You are on page 1of 4

Ai Đã Đặt Tên Cho Dòng Sông ?

( Hoàng Phủ Ngọc Tường )

Mở bài
Các dòng sông từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà văn, nhà thơ. Trong đó, chúng
ta không thể không nhắc đến sông Hương, dòng sông của thành phố Huế. Con sông đã chảy vào
từng trang văn của cây bút kí tài hoa Hoàng Phủ Ngọc Tường trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho
dòng sông” để trở thành con sông của nghệ thuật, con sông của tình yêu. Bằng 1 giọng điệu trữ
tình, tha thiết cùng 1 lối hành văn trong sáng, lịch lãm đầy chất thơ, sông Hương hiện lên với
nhiều vẻ đẹp qua cái nhìn được soi chiếu trong các mối quan hệ, lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt,
đoạn văn “Từ đây, như đã tìm…vấn vương của một nỗi lòng” đã vẽ lên bức tranh vô cùng sinh
động của sông Hương trong mối quan hệ với thành phố Huế.

Thân bài
Khái quát
Bài kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông” được viết tại Huế vào tháng 1-1981, được rút ra từ tập kí
cùng tên viết ngay sau chiến thắng mùa xuân năm 1975.Tác phẩm là bài kí độc đáo về sông
Hương. Dòng sông khơi gợi cảm hứng cho thơ ca, nhạc họa đã được Hoàng Phủ Ngọc Tường
cảm nhận từ nhiều góc nhìn, đặc biệt là góc nhìn của truyền thống văn hóa, mang những nét
riêng của “văn hóa Phú Xuân” qua đó bộc lộ lòng gắn bó với quê hương đất nước và niềm tự
hào về truyền thống, văn hóa, lịch sử của dân tộc. Ở đoạn trích trên, Sông Hương đã thể hiện
những tính cách đối lập nhau. Lúc thì gợi cảm, trẻ trung, mạnh dạn, đầy khát khao, lúc lại dịu
dàng, đằm thắm, trầm tư nhưng cho dù thế nào Sông Hương vẫn rất duyên dáng, nữ tính và đặc
biệt gắn bó sâu sắc, thủy chung với thành phố Huế.

Luận Điểm 1 :vẻ đẹp sông Hương giữa lòng thành phố Huế
Luận cứ 1 : Vẻ đẹp dịu dàng, e lệ ,duyên dáng , đầy nữ tính của sông Hương giữa lòng thành
phố Huế

Nếu như ở đoạn trước, SH từ 1 cô gái Digan phóng khoáng và man dại, trải qua 1 hành trình
tìm kiếm có ý thức rồi tự thay đổi rồi làm mới mình để tìm đến người tình là thành phố Huế thì
ở đoạn này, sông Hương đã trở thành 1 người tình dịu dàng, e lệ, duyên dáng, kín đáo và đầy nữ
tính.

Giữa lòng phố Huế, sông Hương như “ vui tươi hẳn lên giữa những biền bãi xanh biếc của
vùng ngoại ô Kim Long” . Đây là tâm trạng của người đi xa khi trở về , một tâm trạng náo nức,
hồ hởi giữa bãi bờ thân thuộc của quê hương.

Rồi sau đó dòng sông “ kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hướng tây nam – đông bắc , phía
đó, nơi cuối đường, nó đã nhìn thấy chiếc cầu trắng của thành phố in ngần lên nền trời, nhỏ
nhắn như những vành trăng non”. Quả thật là một hình ảnh so sánh rất độc đáo và thi vị. Nó
không chỉ được vẽ bằng bàn tay hoạ sĩ tinh tế mà còn được vẽ bằng trái tim của một thi sĩ tài
hoa, đa tình.
Từ ấy ta thấy được vẻ đẹp thanh thoát của dòng sông Hương và cây cầu Tràng Tiền.
Dòng sông Hương còn tạo nên một dáng vẻ kì lạ khi nó "giáp mặt thành phố ở Cồn Giã Viên"
đến Cồn Hến tạo thành "một cánh cung rất nhẹ" làm cho "dòng sông mềm mại hẳn đi" như một
tiếng "vâng" không nói ra của tình yêu.

Hoàng Phủ Ngọc Tường đã so sánh từ cái cụ thể với cái trừu tượng đã tạo nên được phép so
sánh mới mẻ, độc đáo. Dùng tiếng "vâng" để gợi đến sự kín đáo, ngập ngừng, ý vị, thiêng liêng,
e ấp trên làn môi của người con gái đang yêu để tả cái dáng hình mềm mại như cánh cung của
dòng sông Hương. Qua đó đã thể hiện được cái nhìn đa cảm, tình tứ, đem lại khoái cảm thẩm
mĩ cho người đọc.
Sông Hương mang một vẻ đẹp nữ tính , duyên dáng .Dòng sông Hương dịu dàng , kín đáo như
chính người con gái Huế vậy .

Hình ảnh hàng trăm nghìn cánh hoa đăng bồng bềnh vào những đêm hội rằm tháng Bảy từ
điện Hòn Chén trôi về với vẻ ngập ngừng muốn đi muốn ở, chao nhẹ trên mặt nước như những
vấn vương của nỗi lòng đã nói lên vẻ mộng mơ của sông Hương_ bài thơ trữ tình của cố đô
Huế. Vừa ngọt ngào nữ tính cũng không kém phần duyên dáng, yểu điệu.
Luận Cứ 2 : Vẻ đẹp tình tứ, lãng mạn dành riêng cho xứ Huế qua điệu chảy của dòng sông.

Xét về mặt địa lí, khoa học, dòng sông Hương khi trôi qua Huế lại chảy rất chậm, “cơ hồ chỉ
còn là một mặt hồ yên tĩnh”.
Tác giả gọi đó là “điệu slow tình cảm” mà sông Hương “dành riêng cho Huế”. Dòng sông với
điệu chảy thật chậm như chùng chình, như chờ đợi, như mơ màng suy ngẫm, như muốn ở lại
cùng tình yêu của mình dành mãi cho xứ Huế.
+ Khám phá và cảm nhận sâu sắc đặc trưng riêng về dòng sông khi chảy qua kinh thành Huế:
điệu chảy êm đềm, chậm mềm, lặng lẽ, như không vương vấn chút nào cái xô bồ của thời gian,
sự nuối tiếc của con người vì mọi thứ một đi không trở lại. Sông Hương nguyên sơ, trăm năm
không đổi thay, như mang thần thái, quan niệm vũ trụ tuần hoàn của phương Đông, như điệu
chảy thời gian bất di bất dịch trong thơ ca cổ điển Việt Nam và Trung Hoa, điệu slow tình cảm
chỉ dành riêng cho Huế.

Tác giả liên tưởng lại lần đứng nhìn sông Nê-va cuốn trôi những đám băng lô xô cùng vẻ đẹp
của nó dưới ánh nắng mặt trời mùa xuân cùng đàn hải âu nghịch ngợm. Tác giả muốn hóa làm 1
con chim hải âu đứng trên đám băng đó, nhưng dường như dòng sông Nêva trôi nhanh quá,
những con hải âu còn chưa kịp nói điều với bạn chúng thì dòng chảy đã đưa ra đến biển. ( Tác
giả chọn sông Neeva vì giữa sông Neeva và sông Hương đều cùng chảy qua những thành phố
vốn là những kinh đô của thuở trước. Những khác nhau: sông Hương chảy thật chậm, chùng
chin như không muốn rời thì sông nêva… Lược bỏ đi yếu tố khoa học về mặt địa lí, thì cái còn
lại những xúc cảm mang tính chủ quan của người cầm bút – xúc cảm của 1 người nặng lòng với
xứ Huế)

Sông Hương dường như không muốn rời xa người tình mong đợi của mình nên nó cố chảy
chậm, thực chậm để không bao giờ phải rời xa xứ Huế.
Vẻ đẹp thủy chung của sông Hương đối với Huế.
Luận điểm 2 : Cái tôi trữ tình .
Sự tài hoa, uyên bác của cái tôi tác giả hiện hiện rõ trên từng câu chữ. Ở đây, dường như có
bao nhiêu góc nhìn, điểm nhìn về sông Hương thì có bấy nhiêu kiểu chữ nghĩa được huy động
để đặc tả cho thật ấn tượng, thật sắc nét, tinh tế về hình hài và tâm hồn của con sông xứ Huế.
Thậm chí, từng đường đi nước bước của con sông cũng được cái kho ngôn ngữ giàu có và tài
hoa ấy làm cho thỏa mãn. Ta không khó để bắt gặp trong đoạn trích những cách diễn đạt của
một “phu chữ”, của người đã cất công lựa chọn trong cái vốn ngôn ngữ toàn dân những từ, ngữ
hay nhất có thể, rồi tổ chức, sắp đặt chúng theo một lối riêng nhằm tạo ra những ý văn hay,
những câu văn đẹp. Chẳng hạn: “như đã tìm đúng đường về, sông Hương vui tươi hẳn lên giữa
những biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long […], nơi cuối đường, nó đã nhìn thấy
chiếc cầu trắng của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non. Giáp
mặt thành phố ở Cồn Giã Viên, sông Hương uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến Cồn Hến;
đường cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói ra của tình
yêu”. Đó là chưa kể đến những ý văn đẹp như một ý thơ : “những xóm làng trung du bát ngát
tiếng gà”; “những vấn vương của một nỗi lòng”; “đảo Cồn Hến quanh năm mơ màng trong
sương khói”;… Có thể khẳng định đây không phải là lối diễn đạt thông thường của văn xuôi,
nhất là ở thể kí mà là những kiểu chữ nghĩa thường thấy trong thơ ca, thậm chí còn thơ hơn
nhiều bài thơ mà ta đã đọc đâu đó.
Nói đến tài hoa của cái tôi Hoàng Phủ Ngọc Tường về ngôn ngữ, cũng không nên quên các thủ
pháp nghệ thuật mà nhà văn đã sử dụng rất thành công. Tiêu biểu nhất trong đoạn trích này là so
sánh. Ở đây, so sánh được thực hiện trên cơ chế của liên tưởng, tưởng tượng mà trong bài kí
này, sức liên tưởng, tưởng tượng của nhân vật tôi rất mạnh mẽ, với nhiều bất ngờ, thú vị. Chính
những liên tưởng ấy đã giúp nhà văn xây dựng được nhiều hình ảnh so sánh độc đáo, đưa đến
những cảm nhận mới mẻ, đặc sắc về sông Hương. Chẳng hạn, nhân vật tôi đã so sánh cái hữu
hình, hữu ảnh của dòng sông với cái vô hình, vô ảnh của cảm xúc nội tâm con người: “đường
cong ấy làm cho dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu”…
Chưa hết, bài kí còn có những hình ảnh so sánh đẹp như một hình ảnh thơ : “ chiếc cầu trắng
của thành phố in ngần trên nền trời, nhỏ nhắn như những vành trăng non”. Đặc biệt, để làm nổi
bật dòng chảy trôi lững lờ của sông Hương như một “điệu slow tình cảm”, cái tôi trong bài kí đã
so sánh bằng một hồi ức. Ấy là khi tác giả đến Lê-nin-grát, đứng nhìn sông Nê-va băng băng
lướt qua trước cung điện Pê-tec-bua ra biển Ban-tích. So sánh này càng trở nên thú vị khi nhà
văn đã gián tiếp đặc tả dòng chảy rất nhanh của sông Nê-va qua hình ảnh của những chú hải âu
đứng co một chân trên những phiến băng mà không kịp nói điều gì với người bạn của chúng…

Phải yêu Huế, gắn bó với sông Hương đến mức nào, Hoàng Phủ Ngọc Tường mới có được
những trang viết đầy ắp tri thức và rất đỗi tài hoa về Hương giang như vậy. Tài năng nghệ thuật
là một phần, cái yếu tố tiên quyết trong nghệ thuật vẫn là tình cảm, cảm xúc chân thành, sâu
đậm... Với Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương đã chiếm trọn tâm hồn ông. Chính con sông
đã khiến trái tim ông phải ngân rung những giai điệu yêu thương với những cung bậc cảm xúc
khác nhau. Như I.Ê-ren-bua đã từng viết : “Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường
giang Von-ga, con sông Von-ga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu gia đình, yêu miền quê trở thành
tình yêu tổ quốc”, tình cảm đối với sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường, xét đến cùng, là
tình cảm đối với đất nước, là tấm lòng yêu mến quê hương xứ sở nồng cháy của nhà văn. Nhà
thơ Ra-xun Gam-da-tôp đã từng nói : “Nếu nhà thơ không tham gia vào việc hoàn thành thế
giới thì thế giới đã không được đẹp đẽ như thế này”. Dù Hoàng Phủ Ngọc Tường không phải là
nhà thơ tiêu biểu (tuy ông đã xuất bản hai tập thơ) mà là một nhà viết kí, nhưng bằng bài kí đặc
sắc này, ông đã góp một tay vào việc tạo nên một thế giới Việt Nam Đẹp và Thơ. Và đó là gì
nếu như không phải là một tấm lòng yêu nước mang màu sắc riêng của người nghệ sĩ tài hoa
này!

Đánh giá :
Nội dung: Bằng tình yêu quê hương xứ sở, bằng niềm tự hào sâu sắc nhà văn đã khơi gợi lên
hình ảnh dòng Sông Hương – một dòng sông vừa kín đào, e lệ vừa thủy chung son sắc một
lòng. Qua đó in đạm dấu ấn về một cái tôi cá nhân rất riêng và vô cùng đọc đáo của Hoàng Phủ
Ngọc Tường.
Nghệ thuật: Dưới ngòi bút tài hoa của tác giả, cùng với biện pháp nhân hóa, so sánh,… và khả
năng liên tưởng đến bất ngờ, thú vị nhà văn đã tạo nên áng văn đặc sắc về một dòng sông đặc
biệt xứ Huế.
III. Kết bài:
Có lẽ đối với Hoàng Phủ Ngọc Tường nói riêng và với nhân dân Xứ Huế nói chung thì sông
Hương chính là biểu tượng đẹp đẽ nhất tạo nên vẻ đẹp của Huế suốt mấy nghìn năm lịch sử.
Bằng ngòi bút tinh tế, cảm xúc chân thành và một tấm lòng yêu thương của Hoàng Phủ Ngọc
Tường đã vẽ nên một bức tranh tuyệt đẹp về sông Hương. Một vẻ đẹp rất riêng, rất dịu dàng, nữ
tính rất Huế khiến người đọc muốn được 1 lần đến đó tận hưởng.

You might also like