You are on page 1of 5

AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG

_Hoàng Phủ Ngọc Tường_


I. TÌM HIỂU CHUNG:
1. Tác giả
- Quê gốc ở huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị nhưng được sinh ra và lớn lên bên dòng sông hương
xứ Huế cho nên ông có một tình yêu sâu nặng với Huế và con người Huế.
- Sau năm 1945, ông tích cực tham gia hoạt động cách mạng, phong trào yêu nước chống Mĩ-Ngụy,
đặc biệt hoạt động chủ yếu ở chiến khu Bình Trị Thiên; nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ
máy chính quyền Huế và Hội Văn học Nghệ Thuật Việt Nam.
- Ông là nhà văn có phong cách sáng tác rất độc đáo, mới lạ; đặc biệt thành công nhất ở thể loại tùy
bút, bút kí. Văn phong trong sáng, giản dị, trữ tình, giàu chất thơ, chất họa và nhạc tính. Ông sáng tác
theo khuynh hướng chủ nghĩa hiện thực lãng mạn.
- Ông là nhà văn có phong cách sáng tác rất độc đáo, mới lạ; đặc biệt thành công nhất ở thể loại tùy
bút, bút ký. Văn phong trong sáng, giản dị, trữ tình, giàu chất thơ, chất họa và nhạc tính. Ông sáng
tác theo khuynh hướng chủ nghĩa hiện thực lãng mạn.
- Đóng góp to lớn của ông là đã đưa thể loại bút ký đạt đến trình độ cao nhất của văn chương nghệ
thuật; góp phần làm phong phú thêm kho từ vựng tiếng Việt hiện đại và tạo nên những hình tượng
nghệ thuật văn học tiêu biểu, đặc sắc cho văn học đương đại.
- Năm 2007, ông được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
2. Xuất xứ
- Bài bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông” được nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết tại Huế vào
ngày 4/1/1981 được trích trong tập bút ký cùng tên, bài ký gồm 3 phần, có tất cả 8 bài bút ký. Đoạn
trích trong SGK thuộc phần 1.
- Nội dung:
+ Tái hiện sinh động bầu không khí chiến đấu chống giặc ngoại xâm và ngợi ca chủ nghĩa anh hùng
trong thời kì cách mạng mới.
+ Thể hiện sâu đậm tấm lòng yêu nước và niềm tự hào, tự tôn dân tộc về những giá trị văn hóa, lịch
sử lâu đời của dân tộc ta.
3. Thể loại:
- Tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” thuộc thể loại bút ký; với văn phong phóng khoáng, cách
diễn đạt tự do, không bị gò bó, áp đặt; mang đậm chất trữ tình, lãng mạn. Câu văn giàu nhạc tính,
chất họa, chất thơ.
* Mở rộng: Bút ký là một thể tài ghi chép lại các sự kiện, tình tiết qua cách nhìn, nếp nghĩ của tác
giả, giàu tính xác thực, cụ thể, chi tiết. Bút ký thường sử dụng lời văn trang nhã, trang trọng, giàu
tính hình tượng, mang đậm dấu ấn cá nhân của chính tác giả. Nó là thể trung gian giữa tùy bút với kí
sự; nhà văn thường dùng lí trí để phản ánh sự kiện một cách khách quan, chính xác, chi tiết; ngôn từ
trau chuốt.
4. Ý nghĩa nhan đề “ Ai đã đặt tên cho dòng sông”:
-Nhan đề đầu tiên mà tác giả đặt chính là “Hương ơi! E có phải mày chăng?”; đó là một câu hỏi tu từ
thể hiện sự kinh ngạc, nghi vấn, thắc mắc của nhà văn trước vẻ đẹp trầm mặc, sâu lắng, cổ điển của
dòng sông Hương. Tuy nhiên, trong lần xuất bản thứ nhất, nhà văn đã quyết định đổi tên tác phẩm
thành “Ai đã đặt tên cho dòng sông” để khơi nguồn về quá trình hình thành và phát triển của sông
Hương trong suốt tiến trình lịch sử ngàn năm của dân tộc để từ đó nhà văn nêu lên khát vọng mãnh
liệt muốn được truy nguyên, khám phá và chiếm lĩnh vẻ đẹp đa diện, kì thú và độc đáo của dòng
sông huyền thoại của đất nước. Bởi lẽ nó đã ôm trọn trong lòng của nó biết bao nhiêu bí mật, sự kì bí
về lịch sử, văn hóa của vùng đất kinh kì, cố đô ngàn năm văn vật.
- Lần đầu tiên Sông Hương được ghi chép lại trong sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi (năm 1435)
với tên gọi là “Linh Giang”. Đến năm 1555, sông Hương được nhắc đến trong sách “Ô Châu cận
lục” của Dương Văn An với tên gọi là sông cái Kim Trà (Kim Trà đại giang); sau đó đến năm 1558,
trong sách “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn, nó được đổi tên thành Hương Trà theo đúng tên
huyện Hương Trà, phủ Thiệu Phong, thuộc Thừa tuyên Thuận Hóa. Ngoài ra, ở nhiều tài liệu khác,
sông Hương còn có tên là sông Lô Dung, sông Dinh, sông Yên Lục.
5. Bố cục văn bản: chia làm 3 phần.
- Phần 1: Từ đầu ... dưới chân núi Kim Phụng ➔ Vẻ đẹp sông Hương được nhìn từ nguồn gốc hình
thành.
- Phần 2: Từ “Phải nhiều thế kỉ qua đi ... quê hương xứ sở” ➔ Sông Hương được đặt trong mối quan
hệ với kinh thành Huế.
- Phần 3: Còn lại ➔ Sông Hương được soi chiếu dưới góc nhìn lịch sử, văn hóa dân tộc, cuộc đời thi
ca.
II. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN
1. Vẻ đẹp sông Hương qua từng chặng thủy trình:
a. Ở phần thượng nguồn:
- Từ ngàn xưa, sông Hương đã trở thành một dòng sông huyền thoại, chảy xuyên suốt theo dòng lịch
sử dân tộc. Sông Hương nghiêng mình soi bóng vào văn chương, và trở thành một biểu tượng văn
học mang một vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính và thi vị hóa. Nhà thơ Tố Hữu đã mượn hình ảnh dòng sông
Hương để nói đến thân phận nổi trôi của những nàng ca nhi xứ Huế ngày xưa trong bài thơ “Tiếng
hát sông Hương”:
“Trên dòng Hương Giang
Em buông mái chèo
Trời trong veo
Nước trong veo
Trăng lên, trăng đứng, trăng tàn
Đời em ôm chiếc thuyền nan xuôi dòng”
- Còn nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng đã từng nói đến vẻ đẹp cổ kính, quyến rũ của dòng sông
Hương:
“Sông Hương hóa rượu ta đến uống,
Ta tỉnh, đến đài ngả nghiêng say”
- Mở đầu bài bút kí, nhà văn đã giới thiệu cận cảnh dòng sông Hương khởi phát từ thượng nguồn.
Nét đẹp mạnh mẽ, dữ dội, táo bạo, đầy cá tính của sông Hương được ví như “một bản trường ca của
rừng già, tầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc
vào những đáy vực bí ẩn”. Chính núi rừng Trường Sơn từ bao đời nay đã hun đúc nên sự gan góc,
bản lĩnh của sông Hương nơi thượng nguồn một cách mới lạ, độc đáo và riêng biệt. Đi giữa lòng
Trường Sơn, sông Hương xuất hiện như một dòng sông hoang sơ, man dại, chứa đựng nhiều bí ẩn
trong nó. Tác giả đã so sánh sông Hương như một cô gái Di-gan đầy phóng khoáng và man dại để
khắc họa sinh động cái cá tính mạnh mẽ, muốn được sống tự do với một tính khí đầy biến động và
thất thường. Sông Hương qua cách miêu tả của tác giả hiện lên như một nàng thiếu nữ có tâm trạng
rất phức tạp, đầy biến động và rất khó nắm bắt.
- Chính điều đó đã tạo nên một sức hút kì lạ, nét đẹp quyến rũ đầy cá tính của sông Hương. Dường
như chính đại ngàn Trường Sơn đã góp phần tôn tạo nên vẻ đẹp thanh thoát, thoát tục, trinh nguyên
của dòng sông. HPNT đã hái một chùm hoa đỗ quyên rừng đỏ tươi tắn để cài vắt lên mái tóc nhung
mềm mại, nhẹ nhàng, đằm thắm của dòng sông Hương khiến nó trở nên hiền hòa, dịu dàng, duyên
dáng và xinh đẹp hơn “Cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu
đỏ của hoa đỗ quyên rừng”.
- Tác giả tiếp tục so sánh sông Hương với hình ảnh những “cô gái Di-gan phóng khoáng và man
dại”. Bởi lẽ cả nửa cuộc đời của nó đã được dãy Trường Sơn hun đúc nên nét đẹp man dại, hoang sơ,
thuần khiết của núi rừng, càng trui rèn thêm bản lĩnh, gan dạ, sự rắn rỏi, gai góc của rừng già. Dù
muôn ngàn cách trở sông Hương vẫn cố gắng len lỏi và tìm mọi cách để băng rừng vượt núi, vượt
qua bao thác ghềnh hung hiểm, những ngọn núi cao, vực sâu để được vươn mình đến biển cả xa
khơi. Sông Hương xưa nay vẫn nằm gọn trong lòng của dãy Trường Sơn, được núi rừng ấp ủ, nâng
niu nhưng nó vẫn tìm mọi cách để vươn mình vượt ra khỏi rừng già, tự giải phóng cuộc đời mình. Nó
muốn được sống tự do tự tại, muốn tự chủ cuộc đời mình. Cái tung mình bức phá đầy ngoạn mục của
sông Hương đã tạo nên một bước ngoặt mới trong cuộc hành trình đi tìm kiếm bến đỗ của cuộc đời
mình.
- Khi ra khỏi rừng già, sông Hương đã hóa thân thành “người mẹ phù sa” của một vùng văn hóa xứ
sở. Nó mang nét đẹp dịu dàng, hiền hòa và đằm thắm; nhưng cũng rất giàu trí tuệ, sông Hương đang
cố tìm đường trở về để ấp iu đứa con xứ Huế của mình. Đã bao đời nay sông Hương không ngừng
vun đắp bồi tụ phù sa của nó để hình thành nên xứ Huế nên thơ trữ tình. Qủa thật sông Hương đã có
công lao rất to lớn khi tạo lập nên vùng đất kinh kì đế đô ngàn năm lịch sử.
- Sông Hương còn là một nhân chứng của lịch sử gắn liền suốt chiều dài lịch sử của đất nước. Bởi lẽ
dòng sông Hương đã chứng kiến toàn bộ sự hưng phế, tồn vong của mảnh đất thần kinh. Nó đã lặng
lẽ góp mình vào trong những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc ta.
Chính sông Hương đã hình thành nên một nền văn hóa cố đô rất đáng tự hào và hãnh diện. Sông
Hương gắn liền với nếp sinh hoạt thường ngày của người dân xứ Huế và những phong tục tập quán
lâu đời của thành phố Huế. Trên dòng sông Hương, những lễ hội truyền thống của Huế đã được diễn
ra thường niên như đua ghe ngo, thi bơi lội, đua thuyền rồng,… Sông Hương còn tạo nên nền văn
hóa ẩm thực mang đậm chất Huế như cơm hến, bún hến, cháo hến, hến xúc bánh đa, bún bò Huế…
và cả một nền âm nhạc truyền thống của Huế. Đó là những lời ca Huế, những nhịp phách của nhã
nhạc cung đình Huế, những làn điệu hò mái nhì mái đẩy của câu hát Nam Ai - Nam Bình.
 Nhà văn đã có sự quan sát tinh tế và khắc họa sinh động hình ảnh sông Hương khi như một nàng
thiếu nữ tươi trẻ, bản lĩnh, cá tính và mạnh mẽ; nhưng cũng có lúc nó trở thành người mẹ phù sa thật
hiền hậu, ấm áp, yêu thương đứa con xứ Huế của mình.
b. Sông Hương ở ngoại vi thành phố Huế:
- Khi vừa ra khỏi rừng già, sông Hương lại tiếp tục đột ngột chuyển dòng uốn lượn quanh co, tạo nên
những đường cong thật mềm mại, uyển chuyển, nhẹ nhàng như một “người gái đẹp nằm ngủ mơ
màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại”. Cách miêu tả của nhà văn đã gợi người đọc nhớ đến
câu chuyện cổ tích nàng công chúa ngủ trong rừng để lột tả hết nét đẹp ban sơ, thuần khiết của sông
Hương khi nó đổ bộ vào ngoại vi của thành phố Huế. Sông Hương vẫn tiếp tục của hành trình của
mình để đi tìm kiếm người tình mong đợi của nó, để được gặp gỡ và nói hết những lời yêu thương
với xứ Huế. Bằng nghệ thuật liệt kê hàng loạt các địa danh trong suốt thủy trình mà sông Hương đã
đi qua, nhà văn đã vẽ ra một cuộc hành trình có ý thức của sông Hương để tìm về thành phố Huế của
riêng nó. Tác giả đột ngột thay đổi điểm nhìn từ trên cao bao quát toàn cảnh dòng chảy của sông
Hương, dòng sông hiện ra như một áng tóc dài trữ tình, mềm mại, được điểm xuyết thêm bởi những
thuyền bè đi lại trên sông như một chiếc trâm cài vắt ngang qua mái tóc của nàng thiếu nữ xuân thì
ấy. Sông Hương lúc này mang một vẻ đẹp Đường thi thật nên thơ, trữ tình; nó gợi ta nhớ đến hình
ảnh thác nước Lư Sơn trong bài thơ “Vọng Lư sơn bộc bố” của thi tiên Lí Bạch:
“Thác đổ trên cao ba ngàn thước,
Tựa dãy ngân hà tuột khỏi mây.””
- Khi sắp vào thành phố Huế, dòng sông Hương liên tục ánh xạ lên nhiều màu sắc, biến đổi màu theo
từng thời khắc trong ngày “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím” tạo cảm giác như sông Hương đang cố
gắng tự làm mới, làm đẹp mình trước khi gặp người tình mong đợi của nó. Sông Hương có ý thức
làm duyên làm dáng, có một chút đỏng đảnh, địu đà đáng yêu của một người thiếu nữ mới bắt đầu
yêu. Bởi lẽ sông Hương muốn tạo nên một cái nhìn đầu tiên thật ấn tượng, thật đẹp trong cuộc hẹn
hò của nó. Dòng chảy sông Hương bỗng chậm rãi dần, trôi hững hờ khi cố len lỏi qua cánh rừng
thông u tịch và cả những lăng tẩm của vua chúa triều Nguyễn. Sông Hương như khẽ cuối đầu trầm
mặc và hồi hướng về một thời quá khứ xa xưa giờ chỉ còn vang bóng. Vì lẽ thế sông Hương còn
mang trong mình một nét đẹp hoài cổ trầm mặc như tái hiện cả một thời lịch sử hào hùng của cha
ông ngày trước. Thật chất bản thân của sông Hương vẫn luôn ôm trọn trong lòng nó một nỗi sầu
thiên cổ. Nó như gieo sầu nhớ vào lòng của du khách viễn phương mỗi khi ghé thăm.
- Dòng sông Hương như gieo nỗi buồn cô đơn, trống vắng, lạc lõng, chơi vơi giữa một không gian
sông nước tĩnh lặng, u hoài, như chính lời thơ mà Nguyễn Du từng ngâm nga khi ghé thăm nơi đây:
“Hương giang nhất phiến nguyệt,
Cổ kim hứa đa sầu.”
- Vẻ đẹp cổ kính ngàn năm của sông Hương đã lặng lẽ đi vào trong ca dao xứ Huế thật dung dị, trầm
mặc:
“Bốn bề núi phủ mây phong,
Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng vạn niên”
- Sông Hương dường như trở nên tĩnh tại, trầm lắng suy tư như chứa đựng biết bao triết lí nhân sinh
và nỗi lòng trăn trở trước thời cuộc, qua tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân vang, cộng hưởng với
tiếng gà gáy trưa như tan ra trong một khoảng lặng của vùng sông nước yên bình.
c. Sông Hương đi vào trong thành phố Huế: (Cuộc tìm kiếm có ý thức của sông Hương đi đến
nơi gặp gỡ thành phố Huế)
- Khi sắp được gặp lại Huế thương, sông Hương bỗng nhiên tươi vui hẳn lên, bung xõa mái tóc xanh
nhung của bãi biền vùng ngoại ô Kim Long. Từ đằng xa, sông Hương đã thấp thoáng thấy chiếc cầu
trắng nhỏ nơi xa xa ở góc trời, vắt ngang qua dòng sông như một vầng trăng non gợi tình. Sắp được
gặp gỡ người tình trăm năm, sông Hương đột ngột uốn nhẹ một cánh cung thật mềm sang Cồn Hến.
Đường cong ấy của sông Hương như sự bẽn lẽn, ngại ngùng của một nàng thiếu nữ lần đầu tiên hẹn
hò người tình mong đợi. Sông Hương như đang nép mình và thì thầm một tiếng “vâng” của tình yêu.
Nó như đang muốn nũng nịu, làm duyên làm dáng với người tình của nó trong giây phút tương
phùng tao ngộ.

* Sông Hương giữa lòng thành phố Huế:


- HPNT đã chủ động so sánh sông Hương với một số dòng sông nổi tiếng trên thế giới. Dòng sông
Xen của Pháp mang một nét đẹp lãng mạn, quyến rũ, soi bóng thủ đô hoa lệ Paris; hay như dòng
sông Đa-nuýp trữ tình, trầm lắng bên hàng dương liễu rũ buông của nước Bu-đa-pét; còn dòng sông
Nê-va thì mạnh mẽ, cá tính, đầy bản lĩnh của thành phố Lê-nin-grát. Nhà văn khẳng định sông
Hương của Huế là dòng sông hội tụ tất cả vẻ đẹp thuần khiết nhất của những dòng sông vừa kể trên,
kết hợp với cả nét đẹp riêng biệt của chính nó để tạo nên một dòng sông huyền thoại, kì thú của dân
tộc. Cách so sánh đó của tác giả thể hiện niềm tự hào tự tôn dân tộc và cả sự kiêu hãnh của ông về
một dòng sông quê hương sâu nặng nghĩa tình, thấm đượm trong câu ca tiếng hát của xứ Huế.
- Khi sông Hương nép vào lòng của Huế, nó cố tình trôi đi thật chậm rãi, thật khẽ khàng, hững hờ
như ngưng đọng, như đứng yên. Mặt sông trở nên lắng đọng, yên ắng, lặng lờ trôi đi thật nhẹ nhàng,
đằm thắm như một giai điệu slow đầy lãng mạn, tình tứ mà sông Hương chỉ muốn dành riêng cho
người tình xứ Huế của nó mà thôi.
- Trước giờ phút chia tay, sông Hương đánh một đường cung thật nhẹ như ngoái đầu lại nhìn kinh
thành Huế trước lúc nó đổ mình vào biển cả bao la. Sông Hương đang cố gắng níu kéo, bịn rịn không
đành lòng rời xa xứ Huế của nó; để có thể kéo dài cuộc hẹn hò được lâu hơn; để được ở bên cạnh
người tình nhiều hơn nữa. Giờ đây sông Hương đã thực sự yêu và say đắm trước vẻ đẹp cổ kính, uy
nghiêm của kinh thành Huế. Trước lúc hòa mình vào biến lớn, sông Hương như muốn khẽ nghiêng
đầu, tựa vào lòng của xứ Huế để được chìm đắm trong hạnh phúc, tình yêu lần cuối cùng. Có lẽ chỉ
có Huế mới thấu hiểu được hết nỗi lòng vấn vương sầu muộn và cả sự hoài nhớ da diết của sông
Hương. Trạng thái của sông Hương lúc này làm người đọc chợt nhớ đến câu thơ của Nguyễn Du
trong Truyện Kiều:
“Tiếc thay chút nghĩa cũ càng,
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”.
- Hình ảnh sông Hương như nàng Kiều tương tư sầu nhớ về người tình trăm năm của lòng mình với
bao cảm xúc xao xuyến trong lòng:
“Người đâu gặp gỡ làm chi,
Trăm năm biết có duyên gì hay không…”

You might also like