You are on page 1of 72

Bài giảng

Công pháp Quốc tế

72
BÀI 1

KHÁI NIỆM VÀ NGUỒN CỦA LUẬT QUỐC TẾ


I. Khái niệm luật quốc tế
1. Định nghĩa
Nhà nước và pháp luật là hai hiện tượng cùng tồn tại và phát triển. Nhà nước hình thành
và phát triển không thể thiếu pháp luật. Ngược lại, pháp luật được ban hành bởi nhà nước.
Do đó, không có nhà nước thì sẽ không có pháp luật. Nhà nước sử dụng công cụ quản lý là
pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội và đưa các quan hệ xã hội phức tạp, dễ xảy ra
tranh chấp vào một trật tự nhất định.
Hệ thống pháp luật của quốc gia bao gồm nhiều ngành luật khác nhau, điều chỉnh các
quan hệ pháp luật trong các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, khi các quốc gia thiết lập quan
hệ bang giao với nhau thì một hệ thống pháp luật mới được hình thành, đó là luật quốc tế.
Hệ thống pháp luật này tuy được hình thành và tồn tại độc lập, khác hẳn với trình tự và
thẩm quyền lập pháp của pháp luật quốc gia nhưng nó có quan hệ tác động qua lại với hệ
thống pháp luật quốc gia.
Thật vậy, trong quan hệ bang giao giữa các quốc gia, họ cùng nhau xây dựng những
nguyên tắc, quy phạm nhằm điều chỉnh các quan hệ giữa họ với nhau. Phổ biến nhất là các
quan hệ song phương giữa hai quốc gia. Để đảm bảo cho quan hệ được bền vững, hai quốc
gia thường tiến hành giao kết với nhau bởi một thỏa ước. Thỏa ước này có thể là bằng
miệng hay bằng văn bản, tuỳ theo tính chất và tầm quan trọng của những quan hệ được
thiết lập. Thỏa ước này ngày nay chúng ta gọi là điều ước quốc tế. Và đây cũng chính là
luật quốc tế. Như vậy, chúng ta thấy rằng chỉ cần một điều ước quốc tế giữa hai quốc gia
được giao kết thì luật quốc tế xuất hiện và luật này sẽ được áp dụng trước tiên cho chính
hai quốc gia thiết lập nên nó.
Cùng với sự phát triển của xã hội, các quan hệ quốc tế của các quốc gia không còn
dừng lại trong khuôn khổ quan hệ song phương giữa hai quốc gia nữa mà dần dần nó đã
được mở rộng ra nhiều quốc gia và toàn thế giới. Do đó, ngày nay, có những quan hệ giữa
các quốc gia mang tính khu vực, liên khu vực và toàn cầu. Như vậy, thuật ngữ luật quốc tế
bao gồm cả luật quốc tế giữa các quốc gia mang tính song phương, đa phương khu vực,
liên khu vực và đa phương toàn cầu. Cụ thể : Tổng thể những nguyên tắc và quy phạm điều
chỉnh quan hệ song phương mà cụ thể là thông qua những điều ước quốc tế song phương là
luật quốc tế tồn tại giữa hai chủ thể với nhau. Ví dụ : Việt Nam và Trung Quốc ký kết với
nhau điều ước quốc tế thì điều ước quốc tế này chính là nguồn của luật quốc tế giữa Việt
Nam và Trung Quốc. Như vậy, tổng thể tất cả các nguyên tắc, các quy phạm được thoả
thuận giữa hai quốc gia, Việt Nam và Trung Quốc, là luật quốc tế điều chỉnh quan hệ bang
giao giữa hai quốc gia trong các lĩnh vực ký kết. Như vậy, tổng thề những nguyên tắc,
những quy phạm thể hiện trong các điều ước quốc tế đa phương giữa các quốc gia trong
một khu vực địa lý được gọi là « luật quốc tế khu vực ».Ví du : Các nguyên tắc và quy
phạm được các quốc gia Đông Nam Á thoả thuận xây dựng nên trong khuôn khổ hoạt động
của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chính là luật quốc tế khu vực. Tương tự,
nếu những nguyên tắc và những quy phạm điều chỉnh các quan hệ mang tính chất toàn cầu
thì được gọi là « luật quốc tế chung ».
Tuy nhiên, trong khoa học pháp lý, người ta không phân chia ra thành các loại luật
quốc tế như trên mà chỉ gọi một tên chung là « Luật quốc tế » hay « Công pháp quốc tế ».

1
Sở dĩ có tên « Công pháp quốc tế » là để phân biệt với một ngành luật quốc gia có tên
là « Tư pháp quốc tế ». Luật quốc tế và luật tư pháp quốc tế giống nhau chỉ ở một điểm là
cùng điều chỉnh các quan hệ có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, như đã nói, luật tư pháp
quốc tế là luật quốc gia, nguồn chủ yếu là do cơ quan lập pháp của quốc gia ban hành và áp
dụng nhằm điều chỉnh các quan hệ dân sự, thương mại và lao động có yếu tố nước ngoài.
Còn đối với luật quốc tế thì không phải do cơ quan lập pháp của một quốc gia nào ban hành
cả, mà do chính các quốc gia và chủ thề của nó ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ giữa
họ với nhau trong đời sống bang giao quốc tế vi mục đích cùng tồn tại và phát triển.
Như vậy, luật quốc tế là hệ thống các nguyên tắc và các quy phạm pháp luật điều chỉnh
quan hệ quốc tế phát sinh giữa các chủ thể của luật quốc tế, do chính các chủ thể của luật
quốc tế tự nguyện thỏa thuận xây dựng nên.
2. Đặc trưng cơ bản của luật quốc tế
- Về trình tự lập pháp : Khác với luật quốc gia, luật quốc tế không phải do một cơ
quan lập pháp chung, có thẩm quyền tối cao xây dựng nên để áp đặt và áp dụng bắt buộc
đối với các chủ thể của quan hệ pháp luật. Luật quốc tế được hình thành trên cơ sở thoả
thuận giữa các chủ thể mà chủ yếu là giữa các quốc gia. Có nghĩa là luật quốc tế do các chủ
thể cùng nhau « ban hành » để áp dụng trong các quan hệ giữa họ với nhau. Việc « ban
hành » này có thể thông qua việc ký kết điều ước quốc tế hay cùng nhau thừa nhận một tập
quán quốc tế nào đó để áp dụng cho quan hệ giữa họ. Ở điểm này, luật quốc tế giống như là
một hợp đồng giữa các chủ thể. Đã có thể xem như là « hợp đồng » thì luật quốc tế cũng
phải mang những đặc tính của hợp đồng. Có nghĩa là yếu tố thoả thuận là yếu tố quan trọng
nhất và quyết định sự xuất hiện và tồn tại của luật quốc tế. Do đó, để có được các nguyên
tắc, quy phạm của luật quốc tế thì thoả thuận, đàm phán là con đường duy nhất được sử
dụng bởi các chủ thể. Sau khi ký kết hoặc thừa nhận áp dụng chung một quy tắc nào đó thì
các bên trong « hợp đồng » này cũng phải có nghĩa vụ thực hiện những cam kết của mình.
Tuy nhiên « hợp đồng » này đôi khi không phải nhằm mục đích là bảo vệ lợi ích của chính
các bên ký kết mà còn nhằm mục đích bảo vệ lợi ích và sự sống còn chung của nhân loại.
Tóm lại, không có bất cứ quy phạm của luật quốc tế nào được xây dựng trên cơ sở bất
bình đẳng, ép buộc và không thông qua sự thỏa thuận của các chủ thể trực tiếp tham gia
vào quan hệ quốc tế, ngoại trừ những quy định nhằm bảo vệ hoà bình, sự sống còn của
nhân loại. Như vậy, luật quốc tế có thể được xây dựng thông qua những phương thức sau
đây :
+ Phương thức trực tiếp : Các chủ thể trực tiếp tham gia đàm phán, ký kết điều ước
quốc tế. Đây là phương thức quan trọng và phổ biến nhất. Những nguyên tắc, quy phạm
pháp lý quốc tế được hình thành thông qua nguyên tắc này được gọi là những nguyên tắc
và quy phạm pháp lý quốc tế mang tính điều ước.
+ Phương thức gián tiếp : Các chủ thể có thể không tham gia đàm phán, ký kết trực tiếp
các điều ước quốc tế mà họ chỉ cần gia nhập một điều ước quốc tế đã được các chủ thể
khác đám phán, ký kết trước đó. Bên cạnh đó, các chủ thể cũng có thể cùng nhau thừa nhận
những tập quán quốc tế đã hình thành lâu dài và được cộng đồng quốc tế áp dụng trong
quan hệ của họ để xây dựng thành những quy tắc cho quan hệ quốc tế của họ. Những quy
phạm pháp lý nào được hình thành bằng con đường này gọi là những quy phạm tạp quán.
- Về chủ thể : Khác với chủ thể của luật quốc gia, tất cả các chủ thể của luật quốc tế
đều có quyền tham gia xây dựng nên những quy phạm pháp lý quốc tế. Các chủ thể này
không phải như một số chủ thể bị động, chịu sự áp đặc của quyền lực của giai cấp thống trị
như chủ thể trong luật quốc gia. Tất cả các chủ thể của luật quốc tế đều có quyền và bình
đẳng trong việc xây dựng, áp dụng pháp luật quốc tế. Chủ thể của luật quốc tế là một thực

2
thể được cấu thành bởi một cộng đồng. Đó là các quốc gia, các tổ chức quốc tế liên quốc
gia hay các dân tộc đang đấu tranh giành độc lập và một số thực thể đặc biệt. Khi tham gia
quan hệ quốc tế, các chủ thể này sẽ quyết định trên cơ sở đảm bảo và bảo vệ quyền lợi cho
cả một cộng đồng của chính mình. Do đó, đại đa số các quan điểm cho rằng yếu tố cá nhân
với tư cách là chủ thề của luật quốc gia không được xem là chủ thể của luật quốc tế, tuy
rằng trên thực tế, một số cá nhân, tổ chức kinh tế, xã hội có tham gia vào một số quan hệ
quốc tế nhất định. Cơ sở cho quan điểm này là cá nhân không thể bình đẳng với quốc gia
và các tổ chức quốc tế trong quan hệ quốc tế. Bởi vì chúng ta đã định nghĩa, luật quốc tế là
do chính các chủ thể của luật quốc tế thỏa thuận xây dựng nên. Do đó, nếu cho rằng cá
nhân là chủ thể của luật quốc tế thì bản chất nguyên thủy của luật quốc tế sẽ bị thay đổi.
Bởi vì trên thực tế, cá nhân không thể tự mình đứng ra là một bên trong việc thoả thuận,
xây dựng nên các quy phạm pháp luật quốc tế với các chủ thể khác. Do tính chất đặc biệt
của cá nhân là có mặt trong một số quan hệ có tính chất quốc tế nên có quan điểm cho rằng
cá nhân cũng là chủ thể của luật quốc tế.
Đặc điểm này cũng là một trong các đặc điểm nổi bậc của luật quốc tế khác với luật
quốc gia. Trong khi trong luật quốc gia, cá nhân tuy không là người lập pháp nhưng họ là
chủ thể chủ yếu và quan trọng của luật quốc gia thì trong luật quốc tế, thực thể nào không
tham gia được trong quá trình xây dựng luật quốc tế thì không được xem là chủ thể cơ bản,
mặc dù thực thề nó có thể bị điều chỉnh của luật quốc tế vì những lý do đặc biệt như nhằm
để bảo vệ mục tiêu và giá trị pháp lý của luật quốc tế.
- Về đối tượng điều chỉnh của luật quốc tế : Đối tượng điều chỉnh của luật quốc tế
khác với đối tượng điều chỉnh của luật quốc gia. Quan hệ pháp luật trong nước là những
quan hệ giữa cá nhân, pháp nhân, nhà nước trong các lĩnh vực còn quan hệ pháp luật do
luật quốc tế điều chỉnh là quan hệ mang tính chất liên quốc gia, liên chính phủ nhằm mục
đích chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…của cả một quốc gia, tổ chức quốc tế trên cơ sở
thỏa thuận giữa các chủ thể. Do đó, không phái luật quốc tế điều chỉnh cùng lúc hết tất cả
các quan hệ trong các lĩnh vực nêu trên mà chỉ điều chỉnh khi nào các quan hệ đó được quy
định, thoả thuận trong một điều ước quốc tế hay tập quán quốc tế được các chủ thể thừa
nhận. Trên thực tế, trong các lĩnh vực nêu trên thì quan hệ chính trị là đối tượng điều chỉnh
chủ yếu của luật quốc tế.
- Về các biện pháp bảo đảm thi hành :
Luật quốc tế không có cơ quan cưỡng chế tập trung đứng trên các chủ thể để giải quyết
tranh chấp hay cưỡng chế thi hành. Các biện pháp cưỡng chế trong luật quốc tế chỉ có thể
được tiến hành bởi chính các chủ thể bằng biện pháp cá thể hoặc tập thể. Trong hai biện
pháp nêu trên, biện pháp cưỡng chế cá thể được sử dụng trước tiên và rất phổ biến. Ví dụ,
quốc gia bị xâm luợc có quyền thực hiện hành vi tự vệ nhằm bảo vệ cho lợi ích của chính
quốc gia bị vi phạm và bảo vệ các giá trị pháp lý quốc tế.
Đối với biện pháp cưỡng chế tập thể, thông thường được tiến hành bởi nhiều quốc gia
thông qua cơ chế cưỡng chế của một tổ chức quốc tế mà quốc gia vi phạm là thành viên.
Tuy nhiên, trong quan hệ quốc tế, quốc gia bị vi phạm cũng có thể nhờ sự giúp đỡ của một
hoặc một số quốc gia khác nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của mình theo đúng các cam kết
hoặc nhằm để bảo vệ sự sống còn chung của nhân loại mà hành vi vi phạm của quốc gia vi
phạm có thể gây ra.
Ngoài hai biện pháp nêu trên, có một bệnh pháp đảm bảo thi hành rất hữu hiệu nữa đó
là nhờ vào dư luật quốc tế trước hành vi vi phạm của một số chủ thể bất chấp luật quốc tế.
Dư luận quốc tế có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo thi hành luật quốc tế và giữ
gìn hòa bình, an ninh quốc tế. Việc cộng đồng quốc tế cùng lên án hành vi của một quốc

3
gia là vi phạm luật pháp quốc tế sẽ làm cho quốc gia đó phải xem xét lại hành vi của mình.
Bởi vì nếu không tự dừng lại hành vi vi phạm trước dư luận quốc tế thì quốc gia đó có thể
bị cô lập hoặc làm mất lòng tin với cộng đồng quốc tế.
II. Lịch sử hình thành và phát triển của luật quốc tế
Lịch sử hình thành luật quốc tế được chia ra làm 4 giai đoạn phát triển khác nhau : Cổ
đại, trung đại, cận đại và hiện đại
- Luật quốc tế thời cổ đại (chiếm hữu nô lệ)
Trong giai đoạn này, luật quốc tế tồn tại chủ yếu dưới dạng tập quán quốc tế. Do đó,
khoa học luật quốc tế chưa được hình thành. Dần dần, do sự phát triển của các mối quan hệ
quốc tế ngày càng đa dạng và phức tạp nên đã hình thành một số điều ước quốc tế. Một
điều ước quốc tế nổi tiếng của thời kỳ này là Hòa ước giữa vua Ai Cập và Vua Hatusin
được giao kết năm 1278 trước công nguyên.
Như chúng ta đã biết, trong giai đoạn chiếm hữu nô lệ, chiến tranh là đặc trưng của
quan hệ quốc tế giữa các quốc gia. Những cuộc chiến có thể gây rất nhiều thiệt hại cho các
bên tham chiến về người và của. Do đó, một số khu vực đã hình thành những quy phạm
mang tính tập quán liên quan đến chiến tranh nhằm giảm nhẹ các hậu quả của những cuộc
chiến gây ra. Những quy định về cấm dùng thuốc độc trong trong các loại vũ khí khi tham
chiến đã được hình thành. Như vậy, luật quốc tế về chiến tranh đã xuất hiện trong thời kỳ
này. Tuy nhiên, luật quốc tế thời kỳ này thừa nhận chiến tranh là biện pháp giải quyết tranh
chấp quốc tế một cách hợp pháp. Nó chỉ điều chỉnh các hình thức, phương thức chiến tranh
như thế nào mà thôi. Ví dụ : Đánh nhau như thế nào và không được sử dụng những loại vũ
khí nào trong khi tham chiến, việc bắt giữ và trao trả tù binh như thế nào…
Trong thời kỳ này thì nguyên tắc tận tâm thực hiện các cam kết quốc tế (Pacta sunt
servanda) và những tập quán về ngoại giao, lãnh sự đã được hình thành. Tuy nhiên, do điều
kiện phát triển tự nhiên và xã hội thời cổ đại còn thấp kém, việc bang giao giữa các quốc
gia không được mở rộng do thiếu phương tiện giao thông, thông tin liên lạc…nên luật quốc
tế trong thời kỳ này chỉ mang tính khu vực khép kín.
- Luật quốc tế thời trung đại (phong kiến):
Đặc trưng của thời kỳ phong kiến là chế độ vua chúa. Do đó, luật quốc tế trong thời kỳ
này cũng mang bản chất phong kiến. Có nghĩa là luật quốc tế chỉ điều chỉnh những quan hệ
giữa các vua chúa mà thôi. Bởi vì, toàn bộ đất đai, lãnh thổ của một quốc gia là thuộc sở
hữu của ông vua đứng đầu quốc gia đó. Việc xâm chiếm, tặng cho hay cống nạp đất đai,
lãnh thổ giữa các quốc gia với nhau thực chất đó là mối quan hệ quốc tế giữa các nhà vua
liên quan đến tài sản của họ. Do đó, luật quốc tế trong thời kỳ này còn gọi là luật quốc tế
của các vua chúa.
Đây là thời kỳ phân quyền, cát cứ, chiến tranh xảy ra liên miên và tôn giáo phát triển
mạnh mẽ, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và nội dung của luật quốc tế. Do điều kiện
giao thông và sản xuất phát triển nên quan hệ quốc tế mang tính khu vực không còn nữa,
thay vào đó là những quan hệ quốc tế mang tính liên khu vực. Do đó, để mở rộng quyền
lực, thị trường và lợi ích, các quốc gia tiến hành xâm chiếm lẫn nhau, mà nạn nhân là
những quốc gia nhỏ, có điều kiện phát triển kém.
Về mặt pháp lý, luật quốc tế trong thời kỳ này có những bước phát triển mới so với luật
quốc tế thời cổ đại. Những quy phạm pháp luật quốc tế về luật biển và ngoại giao xuất hiện
và tiếp tục phát triển. Nguyên tắc bình đẳng giữa các quốc gia cũng xuất hiện trong thời kỳ
này. Tuy nhiên, quyền bình đẳng này thực chất là quyền bình đẳng giữa các vua chúa. Đối
với các biện pháp bảo đảm thực hiện, luật quốc tế trong thời kỳ này phụ thuộc rất lớn vào

4
vai trò của tôn giáo. Các khẩu hiệu phát động từ tôn giáo rất có hiệu quả trong việc giải
quyết các tranh chấp quốc tế. Ví du : Hòa bình và đình chiến theo ý Chúa, quyền cho cư
trú trong nhà thờ…
Khoa học luật quốc tế xuất hiện và đã có những quan điểm của các học giả nổi tiếng về
luật quốc tế xuất hiện như quan điểm về « Luật chiến tranh và hòa bình », quyền « Tự do
biển cả »…
- Luật quốc tế thời kỳ cận đại (TBCN)
Trong thời kỳ này, luật quốc tế phát triển nhờ vào các nguyên tắc bình đẳng về chủ
quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau…Đồng thời, chế định quốc tịch xuất
hiện với việc xác định công dân của quốc gia nên chủ quyền của quốc gia được nâng cao.
Các quy định về biên giới, ngoại giao, lãnh sự và luật lệ về chiến tranh tiếp tục phát triển.
Một số tổ chức quốc tê xuất hiện như Liên minh điện tín quốc tế (1865), Liên minh bưu
chính thế giới (1879). Điều này cho ta thấy quan hệ giữa các quốc gia trong cộng đồng
quốc tế lúc bấy giờ đã phát triển vượt bậc. Đây là mầm mống của loại chủ thể là các tổ
chức quốc tế liên chính phủ trong thời đại của chúng ta.
Tuy nhiên, đặc trưng cơ bản của luật quốc tế thời kỳ này là luật quốc tế của các quốc
gia tư bản vì chỉ có các quốc gia được gọi là văn minh mới có quyền tham gia vào các quan
hệ quốc tế với tư cách lá chủ thể của luật quốc tế. Do đó, luật quốc tế thời kỳ này vẫn còn
tồn tại những học thuyết, những tư tưởng mang tính chất phản động như chế độ bảo hộ, nô
dịch, quyền chiến tranh bị hạn chế nhưng chưa được ngăn cấm một cách triệt để.
- Luật quốc tế thời kỳ hiện đại:
Luật quốc tế hiện đại bắt đầu từ những thay đổi sâu sắc trong quan hệ quốc tế giữa các
quốc gia và thành quả của cuộc Cách mạng tháng mười Nga 1917. Bởi vì sau khi cuộc
Cách mạng này thành công, hàng loạt các nguyên tắc mới xuất hiện trong quan hệ quốc tế
như : Nguyên tắc « cấm dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế » với
việc cấm chiến tranh xâm lược và cấm sử dụng chiến tranh để giải quyết các tranh chấp
quốc tế ; Nguyên tắc « quyền dân tộc tự quyết » với sự thừa nhận một chủ thể mới trong
luật quốc tế mà các giai đoạn trước không có đó là các dân tộc đang đấu tranh giành độc
lập ; Nguyên tắc « bình đẳng và chủ quyền giữa các quốc gia » với việc thừa nhận tất cả
các quốc gia đều là chủ thể của luật quốc tế, không phân biệt chế độ chính trị, kinh tế, văn
hoà và quy mô, diện tích quốc gia…. ; Nguyên tắc « giải quyết các tranh chấp bằng biện
pháp hòa bình » với việc quy định các cách thức và phương thức giải quyết hoà bình các
tranh chấp quốc tế mà không thông quan chiến tranh ; Nguyên tắc « các quốc gia có nghĩa
vụ hợp tác với nhau » nhằm phục vụ cho thời đại toàn cầu hoá như hiện nay….
Với sự phát triển của xã hội và các quan hệ quốc tế trong nhiều lĩnh vực, luật quốc tế
hiện đại đã và đang phát triển rất cao. Các chủ thể là tổ chức quốc tế xuất hiện rất nhiều và
ngày càng giữ vai trò quan trọng trong đời sống quốc tế của các quốc gia.
Khoa học luật quốc tế phát triển đa dạng, phong phú. Có nhiều quan điểm, học thuyết
mới xuất hiện cùng với sự xuất hiện của những thực thể đặc biệt giữ vai tro rất quan trọng
và mới mẻ trong quan hệ quốc tế cũng như trong sự phát triển của khoa học luật quốc tế.
Vai trò của cá nhân cũng được khả định trong khoa học và thực tiễn quốc tế. Các thực thể
đặc biệt xuất hiện, đòi hỏi luật quốc tế phải thay đổi, bổ sung cho phù hợp. Ví dụ : quy chế
pháp lý của các vùng lãnh thổ là thành viên của các tổ chức quốc tế, các quốc gia nằm
trong một quốc gia thống nhất, …

5
Luật quốc tế hiện đại phát triển với sự phát triển của nhiều ngành luật khác nhau như
luật biên giới và lãnh thổ quốc gia, luật điều ước quốc tế, luật biển quốc tế, luật ngoại giao
và lãnh sự, luật hàng không quốc tế,…
III. Nguồn của luật quốc tế
1. Khái niệm
Nguồn của luật quốc tế là những hình thức biểu hiện sự tồn tại của luật quốc tế, chứa
đựng các nguyên tắc và các quy phạm pháp lý quốc tế nhằm điều chỉnh các quan hệ quốc tế
do chính các chủ thể xây dựng hoặc thừa nhận. Như vậy, thoả thuận vẫn là biện pháp duy
nhất để xây dựng nên nguồn của luật quốc tế hiện đại.
Như vậy, về tổng thể, nguồn của luật quốc tế có hai loại là nguồn thành văn và bất
thành văn.
2. Các loại nguồn của luật quốc tế
Luật quốc tế có các loại nguồn sau : Điều ước quốc tê, tập quán quốc tế và các nguồn
bổ trợ.
a. Điều ước quốc tế
Điều ước quốc tế là nguồn cơ bản của luật quốc tế hiện đại. Chúng là sự thỏa thuận
giữa các chủ thể của luật quốc tế với nhau trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng nhằm xác lập,
thay đổi, hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể đối với nhau.
Theo quy định của Công ước Vienne năm 1969 về Luật điều ước quốc tế và luật quốc
tế hiện hành thì điều ước quốc tế được ký kết bằng văn bản và không nhất thiết phải ghi
trong cùng một văn kiện pháp lý quốc tế. Có nghĩa là sự thỏa thuận giữa các chủ thể có thể
trong 1 văn bản duy nhất hay trong nhiều văn bản đính kèm hoặc nằm rải rác trong những
điều ước quốc tế song phương, đa phương…mà chủ thể tham gia là thành viên.
Điều ước quốc tế có nhiều loại tên gọi khác nhau như công ước, hiệp ước, hiệp định,
nghị định thư, tuyên bố, hiến chương…Luật quốc tế không có quy phạm bắt buộc về việc
xác định tên gọi của các điều ước quôc tế. Các chủ thể liên quan căn cứ vào mức độ, nội
dung và tập quán mà đặt tên cho điều ứơc quốc tế mà mình đàm phán, ký kết. Về hình thức
cũng vậy, điều ước quốc tế không bắt buộc có những điều khoản rõ ràng như văn bản pháp
luật trong nước. Có những điều ước quốc tế chỉ có nội dung cam kết giữa các bên mà
không có điều khoản nào cả. Các điều ước này thông thường là những tuyên bố của các tổ
chức quốc tế.
Chúng ta đã định nghĩa điều ước quốc tế là do chính các chủ thể của luật quốc tế tham
gia xây dựng lên. Như vậy, chủ thể của điều ước quốc tế cũng chính là chủ thể của luật
quốc tế. Do đó, những chủ thể không phải là chủ thể của luật quốc tế thì không thể tham
gia đàm phán, ký kết điều ước quốc tế được. Ví dụ : Một quốc gia và một cá nhân tham gia
ký kết với nhau một thỏa thuận thì thỏa thuận này không được gọi là điều ước quốc tế và
không thể trở thành nguồn của luật quốc tế được. Như vậy, điều kiện tiên quyết của một
điều ước quốc tế là nguồn của luật quốc tế là phải được ký kết giữa các chủ thể của luật
quốc tế. Bởi vì điều ước quốc tế là hình thức cơ bản của luật quốc tế chứa đựng các nguyên
tắc và quy phạm pháp lý quốc tế để xây dựng và điều chỉnh các mối quan hệ quốc tế giữa
các chủ thể được phát triển. Điều ước quốc tế còn là công cụ, phương tiện pháp lý để duy
trì và tăng cường hợp tác giữa các chủ thể, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp giữa họ và
có vai trò rất quan trọng trong việc nội luật hóa trong pháp luật của các quốc gia.

6
Tuy nhiên, không phải tất cả các điều ước quốc tế được ký kết giữa các chủ thể đều là
nguồn của luật quốc tế hiện đại. Một điều ước của luật quốc tế muốn trở thành nguồn của
luật quốc tế phải thỏa mãn những điều kiện sau đây:
- Điều ước quốc tế đó phải phù hợp với quy định của pháp luật của các bên ký kết về
thẩm quyền và trình tự, thủ tục ký kết;
- Điều ước quốc tế đó, phải được ký kết trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng;
- Nội dung của điều ước quốc tế, phải phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của luật
quốc tế hiện đại.
Do đó, các điều ước trái với Hiến chương Liên hiệp quốc, các nguyên tắc cơ bản của
luật quốc tế hiện đại sẽ bị xem là bất hợp pháp và nó sẽ trở nên vô hiệu, không có giá trị
pháp lý tạo ra quyền và nghĩa vụ cho các bên ký kết. Điều này có nghĩa là chúng không
phải là nguồn của luật quốc tế hiện đại.
b. Tập quán quốc tế
Tập quán quốc tế là nguồn của luật quốc tế. Nó ra đời ngay từ thời kỳ đầu tiên trong
quá trình phát triển của luật quốc tế, sớm hơn nhiều so điều ước quốc tế. Đó là những quy
tắc xử sự chung do một hay một số quốc gia áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần và áp dụng
chung trong quan hệ quốc tế. Dần dần, những thói quen về quy tắc xử sự này đã được các
quốc gia khác thừa nhận và áp dụng như những quy phạm pháp luật quốc tế.
Cũng giống như điều ước quốc tế, không phải tất cả các tập quán quốc tế đều được
công nhận là nguồn của luật quốc tế. Một tập quán được xem là nguồn của Luật quốc tế phải
thỏa mãn các điều kiện sau:
- Phải là quy tắc xử sự chung, và được các quốc gia công nhận và áp dụng rộng rãi
trong thực tiễn;
- Phải được thừa nhận chung là quy phạm có tính chất pháp lý bắt buộc (các quốc gia
coi là một nghĩa vụ pháp lý);
- Phải có nôi dung phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế.
Tập quán quốc tế có giá trị độc lập với điều ước quốc tế và các nguyên tắc của luật
quốc tế. Tập quán quốc tế có vai trò quan trọng trong việc hình thành nên các quy phạm
pháp lý quốc tế trong các điều ước quốc tế. Bởi vì các chủ thể của luật quốc tế mong muốn
các tập quán này được thể hiện dưới hình thức văn bản để không phải giải thích hoặc xảy ra
bất đồng quan điểm trong quá trình áp dụng. Do đó, khi đàm phán, ký kết các điều ước
quốc tế thì các chủ thể thông thường chuyển hóa những tập quán đã và đang tồn tại trên
thực tế thành những điều khoản trong điều ước quốc tế.
Tập quán quốc tế là nguồn điều chỉnh hữu hiệu quan hệ quốc tế giữa các chủ thể khi
những quan hệ đó không có quy phạm điều ước điều chỉnh. Điều này có nghĩa là khi có sự
mâu thuẫn giữa tập quán quốc tế và điều ước quốc tế thì điều ước quốc tế sẽ được các chủ
thể áp dụng.
c. Các nguồn bổ trợ khác
Luật quốc tế có các nguồn bổ trợ. Các nguồn này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc
áp dụng và xây dựng nên các nguồn chính thức của luật quốc tế. Những nguồn bổ trợ bao
gồm :
- Án lệ của Tòa án quốc tế : Đây là các phán quyết của tòa án quốc tế của Liên hiệp
quốc trong quá trình xét xử, giải quyết tranh chấp giữa các chủ thể. Ngoài chức năng giải

7
quyết tranh chấp, các phán quyết này còn có ý nghĩa rất quan trọng mang tính tham khảo
trong quá trình giải quyết tranh chấp của các bên trong quan hệ quốc tế tương tự.
- Học thuyết của các luật gia danh tiếng về luật quốc tế : Các học thuyết của các luật
gia, các cơ sở nghiên cứu luật quốc tế…góp phần rất lớn trong việc hình thành, xây dựng
nên các quy phạm pháp lý quốc tế. Các học thuyết này cũng chỉ mang tính tham khảo, bởi
nó không được hình thành trên cơ sở thoả thuận giữa các chủ thể.
- Các Nghị quyết của Đại Hội đồng Liên hiệp quốc và các tổ chức liên chính phủ : Nghị
quyết của các tổ chức quốc tế liên chính phủ có hai loại : Nghị quyết mang tính bắt buộc và Nghị
quyết mang tính chất tuỳ nghi. Đối với Nghị quyết mang tính bắt buộc thì được xem như là điều
ước quốc tế bởi vì những Nghị quyết này được đưa ra bởi đại diện của cả một tổ chức quốc tế mà
quốc gia là thành viên. Còn đối với những loại Nghị quyết mang tính chất tuỳ nghi thì các quốc
gia thành viên có quyền không tuân thủ. Bởi vì nó chỉ mang tính khuyến nghị mà thôi. Tuy
nhiên, các Nghị quyết tuỳ nghi này có vai trò rất quan trọng trong việc giải thích, áp dụng các quy
phạm pháp lý quốc tế trong các điếu ước quốc tế.
Tóm lại, các nguồn bổ trợ nêu trên chỉ mang tính tham khảo, không có giá trị bắt buộc
đối với các chủ thể trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, một số nguồn bổ trợ này nếu được
các quốc gia cùng thừa nhận áp dụng lâu dài, không trái nhau về cách áp dụng và quan
điểm thi các nguồn này có thể trở thành tập quán quốc tế hoặc được chính các chủ thể của
luật quốc tế xây dựng nên các quy phạm trong điều ước quốc tế trên cơ sở thỏa thuận của
các bên liên quan.
IV. Mối quan hệ giữa luật quốc tế và luật quốc gia
Có nhiều học thuyết khác nhau liên quan đến mối quan hệ giữa luật quốc tế và luật
trong nước : Học thuyết nhất nguyên luận và học thuyết nhị nguyên luận và quan điểm của
khoa học luật quốc tế hiện đại.
1. Học thuyết nhất nguyên luận
Trường phái này cho rằng luật quốc tế và pháp luật trong nước là hai bộ phận của một
hệ thống pháp luật thống nhất, trong đó bộ phận này phù thuộc vào bộ phận kia.
Ở trong nội bô của trường phái này lại tồn tại hai quan điểm khác nhau, cụ thể là: Một
nhóm đại biểu cho rằng lật quốc tế phải được đặt lên trên pháp luật trong nuớc. Ngược lại,
một nhóm đại biểu khác thì có quan điểm cho rằng pháp luật trong nước phải được đặt lên
trên luật quốc tế.
2. Học thuyết nhị nguyên luận
Trường phái này cho rằng luật quốc tế và pháp luật trong nước là hai hệ thống pháp luật
khác nhau, song song cùng tồn tại nhưng biệt lập với nhau.
3. Quan điểm khoa học luật quốc tế hiện đại
Quan điểm hiện nay, được đa số nhà nghiên cứu luật tán thành cho rằng luật quốc tế và
pháp luật trong nước là hai hệ thống pháp luật khác nhau, song song cùng tồn tại có quan
hệ tác động qua lại lẫn nhau. Luật quốc gia có ảnh hưởng, mang tính quyết định việc hình
thành và phát triển của luật quốc tế và luật quốc tế có tác động tích cực đến sự phát triển và
hoàn thiện pháp luật quốc gia.
Sự độc lập, khác nhau của luật trong nước và luật quốc tế thể hiện ở các tiêu chuẩn như
đối tượng điều chỉnh, phương pháp điều chỉnh, trình tự lập pháp, nguồn và các biện pháp
đảm bảo thi hành….của hai hệ thống pháp luật này.

8
Về quan hệ tác động qua lại lẫn nhau: Cả luật quốc tế và pháp luật trong nước đều
chính là công cụ để thực hiện chính sách đối nội và đối ngoại của quốc gia.
Đối với luật quốc tế, luật quốc gia có ảnh hưởng rất lớn trong qua trình đám phán, ký
kết các điều ước quốc tế. Trước tiên có thể nói đến trình tự, thủ tục và thẩm quyền đàm
phán. Khi tiến hành đàm phán, ký kết điều ước quốc tế thì điều ước quốc tế đó phải phù
hợp với pháp luật trong nứơc về trình tự, thẩm quyến đàm phán và ký kết. Do đó, nếu pháp
luật quốc gia không rõ ràng và đầy đủ về vấn đề trình tự, và thẩm quyền đàm phán, ký kết
thì sẽ ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của điều ước quốc tế nói riêng và luật quốc tế nói
chung. Ngoài ra, nếu quốc gia đàm phán tốt thì những quy định của pháp luật quốc gia
mình có thể trùng với những quy định của điều ước quốc tế. Lúc đó, luật quốc gia sẽ được
trở thàng những quy phạm pháp lý quốc tế. Ngược lại, luật quốc tế ảnh hưởng rất lớn đến
luật quốc gia. Cụ thể, luật quốc tế khi được xây dựng, các quốc gia thành viên phải tuân thủ
bằng nguyên tắc tận tâm thực hiện các cam kết quốc tế (pacta sunt servande). Do đó, các
quốc gia phải áp dụng luật quốc tế khi trong quan hệ với chủ thể mà mình đã thỏa thuận với
nhau bằng những điều ứơc quốc tế. Nếu thấy rằng những quy định của điều ứơc quốc tế sẽ
có lợi và làm cho hệ thống pháp luật của quốc gia phát triển, phù hợp với xu thế phát triển
của thời đại thì các quốc gia phải nội luật hóa. Có nghĩa là chuyển hóa các quy định của
điều ứơc quốc tế mà mình là thành viên hoặc những quy định của các điều ước quốc tế tiến
bộ khác thành những quy định của pháp luật trong nước.
Ở Việt Nam, trong thời kỳ hội nhập quốc tế, vấn đề mối quan hệ giữa luật quốc tế và
luật quốc gia và giá trị pháp lý của hai hệ thống pháp luật này đang là vấn đề mang tính
thời sự. Hiện nay, Việt Nam đã là thành viên của rất nhiều điều ước quốc tế đa phương và
song phương. Khi đã tham gia vào điều ước quốc tế thì Việt Nam phải tuân thủ triệt để
nguyên tắc Pacta sunt servanda - một trong những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện
đại. Để đảm bảo tuân thủ nguyên tắc này, Việt Nam đã xây dựng cho mình những quy
phạm pháp luật quốc gia về ký kết và thực hiện điều ứơc quốc tế. Đồng thời, trong các văn
bản quy phạm pháp luật của quốc gia, Việt Nam đã nội luật hóa rất nhiều những quy định
tiến bộ của các điều ứơc quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đối với những vấn đề mà Việt
Nam không thể nội luật hoá được do có sự khác nhau giữa các điều ước quốc tế và bảo đảm
điều chỉnh đối với những quan hệ pháp luật thì một giải pháp hữu hiệu để tuân thủ nguyên
tắc Pacta sunt servanda là quy định trong các văn bản về giá trị pháp lý của các điều ước
quốc tế khi có sự mâu thuẫn với điều ước quốc tế. Ví dụ : Khi có sự mâu thuẫn giữa điều
ước quốc tế với văn bản này thì áp dụng điều ước quốc tế.

9
BÀI 2

CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA LUẬT QUỐC TẾ


Luật quốc tế bao gồm các nguyên tắc và các quy phạm pháp lý quốc tế được hình thành
do các chủ thể thoả thuận xây dựng nên nhằm điều chỉnh các mối quan hệ giữa các chủ thể
với nhau trong các lĩnh vực. Trong đó, các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế được xem là
hạt nhân của luật quốc tế. Tất cả các quy phạm pháp lý quốc tế và các tập quán quốc tế
muốn trở thành nguồn của luật quốc tế hiện đại thì phải phù hợp và không được trái với các
nguyên tắc cơ bản này.
I. Khái niệm các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế
Nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế là những quy phạm quan trọng, có tính chất bao
trùm và được thừa nhận một cách rộng rãi nhất. Như vậy, không phải bất kỳ nguyên tắc
nào của luật quốc tế cũng trở thành nguyên tắc cơ bản, mà chỉ có một số nguyên tắc có tính
bao trùm, phổ cập và chung nhất mới được thừa nhận là nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế.
Nguyên tắc của luật quốc tế bào gồm 3 loại : Nguyên tắc cơ bản, nguyên tắc chuyên
ngành và nguyên tắc đặc thù trong các quan hệ song phương hoặc đa phương giữa các chủ
thể.
Tuy nhiên, dù là nguyên tắc thuộc loại nào thì tất cả các nguyên tắc trên điều phải nhằm
mục đích là bảo vệ hoà bình, an ninh, hợp tác và sự phát triển của nhân loại nói chung và
của chính các chủ thể nói riêng. Ngoài ra, các nguyên tắc chuyên ngành và đặc thù phải là
những nguyên tắc phù hợp và không được trái với những nguyên tắc cơ bản của luật quốc
tế đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận.
Như vậy, nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế là gì ?
Đây là những tư tưởng chính trị - pháp lý cơ bản, bao trùm nhất và quan trọng nhất
trong quan hệ quốc tế. Nó làm cơ sở cho sự hình thành và phát triển của luật quốc tế hiện
đại và được thừa nhận một cách rộng rãi nhất trong quan hệ quốc tế ngày nay.
Khác với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật trong nước, nguyên tắc cơ bản của
luật quốc tế không do giai cấp thống trị xây dựng nhằm bảo vệ lợi ích cho giai cấp thống
trị. Những nguyên tắc này được hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa các chủ thể của luật
quốc tế nhằm mục đích đảm bảo lợi ích và các quy tắc xử sự chung của các chủ thể trong
quan hệ quốc tế. Ngoài ra, các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế này không xuất hiện
cùng một lúc trong một văn bản quy phạm pháp luật như nguyên tắc của luật quốc gia mà
chúng xuất hiện thông qua một quá trình phát triển lâu dài của luật quốc tế.
Tính chất phổ cập và bao trùm nhất là hai đặc tính cơ bản của các nguyên tắc cơ bản
của luật quốc tế. Tính phổ cập thể hiện ở phạm vi áp dụng của các nguyên tắc này về mặt
không gian và chủ thể của luật quốc tế. Về mặt không gian, các nguyên tắc này được áp
dụng trên phạm vi toàn thế giới và về mặt chủ thể thì chúng được áp dụng cho tất cả các
quốc gia - chủ thể cơ bản của luật quốc tế. Do đó, các nguyên tắc này được ghi nhận trong
nhiều văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng như Hiến chương của Liên hợp quốc, Tuyên bố
của Đại hội đồng Liên hợp quốc và các văn kiện pháp lý khác.
Tính chất bao trùm của các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế thể hiện ở giá trị pháp lý
của chúng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống quốc tế. Tất cả các lĩnh vực, các ngành
luật trong hệ thống pháp luật quốc tế đều sử dụng những nguyên tắc này làm nền tảng.
Đồng thời, các nguyên tắc này cũng là những nguyên tắc mang tính bắt buộc chung. Hay
nói cách khác, đây là những nguyên tắc mang tính mệnh lệnh cao nhất trong quan hệ quốc

10
tế. Những nguyên tắc, những quy phạm pháp lý quốc tế, những hành vi được tiến hành
trong quan hệ quốc tế nếu trái với các nguyên tắc này thì sẽ bị xem là trái pháp luật quốc tế.
Do đó, việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế là nghĩa vụ bắt buộc đối với
tất cả các chủ thể trong quan hệ quốc tế. Bỡi vì bất kỳ sự vi phạm nào đến nguyên tắc cơ
bản này đều tất yếu đụng chạm đến lợi ích của cộng đồng quốc tế và lợi ích của các chủ thể
khác. Do đó, không một thực thể nào có quyền huỷ bỏ những nguyên tắc này nếu chưa có
sự đồng ý của cộng đồng các chủ thể.
Tóm lại, các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế có hai ý nghĩa quan trọng sau đây :
- Là hạt nhân của toàn bộ hệ thống luật quốc tế
- Là căn cứ để giải quyết các tranh chấp quốc tế
Theo Tuyên bố ngày 24/10/1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc thì luật quốc tế hiện
đại có các nguyên tắc cơ bản sau đây :
- Nguyên tắc bình đẳng và chủ quyền của các quốc gia ;
- Nguyên tắc cầm dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế ;
- Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau ;
- Nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết ;
- Nguyên tắc tận tâm thực hiện các cam kết quốc tế (pacta sunt servanda)
- Nguyên tắc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình
- Nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau
Ngoài ra, trong khoa học luật quốc tế, người ta còn cho rằng ngoài các nguyên tắc nêu
trên, luật quốc tế còn có thêm các nguyên tắc cơ bản khác như nguyên tắc tôn trọng quyền
con người, nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia….Tuy nhiên, trong 7 nguyên tắc nêu
trên, chúng ta thấy rằng chúng đã bao hàm hết tất cả các nguyên tắc mà khoa học luật quốc
tế hiện nay đề nghị đưa vào các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế.
II. Các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại
Trong luật quốc tế hiện đại, cộng đồng quốc tế đã và đang cùng thừa nhận những
nguyên tắc chung nhằm điều chỉnh các mối quan hệ giữa các chủ thể với nhau. Những
nguyên tắc này đã được Hiến chương Liên hiệp quốc, Tuyên bố năm 1970 của Đại hội
đồng liên hiệp quốc về các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế quy định như một cơ sở pháp
lý bắt buộc đối với các chủ thể trong quan hệ quốc tế. Cơ sở này dựa trên sự bình đẳng về
chủ quyền quốc gia, quyền dân tộc tự quyết, không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực
trong quan hệ quốc tế và phải tận tâm thực hiện các cam kết quốc tế mà mình đã tham
gia…
1. Nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia
Nguyên tắc này được hình thành từ cuối thời kỳ trung đại chuyển sang cận đại. Lúc mới
hình thành và phát triển, nguyên tắc này chỉ áp dụng cho vua chúa và các nước tư bản phát
triển hay còn gọi là các nước văn minh.
Kể từ năm 1917, nội dung của nguyên tắc này mới được nâng cao, hoàn thiện và đầy
đủ. Hiện nay, nguyên tắc này được quy định tại hai văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng đó
là Hiến chương Liên hiệp quốc và Tuyến bố năm 1970 về các nguyên tắc cơ bản của luật
quốc tế của Đại hội đồng Liên hiệp quốc.

11
Theo Điều 2, khoản 1, Hiến chương LHQ thì « Liên hiệp quốc xây dựng trên cơ sở bình
đẳng về chủ quyền của tất cả các quốc gia hội viên ».
Nội dung của nguyên tắc là :
- Các quốc gia phải có nghĩa vụ tôn trọng quyền năng chủ thể, chủ quyền, đặc điểm
về lịch sử, truyền thống văn hóa, dân tộc của nhau ;
- Các quốc gia phải có nghĩa vụ tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị
của nhau ;
- Mỗi quốc gia có quyền lựa chọn cho mình chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã
hội ;
- Các quốc gia bình đẳng với nhau về pháp lý. Họ có quyền và nghĩa vụ ngang nhau
khi tham gia với tư cách là thành viên của một cộng đồng quốc tế và tổ chức quốc tế ;
- Được ký kết và gia nhập các điều ước quốc tế có liên quan;
- Được tham gia xây dựng pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế bình đẳng với các quốc
gia khác;
- Được hưởng đầy đủ các quyền ưu đãi, miễn trừ và gánh vác các nghĩa vụ như các
quốc gia khác.
Như vậy, luật quốc tế không cho phép một hay một nhóm quốc gia phong tỏa ý chí và
áp đặt ý chí lên quốc gia khác trên cơ sở bất bình đẳng và không tự nguyện. Tất cả các
quốc gia đều bình đẳng với nhau, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt được cộng đồng
quốc tế thừa nhận. Ví dụ : Quyền phủ quyết của năm ủy viên thường trực của Hội đồng
Bảo an Liên hiệp quốc.
2. Nguyên tắc không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ
quốc tế
Nếu trong luật quốc tế các giai đoạn trước có nguyên tắc « quyền chiến tranh » để giải
quyết các tranh chấp quốc tế thì trong luật quốc tế hiện đại lại cấm nguyên tắc này thông
qua việc thừa nhận nguyên tắc cấm dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực trong quan hệ
quốc tế.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tổ chức quốc tế Hội quốc liên (sau này là Liên
hiệp quốc) đã đưa ra một nguyên tắc « Các nước thành viên không được sử dụng chiến
tranh khi chưa áp dụng các biện pháp hòa bình ». Như vậy, quyền chiến tranh vẫn còn
được sử dụng giải quyết tranh chấp quốc tế khi các quốc gia đã sử dụng các biện pháp hoà
giải, đàm phán…mà không giải quyết được tranh chấp.
Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc cùng với sự ra đời của Liên hiệp quốc, nguyên
tắc cấm dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế được ghi nhận thành
một trong các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại.
Theo Điều 2, K4 của Hiến chương LHQ thì «Trong quan hệ quốc tế, các thành viên
của Liên hiệp quốc không được đe dọa bằng vũ lực hay dùng vũ lực chống lại sự toàn vẹn
lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào hoặc bằng cách này hay cách
khác làm trái với những mục đích của Liên hiệp quốc ».
Nội dung của nguyên tắc :
- Cấm xâm chiếm lãnh thổ của các quốc gia khác, vi phạm các quy phạm của pháp luật
quốc tế;
- Cấm các hành vi trấn áp bằng vũ lực;

12
- Không được cho quốc gia khác sử dụng lãnh thổ nước mình để tiến hành xâm lược
chống quốc gia thứ ba;
- Không tổ chức, xúi giục, giúp đỡ hay tham gia vào nội chiến hay các hành vi khủng
bố tại các quốc gia khác;
- Không tổ chức hoặc khuyến khích việc tổ chức các băng nhóm vũ trang, lực lượng vũ
trang phi chính quy, lính đánh thuê để đột nhập vào lãnh thổ của quốc gia khác ;
- Cấm tuyên truyền chiến tranh xâm lược ;
- Cấm dùng vũ lực để ngăn cản các dân tộc thực hiện quyền tự quyết của mình ;
Tuy nhiên, nguyên tắc này có 3 trường hợp ngoại lệ đó là quyền tự vệ cá thể, quyền tự
vệ tập thể và quyền sử dụng vũ lực của các dân tộc đang đấu tranh giành độc lập đứng lên
thành lập quốc gia độc lập. Theo đó, một quốc gia hay chủ thể của luật quốc tế trên cơ sở
xâm lược vũ trang của quốc gia khác thì quốc gia, chủ thể bị xâm lược có quyền sử dụng
vũ trang để tự vệ. Ngoài ra, Hội đồng bảo an của LHQ cũng có quyền sử dụng vũ trang một
cách hợp pháp nhằm đại diện cho một tập thể các quốc gia trong việc gìn giữ hòa bình và
sự tồn tại của nhân loại.
3. Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác
Nguyên tắc này có mối quan hệ chặt chẽ với các nguyên tắc khác như nguyên tắc cấm
dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế và nguyên tắc bình đẳng, chủ
quyền giữa các quốc gia.
Tư tưởng không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác hình thành rất sớm.
Tuy nhiên, mãi đến thời kỳ cận đại thì tư tưởng này mới được nâng lên thành nguyên tắc cơ
bản của luật quốc tế. Hiện nay, nguyên tắc này được ghi nhận trong Điều 2, K7 của Hiến
chương LHQ. Theo đó, Hiến chương « không cho phép LHQ được can thiệp bất cứ ở mức
độ nào vào những công việc thuộc thẩm quyền quốc gia của một nước và không yêu cầu
các thành viên đưa những việc loại này ra giải quyết theo thủ tục của Hiến chương… »
Nội dung của nguyên tắc :
- Cấm can thiệp vũ trang và các hình thức can thiệp hoặc đe dọa can thiệp khác nhằm
chống lại chủ quyền, nền tảng chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia;
- Cấm dùng các biện pháp kinh tế, chính trị, và các biện pháp khác để bắt buộc các
quốc gia khác phụ thuộc vào mình;
- Cấm tổ chức, khuyến khích các phần tử phá hoại hoặc khủng bố nhằm lật đổ chính
quyền của quốc gia khác;
- Cấm can thiệp vào cuộc đấu tranh nội bộ của quốc gia khác;
- Tôn trọng quyền của mỗi quốc gia tự lựa chọn cho mình chế độ chính trị, kinh tế, xã
hội và văn hóa phù hợp với nguyện vọng của dân tộc.
Tuy nhiên, nguyên tắc này có hai ngoại lệ. Theo quy định của Chương VII Hiến
chương LHQ, Hội đồng bảo an của LHQ có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế trong trường
hợp có đe dọa hành vi xâm phạm hòa bình hoặc hành động xâm lược. Như vậy, nếu Hội
đồng Bảo an xác định rằng một sự biến nào đó xảy ra trong phạm vi lãnh thổ một quốc gia
hoặc một cuộc nội chiến nào đó mà có thể đe dọa đến hòa bình, an ninh quốc tế thì sự biến
và hành vi đó không còn thuần túy là công việc nội bộ của quốc gia nữa. Lúc đó, hành
động can thiệp của LHQ trong trường hợp này không được coi là sự can thiệp vào công
việc nội bộ của quốc gia. Một ngoại lệ thứ hai trong nguyên tắc này là khi có những hành

13
vi vi phạm nghiêm trọng các quyền cơ bản của con người trong đó có quyền được sống và
sống trong hòa bình thì LHQ cũng có quyền can thiệp vào.
Tóm lại, công việc nội bộ mà các quốc gia hay LHQ không có quyền can thiệp vào theo
nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế là những công việc thuốc về thẩm quyền của cơ quan
nhà nước của quốc gia và đồng thời không phải là công việc bị cộng đồng quốc tế cấm.
4. Nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết
Nguyên tắc này được ghi nhận trong Điều 55 Hiến chương LHQ. Tuy nhiên, trong Hiến
chương, nguyên tắc này lại không được đưa vào các nguyên tắc cơ bản trong Điều 2. Do
đó, tính chất bao trùm, phổ cập chưa được thể hiện một cách cụ thể. Năm 1960, LHQ đã có
Tuyên bố về trao trả độc lập cho các dân tộc thuộc địa. Theo đó, « tất cả các dân tộc đều có
quyền tự quyết, trong đó có quyền thiết lập chế độ chính trị và thực hiện chế độ phát triển
kinh tế, văn hóa của mình ».
Nguyên tắc này đã được ghi nhận thành nguyên tắc cơ bản chính thức trong Tuyên bố
của LHQ năm 1970 về các nguyên tắc của luật quốc tế. Tuyên bố này đã khẳng định: “Việc
thiết lập một nhà nước độc lập có chủ quyền hay tự do gia nhập vào nhà nước độc lập khác
hoặc liên kết với quốc gia đó, cũng như việc thiết lập bất kỳ chế độ chính trị nào do nhân
dân tự quyết định là các hình thức thể hiện quyền dân tộc tự quyết”.
Nội dung của nguyên tắc
- Dân tộc đang đấu tranh giành độc lập có quyền được thành lập quốc gia độc lập. Các
quốc gia có quyền cùng với các quốc gia khác thành lập quốc gia liên bang trên cơ sở tự
nguyện;
- Tự lựa chọn cho mình chế độ chính trị, kinh tế, xã hội;
- Tự giải quyết các vấn đề đối nội không có sự can thiệp từ bên ngoài;
- Quyền các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc có quyền tiến hành đấu tranh, kể cả đấu
tranh vũ trang để giành độc lập và nhận sự giúp đỡ và ủng hộ từ bên ngoài, kể cả giúp đỡ
về quân sự;
- Tự lựa chọn con đường phát triển ;
- Quyền được các dân tộc và các quốc gia khác tôn trọng trong việc thực hiện quyền
dân tộc tự quyết.
5. Nguyên tắc tận tâm thực hiện các cam kết quốc tế
Nguyên tắc này cò được gọi là nguyên tắc Pacta sunt survanda. Đây là nguyên tắc cổ
xưa nhất trong hệ thống luật quốc tế. Nó ra đời từ thời kỳ cổ đại và có mặt trong suốt quá
trình phát triển của luật quốc tế.
Hiện tại, nguyên tắc này được quy định tại Điều 2, K2 của Hiến chương LHQ và Tuyên
bố năm 1970 của Đại hội đồng LHQ. Theo đó, Hiến chương quy định « các nước thành
viên của LHQ phải làm tròn nghĩa vụ mà họ phải đảm nhận theo Hiến chương này ». Để cụ
thể hơn, Tuyên bố năm 1970 quy định rằng mỗi quốc gia phải thiện chí thực hiện các nghĩa
vụ quốc tề do Hiến chương đặt ra, các nghĩa vụ phát sinh từ các nguyên tắc, quy phạm
được công nhận rộng rãi của luật quốc tế. Tuy nhiên, khi nghĩa vụ theo điều ước quốc tế
mà các quốc gia thành viên tham gia trái với nghĩa vụ của Hiến chương thì nghĩa vụ theo
Hiến chương phải có giá trị ưu tiên.
Theo Công ước Vienne năm 1969 về Luật điều ước quốc tế thì « mỗi điều ước quốc tế
hiện hành đều ràng buộc các bên tham gia và đều phải được các bên thực hiện một cách

14
thiện chí » và « bên tham gia không thể viện dẫn đến quy định của pháp luật trong nước để
biện luận cho việc không thực hiện điều ước quốc tế »…
Từ các cơ sở pháp lý trên, nguyên tắc này có nôi dung sau đây :
- Các chủ thể của luật quốc tế phải thực hiện tận tâm các cam kết quốc tế phù hợp với
luật quốc tế hiện đại ;
- Phải thực hiện một cách thiện chí, tận tâm và đầy đủ các cam kết quốc tế mà minh
tham gia ;
- Không được viện dẫn luật trong nước trái với điều ứơc quốc tế để làm lý do từ chối
thực hiện điều ứơc quốc tế mà mình ký kết hoặc tham gia ;
- Không được phép tự động đơn phương không thực hiện điều ước quốc tế
Tuy nhiên, nguyên tắc này có các ngoại lệ. Có nghĩa là các bên có thể không thực hiện
hoặc ngưng thực hiện điều ước quốc tế mà mình là thành viên trong các trường hợp sau :
- Điều ước quốc tế được ký sai thẩm quyền và trình tự theo quy định của pháp luật
quốc gia thành viên ;
- Điều ước quốc tế trái với Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật quốc
tế ;
- Điều kiện để thực hiện điều ước quốc tế đó bị thay đổi hoàn toàn ;
- Khi bên kia không thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của điều ước ;
- Điều ước quốc tế đó hết hiệu lực áp dụng.
Như vậy, không phải trong tất cả các trường hợp, các bên tham gia điều ước quốc tế
phải tận tâm thực hiện. Bởi vì vẫn có những trường hợp ngoại lệ mà các chủ thể có thể
không thực hiện điều ứơc mà vẫn không vi phạm pháp luật quốc tế nói chung và nguyên
tắc pacta sunt servanda nói riêng.
6. Nguyên tắc hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế
Nguyên tắc này được hình thành kể từ khi luật quốc tế bước vào giai đoạn hiện đại.
Nguyên tắc này được hình thành và phát triển gắng liền với nguyên tắc cấm dùng vũ lực
hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Trước chiến tranh thế giới thứ hai, luật
quốc tế đã có những biện pháp giải quyết tranh chấp quốc tế bằng con đường hoà bình. Tuy
nhiên, quyền chiến tranh vẫn còn được sử dụng khi các biện pháp hòa bình sử dụng không
hiệu quả. Do đó, trước chiến tranh thế giới thứ hai thì chưa xuất hiện nguyên tắc buộc các
chủ thể phải giải quyết tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hoà bình.
Hiện nay, nguyên tắc này được ghi nhận trong Điều 2, K3 của Hiến chương LHQ và
Tuyên bố năm 1970 của Đại hội đồng LHQ về các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế.
Theo đó, Hiến chương LHQ quy định các biện pháp hòa bình mà các quốc gia phải lựa
chọn và tự áp dụng miễn sao không sử dụng vũ lực và đe doạ dùng vũ lực cũng như vi
phạm các nguyên tắc cơ bản khác của luật quốc tế. Theo đó, « các bên tham gia tranh chấp
quốc tế trước tiên phải cố gắng giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp như : đàm phán,
điều tra, trung gian, hoà giải, trọng tài, toà án, thông qua các cơ quan hay tổ chức quốc tế
hay bằng các biện pháp hoà bình khác do các bên lựa chọn ».
Tuy nhiên, nguyên tắc này có các ngoại lệ giống như ngoại lệ của nguyên tắc cấm dùng
vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Có nghĩa là các bên có quyền sử
dụng quyền tự vệ cá thể, tập thể để giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ của luật quốc tế
quy định.

15
7. Nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau
Đây cũng là một trong những nguyên tắc riêng của luật quốc tê hiện đại mà luật quốc tế
trong các giai đoạn trước không có. Nguyên tắc này có ý nghĩa rất quan trọng trong sự phát
triển kinh tế, xã hội của các quốc gia và của cộng đồng quốc tế. Đồng thời các vấn đề mang
tính toàn cầu hiện nay như môi trường, hạt nhân, khủng bố….sẽ không thể giải quyết được
khi không có nguyên tắc này.
Hiện nay, nguyên tắc này được quy định tại Điều 1, Điều 55 và 56 của Hiến chương
LHQ. Các quốc gia phải có nghĩa vụ hợp tác vơi nhau để thực hiện tôn chỉ, mục đích của
Hiến chương và phải có nghĩa vụ hợp tác với LHQ để đạt được những mục đích kể trên.
Bên cạnh đó, trong Tuyên bố năm 1970 của Đại hội đồng LHQ cũng xác định « các quốc
gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau trong các lĩnh vực của quan hệ quốc tế không phụ thuộc
vào hệ thống chính trị, kinh tế, văn hoá…nhằm mục đích duy trì hoà bình và an ninh quốc
tế, góp phần vào việc ổn định kinh tế thế giới và sự phồn vinh chung của dân tộc và hợp tác
quốc tế ».
Nội dung của nguyên tắc :
- Các quốc gia phải hành động phù hợp với nguyên tắc của LHQ ;
- Các quốc gia phải hợp tác với các quốc gia khác trong việc duy trì hoà bình và an
ninh quốc tế ;
- Hợp tác để khuyến khích sự tôn trọng chung về quyền con người và các quyền tự
do cơ bản khác của cá nhân, tôn giáo, sắc tộc, chủng tộc ;
- Các quốc gia phải tiến hành quan hệ hợp tác với nhau trong lĩnh vực kinh tế, văn
hoá, khoa học kỹ thuật, thương mại, công nghệ theo nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi,
không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau ;
- Các quốc gia phải hợp tác với nhau nhằm khuyến khích sự tiến bộ về văn hoá, giáo
dục, phát triển kinh tế trên toàn thế giới, đặc biệt là tại các nước đang phát triển.
Như vậy, về cơ bản, luật quốc tế có bảy nguyên tắc cơ bản nêu trên. Tuy nhiên, theo
một số quan điểm cho rằng luật quốc tế còn có thêm nguyên tắc chủ quyền quốc gia và
nguyên tắc bảo vệ quyền con người…

16
BÀI 3

CHỦ THỂ CỦA LUẬT QUỐC TẾ

I. Khái niệm về chủ thề của luật quốc tế


Vấn đề chủ thể của luật quốc tế hiện nay trong khoa học luật quốc tế có nhiều quan
điểm khác nhau, đặc biệt là sự thừa nhận các loại thực thể nhất định là chủ thể hay không là
chủ thể. Tuy nhiên, theo quan điểm của hầu hết các quốc gia và những học thuyết thì để có
tư cách là chủ thể của luật quốc tế thì chủ thể đó phải có khả năng tham gia độc lập trong
quan hệ quốc tế bằng quyền và những nghĩa vụ pháp lý quốc tế xác định và có khả năng
chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế do mình gây ra trong quan hệ quốc tế.
Như vậy, chủ thể của luật quốc tế hiện đại là những thực thể đang tham gia hoặc có
khả năng tham gia vào quan hệ pháp luật quốc tế một cách độc lập, có đầy đủ những
quyền và nghĩa vụ quốc tế, đồng thời có khả năng gánh vác những trách nhiệm pháp lý
trên cơ sở những quy định của pháp luật quốc tế.
Từ định nghĩa trên, khi xác định chủ thể của luật quốc tế chúng ta phải căn cứ vào các
tiêu chí sau đây :
- Chủ thể phải có thể tham gia vào các quan hệ pháp luật quốc tế do luật quốc tế điều
chỉnh ;
- Chủ thể phải có ý chí độc lập trong quan hệ quốc tế, không phải chịu sự chi phối
của một thế lực nào đứng trên nó trong quan hệ quốc tế mà nó tham gia ;
- Chủ thể phải có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ riêng biệt đối với các chủ thể khác
thuộc phạm vi điều chỉnh của luật quốc tế trong lĩnh vực mà mình tham gia;
- Chủ thể phải có khả năng độc lập gánh vác những trách nhiệm pháp lý quốc tế do
những hành vi mà chủ thể đã thực hiện gây ra.
II. Các loại chủ thề của luật quốc tế
Trên thực tế, có nhiều quan điểm khác nhau về các loại chủ thể của luật quốc tế. Có
quan điểm cho rằng chủ thể của luật quốc tế chỉ có quốc gia, các tổ chức quốc tế liên chính
phủ và các dân tộc đang đấu tranh giành độc lập. Có quan điểm cho rằng chủ thể của luật
quốc tế bao gồm có cả cá nhân, các tổ chức quốc tế phi chính phủ, các vùng lãnh thổ độc
lập trong một quốc gia và các công ty xuyên quốc gia…Như vậy, tất cả các quan điểm đều
thống nhất ba thực thể sau đây là chủ thể của luật quốc tế : quốc gia, các tổ chức quốc tế
liên chính phủ và các dân tộc đang đấu tranh giành độc lập.
1. Quốc gia
Quốc gia là chủ thể truyền thống và cơ bản của luật quốc tế. Quốc gia là chủ thể xây
dựng nên đại đa số các quy phạm pháp lý quốc tế và là chủ thể sáng lập ra chủ thể khác, đó
là các tổ chức quốc tế liên chính phủ.
Một thực thể như thế nào được xem là quốc gia trong quan hệ quốc tế ? Cho đến nay,
chưa có một định nghĩa thống nhất nào trong các văn kiện pháp lý quốc tế về quốc gia.
Trong khoa học luật quốc tế, người ta xác định quốc gia dựa trên các yếu tố cấu thành nên
một quốc gia.
Theo Điều 1, Công ước Montevideo ngày 26/12/1933 về quyền và nghĩa vụ của quốc
gia thì một thực thể được coi là quốc gia trong quan hệ quốc tế phải hội đủ 4 điều kiện sau:

17
Có dân số ổn định và thường xuyên; Có lãnh thổ; Có chính phủ; Có khả năng tham gia vào
quan hệ quốc tế một cách độc lập với các chủ thể khác.
Các quyền và nghĩa vụ cơ bản của quốc gia :
- Quyền được tôn trọng độc lập, bình đẳng về chủ quyền quốc gia và các quyền lợi
khác;
- Quyền được bất khả xâm phạm về biên giới và lãnh thổ;
- Quyền được tự vệ cá thể và tập thể;
- Quyền được phát triển và tồn tại trong hòa bình;
- Quyền được tham gia xây dựng các nguyên tắc và các quy phạm pháp luật quốc tế;
- Quyền tự do quan hệ và hợp tác với các Chủ thể khác của luật quốc tế;
- Quyền trở thành hội viên của các tổ chức quốc tế phổ cập;
- Quyền được tham gia các Hội nghị quốc tế liên quan đến lợi ích của mình...
Khi thực hiện những quyền và nghĩa vụ nêu trên, các quốc gia có thể thực hiện một
cách độc lập theo ý chí của mình, hoặc cùng với các quốc gia khác phối hợp thực hiện. Tuy
nhiên, dù độc lập hay liên kết thực hiện những quyền và nghĩa vụ thì việc thực hiện đó
không được ảnh hưởng đến phạm vi chủ quyền quốc gia của họ và các quốc gia khác.
2. Các tổ chức quốc tế liên chính phủ
Tổ chức liên quốc tế liên chính phủ là tổ chức do hai hay nhiều quốc gia thỏa thuận
thành lập nhằm để thực hiện những mục tiêu nhất định của quốc gia tham gia tổ chức.
Tổ chức quốc tế liên chính phủ xuất hiện từ thời kỳ cận đại trong lịch sử phát triển của
luật quốc tế. Tuy nhiên, sau Chiến tranh thế giới thứ II thì tổ chức quốc tế liên chính phủ
mới bắt đầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình một cách toàn diện trong đời sống quốc
tế. Hiện nay, tổ chức quốc tế liên chính phủ là chủ thể có vai trò rất quan trọng trong quan
hệ quốc tế, đặc biệt là quá trình toàn cầu hoá trong các lĩnh vực. Đây là chủ thể phái sinh.
Có nghĩa là nó chỉ được hình thành trên cơ sở của chủ thể khác chứ nó không được hình
thành một cách tự nhiên như quốc gia.
Hiện nay có khoảng 500 Tổ chức Quốc tế liên Chính phủ đựơc thành lập và hoạt động
trên toàn cầu, điển hình như: UN (United Nations); WHO (World Health Organization);
ILO (International Labour Organization); ICAO (International Civil Aviation
Organization); IMO (International Maritime); UNESCO (United Nations Educational,
Scientific and Cultural Organization); ITO (International Telecommunication Union);…
Quyền và nghĩa vụ pháp lý quốc tế cơ bản của tổ chức quốc tế liên chính phủ :
- Thảo luận và thông qua các văn bản pháp lý về tổ chức và hoạt động của mình
trong phạm vi quy định của Hiến chương và Điều lệ;
- Quyền được ký kết các điều ước quốc tế liên quan đến các hoạt động của mình;
- Nhận đại diện và quan sát viên thường trực của các quốc gia chưa phải là thành
viên của mình;
- Tham gia tổ chức các Hội nghị quốc tế liên quan đến nội dung hoạt động của
mình;
- Giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia thành viên và giữa các thành viên
với tổ chức quốc tế;

18
- Được hưởng quyền theo quy định của các điều ước quốc tế mà tổ chức đó ký
kết hoặc tham gia;
- Được yêu cầu kết luận tư vấn của Tòa án quốc tế của Liên hiệp quốc;
- Thiết lập quan hệ ngoại giao với các quốc gia, các tổ chức khác trong trường
hợp nhận thấy cần thiết, đồng thời cũng được hưởng những quyền miễn trừ và ưu đãi ngoại
giao.
Song song với các quyền cơ bản nêu trên, các tổ chức quốc tế liên chính phủ còn phải
thực hiện nghĩa vụ tương ứng nhất định. Đó là tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật
quốc tế, tôn trọng các quyền của các tổ chức quốc tế khác và của các chủ thể khác của luật
quốc tế…
Trong quan hệ quốc tế, các tổ chức tham gia vào quan hệ quốc tế không được đầy đủ
như các quốc gia. Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức quốc tế liên chính phủ cũng hạn chế
do đây là chủ thể sinh ra từ các quốc gia. Có nghĩa là chính các quốc gia là người khai sinh
ra các tổ chức quốc tế liên chính phủ và các quốc gia xác định quyền và nghĩa vụ của tổ
chức quốc tế của mình. Như vậy, các tổ chức quốc tế chỉ được thực hiện các quyền và
nghĩa vụ được ghi nhận trong hiến chương, điều lệ thành lập nên nó mà thôi, trong khí đó
các quốc gia lại có đầy đủ tất cả các quyền năng của một chủ thể.
3. Các dân tộc đang đấu tranh giành độc lập
Một trong những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế là nguyên tắc « Quyền dân tộc tự
quyết ». Do đó, các dân tộc đang đấu tranh vì một nền độc lập và tự do chân chính có thể
trở thành chủ thể của luật quốc tế hiện đại. Trong quan hệ quốc tế, các dân tộc đang đấu
tranh giành độc lập này tham gia rất hạn chế. Hầu như họ tham gia chỉ với một cơ sở pháp
lý duy nhất là quyền dân tộc tự quyết. Do đó, chủ thể này còn được xem là chủ thể hạn chế
của luật quốc tế.
Để trở thành chủ thể của luật quốc tế hiện đại thì các dân tộc phải hội đủ các điều kiện
sau:
- Phải là các dân tộc đang bị đô hộ, nô dịch và bị áp bức;
- Đã và đang đứng lên đấu tranh; và
- Đã thành lập được cho mình một cơ quan lãnh đạo đại diện cho dân tộc mình.
Ví dụ: PLO (Palestin Liberation Organization); ANC (African National Congress);
SWAPO (South West African People’s Organization)...
Như vậy, các dân tộc đang bị đô hộ muốn trở thành chủ thể của luật quốc tế thì phải có
cơ quan lãnh đạo thực hiện quyền năng cho một cuộc đấu tranh đòi quyền tự quyết và nó
phải gắn liền với thực tế của một cuộc đấu tranh. Do vậy, khi hội đủ ba điều kiện nêu trên
thì mặc nhiên, các dân tộc này trở thành chủ thể của luật quốc tế, chứ không phụ thuộc vào
việc công nhận của các quốc gia khác.
Các quyền quốc tế cơ bản của các dân tộc đang đấu tranh giành độc lập:
- Được thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình trong bất cứ hình thức nào, dưới bất kỳ
dạng nào, kể cả việc áp dụng các biện pháp nhằm chống lại các quốc gia đang cai trị mình;
- Quyền được luật pháp quốc tế bảo vệ, và được sự giúp đỡ từ các quốc gia, các tổ
chức quốc tế, các dân tộc và nhân dân trên thế giới;
- Quyền được thiết lập các quan hệ chính thức với các chủ thể của luật quốc tế hiện
đại;

19
- Quyền được tham gia vào hoạt động của các tổ chức quốc tế và hội nghị quốc tế;
- Quyền được tham gia xây dựng những quy phạm pháp luật quốc tế, và được thi
hành một cách độc lập những quy phạm pháp luật quốc tế.
Bên cạnh các quyền nêu trên thì các dân tộc đang đấu tranh giành độc lập cũng phải có
những nghĩa vụ quốc tế tương ứng như: tôn trọng các quyền cơ bản của các quốc gia khác;
tuân thủ các cam kết quốc tế...
Như vậy, các dân tộc bị đô hộ khi đứng lên đấu tranh và thành lập được cơ quan lãnh
đạo phong trào thì nó trở thành chủ thể của luật quốc tế hiện đại. Quyền năng chủ thể của
nó gắn liền với sự tồn tại trên thực tế của cuộc đấu tranh chứ không phụ thuộc vào việc nó
đã thành lập được một quốc gia độc lập hay chưa, hoặc không phụ thuộc vào sự công nhận
của quốc gia khác. Quyền năng này được quy định và đảm bảo thực hiện bởi các quy phạm
pháp luật quốc tế.
Ngoài các chủ thể như quốc gia, tổ chức quốc tế liên chính phủ, các dân tộc đang đấu
tranh giành độc lập nêu trên, trên thực tế hiện nay, còn có các thực thể mới xuất hiện mà nó
có thể tham gia vào quan hệ quốc tế một cách độc lập như : Tòa thánh Vatican, các vùng
lãnh thổ là thành viên của các tổ chức quốc tế…Ngoài ra, trong khoa học luật quốc tế, có
rất nhiều quan điểm cho rằng cá nhân, các công ty xuyên quốc gia và tổ chức quốc tế phi
chính phủ cũng là chủ thể của luật quốc tế. Bởi vì trên thực tế, những thực thể này đã có
mặt trong các quan hệ pháp lý mang tính chất quốc tế nhất định.
III. Vấn đế công nhận trong luật quốc tế
Trên thực tế hiện nay, trong quan hệ quốc tế, có những thực thể được một số nước công
nhận đó là quốc gia nhưng ngược lại, một số nước lại cho rằng đó không phải là một quốc
gia vì nó chưa hoàn toàn độc lập…Tuy nhiên, dù có được công nhận hay không thì thực thể
này sẽ mặc nhiên trở thành chủ thể của luật quốc tế nếu như nó hội đủ các điều kiện của
một chủ thể. Có nghĩa là nó tham gia độc lập trong một hay một số lĩnh vực nhất định với
chủ thể khác trong quan hệ quốc tế mà luật quốc tế cho phép.
1. Khái niệm về sự công nhận
Khi một thực thể mới xuất hiện trong cộng đồng quốc tế muốn tham gia vào quan hệ
quốc tế một cách chính thức, dễ dàng với các chủ thể khác thì chủ thể đó cần phải được các
chủ thể khác công nhận sự tồn tại của nó. Do đó, nếu không được công nhận thì đồng nghĩa
với việc chủ thể đó không được thiết lập các mối quan hệ với quốc gia không công nhận
mình. Ngược lại, quốc gia đã tồn tại muốn thiết lập quan hệ quốc tế với thực thể mới trong
các lĩnh vực thì quốc gia đó có thể biểu hiện thiện chí đầu tiên của mình với thực thể mới
này là công nhận sự tồn tại về mặt pháp lý của thực thể mới này. Do đó, cùng một thực thể
mới xuất hiện hay đang tồn tại trên thực tế nhưng sẽ có những quan điểm khác nhau về tư
cách chủ thể của nó. Một số quốc gia công nhận và cho rằng thực thể này là quốc gia.
Ngược lại, một số quốc gia sẽ không công nhận thực thể này là quốc gia vì cho rằng thực
thể đó vẫn chưa thực sự độc lập.
Công nhận trong luật quốc tế là một hành vi pháp lý - chính trị của quốc gia công nhận
đối với thực thể được công nhận nhằm xác nhận sự tồn tại và với mục đích xác lập quan hệ
quốc tế đối với một thành viên mới trên nhiều lĩnh vực khác nhau trong sinh hoạt của cộng
đồng quốc tế.
Như vậy, hành vi công nhận là hành vi độc lập, phụ thuộc và ý chí đơn phương của bên
công nhận đối với bên được công nhận nhằm phục vụ cho lợi ích chính trị và các lợi ích
khác của bên công nhận. Do đó, hành vi công nhận không tạo ra tư cách chủ thể của thực

20
thể mới của luật quốc tế mà nó chỉ có ý nghĩa trong mối quan hệ giữa bên công nhận và
bên được công nhận mà thôi.
Trong khoa học luật quốc tế hiện nay, có các loại công nhận như : Công nhận quốc gia
mới, công nhận chính phủ mới, công nhận người đứng đầu chính phủ mới…
2. Các hình thức công nhận trong luật quốc tế
Trong thực tiễn quan hệ quốc tế, có ba hình thức công nhận phổ biến là công nhận « de
jure », công nhận « de facto » và công nhận « ad-hoc ». Tuy nhiên, không có một hình thức
nào được áp dụng thống nhất cho mọi trường hợp cũng như luật quốc tế không bắt buộc chủ
thể công nhận phải sử dụng hình thức cụ thể nào để công nhận cả. Điều đó có nghĩa là nếu
quyết định công nhận thì chủ thể công nhận có toàn quyền quyết định trong việc lựa chọn trong
số các hình thức trên để công nhận một thực thể khác.
a. Công nhận “de jure”
Công nhận de jure là hình thức công nhận chính thức ở mức độ đầy đủ nhất và toàn
diện nhất. Đây là hình thức công nhận minh thị, công khai và được thể hiện bằng một ý chí
rõ ràng của bên công nhận đối với bên được công nhận. Do đó, ở hình thức này, chủ thể
công nhận luôn luôn bày tỏ một thái độ rất cương quyết, rõ ràng và mong muốn được thiết
lập mối quan hệ nhiều mặt với thực thể được công nhận. Các phương thức được sử dụng
trong hình thức công nhận này là việc gửi công điện chúc mừng sự thành lập, ủng hộ thực thể
này vào làm thành viên của các tổ chức quốc tế…
Kết quả của hình thức công nhận này là các bên thường thiết lập mối quan hệ nhiều
mặt, đầy đủ với nhau, trong đó có mối quan hệ về ngoại giao.
- Công nhận "de facto"
Đây là cũng hình thức công nhận chính thức, rõ ràng nhưng phạm vi và mức độ không
đầy đủ như công nhận « de jure ». Ở hình thức này, sự công nhận chỉ thể hiện về mặt pháp
lý là chủ yếu. Thực thể công nhận chỉ thể hiện thái độ đối với bên được công nhận chứ ít
khi thể hiện ra bên ngoài bằng những hành động cụ thể. Do đó, quan hệ giữa hai bên trong
hình thức công nhận de facto chỉ được hình thành ở mức độ quan hệ quá độ để tiến lên
quan hệ toàn diện. Kết quả là các bên chỉ có thể thiết lập với nhau thường ở mức độ quan
hệ lãnh sự mà thôi.
- Công nhận ad-hoc
Công nhận ad-hoc là hình thức công nhận đặc biệt, không theo một trình tự thủ tục
chung nào. Việc công nhận này mang tính chất riêng biệt phụ thuộc vào vụ việc cụ thể của
sự công nhận. Do đó, việc công nhận này chỉ phát sinh trong một phạm vi lĩnh vực nhất
định và nhằm một mục đích nhất định mà thôi và khi thực hiện xong mục đích đó thì quan
hệ giữa hai bên sẽ chấm dứt. Hình thức công nhận này thường được sử dụng khi các bên
chưa thể áp dụng các hình thức công nhận chính thức nói trên. Phương thức công nhận
thông thường được thể hiện ở việc viếng thăm và làm việc của phái đoàn của quốc gia, của
người đứng đầu các cơ quan chuyên môn liên quan…
3. Hệ quả pháp lý của sự công nhận
Trong khoa học luật quốc tế, có hai quan điểm khác nhau về hệ quả pháp lý của sự
công nhận. Có quan điểm cho rằng sự công nhận tạo ra tư cách chủ thể của luật quốc tế bởi
thuyết cấu thành. Đây là học thuyết của các nhà khoa học tư sản nhằm sáng lập ra chủ thể
của luật quốc tế, họ đưa ra quan điểm như sau: Sự công nhận chính thức từ các chủ thể
công nhận là cơ sở duy nhất để quốc gia mới được thành lập có thể trở thành chủ thể của
luật quốc tế, và là một thành viên độc lập trong cộng đồng quốc tế.

21
Do đó, theo thuyết này thì một quốc gia không thể trở thành chủ thể của luật quốc tế
nếu không được ít nhất một quốc gia khác công nhận nó.
Theo quan điểm của thuyết cấu thành thì chủ thể của luật quốc tế phải được sáng lập ra
bởi những chủ thể đã và đang tồn tại chứ một thực thể sẽ không tự nhiên trở thành chủ thể
mặc dù nó có đầy đủ các yếu tố cấu thành nên chủ thể.
Ngược lại, có quan điểm lại cho rằng sự công nhận không tạo ra tư cách chủ thể của
luật quốc tế mà chỉ mang tính tuyên bố sự có mặt của một thực thể mới trong quan hệ quốc
tế mà thôi. Quan điểm thứ hai này dựa trên thuyết tuyên bố và được sử dụng trong khoa
học luật quốc tế ngày nay. Học thuyết này cũng là học thuyết của các luật gia tư sản và nó
ra đời muộn hơn so với thuyết cấu thành. Như vây, theo thuyết tuyên bố thì việc công nhận
chỉ là sự thể hiện nội dung của chính sách đối ngoại của chủ thể công nhận đối với thực thể
khác trong quan hệ quốc tế. Do đó, trước khi quyết định công nhận một đối tượng nào đó
thì các quốc gia đều phải cân nhắc kỹ về lợi ích của chính quốc gia mình và lợi ích của
nhân dân thế giới. Nhìn chung, điểm tiêu biểu của sự công nhận theo thuyết tuyên bố thể
hiện hai chức năng cơ bản sau: Thứ nhất là công nhận khẳng định quy chế của đối tượng
được công nhận; Thứ hai là công nhận tạo điều kiện thuận lợi để các bên thiết lập những
quan hệ nhất định với nhau.
4. Các thể loại công nhận cơ bản
Các thực thể mới xuất hiện hoặc mới thay đổi chế độ chính trị, lãnh đạo…thì làm phát
sinh sự công nhận của quốc gia khác trong quan hệ quốc tế để thuận lợi hơn cho họ trong
các hoạt động và mục đích ngoại giao…
a. Công nhận quốc gia mới
Công nhận quốc gia mới là việc thừa nhận thêm một thành viên mới trong quan hệ quốc
tế và thành viên này sẽ là một quốc gia có chủ quyền đầy đủ tương tự như các các quốc gia
khác đang tồn tại trong cộng đồng quốc tế.
Như vậy, khi một quốc gia mới ra đời thì các quốc gia trên thế giới có thể thể hiện sự
công nhận của mình nếu muốn thiết lập quan hệ với quốc gia mới này. Thông thường, quốc
gia mới được ra đời trong những trường hợp sau đây:
+ Do hành vi chiếm cứ lãnh thổ vô chủ : Quốc gia mới được hình thành do một nhóm
người hoặc một dân tộc phát hiện ra những vùng đất mới, vô chủ và thực hiện quyền chiếm
cứ trên một vùng đất này. Từ đó, họ thành lập nên quốc gia ở vùng đó. Có thể khẳng rằng
đây là cách cổ điển mà các quốc gia được hình thành trong lịch sử. Hình thức thành lập
quốc gia mới này chỉ xuất hiện phổ biến trước thế kỷ XIX. Hiện nay, cách thức thành lập
này hầu như không xuất hiện nữa.
+ Quốc gia mới được hình thành do kết quả của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc làm
xuất hiện một quốc gia của dân tộc được độc lập và có chủ quyền. Trường hợp này khá phổ
biến ở Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ La Tinh trong thời kỳ sau chiến tranh thế giới lần thứ
hai. Các dân tộc thuộc địa đứng lên đấu tranh giành độc lập. Kết quả giải phóng dân tộc
thành công và dân tộc đó sẽ thành lập một quốc gia độc lập trong quan hệ quốc tế.
+ Quốc gia mới được hình thành do kết quả của sự phân tách quốc gia đang tồn tại
thành nhiều quốc gia. Ví dụ, một quốc gia liên bang tách ra thành nhiều quốc gia mới. Do
đó, quốc gia mới được thiết lập theo chế độ chính trị, kinh tế - xã hội mới một cách độc lập.
+ Quốc gia mới được hình thành do sự hợp nhất các quốc gia đang tồn tại thành một
quốc gia theo chế độ chính trị, kinh tế - xã hội mới.

22
Như vậy, khi một quốc gia được hình thành trong các trường hợp nêu trên thì những
quốc gia còn lại có thể công nhận bằng cách gủi công hàm chúc mừng, tuyên bố trên các
phương tiện thông tin về việc chúc mừng sự thành lập quốc gia mới, cử phái đoàn nhà nước
đến viếng thăm và làm việc, ký kết điều ước quốc tế…
- Công nhận chính phủ mới
Công nhận Chính phủ mới được đặt ra khi có một chính phủ mới lên cầm quyền do kết
quả của một cuộc đảo chính hoặc một nguyên nhân nào đó theo quy định của pháp luật
trong nước của quốc gia đó.
Sự công nhận chính phủ mới được thể hiện ở hai hình thức chính phủ mới : Chính phủ
« de jure » và chính phủ « de facto ».
Chính phủ « de jure » là chính phủ được thành lập hợp hiến, hợp pháp với quốc gia có
chính phủ mới. Tuy nhiên, luật quốc tế không điều chỉnh loại chính phủ này vì đây là chính
phủ hợp pháp. Ngược lại, chính phủ « de facto » là một chính phủ được thành lập mới hoàn
toàn không theo quy định của quốc gia đang tồn tại. Ví dụ như cuộc đảo chính nội bộ quốc
gia để giành chính quyền, cuộc chiến nội bộ của các đảng phái dẫn đến thay đổi nhà cầm
quyền của quốc gia đó…Có thể nói, trong trường hợp này, chính phủ mới hình thành trái
với quy định của Hiến pháp của quốc gia. Có nghĩa là không thông qua bầu cử, bổ nhiệm
theo đúng trình tự, thủ tục theo luật của quốc gia đó quy định. Tuy nhiên, chính phủ này
vẫn được luật pháp quốc tế công nhận trong thực tiễn quốc tế và được gọi là chính phủ « de
facto ». Tuy nhiên, chính phủ « de facto » nay muốn được luật quốc tế hay các chủ thể khác
của luật quốc tế công nhận thì chính phủ đó phải dựa trên nguyên tắc hữu hiệu. Có nghĩa là
phải có các điều kiện sau đây:
- Phải được đông đảo quần chúng nhân dân tự nguyện, tự giác ủng hộ;
- Phải có năng lực để duy trì quyền lực của một quốc gia trong một thời gian dài;
- Phải có khả năng kiểm soát toàn bộ hoặc phần lớn lãnh thổ quốc gia một cách độc
lập và tự chủ, tự quản lý được mọi công việc của đất nước;
Như vậy, để một chính phủ « de facto » được luật quốc tế công nhận trong ban giao
quốc tế thì yêu cầu đặt ra cho một thực thể tồn tại phải hội đủ ba điều kiện nêu trên mới có
thể được công nhận.
- Công nhận các dân tộc đang đấu tranh giành độc lập
Có thể nói đây là sự công nhận “quốc gia” đang trong giai đoạn hình thành. Thật ra,
việc công nhận đối tượng này chỉ được đặt ra khi một dân tộc nào đó hội đủ ba điều kiện
của một chủ thể là : Đang bị áp bức ; Đứng lên đấu tranh để giải phóng dân tộc nhằm tiến
tới thành lập một quốc gia độc lập của dân tộc; Có cơ quan lãnh đạo của mình.
Việc công nhận phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc có nghĩa là việc công nhận tổ
chức đại diện của dân tộc đó. Hay nói cách khác, đó là sự công nhận một dân tộc đang tiến
dần thiết lập quốc gia mới.
Mục đích của công nhận này sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi để các dân tộc đang
đấu tranh giành độc lập dễ dàng thực hiện quyền năng chủ thể của mình trong sinh hoạt
quốc tế.
Thực tiễn quốc tế cho thấy thể loại này được hình thành trong các trường hợp sau:
+ Một quốc gia có nội chiến, dẫn đến xuất hiện một đại diện cho phong trào đấu tranh
giải phóng dân tộc. Đây là một cuộc chiến nhằm mục đích giành quyền lợi cho mình và cho

23
dân tộc mình. Có thể nhận thấy rằng trong trường hợp này, thực tế tồn tại hai nhóm người :
bên tham chiến và bên khởi nghĩa;
+ Một nhóm người chiến đấu vì lợi ích của một quốc gia đệ tam nào đó (hiện nay,
trường hợp này ít khi được chấp nhận trong sinh hoạt quốc tế)
- Công nhận "Chính phủ lưu vong"
Công nhận chính phủ lưu vong có ý nghĩa rất lớn về lý luận cũng như thực tiễn. Một
chính phủ lưu vong muốn được công nhận thì chính phủ đó phải hợp với ý dân, được nhân
dân trong nước mà chính họ lãnh đạo trước đấy ủng hộ.
Mục đích của việc công nhận chính phủ lưu vong là khuyến khích, thúc đẩy các chính
phủ lưu vong nổi dậy tiếp tục lãnh đạo nhân dân trong nước
IV. Vấn đề kế thừa của quốc gia trong luật quốc tế
1. Khái niệm về kế thừa của quốc gia trong luật quốc tế
Từ điển Luật Quốc tế 1982 đã nêu ra định nghĩa như sau “sự kế thừa của quốc gia là sự
chuyển dịch các quyền và nghĩa vụ của một quốc gia này cho một quốc gia khác”. Đồng
thời, trong Dự thảo Công ước Vienne 1978 và Dự thảo Công ước Vienne 1983 cũng đã
định nghĩa rằng: “sự kế thừa của quốc gia là thuật ngữ dùng để chỉ sự thay thế của một
quốc gia này cho một quốc gia khác trong việc gánh chịu những trách nhiệm về quan hệ
quốc tế đối với một lãnh thổ nào đó.”
2. Đặc điểm về sự kế thừa của quốc gia trong luật quốc tế
- Về cơ sở phát sinh: Sự kế thừa của quốc gia được đặt ra trong trường hợp có sự
thay đổi triệt để và là biến cố chính trị lớn xảy ra làm “chao đảo” thế giới đương đại phù
hợp với quy luật khách quan của xã hội, thỏa mãn những yêu cầu của luật pháp quốc tế
hiện đại, đặc biệt là nguyên tắc dân tộc tự quyết.
- Đối tượng kế thừa là các quyền và nghĩa vụ quốc tế, đặc biệt là các đối tượng của
quốc gia trước đó thuộc về ai. Ví dụ như : lãnh thổ, tài sản, quốc tịch, điều ước quốc tế ,
các hồ sơ lưu trữ và công nợ tồn tại trước đó và các vấn đề liên quan khác.
- Chủ thể của quan hệ kế thừa: Là những thực thể liên quan, bao gồm thực thể để lại
kế thừa và quốc gia nhận kế thừa.
3. Các trường hợp kế thừa của quốc gia
- Sự kế thừa trong trường hợp do chuyển dịch lãnh thổ
Khi có sự thay đổi lớn về lãnh thổ phù hợp với luật quốc tế hiện đại hoặc chuyển
nhượng lãnh thổ, sáp nhập một phần lãnh thổ của quốc gia này vào quốc gia khác theo các
điều ước quốc tế…thì người ta thường áp dụng nguyên tắc di chuyển đường biên giới quốc
gia theo thỏa thuận giữa các bên hữu quan.
Về cơ bản, phần lãnh thổ sẽ có những thay đổi nhất định. Có thể lãnh thổ quốc gia được
mở rộng thêm và cũng có thể lãnh thổ quốc gia sẽ bị thu hẹp lại hoặc cũng có thể xảy ra
trường hợp chỉ thay đổi vị trí nhưng diện tích không đổi.
Sự thay đổi nêu trên dẫn đến sự thay đổi giá trị pháp lý của các văn bản đang có hiệu
lực trên phần lãnh thổ trước đó. Tuy nhiên, các vấn đề có liên quan khác về kế thừa sẽ được
giải quyết thông qua việc ký kết những điều ước quốc tế cụ thể giữa các bên hữu quan.
- Sự kế thừa trong trường hợp quốc gia mới được hình thành do thực hiện phong
trào giải phóng dân tộc

24
Khi một quốc gia mới có được hành thành trên cơ sở phong trào giải phóng dân tộc thì
họ có thể được độc lập hoàn toàn khỏi sự đô hộ trước đó hoặc chỉ có thể là một phần diện
tích được thoát khỏi sự đô hộ và lập nên được quốc gia mới. Nếu đã là quốc gia mới, vấn
đề kế thừa được xác lập cho họ như sau:
- Đối với lãnh thổ: Quốc gia mới kế thừa phần diện tích mà phong trào giải phóng cai
quản hoặc họ cũng có thể thỏa thuận với quốc gia đô hộ trước đó về diện tích nếu như chưa
được độc hoàn toàn khỏi quốc gia đô hộ;
- Đối với tài sản: Quốc gia mới kế thừa động sản và bất động sản trên phần diện tích
mà mình thiết lập chính quyền mới. Ngoài ra, họ cũng có thể yêu cầu quốc gia đô hộ trao
trả hoặc bồi thường những tài sản mà bị cướp lấy hoặc chiếm giữ do kết quả của hành vi
bóc lột nhân dân thuộc địa trước đó;
- Đối với dân cư: Quốc gia mới kế thừa số dân cư tham gia đấu tranh cho việc giải
phóng dân tộc và dân cư đang sinh sống trên phần diện tích mà thiết lập chính quyền mới;
- Đối với điều ước quốc tế và trách nhiệm quốc tế: Quốc gia mới không nhất thiết
phải kế thừa.
Đối với việc kế thừa quy chế thành viên tại các tổ chức quốc tế phổ cập thì luật quốc tế
chưa có quy định. Tuy nhiên, trên thực tiễn thì Liên hiệp quốc đã chấp nhận và kết nạp các
quốc gia mới giành được độc lập này vào tổ chức của mình.
- Trường hợp do cuộc cách mạng xã hội của chính quốc gia dẫn đến sự xuất hiện
một chính quyền mới thay thế chính quyền trước đây
Trong trường hợp này thuật ngữ quốc gia về địa lý không đổi, mà chỉ thay đổi về mặt
bản chất chính trị. Tất nhiên, chính sự thay đổi về mặt chính trị đó dẫn đến vấn đề kế thừa
phải được đặt ra rằng nên hay không nên kế thừa.
- Đối với lãnh thổ: Chính quyền mới của quốc gia được kế thừa toàn bộ lãnh thổ của
chính quyền trước đó điều hành;
- Đối với tài sản: Tư tượng như lãnh thổ, chính quyền mới của quốc gia được kế thừa
toàn bộ từ chính quyền trước đó quản lý;
- Đối với dân cư: Chính quyền mới của quốc gia được kế thừa toàn bộ số dân sinh
sống trên lãnh thổ đang tồn tại;
- Đối với Điều ước quốc tế: Thông thường trong thực tiễn, chính quyền mới của quốc
gia sẽ tuyên bố huỷ bỏ những điều ước quốc tế bất bình đẳng, mang tính chất nô dịch...và
kế thừa những điều ước quốc tế được ký kết trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện nhằm
phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác quốc tế. Ngoài ra, họ cũng có thể kế thừa các khoản nợ
về xây dựng kinh tế của chính quyền trước để lại. Điều này cho thấy chính quyền của quốc
gia mới có thể áp dụng nguyên tắc chọn lọc, hoặc xoá sạch, hay kết hợp cả hai nguyên tắc;
- Trách nhiệm quốc tế, kể cả vấn đề liên quan đến tổ chức quốc tế khác: Quốc gia
mới có quyền áp dụng nguyên tắc xóa sạch hay nguyên tắc chọn lọc, hoặc kết hợp giữa hai
nguyên tắc. Điều này xuất phát từ nguyên tắc chủ quyền và bình đẳng giữa các quốc gia,
nên quốc gia sẽ có toàn quyền quyết định vấn đề cho mình.
- Trường hợp do cuộc cách mạng xã hội dẫn đến sự hợp nhất một số quốc gia
đang tồn tại thành một quốc gia mới
Trong trường hợp này có thể có một quốc gia liên bang xuất hiện trên cơ sở một gia
đang tồn tại tiếp nhận thêm phần diện tích lãnh thỗ, dân cư, tài sản, trách nhiệm khác từ

25
một số quốc gia khác hoặc là một số quốc gia hợp lại thành quốc gia liên bang. Chính sự
thay đổi này dẫn đến hệ quả pháp lý nhất định đó là vấn đề kế thừa sẽ được đặt ra:
+ Đối với lãnh thổ: Quốc gia mới (liên bang) kế thừa toàn bộ lãnh thổ từ các quốc gia
tồn tại trước đó;
+ Đối với tài sản: Quốc gia mới (liên bang) kế thừa toàn bộ từ các quốc gia tồn tại trước
đó;
+ Đối với dân cư: Quốc gia mới (liên bang) kế thừa toàn bộ số dân mang quốc tịch của
các quốc gia trước đó;
+ Trách nhiệm quốc tế, kể cả vấn đề liên quan đến tổ chức quốc tế khác: Quốc gia mới
(liên bang) có quyền áp dụng nguyên tắc xóa sạch, hoặc nguyên tắc chọn lọc, hay kết hợp
giữa hai nguyên tắc.
+ Đối với việc kế thừa quy chế thành viên tại các tổ chức quốc tế thì luật quốc tế chưa
có quy định. Tuy nhiên, trong thực tiễn quan hệ quốc tế những năm gần đây cho thấy Liên
hiệp quốc đã thừa nhận quyền kế thừa quy chế thành viên của quốc gia mới.
+ Đối với điều ước quốc tế: Sẽ không được giải quyết một cách rõ ràng. Về nguyên tắc
thì chủ thể mới (quốc gia liên bang) không có cơ sở pháp lý để từ chối. Bởi vì những điều
ước này đã được các chủ thể trước đây ký kết trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng. Tuy vây,
trên thực tế, chúng ta thấy các chủ thể mới thường không thừa kế các điều ước về liên minh
quân sự và các điều ước không phù hợp với lợi ích của quốc gia liên bang mới. Còn đối với
những điều ước quốc tế khác như những điều ước quốc tế mang tính chất phổ cập, mang
tính hữu nghị, biên giới, giao thông...thì quốc gia mới kế thừa. Như vậy, các điều ước quốc
tế do các quốc gia trước đó đã ký kết mà đang có hiệu lực thì điều ước đó vẫn có hiệu lực
trên lãnh thổ cũ trước đây hoặc cũng có thể có hiệu lực trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia liên
bang nếu như quốc gia liên bang mới đồng ý, trừ hai truờng hợp sau: Việc áp dụng điều
ước đó sẽ mâu thuẫn với mục đích và nguyên tắc cơ bản của quốc gia liên bang mới;
Những điều kiện để thực hiện điều ước đó hoặc những điều kiện để cho điều ước đó có
hiệu lực đã thay đổi hoàn toàn do kết quả của việc hợp nhất hay kết quả của những hoàn
cảnh khách quan ngoài ý muốn của các bên.
- Kế thừa do cuộc cách mạng xã hội dẫn đến sự phân tách quốc gia đang tồn tại
thành nhiều quốc gia mới
Trong trường hợp này, vấn đề kế thừa sẽ được phân chia khá phức tạp.
+ Đối với lãnh thổ: Từng quốc gia mới được kế thừa phần diện tích mà chính quyền
mình cai quản;
+ Đối với tài sản: Từng quốc gia mới được kế thừa động sản và bất động sản trên phần
diện tích mà chính quyền mình cai quản;
+ Đối với dân cư: Từng quốc gia mới sẽ kế thừa số dân đang sinh sống trên phần diện
tích mà mình cai quản;
+ Trách nhiệm quốc tế: Sẽ được phân chia theo tỷ lệ hợp lý cho từng quốc gia mới.
+ Đối với việc kế thừa quy chế thành viên tại các tổ chức quốc tế thì Luật Quốc tế chưa
có quy định, nhưng trong thực tiễn quan hệ quốc tế được thừa nhận từng quốc gia mới có
thể được kết nạp, và nếu một quốc gia nào đó vẫn tiếp tục duy trì chính sách tương tự như
trước đó thì họ sẽ được tiếp tục kế thừa quy chế thành viên tại tổ chức quốc tế.
+ Đối với hồ sơ, tài liệu: thường tài liệu sẽ được phục chế lại và trích ra những phần
liên quan cho quốc gia hữu quan;

26
+ Đối với điều ước quốc tế: nếu chúng đang còn có hiệu lực thi hành thì vẫn có hiệu lực
đối với các quốc gia kế thừa, trừ khi việc thi hành điều ước quốc tế đó nó mâu thuẫn với
những mục đích và nguyên tắc của những quốc gia mới thành lập hay những điều kiện,
hoàn cảnh cần thiết để điều ước quốc tế đó có hiệu lực đã thay đổi hoàn toàn.

27
BÀI 4

DÂN CƯ TRONG LUẬT QUỐC TẾ


I. Quốc tịch trong luật quốc tế
Chế định quốc tịch có vai trò rất lớn trong luật quốc tế, đặc biệt là trong việc xác định
được sự ổn định của dân cư quốc gia - một trong các điều kiện để một thực thể trơ thành
một quốc gia độc lập.
1. Khái niệm quốc tịch
Khái niệm quốc tịch chỉ xuất hiện trong thời kỳ Tư bản chủ nghĩa. Nó xuất hiện cùng
với tư tưởng tiến bộ của cách mạng tư sản. Từ khi có sự xuất hiện của chế định quốc tịch
thì địa vị pháp lý của con người có nhiều tiến bộ. Bởi vì vào thời kỳ chiếm hữu nô lệ thì chỉ
có các chủ nô mới thực sự được coi là con người có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ.
Trong xã hội phong kiến thì tình trạng nhân quyên được cải thiện hơn nhưng các thành
viên trong xã hội cũng chỉ được coi là các thần dân của các vị vua chúa. Trong giai đoạn
chủ nghĩa tư bản thì sự công bằng về hình thức đã được xác lập đối với mọi người và nhân
dân của một quốc gia đã được coi là người có quốc tịch của quốc gia đó.
Quốc tịch là mối quan hệ pháp lý chính trị giữa một thể nhân với một nhà nước nhất
định. Mối quan hệ này biểu hiện bằng tổng hợp các quyền và nghĩa vụ của người đó đối
với nhà nước. Tất nhiên, những quyền và nghĩa vụ này sẽ do nhà nước quy định.
Quốc tịch là hiện tượng pháp lý mang tính giai cấp rõ rệt và sâu sắc. Trong từng chế độ,
từng nhà nước, từng giai đoạn phát triển của lịch sử thì chế định quốc tịch có thể khác nhau
tùy thuộc vào ý chí của giai cấp thống trị. Nếu trong các chế độ chiếm hữu nô lệ, phong
kiến hay tư bản chủ nghĩa chỉ có giai cấp thống trị mới có đầy đủ các quyền tự do, bình
đẳng, chân chính thì trong chế độ xã hội chủ nghĩa, mọi công dân đều bình đẳng với nhau
về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa...Vì vậy, mối quan hệ giữa công dân và nhà nước xã
hội chủ nghĩa là mối quan hệ khắng khít, bền vững và tự giác.
Mối quan hệ pháp lý giữa công dân và nhà nước là mối quan hệ hai chiều. Có nghĩa là
công dân thì cần nhà nước trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng còn nhà nước thì
cần công dân để đảm bảo các điều kiện cấu thành quốc gia, để góp phần ổn định, gìn giữ và
bảo vệ đất nước...
2. Vấn đề hưởng quốc tịch
Trên cơ sở chủ quyền quốc gia, các nước có quyền quy định những trường hợp nào
được hưởng quốc tịch, thay đổi quốc tịch và mất quốc tịch của quốc gia mình. Do đó, ở
mỗi quốc gia khác nhau, có những quy định về cách thức và điều kiện hưởng quốc tịch
khác nhau trong luật của nước mình. Nhìn chung, theo pháp luật quốc tịch của các nước
trên thế giới hiện nay thì thực tế đã có những cách thức hưởng quốc tịch như sau: Hưởng
quốc tịch theo sự sinh đẻ, hưởng quốc tịch theo sự gia nhập, hưởng quốc tịch theo sự lựa
chọn quốc tịch và hưởng quốc tịch do được thưởng quốc tịch.
- Hưởng quốc tịch theo sự sinh đẻ
Đây là cách thức hưởng quốc tịch phổ biến nhất. Có hai nguyên tắc hưởng quốc tịch
theo sự sinh đẻ đó là nguyên tắc huyết thống và nguyên tắc nơi sinh.
Theo nguyên tắc huyết thống thì đứa trẻ sinh ra sẽ có quốc tịch theo cha, mẹ chứ không
phụ thuộc vào nơi sinh. Có nghĩa là nếu cha mẹ của đứa trẻ có quốc tịch nào thì đứa trẻ có
quốc tịch đó, bất kể đứa trẻ đó được sinh ra ở đâu.

28
Theo nguyên tắc nơi sinh thì đứa trẻ sinh ra ở nơi nào thì sẽ có quốc tịch của quốc gia
nơi được sinh ra, không phụ thuộc vào quốc tịch của cha, mẹ.
Chúng ta thấy hai nguyên tắc nếu trên hoàn toàn trái ngược nhau. Do vậy, trên thực tế
đã có nhiều đứa trẻ sinh ra không có quốc tịch của quốc gia nào hoặc có thể có nhiều quốc
tịch cùng một lúc.
Đây là trường hợp xung đột pháp luật về quốc tịch giữa các quốc gia với nhau. Ngày
nay, các nước đã và đang tiến hành hợp tác với nhau trên cơ sở các điều ước quốc tế để giải
quyết tình trạng này.
- Hưởng quốc tịch theo sự gia nhập
Hưởng quốc tịch theo sự gia nhập là việc một người được nhận quốc tịch của một quốc
gia nhất định theo ý chí của người đó bằng hình thức xin nhập quốc tịch.
Đây là hình thức hưởng quốc tịch cần phải có sự thống nhất, đồng ý giữa một bên là
đương sự và một bên là quốc gia cho hưởng quốc tịch trên tinh thần tự nguyện.Bởi vì pháp
luật của hầu hết các nước trên thế giới đều có những quy định về điều kiện để những người
không có quốc tịch và những người có quốc tịch của nước khác được gia nhập quốc tịch
của nước mình.
Ví dụ: Theo Luật quốc tịch Mỹ năm 1952 thì những người muốn gia nhập quốc tịch Mỹ
phải có những điều kiện sau: Từ 18 tuổi trở lên; Đã sinh sống ở Mỹ từ 5 năm trở lên; Biết
tiếng Anh; Không phải là kẻ thù của chế độ Mỹ hiện hành.
Ở Việt Nam, điều kiện để nhập quốc tịch Việt Nam được quy định tại điều 20 Luật
quốc tịch Việt Nam năm 1998. Theo đó, công dân nước ngoài và người không có quốc tịch
đang thường trú ở Việt Nam nếu có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam thì có thể được nhập
quốc tịch Việt Nam nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau: Có năng lực hành vi dân sự đầy
đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam; Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, tôn
trọng truyền thống, phong tục và tập quán của Việt Nam; Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập
vào cộng đồng xã hội Việt Nam ; Đã thường trú tại Việt Nam từ năm năm trở lên; Có khả
năng bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu người nước ngoài là vợ, chồng, con, cha hoặc mẹ của công dân Việt
Nam; có công trong việc đóng góp trong việc xây dựng và bảo vệ nhà nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc có lợi cho nhà nước Việt Nam thì sẽ được miễn các điều kiện
về ngôn ngữ, thời hạn cư trú và điều kiện kinh tế nêu trên.
- Hưởng quốc tịch theo sự lựa chọn
Trên thực tiễn quan hệ quốc tế, có nhiều trường hợp các quốc gia thỏa thuận việc
chuyển nhượng, trao đổi một bộ phận lãnh thổ quốc gia của mình cho quốc gia khác. Khi
đó, một bộ phận dân cư trên vùng lãnh thổ đó sẽ có sự thay đổi về quốc tịch. Tuy nhiên, để
đảm bảo quyền có quốc tịch và nguyên tắc quốc tịch là ổn định đối với cá nhân thi các quốc
gia hữu quan thỏa thuận với nhau là tạo điều kiện cho dân cư trên vùng này có thể tự lựa
chọn quốc tịch cho mình. Có nghĩa là trong một thời gian nhất định thi bộ phận dân cư này
sẽ quyết định là vẫn giữ quốc tịch cũ hay nhận quốc tịch mới phù hợp với nguyên tắc cơ
bản của luật quốc tế.
- Hưởng quốc tịch theo sự trở lại quốc tịch
Trở lại quốc tịch là việc khôi phục lại quốc tịch của một người đã mất quốc tịch. Vấn
đề trở lại quốc tịch thuờng được đặt ra đối với những người trước đây đã từng có quốc tịch
của quốc gia nhưng ví lý do nào đó họ không còn quốc tịch của quốc gia đó nữa và họ
muốn trở lại quốc tịch cũ của mình.

29
Ở Việt Nam, việc trở lại quốc tịch được quy định tại điều 21 Luật quốc tịch năm 1998.
Theo đó, công dân Việt Nam bị mất quốc tịch Việt Nam nếu có đơn xin trở lại quốc tịch
Việt Nam thì có thể trở lại quốc tịch Việt Nam nếu có một trong các điều kiện sau đây: Xin
hồi hương về Việt Nam; Có vợ, chồng, con, cha mẹ là công dân Việt Nam; Có công lao
đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ nhà nước Việt Nam; Có lợi cho nhà nước cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Hưởng quốc tịch do được thưởng quốc tịch
Thưởng quốc tịch là hành vi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của một quốc gia
công nhận người nước ngoài có công trạng lớn đối với nước mình là công dân nước mình
trên cơ sở đồng ý của người đó.
Ngoài các trường hợp nếu trên, ngày nay, trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình có yếu tố
nước ngoài cũng xãy ra các trường hợp hưởng quốc tịch khác nhau như: Hưởng quốc tịch
do kết hôn với công dân nước ngoài, hưởng quốc tịch do làm con nuôi cho người nước
ngoài, hưởng quốc tịch của người chua thành niên khi cha, mẹ thay đổi quốc tịch...
3. Vấn đề mất quốc tịch, không quốc tịch và có hai quốc tịch
- Vấn đề mất quốc tịch
Mất quốc tịch là tình trạng pháp lý của một người không còn quốc tịch của mình nữa.
Trong thực tiễn quốc tế, việc mất quốc tịch của một người thường xảy ra do các nguyên
nhân như: bị tước quốc tịch, đương nhiên mất quốc tịch, thôi quốc tịch cũ nhưng chưa nhận
được quốc tịch mới.
+ Mất quốc tịch do bị tước quốc tịch
Tước quốc tịch là việc mất quốc tịch của một người trên cơ sở quyết định của cơ quan
nhà nước có thẩm quyền theo các điều kiện mà pháp luật của nước đó quy định. Do đó,
việc tước quốc tịch không phụ thuộc vào ý chí của người bị tước quốc tịch mà do ý chí của
nhà nước tước quốc tịch trên cơ sở đảm bảo an ninh quốc gia, quyền con người và tuân thủ
các nguyên tác cơ bản của luật quốc tế.
Đa số các nước chỉ quy định việc tước quốc tịch công dân khi công dân đó vi phạm luật
pháp quốc gia một cách nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh, uy tín của quốc gia.
Ví dụ: Điều 25 Luật quốc tịch Việt Nam quy định: “Công dân Việt Nam cư trú ở nước
ngoài có thể bị tước quốc tịch Việt Nam nếu có hành động gây phương hại đến nền độc lập
dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
+ Đương nhiên mất quốc tịch
Đây là trường hợp mất quốc tịch mặc nhiên, không phụ thuộc vào ý chí của người mất
quốc tịch mà do họ không rơi vào tình trạng mất quốc tịch theo luật của quốc gia mà họ là
công dân. Ví du: tự động mất quốc tịch khi nhập quốc tịch nước ngoài, phụ nữ có chồng
nước ngoài...
Ở Việt Nam, vấn đề đương nhiên mất quốc tịch được quy định tại Điều 19, 26 và 28
Luật quốc tịch Việt Nam năm 1998.
+ Mất quốc tịch do việc xin thôi quốc tịch
Đây là việc mất quốc tịch phụ thuộc vào ý chí của người xin thôi quốc tịch. Nguyên
nhân là do họ có quốc tịch nước ngoài, định cư ở nước ngoài...nên họ muốn xin thôi quốc
tịch cũ để thuận tiện trong việc nhập quốc tịch mới hoặc cho việc làm ăn, sinh sống ơ nước
ngoài.

30
- Vấn đề không quốc tịch
Không quốc tịch là tình trạng pháp lý của một người không mang quốc tịch của quốc
gia nào cả.
Nguyên nhân của tình trạng này là có thể do được thôi quốc tịch cũ nhưng chưa đượng
nhập quốc tịch mới hoặc do xung đột về pháp luật quốc tịch giữa các quốc gia trong việc
xác lập quốc tịch của đứa trẻ mới sinh ra.
- Vấn đề hai hay nhiều quốc tịch
Hai quốc tịch là tình trạng pháp lý của một người cùng một lúc mang hai hay nhiều
quốc tịch của hai hay nhiều quốc gia khác nhau. Nguyên nhân cũng giống như tình trạng
không quốc tịch là do xung đột pháp luật về quốc tịch hoặc do cá nhân nhận quốc tịch mới
mà chưa thôi quốc tịch cũ hoặc do pháp luật của một số quốc gia vẫn thừa nhận tình trạng
công dân của họ có thể có hai hay nhiều quốc tịch.
Theo Luật quốc tịch Việt Nam, trong tình trạng một người mà trên thực tế có hai hay
nhiều quốc tịch thì nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thừa nhận công dân Việt
Nam chỉ có 1 quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
II. Bảo hộ ngoại giao
1. Khái niệm
Bảo hộ ngoại giao là hành vi pháp lý của một quốc gia tiến hành bảo hộ công dân và
pháp nhân của mình trước cơ quan nhà nước ở nước ngoài.
Bảo hộ ngoại giao được thực hiện theo hai nghĩa : Theo nghĩa hẹp thì bảo hộ ngoại giao
là hành vi bảo hộ của nhà nước đối với công dân và pháp nhân của mình trước cơ quan nhà
nước có thẩm quyền của nước ngoài khi quyền và nghĩa vụ của công dân và pháp nhân
nước mình bị xâm phạm ở nước ngoài. Khi một công dân hoặc pháp nhân của quốc gia
tham gia vào các quan hệ pháp luật và phải đối diện với các cơ quan nhà nước có thẩm
quyền ở nước ngoài thì quyền và lợi ích của họ theo quy định của pháp luật của quốc gia
được áp dụng giải quyết sẽ được bảo hộ thông qua hệ thống các cơ quan quan hệ đối ngoại
của quốc gia ở nước ngoài.
Theo nghĩa rộng, bảo hộ ngoại giao được hiểu là hành vi giúp đỡ của nhà nước đối với
công dân và pháp nhân nước mình ở nước ngoài về mọi mặt.
Ở Việt Nam, quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam ở nước ngoài sẽ được nhà
nước Việt Nam bảo hộ theo quy định tại Điều 5 của Luật quốc tịch Việt Nam năm 1998.
2. Thẩm quyền và hình thức bảo hộ ngoại giao
Việc bảo hộ ngoại giao thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước của quốc gia mà người
đó là công dân. Do đó, cơ quan nhà nước của một quốc gia bao gồm cơ quan có thẩm
quyền trong nước và cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài.
Việc cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền bảo hộ ngoại giao đối với công dân và pháp
nhân của mình là do pháp luật của nước đó quy định. Điều này thể hiện nguyên tắc chủ
quyền quốc gia và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau trong quan hệ
quốc tế. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia đều giao nhiệm vụ này cho Bộ ngoại giao và cơ
quan quan hệ đối ngoại ở nước ngoài như Đại sứ quán, Lãnh sự quán…
Trong quá trình thực hiện quyền bảo hộ ngoại giao, các quốc gia có thể thực hiện nhiều
biện pháp bảo hộ đa dạng khac nhau như hỗ trợ, giúp đỡ trong các thủ tục hánh chính, tư
pháp và phức tạp hơn có thể là bảo hộ trứơc tòa án của quốc gia khác, của quốc tế hoặc sử

31
dụng các biện pháp kinh tế, chính trị…nhằm tác động đến quốc gia xâm phạm đến công
dân nước mình.
Thông thường, tuỳ vào hình thức, mức độ vi phạm mà các nước tiến hành bảo hộ theo
những cách khác nhau. Biện pháp đầu tiên có thể sử dụng là biện pháp ngoại giao thông
qua đàm phán, thỏa thuận, trung gian, hòa giải. Ngoài ra, các nước có thể sử dụng các biện
pháp trừng phạt kinh tế hoặc trừng phạt ngoại giao đối với nước vi phạm. Còn đối với
những hành vi vi phạm ít nghiêm trọng mang tính thủ tục hoặc các biện pháp tư pháp thì
các quốc gia thường sử dụng biện pháp đại diện, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước
có thẩm quyền nước ngoài xem coi có hợp hiến, hợp pháp của quốc gia nước ngoài đó hay
không….
Tuy nhiên, một điều kiện đặt ra là việc các quốc gia sử dụng các biện pháp bảo hộ cũng
phải tuân thủ theo những nguyên tắc và quy phạm pháp lý quốc tế.
III. Chế độ pháp lý của người nước ngoài
Người nước ngoài cũng là một bộ phận dân cư của một quốc gia. Tuy nhiên, bộ phận
này chiếm tỷ lệ rất ít so với công dân của quốc gia. Trong quan hệ quốc tế, sự tồn tại của
người nước ngoài trên lãnh thổ quốc gia cũng là nguyên nhân dẫn đến sự hợp tác, thiết lập
các quan hệ giữa các quốc gia với nhau. Những chế độ, chính sách của một quốc gia đối
với người nước ngoài trên lãnh thô của họ nói lên mức độ hợp tác và ban giao của quốc gia
trên trường quốc tế.
1. Khái niệm về người nước ngoài
Người nước ngoài là người không có quốc tịch của quốc gia sở tại.
Định nghĩa nêu trên được hầu hết các quốc gia sử dụng, trong đó có Việt Nam.
Người nước ngoài có nhiều loại căn cứ vào các tiêu chí khác nhau. Nếu căn cứ vào thời
gian cư trú thì có người nước ngoài thường trú và người nước ngoài tạm trú. Nếu căn cứ
vào quốc tịch thì có người nước ngoài có quốc tịch và người nước ngoài không quốc tịch.
Nếu căn cứ vào quy chế pháp lý thì có người nước ngoài hưởng quy chế thông thường,
người nước ngoài hưởng quy chế ngoại giao và người nước ngoài hưởng quy chế theo các
điều ước quốc tế cụ thể.
2. Các chế độ pháp lý của người nước ngoài
Chế độ pháp lý của người nước ngoài là tổng hợp các yếu tố về quyền năng chủ thể, hệ
thống các quyền và nghĩa vụ pháp lý và các lợi ích hợp pháp của người nước ngoài trên
lãnh thổ của quốc gia sở tại.
Hay nói cách khác, tổng hợp các quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài trên lãnh thổ
của một quốc gia được gọi là chế độ pháp lý của người nước ngoài trên lãnh thổ của quốc
gia đó.
Việc quy định các quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài trên lãnh thổ của mình là
thuộc chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối của quốc gia trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế
và các nguyên tắc cơ bản của pháp luật trong nước trong trường hợp không có quy phạm
pháp lý quốc tế điều chỉnh. Cụ thể, nếu không có thỏa thuận giữa các quốc gia và không
trái với các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế thì quốc gia có toàn quyền trong việc cho
người nước ngoài hưởng những quyền và phải thực hiện những nghĩa vụ gì trên lãnh thổ
của quốc gia minh.
Ví dụ: Ví dụ tại Việt Nam, đối với người nước ngoài là viên chức ngoại giao thì quyền
và nghĩa vụ của họ sẽ căn cứ vào Công ước năn 1961 về quan hệ ngoại ngoại giao vì Việt

32
Nam chúng ta là thành viên của Công ước. Do đó khi quy định về quyền và nghĩa vụ cho
đối tượng này (cụ thể trong Pháp lệnh về quyền ưu đãi và miễn trừ đối với cơ quan đại diện
ngoại giao, cơ quan lãnh sự và các tô chức quốc tế tại Việt Nam năm 1993) thì Việt Nam
phải căn cứ vào Công ước nói trên và không được trái với Công ước nói trên. Mặc khác,
đối với những đối tượng người nước ngoài khác nhập cảnh vào Việt Nam theo dạng phổ
thông (du lịch, thăm thân nhân...) mà Việt Nam và quốc gia của họ không có ký kết một
thỏa thuận nào cả thì Việt Nam có quyền quy định trong pháp luật của nước mình về quyền
và nghĩa vụ của họ trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế.
Theo pháp luật và thực tiễn của các nước trên thế giới, khi xây dựng những quy phạm
pháp luật về các quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài, các quốc gia thường dựa trên cơ
sở của các chế độ như: Chế độ đãi ngộ quốc dân, chế độ tối huệ quốc, chế độ đãi ngộ đặc
biệt, chế độ có đi có lại và chế độ báu phục quốc.
- Chế độ đãi ngộ quốc dân (chế độ đối xử quốc gia, chế độ đãi ngộ quốc gia, chế dộ
đối xử quốc dân)
Chế độ đãi ngộ như công dân là chế độ mà một quốc gia cho phép người nước ngoài
hưởng những quyền và nghĩa vụ tương ứng, ngang bằng với công dân nước mình trong
những quan hệ xã hội nhất định.
Ví dụ: Việt Nam quy định cho người nước ngoài hưởng chế độ đãi ngộ như công dân
thì người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam sẽ được hưởng những quyền và nghĩa vụ
tương đương với công dân Việt Nam.
Tuy nhiên, để đảm bảo chủ quyền quốc gia và quyền, lợi ích của người nước ngoài thì
quốc gia có thể không cho người nước ngoài hưởng những quyền và thực hiện những nghĩa
vụ giống như công dân của nước mình. Ví dụ, các quyền bấu cử, ứng cử, trở thành công
chức...
Căn cứ vào những lý luận nêu trên, chế độ đãi ngộ như công dân có các đặc điểm sau:
+ Nói lên quan hệ bình đẳng giữa người nước ngoài và công dân nước sở tại
+ Luôn mang tính hạn chế
+ Thuộc chủ quyền của quốc gia, thông thường là hành vi đơn phương của một quốc
gia.
Ví dụ: Bộ Luật dân sự Việt Nam quy định : “Người nước ngoài có năng lức pháp luật
dân sự tại Việt Nam như công dân Việt Nam, trừ trường hợp bộ luật này và các văn bản
pháp luật khác của Việt Nam quy định khác”. Như vậy, về nguyên tắc, Việt Nam đơn
phương cho người nước ngoài hưởng chế độ như công dân mà không cần phải có sự thỏa
thuận nào với các quốc gia hữu quan.
- Chế độ tối huệ quốc (chế độ đối xử không kém phần thuận lợi hơn)
Chế độ tối huệ quốc là chế độ mà theo đó nước này dành cho công dân và pháp nhân
của nước kia những quyền và ưu đãi không kém phần thuận lợi hơn dành cho công dân và
pháp nhân của bất kỳ quốc gia thứ ba nào trong lĩnh vục hợp tác kinh tế, thương mại và
hàng hải quốc tế.
+ Đặc điểm của chế độ tối huệ quốc:
Thể hiện sự bình đẳng giữa những cá nhân, pháp nhân nước ngoài với nhau trên lãnh
thổ của nước sở tại;
Ví dụ: Tổ chức thương mại thế giới, khi tham gia thì các quốc gia thành viên buộc phải
cho các quốc gia thành viên khác chế độ tối huệ quốc nhằm trách sự phân biệt giữa những

33
bạn hàng ở các nước khác nhau trên cùng một lãnh thổ, tạo điều kiện thúc đẩy giao lưu hợp
tác kinh tế, thương mại...
+ Đây là chế độ đãi ngộ thông thường phải qua sự thỏa thuận giữa các quốc gia;
Trên tinh thần hợp tác quốc tế đôi bên cùng có lợi, thực tiễn cho thấy các quốc gia đều
áp dụng chế độ tối huệ quốc theo kiểu “có qua có lại”. Hay nói các khác, các nước thường
áp dụng chế độ tối huệ quốc có điều kiện. Như vậy, để đảm bảo quyền lợi cho quốc gia,
pháp nhân và công dân của mình, các nước phải tiến hành cam kết bằng một điều ước quốc
tế nhằm ràng buộc quyền và nghĩa vụ với nhau trong việc đối xử tối huệ quốc.
Ví dụ: Điều 1, Hiệp định thương mại Việt - Mỹ quy định: “Mỗi bên dành ngay lập tức
và vô điều kiện cho hàng hóa có xuất xứ hoặc được khấu trừ vào lãnh thổ cua bên kia sự
đối xử không kém phần thuận lợi hơn sự đối xử dành cho hàng hóa tương tự có xuất xứ tại
hoặc được xuất khẩu từ lãnh thổ của bất kỳ nước thứ 3 nào trong tất cả các vấn đề liên quan
đến mọi loại thuế, phương thức thanh toán, thủ tục xuất nhập khẩu...”.
+ Thường mang tính hại chế trong một hoặc một số lĩnh vực nhất định và phụ thuộc
vào điều kiện, hoàn cảnh thực tế của quốc gia áp dụng.
Thực tế cho thấy, chế độ tối huệ quốc chỉ được các quốc gia thỏa thuận áp dụng trong
lĩnh vực thương mại và hàng hải. Có nghĩa là chũ yếu được áp dụng đối các thủ tục hải
quan, thuế, giá cả... của hàng hóa những bạn hàng nước ngoài nhập khẩu vào lãnh thổ của
nước sở tại. Ví dụ: Tổ chức thương mại thế giới (WTO hay OMC), chế độ tối huệ quốc chủ
yếu áp dụng đối với hàng hoá của các cá nhân, pháp nhân nước ngoài nhập khẩu vào quốc
gia thành viên khác.
Tuy nhiên, trên thực tế, chế độ tối huệ quốc không được áp dụng đối với các quốc gia
có chung đường biên giới, khu vực kinh tế hay có hiệp định kinh tế riêng lẻ, song phương.
Đây là những trường hợp ngoại lệ của chế độ tối huệ quốc mà các quốc gia thường áp
dụng. Tổ chức thương mại thế giới cũng không ngoại lệ.
Tóm lại, mục đích cơ bản của việc các nuớc dành cho nhau chế độ tối huệ quốc là nhằm
xóa bỏ sự phân biệt đối xử của một nước đối với các bạn hàng khác nhau về quốc tịch,
nhằm tạo cơ hội và điều kiện ngang nhau trong quan hệ kinh tế thương mại và hàng hải cho
tất cả các đối tác của một quốc gia. Vì vậy, bản thân việc các nước dành cho nhau chế độ
tối huệ quốc có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác
thương mại, khoa học – công nghệ và văn hóa giữa các nước trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.
- Chế độ đãi ngộ đặc biệt
Chế độ đãi ngộ đặc biệt là chế độ mà nước sở tại cho phép một hoặc một nhóm người
nước ngoài được hưởng các quyền và ưu đãi đặc biệt nhất định mà những người nước
ngoài khác hoặc thậm chí ngay cả công dân trong nước vẫn không được hưởng.
Các ưu tiên, ưu đãi, đặc quyền này thường được quy định trong luật của mỗi quốc gia
cũng như trong các điều ước quốc tế.
Ví dụ: Theo Công ước năm 1961 về quan hệ ngoại giao và Công ước năm 1963 về quan
hệ lãnh sự của Liên hiệp quốc thì mỗi nước thành viên phải dành cho thành viên của cơ
quan đại diên ngoại giao, cơ quan lãnh sự trên lãnh thổ của mình những quyền ưu đãi và
miễn trừ theo công ước để đảm bảo cho việc thực hiện công vụ của họ. Đó là những quyền
ưu đãi về thuế, nhà ở, bảo hiểm xã hội...và quyền miễn trừ tư pháp. Như vậy, tất cả những
quyền nói trên thì người nước ngoài không hưởng quy chế ngoại giao và ngay cả công dân
của quốc gia sở tại ũng không được hưởng. Ví dụ cụ thể: Một công dân Việt Nam và một
viên chức ngoại giao nước ngoài cùng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự bị bắt

34
quả tang nhưng chỉ có công dân Việt Nam mới bị bắt giam, truy tố, xét xử còn viên chức
ngoại giao thì lại được hưởng quy chế đãi ngộ đặc biệt. Trong trường hợp này, viên chức
được hưởng quyền miễn trừ tư pháp. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam
không có quyền bắt gia, truy tố, xét xử viên chức này.
Như vậy, tại Việt Nam, những người nào sẽ được hưởng theo quy chế đãi ngộ đặc
biệt?. Đó là những người hưởng theo quy chế ngoại giao, lãnh sự, theo các hiệp định riêng
lẻ giữa Việt Nam và và các nước, những nhà đầu tư nước ngoài...
Việc một quốc gia dành cho một hoặc một số nhóm người nước ngoài hưởng chế độ đãi
ngộ đặc biệt là nhằm tạo điều kiện để học thực hiện những chức năng, nhiệm vụ của mình
với tư cách đại diện cho nhà nước của họ hoặc nhằm thu hút đầu tư, tăng cường phát triển
kinh tế và vì lợi ích của quốc gia.
- Chế độ có đi có lại
Chế độ có đi có lại là chế độ mà một quốc gia chỉ cho phép công dân, pháp nhân nước
ngoài hưởng những quyền và nghĩa vụ nhất định trên lãnh thổ của mình khi các quốc gia
của những người đó cho công dân và pháp nhân của họ những quyền và nghĩa vụ tương tự
như vậy.
Ví dụ: Trong quan hệ thương mại quốc tế, theo Pháp lệnh đối xử quốc gia và pháp đối
xử tối huệ quốc trong thương mại quốc tế của Việt Nam, thì Việt Nam chỉ cho người nước
ngoài và pháp nhân nước ngoài hưởng chế độ đãi ngộ như công dân và đãi ngộ tối huệ
quốc khi quốc gia của họ cho công dân và pháp nhân của Việt Nam hưởng chế độ này.
Chế độ này thể hiện sự phát triển khách quan thực tại của thế giới ngày nay trong mối
tương quan phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia. Việc cũng cố, tăng cường và thiết lập
quan hệ kinh tế, khao học kỹ thuật, văn hóa và các quan hệ khác giữa các quốc gia trên thế
giới sẽ không thể có được nếu như nó không được xây dựng trên cơ sở nền tảng của chế độ
có đi có lại.
Mỗi nước có một chế độ pháp lý nhất định dành riêng cho thể nhân và pháp nhân nước
ngoài. Chế độ có đi, có lại dựa trên nguyên tắc là một quốc gia dành một chế độ háp lý nhất
định cho thể nhân và pháp nhân nước ngoài tương ứng với chế độ pháp lý mà nước bên kia
đối xử với công dân và pháp nhân nước mình.
- Chế độ báo phục quốc
Chế độ này xuất phát từ chế độ có đi có lại. Báo phục quốc có nghĩa là các biện pháp
trả đũa. Nếu như một quốc gia nào đó đơn phương sử dụng những biện pháp hoặc có những
hành vi gây tổn hại, thiệt hại cho quốc gia khác hoặc công dân, pháp nhân của quốc gia
khác thi chính quốc gia bị thiệt hại hoặc có công dân, pháp nhân bị thiệt hại có quyền sử
dụng những biện pháp tương tư như vậy để áp dụng đối với quốc gia gây thiệt hại.
Ví dụ: Mỹ đột ngột tăng giá nhập khẩu thép lên gấp 30 lần, gây ảnh hưởng nghiêm
trọng đến các doanh nghiệp của Nga và các nước sản xuất và xuất khẩu thép sang thị
trường Mỹ. Một số nước thực hiện biện pháp trả đủa bằng cách cấm nhập khẩu sản phẩm
thịt gà của Mỹ làm gây ảnh hưởng đến các nhà chăn nuôi và sản xuất của Mỹ.
Mục đính của biện pháp báo phục quốc là nhằm khôi phục lại trật tự pháp luật đã bị vi
phạm và được coi như là một trong những biện pháp nhằm để đảm bảo thực thi pháp luật
và các thỏa thuận của các quốc gia.
IV. Quyền cư trú chính trị trong luật quốc tế

35
Cư trú chính trị là hành vi của một cá nhân cư trú trên lãnh thổ của một quốc gia
khác trên cơ sở đồng ý của quốc gia đó với lý do là cá nhân này có những hoạt động và
hành vi bất đồng quan điểm chính trị, tôn giáo…với quốc gia mà họ là công dân và bị quốc
gia này truy đuổi.
Quyền cho cư trú chính trị này là một trong những nội dung của luật quốc tế nhằm bảo
vệ quyền con người. Đây là quyền tuyệt đối của quốc gia dựa trên cơ sở chủ quyền và nhân
đạo. Để được cư trú chính trị trên lãnh thổ của quốc gia khác thì buộc phải có sự đồng ý
của quốc gia tiếp nhận. Quốc gia tiếp nhận có quyền cho hay không cho một cá nhân cư trú
chính trị trên lãnh thổ của quốc gia mình. Việc cho hay không cho cư trú chính trị là chủ
quyền của quốc gia. Do đó, quốc gia cho cư trú không cần phải có sự đồng ý của các quốc
gia liên quan.
Tuy nhiên, khi quyết định cho cư trú chính trị thì quốc gia cho cư trú phải có nghĩa vụ
bảo vệ người này trước việc truy đuổi của quốc gia mà họ là công dân. Quốc gia cho cư trú
có quyền không dẫn độ người cư trú chính trị trả về cho nước của họ là công dân. Do đó,
nếu quốc gia truy nã yêu cầu quốc gia cho cư trú trục xuất hoặc dẫn độ cá nhân này về
nước của họ thì quốc gia cho cư trú có quyền từ chối.
Tuy nhiên, để đảm bảo tránh việc lạm dụng quyền cho cư trú chính trị này để can thiệp
vào công việc nội bộ của quốc gia khác và chứa chấp những cá nhân có hành vi phá hoại
hoà bình, an ninh thế giới, Liên hiệp quốc đã có Tuyên bố về cư trú lãnh thổ được thông
qua ngày 14/2/1967. Theo đó, « quyền cư trú chính trị cần được trao cho những người đấu
tranh chống chủ nghĩa thực dân. Các nước cần phải giúp đỡ những người này để họ có thể
nhập cảnh, không trục xuất, cưỡng chế họ trở về nước mà họ đang bị truy nã. Các nươc
không được trao quyền cư trú cho những kẻ phạm tội ác quốc tế, trước hết là tội ác chống
hòa bình và tội ác chính tranh. Các nước phải đảm bảo an ninh cho người cư trú chính trị
trên lãnh thổ của mình ».
Ở Việt Nam, quyền cư trú chính trị được quy định trong Hiến pháp của Việt Nam 1992.
Theo đó, những người được quyền cư trú chính trị là những người nước ngoài bị truy nã vì
bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động, vì hoạt động khoa học và sự tiến bộ của nhân loại…
Như vậy, người cư trú chính trị có những quyền sau:
Người cư trú chính trị được hưởng tất cả các quyền và nghĩa vụ như người nước ngoài
khác trên lãnh thổ của quốc gia sở tại. Họ được bảo vệ, không bị trục xuất và dẫn độ về
nước. Họ không buộc phải nhập quốc tịch quốc gia cho cư trú…

36
BÀI 5

LUẬT ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

I. Khái niệm điều ước quốc tế và luật điều ước quốc tế


Điều ước quốc tế là nguồn cơ bản của luật quốc tế. Do đó, khi xây dựng điều ước quốc
tế, các chủ thể phải tuân theo những trình tự thủ tục rất chặt chẽ. Nếu không, điều ước đó sẽ
không có hiệu lực và không thể trở thành cơ sở pháp lý trong quan hệ quốc tế giữa các bên.
1. Khái niệm điều ước quốc tế
Điều ước quốc tế là cơ sở pháp lý quốc tế và là nguồn rất quan trọng của luật quốc tế
được hình thành trên cơ sở thỏa thuận của các chủ thể nhằm để xác định quyền và nghĩa vụ
của các bên tham gia điều ước và trong một số trường hợp nhất định nó có thể xác định
quyền và nghĩa vụ của bên thứ ba.
Theo Điều 2, Công ước Vienne 1969 về Luật điều ước quốc tế của LHQ thì “Điều ước
quốc tế là tất cả các thỏa thuận quốc tế được ký kết bằng văn bản giữa các quốc gia, và
được điều chỉnh bằng luật pháp quốc tế. Nó có thể được thể hiện trong văn kiện duy nhất,
hoặc hai hay nhiều văn kiện có mối quan hệ với nhau và chúng không phụ thuộc vào một
tên gọi riêng nào cả”
Như vậy, điều ước quốc tế phải là những thỏa thuận giữa các chủ thể của luật quốc tế
và phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế. Điều ước quốc tế có nhiều tên gọi
khác nhau. Chúng có thể là Hiến chương, Hiệp định, Công ước, Hiệp ước, Nghị định thư…
Như vậy, điều ước quốc tế là thỏa thuận pháp lý giữa các chủ thể của luật quốc tế trên
cơ sở tự nguyện và bình đẳng, nhằm xác lập, thay đổi hay chấm dứt các quyền và nghĩa vụ
đối với nhau trong quan hệ quốc tế, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế
hiện đại.
2. Khái niệm về luật điều ước quốc tế
Luật điều ước quốc tế là tổng thể các nguyên tắc, các quy phạm pháp lý quốc tế điều
chỉnh về trình tự, thủ tục xây dựng và xác lập điều ước quốc tế cũng như các điều kiện hợp
pháp và vấn đề hiệu lực của chúng đối với các chủ thể trong quan hệ quốc tế.
Hiện nay, các nguyên tắc và quy phạm pháp lý đó được ấn định chủ yếu trong Công
ước Vienne 1969 của LHQ và thực tiễn pháp luật của các quốc gia. Đối với Việt Nam,
ngoài thông lệ quốc tế và Công ước nêu trên, Việt Nam đã ban hành Luật ký kết, gia nhập
và thực hiện điều ước quốc tế ngày 14/6/2005 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2006).
II. Hình thức của điều ước quốc tế
1. Tên gọi của điều ước quốc tế
Thuật ngữ “điều ước quốc tế” là một thuật ngữ chung, dùng để gọi các văn kiện pháp lý
quốc tế được ký kết giữa hai hay nhiều chủ thể của luật quốc tế. Trong thực tiễn, tùy theo
tính chất của từng văn bản mà điều ước quốc tế có những tên gọi khác nhau như sau:
- Hiến chương: Thông thường là điều ước quốc tế nhằm mục đích xây dựng nên một tổ
chức quốc tế;
- Hiệp định: Thông thường là điều ước quốc tế song phương trong một lĩnh vực nhất
định.
- Hiệp ước: Thông thường là điều ước quốc tế liên quan đến biên giới, lãnh thổ

37
- Công ước: Thông thường là điều ước quốc tế đa phương toàn cầu
Ngoài ra, điều ước quốc tế còn có nhiều tên gọi khác như: Hoà ước, Tuyên bố, Thỏa
ước, Cam kết, Nghị định thư, Thoả thuận sơ bộ,…
Theo pháp luật Việt Nam, tên gọi của điều ước quốc tế được quy định tại Điều 2, Luật
Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế ngày 14/6/2005 của nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam, cụ thể như sau:
“Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập là
thỏa thuận bằng văn bản được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh
Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với một hoặc nhiều quốc gia, tổ
chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp
ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao
đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác.”
2. Cơ cấu, hình thức tồn tại và ngôn ngữ của điều ước quốc tế
a. Cơ cấu của điều ước quốc tế: Thông thường, điều ước quốc tế gồm ba phần chính,
đó là: Lời nói đầu; nội dung của điều ước quốc tế và điều khoản cuối cùng của điều ước
quốc tế.
+ Phần lời nói đầu: Đây là phần đầu của văn kiện pháp lý. Phần này không chia ra
thành chương, điều, khoản cụ thể mà chỉ là những căn cứ và lý do cho sự tồn tại của điều
ước. Nội dung của phần này thường đề cập đến lý do, mục đích, và nguyên tắc của điều
ước quốc tế…
+ Phần nội dung của điều ước quốc tế: Đây là phần chính của điều ước. Phần này xác
định quyền và nghĩa của các bên và được ghi nhận tại các chương, điều, khoản cụ thể.
+ Phần cuối của điều ước quốc tế: Phần này thường đề cập đến các điều kiện để điều ước
có hiệu lực, thời điểm bắt đầu và kết thúc hiệu lực, vấn đề bảo lưu, giải thích và trình tự, thủ tục
sửa đổi bổ sung, bảo quản và các phụ lục đính kèm,…
b. Hình thức tồn tại của điều ước quốc tế
Hiện tại, không có văn bản pháp lý quốc tế nào quy định buộc các bên tham gia điều
ước phải sử dụng ngôn ngữ của quốc gia nào cả. Vấn đề xác định ngôn ngữ cho điều ước
được quyết định bởi chính các thành viên tham gia đàm phán, ký kết điều ước. Tuy nhiên,
trên thực tế, các quốc gia thường sử dụng ngôn ngữ cho điều ước quốc tế của mình tham
gia theo quy tắc sau:
- Đối với điều ước quốc tế song phương: Ngôn ngữ của cả hai bên ký kết sẽ được sử
dụng trong văn kiện pháp lý. Bên cạnh đó, trong thực tiễn ký kết, một ngôn ngữ thứ ba nào
đó cũng có thể được hai bên thỏa thuận để làm chuẩn trong việc giải thích các vấn đề liên
quan nếu như quan điểm của hai bên chưa nhất quán với nhau. Tuy nhiên, quy tắc này
không có ý nghĩa bắt buộc. Do đó, hai bên có thể sử dụng bất kỳ ngôn ngữ nào để làm ngôn
ngữ cho điều ước quốc tế của mình.
- Đối với điều ước quốc tế đa phương: Các bên có thể thỏa thuận thống nhất một hoặc
một số ngôn ngữ trong điều ước của mình. Tuy nhiê, đối với các điều ước đa phương có
tính phổ cập thì được các quốc gia thoả thuận sử dụng một hoặc một số ngôn ngữ làm việc
chính thức của Liên hiệp quốc như: Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha,
tiếng Trung Quốc và tiếng Ả Rập.
III. Trình tự, thủ tục ký kết điều ước quốc tế
Điều ước quốc tế đước ký kết thông qua các trình tự, thủ tục sau:

38
1. Đàm phán : Các bên sẽ tiến hành bàn luận về nội dung của vấn đề được quan tâm.
2. Soạn thảo : Các bên sẽ cùng soạn thảo hoặc giao cho một bên soạn thảo (rồi trao đổi
thống nhất) về nội dung của vấn đề được quan tâm. Đối với điều ước đa phương thì các bên
thường lập ra Ủy ban soạn thảo bao gồm đại diện của các bên hoặc một số bên để tiên hành
soạn thảo.
3. Thông qua : Các bên sẽ thông qua nội dung của bản thảo. Trình tự này được tiến
hành bằng một Hội nghị toàn thể, hoặc cách khác được các bên tán thành thể hiện bằng
việc bỏ phiếu hoặc biểu quyết.
4. Ký :Các bên sẽ tiến hành ký các điều khoản đã được thông qua. Điều này có nghĩa
rằng các bên nhất trí đối với điều khoản của văn bản cam kết. Tuy nhiên, điều ước quốc tế
vẫn có thể chưa có hiệu lực vì luật quốc tế quy định giá trị pháp lý của từng hình thức ký.
Cụ thể như sau:
+ Ký tắt: Là hình thức mà đại diện của các bên tham gia tiến hành ký để xác nhận rằng
văn bản đã được thỏa thuận thông qua. Tuy nhiên, sau khi ký tắt thì văn bản điều ước quốc
tế đó vẫn chưa phát sinh hiệu lực. Bởi vì bản thân chúng chưa phải là văn kiện pháp lý.
+ Ký Ad Refredum: Là hình thức mà các vị đại diện ký với điều kiện có sự đồng ý tiếp
sau của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật trong nước. Ở hình thức ký
này, nếu được cơ quan có thẩm quyền của các bên tỏ rõ ý tán thành với nội dung văn bản
thì không nhất thiết phải ký đầy đủ nữa (ký chính thức).
+ Ký đầy đủ (ký chính thức): Là việc ký của các vị đại diện toàn quyền được ủy nhiệm
ký vào văn bản. Với hình thức này, nếu điều ước quốc tế được ký không có quy định những
thủ tục khác như phê chuẩn hay phê duyệt thì sau khi ký văn bản sẽ có hiệu lực theo quy
định trong văn bản.
5. Phê chuẩn hoặc phê duyệt: Các bên sẽ tiến hành phê chuẩn hoặc phê duyệt văn bản
đã được ký nếu điều ước quốc tế yêu cầu phải có thủ tục phê chuẩn hoặc phê duyêt. Khi thủ
tục này được tiến hành xong thì văn bản đã phê chuẩn hoặc phê duyệt sẽ có hiệu lực thi
hành.
+ Phê chuẩn điều ước quốc tế: Là hoạt động của cơ quan có thẩm quyền chính thức xác
nhận văn bản có hiệu lực đối với mình. Thông thường các điều ước quốc tế đề cập đến vấn
đề hòa bình, an ninh biên giới, lãnh thổ quốc gia, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân,
về tương trợ tư pháp...là những văn kiện cần phải được phê chuẩn. Thẩm quyền phê chuẩn
do pháp luật của mỗi quốc gia quy định. Thông thường, thẩm quyền phê chuẩn được các
quốc gia xác định là các cơ quan quyền lực, người có thẩm quyền cao nhất của nhà nước
như: Nguyên thủ quốc gia, Quốc hội, Nghị viện
Một số điều ước quốc tế song phương lại quy định thêm thủ tục trao đổi thư phê chuẩn.
Khi đó, sau khi phê chuẩn, các bên phải tiến hành trao đổi thư phê chuẩn. Thông thường lễ
trao đổi thư phê chuẩn được tiến hành tại thủ đô của bên mà tại đó không được tiến hành ký
kết. Đối với điều ước quốc tế đa phương thì sau khi phê chuẩn, bên phê chuẩn phải gủi cho
quốc gia bảo quản điều ước để quốc gia này thông báo đến các bên có liên quan về hành vi
phê chuẩn này.
+ Phê duyệt điều ước quốc tế: Là hành vi của cơ quan có thẩm quyền (thường là cơ
quan hành pháp) biểu hiện sự nhất trí với nội dung của điều ước.
Tượng tự như phê chuẩn, trường hợp nào cần được tiến hành phê duyệt là do pháp luật
của quốc gia quy định. Theo pháp luật Việt Nam, những điều ước cần phải được phê duyệt

39
là những điều ước được ký với danh nghĩa Chính phủ và có điều khoản quy định phải được
phê duyệt.
6. Bảo lưu điều ước quốc tế: Đây là một thủ tục rất đặc biệt được tiến hành bởi chủ
thể tham gia đàm phán, ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế. Mục đích của hành vi bảo
lưu là nhằm loại trừ hiệu lực của một hoặc số điều khoản của điều ước đối với mình.
Trường hợp này có thể xảy ra đối với điều ước quốc tế đa phương, cho phép bảo lưu và
điều ước quốc tế không đề cập về việc bảo lưu.
7. Gia nhập điều ước quốc tế
Trường hợp này chỉ xảy ra đối với những điều ước quốc tế đa phương cho phép gia
nhập. Đây là hành vi nhằm ràng buộc hiệu lực của điều ước quốc tế đang có hiệu lực vào
mình của các chủ thể. Tất nhiên, bên xin gia nhập phải tiến hành đàm phán với đại diện của
điều ước quốc tế đã được ký kết và nếu như được chấp nhận, thì bên xin gia nhập sẽ trở
thành thành viên của điều ước quốc tế đó.
IV. Hiệu lực của điều ước quốc tế
1. Điều kiện có hiệu lực của điều ước quốc tế
Điều ước quốc tế muốn có hiệu lực thì phải đáp ứng được các điều kiện sau:
- Phải được ký kết trên cơ sở bình đẳng và tự nguyện;
- Phải phù hợp với pháp luật quốc tế, và pháp luật quốc gia của các bên về thẩm
quyền và trình tự, thủ tục ký kết;
- Nội dung của điều ước phải phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của Luật Quốc tế
hiện đại.
2. Thời gian và không gian có hiệu lực của điều ước quốc tế
a. Thời gian có hiệu lực của điều ước quốc tế
Là khoảng thời gian điều ước quốc tế đó có hiệu lực như bắt đầu, kết thúc hiệu lực của
điều ước. Trên thực tế, thời gian có hiệu lực của điều ước quốc tế được quy định trong văn
bản điều ước. Các quốc gia có thể xác định thời gian cụ thể, thời điểm bắt đầu, kết thúc
trong điều ước hoặc chỉ xác định thời điểm bắt đầu và đưa ra các trường hợp sự biến mà
điều ước quốc tế hết hiệu lực…
+ Điều ước quốc tế tự động hết hiệu lực trong các trường hợp sau :
- Điều ước quốc tế hết hiệu lực theo thỏa thuận của các thành viên. Theo đó, các
thành viên thỏa thuận xác định tại một điều khoản của điều ước ngày giờ hoặc thời gian cụ
thể để điều ước hết hiệu lực.
- Điều ước quốc tế hết hiệu lực trước thời hạn đã thỏa thuận bởi do các bên đã thực
hiện xong quyền và nghĩa vụ được ghi trong điều ước;
- Điều ước quốc tế hết hiệu lực do một bên hoặc các bên trở thành “bên tham chiến”
trong một cuộc chiến tranh nào đó
+ Điều ước quốc tế hết hiệu lực theo ý muốn của các bên trong các trường hợp sau :
- Hết hiệu lực do sự thỏa thuận của các bên tham gia ;
- Hết hiệu lức do một bên tuyên bố bãi bỏ điều ước quốc tế: Đây là hành vi đơn
phương tuyên bố điều ước đã ký kết sẽ hết hiệu lực đối với mình theo quy định trong điều
ước. Hành động này chỉ hết hiệu lực đối với bên tuyên bố bãi bỏ. Do đó, điều ước quốc tế vẫn

40
tiếp tục có hiệu lực đối với các thành viên còn lại nếu điều ước đó là điều ước quốc tế đa
phương.
- Hết hiệu lực do một bên hủy bỏ điều ước : Hành vi này không được quy định trong
điều ước. Một bên nào đó có thể hủy bỏ điều ước đã được ký kết khi có điều kiện xảy ra
như sau:
+ Khi một bên nào đó chỉ hưởng quyền, nhưng không thực hiện nghĩa vụ của mình;
hoặc
+ Khi một hay nhiều bên vi phạm nghiêm trọng những điều khoản trong điều ước; hoặc
+ Do sự thay đổi của hoàn cảnh, có biến cố bất thường dẫn đến việc không thể thực
hiện được điều ước.
b. Không gian và chủ thể có hiệu lực của điều ước:
Không gian có hiệu lực của điều ước là khoảng không gian, ranh giới lãnh thổ chịu sự
chi phối của điều ước. Khoảng không gia này thường được xác định trong điều ước hoặc
trên cơ sở bản chất, nội dung của điều ước. Chủ thể chịu sự chi phối của điều ước là những
chủ thể hưởng quyền và thực hiện những nghĩa vụ theo điều ước. Thông thường, điều ước
chỉ có hiệu lực đối với các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc
biệt vì an ninh, hòa bình, sự sống còn của nhân loại, quyền con người và những trường hợp
có lợi cho quốc gia thứ ba thì điều ước quốc tế đó có hiệu lực luôn đối với quốc gia thứ ba
không phải là thành viên của điều ước.
V. Vấn đề thi hành và đảm bảo thực hiện điều ước
1. Thi hành điều ước quốc tế
Điều ước quốc tế bắt đầu có hiệu lực, cũng chính là thời điểm để các bên hữu quan triển
khai thi hành chúng theo các điều khoản trong văn kiện. Có nghĩa là lúc mà quyền và nghĩa
vụ của họ sẽ bắt đầu phát sinh trong thực tiễn.
Điều quan trọng được đặt lên hàng đầu, là họ phải có thiện chí thi hành theo tinh thần
của văn kiện. Nếu như họ không triển khai thi hành thì các thỏa thuận ấy chỉ tồn tại trong
văn kiện mà thôi. Khi thực hiện trong thực tiễn sẽ có nhiều vấn đề phát sinh làm cho các
bên hiểu không đúng hoặc hiểu một cách trái ngược nội dung đã được thỏa thuận tại các
điều khoản trong văn kiện. Do đó, tiến trình thực hiện điều ước quốc tế sẽ bị hạn chế.
Chính vì vậy, đòi hỏi phải có sự giải thích thoả mãn, chính xác để cho những thỏa thuận
trong điều ước được thực hiện đúng vá chính xác.
2. Giải thích điều ước quốc tế
Trên thực tế, phương pháp chủ yếu được sử dụng để giải thích đó là: giải thích theo văn
phạm, giải thích theo logic, giải thích theo thực tiễn, và giải thích theo tài liệu trù bị.
- Giải thích quy phạm pháp luật theo văn phạm: Là việc giải thích được tiến hành
trên cơ sở phân tích văn bản, câu văn, nghĩa từ, nguồn gốc của thuật ngữ...
+ Trước hết, chủ thể có trách nhiệm giải thích phải giải thích bằng cách xác định những
danh từ được sử dụng trong văn kiện theo ý nghĩa thông thường của danh từ đó.
+ Nếu quy phạm pháp luật đó có chứa đựng những từ chuyên môn thì chủ thể giải thích
phải định nghĩa rõ những từ chuyên môn đó.
- Giải thích quy phạm pháp luật theo logic: Là giải thích bằng cách phân tích quy
phạm trên cơ sở so sánh các điều khoản tối nghĩa của điều ước với những điều khoản chính
của cùng điều ước đó hoặc so sánh những điều khoản tối nghĩa của điều ước với những điều

41
khoản rõ nghĩa của một văn kiện khác. Sau đó, chủ thể giải thích đối chiếu điều khoản được
giải thích với từng nội dung của điều ước theo một trật tự logic.
- Giải thích quy phạm pháp luật theo thực tiễn: Là giải thích có xem xét những hành
động của các bên ký kết, đặc biệt là trong việc thực hiện điều ước quốc tế.
- Giải thích quy phạm pháp luật theo lịch sử: Là việc giải thích phải được tiến hành
trên cơ sở phân tích tiến trình lịch sử hình thành và thực thi chúng (quan hệ giữa các bên,
và thậm chí phải xem xét bối cảnh thế giới nói chung).
- Giải thích quy phạm pháp luật theo tài liệu trù bị: Là sự giải thích trên cơ sở phân
tích tìm hiểu các tài liệu trù bị khi ký kết như: bản thảo, điện tín...

42
BÀI 6 :

LÃNH THỔ VÀ BIÊN GIỚI QUỐC GIA


I. Lãnh thổ quốc gia
Về mặt pháp lý, căn cứ vào nguyên tắc bình đẳng và chủ quyền quốc gia thì lãnh thổ
quốc gia là bất khả xâm phạm. Không một quốc gia nào được quyền vào lãnh thổ của quốc
gia khác khi chưa được phép của quốc gia có lãnh thổ. Ngoài ra, lãnh thổ quốc gia là cơ sở
vật chất và là điều kiện để một thực thể trở thành một quốc gia trong quan hệ quốc tế.
1. Khái niệm lãnh thổ quốc gia
Lãnh thổ quốc gia là một phần của trái đất và khoảng không gian bao gồm : vùng đất,
vùng nước, vùng trời phía trên, và vùng đất phía dưới thuộc chủ quyền hoàn toàn tuyệt đối
hoặc đầy đủ của quốc gia.
Như vậy, lãnh thổ quốc gia là một trong những bộ phận cấu thành không thể thiếu của
quốc gia. Nó gắn liền với lợi ích chính trị - kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của mỗi
quốc gia và là cơ sở vật chất cho sự tồn tại và phát triển của một quốc gia đồng thời là yếu
tố vật chất quan trọng để thực hiện mối quan hệ của quốc gia với các chủ thể khác khác của
luật quốc tế. Do đó, lãnh thổ quốc gia có ý nghĩa đặc biệt không những cho quốc gia mà
còn cho các chủ thể khác trong sinh hoạt của cộng đồng quốc tế.
2. Các bộ phận cấu thành lãnh thổ quốc gia
Như định nghĩa nêu trên, lãnh thổ của quốc gia được cấu thành bởi các bộ phận sau :
- Vùng đất : Là toàn bộ phần đất liền và các hải đảo thuộc chủ quyền hoàn toàn và
tuyệt đối của quốc gia. Đối với quốc gia quần đảo thì vùng đất sẽ là tập hợp tất cả các đảo
thuộc chủ quyền của quốc gia đó. Đối với quốc gia tiếp giáp với vùng Bắc cực, vùng đất
của quốc gia sẽ bao gồm luôn cả một phần của Bắc cực được xác định theo cách nối từ
đỉnh Bắc cực tới hai điểm mút của biên giới quốc gia tạo thành một hình tam giác.
- Vùng nước : Là toàn bộ vùng nước nằm bên trong đường biên giới quốc gia. Vùng
nước của quốc gia bao gồm các vùng sau đây :
+ Vùng nước nội địa: Vùng này bao gồm toàn bộ phần nước ở các sông, hồ, kênh, rạch
..nằm trong vùng đất hoặc biển nội địa thuộc chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối của quốc
gia.
+ Vùng nước biên giới: Vùng này bao gồm nước sông, hồ, kênh, rạch, biển nội địa
trong khu vực biên giới tiếp liền giữa các quốc gia hữu quan. Về bản chất vùng nước này là
vùng nước nội địa, nhưng do vị trí đặc biệt của chúng nên người ta gọi là vùng nước biên
giới. Trong thực tế, quy chế pháp lý của vùng nước này có những đặc trưng riêng so với
các vùng nước nội địa nói chung.
+ Vùng nước nội thủy: Đây là vùng nước biển với chiều rộng được xác định bởi một
bên là đường cơ sở và một bên là bờ biển của quốc gia ven biển. Vùng nước này có khá
nhiều bộ phận như: các cảng biển, các vũng đậu tàu, vịnh thiên nhiên, vịnh lịch sử, vùng
nước lịch sử...Đối với các quốc gia quần đảo thì vùng nước này là toàn bộ vùng nước nằm
trong đường cơ sở của quốc gia quần đảo.
+ Vùng nước lãnh hải: Vùng này nằm phía ngoài đường cơ sở của quốc gia ven biển,
tiếp liền với nội thủy và cách đường cơ sở một khoảng cách không vượt quá 12 hải lý.

43
- Vùng lòng đất : Vùng lòng đất là toàn bộ phần nằm dưới vùng đất và vùng nước
thuộc chủ quyền của quốc giavà nó được kéo dài đến tận tâm trái đất.
- Vùng trời : Vùng trời là khoảng không gian bao trùm lên vùng đất và vùng nước của
quốc gia. Quốc gia có quyền xác định chủ quyền hoàn toàn và riêng biệt của mình trên
vùng trời trên cơ sở thông lệ quốc tế. Trong thực tiễn, pháp luật của các quốc gia có quy
định độ cao của vùng trời có khác nhau. Một số quốc gia lấy độ cao của quỹ đạo nơi hiện
đang có vệ tinh nhân tạo hoạt động, một số quốc gia xác định độ cao tương đương đô cao
của bầu khí quyển... Đối với Việt Nam, độ cao của vùng trời đã được tuyên bố trong Tuyên
bố về vùng trời ngày 5/6/1984 và Luật Biên giới Quốc gia ngày 17/6/2003.
Ngoài các vùng lãnh thổ tự nhiên như đã nêu trên, lãnh thổ của một quốc gia còn bao
gồm lãnh thổ đối ngoại, các tàu thuyền, các phương tiện bay mang cờ, hoặc dấu hiệu đặc
biệt của quốc gia, các đường cáp, ống dẫn, công trình thiết bị của quốc gia nằm phía ngoài
lãnh thổ quốc gia như các vùng biển quốc tế, vùng Nam cực, khoảng không gian vũ
trụ,...Các bộ phận này còn được gọi với các tên tương ứng như: lãnh thổ đối ngoại, lãnh thổ
bơi, lãnh thổ bay, hay lãnh thổ di động,...
3. Quy chế pháp lý đối với lãnh thổ quốc gia
a. Một số quan điểm về quyền của quốc gia đối với lãnh thổ
Khi nói về quyền của quốc gia đối với lãnh thổ, có nhiều học thuyết khác nhau.
- Thuyết tài vật: Lãnh thổ quốc gia như là đối tượng quyền sở hữu của nhà nước. Do đó,
quốc gia có quyền chiếm hữu, sử dụng, và định đoạt theo ý chí của mình đối với lãnh thổ
quốc gia.
- Thuyết cai trị: Lãnh thổ của quốc gia là khoảng không gian mà trong đó tồn tại quyền
lực của quốc gia. Do đó, quốc gia có quyền cai trị phạm vi lãnh thổ của mình. Thuyết này
cho rằng lãnh thổ không phải là một vật thuộc quyền sở hữu của quốc gia mà nó là khoảng
không gian trong đó chính quyền nhà nước tồn tại và hoạt động. Nói chung, quan điểm của
thuyết này muốn thể hiện rằng nhà nước cai trị trên phạm vi lãnh thổ và không sở hữu lãnh
thổ. Có nghĩa rằng lãnh thổ không phải là vật, mà chỉ là phạm vi cai trị của quốc gia.
- Thuyết thẩm quyền: Lãnh thổ của quốc gia chỉ là khái niệm tương đối. Trong phạm vi
lãnh thổ quốc gia không chỉ tồn tại quyền lực của quốc gia chủ nhà mà còn tồn tại quyền
lực của quốc gia khác. Bởi lẽ, trên lãnh thổ của một quốc gia bao giờ cũng có người nước
ngoài tồn tại, mà những người này ít nhiều gì cũng chịu chi phối bởi quyền lực của những
quốc gia liên quan mà người đó có mặt mang đến cho quốc gia sở tại.
Theo luật quốc tế hiện đại thì quyền tối cao của quốc gia đối với lãnh thổ là một thuộc
tính vốn có và không thể tách rời của quốc gia. Do đó, cần phải xem xét vấn đề lãnh thổ
quốc gia trong mối quan hệ qua lại chặt chẽ về vị trí, vai trò xã hội của nó đối với thực tế
tồn tại của cộng đồng. Nói chung, lãnh thổ quốc là sự thể hiện chủ quyền của quốc gia ở cả
hai phương diện vật chất và quyền lực.
Quyền lực của quốc gia được thực hiện trong phạm vi lãnh thổ, thông qua hệ thống các
cơ quan nhà nước. Không một quốc gia nào khác có thể áp đặt quyền lực của họ trên lãnh
thổ quốc gia này, trừ những hoạt động hợp pháp được quốc gia chủ nhà cho phép.
Lãnh thổ quốc gia đồng thời cũng thuộc quyền sở hữu của quốc gia. Chỉ có quốc gia
mới có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt vấn đề lãnh thổ trên cơ sở phù hợp với sự
lựa chọn và lợi ích của cộng đồng dân cư sống ở đó.
b. Quy chế pháp lý đối với lãnh thổ quốc gia

44
Quy chế pháp lý của lãnh thổ quốc gia là biểu hiện kết hợp giữa hai phương diện đó là
quyền lực của quốc gia và sở hữu của quốc gia đó đới với lãnh thổ.
Theo luật quốc tế hiện đại, quy chế pháp lý đó được thể hiện ở những mặt sau đây:
- Quốc gia có quyền hoàn toàn tự do lựa chọn cho mình một chế độ chính trị, kinh tế,
văn hóa, xã hội phù hợp với nguyện vọng của cộng đồng dân cư sống trên lãnh thổ đó mà
không có sự can thiệp, áp đặt dưới bất kỳ hình thức nào từ phía bên ngoài;
- Quốc gia có quyền tự do lựa chọn phương hướng phát triển của đất nước, thực hiện
cải cách kinh tế - xã hội phù hợp với các đặc điểm của quốc gia. Các quốc gia khác phải có
nghĩa vụ tôn trọng sự lựa chọn đó;
- Quốc gia có quyền quy định chế độ pháp lý cho từng vùng lãnh thổ quốc gia;
- Quốc gia có quyền sở hữu đối với tất cả tài nguyên thiên nhiên và các tư liệu sản xuất,
trong đó bao gồm cả quyền về khai thác, bảo quản, sử dụng và xuất khẩu các tài nguyên
thiên nhiên đó một cách độc lập;
- Quốc gia có quyền thực hiện quyền tài phán đối với mọi công dân, tổ chức (kể cả
người nước ngoài và các tổ chức quốc tế) hiện đang ở trong phạm vi lãnh thổ quốc gia.
Những thực thể này phải tuyệt đối phục tùng quyền lực của quốc gia, trừ những trường hợp
có điều ước quốc tế mà quốc gia đó ký kết hoặc tham gia có quy định khác;
- Quốc gia có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế thích hợp. Ngay cả trường hợp
quốc gia cho phép đầu tư nước ngoài hoặc sự hoạt động của các công ty đa quốc gia...thì
quốc gia cũng có quyền điều chỉnh, kiểm soát đầu tư cho phù hợp với mục đích của quốc
gia, kể cả việc quốc hữu hóa, tịch thu tài sản của người nước ngoài có bồi thường hoặc
không bồi thường...
Bên cạnh các quyền nêu trên, quốc gia phải có trách nhiệm chú ý đến môi trường xung
quanh, cũng như những lợi ích của các quốc gia khác trên cơ sở tuân thủ những nguyên tắc
cơ bản của luật quốc tế hiện đại. Do đó, quốc gia muốn thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của
mình thì quốc gia có quyền thực hiện các biện pháp phòng thủ để bảo vệ, giữ gìn lãnh thổ
trước sự vi phạm và tấn công từ bên ngoài. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp đặc biệt,
lãnh thổ quốc gia vẫn có thể được thay đổi một cách hợp pháp trên cơ sở quyền dân tộc tự
quyết. Ví dụ như việc chia lãnh thổ, sáp nhập lãnh thổ, trao đổi hoặc chuyển nhượng lãnh
thổ...
II. Biên giới quốc gia
Biên giới quốc gia là một bộ phận gắn liền với lãnh thổ quốc gia. Biên giới quốc gia là
bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, vẫn có những đường biên giới mà chủ quyền bất khả xâm
phạm không tồn tại.
1. Khái niệm biên giời quốc gia
Biên giới quốc gia là ranh giới phân định lãnh thổ của quốc gia này với lãnh thổ của
quốc gia khác hoặc là ranh giới phân định lãnh thổ quốc gia với các vùng thuộc quyền chủ
quyền của quốc gia ven biển. Đồng thời đây cũng là ranh giới phân định vùng trời thuộc
chủ quyền quốc gia với khoảng không vũ trụ phía trên.
2. Các bộ phận hợp thành biên giới quốc gia
Đường biên giới quốc là đường bao quanh lãnh thổ quốc gia. Do đó, đường biên giới
này nó bao bọc cả một vùng không gia trên đất liền, trên không trung, trên biển và dưới
lòng đất. Như vậy, đường biên giới quốc gia có 4 loại :

45
- Biên giới trên bộ : Biên giới trên bộ bao gồm biên giới trên đất liền, trên đảo, trên
sông, trên hồ biên giới, và biển nội địa…Sự tồn tại trên thực tiễn của biên giới trên bộ là cơ
sở để xác định ranh giới bộ giữa các quốc gia với nhau.
- Biên giới trên biển : Biên giới trên biển chỉ được xác định cho các quốc gia ven biển
(có biển). Biên giới này có thể được xác định nằm trong vùng nước nội thuỷ hoặc vùng
nước lãnh hải. Trong trường hợp này biên giới của quốc gia có thể trùng với ranh giới của
đường cơ sở hoặc có thể trùng với ranh giới của lãnh hải. Điều này cho phép khẳng định
đường biên giới mở tối đa của quốc gia ven biển là ranh giới của lãnh hải.
- Biên giới lòng đất : Biên giới lòng đất được xác định dựa trên biên giới trên bộ và
trên biển của quốc gia được kéo dài tới tận tâm trái đất.
- Biên giới trên không : Biên giới trên không là đường biên giới được xác định dựa
trên biên giới trên bộ, trên biển của quốc gia và được kéo dài đến một độ cao nhất định tạo
thành vùng trời của quốc gia do các quốc gia xác định. Đường biên giới trên không bao
gồm hai phần: biên giới suờn và biên giới trên cao. Biên giới sườn được xác định dựa trên
biên giới trên bộ và biên giới trên biển, kéo dài vuông góc với mặt đất và mặt biển lên
không trung đến độ cao nhất định do pháp luật của chính quốc gia đó quy định. Biên giới
trên cao là ranh giới giữa vùng trời thuộc chủ quyền quốc gia và khoảng không vũ trụ phía
trên. Trong trường hợp này về mặt thực tiễn rất khó xác định được chính xác bởi bản thân
luật quốc tế cũng chưa có quy định thống nhất về chiều cao của vùng trời của quốc gia.
3. Phương pháp xác định biên giới quốc gia
Luật quốc tế hiện hành không có quy định về phương pháp xác định biên giới quốc gia.
Do đó, các quốc gia hữu quan xác định trên cơ sở tập quán và sự thỏa thuận giữa các bên.
Một thực tế cho thấy rằng, trước khi tiến hành ký kết văn kiện pháp lý cũng như bước vào
giai đoạn hoạch định biên giới quốc gia trên thực tế, các bên hữu quan thường hải dựa vào
vị trí tồn tại thực tế của địa hình để có thể xây dựng phương pháp xác định biên giới một
cách khách quan cho các bên. Thông thường, các bên xác định theo cách sau :
- Đối với địa hình là sông biên giới : Nếu sông đó không dùng làm đường giao thông
thì đường biên giới sẽ được vạch theo đường trung tuyến của sông. Nếu sông đó sử dụng
làm giao thông thì đường biên giới thường được xác định là đường trung tuyến của luồng
giao thông hoặc luồng sâu nhất của lòng sông. Đối với sông có nhiều nhánh thì đường biên
giới chỉ được xác định dựa vào nhánh chính của sông mà thôi.
- Đối với địa hình là hồ biên giới thì đường biên giới được xác định là đường trung
tuyến của hồ hoặc là đường thẳng nối hai điểm mút của đường biên giới trên đất liền. Đối
ới hồ có từ ba quốc gia kế cận trở lên thì có thể xác định biên giới theo hình dẻ quạt bằng
cách nối các điểm mút của biên giới trên đất liền của quốc gia ven bờ với tâm của hồ.
- Đối với địa hình là các dãy đồi, núi thì cách xác định đường biên giới quốc gia
thường dựa vào kinh tuyến và vĩ tuyến của địa hình thiên văn.
- Đối với địa hình của quốc gia ven biển thì sẽ áp dụng phương pháp đường cách đều
nếu hai quốc gia tiếp giáp nhau hoặc đường trung tuyến nếu hai quốc gia đối diện nhau.
Ngoài ra, đối với các quốc gia có biển, các phần biển không tiếp giáp hay liền kề với
quốc gia khác thì biên giới trên biển là đường rìa ngoài của lãnh hải (Xem phụ lục).
- Đối với biên giới lòng đất thì theo tập quán quốc tế sẽ được kéo dài tới tận tâm trái
đất.
- Đối với biên giới trên không thì sẽ dựa tuyên bố của quốc gia.

46
4. Quá trình xác định biên giới quốc gia
Thông thường việc xác định biên giới quốc gia được tiến hành bằng sự thỏa thuận giữa
các quốc gia hữu quan thông qua Hiệp định về biên giới do chính họ ký kết. Trên thực tế,
quá trình xác định biên giới quốc gia thường diễn ra theo ba giai đoạn: hoạch định biên giới,
phân giới thực địa và cắm móc.
- Hoạch định biên giới : Trước tiên, các quốc gia có chung biên giới sẽ thỏa thuận với
nhau bằng việc ký kết điều ước quốc tế. Trong điều ước sẽ quy định nội dung về phương
hướng xác định cũng như vị trí của đường biên giới quốc gia và miêu tả chi tiết trong bản
đồ đính kèm điều ước quốc tế.
- Phân giới thực địa : Các bên hữu quan sẽ tiến hành tiến trình phân giới thực địa dựa
trên cơ sở nội dung của các điều khoản trong văn kiện đã được ký kết và giai đoạn này sẽ
đánh dấu trên thực địa bằng hệ thống mốc giới.
- Cắm mốc : Tiếp nối hai giai đoạn vừa được tiến hành, một Ủy ban hỗn hợp của các
bên hữu quan sẽ tiến hành cắm mốc giới trên thực địa. Tiếp theo đó, Ủy ban hỗn hợp này sẽ
lập bản đồ về biên giới kèm theo hiệp định để cơ quan có thẩm quyền ký và phê chuẩn.
5. Việt Nam và vấn đề xác định biên giới quốc gia
- Biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc
Lịch sử cho thấy rằng biên giới giữa hai quốc đã hình thành, tồn tại và được coi trọng
từ lâu, tuy rằng trước đây, nhà nước phong kiến Việt Nam và Trung Quốc chưa ký một văn
kiện pháp lý nào với nhau. Trong thời kỳ Pháp xâm lược Việt Nam, Lào và Campuchia thì
Pháp đã nhân danh nhà nước bảo hộ ký với nhà Đại Thanh (Trung Quốc) hai Công ước
1887 và 1895 về phân chia biên giới trên đất liền và trong Vịnh Bắc bộ.
Tiếp đến khi chính quyền nhân dân được thành lập, hai quốc gia này vẫn tiếp tục công
nhận và tôn trọng đường biên giới đang tồn tại. Tuy nhiên, trên thực tế, một thời gian dài
đã có một số mâu thuẩn thường xuyên xảy ra. Do đó, hai quốc gia đã nỗ lực để xác định rõ
ràng về mặt pháp lý về biên giới chung. Cuối cùng, hai quốc gia đã ký kết với nhau Hiệp
ước biên giới đất liền vào ngày 30/12/1999. Đây là Hiệp ước được đánh giá là có ý nghĩa
quan trọng trong đời sống chính trị của cả hai bên.
- Biên giới giữa Việt Nam và Lào
Trước năm 1945, trong khuôn khổ của Liên bang Đông dương, tình hình lãnh thổ đã rơi
vào tình trạng chia cắt tùy theo cách sắp xếp của Toàn quyền Đông dương. Sau khi Việt
Nam thống nhất đất nước thì giữa Việt Nam với Lào vẫn chưa có đường biên giới chính
thức, mặc dù trên thực tế đã hình thành đường biên giới. Đến ngày 18/7/1977, Việt Nam và
Lào đã ký Hiệp ước hoạch định đường biên giới giữa hai quốc gia và tiếp theo sau thời
điểm đó ngày 24/01/1986 họ đã ký Hiệp ước bổ sung Hiệp định biên giới 1977.
Nhìn chung, trên nền tảng của hai Hiệp ước nêu trên thì về cơ bản, hai quốc đã có một
đường biên giới chính thức dài 2067 km. Việt Nam và Lào đã tiến hành phân giới trên thực
địa được 1877 km. Còn lại 21 đoạn dài khoảng 190 km chưa phân giới thực địa được do địa
hình núi non, hiểm trở, có bom, mìn…
- Biên giới Việt Nam với Campuchia
Tình hình giải quyết vấn đề biên giới giữa hai quốc gia được đánh giá là phức tạp hơn
nếu so với Lào. Bởi vì giữa hai quốc gia có chung chia cả đất liền và cả biên giới trên biển.
Trước năm 1945, tương tự như Lào, Campuchia và Việt Nam cũng nằm trong khuôn
khổ của Liên bang Đông dương. Lúc bấy giờ, tình hình lãnh thổ đã rơi vào tình trạng chia

47
cắt tùy theo cách sắp xếp của Toàn quyền Đông dương. Sau khi thống nhất đất nước, mãi
đến 1983 thì giữa Việt Nam với Campuchia vẫn chưa có đường biên giới chính thức mặc
dù đường biên giới đã được định hình trên thực tế. Đến ngày 20/7/1983, Việt Nam và
Campuchia đã ký một Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới với nhau. Tiếp
đến ngày 27/12/1985, Việt Nam và Campuchia đã ký Hiệp ước hoạch định biên giới giữa hai
quốc gia…
- Biên giới giữa Việt Nam và Thái Lan
Lịch sử cho thấy rằng, hai quốc gia đã có những cố gắng nhất định nhằm thoả thuận các
vấn đề liên quan đến Vịnh Thái Lan. Vào năm 1992, Chính phủ hai quốc gia đã gặp gỡ ở
cấp chuyên gia để với mục đích bàn luận các vấn đề liên quan đến phân định Vịnh Thái
Lan. Ngày 09/8/1997, Việt Nam và Thái Lan ký kết Hiệp ước về phân định vùng đặc quyền
kinh tế và thềm lục địa của hai quốc gia.
Ngoài những quốc gia được đề cập trên đây, Việt Nam vẫn tiếp tục nỗ lực để giải quyết
với các quốc gia chung chia Biển đông như: Malaysia, Indonesia, Singapour, Philippine,
Brunei theo chủ trương đàm phán, thỏa thuận trên cơ sở hoà bình, cùng hợp tác.

48
Phụ lục 1

CÁCH XÁC ĐỊNH BIÊN GIỚI TRÊN BIỂN


Các vùng biển thuộc quyền sở hửu (chủ quyền) của quốc gia bao gồm hai vùng : Vùng
nội thủy và vùng lãnh hải. Các vùng này năm trong phạm vi chủ quyền quốc gia bởi vì nó
nằm bên trong đường biên giới quốc gia. Tuy nhiên, trong hai vùng này, chỉ có vùng nội
thủy là thuộc chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối của quốc gia. Vùng lãnh hải tuy nằm trong
đường biên giới quốc gia nhưng do đặc thù của vùng này là vùng cách xa bờ biển và đại đa
số các đường vận tải biển quốc tế của các nước đi qua vùng này nên chủ quyền của quốc
gia ven biển chỉ dừng lại ở mức độ tương đối.
1. Nội thủy
a. Khái niệm về nội thuỷ
Theo Điều 5, Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải năm 1958 và Điều 8
Công ước 1982 về Luật biển thì “Nội thủy là vùng nước phía bên trong đường cơ sở, phía
ngoài giáp với lãnh hải và phía trong giáp bờ biển”.
- Cách xác định đường cơ sở
Đường cơ sở là đường từ đó được lấy làm cơ sở để tính chiều rộng của lãnh hải, nó là
ranh giới phía trong của lãnh hải và là ranh giới phía ngoài của nội thủy. Vì vậy, để xác
định được nội thủy và các vùng biển khác, các quốc gia có biển phải xác định được đường
cơ sở của mình.
Về mặt ý nghĩa, việc xác định đường cơ sở luôn là một vấn đề rất nhạy cảm. Bởi vì việc
xác định đường cơ sở sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phạm vi chủ quyền, quyền chủ quyền của
quốc gia ven biển và ảnh hưởng tới các quốc gia khác. Một văn bản pháp luật quốc gia liên
quan đến việc xác định đường cơ sở không hợp lý có thể gây ra những phản ứng từ phía
các quốc gia khác. Do vai trò quan trọng của đường cơ sở và để điều hòa lợi ích của quốc
gia ven biển và các quốc gia liên quan, Công ước 1982 đã quy định hai phương pháp chủ
yếu để xác định đường cơ sở. Đó là phương pháp xác định đường cơ sở thông thường và
phương pháp xác định đường cơ sở thẳng.
- Phương pháp đường cơ sở thông thường
Phương pháp này được áp dụng để xác định đường cơ sở tại những nơi có địa hình bờ
biển phẳng, không khúc khuỷu và lồi lõm.
Công ước 1982 quy định: "Trừ khi có quy định khác của Công ước, đường cơ sở thông
thường dùng để tính chiều rộng lãnh hải là ngấn nước thủy triều thấp nhất dọc theo bờ
biển như được thể hiện trên hải đồ tỷ lệ lớn đã được quốc gia ven biển chính thức công
nhận" (Điều 5). Tuy nhiên, "Trong trường hợp những bộ phận đảo cấu tạo bằng san hô
hoặc các đảo có đá ngầm ven bờ bao quanh thì đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh
hải là ngấn nước triều thấp nhất ở bờ phía ngoài cùng của các mỏm đá như đã được thể
hiện trên hải đồ được quốc gia ven biển chính thức công nhận" (Điều 6).
Như vậy, quốc gia có thể lấy ngấn nước triều thấp nhất trong một ngày đêm, một tháng
hoặc một năm...chạy dọc theo bờ biển, đảo, quần đảo để xác định đường cơ sở của mình.
Tuy nhiên, mức nước thủy triều thấp nhất ở các nước thường không giống nhau, thậm chí
ngay trên tuyến bờ biển của một quốc gia cũng không giống nhau.

49
Trong cách xác định này, mỗi quốc gia có quyền tự mình xác định mực nước chuẩn của
mình. Đây là vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia của nước ven biển, các nước ngoài không
thể kiểm tra hoặc đối chiếu được cụ thể mà chỉ có thể đánh giá tính chính xác, mức độ hợp lý
của đường cơ sở thông thường bằng cách căn cứ vào chính sự công bố trên hải đồ của quốc gia
ven biển đưa ra.
- Phương pháp đường cơ sở thẳng
Phương pháp này thường hay được áp dụng đối với các quốc gia có bờ biển và địa hình
phức tạp, có nhiều đảo ven bờ hoặc những vùng ngấn nước triều thấp nhất không thể hiện
rõ ràng. Người ta chọn những điểm nhô ra xa nhất của các đảo ven bờ, của các mũi hoặc
những điểm nhất định mà khi nối các điểm đó lại với nhau tạo thành một đường gãy khúc
liên tiếp chạy dọc theo chiều hướng chung của bờ biển làm đường cơ sở để xác định nội
thuỷ, tính chiều rộng lãnh hải và các vùng biển khác.
Phương pháp này đã được áp dụng từ lâu trong thực tiễn các quốc gia có bờ biển phức
tạp. Trong Công ước 1982 quy định về cách xác định đường cơ sở thẳng như sau:
“1. Ở nơi nào bờ biển bị khoét sâu và lòi lõm hoặc nếu có một chuỗi đảo nằm sát ngay
và chạy dọc theo bờ biển, phương pháp đường cơ sở thẳng có thể được sử dụng để kẻ
đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.
2. Ở nơi nào bờ biển cực kỳ không ổn định do có một châu thổ và những đặc điểm tự
nhiên khác, các điểm thích hợp có thể được lựa chọn dọc theo ngấn nước triều thấp nhất
nhô ra xa nhất và ngay cả trường hợp về sau ngấn nước triều thấp nhất có thể dịch chuyển
vào phía trong bờ, các đường cơ sở đã được vạch ra vẫn có hiệu lực cho tới khi các quốc
gia ven biển sửa đổi chúng theo công ước.
3. Tuyến các đường cơ sở không được đi chệch quá xa hướng chung của bờ biển và các
vùng biển ở bên trong các đường cơ sở này phải gắn với đất liền đủ đến mức để đặt dưới
chế độ nội thủy.
4. Các đuờng cơ sở thẳng không được kéo đến hoặc xuất phát từ các bãi cạn lúc nổi lúc
chìm, trừ trường hợp ở đó có các đèn biển hoặc các thiết bị tương tự thường xuyên nhô
trên mặt nước hoặc việc vạch các đường cơ sở thẳng đó đã được thừa nhận chung của
quốc tế.
5. Trong trường hợp mà phương pháp kẻ đường cơ sở thẳng được áp dụng theo khoản
1 khi ấn định một số đoạn đường cơ sở có tính đến những lợi ích kinh tế riêng biệt của khu
vực đó mà thực tế và tầm quan trọng của nó đã được một quá trình sử dụng lâu dài chứng
minh rõ ràng.
6. Phương pháp kẻ đường cơ sở thẳng do một quốc gia áp dụng không được làm cho
lãnh hải của một quốc gia khác bị tách khỏi biển cả hoặc một vùng đặc quyền về kinh
tế.”(Điều 7).
Như vậy, các quốc gia có biển có quyền tự xác định đường cơ sở của mình miễn sao
đường cơ sở đó phù hợp với Công ước. Trong khi xác định đường cơ sở, các quốc gia có
quyền tự do lựa chọn phương pháp đường cơ sở thẳng hoặc/và phương pháp đường cơ sở
thông thường. Theo Điều 14 Công ước 1982 thì: "uốc gia ven biển tùy theo hoàn cảnh khác
nhau có thể vạch ra các đường cơ sở theo một hay nhiều phương pháp được trù định ở các
điều nói trên".
Đến nay đã có trên 100 quốc gia công bố đường cơ sở dùng để của mình. Trong số đó,
có hơn một nửa quốc gia áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng, số còn lại áp dụng

50
phương pháp kết hợp giữa đường cơ sở thẳng và đường cơ sở thông thường hoặc chỉ áp
dụng đường cơ sở thẳng như Việt Nam.
Theo Tuyên bố của Chính Phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về đường
cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam ngày 12/11/1982, tuyến đường cơ sở của Việt
Nam là đường cơ sở thẳng gồm 10 đoạn nối liền 11 điểm. Điểm bắt đầu từ điểm 0 trên
vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia, nối liền các đảo, hòn đến điểm cuối cùng
là đảo Cồn Cỏ của Việt Nam. Điểm của đường cơ sở cách xa bờ nhất là hòn Hải (trên 70
hải lý), Côn Đảo (trên 50 hải lý ), hòn Nhạn (khoảng 80 hải lý). Điểm ở mũi Đại Lãnh nằm
sát ngay bờ biển, còn các điểm khác trung bình cách bờ biển từ 12 đến 24 hải lý. Điểm 0 và
điểm kết thúc ở cửa Vịnh Bắc bộ chưa xác định được nên hệ thống đường cơ sở của Việt
Nam chưa khép kín.
Về vùng nước nội thuỷ của Việt Nam, vùng này được xác định trong Điểm 5 của Tuyên
bố của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải
Việt Nam ngày 12/11/1982 cũng có cách xác định như trên. Theo đó : “Vùng nước phía trong
đường cơ sở và giáp với bờ biển, hải đảo của Việt Nam là nội thủy của nước Cộng hoà XHCN
Việt Nam”. Hiện nay, vùng này được quy định một cách chính thức trong Luật Biên giới quốc
gia Việt Nam năm 2003, định nghĩa đường cơ sở được quy định tại Điều 7: “ Nội thủy của Việt
Nam bao gồm: Các vùng nước phía trong đường cơ sở; Vùng nước cảng được giới hạn bởi
đường nối các điểm nhô ra ngoài khơi xa nhất của các công trình thiết bị thường xuyên là bộ
phận hữu cơ của hệ thống cảng”.
Như vậy ranh giới bên trong của nội thủy chính là đường kéo dài, dọc theo bờ biển, còn
ranh giới bên ngoài của nội thuỷ chính là đường cơ sở. Trong vùng nước nội thuỷ, có thể
bao gồm nhiều nhiều bộ phận khác nhau như: Cảng biển, vũng đậu tàu, vịnh thiên nhiên,
vịnh lịch sử, vùng nước lịch sử.
- Cảng biển: Là một khu vực trung gian nối liền biển với đất liền. Nó có thể là cảng
dùng cho thương mại quốc phòng hay cảng chuyên dùng. Quy chế Genève ngày 9/12/1922
về các cảng biển định nghĩa: “Cảng biển là tất cả các cảng thường xuyên có tàu biển ra
vào và được sử dụng phục vụ cho mậu dịch đối ngoại (Điều 1).
Trong đề nghị của Liên Xô trước đây đưa ra tại Hội nghị của Tổ chức hàng hải quốc tế
(IOM) ngày 24/12/1974 bàn về địa vị pháp lý của tàu thuyền tại các hải cảng của nước
ngoài thì cảng biển gồm: Nơi đậu tàu, các vịnh, vũng đậu tàu hoặc những vị trí tương tự
khác có cửa thông ra biển nhưng thuộc chủ quyền hoàn toàn và quyền tài phán của một
nước, mở cửa cho tàu nước ngoài và phục vụ việc tiếp đón tàu thuyền bốc dỡ hàng hóa,
nhận khách và trả khách, bảo dưỡng và sữa chữa tàu thuyền và những hoạt động cần thiết
của tàu thuyền.
- Vũng đậu tàu: Là vùng trũng ở trên biển dùng để tàu thuyền neo đậu để trung chuyển
hàng hoá, hành khách vào cảnh biển hoặc đất liền.
Nếu vũng đậu tàu đóng vai trò là tiền cảng, không tách rời khởi cảng biển thì mang chế
độ pháp lý của cảng biển tức thuộc nội thủy. Nếu mang tính độc lập như cho tàu neo, dỡ
hàng, bốc hàng hoặc nơi để tàu neo đậu, trú ẩn thì có thể là một bộ của nội thủy nếu nằm
trong khu vực nội thủy hoặc thuộc lãnh hải nếu nằm ở lãnh hải hoặc bên ngoài lãnh hải
(Điều 12 Công ước Luật biển 1982). Trong truờng hợp vũng đậu tàu nằm một phần ở nội
thủy và một phần ở lãnh hải thì vũng đậu tàu này thuộc quy chế của nội thủy.
- Vịnh thiên nhiên: Là vùng lõm sâu rõ rệt vào đất liền đựơc bao bọc bởi phần lớn bờ
biển với điều kiện : Diện tích của nó, được tính giữa ngấn nước triều thấp nhất dọc theo bờ
biển, ít nhất cũng phải bằng diện tích một nữa hình tròn có đường kính là đường thẳng nối
liền các ngấn nước triều thấp nhất ở các điểm của cửa vào tự nhiên kẻ ngang qua cửa vào

51
của vùng lõm. Nếu do có các đảo mà một vùng lõm có nhiều cửa ra vào, thì nữa hình tròn
nói trên có đường kính bằng tổng số chiều dài các đoạn thẳng cắt ngang các cửa vào đó và
diện tích của các đảo nằm trong một vùng lõm được tính vào diện tích chung của vùng lõm.
Vì khả năng một vịnh lớn có thể lấn nhiều vào phần biển chung nên Công ước 1982
cũng quy định trường hợp khoảng cách giữa các ngấn nước triều thấp nhất ở các điểm của
cửa vào tự nhiên của vùng lõm vượt quá 24 hải lý, thì phải kẻ một đường cơ sở thẳng dài
24 hải lý ở phía trong vịnh, sao cho phía trong nó có một diện tích nước tối đa (Điều 10).
Như vậy, chúng ta có 2 điều kiện để xác định một vịnh tự nhiên, hưởng theo quy chế
pháp lý của nội thủy :
- Cửa vịnh không được vượt quá 24 hải lý
- Diện tích vịnh không được nhỏ hơn diện tích của nữa đường tròn có đường kính là
của vịnh.
- Vịnh lịch sử: Vịnh lịch sử là một vùng lõm khoét sâu vào đất liền mà không cần
phải đủ điều kiện của một vịnh thiên nhiên. Một cơ sở lý luận và pháp lý duy nhất để xác
định vịnh lịch sử là vũng lõm này có vị trí địa lý đặc biệt, liên quan trực tiếp về an ninh,
chính trị , kinh tế... đối với quốc gia ven biển. Nó gắn liền với các hoạt động của quốc gia
trong nhiều lĩnh vực và đã được quốc gia hoặc các quốc gia ven biển chiếm hữu, sử dụng từ
lâu mà không có tranh chấp.
- Vùng nước lịch sử: Vùng nước lịch sử có nghĩa rộng hơn vịnh lịch sử. Vùng nước
này có thể là các vùng nước thuộc các biển vịnh, vũng đậu tàu, eo biển... Qua thực tiễn quá
trình khai thác, sử dụng biển đã hình thành một số tiêu chí nhất định để xác định tính chất
“lịch sử” cho các vùng nước có danh nghĩa lịch sử và có vị trí địa lý đặc biệt gắn liền với
lãnh thổ quốc gia và là một bộ phận cấu thành không thể tách rời của lãnh thổ quốc gia.
Đồng thời, nó có ý nghĩa đặc biệt về an ninh quốc phòng, kinh tế v.v... đối với quốc gia ven
biển và phải ở cách xa đường hàng hải quốc tế.
Ở Việt Nam, trong Tuyên bố của Chính Phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt
Nam ngày 12/11/1982, đã xác định Vịnh Bắc bộ là vịnh nằm giữa nước Cộng hòa Xã hội
Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, phần vịnh thuộc phía Việt
Nam là vùng nước lịch sử theo chế độ nội thủy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam. Trong vùng nước này, không có vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc
quyền kinh tế và biển cả.
Hiệp định về vùng nước lịch sử chung Việt Nam - Campuchia ngày 07/7/1982, có quy
định vùng nước biển nằm giữa được giới hạn bởi các bờ biển Hà Tiên (Việt Nam) và Campot
(Campuchia), đảo Phú Quốc và các đảo ngoài khơi thuộc quần đảo Thổ Chu (Việt Nam) và
nhóm đảo Poulowai (Campuchia) là vùng nước lịch sử chung của cả hai nước.
Đối với các quốc gia quần đảo, Công ước 1982 có những quy định riêng trong phần IV
của Công ước. Do địa hình lãnh thổ của những quốc gia này rất đặc biệt nên toàn bộ vùng
nước quần đảo là vùng nước mặc dù nằm phía trong đường cơ sở quần đảo nhưng không
thể hiểu một cách thuần túy là vùng nội thủy: “Ở phía trong vùng nước quần đảo, quốc gia
quần đảo có thể vạch những đường khép kính để hoạch định ranh giới nội thủy của mình
theo đúng các Điều 9,10 và 11 “ ( Điều 50 Công ước 1982 ).
b. Quy chế pháp lý của nội thủy
Do vị trí địa lý của nội thủy, nằm ngay sát bờ biển của quốc gia, nên luật biển quốc tế
và pháp luật của các quốc gia đều xác định tính chất chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối cho

52
vùng nước nội thủy. Tính chất chủ quyền này áp dụng luôn cả phần đáy, lòng đất dưới đáy
của vùng này và không phận phía trên vùng nước nội thủy.
Đặc trưng cho tính chất chủ quyền tuyệt đối của quốc gia ở vùng nội thủy là chế độ xin
phép của tàu thuyền nước ngoài khi muốn vào nội thủy và việc thực hiện quyền tài phán
của quốc gia ven biển đối với các hành vi vi phạm của tàu thuyền nước ngoài trong vùng
nội thủy.
Chủ quyền của quốc gia ven biển đối với vùng nội thủy được quy định rõ ràng, cụ thể
và chủ yếu trong các văn bản quy phạm pháp luật của quốc gia. Tuy nhiên, những quy định
cụ thể cho hoạt động của tàu thuyền nước ngoài và việc xử lý các hành vi vi phạm pháp
luật của tàu thuyền là không giống nhau mà phụ thuộc vào từng loại tàu thuyền. Công ước
1982 phân chia tàu thuyền thành 4 loại sau đây:
- Tàu quân sự : Là con tàu thuộc chủng loại quân sự và lực lượng cảnh sát của một quốc
gia, được điều khiển bởi một thuyền trưởng là một sĩ quan quân đội trong danh sách sĩ quan
của quốc gia mà tàu mang cờ và tất cả thuyền viên trên tàu phải tuân thủ theo một mệnh
lệnh quân sự của chính quốc gia mà tàu mang cờ.
- Tàu dân sự Nhà nước được sử dụng vào mục đích không thương mại,
- Tàu dân sự Nhà nước được sử dụng vào mục đích thương mại
- Tàu dân sự tư nhân (tàu buôn).
Trong thực tiễn, hầu hết các quốc gia đều quy định tàu thuyền nước ngoài muốn vào
khu vực nội thủy của quốc gia ven biển đều phải xin phép trước. Khi được phép của quốc
gia ven biển thì tàu thuyền nước ngoài mới được vào. Điều kiện xin phép đối với từng loại
tàu thuyền, thời gian xin phép, ra, vào, đậu lại và hoạt động ở vùng nội thủy của quốc gia
thường được quy định rất chặt chẽ và cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật của quốc
gia liên quan.
+ Đối với tàu dân sự nước ngoài : Khi đi vào nội thủy để đến cảng của nước ven biển
thường phải đến một địa điểm quy định để các lực lượng như biên phòng, y tế, hải quan
kiểm tra và làm các thủ tục bắt buộc trước khi vào cảng. Đồng thời phải sử dụng hoa tiêu
dẫn đường của quốc gia ven biển. Việc sử dụng hoa tiêu của nước ven biển là một điều
kiện bắt buộc đối với tàu thuyền nước ngoài khi vào cảng, nhằm đảm bảo an ninh của quốc
gia và sự an toàn cho phương tiện đó.
Các hoạt động của tàu thuyền nước ngoài, nếu không được phép của quốc gia ven biển
như cập mạn, tiếp xúc với các tàu thuyền khác, đưa người, hàng hóa lên hoặc xuống tàu, đo
đạc, khảo sát, thăm dò, chụp ảnh, quay phim, vẽ hoặc ghi chép thông tin ở cảng, những cơ
sở quân sự, kinh tế, cơ sở nghiên cứu khoa học... thậm chí việc tự động nhổ neo di chuyển
vị trí trong cảng, cũng bị coi là vi phạm pháp luật của nước ven biển. Các loại thuyền máy,
ca nô trên tàu thả xuống để làm nhiệm vụ liên lạc cũng chỉ được đi lại trong khu vực mà
nước ven biển tại cho phép.
Khi ở nội thủy của quốc gia, các tàu thuyền nước ngoài không được vứt các chất thải,
chất độc gây ô nhiễm môi trường xuống biển và đất liền. Trong trường hợp có nguy cơ xảy
ra ô nhiễm nghiêm trọng, nước ven biển có quyền áp dụng mọi biện pháp xử lý để ngăn
chặn hậu quả.
Nếu tàu thuyền nước ngoài vi phạm những quy định của pháp luật quốc gia ven biển thì
các cơ quan có thẩm quyền của nước ven biển có quyền áp dụng mọi biện pháp cần thiết để
bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự và các lợi ích của mình. Các biện pháp này bao gồm cả
việc bắt giam, truy tố, xét xử những cá nhân và tàu thuyền vi phạm trên biển và các thủy

53
thủ vi phạm pháp luật trên bờ. Nếu vi phạm nghiêm trọng thì tàu thuyền có thể bị giữ lại
hoặc tịch thu làm vật bảo đảm cho án kiện dân sự, trừ trường hợp tàu thuyền thuộc quyền
sở hữu nhà nước nước ngoài hoặc trường hợp pháp luật hay điều ước quốc tế mà quốc gia
ven biển ký kết hoặc tham gia có quy định khác. Việc khám xét, bắt giữ và tiến hành các
thủ tục tư pháp đều do pháp luật của quốc gia ven biển quy định.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp cơ quan có thẩm quyền của nước ven biển có thể
chuyển giao vụ án cho cơ quan tư pháp của nước có tàu để xét xử theo yêu cầu của thuyền
trưởng hoặc lãnh sự của quốc gia có tàu.
+ Đối với tàu quân sự : Việc xin phép vào, thời gian vào, đậu lại hoặc hoạt động trong
vùng nội thủy không những phải chấp hành đầy đủ các quy định chung như đối với tàu dân
sự, mà còn phải tuân thủ những điều kiện riêng chặt chẽ của quốc gia ven biển.
Ví dụ: Ở Việt Nam, tàu thuyền quân sự (bao gồm cả tàu chiến và tàu hộ tống) nước
ngoài vào nội thủy Việt Nam phải xin phép trước Chính Phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ
nghĩa Việt Nam qua con đường ngoại giao ít nhất là 30 ngày. Trước và sau khi được phép
vào phải thông báo cho nhà đương cục quân sự Việt Nam 48 giờ trước khi được phép vào
vùng lãnh hải Việt Nam; Tàu thuyền quân sự của một nước được phép vào lãnh hải hoặc
nội thủy Việt Nam không được trú đậu quá 3 chiếc trong cùng một thời gian và thời gian
trú đậu của mỗi tàu không được quá 1 tuần, trừ trường hợp được Chính Phủ nước Cộng hòa
Xã hội Chủ nghĩaViệt Nam cho phép. Các vũ khí cố định và vũ khí lưu động trước khi vào
nội thủy (kể cả lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải) phải đưa toàn bộ vũ khí về tư thế bảo
quản...
Đối với tàu quân sự nước ngoài khi đi vào, đậu lại hoặc hoạt động hợp pháp ở vùng nội
thủy của quốc gia ven biển thì được hưởng quyền miễn trừ tuyệt đối về tư pháp và được coi
là bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, loại tàu này vẫn phải chấp hành nghiêm chỉnh mọi luật lệ
có liên quan của nước chủ nhà. Trong trường hợp tàu quân sự nước ngoài vi phạm các quy
định của pháp luật nước ven biển thì quốc gia ven biển có quyền ra lệnh cho tàu quân sự vi
phạm phải rời khỏi nội thủy của nước mình trong một thời hạn nhất định và yêu cầu Chính
phủ nước có tàu phải chịu mọi trách nhiệm về những tổn thất hay thiệt hại do tàu của họ
gây ra tại vùng nội thủy này. Do đó, quốc gia chủ nhà không có quyền bắt giữ tàu quân sự
vi phạm để tiến hành các biện pháp, thủ tục tố tụng…
2. Lãnh hải
a. Khái niệm về lãnh hải
Lãnh hải là một vùng biển thuộc chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ của quốc gia, nằm
phía ngoài và cách đường cơ sở của quốc gia một khoảng cách không được vượt quá 12
hải lý.
Điều 2, Công ước năm 1982 về Luật biển quy định:
1. Chủ quyền của quốc gia ven biển được mở rộng ra ngoài lãnh thổ và nội thủy của
mình và trong trường hợp một quốc gia quần đảo, ra ngoài vùng nước quần đảo đến một
vùng tiếp liền gọi là lãnh hải.
2. Chủ quyền này được mở rộng đến vùng trời trên lãnh hải, cũng như đến đáy và lòng
đất dưới đáy của vùng biển này.
3. Chủ quyền ở lãnh hải được thực hiện trong những điều kiện do các quy định của
Công ước và các quy tắc khác của pháp luật quốc tế trù định.

54
Như vậy, chủ quyền của quốc gia trong vùng lãnh hải bao trùm lên cả vùng trời ở phía
trên cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển ở phía dưới lãnh hải. Do đó, đường ranh
giới phía ngoài của lãnh hải cũng chính là đường biên giới của quốc gia trên biển.
- Xác định Lãnh hải
Chiều rộng lãnh hải là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong luật biển quốc tế,
vì chiều rộng lãnh hải có liên quan mật thiết đến quyền lợi chính trị, kinh tế, hành hải, an
ninh quốc phòng của quốc gia ven biển và liện quan đến quyền lợi của các nước khác.
Vào thế kỷ XVI và XVII, một số quốc gia tuyên bố chiều rộng lãnh hải một cách tuỳ
tiện nên không được các quốc gia khác thừa nhận. Đến thế kỷ XVIII một nguyên tắc được
thừa nhận chung để xác định chiều rộng lãnh hải là độ dài đường đi của đạn đại bác. Ngoài
ra, thực tiễn cuộc chiến tranh của Napoléon, nảy sinh việc xác định chiều rộng lãnh hải là 3
hải lý.
Việc thông qua Công ước 1982, đã ảnh hưởng lớn lao đến thực tiễn của các quốc gia.
Điều 3 quy định “Mổi quốc gia có quyền ấn định chiều rộng lãnh hải của mình. Chiều
rộng này không được vượt quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở vạch ra theo đúng Công ước”
Đối với Việt Nam, để thực hiện chủ quyền của quốc gia đối với lãnh hải, trong Tuyên
bố về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ngày 12/5/1977 của
Chính Phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tại Điều 3 đã quy định “Lãnh hải
nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam rộng 12 hải lý, ở phía ngoài đường cơ sở, nối
liền các điểm nhô ra nhất của bờ biển và các điểm ngoài cùng của các đảo vem bờ của Việt
Nam“. Tuyên bố này hoàn toàn phù hợp với Công Ước 1982. Bên cạnh đó, tại Điều 9, Luật
biên giới quốc gia Việt Nam năm 2003 cũng quy định : « Lãnh hải của Việt Nam rộng 12
hải lý tính từ đường cơ sở ra phía ngoài. Lãnh hải của Việt Nam bao gồm lãnh hải của đất
liền, lãnh hải của đảo và lãnh hải của quần đảo ».
Như vậy, sau khi xác định được đường cơ sở của quốc gia thì việc xác định ranh giới
phía ngoài của lãnh hải sẽ được thực hiện một cách dễ dàng. Đó là đường mà mỗi điểm của
nó cách đều các điểm chạy dọc song song trên đường cơ sở ở một khoảng cách không được
vượt quá 12 hải lý.
Đối với các quốc gia nằm đối diện nhau, khi xác định ranh giới lãnh hải, thông thường
người ta thực hiện theo phương pháp thỏa thuận trên cơ sở đường trung tuyến. Còn đối với
các quốc gia nằm kề nhau người ta thường phân định theo thỏa thuận trên cơ sở đường
cách đều.
b. Quy chế pháp lý của lãnh hải
Lãnh hải là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia. Pháp luật và tập quán quốc tế đều thừa
nhận quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ đối với lãnh hải của mình. Riêng
vùng trời phía trên vùng nước lãnh hải, vùng nước phía dưới mặt nước của lãnh hải cũng
như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải thì quốc gia có chủ quyền hoàn toàn và
tuyệt đối. Vì vậy, xác định quy chế pháp lý của lãnh hải là công việc thuộc chủ quyền của
quốc gia ven biển trên cơ sở các quy định của pháp luật quốc tế. Quy chế pháp lý của lãnh
hải bao gồm các nội dung sau đây:
- Chế độ qua lại vô hại của tàu thuyền nước ngoài trong vùng nước lãnh hải
Mặc dù lãnh hải là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia, nhưng ở đây khác với nội thủy là
trong vùng này, tàu thuyền nước ngoài được tự do qua lại vô hại. Quyền tự do qua lại vô
hại của tàu thuyền nước ngoài trong vùng lãnh hải đã được thừa nhận từ lâu trong tập quán
hàng hải quốc tế vì lợi ích phát triển, hợp tác kinh tế và hàng hải của mỗi quốc gia riêng

55
biệt cũng như của cộng đồng quốc tế. Quyền qua lại vô hại này thường được xây dựng trên
cơ sở bình đẳng, tự nguyện, không phân biệt đối xử giữa các quốc gia.
Điều 17 Công ước 1982 quy định: “Với điều kiện chấp hành Công ước, tàu thuyền của
tất cả các quốc gia, có biển hay không có biển, đều được hưởng quyền đi qua không gây
hại trong lãnh hải”.
Việc qua lại không gây hại được Điều 19 Công ước 1982 xác định như sau:
“ 1. Việc đi qua không gây hại, chừng nào nó không làm phương hại đến hòa bình, trật
tự hay an ninh của quốc gia ven biển. Việc đi qua không gây hại cần phải được thực hiện
theo đúng với quy định của Công ước và các quy tắc khác của pháp luật quốc tế.
2. Việc đi qua của tàu thuyền nước ngoài bị coi như phương hại đến hòa bình trật tự
hay an ninh của quốc gia ven biển, nếu như ở trong lãnh hải, tàu thuyền này tiến hành một
trong bất kỳ hoạt động nào sau đây:
a) Đe dọa hoặc dùng vũ lực chống lại chủ quyền, tòa vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính
trị của quốc gia ven biển hay dùng mội cách khác trái với nguyên tắc của pháp luật quốc tế
đã được nêu trong hiến chương Liên Hiệp Quốc;
b) Luyện tập hoặc diễn tập với bất kỳ loại vũ khí nào;
c) Thu thập tình báo gây thiệt hại cho quốc phòng hay an ninh của quốc gia ven biển;
d) Tuyên truyền nhằm làm hại đến quốc phòng hay an ninh của quốc gia ven biển;
e) Phóng đi, tiếp nhận hay xếp lên tàu các phương tiện bay;
f) Phóng đi, tiếp nhận hay xếp lên tàu các phương tiện quân sự;
g) Xếp hoặc dỡ hàng hóa, tiền bạc hay đưa người lên xuống tàu trái với các luật và quy
định về hải quan, thuế khóa, y tế hoặc nhập cư của quốc gia ven biển;
h) Gây ô nhiễm cố ý và nghiêm trọng, vi phạm Công ước
i) Đánh bắt hải sản;
j) Nghiên cứu hay đo đạc;
k) Làm rối loạn hoạt động của mọi hệ thống giao thông liên lạc hoặc mọi trang thiết bị
hay công trình khác của quốc gia ven biển;
l) Mọi hoạt động không trực tiếp quan hệ đến việc đi qua.“
Tuy vậy, đối với các khu vực quan trọng trong lãnh hải, quốc gia ven biển có thể quy
định về thời gian và tuyến đường thuỷ mà tàu thuyền nước ngoài được phép đi qua. Đồng
thời, trong những hoàn cảnh cần thiết, quốc gia có thể tạm thời đình chỉ việc đi qua không
gây hại của tàu thuyền nước ngoài và phải công bố chi tiết, công khai cho các nước khác
biết.
Trong vấn đề qua lại vô hại của tàu thuyền nước ngoài, quốc gia ven biển cũng phải có
những nghĩa vụ sau:
- Quy định hành lang qua lại, thiết lập hệ thống phân chia tuyến, luồng trong lãnh hải;
- Không được áp đặt cho các tàu thuyền nước ngoài những nghĩa vụ dẫn đến việc cản trở
hay hạn chế việc thực hiện quyền đi qua không gây hại của tàu thuyền này;
- Không được phân biệt đối xử về mặt pháp lý hay mặt thực tế đối với tàu thuyền của
một quốc gia nhất định hay đối với tàu thuyền chở hàng từ một quốc gia nhất định hay đến
quốc gia đó hoặc nhân danh một quốc gia nhất định;

56
- Thông báo thích đáng mọi nguy hiểm về hàng hải mà mình biết trong lãnh hải của
mình;
- Không thu lệ phí hoặc thuế đối với các tàu nước ngoài đi qua thuần túy trong lãnh hải.
Nếu nước ven biển có tổ chức những hoạt động như hoa tiêu, lái dắt tàu, cung cấp lương
thực, nước... thì họ được thu các khỏan lệ phí về dịch vụ đó và không được phân biệt đối
xử (Điều 26 Công ước 1982).
- Quyền tài phán của quốc gia trong lãnh hải
Luật quốc tế hiện đại thừa nhận quyền tài phán của quốc gia ven biển đối với tàu
thuyền nước ngoài trên vùng nước lãnh hải, nhưng có sự phân biệt giữa các loại tàu và với
một số điều kiện hạn chế được quy định trong Công ước 1982. Cụ thể:
+ Trong lĩnh vực hình sự
Đối với tàu quân sự : Nếu một tàu quân sự không tôn trọng các luật và quy định của
quốc gia ven biển có liên quan đến việc đi qua trong lãnh hải và bất chấp yêu cầu phải tuân
thủ các luật và quy định đó đã được thông báo cho họ thì quốc gia ven biển có thể yêu cầu
chiếc tàu đó rời khỏi lãnh hải. Quốc gia mà tàu mang cờ phải chịu trách nhiệm quốc tế về
mọi tổn thất hoặc về mọi thiệt hại gây ra cho quốc gia ven biển do một tàu chiến hay bất kỳ
tàu thuyền nào khác của Nhà nước dùng vào mục đích không thương mại vi phạm.
Ngoài trừ những quy định chung cho việc đi qua vô hại mà tất cả các loại tàu phải tuân
thủ, các tàu quân sự và các tàu khác của Nhà nước dùng vào những mục đích không thương
mại được hưởng quyền miễn trừ tài phán của quốc gia ven biển.
Đối với tàu dân sự: Theo Điều 27 Công ước 1982, nếu trường hợp con tàu chỉ đi qua
lãnh hải thì quốc gia ven biển không được thực hiện quyền tài phán hình sự của mình ở trên
một tàu nước ngoài đi qua lãnh hải để tiến hành việc bắt giữ hay tiến hành việc dự thẩm sau
một vụ vi phạm hình sự xảy ra trên con tàu trong khi nó đi qua lãnh hải, trừ các trường hợp
sau đây:
a. Nếu hậu quả của vụ vi phạm đó mở rộng đến quốc gia ven biển;
b. Nếu vụ vi phạm có tính chất phá hoại hòa bình của đất nước hay trật tự trong lãnh
hải;
c. Nếu thuyền trưởng hay một viên chức ngoại giao hoặc một viên chức lãnh sự của
quốc gia mà tàu mang cờ yêu cầu sự giúp đỡ của các nhà đương cục địa phương;
d. Nếu các biện pháp này là cần thiết để trấn áp việc buôn lậu chất ma túy hay chất kích
thích.
Tuy nhiên, trong trường hợp con tàu đi qua lãnh hải sau khi rời khỏi nội thủy của quốc
gia ven biển thì quốc gia ven biển có quyền áp dụng mọi biện pháp mà luật trong nước quy
định nhằm tiến hành việc bắt giữ hay tiến hành việc dự thẩm trên con tàu nước ngoài đi qua
lãnh hải.
Trong những trường hợp nêu trên, nếu thuyền trưởng của con tàu có yêu cầu bảo hộ
ngoại gia thì quốc gia ven biển phải phải tạo điều kiện dễ dàng cho viên chức ngoại giao
hay lãnh sự đó tiếp xúc với đoàn thủy thu của con tàu.
Trong trường hợp con tàu xuất phát từ một cảng nước ngoài, chỉ đi qua lãnh hải mà
không đi vào nội thủy thì quốc gia ven biển không được thực hiện một biện pháp nào ở trên
một con tàu nước ngoài nhằm tiến hành bắt giữ hay dự thẩm sau một vụ vi phạm hình sự
xảy ra trước khi con tàu đi vào lãnh hải, trừ trường hợp áp dụng những quy định về bảo vệ

57
và gìn giữ môi trường biển hay trong trường hợp có sự vi phạm các luật và quy định được định
ra cho vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển.
+ Trong lĩnh vực dân sự
Điều 28 Công ước 1982 quy định: « Quốc gia ven biển không được bắt một con tàu
nước ngoài đang đi qua lãnh hải phải dừng lại hay thay đổi hành trình của nó để thực hiện
quyền tài phán dân sự của mình đối với một người ở trên con tàu đó, và không thể áp dụng
các biện pháp trừng phạt hay biện pháp bảo đảm về mặt dân sự đối với con tàu này, nếu
không phải vì những nghĩa vụ đã cam kết hay các trách nhiệm mà con tàu phải đảm nhận
trong khi đi qua hoặc để được đi qua vùng lãnh hải của quốc gia ven biển ».
Tuy nhiên, quốc gia ven biển vẫn có quyền áp dụng các biện pháp trừng phạt hay đảm
bảo về mặt dân sự do luật trong nước quốc gia này quy định đối với một tàu thuyền nước
ngoài đang đậu trong lãnh hải hay đang đi qua lãnh hải sau khi đã rời nội thủy.

58
Phụ lục 2

HIẾN CHƯƠNG LIÊN HỢP QUỐC


Chúng tôi, nhân dân các nước liên hiệp lại Quyết tâm:
Phòng ngừa cho những thế hệ tương lai khỏi thảm hoạ chiến tranh đã hai lần trong đời
chúng ta gây cho nhân loại đau thương không kể xiết;
Tuyên bố một lần nữa sự tin tưởng vào những quyền cơ bản, nhân phẩm và giá trị của
con người ở quyền bình đẳng giữa nam và nữ, ở quyền bình đẳng giữa các nước lớn và
nhỏ;
Tạo mọi điều kiện cần thiết để giữ gìn công lý và tôn trọng những nghĩa vụ do những điều
ước và các nguồn khác do luật quốc tế đặt ra;
Khuyến khích sự tiến bộ xã hội và nâng cao điều kiện sống trong một nền tự do rộng rãi
hơn;
Bày tỏ lòng mong muốn cùng chung sống hoà bình trên tinh thần láng giêng thân thiện,
cùng chung nhau góp sức để duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, thừa nhận những nguyên
tắc và xác định những phương pháp bảo đảm không dùng vũ lực, trừ trường hợp vì lợi ích
chung, sử dụng cơ chế quốc tế để thúc đẩy sự tiến bộ kinh tế và xã hội của tất cả các dân
tộc;
Đã quyết định tập trung mọi nỗ lực của chúng tôi để đạt được những mục đích đó.
Vì vậy, các chính phủ chúng tôi thông qua các đại diện có đủ thẩm quyền hợp lệ, họp
tại thành phố San Francisco, đã thoả thuận thông qua Hiến chương này và lập ra một Tổ
chức quốc tế lấy tên là "Liên Hợp Quốc".
Chương I: Mục đích và Nguyên tắc
Điều 1:
Liên Hợp Quốc theo đuổi những mục đích sau:
Duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, và để đạt được mục đích đó, thi hành những biện
pháp tập thể có hiệu quả để phòng ngừa và loại trừ các mối đe doạ hoà bình, cấm mọi hành
vi xâm lược và phá hoại hoà bình khác; điều chỉnh hoặc giải quyết các vụ tranh chấp hoặc
những tình thế có tính chất quốc tế có thể đưa đến sự phá hoại hoà bình, bằng phương pháp
hoà bình theo đúng nguyên tắc của công lý và pháp luật quốc tế;
Phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình
đẳng và tự quyết của các dân tộc và áp dụng những biện pháp phù hợp khác để củng cố hoà
bình thế giới;
Thực hiện sự hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội,
văn hoá và nhân đạo và khuyến khích phát triển sự tôn trọng các quyền của con người và
các tự do cơ bản cho tất cả mọi ngưòi không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ hoặc
tôn giáo;
Trở thành trung tâm phối hợp mọi hành động của các dân tộc, nhằm đạt được những
mục đích chung nói trên.
Điều 2:
Để đạt được những mục đích nêu ở điều 1, Liên Hợp Quốc và các thành viên Liên Hợp

59
Quốc hành động phù hợp với những nguyên tắc sau đây:
Liên Hợp Quốc được xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng, chủ quyền của tất cả các
nước thành viên.
Tất cả các nước thành viên Liên Hợp Quốc đều phải làm tròn những nghĩa vụ mà họ
phải đảm nhận theo Hiến chương này để được đảm bảo hưởng toàn bộ các quyền và ưu đãi
do tư cách thành viên mà có;
Tất cả các thành viên của Liên Hợp Quốc giải quyết các tranh chấp quốc tế của họ bằng
biện pháp hoà bình, sao cho không tổn hại đến hoà bình, an ninh quốc tế và công lý;
Tất cả các thành viên Liên Hợp Quốc từ bỏ đe doạ bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực
trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập
chính trị của bất kỳ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của
Liên Hợp Quốc.
Tất cả các thành viên của Liên Hợp Quốc giúp đỡ đầy đủ cho Liên Hợp Quốc trong mọi
hành động mà nó áp dụng theo đúng Hiến chương này và tránh giúp đỡ bất cứ quốc gia nào
bị Liên Hợp Quốc áp dụng các hành động phòng ngừa hoặc cưỡng chế;
Liên Hợp Quốc làm thế nào để các quốc gia không phải là thành viên Liên Hợp Quốc
cũng hành động theo nguyên tắc này, nếu như điều đó cần thiết để duy trì hoà bình và an
ninh thế giới;
Hiến chương này hoàn toàn không cho phép Liên Hợp Quốc được can thiệp vào những
công việc thực chất thuộc thẩm quyền nội bộ của bất cứ quốc gia nào, và không đòi hỏi các
thành viên của Liên Hợp Quốc phải đưa những công việc loại này ra giải quyết theo quy
định của Hiến chương; tuy nhiên, nguyên tắc này không liên quan đến việc thi hành những
biện pháp cưỡng chế nói ở chương VII.
Chương II : Thành viên
Điều 3:
Những quốc gia đã tham dự hội nghị tại thành phố San Phrancisco hay là trước đó đã
ký vào bản tuyên ngôn Liên Hợp Quốc ngày 1/1/1942, nay đã ký và phê chuẩn Hiến
chương này theo điều 110, đều là thành viên đầu tiên của Liên Hợp Quốc.
Điều 4:
Tất cả các quốc gia yêu chuộng hoà bình khác thừa nhận những nghĩa vụ quy định
trong Hiến chương này và được Liên Hợp Quốc xét có đủ khả năng và tự nguyện làm tròn
những nghĩa vụ ấy, đều có thể trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc;
Việc kết nạp bất cứ một quốc gia nào nói trên vào Liên Hợp Quốc sẽ được tiến hành
bằng nghị quyết của Đại hội đồng, theo kiến nghị của Hội đồng Bảo an;
Điều 5:
Nếu thành viên Liên Hợp Quốc nào bị Hội đồng Bảo an áp dụng một biện pháp phòng
ngừa hay cưỡng chế thì Đại hội đồng có quyền, theo kiến nghị của Hội đồng Bảo an, đình
chỉ việc sử dụng các quyền và ưu đãi của thành viên đó. Việc sử dụng các quyền ưu đãi đó
có thể được Hội đồng Bảo an cho phục hồi.
Điều 6:
Nếu một thành viên Liên Hợp Quốc vi phạm một cách có hệ thống những nguyên tắc
nêu trong Hiến chương này thì có thể bị Đại hội đồng khai trừ khỏi Liên Hợp Quốc, theo
kiến nghị của Hội đồng Bảo an.

60
Chương III: Các cơ quan
Các cơ quan chính của Liên Hợp Quốc là: Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng
Kinh tế và Xã hội, Hội đồng Quản thác, Toà án quốc tế và Ban thư ký;
Những cơ quan giúp việc nếu xét thấy cần thiết, có thể được thành lập phù hợp theo
Hiến chương này.
Điều 8:
Liên Hợp Quốc không định ra một sự hạn chế nào đối với nam giới hoặc phụ nữ, trong
những điều kiện ngang nhau, đảm nhiệm mọi chức vụ trong các cơ quan chính và các cơ
quan giúp việc của Liên Hợp Quốc.
Chương IV: Đại hội đồng
Thành phần
Điều 9:
Đại hội đồng gồm tất cả các nước thành viên của Liên Hợp Quốc. Mỗi thành viên có
nhiều nhất là 5 đại biểu ở Đại hội đồng.
Chức năng và quyền hạn
Điều 10:
Đại hội đồng có thể thảo luận tất cả các vấn đề hoặc các công việc thuộc phạm vi Hiến
chương này, hoặc thuộc quyền hạn và chức năng của bất kỳ một cơ quan nào được ghi
trong Hiến chương này và có thể, trừ những quy định ở điều 32, ra những kiến nghị về
những vấn đề hoặc những vụ việc ấy cho các thành viên Liên Hợp Quốc hay Hội đồng Bảo
an hoặc cho cả các thành viên Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an.
Điều 11:
Đại hội đồng có thể xem xét những nguyên tắc chung về sự hợp tác để duy trì hoà bình
và an ninh quốc tế, kể cả những nguyên tắc giải trừ quân bị, hạn chế vũ trang và dựa trên
những nguyên tắc ấy đưa ra những kiến nghị cho các thành viên Liên Hợp Quốc, hay cho
Hội đồng Bảo an, hoặc cho cả các thành viên Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an;
Đại hội đồng có thể thảo luận mọi vấn đề liên quan đến việc duy trì hoà bình và an ninh
quốc tế do bất kỳ thành viên nào của Liên Hợp Quốc, hoặc do Hội đồng Bảo an, hay một
quốc gia không phải là thành viên của Liên Hợp Quốc đưa ra trước Đại hội đồng, theo điều
35 khoản 2 và trừ những quy định ở điều 12, Đại hội đồng có thể kiến nghị về mọi vấn đề
thuộc loại ấy với một quốc gia hay những quốc gia hữu quan, hoặc với Hội đồng Bảo an,
hay với cả những quốc gia hữu quan và Hội đồng Bảo an. Nếu mọi vấn đề thuộc loại này
cần phải có một hành động thì Đại hội đồng chuyển lại cho Hội đồng Bảo an trước hoặc
sau khi thảo luận;
Đại hội đồng có thể lưu ý Hội đồng Bảo an về những tình thế có khả năng làm nguy hại
đến hoà bình và an ninh quốc tế ;
Những quyền hạn của Đại hội đồng ghi trong điều này không hạn chế quy định chung
của điều 10.
Điều 12:
Khi Hội đồng Bảo an thực hiện những chức năng được Hiến chương này quy định đối
với một vụ tranh chấp hay một tình thế nào đó, Đại hội đồng không được đưa ra một kiến
nghị nào về tranh chấp hay tình thế ấy, trừ phi được Hội đồng Bảo an yêu cầu;

61
Tại mỗi khoá họp của Đại hội đồng, Tổng thư ký, với sự đồng ý của Hội đồng Bảo an,
báo cho Đại hội đồng biết những sự việc liên quan đến duy trì hoà bình và an ninh quốc tế
mà Hội đồng Bảo an xem xét, khi nào Hội đồng thôi không xem xét những việc đó nữa,
Tổng thư ký cũng báo cho Đại hội đồng biết, hoặc cho các thành viên Liên Hợp Quốc biết
nếu Đại hội đồng không họp.
Điều 13:
Đại hội đồng tổ chức nghiên cứu và thông qua những kiến nghị nhằm:
Phát triển sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chính trị và thúc đẩy các biện pháp pháp
điển hoá và sự phát triển của luật quốc tế theo hướng tiến bộ;
Thúc đẩy sự hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế và thực
hiện các quyền của con người và các tự do cơ bản đối với mọi người không phân biệt
chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ và tôn giáo;
Những nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền hạn khác của Đại hội đồng có liên quan đến
những vấn đề ghi ở khoản 1.b trên đây được quy định trong các chương IX và X.
Điều 14:
Phù hợp với những quy định ở điều 12, Đại hội đồng có thể kiến nghị những biện pháp
thích hợp để giải quyết hoà bình mọi tình thế nảy sinh bất kỳ từ nguồn gốc nào, mà theo sự
nhận xét của Đại hội đồng, có thể làm hại đến lợi ích chung, gây tổn hại cho các quan hệ
hữu nghị giữa các dân tộc, kể cả những tình thế nảy sinh do sự vi phạm những quy định về
các mục đích và nguyên tắc của Liên Hợp Quốc ghi trong Hiến chương này.
Điều 15:
Đại hội đồng tiếp nhận và nghiên cứu những báo cáo hàng năm và những báo cáo đặc
biệt của Hội đồng Bảo an. Các báo cáo đó tường trình những biện pháp mà Hội đồng Bảo
an đã quyết định hoặc đã thi hành để duy trì hoà bình và an ninh quốc tế;
Đại hội đồng tiếp nhận và xem xét những báo cáo của các cơ quan khác của Liên Hợp
Quốc.
Điều 16:
Về chế độ quản thác quốc tế, Đại hội đồng thực hiện những chức năng quy định cho
Đại hội đồng được ghi ở những chương XII và XIII, kể cả việc chuẩn y những hiệp định về
quản thác, có liên quan đến những khu vực không được ấn định là khu vực chiến lược.
Điều 17:
Đại hội đồng xét và phê chuẩn ngân sách của Liên Hợp Quốc;
Các thành viên của Liên Hợp Quốc thanh toán những chi phí của Liên Hợp Quốc the sự
phân bố của Đại hội đồng;
Đại hội đồng xét và phê chuẩn mọi hiệp định về tài chính về ngân sách, ký các điều ước
quốc tế với những tổ chức chuyên môn nói ở điều 57 và kiểm tra ngân sách hành chính của
các tổ chức này để đưa ra các kiến nghị cho những tổ chức đó.
Bỏ phiếu
Điều 18:
Mỗi thành viên của Đại hội đồng có một phiếu;
Những nghị quyết của Đại hội đồng về những vấn đề quan trọng phải được thông qua

62
theo đa số phiếu. Những vấn đề đó là: những kiến nghị có liên quan đến việc duy trì hoà
bình và an ninh quốc tế, việc bầu các uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, các
uỷ viên của Hội đồng Kinh tế và Xã hội, các uỷ viên của Hội đồng Quản thác theo khoản
1.c điều 86, kết nạp các thành viên mới vào Liên Hợp Quốc, đình chỉ các quyền và ưu đãi
của các thành viên, những vấn đề thuộc về hoạt động của hệ thống quản thác và những vấn
đề ngân sách;
Những nghị quyết về các vấn đề khác, kể cả việc ấn định những loại vấn đề mới cần
phải được giải quyết theo đa số 2/3, sẽ được thông báo theo đa số các thành viên có mặt vf
tham gia bỏ phiếu.
Điều 19:
Nước thành viên nào của Liên Hợp Quốc nợ những khoản tiền đóng góp của mình cho
Liên Hợp Quốc sẽ bị tước bỏ quyền bỏ phiều ở Đại hội đồng, nếu số tiền nợ bằng hoặc
nhiều hơn số tiền mà quốc gia đó đóng góp trong hai năm qua. Tuy nhiên, Đại hội đồng có
thể cho phép nước thành viên ấy được bỏ phiếu, nếu Đại hội đồng xét thấy sự chậm trễ đó
là do những hoàn cảnh xảy ra ngoài ý muốn của thành viên ấy.
Thủ tục
Điều 20:
Đại hội đồng họp một khoá thường kỳ hàng năm và họp những khoá bất thường do
Tổng thư ký triệu tập theo yêu cầu của Hôị đồng Bảo an hoặc của đa số các thành viên Liên
Hợp Quốc.
Điều 21:
Đại hội đồng tự quy định những quy tắc thủ tục của mình. Đại hội đồng bầu chủ tịch
cho từng khoá họp.
Điều 22:
Đại hội đồng có thể thành lập những cơ quan giúp việc mà Đại hội đồng xét thấy là cần
thiết cho việc thực hiện các chức năng của mình.
Chương V: Hội đồng Bảo an
Thành phần
Điều 23:
Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên của Liên Hợp Quốc: Cộng hoà nhân dân Trung
hoa, Cộng hoà Pháp, Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô-viết (nay là Liên bang Nga-
ND), Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len và Hợp chủng quốc Hoa kỳ là những uỷ
viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Mười thành viên khác của Liên Hợp Quốc được
Đại hội đồng bầu ra với tư cách là những uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an.
Trong việc bầu cử này, trước hết Đại hội đồng lưu ý đến sự đóng góp của các thành viên
Liên Hợp Quốc vào việc duy trì hoà bình và an ninh quốc tế mức độ thực hiện các mục
đích khác của Liên Hợp Quốc, cũng như lưu ý đến sự phân bố công bằng theo khu vực địa
lý;
Những uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an được bầu ra với nhiệm kỳ 2
năm. Nhưng ở lần đầu tiên, các uỷ viên không thường trực, sau khi tổng số uỷ viên của Hội
đồng Bảo an được nâng lên từ 11 đến 15, thì 2 trong số 4 uỷ viên bổ sung sẽ được bầu với
nhiệm kỳ 1 năm. Những uỷ viên vừa mãn nhiệm không đước bầu lại ngay;
Mỗi uỷ viên của Hội đồng Bảo an có một đại diện tại Hội đồng

63
Chức năng và quyền hạn
Điều 24:
Để đảm bảo cho Liên Hợp Quốc hành động nhanh chóng và có hiệu quả, các thành viên
Liên Hợp Quốc trao cho Hội đồng Bảo an trách nhiệm chính trong sự nghiệp duy trì hoà
bình và an ninh quốc tế và thừa nhận rằng, khi làm những nghĩa vụ do trách nhiệm ấy đặt
ra, thì Hội đồng Bảo an hành động với tư cách thay mặt cho các thành viên của Liên Hợp
Quốc;
Trong khi thực hiện những nghĩa vụ đó, Hội đồng Bảo an hành động theo đúng những mục
đích và nguyên tắc của Liên Hợp Quốc. Những quyền hạn nhất định được trao cho Hội
đồng Bảo an để Hội đồng Bảo an có thể làm tròn những nghĩa vụ ấy, được quy định ở các
chương VI, VII, VIII và XII;
Hội đồng kinh tế và Xã hội trình Đại hội đồng xét những báo cáo hàng năm và những
báo cáo đặc biệt khi cần.
Điều 25:
Theo Hiến chương này, các thành viên Liên Hợp Quốc đồng ý phục tùng và làm tròn
những quyết nghị của Hội đồng Bảo an.
Điều 26:
Để thúc đẩy việc thiết lập và duy trì hoà bình bằng cách chỉ dùng một số tối thiểu nhân
lực và tài nguyên kinh tế thế giới vào vũ trang, Hội đồng Bảo an có trách nhiệm với sự giúp
đỡ của Uỷ ban tham mưu quân sự như ghi ở điều 47, khởi thảo những kế hoạch xây dựng
hệ thống sử dụng lực lượng vũ trang để trình lên các thành viên Liên Hợp Quốc.
Bỏ phiếu
Điều 27:
Mối thành viên Hội đồng Bảo an có một lá phiếu;
Những nghị quyết của Hội đồng Bảo an về các vấn đề thủ tục được thông qua khi 9 uỷ
viên Hội đồng bỏ phiếu thuận;
Những nghị quyết của Hội đồng Bảo an về những vấn đề khác được thông qua sau khi
9 uỷ viên của Hội đồng Bảo an, trong đó có tất cả các uỷ viên thường trực bỏ phiếu thuận,
dĩ nhiên là bên đương sự trong tranh chấp sẽ không bỏ phiếu về các nghị quyết chiếu theo
chương VI và điều 52, khoản 3.
Thủ tục
Điều 28;
Hội đồng Kinh tế và Xã hội tổ chức thế nào để có thể thường xuyên thực hiện được
chức năng của mình. Để đạt được mục đích ấy, mỗi uỷ viên Hội đồng Bảo an phải luôn
luôn có đại diện tại trụ sở Liên Hợp Quốc;
Hội đồng Bảo an nhóm họp thường kỳ, trong những phiên họp này, mỗi uỷ viên tuỳ
theo ý mình có thể cử hoặc một thành viên chính phủ hoặc một đại diện đặc biệt khác nào
đó;
Các cuộc họp của Hội đồng Bảo an có thể được tiến hành không những chỉ ở trụ sở của
Liên Hợp Quốc, mà còn ở bất kỳ nơi nào nếu Hội đồng Bảo an xét thấy thuận tiện nhất cho
công việc của mình.
Điều 29:

64
Hội đồng Bảo an có thể thành lập những cơ quan giúp việc, nếu xét thấy cần thiết cho
việc thực hiện chức năng của mình.
Điều 30:
Hội đồng Bảo an quy định những quy tắc thủ tục cho mình, trong đó có thủ tục bầu chủ
tịch Hội đồng...
Điều 31:
Bất kỳ thành viên nào của Liên Hợp Quốc không phải là uỷ viên của Hội đồng Bảo an
vẫn có thể tham dự các phiên họp của Hội đồng Bảo an nhưng không có quyền biểu quyết,
kể cả trong những vấn đề đụng chạm đến quyền lợi của thành viên ấy được mang ra thảo
luận và quyết quyết trong cuộc họp.
Điều 32:
Bất kỳ thành viên nào của Liên Hợp Quốc không phải là uỷ viên Hội đồng Bảo an, hay
bất kỳ quốc gia nào không phải là thành viên của Liên Hợp Quốc, nếu là đương sự trong
cuộc tranh chấp mà Hội đồng Bảo an xem xét, cũng được mời tham dự, nhưng không có
quyền biểu quyết trong những cuộc thảo luận về các cuộc tranh chấp ấy. Hội đồng Bảo an
tạo điều kiện thuận lợi, mà Hội đồng xét thấy là hợp lý, cho những quốc gia không là thành
viên của Liên Hợp Quốc, trong việc tham gia các cuộc thảo luận nói trên.
Chương VI: Giải quyết hoà bình các cuộc tranh chấp
Điều 33:
Các bên đương sự trong các cuộc tranh chấp, mà việc kéo dài các cuộc tranh chấp ấy có
thể đe doạ đến hoà bình và an ninh quốc tế, trước hết, phải cố gắng tìm cách giải quyết
tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hoà giải, trọng tài, toà án, sử
dụng những tổ chức hoặc những hiệp định khu vực, hoặc bằng các biện pháp hoà bình khác
tuỳ theo sự lựa chọn của mình;
Hội đồng Bảo an, nếu thấy cần thiết, sẽ yêu cầu các đương sự giải quyết tranh chấp của
họ bằng các biện pháp nói trên.
Điều 34:
Hội đồng Bảo an có thẩm quyền điều tra mọi tranh chấp hoặc mọi tình thế có thể xảy ra
dẫn đến sự bất hoà quốc tế hoặc gây ra tranh chấp, xác định xem tranh chấp ấy hoặc tình
thế ấy nếu kéo dài có thể đe doạ đến việc duy trì hoà bình và an ninh quốc tế hay không.

Điều 35:
Mọi thành viên Liên Hợp Quốc đều có thể lưu ý Hội đồng Bảo an hoặc Đại hội đồng
đến một vụ tranh chấp hay một tình thế có tính chất như ở điều 34;
Một quốc gia không phải là thành viên Liên Hợp Quốc có thể lưu ý Hội đồng Bảo an
hoặc Đại hội đồng đến mọi tranh chấp mà trong đó họ là đương sự, miễn là quốc gia này
thừa nhận trước những nghĩa vụ giải quyết hoà bình các cuộc tranh chấp như Hiến chương
Liên Hợp Quốc quy định, để kết thúc vụ tranh chấp đó;
Theo điều này, Đại hội đồng sẽ giải quyết những việc mà Đại hội đồng lưu ý tới, và
phải tuân theo những quy định tại các điều 11 và 12.
Điều 36:
Trong bất kỳ giai đoạn nào của vụ tranh chấp nói ở điều 33 hoặc của tình thế tương tự,

65
Hội đồng Bảo an có thẩm quyền kiến nghị những thủ tục hoặc những phương thức giải
quyết thích đáng;
Hội đồng Bảo an chú trọng mọi thủ tục do các bên đương sự đã áp dụng để giải quyết
tranh chấp ấy;
Khi đưa ra kiến nghị trên cớ sở điều này, Hội đồng Bảo an phải lưu ý đối với nhứng
tranh chấp có tính chất pháp lý, thông thường, các đương sự phải đưa các tranh chấp ấy ra
toà án Quốc tế theo đúng quy chế của toà án.
Điều 37:
Nếu các đương sự trong vụ tranh chấp có tính chất nói ở điều 33 không giải quyết vụ
tranh chấp này bằng những phương pháp ghi trong điều đó, thì các đương sự đó sẽ đưa vụ
tranh chấp ấy ra Hội đồng Bảo an.
Nếu Hội đồng Bảo an nhận sự kéo dài các vụ tranh chấp ấy, trên thực tế, có thể đe doạ
hoà bình và an ninh quốc tế thì Hội đồng Bảo an quyết định xem có nên hành động theo
điều 36 hay không, hoặc kiến nghị các điều kiện giải quyết tranh chấp mà Hội đồng Bảo an
cho là hợp lý.
Điều 38:
Hội đồng Bảo an có thẩm quyền đưa ra những kiến nghị mà không làm tổn hại đến nội
dung các điều 36, 37 nhằm giải quyết hoà bình mọi vụ tranh chấp cho các bên đương sự
trong các vụ tranh chấp đó nếu họ yêu cầu.
Chương VII: Hành động trong trường hợp hoà bình bị đe doạ, bị phá hoại hoặc có
hành vi xâm lược
Điều 39:
Hội đồng Bảo an xác định thực tại mọi sự đe doạ hoà bình, phá hoại hoà bình hoặc
hành vi xâm lược và đưa ra những kiến nghị hoặc quyết định các biện pháp nào nên áp
dụng phù hợp với các điều 41 và 42 để duy trì hoặc khôi phục hoà bình và an ninh quốc tế.
Điều 40:
Để ngăn chặn tình thế trở nên nghiêm trọng hơn, Hội đồng Bảo an có thẩm quyền,
trước khi đưa ra những kiến nghị hoặc quyết định áp dụng các biện pháp ghi tại điều 39,
yêu cầu các bên đương sự thi hành các biện pháp tạm thời mà Hội đồng Bản an xét thấy
cần thiết hoặc nên làm. Những biện pháp tạm thời đó phải không phương hại gì đến các
quyền, nguyện vọng hoặc tình trạng của các bên hữu quan. Trong trường hợp các biện pháp
tạm thời ấy không được thi hành, Hội đồng Bảo an phải lưu ý thích đáng đến việc không thi
hành những biện pháp tạm thời ấy.
Điều 41:
Hội đồng Bảo an có thẩm quyền quyết định những biện pháp nào phải được áp dụng mà
không liên quan tới việc sử dụng vũ lực để thực hiện các nghị quyết của Hội đồng, và có
thể yêu cầu các thành viên của Liên Hợp Quốc áp dụng những biện pháp ấy. Các biện pháp
này có thể là cắt đứt toàn bộ hay từng phần quan hệ kinh tế, đường sắt, đường biển, hàng
không, bưu chính, điện tín, vô tuyến điện và các phương tiện thông tin khác, kể cả việc cắt
đứt quan hệ ngoại giao.
Điều 42:
Nếu Hội đồng Bảo an nhận thấy những biện pháp nói ở điều 41 là không thích hợp,
hoặc đã mất hiệu lực, thì Hội đồng Bảo an có thẩm quyền áp dụng mọi hành động của hải,

66
lục, không quân mà Hội đồng Bảo an xét thấy cần thiết cho việc duy trì hoặc khôi phục hoà
bình và an ninh quốc tế. Những hành động này có thể là những cuộc biểu dương lực lượng,
phong toả và những cuộc hành quân khác, do các lực lượng hải, lục, không quân của các
nước thành viên Liên Hợp Quốc thực hiện.
Điều 43:
1. Để góp phần vào việc duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, theo yêu cầu của Hội đồng
Bảo an và phù hợp với những hiệp ước đặc biệt hoặc các hiệp ước cần thiết cho việc duy trì
hòa bình và an ninh quốc tế, tất cả các nước thành viên Liên Hợp Quốc có nghĩa vụ cung
cấp cho Hội đồng Bảo an những lực lượng vũ trang, sự yểm trợ, và mọi phương tiện khác,
kể cả quân đội Liên Hợp Quốc qua lãnh thổ của mình.
2. Những hiệp định nói trên sẽ ấn định số lượng và binh chủng quân đội, mức độ chuẩn
bị, sự bố trí và tính chất các phương tiện dịch vụ và giúp đỡ trang bị cho quân đội này.
3. Các cuộc đàm phán về ký kết một hay những hiệp định nói trên sẽ được tiến hành
trong thời gian càng sớm càng tốt, theo sáng kiến của Hội đồng Bảo an.
Các hiệp định này sẽ được ký kết giữa Hội đồng Bảo an với những thành viên của Liên
Hợp Quốc và phải được các nước ký kết phê chuẩn theo quy định trong Hiến pháp của từng
nước.
Điều 44:
Khi Hội đồng Bảo an đã quyết định dùng vũ lực, thì trước khi yêu cầu một thành viên
có đại diện ở Hội đồng Bảo an cung cấp các lực lượng vũ trang để thi hành những nghĩa vụ
đã cam kết theo điều 43, Hội đồng Bảo an phải mời thành viên đó, nếu họ muốn, tham gia
việc định ra những nghị quyết của Hội đồng Bảo an về sơ bộ sử dụng lực lượng vũ trang
của thành viên ấy.
Điều 45:
Với mục đích đảm bảo cho Liên Hợp Quốc có thể áp dụng những biện pháp quân sự
khẩn cấp, các thành viên phải báo động cho một số phi đội không quân vào tư thế sẵn sàng
chiến đấu nhằm phối hợp các hành động quốc tế có tính chất cưỡng chế. Số lượng, mức độ
chuẩn bị và kế hoạch phối hợp hành động của các phi đội này sẽ được Hội đồng Bảo an,
với sự giúp đỡ của Uỷ ban tham mưu quân sự, ấn định theo những hiệp ước đặc biệt nói ở
điều 43.
Điều 46:
Những kế hoạch sử dụng lực lượng vũ trang sẽ do Hội đồng Bảo an đề ra với sự giúp
đỡ của Uỷ ban tham mưu quân sự.
Điều 47:
1. Uỷ ban tham mưu quân sự được thành lập làm tư vấn và giúp Hội đồng Bảo an để
duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, về việc sử dụng và chỉ huy những lực lượng quân sự
đặt dưới quyền điều hành của Hội đồng Bảo an, cũng như về vấn đề hạn chế vũ trang và
giải trừ quân bị.
2. Uỷ ban tham mưu quân sự gồm có các tham mưu trưởng của các uỷ viên thường
trực Hội đồng Bảo an hay đại diện của các tham mưu trưởng ấy. Uỷ ban tham mưu quân sự
có thể mời bất cứ thành viên nào của Liên Hợp Quốc không có đại diện thường trực trong
Uỷ ban hợp tác với mình, khi xét thấy cần thiết có sự tham gia của thành viên này vào
trong công việc của Uỷ ban, để Uỷ ban tham mưu thực hiện được nhiệm vụ của mình.
3. Dưới quyền của Hội đồng Bảo an, Uỷ ban tham mưu quân sự chịu trách nhiệm về

67
viẹc chỉ huy chiến lược tất cả những lực lượng vũ trang thuộc quyền điều hành của Hội
đồng Bảo an. Những vấn đề về việc chỉ huy các lực lượng ấy sẽ được quy định cụ thể sau.
4. Uỷ ban tham mữu quân sự, theo sự đồng ý của Hội đồng Bảo an và sau khi tham
khảo ý kiến của các tổ chức, khu vực hữu quan, có thể lập ra cá tiểu ban khu vực.
Điều 48:
Những hành động cần thiết cho việc thi hành những nghị quyết của Hội đồng Bảo an để
duy trì hoà bình và an ninh quốc tế sẽ do tất cả các thành viên hay một số thàh viên của
Liên Hợp Quốc áp dụng. Tuỳ theo nhận định của Hội đồng Bảo an, những nghị quyết ấy sẽ
do các thành viên của Liên Hợp Quốc trực tiếp thi hành hay thi hành bằng những hành
động của họ trong các tổ chức quốc tế hữu quan mà họ là thành viên

Điều 49:
Các thành viên Liên Hợp Quốc cần phải hợp tác tương trợ lẫn nhau trong việc thi hành
các biện pháp đã được Hội đồng Bảo an quyết định.
Điều 50:
Nếu Hội đồng Bảo an áp dụng những biện pháp đề phòng hoặc cưỡng bức với một
quốc gia nào đó, bất cứ một quốc gia nào khác dù là thành viên của Liên Hợp Quốc hay
không, nếu gặp khó khăn đặc biệt về kinh tế, do sự thi hành những biện pháp nói trên gây
ra, có quyền đề xuất lên Hội đồng Bảo an về việc giải quyết những khó khăn ấy.
Điều 51:
Không có một điều khoản nào trong Hiến chương này làm tổn hại đến quyền tự vệ cá
nhân hay tập thể chính đáng trong trường hợp thành viên Liên Hợp Quốc bị tấn công vũ
trang cho đến khi Hội đồng Bảo an chưa áp dụng được những biện pháp cần thiết để duy trì
hoà bình và an ninh quốc tế. Những biện pháp mà các thành viên Liên Hợp Quốc áp dụng
trong việc bảo vệ quyền tự vệ chính đáng ấy phải được báo ngay cho Hội đồng Bảo an và
không được gây ảnh hưởng gì đến quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng Bảo an, chiểu
theo Hiến chương này, đối với việc Hội đồng Bảo an áp dụng bất kỳ lúc nào những hành
động mà Hội đồng thấy cần thiết để duy trì hoặc khôi phục hoà bình và an ninh quốc tế.
Chương VIII: Những Hiệp định khu vực
Điều 52:
1. Không một quy định nào trong Hiến chương này làm cản trở sự tồn tại của những
Hiệp định hoặc những tổ chức khu vực nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến duy trì
hoà bình và an ninh quốc tế bằng những hành động có tính chất khu vực, miễn là những
hiệp định có tổ chức ấy và những hoạt động của chúng phù hợp với mục đích và nguyên tắc
của Liên Hợp Quốc.
2. Các nước thành viên Liên Hợp Quốc ký kết những hiệp định hoặc lập ra những tổ
chức này phải cố gắng hết sức để giải quyết hoà bình các cuộc tranh chấp có tính khu vực
bằng cách sử dụng những hiệp định hoặc những tổ chức đó, trước khi đưa những tranh
chấp này lên Hội đồng Bảo an xem xét.
3. Hội đồng Bảo an cần phải khuyến khích sự thúc đẩy việc giải quyết hoà bình các
cuộc tranh chấp có tính chất khu vực, bằng cách sử dụng những hiệp định hoặc các tổ chức
khu vực, hoặc theo sáng kiến của các nước hữu quan, hoặc do Hội đồng Bảo an giao lại.
4. Điều này không làm tổn hại đến việc thi hành các điều 34 và 35.

68
Điều 53:
1. Hội đồng Bảo an sử dụng, nếu thấy cần thiết, những hiệp định hoặc các tổ chức khu
vực để thi hành những hành động cưỡng chế dưới sự điều khiển của mình. Tuy nhiên,
không một hành động cưỡng chế nào được thi hành chiếu theo những hiệp định hay do
những tổ chức khu vực quy định, nếu không được Hội đồng Bảo an cho phép, trừ những
biện pháp chống lại bất kỳ một quốc gia thù địch nào theo quy định ở khoản 2 điều này
hoặc những biện pháp quy định chiếu theo điều 107, hoặc trong những hiệp ước khu vực
thi hành một lần nữa chính sách xâm lược, cho đến khi Liên Hợp Quốc có thể, theo lời yêu
cầu của các chính phủ hữu quan, được giao nhiệm vụ ngăn chặn một sự xâm lược mới của
một quốc gia như thế.
2. Thuật ngữ "quốc gia thù địch" dùng ở khoản 1, điều này áp dụng cho bất cứ quốc
gia nào trong thời gian chiến tranh thế giới thứ II, đã là kẻ thù của cứ nước nào ký kết hiến
chương này.
Điều 54:
Hội đồng Bảo an phải thường xuyên thông báo một cách đầy đủ những tin tức về mọi
hành động đã được tiến hành hay đang có dự định tiến hành theo những hiệp định khu vực
hay do những tổ chức khu vực, để duy trì hoà bình và an ninh quốc tế.
Chương IX: Hợp tác quốc tế về kinh tế, xã hội
Điều 55:
Với mục đích nhằm tạo những điều kiện ổn định và những điều kiện đem lại hạnh phúc
cần thiết để duy trì những quan hệ hoà bình và hữu nghị giữa các dân tộc, dựa trên sự tôn
trọng nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền và quyền tự quyết của các dân tộc, Liên Hợp
Quốc khuyến khích:
a) Việc nâng cao mức sống, đảm bảo cho mọi người đều có công ăn việc làm
và những điều kiện tiến bộ và phát triển trong lĩnh vực kinh tế, xã hội;
b) Việc giải quyết những vấn đề quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, y tế và
những vấn đề liên quan khác; và sự hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực văn hoá và giáo dục;
c) Sự tôn trọng và tuân thủ triệt để các quyền và các tự do cơ bản của tất cả
mọi người không phân biệt chủng tộc nam nữ, ngôn ngữ hay tôn giáo.
Điều 56:
Tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc phải cam kết bằng các hành động chung
hoặc riêng trong sự nghiệp hợp tác với Liên Hợp Quốc để đạt được những mục đích nói
trên.

Điều 57:
1. Các tổ chức chuyên môn khác nhau được thành lập bằng các hiệp định liên chính
phủ và theo điều lệ của tổ chức ấy, có trách nhiệm quốc tế rộng rãi trong các lĩnh vực kinh
tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, y tế và trong những lĩnh vực liên quan khác, sẽ có quan hệ với
Liên Hợp Quốc theo những quy định của điều 63.
2. Các tổ chức qốc tế có quan hệ với Liên Hợp Quốc như vậy, trong những điều tiếp
theo, được gọi là "các tổ chức chuyên môn".
Điều 58:
Liên Hợp Quốc, khi cần sẽ đưa ra những sáng kiến về các cuộc đàm phán giữa các quốc

69
gia hữu quan để thành lập các tổ chức chuyên môn mới, cần thiết để đạt được những mục
đích nói ở điều 55.
Điều 60:
Trách nhiệm thi hành những chức năng của Liên Hợp Quốc nêu ở chương này được
giao cho Đại hội đồng và Hội đồng Kinh tế và Xã hội, đặt dưới quyền của Đại hội đồng. Để
đạt được mục đích đó, Hội đồng Kinh tế và Xã hội sẽ sử dụng những quyền hạn được giao
như ghi ở chương X.
Chương X: Hội đồng kinh tế và xã hội
Điều 61:
Hội đồng Kinh tế và Xã hội gồm 54 thành viên Liên Hợp Quốc do Đại hội đồng bầu ra.
Theo quy định của khoản 3 điều này, mỗi nhiệm kỳ có 18 uỷ viên Hội đồng Kinh tế và Xã
hội được bầu với thời hạn 3 năm. Những uỷ viên vừa mãn hạn có thể được bầu lại ngay.

Ngay trong lần bầu thứ nhất, sau khi nâng số lượng uỷ viên Hội đồng Kinh tế và Xã hội từ
27 lên 54, số lượng uỷ viên bổ sung sẽ được bầu vào chỗ của 10 uỷ viên sắp mãn hạn, trách
nhiệm của các uỷ viên này sẽ kéo dài đến ngày cuối của năm đương nhiệm. Số lượng uỷ
viên được bầu bổ sung là 27. Nhiệm kỳ của 9 uỷ viên trong số 27 uỷ viên bổ sung thường
là 1 năm, của 9 uỷ viên khác là 2 năm theo quy định của Đại hội đồng.
Mỗi uỷ viên của Hội đồng Kinh tế và Xã hội có một đại diện ở Hội đồng.
Chức năng và quyền hạn
Điều 62:
1. Hội đồng Kinh tế và Xã hội có qyền tiến hành các cuộc điều tra và làm những báo
cáo về các vấn đề quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, y tế và những
lĩnh vực liên quan khác, và có thể gửi những kiến nghị về tất cả các vấn đề cho Đại hội
đồng, các thành viên Liên Hợp Quốc và các tổ chức chuyên môn hữu quan.
2. Hội đồng Kinh tế và Xã hội có quyền đưa ra những kiến nghị nhằm khuyến khích sự
tôn trọng các quyền và những tự do cơ bản của con người.
3. Hội đồng Kinh tế và Xã hội có quyền chuẩn bị những dự thảo và điều ước về các vấn
đề thuộc thẩm quyền của mình để trình Đại hội đồng.
4. Hội đồng Kinh tế và Xã hội có quyền triệu tập những hội nghị quốc tế về những vấn
đề thuộc thẩm quyền của mình, theo các thủ tục do Liên hHp Quốc quy định.
Điều 63:
1. Hội đồng Kinh tế và Xã hội có quyền ký kết với bất kỳ một tổ chức nào nói ở điều 59
những hiệp định quy định các điều kiện quan hệ giữa các tổ chức ấy với Liên Hợp Quốc.
Các hiệp định này phải được hội đồng duyệt y.
2. Hội đồng Kinh tế và Xã hội có quyền phối hợp hoạt động với các tổ chức chuyên
môn, bằng cách bàn với các tổ chức đó gửi khuyến nghị cho các tổ chức này cũng như bằng
cách đưa ra kiến nghị cho Đại hội đồng và các thành viên Liên Hợp Quốc.
Điều 64:
1. Hội đồng Kinh tế và Xã hội có quyền tiến hành mọi biện pháp thích hợp để nhận
được các báo cáo thường kỳ của các tổ chức chuyên môn. Hội đồng Kinh tế và Xã hội có
quyền ký với các thành viên Liên hợp quốc và các tổ chức chuyên môn những hiệp định về
việc các thành viên và các tổ chức này báo cáo cho mình những biện pháp đã được áp dụng

70
để thi hành những nghị quyết của Đại hội đồng và của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
2. Hội đồng Kinh tế và Xã hội có quyền báo cáo cho Đại hội đồng những nhận xét của
mình về các báo cáo ấy.
Điều 65:
Hội đồng Kinh tế và Xã hội có thẩm quyền cung cấp những tin tức cho Hội đồng Bảo
an và giúp Hội đồng Bảo an, nếu Hội đồng Bảo an yêu cầu.
Điều 66:
1. Hội đồng Kinh tế và Xã hội thực hiện các chức năng thuộc thẩm quyền của mình,
có liên quan đến việc chấp hành những nghị quyết của Đại hội đồng.
2. Với sự đồng ý của Đại hội đồng, Hội đồng Kinh tế và Xã hội có thẩm quyền làm
những việc do các thành viên Liên Hợp Quốc hoặc các tổ chức chuyên môn yêu cầu.
3. Hội đồng Kinh tế và Xã hội có nghĩa vụ thực hiện những chức năng khác được quy
định trong Hiến chương này, hoặc có thể được Đại hội đồng giao cho.

Bỏ phiếu
Điều 67:
Mỗi uỷ viên của Hội đồng Kinh tế và Xã hội sẽ được sử dụng một lá phiếu.
Những nghị quyết của Hội đồng Kinh tế và Xã hội được thông qua theo đa số phiếu của các
uỷ viên có mặt và bỏ phiếu.
Thủ tục
Điều 68:
Hội đồng Kinh tế và Xã hội thành lập các ban trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội và về
sự khuyến khích các quyền con người, kể cả thành lập các ban khác cần thiết cho việc thi
hành những chức năng của Hội đồng Kinh tế và Xã hội.
Điều 69:
Hội đồng Kinh tế và Xã hội mời bất kỳ thành viên nào của Liên Hợp Quốc tham gia các
cuộc thảo luận của Hội đồng Kinh tế và Xã hội nhưng không có quyền bỏ phiếu, nếu như
vấn đề có liên quan.
(Nguồn: Bộ Ngoại giao Việt Nam)

71

You might also like