You are on page 1of 15

AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG?

Hoàng Phủ Ngọc Tường

I. NHẬN XÉT

 “Đây là bút kí dài nhất và tâm huyết nhất của tôi về Huế. Tôi đã
mang cả tâm huyết vẽ nên dòng sông y như nó vốn có [...]. Đó là
một thứ tài sản tôi muốn gửi lại cho thế hệ mai sau với lời nhắn
gửi: Sông Hương như một viên ngọc quý mà thiên nhiên đã ban
tặng cho Huế. Hãy bảo vệ vẻ đẹp ấy để nó trường tồn mãi mãi”.
(Hoàng Phủ Ngọc Tường).
 “Qua những trang ký tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông
Hương hiện ra với những vẻ đẹp dịu dàng, tinh tế, góp phần làm
cho Huế trở thành một bức tranh sơn thủy hữu tình”.
(Nguyễn Tống)
 “Tình yêu của sông Hương và Huế - một tình yêu lãng mạn và âm
vang sức sống, một tình yêu như một cuộc tìm kiếm và đuổi bắt,
hào hoa và đam mê, bản hợp xướng kì diệu giữa thi ca và âm
nhạc. Tình yêu ấy được vun đắp bởi ngòi bút tài hoa của Hoàng
Phủ Ngọc Tường. Cũng như tình yêu của sông Hương và Huế,
tình yêu của Hoàng Phủ Ngọc Tường với sông Hương cũng là một
quá trình dâng tặng, khám phá và hoàn thiện mình”.
(Lê Uyển Văn)
 “Nếu nói rằng ông trời đã tạo nên mối cơ duyên Huế - sông
Hương thì chính Hoàng Phủ Ngọc Tường là người mai mối tốt đẹp
nhất cho mối duyên đó.
Để dòng sông của thiên nhiên trở thành dòng sông của lòng
người, của bao người, phải nói rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường
chính là người tình mong đợi của sông Hương”.
(TS. Trần Viết Thiện)
 “Nếu biết cất lên tiếng người, hẳn sông Hương sẽ nói rằng nó đã
thực sự yên tâm khi chọn trang viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường
để hóa thân. Có lẽ, chính nhà văn cũng nhận thấy, cũng hiểu niềm
tin cậy đó nên từng câu văn của ông bay bổng, diễm ảo lạ thường”.
(PGS. Phan Huy Dũng)

II. GIỚI THIỆU CHUNG

1
1) Tác giả

a. Cuộc đời
- Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh năm 1937 tại Huế, quê gốc ở Quảng Trị. Ông
học hết bậc trung học tại Huế, tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Sài Gòn
năm 1960 và trường Đại học Huế năm 1964.
- Năm 1966, ông thoát li lên chiến khu, tham gia cuộc kháng chiến chống Mĩ
bằng hoạt động văn nghệ.
- Ông từng là Tổng thư kí Hội văn học nghệ thuật Trị Thiên – Huế, Chủ tịch
Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên, Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt.
b. Sự nghiệp sáng tác
- Là một trong những nhà văn chuyên về bút kí.
- Tác phẩm: Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu (1971), Rất nhiều ánh lửa
(1979), Ai đã đặt tên cho dòng sông ? (1986), Hoa trái quanh tôi (1995),
Ngọn núi ảo ảnh (1999)...
- Đặc sắc trong cách viết:
 Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa nghị
luận sắc bén với suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức
phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lí...
 Lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm và tài hoa.
- Năm 2007 ông được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
2) Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác – Xuất xứ

- Ai đã đặt tên cho dòng sông? là bài bút kí viết tại Huế, ngày 4 – 1 – 1981,
in trong tập sách cùng tên.
- Đây là một trong những tác phẩm bút kí đặc sắc, vừa thể hiện những nét
đẹp độc đáo của sông Hương, vừa biểu hiện cho phong cách trữ tình hướng
nội súc tích và tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
- Bài bút kí có ba phần, đoạn trích trong sách giáo khoa là phần thứ nhất.

b. Ý nghĩa nhan đề

- Bài bút kí có nhan đề và câu kết lại đoạn trích là một câu hỏi: “ Ai đã đặt
tên cho dòng sông?”. Đây là một câu hỏi tu từ nhằm mục đích khẳng định
vẻ đẹp biến ảo của con sông cũng đẹp như chính cái tên của nó. Chính nội
dung bài kí đã là phần trả lời cho câu hỏi ấy, một câu trả lời trải dài theo
2
hành trình của con sông với tất cả vẻ đẹp, chất thơ của nó in đậm trong
lòng người.
- Đồng thời, nhan đề này như một nguyên cớ đầy dụng ý nghệ thuật để giúp
nhà văn rất tự nhiên khi đi vào miêu tả, ngợi ca vẻ đẹp của dòng Hương
gắn với xứ Huế – vùng đất cố đô cổ kính, mộng mơ, nên thơ. Nhan đề cũng
mang một nội dung biểu cảm sâu sắc, nó thể hiện tất cả lòng yêu mến, trân
trọng đến nỗi ngỡ ngàng bật lên câu hỏi như một phút giây cảm xúc vỡ òa,
thăng hoa tạo nên những dòng bút kí say đắm, tài hoa.

III. ĐỌC HIỂU

1) Vẻ đẹp của sông Hương nhìn từ góc độ cảnh quan thiên nhiên: gắn với
thủy trình của con sông

a. Ở nơi khởi nguồn

- Theo tác giả, nếu chỉ mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành mà không
chú ý tìm hiểu sông Hương từ nguồn cội, người ta khó mà hiểu hết vẻ đẹp
trong phần tâm hồn sâu thẳm của dòng sông mà chính nó đã không muốn
bộc lộ. Nói đến dòng sông độc đáo này, người ta thường chỉ nghĩ đến vẻ
đẹp dịu dàng, thơ mộng của nó. Nhưng tìm hiểu từ ngọn nguồn, Hoàng Phủ
Ngọc Tường còn thấy được một phương diện khác. Sông Hương nhìn từ cội
nguồn là dòng chảy có mối quan hệ sâu sắc với dãy Trường Sơn. Trong mối
quan hệ đặc biệt này, sông Hương tựa như “một bản trường ca của rừng
già” với nhiều tiết tấu hùng tráng, dữ dội: khi “rầm rộ giữa bóng cây đại
ngàn” lúc “mãnh liệt qua những ghềnh thác”, khi “cuộn xoáy như cơn lốc
vào những đáy vực bí ẩn”, lúc “dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài
chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”.
- Sông Hương nơi thượng nguồn hiện ra tựa như một “cô gái Di-gan phóng
khoáng và man dại” với một “bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong
sáng”. Hình dáng cô gái Di - gan ấy đẹp kì ảo trong những cuộn xoáy,
những âm thanh những sắc màu rực rỡ. Phải chăng đó cũng là một phát
hiện sâu sắc và bất ngờ về Huế: trong nét dịu dàng thơ mộng vẫn ẩn chứa
một sự hoang dại mãnh liệt đầy bất ngờ và bí ẩn.
- Nhưng chỉ một một chớp mắt của trí tưởng tượng, ra khỏi rừng, sông
Hương nhanh chóng thay đổi hình hài, lại mang một vẻ đẹp khác, vẻ đẹp
“dịu dàng và trí tuệ”, biến thành “người mẹ phù sa của một vùng văn hóa
xứ sở”. Cụm từ “người mẹ phù sa” của một vùng văn hóa là một ẩn dụ đa
nghĩa mà nhà văn muốn nhân hóa vẻ đẹp dồi dào, phong phú của sông
3
Hương. Dòng sông không chỉ bồi đắp những dưỡng chất tốt tươi cho ruộng
đồng, vườn tược mà còn hoài thai biết bao giá trị thơ ca, nhạc họa, đỡ nâng
biết bao chiến công lịch sử cho con người vùng châu thổ Thừa Thiên và
thành phố Huế. Người mẹ phù sa mang tên Hương Giang ấy từng là cô gái
Di-gan giàu bản lĩnh, tự do giờ đã trưởng thành, làm một người mẹ trẻ
trung tràn trề sức sống.
Người mẹ phù sa mang tên Hương Giang ấy từng là cô gái Di-gan
giàu bản lĩnh, tự do giờ đã trưởng thành, làm một người mẹ trẻ
trung tràn trề sức sống.
Tác giả đã miêu tả sông Hương với tính cách đầy dữ dội nhưng cũng
rực rỡ bao sắc màu. Khi ở giữa núi rừng, sông Hương “mạnh mẽ,
phóng khoáng, man dại”, sống một cuộc đời tự do chảy trôi giữa
“màu đỏ chói lọi của hoa đỗ quyên rừng”. Nhưng khi vào Huế, sông
Hương trở thành bà mẹ dịu dàng và trí tuệ bồi đắp cho “một vùng
văn hóa”. Điều này khiến ta nhớ lại những câu thơ sau của Xuân
Quỳnh:

“Chính là nhờ có bé
Mẹ mới hiền ngoan hơn
Chính là nhờ có bé
Mẹ mới dần lớn khôn”

Chính vì vậy, miêu tả vẻ đẹp của con sông, tác giả vẫn không quên ngợi
ca xứ Huế đã thực hiện một nhiệm vụ khó khăn nhưng nhiều ý nghĩa:
khiến con sông Hương từ một cô gái sống đời tự do thành một bà mẹ
phù sa dịu hiền. Tác giả đã nhấn mạnh mối quan hệ hữu cơ bền chặt
của sông Hương và Huế ngay từ những dòng đầu tiên: con sông bồi đắp
cho vùng đất văn hóa và vùng đất mang hồn tĩnh lặng, êm nhẹ của mình
phả vào con sông để “mềm mại” hóa.

b. Ở ngoại vi thành phố Huế

- Trước khi trở thành người tình dịu dàng và chung thủy của cố đô, sông
Hương đã trải qua một hành trình đầy gian truân và nhiều thử thách. Trong
cái nhìn tinh tế và lãng mạn của tác giả, toàn bộ thủy trình của dòng sông tự
như một cuộc tìm kiếm có ý thức người tình nhân đích thực của người con
gái trong một câu chuyện tình yêu nhuốm màu cổ tích.
- Giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại, sông Hương là “người gái đẹp nằm
ngủ mơ màng”, nhưng ngay sau khi ra khỏi vùng núi, cũng như nàng tiên
4
được đánh thức, sông Hương bỗng bừng lên sức trẻ và niềm khao khát của
tuổi thanh xuân trong sự “chuyển dòng liên tục”, rồi “vòng giữa khúc
quanh đột ngột” uốn mình mềm mại qua nhiều địa danh: ngã ba Tuần, Hòn
Chén, Ngọc Trản, Nguyệt Biều, Lương Quán rồi ôm lấy chân đồi Thiên
Mụ. Trong những khúc quanh uốn lượn ấy, dòng sông thật mềm mại, duyên
dáng với những màu sắc dịu dàng, tươi trẻ. Phải chăng, sông Hương đang
ngủ mơ màng ở cánh đồng Châu Hóa đợi chờ thành phố tương lai, thành
phố Huế đánh thức? Và cuộc gặp gỡ giữa sông Hương và thành phố duy
nhất ấy đẹp như một mối tình ấp ủ hàng ngàn năm vậy.
- Vừa mạnh mẽ vừa dịu dàng, sông Hương có lúc “mềm như tấm lụa” khi
qua Vọng Cảnh, Tam Thai, Lưu Bảo; có khi ánh lên “những mảng phản
quang nhiều màu sắc sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” (2) lúc qua những
dãy đồi núi phía tây nam thành phố; mang “vẻ đẹp trầm mặc” khi qua bao
lăng tẩm, đền đài mang niềm kiêu hãnh âm u được phong kín trong những
rừng thông cho đến lúc bừng lên tươi tắn và trẻ trung khi gặp “tiếng
chuông chùa Thiên Mụ ngân nga tận bờ bên kia, giữa những xóm làng
trung du bát ngát tiếng gà” trong thanh bình, yên ả. (3)

Bình (2): “những mảng phản quang nhiều màu sắc sớm xanh, trưa
vàng, chiều tím”

 Tác giả khắc họa hình ảnh sông Hương chảy qua những
ngọn đồi, từ đó in bóng trên nền trời tây nam thành phố
Huế những mảng phản quang nhiều màu. Thực ra, đó
không phải là màu của núi đồi mà là sự kết hợp hài hòa
giữa làn nước trong, bóng núi đồi và màu trời xứ Huế.
Núi đồi đã in bóng vào dòng nước để rồi ánh nắng lại
phản chiếu những hình ảnh đó khiến dòng sông tạo nên
những mảng màu sắc đầy ấn tượng, đặc trưng riêng cho
Huế. Điều này khiến ta nhớ lại trong bài thơ “Thu điếu”,
Nguyễn Khuyến từng có câu thơ:
“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí”
 Thật ra màu xanh của sóng có được là do sự hòa phối
giữa bầu trời màu xanh và làn nước ao thu trong vắt.
Khi Nguyễn Khuyến tả sóng để thấy màu trời mùa thu
Bắc Bộ thì Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đã nêu bật vẻ
đẹp của sông Hương rực rỡ như một dòng ánh sáng,
dòng sông lấp lánh sắc cầu vồng khiến một lần nhìn nó,
ai cũng phải đắm say. Từ bầu trời với nhiều mảng phản
5
quang ấn tượng, Hoàng Phủ Ngọc Tường phần nào đó
đã khắc họa được vẻ đẹp của sông nước, mây trời xứ
Huế và sắc nước hương trời cộng hưởng trong cái nhìn
phát hiện tinh tế của nhà văn.

Bình (3): bừng lên tươi tắn và trẻ trung khi gặp “tiếng chuông
chùa Thiên Mụ ngân nga tận bờ bên kia, giữa những xóm làng
trung du bát ngát tiếng gà” trong thanh bình, yên ả.
 Khi tác giả miêu tả dòng sông Hương yên lặng chảy trôi
giữa bao nhiêu lăng tẩm, đền đài, rừng thông u tịch,
vươn dài chảy đến những vùng đất, những xóm thuyền
lập lòe ánh lửa thuyền chài, không hẹn mà gặp, Hoàng
Phủ Ngọc Tường đã gợi ra không khí của một bài thơ
Đường nổi tiếng:
“Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền”
(Phong Kiều dạ bạc – Trương Kế)
(Dịch nghĩa:
Nửa đêm đậu bến Phong Kiều
Trăng lặn, quạ kêu, sương phủ đầy trời
Hàng phong bên sông, ngọn đèn thuyền chài ở trước
người đang buồn ngủ.
Ngoài thành Cô Tô là chùa Hàn San,
Tiếng chuông nửa đêm vẳng đến thuyền khách)
Bài thơ của Trương Kế gợi không khí ưu phiền, thê lương khi
Trung Quốc đang chìm trong khói lửa chiến tranh, loạn lạc
khắp nơi. Do vậy, tiếng thơ cất lên như một nỗi ai oán xót xa
cho thời đại. May thay còn tiếng chuông chùa vang lên đánh
thức con người thoát khỏi mộng “trần ai tục lụy” để hòa mình
vào không gian thanh thoát, nhẹ nhàng. Đạo và đời, âm vang
của cõi lòng xao động ưu phiền cùng tiếng vọng của giải thoát,
cứu rỗi – tất cả hòa quyện với nhau tạo nên một bức tranh đan
xen nhiều ý nghĩa. Hoàng Phủ Ngọc Tường không xây dựng
một bức tranh ưu phiền như vậy. Sông Hương đi giữa đôi bờ
mộng mơ và yên lặng rất phù hợp với hồn của xứ Huế trầm
mặc, buồn thương, tĩnh lặng, rất phù hợp với điều mà Tố Hữu
cần viết:
6
“Mây núi hiu hiu chiều lạnh lạnh”

Có thể nói sông Hương đã được tác giả thêm vào rất nhiều thơ
mộng, lãng đãng khói sương trong không khí thanh thoát, nhẹ
nhàng.

c. Đến giữa thành phố Huế

- Bắt đầu vào thành phố, như đã tìm thấy chính mình khi gặp người tình
mong đợi, sông Hương “vui tươi hẳn lên giữa những biền bãi xanh biếc
của vùng ngoại ô Kim Long”, dòng sông “kéo một nét thẳng thực yên tâm
theo hướng tây nam – đông bắc” để hòa với vẻ đẹp của chiếc cầu trắng
Tràng Tiền“nhỏ nhắn như những vành trăng non”. Đây là một sự so sánh
rất ấn tượng, vừa đúng với màu sắc của những vòng cung nhịp cầu, vừa hợp
với ánh sáng bầu trời, vui tươi mà không ồn ào, bừng lên phía chân trời xa
nhưng không quá chói chang.
- Vậy là cuộc gặp gỡ giữa người con gái đẹp và người tình trông đợi nghìn
năm đã trở thành hiện thực. Vì vậy, nhà văn nhìn thấy “sông Hương uốn
một cánh cung rất nhẹ … làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng
“vâng” không nói ra của tình yêu”. Diễn tả cái uốn mình mềm mại của
dòng Hương bằng một so sánh như thế thì quả là tinh tế, tài hoa, mà cũng
thật là tình tứ. Qua cái nhìn của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương hiện
rõ dáng hình, tiếng nói và tâm hồn cô gái Huế dịu hiền.
- Chảy giữa lòng thành phố Huế, sông Hương tỏa thành nhiều nhánh như
những cánh tay ôm ấp các phố thị. Toàn bộ mặt sông “trôi đi chậm, thực
chậm, cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh” (4) . Sông Hương lúc này
không còn cái phóng khoáng, man dại nữa mà trở nên mềm mại, nhu mì và
mang nét nhỏ nhẹ, ngoan hiền như cô gái kinh thành. Dòng Hương lúc này
không còn rầm rộ, mãnh liệt, cuộn xoáy như trước kia mà trở nên lững lờ
đầy tâm trạng. Sông Hương và những chi lưu tạo những đường nét thật tinh
tế làm nên vẻ đẹp cổ kính của cố đô, điệu chảy nhẹ nhàng của nó đẹp như
điệu slow chậm rãi, sâu lắng, trữ tình. Lưu tốc của dòng nước chợt giảm
hẳn đi và cái điệu chảy lững lờ như thương như nhớ cũng chính là một nét
độc đáo, gợi thi tứ dạt dào của dòng Hương.
h
Bình (4): toàn bộ sông Hương “trôi đi chậm, thực chậm cơ hồ chỉ
là một mặt hồ yên tĩnh”.

 Miêu tả nhịp chảy của sông Hương, tác giả đã so sánh và


7
liên hệ với rất nhiều yếu tố:

 So sánh sông Hương với “một mặt hồ yên tĩnh”


 Dùng lập luận phản chứng để phác họa sông Hương
trong sự đối lập giữa hai yếu tố: “con sông Neva” ở nước
Nga trôi đi nhanh đến độ tác giả chưa kịp vỗ tay khen
ngợi những con chim hải âu đứng một chân trên tảng
băng thì dòng sông thì dòng sông đã mang nó trôi đi;
triết gia Hy Lạp cổ đại Heraclitus từng nói: “Không ai
có thể tắm hai lần trên một dòng sông” – nhưng những
điều này đến sông Hương sẽ không còn đúng nữa vì
dòng chảy quá chậm của nó.
 Ví von nhịp chảy này là “điệu slow tình cảm dành riêng
cho Huế” – trong sự chậm chạp có nhiều tình tứ như để
mở đầu, để khơi gợi cho bao điều vấn vương khác.
 Miêu tả lưu tốc của sông Hương bằng hình ảnh “những
ánh hoa đăng ngày rằm tháng Bảy trôi từ điện Hòn
Chén về, đi qua Huế cứ chao đi, chao lại, không muốn
trôi đi”.

 Nhiều tác giả đã miêu tả về nhịp chảy của sông Hương:


“Dòng sông buồn thiu hoa bắp lay”
(Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử)

“Một năm bốn mùa mười hai tháng


Sông chưa trai tráng được bao giờ
(Tố Hữu)

“Con sông dùng dằng con sông không chảy


Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”
(Tạm biệt – Thu Bồn)
Với Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương được khắc họa như
một khoảng lặng của không gian, như sự dùng dằng của thời
gian. Và chính nhịp chảy này đã tạo nên nét riêng cho nó hay khi
đến Huế, cái hồn nơi đây đã nhập hòa vào dòng sông.

d. Trước khi từ biệt Huế

- Trong cái nhìn đắm say của một trái tim đa tình, sông Hương là một người
8
tình dịu dàng và chung thủy. Điều này được tác giả diễn tả với một phát
hiện thú vị: điệu chảy chậm của sông Hương chứa đầy tình ý, đó chính là
tâm tư của dòng sông sắp rời khỏi kinh thành. Nếu ở thượng nguồn, dòng
sông ấy ầm ào, cuộn xoáy để mong nhanh đến gặp thành phố tương lai, gặp
“người tình mong đợi” của mình, thì khi sắp rời khỏi kinh thành này, sông
Hương lại trôi lững lờ trong bao nỗi ưu tư, bao niềm vương vấn.
- Đầu tiên là cái ôm thật chặt đầy lưu luyến trước khi chia li: “Rời khỏi kinh
thành, sông Hương chếch về hướng chính bắc, ôm lấy đảo Cồn Hến quanh
năm mơ màng trong sương khói, đang xa dần thành phố để lưu luyến ra đi
giữa màu xanh biếc của tre trúc và của vườn cau vùng ngoại ô Vĩ Dạ”.
Nhưng đã quá nặng tình với Huế, đâu dễ dứt đi một cách dễ dàng, vậy nên
“như sực nhớ lại một điều gì chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt
sang hướng đông tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh
xưa cổ. Đối với Huế, nơi đây chính là chỗ chia tay dõi xa ngoài mười dặm
trường đình”. Theo tác giả, “riêng với sông Hương, vốn đang xuôi chảy
giữa cánh đồng phù sa êm ái của nó, khúc quanh này thực bất ngờ biết
bao”.
- Trước sự tạo tác thú vị và hữu tình của tạo hoá, cuộc chia tay giữa dòng
sông Hương với Huế khiến cho tác giả cũng bất ngờ. Chính Hoàng Phủ
Ngọc Tường phải thốt lên: “có một cái gì rất lạ với tự nhiên và rất giống
con người ở đây”. Cũng theo tác giả, khúc quanh tựa như một “nỗi vấn
vương” và dường như còn có cả “một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu”.
- Sông Hương trở thành cô gái đa tình nhưng kín đáo, có chút lẳng lơ nhưng
rất đỗi chung tình. Đầy yêu thương và thấu hiểu, Hoàng Phủ Ngọc Tường ví
von cái phút dùng dằng trước khi về với biển cả ấy của dòng Hương là phút
nàng Kiều chí tình trở lại tìm Kim Trọng để nói một lời thề. Lời thề ấy vọng
thành những giọng hò dân gian vang khắp dòng sông hát mãi tình yêu son
sắt với quê hương xứ sở.

2) Sông Hương nhìn từ góc độ lịch sử, thơ ca, âm nhạc và bản sắc văn hóa
Huế

a. Từ góc độ lịch sử

- Trong mối quan hệ nghiêm trang này, sông Hương mang vẻ đẹp của một
bản hùng ca ghi dấu những thế kỉ vinh quang từ thuở còn là một dòng sông
biên thùy xa xôi của đất nước các vua Hùng, lúc nó mang tên là Linh
Giang (dòng sông thiêng) trong sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi.
- Sông Hương là “dòng sông viễn châu đã chiến đấu oanh liệt bảo vệ biên
9
giới phía nam của Tổ quốc Đại Việt qua những thế kỉ trung đại”, “nó vẻ
vang soi bóng kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn Huệ” vào
thế kỉ XVIII, “nó sống hết lịch sử bi tráng của thế kỉ mười chín với máu
của những cuộc khởi nghĩa”. Dòng sông cũng đã chứng kiến thời đại mới
với Cách mạng tháng Tám năm 1945 và bao chiến công rung chuyển qua
hai cuộc chiến tranh vệ quốc sau này.
- Như vậy, sông Hương xứng đáng được gọi là một thiên sử thi, trước hết vì
đã từng kiên cường chặn đứng nhiều đội quân xâm lược. Dòng sông đâu
chỉ có vẻ đẹp mềm mại đầy nữ tính, mà còn tiềm tàng trong chiều sâu lịch
sử của nó một sức mạnh quật cường của dân tộc từ những ngày mở nước
hàng nghìn năm về trước: “Sông Hương là vậy, là dòng sông của thời
gian ngân vang, của sử thi viết giữa màu cỏ xanh lá biếc” (5).
Bình (5):

Khi so sánh sông Hương như một thiên sử thi viết giữa ngàn lá
cây xanh biếc, tác giả đã đặt bên cạnh nhau những khái niệm,
những yếu tố ngỡ rằng khó có thể đi chung. Sử thi mang màu đỏ
của những chiến công lừng lẫy, là trang sử hào hùng của mỗi
dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước. Nhưng màu “cỏ
lá xanh biếc” lại là cái mát lạnh, tươi mới của thiên nhiên vẫy
gọi. Nói như vậy, trong sông Hương có sự hợp lưu của hai dòng
chảy: vừa hào hùng rực lửa, vừa mềm mại tươi xanh. Nó gợi ta
đến câu thơ của Tố Hữu:
“Tôi muốn viết những vầng thơ tươi xanh
Vẫn nóng viết những vầng thơ lửa cháy”.
Sông Hương cũng vậy, trong vẻ đẹp nên thơ, hiền hòa của nó
vẫn cuộn chảy dòng lịch sử oai hùng, vừa là người mẹ phù sa,
vừa là tấm gương phản chiếu lịch sử dân tộc.

b. Từ góc độ thơ ca

- Sông Hương “không bao giờ tự lặp lại mình” trong cảm hứng của các nghệ
sĩ. Qua sáng tác của nhiều nhà thơ Việt Nam, sông Hương hiện lên, đầy
biến ảo: khi là “dòng sông trắng – lá cây xanh” trong cái nhìn tinh tế của
Tản Đà, lúc “như kiếm dựng trời xanh” tựa khí phách Cao Bá Quát, lúc là
“bóng chiều bảng lảng” trong nỗi quan hoài vạn cổ của (Bà Huyện Thanh
Quan) rồi “bỗng đột khởi thành sức mạnh phục sinh của tâm hồn” trong
thơ Tố Hữu và “sông Hương quả thực là Kiều, rất Kiều”.
- Sông Hương nhiều vẻ đẹp, nhiều màu sắc nhưng sông Hương có một điểm
10
chung – đó là sự gợi cảm, gợi thi hứng, sông Hương hút hồn bao nghệ sĩ bởi
đó là dòng sông của thi ca.
c. Từ góc độ âm nhạc
- Tác giả mơ màng, đắm say với những gợn sóng chao nhẹ trên mặt nước
trong những đêm hoa đăng hội rằm tháng bảy trên sông Hương để rồi trong
khoảng khắc chùng lại, ông ngỡ như sông Hương bỗng trở thành một người
tài nữ đánh đàn. Ông nhớ tới Nguyễn Du bao năm lênh đênh trên quãng
sông này, viết ra những câu Kiều tuyệt bút. Tác giả đã dẫn ra câu chuyện
của một nghệ nhân già “chơi đàn hết nửa thể kỉ” đã nhận ra trong những
vần thơ Kiều: “Trong như tiếng hạc bay qua – Đục như tiếng suối mới sa
nửa vời” có âm hưởng của giai điệu bài Tứ đại cảnh. Sông Hương đã đánh
thức cảm hứng của Nguyễn Du và tấu lên những bản đàn đi suốt đời Kiều.
Sông Hương trong tưởng tượng, sáng tạo của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã
chuyển từ vẻ đẹp của tình yêu sang vẻ đẹp của âm nhạc.
- Nhà văn đã cho rằng: “toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế đã được sinh
thành trên mặt nước của dòng sông này”. Đã mấy ai hiểu rằng, phải nghe
ca Huế trên sông Hương vào lúc đêm khuya mới cảm nhận được hết linh
hồn của nó. Có lẽ vào những đêm khuya, trong không khí tĩnh lặng có thể
nghe được cả tiếng động rất nhẹ của nhịp chèo và những giọt nước rơi,
những nghệ nhân xưa, nhìn mặt nước sông Hương in bóng trăng thanh, đã
cảm hứng soạn ra những bản nhạc cổ điển và cả những điệu hò mái nhì, mái
đẩy để gửi lòng mình với quê hương xứ sở. Ca Huế là dòng âm nhạc riêng
của sông Hương. Thêm lần nữa, ta thấy được cái nhìn tinh tế và có chiều
sâu văn hóa của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
d. Từ góc độ bản sắc văn hóa Huế
- Sông Hương càng mang chất Huế đến kì lạ khi nó khoác lên mình chiếc áo
đậm màu sắc nơi đây. Khi thấy hai bờ sông thấp thoáng bóng người phơi
áo, một sắc áo cưới của Huế ngày xưa, rất xưa: “màu áo điều lục của của
loại vải vân thưa màu xanh chàm lồng lên một màu đỏ ở bên trong, tạo
thành một màu tím ẩn hiện, thấp thoáng theo bóng người” tác giả đã cho
rằng đấy là “màu của sương khói trên sông Hương, giống như một tấm
voan huyền ảo của tự nhiên”. Dòng sông trở thành những cô gái, hay
những cô gái bên sông đã tô điểm một sắc màu kì diệu ẩn giấu khuôn mặt
đời thường cho dòng sông duyên dáng, thủy chung?
- Khi liên tưởng độc đáo màu sương khói huyền ảo trên dòng Hương chính là
hình ảnh các cô dâu trẻ với sắc áo cưới màu điều lục trong những ngày thu
đầy khói sương, có lẽ tác giả muốn kín đáo gửi đến ta một ý nghĩa sâu sắc:
từ một đường cong, một nét uốn lượn đến cái sắc tím huyền ảo, sông
Hương đều mang những dáng hình rất đặc trưng cho Huế. Nói khác đi, bản
11
sắc văn hóa nơi này đã ngấm vào dòng sông lúc nào không biết.

BỔ SUNG: HÌNH ẢNH NHÀ THƠ LÃO THÀNH HÀ NỘI KHÉP


LẠI TÁC PHẨM

- Cuối đoạn trích, tác giả đã thuật lại sự việc một nhà thơ Hà
Nội đến sông Hương, sau khi hút xong điếu thuốc lá, vứt
xuống chân cầu, rồi hỏi một câu: “Ai đã đặt tên dòng sông?”
 Đặt trong hoàn cảnh của nhà thơ đó mới thấy hành động
này rất có ý nghĩa. Tuổi cao, lại xa nhà, tâm hồn người
nghệ sĩ vốn nhạy cảm, đứng trước không gian rộng lớn bao
la, nhà thơ này không nhớ nhà, không thấy cô đơn, trống
vắng mà lại hỏi một câu cũng chính là nhan đề của tác
phẩm. Hồ Dzếnh có bài thơ Chiều nổi tiếng với đoạn thơ
cuối như sau:

“Tôi là người lữ thứ


Màu chiều khó làm khuây
Ngỡ lòng mình là rừng
Ngỡ hồn mình là cây
Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói huyền bay lên cây”
(Chiều – Hồ Dzếnh)
 Nỗi niềm lữ thứ trong buổi hoàng hôn xa nhà khiến con
người gợi lên nhiều suy tư. Khói thuốc bay lên cho hồn
người lắng đọng. Nhưng đứng trước sông Hương, nhà thơ
Hà Nội lại không nhớ về quê hương mà đặt ra một câu hỏi
bâng khuâng về nguồn gốc tên gọi Hương Giang. Như bao
người đã nấu nước của trăm ngàn loài hoa đổ xuống dòng
sông cho sông thơm mạnh, sông Hương có một sức mạnh
níu giữ chân người, khiến người ta say đắm, bâng khuâng.
Tên gọi “Hương Giang” ai đặt không quan trọng. Chỉ biết
rằng sông Hương đã đặt tên nó vào xứ Huế và Hoàng Phủ
Ngọc Tường đã đặt tên nó vào lòng người.

IV. GỢI Ý MỞ BÀI VÀ KẾT BÀI KHI LÀM VĂN

1) Khi Mở bài

12
Hoàng Phủ Ngọc Tường, sinh năm 1937 tại Huế, là một
trong những nhà văn chuyên về bút kí. Sự kết hợp nhuần
nhuyễn giữa chất trí tuệ và tính trữ tình, giữa nghị luận sắc
bén với suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức
phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lí...cùng lối
hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm và tài hoa đã giúp
ông tạo nên những tác phẩm đặc sắc. Ai đã đặt tên cho
dòng sông? là bài bút kí viết tại Huế, ngày 4-01-1981, in
trong tập sách cùng tên. Đây là một trong những tác phẩm
bút kí nổi tiếng của tác giả, gồm có 3 phần và đoạn trích
trong sách giáo khoa là phần thứ nhất.

2) Khi Kết bài

Đi cùng sông Hương suốt thủy trình của nó, ta nhận ra tác
giả không chỉ miêu tả dòng sông bằng đôi mắt tinh tường,
chi tiết mà còn bằng vốn tri thức văn hóa, văn học sâu rộng
kết hợp hài hòa cùng một trí tưởng tượng phong phú và sự
rung động của trái tim người nghệ sĩ đa tình thật trẻ trung,
lãng mạn. Chính những điều ấy đã làm hiện lên sinh động
trước mắt và sống mãi trong trái tim người đọc hình ảnh
con sông Hương đẹp lung linh, biến ảo hòa lẫn cùng bao
nhiêu tâm tình tha thiết, quyến luyến cùng xứ Huế mộng
mơ. Có thể nói, với những trang bút kí súc tích và đầy chất
thơ này, tâm hồn và tài năng Hoàng Phủ Ngọc Tường thực
sự đã thăng hoa.

V. ĐỀ THAM KHẢO

Đề: Cảm nhận của anh (chị) về những vẻ đẹp của sông Hương qua
tùy bút “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường
Gợi ý
1. Khái quát: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, hình tượng con sông
Hương.
2. Chi tiết:
a. Vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên gắn liền với thủy
trình sông Hương.
- Sông Hương ở nơi khởi nguồn
- Đến ngoại vi thành phố Huế
13
- Đến giữa thành phố Huế
- Trước khi từ biệt Huế

b. Vẻ đẹp lịch sử, văn hóa và tâm hồn – tính cách con
người xứ Huế.

- Vẻ đẹp lịch sử
- Vẻ đẹp văn hóa
- Vẻ đẹp tâm hồn con người

3. Sơ kết

- Tác giả đã sử dụng đa dạng và phát huy triệt để các biện


pháp tu từ như nhân hóa, so sánh, ẩn dụ; ngôn ngữ giàu
hình ảnh, thấm đẫm cảm xúc, thể hiện tình cảm dạt dào
dành cho quê hương xứ sở. Có sự kết hợp hài hòa giữa cảm
xúc và trí tuệ, giữa sự trải nghiệm của bản thân, cảm xúc
của bản thân và đối tượng miêu tả nên khiến con sông
Hương trở nên lung linh, biến ảo, sinh động như đời sống
và tâm hồn con người. Miêu tả vẻ đẹp sông Hương, tâm
hồn và tài năng Hoàng Phủ Ngọc Tường thực sự đã thăng
hoa. Ông không chỉ miêu tả dòng sông bằng đôi mắt tinh
tường, chi tiết mà bằng vốn tri thức văn hóa, văn học sâu
rộng hài hòa cùng trí tưởng tượng phong phú và sự rung
động của trái tim nghệ sĩ đa tình thật trẻ trung, lãng mạn...

VI. ĐỀ SO SÁNH LIÊN HỆ

Đề: Anh (chị) hãy phân tích vẻ đẹp của sông Hương để làm nổi bật cái tôi
tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường qua bút kí Ai đã đặt tên cho dòng
sông? của ông.
Từ đó, liên hệ với khổ thơ sau:

Gió theo lối gió mây đường mây


Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
(Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử)

14
để thấy rõ nét độc đáo trong việc tả cảnh và tình yêu quê hương đất nước
của hai tác giả qua hai tác phẩm.

15

You might also like