You are on page 1of 3

Ai đã đặt tên cho dòng sông ?

là một trong những thiên tùy bút xuất sắc


nhất của Hoàng Phủ Ngọc Tường nói riêng và của thể loại bút kí, tùy bút trong
nền văn học nước ta nói chung. Chẳng phải ngẫu nhiên mà tác giả của nó từng
được nhà văn Nguyên Ngọc đánh giá là “một trong mấy nhà văn viết kí hay
nhất của văn học ta hiện nay”. Tác phẩm lần đầu tiên được đưa vào giảng dạy ở
trường THPT và đã nhận được sự hưởng ứng, thích thú của nhiều giáo viên và
học sinh. Tuy nhiên, một tác phẩm hay đôi khi lại không dễ dạy, không dễ học.
Vì thế, bên cạnh những thích thú, yêu mến nhất định, nhiều thầy, cô giáo và học
sinh còn gặp khó khăn trong cách cảm nhận về cái hay, cái đẹp của bài kí.
Trong một bài viết đã đăng tải trên tạp chí Dạy và học ngày nay số Xuân Giáp
Dần năm 2010, chúng tôi đã nêu ra một cách tiếp cận hình tượng sông Hương,
nay tiếp tục cung cấp thêm một hướng khai thác hình tượng tác giả trong bài kí.
Bởi như chúng ta đã biết, ở thể loại bút kí, sức hấp dẫn của tác phẩm không chỉ
phụ thuộc vào những ghi chép của tác giả với lượng tri thức phong phú, thông
tin mới mẻ mà còn tùy thuộc vào “duyên ngầm” của cái “tôi” nhà văn. Trong
bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông?, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã không chỉ bộc
lộ mình như một người nghệ sĩ có năng lực khảo cứu của nhà khoa học, là một
nhà khoa học mang trong mình cốt cách của người nghệ sĩ tài hoa mà còn thể
hiện mình như một nhà thơ viết văn xuôi, một nhà văn có tâm hồn thi sĩ. Chính
sự đan cài, “hai trong một” của các yếu tố ấy đã làm nên một hình tượng cái
“tôi” đầy hấp dẫn, có sức mời gọi bạn đọc, góp phần quan trọng vào thành công
của tác phẩm.
Ai đã đặt tên cho dòng sông ? là bài kí đặc sắc về con sông Hương của xứ
Huế. Đọc bài kí, ai cũng dễ dàng nhận thấy : tác giả của nó – nhà văn Hoàng
Phủ Ngọc Tường đã dành hết tâm sức và tình cảm của mình, thậm chí cả tinh
hoa và tinh huyết của một đời văn để say sưa khám phá và miêu tả vẻ đẹp của
Hương giang. Chỉ nói riêng về thủy trình của dòng sông từ thượng nguồn đổ về
xuôi rồi đi ra biển, ta có thể thấy nhà văn đã say sưa và kì công “đúc câu luyện
chữ” để dành tặng cho dòng sông mà mình yêu dấu như thế nào : ở thượng
nguồn, sông Hương là “bản trường ca của rừng già”, là “cô gái Di-gan phóng
khoáng và man dại”, là “người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở”. Khi rời
vùng núi để về đồng bằng, con sông hiện lên giống như “người gái đẹp nằm ngủ
mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại được người tình mong đợi đến
đánh thức”. Chảy giữa lòng thành phố yêu thương sông Hương là “điệu slow
tình cảm dành riêng cho Huế”, là “người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya”, để rồi
trước khi chia tay “người tình mà nó mong đợi” ở “thị trấn Bao Vinh xưa cổ”
sông Hương giống như nàng Kiều trở về tìm Kim Trọng để nói một lời thề
trước khi đi xa... Dường như nhà văn đã dành những câu chữ đẹp nhất trong vốn
liếng ngôn ngữ của mình để gọi tên sông Hương, để định danh những vẻ đẹp vô
cùng phong phú, đa dạng và độc đáo của nó. Những lời hay ý đẹp ấy đâu phải
dễ thường mà có ngay được. Nó hẳn phải là kết tinh của tình yêu sâu đậm, của
những hiểu biết tường tận về dòng sông và của một lối tư duy sắc bén đã được
tưới tắm trong niềm xúc cảm say mê, để rồi thăng hoa trong cảm hứng nghệ
thuật.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là góc nhìn địa lý. Từ góc nhìn lịch sử, con sông của
xứ Huế cũng hiện lên trong cảm hứng say mê ngợi ca của nhà văn. Sông Hương
là “dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh
biếc”. Trong chiến tranh, nó “biết cách tự hiến đời mình làm một chiến công”.
Nhưng khi trở về đời thường, nó lại lặng lẽ, khiêm nhường làm một “người con
gái dịu dàng của đất nước”. Thì ra, với Hoàng Phủ Ngọc Tường, từ lâu sông
Hương đã không còn đơn thuần là một dòng chảy địa lý mà nó giống như sinh
thể có tâm trạng, nó là một người dân Việt Nam yêu nước trong những năm
tháng gian khổ mà hào hùng của dân tộc. Cũng như những dòng sông khác trên
đất nước Việt Nam, như con người Việt Nam, nó mang trong mình vẻ đẹp
truyền thống đã làm thành bản sắc văn hóa Việt :
Đạp quân thù xuống đất đen
Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa
(Nguyễn Đình Thi)
Sống vững trãi bốn nghìn năm sừng sững
Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa
Trong và thực sáng hai bờ suy tưởng
Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa
(Huy Cận)
Có thể nói, bằng tình yêu và tài năng của mình, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã
tìm kiếm, phát hiện và khẳng định những vẻ đẹp khác nhau của sông Hương.
Hành trình chữ nghĩa ấy về con sông xứ Huế không chỉ nói lên tình cảm yêu
mến, sự say mê đến độ đắm đuối của nhà văn trước những vẻ đẹp độc đáo, đa
dạng của Hương giang mà còn cho thấy sự tài hoa, chất lãng mạn bay bổng của
tác giả.
Nói đến sự tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường, thiết nghĩ trước hết phải nói
đến cách nhìn nhận và phát hiện của nhà văn về vẻ đẹp của dòng sông. Ở đây,
sông Hương không hiện lên với một vẻ đẹp thuần nhất mà hiện ra trong những
vẻ đẹp khác nhau và hết sức phong phú. Mỗi vẻ đẹp lại đem đến một cảm nhận
riêng thú vị cho độc giả. Chỉ riêng việc hình dung vẻ đẹp của sông Hương như
vẻ đẹp của người thiếu nữ, ta đã thấy ít nhất năm lần trong đoạn trích này sông
Hương mang những nét quyến rũ riêng : “cô gái Di – gan phóng khoáng và man
dại”; “người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại”;
“người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya”; “giống như nàng Kiều trong đêm tình
tự”; “người con gái dịu dàng của đất nước”. Ngoài những “mệnh đề” đã được
khái quát như thể chỉ dành riêng cho sông Hương, các đoạn miêu tả dòng chảy
uốn lượn của con sông đều đem đến cảm nhận về vẻ đẹp gợi cám, đáng yêu của
người thiếu nữ. Khi thì giống như những đường cong trên thân thể người con
gái : “sông Hương đã chuyển dòng liên tục, vòng giữa những khúc quanh đột
ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm”; khi thì như tấm lụa mềm
mại “dòng sông mềm như tấm lụa”; có lúc lại giống cái dáng vẻ yêu kiều và
tiếng nói dễ thương của người gái đẹp : “sông Hương uốn một cánh cung rất
nhẹ sang đến Cồn Hến, đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một
tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu”…
Có thể thấy, trí tưởng tượng phong phú và những liên tưởng mạnh mẽ đã
cung cấp cho tác giả những cách nhìn khác nhau về sông Hương. Không những
thế, nó còn cung cấp nguyên liệu cho những suy cảm của cái tôi trữ tình về con
sông yêu dấu. Trong những suy cảm ấy, không ít suy cảm sao mà đẹp, mà đầy
chất thơ và độc đáo, cuốn hút đến lạ thường. Chẳng hạn như khi cái tôi tác giả
hình dung sông Hương ở thượng nguồn như “cô gái Di-gan phóng khoáng và
man dại”. Ai cũng biết những cô gái Di-gan hay Bô-hê-miêng là những người
thích sống lang thang, tự do và yêu ca hát. Họ mang trong mình vẻ đẹp nguyên
sơ, bản năng, tự nhiên đầy quyến rũ. Ví sông Hương như những cô gái Di-gan,
Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khắc vào tâm trí người đọc một ấn tượng mạnh về
vẻ đẹp hoang dã nhưng cũng rất tình tứ của con sông xứ Huế. Đặc biệt, trong
cách nhìn và cách nghĩ về Hương giang, nhà văn rất hay liên tưởng sông Hương
với những trang Kiều của Nguyễn Du. Chẳng hạn, ông đã nhìn thấy sự tương
đồng giữa những bức tranh phong cảnh trong truyện Kiều với khung cảnh thiên
nhiên hữu tình của Huế, của dòng sông Hương thơ mộng : “dòng sông đáy nước
tin trời và nội cỏ thơm, nắng vàng khói biếc, nỗi u hoài của dương liễu và sắc
đẹp nồng nàn của hoa trà mi, những mùa thu quan san, những vầng trăng thắm
thiết”. Ông đã thấy “sông Hương và thành phố của nó” như hình ảnh “của cặp
tình nhân lý tưởng của truyện Kiều”, như đôi tài tử giai nhân Thúy Kiều – Kim
Trọng “tìm kiếm và đuổi bắt, hào hoa và đam mê, thi ca và âm nhạc”. Điều này,
thậm chí, còn được lặp lại một lần nữa khi nhà văn tưởng tượng chỗ rẽ của dòng
sông để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh xưa cổ với “nỗi
vương vấn” của nàng Kiều “chí tình” trở lại tìm Kim Trọng “để nói một lời thề
trước khi về biển cả”. Vậy đó, địa thế của con sông, khúc đổi chiều của dòng
nước đã được nhà văn hình dung như nỗi niềm, tâm sự của con người, của Thúy
Kiều trong trang sách của Nguyễn Du…

You might also like