You are on page 1of 1

 THỨ TƯ 6/12/2023 21:28     ENGLISH

TRANG CHỦ GIỚI THIỆU BỘ TIN TỨC TÀI CHÍNH HỆ THỐNG VĂN BẢN HỎI ĐÁP CSTC 

  Chi tiết tin THÔNG TIN, CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH +

Hệ lụy từ biến động của giá dầu đối với xu hướng toàn cầu hóa BTC VỚI CÔNG DÂN +
 29/12/2022 16:57:00

Cỡ chữ: A- A+ Đọc báo 00:00 00:00 Tương phản: Giảm Tăng    BTC VỚI DOANH NGHIỆP +

CHUYÊN MỤC KHÁC +


(TTXVN) Các chuyên gia tin rằng các biện pháp trừng phạt và tác động với chuỗi cung ứng toàn cầu nhiều khả năng dẫn đến tình trạng phi
toàn cầu hóa, kinh tế thế giới có nguy cơ chia thành các khối tách biệt.

Hãng tin Sputnik ngày 27/12 đã có bài viết nhận định về tác động của giá dầu đối với nền kinh tế thế giới.

Theo bài viết, hàng loạt yếu tố đã khiến giá dầu toàn cầu tăng mạnh trước khi bắt đầu năm 2022, qua đó mở đường cho những chuyển biến lớn trong
năm nay. Đại dịch Covid-19 đã khiến giá dầu thô lao dốc khi nhu cầu sụt giảm do các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại trong năm 2020.

Cuối năm 2020 và sang đầu năm 2021, các doanh nghiệp bắt đầu mở cửa trở lại trên toàn cầu, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và việc các nhà
sản xuất dầu không kịp thích ứng với thay đổi trên thị trường đã dẫn đến thiếu hụt nhiên liệu, đẩy giá dầu lên cao.

Nhằm đạt được mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050, chính phủ các nước phương Tây đã giảm đầu tư vào sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Các
ngân hàng lớn của châu Âu đã giảm hỗ trợ tài chính cho các công ty nhiên liệu hóa thạch ở mức 27,6% trong năm 2021, giai đoạn các hoạt động kinh
tế bắt đầu được nối lại và cần dầu mỏ nhất. Những nhân tố này đã làm giá dầu thô Brent tăng hơn 60% trong năm 2021.

Tháng 10/2021, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã ghi nhận lạm phát tăng lên cao hơn so với mục tiêu đề ra là 2% và tiếp tục leo thang.

Khi giá dầu và lạm phát tiếp tục đà tăng vào đầu năm 2022, những nhân tố mới lại xuất hiện. Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại
miền Đông Ukraine, Nhóm các nước nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và các nước đồng minh đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với
các lĩnh vực như ngân hàng, logistics và năng lượng của Nga.

Do Nga là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba thế giới và là nhà xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ hàng đầu trên toàn cầu, biện pháp này đã ảnh hưởng
nghiêm trọng đến nguồn cung dầu mỏ của thế giới. Ước tính khoảng 60% xuất khẩu dầu thô của Nga là sang EU, tương đương khoảng 33% nhập
khẩu dầu mỏ của khối.

Những diễn biến này đã khiến giá dầu dao động quanh mức 100 USD/thùng, lạm phát trở thành vấn đề toàn cầu vào tháng Năm vừa qua.

Để kiểm soát lạm phát, Ngân hàng dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã liên tục
tăng lãi suất từ đầu năm nay. Tuy nhiên, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), việc tăng mạnh lãi suất có tác dụng ngược đến những nền kinh tế dễ bị tổn
thương của các nước đang phát triển.

Đầu năm nay, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhận định việc Hoa Kỳ tăng lãi suất có thể tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu, những nước
có nợ công cao sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất.

Mặt khác, giới chuyên gia cảnh báo Hoa Kỳ và các nước phương Tây có nguy cơ rơi vào suy thoái, khi các đợt tăng lãi suất làm tăng chi phí cho vay và
khiến các nền kinh tế công nghiệp tăng trưởng chậm lại.

Đầu năm nay, Hoa Kỳ đã bước vào giai đoạn suy thoái kỹ thuật, trong khi Ủy ban châu Âu (EC) thừa nhận vào tháng 11 rằng Khu vực đồng tiền chung
châu Âu (Eurozone) và phần lớn các nước EU sẽ đối mặt với suy thoái vào quý IV/2022.

Trong khi đó, để cải thiện tình hình kinh tế, G7 đã quyết định triển khai kế hoạch áp giá trần ở mức 60 USD/thùng với dầu mỏ của Nga và biện pháp
này chính thức có hiệu lực vào ngày 5/12 vừa qua.

Đáp lại, Nga tuyên bố sẽ không bán dầu cho những nước thực hiện biện pháp này, đồng thời cảnh báo việc áp giá trần sẽ làm suy yếu các nguyên tắc
thị trường tự do và làm xáo trộn kinh tế toàn cầu. Các quốc gia sẽ phải tự tìm cách tăng cường nhập khẩu dầu mỏ và sử dụng nội tệ để thanh toán cho
các thương vụ dầu và khí đốt.

Đến cuối tháng 11, giá dầu Brent đã giảm còn 83 USD/thùng và dầu WTI còn 77 USD/thùng. Giám đốc Viện Phân tích an ninh toàn cầu, cố vấn cấp cao
của Hội đồng An ninh năng lượng Hoa Kỳ, Tiến sỹ Gal Luft đã nêu bật một số nguyên nhân làm giá dầu giảm như kinh tế toàn cầu đi xuống, nhu cầu
chững lại trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan tại Trung Quốc.

Các nước đã hoàn tất việc bổ sung kho dầu chiến lược, các công ty vận tải và cung cấp dịch vụ thanh toán đã điều chỉnh theo các biện pháp trừng phạt
nên việc vận chuyển dầu thô có thể diễn ra thuận lợi hơn.

Các công ty vận tải đã hoàn tất vận chuyển các đơn hàng cuối năm trước dịp nghỉ lễ nên hoạt động vận tải quốc tế sẽ bớt nhộn nhịp. Tại Hoa Kỳ, các
công ty lọc dầu phải chịu áp lực giảm lợi nhuận và hạn chế xuất khẩu, dẫn đến tình trạng dư thừa ở thị trường nội địa.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo giá dầu Brent và WTI có thể vượt mốc 100USD lần nữa nếu Nga giảm sản lượng dầu và Trung Quốc tăng tốc
phát triển kinh tế sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế liên quan Covid-19.

Các chuyên gia tin rằng các biện pháp trừng phạt và tác động đối với chuỗi cung ứng toàn cầu nhiều khả năng sẽ dẫn đến tình trạng phi toàn cầu
hóa. Kinh tế thế giới có nguy cơ bị chia thành các khối tách biệt.

Việc kết nối kinh tế bị giảm đi sẽ tăng quyền hạn và các biện pháp bảo hộ nhà nước cho các công ty và các ngành công nghiệp nội địa. Có thể nói, kinh
tế toàn cầu của những năm 2020 sẽ rất khác so với ba thập kỷ trước.

Đặng Ánh

CÁC TIN KHÁC

2023 có thể là một năm ảm đạm hơn đối với nền kinh tế toàn cầu (29/12/2022 16:56)

Nga thông báo nền kinh tế chỉ suy giảm 2% trong năm 2022 (29/12/2022 16:54)

Kinh tế toàn cầu có suy thoái trong năm 2023? (27/12/2022 17:06)

Giá cả tiêu dùng hạ nhiệt kéo lạm phát ở Nga tiếp tục giảm (27/12/2022 17:03)

Trung Quốc năm 2023 tiếp tục là động lực của kinh tế thế giới? (27/12/2022 17:03)

Xuất khẩu của Israel có thể lập kỷ lục 160 tỷ USD trong năm 2022 (27/12/2022 17:02)

Những thách thức đối với ngành dệt may toàn cầu trong năm 2023 (27/12/2022 17:01)

Lạm phát Singapore vẫn ở mức cao trong tháng 11 (26/12/2022 17:08)

Indonesia tiết kiệm hơn 12,8 tỷ USD cho chi tiêu năm 2023 (26/12/2022 17:04)

Doanh số bán nhà mới của Hoa Kỳ bất ngờ tăng trong tháng 11/2022 (26/12/2022 16:41)

BÌNH CHỌN

Điểm bình chọn 5 Bình chọn

4
0/5 3
    
2
 Tổng 0 lượt bình chọn
1

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ TÀI CHÍNH Khách online: 470

Lượt truy cập: 122,221,397


Cơ quan chủ quản: Bộ Tài chính

Người chịu trách nhiệm: Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi    

Địa chỉ: Số 28 Trần Hưng Đạo - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội. Điện thoại Cổng thông tin điện tử: (84-24)2220.2828-2888. Fax: (84-24)2220.8091. Email: support@mof.gov.vn.

Sơ đồ site Thông tin liên hệ Hướng dẫn sử dụng Đường dây nóng

You might also like