You are on page 1of 9

14

Chương 2: Hiện trạng thủy sản Việt Nam Thủy sản đại cương

Hình 2.17: Biến động xuất khẩu cá ngừ qua các năm.

2.5 Thách thức của phát triển bền vững


Trong vài thập niên qua, ngành thủy sản đã có những bước phát triển rõ rệt, thể hiệu qua
các chỉ số về sản lượng, giá trị sản phẩm, kim ngạch xuất khẩu, v.v. Tuy nhiên, sự phát triển của
ngành này, nói chung, còn nhiều khó khăn và thách thức, sự phát triển chưa ổn định và bền vững.
Ví dụ trường hợp của khai thác thủy sản, lực lượng tàu thuyền phát triển mạnh mẽ nhưng nhiều
trường hợp hiệu quả mang lại kém; trường hợp khai thác IUU còn diễn ra khá phổ biến, làm cho
xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khi phải bị áp các quy định hạn chế (chẳng hạn thẻ vàng của
EU,..). Tương tự vậy, nghề nuôi thủy sản cũng đối mặt nhiều khó khăn và thách thức như: tình
trạng ô nhiễm nguồn nước nuôi ngày càng nghiêm trọng; tình trạng dịch bệnh thường xuyên xảy
ra, gây thiệt hại cho vụ mùa; chưa kiểm soát tốt chất lượng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất,
cũng như chất lượng sản phẩm đầu ra, đã dẫn đến mất uy tín trên thị trường quốc tế; tình trạng
biến động giá cả thất thường và chi phí sản xuất cao làm cho người nuôi tôm chịu nhiều thiệt
thòi; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm cho việc quản lý trại nuôi càng khó khăn hơn; gần đây
người nuôi còn chịu tác động tiêu cực rất nặng nề bởi tình hình đại dịch Covid-19, làm cho sản
phẩm nuôi không có thị trường tiêu thụ, chuỗi cung ứng bị "đứt gãy" ảnh hưởng đến hoạt động
sản xuất chế biến và thị trường tiêu thụ, v.v. Những khó khăn, thách thức này làm cho ngành
thủy sản Việt Nam chưa ổn định và thiếu tính bền vững. Thiệt hại không chỉ đối với người sản
xuất mà còn cho cả nền kinh tế quốc dân. Do vậy, cần có những chiến lược phát triển phù hợp
hơn để giải quyết ngay những khó khăn này, hướng tới nền sản xuất bền vững hơn.

Thách thức cho khai thác thủy sản: một trong những thách thức quan trọng cho ngành
khai thác thủy sản của Việt Nam hiện nay là tình trạng khai thác trái phép vẫn diễn ra phổ biến.
Kể từ sau khi Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo "thẻ vàng" đối với tình trạng đánh bắt bất hợp
pháp (IUU) và tháng 10/2017, Việt Nam đã có những nỗ lực trong quản lý để kiểm soát tình
trạng đánh bắt IUU này, song sau 2 năm thực hiện các khuyến nghị của EC, mặc dù đã có những
tiến bộ đáng ghi nhận nhưng kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu. Công tác chứng nhận, xác nhận
nguồn gốc thủy sản khai thác còn nhiều khiếm khuyết, chưa đáng tin cậy. Thực thi luật chống
IUU chưa nghiêm, hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng yêu cầu, v.v.

Nguyễn Văn Trai phát triển từ bài giảng của Nguyễn Văn Tư
15
Chương 2: Hiện trạng thủy sản Việt Nam Thủy sản đại cương

Số liệu của Tổng cục thủy sản cho biết, năm 2018 xảy ra 85 vụ với 137 tàu ngư dân vi
phạm vùng biển nước ngoài, tăng 28 vụ với 46 tàu can dự so với năm 2017. Những tháng đầu
năm 2019, đã có 16 vụ với 26 tàu xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác. Những tỉnh có
nhiều tàu vi phạm gồm: Kiên Giang, Bà rịa- Vũng tàu, Bình định, Bến tre, Cà mau, Bạc liêu,
Bình thuận.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, có những nguyên nhân gây tình trạng vi phạm như
vậy là:
o Việc xác nhận của lực lượng Biên phòng và các lực lượng khác chưa chặt chẽ;
o Việc nâng cấp cảng cá, hậu cần nghề khai thác chưa được quan tâm, hạ tầng neo
đậu, tránh trú bão chưa đạt yêu cầu;
o Nguồn nhân lực quản lý thủy sản còn thiếu và năng lực chưa đáp ứng yêu cầu
công tác.
Chính vì vậy việc truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác là chưa đạt yêu cầu của EC. Nếu
tình trạng này kéo dài, nguy cơ ngành khai thác thủy sản của Việt Nam cho thể nhận "thẻ đỏ".
Đến nay, đầu 2021 Việt Nam vẫn chưa thể gỡ bỏ thẻ vàng mà còn có nguy cơ chuyển sang thẻ
đỏ, bởi tình trạng IUU vẫn xảy ra với 32 vụ và 56 tàu. Điều đó làm ảnh hưởng đến uy tín và danh
tiếng của thủy sản Việt Nam tại các thị trường khác ngoài châu Âu.
Nhằm kiểm soát tốt hoạt động khai thác của các tàu cá, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn
thành việc trang bị kiểm soát hành trình cho 100% tàu cá, đồng thời phải có các trạm giám sát,
định vị đầy đủ cho từng địa phương để công tác kiểm soát chặt chẽ hơn. Từ việc giám sát chặt
chẽ, có thể phát hiện và cảnh báo sớm những tàu có xu hướng vượt khỏi ranh giới khai thác hợp
pháp của Việt Nam, góp phần ngăn chặn vi phạm IUU.

Nguyễn Văn Trai phát triển từ bài giảng của Nguyễn Văn Tư
16
Chương 2: Hiện trạng thủy sản Việt Nam Thủy sản đại cương

Hình 2.18: Quá trình cảnh báo thẻ vàng và những nỗ lực của VN trong kiểm soát IUU.

Nhìn chung, từ sau 1997, sau khi Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định 274/TTg về
việc thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về Chương trình đánh bắt xa bờ, nghề đánh bắt xa bờ ở
Việt Nam đã có những bước tiến nhanh và đạt những thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nó
"vẫn đang tồn tại những vấn đề như: khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ phát triển tự phát,
chưa được kiểm soát, thiếu bền vững. Năng suất, hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, tổn
thất sau thu hoạch và thất thoát về giá trị và nguồn lợi còn cao. Bên cạnh đó, đội tàu khai thác
nhỏ, lạc hậu, trình độ sản xuất thấp, công tác quản lý thị trường còn nhiều bất cập, tình trạng
cạnh tranh không lành mạnh, ép giá trong thu mua, tiêu thụ, kinh doanh sản phẩm thường xuyên
xảy ra" (Tổng cục thủy sản, 2021). Đồng thời, việc đánh bắt trái phép IUU như kể trên, đã làm
cho sự phát triển của ngành này kém bền vững. Để phát triển bền vững hơn, cần thực thi các quy
định chặt chẽ và thi hành luật thật nghiêm, để chấn chỉnh và định hình một ngành sản xuất mang
tính bền vững hơn.

Thách thức cho nuôi trồng thủy sản: có nhiều khó khăn đã cản trở sự phát triển theo
hướng bền vững của nuôi trồng thủy sản Việt Nam. Những khó khăn điển hình nhất gồm:

Nguyễn Văn Trai phát triển từ bài giảng của Nguyễn Văn Tư
17
Chương 2: Hiện trạng thủy sản Việt Nam Thủy sản đại cương

Môi trường nuôi ô nhiễm: môi trường nước nuôi thủy sản chịu ảnh hưởng của nhiều tác
nhân gây ô nhiễm, từ các hoạt động sản xuất và hoạt động sống của con người, trong đó có cả tự
gây ô nhiễm bởi chính việc nuôi trồng thủy sản.
Dịch bệnh trên thủy sản nuôi xảy ra thường xuyên: thiệt hại do bệnh gây ra là nỗi lo lớn
nhất cho người nuôi thủy sản, vì thường sẽ rất nặng nề.

Bảng 2.5: Thiệt hại do bệnh trên thủy sản nuôi thời gian gần đây (Nguồn: Bộ NN&PTNT, 2021).
Diện tích Năm Ghi chú: các loại bệnh chủ yếu
2019 2020
Diện tích nuôi tôm bị 6.351 6.858 Bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND), bệnh đốm trắng (WSD),
thiệt hại (ha) bệnh đỏ thân, thân trắng, đường ruột, bệnh do vi bào tử trùng
(EHP)
Diện tích nuôi cá tra 247 1.426 Bệnh gan thận mủ; bệnh do ký sinh trùng; bệnh xuất huyết,
bị thiệt hại (ha) trắng gan, trắng mang, thối đuôi, phù đầu.
Thiệt hại cho các loài Cá bớp bị xuất huyết; cá mú bị bệnh hoại tử thần kinh
khác (VNN); tôm hùm bị bệnh sữa (MHD-SL); cá điêu hồng bị
xuất huyết, trắng gan, ký sinh trùng; có 1.040 ha nghêu
(ngao) nuôi và 244,7ha tôm nuôi (tôm càng xanh) tại Trà
Vinh bị thiệt hại do môi trường; ếch bị xuất huyết, chướng
hơi, đỏ mắt, đỏ đùi, mù mắt, quẹo cổ, v.v.

Chưa kiểm soát hiệu quả chất lượng và giá nguyên liệu đầu vào: giá thức ăn thủy sản và
chất lượng của chúng chưa được kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến giá thành sản xuất tăng cao, đồng
thời ảnh hưởng đến sức khỏe, sự sinh trưởng và chất lượng của sản phẩm đầu ra. Chi phí lớn
nhất cho nuôi thủy sản là từ thức ăn (trên 50% tổng chi phí sản xuất), do vậy chi phí tăng cao làm
giảm hiệu quả kinh tế của nghề nuôi. Thêm vào đó, chất lượng thức ăn kém không những tác
động xấu đến sinh vật nuôi, nó còn gia tăng tác động xấu lên môi trường (ô nhiễm nước, ảnh
hưởng sức khỏe người tiêu dùng sản phẩm thủy sản, v.v.).
Chất lượng con giống cũng chưa được quản lý tốt, hậu quả là người nuôi chịu thiệt hại.
Giống chậm lớn, giống nhiễm bệnh, v.v. là những biểu hiện mà người nuôi thường gặp phải.
Chưa kết nối bền vững với thị trường tiêu thụ: người sản xuất và người tiêu thụ sản phẩm
thiếu thông tin về nhu cầu cũng như thiếu sự tin tưởng lẫn nhau. Kênh phân phối-tiêu thụ sản
phẩm còn thông qua nhiều khâu trung gian, làm cho sự phân phối lợi nhuận đến với người nuôi
và các doanh nghiệp đầu cuối bị suy giảm. Người nuôi phải bán với giá thấp, trong khi người
tiêu thụ phải mua với giá quá cao. Nó còn làm giảm sức cạnh tranh giữa hàng thủy sản Việt Nam
trên thị trường quốc tế.
Tác động của biến đổi khí hậu: cả 2 lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản đều chịu
tác động mạnh mẽ dưới điều kiện biến đổi khí hậu. Điều kiện thời tiết thất thường gây rủi ro lớn
cho tàu khai thác, đặc biệt là trên biển. Nuôi trồng thủy sản cũng phụ thuộc nhiều vào điều môi
trường, do vậy điều kiện biến đổi khí hậu đã làm thay đổi đột ngột các điều kiện môi trường và
gây tác động bất lợi cho nghề nuôi.
Tác động của đại dịch Covid-19: tình hình dịch bệnh covid-19 xảy ra trong 2 năm qua đã
ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và tiêu thụ ngành thủy sản. Mức tiêu thụ giảm sút nghiêm trọng,
mặc dù nhu cầu vẫn lớn. Một trong những vấn đề cản trở sự lưu thông hàng hóa chính là sự "đứt

Nguyễn Văn Trai phát triển từ bài giảng của Nguyễn Văn Tư
18
Chương 2: Hiện trạng thủy sản Việt Nam Thủy sản đại cương

gãy" các khâu vận chuyển và hậu cần. Vì vậy, cần có chính sách tháo gỡ kịp thời để duy trì "sức
khỏe lành mạnh" của thị trường.

2.6 Chuỗi liên kết trong sản xuất thủy sản-xu hướng mới cho phát triển bền vững
Thị trường tiêu thụ quốc tế đối với mặt hàng thủy sản, hiện nay đang có sự cạnh tranh
quyết liệt giữa các nhà sản xuất và xuất khẩu khác nhau. Sự cạnh tranh đó thể hiện qua 2 khía
cạnh quan trọng nhất là: (a) chất lượng sản phẩm phải đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, (b)
giá cả phải hấp dẫn người tiêu thụ. Trong xu thế cạnh tranh như vậy, nếu người sản xuất hoạt
động với quy mô nhỏ và riêng lẽ, sẽ khó đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường, do những hạn chế
như giá thành sản xuất cao, khó kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào, v.v. Do vậy, tham gia
vào chuỗi liên kết trong sản xuất chính là giải pháp cho các nhà sản xuất thủy sản nói chung và
nuôi trồng thủy sản nói riêng, để ổn định sản xuất theo hướng phát triển bền vững.
Phần này sẽ thảo luận một số vấn đề về chuỗi liên kết sản xuất, lấy trường hợp của mặt
hàng tôm ở đồng bằng sông Cửu Long làm điển hình, nhằm minh họa cho lợi ích của người nuôi
tôm khi tham gia vào chuỗi liên kết, chuỗi giá trị trong hoạt động sản xuất.
Thực trạng về chuỗi giá trị tôm ở ĐBSCL: hai đối tượng tôm nuôi chính là tôm sú và tôm
thẻ chân trắng. Tôm sú chủ yếu được nuôi với mô hình quảng canh cải tiến. Năm 2017, tổng diện
tích nuôi tôm sú ở đây là 622.400 ha trong đó chỉ có gần 6% diện tích là ao nuôi thâm canh và
bán thâm canh (Tổng cục Thủy sản, 2017). Tôm thẻ chân trắng lại được nuôi chủ yếu với mô
hình thâm canh và bán thâm canh ở ĐBSCL. Do đặc điểm mô hình nuôi khác nhau, chuỗi giá trị
tôm sú và tôm thẻ chân trắng cũng có những đặc thù khác nhau về phân phối lợi nhuận giữa các
tác nhân tham gia chuỗi giá trị. Tuy nhiên, cả 2 chuỗi giá trị này đều có sự tham gia của các
nhóm tác nhân chính, bao gồm: (a) nhóm sản xuất và thương mại trực tiếp, có người nuôi (cá thể
hoặc tổ hợp tác/hợp tác xã hoặc công ty), thương lái (thương nhân cấp 1), vựa/đại lý (thương
nhân cấp 2), và các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ; (b) nhóm các tác nhân dịch vụ (cung cấp
giống, thức ăn, thuốc và hóa chất, v.v.); (c) nhóm các tác nhân hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ khoa
học-kỹ thuật (khuyến ngư, đào tạo, kiểm dịch, v.v.), dịch vụ tín dụng, thông tin thị trường, xúc
tiến thương mại (các hiệp hội, tổ chức phi chính phủ, cơ quan quản lý, v.v.).

Khái quát chuỗi giá trị tôm ở ĐBSCL như ở Hình 2.19 dưới đây.

Sơ đồ ở Hình 2.19 cho thấy sự khác biệt giữa 2 kênh tiêu thụ sản phẩm, trong đó nhóm
người nuôi cá thể và thông qua hợp tác xã phải bán sản phẩm qua nhiều khâu trung gian. Trong
khi đó người nuôi tôm quy mô công nghiệp, thường là các công ty có tiềm lực kinh tế tốt, có thể
bán sản phẩm trực tiếp cho các doanh nghiệp chế biến. Như vậy, sự phân phối lợi nhuận đến với
người nuôi nhỏ lẻ thường ít hơn so với quy mô nuôi lớn. Ở đây cần nói thêm rằng, mặc dù nhiều
người nuôi đã tham gia mô hình hợp tác xã, nhưng tổ chức hợp tác xã ở đây chưa thực vững
mạnh nên hoạt động kém hiệu quả, cần được cải thiện để người nuôi tôm đạt được nhiều lợi ích
hơn.

Nguyễn Văn Trai phát triển từ bài giảng của Nguyễn Văn Tư
19
Chương 2: Hiện trạng thủy sản Việt Nam Thủy sản đại cương

Hình 2.19: Khái quát chuỗi giá trị tôm ở ĐBSCL (Nguồn: OXFAM, 2018)

Nguyễn Thanh Tùng và cộng sự (2019) cho rằng người nuôi tôm ở ĐBSCL đã bắt đầu có
nhiều sự hợp tác và liên kết với các bên tham gia chuỗi khác nhau, tuy nhiên hoạt động vẫn chưa
thực sự hiệu quả, do một số khó khăn như sau: hợp đồng liên kết chưa bền vững và các bên sẵn
sàng phá vỡ hợp đồng khi giá cả thị trường biến động mạnh; các cam kết nuôi theo quy trình của
người dân đôi khi không được tuân thủ, dẫn đến chất lượng tôm không đạt yêu cầu thu mua của
doanh nghiệp đã ký hợp đồng; năng lực quản trị của người lãnh đạo hợp tác xã còn hạn chế, dẫn
đến thành viên hợp tác xã không tin tưởng và tuân thủ các cam kết nội bộ; năng lực sản xuất của
các hợp tác xã còn khá nhỏ, trong khi mỗi hợp tác xã lại chưa thực hiện đúng quy trình sản xuất
chung, nên không đảm bảo nguồn nguyên liệu đạt chuẩn cho đầu vào sản xuất của các doanh
nghiệp chế biến, do vậy các hợp đồng cũng dễ bị phá vỡ.
Tóm lại, đặc trưng chuỗi giá trị tôm hiện nay ở ĐBSCL là người nuôi tôm còn chịu nhiều
thiệt thòi về lợi nhuận, đặc biệt đối với người nuôi quy mô nhỏ lẻ. Bởi lẽ có quá nhiều nhân tố
trung gian tham gia thu mua sản phẩm tôm từ người nuôi. Ngoài ra, mặc dù mô hình hợp tác xã
và một số hình thức liên kết giữa người nuôi tôm với các nhân khác trong chuỗi đã được hình
thành, song sự liên kết này còn quá nhiều khiếm khuyết nên cũng chưa vận hành hiệu quả như
mong muốn. Cần có sự hỗ trợ của nhà nước để cải thiện những điểm yếu trong chuỗi giá trị và
các hoạt động liên kết, nhằm mang lại lợi ích tích cực hơn cho người nuôi tôm.

Hỗ trợ thành lập chuỗi liên kết: theo nội dung phân tích ở những phần trên, người nuôi
tôm ở ĐBSCL hiện nay cần tham gia vào một khâu của chuỗi liên kết sản xuất. Chuỗi bắt đầu từ
khâu cung cấp nguyên vật liệu đầu vào (giống tôm, thức ăn, thuốc và hóa chất, v.v.), khâu nuôi,
khâu dịch vụ thu hoạch và thu mua, khâu chế biến, khâu tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm đến tay
người tiêu dùng. Chuỗi hoạt động trên nguyên tắc liên kết của nhiều mắt xích, mỗi mắt xích là
một khâu chuyên trách trong sản xuất tương ứng, cùng chia sẻ trách nhiệm và cùng hưởng lợi khi
chuỗi hoạt động thành công. Triết lý để thành công trong hoạt động liên kết chuỗi giá trị này là
“cùng nắm tay đi hết con đường”, nghĩa là thành công của chuỗi là thành công của mỗi nhân tố
tham gia, và ngược lại thất bại của chuỗi là thất bại của tất cả mọi nhân tố tham gia chuỗi. Bên
cạnh đó, Nhà nước đóng vai trò là người thiết lập cơ sở pháp lý, một mặt tạo cơ chế thuận lợi cho
việc hình thành và vận hành chuỗi, mặt khác có cơ chế minh bạch, ràng buộc trách nhiễm của

Nguyễn Văn Trai phát triển từ bài giảng của Nguyễn Văn Tư
20
Chương 2: Hiện trạng thủy sản Việt Nam Thủy sản đại cương

từng bên tham gia chuỗi. Có như vậy, các chuỗi sản xuất tôm ở nước ta mới thực sự vững bền
hơn và hình thành ưu thế cạnh tranh cho sản phẩm của mình trên thị trường quốc tế.

Hỗ trợ chuyển đổi mô hình tổ chức sản xuất: hiện nay đại đa số người nuôi tôm ở
ĐBSCL hoạt động sản xuất theo mô hình cá thể và quy mô nhỏ. Do vậy, họ bị hạn chế trong việc
tiếp cận nguồn vốn cho sản xuất, khó tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào đạt chất lượng và giá
rẻ, khó kiểm soát chất lượng sản phẩm đầu ra theo chuẩn chung của thị trường tiêu thụ. Để giải
quyết những khó khăn này, họ cần tham gia vào chuỗi liên kết và chuỗi giá trị tôm.
Trước tiên họ cần chuyển đổi sang mô hình tổ chức sản xuất tập thể. Có nhiều mô hình
sản xuất tập thể như tổ hợp tác, hợp tác xã, công ty. Mỗi mô hình sản xuất đều có những đặc
trưng riêng, đi kèm với những điểm thuận lợi và khó khăn riêng. Tùy theo nguồn lực sẵn có của
mình, mà hộ nuôi có thể tham gia vào mô hình phù hợp. Chẳng hạn, mô hình sản xuất hợp tác xã
hay công ty, luôn có tư cách pháp nhân, nên sẽ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận những chính
sách hỗ trợ của nhà nước, tiếp cận được nguồn vật tư đầu vào sản xuất với giá thấp hơn với chất
lượng tốt hơn, ổn định đầu mối tiêu thụ sản phẩm với giá bán tốt hơn.
Đối với mô hình công ty, những đơn vị có quy mô sản xuất lớn và nguồn tài chính vững
mạnh còn có điều kiện thuận lợi để khép kín quy trình sản xuất bằng cách chuyên môn hóa các
khâu sản xuất bằng liên kết công ty mẹ-công ty con. Theo nhận định của VASEP (2019), khả
năng khép kín quy trình sản xuất có vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp thủy sản. Theo
đó, doanh nghiệp có hoạt động sản xuất càng khép kín thì khả năng tự chủ nguồn nguyên liệu và
hiệu quả kinh doanh càng cao. Ngược lại, nếu mô hình sản xuất ít khép kín thì phải phụ thuộc
vào bên ngoài nhiều hơn, sẽ dễ bị động trong sản xuất và giảm hiệu quả kinh doanh. Chính vì
vậy mà các công ty thủy sản ngày nay có xu hướng tự khép kín quy trình sản xuất của mình.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng việc khép kín chuỗi sản
xuất vừa giúp cho doanh nghiệp kiểm soát được chất lượng sản phẩm qua các khâu sản xuất, vừa
có thể chủ động đưa ra giá thành cạnh tranh và đạt được lợi nhuận cao hơn (VCCI, 2016).
Trong khi đó, nhà nước đang có chủ trương thúc đẩy sản xuất đối với mô hình kinh tế
hợp tác xã (HTX). Từ năm 2012, Luật hợp tác xã đã ra đời, trong đó có nhiều quy định có lợi
cho thành viên của hợp tác xã (Quốc Hội, 2012). Theo đó, HTX là “tổ chức kinh tế tập thể, đồng
sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 7 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ
lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh,…., trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình
đẳng và dân chủ trong quản lý…”. Như vậy, với tư cách pháp nhân được luật pháp công nhận,
HTX sẽ nhận được hàng loạt cách chính sách hỗ trợ, ưu đãi từ nhà nước. Trong đó, đáng chú ý
nhất là: được đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị
trường; tiếp cận khoa học kỹ thuật mới; tiếp cận nguồn vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX; được
tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế-xã hội; được ưu
đãi các sắc thuế và các lệ phí; được giao đất, thuê đất để phục vụ hoạt động của HTX; được ưu
đãi về tín dụng và vốn khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, v.v.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019) cho biết “Kinh tế hợp tác, hợp tác xã đã được khẳng định
là một bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế, hiện đang đóng góp 10% GDP của cả nước và
đặc biệt có vai trò quan trọng trong mục tiêu kinh tế tăng trưởng bền vững, xây dựng nông thôn
mới, giảm nghèo và cải thiện môi trường”. Tính đến tháng 9/2019, cả nước có khoảng 1.500
HTX (trong đó Vùng ĐBSCL chiếm 12%) đang sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị thị

Nguyễn Văn Trai phát triển từ bài giảng của Nguyễn Văn Tư
21
Chương 2: Hiện trạng thủy sản Việt Nam Thủy sản đại cương

trường trong và ngoài nước, áp dụng công nghệ cao và các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm,
ký kết hoạt động tiêu thụ sản phẩm dài hạn với doanh nghiệp.
Mặc dù hoạt động HTX còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đã thể hiện được vai trò và bản
chất của nó, đặc biệt là sau khi có Luật HTX năm 2012 ra đời, nó đã thể hiện được tư duy mô
hình HTX kiểu mới, bản chất là sự hợp tác, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với
nền kinh tế ở nước ta hiện nay, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh ngày càng
gay gắt.
Như vậy, có thể thấy rằng hộ nuôi tôm cá thể có thể dễ dàng tiếp cận với mô hình kinh tế
tập thể thông qua hình thức HTX hoặc mô hình công ty. Tuy nhiên, mô hình HTX tỏ ra phù hợp
hơn với nguồn lực tài chánh và con người của họ, so với mô hình công ty.
Khi đã trở thành thành viên của HTX, HTX sẽ đại diện cho tư cách pháp nhân của tổ
chức để tham gia vào chuỗi liên kết, chuỗi giá trị sản xuất tôm. Từ đó lợi ích của người nuôi tôm
được cải thiện, đồng thời nghề nuôi tôm cũng vì thế mà phát triển ổn định và bền vững hơn.

DANH SÁCH TÀI LIỆU THAM KHẢO:


Bộ Kế hoạch và Đầu tư, (2019). Cơ hội và thách thức phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Tại
Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2019, diễn ra vào ngày 14 tháng 10 năm 2019,
tại Hà Nội.
Nafiqad, 2021. Danh sách doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam đủ điều kiện bảo đảm an
toàn thực phẩm và xuất khẩu vào các thị trường châu Âu. Website: nafiqad.gov.vn/danh-
sach-doanh-nghiep-che-bien-thuy-san-viet-nam-du-dieu-kien-bao-dam-an-toan-thuc-
pham-va-xuat-khau-vao-cac-thi-truong_t221c330n39.
Nguyễn Thanh Tùng, Cao lệ Quyên, Hoàng Văn Cường, Nguyễn Tiến Hưng và Phạm Khánh
Chi, 2019. Chuỗi giá trị tôm tại đồng bằng sông Cửu Long-Thực trạng và một số vấn đề
về phát triển hợp tác, liên kết trong chuỗi. Trong: Nguyễn Thanh Tùng (chủ biên), Thủy
sản Việt Nam-Tiềm năng và triển vọng, trang 53-64. Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội.

OXFAM, (2018). Chuỗi giá trị tôm Việt Nam dưới lăng kính bất bình đẳng: Hiện trạng và hàm ý
chính sách.

Quốc Hội, (2012). Luật hợp tác xã- Số: 23/2012/QH13, ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2012.

SEAFDEC, 2017. Fisheries countries profile: Vietnam. Website:


http://www.seafdec.org/fisheries-country-profile-viet-nam/. Truy cập: 30 tháng 5 năm
2021.

SEAFDEC, 2020. Fishery statistical bulletin of Southeast Asia 2018. Bangkok, Thailand. Pages:
139.

Nguyễn Văn Trai phát triển từ bài giảng của Nguyễn Văn Tư
22
Chương 2: Hiện trạng thủy sản Việt Nam Thủy sản đại cương

Thủy sản Việt Nam, 2020. Nguồn lợi hải sản các vùng biển Việt Nam suy giảm nghiêm trọng.
Website: https://thuysanvietnam.com.vn/nguon-loi-hai-san-cac-vung-bien-viet-nam-suy-
giam-nghiem-trong/. Truy cập: 18 tháng 6 năm 2021.

Tổng cục thống kê, 2021. Số liệu thống kê các lĩnh vực sản xuất thủy sản. Website:
https://www.gso.gov.vn/so-lieu-thong-ke/

Tổng cục thủy sản, 2021. Chuyên mục khai thác thủy sản- Diễn đàn hoạt động khai thác thủy sản
trên biển Việt Nam và vai trò của nghiệp đoàn nghề cá. Website:
https://tongcucthuysan.gov.vn/vi-vn/khai-thác-thủy-sản/-khai-thác/.

VASEP, (2019). Tổng quan ngành tôm. Website: http://vasep.com.vn/Tin-


Tuc/1017_56183/Tong-quan-nganh-tom.htm. Truy cập ngày 5/10/2020.

VASEP, 2020. Tổng quan ngành thủy sản Việt Nam. Website: http://vasep.com.vn/gioi-
thieu/tong-quan-nganh. Truy cập: 12 tháng 6 năm 2021.

VCCI, (2016). Chuỗi khép kín trong sản xuất và chế biến: Lợi ích và khó khăn. Website:
https://vcci-hcm.org.vn/diem-nhan-thi-truong/chuoi-khep-kin-trong-san-xuat-va-che-
bien-loi-ich-va-kho-khan/12702/.

Nguyễn Văn Trai phát triển từ bài giảng của Nguyễn Văn Tư

You might also like