dịch bệnh cho bản thân và
những người xung quanh. Ngược lại, kết quả dương tính giả sẽ tạo cho người dân tâm lý
hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng tới sức khoẻ.
+ Gây ảnh hưởng đến xã hội: Bộ kit xét nghiệm nCoV ảnh hưởng trực tiếp đến các thông tin
về số ca nhiễm bệnh, số ca phục hồi và việc đưa ra các chính sách y tế phù hợp. Bộ kit test sai
có thể làm các con số trên trở nên không chính xác, sai lệch so với các ca bệnh thật sự, làm
tăng khả năng lây lan của dịch bệnh COVID-19 hoặc các bệnh nhân bị tử vong do không điều
trị kịp thời. Mức giá của kit xét nghiệm quá cao trong khi tình hình COVID-19 đang diễn
biến phức tạp và người dân phải gồng gánh tài chính do nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi dịch
bệnh.
Mặc dù giá của bộ kit xét nghiệm phụ thuộc vào chủng loại, tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ,
số lượng mua, diễn biến của dịch bệnh và sự khan hiếm của thị trường. Nhà máy sản xuất kit
test của Việt Á được giới thiệu với quy mô 30.000 kit/ngày không quá khó để đáp ứng được
nhu cầu xét nghiệm COVID-19 của người dân Việt Nam vào thời điểm đó. Bộ Y tế cũng đã
cấp phép cho rất nhiều loại kit test khác nhau được nhập khẩu. Nhưng chi phí kit test tăng cao
dẫn đến chi phí xét nghiệm PCR cũng tăng. Người dân phải chi trả một khoản tiền mà không
phải ai cũng sẵn sàng cho một lần xét nghiệm COVID-19, dẫn đến sự bức xúc trong xã hội.
Thêm vào đó, mức giá này đã ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí của nhân dân và kinh phí
phòng chống dịch tại các đơn vị và doanh nghiệp. Việt Á sử dụng bộ kit xét nghiệm đó để
thâu tóm thị trường, gây lũng đoạn và thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế. Bởi mức giá
cao đến phi lý của Việt Á còn vô hình chung tạo cơ hội cho các doanh nghiệp khác cũng đẩy
giá sản phẩm của họ cao hơn giá trị thực sự.
- Làm xấu hình ảnh của các cơ quan chức năng: Công ty Việt Á không chỉ thao túng hoạt
động mua bán kit xét nghiệm mà còn sử dụng khoản doanh thu nhận được để hối lộ cho một
số cá nhân làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công
nghệ, CDC các tỉnh. Hành vi trên của Công ty Việt Á không chỉ là vi phạm lớn về mặt pháp
luật mà ở phương diện xã hội, nó làm xói mòn nghiêm trọng niềm tin của người dân Việt
Nam vào một bộ máy nhà nước liêm chính, vào Chính phủ. Mặc dù Chính phủ cố gắng triển
khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhưng nỗ lực đó lại không phục vụ phúc lợi
chung của người dân Việt Nam, mà tạo cơ hội cho một số con người tư lợi riêng. Để xử lý
hậu quả của vụ việc và xây dựng lại hình ảnh bộ máy nhà nước trong sạch, Chính phủ phải
tốn nhiều nguồn lực và gián tiếp làm chậm quá trình phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
- Sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát: Học viện Quân y cùng với Công ty Công nghệ
Việt Á đã sử dụng ngân sách chi của Nhà nước gần 19 tỷ đồng để phục vụ nghiên cứu bộ kit
xét nghiệm. Sau đó, công ty đã phân phối đến các cơ sở y tế với doanh thu lên tới hàng ngàn
tỉ đồng. Bởi vì thành quả nghiên cứu này là tài sản trí tuệ của Nhà nước, hành vi thổi giá chỉ
là một phần của vi phạm, phần không nhỏ khác là hành vi chiếm đoạt tài sản trí tuệ của Nhà
nước. Lợi ích vật chất do hành vi nâng khống giá kit test và chi phí nguyên vật liệu đầu vào
mang lại là rất lớn, thậm chí gây lũng đoạn thị trường và thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước
trong khi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi COVID-19 chưa kịp phục hồi. Người dân có thể mang
tâm lý bức xúc và hoài nghi về các chính sách sử dụng tài sản công của Chính phủ. Mặt khác,
hành vi nâng khống giá bán của kit xét nghiệm không đạt chuẩn chất lượng quốc tế của Việt
Á còn gây ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu trang thiết bị y tế nói riêng và xuất khẩu của Việt
Nam nói chung. Bởi vì trước đó, đã có hơn 20 quốc gia và doanh nghiệp đã đặt mua bộ kit
xét nghiệm COVID-19 do Việt Á sản xuất. Với tính nghiêm trọng của vấn đề, các nước trên
thế giới sẽ không còn tin tưởng vào chất lượng sản phẩm đến từ thị trường Việt Nam, từ đó
giảm xuất khẩu.
- Cạnh tranh không lành mạnh: Việc Công ty cổ phần Việt Á nâng mức giá bán bộ kit xét
nghiệm COVID-19 không đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế lên quá cao có thể làm lung lay
lòng tin của người dân với các công ty sản xuất kit test khác. Các công ty sản xuất bộ sinh
phẩm xét nghiệm COVID-19 nói riêng và các doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế nói
chung sẽ bị đánh đồng với Việt Á. Điều này ảnh hưởng đến doanh thu, hình ảnh của các
doanh nghiệp đang nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật và quy tắc trong đạo đức
kinh doanh. Ngoài ra, các sản phẩm y tế đắt đỏ được Chính phủ nỗ lực nhập khẩu từ nước
ngoài để phục vụ trong cuộc chiến đại dịch kéo dài cũng có thể nhận được sự hoài nghi của
người dân Việt Nam. Vấn đề này liên quan trực tiếp đến khía cạnh công bằng trong đạo đức
kinh doanh. Việt Á đã vi phạm trách nhiệm đối với các bên hữu quan như đối thủ cạnh tranh.
3.3.4
“Đại án” Việt Á là một trong những vụ án lớn nhất Việt Nam bởi mức độ phức tạp của các
bên liên quan cũng như hậu quả của vụ việc. Không chỉ lãnh đạo cấp cao của Công ty Việt Á,
mà cả những cơ quan CDC các tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế và các đơn vị, địa
phương liên quan đều phải nhận hậu quả nặng nề. Vụ án sai phạm tại Công ty cổ phần Công
nghệ Việt Á chính là một bài học đắt giá trong việc vận hành các hoạt động kinh doanh một
cách vô đạo đức.
Lãnh đạo cấp cao và những nhân viên liên quan tại Công ty Việt Á phải nhận hình phạt xác
đáng từ pháp luật và sự lên án, tẩy chay mạnh mẽ từ xã hội; là kết quả tất yếu cho những
hành vi sai trái và vô đạo đức trong kinh doanh. Đây là bài học kinh nghiệm “xương máu”
cho những doanh nghiệp có ý định kinh doanh chỉ vì lợi nhuận, chạy theo lợi nhuận đến “mờ
mắt” mà bất chấp những hành vi sai trái, vô đạo đức, thậm chí là vi phạm pháp luật. Bất kể
dù ở trong tình huống nào, các doanh nghiệp kinh doanh đều phải có cái tâm trong sáng, luôn
ghi nhớ việc kinh doanh có đạo đức là trách nhiệm và nghĩa vụ cần phải thực thi. Bên cạnh
đó, một trong những bài học kinh nghiệm từ vụ việc Việt Á còn là thái độ của người tiêu
dùng trước những hành vi kinh doanh vô đạo đức của doanh nghiệp. Khi khách hàng đã đánh
mất niềm tin và có những thái độ tiêu cực với doanh nghiệp thì đơn vị kinh doanh đó sẽ dễ
dàng rơi vào tình huống khó khăn, thậm chí là phá sản, đền bù những tổn thất nghiêm trọng
hay bị truy cứu trách nhiệm pháp lý. Muốn kinh doanh phát triển, kinh doanh bền vững thì
các doanh nghiệp phải luôn “khắc cốt ghi tâm” về những triết lý kinh doanh có đạo đức, tư
duy chiến lược dài hơi, thượng tôn pháp luật, và thấu hiểu khách hàng. Bên cạnh đó, ban lãnh
đạo cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử chặt chẽ; tuyên truyền, phổ biến văn hóa doanh nghiệp
mạnh mẽ trong tổ chức; đưa ra những quy định rõ ràng và thực thi giám sát, kiểm tra minh
bạch để ngăn chặn những hành vi gian dối, thông đồng giữa các cấp dưới làm ảnh hưởng đến
hoạt động kinh doanh cũng như uy tín của doanh nghiệp.
Từ đại án Việt Á, các cơ quan, ban ngành nhận ra được những bài học quý giá trong công tác
quản lý nhà nước về những khuyết điểm trong quá trình thực thi pháp luật hay sự e ngại,
không dám truy tố còn tồn đọng ở một số cơ quan chức năng chính là cơ hội cho việc hình
thành và thực hiện những hành vi sai trái. Chính vì thế, đây là bài học kinh nghiệm để mỗi
cán bộ, mỗi cá nhân trong bộ máy nhà nước thực hiện nhiệm vụ của theo đúng quy tắc, sát
sao hơn; chủ động phê bình và tự phê bình để củng cố và nâng cao khả năng của các cơ quan
chức năng. Ngoài ra, một bài học kinh nghiệm cần cân nhắc đó chính là sự tham gia, hỗ trợ
lẫn nhau từ các bên, các cấp, các ngành sẽ giúp giảm thiểu rủi ro, đồng thời đẩy nhanh tiến
trình điều tra, giám sát, quản lý những vấn đề cấp bách.
Đối với người tiêu dùng thì đây là bài học lớn rằng họ phải trang bị cho mình những kiến
thức, nhận thức đầy đủ về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm; trước hết để đảm bảo sức
khỏe cho bản thân, gia đình, sau là sự an toàn của xã hội. Bên cạnh đó, việc không lơ là, thiếu
cảnh giác khi tiêu dùng cũng là một trong những bài học sâu sắc đối với người tiêu dùng.
Người tiêu dùng cần nên chủ động lên tiếng, phản đối, bài trừ những doanh nghiệp kinh
doanh vô đạo đức, thiếu trách nhiệm. Đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh vẫn đang còn tồn
tại, những thiết bị y tế giả, kém chất lượng, chưa được kiểm định có thể ảnh hưởng trực tiếp
tới sức khỏe của người tiêu dùng.

You might also like