You are on page 1of 5

I.

Lời mở đầu
1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu

Trong thời gian gần đây, khởi nghiệp đang là một xu hướng nổi bật và tất yếu ở
các quốc gia trên thế giới. Khởi nghiệp không chỉ có vai trò to lớn với các cá nhân mà
còn đóng góp nhiều cho sự thịnh vượng chung của một quốc gia (Schumpeter, 1934).
Chỉ số GEDI – Chỉ số về phát triển khởi nghiệp trên phạm vi toàn cầu do tổ chức theo
dõi khởi sự kinh doanh toàn cầu GEM công bố cho thấy Hoa Kỳ là quốc gia lý tưởng
để khởi nghiệp với mức điểm cao nhất – 83,6/100 (GEDI, 2018) còn Việt Nam đứng
vị trí khá thấp – vị trí thứ 87 do nhiều nguồn lực và điều kiện chưa được tận dụng. Tuy
vậy, trong thời gian gần đây, các dự án khởi nghiệp tại Việt Nam đã thu hút và nhận
được nhiều đầu tư hơn từ trong và ngoài nước cho thấy tiềm năng phát triển của đất
nước. Hiện nay, một chương trình liên quan tới khởi nghiệp được nhiều quan tâm và
đã giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển, tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn là
Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank). Chương trình đã mang tới người xem góc nhìn mới
về khởi nghiệp, những ý tưởng sáng tạo và sự khó khăn trong việc phát triển một dự
án khởi nghiệp; tuy nhiên, yếu tố ảnh hưởng tới sự thành công trong huy động vốn của
các dự án tham gia chương trình là một điều được nhiều người quan tâm, yếu tố đó có
thể là ý tưởng mới mẻ, lợi nhuận đem lại cao hay nguồn vốn con người, tinh thần hoặc
đặc điểm sinh học của nhà sáng lập. Vì vậy, đề tài nghiên cứu “Nghiên cứu sự khác
biệt về giới tới khả năng huy động vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp tham dự cuộc
thi Thương vụ bạc tỷ tại Việt Nam” nhằm phục vụ mục đích phân tích sự ảnh hưởng
về giới khi huy động vốn tại chương trình Thương vụ bạc tỷ để đưa ra nhận định, nhận
xét và góp ý cho các doanh nghiệp tham dự nói chung và các dự án khởi nghiệp nói
riêng.

2. Tổng quan tình hình nghiên cứu

Bên cạnh các yếu tố là ý tưởng, sản phẩm mà một doanh nghiệp khởi nghiệp
mang lại, nguồn vốn là một yếu tố quan trọng với một dự án để nó được thực thi và
hoạt động (Cassar, 2004). Các cá nhân khởi nghiệp có nhiều cách thức để có nguồn
vốn đầu tư như tự dùng vốn cá nhân, vay ngân hàng hoặc kêu gọi đầu tư từ các nhà
đầu tư, quỹ đầu tư, chương trình cộng đồng (Berger & Udell, 1964), Tuy nhiên, khi
kêu gọi đầu tư từ bên ngoài, các dự án phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe, có tiềm
năng mạnh mẽ và một số yếu tố quan trọng khác như vốn con người, đặc điểm của
người chủ khởi nghiệp cũng quyết định tới việc nhận được đầu tư.

Một trong những yếu tố quan trọng và được nhiều nhà quan tâm đó là liệu giới
tính có ảnh hưởng thế nào đến kết quả huy động vốn của các doanh nghiệp khởi
nghiệp, đặc biệt là nhóm các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ (J.Guzman, AO
Kacperczyk, 2019; J.S. Dheer, Mingxiang Li, Len J.Trevino, 2019; Verheul, I., Thurik,
2001. Phần lớn các nghiên cứu này đều cho thấy nam giới có khả năng tiếp cận vốn
cao hơn so với nữ giới. Tại Việt Nam, các nghiên cứu về vai trò của con người tới khả
năng huy động vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn còn rất hạn chế, đặc biệt là
nghiên cứu tập trung về hoạt động kêu gọi vốn tại chương trình Thương vụ bạc tỷ.
Chủ yếu các nghiên cứu tập trung phân tích thực trạng hoạt động huy động vốn của
doanh nghiệp, mặt khác tập trung vai trò của con người tới kết quả hoạt động của
doanh nghiệp nói chung. Một số nghiên cứu liên quan chương trình Thương vụ bạc tỷ
chỉ nêu lên sơ bộ về tình hình cuộc thi, đánh giá chung nhất về việc tham gia chương
trình và nêu lên lý do thất bại của các doanh nghiệp tham dự. Bài viết phân tích về sự
khác biệt trong khả năng huy động vốn giữa giới khi tham gia Thương vụ bạc tỷ sẽ
đưa ra góc nhìn mới mẻ, nhận định về sự khác biệt do giới và đưa ra những nhận xét,
lưu ý cho các doanh nghiệp khi tham gia chương trình.

Vậy bài viết được thực hiện để phân tích vai trò của giới tới hoạt động huy
động vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp tham dự Thương vụ bạc tỷ tại Việt Nam: so
sánh khả năng huy động vốn của các nhà sáng lập theo giới của họ, từ đó rút ra một số
kết luận chính và đề xuất một số hướng nghiên cứu tiếp theo qua việc trả lời các câu
hỏi nghiên cứu có nội dung về:

- Cơ sở lý thuyết và khái niệm liên quan đến giới, huy động vốn doanh nghiệp khởi
nghiệp và chương trình Thương vụ bạc tỷ tại Việt Nam.

- So sánh sự khác biệt trong khả năng huy động vốn của các nhà sáng lập khác giới
tham dự chương trình Thương vụ bạc tỷ tại Việt Nam.
- Phân tích các luận giải cho sự khác biệt trong khả năng huy động vốn của nam và
nữ.

3. Mục tiêu nghiên cứu

Bài nghiên cứu nêu ra sự khác biệt trong hoạt động huy động vốn của các
doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia chương trình Thương vụ bạc tỷ Việt Nam, từ đó
cụ thể hóa sự ảnh hưởng của giới tới khoảng cách, khó khăn và thuận lợi của các dự
án khởi nghiệp khi huy động vốn.

4. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của bài nghiên cứu là những doanh nghiệp khởi nghiệp
(start-up) tham gia chương trình Thương vụ bạc tỷ Việt Nam.

5. Phạm vi nghiên cứu

Phạm vi nghiên cứu là các tập được phát sóng của chương trình Thương vụ bạc
tỷ Việt Nam, cụ thể là Mùa 1 diễn ra vào năm 2017 - 2018, Mùa 2 diễn ra vào năm
2018, Mùa 3 diễn ra vào năm 2019 và Mùa 4 diễn ra vào năm 2021.

6. Bố cục của đề tài

Bài nghiên cứu gồm bốn (4) phần chính là: Chương 1: Đặt vấn đề về việc khởi
nghiệp, sự ảnh hưởng của nguồn vốn con người tới khả năng huy động vốn của mục
đích, kết quả mong đợi của nghiên cứu; Phần 2: Cơ sở lý thuyết về về giới và hoạt
động huy động vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp tham dự cuộc thi Thương vụ bạc tỷ
giúp người đọc hiểu hơn về những khái niệm được đề cập trong bài nghiên cứu; Phần
3: Phương pháp nghiên cứu cho biết phương pháp tìm kiếm tài liệu để thu thập dữ liệu
và phương pháp phân tích dữ liệu đã có; Phần 4: Kết quả về các nghiên cứu về tài trợ
khởi đầu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và vai trò của giới trong việc kêu gọi tài
trợ nguồn vốn cho khởi nghiệp tại chương trình Thương vụ bạc tỷ Việt Nam.

II. Cơ sở lý thuyết
1. Khái quát về doanh nghiệp khởi nghiệp
Các doanh nghiệp khởi nghiệp là một trong những các yếu tố quan trọng hiện
nay của nền kinh tế thế giới (Kacperczyk, 2012). Thế hệ ngày nay được tiếp cận với
những dự án khởi nghiệp, mang tinh thần khởi sự và muốn sở hữu doanh nghiệp riêng
hơn những thế hệ trước bởi tinh thần khởi nghiệp – ý tưởng về con người, động lực,
thành tựu thay đổi và tiếp nghị lực cho thế hệ hiện nay. Khởi nghiệp được định nghĩa
như việc thực hiện năm hoạt động phối hợp là phát triển sản phẩm mới, dịch vụ mới,
phương pháp sản xuất mới, nguồn cung cấp mới và thị trường mới để xây dựng một tổ
chức (Schumpeter, 1934); khởi nghiệp là việc chấp nhận rủi ro một mức trung bình
(McClelland, 1961) hay khởi nghiệp được coi là một hình thức tư duy hoặc lối suy
nghĩ tập trung vào các cơ hội, mang tính đổi mới và phát triển; hoạt động này có thể
tìm thấy ở các doanh nghiệp lớn và tổ chức phi lợi nhuận vì xã hội (Allen, 2006). Qua
đó, những đặc điểm sau đây có thể miêu tả một doanh nghiệp khởi nghiệp: sự sáng tạo
và đổi mới; sự xác định, thu thập và điều chỉnh nguồn tài nguyên; một tổ chức kinh tế
và có cơ hội để đạt được/gia tăng lợi nhuận khi đối mặt với rủi ro và sự không chắc
chắn. Chúng tôi cho rằng một doanh nghiệp khởi nghiệp là một tổ chức kinh tế, kinh
doanh sản phẩm hoặc dịch vụ nhưng sở hữu nguồn vốn ít ỏi, phải đối mặt nhiều rủi ro
và sự không chắc chắn trong quá trình hoạt động.

Một doanh nghiệp khởi nghiệp được miêu tả là phải trải qua ít nhất bốn giai
đoạn: Giai đoạn hình thành khái niệm (khi nhà sáng lập tương lai nhận diện cơ hội),
giai đoạn thai nghén (khi cơ hội được đánh giá), giai đoạn trứng nước (khi doanh
nghiệp được thành lập), giai đoạn thiếu niên (sau khi doanh nghiệp chín muồi) và giai
đoạn đóng cửa doanh nghiệp (Reynolds, 1993). Trong giai đoạn hình thành khái niệm
và thai nghén ý tưởng, những nhà doanh nhân khởi nghiệp tiềm ẩn bắt đầu phát triển;
họ mong muốn tự kinh doanh hơn và đang tìm kiếm những cơ hội xung quanh
(Blanchflower và cộng sự, 2001). Tiếp theo, ở giai đoạn trứng nước, cá nhân muốn
khởi nghiệp phải đánh giá các yếu tố về khả năng kinh doanh cá nhân, tỷ lệ hoàn vốn
tương đối và trở ngại gia nhập ngành, các chi phí cơ hội để khởi nghiệp khi lựa chọn
tự kinh doanh và làm việc cho người khác (Murphy và cộng sự, 1991). Trong giai
đoạn phát triển, những doanh nghiệp nhỏ được cho là có cơ hội tăng trưởng cao hơn
và đa dạng hơn (Jovanovic, 1982) và tới giai đoạn đóng cửa, các doanh nghiệp khởi
nghiệp không hoạt động dưới hình thức tự kinh doanh không hoàn toàn bởi họ thất
bại, họ có nhiều lý do để đóng cửa như kinh doanh lỗ (Jovanovic, 1982), chi phí cơ
hội tăng lên giữa việc tự kinh doanh và làm thuê (Andersson, 2006), doanh nghiệp
nghỉ hưu khi được thừa kế từ thế hệ trước (Kannianen, Poutvaara, 2007).

Doanh nghiệp khởi nghiệp có những tác động tích cực tới sự phát triển của nền
kinh tế như tạo ra các cơ hội việc làm, thúc đẩy cạnh tranh mạnh mẽ trong nước và
quốc tế, sáng tạo công nghệ mới và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước nhưng
đồng thời, doanh nghiệp khởi nghiệp hạn chế sự tăng trưởng ở một số lĩnh vực nhất
định của kinh tế. Đầu tiên, trong thời đại mà tốc độ phát triển kinh tế chậm lại, cơ hội
việc làm khan hiếm hơn, người dân sẽ chủ động tự thân kinh doanh hơn, tạo nên
những doanh nghiệp khởi nghiệp với khả năng kinh doanh thấp kém. Ngoài ra, khi các
doanh nghiệp khởi sự huy động vốn ở ngân hàng, bởi các ngân hàng không thể đánh
giá khả năng tạo ra lợi nhuận một cách chính xác, lãi suất cho vay khi huy động vốn
sẽ là yếu tố thể hiện khả năng kinh doanh. Nếu nhiều doanh nghiệp khởi sự có khả
năng kinh doanh thấp kém được lập ra và vay vốn, lãi suất tăng lên, ảnh hưởng tới các
doanh nghiệp khác có tiềm năng phát triển lớn, khiến họ huy động và vay mượn
nguồn vốn ít hơn (Ghatak và cộng sự, 2007). Khi các doanh nghiệp khởi sự có tiềm
năng thấp tuyển những lao động có tay nghề thấp, những người này sẽ có mức lương
thấp hơn so với các doanh nghiệp khác và chi phí lương giảm đi thể hiện chi phí cơ
hội giữa việc khởi nghiệp và làm thuê, thúc đẩy sự phát triển của những doanh nhân
khởi nghiệp có khả năng thấp kém (Ghatak và cộng sự, 2007).

You might also like