You are on page 1of 6

Ai đã đặt tên cho dòng sông

Mở bài

Ai đó đã từng viết “Đất nước có nhiều dòng sông nhưng chỉ có một dòng sông để thương,
để nhớ như đời người có nhiều cuộc tình nhưng chỉ có một cuộc tình để mãi mãi mang theo”. Vâng,
“một dòng sông để thương, để nhớ” của mỗi người rất khác nhau. Nếu tên tuổi Văn Cao gắn liền
với sông Lô hùng tráng; nếu Hoàng Cầm là nỗi nhớ của ta khi ngang qua “Sông Đuống trôi đi một
dòng lấp lánh”; nếu Hoài Vũ mãi là nhà thơ của con sông Vàm Cỏ đêm ngày thao thiết chở phù sa,
thì Hoàng Phủ Ngọc Tường đã song hành cùng sông Hương đi vào trái tim người đọc với bút kí “Ai
đã đặt tên cho dòng sông?”. Với sở trường về bút ký và đặc sắc trong sáng tác là ở sự kết hợp nhuần
nhuyễn giữa chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều được tổng hợp
từ vốn kiến thức phong phú về triết học, văn hoá, lịch sử, địa lý, nhà văn đã đem đến cho người đọc
những vẻ đẹp đa dạng về con sông Hương.

Giới thiệu tác giả, tác phẩm

Nhà thơ Thu Bồn đã từng viết :

“Con sông dùng dằng con sông không chảy


Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu."

Sông Hương đã đi vào thơ ca nghệ thuật như một niềm cảm hứng bất tận đối với tất cả văn nghệ sĩ,
nhưng dù là trong tác phẩm nào đi chăng nữa sông Hương vẫn luôn mang một dáng vẻ vô cùng dịu
dàng, quyến rũ khiến ai cũng phải mê đắm ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên. Có lẽ Hoàng Phủ Ngọc
Tường đã “phải lòng” sông Hương – xứ Huế như một lần gặp gỡ định mệnh để rồi gắn bó với mảnh
đất này đến suốt cuộc đời. Và “Ai đã đặt tên cho dòng sông” chính là viên ngọc trân quý hội tụ
những tinh hoa, nét đẹp trong sở trường thơ của giai nhân. Thi phẩm là tùy bút xuất sắc được viết
tại Huế năm 1981, in trong tập sách cùng tên năm 1986, khi tác giả đã sống bên bờ sông Hương,
sống trong lòng Huế hơn 40 năm trời, tình yêu máu thịt đối với quê hương cứ lớn lên từng ngày và
nó hiện hữu ở mọi thời gian, mọi không gian. Khi tác giả ngồi đọc truyện Kiều giữa mùa thu, trong
một khu vườn xưa cổ, nơi có những loài hoa đang nở, trái cây đang chín, yên tĩnh và khoáng đạt –
khu vườn tọa lạc trên vùng đất mà Nguyễn Du từng sống nên thiên nhiên của “mảnh đất Kinh –
xưa” đã in bóng trong thơ Nguyễn, ngược lại sông Hương và Huế đã gợi cho tác giả hình tượng của
cặp tình nhân lý tưởng: Kim - Kiều. Trước những rung động của một mối tình say đắm trong những
trang Kiều để từ đó nhà văn dành cho sông Hương một bài kí trang trọng và để lại một rung động
nồng nàn, khó phai trong lòng độc giả. Chẳng ai biết Hương Giang đã mang cái tên ấy bên mình tự
thuở nào, chỉ biết rằng đời đời kiếp kiếp, dòng chảy ấy vẫn luôn dịu dàng đúng lúc, mạnh mẽ khi
cần, chứng kiến sự đổi thay của lịch sử và khiến người đã đến, đã thương sẽ vấn vương một đời.
Mở rộng
Đất nước Việt Nam có rất nhiều dòng sông chảy qua mọi miền xứ sở, và nó đã kịp chảy vào
trong những vần thơ, trang văn tuyệt vời. Bạn đọc từng xót xa với Hoàng Cầm khi nghe tin sông
Đuống bị quân thù chiếm đóng. Nhà thơ đã thốt lên:
“Sông Đuống trôi đi

Một dòng lấp lánh

Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì”

Công chúng yêu văn cũng đã chiêm ngưỡng vẻ đẹp hung bạo và trữ tình của “Đà Giang độc bắc
lưu” qua những “trang hoa” xuất sắc của nhà tuỳ bút hàng đầu Nguyễn Tuân. Giờ chúng ta lại tìm
đến với sông Hương-dòng sông chỉ tự thu mình khiêm tốn trong lãnh địa Thừa Thiên Huế, nhưng
qua những trang kí tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường sông Hương hiện ra với những vẻ đẹp dịu
dàng, tinh tế, góp phần làm cho Huế trở nên một bức tranh sơn thuỷ hữu tình. Hơn thế, sông
Hương còn là dòng sông lịch sử, văn hoá, thơ ca, nghệ thuật. Nó đã là một phần trong đời sống
tâm linh của người Huế trầm mặc, sâu sắc. Câu hỏi “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng
Phủ Ngọc Tường đã gợi lên trong miền tình cảm của bạn đọc nhiều băn khoăn về một dòng sông
ngỡ là quá quen, hoá ra lại có nhiều bí ẩn cần được khám phá thêm. Có như vậy, chúng ta mới
hiểu sâu sắc hơn về quê hương đất nước, tự hào hơn về non sông Việt Nam.

Đánh giá
Đoạn trích bài bút ký mang đậm phong cách của thể tùy bút vì chất tự do phong túng và
hình tượng cái “tôi” tài hoa, uyên bác của Hoàng Phủ Ngọc Tường, một hồn thơ thực sự trong văn
xuôi với trí tưởng tượng lãng mạn và những xúc cảm sâu lắng. Cả bài kí dường như là cuộc hành
trình tìm kiếm cho câu hỏi đầy khắc khoải “Ai đã đặt tên cho dòng sông” .Và cuộc tìm kiếm, lý giải
cái tên của dòng sông đã trở thành cuộc tìm kiếm đầy hào hứng và say mê không chỉ vẻ đẹp của
diện mạo hình hài mà còn là độ lắng sâu của tâm hồn và rung động. Con sông xứ Huế hiện lên
trong cuộc tìm kiếm của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã không chỉ là con sông địa lý mà là một sinh
thể, một con người “sông Hương quả thực là Kiều, rất Kiều” vừa xinh đẹp, vừa tài hoa, vừa thăng
trầm chìm nổi cùng lịch sử lại vừa đằm thắm lắng sâu với nền văn hoá riêng của nó.

Kết bài
Trên hành trình sáng tạo văn chương, để một tác phẩm chiến thắng quy luật băng hoại của
thời gian yêu cầu hội tụ đủ cả hai yếu tố của người cầm bút: cái tài và cái tâm. Nói như R.Gamzatov
“ tài năng và tấm lòng là hai cánh chim nâng tác phẩm của anh tới đỉnh cao, hai cánh chim ấy mạnh
mẽ bao nhiêu, tác phẩm của anh sẽ bay cao, bay xa bấy nhiêu”.Qua “ ADDTCDS” ta phần nào thấy
được tài năng cũng như tấm lòng của người cho máu. Trái tim người nghệ sĩ không ngừng thổn
thức, rung động trước những điều đẹp đẽ, đập liên hồi vì tình yêu rạo rực với văn chương và chết đi
nếu một ngày họ chẳng còn được sống chỉ để viết. Đọc một tác phẩm thực sự, bao giờ ta cũng bắt
gặp hồn thơ văn cất lên nỗi niềm suy tư, trăn trở và tình yêu còn lắng đọng với cuộc đời, với văn
chương, giống như cách Hoàng Phủ Ngọc Tường đã kí thác vào thi phẩm của mình. Có thể nói “ Ai
đã đặt tên cho dòng sông” đã mang đến những phát hiện mới lạ và độc đáo của sông Hương cho
độc giả cả nước. Nó là một dòng sông man dại, hoang tàn ở khúc thượng nguồn rồi lại trở nên mê
đắm, thủy chung khi gặp được người tình trong mộng của mình là xứ Huế. Sông Hương đi vào
trong trang viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường không vô tri vô giác mà nó còn có cảm xúc, có tình
yêu. Tác phẩm đã thể hiện được tình yêu quê hương, xứ sở nồng nàn của Hoàng Phủ Ngọc Tường,
một kí giả nặng lòng với Huế:

“Dòng sông ai đã đặt tên


Để người đi nhớ Huế mãi không quên
Xa con sông mang bao nhiêu nỗi nhớ
Người ở lại tháng năm đợi chờ”.

Một số nhận định


1. “Văn chương Hoàng Phủ Ngọc Tường là mạch vỉa than đá cung cấp nguồn năng lượng cho tâm
hồn con người”.
(Ngô Minh)
2. Nhà văn Tô Hoài đã có đôi dòng so sánh những trang kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường với Sơn
Nam, với mình rồi rút ra nhận xét: “Hoàng Phủ Ngọc Tường thì thầm cả tâm hồn trong khuôn
mặt cuộc đời cùng với đất trời, sông nước của Huế”.

3. “Hoàng Phủ Ngọc Tường trầm cả tâm hồn trong khuôn mặt cuộc đời cùng với đất trời sông
nước xứ Huế”.
(Tô Hoài)
4. “Hoàng Phủ Ngọc Tường luôn hiện lên là một nhà văn hoá hành văn vô cùng độc đáo, một
cuốn từ điển sống về Huế”.
(Hoàng Cát)
5. “Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn gần như chỉ viết về một thể loại đó là bút ký. Ngòi bút của
ông đã từng viết về nhiều vùng đất song người đọc vẫn ấn tượng nhất là những trang viết của
ông về Huế. Chảy suốt đời văn và đời người của Hoàng Phủ Ngọc Tường có lẽ là dòng sông
Hương nếu không có những trang viết của ông nó đã không long lanh như thế trong lòng bao
nhiêu người đọc dù đã đến hay chưa đến Huế”.
(Văn Xưa)
6. Ai đã đặt tên cho dòng sông? có thể xem là thành quả kết tinh và tổng hòa đẹp đẽ của một tình
yêu say đắm đối với dòng sông, với quê hương xứ sở và tài năng của một cây bút giàu trí tuệ,
am hiểu sâu rộng về văn hóa, lịch sử, địa lí và văn chương cùng một sức liên tưởng, tưởng
tượng phong phú, độc đáo của một nhà văn chuyên về bút kí – Hoàng Phủ Ngọc Tường.
(Trần Thị Thanh Nga)
7. “Bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường là một cuộc đi tìm cội nguồn, một sự phát hiện bề dày văn
hoá và lịch sử của các điều kiện đời sống… Văn anh giàu những tư liệu lấy từ sử sách tri thức
khoa học và huyền thoại kí ức cá nhân loé lên những ánh sáng bất ngờ… Cái mới của Hoàng
Phủ Ngọc Tường là khám phá bình diện văn hoá với tư liệu lịch sử phong phú và một tâm hồn
Huế nồng nàn”.
(Trần Đình Sử)
8. Tác giả Lê Trà My khi nghiên cứu kí Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nhận thấy: “Khi nhìn các vấn
đề, nhà văn thường đặt chúng trong chiều sâu văn hoá dân tộc, khám phá ở đó những giá trị văn
hoá, bằng những năng lực nội cảm của chính bản thân mình. Từ cách phân tích, lý giải, khơi mở
vấn đề, đến việc đánh giá kết luận, nhà văn thường có một thước đo giá trị: đó là tính văn hoá”.

9. Nguyễn Trọng Tạo cũng nhấn mạnh: “Anh là một nhà văn hoá hành văn vô cùng độc đáo, một
cuốn từ điển sống về Huế, và đôi khi như một triết gia uyên thâm lãng tử”. “Đọc anh, ta không
chỉ thâu nhận đời sống, lịch sử, triết học, kinh tế, hay chính trị mà còn cảm nhận được cả một
tình yêu lớn đối với con người, dân tộc và cách mạng”.

10. “Một trong những ấn tượng nổi trội ở các tác phẩm ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường là tình yêu
thiên nhiên, một tình yêu luôn luôn là bà đỡ để ông cảm thụ và đem lòng yêu từng chi tiết của
mỗi mảnh đất cụ thể. Ông viết: “Nhiều lần thức giấc trong mùi hương rạo rực của ban đêm, tôi
chợt phát hiện ra rằng Huế là một thành phố được dành cho cỏ”, và “Thật vậy, không nơi nào
trên thế giới mà những công trình kiến trúc của con người lại mọc lên giữa cỏ hoang như ở
Huế” (Miền cỏ thơm). Phải có hiểu biết và chiêm nghiệm sâu sắc mới có thể biểu tả thành cảm
xúc như thế”.
(Cao Ngọc Thắng)
11. Nhà văn Nguyên Ngọc cũng nhận xét “Hoàng Phủ Ngọc Tường là người thường hay suy nghĩ
về lịch sử. Và những mô tả của anh, cố gắng thật tỉnh táo, bao giờ cũng được “chống đỡ” bởi
những suy nghiệm sâu xa và ẩn ngầm về lịch sử; chính vì vậy mà những mô tả ấy thật khách
quan nhưng không hề hời hợt”.

12. Khi đọc những trang kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh đã
nhận xét: “Trong nhiều vùng quê Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đến và viết, xứ Huế là nơi ông am
hiểu hơn cả. Những trang văn của ông viết về Huế đã chứa đựng nhiều đặc sắc của văn phong.
Trầm tĩnh lắng đọng trong giọng điệu, phong phú dầy dặn trong vốn liếng và kỹ lưỡng tự nhiên
trong ngôn từ, ngữ pháp”.

13. Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh từng nhận xét: “Nếu có một ai đó muốn tìm hiểu thế nào là
một tâm hồn Huế. Thiết nghĩ chỉ cần đọc tùy bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường là có thể biết
được phần nào. Thật vậy, không một người Huế nào lại không bắt gặp trong văn thơ của anh
một chút trạng thái tâm hồn của chính mình”.
14. “Những trang tùy bút hồi ức đầy ngẫu hứng, đầy sự rung động với quê hương đất nước và dân
tộc Việt Nam. Đọc nó, ta giàu có nên vì tâm hồn trí tuệ văn chương bình dị nhưng trang trọng,
sắc sảo, lắng sâu”.
15. “Con người và thiên nhiên trong ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường quấn quýt và nâng đỡ nhau
như hình với bóng. Bằng kiến văn của mình, ông chứng minh: trên nền tảng thiên nhiên ấy, trí
tuệ và sức vóc con người Huế đã kiến tạo nên một vùng văn hoá Huế, mà thành phố Huế là
nhân lõi, chứa đựng nhiều tầng, nhiều lớp đặc trưng của lịch sử hình thành và phát triển, vừa
thống nhất với đặc điểm văn hoá dân tộc vừa mang những sắc thái riêng, độc đáo và thi vị. Ký
ức của Hoàng Phủ Ngọc Tường mang đầy đủ các yếu tố địa-sử-văn-triết và qua cách biểu cảm
ông đã tạo nên những tác phẩm có chiều sâu văn hoá. Trong tư duy sáng tạo nghệ thuật, Hoàng
Phủ Ngọc Tường thực sự coi trọng yếu tố địa lý, xem các thành tố của thiên nhiên là những
thực thể, đưa chúng vào cùng vận động với sự chuyển biến của tác phẩm, chứ không chỉ
“mượn” thiên nhiên nhằm làm “đẹp” tác phẩm như ở khá nhiều người viết khác. Đặc điểm này
góp phần cấu thành nên phong cách ký Hoàng Phủ Ngọc Tường”.
(Cao Ngọc Thắng)
16. Như I.Ê-ren-bua đã từng viết: “Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Von-ga,
con sông Von-ga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu gia đình, yêu miền quê trở thành tình yêu tổ
quốc”, tình cảm đối với sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường, xét đến cùng, là tình cảm đối
với đất nước, là tấm lòng yêu mến quê hương xứ sở nồng cháy của nhà văn. Nhà thơ Ra-xun
Gam-da-tôp đã từng nói : “Nếu nhà thơ không tham gia vào việc hoàn thành thế giới thì thế giới
đã không được đẹp đẽ như thế này”. Dù Hoàng Phủ Ngọc Tường không phải là nhà thơ tiêu
biểu (tuy ông đã xuất bản hai tập thơ) mà là một nhà viết kí, nhưng bằng bài kí đặc sắc này, ông
đã góp một tay vào việc tạo nên một thế giới Việt Nam Đẹp và Thơ. Và đó là gì nếu như không
phải là hành động yêu nước mang màu sắc riêng của người nghệ sĩ tài hoa này!
(Thầy Bùi Minh Đức)
17. Tác giả Lê Xuân Việt trong bài “Cảnh sắc thiên nhiên trong bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường” có
viết: “Với Hoàng Phủ Ngọc Tường, cảnh sắc thiên nhiên Huế in rất rõ bản sắc, bút pháp trong
sáng tác của anh. Anh viết về sông Hương, Bạch Mã, về “thành phố vườn” của Huế với những
liên tưởng phong phú đa dạng mang dấu ấn của một cây bút tài hoa trong hư cấu, sáng tạo hình
tượng nghệ thuật ít lẫn với những người viết khác”.

18. Tác giả Lê Thị Hường trong bài “Xin được nói về Hoàng Phủ Ngọc Tường như một thi sĩ của
thiên nhiên” đã nhìn nhận của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong tính hệ thống và nêu nhận xét:
“Lần dở từng trang viết của anh, theo sau những bước lãng du, những phút “nhàn đàm”, hay
đồng điệu vớinhững vần thơ mang tính chất tự bạch với thiên nhiên”. “Là thi sĩ của thiên nhiên,
Hoàng Phủ Ngọc Tường nhạy cảm với cỏ dại, cỏ gai, ngàn thông, chim sẻ… Là thi sĩ của thiên
nhiên, những trang ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường mang đến cho người đọc những miền không
gian xanh thẳm, ẩn chìm những vết trầm tích văn hoá từ thiên nhiên”.

19. Ngô Thị Kim Cúc trong đó có nhận xét: “Nhưng Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ là nhà -
Huế- học. Chỉ cần lên đường, đôi mắt và trái tim anh lại bị hút chặt về những con người, sông
nước, cỏ cây, muông thú… quá khứ gần và xa của mọi vùng đất khác, anh lại cày xới, xộc xạo,
truy tìm cho đến tận ngọn nguồn mọi thứ, qua cả nhân chứng và sử sách”.

20. Nhận xét của nhà nghiên cứu Trần Đình Sử trong bài “Ai đã đặt tên cho dòng sông- bút kí sử
thi của Hoàng Phủ Ngọc Tường”, đã chỉ ra những đóng góp nổi bật của nhà văn ở thể loại kí,
ông đã chỉ ra rằng trong Hoàng Phủ Ngọc Tường có “một cái nhìn sâu lắng về con người xứ
Huế”, “có một tâm hồn Huế thiết tha”, “bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường là một cuộc đi tìm
cội nguồn, một sự phát hiện bề dày văn hoá và lịch sử của các hiện tượng đời sống”, “khác với
phong cách Nguyễn Tuân đầy chất văn xuôi xương xẩu, gồ ghề với cái nhìn hóm hỉnh, bút kí
của Hoàng Phủ Ngọc Tường nghiêng hẳn về chất thơ thi vị, ngọt ngào”.

21. Tác giả Hoàng Cát có nhận xét: “Hoàng Phủ Ngọc Tường có một phong cách viết bút kí văn
học của riêng mình. Thế mạnh của ông là tri thức văn học, triết học, lịch sử hay địa lý… sâu và
rộng, gần như đụng đến vấn đề gì, ở thời điểm nào và ở đâu thì ông vẫn có thể tung hoành thoải
mái ngòi bút được”. “Dù là viết lịch sử đã xảy ra cách nay hàng ngàn năm, từ thuở Âu Cơ và
Lạc Long Quân, từ thời của các vua Hùng dựng nước và mở cõi, hay viết về không gian đa
chiều trong nghệ thuật tạo hình hiện đại của nghệ sĩ Lê Bá Đảng ở bên Pháp thì cái rốn của tư
duy, cái trằn trọc trong tâm tưởng và tâm hồn nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bao giờ cũng
dồn vào tình yêu đất nước, tình yêu dân tộc”.

22. “Sông Hồng là nỗi nhớ về phù sa của đời người,


Sông Cửu Long là sức mạnh đi tới biển
Và sông Hương như nỗi hoài vọng về một người đẹp nào đó chưa đạt tới trong sử thi buồn
của Hoàng Phủ Ngọc Tường…”
23. “Sao thèm khát một điệu gì xưa lắm
Thèm đọc một đoạn văn HPNT
Có ai rót chiều vào chén ngọc
Huế dịu dàng xây bằng khói và sương”
(Nguyễn Trọng Tạo)

You might also like