You are on page 1of 3

Bài 1.

Hiện thực lịch sử và lịch sử được con người nhận thức


1. Lịch sử, hiện thực lịch sử và lịch sử được con người nhận thức
a) Lịch sử
Khái niệm lịch sử mang nhiều nghĩa và có thể diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau, nhưng về
cơ bản gồm có ba nghĩa chính: 1) Lịch sử là tất cả những gì đã diễn ra trong quá khứ của xã
hội loài người; 2) Lịch sử là những nhận thức, hiểu biết của con người về quá khứ, được
phản ánh qua những câu chuyện kể hoặc tác phẩm ghi chép về quá khứ; 3) Lịch sử là một
khoa học (còn gọi là Sử học) nghiên cứu về quá khứ của con người.
Khoa học lịch sử nghiên cứu các sự kiện, hiện tượng đã diễn ra trong xã hội loài người; phát
hiện ra quy luật phát sinh, phát triển và suy vong của nó.
b) Hiện thực lịch sử và lịch sử được con người nhận thức
Khái niệm lịch sử gắn liền với hai yếu tố cơ bản: hiện thực lịch sử và lịch sử được con người
nhận thức.
Hiện thực lịch sử là toàn bộ những gì đã diễn ra trong quá khứ, tồn tại một cách khách quan,
không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người.
Lịch sử được con người nhận thức là toàn bộ những tri thức, hiểu biết, những suy nghĩ và
hình dung của con người về quá khứ (nhận thức về sự kiện, hiện tượng đã diễn ra).
Hiện thực lịch sử có trước, lịch sử được con người nhận thức có sau. Hiện thực lịch sử là duy
nhất và không thể thay đổi, nhưng lịch sử được con người nhận thức lại rất đa dạng và có thể
thay đổi theo thời gian. Hiện thực lịch sử luôn khách quan, còn lịch sử được con người nhận
thức vừa khách quan vừa chủ quan.
Lịch sử được con người nhận thức có sự khác nhau là do mục đích nghiên cứu, nguồn sử
liệu, quan điểm tiếp cận, phương pháp nghiên cứu.
2. Đối tượng nghiên cứu của Sử học
Đối tượng nghiên cứu của Sử học rất đa dạng và mang tính toàn diện, gồm toàn bộ những
hoạt động của con người (cá nhân, tổ chức, cộng đồng, quốc gia hoặc khu vực,…) trong quá
khứ, diễn ra trên mọi lĩnh vực như chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa,
giáo dục, khoa học,…
3. Chức năng và nhiệm vụ của Sử học
Chức năng của Sử học là khôi phục hiện thực lịch sử một cách chính xác, khách quan (chức
năng khoa học) và phục vụ cuộc sống của con người (chức năng xã hội).
Nhiệm vụ của Sử học là cung cấp tri thức khoa học về lịch sử và giáo dục, nêu gương.

SỬ HỌC
Bài 2. Tri thức lịch sử và cuộc sống
1. Sự cần thiết phải học tập, khám phá lịch sử suốt đời
Tri thức lịch sử là những hiểu biết của con người về các lĩnh vực liên quan đến lịch sử, thông
qua quá trình học tập, khám phá, nghiên cứu và trải nghiệm. Tri thức lịch sử có vai trò quan
trọng đối với mỗi cá nhân và cộng đồng, giúp con người đúc kết và vận dụng thành công
những bài học kinh nghiệm trong cuộc sống, tránh lặp lại sai lầm từ quá khứ. Việc học tập,
khám phá tri thức lịch sử suốt đời là rất cần thiết.
Tri thức lịch sử rất rộng lớn và đa dạng. Những kiến thức lịch sử ở nhà trường chỉ là một
phần nhỏ trong kho tàng tri thức của quốc gia, nhân loại. Muốn hiểu đầy đủ và đúng đắn về
lịch sử cần có một quá trình lâu dài.
Tri thức về lịch sử có sự biến đổi và phát triển không ngừng theo thời gian (do sự xuất hiện
của các nguồn sử liệu mới, phương pháp nghiên cứu và quan điểm tiếp cận mới,…). Vì vậy,
việc học tập và khám phá lịch sử suốt đời là sự cần thiết đối với mỗi cá nhân và cộng đồng.
Trên cơ sở tìm hiểu tri thức, việc học tập và khám phá lịch sử suốt đời sẽ giúp mỗi người tự
mở rộng kiến thức, nâng cao sự hiểu biết và cập nhật thông tin, từ đó đưa lại những cơ hội
nghề nghiệp mới.
2. Thu thập, xử lí thông tin và sử liệu để làm giàu tri thức lịch sử
Để tìm hiểu quá khứ và làm giàu tri thức lịch sử, cần dựa vào các nguồn sử liệu tin cậy từ
quá khứ. Sử liệu đóng vai trò là cầu nối giữa hiện thực và tri thức lịch sử. Thu thập, xử lí
thông tin và sử liệu là những khâu quan trọng trong nghiên cứu cũng như học tập, tìm hiểu
lịch sử, cần được thực hiện theo quy trình khoa học, chặt chẽ.
3. Kết nối kiến thức, bài học lịch sử vào cuộc sống
Kiến thức lịch sử giúp con người giải thích, hiểu rõ hơn những vấn đề thời sự trong nước và
quốc tế, những vấn đề liên quan đến cuộc sống.
Hiện tại luôn khởi nguồn từ quá khứ. Những vấn đề thời sự và thực tiễn hôm nay không phải
xuất hiện một cách ngẫu nhiên mà đều xuất phát từ những gì diễn ra trong quá khứ, là kết
quả của quá trình hình thành, phát triển và biến đổi qua thời gian.
Kiến thức lịch sử có giá tị lớn đối với mỗi cá nhân và xã hội, có mối liên hệ chặt chẽ với
nhiều lĩnh vực của cuộc sống như chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, môi trường,… Nhiều
nhà chính trị, văn hóa nổi tiếng như Cicero (La Mã cổ đại), Lord Acton (Italy), George
Orwell (Anh), Karl Marx (Đức), Hồ Chí Minh (Việt Nam),… đã khẳng định sự cẩn thiết
phải vận dụng kiến thức lịch sử vào cuộc sống.

You might also like