You are on page 1of 119

Miền Trung Việt Nam và dãy Trường Sơn

từ vùng núi ẩm ướt đến các khu rừng khô


ráo
Khu vực miền Trung Việt Nam là một dải cong gồm có núi, đồng bằng và vùng đồng
bằng ven biển nơi tập trung nhiều loại sinh cảnh nhất trong cả nước, trong đó có cả các
khu vực ẩm ướt nhất và khô nhất của đất nước. Với sông Cả thuộc tỉnh Nghệ An là ranh
giới phía Bắc và cạnh phía Đông của các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa Vũng
Tàu là ranh giới phía Nam, nó bao gồm một phần lớn của khu vực mà người Việt Nam
gọi là Trung Bộ (hình 37). Trong thế kỷ 18 và 19, miền Trung Việt Nam là phần chủ
yếu của Annam, một huyện hành chính của thuộc địa Pháp.

Đặc điểm địa chất nổi bật nhất của miền Trung Việt Nam là dãy Trường Sơn. Đây là
một dãy núi và cao nguyên bị chia cắt bởi nhiều đèo và các vùng đồng bằng dài xấp xỉ
1.200km và rộng 50-75km. Phần lớn dãy Trường Sơn chạy song song với đường bờ biển
miền Trung và nằm ở giữa đường biên giới với Lào (nơi nó được gọi là Saiphou Louang)
với một phần ba ở phía Nam nằm ở vùng Nam Trung Bộ. Phần lớn các ngọn núi nằm
giữa độ cao 500 đến 2000m và các phần bên dưới của các ngọn núi này đóng vai trò là
các điểm trung chuyển cho con người, mây và gió ẩm từ sườn núi phía Đông. Dãy núi
này còn có tên tiếng Anh là Annamite Mountain Range hay Annamese Cordillera. Bốn
đèo rộng chia dãy núi từ phía Bắc đến phía Nam: đèo Ngang, Hải Vân, Cù Mông và Cả.

Những vùng đồng bằng nằm sát và đan xen với dãy Trường Sơn. Các khu rừng thường
xanh chiếm ưu thế ở các vùng núi và mức độ đa dạng cao về sinh cảnh chủ yếu xuất hiện
ở các độ cao dưới 1.000m, trong đó có rừng bán thường xanh và rừng rụng lá một mùa
có các loài dầu (họ Dipterocarpaceae) chiếm ưu thế. Vùng đồng bằng ven biển hẹp có
hình dạng không cân xứng nằm giữa dãy Trường Sơn và biển Đông, bị chia cắt bởi các
cồn cát, phá và các cửa sông của nhiều con sông đổ ra biển từ dãy Trường Sơn nằm ở
phía Tây. Phía Nam của đèo Hải Vân (khoảng 16o vĩ Bắc), có nhiều hòn đảo nằm ngoài
khơi. Một số là phần kéo dài của các dãy núi nằm trong đất liền hiện đã bị chìm và một
số khác vẫn còn nối với nhau và tạo thành các bán đảo và vịnh. Phía bên ngoài vùng bờ
biển phía Đông này là các dạn san hô dạng viền, các bãi cỏ biển và các môi trường sống
dưới biển khác.

Cũng như các vùng khác ở Việt Nam, việc nghiên cứu khoa học tại dãy Trường Sơn bị
gián đoạn trong phần lớn thời kỳ sau của thế kỷ 20. Thực tế là dãy Trường Sơn tương
đối khó tiếp cận và nằm giữa biên giới với Lào và Campuchia càng làm giảm sự quan
tâm nghiên cứu tại khu vực này. Hoạt động nghiên cứu được nối lại vào đầu những
năm 1990 đã giúp tìm ra cả những loài mới, trong đó có mang Trường Sơn (Muntiacus

139/260
truongsonensis) và những ghi nhận về những loài động vật chưa từng được nhìn thấy
kể từ khi chúng được mô tả lần đầu tiên trước chiến tranh thế giới thứ 2 như gà lôi mào
trắng (Lophura edwardsi). Phần lớn những loài được mới được khám phá và được phát
hiện lại này có lẽ là đặc hữu ở dãy Trường Sơn và các vùng xung quanh. Dãy Trường
Sơn cũng gồm có 4 khu vực có mức độ đặc hữu về chim cao, hai vùng núi và hai vùng
đồng bằng.

Ngoài sự đa dạng về thiên nhiên, miền Trung của Việt Nam còn có tầm quan trọng lớn
về mặt văn hoá và lịch sử. Di tích về khảo cổ học của nền văn hoá Đông Sơn, xuất hiện
ở Việt Nam khoảng 3.000 năm trước công nguyên và nổi tiếng về trống đồng, được tìm
thấy ở tỉnh Thanh Hoá. Giữa những năm 1802 và 1945, thành phố Huế là thủ đô của
nước Việt Nam thống nhất và là trung tâm của triều đại nhà Nguyễn, là những đời vua
cuối cùng trước thời kỳ thuộc địa; những lăng tẩm uy nghi vẫn còn nằm ở phía Nam
của thành nội Huế. Khu vực miền Trung cũng đóng một vị trí quan trọng trong cuộc đấu
tranh giành độc lập và thống nhất của người Việt Nam. Từ năm 1885 đến 1895, Phan
Đình Phùng đã dẫn đầu phong trào rộng khắp chống lại ách thực dân và phong trào khởi
nghĩa ở miền Trung Việt Nam, nhiều khi họ đã chốn vào trong những khu rừng mà ngày
nay thuộc Khu Bảo tồn Vụ Quang của tỉnh Hà Tĩnh. Biên giới tạm thời giữa miền Bắc
và miền Nam Việt Nam được thành lập theo hiệp ước Genevơ dựa theo sông Bến Hải
lên đến vùng thượng lưu và sau đó theo đúng hướng Tây đến biên giới Lào. Vùng phi
quân sự kéo dài 5km về mỗi bên. Miền Trung Việt Nam cũng gồm có một phần lớn
đường mòn Hồ Chí Minh được xây dựng trong cuộc chiến tranh Mỹ – Việt Nam, đây là
một mạng lưới các đường mòn và đường được miền Bắc Việt Nam sử dụng để đưa quân
đội và quân nhu về phía Nam. Con đường được lấy tên chủ tịch Hồ Chí Minh, người
được sinh ra ở một làng nhỏ cách thành phố Vinh nằm ở vùng ven biển Bắc Trung Bộ
14km.

Mật độ dân số chung của miền Trung Việt Nam thấp hơn so với các vùng khác của đất
nước và cũng như ở các nơi khác có ít người sống trên các vùng núi hơn. Mật độ thay
đổi từ 548 người /km2 ở thành phố Đà Nẵng xuống đến 32 người/km2 ở tỉnh Kon Tum.
Các chương trình di cư trong nước của chính phủ tiếp tục làm thay đổi mật độ dân số
của nhiều khu vực miền núi khi những người từ nhiều vùng có mật độ dân số cao ở miền
Bắc và miền Nam của đất nước di chuyển đến đây. Các chương trình này đóng vai trò
quan trọng trong việc dân số ở vùng cao nguyên miền Trung (cao nguyên Kon Tum,
Play Ku và Đắc Lắc) tăng thêm 63%. Hai mươi mốt dân tộc sống trong khu vực này, hầu
hết sống ở miền Trung và miền Nam của dãy Trường Sơn; Giarai, Ba Na và Chăm là
những dân tộc lớn nhất trong số này. Nhóm dân tộc Mường, sống ở đây và ở miền Bắc,
là con cháu của một trong những người đầu tiên sống ở Việt Nam. Đáng tiếc là, những
dân tộc thiểu số này là một trong số những người bị ảnh hưởng nhiều nhất do việc biến
đổi rừng trong khu vực thành đất nông nghiệp.

140/260
Địa hình

Cũng giống như lịch sử phức tạp về con người, kẻ ngoại xâm, văn hóa và các nhà nước
trong khu vực này, dãy Trường Sơn có một lịch sử địa chất dài, phức tạp và liên tục thay
đổi. Thành phần của những loại đá nằm phía dưới thay đổi rất nhiều trong cả vùng miền
Trung Việt Nam và gồm có những loại đá trầm tích như đá vôi và sa thạch, là các loại
đá granit lộ thiên, và các dòng nham thạch bazan. Những loại đá này đá bị trộn lẫn, biến
đổi và phủ lên bởi các hoạt động tạo phay nghịch, tạo nếp oằn và núi lửa diễn ra trong
vòng hàng trăm triệu năm. Kết quả là chúng tạo ra sự đa dạng về các loại đá và đất nằm
bên dưới vùng miền Trung Việt Nam và có sự khác biệt về độ dày, độ tích axít, độ ẩm,
hàm lượng chất hữu cơ và hàm lượng chất dinh dưỡng và chất khoáng.

Dãy Trường Sơn có thể chia làm 3 vùng và các nhà khoa học thường sử dụng cách phân
chia này để khoanh vùng phân bố của các loài. Bắt đầu từ tỉnh Nghệ An, vùng phía Bắc
kết thúc ở dãy núi nằm tại Khe Sanh (hình 38). Vùng núi ở đây khá thấp; ít có đỉnh cao
quá 1.300m, mặc dù về phía Tây sang đất Lào, núi có thể cao hơn 2.800m. Phần lớn
vùng này được hình thành từ vùng biển cổ (hơn 400 triệu năm tuổi) tạo phay nghịch và
hiện đã bị sói mòn rất nhiều. Một địa hình đá vôi rộng lớn được hình thành từ 290-255
triệu năm trước cắt ngang dãy Trường Sơn tại tỉnh Quảng Bình. Nằm tiếp giáp với các
khu vực đá vôi rộng lớn phía Lào, đây là một trong số những vùng đá vôi lớn nhất ở
Đông Dương. Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng nằm trong vùng này và bảo tồn hệ
sinh thái đá vôi đặc trưng và hệ thống hang, động và sông, suối ngầm rộng lớn.

Bên dưới Khe Sanh gần đèo Hải Vân một mũi núi nằm ở miền Trung của dãy Trường
Sơn chạy về phía biển Đông trong khi đó phần còn lại của dãy núi tiếp tục chạy về phía
Nam dọc theo biên giới Việt-Lào tới sông Ba-Da Rang (gần như trùng với biên giới
phía Nam của tỉnh Gia Lai). Đặc điểm địa chất đáng chú ý là khối núi Kon Tum, một
địa hình đồ sộ chủ yếu là đá granit kéo dài 250km theo hướng Bắc Nam và kéo dài vào
trong đất liền 200km có cấu tạo là đá gốc kết tinh hiện đã lộ thiên và được hình thành
trên 560 triệu năm trước vào kỷ Precambri. Đây là một trong những cấu trúc đá cổ nhất
tìm được ở vùng Đông Nam Á. Núi Ngọc Linh nằm ở biên giới phía Tây Bắc của khối
núi này là đỉnh cao nhất ở miền Trung Việt Nam có chiều cao 2.598m. Kéo dài về phía
Tây và phía Nam vùng dưới chân của khối núi này vươn tới vùng cực Đông Bắc của
Campuchia. Nằm về phía Nam của khối núi này là cao nguyên Play Ku có chiều cao
thấp hơn 800-1.400m cấu tạo từ đá bazan được tạo nên do các hoạt động núi lửa bắt đầu
từ khoảng 20 triệu năm trước đây.

Từ sông Ba-Da Rang, dãy Trường Sơn kéo dài xuống phía Nam và bao gồm các vùng
núi còn lại của Việt Nam, là một loạt các cao nguyên bằng đá granit và bazan có các
đỉnh núi nằm rải rác và cô lập. Cao nguyên đầu tiên là Đắc Lắc nằm ở độ cao 400-800m
và nằm ở phía Nam của nó là thành phố Buôn Ma Thuột, thành phố lớn nhất trong khu
vực này. Cao nguyên Đà Lạt rộng lớn kéo dài từ biên giới Campuchia về phía Đông đến
gần bờ biển. Phần lớn nằm ở độ cao giữa 1.200m và 2.200m, các đỉnh Bi Doup (2.163m)

141/260
và Chu Yan Sin (2.410m) là các đỉnh cao nhất của vùng cao nguyên và nằm dọc theo
rìa phía Đông Bắc của nó. Phía Tây Nam của Đà Lạt là cao nguyên Di Linh có độ cao
1.000-1.500m.

Vùng đồng bằng ở miền Trung Việt Nam nhỏ hơn nhiều so với các vùng đồng bằng màu
mỡ ở phía Bắc và phía Nam; các vùng đồng bằng nằm ở phía Bắc của dãy Trường Sơn
đặc biệt nhỏ, nằm giữa vùng núi và bờ biển. Vùng đồng bằng hẹp ven biển của miền
Trung Việt Nam mở rộng ra ở nửa phía Nam, kéo dài vào trong đất liền từ 20-30km ở
gần Nha Trang và ở phía Nam. Vừa đẹp và vừa có khu hệ thực vật đáng chú ý, các vùng
này sở hữu một trong những phong cảnh đẹp nhất của Việt Nam, các khu vực cát đỏ kỳ
lạ và các khu rừng ven biển độc đáo tập trung xung quanh vịnh Cam Ranh.

Khí hậu

So với miền Bắc, miền Trung Việt Nam nhìn chung có khí hậu gió mùa ẩm ướt hơn,
mặc dù sự thay đổi theo mùa của cả nhiệt độ và lượng mưa khác nhau rất nhiều ở những
địa điểm khác nhau trong khu vực (bảng 3). Sự khác nhau về các điều kiện thời tiết này
là do sự khác biệt lớn về vĩ độ, độ cao, địa hình xung quanh (mà có thể tạo ra hiện tượng
chắn mưa), độ dốc và hướng của các sườn núi. Các vùng đồng bằng và vùng chân núi
của miền Bắc và miền Trung Trường Sơn có nhiệt độ giống với miền Bắc Việt Nam với
mùa hè nóng nhiệt độ cao khoảng 30oC và nhiệt độ mùa đông thấp khoảng 16oC. Tuy
nhiên, lượng mưa cao hơn ở mức 2.000-2.500mm/năm và mùa mưa diễn ra chậm hơn
và mưa thường xuyên xuất hiện nhất vào giữa tháng 8 và tháng 11. Vùng đồng bằng
ven biển tại Nha Trang và phía Nam có thời tiết khô hơn nhiều và bán khô cằn. Bị chắn
bởi cao nguyên Đà Lạt, vùng đồng bằng này có trị số trung bình của lượng mưa ít hơn
1.350mm và lượng mưa trung bình hàng năm ít hơn 750mm. Nhiệt độ ít thay đổi theo
mùa ở mức 24oC-29oC quanh năm và mùa mưa ngắn hơn và diễn ra chậm hơn, cao điểm
là từ tháng 10 đến tháng 12. Các vùng đồng bằng và chân núi nằm phía bên trong về
phía Nam của cao nguyên Kon Tum cũng khô hơn ở phía Bắc với lượng mưa thường
nằm trong khoảng 1.500-2.000mm và có các thời kỳ ẩm và khô rõ rệt.

Các vùng núi trong dãy Trường Sơn lạnh hơn và ẩm hơn so với vùng đồng bằng và sườn
núi phía Đông và sườn núi có gió thổi vào thường nhận được nhiều mưa hơn là sườn
phía Tây và sườn núi khuất gió. Ở toàn bộ khu vực cao nguyên Kon Tum và Đà Lạt, tại
độ cao trên 1.000m lượng mưa thường ở mức hơn 2.000mm/năm và con số này tăng lên
theo độ cao. Dọc theo rìa phía Đông của cao nguyên Đà Lạt, lượng mưa hàng năm lên
đến 3.850mm và nói chung không có mùa khô. Nhiệt độ ở các vùng núi này ít thay đổi
theo mùa và có thể khá lạnh; ở Đà Lạt nhiệt độ trung bình hàng năm là 18.2oC. Tại các
độ cao lớn nhất, sương, sương mù và sương đọng góp phần tạo nên một trong những
lượng mưa cao nhất ở Việt Nam. Trên đỉnh núi Bạch Mã ở độ cao 1.448m, lượng mưa
trung bình là 8.000mm một năm. Cao nguyên Di Linh (vùng núi tận cùng phía Nam của
khu vực này) nằm trong vùng bị chắn mưa của các núi Cardamom và núi Con Voi nằm

142/260
ở phía Tây Nam của Campuchia và do đó có thời tiết khô hơn và thay đổi nhiều hơn
theo mùa so với các khu vực nằm về phía Bắc.

Chế độ nước

Miền Trung của Việt Nam không có một con sông và lưu vực nào chiếm ưu thế như
sông Hồng ở miền Bắc và sông Mê Kông ở miền Nam. Thay vì đó, hàng trăm con sông
và suối chảy từ sườn phía Đông của dãy Trường Sơn mang theo nước ngọt và cuối cùng
đổ vào biển Đông. Đi dọc theo quốc lộ số 1 về phía Nam từ sông Cả đến tỉnh Quảng
Nam, các con sông nằm cách nhau chỉ có 20km hoặc ít hơn. Bắt nguồn từ sườn phía
Đông của vùng miền Trung dãy Trường Sơn và từ phía Nam của dãy Trường Sơn, sông
Xe Cong, Xe Xan và Xre Pac đổ vào sông Mê Kông ở phía Bắc Campuchia. Sông Xre
Pac (cũng được viết là Srepok) là một nhánh chính của sông Mê Kông và ở phía Nam
của dãy Trường Sơn nhiều con sông cũng đổ vào con sông này. Là con sông duy nhất
chảy thường xuyên trong Vườn Quốc gia Yok Don, nó cung cấp môi trường sống quan
trọng cho các loài chim sống trên sông và bờ sông, trong đó có loài chim mới được mô
tả là chìa vôi Mê Kông (Motacilla samveasnae).

Thực vật và môi trường sống

Sự pha trộn của khu hệ động thực vật vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới của Việt Nam
được thể hiện rõ ràng nhất ở các vùng núi và đồng bằng nằm trong dãy Trường Sơn;
thành phần rừng thay đổi đột ngột theo vĩ độ và đặc biệt là theo độ cao. Đây là kết quả
của cả lượng mưa và tần xuất mưa, phạm vi thay đổi của nhiệt độ và loại đất cùng với
các đặc điểm của địa hình địa phương. Thực vật trên các vùng đá vôi ở phía Bắc của
dãy Trường Sơn giống với thực vật ở miền Bắc: phần lớn là các loài bán thường xanh
có mức độ đặc hữu cao.

Các khu rừng thường xanh phân bố trên dãy Trường Sơn tại tất cả các độ cao từ phần
mỏm cực Bắc đến 14 độ vĩ Bắc (hình 39). Tại các độ cao đến 800m, rừng thường xanh
ở miền Trung Việt Nam chủ yếu là rừng lá rộng và tán lá có các họ cây nhiệt đới chiếm
ưu thế như dầu và có nhiều loại cọ và dây leo ở tầng dưới. Mặc dù dầu có mức độ đa
dạng thấp ở phần miền Bắc, những cây có giá trị sinh thái quan trọng này thường mọc
cao hơn tán rừng. Khi độ cao tăng và thời tiết trở nên lạnh và ẩm ướt hơn, các họ cây
ôn đới như sồi (Fagaceae) và mộc lan (Magnoliaceae) bắt đầu chiếm ưu thế. Sự chuyển
tiếp thường diễn ra đột ngột ở độ cao 200-300m. Các khu rừng ẩm, cận núi và trên núi
có phân bố ở độ cao 1.000m hoặc cao hơn trong toàn bộ dãy Trường Sơn. Các cấu trúc
rừng trên núi cao và ở vùng có gió lộng xuất hiện ở các đỉnh núi nhô ra và ở các sườn
núi hẹp tại các điểm cao nhất dọc theo dãy núi, đôi khi có cấu trúc của rừng sương mù
hoặc rừng rêu. Đỗ quyên (chi Rhododendron) là thành phần quan trọng của những quần
xã này và những quần xã này có phân bố ở phía Nam đến tận Khu Bảo tồn thiên nhiên
Bi Dup-Núi Bà trên cao nguyên Đà Lạt.

143/260
Những cây thường xanh có nón là thành phần quan trọng của các khu rừng tại miền
Trung Việt Nam và số lượng các loài cây lá kim ở đây chỉ đứng sau vùng núi đá vôi ở
khu vực Đông Bắc (hình 40). Hai loài thông khá phổ biến thường chiếm ưu thế trong
các khu rừng lá kim khô nằm dưới 1.500m: thông ba lá (Pinus kesiya) phân bố ở độ cao
khoảng 1.000-1.500m, đôi khi mọc lẫn với du sam (Keteleeria evelyniana); thông hai lá
(P. latteri) thay thế thông bá lá ở các độ cao thấp hơn và trên các loại đất khô hơn. Các
khu vực núi cao và ẩm ướt của dãy Trường Sơn, thường ở độ cao trên 1.200m, là nơi có
mức độ đa dạng cao nhất và nhiều loài đáng chú ý nhất. Ở đây có các khu rừng có cây
lá rộng và cây lá kim mọc xen kẽ với mức độ đa dạng cao. Loài thông Đà Lạt (Pinus
dalatensis) đặc hữu có thể phân bố trong những môi trường sống này, trong đó có các
sườn núi và đỉnh núi, nằm ở trung tâm và ở phía Nam của dãy Trường Sơn, trong khi đó
loài thông lá dẹt (P. krempfii) có lá dẹt rất đặc biệt và đặc hữu chỉ có ở cao nguyên Đà
Lạt ở phía Nam của dãy Trường Sơn. Loài đặc hữu thứ ba, dẻ tùng Poalan thuộc loại dẻ
tùng Amentotaxus poilanei, chỉ phân bố ở các khu rừng thường xanh ẩm ướt và lạnh trên
núi Ngọc Linh, nơi có nhiệt độ trung bình 12oC, lượng mưa hơn 3.000mm/năm và không
có mùa khô. Các loài cây lá kim khác là pơ mu (Fokienia hodginsii) và các thành viên
của các họ tùng (Podocarpaceae), dẻ tùng (Taxaceae) và đỉnh tùng (Cephalotaxaceae).
Những loài này có phân bố giới hạn trong các khu rừng có độ cao lớn vì chúng cần có
độ ẩm cao.

Ở nửa phía Nam của dãy Trường Sơn, các khu vực nằm dưới 1.000m được bao phủ
bởi nhiều loại rừng phụ thuộc vào các điều kiện địa phương. Tại các độ cao này, rừng
thường xanh vùng đồng bằng phân bố ở vùng Bắc Trường Sơn được thay thế bằng các
cấu trúc rừng dầu bán thường xanh và rụng lá một mùa trong điều kiện khô hơn (hình
41). Độ ẩm của đất và điều kiện thời tiết có thể thay đổi ở từng khu vực nhỏ, do đó ba
loại rừng này thường xuất hiện dưới dạng xen kẽ mà không có ranh giới rõ ràng. Mọc ở
các bờ sông và suối nhỏ như Xre Pac, Ia H’Leo và Ia Top có độ ẩm cao hơn là các dải
hẹp của rừng thường xanh và bán thường xanh. Rừng ven sông này là những môi trường
sống dễ bị phá hủy nhất vì sông và suối là những nơi bị tác động đầu tiên và bị biến đổi
nhiều nhất.

Các khu rừng bán thường xanh tạo thành vùng chuyển tiếp giữa rừng thường xanh ẩm
ướt và rừng rụng lá một mùa có dầu chiếm ưu thế và khô hơn phân bố tại vùng đồng
bằng nằm ở phía Nam của cao nguyên Kon Tum và phía Tây của cao nguyên Đắc Lắc.
Những khu rừng dầu rụng lá một mùa này có phân bố rộng và là mắt xích về mặt sinh
thái nối liền miền Trung Việt Nam với các vùng tương tự từ Campuchia tới Myanmar.
Mặc dù các khu rừng nằm ở phía Đông của Đông Nam Á trước đây đã từng kéo dài liên
tục đến Ấn Độ, việc biến đổi đất nông nghiệp tại Thái Lan đã tách chúng khỏi các khu
rừng nằm ở phía Tây Ấn Độ. Các khu rừng trống này bao gồm chủ yếu là cây bụi dạng
cỏ có nhiều dòng chảy tạm thời cắt ngang và rải rác có đồng cỏ ngập nước theo mùa.

Môi trường sống này là nơi cư trú của thú lớn như nai cà tông (Cervus eldii) và bò rừng
(Bos javanicus) và cung cấp môi trường sống quan trọng cho chim, trong đó có quắm

144/260
lớn (Pseudibis gigantea), quắm cánh xanh (P. davisoni) và già đẫy Java (Leptoptilos
javanicus). Vào năm 2004, nhiều tổ sếu đầu đỏ (Grus antigone sharpii) vẫn còn được
sử dụng đã được tìm thấy trong rừng dầu rụng lá một mùa trong Vườn Quốc gia Yok
Don thuộc tỉnh Đắc Lắc. Cả rừng dầu thường xanh lẫn rừng dầu rụng lá một mùa thường
mọc xen kẽ với các vùng rừng trống giống như savana. Hiện tượng này thường xảy ra
khi con người đốt rừng trong một vùng rộng lớn.

Các quần xã nằm dọc theo bờ biển vùng Nam Trung Bộ của Việt Nam có lượng mưa
thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Thực vật có gai sống trong vùng có gió mạnh, ít
mưa và đất có dạng bụi và khu vực này là nơi cư trú của một số loài tuế trong đó có loài
tuế đặc hữu Cycas inermis. Loại rừng độc đáo phân bố trên các cồn cát ven biển khô
mọc trên nền cát đỏ đã ổn định gần vịnh Cam Ranh phía Nam của Nha Trang; 2 trong số
5 loài dầu đặc hữu của Đông Dương chỉ mọc trong những khu rừng này. Khu vực này ít
được nghiên cứu và những nghiên cứu kỹ hơn có thể tìm ra các loài đặc hữu khác mặc
dù thực vật đang bị biến mất rất nhanh do sự phát triển của con người gây ra.

Khu hệ động vật

Nhiều loài động vật đặc hữu và gần đặc hữu gắn liền với dãy Trường Sơn (xem phụ
lục 2). Sống trong vùng đồng bằng, chân núi và vùng núi cao là cả những loài mới,
trong đó có Saola (Pseudoryx nghetinhensis), thỏ vằn (Nesolagus timminsi) và khướu
vằn đầu đen (Actinodura sodangorum) và cả những loài đặc hữu như chà vá chân
nâu (P. nemaeus nemaeus), gà lôi mào trắng (Lophura edwardsi) và ếch cây trung bộ
(Rhacophorus annamensis). Cho đến năm 2004, phạm vi phân bố của 15 loài thú và 16
loài chim hoặc hoàn toàn hoặc phần lớn giới hạn trong những khu rừng thường xanh và
có một số bằng chứng về sự tăng số lượng của các loài lưỡng cư, bò sát và cá đặc hữu.
Mặc dù khó có thể tính toán chính xác được mức độ đặc hữu và so sánh chúng giữa các
khu vực khác nhau và các nhóm sinh vật khác nhau, những quan sát này gợi ý là các
vùng núi ở miền Trung Việt Nam và các vùng đồng bằng đi kèm với chúng có thể là
điểm trọng tâm hoặc là điểm nóng của tính đa dạng trong vùng lục địa Đông Nam Á.

Nếu đúng như vậy, có thể giải thích là dãy Trường Sơn là khu vực ổn định về mặt thời
tiết và sinh thái trong khi các vùng rừng lân cận và các môi trường sống khác bị thu hẹp
lại và mở rộng ra hoặc bị thay thế trong thời kỳ có những dao động về thời tiết kéo dài.
Các khu rừng trong dãy Trường Sơn đã đóng vai trò là nơi trú ẩn cho các loài sống trong
rừng trong các thời kỳ lạnh và khô khi các môi trường sống của chúng là rừng thường
xanh bị biến mất ở các độ cao thấp. Trong các điều kiện khí hậu ổn định và kéo dài này,
những loài nguyên thủy được bảo tồn và có thể giúp cho việc hình thành những loài mới.
Sự tồn tại của các loài cổ đại hoặc còn sót lại như Saola, thỏ vằn và thông lá dẹt trong
các khu rừng này cho thể do sự ổn định lâu dài của môi trường sống trong dãy Trường
Sơn. Nhiều loài đặc hữu ở đây, như chà vá (giống Pygathrix), có phạm vi phân bố giao
nhau nhưng có ranh giới rõ ràng. Sự phân bố chắp vá này có thể do các chướng ngại (khí
hậu, địa lý hoặc sinh thái) hoặc do sự cạnh tranh giữa các loài đã ngăn cản chúng phát

145/260
tán ra khỏi các vùng phân bố này. Cũng có thể là những loài này chưa quay lại những
vùng khác kể từ thời kỳ băng hà cuối cùng lớn nhất cách đây 18.000 năm mặc dù chúng
có khả năng làm được điều này.

Thú

Mức độ đa dạng và đặc hữu của các loài thú ở Việt Nam cao nhất là tại các khu rừng nằm
ở miền Trung của đất nước. Trong số các loài phân bố ở đây có vượn (giống Hylobates
[Nomascus]) và chà vá (giống Pygathrix) sống phụ thuộc vào các khu rừng thường xanh
lá rộng không bị xáo trộn, trâu bò rừng lớn (giống Bos) thích nghi với rừng khô trống
xen kẽ với cỏ và vũng nước và thú ăn thịt bậc cao nhất như hổ (Panthera tigris) và chó
sói lửa (Cuon alpinus) cần có những vùng phân bố lớn và nhiều con mồi để tồn tại. Miền
Trung Việt Nam là nơi cư trú của 3/4 thú ăn thịt (bộ Carnivora) trong cả nước, trong đó
có hầu hết tất cả các loài cầy (họ Viverridae) và mèo (họ Felidae) và đặc biệt phong phú
về các loài thú guốc chẵn (bộ Artiodactyla) với 16 trong số 19 loài trâu bò và hươu tự
nhiên. Các nhóm có nhiều loài khác là linh trưởng (bộ Primates) và chuột (họ Muridae).

Không có khu rừng nào ở Việt Nam kể cả rừng khô và rừng ẩm ướt còn có số lượng
cũng như tính đa dạng về thú như nhưng năm trước đây. Các nhà khoa học và những
người thợ săn thú lớn đã đến các khu rừng khô ở phía Bắc và Đông của Campuchia mà
đã từng kéo dài đến miền Trung của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20, đã mô tả khu vực này
chỉ đứng sau vùng Serengeti ở châu Phi về mật độ các loài thú lớn. Tuy nhiên, vào năm
1936 đoàn thám hiểm Đông Dương mang tên Fleischmann-Clark của Bảo tàng Lịch sự
Tự nhiên Hoa Kỳ đã ghi nhận sự giảm sút về số lượng của trâu rừng (Bubalus arnee)
và việc săn bắn hàng loạt cả nai cà tông (Cervus eldii) và hươu vàng (Axis porcinus) để
làm thuốc. Ngày nay, trâu rừng đã tuyệt chủng ở Việt Nam và cả hai loài hươu này cũng
có lẽ đã không còn tồn tại. Các loài bị đe dọa toàn cầu khác như voi (Elephas maximus;
thuộc loại nguy cấp), bò tót (Bos gaurus; sắp nguy cấp), hổ (nguy cấp) và gấu ngựa
(Ursus thibetanus; sắp nguy cấp), đang sắp bị tuyệt chủng.

Chà vá (giống Pygathrix)

Chà vá là các loài khỉ có nhiều màu sắc và điển hình nhất ở Việt Nam (hình 42). Có 3
loài và tất cả các loài này đều có thân màu xám với hình tam giác màu trắng ở mông đít,
tay phía trên có màu xám, ngực và vai có màu đen. Đầu màu xám có một dải đen chạy
qua trán và bộ râu màu trắng tinh tế tương phản với cổ có màu hạt dẻ. Chà vá có chân
và tay dài cân đối và tay hơi dài hơn so với chân và đuôi dài, mảnh có màu trắng. Mặt
của chúng đáng chú ý, mắt có hình quả hạnh (thuôn), lác và có nhiều màu khiến chúng
là một trong những nhóm linh trưởng đẹp nhất thế giới.

Mỗi loài trong số này có các kiểu màu đặc trưng, dễ nhận thấy nhất là phần dưới chân
hoặc ống chân. Chà vá chân nâu có cẳng chân màu đỏ sẫm gần như là màu rỉ sắt, đùi
đen, cẳng tay và bàn tay trắng và da mặt có màu vàng và da cam nhạt trong như màu sứ.

146/260
Chà vá chân xám (P. nemaeus cinerea) giống với chà vá chân nâu nhưng có chân tay
màu xám, bàn tay và bàn chân đen và có một dải đen hẹp chạy qua trán. Chà vá chân
đen (P. nigripes) có chân màu đen tuyền, tay màu xám, bàn tay đen và da mặt có màu
xanh xám với vòng ngoài mắt màu vàng.

Ba dạng này phân bố trong các vùng phân bố giao nhau theo chiều từ Bắc đến Nam
dọc theo dãy Trường Sơn. Chà vá chân nâu phân bố xa nhất về phía Bắc tại miền Bắc
và miền Trung của Trường Sơn ở cả Việt Nam và Lào. Chà vá chân xám sống ở miền
Trung của Trường Sơn và phạm vi phân bố của nó nằm bên trong Việt Nam. Các nhà
khoa học biết rất ít về taxon này; nó mới chỉ được mô tả năm 1997 và chủ yếu dựa trên
các cá thể bắt được từ hoạt động buôn bán động vật hoang dã. Dạng thứ 3, chà vá chân
đen, phân bố từ phần Nam của dãy Trường Sơn tại Việt Nam đến Campuchia. Các phân
tích về di truyền cho thấy rằng sự khác biệt giữa 3 dạng này tương đương với mức độ
loài; dạng ở miền Bắc (chân nâu) và miền Trung (xám) có quan hệ gần gũi với nhau hơn
là cả hai dạng này với dạng ở miền Nam (chân đen). Quan sát của các nhà khoa học ở
Campuchia vào năm 2001 đã đặt ra câu hỏi về đặc điểm nhận dạng của các loài này và
như vậy cần có thêm những nghiên cứu khác để xác định mối quan hệ giữa ba loài chà
vá này.

Các nhà khoa học mới chỉ thực hiện một số ít nghiên cứu về các loài chà vá trong thiên
nhiên, nhưng chúng có lẽ rất thích sống trên cây, sống thành đàn lên tới 50 cá thể, mặc
dù phổ biến là 3-10. Giống như voọc, chúng chủ yếu ăn lá cây, đôi khi mầm, quả cây,
hoa và hạt. Chúng chủ yếu sống trong các khu rừng thường xanh, mặc dù loài chân đen
sống ở phía Nam cũng phân bố trong các cấu trúc rừng bán thường xanh. Sự khác nhau
về sinh thái và tập tính của các loài này vẫn chưa được biết đến. Chà vá đặc biệt dễ bị
tác động do săn bắn vì chúng thường phản ứng với các xáo trộn bằng cách đứng im thay
vì chạy chốn; một đoàn thủy thủ cập cảng Đà Nẵng vào năm 1819 đã bắn được hơn 100
cá thể chà vá chân nâu từ 5 giờ sáng đến giờ ăn sáng. Ngày nay chúng bị săn bắn để lấy
thịt, làm thuốc truyền thống, làm cảnh và để nhồi. Chà vá chân nâu nhồi dùng để trang
trí hành lang khách sạn và các gian hàng bên đường trong khắp khu vực Đà Lạt. IUCN
xếp chà vá chân nâu và chân đen vào loại nguy cấp; có rất ít thông tin để đánh giá tình
trạng của chà vá chân xám.

Chó rừng và chó sói lửa (Canis aureus và Cuon alpinus)

Hai loài chó ở miền Trung Việt Nam, chó rừng và chó sói lửa, rất khác nhau về tập tính
xã hội, cách săn mồi và con mồi và môi trường sống ưa thích. Chó rừng, là loài chó có
kích thước trung bình nặng 7-10kg và có quan hệ gần gũi nhất với chó sói (giống Canis).
Nó có thân hình mảnh, tai dài, dựng lên, nhọn và đuôi tương đối ngắn. Lông thường có
màu xám nhạt hoặc có màu nâu vàng với đốm đen và trắng trên lưng và bên sườn và sau
lưng có viền đen hình yên ngựa. Chân và đầu có màu nâu đỏ như màu cát, phần dưới
có màu nhạt và đuôi chủ yếu có màu đen. Có thể khó nhận biết loài này trên thực địa
vì chó rừng rất giống với một số loại chó nuôi (Canis familiaris). Chó sói lửa có kích

147/260
thước lớn hơn và phân biệt được nhờ kích thước của nó (10-17kg), toàn bộ lông có màu
đỏ cát (nhạt hơn ở phía dưới), mõm ngắn hơn và to hơn. Nó cũng khó phân biệt với các
loại chó khác đặc biệt vào ban đêm.

Chó rừng phân bố rộng từ vùng cận Sahara của châu Phi, Đông Nam châu Âu, Trung
Đông và các vùng rộng lớn ở Nam và Đông Nam Á. Nó có thể thích nghi với nhiều loại
môi trường sống từ sa mạc đến rừng thường xanh và từ mực nước biển lên đến tối thiểu
4.000m một phần là do chúng ăn tạp và một phần khác do khả năng chịu được các môi
trường khô hạn và có xáo trộn do con người. Chó rừng đi săn một mình, dựa vào khứu
giác, thính giác và thị giác rất tốt để tìm con mồi là thú nhỏ, chim, bò sát, lưỡng cư và
xác chết. Chúng sống một vợ một chồng và con đực bảo vệ tổ trong khi đó cả bố và mẹ
nhai và nhả thức ăn ra cho con non, bắt đầu khi con non khảng 3 tuần tuổi. Chúng thích
các loại đất nhiều cát để làm tổ và gần các vũng nước. Các mối đe dọa đối với chó rừng
hiện chưa rõ, mặc dù mũi của nó được cho là được bán ở các chợ để làm thuốc truyền
thống. Các tư liệu lịch sử không đề cập đến chó rừng trong toàn bộ vùng Đông Dương
mặc dù có các mẫu vật bảo tàng và các ghi nhận từ các vườn thú của Việt Nam. Ở Việt
Nam phân bố của loài này có lẽ hạn chế ở khu vực Nam Trung Bộ, đặc biệt ở trong hoặc
gần Vườn Quốc gia Yok Don thuộc tỉnh Đắc Lắc.

Chó sói lửa có kích thước lớn, là loài ăn thịt có tập tính xã hội, sống và đi săn thành đàn
và ăn thú móng guốc ở cả vùng rừng trống và rừng rậm. Chúng thường sống thành đàn
thông thường ít hơn 10 cá thể (ít khi lên đến 20) có lẽ được tổ chức xung quanh một
nhóm họ hàng của con đực hoặc con cái. Chúng đi săn cùng nhau để cho phép chúng
hạ được các động vật có kích thước lớn, trong đó có lợn rừng (Sus scrofa), nai (Cervus
unicolor) và bò tót. Chúng cũng đi săn một mình và được biết là ăn cả những con mồi
khá nhỏ, trong đó có chuột và bọ cánh cứng. Cấu trúc xã hội của chúng rất ít được biết
đến và có thể phức tạp. Có lẽ là chỉ có một con cái sinh sản trong đàn có nhiều con cái
và con đực và tất cả các thành viên đều bảo vệ, chơi và cho con non ăn. Chó sói lửa nổi
tiếng vì tiếng hú độc đáo của nó được sử dụng để liên lạc với các thành viên khác trong
nhóm và để tập hợp đàn lại trong các môi trường đi săn trong rừng.

Mặc dù chó sói lửa một thời phổ biến trong các khu rừng ở khắp Việt Nam, ngày nay rất
khó quan sát được chúng, một phần vì số lượng con mồi của chúng đã giảm đi rất nhiều.
Các nhà khoa học cho rằng để bảo vệ loài này một cách hữu hiệu cần có các khu bảo tồn
rất lớn rộng hơn 1.000km2. IUCN xếp chó sói lửa vào loại nguy cấp vì phân bố của nó
đang bị thu hẹp, hiện nó phân bố hạn chế chủ yếu ở Nam và Đông Nam Á. Vì phân bố
rộng và có tập tính sinh thái linh động, chó rừng ít cần quan tâm bảo vệ hơn.

Cầy mực (Arctitis binturong), cầy vằn (Chrotogale owstoni)

148/260
và cầy gấm (Prionodon pardicolor)

Mười loài cầy ở Việt Nam thuộc 3 phân họ và tất cả trừ một loài phân bố ở khu vực
miền Trung. Cầy mực là thành viên của cầy đốm (phân họ Paradoxurinae) mặc dù với
kích thước cơ thể lớn (9-14kg) và lông đen tuyền nó không phải là đại diện cho nhóm
cầy phần lớn sống trên cây này (hình 43). Là loài ăn thịt duy nhất ngoài gấu trúc potốt
(Potus flavus) sống ở miển Trung và Nam Mỹ có đuôi có thể cầm nắm cầy mực sử dụng
đuôi của nó để bám vào cành để chân trước tự do hái quả cây chín. Cùng với răng nghiền
ở má phát triển to ra, đuôi này là đặc điểm thích nghi với đời sống trên cây và ăn quả
cây. Chúng còn ăn thêm chuột và chim. Con cái của loài động vật sống một mình và di
chuyển chậm chạp này lớn hơn xấp xỉ 20% so với con đực và thường chiếm ưu thế khi
hai giới chạm trán với nhau. Cầy mực cần môi trường sống trong rừng và phân bố từ
Ấn Độ qua lục địa Đông Nam Á đến các đảo Sumatra, Java, Borneo và Philipin. Ở Việt
Nam, chúng chủ yếu phân bố ở vùng miền Trung của đất nước cũng như hơi kéo dài về
phía Bắc và về phía Nam.

Cầy vằn, là loại cầy sọc (phân họ Hemigalinae) nặng 2-3kg có lẽ cũng là loài chuyên
hoá và trong trường hợp của nó là ăn côn trùng. Dạ dày của hai cá thể khi mổ ra chủ yếu
chứa giun đất. Cầy vằn sống trên mặt đất nhiều hơn phần lớn các loài cầy khác ở châu
Á. Chúng sử dụng cái mõm dài để dũi đất tìm giun và các loại côn trùng khác mặc dù
nó cũng săn mồi ở trên cây. Đáng tiếc là, tập tính kiếm ăn trên mặt đất này khiến chúng
dễ bị mắc bẫy. Cầy vằn là loài bị đe dọa toàn cầu (sắp nguy cấp), có phân bố hạn chế và
cho đến 5 năm trước đây chỉ được biết từ một vài địa điểm ở miền Bắc Việt Nam, miền
Bắc Lào, miền Nam tỉnh Vân Nam và phía Tây Nam tỉnh Quảng Tây ở Trung Quốc.
Những cuộc khảo sát gần đây đã ghi nhận loài này ở tận tỉnh Gia Lai ở miền Trung của
Trường Sơn. Nó thích các môi trường trong rừng ẩm, thường là gần sông.

Cầy gấm được xếp vào phân họ Viverrinae, là nhóm cầy lớn nhất và bao gồm cầy chính
thức và cầy genet. Cầy gấm là loài cầy giống mèo nhất; có kích thước nhỏ, mảnh và
nhanh nhẹn, chúng rình để bắt các loại thú nhỏ và chim là những thức ăn chủ yếu của
chúng. Chúng cũng là một trong số những loài hiếm nhất và ít được biết đến nhất trong
nhóm này. Cầy gấm nặng 600g, có đầu và thân dài 39cm và đuôi gần dài tới 34cm. Hoạt
động vào ban đêm, nó nghỉ vào ban ngày trong tổ được lót lá bên dưới rễ cây hoặc các
khúc gỗ rỗng. Cầy gấm châu Á thuộc giống Prionodon khác với các loài cầy khác vì
nó không có tuyến đặc trưng ở lỗ huyệt dùng để đánh dấu mùi và một cặp răng hàm
trên. Các phân tich di truyền gần đây cho thấy rằng nhánh tiến hóa này khá nguyên thủy
và khác biệt so với các loài cầy khác. Nó có họ hàng gần gũi với với mèo (họ Felidae)
mà từ đó nó phân tách ra xấp xỉ 33 triệu năm trước đây. Cầy gấm châu Phi (Poiana
richardsoni) mà trước đây được xếp chung với cầy gấm do có chung kiểu lông, hình
thái xương sọ, kiểu răng và sống trên cây, xuất hiện hơn 20 triệu năm sau đó. Đặc điểm
giống nhau của chúng là do thích nghi với các môi trường giống nhau, trong đó các sức
ép thích nghi giống nhau (ở đây là ăn thịt, có cơ thể nhỏ, sống trên cây và ở trong rừng)
đã dẫn đến sự phát triển độc lập của các đặc điểm và chức năng giống nhau. Cầy gấm

149/260
phân bố ở các khu rừng cận núi lên đến độ cao tối thiểu là 2.700m từ Nepal qua phía
Bắc của lục địa Đông Nam Á. Ở Việt Nam, nó có phân bố hạn chế ở miền Bắc của đất
nước và miền Bắc của dãy Trường Sơn.

Cả 3 loài này đều trung bình đẻ 2 con một lứa và có thể sinh sản hai lần một năm. Ở Việt
Nam, chúng chịu áp lực rất lớn từ săn bắn cũng như các thành viên khác của họ cầy. Cầy
có giá trị cao trên thị trường buôn bán động vật hoang dã vì thịt của nó được coi là món
ăn ngon và được sử dụng để làm thuốc truyền thống. Tuyến huyệt của chúng tiết ra các
chất nhờn đôi khi được gọi là dầu cầy mà động vật sử dụng để truyền đạt thông tin như
biên giới vùng lãnh thổ và tình trạng sinh sản. Chất xạ này được sử dụng làm thuốc để
điều trị các bệnh về da và ra mồ hôi quá nhiều. Dầu cầy từ lâu đã đóng một vai trò quan
trọng trong việc chế biến nước hoa cả làm hương thơm lẫn làm chất gốc và có các ghi
nhận về việc vua Solomon nhập khẩu chất này từ châu Phi vào tận thế kỷ thứ 10 trước
công nguyên. Mặc dù hiện nay phần lớn đã được thay thế bằng các chất tổng hợp, nó
vẫn được lấy (chủ yếu từ các động vật sống) vì mục đích này.

Mèo cá (Prionailurus viverrinus)

Mèo cá là loài mèo rừng (họ Felidae) có kích thước nhỏ và có quan hệ chặt chẽ với các
vùng đất ngập nước ở Nam và Đông Nam Á. Không giống như hầu hết các loài mèo có
kích thước nhỏ khác, mèo cá thân hình chắc nịch, ngực khoẻ và chân ngắn – giống với
báo hoa mai (Panther pardus) hơn là với loài mèo rừng (Prionailurus bengalensis) có
quan hệ gần gũi và có thân hình mảnh hơn. Con đực (nặng 11-12kg) lớn hơn nhiều so
với con cái (nặng 6-7kg) và cả hai đều có đuôi tương đối ngắn, ngắn hơn một nửa chiều
dài thân. Lông của mèo cá có màu ôliu hoặc nâu xám có các đốm màu đen nhỏ kết hợp
với nhau thành các sọc ngắn trên đầu, cổ và sau lưng; đuôi có các vòng màu đen và chóp
đuôi có màu đen. Chân của nó có màng ở mức độ vừa phải, có lẽ là để thích nghi với
cuộc sống trong các khu vực ngập nước và màng bọc móng ngắn do đó đầu móng một
phần thò ra ngoài khi rụt vào bên trong.

Mèo cá chủ yếu ăn cá nhưng ít có nghiên cứu nào về thành phần thức ăn của chúng. Các
con mồi khác gồm có chim, thú nhỏ, ếch, rắn và các loài giáp xác cũng như hươu nai
nhỏ và các động vật nuôi nhỏ (như dê, chó và gia cầm). Mèo cá đi săn bằng cách rình
mồi dọc theo bờ sông, xúc cá lên bằng chân hoặc vồ các con mồi khác. Nó cũng là loài
bơi giỏi và sẵn sàng xuống nước để bắt cá và chim nước.

Tổ chức xã hội của loài này vẫn còn ít được biết đến. Chúng có lẽ chủ yếu hoạt động
một mình vào ban đêm và những số liệu hạn chế dựa trên việc theo dõi bằng rađio gợi ý
rằng phạm vi phân bố của con đực có diện tích lớn và giao với phạm vi phân bố của một
vài con cái. Chúng đẻ 2 đến 3 con con và có lẽ là ở trong các tổ được làm thô trong vùng
lau sậy rậm rạp. Cá mèo sống trong nhiều loại đất ngập nước nơi có thực vật rậm rạp,
trong đó có rừng ngập mặn, đầm lầy, các nhánh sông có thủy triều và sông, suối trong
các khu rừng thường xanh, bán thường xanh và rừng dầu rụng lá một mùa. Mặc dù vậy,

150/260
chúng có xu hướng phân bố không đều và tập trung, chúng phân bố không liên tục trong
cả vùng phía Bắc Ấn Độ qua lục địa Đông Nam Á và về phía Nam đến đảo Sumatra và
Java.

Phân bố và tình trạng của mèo cá ở Việt Nam vẫn còn ít được biết đến và chúng được
coi là hiếm và khó tiếp cận. Trước đây, loài mèo này đã được ghi nhận ở 5 địa điểm,
trong đó có Vườn Quốc gia Yok Don. Mối đe dọa chủ yếu đối với mèo cá trong toàn bộ
vùng phân bố của nó ở Việt Nam là săn bắn để lấy thịt và lông. Cũng như tất cả các loài
phụ thuộc vào đất ngập nước, mèo cá cũng bị đe dọa do sự tàn phá môi trường sống, chủ
yếu là do việc biến đổi thành đất nông nghiệp.

Ngoại trừ mèo gấm (Pardofelis marmorata), tất cả tám loài mèo của Việt Nam đều có
phân bố ở miền Trung của đất nước, trong đó có 2 loài mèo có kích thước nhỏ khác,
mèo ri (Felis chaus) và báo lửa (Catopuma temminckii; thuộc loại sắp nguy cấp). IUCN
xếp mèo cá vào loại sắp nguy cấp.

Cá heo không vây (Neophocoena phocoenoides)

Cá heo không vây là loài cá heo duy nhất thuộc họ này (họ Phocoenidae) không bị hạn
chế ở môi trường nước mặn (hình 44). Linh động về mặt sinh thái – được coi là loài
nước ngọt sống được cả trong nước mặn – nó sống được trong nước ngọt, nước lợ và
nước biển dọc theo dải hẹp ven biển từ Iran tại vịnh Ba Tư đến các vùng nước của Nhật
Bản về phía Nam đến phía Bắc đảo Java. Nó cũng có thể phân bố xa tới 1.700m về
thượng lưu của sông Hoàng Hà của Trung Quốc và các vực nước kết hợp với nó.

Cá heo không vây có tên như vậy vì chúng không có vây. Thay vì đó, chúng có một
cái gờ cao hẹp (khoảng 2cm) chạy dọc theo chiều dài của lưng, hoặc trong một số quần
thể gờ này rộng hơn 10-14cm, có dạng lõm ở lưng hơi có hình chữ V và trở nên hẹp lại
thành dạng gờ ở một phần ba phía sau. Không giống như những loài cá heo khác thuộc
họ này, trán của chúng nhô lên thành hình cung tròn đặc trưng gọi là dạng quả dưa, một
cấu trúc cũng có ở cá voi có răng. Kích thước của chúng thay đổi theo vùng địa lý: các
quần thể vùng nhiệt đới ở Nam Trung Quốc có kích thước nhỏ hơn so với các quần thể
ở phía Bắc, con trưởng thành thường có chiều dài cơ thể đến 1,4-1,6m và trọng lượng
tối đa ít hơn 60kg.

Cá heo không vây thích sống trong các hệ thống sông và các môi trường sống gần bờ
như các vịnh nửa đóng nửa mở, vùng bờ biển nông và trong các khu rừng ngập mặn nơi
chúng ăn mực, giáp xác và cá nhỏ. Tập tính xã hội của chúng gần như không được biết
đến, mặc dù giống như các loài cá heo khác thuộc họ này, chúng có lẽ sống thành các
đàn tương đối nhỏ.

Quần thể ở Việt Nam ít được biết tới, mặc dù chúng có lẽ giống với các dạng sống trong
điều kiện nhiệt đới ở Nam Trung Quốc và Pakistan. Một nguồn thông tin quan trọng về

151/260
loài này là các xương được ngư dân để trong các đền thờ cá voi cùng với các loài bị mắc
cạn khác thuộc bộ cá voi. Ngư dân Việt Nam thờ cúng những loài thú biển này vì họ cho
rằng các loài động vật này sẽ giúp họ khi họ lâm vào cảnh khốn cùng trên biển (khung
13). Hơn 70 xương sọ tìm thấy ở các đền thờ ở miền Nam và Nam Trung Bộ gợi ý rằng
cá heo không vây đã từng xuất hiện ở các khu vực ven biển và các hệ thống sống trong
những vùng này.

Vì cá heo không vây cần các môi trường sống trên sông và trên biển đều bị các hoạt
động của con người gây ảnh hưởng nghiêm trọng, các quần thể của chúng bị đe dọa ở
mức độ cao. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tử vong là bị mắc vào lưới và các dụng cụ
đánh cá một cách ngẫu nhiên. Đánh cá với cường độ cao đã làm giảm đi dạng kể số
lượng con mồi của chúng và có lẽ cả mật độ của chúng. Điều này cũng gây ra xung đột
giữa con người và cá heo không vây và lưới đánh cá đôi khi bị cướp. Sự tôn kính của
con người đối với loài cá heo này cho phép chúng được yên ổn mặc dù sự tôn kính này
hiện đang bị giảm sút.

Cá heo không vây là loài cá heo thuộc họ Phocoenidae duy nhất xuất hiện ở khu vực
Indo-Mãlai. Một loài cá heo nước ngọt sống được cả trong nước mặn khác sống ở trong
khu vực này là cá heo vây lưng (Orcaella brevirostris). Quần thể ít ỏi của nó ở khu vực
Đông Dương sống ở một vùng nhỏ của sông Mê Kông ở Campuchia và Lào. Hiện không
có đủ thông tin để IUCN đánh giá tình trạng bảo tồn của cá heo không vây.

Hoẵng (giống Muntiacus)

Hoẵng là một nhánh tiến hoá cổ đại của các loài hươu nhỏ sống ở Nam và Đông Nam
Á cũng như Tây Tạng và Trung Quốc (hình 45). Chúng có gạc đơn giản, nhọn và ít
nhánh được gắn vào vào các chân dài, dạng xương và được lông bao phủ gọi là cuống.
Là động vật sống một mình trong rừng, hoẵng ở một chừng mực nào đó có vùng lãnh
thổ và đánh dấu vùng phân bố của nó bằng phân và các chất tiết từ tuyến nằm trước mắt
và dưới cằm. Chúng ăn chồi non (cỏ, mầm cây và các loại thực vật dễ tiêu hóa khác)
cũng như trứng, chim non và thú nhỏ mà chúng giết bằng cách dùng chân trước đánh và
cắn. Hoẵng thường được gọi là hươu biết sủa vì tiếng mà con đực phát ra trong trường
hợp khẩn cấp. Con đực được biết là dùng cả gạc lẫn răng nanh rất to được tráng men để
đánh nhau.

Bất chấp kích thước cơ thể nhỏ của chúng, các loài hoẵng ở Đông Nam Á thu hút sự chú
ý trên toàn thế giới bắt đầu từ những năm 1990, khi các nhà khoa học bắt đầu khảo sát
dãy Trường Sơn. Hoẵng là một nhóm phức tạp về mặt di truyền và ít được biết đến. Số
lượng nhiễm sắc thể của chúng khác nhau rất nhiều, khác biệt không chỉ giữa các loài
mà còn giữa con đực và con cái trong cùng một loài. Trong nhiều năm các nhà khoa học
cho rằng chỉ có 5 hoặc 6 loài hoẵng và chỉ có một loài, là Hoẵng (M. muntjak) phân bố
trong dãy Trường Sơn.

152/260
Các nhà khoa học hiện đã mô tả 8 loài hoẵng, trong đó có 4 loài phân bố trong dãy
Trường Sơn: một loài đã biết, một loài được phát hiện lại và 2 loài mới. Tình trạng này
chắc chắn sẽ thay đổi khi có thêm các nghiên cứu mới. Bốn loài hoẵng sống trong dãy
Trường Sơn khác nhau về kích thước, từ loài mang lớn (M. vuquangensis) nặng 34kg
đến loài Hoẵng có kích thước trung bình nặng 26kg đến 2 loài có kích thước nhỏ nhất
có trọng lượng gần 15kg.

Loài Hoẵng, có phân bố từ Ấn Độ đến Tây Tạng, lục địa Đông Nam Á, đến các đảo
Sumatra, Java và Borneo và được thả vào tự nhiên ở Anh, có sự khác biệt rất lớn về màu
lông ở các độ cao và các vĩ độ khác nhau. Các quần thể sống ở phía Bắc và ở các độ cao
lớn hơn có màu đỏ sẫm hơn và có màu đen trên chân ở mức độ khác nhau, trong khi đó
các quần thể sống ở phía Nam và ở vùng đồng bằng có lông màu vàng đỏ. Răng nanh
của con đực có thể dài tới 2.5cm và con cái có cục xương nhỏ và búi lông ở trán thay vì
gạc.

Loài hoẵng mới đầu tiên phát hiện được trong dãy Trường Sơn là loài mang lớn, được
mô tả tại miền Trung Lào vào năm 1996. Loài này hiện đã được phát hiện ở phía Nam
tận vùng Đông Bắc của Campuchia và tỉnh Lâm Đồng của Việt Nam và rõ ràng là các
thợ săn ở cao nguyên Đà Lạt đã biết đến loài mang này từ đầu thế kỷ 20. Mang lớn có
lông hoa râm màu nâu xám đến màu nâu sạm, tai ngắn có hình tam giác và gạc tương
đối lớn đối với hoẵng mọc trên các gốc ngắn và chắc. Mang lớn chỉ xuất hiện trong dãy
Trường Sơn, thích sống trong các khu rừng thường xanh nguyên sinh hoặc lâu năm tại
vùng chân núi và các sườn núi cao.

Harold Coolidge, một nhà khoa học trong cuộc thám hiểm Kelley-Roosevelts được thực
hiện vào năm 1928-1929, đã thu được mẫu vật duy nhất của một con non thuộc một
loại hoẵng đặc biệt ở miền Bắc Lào. Đây hóa ra là một loài mới, hoẵng Rosơven (M.
rooseveltorum) và các mẫu vật từ chuyến thám hiểm được đưa vào Bảo tàng Field ở
Chicago. Không có thêm ghi nhận nào về loài này cho đến năm 1994 khi người dân địa
phương ở Lào thông báo cho các nhà khoa học về một loài hoẵng họ chưa bao giờ nhìn
thấy sống trong các khu rừng của dãy Trường Sơn. Các phân tích di truyền sử dụng các
mẫu mới cùng mẫu vật cũ xác nhận sự phát hiện lại loài này. Hoẵng Rosơven có lông
màu nâu đỏ đến màu nâu và phần đầu lông có màu trắng, cổ họng màu trắng, đuôi ngắn
màu nâu và các tuyến ở cằm lớn. Môi trường sống ưa thích của nó có lẽ giống với mang
lớn mặc dù phạm vi phân bố của nó vẫn chưa được biết rõ.

Vào những năm 1990, các nhà khoa học lại phát hiện ra một loài hoẵng đặc biệt ở Lào
và lần này là trong một bầy thú được nuôi giữ. Họ không thể tìm thêm các cá thể khác
ở Việt Nam và vào năm 1998 bài báo mô tả mang Trường Sơn hay mang Trung Bộ (M.
truongsonensis) đã được công bố. Màu lông màu sẫm của nó khiến chúng rất khác với
các loài hoẵng khác trong dãy Trường Sơn. Đỉnh đầu có màu da cam sáng, lông màu
nâu sẫm và trở thành màu đen ở chân, đuôi màu đen có viền màu trắng và có các vòng
trắng phía trên mỗi móng. Lông dài bao phủ phần gốc của gạc ngắn và nhọn. Các mẫu

153/260
vật ở Việt Nam có nguồn gốc từ miền Trung Việt Nam và loài này được cho là chỉ giới
hạn trong dãy Trường Sơn. Tuy nhiên vào năm 2001 một con mang nhỏ màu sẫm được
chụp ảnh trong khu rừng của huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai trên dãy Hoàng Liên Sơn. Cả
phạm vi phân bố lẫn hệ thống phân loại của loài này vẫn còn chưa rõ ràng.

Hoẵng bị săn bắn để lấy thịt và để sử dụng làm thuốc địa phương và thuốc truyền thống,
đặc biệt là gạc và bàn chân; tình trạng bảo tồn của các loài mang mới được phát hiện và
tái phát hiện vẫn còn chưa được biết. Loài hoẵng thứ 4 có kích thước rất nhỏ, hoẵng tai
nhỏ (M. putaoensis) được mô tả tại miền Bắc Myanmar vào năm 1999.

Trâu bò rừng (Giống Bos)

Tất cả 12 loài trâu bò rừng (tộc Bovini) đều có nguy cơ tuyệt chủng; 9 loài phân bố ở
châu Á. Các khu rừng bán thường xanh và rừng khô rụng lá một mùa bao phủ phía Nam
Lào, Đông Nam Thái Lan, Campuchia và Nam Trung Bộ của Việt Nam tạo thành vùng
duy nhất trên thế giới nơi các vùng phân bố của 4 loài trâu bò rừng giao nhau: bò tót, bò
rừng (B. javanicus), bò xám (B. sauveli) và trâu rừng.

Có kích thước cơ thể lớn hơn tất cả các loài trâu bò rừng khác, bò tót có thể cao tới 2m
hoặc hơn và con đực nặng trên 1.200kg. Lông của con đực có màu sẫm và thẫm trong
khi đó con cái có màu nâu đỏ và cả hai có đều có một cái gờ cao đặc trưng màu trắng
nằm giữa hai sừng và có lông trắng xung quanh mũi và ở phần phía dưới chân. Mắt của
chúng nhìn chung có màu xanh da trời. Trước đây có phân bố từ Ấn Độ đến lục địa
Đông Nam Á, bò tót sống trong nhiều loại môi trường sống khác nhau, đặc biệt là các
khu rừng bán thường xanh hoặc rừng thường xanh ẩm lên tới độ cao khoảng 2.000m.
Phạm vi phân bố của chúng hiện đã bị giảm đi đáng kể ở tất cả các nước vì con người
săn bắn nó để làm chiến lợi phẩm và để lấy mật cũng như các bộ phận khác để làm thuốc
truyền thống. Có lẽ chỉ vài trăm con còn sót lại ở Việt Nam tại các tỉnh Gia Lai và Đắc
Lắc cũng như ở vùng miền Trung và miền Bắc của Trường Sơn.

Bò rừng có kích thước nhỏ hơn cao 1.5-1.75m và nặng 600-900kg. Nó có cặp sừng mảnh
và hơi cong, mông trắng và phần dưới chân có màu trắng (hình 46). Giống như bò tót,
con đực và con cái khác nhau về màu lông: con đực có màu nâu sẫm hoặc đen, trong khi
đó con cái và con chưa trưởng thành có màu vàng da cam. Bò rừng có lẽ có sở thích rõ
ràng về môi trường sống hơn là những loài họ hàng có kích thước lớn hơn và lựa chọn
các vùng trống hơn đặc biệt là các khu rừng dầu rụng lá một mùa. Bò rừng hiện có mức
độ suy giảm về số lượng quần thể vào loại cao nhất trong nhóm thú. Nó vẫn còn tồn tại
ở Việt Nam nhưng chỉ ở dạng các quần thể nhỏ hơn và bị phân tách nhiều hơn. Đàn lớn
nhất phân bố ở tỉnh Đắc Lắc, trong vùng rừng rụng lá một mùa và đồng cỏ trống và kế
bên là các khu rừng rậm rạp hơn mà chúng ưa thích.

Bò xám có kích thước nằm giữa bò tót và bò rừng. Các đặc điểm nhận biết ở con trưởng
thành là toàn thân có màu xám và ở con đực có một yếm lớn (các nếp gấp của da treo

154/260
lơ lửng từ cổ). Con đực có sừng dài gấp đôi sừng con cái và đầu sừng có xơ đặc biệt tạo
thành viền tua. Các nhà khoa học đầu tiên mô tả bò xám vào năm 1937, rất muộn đối với
một loài có kích thước lớn như vậy và trong vòng 20 năm sau đó, họ gần như bỏ quên
loài này. Một nghiên cứu kéo dài 2 tháng được thực hiện vào năm 1957 vẫn là nghiên
cứu chi tiết nhất về bò xám. Nó có lẽ có sở thích rõ ràng đối với các môi trường trống
và ăn cỏ hơn là ăn lá và cành. Trong nghiên cứu năm 1957, các nhà khoa học tìm thấy
các quần thể bò xám tương đối dễ dàng, mặc dù có lẽ các cá thể của loài này chưa bao
giờ xuất hiện phổ biến. Cho đến năm 2004, bất chấp 20 năm phối hợp điều tra, không
có cá thể nào được quan sát trong toàn bộ vùng phân bố của nó mà trước đây kéo dài từ
Campuchia đến các phần của Thái Lan, Lào và Việt Nam. Bò xám, được IUCN xếp vào
loại cực kỳ nguy cấp, rất có thể đã bị tuyệt chủng ở Việt Nam và có lẽ trên thế giới.

Chim

Khu hệ chim trong dãy Trường Sơn phong phú về số lượng loài và có mức độ đặc hữu
cao. Tất cả 3 loài chim hót mới được mô tả và hơn một nửa những loài những loài có
phân bố hẹp sống ở Việt Nam chỉ phân bố ở vùng miền Trung của đất nước (xem phụ lục
2 và 3). Với 2 ngoại lệ, sẻ thông họng vàng (Carduelis monguilloti) và chìa vôi Mê Kông
(Motacilla samveasnae), chúng đều là trĩ (Phasianidae) hoặc khướu (Timaliidae). Một
loài đặc biệt chuyên sống trong một môi trường sống là khướu mun (Stachyris herberti)
phân bố trong các vùng địa hình đá vôi nằm ở miền Trung của Trường Sơn. Phần lớn
môi trường sống cho các quần xã chim nước sống chuyên hóa có ở miền Bắc và miền
Nam của đất nước không tồn tại ở miền Trung của Việt Nam.

Mặc dù thông tin về một số loài trĩ đặc hữu ở Trường Sơn vẫn còn chưa đầy đủ, 2 loài
đã được công nhận rộng rãi, gà so Trung Bộ (Arborophila merlini) và gà lôi mào trắng,
gắn liền với vùng đồng bằng dưới 200-300m. Và mặc dù trĩ sao (Rheinardia ocellata)
đã được quan sát ở độ cao 1.900m ở phía Nam Trường Sơn, việc tồn tại của các quần
thể trên núi này có thể phụ thuộc vào việc di chuyển từ các khu vực có độ cao thấp hơn
nơi chúng có số lượng lớn. Trái lại, mức độ đa dạng của khướu tập trung ở trên các
vùng đồi và núi đặc biệt là các loài đặc hữu. Cùng với chim hút mật (họ Nectariniidae),
sẻ (Passeridae) và sẻ đồng (họ Fringillidae), nhóm chim rất lớn này tập hợp thành đa
số các loài chim đậu đa dạng và có lẽ là quần xã chim đặc trưng nhất của dãy Trường
Sơn. Hầu hết các loài chim có phạm vi phân bố hạn chế sống ở độ cao 1.000m hoặc cao
hơn, trong khi đó ba loài chỉ sống ở độ cao hơn 1.800m, khướu Ngọc Linh (Garrulax
ngoclinhensis) và khướu đầu đen má xám (G. yersini) và lách tách ngực nâu (Alcippe
ruficapilla).

Các loài chim ở Trường Sơn chủ yếu bị đe dọa do mất môi trường sống. Đặc biệt, bị ảnh
hưởng nhiều nhất là các loài sống ở vùng đồng bằng vì phần lớn các khu rừng thường
xanh đã bị tàn phá. Nhưng chặt gỗ và phá hoang để trồng cây công nghiệp như cà phê
đã tiến lên các độ cao lớn hơn ở sườn phía Đông, đe dọa cả những quần xã sống trên
núi. Các loài chim sống trên mặt đất có kích thước lớn bị săn bắt đôi khi vướng vào

155/260
bẫy không đặc chủng. Mặc dù chim hót bị bắt để phục vụ hoạt động buôn bán động vật
hoang dại, chỉ có một số ít nếu có những loài chim đặc hữu ở miền Trung Việt Nam là
mục tiêu cụ thể.

Trĩ (phân họ Phasianinae)

Việt Nam là nơi cư trú của 9 loài trĩ, trong số đó 4 loài là đặc hữu ở Việt Nam, 1 loài là
đặc hữu ở vùng Đông Dương và 6 loài được IUCN xếp vào loại bị đe dọa toàn cầu. Các
loài ở đây là tập hợp của các loài chim giới hạn phân bố ở vùng đồng bằng và các loài
có thể phân bố ở độ cao tới 2.000m.

Trĩ sao có lẽ là loài trĩ đẹp nhất ở miền Trung Việt Nam (có thể là trên toàn thế giới).
Đây là một loài thích sống trong các khu rừng thường xanh vùng núi và cận núi lên
tới độ cao 1.900m (hình 22). Cả con đực và con cái toàn thân đều có màu nâu sẫm và
con đực có chấm nhỏ màu trắng và nâu nhạt, trong khi đó con cái có các sọc màu sẫm
hơn. Cả hai kiểu lông này giúp chúng ngụy trang ở các bụi rậm ít ánh sáng trong rừng.
Con đực có đuôi cực kỳ dài và bị ép mạnh từ hai bên do đó trong nó rất rộng nếu nhìn
nghiêng. Lông đuôi của con đực là dài nhất trong tất cả các loài chim, rộng tới 13cm
và dài tới 1.73m ở các cá thể trưởng thành. Đuôi của con cái thì ngắn hơn nhiều, dài
35-43cm và có nhiều sọc. Mào của cả con đực và con cái đều rủ và có lông, có màu nâu
đen và trắng ở con đực và màu đen ở con cái. Con đực có lãnh thổ và biểu diễn cho con
cái trên các bãi nhảy, mở rộng đuôi của chúng theo chiều thẳng đứng để làm cho chúng
thậm chí trông còn lớn hơn. Có hai quần thể của trĩ sao sống tách biệt, cả hai đều giới
hạn ở các khu rừng trưởng thành và ẩm ướt. Một quần thể sống ở vùng núi thuộc miền
Trung Trường Sơn của Việt Nam và quần thể còn lại sống trong một khu vực rừng trên
núi nhỏ tại bán đảo Malay.

Bề ngoài không đặc biệt bằng nhưng lại có vùng phân bố và tình trạng phân loại ít được
biết đến hơn nhiều so với trĩ sao là 3 loài gà lôi thuộc giống Lophura sống trong các khu
rừng vùng đồng bằng đang bị tàn phá nhanh chóng ở miền Trung Việt Nam. Gà lôi mào
trắng là loài đầu tiên được mô tả năm 1896 sau đó là gà lôi mào đen (L. imperialis) vào
năm 1925. Gà lôi Hà Tĩnh (L. hatinhensis), đôi khi được cho là một phân loài của gà lôi
mào trắng, được Võ Quý, nhà điểu học hàng đầu của Việt Nam, mô tả không chính thức
sau một thời gian dài vào năm 1975. Toàn thân của con đực của gà lôi mào đen có màu
xanh da trời đỏ tía sẫm, mào màu sẫm và da mặt màu đỏ. Gà lôi mào trắng khác loài này
ở cái mào màu trắng, đuôi nhỏ hơn và màu xanh lá cây sặc sỡ trên cánh. Gà lôi Hà Tĩnh
khá giống với gà lôi mào trắng và có thêm các lông đuôi màu trắng ở giữa. Con cái của
cả 3 loài này có màu nâu xỉn. Cả gà lôi mào trắng và gà lôi mào đen đều được cho là đã
tuyệt chủng cho đến khi được phát hiện lại lần lượt vào năm 1996 và 1990. Nghiên cứu
di truyền trên gà lôi mào đen cho thấy rằng chúng trên thực tế là con lai tự nhiên hiếm
giữa gà lôi mào trắng và gà lôi trắng (L. nycthemera). Cũng rất có thể là gà lôi Hà Tĩnh
được tạo ra do kết quả của việc giao phối thân thuộc trong các quần thể nhỏ và riêng biệt
của gà lôi mào trắng. Sự nhầm lẫn về nhận biết phân loại không có gì đáng ngạc nhiên

156/260
vì toàn bộ giống Lophura rất phức tạp và có nhiều thay đổi và nhiều loài trĩ được biết là
lai với nhau trong tự nhiên. IUCN xếp gà lôi mào trắng vào loại nguy cấp và nên được
coi là một trong những loài chim hiếm trên thế giới.

Các loài trĩ khác ở đây bao gồm công (Pavo muticus), là họ hàng gần gũi của công Ấn
Độ (P. cristatus), sống trong các vùng rừng trống lên đến độ cao 915m ở miền Trung
và miền Nam Việt Nam (hình 22). Con đực dễ nhận ra vì có mào giống như que nhọn,
phần trên có màu xanh sặc sỡ, đuôi dài có đốm giống như mắt. Loài này được xếp vào
loại sắp nguy cấp vì chúng hiện trở nên hiếm và vùng phân bố của chúng ở Đông Nam
Á đã trở nên ngày càng bị phân tách. Gà tiền mặt đỏ (Polyplectron germaini) cũng xuất
hiện ở độ cao lên tới 1.400m ở miền Trung và Nam của Trường Sơn. Đây là một loài
có kích thước nhỏ hơn, có màu sẫm hơn và không có mào và là họ hàng của loài gà tiền
mặt vàng (Polyplectron bicalcaratum). IUCN đã xếp loài có vùng phân bố hẹp này vào
loại sắp nguy cấp.

Gõ kiến đầu đỏ (Picus rabieri)

Các khu rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới có nhiều loài gõ kiến (họ Picidae) và gõ kiến
đầu đỏ là 1 trong 27 loài ở Việt Nam. Các loài gõ kiến ở Việt Nam chiếm hơn 12% số
lượng loài trên toàn thế giới. Sống ở phía Bắc của đất nước và miền Bắc cũng như miền
Trung của Trường Sơn, nhóm này có phân bố toàn cầu hạn chế ở phía Bắc Đông Dương
và phía Nam tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.

Cả con cái và con đực đều có màu xanh lá cây thẫm ở trên, và mờ đi thành hơi nâu xám,
có tông màu ôliu ở phần dưới hơi có đốm và một vòng đỏ chạy xung quanh cổ và chạy
lên phía trên ở phía sau đầu. Đỉnh đầu của con cái có màu đen trong khi đó con đực dễ
nhận ra hơn vì đỉnh đầu, râu và phần trên của ngực có màu đỏ. Có chiều dài khoảng
30cm, gõ kiến đầu đỏ chủ yếu sống trên mặt đất trong rừng nơi chúng tìm kiếm kiến là
thành phần chủ yếu trong thức ăn của chúng. Cái mỏ nhọn thăm dò các tổ trên mặt đất
và kiến phát hiện được sẽ được lấy lên bằng cái lưỡi chuyên hóa cao của gõ kiến. Rất
dài và dính và đầu được bao phủ bằng các gai hướng về phía sau, lưỡi đóng vai trò là
một dải dính. Săn kiến trong đống lá rụng là một trong nhiều kỹ năng kiếm ăn trong các
tầng rừng và các môi trường sống mà gõ kiến sử dụng. Mặc dù gõ kiến có nhiều các đặc
điểm thích nghi chung để tìm các côn trùng đang lẩn chốn, sự chuyên hóa hơi khác nhau
này cho phép đến 13 loài loài cùng tồn tại trong một khu vực.

Gõ kiến đầu đỏ là loài sống trong rừng đồng bằng, phân bố trong các khu rừng lá rộng
và rừng thứ sinh ở độ cao lên đến 700m. Chúng thường sống thành các đàn hỗn hợp
với khướu như các loài trong giống Garrulax và các loài gõ kiến khác. Hai mươi loài
gõ kiến khác phân bố ở miền Trung Việt Nam và hầu hết, giống như gõ kiến đầu đỏ, là
chim cư trú. Ba loài chỉ phân bố ở Trường Sơn: gõ kiến xanh gáy đen (P. canus) ở phía
Bắc, gõ kiến nhỏ ngực đốm (Dendrocopos atratus) ở miền Trung và gõ kiến nhỏ đầu

157/260
vàng (D. mahrattensis) ở phía Nam. Cả ba loài này đều có phân bố rộng hơn gõ kiến
đầu đỏ và gõ kiến xanh gáy đen có phân bố ở tận Scandinavia và Pháp.

Mặc dù có thể sống được trong môi trường sống bị xáo trộn nếu các còn có đủ các cây
lớn, gõ kiến đầu đỏ được IUCN xếp vào loại gần bị đe dọa do việc mất môi trường sống
ở vùng đồng bằng trong toàn bộ vùng phân bố hạn chế của nó. Không có loài gõ kiến
nào khác của Việt Nam được xếp vào loại bị đe dọa toàn cầu hoặc gần bị đe doạ.

Niệc cổ hung (Aceros nipalensis)

Loài niệc đẹp nhất và bị đe dọa nhiều nhất của Việt Nam là niệc cổ hung. Là loài chim
sống trong các khu rừng thường xanh và bán thường xanh trên núi ở độ cao 700-2.000m,
loài niệc này một thời đã có phân bố từ phía Đông của Nepal đến phía Bắc và Bắc Trung
Bộ của Việt Nam. IUCN đã xếp loài này vào loại sắp nguy cấp và nó chỉ phân bố ở các
khoảnh rừng nhỏ và riêng biệt nằm trong những phần nhỏ của vùng phân bố cũ trước
đây của nó.

Niệc cổ hung có kích thước cơ thể lớn, con đực nặng 2.5kg và con cái nặng 2.3kg và cả
con đực và con cái có chiều cao đứng khoảng 1m. Đầu, cổ và phần dưới của con đực có
màu đỏ hung sặc sỡ và phần còn lại có màu đen bóng trừ 1/3 cuối đuôi và đầu của lông
bay có màu trắng. Mỏ to và màu vàng, có gờ dọc theo hàm trên nơi nó có các sọc sẫm
theo chiều thẳng đứng. Mũ phủ lên trên mỏ khá nhỏ. Da trần có màu xanh da trời nhạt
nằm xung quanh mắt và vùng da đỏ có thể phồng lên nằm ở ngoài cổ họng. Con cái có
màu đen trong khi đó con đực có màu hung đỏ và màu của các vùng da trần của con cái
có màu xỉn hơn. Đuôi dài và cánh dài và to khiến cơ thể to lớn của chúng có vẻ tương
đối nhỏ.

Giống như các loài niệc khác, niệc cổ hung làm tổ ở các hốc có nắp đậy. Chọn một cái
lỗ hoặc một cái hốc tự nhiên ở trên cây khoảng 10-30m phía trên mặt đất, con cái đi vào
và bịt kín nó lại bằng một hỗn hợp các lõi cây được bện lại vào nhau và phân. Con cái đẻ
1 hoặc 2 trứng, ấp trứng và ở với chim non đến khi chúng đủ trưởng thành để ra ngoài;
quá trình này có thể kéo dài 4 tháng. Con đực chăm sóc con cái và con non trong giai
đoạn này. Niệc cổ hung chủ yếu ăn quả cây trên tán lá và hiếm khi kiếm ăn trên mặt đất
nơi chúng chỉ di chuyển được bằng cách nhảy một cách lóng ngóng vụng về. Trong mùa
sinh sản, con đực ăn thêm nhiều loại thức ăn khác và một nghiên cứu thu thập những
thức ăn thừa từ tổ của 20 cá thể trong đó có bọ cánh cứng, giun đất, ếch, thằn lằn, cá và
các loài chim khác.

Niệc cổ hung có lẽ chưa bao giờ có phạm vi phân bố rộng ở Việt Nam là nơi nằm ở rìa
phía Đông Nam trong vùng phân bố của chúng. Những nhà thám hiểm đầu thế kỷ 20 đã
phát hiện loài này ở vùng núi khu vực Tây Bắc của Việt Nam, trong đó có núi Fan Si
Pan. Thậm chí vào lúc đó chúng được cho là hiếm và cho đến năm 2001 chúng chỉ được
xác nhận ở Vườn Quốc gia Pù Mát nằm ở phía Bắc Trường Sơn. Vào mùa xuân năm

158/260
đó, một quần thể thứ hai được tìm thấy ở Chế Tạo, một xã xa xôi trong dãy Hoàng Liên
Sơn. Một quần thể lớn hơn của loài này xuất hiện ở Lào và rất có khả năng là loài này
còn sống ở những nơi khác trong vùng núi phía Bắc Trung Bộ của Việt Nam.

Khướu (họ Timaliidae)

Khướu là nhóm có nhiều loài nhất ở Việt Nam và phần lớn những loài trong nhóm này
tập trung dọc theo dãy Trường Sơn (hình 47). Trong số này bao gồm những loài có phạm
vi phân bố hẹp, những loài đặc hữu ở Việt Nam và những loài mới chỉ được mô tả trong
thời gian gần đây.

Khướu mỏ dài (Jabouilleia danjoui) là loài duy nhất của giống này và trên thực tế có
quan hệ họ hàng gần gũi hơn với 6 giống khướu đất và khướu đá hơn là các loài họa
mi đặc trưng (Pomatorhinus, Xiphirhynchus). Nó có mỏ dài và cong xuống phía dưới
giống như các loài chim họa mi khác nhưng đuôi của nó ngắn hơn nhiều. Cả con đực
và con cái có màu nâu sẫm ở phía trên và gần như trắng ở phía dưới với các sọc màu
sẫm và đen trên ngực có màu đỏ. Khướu mỏ dài xuất hiện trên mặt đất và ở các bụi cây
thấp trong các khu rừng thường xanh, rừng thứ sinh và rừng tre tại các độ cao lên đến
2.100m. Loài này phân bố hạn chế ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam và miền Trung
Lào, mặc dù một ghi nhận gần đây ở tỉnh Hà Giang ở vùng Đông Bắc xa xôi của Việt
Nam gợi ý rằng nó có lẽ cũng phân bố ở phía bên kia biên giới tại Trung Quốc.

Khướu mun là một trong số ít các loài khướu có những nhu cầu cụ thể về mặt sinh thái,
trong trường hợp của nó là ở các khu vực núi đá vôi. Mô tả ban đầu vào năm 1920 dựa
trên 5 mẫu vật từ một địa điểm ở miền Trung Lào. Sau đó vào năm 1995 nó được phát
hiện lần đầu tiên kể từ khi nó được mô tả ở vùng hiện là Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ
Bàng ở miền Trung của dãy Trường Sơn. Khướu mun có màu nâu đen sẫm có nhuốm
màu đồng đỏ tía trên toàn thân từ lông màu nhạt hơn trên cổ họng. Con trưởng thành có
vòng quanh mắt màu xanh xám và đây là đặc điểm phân biệt của loài này. Khướu mun
có lẽ phổ biến ở mức độ địa phương trong vùng phân bố của chúng ở Việt Nam và hoàn
toàn gắn liền với các khu rừng thường xanh ở vùng đồng bằng trên nền đá vôi. Khướu
mun là loài đặc hữu trong môi trường sống này ở Lào và Việt Nam.

Chích chạch má xám (Macronous kelleyi), đặc hữu ở vùng Đông Dương, sống trong các
khu rừng thường xanh lá rộng và một số các khu rừng thứ sinh ở các độ cao lên tới
1.165m ở miền Trung và miền Nam Việt Nam, miền Trung và miền Nam Lào và miền
Đông của Campuchia. Con trưởng thành không đáng chú ý về hình thức bên ngoài, dài
14cm có phần trên màu nâu đỏ và phần dưới có màu vàng nhạt với các sọc màu nâu khó
nhận ra chủ yếu nằm ở trên ngực. Màu xám theo tên tiếng Anh xuất hiện ở phía trên mắt
và dọc theo hai bên của đầu. Loài này có phạm vi phân bố ít hơn 50.000km2 mặc dù nó
đã được ghi nhận ở phía Bắc tận Vườn Quốc gia Cúc Phương ở vùng Tây Bắc của đất
nước.

159/260
Khướu mỏ quặp là các loài chim khỏe mạnh, có kiểu lông rõ ràng và lưỡng hình về
giới tính sống trong các khu rừng trên núi. Khướu mỏ quặp mày trắng (Pteruthius
flaviscapis) là một loài có nhiều thay đổi và phân bố từ Đông Bắc Pakistan đến các đảo
Sumatra, Java và Borneo. Nhìn chung con đực có đầu (trừ sọc trắng rộng phía trên mắt),
cánh và đuôi có màu đen, phần trên cơ thể màu xám và phần dưới cơ thể có màu xám
nhạt với một số lông có màu hạt dẻ ở phần trên của cánh. Con cái có màu xám ở phía
trên và màu xám nhạt ở phía dưới với một sọc trắng ở phía trên mắt, cánh và đuôi có
màu ôliu nhạt. Khướu mỏ quặp mày trắng là loài chim cư trú phổ biến ở Việt Nam ở các
vùng nằm bên ngoài phía Nam. Vào năm 2003, một nghiên cứu di truyền đã tách khướu
mỏ quặp giống Pteruthius ra khỏi họ khướu; vị trí của nó trong nhóm chim hót của cựu
lục địa hiện nay vẫn chưa rõ ràng.

Các giống khướu khác sống trong các khu rừng ở miền Trung Việt Nam gồm có khướu
thuộc giống Garrulax là các loài chim có kích thước trung bình, thân hình chắc, đuôi
dài, thích sống thành đàn và có màu lông rất hay thay đổi; hoạ mi, có mỏ cong xuống
phía dưới; khướu vằn có mào rủ (Actinodura); lách tách (Alcippe) có kích thước nhỏ và
gây náo loạn, chủ yếu có màu hạt dẻ, nâu và màu xám; và khướu mỏ dẹt (Paradoxornis)
có thân hình gọn, lông mềm và mỏ rất ngắn, có cạnh sắc.

Ba loài khướu mới được môt tả tại miền Trung Trường Sơn kể từ năm 1999: khướu
Ngọc Linh, khướu tai hung (G. konkakinhensis) và khướu vằn đầu đen. Hai loài khướu
thường hiện chỉ được biết ở cao nguyên Kon Tum, trong khi đó loài khướu vằn cũng đã
được quan sát ở cao nguyên Bolovens ở miền Nam Lào. Tất cả các loài này đều sống
trong các khu rừng thường xanh trên núi và đều được xếp vào loại sắp nguy cấp. Hai loài
khướu đặc hữu khác của Việt Nam, khướu đầu đen má xám và mi Langbian (Crocias
langbianis) có phân bố hẹp ở cao nguyên Đà Lạt ở phía Nam của Việt Nam. Cả hai loài
đều được IUCN xếp vào loại nguy cấp vì sự suy giảm và chia nhỏ của các môi trường
sống là rừng thường xanh trên núi của chúng. Khướu mỏ dài và khướu mun hiện được
IUCN xếp và loại gần bị đe dọa.

Lưỡng cư và bò sát

Mặc dù Trường Sơn nhận được phần lớn sự quan tâm vì những phát hiện mới về thú,
nó đã chứng tỏ là khu hệ bò sát ở đây cũng có nhiều loài mới như vậy. Từ năm 1992
đến 2004, 1 loài rùa, 4 loài rắn, 10 loài thằn lằn và 19 loài ếch đã được mô tả từ
nhiều loại sinh cảnh (xem phụ lục 3). Các loài thằn lằn bao gồm một loài chuyên sống
trên núi đá vôi ở phía Bắc của dãy Trường Sơn, thạch sùng ngón Phong Nha-Kẻ Bàng
(Cyrtodactylus phongnhakebangensis) và một loài sống trong rừng ven biển tại Nha
Trang, thạch sùng lá Việt Nam (Dixonius vietnamensis). Phần lớn các loài ếch mới là
các loài sống trên núi tại miền Trung của Trường Sơn trong đó có 4 loài thuộc nhóm loài
ếch xanh (Rana livida). Tất cả những loài lưỡng cư và bò sát mới này cho đến nay mới
chỉ được biết ở một vài địa điểm.

160/260
Phân bố trên khắp lãnh thổ Việt Nam, rùa là nhóm bị đe dọa nhiều nhất ở vùng
miền Trung. Các loài thuộc loại cực kỳ nguy cấp gồm có rùa Trung Bộ (Mauremys
annamensis), rùa hộp ba vạch (Cuora trifasciata) có giá trị rất cao, và một thành viên
mới được mô tả thuộc nhóm loài rùa hộp trán vàng (C. galbinifrons) là rùa hộp Buarê (C.
bourreti). Cá sấu hoa cà (Crocodylus porosus) sống ở vùng đồng bằng tại miền Trung
Việt Nam nhưng loài họ hàng nhỏ hơn của nó, cá sấu Xiêm (C. siamensis; thuộc loại cực
kỳ nguy cấp) đã bị tuyệt chủng. Tám loài ếch hiện được IUCN xếp vào loại gần nguy
cấp.

Ếch cây Trung Bộ (Rhacophorus annamensis)

Được mô tả vào năm 1924, loài ếch cây Trung Bộ đặc hữu vẫn chỉ được biết từ miền
Trung và miền Nam của dãy Trường Sơn. Nó có kích thước rất lớn, một trong những
loài ếch lớn nhất ở Đông Nam Á; con cái lớn hơn con đực và có thể dài tới 8.5cm. Ếch
cây Trung Bộ, mặc dù phổ biến ở nơi chúng phân bố, chỉ phân bố ở trên tán cây trong
các khu rừng tương đối không bị xáo trộn. Một loài ếch khác được mô tả vào đầu những
năm 1920, cóc mắt trung gian (Brachytarsophrys intermedia), có chung phân bố hẹp
này. Nói một cách chính xác, nhiều loài ếch ở miền Trung Việt Nam được mô tả sau này
cũng đặc hữu trong nước mặc dù chúng có thể chỉ được biết tại một địa điểm duy nhất.
Những khảo sát mới sẽ giúp xác định là liệu Trường Sơn có phải là nơi tập trung các
loài ếch đặc hữu hay không như đã thấy từ các loài đã được xác nhận từ trước đây. Xác
định vùng phân bố của tất cả các loài ếch sống trong dãy núi này sẽ làm sáng tỏ kiểu
phân bố của các loài dọc theo chiều dài 1.200km của nó.

Ếch cây Trung Bộ trên thực tế không bay được; thay vào đó, chúng lượn giữa các cây
bằng cách sử dụng các lớn màng ở bàn chân. Các vạt da nhỏ gắn với phần trên ở phía
cuối lưng được cho là để giúp chúng chuyển hướng. Các đặc điểm này cũng có ở một
thành viên khác của giống này, được mô tả đúng như tên gọi của nó ếch cây nếp da mông
(R. exechopygus). Một số loài bò sát cũng có khả năng bay lượn. Trong các loài thằn lằn
bay đáng chú ý (giống Draco), một màng mỏng chạy dài phía trên các xương sườn gấp
lại được rất chuyên hóa mà khi mở rộng ra tạo thành một bề mặt lượn thường có màu
sắc rất đẹp nằm vuông góc với cơ thể. Thạch sùng đuôi thùy thuộc giống Ptychozoon
được trợ giúp bởi các nếp da thường là lớn nằm bên dưới hàm, trên cổ, đuôi và giữa các
ngón chân do đó trông gần giống như có màng. Rắn cườm (giống Chrysopelea) không
có các đặc điểm thích nghi rõ ràng cho việc lượn. Thay vào đó chúng làm cơ thể trở nên
dẹt theo chiều ngang, gần như tăng gấp đôi chiều rộng và kéo phần phía dưới lên trên
tạo thành một bề mặt lõm. Chúng có thể kiểm soát các chuyển động của không khí đi
vào ở một mức độ rất lớn mặc dù trên thực tế chúng không có cơ chế nào để chuyển
hướng. Việt Nam có 3 loài thằn lằn bay và một loài rắn cườm và chúng đều có phân bố
ở khu vực miền Trung. Ếch cây Trung Bộ, cóc mắt trung gian và ếch cây nếp da mông
đều được IUCN xếp vào loại gần nguy cấp.

161/260
Rắn lục vảy lưng ba gờ (Triceratolepidophis sieversorum)

Giống như thỏ vằn (Nesolagus timminsi), các nhà khoa học biết đến rắn lục vảy lưng ba
gờ lần đầu tiên sau khi nó bị bắt nhằm phục vụ buôn bán động vật hoang dại và trong
trường hợp này là được ngâm trong rượu gạo. Những nghiên cứu điều tra sau đó ở Vườn
Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng gần đó đã phát hiện được một cá thể sống và một giống
và một loài mới thuộc nhóm rắn lục được mô tả vào năm 2000. Mắt của nó có màu kem
và có hai sọc màu vàng da cam theo chiều thẳng đứng. Sừng phủ lên trên đần và cơ thể
có màu để ngụy trang trên nền tảo, rêu và địa y. Không giống như những loài rắn lục
khác, loài rắn này không có đuôi có thể cầm nắm để trèo cây. Đặc điểm này, cùng với
tập tính rung đuôi để tự vệ, cho thấy loài này phần lớn sống trên cạn.

Rắn lục vảy lưng ba gờ sống trong các khu rừng thường xanh ở các độ cao thấp đến
trung bình trên vùng núi đá vôi. Loài này là một trong số nhiều loài có liên hệ chặt
chẽ với vùng núi đá vôi ở miền Trung Việt Nam. Các loài khác bao gồm voọc Hà Tĩnh
(Trachypithecus francoisihatinhensis), khướu mun và thạch sùng ngón Phong Nha-Kẻ
Bàng.

Kỳ đà vân (Varanus bengalensis nebulosus) và kỳ đà hoa (Varanus salvator)

Kỳ đà (họ Varanidae) là một nhóm gồm có xấp xỉ 60 loài thằn lằn phân bố ở vùng nhiệt
đới của cựu lục địa. Tất cả trừ một loài nằm trong giống Varanus và chúng có chung các
đặc điểm như cổ dài, cấu trúc cơ thể khỏe và dẹt và hầu như không thay đổi trong vòng
65 triệu năm. Nhìn chung, kỳ đà là động vật ăn thịt nhanh nhẹn, đặc biệt khi so sánh với
các loài động vật máu lạnh khác và sử dụng răng có hình răng cưa nhọn để xé nát con
mồi có kích thước từ giun đất đến các động vật có xương sống có kích thước lớn. Nhiều
loài là động vật ăn thịt chiếm ưu thế trong các quần xã nơi chúng sống. Hầu như tất cả
các con đực đều tham gia vào các cuộc đánh nhau có tính nghi lễ trong mùa sinh sản,
dướn cao bằng chân sau và vật. Hai loài có phân bố ở Việt Nam và cả hai đều có phân
bố rộng trên toàn thế giới: kỳ đà vân và kỳ đà hoa.

Kỳ đà hoa là loài thằn lằn lớn thứ 2 trên thế giới chỉ đứng sau rồng Komodo (V.
komodoensis) khổng lồ; các mẫu vật trong tự nhiên đã được ghi nhận nặng tới 25kg và
dài trên 2.5m. Chúng có màu nâu sẫm hoặc đen ở phía trên và có các vệt màu vàng nằm
phía dưới theo chiều nằm ngang và thường mờ đi theo thời gian. Kỳ đà hoa chủ yếu
sống trên mặt đất nhưng chúng ở gần nước và có mật độ cao nhất ở các khu rừng ngập
mặn. Chúng có khả năng bơi được một khoảng cách dài và do đó thường di cư lên các
đảo; ở Việt Nam chúng xuất hiện ở các đảo ngoài khơi phía Đông Bắc của tỉnh Quảng
Ninh và ở miền Nam ở Côn Đảo. (Theo giả thuyết khác, những phân bố này có thể phản
ánh sự di chuyển trên mặt đất khi mực nước biển thấp). Chúng ăn rất nhiều loại thức ăn,
trong đó có thân mềm, giáp xác, tất cả các loại động vật có xương sống, xác chết và chất
thải của con người (kể cả phân). Hoạt động vào ban ngày, chúng thường nằm một phần
dưới nước và buổi tối ở trên cây, cây bụi hoặc trong hang có chiều dài đến 10m.

162/260
Kỳ đà vân nhỏ hơn và con đực có chiều dài lên tới xấp xỉ 1.5m và nặng 2.7kg; con cái
nhỏ hơn con đực. Phân loài kỳ đà vân phân bố ở Việt Nam có màu nhạt, từ màu xám
đến mà vàng xỉn và có đốm ở trên lưng. Loài này thích nghi với đời sống trên cạn và với
những khu vực thường xuyên khô hơn là kỳ đà hoa và trèo rất nhanh nhẹn bất chấp tầm
vóc cơ thể lớn của nó. Chúng có lẽ chủ yếu ăn các loại động vật không xương sống nhỏ
như bọ cánh cứng, ốc và kiến. Chúng tìm mồi bằng cách đào bới trên mặt đất và bắt mồi
bằng lưỡi sẻ đôi của chúng. Chúng hiếm khi ăn động vật có xương sống mặc dù chúng
có ăn xác chết. Kỳ đà vân nằm trong hang vào buổi đêm, tắm nắng sau khi dậy vào buổi
sáng để tăng nhiệt độ cơ thể để đi săn. Con non của cả hai loài này sống hoàn toàn trên
cây và ăn côn trùng.

Kỳ đà vân chủ yếu phân bố ở miền Trung Việt Nam; kỳ đà hoa có phân bố rộng hơn
mặc dù hiện nó được cho là đã biến mất ở vùng núi phía Đông Bắc của đất nước. Mặc
dù cả hai loài này đều không bị đe dọa toàn cầu, chúng phải chịu sức ép rất lớn từ việc
săn bắt để lấy thịt và da ở Việt Nam và có bằng chứng về việc phạm vi phân bố bị chia
nhỏ và thu hẹp. Kỳ đà hoa cũng bị mất môi trường sống yêu thích của chúng là rừng
ngập mặn.

Rùa Trung Bộ (Mauremys annamensis)

Các nhà khoa học mô tả rùa Trung Bộ vào năm 1903 và nó vẫn là loài rùa đặc hữu duy
nhất đã được xác nhận ở Việt Nam (hình 48). Có kích thước nhỏ và bề ngoài không
đáng chú ý, nó có thể có chiều dài mai gần 30cm. Có thể nhận biết nó tốt nhất bằng 3
hoặc 4 sọc vàng chạy dọc theo phía bên đầu có màu nâu sẫm hoặc đen và nhọn. Phía
trên mai có 3 gờ cao chạy song song từ đằng trước ra đằng sau và các ngón chân được
bọc bằng màng. Rùa Trung Bộ thuộc họ rùa lớn nhất, Geoemydidae có phân bộ rộng tại
các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới của châu Mỹ, châu Âu và châu Á. Rùa câm thuộc
giống Mauremys phân bố ở hai vùng riêng biệt, với 3 loài có phân bố rộng sống ở châu
Âu, châu Phi và Trung Đông và 3 loài còn lại, trong đó có cả rùa Trung Bộ, phân bố ở
Đông và Đông Nam Á. Môi trường sống ở vùng nằm giữa khá khô; trong những thời kỳ
ẩm ướt hơn các loài rùa này có thể phân bố liên tục trong phạm vi phân bố của nó.

Hầu hết các loài thuộc họ rùa này sống dưới nước hoặc nửa nước nửa cạn. Mặc dù tập
tính và sinh thái của rùa Trung Bộ vẫn còn chưa được biết rõ, hình thái mai và chân
cũng như môi trường sống ở vùng đồng bằng gợi ý rằng nó sống trong các vùng nước
chảy chậm hoặc không chảy. Nó được cho là loài ăn tạp và trong điều kiện nuôi nhốt nó
ăn cả rau (quả cây và rau xà lách) và động vật (cá và giun). Trong một thời gian dài, loài
rùa đặc hữu này được cho là chỉ phân bố tại một vùng nhỏ bé ở tỉnh Quảng Nam. Những
thông tin mới, chủ yếu từ hoạt động buôn bán động vật hoang dã, gợi ý là vùng phân bố
của nó kéo dài xuống phía Nam ít nhất là tới tỉnh Bình Định. Trong những năm 1930 và
1940, rùa Trung Bộ có nhiều ở các đầm lầy vùng đồng bằng và ở các vùng nước chảy
chậm gần các thành phố Hội An và Đà Nẵng. Rõ ràng là số lượng của chúng đã giảm đi

163/260
đáng kể và hiện nay hiếm thấy nó xuất hiện trong hoạt động buôn bán và gần như không
thể tìm thấy trong tự nhiên.

Các con sông chảy từ sườn phía Đông của dãy Trường Sơn ra biển Đông tạo thành một
hệ thống lưu vực riêng biệt khác với những con sông chảy vào sông Mê Kông. Khu hệ
cá đặc trưng của những lưu vực thuộc vùng núi tương đối riêng biệt này, mặc dù được
cho là không phong phú về loài bằng lưu vực sông Hồng và sông Mê Kông, có lẽ có tỷ
lệ cao về các loài đặc hữu, đặc biệt là những loài sống ở vùng thượng nguồn và vùng
nước chảy xiết.

Cá chạch suối (Sewellia lineolata)

Các nhà khoa học ban đầu cho rằng chỉ có một loài cá chạch suối thuộc giống Sewellia
ở Việt Nam, S. lineolata. Được mô tả vào năm 1846, S. lineonata đã bị mất dấu tích cho
đến khi được các nhà khoa học phát hiện lại tại các sườn núi gần Huế hơn 140 năm sau.
Giữa thời điểm nó được phát hiện lại tới năm 2004, 5 loài mới thuộc giống này đã được
mô tả từ các con suối và sông vùng ven biển tại miền Trung của Việt Nam. Các loài
thuộc giống này thích nghi cao độ với đời sống ở các con suối nước ngọt chảy nhanh và
xiết cũng như thác. Thân và đầu dẹt, vây ngực và vây hông đã được biến đổi rất nhiều
thành các cơ quan bám giống như đĩa ở phía dưới thân để giúp chúng bám vào bề mặt
nằm ngang và dựng đứng của đá và sỏi trong môi trường sống khó khăn này (hình 49).
Loài này hoạt động vào ban ngày, nấp và kiếm mồi là các động vật không xương sống
sống trong nước ở giữa nền sỏi và mảnh vỡ ở đáy sông. Cá chạch suối được các nhà
khoa học phân biệt với các loài khác thuộc giống Sewellia bằng 4 sọc đặc trưng chạy
dọc theo chiều dài thân ở phía bên. Chúng phân bố trong các suối và các con sông nhỏ
ở miền Trung của dãy Trường Sơn.

Động vật không xương sống

Nhện (Lớp Arachnida: Bộ Aranea)

Thuật ngữ động vật ăn thịt và con mồi được sử dụng chủ yếu để mô tả các vai trò sinh
thái học của các động vật có xương sống: thú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá. Nhưng các
vai trò và các môi quan hệ tương tự tồn tại bên trong thế giới của những loài không có
xương sống. Nhện (Arachnida: Aranea) là những động vật ăn thịt khét tiếng mà con mồi
là những động vật không xương sống khác và thường là yếu tố chính làm hạn chế số
lượng của các loài gây hại. Giống như đối với nhiều nhóm động vật không xương sống
khác, thông tin chi tiết nhất về các loài nhện ở Đông Nam Á xuất phát từ những điều
tra về nông nghiệp. Thậm trí ngay cả với mục đích này, những nghiên cứu ít ỏi đã dẫn
tới việc mô tả nhiều loài mới. Các nhà khoa học nghiên cứu về nhện trong các vùng đất

164/260
trồng lúa ở Đông Nam Á vào đầu những năm 1990 đã mô tả 258 loài nhện mới, chiếm
khoảng 75% những loài tìm thấy trong các cuộc điều tra.

Như vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi các loài nhện ở miền Trung Việt Nam gần
như chưa được biết đến. Diana Silva, một nhà sinh vật người Pêru nghiên cứu tại Bảo
Tàng Lịch Sử Tự Nhiên Hoa Kỳ, đã tiến hành một cuộc điều tra về nhện vào năm 1998
tại một vài địa điểm ở phía Bắc của dãy Trường Sơn. Những kết quả thu được rất đáng
chú ý: hầu như tất cả 38 họ nhện mà cô thu được chưa từng được ghi nhận ở bất cứ nơi
nào tại Việt Nam trước đây. Trong số các loài nhện mà Silva nghiên cứu có các loài mới
mà họ hàng gần gũi nhất của chúng phân bố ở Thái Lan và thậm chí ở Ôxtraylia.

KHÁI QUÁT VỀ THIÊN NHIÊN HOANG DÃ Ở MIỀN TRUNG VIỆT


NAM

Các khu vực bảo tồn ở miền Trung Việt Nam hầu như đều nằm trong dãy Trường Sơn,
có vị trí tách biệt và khó tiếp cận. Những khu vực cực kỳ quan trọng như Vườn Quốc
gia Vụ Quang và Pù Mát là những kỳ quan của thế giới nhưng nhiều người đã nhận thức
được giá trị của chúng từ xa. Tuy nhiên, một vài khu vực tương đối dễ đến và tạo điều
kiện để quan sát động vật trong các môi trường sống trên cạn và dưới biển.

Vườn Quốc gia Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên Huế)

Vườn Quốc gia Bạch Mã nằm trên một dãy núi ở miền Trung Việt Nam nơi đất nước thu
lại thành một dải hẹp. Bắt nguồn từ các dãy núi tại Lào tiến theo hướng Đông về phía
bờ biển, dãy núi cao này cắt ngang vùng đồng bằng ven biển Việt Nam chia tách khu hệ
động thực vật miền Nam và miền Bắc và đánh dấu sự phân chia giữa hai vùng khí hậu.
Vị trí, địa hình và điều kiện thời tiết tạo ra sự đa dạng cao về loài tại Bạch Mã. Vườn,
thành lập vào năm 1991, đặc trưng bởi các khu rừng rậm rạp có nhiều loài đỗ quyên nở
hoa vào cuối thàng 3 tạo ra màu trắng đẹp mắt giữa biển cây xanh. Cũng có thể nhìn
thấy một số loài trĩ đẹp trong vùng như gà tiền mặt vàng. Cầy vòi mốc (Paguma larvata)
đi lảng vảng quanh khu nhà nghỉ bằng gỗ vào lúc chiều tà.

Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình)

Hiện đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là Di sản thế giới, các dãy núi đá vôi, hang
động và các con sông ngầm dưới lòng đất đẹp mắt của Phong Nha-Kẻ Bàng là vùng địa
chất đáng chú ý nhất ở Việt Nam. Cửa vào động Phong Nha hay động Răng (được đặt
tên theo các cấu trúc măng đá) cao 18m và rộng 30m là một cửa để đi vào hệ thống
ngầm dưới lòng đất có chiều dài 60km. Những đường ngầm và hang này đã đóng vai trò
là nơi ẩn náu trong nhiều thế kỷ. Bệ thờ và chữ khắc trong hang chứng tỏ người Chăm
đã sử dụng các hang này làm nơi chú ẩn cho các tín đồ đạo Phật vào thế kỷ thứ 9 và 10
và trong cuộc chiến tranh Mỹ - Việt Nam chúng đóng vai trò là bệnh viện, nơi chứa đạn
dược và là trong những cửa ngõ quan trọng đi vào đường mòn Hồ Chí Minh. Cho đến

165/260
gần đây, người Chút tại địa phương sống trong các hang này; họ hiện đã tái định cư vào
các làng.

Cũng có nhiều thứ để quan sát phía trên mặt đất ở Phong Nha-Kẻ Bàng, mặc dù những
khu vực này khó tiếp cận hơn nhiều. Vì địa hình hiểm trở, vùng đá vôi ở đây vẫn chủ
yếu có rừng bao phủ và là nơi cư trú của voọc Hà Tĩnh và voọc đen (T. f. ebenus) cùng
với chà vá chân nâu và trĩ sao. Vườn đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn và một khu
vực lớn đã được dành riêng để phát triển du lịch. Hy vọng là, sự phát triển này không
phá hỏng các hệ sinh thái đá vôi đã làm cho khu bảo tồn trở nên rất đặc biệt.

Khu bảo tồn biển Nha Trang (Hòn Mun)

(tỉnh Khánh Hòa)

Tại Nha Trang, những người lặn bằng bình dưỡng khí và bằng ống thở có thể khám phá
các hệ thống san hô rộng lớn và các sinh vật biển trong các vùng nước trong vắt ở ngoài
khơi. Những khách du lịch ở trên bờ cũng có thể thưởng thức những sinh vật biển trong
các bể ở gần viện hải dương học. Các chuyến đi thăm quan bằng tàu cũng sẵn có để
khám phá các đảo ngoài khơi. Đảo Hòn Mun là một phần của Khu bảo tồn biển, thành
lập vào năm 2001, bao gồm một số đảo lân cận và các vùng nước xung quanh. Khu bảo
tồn biển được thiết lập để bảo tồn vùng san hô và các môi trường sống ở biển khác. Với
350 loài san hô cứng nó là nơi cư trú đa dạng nhất của san hô tại Việt Nam. Khu bảo
tồn này còn nhằm mục đích khôi phục nghề cá ở các vùng xung quanh và thiết lập các
hoạt động du lịch bền vững. Mức độ đa dạng của cá thấp hơn so với mong đợi vì đánh
cá quá mức và các mối đe dọa khác đối với môi trường nhưng ở đây vẫn có hàng trăm
loài cá. Một vài hòn đảo, trong đó có Hòn Mun, là nơi cư trú của các đàn chim yến có
tổ ăn được (Collocalia germani) và tổ của chúng được khai thác để làm súp tổ yến (xem
khung 22 và hình 69).

Vườn Quốc gia Yok Don (tỉnh Đắc Lắc)

Thành lập vào năm 1991, Yok Don là Vườn Quốc gia lớn nhất ở Việt Nam với diện tích
115.545ha. Vào năm 2001, chính phủ bắt đầu xem xét đề nghị tăng gần gấp đôi diện
tích của Vườn. Đây là khu bảo tồn tương đối bằng phẳng nằm trên cao nguyên ở độ cao
200m và có một số đỉnh núi có độ cao lên tới 474m. Vườn bao gồm một diện tích lớn
rừng rụng lá một mùa và nổi tiếng thế giới về mức độ đa dạng của thực vật. Đây là một
trong những nơi cuối cùng của Việt Nam vẫn còn các loài thú lớn như voi, bò tót, bò
rừng và hổ mặc dù số lượng của những loài này tiếp tục suy giảm nhanh chóng. Một số
loài chim bị đe dọa toàn cầu, trong đó có già đẫy Java (Leptoptilos javanicus), cắt nhỏ
đít trắng (Polihierax insignis) và diều xám (Butastur liventer), sống bên trong danh giới
của vườn và nó là một trong những khu bảo tồn đã được thiết lập có loài công. Đáng tiếc
là, Yok Don không dễ tiếp cận đối với hầu hết các loại khách du lịch. Vườn nằm trong

166/260
huyện Buôn Đôn là nơi nổi tiếng về lịch sử lâu đời trong việc thuần hóa voi và các công
ty du lịch nhỏ đã bắt đầu đưa khách du lịch đến khu bảo tồn bằng voi.

Khung 13

Lễ hội cá ở ven biển miền Trung

Dọc theo các vùng ven biển miền Trung và miền Nam, ngư dân tôn sùng thần cá voi,
được gọi là Ngư Ông hay là “Ông Cá”. Ngư Ông bảo vệ ngư dân khi họ đi trên biển và
họ kể lại chi tiết những câu chuyện về những rủi ro bất hạnh mà cuối cùng được Ngư
Ông cứu giúp. Khi bắt đầu mùa đánh cá xuân-hè, những người dân trong làng tổ chức
lễ hội Cầu Ngư, một truyền thống bắt nguồn ít nhất là từ thời kỳ đầu của thế kỷ 19. Chỉ
cần nhìn thấy một con cá voi, sống hay chết, cũng được cho là sẽ mang điều may mắn
đến cho ngư dân. Người đầu tiên nhìn thấy xác cá voi không phải bị chết do mắc vào
lưới của ngư dân sẽ trở thành người con trai cả của Ngư Ông và sẽ phải tham gia vào
đám tang dành cho con cá voi đã chết. Điều này mang lại may mắn cho những người
đưa đám và làng của anh ta trong nhiều năm. Những người dân trong làng thực hiện các
nghi lễ công phu với xác cá voi giống như đối với người họ hàng thân thích khi họ qua
đời. Các lăng chứa xương cá voi bị mắc cạn và chỉ mở cửa vào các ngày lễ hội và ngày
lễ năm mới. Tuy nhiên cá heo lại mang ý nghĩa khác tại một số vùng ở miền Trung Việt
Nam. Ở đây cá heo báo hiệu sự không may mắn vì cá heo được cho là hiện thân của linh
hồn những người chết đuối được biến thành quỷ dữ và mang lại thiệt hại cho ngư dân.

167/260
Miền Nam Việt Nam Sức mạnh của sông Mê
Kông
Miền Nam Việt Nam bị chi phối bởi châu thổ Mê Kông, một vùng đồng bằng trù phú
và rộng lớn bao phủ 2/3 diện tích của cả khu vực. Được người Việt Nam gọi là Nam
Bộ và người Pháp gọi là Cochinchina, miền Nam Việt Nam kéo dài từ phía Nam của
dãy Trường Sơn đến mũi của bán đảo Cà Mau, là điểm đất liền tận cùng ở phía Nam
của đất nước (hình 50). Mê Kông là dòng sông lớn nhất ở Đông Nam Á; các nhà khoa
học ước tính rằng nó đứng thứ 3 trên thế giới về số lượng các loài cá, chỉ đứng sau sông
Amazon và sông Côngô. Mức độ đa dạng sinh học của vùng châu thổ và của miền Nam
Việt Nam nói chung phụ thuộc vào các chu kỳ nước và tài nguyên bắt nguồn từ thượng
lưu và chảy vào sông Mê Kông.

Khi sông Mê Kông mở rộng ra vào mùa mưa, ở đây xảy ra một trong những hiện tượng
tự nhiên đáng chú ý nhất trên thế giới. Một lượng nước lớn chảy theo dòng sông khiến
một trong những sông nhánh của nó ở Campuchia đổi ngược dòng chảy bình thường
theo hướng Đông Nam của nó. Con sông này chảy ngược về hồ Tônlê Sap là hồ nước
ngọt lớn nhất ở lục địa Đông Nam Á. Hồ nông này nhanh chóng mở rộng diện tích
khoảng 2.700km2 vào thời kỳ nước thấp trong mùa khô lên đến khoảng 10.360km2 và
độ sâu của nó tăng từ 1-3m lên 9-14m. Dòng nước này mang theo một lượng lớn chất
dinh dưỡng đến hệ thống hồ đảm bảo cho các quần thể cá phát triển và thức ăn cho hàng
đàn chim nước cũng như ngành công nghiệp đánh cá lớn và việc canh tác lúa dọc theo
bờ hồ.

Phía Bắc và phía Đông của châu thổ sông Mê Kông là hỗn hợp các loại rừng thường
xanh, bán thường xanh, rừng rụng lá một mùa và rừng ven biển thường có các loài dầu
(họ Dipterocarpaceae) chiếm ưu thế. Các loại môi trường sống này khá giống với các
vùng đồng bằng được mô tả tại vùng Nam Trung Bộ của Việt Nam vì chúng mọc trên
các loại đất giống nhau và có cùng các điều kiện thời tiết. Giống như ở vùng Nam Trung
Bộ, độ ẩm trong đất là nhân tố chính quyết định loại rừng. Những môi trường sống ở
vùng đồng bằng dọc theo các dòng nước và các hồ nhỏ nằm trong rừng đóng vai trò rất
quan trọng cho các loài hiếm như tê giác một sừng (Rhinoceros sondaicus annamiticus)
và gà tiền mặt đỏ (Polyplectron germaini). Do các loại rừng này đã được mô tả trong
phần nói về miền Trung Việt Nam ở chương 7, chương này sẽ tập trung vào các vùng
đất ngập nước độc đáo của miền Nam Việt Nam.

Người dân sống ở miền Nam Việt Nam phía ngoài thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu có
nguồn gốc từ người Việt, người Hoa và Khơme. Khơme, nhóm dân tộc lớn thứ 6 ở Việt
Nam, đã sống ở vùng châu thổ sông Mê Kông ở cả Việt Nam lẫn Campuchia trong nhiều
thế kỷ. Nhóm dân tộc lớn thứ 5 ở trong nước, người Hoa, bắt đầu di cư xuống Việt Nam

168/260
từ miền Nam Trung Quốc vào thời kỳ bắt đầu Công Nguyên, nhưng những làn sóng di
cư lớn nhất diễn ra ngay trước và sau chiến chiến tranh thế giới lần thứ 2. Trong lịch sử,
mật độ dân số ở vùng châu thổ sông Mê Kông thấp và các vùng rộng lớn chỉ bắt đầu
được định cư vào thế kỷ 17. Tuy nhiên, ngày nay miền Nam Việt Nam là vùng có mật
độ dân số lớn thứ 2 trong cả nước, với 2.400 người/km2 tại thành phố Hồ Chí Minh. Cả
vùng châu thổ có mật độ dân số thấp hơn châu thổ sông Hồng, với trên 400 người/km2.

Địa hình

Châu thổ sông Mê Kông có độ cao trung bình chỉ khoảng một vài mét trên mực nước
biển, với một số lượng nhỏ các núi riêng biệt xuất hiện trên vùng đồng bằng. Phần lớn
có cấu tạo là đá granit và đôi khi là đá vôi; núi cao nhất là núi Cam có độ cao 710m.
Dọc theo biên giới giữa Campuchia và Việt Nam có các nền đất cổ, cao do trầm tích của
sông Mê Kông tạo thành có diện tích khoảng 150.000ha. Các thời kỳ nước biển dâng
cao và rút đi luân phiên nhau trong vòng hàng chục ngàn năm đã tạo nên địa hình của
vùng châu thổ. Có ba dạng địa hình chính tạo nên vùng châu thổ: đồng bằng ngập nước
theo mùa, hỗn hợp ven biển và vùng trũng rộng lớn được xác định bằng địa hình, chế độ
nước, khí hậu và đặc điểm về đất của chúng.

Loại địa hình có phân bố rộng nhất trong vùng châu thổ cho đến nay là đồng bằng ngập
nước theo mùa, nằm ở các khu vực miền Bắc và miền Trung (hình 51). Vùng bị ngập
nước nhiều theo mùa ở phía Tây Bắc (vùng bị ngập nước sâu nhất) bao gồm các con đê
tự nhiên, cồn cát và các vùng đầm lầy. Một vùng khép kín nằm trong khu vực này, gọi
là Đồng Tháp Mười, nước khó rút ra và rút ra chậm. Vùng này bị lụt đến 3m trong phần
lớn thời gian của năm. Một vùng mở ở phía Tây Nam, gọi là Tứ Giác Long Xuyên trong
đó có vùng đồng bằng Hà Tiên, rút nước ra vịnh Thái Lan và bị ngập tới 1.5-2m. Đất
của cả vùng khép kín và vùng mở của đồng bằng ngập nước nhiều theo mùa có tính axit.
Ngược lại, vùng đồng bằng ngập nước theo mùa do ảnh hưởng của thủy triều nằm giữa
châu thổ ngập nước ít hơn, ở mức 0.5-1m, và các con sông làm cho đất trở nên có độ
axit quá cao.

Tại những khu vực phía Nam và phía Đông, môi trường sông và biển kết hợp với nhau
để gây tác động lên hỗn hợp ven biển bao gồm bãi triều, cồn cát và rừng ngập mặn. Tại
độ cao 1-1.5m trên mực nước biển, các bãi triều thấp dọc theo bờ biển không trực tiếp
bị ngập do nước biển mặc dù nước mặn có tiến vào các vùng lân cận. Các cồn cát cao
đến 2.5m chạy song song với đường bờ biển của châu thổ sông Mê Kông. Các vùng bãi
triều nằm giữa các cồn cát và bờ biển bị ngập nước mặn vào mùa khô; nước mặn được
thay thế bằng nước ngọt vào mùa mưa. Các đầm lầy và rừng ngập mặn bao bọc bán đảo
Cà Mau và các cửa sông tại các vùng ven biển quay về phía Đông.

Một vùng trũng chiếm một phần lớn khu vực đất liền ở phía Nam của châu thổ. Khu
vực này là vùng ít chịu ảnh hưởng của sông Mê Kông nhất và phần lớn bị ngập nước
mặn trong mùa khô. Các đầm lầy than bùn, trong đó có U Minh Thượng và U Minh

169/260
Hạ, chiếm ưu thế trong các khu vực thấp nhất của vùng trũng này. Trong mùa mưa, khi
lượng mưa có thể lên tới 3.000mm, các đầm lầy than bùn bị ngập tới 1-1.5m. Trong mùa
khô, đất than bùn vẫn giữ lại một lượng nước lớn và trở thành nguồn nước chủ yếu cung
cấp cho các vùng nông nghiệp xung quanh.

Đa số các loại đất ở châu thổ sông Mê Kông là phù sa. Các loại đất có tính axit cao
chiếm 40% ở châu thổ sông Mê Kông. Các loại đất này có trong các vùng đầm lầy có
thủy triều nơi đất bị úng nước và bị nước biển tràn qua và giàu chất hữu cơ. Quá trình
phân hủy tạo ra các hợp chất trong đất (như sunfua) có thể tạo thành axit trong các điều
kiện nhất định. Khi được giữ ẩm, chúng ở trạng thái trung tính. Tuy nhiên, trong các
điều kiện khô chúng trở nên có tính axit. Khi axit sunfuaric thoát ra khỏi đất, thực vật bị
tiếp xúc với các nguyên tố độc và gây hại. Thường thì các vùng nước ở cạnh cũng trở
nên có tính axit. Nước chảy ra từ các loại đất này là một trong những lý do chính tại sao
nước trên bề mặt ở vùng châu thổ có thể có tính axit cao (với độ pH thấp hơn 3). Những
thay đổi này có thể ảnh hưởng đến các khu vực nằm trong vùng hạ lưu và ảnh hưởng đến
tốc độ lớn của cây và có thể gây độc cho cá; chúng ta có thể tưởng tượng được những
khó khăn mà cá và các loài thực vật phải trải qua khi sống trong môi trường nước có độ
axit tương đương với dấm.

Khí hậu

Miền Nam Việt Nam có khí hậu nhiệt đới và gió mùa ở mức độ cao và lượng mưa
hàng năm thường thay đổi trong khoảng 1.500-2.000mm. Do sự thay đổi của khí hậu địa
phương, các vùng phía Bắc nhận được khoảng một nửa lượng mưa hàng năm (1.250mm)
so với các vùng phía Tây Nam (2,350mm). Lượng mưa phân bố khá đều trong mùa mưa
bắt đầu từ tháng 5 với phần lớn lượng mưa rơi vào tháng 9 và tháng 10. Mùa đông (tháng
12 đến tháng 3) rất khô và lượng mưa nằm dưới mức 100mm từ 4 đến 6 tháng và một số
khu vực gần như không có mưa trong một tháng (bảng 4).

Châu thổ sông Mê Kông là vùng nóng và ẩm nhất của Việt Nam, đặc biệt là vào tháng
4. Vào thời điểm lạnh nhất trong năm (khoảng tháng 1) nhiệt độ thay đổi trong khoảng
20-23oC trong toàn bộ khu vực trong khi đó trong tháng 4, nhiệt độ lên tới 32-35oC.

Chế độ nước

Sông Mê Kông bắt nguồn ở độ cao 5.000m từ vùng núi Tanghla Shan trong dãy
Himalaya thuộc Tây Tạng, kéo dài 4.350km và chảy qua hoặc dọc theo biên giới của 6
nước (Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam) trước khi ra đến
biển Đông (hình 52). Tại nguồn của sông Mê Kông trên cao nguyên Tây Tạng, khí hậu
khắc nghiệt với mùa đông dài, mùa hè lạnh và lượng mưa hàng năm thấp (250-500mm).
Các đồng cỏ trên núi và thực vật vùng bán tunđra chiếm ưu thế trong khu vực này. Tại
đây dòng sông này có tên là Da Chu, hoặc nước của đá, theo tiếng Tây Tạng.

170/260
Khi sông Mê Kông chảy qua phía Đông Nam của Tây Tạng, nó tiến rất gần tới hai con
sông lớn khác của châu Á. Trong một khu vực hẹp có chiều rộng chỉ có 60km, sông
Salween, Mê Kông và sông Hoàng Hà chảy song song trong khoảng cách hơn 300km
và vượt qua một loạt các hẻm núi dốc và có rừng bao phủ. Các dòng sông này nằm ở độ
cao 1.000-1.500m trên mặt nước biển và được tách biệt bởi các dãy núi cao trên 5.000m.
Sau đó chúng đột nhiên tách nhau ra, Salween chảy về phía Tây đổ vào vịnh Bengal,
sông Hoàng Hà xoắn vòng tròn về phía Đông qua các dãy núi và đồng bằng của Trung
Quốc đển đổ ra Thái Bình Dương và sông Mê Kông tiếp tục chảy theo hướng Đông
Nam về phía Lào, Campuchia và Việt Nam. Trong khi ở phía Nam của Tây Tạng những
con sông lớn này cùng tụ lại trong một khu vực chỉ rộng vài chục km thì cửa sông của
chúng cách nhau 4.000km.

Ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, khí hậu trở nên ôn hòa hơn với lượng mưa hàng năm
lớn hơn (hơn 1.700mm) và mùa động nhìn chung không có sương giá. Trong vùng Tây
Nam này của Trung Quốc, sông Mê Kông có tên là Langcang Jang hay dòng sông hỗn
loạn. Rời khỏi Vân Nam, sông Mê Kông đầu tiên chảy dọc theo biên giới giữa Myanmar
và Lào. Tại đây, sau khi đã hạ xuống độ cao 4.500m trong một chiều dài 1.800km, nó
chảy hơi chậm lại vào đi theo hướng Đông vào Lào. Gần như toàn bộ các lưu vực sông
ở Lào (phần lớn chảy từ sườn phía Tây của dãy Trường Sơn) chảy vào sông Mê Kông
trên chiều dài 1.600km của nó chạy dọc đất nước tạo thành một hẻm núi bằng cách cắt
qua vành đai sa thạch tại cao nguyên Khorat. Thác nước và vùng nước chảy xiết xuất
hiện rất nhiều ở vùng thượng nguồn này của sông Mê Kông. Tại biên giới Campuchia,
sông Mê Kông, tại điểm này rộng 13km, đổ xuống tại thác nước Khone cao 20m. Bên
dưới điểm này, các sông nhánh chính của sông Mê Kông tại Việt Nam chảy từ phía Tây
và phía Nam của dãy Trường Sơn và nối vào con sông này. Tại Kratié, sông Mê Kông
bắt đầu chảy chậm lại và hoàn toàn biến đổi từ một con sông chảy xiết ở trên núi thành
một con sông rộng ở vùng đồng bằng với rất nhiều khúc uốn hình chữ U và đầm lầy.

Ở miền Nam Trung Bộ của Campuchia, sông Mê Kông nhận nước từ dòng sông nhánh
chính cuối cùng của nó, sông Tonle Sap. Đối diện với Phnôm Pênh, tại một địa điểm có
tên là Chatomuk dòng sông tách làm đôi. Sông Mê Kông (Tiền Giang trong tiếng Việt
Nam) chảy về phía Đông và sông Bassac (Hậu Giang) chảy về phía Tây. Các dòng sông
sau đó chia thành rất nhiều các sông nhánh nhỏ để tạo thành châu thổ sông Mê Kông
rộng 65.000km2, 80% của nó phân bố tại Việt Nam.

Vùng châu thổ được hình thành chủ yếu từ các trầm tích cổ của sông Mê Kông, chảy vào
biển Đông qua 9 cửa sông. Các cửa sông này tạo cho sông Mê Kông có tên Việt Nam,
sông Cửu Long, hay là sông chín rồng. Lượng phù sa của sông đã làm cho vùng châu
thổ tiếp tục mở rộng; trong thế kỷ trước phù sa lắng đọng xuống biển Đông đã mở rộng
vùng châu thổ ra phía ngoài với tốc độ 50-150m/năm. Vùng châu thổ hiện có khoảng
4.000km đường thủy, trong đó có sông, nhánh sông và kênh rạch (xem hình 55).

171/260
Lượng mưa thay đổi theo mùa trong toàn bộ vùng Đông Nam Á gây ra sự dao động lớn
về lượng nước sông Mê Kông và mức độ ngập lụt của các vùng đất xung quanh. Lụt gây
ra do dòng chảy tăng trong mùa mưa và mức nước ngập còn tăng lên nữa khi nước triều
cao đồng thời xảy ra. Dòng chảy lớn nhất hàng năm tại Kratié là 56.800m3/giây. Lượng
nước này gấp 48 lần lượng nước tối thiểu được ghi nhận và là sự thay đổi dòng chảy lớn
nhất thế giới so với các con sông lớn khác. Trái lại, khi các dòng chảy ở mức thấp nhất,
thủy triều nước mặn xâm nhập và các khu vực phía trên của dòng sông và ảnh hưởng
đến toàn bộ 1/3 vùng châu thổ. Trong mùa mưa, thủy triều nước mặn cũng có thể xâm
nhập vào các khu vực phía Đông Nam.

Tại thời điểm dòng chảy lớn nhất, nhiều khu vực rộng lớn của vùng châu thổ bị ngập
nước hoàn toàn; ở phía Bắc, nước có thể sâu đến 3m và kéo dài 4 hoặc 5 tháng (hình
53). Tại nhiều đoạn nhất định của dòng sông, nước có thể dâng cao đến 20m. Ở châu thổ
sông Mê Kông của Việt Nam, nước lụt làm ngập trên 12.000km2 rừng, đồng cỏ và đồng
ruộng.

Thực vật và môi trường sống

Các khu rừng ở phía Bắc của miền Nam Việt Nam thay đổi từ rừng thường xanh ở vùng
đồng bằng đến rừng bán thường xanh cũng như đồng có thứ sinh có phân bố rộng và
rừng tre. Các cây rụng lá một mùa thuộc chi Lagerstroemia, một loại cây trân châu,
chiếm ưu thế ở khu vực tán lá cao 35-45m trong các khu rừng bán thường xanh của vùng
này, trong khi đó hỗn hợp rừng thường xanh và rừng rụng lá một mùa mọc phía dưới.
Nằm rải rác trong các khu rừng này là các vùng đất ngập nước nhỏ, trong đó có hồ, đồng
cỏ ngập nước theo mùa và rừng ngập nước.

Mặc dù nhiều bằng chứng như các gốc cây còn lại có kích thước rất to cho thấy là nhiều
vùng rộng lớn của châu thổ sông Mê Kông một thời có rừng bao phủ, thực vật nguyên
sinh chỉ còn lại rất ít. Hiện nay, 3 loại thực vật tự nhiên chính đặc trưng cho khu vực
này: rừng đầm lầy nước ngọt, rừng ngập mặn và đồng cỏ. Khả năng chiếm ưu thế của
các loại thực vật này phụ thuộc vào lượng mưa, hàm lượng muối, độ sâu của nước và
thời gian ngập nước và các đặc tính của đất.

Các khu vực đất ngập nước bán tự nhiên còn lại ở châu thổ sông Mê Kông là Đồng Tháp
Mười, đồng bằng Hà Tiên và vùng đất ngập nước U Minh (xem hình 51). Thực vật nước
ngọt bao gồm rừng đầm lầy và các vùng thực vật phi gỗ, sống ở bờ sông và sống dưới
nước phân bố ở sông suối hoặc các vực nước khác. Rừng đầm lầy nước ngọt mọc ở các
khu vực có đất liên tục bị bão hòa nước. Những khu rừng này có lẽ một thời đã che phủ
các khu vực rộng lớn của vùng châu thổ nhưng những hoạt động của con người đã làm
giảm đáng kể vùng phân bố của chúng và làm thay đổi cả thành phần của những khu
rừng này. Các đầm lầy có tràm, đặc trưng bởi cây tràm (Melaleuca cajuputi), một thành
viên của họ sim (Myrtaceae), mọc trong các khu vực ngập nước theo mùa của châu thổ,
nơi có hàm lượng muối thấp, có tích lũy các chất hữu cơ bị phân hủy và nhờ nước lụt

172/260
mang hạt cây đến. Tràm là cây thường xanh, mảnh được bao bọc bởi vỏ cây dày, trắng
và lờm xờm và có hoa màu trắng giống như bàn chải để cọ chai lọ. Quả của chúng giải
phóng hạt vài ngày sau khi bị đốt nóng do những đám cháy trong bụi cây. Tràm có thể
mọc trên cát thạch anh không màu mỡ cũng như trên vùng đồng cỏ bị xuống cấp nhưng
chúng thích sống ở các bờ sông ngập nước và trong khu vực phù sa ven biển. Chúng
thường chiếm ưu thế trong quần xã, mọc thành rừng khá thuần nhất. Các khu rừng này
hiện chiếm 30.000ha ở tỉnh Long An và 7.000ha ở tỉnh Đồng Tháp, với những khu rừng
rộng nhất phân bố ở vùng đất ngập nước U Minh và các khu rừng nhỏ hơn phân bố ở
vùng Đồng Tháp Mười và đồng bằng Hà Tiên.

Mặc dù có mức độ đa dạng thực vật thấp, các khu rừng này là một phần không thể thiếu
được của hệ sinh thái. Chúng làm giảm bớt lượng nước chảy trong mùa mưa, giữ nước
ngọt trong mùa khô, giảm tính axit của đất và là môi trường sống cho nhiều loài sinh vật
nước cũng như các động vật hoang dã, trong đó có ong. Mật ong hoang dã sống trong
rừng tràm có giá trị cao và tràm nở hoa rất nhiều và quanh năm. Các khu rừng tràm cũng
là nguồn cung cấp củi đốt, gỗ cho xây dựng và làm thức ăn cho gia súc; các phần của
cây tràm dùng làm dây thừng, lưới đánh cá, bè gỗ; và dầu trưng cất từ lá của nó được sử
dụng làm phân, thuốc đuổi côn trùng, chất thơm và để chữa nhiều loại bệnh (thấp khớp,
viên gan, các bệnh ngoài da và các bệnh về hô hấp). Vì tràm không cần trồng trên đất
nền cao, nó rất phù hợp để trồng trong các loại đất có axit sunphat và là sự lựa chọn tự
nhiên cho các chương trình trồng rừng sau chiến tranh Mỹ-Việt Nam.

Khu vực đất ngập nước U Minh nằm trong những vùng đất ngập nước quan trọng nhất
về mặt bảo tồn đa dạng sinh học của vùng châu thổ sông Mê Kông bởi vì, bên cạnh việc
có các khu rừng tràm rộng lớn nhất, nó là nơi duy nhất có các khu rừng đầm lầy than
bùn. Than bùn được hình thành khi lượng tích trữ các thực vật chết trong một khu vực
vượt quá tốc độ phân hủy của nó. Trong điều kiện thời tiết nhiệt đới, hiện tượng này
thường diễn ra ở các khu vực bằng phẳng, ngập nước với lượng mưa cao có các chướng
ngại tự nhiên để ngăn việc thoát nước. Khi thực vật bị phân hủy một phần tích trữ lại, rễ
cây dần dần bị tách ra khỏi tầng đất phía dưới và môi trường sống của chúng có tính axit
ngày càng tăng và nghèo ôxi cũng như chất dinh dưỡng. Cuối cùng, bề mặt than bùn nhô
cao lên khỏi mực nước bên dưới tạo thành vòm và đóng vai trò làm nơi chứa nước. Hạn
chế lượng nước chảy là nhân tố quan trọng cho việc phát triển của than bùn vì nó ngăn
chất dinh dưỡng và chất khoáng từ bên ngoài xâm nhập vào hệ thống này. Tại giai đoạn
này, thực vật chỉ có thể lấy chất dinh dưỡng và chất khoáng từ tầng than bùn hoặc từ
mưa, cả hai nguồn đều nghèo nàn. Thên vào đó, thực vật phân hủy tạo ra cả axit hữu cơ
và vô cơ và không còn có thể làm trung hòa bằng cacbonat canxi có trong nước ngầm.
Môi trường được hình thành có hàm lượng ôxi thấp, ít chất dinh dưỡng và có tính axit
cao, tất cả các đặc điểm này ngăn cản việc phân hủy và phân rã và tạo điều kiện cho than
bùn tích lũy thêm. Không giống như than bùn ở vùng ôn đới, chủ yếu được tạo thành từ
rêu và cói, than bùn ở vùng nhiệt đới có chứa cả cành cây, thân cây và rễ cây đã phân
hủy một phần ở trong cùng các chất hữu cơ không có cấu trúc cũng có nguồn gốc từ

173/260
thực vật. Than bùn đen xốp ở U Minh có chiều dày 1-3m và các vòm của nó là cấu trúc
tự nhiên dày nhất trong khu vực.

Chặt rừng không được kiểm soát giữa năm 1975 và 1985 và những xáo trộn khác làm
cho các khu rừng đầm lầy than bùn gần như bị biến mất. Sau đó, chính phủ hạn chế sự
tiếp cận vào khu vực này và áp dụng các chiến lược quản lý tốt hơn, trong đó có việc
duy trì các mực nước bằng một hệ thống kênh rạch và đê bao quanh vùng trung tâm.
Vào mùa xuân năm 2002, một đám cháy khủng khiếp đã làm tiêu rụi gần 200 ha tại U
Minh xuống tới tận lớp đất sét và phá hủy tầng than bùn phía trên. Các lớp than bùn
tương đối nhạy cảm với các thay đổi và rất dễ cháy trong mùa khô. Khi than bùn khô,
nó trở nên mỏng và bị ôxi hóa dẫn đến việc tạo ra axit sunphuaric. Nước ở trong khu
vực trung tâm rừng gần như trung tính với độ pH từ 6 đến 7 so với nước có tính axit với
độ pH từ 3 đến 4 ở vùng đệm không có rừng. May mắn là rừng tái sinh bắt đầu diễn ra
trong vòng 6 tháng trên một diện tích đáng kể của khu vực này.

Các khu rừng ngập mặn mọc trong những vùng bị ngập nước có hàm lượng muối cao
hơn so với các khu rừng đầm lầy phân bố dọc theo bờ biển và các cửa sông ở miền Nam
Việt Nam (hình 54). Loài, Avicennia alba, chiếm ưu thế trong các quần xã rừng ngập
mặn sống gần biển nhất và gần như thường xuyên bị ngập nước mặn. Các loài ngập mặn
đỏ chi Rhizophora phân bố ngay phía trong về phía đất liền của các khu rừng này. Ở các
vùng khô hơn, thành phần của quần xã lại thay đổi. Các vùng nước lợ gần với khu vực
nước ngọt nhất là nơi phân bố của các loài cọ thuộc chi Nypa.

Rừng ngập mặn tạo thành mắt xích về mặt sinh thái nối giữa các hệ sinh trên cạn và hệ
sinh thái biển. Có chức năng về mặt sinh thái giống như quả thận, chúng lọc nước ngọt
trước khi nó chảy ra biển, đóng vai trò là vườn ươm cho cá mới nở và giúp ngăn cản sự
sói mòn và ngập úng do thủy triều và bão gây ra. Rừng ngập mặn ảnh hưởng trực tiếp
đến cuộc sống của người dân địa phương; 1 ha rừng ngập mặn có thể đóng góp xấp xỉ
44 tấn cá ngoài khơi mỗi năm.

Các quần xã rừng ngập mặn rộng đến 30km đã có thời xuất hiện tại bán đảo Cà Mau.
Mặc dù khó đánh giá những thay đổi đối với các quần xã rừng ngập mặn qua nhiều thời
kỳ vì rừng ngập mặn ít khi được vẽ chi tiết trên bản đồ, tỷ lệ mất rừng lên đến 75% đã
được ghi nhận ở bán đảo Cà Mau và các khu rừng ngập mặn còn lại hầu hết đã bị xuống
cấp. Sự suy giảm của rừng ngập mặn ở đây ở đây gây ra từ 3 nguyên nhân chính. Đầu
tiên là việc sử dụng bom napalm và chất gây rụng lá trong cuộc chiến tranh Mỹ-Việt
Nam đã phá hủy nhiều khu rừng lớn. Trong các thập kỷ cuối của thế kỷ 20, rừng ngập
mặn bị phát quang để làm ao nuôi tôm, gây ra những vấn đề nghiêm trọng như sói mòn
phía trong bờ và làm giảm sản lượng cá do các khu vực ươm cá con bị phá hủy. Khi
rừng ngập mặn bị mất đi, việc đánh cá đòi hỏi phải có những nỗ lực lớn hơn và những
đoàn thuyền lớn hơn để khai thác các quần thể cá tự nhiên bị giảm sút. Cuối cùng là việc
di cư của những người không có đất từ những khu vực khác ở Việt Nam đã càng làm
tăng thêm việc sử dụng quá mức các khu rừng này để làm gỗ, củi đun và than củi. May

174/260
mắn là ở một số khu vực rừng ngập mặn bắt đầu mọc tự nhiên trở lại và ở các khu vực
khác việc trồng lại rừng đang được tiến hành một cách tích cực.

Một số loại đồng cỏ – các quần xã có các loài cói (họ Cyperaceae) và cỏ (họ Poaceae)
chiếm ưu thế – phân bố trong vùng châu thổ, ở trong cả các loại đất có axit sunphat và
đất phù sa (hình 55). Mặc dù vùng đồng cỏ thường bị bỏ qua trong các chương trình bảo
tồn và được cho là vùng đất không có giá trị trong các kế hoạch phát triển, nó là nơi cư
trú của nhiều loài thực vật và động vật và là các thành phần quan trọng trong đa dạng
sinh học của khu vực. Theo một nghiên cứu ở đồng bằng Hà Tiên, các quần xã thực vật
đa dạng nhất là đồng cỏ, bao gồm 94 loài cỏ và cói.

Các vùng ven biển và vùng biển ở miền Nam Việt Nam có rất nhiều loại môi trường
sống, từ những bãi cỏ biển có mức độ đa dạng thấp ở các khu vực nước nông trên thềm
lục địa Sunda nơi sinh sống của các quần thể bò biển (Dugong dugon) đến các rạn san
hô, đặc biệt là ở Côn Đảo.

Khu hệ động vật

Không giống với miền Bắc và miền Trung của Việt Nam, chỉ có ít các loài động vật
phân bố ở đây chỉ sống ở khu vực này, không có loài nào là đặc hữu cho Việt Nam và
chỉ có một vài loài đặc hữu ở vùng Đông Dương. Các khu rừng rụng lá một mùa vùng
đồng bằng chiếm ưu thế trong khu vực cũng có phân bố rộng tại lục địa Đông Nam Á
và kéo dài đến Campuchia, Thái Lan, và lên phía Bắc tới Lào và Myanmar. Như vậy,
các loài động vật trong khu vực này của Việt Nam rất có thể cũng phân bố trong các loại
môi trường sống tương tự ở những nơi khác. Điều này có thể do các quần thể ở vùng
đồng bằng khó bị tách biệt hơn so với các loài sống ở trên núi và như vậy làm giảm
khả năng phân hóa và tăng xác suất của việc phân tán trong môi trường sống đồng nhất.
Trong số ít những loài của Việt Nam chỉ sống ở miền Nam, như cầy bay (Cynocephalus
variegatus), một loài thú hoạt động vào ban đêm và sống trên cây có khả năng bay lượn,
phần lớn cũng có phân bố ở phía Nam tại bán đảo Mãlai và các đảo Sumatra, Java và
Borneo.

Một lý do quan trọng mặc dù không mang ý nghĩa sinh học cho số lượng loài thấp và ít
loài đặc hữu ở miền Nam là hầu hết toàn bộ hệ sinh thái, đặc biệt là châu thổ sông Mê
Kông rộng lớn, đã bị biến đổi rất nhiều vì các hoạt động nông nghiệp trong hơn 200 năm
qua. Điều này có nghĩa là phần lớn đất ngập nước đã bị mất thậm trí trước khi những
cuộc điều tra cơ bản được tiến hành. Kết hợp với những sức ép lớn từ việc săn bắn, việc
mất môi trường sống đã dẫn tới sự suy giảm và trong một số trường hợp gây ra sự tuyệt
chủng của các loài phụ thuộc vào đất ngập nước. Các loài chim cư trú trong vùng đất
ngập nước và sinh sản trong vùng châu thổ đã bị ảnh hưởng nhiều nhất. Loài cò quăm
lớn (Pseudibis gigantea) thuộc loại cực kỳ nguy cấp, mặc dù chưa bao giờ phổ biến,
hiện trên thực tế đã tuyệt chủng ở trong nước. Chỉ có 2 ghi nhận gần đây ở Việt Nam và
cả hai quần thể này đều được cho là không thể tồn tại được. Săn bắt cũng đã làm thay

175/260
đổi hoàn toàn quần xã thú lớn ở đây. Tê giác một sừng có môi trường sống ưa thích là
rừng ẩm ở vùng đồng bằng, đặc biệt là gần sông suối, có thời đã phân bố trong toàn bộ
vùng phía Nam. Hiện nó chỉ còn lại ở một địa điểm, Vườn Quốc gia Cát Tiên, và có lẽ
là quần thể duy nhất còn tồn tại ở lục địa Đông Nam Á.

Thú

Các loài thú ở miền Nam Việt Nam rất ít được biết đến. Các nhà khoa học đã ghi nhận
hơn 50 loài động vật trên cạn (không kể dơi) và 31 loài động vật sống dưới nước tại
miền Nam kể từ khi bắt đầu có những cuộc thám hiểm đến khu vực này vào cuối thế kỷ
19. Các loài thú này bao gồm những loài thích nghi với môi trường ngập nước theo mùa
và các loài thú sống dưới nước thường phân bố ở biển, cửa sông và trong nước ngọt dọc
theo sông Mê Kông, bờ biển và các đảo ngoài khơi. Sông Mê Kông hiện là nơi cư trú
có một số ít các loài thú. Hổ (Panthera tigris), chó sói lửa (Cuon alpinus), voi (Elephas
maximus), gấu chó (Ursus malayanus) và trâu rừng (Bubalus arnee) hiện đã tuyệt chủng
ở vùng này (trâu rừng đã bị tuyệt chủng trong nước). Chỉ có 2 loài linh trưởng có phân
bố ở đây: khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis) và voọc bạc (Trachypithecus villosus). Các
báo cáo cho là vượn mũ (Hylobates [Nomascus] pileatus) có phân bố trên đảo Phú Quốc
(nằm ở ngoài khơi của Campuchia trong vịnh Thái Lan) đã bị phủ nhận.

Mặc dù miền Nam không có các loài thú đặc hữu, có 3 phân loài đặc hữu sống ở Côn
Đảo nằm ngoài khơi bờ biển phía Đông Nam. Một phân loài của khỉ đuôi dài (M.f.
condorensis) và hai phân loài sóc, sóc đen Côn Đảo (Ratufa bicolor condorensis) và sóc
đỏ Côn Đảo (Callosciurus finlaysonii germaini). Một phân loài khác của sóc đỏ (C. f.
harmandi) có phân bố giới hạn tại một đảo lớn khác ở miền Nam Việt Nam là đảo Phú
Quốc.

Rái cá lông mũi ( Lutra sumatrana )

Là loài hiếm nhất trong số 4 loài rái cá của Việt Nam, rái cá lông mũi là loài đặc hữu ở
Đông Nam Á (hình 56). Rái cá là các thành viên duy nhất thực sự sống nửa nước nửa
cạn của họ chồn (Mustelidae) và mặc dù các loài khác nhau có bề ngoài giống nhau,
chúng thường có các đặc điểm chuyên hoá rõ ràng về cấu trúc xã hội cũng như tập tính
cho phép chúng cùng tồn tại mà không cạnh tranh với nhau. Rái cá lông mũi có tên bắt
nguồn từ cái đệm mũi rất đặc biệt của nó. Nó có lông che phủ hoàn toàn trừ một vòng
nhỏ bao quanh mỗi lỗ mũi (phần lớn các loài rái cá có ít nhất một phần mũi không có
lông). Lông của nó có màu nâu sôcôla sẫm phía trên và hơi nhạt hơn ở phía dưới, với
màu trắng vàng tương phản trên môi, cằm và cổ họng. Thân của nó dài 0.6-0.82m và cái
đuôi nhọn của nó dài bằng khoảng nửa phần thân. Là loài rái cá có kích thước trung bình
với các móng có màng và khỏe, dấu chân của rái cá lông mũi không thể phân biệt một
cách chắc chắn với dấu chân của 2 loài rái cá có móng chân khỏe khác của Việt Nam,
rái cá thường (Lutra lutra) và rái cá lông mượt (Lutrogale persipicillata).

176/260
Đặc điểm sinh thái và tập tính của rái cá lông mũi vẫn gần như hoàn toàn chưa được biết
tới. Nó có lẽ là loài ăn thịt tùy theo cơ hội, ăn cá cũng như ếch, cua và các loại mồi khác
mà nó bắt gặp. Rái cá lông mũi có thể có các đặc điểm chung giống với các thành viên
khác trong cùng giống của nó. Các loài này là động vật ăn thịt định hướng bằng mồm,
đuổi theo cá ở dưới nước và bắt cá bằng móng của chúng. Chúng phát hiện mồi nhờ sự
trợ giúp của râu khứu giác cứng nằm trên mõm và khửu tay có thể phát hiện được những
dao động dưới nước. Các loài thuộc giống Lutra chủ yếu sống một mình; con đực và
con cái chỉ ghép đôi trong một thời gian ngắn để sinh sản nhưng không có quan hệ ghép
đôi vững chắc. Đánh dấu bằng mùi là một đặc điểm cực kỳ quan trọng ở tất cả các loài
rái cá và ở những khu vực chúng sống thường có mùi xạ rất rõ rệt. Một đôi tuyến mùi
nằm ở gốc đuôi được sử dụng cho cả việc liên lạc lẫn việc đánh dấu vùng lãnh thổ và
đánh dấu lãnh thổ bằng phân và nước tiểu cũng được chúng sử dụng.

Rái cá lông mũi trước đây có phân bố ở Campuchia, Nam Thái Lan, bán đảo Mãlai,
Sumatra và phía Bắc Borneo cũng như miền Trung và miền Nam Việt Nam. Tại Việt
Nam, nó hiện chỉ sống ở khu vực U Minh của châu thổ sông Mê Kông, nơi chúng gần
đây được phát hiện lại lần đầu tiên sau một vài thập kỷ (khung 14). Môi trường sống
ưa thích của loài động vật khó tiếp cận này vẫn ít được biết đến, nhưng ghi nhận vào
năm 1991 từ bán đảo Mãlai cũng như những báo cáo sau đó từ Campuchia, Thái Lan và
Việt Nam gợi ý là loài này có thể thích sống trong các vùng nước chảy chậm có rừng
bao phủ, trong đó có rừng đầm lầy than bùn. Vì chủ yếu sống dưới nước, rái cá lông
mũi có thể rất dễ bị ảnh hưởng bởi các chất gây ô nhiễm có trong nước có thể làm giảm
số lượng con mồi và có thể tích lũy trong các mô của rái cá. Chúng cũng bị ảnh hưởng
mạnh do việc chuyển đổi thành đất nông nghiệp, chặt cây và cháy rừng vì các hoạt động
này làm mất các môi trường sống có rừng bao phủ và có thể gây ra sói mòn và làm đục
sông suối. Rái cá cũng bị săn bắt, chủ yếu để lấy da.

Rái cá vuốt bé (Aonyx cinerea) cũng phân bố ở châu thổ sông Mê Kông và có thể là rái
cá lông mượt (Lutrogale perspicillata) vẫn còn sống ở đây. Rái cá lông mũi còn được
biết đến rất ít để có thể đánh giá tình trạng bảo tồn.

Tê giác một sừng ( Rhinoceros sondaicus annamiticus )

Năm loài tê giác hiện còn lại trên thế giới, 2 loài sống ở châu Phi và 3 ở châu Á.
Hai trong số này, tê giác lông (Dicerorhinus sumatrensis) và tê giác một sừng, có thể
đã phân bố ở Việt Nam nhưng ít có bằng chứng về sự xuất hiện của tê giác lông
ở trong nước. Tê giác một sừng có kích thước tương đối nhỏ trong nhóm này, nặng
1.500-2.000kg. Ba nếp gấp da dễ nhận thấy tạo cho nó có bề ngoài giống như mặc áo
giáp (hình 57). Các con đực của loài này có một sừng duy nhất, dài khoảng 20cm. Hình
dạng bên ngoài của con cái giống với con đực nhưng không có sừng rõ ràng và có lẽ lớn
hơn con đực.

177/260
Tê giác một sừng có lẽ trước đây đã phân bố ở các đảo Java và Sumatra, lục địa Đông
Nam Á và nhiều vùng ở Ấn Độ. Các quần thể của loài này đã có mặt trên khắp đất nước
cho đến những năm 1930 và 1940. Bất chấp những tin đồn về sự tồn tại của loài động vật
này, nhiều người cho rằng tê giác một sừng đã bị tuyệt chủng sau chiến tranh Mỹ-Việt
Nam. Do đó, vào năm 1988 mọi người đã sửng sốt khi biết một người thợ săn cố bán
sừng và da của một cá thể tê giác một sừng mới chết. Quan sát của người địa phương,
dấu chân và mẫu phân đã xác định được một quần thể nhỏ vẫn còn ở vùng Cát Lộc thuộc
Vườn Quốc gia Cát Tiên. Các bức ảnh đầu tiên của những con thú khó tiếp cận này được
chụp vào năm 1999 từ các bẫy máy ảnh trong vườn. Quần thể này là 1 trong số 2 quần
thể được biết của tê giác một sừng trên thế giới, mỗi quần thể đại diện cho một phân loài
riêng biệt: R. s. annamiticus với một quần thể gồm 5 đến 8 cá thể ở Việt Nam và R. s.
sondaicus, đại diện bởi 50 đến 60 cá thể ở Java.

Các cá thể ở Cát Tiên sống trong rừng thường xanh và bán thường xanh có tre chiếm
ưu thế tại độ cao 300-600m, mặc dù trước đây chúng sống ở nhiều loại môi trường sống
khác nhau trong rừng. Mặc dù tê giác thường sống một mình, chúng đôi khi tụ tập lại tại
các bãi bùn nơi chúng đằm mình để điều chỉnh nhiệt độ và hạn chế vật ký sinh. Chúng
thường xuyên tới các bãi liếm để uống nước có nhiều chất khoáng. Thức ăn ưa thích có
lẽ là cây nhỏ và cây bụi mà chúng lấy bằng lưỡi có thể cầm nắm được, nhưng thức ăn
sẵn có trong các môi trường sống ở mép rừng mà chúng đang ở không đủ. Những mối
đe dọa chính đối với các cá thể này bao gồm săn trộm và mất cũng như sự phân tách nhỏ
môi trường sống, mặc dù săn trộm đã giảm vì số lượng cực kỳ thấp, một phần vì thợ săn
ít khi bắt gặp tê giác. Việc thành lập Vườn Quốc gia Cát Tiên vào năm 1998 đã phần
nào ngăn chặn được việc mất môi trường sống nhưng sự thiếu phối hợp giữa các hoạt
động phát triển bên trong vườn và một vùng đất dùng để phát triển nông nghiệp thâm
canh và ngăn cách giữa hai khu vực của vườn tiếp tục gây ra nhiều vấn đề. IUCN đã xếp
tê giác một sừng vào loại cực kỳ nguy cấp.

Bò biển ( Dugong dugon )

Bò biển là 1 trong 4 thành viên còn sót lại của bộ Sirenia, một nhóm có 3 loài lợn biển
phân bố ở các con sông và vùng ven biển của Tây Phi và châu Mỹ (hình 58). Cùng với
voi (hai loài thuộc bộ Proboscidea) và chuột hyrax (3 loài thuộc bộ Hyracoidea), các
loài thuộc bộ Sirenia là những đại diện cuối cùng của một nhóm thú móng guốc cổ đại,
có tên là Paenungulate, xuất hiện cách đây 65 triệu năm. Dugong không giống các loài
khác ở chỗ nó là loài thú ăn cỏ duy nhất chỉ sống ở nước măn, mặc dù đôi khi nó có xuất
hiện ở các vùng cửa sông. Bò biển gần như chỉ ăn cỏ biển mọc ở các vùng nước nông
ven bờ tại khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới của châu Phi, châu Á và châu Úc.

Bò biển có kích thước lớn, trông vụng về và hơi giống con lai giữa một con cá heo bụ
bẫm và một con moóc. Con trưởng thành có chiều dài trung bình 2.7m và nặng trung
bình 250-300kg, toàn bộ da có màu xám và rải rác có lông nhỏ. Chúng không có chân
sau và vây lưng; chân trước của chúng có dạng mái chèo, ngắn, không có móng và thùy

178/260
đuôi tách đôi giống như ở cá heo. Đặc điểm đáng chú ý nhất của Dugon là cái đầu khổng
lồ của nó cho thấy các đặc điểm thích nghi đặc biệt với đời sống ăn cỏ và kiếm ăn dưới
đáy nước. Mõm có kích thước lớn của nó hướng xuống phía dưới có dạng một cái đĩa
linh động có các hàng râu dùng để tìm thức ăn trên đáy biển. Các con đực, đôi khi sống
lâu hơn con cái, có răng nanh giống như ngà voi trồi ra qua môi dưới của mõm. Chức
năng của răng này chưa rõ ràng – có lẽ là chúng không được dùng để ăn. Chúng có thể
được sử dụng trong các hoạt động xã hội, trong đó có ve vãn con cái, ghép đôi, bảo vệ
lãnh thổ và cạnh tranh với các con bò biển khác.

Dugong dành phần lớn thời gian kiếm ăn trên các bãi cỏ biển. Chúng ăn có chọn lọc và
thường chỉ ăn một số loài cỏ biển và đặc biệt thích ăn các loài sống được trong nhiều loại
môi trường hoặc xâm nhập từ nơi khác. Sự chọn lọc này dẫn tới thức ăn của chúng có ít
chất xơ và có hàm lượng nitơ cao và được phân hủy nhờ các vi sinh vật trong đường tiêu
hóa dài của chúng. Bò biển thích nhổ cả rễ cây từ đáy biển nếu có thể được. Tập tính
kiếm ăn này tạo ra các đường vết ăn uốn lượn dễ nhận ra ở các bãi cỏ biển thường có
thể nhìn thấy khi thủy triều thấp. Vì sở thích về môi trường sống và tập tính kiếm ăn, bò
biển thường sống ở những vùng nước đục và do đó rất khó có thể quan sát và đếm được
số lượng của chúng. Tập tính ghép đôi khác nhau giữa các khu vực địa lý; ở một số quần
thể nhiều con đực tranh giành kịch liệt với nhau để ghép đôi với một con cái đang trong
thời kỳ giao phối và ở các quần thể khác con đực tập trung ve vãn con cái và bảo vệ các
vùng lãnh thổ nhỏ bé ở cạnh nhau và các con cái chỉ đến để giao phối vì những khu vực
này không có bất cứ nguồn lợi nào khác. Con cái có con đầu tiên tương đối muộn, giữa
năm 10 tuổi và 17 tuổi, mặc dù một số ít sinh sản từ năm 6 tuổi. Thời kỳ mang thai kéo
dài từ 13 đến 15 tháng và thời kỳ cho con bú kéo dài 14 đến 18 tháng làm cho giai đoạn
giữa hai thời kỳ mang thai kéo dài từ 2 năm rưỡi đến 7năm. Con bò biển hoang dã sống
lâu nhất được ghi nhận là một con cái 73 tuổi.

Trước đây vùng phân bố của bò biển có liên hệ chặt chẽ với khu vực phân bố của các
loài thực vật là thức ăn của chúng. Phạm vi phân bố của chúng bao gồm các vùng gần
bờ biển nằm trong 37 nước và vùng lãnh thổ, kéo dài từ bờ biển phía Đông của châu Phi
qua châu Á và phía Bắc Ôxtraylia đến New Caledonia. Phân bố của chúng không đồng
đều trên toàn bộ vùng phân bố này, phản ánh chất lượng của môi trường sống không
đồng nhất và các tác động từ hoạt động của con người. Bò biển có lẽ đang giảm sút về
số lượng trên toàn bộ vùng phân bố của chúng. Tại Việt Nam, quần thể duy nhất được
xác nhận là một đàn nhỏ gồm hơn 30 con quan sát được ở Vườn Quốc gia Côn Đảo,
mặc dù các bằng chứng gợi ý rằng chúng tồn tại ở các môi trường sống thích hợp khác
quanh đảo Phú Quốc và các vùng nước ven bờ ở nước láng giềng Campuchia. Mối đe
dọa chủ yếu đối với bò biển là săn bắt; chúng dễ bị bắt, thịt của chúng được cho là ngon
và có giá trị trong thuốc truyền thống. Chúng cũng dễ bị tác động do bị bắt ngẫu nhiên
trong lưới đánh cá và việc mất các bãi cỏ biển do dùng lưới rà và do bão. Do tỷ lệ sinh
sản thấp, các quần thể của bò biển sẽ bị đe dọa nếu có sự gia tăng về tỷ lệ tử vong của
con trưởng thành. IUCN xếp bò biển vào loại sắp nguy cấp.

179/260
Chim

Sông Mê Kông và vùng châu thổ của nó là các môi trường sống quan trọng cho các
loài chim cư trú và chim di cư. Các con số được thu thập được trong khu vực này kể
từ năm 1988 ghi nhận 247 loài và 20 loài trong số này được IUCN xếp vào loại bị đe
dọa toàn cầu hoặc gần bị đe dọa. Xấp xỉ 1/3 các loài chim là chim di cư và 1/2 phụ
thuộc vào các vùng đất ngập nước (trong đó có chim chích, Acrocephalus). Mức độ đa
dạng cao nhất tập trung ở các vùng đồng cỏ và vùng đầm lầy ngập nước theo mùa tại U
Minh, đồng bằng Hà Tiên và Đồng Tháp Mười. Các khu vực này bao gồm một số các
loại môi trường sống cuối cùng còn sót lại của các loài chim nước sống chuyên hóa và
làm tổ trên cây, như già đẫy Java (Leptoptilos javanicus; thuộc loại gần nguy cấp), hạc
cổ trắng (Ciconia episcopus), cò trắng Trung Quốc (Egretta eulophotes; thuộc loại gần
nguy cấp) và quắm đen (Plegadis falcinellus). Một số loài chim di cư một thời đã sinh
sản trong vùng châu thổ nhưng hiện không còn làm tổ ở đây, trong đó có sếu đầu đỏ
(Grus antigone sharpii; thuộc loại gần nguy cấp), cò lạo Ấn Độ (Mycteria leucocephala;
thuộc loại gần bị đe dọa) và bồ nông chân xám (Pelecanus philippensis; thuộc loại gần
nguy cấp).

Sông Mê Kông và các sông nhánh của nó nằm ở vùng đồng bằng tại Việt Nam,
Campuchia và phía Nam của Lào là môi trường sống quan trọng cho một loạt các loài
chim riêng biệt sống ở sông, trong đó có te cựa (Vanellus duvaucelii), nhàn bụng đen
(Sterna acuticauda; thuộc loại gần bị đe dọa) và diều hâu (Milvus migrans). Tuy nhiên,
tại Việt Nam các môi trường sống này phần lớn đã bị xuống cấp ngoại trừ khả năng là
các khu vực thuộc tỉnh Đắc Lắc thuộc miền Trung Việt Nam. Tất cả 3 loài này một thời
đã là các loài chim cư trú ở miền Nam Việt Nam; hiện nay tình trạng của chúng ở đây
không rõ ràng.

Đáng chú ý là, 4 trong số 5 loài chim đặc hữu ở Đông Dương sống ở phía Nam có phân
bố trong các khu rừng thường xanh, bán thường xanh và (trong một số ít trường hợp)
rừng tre. Một trong số các loài này, gà so cổ hung (Arborophila davidi; thuộc loại nguy
cấp), cho đến gần đây vẫn được cho là đặc hữu trong các khu rừng ở vùng Đông Bắc
miền Nam Việt Nam. Vào đầu năm 2002, một bẫy ảnh được đặt ở một vùng xa xôi tại
tỉnh Mondulkiri nằm ở phía Đông Campuchia gần biên giới Việt Nam đã chụp được
ảnh loài này. Loài này hiện có lẽ là phổ biến ở mức độ địa phương tại các độ cao lên
tới 250m trong các vùng phân bố hẹp. Hai loài khác có vùng phân bố hẹp cũng sống ở
đây, gà tiền mặt đỏ (Polyplectron germaini) và chích chạch má xám (Macronous kelleyi)
thuộc loại gần bị đe dọa. Một loài đặc hữu trong các vùng đất ngập nước và phân bố
trong các khu rừng trống này, loài quắm lớn, đang sắp bị tuyệt chủng ở Việt Nam.

Ô tác Đông Nam Á

( Houbaropsis bengalensis blandini )

180/260
Ô tác là loài chuyên sống trong các khu vực đồng cỏ ẩm và không bị ngập nước trong
một thời gian dài (hình 59). Đây là loài ô tác duy nhất (họ Otididae) sinh sản tại vùng
lục địa Đông Nam Á. Có kích thước như các loài vịt lớn, lông của con đực trong thời
kỳ sinh sản chủ yếu có màu đen và cánh chủ yếu có màu trắng dễ nhận thấy khi chúng
bay và khi khép lại ở cạnh thân. Các lông dài màu đen trên đầu, cổ và lưng dựng lên khi
chúng biểu diễn trên không tạo cho chúng có hình dạng hơi giống cái chổi. Trái lại, các
con cái trưởng thành mặc dù lớn hơn con đực (1,7-1,9kg so với 1,25-1,5kg) có màu ít
sặc sỡ hơn với khoang trắng trên cánh chỉ nhìn thấy được khi bay. Các con non trông
gần giống con cái trưởng thành nhưng có màu nhạt hơn. Mặc dù bay giỏi, ô tác thích đi
hoặc chạy trên mặt đất. Thức ăn của chúng thay đổi theo loại thức ăn sẵn có và có thể
bao gồm côn trùng, quả dâu, mầm cỏ và hoa.

Sự khác nhau về màu lông giữa con đực và con cái phản ánh các vai trò khác nhau của
chúng trong việc ghép đôi bừa bãi. Trong mùa khô và trước mùa sinh sản, các con đực
thiết lập các vùng lãnh thổ riêng biệt (2-28ha) với một khu vực trung tâm nhỏ có cỏ thấp
nơi chúng kiếm ăn và biểu diễn cho con cái. Điểm đáng chú ý nhất là bài biểu diễn trên
không mang tính cường điệu trong đó con đực bay cao 3-4m trên mặt đất, hạ xuống và
rồi lại bay lên trước khi bay xuống đất trong một khoảng cách dài 15-25m. Bài biểu diễn
trên không này có kèm theo những tiếng kêu chích chích chích bắt đầu tại điểm bay lên
cao đầu tiên và những tiếng đập cánh ầm ĩ trong lần hạ xuống đầu tiên. Chúng biểu diễn
không thường xuyên (xấp xỉ 1 đến 3 lần trong 1 giờ) vào lúc bình minh và lúc chạng
vạng tối. Con đực biểu diễn khi có con cái hoặc con đực và khi có tiếng kêu của các loài
chim khác. Các hình thức biểu diễn khác bao gồm đứng biểu diễn với lông cổ dựng lên
(thường diễn ra trước khi biểu diễn trên không) và đi với cái đầu gật lên xuống để ve
vãn con cái.

Tập tính của con cái bí ẩn hơn nhiều và đến nỗi gần như không thể tính được tỷ lệ đực
cái của một quần thể nhất định. Con cái đến lãnh thổ của con đực một mình và trong
một thời gian ngắn để giao phối cũng như để kiếm ăn. Chúng thường đẻ một ổ hai trứng
bóng và có màu ôliu –xanh lá cây với các chấm mầu nâu-đỏ tía. Chúng đẻ ngay xuống
mặt đất ở giữa vùng thực vật rậm rạp và tách biệt khỏi vùng lãnh thổ của con đực. Con
đực không chăm sóc con non và con non thuộc loại sớm dưỡng, có khả năng đi (và chạy)
và tự ăn chỉ một thời gian ngắn sau khi chúng nở. Mùa sinh sản kết thúc kết thúc khi
mùa mưa đến vào mùa hè. Khi đó chúng có thể di chuyển đến các vùng đồng cỏ cao gần
đó hoặc di cư một khoảng cách ngắn để tránh lụt.

Hai phân loài của ô tác có phân bố ở châu Á. Phân loài ở Ấn Độ (H. b. bengalensis) có
300-400 cá thể sống thành các quần thể bị chia nhỏ ở vùng Đông Bắc Ấn Độ và Nepal.
Phân loài ở Đông Nam Á phân bố ở Campuchia và ở tỉnh Đồng Tháp và đồng bằng Hà
Tiên thuộc châu thổ sông Mê Kông. Mặc dù quần thể ở Campuchia có thể có số lượng
lên đến một nghìn con, tại Việt Nam loài này hiếm hơn nhiều và các nghiên cứu mới
phát hiện ra các bằng chứng về sinh sản ở trong nước. Những mối đe dọa chủ yếu đối

181/260
với chúng là mất và xuống cấp của vùng đồng cỏ ẩm đặc trưng này cũng như săn bắt để
làm thức ăn và lấy trứng.

Các loài chim khác phụ thuộc vào đồng cỏ tại châu thổ sông Mê Kông bao gồm cú lợn
lưng nâu (Tyto capensis), một loài chim ít được biết đến và sống ở những vùng nhỏ tại
khu vực Đông Dương và di đầu trắng (Lonchura maja) sống tại Vườn Quốc gia Lò Go
Xa Mát thuộc tỉnh Tây Ninh. IUCN xếp ô tác vào loại nguy cấp.

Sếu đầu đỏ ( Grus antigone sharpii )

Sếu đầu đỏ là loài chim bay có chiều cao lớn nhất thế giới; các cá thể trưởng thành có
thể đứng cao gần 1.75m với sải cánh dài gần 3m. Bên cạnh kích thước lớn, đặc điểm đặc
trưng nhất của sếu đầu đỏ là khoảng da trần màu đỏ ở hai bên và phía sau đầu và hơi kéo
dài xuống cổ. Độ rộng của khoảng da trần và màu sắc của nó phụ thuộc vào những kích
thích bên ngoài và các động cơ bên trong; thường là khoảng da này sặc sỡ hơn vào mùa
sinh sản và khi biểu diễn. Phần còn lại của cơ thể có màu xám than chì và được phủ lông
một cách đồng nhất, kể cả phần trên đỉnh đầu và các điểm nhỏ phía sau tai. Con đực và
con cái có bề ngoài gần giống nhau, mặc dù con đực có xu hướng cao hơn con cái. Con
non có màu nâu xám, có lông cả ở đầu và cổ, và màu lông ít sặc sỡ hơn có thể để bảo
vệ chúng khỏi bị ăn thịt. Phân loài ở Đông Nam Á phân bố ở Việt Nam và các khu vực
nhỏ ở Campuchia, Lào và Myanmar. Sếu đầu đỏ có thể ăn nhiều loại thức ăn trong đó
có rễ cây và củ cây đào được nhờ cái mỏ của chúng cũng như các động vật có xương
sống nhỏ (ếch, thằn lằn), động vật không xương sống và đôi khi ăn cá.

Tập tính đặc trưng nhất của sếu đầu đỏ là các bài nhảy phức tạp và song ca như kèn
trompet. Tất cả các loài sếu đều nhảy, thực hiện nhiều bước nhảy và cúi, chạy và bay
ngắn trong khi đó tung cỏ và cành và các vật nhỏ khác lên không trung rất nhịp nhàng.
Chúng bắt đầu biểu diễn những động tác phức tạp này khi còn nhỏ và tiếp tục làm như
vậy trong suốt cuộc đời. Nhảy múa có lẽ là để thực hiện các chức năng khác nhau, trong
đó có quan hệ xã giao, tạo lập và duy trì các mối liên hệ giữa con đực và con cái và loại
bỏ mọi sự căng thẳng. Tuy nhiên, sếu thường nhảy múa không vì một lý do cụ thể nào
và việc nhảy múa khi đã bắt đầu có thể lan ra cả đàn. Song ca giống như kèm trompet
và ầm ĩ được thực hiện do các các đôi sếu và được gọi là hợp xướng. Thường hay xuất
hiện vào đầu mùa sinh sản, những tiếng kêu hợp xướng này là một phần của mối quan
hệ ghép đôi và cũng có chức năng để đánh dấu lãnh thổ và để phản ứng với những kẻ
xâm phạm lãnh thổ. Những tiếng kêu này là một trong vài cách có thể sử dụng để phân
biệt con đực và con cái của sếu đầu đỏ trên thực địa: với mỗi tiếng của con đực con cái
kêu 2 đến 3 tiếng, và khác với con cái, con đực nâng cánh lên trên lưng và hạ thấp các
lông chính dài trên cánh của nó khi kêu. Sếu cổ đỏ tạo ra các tiếng kêu đặc trưng giống
như kèn trompet từ khí quản bị biến đổi đặc biệt và cuộn lại; tạo ra những tiếng kêu to
nhất trong các loài sếu, người ta có thể nghe thấy chúng từ khoảng cách hơn 1km.

182/260
Sếu đầu đỏ có đời sống một vợ một chồng, và nếu thuận lợi chúng có thể có sống với
nhau cả đời. Cuộc sống một vợ một chồng đã hình thành cả hình thái (không có sự khác
biệt về giới tính) và tập tính của chúng (tiếng kêu hợp xướng) và theo đó liên quan đến
sinh thái, tuổi thọ và các điều kiện để sinh sản thành công. Mùa sinh sản của sếu đầu
đỏ liên quan chặt chẽ với gió mùa ở Đông Nam Á và tại Campuchia mùa sinh sản có lẽ
diễn ra từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 11. Trong mùa sinh sản, sếu đầu đỏ bảo vệ các
vùng lãnh thổ trong các khu vực đất và trảng ngập nước theo mùa được bao quanh bởi
các khu rừng dầu khô và chúng sẽ không sinh sản nếu mực nước quá thấp. Đôi chim sẽ
xây tổ rất to, thấp và lộn xộn bằng cách nhổ các thực vật xung quanh, chất vào thành
một đống lớn có đường kính ở phần đáy xấp xỉ 3m với nước bao bọc xung quanh. Con
cái đẻ 2, đôi khi đẻ 3 quả trứng màu trắng và cả con đực và con cái cùng ấp. Con non rời
khỏi tổ một thời gian ngắn sau khi nở nhưng vẫn tiếp tục được được bố mẹ cho ăn thậm
chí sau khi chúng có thể tự ăn. Mặc dù có tốc độ tăng trưởng cao, con non không bay
cho đến khi chúng gần 3 tháng tuổi (85-100 ngày). Con non vẫn ở cùng với bố mẹ trong
khi di chuyển đến các khu vực trú đông vào mùa khô. Ở nơi trú đông, sếu đầu đỏ sống
trong một hỗn hợp môi trường sống bao gồm đất ngập nước nông, đồng cỏ ướt và các
bãi cói khô. Tại thời điểm này chúng hình thành các đàn không chặt chẽ mặc dù đơn vị
gia đình nói chung vẫn được giữ ổn định. Vào thời điểm bắt đầu của mùa sinh sản tiếp
theo, con non sẽ di chuyển một mình hoặc đi cùng bố mẹ.

Sếu đầu đỏ trước đây có phân bố từ Pakistan đến Philipin và Ôxtrâylia. Các quần thể của
phân loài sếu đầu đỏ ở Đông Nam Á đã giảm đáng kể xuống chỉ còn 500-1500 cá thể.
Vào thời điểm xảy ra chiến tranh Mỹ- Việt Nam, chúng có lẽ biến mất khỏi vùng châu
thổ vì các vùng đất ngập nước bị rút nước và phá rừng để làm giảm độ che phủ cho quân
đội miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên vào năm 1984, chúng đã được phát hiện lại lần đầu
tiên ở trong vùng đất ngập nước đã được hồi phục tại Đồng Tháp Mười. Để bảo vệ sếu
và môi trường sống dễ bị ảnh hưởng của chúng, Khu Bảo tồn huyện Tràm Chim, nay là
vườn quốc gia, đã được thành lập vào năm 1986. Các nỗ lực tiếp tục hồi phục khu vực
này bằng cách tái tạo các dòng chảy tự nhiên là nền tảng tạo ra năng suất và mức độ đa
dạng của hệ sinh thái.

Phân bố và sự di chuyển của sếu đầu đỏ vẫn còn ít được biết đến, nhưng chúng có lẽ sinh
sản chủ yếu ở vùng phía Bắc và Đông Bắc Campuchia và tận cùng phía Nam của Lào.
Chúng cũng đã thử sinh sản ở vùng tận cùng phía Nam của các tỉnh Gia Lai và Đắc Lắc.
Chúng trú đông trong mùa khô chủ yếu là ở Campuchia và châu thổ sông Mê Kông của
Việt Nam. Cũng có một quần thể nhỏ sinh sản ở Myanmar. Các ghi nhận ở Việt Nam
trong vòng 5 năm trước trong đó có Vườn Quốc gia Tràm Chim thuộc tỉnh Đồng Tháp,
Khu Bảo tồn Kiến Lương đang được đề xuất thuộc tỉnh Kiên Giang, Vườn Quốc gia Cát
Tiên thuộc tỉnh Đồng Nai và tỉnh Đắc Lắc. Mối đe dọa chính đối với sếu đầu đỏ vẫn là
săn bắt và tỷ lệ sinh sản thấp do trứng bị lấy cắp.

Không có loài sếu nào khác có phân bố ở miền Nam Việt Nam. Các loài chim nước lớn
khác có thể phân bố trong cùng môi trường sống của vùng châu thổ với sếu đầu đỏ bao

183/260
gồm cò lạo Ấn Độ, hạc cổ trắng, cò nhạn (Anastomus oscitans; một loài cò khác) và
quắm cánh xanh (Pseudibis davisoni). IUCN xếp sếu cổ đỏ vào loại sắp nguy cấp.

Quắm cánh xanh ( Pseudibis davisoni )

Quắm cánh xanh được cho là loài chim nước lớn bị đe dọa nhiều nhất ở vùng Đông
Dương. Mặc dù chưa bao giờ có mật độ cao, loài chim có kích thước lớn và mập này đã
có thời phổ biến ở mức độ địa phương trong toàn bộ vùng phân bố của nó từ Myanmar
chạy ngang đến Tây Nam của Vân Nam và về phía Nam đến vùng Đông Dương và đảo
Borneo. Số lượng của chúng đã giảm sút đáng kể từ năm 1950 và hiện chỉ còn phân bố
rải rác ở một vài địa điểm ở vùng cực Nam của Lào, phía Bắc Campuchia, phía Nam
Việt Nam và dọc theo các dòng sông phía bên trong đảo Borneo.

Quắm cánh xanh là một thành viên của họ Threskiornithidae (họ cò quăm), là nhóm có
hình thái mỏ đặc biệt. Loài quắm này có mỏ dài, cong xuống phía dưới và có màu xám
được sử dụng để tìm côn trùng sống dưới nước, giáp xác, thân mềm, cá nhỏ và lưỡng cư
sống trong các vùng nước nông. Có cơ thể rắn chắc, cao 0.75-0.85m, loài này có chân
và bàn chân khỏe, màu đỏ và đi lại dễ dàng. Lông hoàn toàn có màu nâu với lông ở
cánh có màu xanh lá cây pha xanh da trời sặc sỡ. Đầu không có lông và gần như đen với
một vòng cổ không có lông màu trắng xanh quanh phần cổ phía trên và gáy. Tên tiếng
Anh của nó (quắm vai trắng) có nguồn gốc từ mảng lông màu trắng đặc biệt ở phần phía
trong của cánh và chỉ nhìn thấy được khi bay nhưng thường bị che đi khi đứng. Không
thể phân biệt được con đực và con cái trên thực địa và con non có màu xỉn hơn và nâu
hơn và đầu có lông đầy đủ.

Quắm cánh xanh có lẽ đã một thời phân bố trong nhiều loại môi trường sống trên đất
ngập nước. Hiện chúng phân bố hạn chế tại các ao, hồ, suối, đầm lầy và các vùng đất
ngập nước theo mùa nằm trong các khu rừng bán thường xanh, rừng dầu rụng lá một
mùa, và rừng tràm trong đầm lầy. Không giống phần lớn các loài quắm khác chúng
không thực sự sống thành đàn và thường sống một mình hoặc sống thành cặp và các đàn
nhỏ. Chúng cũng làm tổ một mình hoặc trong một đàn nhỏ. Con đực và con cái làm một
cái tổ lớn, hơi lộn xộn từ que, cỏ, cây dạng cỏ và các loại thực vật khác. Tổ được đặt
ở trên cây khoảng 6-12m trên mặt đất. Con cái đẻ 2-4 trứng màu trắng và trong những
tuần đầu con non cần có rất nhiều sự chăm sóc, trong đó có ủ ấm và cung cấp thức ăn ựa
ra và được tiêu hóa một phần. Quắm cánh xanh là loài chim cư trú và ít khi di chuyển,
có lẽ là chỉ di chuyển khi mực nước thay đổi. Trước đây, khi số lượng của chúng nhiều
hơn, chúng có thể di chuyển theo mùa.

IUCN xếp quắm cánh xanh vào loại cực kỳ nguy cấp. Hiện nay, số lượng quắm xanh
trên toàn thế giới ít hơn 500 cá thể và có thể chỉ còn 150 cá thể. Quắm xanh bị đe dọa do
khai thác một cách trực tiếp (săn bắt để ăn thịt, lấy trứng và để phục vụ việc buôn bán
chim sống), xáo trộn do con người gây ra và sự biến đổi môi trường sống ưa thích của

184/260
chúng và các vùng ngập nước trong rừng. Mặc dù hiếm ở Việt Nam, môi trường sống
này vẫn còn nhiều ở Việt Nam.

Tại Việt Nam, quắm xanh chỉ phân bố ở 2 địa điểm: huyện Kiến Lương thuộc tỉnh Kiên
Giang nằm ở châu thổ sông Mê Kông và Vườn Quốc gia Cát Tiên thuộc tỉnh Đồng Nai.
Cả hai quần thể này có lẽ quá nhỏ để có thể tự tồn tại và sinh sản được. Các quần thể
nhỏ khác còn sót lại có thể vẫn tồn tại trong các môi trường sống thích hợp ở vùng Đông
Dương, trong đó có các tỉnh Tây Ninh, Gia Lai và Đắc Lắc. Vào năm 2003, một quần
thể nhỏ (xấp xỉ 30 cá thể và là quần thể lớn nhất ở lục địa Đông Nam Á) được quan
sát thấy ở tỉnh Stung Treng phía Đông Bắc Campuchia, và có lẽ ở các môi trường sống
thích hợp nhưng chưa từng phân bố ở Campuchia và Lào. Mặc dù có khả năng chúng
sẽ tái định cư và có khả năng tồn tại trong những quần thể trước đây chưa biết đến, loài
này có thể sẽ bị tuyệt chủng trong thập kỷ tới.

Hai loài quắm khác có phân bố trong châu thổ sông Mê Kông, quắm đen (Plegadis
falcinellus) và quắm đầu đen (Threskiornis melanocephalus). Gần đây, loài thứ 4, quắm
lớn có tên gọi đúng theo đặc điểm của nó, lần đầu tiên được phát hiện lại tại Việt Nam
sau 68 năm.

Chim cổ rắn ( Anhinga melanogaster melanogaster )

Cũng có tên là cổ rắn trong tiếng Anh vì bề ngoài trông giống rắn khi bơi, chim cổ rắn
là loài có phân bố rộng ở cựu lục địa và sống trong các vùng đất ngập nước nhiệt đới,
cận nhiệt đới và ôn đới ấm từ vùng cận Sahara ở châu Phi và Madagascar qua phía Nam
châu Á đến New Guinea và Ôxtraylia. Mặc dù có phạm vi phân bố địa lý rộng lớn như
vậy, IUCN xếp chim cổ rắn vào loại gần bị đe dọa vì số lượng của chúng bị giảm sút
nhiều trong 30 năm qua. Các quần thể tại Đông Nam Á đặc biệt bị ảnh hưởng và mặc
dù trước đây có phân bố rộng số lượng của chúng đã bị giảm sút đáng kể ở tất cả mọi
nơi trừ các vùng ở Campuchia. Trước đây từng cư trú ở miền Trung và miền Nam Việt
Nam, chim cổ rắn hiện chỉ sinh sản ở vùng sông Mê Kông với một vài ghi nhận về khả
năng không sinh sản của quần thể sống gần phía Nam Trường Sơn.

Chim cổ rắn là 1 trong 2 loài thuộc họ Anhingidae, điềng điễng châu Mỹ (A. anhinga)
rất giống với chim cổ rắn và sống trong môi trường sông tương tự tại châu Mỹ. Chim
cổ rắn thường được chia thành 3 phân loài (đôi khi được công nhận là loài); chim cổ rắn
phương Đông ở Việt Nam (A. m. melanogaster) có phân bố từ Ấn Độ đến Philipin và
đảo Sulawesi. Chim cổ rắn có bề ngoài và đặc điểm kiếm ăn rất giống cốc. Chúng được
phân biệt nhờ cổ dài và mảnh, đuôi dài, mỏ thon giống dao găm nhưng không có móc
như cốc. Lông có màu nâu sẫm, trở thành bóng và gần như đen ở các con đực trong thời
kỳ sinh sản, với sọc màu nhạt chạy từ tai xuống phía bên cổ và lông phía trên cánh có
màu trắng bạc nổi bật. Đặc điểm đặc trưng của chim cổ rắn và điềng điễng châu Mỹ là
sự tiến hóa của 2 đốt sống cổ bị biến đổi tạo thành một cái bản lề cho phép cổ uốn ra
phía sau thành hình chữ S. Đầu sau đó có thể lao ra phía trước rất nhanh với một lực rất

185/260
lớn để xiên vào mỏ – do đó tên tiếng Anh thông dụng của nó là cái tiêu. Chim cổ rắn chủ
yếu sống ở những vùng nước ngọt lặng, kín đáo và nông – đặc biệt ở những vùng trống
như hồ, sông chảy chậm và đầm lầy. Chúng cần có thực vật sống ở mép nước hoặc trên
những đảo nhỏ để sinh sản, đậu và ngủ.

Chim cổ rắn chủ yếu ăn cá nhỏ dài 10cm hoặc nhỏ hơn và ăn thêm bò sát sống dưới
nước (rùa, rắn) và động vật không xương sống (côn trùng, thân mềm, giáp xác). Chúng
thường lặn từ mặt nước, vươn đầu và cổ dài của chúng về phía trước và lặng lẽ lẩn xuống
dưới mặt nước giống như một cái tầu ngầm mặc dù chúng cũng có thể nhảy xuống từ
những nơi đậu phía trên mặt nước. Chim mỏ rắn không phải là những động vật đi săn
năng động, thay vì đó nó chờ con mồi đi đến và đâm xuyên vào nó bằng hàm dưới hơi
mở và có khía răng cưa. Sau đó chúng nổi lên mặt nước và lắc cho cá rời ra khỏi mỏ,
tung nó lên trên không và nuốt cả con, đầu vào trước. Việc lặn được trợ giúp bằng một
cấu trúc nhỏ ở trong lông của chúng khiến cho chúng hấp thụ nước rất nhanh và như vậy
làm giảm lực nổi. Chim cổ rắn hoàn toàn bị ướt khi ở trong nước và sau khi lặn, chúng
đậu và dang cánh ra để cho lông khô và để giữ ấm. Đặc điểm ngấm nước này là lý do tại
sao chim cổ rắn bơi giống như rắn vì chỉ có đầu và phía trên cổ ở trên mặt nước.

Chim cổ rắn có thể làm tổ một mình trong các đàn có cấu trúc lỏng lẻo hoặc cùng với
quắm, diệc, cò và cốc. Con đực lôi kéo con cái vào nơi làm tổ mà nó đã chọn gần mặt
nước và con đực và con cái có đời sống một vợ môt chồng cùng làm tổ lớn trên cây trên
cây từ que, sậy được lót bằng lá xanh và cành cây. Mặc dùng chúng làm tổ cách nhau
vài chục cm, chim cổ rắn có lãnh thổ và có thể trở nên hung hăng đối với các các con
chim tiến đến tổ của nó. Con cái đẻ trung bình 4 trứng; trứng có màu xanh da trời lẫn
xanh lá cây, được phủ một lớp giống như phấn và có một đầu rất nhọn. Chim non ăn cá
ựa ra và được tiêu hóa một phần và tiến dần đến các loại thức ăn cứng chúng lấy ra từ
sâu trong cổ họng của bố mẹ khi chúng lớn lên. Chúng rời bố mẹ trước khi chúng được
2 tháng tuổi.

Chỉ còn khoảng 4000 cá thể chim cổ rắn còn tồn tại ở Nam và Đông Nam Á. Tại Việt
Nam chúng phân bố tại châu thổ sông Mê Kông và sinh sản tại U Minh Thượng và Tràm
Chim nơi đếm được 141 cá thể vào năm 1999. Số lượng giảm sút là do săn bắt và khai
thác trứng, nhưng các mối đe dọa khác bao gồm sự xuống cấp và mất môi trường sống,
xáo trộn ở những nơi ngủ và nơi làm tổ, ô nhiễm (sinh sản được cho là bị giảm sút do
dichlorodiphenyl-trichloroethane [DDT] được sử dụng tại Việt Nam) và có thể bị bắt
ngẫu nhiên trong lưới đánh cá.

Di đầu trắng Việt Nam ( Lonchura maja vietnamensis )

Di đầu trắng là loài sống trong vùng đồng cỏ và là loài chim cư trú ở Sumatra, Java, bán
đảo Mãlai và phía Nam Thái Lan. Cho đến năm 1994, phạm vi phân bố của nó không
có Việt Nam. Khi đó một vài cá thể được nhận biết trong các kiện hàng chim quốc tế
xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh. Các cuộc khảo sát và phỏng vấn sau đó ghi nhận

186/260
loài chim này ở châu thổ sông Mê Kông và vùng Nam Trung Bộ của Việt Nam và quần
thể này được cho là một phân loài riêng biệt (vietnamensis). Nó có lẽ là loài chim cư trú
hiếm tại Việt Nam mặc dù chưa có thông tin chắc chắn về tình trạng của quần thể này.

Di là nhóm chim có kích thước nhỏ, thân tròn, có mỏ hình nón và chủ yếu ăn hạt. Phân
loài di đầu trắng của Việt Nam trên thực tế có đầu màu nâu nhạt, màu trắng chỉ có ở
vùng mắt và có yếm cùng với cổ có màu nâu. Thân của nó có màu nâu đỏ đến màu hạt
dẻ ở phía trên và màu đen ở phía dưới và ở chân; con cái có màu hơi xỉn hơn con đực.
Loài này có lẽ là sống một vợ một chồng và con đực và con cái làm tổ hình cầu với
đường vào ở phía bên cạnh hơi dốc xuống phía dưới từ cỏ và lá dài và được lót bằng
thực vật nhỏ và mịn hơn. Di đầu trắng có lẽ sinh sản từ tháng 2 đến tháng 10, mặc dù
chúng có thể sinh sản bất cứ khi nào thời tiết thuận lợi và thức ăn đầy đủ.

Di đầu trắng ở miền Nam Việt Nam phân bố các vùng đồng cỏ ở khu vực đồng bằng, các
cánh đồng trồng cây và ruộng lúa và thường sống thành đàn hỗn hợp với loài di đầu đen
(L. malacca) có số lượng nhiều hơn – nhưng vẫn hiếm. Hai loài này, trong số nhiều loài
khác, đang chịu sức ép rất lớn từ việc đánh bẫy để cung cấp cho các thị trường buôn bán
chim hót trong nước cũng như trên thế giới. Bên cạnh việc mua để thả trong các lễ hội
Phật giáo, di cũng là các loài nằm trong các hoạt động buôn bán chim cảnh ngày càng
trở nên phổ biến. Những người chơi chim cảnh trưng bày những con chim này trong
lồng vì vẻ đẹp và tiếng hót của chúng và cũng là biểu tượng của sự giàu có và thanh thế.
Các hoạt động nông nghiệp thâm canh và việc mất đồng cỏ cũng như đầm lầy cũng có
thể đóng góp vào sự tuyệt chủng của 2 loài di này.

Di đầu trắng hiện rất hiếm ở Việt Nam và phân loài của Việt Nam có thể gần bị tuyệt
chủng và nên được xếp vào loại bị đe dọa ở trong nước. Ghi nhận duy nhất của phân
loài này gần đây là ở các vùng sậy tại U Minh Thượng.

Lưỡng cư và bò sát

Xấp xỉ 125 loài bò sát và lưỡng cư có phân bố tại vùng châu thổ sông Mê Kông trong
số này gần một nửa là các loài rắn. Khu hệ này ít đa dạng – đặc biệt là lưỡng cư – và có
ít loài đặc hữu hơn so với khu hệ lưỡng cư và bò sát ở các khu vực khác của Việt Nam.
Nhiều loài bò sát là những loài sống ở vùng đồng bằng có quan hệ mật thiết với môi
trường nước, như kỳ đà hoa (Varanus salvator), rồng đất (Physignathus cocincinus) và
rắn cạp nia (giống Bungarus) hoặc sống hoàn toàn dưới nước, trong đó có giải khổng lồ
(Pelochelys cantorii), rắn Phô Đôn (Fordonia leucobalia) và rắn bồng (giống Enhydris).

Ba loài bò sát đặc hữu có phân bố ở châu thổ sông Mê Kông và các đảo ở miền Nam Việt
Nam. Hai loài chỉ có phân bố ở Côn Đảo là thạch sùng ngón Côn Sơn (Cyrtodactylus
condorensis) và một loài thằn lằn mù, không chân là thằn lằn giun Côn Đảo (Dibamus
kondaoensis) được mô tả vào năm 2001. Một loài thằn lằn giun mới khác, thằn lằn giun
Deharveng (D. deharvengi) được mô tả vào năm 1999 từ các khu rừng ven biển của tỉnh

187/260
Bà Rịa – Vũng Tàu và chỉ được biết từ địa điểm này. Vì các loài thằn lằn này sống dưới
mặt đất, rất khó điều tra chúng và các loài sống trên đất liền có thể có phân bố rộng hơn.

Các loài bò sát trước đây đã từng sống trong vùng châu thổ nhưng ở mức độ địa phương
hiện đã bị tuyệt chủng, trong đó có cá sấu Xiêm (Crocodylus siamensis) và rùa Batagua
(Batagur baska). Loài cá sấu Xiêm thuộc loại cực kỳ nguy cấp nhìn chung đều được
công nhận là đã bị tuyệt chủng ở Việt Nam vào năm 2000 do sự kết hợp của việc săn
bắt để lấy da và thịt và để cung cấp cho các trang trại nuôi cá sấu. Các chuyên gia bảo
tồn đã thả một số cá thể vào Vườn Quốc gia Cát Tiên vào những năm 2001-2002 trong
một nỗ lực nhằm tái lập một quần thể có thể tồn tại được trong thiên nhiên. Trăn gấm
(Python reticulatus) và rùa lưng (Notochelys platynota) có lẽ đang sắp bị tuyệt chủng ở
đây nếu chúng chưa bị tuyệt chủng. Các loài bò sát hiếm và bị đe dọa toàn cầu khác có
phân bố ở châu thổ sông Mê Kông và các vùng nước ven biển lân cận gồm có rùa hộp
lưng đen (Cuora amboinensis), rùa đất lớn (Heosemys grandis), rùa ba gờ (Malayemys
subtrijuga) và rùa răng (Hieremys annandalii) và tất cả các loài này đều được IUCN xếp
vào loại gần nguy cấp.

Đồi mồi Thái Bình Dương ( Eretmochelys imbricata bissa )

Tại Việt Nam, đồi mồi một thời có phân bố từ đảo Cát Bà trong vịnh Bắc Bộ về phía
Nam đến châu thổ sông Mê Kông và vịnh Thái Lan (hình 60). Phân bố hiện tại của nó
ít được biết đến (có ít nghiên cứu tập trung vào các loài rùa biển của Việt Nam) và các
quần thể sinh sản đáng kể chỉ phân bố tại các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ngoài
khơi miền Trung Việt Nam và Côn Đảo và Đảo Phú Quốc ở phía Nam. Tám loài rùa
biển, kể cả đồi mồi là bò sát và do đó phải dựa vào các môi trường sống trên cạn để đẻ
trứng. Tuy nhiên, thời gian còn lại chúng sống hoàn toàn trong nước biển ở vùng nhiệt
đới và chủ yếu vì lý do này những chi tiết về đời sống cũng như tập tính của chúng ít
được biết đến.

Đồi mồi mẹ đẻ trứng trên bãi biển và vùi chúng vào cát. Khi chúng nở, các con non có
chiều dài 0.4-0.5cm chỉ đơn giản đi xuống biển từ bãi biển vào buổi đêm. Chúng trôi
một cách thụ động trên nước biển trong một thời gian ăn tảo biển, trứng cá và các loại
thức ăn khác. Khi chúng dài khoảng 35cm, các cá thể thuộc phân loài của vùng Ấn Độ
- Thái Bình Dương phân bố tại Việt Nam định cư tại các khu vực kiếm ăn trên các rạn
san hô và ở các vùng nước nông gần bờ như vịnh và cửa sông. Sau đó chúng sau đó
sống phần lớn thời gian trong khu vực này và phát triển đến chiều dài khoảng 90cm. Ba
năm một lần (hoặc lâu hơn), các cá thể đồi mồi trưởng thành về mặt sinh sản di cư hàng
trăm và có thể hàng nghìn dặm về vùng nơi chúng nở ra. Sau khi giao phối, con đực trở
về vùng kiếm ăn xa xôi trong khi con cái di chuyển những quãng đường ngắn đến bãi
biển, nơi chúng đẻ 2 đến 3 ổ trứng có số lượng 130 quả (trung bình) mỗi ổ cách nhau
2 tuần trước khi quay lại nơi kiếm ăn. Con cái tiếp tục trở về khu vực nằm trong phạm
vi 5km quanh các bãi đẻ này trong toàn bộ thời gian sinh sản còn lại của nó. Cho đến
cuối những năm 1980, các nhà khoa học cho rằng đồi mồi lấy năng lượng cho những

188/260
chuyến di cư phức tạp và các chu kỳ sinh sản bằng cách ăn các loại thức ăn tạp và gần
như không phân biệt. Tuy nhiên vào năm 1988, một nghiên cứu chi tiết về thành phần
thức ăn trong ruột của đồi mồi sống ở Đại Tây Dương (C. i. imbricata) trong vùng biển
Caribê cho thấy sự chuyên hóa cao về thức ăn: bọt biển. Sự chuyên hóa về thức ăn này
là một đặc điểm vô cùng hiếm ở động vật có xương sống và những trường hợp tương tự
chỉ có ở một số ít các loài cá chuyên hóa cao. Vì sao hình thức ăn này lại hiếm như vậy?
Bọt biển thường ít khi bị động vật khác ăn vì các cơ chế tự vệ đáng sợ: sự có mặt của
các gai nhỏ bằng silicat giống như thủy tinh trong mô của chúng (các cấu trúc giống như
gai) và các hợp chất hóa học độc. Do ăn loại thức ăn này, dạ dày của đồi mồi có thể chứa
hơn 50% silica theo trọng lượng khô và sự có mặt của các chất độc trong mô của chúng
có thể giải thích cho một số trường hợp tử vong ở người sau khi ăn thịt đồi mồi. Đáng
chú ý là đồi mồi có lẽ không có hình thái hoặc tập tính chuyên hóa để ăn và tiêu hóa loại
thức ăn này. Đồi mồi không phải là loài rùa biển duy nhất có loại thức ăn khác thường.
Rùa da (Dermochelys coriacea), một loài rùa biển khác sống trong các vùng biển của
Việt Nam có thức ăn đa số là sứa.

Các nỗ lực bảo tồn đồi mồi ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào các bãi đẻ tại Vườn Quốc
gia Côn Đảo. Các con đồi mồi cái có mang trứng rất nhạy cảm với ánh sáng, tiếng ồn và
các hoạt động khác của con người và các ổ trứng bị đe dọa trực tiếp do các hoạt động lấy
trứng để ăn và để cho các hoạt động nuôi đẻ. Các bãi đẻ chính trong vùng quần đảo này
hiện đã được giám sát và bảo vệ và hơn 30 ổ trứng được ghi nhận hàng tháng (thời điểm
đẻ trứng nhiều nhất là từ tháng 3 đến tháng 8). Các cá thể đồi mồi trưởng thành được
khai thác để lấy mai, các vẩy màu hổ phách trong mờ có vằn vàng, đen và đỏ được lấy
ra khỏi mai bằng cách hơ nóng. Cả đồi mồi nhồi và các sản phẩm làm từ mai, từ gọng
kính đến bật lửa, đều có sẵn với nhiều chủng loại tại thành phố Hồ Chí Minh và ở các
nơi khác trong nước, trong đó có cả các cửa hàng bán miễn thuế ở sân bay. Việc bảo tồn
đồi mồi còn bị cản trở bởi sự thiếu hiểu biết về các kiểu di cư và mối liên hệ giữa các
khu vực khiến cho việc tìm hiểu tỷ lệ chết và quy luật sinh sản càng khó khăn hơn.

Vích (Chelonia mydas) cũng đẻ trên các bãi biển tại Côn Đảo. Cả rùa biển đầu to
(Caretta caretta) lẫn rùa da đều phân bố ở khu vực này nhưng không đẻ ở đây. Đồi mồi
được IUCN xếp vào loại cực kỳ nguy cấp. Vào năm 2002, chính phủ Việt Nam đã ban
hành các điều luật để ngăn cấm việc bắt và buôn bán rùa biển và các sản phẩm phụ của
chúng.

Cá sấu hoa cà và cá sấu Xiêm

( Crocodylus porosus và C . siamensis )

Có 2 loài cá sấu phân bố ở Việt Nam, cá sấu hoa cà và cá sấu Xiêm. Cá sấu hoa cà,
là loài cá sấu lớn nhất trên thế giới, có chiều dài trung bình 5-6m và có thể nặng hơn
1.000kg. Nó có đầu to, hàm lớn, hai gờ đặc trưng chạy dọc theo phần giữa mõm, vẩy
hình ôvan ở bên sườn và vẩy hình chữ nhật ở phần bụng. Trưởng thành về mặt sinh sản

189/260
từ 10 đến 12 năm tuổi, các cá thể trưởng thành thường có màu sẫm với bụng có có màu
vàng nhạt hoặc trắng. Đúng theo tên tiếng Anh của nó (cá sấu nước mặn), cá sấu hoa cà
thích nghi với môi trường nước mặn; môi trường sống ưa thích của nó là gần biển, tại
các cửa sông và kênh. Tuy nhiên, nó có thể sống trong các sông nước ngọt, đầm lầy và
hồ. Chúng có lẽ ăn nhiều loại thức ăn khác nhau, trong đó có cá, giáp xác, chim nước
và rắn. Cá sấu hoa cà trước đây có phân bố ở châu thổ sông Mê Kông, đảo Phú Quốc
và Côn Đảo. Các quần thể tự nhiên có lẽ không còn tồn tại trong tự nhiên ở Việt Nam,
chủ yếu là do những sức ép rất mạnh mẽ từ săn bắt. Loài này bị đe dọa do săn bắt và
sự phá hủy môi trường sống ở nhiều khu vực trong phạm vi phân bố của nó. Tuy nhiên,
có các quần thể lớn tại Papua New Guinea và Ôxtrâylia với số lượng ước tính khoảng
100.000-150.000 cá thể tại miền Tây Ôxtrâylia, Queensland và Northern Territory.

Có kích thước cơ thể nhỏ hơn (dài 3.5-4m), cá sấu Xiêm có phần nhô lên đặc biệt bằng
xương ở phía sau đầu. Các cá thể non rất giống cá sấu hoa cà, nhưng cá thể trưởng thành
có mõm rộng hơn và có nhiều vảy chạy ngang dọc theo cổ. Cá sấu Xiêm sống trong các
đầm lầy nước ngọt và các dòng sông chảy chậm phía trên mực nước thủy triều. Những
hiểu biết ít ỏi về sinh thái và tập tính của loài này chủ yếu có nguồn gốc từ các cá thể
nuôi, mặc dù người ta cho rằng trong tự nhiên chúng ăn các động vật nhỏ như cá, rắn và
giáp xác. Cá sấu Xiêm trưởng thành vào thời kỳ 10 năm tuổi và con non có thể ở với mẹ
ít nhất là 2 năm. Là một trong những loài cá sấu thuộc loại nguy cấp nhất, cá sấu Xiêm
trước đây phổ biến ở Việt Nam từ vùng miền Trung đến châu thổ sông Mê Kông; phân
bố trước đây của nó kéo dài khắp vùng Đông Nam Á trừ Philipin. Loài này đã biến mất
tại phần lớn các khu vực trong phạm vi phân bố, mặc dù một số ít quần thể vẫn tồn tại
ở các khu vực tại Lào, Campuchia và có thể cả Thái Lan. Các mối đe dọa đối với cá sấu
Xiêm bao gồm sự phá hủy môi trường sống, lấy trứng, săn bắt để lấy da và thịt, bắt cho
các trang trại nuôi cá sấu và bị chết đuối trong các lưới đánh cá sợi đơn. Các trại nuôi cá
sấu để sản xuất da, sinh con non và lấy thịt có mặt nhiều nơi ở châu thổ sông Mê Kông.
IUCN xếp cá sấu Xiêm vào loại cực kỳ nguy cấp.

Nhái lưỡi và ếch gáy dô

(Glyphoglossus molossus và Limnonectes toumanoffi)

Các khu vực đồng bằng thuộc lục địa Đông Nam Á có mức độ đa dạng về ếch tương
đối thấp và châu thổ sông Mê Kông ở Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ của quy
luật phân bố này. Để sinh sản, nhiều nhóm ếch ở Đông Nam Á cần những dòng nước
chảy, trong, có hàm lượng ôxi hòa tan cao và do không có những môi trường sống này ở
phần lớn các khu vực tại miền Nam Việt Nam các loài này không sống được ở đây. Tuy
nhiên, một số loài ếch đáng chú ý sống ở miền Nam Việt Nam, trong đó có nhái lưỡi và
ếch gáy dô.

Nhái lưỡi (họ Microhylidae) có tên tiếng Anh là ếch hình quả bóng và được đặt tên như
vậy là do bề ngoài rất không cân đối. Đầu bé tí, có một cái mũi tù và nhỏ và miệng

190/260
hướng xuống phía dưới, được gắn với phần thân béo phị và to quá cỡ; loài ếch này dài
khoảng 7cm. Cổ của nó gần như biến mất do phần kéo dài phẳng từ đầu xuống đến phần
cơ thể to lớn. Da ở phần thân nhăn nheo có màu xám đến màu nâu đen có đốm nhạt màu
hơn ở phía trên và đốm màu kem đến trắng ở phía dưới. Nhái lưỡi hay đào bới và xương
bên trong ở bàn chân sau có cạnh đào lớn và sắc giúp chúng đào ngược về phía sau ở
dưới đất. Đào xuống nền đất ẩm hơn và mát hơn là một hình thức tự vệ phổ biến trong
mùa khô để chống lại sự mất nước. Giống như nhiều loại thực vật và động vật khác sinh
sản trong vùng châu thổ, việc sinh sản của nhái lưỡi gắn liền với mưa theo gió mùa. Sau
khi có mưa nhiều, con đực kêu để thu hút con cái đang trong mùa sinh sản. Con cái đẻ
trứng trong các vũng nước mưa hình thành tạm thời. Nhái lưỡi có lẽ tương đối phổ biến
trong các môi trường sống thích hợp từ miền Nam Việt Nam (trong đó có châu thổ sông
Mê Kông) đến bán đảo Thái Lan và phía Bắc Myanmar.

Ếch gáy dô có hình dạng bên ngoài cũng kỳ quặc như vậy. Loài này ít được biết tới và
có phân bố ở Campuchia và vùng lân cận là miền Nam Việt Nam. Ếch gáy dô có nhiều
đặc điểm giống với loài ếch nhảy thông thường có chân dài, da có vân cẩm thạch màu
nâu đỏ ở phía trên và màu trắng ở phía dưới. Tuy nhiên đầu của nó rất lớn so với thân
và ở phần giữa có một cái bướu hoặc cái u lớn mọc lên từ giữa 2 mắt chạy xuống phía
sau đầu và tại đây nó đột ngột hạ thấp xuống. Chức năng của cái bướu này vẫn chưa
được biết. Ở một số loài ếch sống trong suối tại Đông Nam Á con đực có đầu to trong
mùa sinh sản và tham gia vào những trận đánh nhau bằng đầu để tranh giành con cái và
nơi làm tổ (cả hai đều có thể không đủ để đáp ứng nhu cầu). Bướu to của ếch gáy dô
có thể có chức năng tương tự. Sự có mặt của các đặc điểm sinh dục thứ cấp ở ếch đực
tương đối phổ biến và có thể bao gồm gai, răng nanh cũng như các mảng da sần sùi để
có thể giúp con đực bám vào con cái trong khi giao phối. Rene Bourret, là chuyên gia
nghiên cứu bò sát lưỡng cư có ảnh hưởng lớn nhất trong số những người nghiên cứu đầu
tiên ở vùng Đông Dương, mô tả loài ếch gáy dô vào năm 1942 từ mẫu vật duy nhất của
một cá thể đực thu được tại Mimot, Campuchia phía bên kia biên giới của tỉnh Tây Ninh
của Việt Nam; nó được đặt tên theo Constantin Toumanoff, là người đứng đầu phòng
thí nghiệm về y học côn trùng tại Viện Pasteur ở Sài Gòn vào thời gian đó. Ngoài sự
xuất hiện của nó ở Việt Nam, loài ếch này ít được biết đến. Nó có lẽ sinh sản ở các vùng
nước yên tĩnh dọc theo các suối có nước trong nằm bên ngoài vùng châu thổ.

Ở miền Nam Việt Nam, nhái lưỡi và ếch gáy dô ít phổ biến hơn nhiều so với các loài
đã định cư được ở các cánh đồng lúa, như ễnh ương thường (Kaloula pulchra) và chẫu
tràng mép trắng (Polypedates leucomystax). Có lẽ chỉ tìm được chúng vào ban đêm. Tất
cả các loài lưỡng cư trong các khu vực tự nhiên của vùng châu thổ đều bị đe dọa do việc
thay đổi và mất môi trường sống, đặc biệt là chuyển đổi sang nông nghiệp. Ngoài ra,
một số báo cáo cho rằng nhái lưỡi được dùng làm thức ăn tại Thái Lan.

191/260
Rắn cạp nia (giống Bungarus)

Mười hai loài rắn cạp nia thuộc giống Bungarus có màu sắc sặc sỡ, rất độc và phân bố
từ Pakistan đến Indonêsia. Chúng thuộc họ Elapidae (có 272 loài nằm trong 62 giống)
là một nhóm rắn có nhiều loài, phân bố trên toàn thế giới và đa dạng bao gồm cả rắn hổ
mang, rắn san hô phân bố ở Nam Mỹ và các loài họ hàng khác. Họ Elapidae được phân
biệt bởi một đặc điểm chung là có răng nọc độc không dịch chuyển được nằm ở phía
trước của mồm. Trong số 5 loài rắn cạp nia phân sống ở Việt Nam, 3 loài phân bố ở miền
Nam Việt Nam: Rắn cạp nia Nam (Bungarus candidus), rắn cạp nong (B. fasciatus) và
rắn cạp nia đầu vàng (B. flaviceps).

Mặc dù ba loài rắn cạp nia của vùng châu thổ này giống nhau về mặt sinh thái cũng như
tập tính, chúng rất khác nhau về màu sắc. Rắn cạp nia Nam, có thể dài tới gần 1,5m,
có sọc vằn đen trắng xen kẽ nhau ở phía trên. Các phần trắng mở rộng ra khi chúng đi
xuống phía sườn và chúng hình thành nên phần bụng dưới hoàn toàn trắng. Đầu có màu
xám đen với môi có màu sáng hơn và bên dưới có màu trắng. Rắn cạp nong cũng có sọc
ngang và gần như toàn thân có sọc màu vàng nhạt và màu đen có kích thước bằng nhau.
Đầu của nó có màu đen ở phía trên với môi trên có màu vàng và có chấm vàng trên mũi
và phía bên đầu. Đây là loài rắn cạp nia lớn nhất cà có thể dài tới hơn 2m. Trái lại, rắn
cạp nia đầu vàng trông rất đẹp lại không có sọc. Thân của nó có màu xanh đen óng ánh
trừ phần đầu và đuôi có màu đỏ tươi sặc sỡ và phần bụng có màu trắng ngà. Nó có thể
dài tới 1,9m. Tất cả ba loài rắn này đều có gờ nằm dọc theo lưng và tạo cho cơ thể chúng
có hình tam giác theo lát cắt ngang.

Rắn cạp nia Nam, rắn cạp nong và rắn cạp nia đầu vàng đều hoạt động vào ban đêm, và
là các sinh vật sống một phần dưới nước. Trước đây chúng được cho là chủ yếu ăn các
loài rắn khác (động vật ăn rắn), hiện nay chúng được biết là có ăn cả thằn lằn bóng, thằn
lằn, ếch, ếch giun, thú nhỏ và trứng rắn. Tất cả các loài này đẻ trứng, số lượng trứng
trong một ổ của rắn cạp nia Nam và rắn cạp nong thay đổi từ 4 đến 14 quả; số lượng
trứng trong ổ của loài rắn cạp nia đầu vàng hiếm hơn ít được biết đến. Ba loài rắn này
sống trong các khu rừng từ vùng đồng bằng đến vùng núi, thường là gần nơi có nước;
rắn cạp nong cũng sống ở vùng trống khô hơn và ở các ruộng lúa. Rắn cạp nia Nam và
rắn cạp nia đầu vàng có vùng phân bố gần giống nhau ở Đông Nam Á, từ phía Nam
Myanmar và Thái Lan đến Indonêsia và Malaysia. Rắn cạp nong cũng có chung vùng
phân bố này và còn phân bố ở phía Nam Trung Quốc và ở vùng Tây Tạng-Himalaya.
Có thể ăn được nhiều loại thức ăn và có những sở thích về môi trường sống khác nhau
có thể giúp giải thích tại sao 3 loài rắn này có thể cùng tồn tại ở miền Nam Việt Nam.

Nọc độc của rắn cạp nia có lẽ có tác dụng chính như một chất độc thần kinh, ngăn chặn
sự liên lạc giữa các khớp của sợi thần kinh và gây ra tê liệt và chết do ngạt thở vì nạn
nhân không thể tự mình thở được nữa. Bất chấp tiềm năng gây chết người của chúng,
rắn cạp nia thường không được coi là rủi ro lớn đối với con người vào ban ngày. Trái lại
được mô tả là chậm chạp, thờ ơ và gần như không bao giờ tấn công, chúng thường ẩn

192/260
nấp vào ban ngày, khi bị quấy rầy chúng chúi đầu vào đất hoặc giấu đầu vào vòng cuộn
phẳng hoặc tròn của phần thân. Chúng là những động vật đi săn hoạt động vào ban đêm
và có thể hung dữ và cực kỳ nguy hiểm. Rắn cạp nia được coi là các loài rắn có ý nghĩa
về mặt y học vì nọc độc nguy hiểm của nó và tiềm năng của việc sử dụng các chất độc
tố thần kinh có trong nọc độc của nó trong việc tìm kiếm các tế bào cảm nhận kích thích
truyền cảm ứng. Đáng tiếc là bản chất nọc độc của nó cũng biến chúng trở thành một
thành phần có giá trị của các loại thuốc truyền thống của châu Á. Việc tiêu thụ rắn độc
hoặc rượu thuốc làm bằng cách ngâm chúng trong rượu được sử dụng để chữa nhiều loại
bệnh, trong đó có bệnh thấp khớp. Cùng với các loài rắn độc khác, rắn cạp nia hoang dã
của Việt Nam bị săn bắt ráo riết để phục vụ các nhu cầu trong nước cũng như phục vụ
các hoạt động buôn bán quốc tế.

Theo ước tính số lượng các loài cá sống trên toàn bộ chiều dài của sông Mê Kông là gần
1.200. Xấp xỉ 260 loài đã được ghi nhận tại châu thổ sông Mê Kông của Việt Nam, mặc
dù chắc chắn số lượng thực tế cao hơn con số này. Nhiều loài cá sống trong hệ thống hệ
thống sông Mê Kông là những loài di cư, di chuyển xuôi ngược dòng sông hùng vĩ này
và các sông nhánh của nó cùng với những thay đổi về lượng nước theo mùa. Hiện tượng
di cư này thường diễn ra vào ban đêm và thường đóng một vai trò quan trọng trong chu
kỳ sinh sản khi các quần thể di chuyển giữa vùng kiếm ăn và vùng sinh sản.

Cá nheo khổng lồ của sông Mê Kông (Pangasianodon gigas)

Cá nheo khổng lồ của sông Mê Kông (họ Pangasiidae) là loài đặc hữu ở sông Mê Kông
và các sông nhánh của nó có phân bố từ vùng châu thổ của Việt Nam về phía Bắc qua
Campuchia, Lào và Thái Lan đến tận phía Nam của tỉnh Vân Nam tại Trung Quốc (hình
61). Trong thế kỷ 20, sự kết hợp của việc đánh cá và xuống cấp của môi trường sống
cùng với việc phát triển sông Mê Kông đã làm cho loài cá này gần như tuyệt chủng trong
tự nhiên. Vùng phân bố và mật độ của nó đã giảm xuống đáng kể và đã bị biến mất khỏi
tỉnh Vân Nam, Đông Bắc của Thái Lan và Việt Nam. Mặc dù nhiều loài cá nước ngọt
đang bị đe dọa trong khu vực, cá nheo khổng lồ của sông Mê Kông là loài cá lớn nhất và
đã trở thành mục tiêu chính của các nỗ lực bảo tồn. Những điều chưa được biết về lịch
sử tự nhiên, vòng đời và cấu trúc quần thể phản ánh những thách thức đối với việc bảo
tồn những loài tương tự.

Mặc dù loài cá nheo khổng lồ này là một trong những loài cá nheo của sông Mê Kông
được nghiên cứu nhiều nhất, sinh thái và tập tính của chúng vẫn còn ít được biết đến.
Đặc điểm đáng chú ý nhất của nó là kích thước khổng lồ: loài này có thể dài đến 3m
và nặng hơn 300kg; một mẫu vật dài 2,2m bắt được vào năm 1932 có trứng nặng 40kg.
Chúng chủ yếu ăn tảo từ các tảng đá (và đôi khi nuốt cả đá vào bụng trong lúc ăn) và có
thể đạt tới trọng lượng 150-200kg trong vòng 6 năm. Tốc độ lớn này đặt chúng vào vị trí
những loài cá nước ngọt lớn nhanh nhất trên thế giới. Như các thành viên khác cùng họ,

193/260
cá nheo khổng lồ của sông Mê Kông có các đặc điểm thích nghi về mặt hình thái và tập
tính cho việc tăng tối đa tốc độ lớn, trong đó có các thói quen ăn rất nhiều và đường tiêu
hóa cũng như phần bụng có thể giãn ra rất lớn. Ngoài kích thước của nó, loài cá nheo
này có các đặc điểm đặc trưng của họ: da trơn không có vảy có màu trắng đến màu xám
nhạt, vây lưng, vây hậu môn và vây đuôi có màu xám sẫm hơn. Chúng có một cái vây
nhỏ, không có xương và có nhiều mỡ ở phần phía dưới. Râu cá (râu cảm giác) ở môi
trên và môi dưới rất phát triển ở con non nhưng teo lại và thậm chí biến mất ở các cá thể
già hơn.

Trước đây, cá nheo khổng lồ của sông Mê Kông trong một chừng mực nào đó gần như
chắc chắn là loài di cư, và nó có lẽ vẫn còn di cư, mặc dù các chu kỳ tự nhiên đã không
còn rõ ràng và bị phá vỡ do sự suy giảm rất nhiều về số lượng của nó và những thay đổi
về các môi trường sống cũng như dòng chảy của sông. Nó được cho là di chuyển lên
phía thượng lưu khi nước lũ rút xuống (vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân) và trở lại
vùng hạ lưu khi con sông lại phình ra do băng tan và mưa theo mùa. Các quần thể lớn
nhất còn sót lại của cá nheo khổng lồ của sông Mê Kông có lẽ phân bố tại Campuchia
(đáng chú ý là ở sông và hồ Tonle Sap), Thái Lan và Lào nơi những ngư dân địa phương
đôi khi bắt được các cá thể của loài này. Nơi đẻ và thời gian đẻ của chúng vẫn chưa được
biết. Gần đây không có bằng chứng là chúng đẻ ở miền Bắc của Thái Lan, nhưng sự xuất
hiện của các cá thể có kích thước nhỏ hơn ở Tonle Sap chứng tỏ chúng đẻ tự nhiên tại
sông Mê Kông mặc dù kết luận này vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Vào năm 1984, chính
phủ Thái Lan đã bắt đầu chương trình nuôi đẻ và thả lại vào tự nhiên, nhưng sản lượng
đánh cá ở khu vực này tiếp tục giảm sút. Vì khoảng cách và hướng di chuyển, địa điểm
đẻ trứng và đặc điểm sinh thái của sự phát triển của ấu trùng chưa rõ ràng, các mối liên
hệ giữa di cư, sinh sản, tình trạng của quần thể và cấu trúc di truyền gần như vẫn chưa
được biết đến.

Giải quyết những vấn đề này đóng vai quan trọng trong việc bảo tồn loài cá nheo khổng
lồ của sông Mê Kông và các loài cá di cư khác của con sông này. Nếu không biết vòng
đời của loài cá này, khó có thể chọn lựa và bảo vệ các khu vực cần thiết cho sinh sản,
giám sát tình trạng và số lượng của quần thể và ước tính tác động của nhiều đập thủy
điện đã được dự kiến lên quá trình di cư và sự tồn tại của chúng. Tìm hiểu cấu trúc di
truyền của các quần thể sẽ xác định được liệu quần thể ở Campuchia và Thái Lan là 1
hay 2 quần thể riêng biệt và việc thả lại cá có tác động gì, nếu có, lên các quần thể trong
tự nhiên. Bước đầu tiên tiến tới giải quyết các câu hỏi này đã được thực hiện qua chương
trình mua và thả lại tại khu vực đánh cá của sông Tonle Sap, nơi các nhà nghiên cứu
mua cá nheo khổng lồ của sông Mê Kông từ những ngư dân địa phương và đo đạc, đánh
dấu và thả chúng lại vào sông. Chương trình này nhằm mục đích cứu các cá thể sinh sản
trưởng thành và sau đó thu thập thông tin sinh học về loài cá này. Thách thức cuối cùng
trong việc cứu loài cá nheo khổng lồ của sông Mê Kông khỏi bị tuyệt chủng là bản chất
công việc này cần tham gia của nhiều nước. Việc bảo tồn có hiệu quả cần sự phối hợp
của 5 nước và mỗi nước có các ưu tiên khác nhau trong việc bảo tồn, phát triển và về tài
nguyên thiên nhiên. IUCN xếp cá nheo khổng lồ của sông Mê Kông và loại nguy cấp.

194/260
Cá bơn nước ngọt khổng lồ (Himantura chaophraya)

Cá bơn nước ngọt khổng lồ có hình đĩa và có thể có đường kính thân hơn 2m và nặng
hơn 300kg với một số cá thể được ghi nhận nặng tới 600kg. Con số này đã biến nó thành
một trong những loài cá đuối lớn nhất thế giới và có thể vượt qua cá nheo khổng lồ
của sông Mê Kông để trở thành động vật có xương sống lớn nhất ở sông Mê Kông. Nó
được chính thức mô tả lần đầu tiên vào năm 1990, mặc dù các ngư dân và các nhà khoa
học trong khu vực đã biết đến nó từ trước đó rất lâu. Mặc dù được mô tả từ hệ thống
sông Chao Phraya ở Thái Lan, nó cũng xuất hiện tại phần sông Mê Kông ở Việt Nam,
Campuchia, Lào và Thái Lan và ở các hệ thống sông khác tại Indonesia, Ôxtrâylia và có
thể cả New Guinea. Vì khảo sát còn hạn chế nên phân bố của loài cá bơn này vẫn còn ít
được biết đến.

Không giống như hầu hết các loài cá đuối có đuôi dài (70 loài thuộc họ Dasyatidae) sống
ở biển, cá bơn nước ngọt khổng lồ là một trong khoảng 8 loài chỉ sống trong các hệ sinh
thái nước ngọt ở khu vực Indo-Mãlai. Loài cá bơn này sống ở đáy sông có cát và chúng
chủ yếu ăn các loài động vật không xương sống sống dưới đáy bằng cách hút con mồi
lên qua mồm nằm ở phía dưới thân của nó. Nó thở bằng cách lấy nước qua cái lỗ nằm
ở phía sau mắt và đẩy nước ra qua khe mang nằm ở phía dưới thân. Thân của nó là một
cái đĩa mỏng, chiều dài hơi lớn hơn chiều rộng, có màu nâu đến màu xám ở phía trên
và màu trắng ở dưới cùng với các vạch màu đen rộng, đặc trưng nằm xung quanh cạnh
bên ngoài . Đuôi mỏng, giống như roi và dài hơn chiều dài cơ thể. Giống như tất cả các
thành viên của họ này, cá bơn đẻ con và con non khi đẻ ra có đường kính khoảng 30cm.

Cá bơn nước ngọt khổng lồ có lẽ là bị đánh bắt trực tiếp và ngẫu nhiên; các cá thể lớn
được cắt thành các phần nhỏ và thịt tươi của nó được bán ở chợ. Nó cũng bị đe dọa do
sự xuống cấp của môi trường sống (lắng đọng phù sa và ô nhiễm) và việc làm đập ngăn
cản các phần khác nhau của quần thể gặp gỡ để sinh sản. Có bằng chứng cho thấy các
quần thể cá bơn nước ngọt khổng lồ từ các vùng khác nhau, trong đó có Đông Dương,
Indonesia và New Guinea có thể là các loài khác nhau. Điều này khiến các nỗ lực bảo
tồn tại địa phương dọc theo sông Mê Kông càng trở nên quan trọng.

Động vật không xương sống

Các loài vùng nhiệt đới và sống ở khu vực đồng bằng chiếm ưu thế trong khu hệ động
vật không xương sống của châu thổ sông Mê Kông, đặc biệt là những loài có thể thích
nghi với các điều kiện bị biến đổi nhiều trong môi trường ẩm. Và cũng giống như ở các
nơi khác của Việt Nam, nhóm này vẫn còn ít được quan tâm nghiên cứu. Điều này xảy
ra ngay cả khi mức độ đa dạng về động vật không xương sống của vùng châu thổ đóng
một vai trò đáng kể cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Về mặt kinh tế, các loài động vật không xương sống ở biển quan trọng – trong đó có
cua, tôm và thân mềm – được khai thác tự nhiên ở các vùng ven biển tại miền Nam của

195/260
Việt Nam để ăn và đem bán. Chỉ mới gần đây việc định loại 2 loài cua bùn phổ biến bị
khai thác với số lượng lớn từ vùng rừng ngập mặn tự nhiên mới được xác nhận (Scylla
olivacea và S. paramamosain). Các tài nguyên thiên nhiên hiện được bổ sung thông qua
việc nuôi tôm đang được mở rộng rất nhanh và hầu như hoàn toàn để phục vụ xuất khẩu.
Cả các loài bản địa và loài ngoại nhập đều được sử dụng và quan trọng nhất là loài tôm
sú (Penaeus monodon) có phân bố tự nhiên ở Đông Phi, Philipin và Ôxtrâylia. Vào năm
2002, chỉ riêng tại Mỹ, Việt Nam xuất khẩu 45.000 tấn tôm có giá trị xấp xỉ 480 triệu
đôla và con số này đã tăng lên gần gấp đôi vào nửa đầu năm 2003.

Mức độ đa dạng của động vật không xương sống cũng liên quan đến tình trạng của nông
nghiệp ở khu vực. Một số loài côn trùng được biết đến nhiều nhất ở vùng châu thổ là
châu chấu (họ Delphcaidae) và cào cào (họ Cicadellidae). Những nhóm ăn nhựa cây này
là những nhóm gây hại nhiều cho lúa trên khắp thế giới, làm giảm sản lượng bằng cách
ngăn chặn sự lưu thông của nhựa cây và truyền bệnh. Loài động vật không xương sống
ngoại lai, ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata) cũng là một loài gây hại nhiều cho lúa.
Việc nghiên cứu đang được tập trung vào những loài động vật không xương sống là
thiên địch của các loài gây hại mùa màng và có khả năng đóng vai trò quan trọng trong
việc kiểm soát sâu bệnh.

Trai khổng lồ (giống Tridacna)

Chín loài trai khổng lồ thuộc họ Tridacnidae là các loài thân mềm hai mảnh vỏ lớn nhất.
Đây là một nhóm cũng bao gồm hàu, trai và điệp và chúng là một thành phần đặc trưng
của các rạn san hô trong khu vực nhiệt đới Indo-Thái Bình Dương. Loài Tridacna gigas
có thể sống tới 40 năm, dài 1.4m và nặng 265kg. Hai loài phân bố trong các rạn san hô
của Việt Nam, T. squamosa và T. maxima có kích thước nhỏ hơn, có chiều dài lớn hơn
31cm. Áo (các nếp gấp bên ngoài của mô thân hở ra khi con trai mở nắp) của hai loài
này có màu sắc sặc sỡ, thường có đốm màu xanh da trời và mà xanh lá cây.

Giống như phần lớn họ hàng thân mềm của chúng, các loài trai khổng lồ chủ yếu ăn các
mảnh vụn và các sinh vật rất nhỏ được lọc từ nước. Chúng cũng là vật chủ của loài tảo
sống cộng sinh gọi là tảo cộng sinh sống trong áo của trai. Các loài tảo này cũng có khả
năng quang hợp và là một nguồn thức ăn cho trai. Để đổi lại, chúng được bảo vệ nhờ
sống trong vỏ trai cứng. Có lẽ có thể có nhiều loài tảo cộng sinh sống trong một con
trai khổng lồ, mặc dù chúng có lẽ sẽ cạnh tranh nhau để chiếm chỗ. Điều này có thể cho
phép trai thích nghi với các mức độ ánh sáng khác nhau vì mỗi loài tảo cộng sinh có sở
thích về ánh sáng khác nhau. Vì quang hợp cần ánh sáng, các loài thuộc họ này có phân
bố giới hạn ở vùng nước nông, thường sống ở phía trên cùng của các rạn san hô. Có lẽ
là chúng có thể hướng các thùy hở ra thuộc vùng áo của chúng để tăng tối đa sự tiếp xúc
với ánh sáng mặt trời, giống như cây có thể hướng lá của nó. Các loài khác sống trong
trai khổng lồ bao gồm một số loài tôm và một loài ốc ký sinh.

196/260
Các loài của họ này lưỡng tính, có nghĩa là chúng sở hữu các cơ quan sinh dục của cả
hai giới và giải phóng cả tinh trùng và trứng vào nước. Trứng đã thụ tinh trở thành ấu
trùng (giai đoạn chưa trưởng thành) và phát tán tự do trong nước. Sau một vài ngày, các
ấu trùng này bắt đầu định cư và bắt đầu có hình dạng bên ngoài giống con trai. Sau một
tuần nữa, chúng không di chuyển nữa và trong nhiều năm phát triển thành trai khổng lồ.

Phân bố của các loài trai ở Việt Nam vẫn còn ít được biết đến mặc dù chúng có thể có
phân bố quanh đảo Phú Quốc và Côn Đảo. Trên thế giới chúng có phân bố rộng kéo dài
từ biển Đỏ và Đông Phi đến phía Tây của Thái Bình Dương.

Các nền văn hóa ở Thái Bình Dương từ lâu đã sử dụng các loài trai này làm thức ăn,
nhưng khai thác và các sức ép khác lên các quần thể gần đây đã tăng lên. Các môi trường
sống ở rạn san hô của chúng đang bị đe dọa do khai thác san hô và các kỹ thuật đánh
cá hủy diệt và vì lượng phù sa lắng đọng tăng lên do chặt rừng và phát tiển trên bờ
làm giảm ánh sáng cần thiết cho quá trình quang hợp. IUCN xếp cả T. maxima và T.
squamosa vào loại có nguy cơ thấp - phụ thuộc vào các nỗ lực bảo vệ.

KHÁI QUÁT VỀ THIÊN NHIÊN HOANG DÃ Ở MIỀN NAM VIỆT NAM

Miền Nam của Việt Nam có những khu vực có nhiều loài chim nước lớn, các quần xã
đa dạng ở biển và có cơ hội (mặc dù không xảy ra thường xuyên) nhìn thấy một trong
những loài động vật trên cạn hiếm nhất trên thế giới. Một số khu vực bảo vệ được mô tả
ở đây khó có thể tiếp cận được, nhưng chúng thực sự đáng khám phá.

Vườn Quốc gia Cát Tiên

(Tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước)

Bên cạnh việc là nơi cư trú của quần thể tê giác một sừng cuối cùng còn lại ở lục địa
Đông Nam Á, Vườn Quốc gia Cát Tiên cũng là nơi những loài thú lớn dễ được quan
sát nhất ở miền Nam. Một chuyến xe vào buổi đêm qua các vùng đồng cỏ của vườn có
thể phát hiện được những đàn nai (Cervus unicolor) lớn, một loài hươu có kính thước
lớn, cũng như đôi khi nhìn thấy các loài hoẵng. Ban ngày là thời gian tốt nhất dành cho
quan sát các loài chim, bướm và thực vật mặc dù đi bộ đến Bầu Sấu cũng sẽ thấy được
loài các sấu Xiêm thuộc loài cực kỳ nguy cấp được thả lại ở đây. Mặc dù tre là nhóm
thực vật chiếm ưu thế tại vườn, vườn cũng có các khu rừng thường xanh và bán thường
xanh vùng đồng bằng cũng như các vùng đất ngập nước. Các hồ, phá và ao nằm rải rác
quanh vườn là nơi cư trú của nhiều loài chim nước cũng như loài diều hoa Miến Điện
(Spilornis cheela) tuyệt diệu. Vườn cũng có ít nhất 62 loài phong lan và nhiều loại cây
thuốc.

197/260
Vườn Quốc gia Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp)

Khu bảo tồn sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim tạo cơ hội quan sát không chỉ
loài chim hiếm này (và nếu may mắn có thể thấy các điệu nhảy của chúng) mà còn hơn
200 loài chim khác trong đó có bói cá, diệc, lội suối cũng như khướu, chim chìa vôi và
chim bách thanh. Sếu đầu đỏ cũng dừng chân tại vùng đồng cỏ ngập nước theo mùa tại
Kiên Lương thuộc tỉnh Kiên Giang trong mùa khô.

Khu dự trữ sinh quyển và con người Cần Giờ

(Khu vực thành phố Hồ Chí Minh)

Từ Mỹ Tho, là địa điểm nằm trên một nhánh của sông Mê Kông thuộc tỉnh Bến Tre, bạn
có thể đi thuyền về phía hạ lưu đến vành đai rừng ngập mặn ven biển kéo dài 350km về
phía Nam đến mũi của tỉnh Cà Mau. Khu dự trữ sinh quyển nằm ở vùng ven biển bên
dưới thành phố Hồ Chí Minh. Các khu rừng ngập mặn ở đây là nơi cư trú của cò, bồ
nông và các loài chim nước khác cũng như khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis). Các bãi
bồi và các bờ cát là các môi trường sống quan trọng cho các loài chim di cư ven bờ.

Vườn Quốc gia U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang)

Các khu vực đất ngập nước U Minh nằm ở phía Tây của tỉnh Cà Mau, khoảng 365 km
về phía Tây Nam của thành phố Hồ Chí Minh. Khu vực này là căn cứ quan trọng của
những chiến sĩ kháng chiến trong các cuộc chiến tranh với người Pháp và người Mỹ.
Đáng chú ý là bất chấp những xáo trộn do chiến tranh và những lần cháy rừng gần đây,
U Minh vẫn còn những khu vực đất ngập nước rộng lớn nhất, lâu đời nhất và có số lượng
loài phong phú nhất của châu thổ sông Mê Kông. Mọc trên tầng than bùn dày nhất của
vùng châu thổ (1-3m), các khu rừng đầm lầy ở đây có những chức năng quan trọng đối
với những khu vực xa xôi, trong đó có lọc nước ngầm; giữ và giải phóng chậm nước
ngọt trong mùa khô; và ngăn quá trình axit hóa đất và nước.

Khu vực rừng ngập mặn rộng lớn tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng nở hoa vào tháng
6 và tháng 11 với rất nhiều hoa và ong. Trong nước, gần như đen vì hàm lượng than
bùn cao, có tôm và cua cũng như thỉnh thoảng có rùa – tất cả những loài này có thể bắt
gặp, ở những nơi khá đặc biệt, tại các chợ địa phương. Trong số 186 loài chim được
ghi nhận tại địa điểm này, nhiều loài sống trong rừng và có phân bố rộng. Sống cùng
với các loài này là các loài hiếm hơn và bị đe dọa nhiều hơn, trong đó có một quần thể
sinh sản của già đẫy Java cũng như điềng điễng, quắm đầu đen và cò nhạn. Bên cạnh
loài rái cá mũi lông mới được phát hiện lại, các loài thú khác được ghi nhận gần đây
bao gồm rái cá vuốt bé, sóc đỏ (Callosciurus finlaysoni), cầy vòi hương (Paradoxurus
hermaphroditus), cầy giông (Viverra zibetha), cầy giông đốm lớn (V. megaspila) và tê
tê Java (Manis javanica).

198/260
Các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học của khu vực U Minh bao gồm cháy rừng do
con người gây ra, phát quang hoặc biến đổi sang nông nghiệp theo cách khác, làm khô
than bùn, săn bắn và du lịch không bền vững. Sự phát triển cơ sở hạ tầng theo quy hoạch
cho du lịch bao gồm xây dựng đường xá dẫn đến vùng trung tâm của các khu lõi.

Vườn Quốc gia Côn Đảo và Phú Quốc

(Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Kiên Giang)

Côn Đảo và Phú Quốc có các vùng biển thuộc loại nguyên sinh nhất ở Việt Nam. Côn
Đảo, 80km ngoài khơi phía Đông Nam của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, là một trong những
địa điểm quan trọng nhất đối với việc bảo tồn đa dạng biển và ven biển ở Việt Nam.
Trong hơn 1 thế kỷ, cho đến năm 1985, các chính quyền (chủ yếu là Pháp và miền Nam
Việt Nam) đã vận hành một chế độ tù nhân khét tiếng bị giam giữ trong các điều kiện
tồi tệ tại Côn Sơn, là đảo lớn nhất trong quần đảo này. Đây là địa điểm viếng thăm của
quốc gia vì nhiều người tị nạn chính trị nổi tiếng đã bị giam cầm ở đây.

Một phần vì Côn Đảo trước đây là nhà tù, các khu vực tự nhiên trên đất liền và trên biển
còn tương đối nguyên vẹn so với các khu vực khác ở Việt Nam. Mười sáu đảo của quần
đảo này có các hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, trong đó có các khu rừng thường xanh
vùng đồng bằng, đầm lầy vùng ven biển, các đụn cát vùng ven biển và trong đất liền,
hồ và suối nước ngọt theo mùa. Các khu rừng ngập mặn phân bố ở vùng ven biển phía
Tây của đảo Côn Sơn và ở đảo Bà. Rừng che phủ hơn 80% diện tích và rất nhiều loài
trong số 882 loài thực vật có mạch được ghi nhận là đặc hữu. Một số loài chim sống ở
vùng quần đảo này không có phân bố ở bất cứ nơi nào khác ở Việt Nam, trong đó có bồ
câu Nicoba (Caloenas nicobarica), chim nhiệt đới (Phaethon aethereus), gầm ghì trắng
(Ducula bicolor) và chim điên mặt xanh (Sula dactylatra). Sâu hơn trong đất liền, có thể
quan sát thấy loài sóc đen Côn Đảo thuộc loại hiếm.

Côn Đảo nằm tại điểm tiếp giáp của dòng hải lưu ấm chảy lên phía Bắc và dòng hải lưu
lạnh chảy xuống phía Nam. Cả hai đều mang các loài ấu trùng đến các đảo, tạo ra mức
độ đa dạng cao của các nhóm sinh vật biển. Các rạn san hô dạng diềm và dạng mảng có
loài cá mú lớn (họ Serranidae), các quần thể trai khổng lồ và có mật độ cá san hô cao
nhất từng được ghi nhận ở bất kỳ rạn san hô nào tại Việt Nam. Các bãi cỏ biển là môi
trường sống cho bò biển và vích. Quần đảo này đóng vai trò quan trọng cho việc bảo tồn
rùa biển. Vào năm 1998, 5 địa điểm bờ biển được giám sát tại Côn Đảo có 500 ổ trứng
rùa và 12 đến 13 khu vực bờ biển có rùa biển đẻ trứng khác nằm rải rác trong quần đảo
này.

Đảo Phú Quốc, 40km ngoài khơi phía Tây của bán đảo Cà Mau trong vịnh Thái Lan, là
hòn đảo lớn nhất trong quần đảo này. Rừng thường xanh vùng đồng bằng, thảm thực vật
chiếm ưu thế trên đảo Phú Quốc, vẫn còn che phủ phần lớn diện tích của đảo. Khu hệ
động vật của Phú Quốc còn ít được biết tới. Quần thể bò biển hiện chưa rõ số lượng có

199/260
phân bố trong vùng biển ở đây mặc dù rõ ràng là nó phải chịu sức ép rất lớn từ săn bắt;
chỉ riêng năm 2002, ít nhất 6 cá thể đã bị giết.

Rùa da, rùa biển đầu to, vích và đồi mồi đều đã được quan sát tại khu vực này. Vích
trước đây phổ biến nhưng các quần thể đang bị giảm sút do sự phá hủy các địa điểm
đẻ trứng, việc lấy trứng và khai thác quá mức làm thức ăn và lấy mai. Phú Quốc cũng
nổi tiếng về nước mắm chất lượng cao sản xuất tại đây. Gần một nửa dân số trên đảo
phụ thuộc về mặt kinh tế vào hoạt động sản xuất này. Các rạn san hô xung quanh đảo là
những nơi lý tưởng cho việc lặn và lặn có ống thông hơi để xem các loài cá nhiệt đới và
các sinh vật biển đẹp khác.

Khung 14

Phát hiện lại loài rái cá mũi lông

Rái cá mũi lông (Lutra sumatrana) được Nhóm Chuyên Gia về Rái Cá của IUCN xếp
vào 1 trong 5 loài rái cá cần được sự quan tâm bảo vệ ở mức cao nhất; tình trạng của nó
trên thế giới vẫn chưa rõ ràng. Tại Việt Nam, việc điều tra rái cá mũi lông đã có từ năm
1925, nhưng nó chỉ được phát hiện một vài lần, cho thấy số lượng ít ỏi của nó. Các nhà
khoa học lần đầu tiên quan sát được rái cá mũi lông ở Việt Nam vào năm 1932 và một
vài lần sau đó tới trước năm 1941. Do cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất xảy
ra, loài này không thể khảo sát được và 36 năm sau không có ghi nhận về nó. Khi cuộc
chiến tranh Mỹ-Việt Nam kết thúc, các nhà khoa học Việt Nam lại tiến hành các nghiên
cứu về động vật hoang dã ở miền Nam Việt Nam và vào năm 1977 2 cá thể rái cá mũi
lông được tìm thấy, 1 ở huyện Ngọc Hiên thuộc tỉnh Cà Mau và 1 ở huyện Phùng Hiệp
thuộc tỉnh Cần Thơ. Không có thông tin nào về loài này cho đến năm 2000 khi các nhà
khoa học Việt Nam tiến hành 2 cuộc khảo sát ở châu thổ sông Mê Kông và tìm được
một quần thể rái cá mũi lông tại Khu bảo tồn thiên nhiên U Minh Thượng (nay là vườn
quốc gia) thuộc tỉnh Kiên Giang.

Lần này, bên cạnh việc sử dụng các phương pháp khảo sát cũ (phỏng vấn các các bộ
kiểm lâm và những thợ săn địa phương, tìm các dấu vết và phân và quan sát trực tiếp),
các nhà nghiên cứu đã sử dụng bẫy máy ảnh. Theo phương pháp này, các máy ảnh được
đặt ở các vị trí quan trọng với các bộ phận cảm nhận chuyển động bằng hồng ngoại được
bố trí để chụp ảnh động vật khi chúng đi qua. Kỹ thuật không thâm nhập này được sử
dụng ngày càng nhiều ở nhiều khu vực để phát hiện các loài hiếm và khó tiếp cận. Trong
trường hợp này, nó đã xác nhận được sự tồn tại của một loài bị nghi ngờ là đã tuyệt
chủng ở Việt Nam trong vài thập kỷ. Cuộc khảo sát này cũng ghi nhận loài rái cá vuốt
bé hiếm (Aonyx cinerea) trong các vùng đất ngập nước này.

Việc phát hiện lại loài rái cá mũi lông ở Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc
quy hoạch bảo tồn. Bất chấp những nỗ lực bền bỉ của các cán bộ kiểm lâm, sự tác động
của con người lên khu bảo tồn thiên nhiên này vẫn còn rất mạnh và bao gồm săn bắt,

200/260
đánh cá, lấy thực vật và làm giảm chất lượng nước. Vì Vườn Quốc gia U Minh Thượng
có các quần thể của loài rái cá mũi lông cực kỳ hiếm, việc thành lập một chương trình
giám sát rái cá và một chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc bảo
tồn rái cá cần được ưu tiên. Việc bảo tồn rái cá phụ thuộc vào việc quản lý thành công
các vùng đất ngập nước ở Việt Nam. Hiện nay cách tốt nhất có lẽ là cho phép các cộng
đồng địa phương được khai thác một cách bền vững các khu vực này.

Nguyễn Xuân Đặng, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Hà Nội

201/260
Các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học của
Việt Nam
Đáng tiếc là khi chúng ta bắt đầu hiểu rõ hơn về đa dạng sinh học của Việt Nam, nhiều
loài cũng như toàn bộ hệ sinh thái đang phải đối mặt với các sức ép khủng khiếp đe dọa
sự tồn tại của chúng. Một tỷ lệ lớn các loài động thực vật của Việt Nam đang bị đe dọa
tuyệt chủng. Vào năm 2004, các nhà sinh học của IUCN đã xếp xấp xỉ 16% các loài thú,
9% các loài bò sát (trong đó có tất cả các loài rùa trừ 4 loài) và 5% các loài chim vào
loại bị đe dọa toàn cầu. Nhiều loài cây cũng cũng đã được xếp loại, trong đó có 63%
trong số 24 loài tuế của đất nước. Các con số này chắc chắn còn thấp hơn thực tế vì còn
có ít thông tin về mật độ và phân bố của phần lớn các loài thực vật và động vật và còn ít
thông tin hơn nữa về tình trạng của các quần thể của chúng.

Nếu tiếp tục các xu hướng của thiên niên kỷ trước, tốc độ tăng dân số và tiêu thụ sẽ tiếp
tục tăng lên trong khi khả năng đáp ứng các nhu cầu này của đất và nước đang giảm
sút. Dân số của đất nước tăng lên rất nhanh chóng vào thế kỷ 20 từ 15,6 triệu người vào
năm 1921 đến 54 triệu vào năm 1982, đến gần 80 triệu vào năm 2004; dân số có thể đạt
đến con số 150 triệu vào năm 2050. Dân số của đất nước cũng trẻ với 50% trẻ hơn 25.
Mật độ dân số trung bình khoảng 240 người/km2 với mật độ cao nhất ở các thành phố
Hà Nội và Hồ Chí Minh theo thứ tự khoảng 2.900 và 2.400 người/km2. Bất chấp các xu
hướng đô thị hóa, 3/4 dân số sống ở các khu vực nông thôn. Khi dân số của đất nước
tăng nhu cầu đối với các tài nguyên thiên nhiên cũng tăng theo. Sự tiêu thụ không bền
vững những tài nguyên nước và trên đất liền khắp đất nước được thúc đẩy do nhu cầu
của các thị trường tại địa phương, trong khu vực và quốc tế, tạo ra mối đe dọa to lớn và
trực tiếp đối với đa dạng sinh học của Việt Nam. Những mối đe dọa gián tiếp khác gồm
có sự nghèo đói và yếu kém về quản lý nhà nước (thiếu luật pháp, thiếu sự thi hành các
điều luật hiện hành cũng như ngân sách và khả năng hạn chế).

Các chương trình và chính sách của chính phủ thường thỏa hiệp và tại nhiều thời điểm
làm tăng thêm tác động của các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học. Trong nửa sau
của thế kỷ 20, các chương trình tái định cư do nhà nước đỡ đầu đã di chuyển một số
lượng lớn dân trên khắp đất nước, thường là từ những vùng đồng bằng chủ yếu làm nông
nghiệp và có mật độ dân số cao tới các khu vực miền núi được cho là chưa có đủ sản
xuất. Việc chuyển đổi từ rừng sang nông nghiệp ở mức độ không bền vững và với qui
mô lớn diễn ra sau đó đi kèm theo việc mất đa dạng sinh học. Tương tự, chính phủ Việt
Nam trong nhiều thập kỷ đã khuyến khích nông dân trồng các loại cây nông nghiệp có
giá trị để phục vụ xuất khẩu. Các chính sách này chú trọng đến sản lượng mà không có
quan tâm đến tính bền vững và thúc đẩy việc chuyển đổi các khu rừng tự nhiên sang các
loại cây trồng phục vụ thị trường, như cà phê ở vùng cao nguyên hoặc nuôi tôm ở châu

202/260
thổ sông Hồng và sông Mê Kông. Các tác động tiêu cực lên môi trường càng gia tăng
do chính sách đổi mới của chính phủ được phát động vào giữa những năm 1980.

Thời hạn và chính sách giao đất không phù hợp thường dẫn đến việc không quản lý
được các tài nguyên thiên nhiên và đe dọa đa dạng sinh học vốn có trong khu vực. Một
số chính sách được ban hành mà không có sự cân nhắc tới các hậu quả có thể xảy ra đối
với môi trường tự nhiên, trong khi đó một số chính sách khác thực sự cố gắng giải quyết
các vấn đề về bảo tồn. Một biện pháp nhằm làm giảm xung đột giữa các lâm trường và
người dân địa phương là luật đất đai ban hành vào năm 1993 thúc đẩy việc đầu tư từ địa
phương vào việc quản lý rừng và bảo tồn các khu vực rừng còn sót lại. Điểm mấu chốt
của chính sách này là chuyển quyền sở hữu đất và rừng từ nhà nước sang cho các hộ gia
đình.

Sự tin tưởng vào khả năng thành công của chính sách giao đất trong việc cân đối giữa
nhu cầu của con người với việc bảo vệ rừng dựa trên cơ sở của việc chuyển trách nhiệm
quản lý rừng tới những người nông dân đã nhận đất. Hơn nữa, chính sách này cho phép
những người dân địa phương, đặc biệt là những người du cach du cư, các quyền sở hữu
đất lâu dài. Chính sách này dựa trên cơ sở là người dân địa phương sẽ quản lý các nguồn
tài nguyên một cách bền vững. Đáng tiếc là một số khó khăn đã xuất hiện. Ở một số khu
vực, việc tư hữu hóa do nhà nước ban hành và những vấn đề về tài sản của địa phương
là tách rời, dẫn đến việc oán giận hoặc từ chối chính sách này vì khả năng bị mất đi
quyền sở hữu đất đai của làng hoặc của hộ dân. Ở một số vùng khác, việc tư hữu hóa đất
đã làm tăng thêm những khác biệt về kinh tế trong cộng đồng, giữa một số hộ gia đình
sở hữu diện tích đất lớn và một số khác không được sở hữu. Tương tự, các vùng đất bỏ
hoang được duy trì trong các hệ thống nông nghiệp du canh du cư truyền thống hiện bị
bỏ không và được tái phân phối. Việc mất các vùng đất bỏ hoang cản trở hệ thống du
canh du cư, buộc những người nông dân phải trồng trọt nhiều hơn trên một diện tích đất
nhỏ hơn bằng cách kéo dài thời gian trồng cây và rút ngắn thời gian bỏ hoang. Điều này
dẫn đến làm giảm chất lượng môi trường như làm giảm độ màu mỡ của đất và có thể
buộc những người nông dân phát quang những khu đất mới.

Bên cạnh những mối đe dọa gián tiếp này đối với đa dạng sinh học của Việt Nam, một
số mối đe dọa trực tiếp có tác động rõ ràng hơn. Hai mối đe dọa trực tiếp và quan trọng
nhất đối với đa dạng sinh học của Việt Nam là khai thác quá mức các tài nguyên thiên
nhiên và sự suy giảm và mất môi trường sống. Mức độ ảnh hưởng tương đối của chúng
phụ thuộc vào từng loài hoặc môi trường sống được quan tâm. Mối đe dọa ít được biết
đến hơn là từ các loài xâm nhập (loài bản xứ hoặc loài ngoại nhập, được giải phóng một
cách vô tình hay hữu ý) và nhanh chóng mở rộng các quần thể và chiếm ưu thế so với
các loài khác và có tiềm năng gây ảnh hưởng xấu đến toàn bộ hệ sinh thái. Ô nhiễm
có tiềm năng quan trọng, nhưng hiện có ít thông tin về những tác động trực tiếp của nó
lên đa dạng sinh học ở Việt Nam. Tương tự, những tác động của khí hậu thay đổi trên
toàn cầu còn ít được biết tới nhưng nó có lẽ sẽ có những tác động lâu dài và nặng nề do
đất nước có đường bờ biển dài và các châu thổ có độ cao thấp. Mặc dù một mối đe dọa

203/260
không đủ để gây ra tuyệt chủng của một quần thể hoặc một loài động vật hoang dã hoặc
phá hủy một hệ sinh thái, nhiều mối đe dọa kết hợp với nhau lại là một vấn đề hoàn toàn
khác.

Khai thác quá mức động vật và thực vật ở Việt Nam

Việc khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam liên quan đến
nhiều hoạt động trong đó có săn bắt, đánh cá, khái thác gỗ và thu thập động vật và thực
vật không bền vững. Khai thác quá mức đã trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng đối
với đa dạng sinh học của Việt Nam và ngày càng mở rộng ra nhiều loài động thực vật
khác trong khi đã có hàng trăm loài bị ảnh hưởng. Hoạt động săn bắt và thu thập nhằm
phục vụ nhiều loại nhu cầu và các lĩnh vực kinh tế khác nhau, từ phục vụ nhu cầu sinh
sống của người dân địa phương đến các hoạt động buôn bán (chủ yếu là bất hợp pháp)
tại các thị trường trong nước và quốc tế. Việc buôn bán diễn ra ở mức độ rất lớn, cả về
phạm vi lẫn mức độ đe dọa của nó đối với đa dạng sinh học toàn cầu. Những ước tính
hiện nay cho rằng giá trị buôn bán động vật hoang dã ở châu Á nằm trong khoảng 5 tỉ
đến 10 tỉ đôla một năm, đã cho thấy đây là một thị trường quốc tế bất hợp pháp chỉ đứng
sau buôn bán ma túy và vũ khí.

Nhu cầu dẫn tới việc khai thác động vật hoang dã có nguồn gốc văn hóa sâu xa được
hình thành từ 2000 năm trước. Các giá trị truyền thống của người châu Á đối với việc
tiêu thụ động vật hoang dã được dựa trên sự kết hợp phức tạp giữa các yếu tố về dinh
dưỡng và thuốc. Ăn động vật hoang dã được cho là bổ, có tác dụng hồi phục sức khỏe
cũng như kích thích vì người ăn lấy được vào người loại năng lượng đặc biệt trước đây
có trong cơ thể động vật. Các loài khỏe mạnh hoặc trông khác thường như tê tê (giống
Manis) có lẽ có nhiều năng lượng hơn. Nhiều người cũng tin rằng các đặc tính và sức
mạnh đặc trưng cho các loại động vật có thể chuyển sang người bằng cách ăn chúng và
giúp điều chỉnh sự thiếu cân bằng được cho là gây ra ốm đau hay bệnh tật. Ví dụ các
đặc tính tự nhiên của rắn – sự linh hoạt và khả năng lột da định kỳ – được cho là có khả
năng chữa thấp khớp và bệnh về da.

Khai thác và buôn bán thực vật

Khu hệ thực vật bị khai thác ở khắp nơi. Quả cây, hoa, vỏ cây, rễ, nhựa, gỗ và toàn bộ
cây được thu thập vì nhiều mục đích, từ làm thức ăn và thuốc cho đến làm thủ công mỹ
nghệ, dệt và sản xuất đồ đạc và phục vụ việc buôn bán cây cảnh. Hai trong số các nhóm
thực vật bị đe dọa nhiều nhất của Việt Nam, tuế và phong lan, không phải ngẫu nhiên,
được buôn bán rất nhiều.

Mây, bao gồm xấp xỉ 600 loài cọ dạng dây leo thuộc phân họ Calamoidea phân bố trên
khắp vùng nhiệt đới của cựu lục địa, là một nhóm thực vật đã bị khai thác trong một thời
gian dài để phục vụ thị trường quốc tế dưới dạng đồ đạc thành phẩm hoặc dưới dạng
nguyên liệu thô để sản xuất chúng. Được đánh giá cao và được ưa thích do sự kết hợp

204/260
của độ bền và tính dẻo dai, gần như toàn bộ cành mây (thân mây) tiếp tục được khai thác
từ tự nhiên trên khắp vùng phân bố của chúng. Việt Nam là nơi phân bố của (ít nhất)
21 loài và trong số đó 5 loài được xếp vào loại bị đe dọa toàn cầu. Rất ít hoặc không
có thông tin cụ thể về tình trạng của các quần thể trong tự nhiên ngoài việc chúng gần
bị khai thác kiệt quệ. Thay vào đó, các nhu cầu trong nước và xuất khẩu được đáp ứng
bằng các hoạt động nhập khẩu trái phép từ Lào (và có thể từ Campuchia) và khai thác
mây vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các vườn quốc gia có nhiều rừng ở miền
Bắc (Pù Mát và Vụ Quang) và miền Trung của Trường Sơn (Kôn Ka Kinh và Chư Mom
Ray). Ngoài ra, việc trồng cây do những hộ gia đình có ít đất thực hiện đã bắt đầu từ hơn
1 thế kỷ trước và nhiều người dựa vào các sản phẩm của rừng để kiếm tiền.

Nhiều loài thực vật bị đe dọa do mức độ khai thác lớn để cung cấp cho các hoạt động
buôn bán thuốc. Sâm Việt Nam (Panax vietnamensis) là một loài hiếm của chi bao gồm
cả sâm Mỹ (P. quinquefolius) và sâm châu Á (P. ginseng). Các loài sâm này được sử
dụng để chữa bệnh và làm thuốc bổ ở cả phương Đông và phương Tây. Được các nhà
khoa học phát hiện vào năm 1973 tại núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Kon Tum, sâm Việt Nam
đã được người dân tộc địa phương Xô Đang sử dụng từ lâu để chữa nhiều loại bệnh và
để làm thuốc tăng lực. Cuối cùng nó được mô tả là một loài thực vật mới vào năm 1985
và có phân bố trong các khu rừng thường xanh ở các độ cao giữa 1.700-2.000m ở hai
tỉnh nằm ở miền Trung của dãy Trường Sơn. Các tác dụng về mặt dược phẩm của sâm
Việt Nam bao gồm việc kích thích tinh thần và thể chất nói chung, các đặc tính gây tê
và khả năng chống lại các viêm nhiễm cục bộ và lây nhiễm do vi khuẩn và nấm gây ra.
Do các nhu cầu mang tính truyền thống cùng với việc xuất hiện ngày càng nhiều trong
các hoạt động buôn bán cây thuốc trong nước và việc thiếu các nguồn trồng thay thế, nó
bị đe dọa nghiêm trọng do việc khái thác quá mức trái phép. Sâm Việt Nam hiện là một
trong số 250 loài hiếm, bị đe dọa và nguy cấp được đưa vào sách đỏ thực vật của Việt
Nam.

Một trong những sản phẩm phi gỗ có giá trị cao nhất lấy từ rừng được khai thác ở Đông
Nam Á là trầm hương. Trầm hương là lõi gỗ có nhiều nhựa phát triển bên trong một số
loài cây thuộc chi Aquilaria, có lẽ là một loại phản ứng với các vết thương, bệnh lây
nhiễm do nấm gây ra hoặc cả hai. Nó được khai thác bằng cách chặt cả cây và cắt lấy
các phần gỗ có nhựa. Tuy nhiên, không phải tất cả các loài thuộc chi Aqualaria đều chứa
trầm hương; theo các ước tính trong một quần thể nhất định lượng trầm hương thường
thay đổi từ 0 đến 10%. Vì sự xuất hiện của nó không thể dự đoán một cách chắc chắn,
rất nhiều cây bị chặt mà không mang lại lợi ích gì vì bản thân loại gỗ nay quá mềm cho
việc xây dựng hoặc sử dụng vào những mục đích khác. Ở Việt Nam, loài cây tạo ra trầm
hương là A. crassna, đây là loài có phân bố ở châu thổ sông Mê Kông và ở dưới độ cao
800m và về phía Bắc dọc theo các khu vực ven biển đến điểm tận cùng về phía Đông
Bắc của Việt Nam. Trầm hương được sử dụng để chữa trị nhiều loại bệnh trong y học
của Hindu, Tây Tạng và y học truyền thống của vùng Đông Á, mùi thơm của nó được
đánh giá cao tại vùng Trung Đông và được những người theo đạo Hồi, đạo Hinđu và đạo
Phật đốt như hương. Trầm hương loại 1 được bán ở Việt Nam với giá 3.500 đôla/kg và

205/260
trầm hương làm thuốc (kỳ nam) có nguồn gốc từ các rễ cây có nhựa có thể được bán với
giá 15.000 đôla/kg. Khó có thể biết được chính xác lượng trầm hương được xuất khẩu
từ Việt Nam hàng năm; lượng xuất khẩu hàng năm được biết đã giảm xuống 10 tấn từ
50 tấn vào giữa những năm 1980 mặc dù con số thực tế có lẽ cao hơn nhiều. Bao nhiêu
trong số này có nguồn gốc từ Lào và Campuchia hiện vẫn chưa được biết. IUCN xếp A.
crassna vào loại cực kỳ nguy cấp vì quần thể của nó bị biến mất một cách nhanh chóng
vượt quá con số 90% trong thập kỷ trước.

Việc lấy các loài cây gỗ có giá trị cao để sự dụng tại địa phương, phục vụ việc buôn bán
nội địa và xuất khẩu đã tạo ra sức ép rất lớn lên một số các loài cây của Việt Nam. Hai
loài cây lá kim ở miền Bắc Việt Nam đang phải chịu sức ép ở mức độ địa phương: bách
tán Đài Loan (Taiwania cryptomerioides), một loài chỉ phân bố ở hai nơi hoàn toàn cách
biệt khác ở Châu Á (ở Đài Loan và biên giới Trung Quốc-Myanmar), và loài bách tán
vàng Việt Nam đặc hữu (Xanthocyparis vietnamensis) được mô tả vào năm 2002. Cả
hai cùng có các quần thể rất nhỏ và bị đe dọa do sự xuống cấp của môi trường sống và
việc khai thác trực tiếp loại gỗ nhiều nhựa và có mùi thơm để phục vụ xây dựng, làm
áo quan và đồ thủ công mỹ nghệ (bách tán vàng Việt Nam cũng có thể được khai thác
để làm hương). IUCN xếp các loài cây này vào loại cực kỳ nguy cấp. Những người khai
thác gỗ cũng khai thác các loài cẩm lai thuộc chi Dallbergia với mức độ cực kỳ cao và
không bền vững. Lõi của gỗ này có màu đỏ sẫm đến màu đỏ nâu và có sọc do các tầng
nhựa đen tạo nên. Mặc dù cứng, gỗ có nhựa này bóng và được sử dụng để làm đàn, tủ
và các dụng cụ bằng gỗ khác. IUCN xếp 7 loài cẩm lai của Việt Nam vào lại gần nguy
cấp hoặc nguy cấp do bị khai thác gỗ quá mức.

Săn bắt và thu lượm

Việc khai thác trực tiếp là một vấn đề nổi cộm đối với nhiều loài động vật có xương sống
của Việt Nam. Mặc dù các loài động vật không xương sống đẹp và hiếm cũng bị bắt để
bán cho khách du lịch ở các địa điểm nổi tiếng như Vườn Quốc gia Tam Đảo, phần lớn
những loài không có giá trị kinh tế bị đe dọa ở mức độ cao hơn nhiều do sự xuống cấp
và mất môi trường sống so với khai thác quá mức. Đối với động vật có xương sống, các
nhu cầu thúc đẩy việc săn và bắt động vật sống nằm trong phạm vi từ các nhu cầu thiết
yếu về thức ăn và thuốc đến các thị trường ngày càng mở rộng tại địa phương và trong
nước và cuối cùng là các hoạt động buôn bán quốc tế đang tăng vọt. Nhu cầu này được
đáp ứng thông qua rất nhiều phương pháp và hình thức buôn bán khéo léo khác nhau.
Đi săn bằng súng đã giảm sau khi chính phủ cấm và thu giữ các loại súng do tư nhân sở
hữu vào đầu những năm 1990. Đáng tiếc là, các kỹ thuật đi săn khác như đánh bẫy bằng
dây, lưới, súng cao su và đôi khi bằng hầm bẫy công phu không thể đánh bẫy một cách
chọn lọc và vô tình bắt nhiều loài không định bắt. Hầm bẫy để bắt thú thường có một
hàng rào được làm chắn ngang đường mà chúng thường đi và hướng chúng đi tới một
cái hầm được ngụy trang bằng cây. Ở đáy của hầm có các cọc nhọn để đâm vào người
con thú rơi xuống. Các loại bẫy không phân biệt đặc biệt ảnh hưởng đến các loài chim
trên cạn có kích thước lớn sống trong rừng như gà lôi mào trắng (Lophura edwardsi) có

206/260
phân bố hẹp, gà tiền mặt đỏ (Polyplectron germaini) và trĩ sao (Rheinardia ocellata).
Trong một số trường hợp, mức độ sâu và rộng của việc săn bắt động vật hoang dã được
thể hiện qua việc một số loài được phát hiện lần đầu tiên ở Việt Nam là tại các chợ (di
đầu trắng Việt Nam, Lonchura maja vietnamensis) và trên thế giới (thỏ vằn, Nesolagus
timminsi).

Các loài động vật được săn bắt để tiêu thụ tại địa phương bao gồm nhiều kích cỡ và
thuộc các nhóm phân loại khác nhau và có thể cung cấp một lượng protein đáng kể cho
cộng đồng khi các nguồn thức ăn khác khan hiếm. Các loài được tiêu thụ gồm có: các
loài ếch lớn thuộc giống ếch gai Paa và giống ếch nhái Rana, mặc dù một số loài ếch cần
phải chú ý vì các chất độc tiết ra ở da; các loài gặm nhấm, trong đó có sóc đen (Ratufa
bicolor) có thể nặng tới 3kg, nhím đuôi ngắn (Hystrix brachyura) và don (Atherurus
macrourus); rắn độc và rắn không độc; nhiều loài chim, đặc biệt là các loài chim có kích
thước lớn như gà so và gà lôi (họ Phasianidae), các loài chim nước lớn như diệc và cò
(họ Ardeidae), cu và bồ câu (họ Columbidae), quạ và giẻ cùi (phân họ Corvinae) và tất
cả các loại chim sẻ có kích thước trung bình như hoét (phân họ Turdinae), chào mào (họ
Pycnonotidae) và khướu (phân họ Garrulacinae); kỳ đà hoa (Varanus salvator), là loài
bò sát sống nửa nước nửa cạn có trọng lượng 1-7kg; các động vật trên cạn có kích thước
trung bình trong đó có lửng lợn (Arctonyx collaris), tê tê vàng (Manis pentadactyla) và
tê tê Java (M. javanica); nhiều loài cầy (họ Viverridae) và linh trưởng (bộ Primates) của
Việt Nam; và tất cả những loài thú lớn như những loài guốc chẵn trong đó có hoẵng
(Muntiacus muntjak), nai (Cervus unicolor), sơn dương (Naemorhedus sumatraensis),
lợn rừng (Sus scrofa), gấu ngựa (Ursus thibetanus) và gấu chó (U. malayanus). Việc
tiêu thụ các loài hiếm và có giá trị cao như các loài rùa của Việt Nam cho các nhu cầu
thiết yếu có lẽ thấp hơn nhiều so với trước đây vì giá trị kinh tế cao trong một mạng lưới
buôn bán được thiết lập chặt chẽ. Chỉ khoảng 10% các loài rùa có mặt tại các chợ buôn
bán động vật hoang dã của Việt Nam được tiêu thụ trong nước; 90% còn lại được đưa
đến Trung Quốc và Hồng Kông.

Khi giá trị của động vật trên các thị trường leo thang do nhu cầu tăng lên và lượng cung
cấp giảm xuống, việc đi săn phục vụ các hoạt động buôn bán nhiều hơn hẳn so với đi
săn đi săn để lấy thức ăn. Xu hướng này ảnh hưởng không chỉ tới Việt Nam mà còn tới
các nước láng giềng là Lào và Campuchia, nơi dân số ít hơn, có nhiều tài nguyên thiên
nhiên hơn và có nguồn dự trữ tài nguyên lớn hơn để khai thác. Phần lớn các thành phố
và thị trấn lớn ở Việt Nam có chợ buôn bán động vật hoang dã nơi có rất nhiều loài động
vật sống đại diện cho tất cả các nhóm động vật có xương sống chính, từ tắc kè, rùa và
ếch đến tê tê, hươu và linh trưởng. Các quán ăn đặc sản thường xuyên phục vụ động
vật hoang dã, đôi khi quảng cáo các món ăn với các danh sách giá đặt cạnh áp phích
được in nhằm phục vụ mục đích giáo dục bảo tồn. Những người đến ăn có thể thường
xuyên xem các động vật nhốt trong chuồng (trong đó có các loài bị đe dọa toàn cầu) như
cầy và rắn. Cùng với các động vật hoang dã và thịt để tiêu thụ, những người bán hàng
còn tiếp thị rất nhiều loại chim sống ở các chợ lớn nhất ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí
Minh. Nhiều người coi chim hót là vật làm cảnh vì bộ lông đẹp và tiếng hót hay và việc

207/260
trưng bày những con chim quí cho thấy sự giàu có và địa vị trong cộng đồng. Những
loài chim hót được bán nhiều nhất gồm có vẹt (giống Psittacula), bồ cầu và cu, sáo và
yểng (họ Sturnidae), khướu (họ Timallidae) và vành khuyên (giống Zosterops). Các con
chim được thuần hóa được dạy hót nhờ tiếp xúc với chim tự nhiên hoặc qua băng thu
tiếng hót có giá trị cao hơn. Yểng (Gracula religiosa) nói được có thể bán với giá 200
đôla một con hoặc hơn nữa.

Chim sống cũng được các tín đồ đạo Phật mua để thả trong các dịp lễ hội vì họ tin rằng
việc làm này sẽ mang lại cho họ may mắn và sống lâu. Các loài sống thành đàn, phổ
biến ở vùng đồng bằng có thể bị bắt với số lượng nhiều trong đó có chim di (giống
Lonchura), rồng rộc (giống Ploceus), sẻ đồng (họ Fringillidae) và sẻ (họ Passeridae). Bị
bắt ở các vùng nông thôn và được vận chuyển đến các thành phố hoặc xuất khẩu, các
con chim còn sống sót thường ở trong tình trạng rất yếu khi chúng được thả. Một nhóm
chim cuối cùng được buôn bán dưới dạng chim sống bao gồm các loài chim lớn, như
hồng hoàng (họ Bucerotidae) và chim ăn thịt (họ Accipitridae và Falconidae) được mua
làm chim cảnh hoặc trưng bày trong vườn thú.

Các bộ phận và sản phẩm của động vật hoang dã cũng xuất hiện nhiều tại các chợ. Được
tiêu thụ chủ yếu để làm dược phẩm và thuốc bổ, các mặt hàng phụ này bao gồm: xương
hổ và cao làm từ xương hổ; mật gấu và cả túi mật; nhiều loại gạc hươu, đặc biệt là loại
chưa trưởng thành được bọc trong lớp nhung; vảy tê tê; các tuyến xạ từ hươu và cầy; thịt
khô và xương của linh trưởng được sử dụng làm cao thuốc và các loại thành phần chế
biến khác; sừng tê giác; và rượu thuốc lam bằng cách ngâm động vật (thường là rắn độc
bắt trong tự nhiên nhưng đôi khi là linh trưởng) vào trong rượu gạo. Các loài động vật
hiếm hơn như Saola (Pseudoryx nghetinhensis) và hổ (Panthera tigris) gần như không
bao giờ được buôn bán lúc còn sống nhưng thay vì đó xuất hiện trên thị trường dưới
dạng da, xương và sừng hoặc đã được chế biến thành cao. Động vật hoang dã cũng được
chế biến để phục vụ khách du lịch, cả trong nước và quốc tế. Các sản phẩm được bán
rộng rãi bao gồm các loại hộp và đũa được làm từ các loại cây gỗ cứng hiếm ở vùng
nhiệt đới, cá ngựa (họ Syngnathidae) và sao biển (họ Stelleroidae), các sản phẩm làm
từ mai của đồi mồi (Eretmochelys imbricata) như quạt, lược và hộp đựng thuốc lá, rượu
rắn và các chiến lợi phẩm từ động vật săn được (hình 62). Không phải tất cả các bộ phận
và thành phần chế biến đều là đồ thật, đặc biệt là những mặt hàng có giá trị cao hơn và
hiếm hơn như xương hổ, sừng tê giác và ngà voi. Thậm chí rượu rắn thường chứa các
loại rắn trông giống rắn độc như rắn sọc xanh (Elaphe prasina) có màu trông rất giống
các loài rắn lục sống trên cây có màu xanh lá cây và độc thuộc giống Trimeresurus.

Động vật hoang dã của Việt Nam còn được cung cấp cho các thị trường rộng lớn bên
ngoài lãnh thổ. Các đối tác buôn bán quan trọng gồm có Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc,
Trung Quốc và các nước khác nơi nhiều người vẫn duy trì thói quen truyền thống là sử
dụng các loài động thực vật hoang dã. Khi người châu Á di cư đến các nước khác, họ
mang theo các văn hóa ẩm thực và cách chế biến thuốc truyền thống. Những sở thích
đặc biệt về thức ăn có nguồn gốc từ văn hóa là những thói quen rất khó có thể bỏ được

208/260
trong quá trình hội nhập với một nền văn hóa mới. Bên cạnh sức ép của việc khai thác
phục vụ các mục đích làm tăng sức khỏe là ý thích được phục vụ các loài hiếm, ngoại
nhập và đắt tiền tại các buổi lễ kỷ niệm và là bằng chứng của sự giàu có. Rất nhiều trong
số các truyền thống này tiếp tục tồn tại trong các cộng đồng châu Á bỏ đất nước ra đi
sau khi họ không còn hợp thời ở đất nước của họ.

Trong vòng 20 năm trước, Trung Quốc đã trở thành một khách hàng ngày càng lớn tiêu
thụ động vật hoang dã bắt nguồn từ Việt Nam và ở các nơi khác trong khu vực. Khi nền
kinh tế phát triển, ngày càng có nhiều người Trung Quốc có khả năng mua được động
và thực vật hoang dã và các sản phẩm mà họ coi là các sự ràng buộc quan trọng về văn
hóa và nhờ đó họ có thể cho thấy sự thành công và thịnh vượng thông qua việc sử dụng
rộng rãi những sản phẩm này. Các mối quan hệ dần dần được thiết lập lại giữa Trung
Quốc và Việt Nam dẫn tới việc mở lại cửa biên giới vào năm 1989. Cùng với việc tiền
của Trung Quốc ngày càng dễ chuyển đổi, mở cửa biên giới dẫn đến việc vận chuyển
trái phép động vật hoang dã vào Trung Quốc tăng lên nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu
đang tăng lên ở đây.

Rất khó có thể ước tính được khối lượng động vật hoang dã được vận chuyển trái phép
qua biên giới Việt Nam vào Trung Quốc hoặc giá trị của các hoạt động buôn bán này.
Một điều chắc chắn là tất cả các con số đều thấp hơn so với thực tế. Cuộc khảo sát vào
năm 1993-1996 tập trung vào việc vận chuyển động vật hoang dã từ Việt Nam đến tỉnh
Quảng Tây lân cận của Trung Quốc vẫn là một trong số ít những nghiên cứu toàn diện
nhằm liệt kê loại động vật buôn bán, khối lượng và các động lực tiêu thụ. Vì các phương
tiện giao thông của Quảng Tây tốt hơn, 95% hoạt động buôn bán động vật hoang dã qua
biên giới Việt-Trung diễn ra qua cửa khẩu này; khối lượng buôn bán qua biên giới giữa
Việt Nam và tỉnh Vân Nam thấp hơn nhiều và chủ yếu cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ
tại địa phương. Khối lượng nhập khẩu động vật hoang dã hàng ngày từ Việt Nam qua
3 cửa khẩu của Trung Quốc (2 nằm trong đất liền, 1 nằm trên biển) từ 2,3 đến 29,3 tấn,
trong số đó rùa (61%), rắn (13%) và thằn lằn (11%) chiếm đa số. Hầu hết các loài động
vật sống nhập khẩu đều được dùng làm thức ăn và một phần nhỏ hơn nhiều được dùng
làm thuốc truyền thống. Các cuộc khảo sát ở 4 thành phố của tỉnh Quảng Tây (trong đó
có thủ phủ Nanning, là nơi nổi tiếng về các món ăn được làm từ động vật hoang dã có
giá tương đối rẻ) đã cho thấy phần lớn (63%) các quán ăn chất lượng cao đều phục vụ
động vật hoang dã, hoặc có trên thực đơn hoặc theo yêu cầu. Các món ăn này luôn luôn
đắt hơn, giá cao hơn từ 2 đến 20 lần so với các loại thức ăn thông thường và được tiêu
thụ bởi những người giàu, trong đó có những khách du lịch chỉ đến đây để thưởng thức
những món ăn này. Mặc dù nghiên cứu này đã phát hiện ra ít nhất 55 loài trong 4 ngày
đi khảo sát ở chợ, các nghiên cứu khác đã ghi nhận 190 loài động vật có xương sống
được buôn bán qua khu vực biên giới Việt-Trung.

Một cuộc khảo sát sau đó (từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2002) về tình hình buôn bán trái
phép động vật hoang dã và các loại thịt của chúng đã ước tính khối lượng buôn bán hàng
năm là 3.050 tấn, xấp xỉ một nửa khối lượng này được tiêu thụ trong nước. Có doanh

209/260
thu 66,5 triệu đôla, các hoạt động buôn bán trái phép này thu được 21 triệu đôla tiền
lợi nhuận hàng năm, gấp 3 lần ngân sách tổng số ngân sách dành cho Cục Kiểm lâm,
là cơ quan đầu não của chính phủ Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành luật về buôn bán
động vật hoang dã. Hơn nữa, phần lớn khối lượng động vật hoang dã đưa qua biên giới
Việt Nam không có nguồn gốc từ trong nước và thay vào đó được vận chuyển đến từ
Lào, Campuchia và Myanmar (hình 63). Việt Nam đóng vai trò là hành lang buôn bán
quan trọng của khu vực và nhờ vào những mạng lưới được thiết lập chặt chẽ nó có thể
đáp ứng các đơn đặt hàng từ những thương gia Trung Quốc ở dọc biên giới phía Bắc
gần như là chỉ trong vài ngày đến một tuần nhờ những người thợ săn ở Đông Dương và
những nơi khác. Động vật hoang dã có nguồn gốc từ Việt Nam chủ yếu được săn bắt từ
các khu bảo vệ nằm trong dãy Trường Sơn với các loài bò sát nước ngọt cũng được bắt
từ châu thổ sông Mê Kông.

Những người buôn bán trái phép sử dụng nhiều con đường và phương tiện khác nhau
để vận chuyển động vật hoang dã qua các vùng biên giới quốc tế, đặc biệt là biên giới
Việt-Trung. Vùng biên giới này còn có nhiều sơ hở ở cả hai phía với nhiều con đường
qua lại gần những con đường chính. Hàng lậu được vận chuyển trái phép bằng người, xe
riêng và các phương tiện giao thông công cộng; chúng có thể được giấu trong hàng hóa
hợp pháp, được dán nhãn sai (rùa nước ngọt được dán nhãn là đồ hải sản) hoặc giấy tờ
giả mạo; và gần như thường xuyên có sự bảo vệ nhờ các mối quan hệ được thiết lập chặt
chẽ giữa một số ít những nhân vật có ảnh hưởng lớn và những người quan trọng trong
chính quyền, như các quan chức và lính biên phòng thông đồng với họ. Việc sử dụng
điện thoại di động tràn lan càng làm giảm hiệu quả của việc thi hành luật, vì nó cho phép
những kẻ buôn lậu gọi điện trước và tránh những khu vực được tăng cường kiểm tra.

Các hoạt động buôn bán có lợi nhuận cực kỳ cao, đặc biệt đối với những loài hiếm và có
giá trị cao. Thậm chí đối với thợ săn là những người có lẽ là được hưởng lợi ít nhất từ
mạng lưới này thì bắt được một cá thể có giá trị cao như vượn có thể giúp họ thu được số
tiền bằng thu nhập trong nhiều tháng hoặc thậm chí cả năm. Động vật hoang dã từ lâu đã
là một nguồn thức ăn quan trọng ở các vùng xa xôi hẻo lánh nơi không có động vật nuôi
để cung cấp thịt và những người ở vùng núi phải dựa vào các sản phẩm rừng để có thu
nhập và từ đó mua các hàng hóa cần thiết trong đó có gạo. Các cộng đồng sống biệt lập
tại vùng núi ở miền Bắc và miền Trung của Việt Nam hàng năm phải chịu đựng 4 tháng
thiếu thực phẩm hoặc lâu hơn. Vì nhiều loài trở nên ngày càng khan hiếm, những người
thợ săn đã chuyển từ những loài ưa thích nhưng không sẵn có sang các lựa chọn thứ yếu
mà trước đây khó được chấp nhận hơn. Điều này chuyển áp lực săn bắt từ các loài bị
suy giảm đến điểm gần bị tuyệt chủng sang những loài mới mà gần như chắc chắn cũng
sẽ bị suy giảm do bị khai thác quá nhiều để phục vụ các nhu cầu trên thị trường.

Cho đến tháng 6 năm 2001, việc xuất khẩu tất cả các động vật bắt trong tự nhiên và các
loài thực vật hiếm và có giá trị cao bị cấm, nhưng không phải tất cả các hoạt động buôn
bán động vật hoang dã đều vi phạm pháp luật. Việt Nam cho phép xuất khẩu động vật
hoang dã sống được nuôi và các sản phẩm của chúng. Các loài được xuất khẩu gồm có

210/260
trăn đất (Python molurus), trăn gấm (P. reticulatus), cá sấu (cá sấu Xiêm, Crocodylus
siamensis; cá sấu hoa cà C. porosus; cá sấu Cu Ba, C. rhombifer; và các con lai của
chúng) và khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis). Khỉ đuôi dài chủ yếu được xuất khẩu sang
Nhật Bản, Mỹ và Anh để phục vụ nghiên cứu y học. Tuy nhiên, động vật nuôi không
thể thay thế cho động vật hoang dã vì nhiều lý do. Thường được quản lý kém, không vệ
sinh và có quá nhiều cá thể, những trại nuôi này thường phải dựa vào các quần thể trong
tự nhiên để cung cấp các cá thể sinh sản và đồng thời là nguồn thay thế và trong một
số trường hợp chúng chỉ là nơi hợp pháp hóa các động vật bắt từ tự nhiên. Bằng việc
tăng số lượng động vật hoang dã có trên thị trường, các hoạt động nuôi đẻ trong một số
trường hợp đã thực sự tăng nhu cần của người tiêu dùng đối với thịt và các sản phẩm
khác. Nó cũng không thể thay thế hoàn toàn cho động vật bắt từ tự nhiên vì các khách
hàng thường thích mua loại động vật này. Điều này được thể hiện qua sự chênh lệch về
giá cả vẫn tiếp tục tồn tại giữa động vật nuôi và động vật bắt từ tự nhiên. Các loài rắn
độc bắt từ tự nhiên có giá cao gấp đôi giá rắn nuôi cùng loại và giá mật lấy từ gấu hoang
dã cao hơn nhiều so với mật lấy từ gấu nuôi. Những sở thích này phản ánh sự tin tưởng
vào hiệu quả cao hơn, và đồng thời là các lợi ích về sức khỏe, của thức ăn và thuốc được
làm từ các động vật bắt từ tự nhiên.

Việc khai thác trực tiếp động vật hoang dã ở Việt Nam, bất kể vì lý do gì và bất kể
được chuyển đi đâu, là mối đe dọa chính đối với nhiều loài động vật có xương sống
ở Việt Nam, đặc biệt là các loài thú, một số loài chim và rùa. Mối đe dọa chủ yếu
đối với các loài vượn đen của Việt Nam (giống Hylobates [Nomascus]) và voọc (giống
Trachypithecus và Pygathrix) là săn bắt phục vụ các hoạt động buôn bán thương mại.
Các nhà nghiên cứu đã định lượng được những mất mát tối thiểu trong cả nước giữa
năm 1990 và 2000 do săn bắt gây ra cho 2 loài đặc hữu ở Việt Nam, voọc đầu trắng (T.
poliocephalus poliocephalus) và voọc mông trắng (T. delacouri). Số lượng cá thể của cả
hai loài bị giảm xuống một nửa trong vòng một thập kỷ, với số lượng tương ứng tối thiểu
là 100 và 316 cá thể, bị mất đi vì săn bắt. Săn bắt đã làm mất đi thêm 30 cá thể voọc đầu
trắng giữa năm 2000 và 2002 và quần thể của loài này vào năm 2004 nằm trong khoảng
50 đến 60 cá thể. Ước tính có khoảng 270-302 cá thể voọc đầu trắng vẫn còn tồn tại.

Các hoạt động buôn bán thương mại là mối đe dọa chủ yếu đối với phần lớn các loài thú
khác, trong đó có các quần thể của hổ, bò tót (Bos gaurus) và bò rừng (B. javanicus).
Một nghiên cứu tổng quan về tình trạng của 3 loài này vào năm 1998 gợi ý rằng các
quần thể của chúng ở Việt Nam đã bị giảm sút nghiêm trọng với số lượng theo thứ tự
là 100, 500 và 170-195 cá thể. Kết quả của sức ép kéo dài liên tục từ thị trường lên các
loài này sẽ làm cho các quần thể còn sót lại của chúng trở nên vô cùng nhỏ như loài tê
giác một sừng (Rhinoceros sondaicus annamiticus) bị săn bắt nhiều, hoặc bị tuyệt chủng
trong nước như trường hợp của bò xám (B. sauveli). Mặc dù nhiều loài chim bị bắt để
tiêu thụ, trưng bày và để thả, đối với các loài này hoạt động buôn bán thương mại vẫn
gây ít đe dọa hơn so với sự suy giảm và mất môi trường sống. Tuy nhiên, đối với yểng
và vẹt, đặc biệt là vẹt ngực đỏ (Psittacula alexandri fasciata), việc săn bắt phục vụ hoạt

211/260
động buôn bán vật nuôi cảnh có lẽ là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự suy giảm của
quần thể.

Các quần thể tự nhiên của tất cả các loài rùa ở châu Á đã giảm sút nhanh chóng trong
thập kỷ trước. Các hoạt động buôn bán nhằm cung cấp cho các thị trường thức ăn trong
khu vực, đặc biệt là các thị trường ở phía Nam của Trung Quốc, là nguyên cơ bản của
sự suy giảm này và cho đến nay được coi là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với nhóm
này. Các nhà khoa học tin rằng nếu sức ép của việc khai thác được giữ ở mức độ cao
như hiện nay, nhiều loài ở Đông Nam Á sẽ bị tuyệt chủng trong thiên nhiên trong một
tương lai gần. Gần như tất cả các loài rùa được vận chuyển sang Trung Quốc đều được
bắt từ tự nhiên, không kể có xuất xứ từ nước nào và ngoại trừ một vài loài có giá trị
cao, việc buôn bán không có chọn lọc. Vì lý do này, nhiều loại rùa được bắt gặp ngẫu
nhiên hoặc bị săn lùng bởi những người thợ săn chuyên nghiệp sẽ bị bắt và cuối cùng
là bị bán đi bất kể loài nào và kích cỡ nào. Các bộ phận còn lại được dùng để chế biến
thuốc như cao rùa, được chế biến bằng cách nấu đông từ mai rùa. Loài rùa hộp ba vạch
(Cuora trifasciata) có phân bố ở Lào, Việt Nam và phía Nam Trung Quốc được đặc biệt
ưa thích. Được cho là có khả năng chữa được ung thư, các cá thể bắt từ tự nhiên đã được
bán với giá hơn $1000/kg vào năm 2000.

Những nhu cầu này đã tạo ra sức ép rất lớn lên tất cả các quần thể rùa của Việt Nam
(và của Đông Nam Á) và gây khó khăn cho công tác bảo tồn vì khó có thể ưu tiên một
loài hoặc một sinh cảnh nào. Việt Nam hiện đứng thứ 2 chỉ sau Trung Quốc với vai trò
là nước được ưu tiên cho bảo tồn tính đa dạng rùa ở châu Á và các loài mới vẫn tiếp
tục được mô tả (3 loài trong thập kỷ trước). Trong số 34 loài rùa nước ngọt và rùa biển,
IUCN xếp hơn 80% (28) vào loại sắp nguy cấp, nguy cấp hoặc cực kỳ nguy cấp. Có lý
do để lo ngại rằng các quần thể rùa của Việt Nam sẽ bị suy sụp dưới sức nặng của các
hoạt động buôn bán quốc tế và biến chúng thành một nhóm chưa từng được biết đến.

Có các mối đe dọa khác đối với động vật hoang dã của Việt Nam ngoài việc khai thác
trực tiếp. Một số loài động vật bị săn bắt vì xung đột với con người như trong trường
hợp của loài xít (Porphyrio porphyrio). Loài chim có kích thước trung bình và sống trên
mặt đất này bị săn bắt ở châu thổ sông Mê Kông nơi nó bị coi là vật gây hại bởi vì nó
ăn lúa. Lấy trứng làm thức ăn cũng đe dọa nhiều loài chim, đặc biệt là những loài làm
tổ trên mặt đất và sinh sản thành đàn, và là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm của
3 loài rùa biển: Vích (Chelonia mydas), đồi mồi dứa (Lepidochelys olivacea) và rùa da
(Dermochelys coriacea).

Đánh cá quá mức

Khai thác quá mức cũng diễn ra trong các môi trường nước ở Việt Nam. Cá ngựa và tôm
hùm (lớp Decapoda), bào ngư (giống Haliotis), cá mập (lớp Chondrichthyes), dưa biển
(lớp Holothuroidae), rùa biển (họ Cheloniidae) và cá ngừ (họ Scombridae) đều có giá
cao trên các thị trường xuất khẩu và như vậy dễ bị khai thác quá mức. Hàng năm hàng

212/260
nghìn con rùa biển bị bắt và bán dưới dạng nhiều loại sản phẩm khác nhau, trong đó có
mẫu vật nhồi. Các hoạt động này đã khiến các quần thể rùa biển trong cả nước bị giảm
sút nghiêm trọng. Kết quả là, để cung cấp cho hoạt động buôn bán, ngư dân bắt buộc
phải mua đồi mồi từ nước ngoài như Indonesia. Khi ngư dân sử dụng các phương pháp
đánh bắt hữu hiệu hơn và số lượng tàu thuyền đánh cá tăng lên, mức độ khai thác cũng
tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, điều quan trọng là sản lượng đánh bắt thấp hơn trước và
điều này nói lên là đại dương không thể chịu đựng được mức độ đánh bắt cá như thế này
trong một thời gian dài nữa. Khai thác quá mức và những mối đe dọa khác đã dẫn tới
việc một vài loài tôm hùm, dưa biển và cá mú (họ Serranidae) bị biến mất ở một số nơi
và những loài này đang đối mặt với nguy cơ hoàn toàn tuyệt chủng ở các vùng biển của
Việt Nam. Việc đánh bắt không chủ ý đối với loài bò biển (Dugong dugon) do sử dụng
lưới đánh cá cố định ở các bãi cỏ biển nông là mối đe dọa nghiêm trọng đến các quần
thể chưa ổn định này. Hơn nữa, các phương pháp đánh cá hủy diệt sử dụng chất nổ, các
thiết bị điện và chất độc để bắt cá không phân biệt đối tượng đã gây ảnh hưởng lớn đến
nhiều loài cũng như toàn bộ các quần xã sinh thái.

Động vật bị bắt giữ

Sản phẩm phụ đáng tiếc của việc buôn bán trái phép động vật hoang dã là động vật và
thực vật sống bị bắt giữ. Vì không có đủ người và nguồn lực để quản lý các động vật bị
bắt giữ, các cán bộ kiểm lâm thường thả động vật hoang dã vào rừng ngay sau khi bị bắt
giữ. Mạng lưới vận chuyển động vật hoang dã rộng khắp tại Việt Nam dẫn đến việc thả
động vật vào những nơi cách xa chỗ chúng bị bắt (thậm chí nhiều loài không có nguồn
gốc ở Việt Nam). Vườn Quốc gia Tam Đảo ở miền Bắc Việt Nam là nơi ưa thích cho
các hoạt động này. Điều này giải thích sự xuất hiện của nhiều loài rắn phân bố ở vùng
đồng bằng và ở phía Nam và đã thổi phồng tính đa dạng của khu vực này.

Việc thả động vật không có kế hoạch và không được giám sát không phải là một giải
pháp tốt đối với các động vật bị bắt giữ. Nhiều động vật không được tự do lâu; các cán
bộ kiểm lâm cho biết là người dân địa phương bắt lại những động vật này để bán ngay
sau khi chúng được thả. Tỷ lệ sống sót từ rất thấp đến số không đối với phần lớn các
loài được thả vì chúng không thể thích nghi được với thời tiết thay đổi, các loài động
vật ăn thịt và loại thức ăn mới. Hơn nữa, động vật được thả có thể truyền bệnh cho các
loài bản địa. Và một số ít sống sót được có khả năng xâm nhập vào hệ sinh thái mới và
phát triển mạnh trong môi trường nơi chúng ít bị ăn thịt, có nhiều thức ăn hoặc cả hai.
Một số loài linh trưởng đã được thả theo cách này. Khỉ đuôi dài được thả tại Vườn Quốc
gia Pù Mát (phía Bắc vùng phân bố tự nhiên của nó) vào những năm 1990 đã sinh sản
thành công và hiện đã hình thành một số đàn. Chúng đe dọa sự ổn định của loài khỉ vàng
bản địa (Macaca mulatta) thông qua việc giao phối chéo. Hiện tượng này có lẽ đã xảy
ra ở phía Nam của Vườn Quốc gia Cát Tiên, nơi trái ngược với hiện trạng ở Pù Mát, khỉ
vàng được thả vào vùng phân bố tự nhiên của khỉ đuôi dài và hiện có những bằng chứng
chắc chắn về việc giao phối lẫn lộn.

213/260
Mất và xuống cấp của môi trường sống tự nhiên

Sự xuống cấp và mất môi trường sống là mối đe dọa lớn nhất đối với đa dạng sinh học
toàn cầu. Việc chuyển đổi hoàn toàn các khu vực tự nhiên thành các cảnh quan do con
người chi phối thông qua việc mở rộng nông nghiệp, đào mỏ, đô thị hóa, mở rộng công
nghiệp, xây dựng đập, làm đường hoặc các hoạt động phát triển khác dẫn đến mất môi
trường sống và đồng thời mất đi sự đa dạng. Khi các hoạt động phát triển và nông nghiệp
mở rộng chúng chia nhỏ các vùng trước đây tiếp giáp nhau và cô lập các quần thể thực
vật và động vật trong các môi trường sống tự nhiên ngày càng nhỏ hơn. Việc cô lập này
đe dọa sự tồn tại lâu dài của các quần thể và loài vì việc tìm các nguồn cung cấp (kể cả
bạn đời) đủ để tồn tại ngày càng trở nên khó khăn. Các quần thể nhỏ hơn thường phụ
thuộc vào sự di cư đến từ nơi khác để duy trì số lượng của chúng và bản thân chúng dễ
bị tuyệt chủng hơn. Số lượng thấp cộng với tỷ lệ di cư giảm hoặc không có thường dẫn
đến giap phối cùng dòng, nghĩa là tăng giao phối giữa các cá thể có họ hàng gần gũi.
Con cái sinh ra do giao phối cùng dòng thường có khả năng tồn tại thấp hơn vì chúng có
mức độ đa dạng GEN thấp và khiến chúng dễ bị tác động bởi các GEN gây hại mà bình
thường không biển hiện và có thể tăng khả năng bị bệnh.

Các môi trường rừng

Phần lớn những thông tin hiện có về mất môi trường sống ở Việt Nam tập trung vào môi
trường rừng. Rất khó có thể ước tính chính xác diện tích rừng bị mất ở những nước nơi
con người đã khai thác môi trường trong một thời gian dài và nơi có ít thông tin đáng
tin cậy về độ che phủ rừng và diện tích rừng bị mất. Thậm chí những ước tính từ thập
kỷ trước cũng thường bị ảnh hưởng bởi các phương pháp khảo sát không có hệ thống và
không đáng tin cậy đã tạo ra các số liệu không hoàn thiện và có nhiều sai sót. Bất chấp
có những khác biệt giữa các ước tính về diện tích rừng bị mất, mọi người đều nhất trí là
phá rừng và biến đổi môi trường sống là những vấn đề gay cấn trên cả nước (hình 64).
Thêm vào đó, vì việc sử dụng tài nguyên đã có một lịch sử lâu dài, không có sinh cảnh
nào ở Việt Nam chưa bị thay đổi và chỉ có một số ít những khu rừng tự nhiên ở Việt
Nam còn gần như nguyên sinh.

Việc khai thác gỗ trực tiếp (cả hợp pháp và trái phép) ảnh hưởng đến phần lớn các khu
rừng ở Việt Nam. Khi kết thúc cuộc chiến tranh với Mỹ, chính sách về rừng của chính
phủ là tập trung vào sản xuất. Các chỉ tiêu được đặt ra dựa vào các thị trường xuất khẩu
và các nhu cầu trong nước (trong đó có sử dụng trong công nghiệp như sản xuất giấy)
hơn là dựa vào khả năng cung cấp cho sản xuất của rừng. Phần lớn gỗ được khai thác
bởi các lâm trường do nhà nước quản lý và trong năm 1992, những lâm trường này đã
khai thác 1,2 triệu m3 gỗ. Bản thân khai thác gỗ trong nhiều trường hợp có thể không
trực tiếp dẫn đến phá rừng, nhưng thường kéo theo việc di cư cùng với mở đường vào
những vùng trước đây còn hoang sơ. Việc định cư đi kèm với phát triển nông nghiệp và
săn bắt cũng như lấy củi đốt và đây chính là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới phá
rừng ở Việt Nam.

214/260
Trong những năm 1990, Việt Nam chỉ đứng sau Thái Lan trong việc xuất khẩu gỗ từ lục
địa Đông Nam Á sang các thị trường ở cộng đồng châu Âu và Nhật Bản, mặc dù một
lượng gỗ nhất định trong số này được nhập lậu từ Lào và Campuchia trước khi tái xuất
khẩu. Trong thời kỳ này hoạt động khai thác gỗ của Việt Nam đạt đến mức cao nhất và
sau đó giảm xuống. Sự giảm sút này có 2 lý do: sự suy giảm của các loại gỗ có thể khai
thác có lãi trong các lâm trường và các cơ quan chính phủ giám sát chính sách về rừng
nhận thấy là việc sử dụng rừng phải được thay đổi hoặc là rừng sẽ không còn phát triển
bền vững nữa. Luật đất đai ban hành năm 1993 và luật bảo về rừng ban hành năm 1999
đã giảm chỉ tiêu khai thác gỗ và khuyến khích các lâm trường tăng hiệu quả khai thác.
Một thay đổi được đề xuất là chuyển từ chuyên khai thác gỗ sang quản lý rừng dựa vào
cộng đồng (mặc dù điều này đã có những hậu quả không lường trước, như khi các cộng
đồng thích chuyển từ đất rừng sang làm nông nghiệp).

Việc chuyển đổi trực tiếp từ rừng và các môi trường tự nhiên khác sang sản xuất nông
nghiệp và trồng trọt đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho mức độ đa dạng loài và
cuộc sống của những người ở gần và ở tại khu vực này. Các chương trình tái định cư
lớn thời kỳ sau khi đất nước độc lập đã di chuyển 5 triệu người tới những khu vực di
dân được gọi là vùng kinh tế mới. Một phần chính phủ muốn giảm sức ép lên vùng đồng
bằng dân cư đông đúc; một phần khác chính phủ muốn khai hoang vùng miền núi có
đa dạng sinh học cao thông qua việc phát quang để sử dụng vào mục đích nông nghiệp.
Sau khi những người tái định cư di chuyển vào những khu vực này, nhiều diện tích rừng
rộng lớn được khai thác lấy gỗ và sau đó phát quang để trồng cây lương thực và cây
thương mại như cà phê và hạt điều cho xuất khẩu và làm bãi chăn thả. Bắt đầu tại các
vùng núi bao quanh châu thổ sông Hồng và về phía Nam tới tận tỉnh Lâm Đồng ở miền
Trung của Trường Sơn, quá trình di cư này đã thúc đẩy tốc độ mất rừng ở vùng núi.
Triết lý chung ủng hộ các vùng kinh tế mới này là những người định cư và tiền vốn là
những nhân tố chính cần thiết để phát triển thành công. Những nhà chiến lược đã bỏ qua
thực tế là môi trường tự nhiên không thể đáp ứng số lượng người nhiều hơn. Đặc điểm
của những khu vực miền núi này, chẳng hạn như năng suất đất thấp và dễ bị xói mòn
khi mất thảm thực vật tự nhiên, khiến chúng không thể cung cấp lương thực một cách
bền vững cho số lượng dân lớn làm nông nghiệp. Việc tái định cư đã dẫn đến việc khai
thác gỗ và phá rừng, xói mòn, làm giảm chất lượng đất và mất đa dạng sinh học.

Rừng ở vùng đồng bằng ngập nước theo mùa ở châu thổ sông Mê Kông và chất lượng
đất của nó (chủ yếu là than bùn) đã giảm sút nhanh chóng trong những năm 1980 và đầu
những năm 1990 vì việc mở rộng nông nghiệp. Các khu rừng ở vùng đầm lầy than bùn
này có mật độ tràm (Melaleuca cajuputi) rất cao, đây là một loài cây mọc nhanh và phát
triển tốt trên đất có tính axit tự nhiên. Mặc dù cuộc chiến tranh với Mỹ đã ảnh hưởng đến
các vùng đất ngập nước này, những giảm sút sau năm 1975 trực tiếp do các hoạt động
nông nghiệp gây ra, chủ yếu là tháo nước những khu vực rộng lớn để cấy lúa. Các nỗ
lực làm nông nghiệp phần lớn bị thất bại. Khi cây bị chặt, đất bị khô đi, tăng tính axit và
làm giảm sản lượng lúa rất nhiều. Đất khô và tăng tính axit ngăn cản sự tái sinh của tràm
và các loài thực vật tự nhiên khác và những người định cư ở đây mất đi một nguồn củi

215/260
đốt và vật liệu xây dựng chính. Mất môi trường sống làm giảm mức độ đa dạng sinh học
của hệ sinh thái nơi có nhiều loài thực vật, thú, rùa và các loài chim lớn cư trú, trong đó
có già đẫy Java (Leptoptilos javanicus) và bồ nông chân xám (Pelecanus philippensis),
cả hai loài này đều được IUCN xếp vào loại gần nguy cấp.

Môi trường đồng cỏ

Việc mất các hệ sinh thái đồng cỏ tự nhiên có lẽ đáng lo ngại hơn so với mất hệ sinh
thái rừng vì chỉ có rất ít đồng cỏ còn sót lại. Điều này được thể hiện đặc biệt rõ rệt ở
châu thổ sông Mê Kông nơi còn người đã biến đổi hầu hết toàn bộ vùng đồng bằng ngập
nước theo mùa có cỏ và cói che phủ thành đất nông nghiệp. Châu thổ sông Mê Kông
có 34% đất trồng trọt của cả nước và cung cấp 40% sản lượng nông nghiệp trong nước.
Mía, dứa, khoai lang, sắn, dưa hấu, đậu tương và bí đỏ đều được trồng ở đây và đã có sự
quan tâm đến các loại cây có tính thương mại như đậu ngự, ngô và bông. Châu thổ này
là nơi sản xuất gạo chính của cả nước và vào năm 1999 cung cấp hơn 50% sản lượng
gạo trong nước và xuất khẩu 4 triệu tấn gạo trong tổng số 4.5 triệu tấn của cả nước.

Những loại cây trồng này đều phụ thuộc vào các chu kỳ lũ lụt hàng năm giúp mang nước
và hàng triệu tấn phù sa tới châu thổ sông Mê Kông. Nước lụt làm giàu cho đất và cùng
với hệ thống thủy lợi cho phép một số khu vực sản xuất 2 hoặc 3 vụ lúa trong một năm.
Các vùng đất không có tính axit nằm ở trung tâm của vùng châu thổ là nơi tốt nhất để
làm nông nghiệp, trong khi các khu vực đất ngập nước có tính axit là nơi có sản lượng
thấp nhất, đặc biệt đối với lúa. Sản lượng ở vùng châu thổ đang giảm sút mặc dù các loại
phân bón hóa học được sử dụng rất nhiều; nguyên nhân của sự giảm sút này vẫn chưa
rõ ràng. Các cộng đồng địa phương hiện đang cố gắng trồng các loại cây lương thực ở
những khu vực khó làm nông nghiệp nhưng quan trọng đối với công tác bảo tồn, như
các vùng đất ngập nước U Minh.

Các hoạt động nông nghiệp có thể làm cảnh quan biến đổi rất nhiều do làm giảm độ màu
mỡ của đất hoặc làm thay đổi các dòng chảy mà rất khó hoặc không thể khôi phục hoặc
phục hồi lại được. Hai vùng đồng cỏ tương đối rộng lớn cuối cùng còn sót lại ở Việt
Nam là vùng đồng bằng Hà Tiên ở tỉnh Kiên Giang và Vườn Quốc gia Tràm Chim ở
tỉnh Đồng Tháp. Những vùng đồng cỏ ngập nước theo mùa và không thể thay thế được
này là nơi cư trú của các loài chim không có ở những nơi khác của đất nước, trong đó
có sếu đầu đỏ (Grus antigone sharpii) và ô tác (Houbaropsis bengalensis). Theo luật
đất đai của Việt Nam ban hành vào năm 1993, các vùng đồng cỏ ở Hà Tiên được coi là
không sử dụng và do đó có thể dùng cho phát triển vào định cư. Kết quả là con người
đã biến đổi hầu hết toàn bộ vùng này thành vùng làm nông nghiệp, trồng cây và nuôi
tôm. Việc nạo vét kênh mương cần thiết cho quá trình biến đổi này đã làm thay đổi các
quy luật thoát nước do đó đất dễ bị phơi ra hơn trong mùa khô. Tại các khu vực đất có
tính axit, quá trình ôxi hóa tăng lên tạo ra nồng độ nhôm và axit cao trong nước rửa trôi.
Giống như đối với các khu rừng ở đầm lầy than bùn bị biến đổi ở vùng đồng bằng bị

216/260
ngập nước theo mùa, hàm lượng axit cao hạn chế sản lượng nông nghiệp và khả năng
phục hồi của thực vật tự nhiên.

Hệ sinh thái biển và ven biển

Giống như các hệ sinh thái hoàn toàn trên cạn, các hệ sinh thái biển và ven biển phải
đương đầu với việc mất môi trường sống trên phạm vi lớn, tuy nhiên chúng vẫn còn
được biết đến ít hơn so với các hệ sinh thái khác. Chúng bị đe dọa trực tiếp do khai thác
cũng như dán tiếp bởi các hoạt động công nghiệp hóa, nông nghiệp và các hoạt động
khác diễn ra trên đất liền.

Việc sử dụng đất không có quy hoạch đã gây ra nhiều hậu quả xấu cho các khu vực ven
biển và ngoài khơi của Việt Nam. Các hoạt động nông nghiệp và phát triển đã tạo ra
lắng đọng ở vùng ven biển thông quá quá trình xói mòn đất, nước thải và phân bón bị
rửa trôi làm hàm lượng dinh dưỡng tăng lên rất cao và tảo mọc quá nhiều khiến nồng
độ ôxi giảm và gây ô nhiễm biển. Những thay đổi này đe dọa sự tồn tại của các quần xã
ở đây và mức độ đa dạng của chúng. Việt Nam đã mất 40 đến 50% các bãi cỏ biển vào
những năm 1980 và 1990 do quá trình lắng đọng ở các vùng ven biển lân cận. Những
bãi bồi chưa bị xáo trộn bị đe dọa bởi việc trồng rừng ngập mặn độc canh nhằm cải tạo
đất vào bảo vệ bờ biển tránh xói mòn. Rừng độc canh không phải là sinh cảnh thích hợp
chó nhiều loài chim, trong đó có loài cò thìa (Platalea minor, thuộc loại nguy cấp) bị đe
dọa toàn cầu.

Các rạn san hô phân bố ở phía trên các đáy biển nông ở cả miền Bắc và miền Nam Việt
Nam đang ở tình trạng rất xấu: các hoạt động của con người đe dọa hầu hết toàn bộ các
rạn san hô này (85 đến 95%) và chỉ có 1/4 trong số này có san hô đang sống và phát triển
chiếm 50% hoặc nhiều hơn. Cùng với các hoạt động trên đất liền, các rạn san hô này bị
đe dọa trực tiếp bởi các hoạt động lấy đá vôi từ san hô và việc sử dụng xyanua để bắt
cá ở rạn san hô và phương pháp này vô tình giết cả san hô. Những rạn san hô này cũng
bị tẩy trắng rất nhiều và quá trình phục hồi diễn ra chậm. Việc tẩy trắng diễn ra khi san
hô loại bỏ các vi thực vật sống cộng sinh ở bên trong và làm lộ phần xương màu trắng
của chúng. Mặc dù vẫn còn ít được biết đến, việc tẩy trắng có lẽ do sự thay đổi các điều
kiện môi trường gây ra, trong đó có nhiệt độ nước. Sự kiện tẩy trắng ở Việt Nam diễn
ra vào năm 1998 trùng hợp với thời kỳ nóng lên do El Nino làm cho nhiệt độ mặt biển
cao hơn mức bình thường 3oC. Các hoạt động của con người tiếp tục tạo ra những mối
đe dọa trong môi trường đối với các rạn san hô của Việt Nam, trong đó có thay đổi khí
hậu (khung 15).

Nuôi tôm

Những người tham quan tinh ý sẽ nhận thấy các ao có bờ đối xứng được làm ở dải rừng
ngập mặn ở vùng bờ biển Việt Nam. Các ao này, phần lớn được phát quang từ năm
1990, được chủ yếu sử dụng để nuôi tôm xuất khẩu sang Nhật, Mỹ và cộng đồng châu

217/260
Âu. Cùng với nhiều nước khác ở Nam Á, Đông Nam Á và Nam Mỹ, Việt Nam đã tham
gia vào thị trường hải sản toàn cầu và nuôi tôm đã nhanh chóng trở thành một chỗ dựa
chính của nền kinh tế và cách kiếm nhiều ngoại tệ. Vào năm 2003, Mỹ đã nhập khẩu
một khối lượng tôm trị giá 595triệu đôla từ Việt Nam, chiếm xấp xỉ 50% lượng xuất
khẩu của cả nước.

Ngành kinh doanh xuất khẩu tăng vọt này không phải là không phải trả giá và đó là giá
phải trả cho môi trường vùng ven biển và cho những con người phải sống phụ thuộc vào
vùng ven biển này. Nuôi tôm ở Việt Nam ban đầu được thực hiện theo phương pháp
quảng canh với ít công lao động và tiền vốn. Chỉ có một tỷ lệ rừng ngập mặn nhỏ bị phát
quang để làm ao và nông dân dựa vào nguồn tôm con cung cấp từ tự nhiên để làm giống.
Bắt đầu vào cuối những năm 1980, việc nuôi tôm đã tăng lên mạnh mẽ và nông dân đã
đẩy mạnh việc biến đổi đất thành ao nuôi tôm. Giữa năm 1988 và 1992, 120.000 ha đất
đã bị phát hoang ở Bạc Liêu và Cà Mau, là hai tỉnh cực Nam của Việt Nam. Những ao
nuôi tôm này lấy giống từ các nơi ươm dưới dạng tôm sau thời kỳ ấu trùng và chủ yếu
là loài tôm sú tự nhiên (Penaeus monodon) và cho ăn bằng các loại cá không có giá trị
thương mại. Sản lượng hàng năm từ những ao nuôi tôm phía Nam này đạt mức 450kg/
ha, gần gấp đôi (250kg/ha) sản lượng đạt được theo phương pháp cũ. Việc nuôi tôm
thâm canh này đã xuất hiện ở khắp Việt Nam.

Bối cảnh tốt đẹp này không kéo dài được lâu. Bắt đầu vào năm 1992 và năm 1993, sản
lượng giảm trong khi sự thiệt hại của môi trường tăng lên. Để làm ao nuôi tôm, nông
dân phát quang rừng ngập mặn, đào khu vực này thành ao sâu 1m và sử dụng đất được
đào lên để làm đê, ngăn hầu như toàn bộ các dòng nước chảy. Do mức độ lắng đọng bên
trong ao, sự xói mòn và sự thu hẹp của đê, nông dân tiếp tục lấy đất từ ao và đắp lên trên
đê hoặc các khu rừng ngập mặn kế bên. Đất có axit sulphat bị ô xi hóa khi nó tiếp xúc
với không khí làm cho nước trong ao có tính axit cao hơn và khiến tôm lớn chậm và làm
tôm chết. Nước bị axit hóa cũng hòa các kim loại, như sắt và nhôm, vào nước và nồng
độ có thể đạt đến mức gây nguy hiểm cho nhiều sinh vật sống trong nước khác.

Bên cạnh việc làm việc làm giảm chất lượng nước, việc mất các khu rừng ngập mặn đã
loại bỏ các vùng ươm cho nhiều loài bản xứ trong đó có các loài tôm tự nhiên. Kết hợp
với quá trình axit hóa và khai thác quá mức, việc mất môi trường này đã làm giảm lượng
tôm giống tự nhiên đến mức mà nuôi tôm quảng canh, ít nhất là ở tỉnh Cà Mau ở phía
Nam, không còn bền vững nữa. Bổ sung hoặc thay thế tôm giống tự nhiên bằng tôm sau
thời kỳ ấu trùng từ nơi ươm giống không khả thi vì dịch bệnh do virus gây ra bắt đầu
xuất hiện vào năm 1993 và đã làm ảnh hưởng đến toàn bộ ngành công nghiệp. Một trong
những loại virus nguy hiểm nhất là bệnh đốm trắng có thể gây ra tỷ lệ tử vong lên đến
100% và hiện đang tồn tại dai dẳng ở nhiều loài có phân bố tự nhiên ở các vùng nước
ven biển của Việt Nam.

Nhiều người định cư ở vùng ven biển tìm cách tăng thu nhập thấp của họ bằng cách vay
vốn cần thiết để phát quang, xây dựng, lấy giống và duy trì các ao nuôi trồng thủy sản.

218/260
Do quá trình axit hóa, ô nhiễm và bệnh tật, các ao này nhanh chóng không còn hoạt động
được nữa và thường bị bỏ không chỉ sau một vài năm dẫn đến các chu kỳ nợ tài chính
và mất môi trường dọc theo các vùng ven biển. Vấn đề cuối cùng mà việc nuôi tôm phải
đối mặt là sự ổn định của thị trường xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm của năm 2002,
xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng 10.7% về khối lượng nhưng chi tăng 4,4% về giá trị
tính bằng đôla vì giá thấp hơn. Có thể là lượng cung cấp quá mức trên toàn cầu sẽ làm
cho giá tôm tiếp tục bị giảm trên các thị trường xuất khẩu hải sản dễ thay đổi và như vậy
chỉ những người sản xuất có hiệu quả cao nhất tồn tại. Vào tháng 6 năm 2004, Mỹ đã
áp dụng thuế nhập khẩu chống bán phá giá rất cao đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam;
điều này cũng có thể làm cho nền công nghiệp mất ổn định.

Phát triển cơ sở hạ tầng

Trong thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20, nhu cầu về điện đang gia tăng của Đông Nam Á
cũng với nhu cầu kiểm soát lũ lụt đã thúc đẩy các kế hoạch xây dựng nhà máy thủy điện
ở khắp nơi trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Việc xây dựng đập và hồ chứa cần thiết
cho việc phát điện làm thay đổi cả môi trường nước và môi trường trên cạn và thường
có những ảnh hưởng sâu sắc lên người dân địa phương. Các dự án phát triển khác nhau
rất nhiều về quy mô từ những nhà máy nhỏ cung cấp điện cho một vài hộ gia đình đến
các dự án khổng lồ phần lớn được đầu tư nước ngoài tài trợ có thể gây ra những hậu quả
môi trường ở phạm vi quốc tế. Phạm vi ảnh hưởng của chúng phụ thuộc vào địa điểm và
diện tích bị ảnh hưởng. Đập Xiaowan cao 300m ở Trung Quốc nằm trên sông Mê Kông
được dự kiến hoàn thành vào năm 2012 được cho là sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ vùng hạ
lưu sông Mê Kông.

Các môi trường nước ngọt đã bị thay đổi rất nhiều do các nhà máy thủy điện. Biến các
môi trường nước chảy (thậm chí cả những vùng nước chảy chậm) thành hồ và nơi chứa
nước có thể gây ra sự tuyệt chủng ở mức độ địa phương của các loài thích nghi với môi
trường sông mà không thể tồn tại ở các môi trường mới bên trong hồ. Các kế hoạch phát
triển lưu vực sông ở phạm vi lớn được đề xuất cũng có thể phá hủy các chế độ nước
của sông và gây nguy hiểm cho các loài phụ thuộc vào chu kỳ lũ lụt-hạn hán trên toàn
bộ vùng lưu vực. Nhiều sinh vật và thậm chí toàn bộ các quần xã đã tiến hóa cùng với
các chu kỳ lũ lụt tự nhiên và dựa và nước lũ để lấy thêm chất dinh dưỡng và di chuyển
đến và ra khỏi các bãi đẻ. Ở vùng lưu vực ở hạ lưu sông Mê Kông, hơn 90% các loài cá
không đẻ trứng ở các con sông mà ở các hồ được hình thành theo mùa và các vùng xung
quanh, ở các khu rừng và các cánh đồng bị ngập lụt hàng năm. Nhiều loài cá thậm chí
chưa bắt đầu quá trình di cư sinh sản hàng năm cho đến khi lượng nước chảy đạt đến
một ngưỡng tới hạn. Trong các chế độ nước chảy được điều chỉnh nhân tạo, những loài
này có thể không sinh sản. Cá di cư cũng bị chặn tại các đập và có thể bị chết trong các
tuabin.

Con người bị ảnh hưởng cả trực tiếp lẫn dán tiếp do việc xây dựng đập. Do các chế độ
dòng chảy thay đổi phá vỡ tập tính sinh học của cá, chúng cũng có tác động lên việc

219/260
đánh cá ở Việt nam, cả việc đánh cá để phục vụ nhu cầu tối thiểu lẫn đối với một phần
nền công nghiệp đánh cá thương mại đang phát triển nhanh ở trong nước. Khoảng một
nửa lượng cá khai thác ở Việt Nam phụ thuộc vào châu thổ sông Mê Kông ở một giai
đoạn nào đó trong vòng đời của chúng. Trong số những loài cá đã biết ở châu thổ sông
Mê Kông, hơn 3/4 là những loài cá được đánh bắt nhằm mục đích thương mại, mặc dù
con số này có thể cao hơn thực tế vì nhiều loài cá ở vùng châu thổ vẫn chưa được phát
hiện. Di chuyển các cộng đồng địa phương là một hậu quả tiêu cực khác của việc xây
đập. Việc xây dựng đập Hòa Bình ở miền Bắc của Việt Nam vào năm 1998 đã làm ngập
tới 200km2 đất, làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học trên cạn và buộc hàng chục nghìn
người phải thay đổi chỗ ở. Vì có rất ít lựa chọn, những người này đã tái định cư ở các
sườn đồi dốc ở các vị trí phía trên vùng bị lụt. Vùng trồng cây nông nghiệp trên các sườn
đồi dốc 60 độ làm tăng mức độ xói mòn, gây ra lắng đọng ở đáy hồ và làm giảm thời
gian hoạt động dự kiến của nhà máy từ 300 xuống khoảng 50 năm. Quá trình lắng đọng
cũng đe dọa sản lượng điện của các nhà máy thủy điện khác ở Việt Nam: thủy điện Đa
Nhim có tuổi thọ 40 năm tại tỉnh Ninh Thuận đã không thể sản xuất điện vào mùa khô vì
hiện tượng này và thủy điện Thác Bà ở tỉnh Yên Bái hàng năm phải nhận tới 5,35 triệu
tấn phù sa.

Các hậu quả khác của việc xây đập lên đa dạng sinh học và cuộc sống của con người
khó có thể dự đoán được như sự có mặt của các công nhân xây dựng đập. Sự suy giảm
lượng nước dọc theo dòng chảy của sông có thể làm tập trung các chất gây ô nhiễm ở hạ
lưu. Những thay đổi của các chu kỳ lụt cũng có thể dẫn đến sự phát tán của các loài có
khả năng gây hại như loài ốc thuộc phân họ Triculinae (Neotricula aperta), là vật chủ
trung gian tự nhiên của bệnh ký sinh trùng sán lá (Schistosoma mekongensis) ở người.
Cuối cùng, mặc dù đập được coi là để giúp kiểm soát lụt, trên thực tế chúng được xây
dựng và vận hành để sản xuất điện và trái lại có thể gây ra thảm họa về lũ lụt nếu không
được quản lý một cách đúng đắn.

Mối đe dọa lớn thứ hai đối với đối với đa dạng sinh học của Việt Nam do phát triển
cơ sở hạ tầng gây ra là việc xây dựng đường xá ở mọi mức độ (hình 65). Cho đến đầu
thế kỷ 21, đường cao tốc Bắc-Nam chạy dọc theo vùng ven biển nơi nó bị lũ lụt ác liệt
vào mùa mưa, đặc biệt ở những khu vực gần các vùng núi bị phá rừng nhiều. Để cải
thiện giao thông và liên lạc, chính phủ đang xây dựng đường cao tốc Hồ Chí Minh dài
1.690km ở vùng núi và sâu hơn vào trong đất liền so với con đường hiện tại. Theo kế
hoạch, con đường cao tốc này sẽ đi qua hoặc chạy gần 10 khu bảo vệ, trong đó có Vườn
Quốc gia Cúc Phương và Phong Nha-Kẻ Bàng. Trong cả quá trình xây dựng và sau khi
hoàn thành, con đường lớn này sẽ làm xáo trộn các loài động vật và thực vật của Việt
Nam thông qua việc phân chia nhỏ môi trường sống, gây lắng đọng phù sa nhiều tại các
sông suối ở vùng núi, săn bắt do các công nhân xây dựng và thiệt hại vĩnh viễn đối với
các hệ thống hang độc đáo và dễ bị ảnh hưởng do chất nổ được sử dụng để làm đường
qua các khu vực đá vôi. Đường Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh việc săn trộm và khai khác
gỗ trái phép, tăng sự tiếp cận của các khu vực nông thôn đến các mạng lưới buôn bán

220/260
động vật hoang dại và phá vỡ cuộc sống bình thường của các dân tộc thiểu số sống gần
khu vực này.

Các loài xâm nhập

Các loài xâm nhập, khi được đưa vào môi trường mới và bị xáo trộn nhiều, có thể tăng
số lượng rất nhiều và chiếm ưu thế, thay thế hoặc thậm chí làm cho các loài bản xứ bị
tuyệt chủng. Các loài xâm nhập không chỉ đe dọa từng loài riêng lẻ mà còn đe dọa cấu
trúc và chức năng của các hệ sinh thái. Các loài xâm nhập có thể là loài ngoại nhập hoặc
là loài có phân bố tự nhiên trong vùng này. Các loài ngoại nhập có thể gây ra những
vấn đề đặc biệt nghiêm trọng vì những nhân tố kiểm soát tốc độ phát triển quần thể của
chúng, như các loài ăn thịt và các loài cạnh tranh về thức ăn và nơi ở có thể không xuất
hiện ở môi trường mới. Vẫn còn ít thông tin về các loài thực vật và động vật xâm nhập ở
Việt Nam và không nghi ngờ gì những loài gây hại nhiều nhất chưa được phát hiện hoặc
chưa được đưa vào các kế hoạch nhằm hạn chế tác động của chúng.

Các loài ngoại nhập đã vào Việt Nam theo nhiều con đường khác nhau. Một số loài, như
cỏ, đã được mang vào một cách ngẫu nhiên theo các con tàu hoặc trong các hàng hóa.
Cỏ hôi (Chromolaena odorata), một loài cỏ sống lâu có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới
châu Mỹ, được đưa vào châu Á vào những năm 1800, có lẽ là ở trong các thùng chứa
nước để giữ cho thuyền thăng bằng trên các tàu trở hàng từ vùng Carribê. Hiện chưa có
thông tin về thời điểm cỏ hôi được đưa vào Việt Nam, nhưng có lẽ là ngẫu nhiên và loài
cỏ này hiện phân bố trên khắp đất nước. Nó chủ yếu sống ở những vùng bị xáo trộn, nơi
nó sống rất dai, phân tán nhanh và chiếm ưu thế so với các loài thực vật khác nhờ các
chất hóa học nó giải phóng để ngăn cản sự nảy mầm và phát triển của các thực vật lân
cận. Các loài xâm nhập khác, trong đó có một số loài cá và ốc, được đưa vào có chủ ý
vì những tiềm năng về kinh tế của chúng.

Một ví dụ là ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata). Phân bố tự nhiên ở Nam Mỹ, loài
ốc này được đưa vào Việt Nam khoảng năm 1988 để nuôi nhằm phục vụ các thị trường
trong nước và cho xuất khẩu. Tuy nhiên, nỗ lực này đã thất bại vì người Việt Nam không
thấy loại ốc này ngon. Nó nhanh chóng thoát ra khỏi các ao nuôi và trong vòng 10 năm
đã ảnh hưởng đến 57 trong số 61 tỉnh của Việt Nam. Nó hiện là vật gây hại nghiêm trọng
cho lúa và có thể đe dọa các quần thể ốc tự nhiên, như đã xảy ra ở Malaysia, nơi các nhà
khoa học cho rằng việc đưa nó vào nước này đã gây ra sự suy giảm của loài ốc táo (Pila
scutata) sống tự nhiên ở đây.

Các loài thực vật xâm nhập là mối đe dọa đặc biệt đối với các khu vực đất ngập nước và
các môi trường nước của Việt Nam. Sự xuất hiện của loài mimosa lớn (Mimosa pigra),
có phân bố tự nhiên ở Mêhicô, miền Trung và Nam Mỹ, là mối đe dọa nghiêm trọng
đến các hệ sinh thái đất ngập nước khắp Việt Nam. Loài này phát triển tốt ở những khu
vực có nhiều ánh nắng và có mặt phổ biến dọc theo các bờ sông và bờ kênh và đã xâm
nhập vào nhiều địa điểm ở châu thổ sông Mê Kông. Khu vực đồng cỏ tại Vườn Quốc gia

221/260
Tràm Chim đã bị thu hẹp đáng kể vì sự xâm nhập của của loài mimosa lớn. May mắn là
các phương pháp loại bỏ bao gồm việc cắt cành trong mùa lụt, đốt cành và hạt và dùng
hóa chất có lẽ đã thành công ở một số khu vực. Vào tháng 5 năm 2000, loài này đã bị
tiêu giệt ở Khu bảo tồn thiên nhiên U Minh Thượng. Trái lại, ở Tràm Chim khu vực có
loài cỏ này che phủ có lẽ đang mở rộng, tăng từ 490-2.000 ha giữa năm 2000 và 2002.
Bèo Nhật Bản (Eichhornia crassipes), một loài thực vật sống dưới nước có phân bố tự
nhiên tại lưu vực sông Amazôn, hiện sống ở các vùng đường thủy của Việt Nam. Các
nhà khoa học cho rằng loài này làm giảm sự đa dạng sinh học trong môi trường nước
do nó ngăn ánh sáng đi xuống những tầng bên dưới và che ánh sáng của thực vật nổi và
tảo. Khi những thực vật này bị thối rữa, hàm lượng ôxy trong nước giảm, làm giảm các
quần thể thực vật nổi cũng như các loài sống dưới nước phụ thuộc vào chúng.

Các loài xâm nhập thuộc dạng đặc biệt, các bệnh lây nhiễm mới xuất hiện như cúm chim
và bệnh viên phổi cấp (SARS) đã dẫn đến những vấn đề lớn về y tế cộng đồng và phá
hoại ngành công nghiệp du lịch cũng như chăn nuôi gia cầm ở Việt Nam. Những bệnh
này cũng có những tác động đến động vật hoang dã vì các biện pháp kiểm soát bao gồm
việc giết không có hệ thống những loài chim tự nhiên và những loài nghi ngờ là vectơ
mang bệnh SARS như cầy.

Ô nhiễm

Hiện nay, ngày càng có nhiều lo lắng về những tác động của ô nhiễm lên môi trường ở
Việt Nam, đặc biệt do sự phát triển kinh tế đang gia tăng. Sau khi mở cửa ra thị trường
quốc tế, phần lớn tài nguyên của đất nước đã được đầu tư vào việc xây dựng các nhà
máy công nghiệp mới và phát triển nông nghiệp. Đào mỏ và các hoạt động khai thác tài
nguyên khác cũng đã tăng lên. Tất cả các hoạt động này đã trở thành các nguồn gây ô
nhiễm chính ở Việt Nam. Tuy nhiên, có ít thông tin về ảnh hưởng của ổ nhiễm lên khu
hệ động và thực vật của đất nước vì phần lớn các nghiên cứu không được thực hiện để
nhằm mục đích làm sáng tỏ mối quan hệ giữa các mức độ ô nhiễm và phản ứng của các
sinh vật sống.

Việt Nam có khoảng 7.000 nhà máy và xí nghiệp lớn và rất nhiều trong số này vẫn sử
dụng những công nghệ cũ và thải các rác thải chưa xử lý trực tiếp vào môi trường. Các
nhà máy lọc dầu cùng với các nhà máy sản xuất kim loại, dệt, làm giấy, chế biến thực
phẩm và hóa chất cần quan tâm đặc biệt vì rác thải của chúng chứa các kim loại có tính
độc như arsen, đồng, thủy ngân và chì. Việt Nam có tới 560 mỏ, phần lớn là mỏ than tập
trung ở tỉnh Quảng Ninh và Bắc Thái, nhưng cũng có mỏ khai thác kim loại (trong đó
có vàng) và đá quý. Các công ty khai thác mỏ đã bỏ lại những vùng đồi trọc và các diện
tích rừng bị giảm sút và những hoạt động của các công ty này đã dẫn tới việc tăng xói
mòn đất, tăng lượng lắng đọng và làm ô nhiễm các vùng nước lân cận bằng các kim loại
nặng thải ra.

222/260
Biển Đông gần đây đã trở thành khu vực có nhiều hoạt động thăm dò và khai thác dầu.
Các vùng biển có tiềm năng khai thác dầu bao gồm vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan và quần
đảo Trường Sa. Các hoạt động của tàu thuyền trên biển cũng như việc khai thác và vận
chuyển dầu diễn ra thường xuyên là những nguyên nhân chủ yếu gây ra ô nhiễm dầu
trên biển. Mỗi năm, khoảng 200 triệu tấn dầu được vận chuyển ở ngoài khơi của Việt
Nam. Dò rỉ và tràn dầu có thể diễn ra trong qua trình khai thác và chế biến tại các giàn
khoan dầu ở ngoài khơi và có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về sinh thái cũng
như những mất mát lớn về kinh tế. Không phải tất cả ô nhiễm đều từ các nguồn công
nghiệp hoặc các hoạt động khai thác. Nông dân thường xuyên sử dụng thuốc trừ sâu và
phân bón trên đất nông nghiệp chiếm hơn 20% diện tích của cả nước. Nhiều loại thuốc
trừ sâu có tính độc cao có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sinh thái. Bên cạnh
đó, trong một hệ thống do thị trường quyết định, có xu hướng sử dụng ngày càng tăng
các thuốc trừ sâu rẻ hơn nhưng nguy hiểm hơn; một số đã bị cấm ở Mỹ, trong đó có
DDT, arsen, vẫn được sử dụng thường xuyên.

Khung 15

Các tác động của thay đổi khí hậu

Ngày càng có nhiều bằng chứng về việc khí hậu của trái đất đang nóng lên chủ yếu do
các hoạt động của con người mà cơ bản là việc đốt các nhiên liệu hóa thạch. Điều này
gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với đa dạng sinh học toàn cầu. Mặc dù trái đất
luôn trải qua những chu kỳ về thời tiết, những thay đổi hiện nay đang diễn ra với tốc độ
nhanh hơn và trong một thế giới do con người biến đổi. Các sinh vật trước đây có thể đã
thay đổi vùng phân bố của chúng để thích nghi với thay đổi của thời tiết bị chắn đường
do nơi ở của con người trong đó có các vùng đất nông nghiệp và các chướng ngại khác.
Việc chúng ta đã gần như loại bỏ hoàn toàn những lối thoát càng làm tăng thêm mức độ
nghiêm trọng của thậm chí những thay đổi nhỏ về nhiệt độ và các khía cạnh khác về thời
tiết.

Đa dạng sinh học của Việt Nam đang phải hứng chịu những rủi ro đặc biệt. Mặc dù Việt
Nam có một phần đáng kể mức độ đa dạng sinh học của trái đất, đất nước cũng có khả
năng hạn chế về kỹ thuật và tài chính để giải quyết những thách thức mà thay đổi thời
tiết gây ra. Diện tích rừng và đất ngập nước đang bị thu hẹp nhanh chóng và nhiều loài
thực vật và động vật đang bị đe dọa. Các hệ sinh thái của Việt Nam trong một số trường
hợp dễ bị phá hủy và có thể dễ bị ảnh hưởng xấu do sự dao động bất thường của thời
tiết.

Mực nước biển tăng sẽ có những hậu quả to lớn đối với đa dạng sinh học vùng đất ngập
nước ven biển. Các khu vực rộng lớn của Việt Nam nằm trong phạm vi 1m trên mực
nước biển trung bình. Mực nước biển tăng sẽ làm ngập các vùng đất ngập nước và vùng
đồng bằng, làm xói mòn bờ biển, làm trầm trọng thêm lũ lụt ở vùng ven biển, tăng lượng
muối ở các cửa sông và trong nước ngầm và mặt khác làm giảm chất lượng nước, thay

223/260
đổi phạm vi của thủy triều ở các con sông, vịnh và thay đổi các địa điểm nơi các con
sông có phù sa lắng đọng.

Các vùng ngập nước do thủy triều có thể bị biến đổi rất lớn và các hệ sinh thái như
rừng ngập mặn có thể biến mất cùng với tất cả các sinh vật sống trong hoặc phụ thuộc
vào các hệ sinh thái này nếu chúng không thích nghi nhanh chóng với những thay đổi
này. Những đặc điểm tự nhiên của các vùng nước nông có thể thay đổi đáng kể, làm
giảm chức năng của các hệ sinh thái. Có thể có những mất mát đáng kể về các nguồn
tài nguyên như các loài chim, các bãi ươm và bãi đẻ của cá và sản lượng của tôm cua.
Thời tiết thay đổi và mực nước biển tăng cũng sẽ đe dọa các phá và những bãi đẻ của
rùa biển hiện nay. Các rạn san hô dễ bị ảnh hưởng do hiện tượng nóng lên toàn cầu gây
ra; nhiệt độ nước biển tăng có thể gây ra hiện tượng tẩy trắng và các hệ sinh thái san hô
cũng nhạy cảm với những thay đổi về độ sâu của nước.

Như nhiều quốc gia đang phát triển, Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên thiên
nhiên của đất nước. Những mất mát về đa dạng sinh học do thay đổi thời tiết gây ra sẽ
đặt ra rất nhiều khó khăn cho việc phát triển kinh tế xã hội trong tương lai, đặc biệt là
đối với ngành thủy sản. Cục khí tượng thủy văn của chính phủ Việt Nam đang soạn thảo
kế hoạch hành động quốc gia cho các vần đề về thời tiết và thay đổi thời tiết và sẽ cố
gắng cân bằng giữa các nhu cầu về phát triển và việc bảo vệ môi trường.

Nguyễn Hữu Ninh, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường, Giáo dục và Phát Triển, Hà Nội.

224/260
Bảo tồn Tương lai của môi trường sống ở
Việt Nam
Nhiều cá nhân ở Việt Nam và các cơ quan chính phủ đã nhận thấy thực trạng là các
hoạt động của con người đang đe dọa các loài, môi trường và các hệ sinh thái và sự cần
thiết có những biện pháp bảo tồn để nhanh chóng làm giảm sự tác động của các hoạt
động này. Kết quả là, các cá nhân và tổ chức trong nước và quốc tế đang tiến hành nhiều
biện pháp bảo tồn khác nhau trong đó có cải thiện luật pháp về bảo vệ động vật hoang
dã, phát triển một hệ thống các khu bảo tồn, các biện pháp bảo tồn ở mức độ loài và
tạo ra những khuyến khích về kinh tế để bảo tồn đa dạng sinh học. Việt Nam, cùng với
các nước láng giềng, được các tổ chức bảo tồn quốc tế lớn xếp vào nhóm cần được ưu
tiên cao trong công tác bảo tồn. Những tổ chức này, bị hạn chế do nguồn tài chính khan
hiếm, sử dụng nhiều chiến lược khác nhau để thiết lập những khu vực cần được ưu tiên
để tập trung và hướng dẫn việc đầu tư của họ. Những chiến lược này thường kết hợp
những ước tính về số lượng loài, sự có mặt của các loài đặc hữu, mức độ nghiêm trọng
của các mối đe dọa và khả năng đạt được những mục tiêu cụ thể để xếp hạng các khu
vực cần được bảo tồn.

Cách tiếp cận của họ khác nhau và họ cũng áp dụng những chuẩn mực khác nhau. Quỹ
động vật hoang dã thế giới (WWF) đã phát triển Hệ thống khu sinh thái toàn cầu 200 để
tìm ra các khu vực trọng điểm cho việc bảo tồn trên toàn thế giới. Các nhà khoa học đã
phân loại các khu vực tự nhiên theo dạng môi trường sống và sau đó chọn ra những địa
điểm nổi bật trên toàn thế giới có nhiều loài, mức độ đặc hữu cao và có nhiều sự kiện
đặc biệt về sinh thái và tiến hóa, như sự di cư của các loài thú lớn có móng guốc ở các
đồng bằng tại Serengeti hoặc sự phân hóa nhanh của các loài ví dụ như chim sẻ đồng ở
quần đảo Galapagos. Năm trong số những khu vực được chọn có một phần nằm tại Việt
Nam.

Chiến lược xác định các vùng ưu tiên của tổ chức Bảo tồn quốc tế (Conservation
International) là tìm những khu vực tương đối lớn trên toàn cầu dựa vào 2 tiêu chuẩn:
mỗi vùng phải có ít nhất 1.500 loài thực vật đặc hữu và 70% môi trường nguyên sinh
của khu vực này (ở mức tối thiểu) đã bị mất. Phương pháp này là nhằm bảo tồn nhiều
loài nhất và trên một diện tích nhỏ nhất; cho đến nay 34 vùng ưu tiên đã được công nhận
chiếm tổng số 2,3 % diện tích của thế giới. Toàn bộ diện tích của Việt Nam nằm trong
vùng ưu tiên Ấn Độ-Myanmar bao gồm vùng lục địa Đông Nam Á và Nam Trung Quốc.

Tổ chức BirdLife quốc tế (BirdLife International) tập trung một trong những chiến lược
tìm các vùng ưu tiên của nó vào nhóm chim và vào một đặc điểm là số lượng các loài
đặc hữu trong một khu vực. Những vùng phân bố của các loài chim có tổng diện tích
phân bố trên toàn cầu nhỏ hơn 50.000km2 được đưa vào bản đồ và được xếp vào loại có

225/260
phân bố hẹp. Những khu vực có nhiều hơn 2 loài có phân bố hạn chế được xếp vào Khu
vực chim đặc hữu và trở thành điểm tập trung của các nỗ lực bảo tồn. Bốn vùng loại này
nằm trong lãnh thổ của Việt Nam và có liên hệ với dãy Trường Sơn.

Các biện pháp bảo tồn ở mức độ quốc gia và ở mức độ địa phương ở Việt Nam đã có
bề dày lịch sử và một số những phong trào này có ý nghĩa văn hóa và tinh thần sâu sắc.
Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu có những nỗ lực chính thức ngay sau khi giành được
độc lập. Vào năm 1960, Hồ Chí Minh, là chủ tịch của miền Bắc Việt Nam vào thời kỳ
đó, đã phát động chiến dịch trồng cây gọi là Tết trồng cây. Phong trào này có nhiều mục
đích trong đó có sản xuất gỗ, quả cây và củi đun; là giảm sói mòn; trồng rừng; và để
cải thiện cảnh quan và môi trường của đất nước. Vào năm 1962, Bác Hồ tạm gác công
việc liên quan đến cuộc chiến tranh chống Mỹ để thành lập vườn quốc gia đầu tiên ở
miền Bắc của Việt Nam, Vườn Quốc gia Cúc Phương thể hiện tầm nhìn xa ngay trong
bối cảnh chính trị phức tạp (hình 66). Gần một năm sau, tại một cuộc họp với các cán bộ
lãnh đạo từ các vùng miền núi của miền Bắc và miền Trung, Bác nói: “ Phá rừng nhiều
như vậy sẽ ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều … Rừng
là vàng nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý” (Võ Quý và cộng sự 1992,
trang 76).

Chính sách và luật pháp của quốc gia và quốc tế về bảo tồn

Chính phủ Việt Nam đã đề xướng một loạt các biện pháp bảo tồn vẫn đang còn được
thực hiện ở cấp quốc gia vào năm 1981 khi chính phủ đưa ra luật bảo vệ môi trường ở
vùng nông thôn. Vào năm 1985, Ủy ban về Sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và
Bảo vệ môi trường, một nhóm độc lập gồm những chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác
nhau cộng tác với Hiệp hội bảo tồn thế giới (lúc đó gọi là Hiệp hội quốc tế về bảo tồn
thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên; viết tắt là IUCN) để soạn thảo Chiến lược bảo vệ
quốc gia cho Việt Nam. Tài liệu này trình bày chi tiết những mối đe dọa chính đối với
đa dạng sinh học của Việt Nam và đề xuất những hành động nhằm bảo tồn môi trường
tự nhiên cũng như đáp ứng nhu cầu của con người.

Vào năm 1986, chính phủ đã thông qua các điều luật về việc thành lập một hệ thống các
khu bảo vệ quốc gia, một mạng lưới các vườn quốc gia và khu bảo tồn được giành cho
việc bảo tồn đa dạng sinh học. Trong cùng năm này, nhận thức được rằng sự phân bố
của đa dạng sinh học hiếm khi tuân theo biên giới giữa các nước, Việt Nam đã ký một
số thỏa thuận với chính phủ Campuchia và Lào để hợp tác trong việc bảo tồn động vật
hoang dã giữa các vùng biên giới. Chính phủ đã phát triển Kế hoạch quốc gia về môi
trường và phát triển bền vững vào năm 1991 và cũng trong năm này Bộ Lâm nghiệp
(nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã hoàn thành Chương trình hành
động về rừng nhiệt đới để hướng dẫn việc quản lý rừng. Vào năm 1994, Luật bảo vệ môi
trường, được hình thành từ Kế hoạch quốc gia, đã ủy nhiệm về mặt luật pháp cho chính
phủ thực hiện các hoạt động về đánh giá về môi trường, kiểm soát ô nhiễm và quy hoạch
môi trường.

226/260
Vào năm 1994, chính phủ đã phê chuẩn 2 công ước quốc tế: Công ước về đa dạng sinh
học tập trung vào việc sử dụng bền vững và có lẽ là hiệp ước toàn cầu quan trọng nhất
hiện nay về việc bảo tồn đa dạng sinh học và Công ước quốc tế về buôn bán động vật
và thực vật hoang dã, hay CITES, là hiệp ước quy định việc buôn bán các loài bị nguy
cấp (khung 16). Việt Nam nằm trong số ít các nước ở Đông Nam Á đã phê chuẩn tất cả
4 công ước quốc tế quan trọng về bảo tồn đa dạng sinh học.

Một số lượng đáng kể những loài mới bắt đầu được phát hiện vào đầu những năm 1990
đã thúc đẩy sự quan tâm đến đa dạng sinh học của Việt Nam ở cả phương diện trong
nước lẫn quốc tế. Những cuộc khảo sát được tiến hành ở những khu vực xa xôi và trước
đây ít được đặt chân tới và những khu vực nơi có loài mới được phát hiện trở thành sự
lựa chọn cho việc xây dựng những khu bảo vệ mới và mở rộng những khu bảo vệ cũ.
Sau khi phát hiện ra Saola (Pseudoryx nghetinhensis) tại Khu bảo tồn thiên nhiên Vụ
Quang và mang lớn (Muntiacus vuquangensis) ở bên kia biên giới của Lào, lãnh đạo
địa phương đã hưởng ứng bằng cách tăng diện tích của khu bảo tồn lên hơn 3 lần và
cấm khai thác gỗ. Trong những năm 1990, các nhà khoa học Việt Nam đã bắt đầu biên
soạn những thông tin về các loài bị đe dọa và thuộc loại nguy cấp cho cuốn sách đỏ của
Việt Nam. Phần cho động vật được xuất bản vào năm 1992 (tái bản có bổ sung vào năm
2000) và phần thực vật vào năm 1996. Cả quỹ động vật hoang dã thế giới và tổ chức
BirdLife quốc tế đã mở các văn phòng đại diện tại Việt Nam vào đầu những năm 1990
và bắt đầu giúp đỡ các nỗ lực bảo tồn của quốc gia.

Vào năm 1995, chính phủ Việt Nam đã thông qua Kế hoạch hành động về đa dạng sinh
cho đất nước và cùng với Kế hoạch quốc gia được ban hành vào năm 1991 là cơ sở
cho các chính sách về môi trường trong những năm 1990 (khung 17). Sau khi xem xét
những tiến triển của Kế hoạch hành động về đa dạng sinh học, chính phủ đã hoàn thành
Chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường 2001-2010 và đã soạn thảo kế hoạch hành
động trong 5 năm được bắt đầu từ năm 2000.

Mỗi nỗ lực kể trên đã mở đường cho chính sách và luật pháp trong tương lai. Trong 2
thập kỷ cuối của thế kỷ 20, chính phủ Việt Nam đã ban hành hơn 30 văn kiện luật liên
quan đến bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó có việc thành lập các vườn quốc gia và khu
bảo tồn thiên nhiên, cấm săn bắt voi, kiểm soát súng để hạn chế săn bắn, bảo vệ các loài
động thực vật đặc hữu và cấm hoàn toàn việc khai thác gỗ trong các khu rừng tự nhiên
(bảng 5).

Những vấn đề xuyên biên giới:

Quảng lý sông Mê Kông

Các khu vực tự nhiên thông thường không tuân theo biên giới giữa các nước và Việt
Nam không phải là ngoại lệ vì nó có chung nhiều tài nguyên với các nước láng giềng.
Sông Mê Kông nằm giữa 6 nước: Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và

227/260
Campuchia. Kết quả là, để việc bảo tồn có hiệu quả và hợp lý cần có hành động mang
tính khu vực. Vào đầu thế kỷ 20, khi con người mở rộng phân bố dọc theo sông Mê
Kông và nhu cầu về nước tăng lên, chủ yếu cho thủy lợi, cả 6 nước đã phải chịu phản
ứng dây chuyền của các hoạt động phát triển tại một vị trí nhất định như làm đập cả ở
vùng thượng lưu và hạ lưu của con sông. Vào những năm 1950, việc tiếp cận hợp lý đến
các nguồn tài nguyên của sông Mê Kông trở thành trở thành vấn đề lớn đối với những
nước này và cộng đồng phát triển quốc tế. Vào năm 1957, Ủy ban kinh tế về châu Á
và viễn Đông của Liên hiệp quốc đã phản ứng bằng cách thành lập Ủy ban về phối hợp
điều tra tại vùng hạ lưu sông Mê Kông, có tên thường gọi là Ủy ban sông Mê Kông. Các
thành viên của ủy ban là người Campuchia, Lào, Thái Lan và vào thời gian đó là Việt
Nam Cộng Hòa (miền Nam của Việt Nam). Việc loại Trung Quốc ra khỏi ủy ban này là
kết quả của Chiến tranh lạnh và các nỗ lực (chủ yếu do Mỹ) nhằm hạn chế sự tiếp cận
của các nước xã hội chủ nghĩa đến các nguồn tài nguyên. Chính phủ Mỹ, mặc dù không
phải là thành viên của ủy ban, có một đại diện đóng vai trò là người đứng đầu về mặt
quản lý của ủy ban.

Ủy ban sông Mê Kông ban đầu có nhiệm vụ nắm bắt được tiềm năng của con sông và
hướng khu vực này tiến tới phát triển kinh tế. Những nỗ lực ban đầu tập trung vào các
nghiên cứu về chế độ nước nhằm xác định những vị trí thích hợp để xây đập và các hệ
thống thủy lợi. Trong các cuộc xung đột vũ trang ở Đông Dương từ những năm 1960
đến những năm 1980, ủy ban đã trì hoãn phần lớn công việc. Cho đến cuối thời kỳ không
hoạt động này, cộng đồng tài chính quốc tế bắt đầu bắt đầu chú ý hơn đến việc đưa 3
nước Đông Dương tiến tới nền kinh tế cởi mở hơn và có nhiều xu hướng thị trường hóa
hơn. Cùng thời điểm này, các nguồn tài chính đổ vào khu vực đã làm tăng thêm sự quan
tâm đến việc phát triển dọc theo sông Mê Kông. Vào năm 1995, ban tổ chức đã trở thành
Ủy ban sông Mê Kông (Mekong River Commission).

Đồng thời, có những lo ngại trên toàn cầu về ảnh hưởng của những dự án phát triển tới
con người và môi trường như những dự án được dự kiến xây dựng tại khu vực sông
Mê Kông. Để giải quyết vấn đề này, ủy ban đã mở rộng chức năng của nó ra bên ngoài
nhiệm vụ xác định vị trí để xây đập và bao gồm cả các vấn đề về tác động môi trường,
văn hóa và những vấn đề có liên quan. Đáng tiếc là, vì nó không thể hành động trái với
mong muốn của từng chính phủ trong ủy ban, nó ít có tiếng nói trong những vấn đề này.
Để phát huy tốt nhất khả năng của mình, ủy ban khuyến khích việc quản lý và bảo vệ
khôn khéo nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên có liên quan của lưu vực sông Mê
Kông và thúc đẩy việc sử dụng hợp lý. Tập trung vào quản lý bền vững, nó ủng hộ việc
giám sát chất lượng nước, quản lý ngành thủy sản, phát triển nông nghiệp, giảm nhẹ lũ
lụt và quy hoạch các nhà máy thủy điện. Vấn đề cơ bản là Trung Quốc và Myanmar,
theo sự lựa chọn của riêng họ, vẫn không có đại diện tại ủy ban. Tất cả những nước láng
giềng phải tham gia vào các quyết định có ảnh hưởng to lớn, như kích thước và vị trí
xây dựng đập, và có tác động ra bên ngoài biên giới của một quốc gia.

228/260
Bảo vệ các khu vực dành cho công tác bảo tồn

Để phát triển một hệ thống vườn quốc gia và khu bảo tồn nhằm mục đích bảo tồn sự đa
dạng loài và môi trường sống, Việt Nam đã sử dụng các biện pháp trong nước và quốc
tế để giúp cung cấp thông tin về kích thước, địa điểm và cấu trúc của từng khu bảo vệ.
Một số hệ thống phân loại quốc tế được xây dựng nhằm bảo vệ các khu vực có tầm quan
trọng quốc tế đã đưa Việt Nam vào trong những phân tích của các hệ thống này. Các
Khu dự trữ sinh quyển, do Cơ quan giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên hiệp quốc
(UNESCO) phối hợp, được thiết lập trong các hệ sinh thái có tầm quan trọng toàn cầu,
coi bảo việc vệ đa dạng sinh học và sử dụng bền vững là những mục tiêu chung. Phần
lớn các khu bảo tồn được xây dựng dưới dạng các đường tròn đồng tâm, mỗi phần có
một chức năng riêng: khu vực lõi bên trong tập trung vào việc bảo vệ lâu dài các tài
nguyên sinh học; vùng đệm xung quanh nơi có thể có một số lượng hạn chế các hoạt
động ít gây tác động như thu lượm các sản phẩm rừng; và vùng chuyển tiếp bên ngoài
nơi có thể có các hoạt động ở mức độ cao hơn tuy nhiên vẫn ở mức bền vững. Tại nhiều
khu vực này, các cộng đồng địa phương tham gia vào nghiên cứu, giám sát và các hoạt
động bảo vệ. Việt Nam có 4 Khu dự trữ sinh quyển: Lâm viên Cần Giờ, Vườn Quốc gia
Cát Tiên, đảo Cát Bà và châu thổ sông Hồng.

UNESCO cũng thiết lập các Khu di sản thế giới để bảo tồn các đặc điểm văn hóa cũng
như tự nhiên. Theo Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên của thế giới (Paris,
1972) mà Việt Nam đã thông qua vào năm 1987, các nước thành viên đã cam kết bảo
vệ các khu vực được đưa vào danh sách nằm trong biên giới của những nước này. Cho
đến năm 2004, 5 Khu di sản thế giới đã được công nhận tại Việt Nam: Phố cổ Hội An,
Khu di tích Mỹ Sơn, Di tích cố đô Huế, vịnh Hạ Long và Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ
Bàng. Hai di tích cuối cùng được công nhận vì vẻ đẹp đặc biệt, mức độ đa dạng sinh học
cũng như tầm quan trọng về văn hóa của chúng.

Công ước về đất ngập nước đã công nhận một khu vực ở Việt Nam là Đất ngập nước
có tầm quan trọng quốc tế: Vườn Quốc gia Xuân Thủy thuộc châu thổ sông Hồng. Còn
có tên là Công ước Ramsar là tên gọi của địa điểm nơi hiệp ước này được soạn thảo và
ký kết, công ước này tạo khuôn khổ cho việc bảo tồn đất ngập nước và thúc đẩy việc sử
dụng bền vững các khu vực này thông qua hành động của quốc gia và hợp tác quốc tế.

Kể từ những năm 1960, chính phủ Việt Nam đã cố gắng phát triển một hệ thống các
khu bảo vệ. Việc chỉ định các khu bảo tồn thay đổi phụ thuộc vào các loại hoạt động
khai thác cho phép bên trong biên giới của chúng và mức quản lý hành chính của chúng
như ở cấp quốc gia, tỉnh hoặc địa phương. Các vườn quốc gia của Việt Nam phải có các
vùng lõi được bảo vệ nghiêm ngặt, có một vài loài đặc hữu hoặc có hơn 10 loài thuộc
loại nguy cấp và phần lớn là môi trường tự nhiên và có ít diện tích nông nghiệp cũng
như nhà ở.

229/260
Vào năm 1999, hệ thống vườn quốc gia và khu bảo tồn của Việt Nam có 87 địa điểm,
chiếm diện tích 1,3 triệu hecta, tương đương với khoảng 4% diện tích đất của cả nước.
Vì không có những ưu tiên về bảo tồn được xây dựng một cách hợp lý, những địa điểm
được thêm vào có phần ngẫu nhiên khi hệ thống này được mở rộng. Các tiêu chuẩn được
sử dụng để chọn địa điểm bao gồm khả năng bảo vệ các loài đặc hữu và bảo tồn các loài
và các loại môi trường sống hiếm hoặc phải chịu những mối đe doạ nghiêm trọng nhất.
Tuy nhiên, các quyết định không phải thường xuyên dựa vào việc bảo vệ đa dạng sinh
học và một số khu vực cực kỳ quan trọng đối với công tác bảo tồn, trong đó có phần lớn
4 Khu vực chim đặc hữu, vẫn nằm ngoài hệ thống này. Nhiều khu vực trong hệ thống
khu bảo tồn không còn là nguyên sinh, bị đe dọa do việc mở rộng nông nghiệp, khai thác
gỗ và buôn bán động vật hoang dã hoặc quá nhỏ đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học.

Do đó, vào cuối những năm 1990, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết
định mở rộng hệ thống các khu bảo vệ nhằm đưa vào hệ thống này tất cả các loại rừng
tự nhiên của Việt Nam để bảo tồn các loài bị đe dọa toàn cầu và tăng tính hiệu quả của
hệ thống này. Mục tiêu của Bộ là tăng gần gấp đôi diện tích của các khu bảo tồn lên 2
triệu hecta vào năm 2010. Một trong những cơ quan của Bộ, Viện điều tra và quy hoạch
rừng, đã phối hợp với tổ chức BirdLife quốc tế để tìm các khu vực trong hệ thống này
không còn có rừng che phủ và xác định các khu vực rừng tự nhiên chưa được bảo vệ và
cần được đưa vào hệ thống này. Công nghệ viễn thám, một công cụ được họ sử dụng để
xác định loại, tình trạng và phân bố của rừng, đã đóng vai trò quan trọng trong việc ra
quyết định (khung 18).

Vào đầu thế kỷ 21, chính phủ Việt Nam bắt đầu xem xét đến các vùng bên ngoài các hệ
sinh thái trên cạn đến các hệ sinh thái biển và ven biển của đất nước. Kinh nghiệm trên
toàn thế giới cho thấy các khu bảo vệ trên biển có thể giúp làm tăng mật độ, sự đa dạng
và kích thước của các sinh vật biển và các khu bảo tồn, khu bảo vệ và các vùng không
đánh bắt cá hoặc không được khai thác giúp tăng sản lượng đánh bắt cá ở các vùng lân
cận. Vào năm 2001, Khu bảo tồn trên biển đầu tiên của Việt Nam được thành lập tại
Hòn Mun, Nha Trang. Việc đưa cộng đồng địa phương vào các hoạt động xây dựng và
quản lý khu bảo tồn là rất quan trọng vì phần lớn các cư dân ở đây kiếm sống nhờ du lịch
hoặc đánh cá. Vào năm 2004, Cù Lao Chàm thuộc tỉnh Quảng Nam được công nhận là
Khu bảo vệ trên biển thứ 2 và 13 Khu bảo tồn trên biển ở cấp quốc gia khác đang được
dự kiến.

Những thách thức khác mà Việt Nam gặp phải trong việc thực hiện mục tiêu phát triển
một mạng lưới các khu bảo vệ có hiệu quả trong những môi trường sống quan trọng
chưa được bảo vệ mà quan trọng nhất là các vùng đất ngập nước và đồng cỏ của đất
nước. Các vùng đất ngập nước đã nhận được nhiều sự quan tâm hơn ở cấp quốc gia tại
Việt Nam mặc dù những mối đe dọa và việc hệ sinh thái này chưa được chính thức công
nhận là một hạng mục đất sử dụng tiếp tục gây ra khó khăn cho việc bảo vệ (khung 19).
Các vùng đồng cỏ phần lớn vẫn chưa được bảo vệ, đặc biệt ở phía Nam của Việt Nam
nơi những sinh cảnh này là nơi cư trú của nhiều loài quan trọng như ô tác (Houbaropsis

230/260
bengalensis) thuộc loại nguy cấp. Nhìn chung, chính phủ phân loại đất hoặc dưới dạng
đất nông nghiệp, rừng, nông thôn, đô thị, đất đặc chủng hoặc không được sử dụng. Đồng
cỏ thuộc loại đất không được sử dụng và do đó rất dễ bị đưa vào khai thác. Những khu
vực tự nhiên còn lại trên đất liền của Việt Nam có diện tích nhỏ và bị phân tách cần có
những chiến lược khác để đảm bảo cho việc bảo tồn những khu vực này. Những chiến
lược này bao gồm việc xây dựng các hành lang để nối những vùng bị cách biệt và thúc
đẩy việc bảo tồn xuyên biên giới, cả giữa những huyện hành chính bên trong Việt Nam
và giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Việc thi hành đầy đủ phạm vi ranh giới và
các quy định là rất quan trọng đối với các hệ thống khu bảo tồn trên đất liền và trên biển.
Những cán bộ kiểm lâm của Việt Nam xứng đáng được khen ngợi nhiều vì những nỗ
lực của họ (khung 20).

Phục hồi các khu vực bị xuống cấp

Vào năm 2002, các nhà khoa học đã vẽ bản đồ về ảnh hưởng của hoạt động con người
trên toàn thế giới sử dụng những thông tin về mật độ dân số, biến đổi đất, sự tiếp cận và
cơ sở hạ tầng về điện. Điều tra những ảnh hưởng này, họ ước tính là 83% diện tích mặt
đất bị ảnh hưởng trực tiếp do con người. Vì lý do này, việc phục hồi sinh thái – giúp các
hệ sinh thái bị hư hại, xuống cấp hoặc thậm chí bị phá hủy hồi phục lại – là một lĩnh vực
đang phát triển. Các nỗ lực phục hồi đang diễn ra trong các hệ sinh thái trên toàn quốc
bị chi phối lớn bởi các hoạt động của con người, cả ở các hệ sinh thái dưới nước và trên
đất liền.

Phục hồi vùng Đồng Tháp Mười

Đồng Tháp Mười nằm ở vùng Tây Bắc của châu thổ sông Mê Kông. Vùng đồng bằng
này có diện tích lớn, phẳng nằm trong đất liền với độ cao trung bình chỉ khoảng 1m trên
mực nước biển. Nó thường bị ngập nước từ 2-3m trong mùa mưa. Khu vực này của châu
thổ đã từng có những vùng đồng cỏ tự nhiên ngập nước theo mùa và những vùng đầm
lầy xen kẽ với rừng tràm (Melaleuca cajeputa) và có một quần xã gồm nhiều loài chim
nước sinh sản ở đây. Phần lớn đất trong vùng này đã bị biến đổi thành đất nông nghiệp.

Các kênh thoát nước được xây dựng để phục vụ nông nghiệp và cuối những năm 1950
và đầu những năm 1960 đã làm thay đổi chế độ nước rất nhiều, và làm giảm mực nước
trong khu vực trong mùa khô và giảm thời gian ngập nước tại khu vực này từ 7 xuống 5
tháng. Hệ thống thoát nước này làm cho thực vật bị khô tạo điều kiện thuận lợi cho các
đám cháy tự nhiên dễ lan rộng và như vậy làm mất nước và để lộ tầng đất phía dưới. Sau
cuộc chiến tranh với Mỹ, hàng nghìn người phải di chuyển chỗ ở đã di cư đến khu vực
này và những lãnh đạo địa phương đã xây dựng các hệ thống đê để giữ nước, để sử dụng
các khu vực đất ngập nước cho sản xuất nông nghiệp và quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Cói đầm lầy được sử dụng làm thức ăn cho trâu. Các loài động vật sống trong vùng đất
ngập nước như cá, tôm, cua và rùa là nguồn cung cấp protein và những cánh đồng lúa
rộng lớn cung cấp lương thực.

231/260
Trong một thời gian ngắn, hệ thống đê này đã giữ đủ nước để tại điều kiện cho nhiều
loài động thực vật bản địa trở lại vùng này. Đặc biệt là sự xuất hiện trở lại của sếu đầu
đỏ (Grus antigone sharpii) đã khuyến khích các nhà khoa học kiến nghị với các cán bộ
lãnh đạo địa phương thành lập Khu bảo tồn Tràm Chim (hình 68). Những khu vực có
đồng cỏ xen kẽ rừng tràm và đầm lầy ngập nước thường xuyên này đã được công nhận
là vườn quốc gia vào năm 1998.

Đáng tiếc là hệ thống đê đã tạo ra các điều kiện ẩm ướt và giúp nhiều loài bản địa quay
trở lại trong một thời gian ngắn cũng đã giữ nước ở bên trong khu bảo tồn. Điều này đã
ngăn cản chất dinh dưỡng từ sông Mê Kông đi vào theo nước lũ và giữ lại những sản
phẩm phụ do quá trình phân hủy bên trong khu bảo tồn. Nếu để lâu, các vùng nước tù và
ứ đọng này ngăn cản sự tái sinh của các quần xã động và thực vật. Các nỗ lực gần đây
do Quỹ bảo vệ sếu quốc tế (International Crane Foundation) và đồng nghiệp Việt Nam
gợi ý rằng việc phục hồi các chế độ nước tự nhiên của khu vực này có lẽ rất quan trọng
trong việc duy trì hệ sinh thái đa dạng này.

Các nỗ lực phục hồi trên đất liền

Việc phục hồi các vùng đất bị xuống cấp vẫn là một trong những công cụ bảo tồn được
sử dụng nhiều nhất, chủ yếu vì có lẽ nó rất dễ tiến hành. Nếu được thực hiện đúng cách,
việc trồng rừng sẽ biến đổi và có thể thậm chí tái sinh sự màu mỡ của các vùng đất cằn
cỗi và bị xuống cấp có thể gây ra các vấn đề về bảo tồn như sói mòn. Gỗ khai thác từ
các vùng rừng trồng cũng có khả năng giúp giảm nhẹ sức ép về củi đun, gỗ và các sản
phẩm khác làm từ gỗ lên các khu rừng tự nhiên. Tuy nhiên, rừng trồng thường không
thể tạo ra các môi trường sống tối ưu cho các loài động và thực vật bản địa và chú trọng
vào trồng rừng có thể làm sao lãng các nỗ lực bảo tồn các khu rừng tự nhiên hiện có.

Các chương trình trồng cây tập trung vào năm những năm 1960 do chủ tịch Hồ Chí Minh
khởi xướng cuối cùng đã dẫn đến việc trồng 1,4 triệu hecta rừng. Vào năm 1992, chính
phủ đã bắt đầu thực hiện Chương trình 327 để thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào
các hoạt động phục hồi và trồng rừng. Chương trình này ban đầu ủng hộ nhiều loại hoạt
động nhưng vào năm 1995 chính phủ đã tập trung ưu tiên vào các hoạt động bảo vệ và
sử dụng hợp lý. Dựa trên chương trình này và các chương trình trồng rừng khác, chính
phủ đã phát triển chương trình trồng 5 triệu hecta rừng vào cuối những năm 1990. Giữa
năm 1998 và năm 2010, chương trình này đặt mục tiêu trồng 3 triệu hecta rừng sản xuất
– 2 triệu hecta để sản xuất các nguyên liệu thô để làm bột giấy cung cấp cho các nhà
máy giấy cũng như sản xuất gỗ và các sản phẩm rừng phi gỗ và 1 triệu hecta trồng cây
ăn quả và các loại cây khác. Chương trình này cũng kêu gọi phục hồi hoặc trồng mới 2
triệu hecta rừng, một nửa để bảo vệ các lưu vực và các khu vực ven biển và một nửa còn
lại để bảo vệ đa dạng sinh học nói chung. Cùng với những khu rừng hiện có được bảo
vệ thông qua hệ thống vườn quốc gia và khu bảo tồn, chương trình này sẽ đưa diện tích
rừng trong cả nước lên 43%.

232/260
Nhìn chung các nỗ lực phục hồi tại Việt Nam đã có cả thành công lẫn thất bại. Các cây
trồng thường là cùng một loài, làm giảm mức độ đa dạng chung ở trong khu vực. Hơn
nữa, các cây trồng thường là các loài cây lớn nhanh và nhập ngoại như bạch đàn (chi
Eucalyptus) và keo (chi Acacia) để tăng tối đa những lợi ích kinh tế trong một thời gian
ngắn nhưng làm khô cạn mực nước ngầm. Hạt và cây con có chất lượng thấp cũng như
các kỹ thuật trồng không hợp lý đã dẫn đến tỷ lệ sống thấp, tốc độ phát triển thấp và
mức độ bị bệnh cao. Cây thường được trồng quá dày làm cho cây có thân mảnh và dễ bị
ảnh hưởng bởi gió mạnh do các trận bão nhiệt đới thường xuyên gây ra. Các dự án cũng
thường được thực hiện dọc theo vùng bờ biển nơi sói mòn không phải là một vấn đề
nghiêm trọng và nếu không có rừng trồng thì rừng ngập mặn tự nhiên có thể phát triển.
Các nỗ lực trồng rừng thường có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo tồn đa dạng sinh
học và khả năng thành công của những nỗ lực này phụ thuộc vào việc lập kế hoạch và
thực hiện.

Các hành động nhằm bảo vệ loài

Việc khai thác trực tiếp động vật và thực vật hoang dã là cơ sở của các hoạt động buôn
bán trái phép có lợi nhuận cao tại Việt Nam và là một trong những mối đe dọa nghiêm
trọng nhất đối với đa dạng sinh học của đất nước. Chính phủ Việt Nam đang thực hiện
những nỗ lực phối hợp để giảm các hoạt động buôn bán động vật hoang dã quốc tế, tuy
nhiên những nỗ lực nhằm làm giảm các hoạt động buôn bán này đang gặp trở ngại vì
không có đủ nguồn lực tài chính, không đủ kiến thức để nhận biết các hoạt động trái
phép và các loài thuộc loại nguy cấp và nhận thức hạn chế đối với tính nghiêm trọng của
vấn đề này. Trong một nỗ lực nhằm kiểm soát mối đe dọa do các hoạt động buôn bán
động vật hoang dã qua vùng biên giới với Trung Quốc tiếp tục gây ra, các cơ quan có
chức năng của Trung Quốc và Việt Nam đang phát triển các chiến lược trong đó có tăng
cường việc giám sát các hoạt động buôn bán trái phép, trao đổi thông tin về các hoạt
động trái phép này và nâng cao nhận thức về tình trạng luật pháp của một số loài cụ thể.

Nhiều tổ chức tại Việt Nam đang tìm cách bảo tồn các loài và nhóm loài bị khai thác
nhiều và có nguy cơ bị tuyệt chủng cao bằng cách nghiên cứu tập tính sinh học của
chúng và xây dựng các chương trình kết hợp để bảo tồn chúng. Hai chương trình bảo
tồn loài ban đầu là nuôi cho đẻ, đặc biệt là các loài động vật thu được từ các hoạt động
buôn bán động vật hoang dã và thả lại các cá thể vào các khu vực nơi số lượng quần thể
thấp hoặc đã bị tuyệt chủng (khung 21).

Trung tâm nghiên cứu linh trưởng nằm trên khu vực có diện tích 5 hecta tại Vườn Quốc
gia Cúc Phương được lập ra để cứu hộ, phục hồi, cho sinh sản, nghiên cứu và bảo tồn
các loài linh trưởng bị bắt giữ. Các cán bộ kiểm lâm đã bắt giữ những động vật này từ
thợ săn và từ các chợ buôn bán động vật hoang dã hoặc từ những người nuôi động vật
làm cảnh trái phép. Một nỗ lực lớn khác của trung tâm là giáo dục người dân về tầm
quan trọng của các loài linh trưởng bị nguy cấp, về sinh thái, tập tính và môi trường sống
trong tự nhiên cũng như tính cấp bách của việc bảo tồn. Các nhân viên của trung tâm

233/260
phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm để thi hành luật bảo vệ động vật hoang dã.
Vào năm 2004, trung tâm cứu hộ có hơn 110 cá thể voọc, vượn và cu li thuộc 14 loài và
phân loài. Sáu loài trong số này không được nuôi ở bất kỳ nơi nào trên thế giới và gần
như cả 6 loài này rất khó bắt gặp trong tự nhiên.

Trung tâm bảo tồn rùa Cúc Phương (TTC), có diện tích 3,5 hecta tại Vườn Quốc gia Cúc
Phương, được xây dựng vào năm 1998 để bảo vệ các loài rùa của Việt Nam. Gần như
tất cả các loài rùa này đều bị đe dọa trên toàn cầu. Giống như Trung tâm nghiên cứu linh
trưởng, Trung tâm bảo tồn rùa có nhiều mục tiêu, trong đó có phát triển các quần thể có
chất lượng cao của các loài bản địa, nâng cao nhận thức của người dân, đào tạo các cán
bộ bảo vệ động vật hoang dã và nghiên cứu. Rùa của trung tâm là những cá thể được bắt
giữ từ các hoạt động buôn bán trái phép và sẽ được thả lại vào vùng phân bố tự nhiên
của chúng khi điều kiện cho phép; vào năm 2004 trung tâm có xấp xỉ 450 cá thể thuộc
14 loài. Trong năm 2001, 366 cá thể rùa núi vàng (Indotestudo elongata), một loài được
IUCN xếp vào loại nguy cấp, đã được thả vào Vườn Quốc gia Cát Tiên. Trung tâm bảo
tồn rùa cũng tham gia vào các hoạt động nhằm tăng cường việc giám sát và thi hành luật
đối với các hoạt động buôn bán động vật hoang dã. Cúc Phương cũng là nơi có Trung
tâm bảo tồn cầy vằn (Chrotogale owstoni) có chức năng cứu hộ, cho sinh sản và nghiên
cứu tập tính sinh học cơ bản của loài động vật ăn thịt thuộc loại gần nguy cấp và đặc
hữu ở Đông Dương này. Cho đến cuối năm 2004, đã có 28 cá thể cầy vằn sống tại trung
tâm và trong đó 20 cá thể sinh tại trung tâm. Sáu cặp đã được gửi đến Anh để phát triển
một quần thể sinh sản và đã có kế hoạch gửi tiếp 6 cặp nữa đến Mỹ.

Những khuyến khích về kinh tế

Những khuyến khích về kinh tế giúp cho việc bảo tồn đa dạng sinh học, như du lịch sinh
thái, đã phát triển mạnh trong những năm gần đây tại Việt Nam. Du lịch sinh thái có
nhiều định nghĩa, nhưng chủ yếu chú trọng vào những hoạt động ít gây tác động lên môi
trường và con người, mang lại những lợi ích trực tiếp về kinh tế cho các nỗ lực bảo tồn
và các cộng đồng lân cận, tôn trọng văn hóa và nhu cầu của người dân địa phương và
tăng cường nhận thức về môi trường của tất cả những người tham gia. Việt Nam là một
trong những thị trường du lịch phát triển nhanh nhất trên thế giới và chính phủ thực sự
quan tâm đến việc thu hút thêm khách du lịch. Tuy nhiên, các doanh nghiệp làm du lịch
sinh thái đang ở thời kỳ còn bỡ ngỡ và khách du lịch sẽ tìm thấy những thông tin bổ ích
khi hỏi những người hướng dẫn về các chính sách liên quan đến du lịch sinh thái, trong
đó có tỷ lệ phần trăm số tiền thu được trực tiếp dành để giúp đỡ việc bảo tồn đa dạng
sinh học và các cộng đồng địa phương, họ làm thế nào để thực hiện điều này, các cơ hội
về giáo dục được đưa vào trong các chuyến du lịch và các chuyến du lịch đã giảm thiểu
tác động lên môi trường như thế nào.

Các khuyến khích về kinh tế khác bao gồm việc khai thác bền vững các sản phẩm từ
động vật hoang dã. Một trong những ví dụ tốt nhất về hoạt động này là việc khai thác tổ

234/260
chim yến sống trên vách đá tại miền Trung Việt Nam được dùng để nấu súp yến (khung
22).

Các nỗ lực bảo tồn tại Việt Nam đang gặp phải một vài vấn đề lớn. Dân số tăng nhanh
tạo ra sức ép khủng khiếp lên tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra, cũng giống như những
nơi khác trên thế giới, những chính sách trái ngược nhau khắp các bộ ngành ngăn cản
các nỗ lực bảo vệ. Phần lớn các cơ quan trong chính phủ nhấn mạnh việc tăng tối đa sản
xuất trong một thời gian ngắn hơn là việc sử dụng bền vững hoặc quản lý lâu dài các
nguồn tài nguyên thiên nhiên. Mặc dù chính phủ đang phát triển một khung luật pháp
mang tính chính thức cho các nỗ lực về bảo tồn, việc thi hành luật vẫn còn ở mức tối
thiểu; vai trò trách nhiệm của nhiều bộ trong lĩnh vực bảo tồn chưa rõ ràng; và có một
đội ngũ đang phát triển nhưng còn ít những cán bộ được đào tạo để tiến hành các hoạt
động bảo tồn ở cả mức độ về hoạch định chính sách cũng như áp dụng trên thực tế. Đa
dạng sinh học của Việt Nam có tầm quan trọng đặc biệt trong nước cũng như trên thế
giới. Rõ ràng là còn nhiều việc còn phải làm và cần nhiều người tham gia trên phương
diện cá nhân, cộng đồng, chính phủ và cơ quan nhà nước để đảm bảo rằng mức độ đa
dạng sinh học đáng chú ý của Việt Nam vẫn còn giữ được lâu dài trong thế kỷ 21.

Khung 16

Công ước quốc tế về buôn bán động vật và thực vật hoang dã

Công ước quốc tế về buôn bán động vật và thực vật hoang dã (CITES) là công cụ chính
để kiểm soát các hoạt động buôn bán quốc tế về động vật và thực vật. Do Chương trình
Phát triển của Liên hiệp quốc quản lý, CITES được đưa ra vào năm 1975 và hiện là một
trong những công ước về bảo tồn được biết đến nhiều nhất, với 167 nước thành viên vào
năm 2005. Nó được tổ chức thông qua 3 phụ lục liệt kê các loài và các nhóm có mức
độ đe dọa khác nhau với những hạn chế về buôn bán đi kèm theo. Những loài được liệt
kê trong phụ lục 1 bị đe dọa tuyệt chủng và không được buôn bán một cách hợp pháp
với bất kỳ mục đích nào. Cho đến năm 2004, 63 loài động vật (trong đó có 6 loài linh
trưởng, 17 loài chim và 6 loài rùa) và 15 loài thực vật (tất cả đều thuộc chi phong lan
hài, Paphiopedilum) của Việt Nam đã được đưa vào trong phần phụ lục này.

Bất chấp những biện pháp này, việc buôn bán động thực vật hoang dã vẫn đang tiếp
tục phát triển. Nguyên nhân là do thiếu những cán bộ thi hành luật được đào tạo, thiếu
những nỗ lực về chính trị cũng như xã hội và thiếu nguồn lực; không có đủ luật pháp ở
cấp nhà nước; và do lợi ích về kinh tế quá lớn. Để đối phó với thực tế này, TRAFFIC,
chương trình giám sát buôn bán động và thực vật hoang dã thuộc Quỹ động vật hoang
dã thế giới và IUCN, và Cục kiểm lâm của Việt Nam thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát
triển Nông thôn đã xây dựng một khung hành động chung vào đầu năm 2001 nhằm kiểm
soát các hoạt động về buôn bán động và thực vật hoang dã tại Việt Nam. Hơn 16 hoạt
động đã được đưa ra và được nhóm lại vào 4 mục tiêu chính: (1) củng cố khả năng của
chính phủ trong việc thực hiện và thi hành CITES và các luật có liên quan ở cấp nhà

235/260
nước; (2) giảm nhu cầu đối với các loài thuộc loại nguy cấp và bị đe dọa, chủ yếu thông
qua giáo dục và nâng cao nhận thức của người dân; (3) nâng cao kiến thức về giám sát
các hoạt động buôn bán động và thực vật hoang dã; và (4) tạo ra những khuyến khích
về kinh tế hoặc những lựa chọn khác để thay thế việc buôn bán trái phép và không bền
vững. Những biện pháp có sự phối hợp giữa trong nước và quốc tế là cần thiết để đạt
được mục tiêu cuối cùng: bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam không bị khai thác quá
mức do buôn bán động và thực vật hoang dã gây ra.

Lê Diên Dực, Đại học Quốc gia Việt Nam, Hà Nội

Khung 17

Kế hoạch hành động về đa dạng sinh học

Vào năm 1993, các cán bộ chính phủ, Đảng viên Đảng Cộng Sản, cựu chiến binh, giáo
viên và các nhà lãnh đạo địa phương khác trên toàn đất nước đã họp lại để thu thập
những ý kiến và góp ý cho Kế hoạch hành động về đa dạng sinh học đầu tiên của Việt
Nam. Việc soạn thảo văn bản này là yêu cầu bức thiết của Công ước về đa dạng sinh
học mà Việt Nam đã ký kết vào cùng năm đó. Việc tham khảo ý kiến ở cấp tỉnh này đã
cho người dân cơ hội để đặt ra các mục tiêu và mục đích để bảo tồn di sản thiên nhiên
của Việt Nam. Do những nỗ lực ban đầu này, Việt Nam nằm trong số những nước đầu
tiên trên thế giới soạn thảo Kế hoạch hành động về đa dạng sinh học.

Mặc dù việc quy hoạch môi trường đã được hoàn thành trong từng khu vực riêng lẻ của
chính phủ như lâm nghiệp, kế hoạch hành động này là văn bản toàn diện đầu tiên về quy
hoạch môi trường được soạn thảo cho Việt Nam. Nó bao gồm các mục về lâm nghiệp,
động và thực vật hoang dã, các hệ thống đất ngập nước và hệ thống nước ngọt, những lo
lắng về môi trường biển, đa dạng nông nhiệp, ô nhiễm và các thông tin về phân bố và sự
phong phú của các loài tại Việt Nam. Các thông tin này trước đây chưa từng được tập
hợp thành một văn bản. Các cuộc họp hàng tháng giữa các chuyên gia dưới sự chủ trì
của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước (nay là Bộ Khoa học,
Công nghệ và Môi trường) gồm có các đại diện từ các bộ, trường đại học và Chương
trình phát triển của Liên hiệp quốc và các tổ chức bảo tồn quốc tế như BirdLife và Quỹ
động vật hoang dã. Kết quả của việc tham khảo ở cấp tỉnh được xem xét và tổng hợp
thành nhiều chương để làm khuôn khổ cho chương trình sẽ được công bố. Sản phẩm
cuối cùng, được in bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, đã phác thảo nhiều mục tiêu có ràng
buộc về thời gian để tạo nền móng cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học trong
tương lai.

Kế hoạc hành động về đa dạng sinh học vẫn đóng vai trò là tài liệu tham khảo quan
trọng cho việc quy hoạch bảo tồn tại Việt Nam. Điểm lại danh mục các dự án ban đầu
cho thấy là trong số 56 dự án được đề xuất vào năm 1993, hơn 45 dự án đã được thực
hiện hoặc đang được xem xét để đầu tư. Điều này đã chứng tỏ vai trò thiết yếu của kế

236/260
hoạch này trong việc xác định những việc cần phải làm để bảo tồn đa dạng sinh học và
môi trường cho Việt Nam trong khoảng thời gian dài hơn nhiều so với kế hoạch 5 năm
ban đầu. Là một văn bản quan trọng, Kế hoạch hành động về đa dạng sinh học đã được
soạn thảo và thời điểm cực kỳ quan trọng trong bối cảnh có sự thay đổi về mối quan hệ
giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

David Hulse, Quỹ MacArthur, Chicago

Khung 18

Phân tích viễn thám phục vụ nghiên cứu đa dạng sinh học và bảo tồn

Viễn thám, là môn khoa học và kỹ thuật thu thập và giải ảnh vệ tinh và ảnh không gian,
có thể giúp các nhà khoa học có được cái nhìn tổng quát về cảnh quan của trái đất. Vì nó
có thể tạo ra những bản đồ và hình ảnh rất rõ nét mà những nhà hoạch định chính sách
có thể sử dụng để tìm và giúp giải quyết những vấn đề về bảo tồn, công nghệ này ngày
càng trở nên quan trọng đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học.

Một phần lớn diện tích của Việt Nam được chụp ảnh từ trên không vào những năm 1950,
đặc biệt là do các cơ quan của Pháp thực hiện. Những bức ảnh này vẫn còn tồn tại và
cung cấp những hình ảnh có giá trị về cảnh quan trước cuộc chiến tranh với Mỹ. Từ năm
1958 đến năm 1972, quân đội Mỹ đã thu thập các hình ảnh về Việt Nam qua chương
trình vệ tinh CORONA là chương trình đầu tiên trên thế giới cung cấp ảnh vệ tinh về bề
mặt của trái đất (hình 67). Chương trình này rất bí mật và chủ yếu được sử dụng để giám
sát các hoạt động về tên lửa của Liên Xô. Ngày nay nhiều người nhận ra là những bức
ảnh có độ phân giải cao thu được nhờ chương trình CORONA, hơn 800.000 bức ảnh, có
nhiều ứng dụng ngoài mục đích quân sự và những bức ảnh này hiện không còn là bí mật
nữa. Kết hợp với những số liệu mới gần đây, các bức ảnh đầu tiên này cho phép các nhà
khoa học tìm hiểu cảnh quan của Việt Nam thay đổi theo thời gian như thế nào.

Các nhà khoa học đã có những bước tiến vượt bậc về viễn thám kể từ khi có CORONA.
Hiện nay có một số vệ tinh chụp ảnh kỹ thuật số bề mặt của trái đất hàng ngày. Những
vệ tinh thế hệ mới như Lansat Enhanced Thematic Mapper Plus, ghi các hình ảnh có
chứa những thông tin không nhận biết được bằng mắt thường. Những bức ảnh này cho
phép các nhà khoa học vẽ bản đồ nhiều đặc điểm khác nhau của môi trường, trong đó
có các khu vực tự nhiên, vùng nông nghiệp và nơi sinh sống của con người. Chúng cũng
cung cấp những thông tin chi tiết về tình trạng rừng và các nhân tố quan trọng cho quy
hoạch bảo tồn như những thay đổi về tỷ lệ tương đối của các dạng sử dụng đất khác nhau
theo thời gian. Những số liệu viễn thám có thể tạo ra các công cụ về đồ họa và thống kê
có hiệu quả cao để minh họa các mô hình giúp dự đoán những thay đổi trong tương lai
tại các vùng tự nhiên của Việt Nam. Những nhà hoạch định chính sách có kế hoạch mở
rộng hệ thống các khu bảo vệ của Việt Nam có thể sử dụng những dự đoán này để tìm

237/260
hiểu những thay đổi của đất theo thời gian. Khi kết hợp với các loại số liệu khác, những
thông tin này giúp xác định các khu vực có giá trị bảo tồn cao.

Kevin Koy, Trung tâm Đa dạng sinh học và Bảo tồn

Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ, New York

Khung 19

Phục hồi và bảo tồn đất ngập nước

Nhiều chuyên gia về bảo tồn xếp các hệ sinh thái đất ngập nước vào trong số các loại
môi trường sống bị đe dọa nhiều nhất trên trái đất: cả phạm vi tự nhiên và chất lượng
của các vùng đất ngập nước đã bị giảm sút liên tục trong thế kỷ 20. Việc sử dụng bền
vững đất ngập nước tại các vùng châu thổ sông Hồng và sông Mê Kông là rất quan trọng
đối với đời sống kinh tế và xã hội lâu dài của người Việt Nam. Hai vùng châu thổ có
mật độ dân số cao nhất tại Việt Nam và sản xuất một số lượng đáng kể thực phẩm và các
nguyên liệu thô cho các thị trường trong nước và cho xuất khẩu. Để đạt được sản lượng
tối đa về lượng thực, con người đã biến đổi phần lớn đất tự nhiên cho việc trồng lúa,
nuôi trồng thủy sản để cung cấp cá, tôm và các loại thực vật thủy sinh làm thực phẩm và
để làm nơi ở cho con người.

Vào năm 1989, chính phủ Việt Nam đã ký Hiệp ước Ramsar đối với các vùng đất ngập
nước có tầm quan trọng quốc tế. Khu Ramsar đầu tiên (Vườn Quốc gia Xuân Thủy) nằm
ở vùng châu thổ sông Hồng và chính phủ có kế hoạch đưa thêm những khu vực khác
vào hệ thống này, trong đó có Vườn Quốc gia Tràm Chim thuộc tỉnh Đồng Tháp ở châu
thổ sông Mê Kông. Vào năm 2000, UNESCO đã công nhận rừng ngập mặn Cần Giờ
nằm trong vùng ven biển của thành phố Hồ Chí Minh là Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên
của Việt Nam. Kể từ đó, chính phủ đã công nhận 68 khu vực đất ngập nước có tầm quan
trọng về đa dạng sinh học và môi trường và một số khu vực trong số này đang được bảo
vệ dưới dạng rừng đặc chủng.

Bất chấp những nỗ lực này, các khu vực đất ngập nước vẫn chưa được chính thức công
nhận là một hạng mục sử dụng đất và quản lý bảo tồn riêng tại Việt Nam. Việc quản lý
các khu vực đất ngập nước này do nhiều bộ và ban ngành chính phủ phụ trách. Các mục
đích mâu thuẫn nhau, ví dụ như trồng rừng ngập mặn đối với nuôi tôm đối với bảo vệ
vùng ven biển đã gây ra các hành động trái ngược nhau tại các khu vực này.

Vì quản lý đất ngập nước không rõ ràng về mặt tổ chức và các chức năng cũng như giá
trị của đất ngập nước vẫn còn ít được biết đến, đặc biệt ở mức độ cộng đồng, các hệ sinh
thái đất ngập nước đang bị xuống cấp nghiêm trọng hoặc bị mất với tốc độ đáng lo ngại.

238/260
Mặc dù các khu vực đất ngập nước tại Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng, hiện
đang có sự gia tăng chậm nhưng đều đặn trong các nỗ lực nhằm thay đổi các xu hướng
tiêu cực này, trong đó có việc soạn thảo một chiến lược quốc gia về bảo tồn đất ngập
nước, các dự án phối hợp nhằm nâng cao nhận thức của những nhà hoạch định chính
sách và của người dân và kêu gọi thành lập một chương trình đất ngập nước cấp quốc
gia. Những thách thức vẫn còn rất lớn. Các khu vực đất ngập nước chiếm một diện tích
rất lớn tại Việt Nam, tương đối ít được biết đến và không được đánh giá cao và không
được tổ chức quản lý cũng như không có luật pháp riêng. Một biện pháp lâu dài mang
tính phối hợp là cần thiết để xây dựng cơ sở cũng như các khuôn khổ về tổ chức và luật
pháp nhằm tăng sự nhận thức của dân chúng và nhận thức về chính trị và để nâng cao
khả năng quản lý đất ngập nước ở mức độ cộng đồng. Mặc dù một biện pháp như vậy có
thể bắt đầu từ một chương trình tương đối nhỏ, nó cần phải phát triển thành một thành
viên của Chương trình đất ngập nước quốc gia nhằm tạo ra một động lực cần thiết để
có thể quản lý tốt đất ngập nước mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam và cho môi
trường.

Lê Diên Dực, Đại học Quốc gia Việt Nam, Hà Nội

Khung 20

Lực lượng kiểm lâm ở Việt Nam

Lực lượng kiểm lâm được chính phủ Việt Nam thành lập vào năm 1972 và nay là một
bộ phận của Cục kiểm lâm thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Một đội
ngũ nhỏ gồm có 1600 cán bộ trong cả nước đang phải đối phó với nhiều trách nhiệm
rất khó khăn: lực lượng kiểm lâm phải soạn thảo các chương trình và kế hoạch bảo vệ
rừng; tuần tra các khu bảo vệ; kiểm soát việc khai thác và thi hành các luật có liên quan;
khuyến khích sự tham gia của các cộng đồng vào việc bảo vệ và phát triển rừng; hướng
dẫn người sở hữu rừng trong việc quy hoạch và thực hiện các chương trình bảo vệ rừng;
và giúp dự báo cũng như ngăn ngừa cháy rừng.

Các cán bộ kiểm lâm phải đối phó với nhiều trở ngại trong công việc của họ. Nhận thức
của người dân về việc mất đa dạng sinh học ảnh hưởng đến cuộc sống của họ như thế
nào vẫn còn rất ít, đặc biệt ở những vùng không thể tiếp cận được và là nơi giữ phần lớn
đa dạng sinh học còn lại của đất nước. Điều này dẫn tới những sự hiểu nhầm và vi phạm
luật pháp. Nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, có truyền thống lâu đời trong
việc sử dụng động vật hoang dã để chế biến thuốc khiến việc kiểm soát buôn bán động
vật hoang dã trái phép trở nên khó khăn hơn. Các văn bản về luật pháp có liên quan đến
việc bảo tồn rừng và thiên nhiên vẫn còn chưa hoàn thiện và việc thi hành luật thường
không có hiệu quả. Là một nước đang phát triển, Việt Nam phải đối phó với những khó
khăn về ngân sách để đáp ứng các chi phí thực tế cho việc bảo vệ rừng và bảo tồn đa
dạng sinh học nói chung.

239/260
Điều quan trọng là Việt Nam cần xây dựng một đội ngũ cán bộ kiểm lâm chuyên nghiệp
có thể thi hành luật một cách hữu hiệu và tăng cường nhận thức của người dân về các
vấn đề bảo tồn. Bên cạnh đó, để đối phó với những lợi nhuận to lớn thu được từ việc
buôn lậu động và thực vật hoang dã cũng như gỗ, lực lượng kiểm lâm và những cơ quan
khác của chính phủ, như hệ thống thi hành luật và xét xử, phải tăng cường hợp tác với
nhau. Các nguồn lực khác cần thiết cho các chương trình đào tạo nhằm giúp các cán bộ
nhận biết được các loài thuộc loại nguy cấp hoặc nằm trong các danh lục của CITES
cũng có vai trò rất quan trọng. Về lâu dài, điều quan trọng là hoàn thiện và xem xét lại
tất cả các luật liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam và khuyến khích các
hoạt động phát triển có thể nâng cao mức sống của người dân đồng thời bảo tồn và thậm
chỉ mở rộng diện tích rừng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá của nó.

Nguyễn Bá Thụ, Cục kiểm lâm, Hà Nội

Khung 21

Trại nuôi cá sấu

Các trại nuôi cá sấu và vườn thú ở Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đều đồng thời tạo
ra những cơ hội tốt nhất và hiểm họa lớn nhất cho các chương trình thả lại cá sấu. Các
trại này là nguồn cá sấu quan trọng cho các chương trình thả lại vì cho đến này chúng sở
hữu một số lượng lớn nhất thế giới của loài cá sấu Xiêm (Crocodylus siamensis) thuộc
loại cực kỳ nguy cấp. Tuy nhiên, những người nuôi cá sấu rất hay lai cá sấu Xiêm với cá
sấu hoa cà (C. porosus) và cá sấu Cu Ba (C. rhombifer) để tăng sản lượng da (cá sấu hoa
cà và cá sấu Cu Ba có kích thước cơ thể lớn hơn rất nhiều so với cá sấu Xiêm). Trong
lúc nuôi, các con lai có tập tính hiếu chiến hơn so với con thuần chủng nhưng ngoài ra
có ít thông tin về chúng. Các con lai làm mất đa dạng GEN và việc thả chúng ra thiên
nhiên thực tế là thả một loài ngoại lai.

Vì tại Việt Nam cá sấu Xiêm đã tuyệt chủng trong tự nhiên, bất kỳ quần thể nào thả vào
thiên nhiên cũng sẽ trở thành nguồn đa dạng GEN tự nhiên duy nhất của đất nước và
điều quan trọng là chỉ thả những cá thể thuần chủng. May mắn là các nhà khoa học đã
phân tách thành công các cá thể cá sấu Xiêm có GEN thuần chủng từ các nguồn tự nhiên
cũng như từ các vườn thú và các trại nuôi cá sấu tại Việt Nam. Nhờ những nỗ lực này,
các cá thể cá sấu Xiêm đã được thả vào Vườn Quốc gia Cát Tiên bắt đầu vào năm 2001.
Liệu các cá thể này có được bảo vệ khỏi bị săn trộm như trước đây hay không vẫn còn
là điều chưa thể trả lời được.

Raoul Bain, Trung tâm Đa dạng sinh học và Bảo tồn

Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ, New York

Khung 22

240/260
Tổ chim yến

Một trong những loài chim có giá trị nhất thế giới sống trên các vách đá và hang nằm
dọc theo vùng ven biển của Việt Nam. Giá trị của chúng không phải từ lông hay thịt
mà chỉ từ chất lượng tổ mà chúng làm từ nước bọt của chúng. Những tổ này có thể bán
với giá gần $4.400/kg. Vì giá trị của chúng, đắt hơn bạc nguyên chất nếu tính theo trọng
lượng, đã dẫn đến tình trạng khai thác tổ chim yến không kiểm soát và không bền vững
trên toàn bộ vùng phân bố của chúng.

Mặc dù nhiều loài chim yến và tất cả các loài chim chim én nhỏ đều sử dụng các tuyến
nước bọt nằm dưới lưỡi để tiết ra các vật liệu làm tổ nhớt chỉ có một loại chim yến
(thường được xác định là yến hông xám Collocalia germani; hình 69) xây dựng tổ hoàn
toàn bằng nước bọt mà không có các vật liệu đỡ khác như cỏ, cành cây hoặc lông chim.
Trong hàng trăm năm, các tổ màu trắng và cứng này là thành phần cần thiết của món súp
tổ chim được cho là có khả năng chữa nhiều loại bệnh, trong đó có bệnh hô hấp, loét dạ
dày và SIDA. Những nghiên cứu khoa học ban đầu không tìm ra được các thành phần
có ý nghĩa về mặt y học trong các tổ chim này nhưng một nghiên cứu vào năm 1987 đã
phát hiện ra một loại protein có khả năng kích thích các tế bào phát triển và phân chia.
Các nhà khoa học vẫn chưa chứng minh được các lợi ích về sức khỏe của việc ăn tổ
chim.

Thiếu bằng chứng khoa học không làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng. Thị trường tổ
yến trên thế giới tập trung tại Hồng Kông và có tới 20 triệu tổ chim được buôn bán hàng
năm. Giá trị của chúng tăng gấp 50 lần trong 2 thập kỷ cuối cùng thế kỷ 20. Chim yến ở
Việt Nam làm ra các tổ có chất lượng cao và có giá trung bình cao nhất trong tất cả các
nước tại thị trường Hồng Kông.

Hơn một nửa lượng tổ khai thác được do một công ty của nhà nước tại tỉnh Khánh
Hòa thực hiện. Phòng khoa học của công ty, dưới sự chỉ đạo của tiến sĩ Nguyễn Quang
Phách, đã tiến hành nghiên cứu trong nhiều năm về tập tính ăn, xây tổ, sinh sản và nuôi
con non của chim yến. Quả thực là đối với một thành viên tương đối nhỏ bé trong thị
trường quốc tế độc đáo này (2.5% của thị trường toàn cầu), Việt Nam đứng đầu trên thế
giới về nghiên cứu chim yến và thực hiện các chỉ dẫn về khai thác tổ một cách bền vững.

Khi tổ được lấy ra khỏi hang và các vách đá, chim sẽ làm lại tổ khác, thường là ở cùng
vị trí, đến 4 lần trong mùa sinh sản từ tháng 12 đến tháng 6. Nhưng có thể lấy tổ bao
nhiêu lần trong một năm trước khi quần thể chim yến bị suy giảm? Phách và các trợ lý
của ông đã phát hiện ra rằng chim yến của Việt Nam không thể tiết ra nước bọt để làm
tổ sau tháng 6. Chu kỳ này, nếu suy luận, có nguồn gốc từ sở thích nuôi con non của loài
này vào lúc thời tiết gió mùa tạo điều kiện cho các loài côn trùng, là thức ăn duy nhất
của chúng, xuất hiện nhiều nhất. Phách cũng thấy rằng các tổ được làm lại nhỏ hơn các
tổ được làm trước đó và mỗi lần làm tổ lại làm cho số lượng trứng trung bình cũng như

241/260
tỷ lệ sống sót của các con non giảm xuống. Những nghiên cứu này cũng cung cấp những
nguyên lý mang tính khoa học đối với việc khai thác tổ tối ưu.

Kết quả là các tổ chim tại Khánh Hòa được khai thác 2 lần trong một năm: một đợt khai
thác vào lúc 10-15% các tổ đầu tiên của chim yến có trứng và lần thứ hai vào lúc tất cả
các con chim non được nuôi trong lần sinh sản thứ hai đã rời tổ. Chu kỳ này cho phép
gần như toàn bộ các đôi chim yến nuôi một lứa chim non và không có con chim yến nào
phải làm tổ hơn 2 lần trong một năm. Những phương pháp khai thác mới này đã làm
tăng cả số lượng tổ thu được cũng như số lượng chim yến sinh sản. Thay vì giảm sút
số lượng và các quần thể bị đe dọa như tại các vùng khác trên thế giới, chim yến ở tỉnh
Khánh Hòa hiện có tổng số gần 500.000 và đang gần đạt đến sức chứa tối đa của các
hang mà chúng sinh sản trong đó.

Một số vùng chưa thực hiện những phương pháp khai thác nghiêm ngặt này và thậm chí
nạn ăn cắp tổ yến ở Khánh Hòa vẫn còn phổ biến. Nạn ăn cắp này thường đi kèm với
hủy hoại các vách đá để che giấu việc lấy cắp và làm giảm tốc độ làm tổ mới. Tiến sĩ
Nguyển Quang Phác là người đầu tiên thừa nhận rằng, một vài năm thành công không
phải là sự đảm bảo cho việc phát triển bền vững lâu dài. Tuy vậy, việc bảo tồn và nghiên
cứu chim yến ở miền Trung Việt Nam vào thời điểm này có lẽ là một ví dụ điển hình về
sự kết hợp giữa bảo tồn và các nhu cầu kinh tế.

Walt Bachman, Trung tâm Đa dạng sinh học và Bảo tồn

Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ

242/260
Tài liệu tham khảo
1. Vo Quy and Nguyen Cu. 1999. Checklist of the birds of Vietnam.

Hanoi: Center for Natural Resources and Environmental Studies.

Võ Quý và Nguyễn Cử. 1999. Danh lục chim của Việt Nam. Trung tâm Tài nguyên và
Môi Trường, Đại học Quốc gia Hà Nội.

TYPE II: Bilingual references:

1. Dang Hung Vo. 1996. Vietnam National Atlas, pp. 163. Minstry of

Science, Technology and Environment, Hanoi.

1. Đặng Hùng Võ. 1996. Bản đồ Quốc gia Việt Nam. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi
Trường, Hà Nội.

2. Nguyen Khanh Van, Nguyen Thi Hien, Phan Ke Loc, and Nguyen Tien

Hiep. 2000. Bioclimatic Diagrams of Vietnam. Vietnam National

University Publishing House, Hanoi.

Nguyễn Khánh Văn, Nguyễn Thị Hiền, Phan Kế Lộc và Nguyễn Tiến Hiệp. Biểu đồ
sinh tiết của Việt Nam. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.

3. Nguyen Tien Hiep and R. Kiew. 2000. Wild plants of Ha Long Bay.

Hanoi: Thanh Nien Publishing House.

Nguyễn Tiến Hiệp và R. Kiew. 2000. Thực vật hoang dã ở vịnh Hạ Long. Nhà xuất bản
Thanh Niên, Hà Nội.

4. Pham Nhat and Nguyen Xuan Dang. 2000. Field guide to the key

mammal species of Phong Nha-Ke Bang. Hanoi: Fauna and Flora

International Indochina Programme.

243/260
Phạm Nhật và Nguyễn Xuân Đặng. 2000. Hướng dẫn thực địa về những loài thú quan
trọng của Phong Nha-Kẻ Bàng. Chương trình Đông Dương của Tổ chức Động vật và
Thực vật Quốc tế, Hà Nội.

5. Pham Nhat and Nguyen Xuan Dang. 2000. Field guide to the large

mammal species of Pu Mat Nature Reserve (with an annotated list of

bat species). Hanoi: Fauna and Flora International Indochina Programme.

Phạm Nhật và Nguyễn Xuân Đặng. 2000. Hướng dẫn thực địa về những loài thú lớn của
Khu bảo tồn Pù Mát (với danh lục có chú thích về các loài dơi). Chương trình Đông
Dương của Tổ chức Động vật và Thực vật Quốc tế, Hà Nội.

6. Pham Nhat, Nguyen Xuan Dang, and G. Polet. 2001. Field guide to

the key mammal species of Cat Tien National Park. Hanoi: World Wide

Fund for Nature Cat Tien National Park Conservation Project / Fauna

and Flora International Indochina Programme.

Phạm Nhật, Nguyễn Xuân Đặng và G. Polet. 2001. Hướng dẫn thực địa về các loài thú
quan trọng của Vườn Quốc gia Cát Tiên. Dự án Bảo tồn Vườn Quốc gia Cát Tiên của
Quỹ động vật hoang dã thế giới/Chương trình Đông Dương của Tổ chức Động vật và
Thực vật Quốc tế, Hà Nội.

244/260
Phụ lục
Phụ lục 1. Các nhóm dân tộc và địa bàn cư trú của họ ở Việt Nam

Tên dân Dân số Ngôn Ký hiệu


Địa bàn cư trú
tộc ước tính ngữ trên bản đồ
Môn-
Ba Na 137,000 Miền Trung 42
Khmer
Bố-Y 1,450 Miền Bắc Tầy-Thái 4
Môn-
Brâu 250 Miền Trung 37
Khmer
Bru-Vân Môn-
40,000 Miền Trung 31
Kiều Khmer
Mã Lai-
Chăm 99,000 Miền Trung, một số ở Miền Nam 43
Đa Đảo
Môn-
Chơ-ro 15,000 Miền Nam 51
Khmer
Mã Lai-
Chu-ru 11,000 Miền Trung 50
Đa Đảo
Việt-
Chứt 2,400 Miền Trung 32
Mường
Môn-
Co 23,000 Miền Trung 38
Khmer
Môn-
Cờ-ho 92,000 Miền Trung 46
Khmer
Cờ Lao 1,500 Miền Bắc Cờ Lao 5
Tạng-
Cống 1,300 Miền Bắc 11
Miến
Môn-
Cơ-tu 37,000 Miền Trung 33
Khmer
H’Mông-
Dao 474,000 Miền Bắc 15
Dao

245/260
Mã Lai-
Ê-đê 195,000 Miền Trung 44
Đa Đảo
Mã Lai-
Gia-rai 242,000 Miền Trung 41
Đa Đảo
Giáy 38,000 Miền Bắc Tày-Thái 13
Giẻ- Môn-
27,000 Miền Trung 35
Trieng Khmer
Tạng-
Hà Nhì 12,500 Miền Bắc 10
Miến
H’Mông-
H’Mông 558,000 Miền Bắc, một số ở Miền Trung 3
Dao
Hoa 900,000 Miền Nam, một số ở Miền Bắc Hán 52
Môn-
Hrê 94,000 Miền Trung 39
Khmer
Môn-
Kháng 4,000 Miền Bắc 19
Khmer
Môn-
Khờ-Me 895,000 Miền Nam 53
Khmer
Môn-
Khơ-Mú 43,000 Miền Bắc, một số ở Miền Trung 23
Khmer
La Chí 8,000 Miền Bắc Cờ Lao 6
La Ha 1,400 Miền Bắc Cờ Lao 22
Tạng-
La Hủ 5,400 Miền Bắc 9
Miến
Lào 10,000 Miền Bắc Tầy-Thái 21
Tạng-
Lô Lô 3,200 Miền Bắc 1
Miến
Lự 3,700 Miền Bắc Tầy-Thái 7
Môn-
Mạ 25,000 Miền Trung 47
Khmer
Môn-
Mảng 2,300 Miền Bắc 8
Khmer

246/260
Môn-
M’Nông 67,000 Miền Trung 45
Khmer
Việt-
Mường 914,000 Miền Bắc, một số ở Miền Trung 25
Mường
Miền Bắc, Thành Phố Hồ Chí
Ngái 1,200 Hán 28
Minh
Miền Bắc, một số ở Miền Trung,
Nùng 705,000 Tày-Thái 17
Thành Phố Hồ Chí Minh
Môn-
Ơ-Đu 100 Miền Bắc, một số ở Miền Trung 30
Khmer
H’Mông-
Pà Thẻn 3,700 Miền Bắc 14
Dao
Tạng-
Phù Lá 6,500 Miền Bắc 18
Miến
Pu Péo 400 Miền Bắc Cờ Lao 2
Mã Lai-
Ra-Glai 72,000 Miền Trung 49
Đa Đảo
Môn-
Rơ-măm 250 Miền Trung 40
Khmer
Sán Chay 114,000 Miền Bắc Tày-Thái 26
Sán Dìu 94,630 Miền Bắc Hán 27
Tạng-
Si La 600 Miền Bắc 12
Miến
Môn-
Tà-Ôi 26,000 Miền Trung 34
Khmer
Tày 1,190,000 Miền Bắc Tày-Thái 16
Thái 1,040,000 Miền Bắc, một số ở Miền Trung Tày-Thái 20
Việt-
Thổ 51,000 Miền Trung 29
Mường
Việt-
Việt(Kinh) 55,900,000 Miền Bắc, Miền Trung, Miền Nam
Mường
Môn-
Xinh-Mun 11,000 Miền Bắc 24
Khmer

247/260
Môn-
Xơ-Đăng 97,000 Miền Trung 36
Khmer
Môn-
Xtiêng 50,000 Miền Trung 48
Khmer

Phụ lục 2. Các loài thú và chim đặc hữu và có phân bố hẹp ở Việt Nam

Phân Tình
Vùng
bố ở trạng Chú thích về vùng phân
Tên tiếng Việt Tên khoa học đặc
Việt bị đe bố
hữu
Nam dọa
Thú
Dendrogale có thông tin ở Đông Nam
Nhen C, S 2
murina Thái Lan
Paracoelops Chỉ được biết từ bản mô
Dơi thùy tai to C 1 CR
megalotis tả ban đầu (1947)
Chrotogale
Cầy vằn N, C 2 VU
owstoni
Cynogale có thông tin ở phía Nam
Cầy rái cá N 1 EN
lowei Vân Nam
Nycticebus N, C,
Cu li nhỏ 3 VU
pygmaeus S
Macaca
Khỉ đuôi dài Côn
fascicularis S 1
Đảo
condorensis
Pygathrix
Chà vá chân nâu nemaeus C 2 EN
nemaeus
P. nemaeus
Chà vá chân xám C 1 EN
cinerea
Chà vá chân đen P. nigripes C 2 EN
Rhinopithecus
Voọc mũi hếch N 1 CR
avunculus
Trachypithecus
Voọc mông trắng N 1 CR
delacouri

248/260
Voọc đen má T. francoisi
N 3 VU
trắng francoisi
T. francoisi
Voọc đen C 2 VU
ebenus
T. francoisi
Voọc Hà Tĩnh C 2 VU
hatinhensis
T.
Voọc đầu trắng poliocephalus N 1 CR
poliocephalus
Hylobates
(Nomascus)
Vượn đen tuyền N 3 EN
concolor
concolor
H. (N.) sp.cf.
Vượn đen mũi
nasutus N 1 CR
lớn
nasutus
H. (N.) sp.cf.
quần thể Vượn
nasutus N 1 CR
đen mũi lớn
population
H. (N.)
Vượn đen má
leucogenys N 3 DD
trắng
leucogenys
Vượn đen má H. (N.)
C 2 DD
trắng siki leucogenys siki
Vượn đen má H. (N.)
C, S 2 VU
hung gabriellae
Lợn rừng Trường Sus
C 2 DD
Sơn bucculentus
Muntiacus
Mang lớn C 2 DD
vuquangensis
Mang Trường M.
C 2 DD
Sơn truongsonensis
M.
Hoẵng Rosơven C 2 DD
rooseveltorum
Bò xám Bos sauveli S 2 CR Đông Nam Thái Lan

249/260
Pseudoryx
Saola C 2 EN
nghetinhensis
Dremomys
Sóc họng đỏ N 3
gularis
Chuột đồng núi
Rattus osgoodi C 1
cao
Chuột xuri lông
Maxomys moi C, S 2
mềm
Typhlomys Chỉ được biết từ bản mô
Chuột mù Sapa N 1 CR
chapensis tả ban đầu (1932)
Nesolagus
Thỏ vằn C 2 DD
timminsi
Chim
Arborophila
Gà so cổ hung S 1 EN
davidi
Arborophila
Gà so Trung Bộ C 1
merlini
Lophura
Gà lôi mào đen C 1 DD
imperialis
Lophura
Gà lôi mào trắng C 1 EN
edwardsi
Lophura
Gà lôi Hà Tĩnh C 1 EN
hatinhensis
Polyplectron
Gà tiền mặt đỏ C, S 2 VU
germaini
Rheinardia Bán đảo Mãlai, miền
Trĩ sao C RR VU
ocellata Trung và Nam Lào
Gõ kiến đầu đỏ Picus rabieri N, C 3 NT
Megalaima N, C,
Cu rốc đít đỏ 2
lagrandieri S
Bhutan, Đông Bắc Ấn Độ,
Harpactes
Nuốc đuôi hồng N RR NT Tây Vân Nam, Bắc
wardi
Myanmar

250/260
Carpococcyx
Phướn đất N, C 2
renauldi
Gorsachius
Vạc hoa N 3 EN
magnificus
Pseudibis
Quắm lớn S 2 Trước đây ở Thái Lan
gigantea
Urocissa
Giẻ cùi vàng N, C 3
whiteheadi
Trèo cây mỏ
Sitta solangiae N, C 3 NT
vàng
Hemixos
Cành cạch hung N 3
castanonotus
Đông Nepal, Bhutan,
Chích đớp ruồi Tickellia Đông Bắc Ấn Độ, Tây
N RR
mỏ rộng hodgsoni Nam Trung Quốc, Bắc
Myanmar
Garrulax
Khướu đầu đen C 2 NT
milleti
Khướu xám Garrulax maesi N 3
Garrulax
Khướu đầu xám C 2
vassali
Khướu Kon Ka Garrulax
C 1 VU
Kinh konkakinhensis
Khướu ngực da Garrulax
C 1
cam annamensis
Khướu Ngọc Garrulax
C 1 VU
Linh ngoclinhensis
Khướu đầu đen Garrulax
C 1 EN
má xám yersini
Garrulax
Khướu cánh đỏ N 3
formosus
Jabouilleia
Khướu mỏ dài N, C 2 NT
danjoui

251/260
Stachyris
Khướu mun C 2 NT
herberti
Chích chạch má Macronous
C, S 2
xám kelleyi
Khướu vằn đầu Actinodura
C 2 VU
đen sodangorum
Khướu vằn gáy Actinodura
N 3
xanh souliei
Lách tách ngực
nâu (Đông Alcippe danisi C 2
Dương)
Crocias
Mi Langbian C 1 EN
langbianis
Chìa vôi Mê Motacilla
C 2 NT
Kông samveasnae
Sẻ thông họng Carduelis
C 1 NT
vàng monguilloti

Tình trạng đặc


hữu:
1: Việt Nam
2: Đông Dương
3: Đông Dương
và Nam Trung
Quốc
RR: Các loài có
phân bố hẹp nằm
ngoài khu vực
1–3

Phân bố
C: Miền Trung
N: Miền Bắc
S: Miền Nam

252/260
Tình trạng bị đe
dọa:
CR: Cực kỳ nguy
cấp
EN: Nguy cấp
VU: Sắp nguy
cấp
NT: Gần bị đe
dọa
DD: Số liệu
không đầy đủ

Phụ lục 3. Các loài động vật có xương sống mới được mô tả ở Viêt Nam từ
năm 1992–2004

Phân bố ở Năm xuầt


Tên tiếng Việt Tên khoa học
Viêt Nam bản
Thú
Chuột chù núi Chodsigoa caovansunga N 2003
Dơi tai Trường Sơn Myotis annamiticus C 2001
Chà vá chân xám Pygathrix nemaeus cinerea C 1997
Cheo cheo lưng trắng Tragulus versicolor C 2004
Mang lớn Muntiacus vuquangensis C 1996
Muntiacus
Mang Trường Sơn C 1998
truongsonenesis
Saola Pseudoryx nghetinhensis C 1993
Thỏ vằn Nesolagus timminsi C 1999

Chim
Khướu Kon Ka Kinh Garrulax konkakinhensis C 2001
Khướu Ngọc Linh Garrulax ngoclinhensis C 1999
Khướu vằn đầu đen Actinodura sodangorum C 1999

253/260
Rùa
Rùa Pulchis Cyclemys pulchristriata N 1997
Rùa hộp Buarê Cuora bourreti C 2004
Rùa hộp đẹp Cuora picturata Unknown 2004

Thằn lằn
Thạch sùng ngón Phong Cyrtodactylus
C 2002
Nha-Kẻ Bàng phongnhakebangensis
Thằn lằn giun Deharveng Dibamus deharvengi S 1999
Thằn lằn giun Gri Dibamus greeri C 1992
Thằn lằn giun Côn Đảo Dibamus kondaoensis S 1992
Thạch sùng lá Việt nam Dixonius vietnamensis C 2004
Tắc kè Baden Gekko badenii C 1994
Tắc kè hoa cân Gekko ulikovskii C 1994
Thạch sùng mí bốn vạch Goniurosaurus araneus N 1999
Thạch sùng ngón đốm Gonydactylus paradoxus S 1997
Nhông cát sọc Leiolepis guentherpetersi C 1993
Thằn lằn chân ngắn gờ Lygosoma carinatum C 1996
Thằn lằn hai hàng giác bám Paralipinia rara C 1997
Liu điu xanh Takydromus hani C 2001
Thằn lằn tai Murphy Tropidophorus murphyi N 2002
Thằn lằn Rugo Việt Nam Vietnamscincus rugosus C 1994

Rắn
Rắn rào Buarê Boiga bourreti C 2004
Rắn cạp nia Slowinski Bungarus slowinski N 2004
Rắn trán Đào Văn Tiến Opisthotropis daovantieni C 1998
Triceratolepidophis
Rắn lục vảy lưng ba gờ C 2000
sieversorum

254/260
Ếch nhái
Cóc mày Ba Na Leptobrachium banae C 1998
Leptobrachium
Cóc mày đồm vàng C 1998
xanthospilium
Cóc mày Na Hang Leptolalax nahangensis N 1998
Cóc mày nhỏ Leptolalax pluvialis N 2000
Có mày Sung Leptolalax sungi N 1998
Cóc mày sần Leptolalax tuberosus C 1999
Cóc núi Gerti Ophryophryne gerti C 2003
Cóc núi Hansi Ophryophryne hansi C 2003
Ếch gai hàm Vibrissaphora echinata N 1998
Nhái bầu chân đỏ Microhyla erythropoda C 1994
Nhái bầu hoa cương Microhyla marmorata C 2004
Nhái bầu thiều ngón Microhyla nanapollexa C 2004
Nhái bầu bụng hoa Microhyla pulverata C 2004
Ếch bám đá gai ngực Amolops spinapectoralis C 1999
Ếch Atigua Rana attigua C 1999
Ếch Bắc Bộ Rana bacboensis N 2003
Ếch Ba Na Rana banaorum C 2003
Ếch Dao Rana daorum N 2003
Ếch Hmông Rana hmongorum N 2003
Ếch ngũ sắc Rana iriodes N 2004
Ếch màng nhĩ lớn Rana megatympanum N,C 2003
Ếch Mo Ra Kai Rana morafkai C 2003
Ếch thuốc lào Rana tabaca N 2004
Ếch Trần Kiên Rana trankieni N 2003
Nhái cây đốm ẩn Philautus abditus C 1999
Nhái cây sừng Philautus supercornutus C 2004

255/260
Ếch cây bụng đốm Rhacophorus baliogaster C 1999
Ếch cây Đuboa Rhacophorus duboisi N 2000
Ếch cây nếp da mông Rhacophorus exechopygus C 1999
Rhacophorus
Ếch cây Hoàng Liên N 2001
hoanglienensis
Ếch cây Orlov Rhacophorus orlovi C 2001

Phụ lục 4. Các loài thực vật mới được mô tả ở Việt Nam từ năm1992–2004

Năm xuất
Chi Họ
bản
Phong lan
ZeuxinellaAver. 2003
(Orchidaceae)
Phong lan
VietorchisAver. và Averyanova 2003
(Orchidaceae)
Dương xỉ
Caobangia A.R. Sm. và X. C. Zhang 2002
(Polypodiaceae)
Bách tán
Xanthocyparis A. Farjon và T. H. Hiep 2002
(Cupressaceae)
Metapanax J. Wen và D. G. Frodin Sâm (Araliaceae) 2001
Rubovietnamia D. D. Tirvengadum Thiên thảo (Rubiaceae) 1998
Vidalasia D. D. Tirvengadum Thiên thảo (Rubiaceae) 1998
Fosbergia D. D. Tirvengadum và C. Sastre Thiên thảo (Rubiaceae) 1997
Distichochlamys M. F. Newman Gừng (Zingiberaceae) 1995
Grushvitzkya N. T. Skvortsova và L. V.
Sâm (Araliaceae) 1994
Averyanov
Bông tai
Vietnamia P. T. Li 1994
(Asclepiadaceae)
Vietnamochloa J. F. Veldkamp và R. Nowack Cỏ (Poaceae) 1994
Dương xỉ
Christensonia J. R. Haager 1993
(Orchidaceae)

256/260
Phong lữ
Deinostigma W. T. Wang và Z.Y. Li 1992
(Gesneriaceae)

257/260

You might also like