You are on page 1of 9

ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG

TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI NGỮ

KHOA TIẾNG TRUNG

HỌC PHẦN: VĂN HỌC TRUNG QUỐC

PHÂN TÍCH HÌNH TƯỢNG NHÂN VẬT THƯỢNG QUAN LỖ


THỊ TRONG TÁC PHẨM “BÁU VẬT CỦA ĐỜI” CỦA MẠC NGÔN

Giảng viên: Nguyễn Trúc Thuyên

Nhóm thực hiện: Nhóm 2

Thành viên: Nguyễn Trần Xuân Hạ (Nhóm trưởng)

Tạ Thị Phương Quỳnh

Nguyễn Minh Tâm

Nguyễn Ngọc Phương Trinh

Lương Thị Diễm Vy

Năm học: 2023 - 2024

Đà Nẵng, ngày 30 tháng 12 năm 2023


1. Tác giả, tác phẩm

Mạc Ngôn là một nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc và đã đóng góp cho nền văn học
Trung Quốc nhiều tác phẩm có giá trị. Trong đó không thể không kể đến tác phẩm “Báu vật
của đời” được ông sáng tác vào năm 1995.

Nổi bật trong tác phẩm “Báu vật của đời” chính là cuộc đời người phụ nữ nông thôn
Trung Quốc - Thượng Quan Lỗ Thị. Cuộc đời Lỗ Thị gắn liền với những đau thương, thăng
trầm cũng như vô vàn biến cố của lịch sử vùng đất Cao Mật - Đại La - quê hương Lỗ Thị, 6
tháng tuổi đã phải chịu cảnh mồ côi cha lẫn mẹ, lên năm tuổi chịu cảnh bó chân, tục lệ bó chân
đó theo bà cho đến khi bà 16 tuổi, năm 17 tuổi được gả vào nhà Thượng Quan qua cuộc đổi
chác giữa người cô và Thượng Quan Lã Thị - bà mẹ chồng, nhưng người chồng của bà lại là
kẻ bất lực, nhu nhược, không có khả năng truyền giống. Do không sinh được con, Lỗ Thị phải
hứng chịu bao sự hành hạ, chửi rủa, phỉ mắng của gia đình chồng. Cũng bởi cái áp lực có đứa
con trai, cho nên Lỗ Thị đã phải cắn răng đi “xin giống” của thiên hạ. Đến khi nhà chồng bị sát
hại do quân Nhật, chỉ còn lại bà mẹ chồng dở điên dở dại và đàn con thơ, Lỗ Thị kết thúc khiếp
làm dâu và chuyển sang làm chủ gia đình, làm mẹ, làm bà. Bao thế lực chính trị đến rồi lại đi,
vinh quang rồi tàn lụi đem đến cho Lỗ Thị biết bao tai hoạ, biết bao mất mát, đau khổ. Con
người ấy khổ cả một đời, đến khi chết người ta cũng bắt đào mộ lên. Trải qua vô vàng những
biến cố, những bất công, đau khổ của một kiếp người nhưng người phụ nữ ấy lại mang trong
mình những hình tượng rất đáng trân trọng và vĩ đại. Vậy những hình tượng đó là gì?

2. Hình tượng nhân vật

Trung Hoa - cái nôi của những thành tựu văn hóa rực rỡ nhưng cũng là cội nguồn của
những phong tục dày vò, ám ảnh cả đời người. Đáng thương thay, những gì đau đớn nhất, nặng
nề nhất dường như đều vận lên thân phận phụ nữ, Thượng Quan Lỗ Thị cũng không tránh khỏi
vòng quay của số mệnh.

2.1 Thượng Quan Lỗ Thị - Thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến Trung Hoa

2.1.1 Người phụ nữ gắn liền với chuẩn mực truyền thống của xã hội phong kiến Trung
Hoa

Tưởng rằng được cô chú Vu Bàn Vả đem về nuôi dưỡng thì sẽ nhận được sự bù đắp
cho một tâm hồn đang thiếu thốn tình cảm gia đình, nhưng ở đây Thượng Quan Lỗ Thị lại bước
qua một bi kịch thứ hai - bi kịch làm thân con gái. Khi lên 5 tuổi, bà phải chịu đựng nỗi đau
đớn với tục bó chân - một phong tục tàn khốc đã gây ra cho những người phụ nữ Trung Quốc
những thương tích, tật nguyền suốt đời. Họ chịu nhiều đau đớn với chỉ một lý do “phụ nữ
không bó chân sẽ thành chân bàn cuốc, không ai thèm lấy!”. Với lý do như vậy, rất nhiều bậc
bề trên ở Trung Quốc đã ép con cháu mình phải chịu những nỗi đau đớn về thể xác và dày vò
về tinh thần trong tục bó chân. Với sự miêu tả chân thực, Mạc Ngôn đã giúp cho người đọc
thấu hiểu được nỗi đau khôn cùng của những người phụ nữ trong cái tập tục bó chân tàn khốc
ấy “Bà dùng nẹp tre cố định chân mẹ lại, khiến mẹ gào lên như lợn bị chọc tiết, phải kẹp chặt
vì tạo hình cho bàn chân nhỏ là rất quan trọng. Sau đó quấn thật chặt hết lớp này đến lớp khác
những đoạn vải đã tẩm nước muối phơi khô, rồi lấy dùi gỗ vỗ một lượt. Mẹ kể rằng, buốt đến
tận óc…”.

2.1.2 Người con dâu của xã hội phong kiến Trung Hoa

Mãi đến năm 16 tuổi, Lỗ Thị mới được giải thoát khỏi tục bó chân. Năm 17 tuổi thì
được gả vào nhà Thượng Quan. Và đây cũng chính là lúc bắt đầu một giai đoạn mới - giai đoạn
đau khổ, tủi nhục trong thân phận làm dâu, làm vợ. Là vợ của Thượng Quan Thọ Hỷ, là con
dâu trong gia đình khá giả nhưng thực chất, Thượng Quan Lỗ Thị chẳng khác gì một kẻ tôi tớ.
Sống trong một xã hội phong kiến khắt khe, việc có con để nối dõi tông đường là “nghĩa vụ”
mà bất cứ một người vợ, một nàng dâu nào cũng phải thực hiện, nhưng vì chồng của bà lại là
một kẻ bất tài, vũ phu và không có khả năng truyền giống, nên mọi sự hành hạ và oán trách từ
niềm khao khát có cháu nối dõi tông đường đều bị đổ dồn lên người bà. Bà phải thường xuyên
chịu những trận đòn roi và những cơn mắng nhiếc cay nghiệt “Chỉ biết ăn mà không biết đẻ,
nuôi cái đồ vô tích sự ấy làm gì!”, “Nhà Thượng Quan tiền oan nghiệp chướng làm sao cưới
phải quả mít đực, tuyệt tự đến nơi rồi”.

Ở nhà Thượng Quan, Thượng Quan Lỗ Thị bị đối xử thua một con vật. Vừa mới sinh
con xong, bà phải phơi mình giữa cái nắng trưa để lật rơm trong khi “…bụng vẫn đau quặn, dạ
con vừa trút được gánh nặng co bóp dữ dội, mồ hôi lạnh chảy cùng mình, từng dòng âm ấm từ
cửa mình chảy ra ướt đẫm hai đùi”, phải sinh con trên một cái giường đầy đất đá đã nhão ra vì
máu. Bà “vượt cạn” trong sự lo lắng, sợ hãi, bẩn thỉu và cô đơn trong khi cả nhà đang lo lắng,
nâng niu một con lừa cũng đang đau đẻ.

Nguyên nhân lớn nhất gây lên những cơ cực, tủi nhục của Thượng Quan Lỗ Thị chính
là phong tục nghiệt ngã phải có con trai để nối dõi tông đường của xã hội phong kiến. Có thể
thấy rằng đây chính là bi kịch lớn nhất của người phụ nữ trong thời đại lúc bấy giờ - bi kịch
làm dâu, làm vợ của xã hội phong kiến. Bi kịch này đưa ra một chân lý vô cùng nghiệt ngã “Là
đàn bà, không lấy chồng không được, lấy chồng mà không sinh con không được, sinh con toàn
con gái cũng không được. Muốn có địa vị trong gia đình, dứt khoát phải sinh con trai”. Thượng
Quan Lỗ Thị chính là thân phận của người phụ nữ bị khinh bỉ, coi rẻ phẩm chất, giá trị trong
xã hội phong kiến Trung Quốc, vừa là nạn nhân nhưng cũng chính là nhân chứng tố cáo sự cay
nghiệt và tàn bạo của xã hội ấy.

2.2 Thượng Quan Lỗ Thị - Hình tượng người phụ nữ có tấm lòng nhân ái, cao cả

2.2.1 Lòng khoan dung vô bờ bến của người mẹ ̣

Giặc ngoại xâm, các thế lực chính trị đến rồi đi trên mảnh đất Cao Mật, khi gia đình
Thượng Quan bị quân Nhật tàn sát thì với sự kiên cường của mình, người phụ nữ này đã vực
cả gia đình Thượng Quan đi qua bao bão táp, dâu bể tang thương của thời đại. Thượng Quan
Lỗ Thị trở thành người phải gánh vác, chống đỡ cả gia đình, nuôi các con từng người trưởng
thành. Tình yêu và cuộc sống của bà đều hướng đến những đứa con thân yêu của mình. Bà sẽ
không vì sinh ra chúng không phải là con trai mà ghét bỏ chúng, bà luôn xem những đứa con
như là nguồn sống của mình “Xúm xít xung quanh mẹ là ba sinh vật bé bỏng, đó là Lai Đệ,
Chiêu Đệ và Lãnh Đệ của mẹ, còn Tưởng Đệ thì đang khóc khản cả tiếng trong giường”, bà
luôn dang rộng đôi tay che chở cho đàn con trước nanh vuốt của kẻ thù.

Mỗi người con của Thượng Quan Lỗ Thị đều lớn lên trong vòng tay yêu thương của
bà, họ được người mẹ vĩ đại ấy sinh ra và nuôi lớn đúng vào lúc đất nước Trung Quốc có nhiều
biến động. Mỗi đứa con lớn lên đều chọn một con đường, một cách sống, và một cách chết trên
cuộc đời đầy gian truân khổ ải. Họ thậm chí còn xung khắc, thù ghét nhau bởi sự đối lập trong
chính kiến, lí tưởng, nhưng điểm tựa duy nhất, nguồn an ủi duy nhất của họ chính là người mẹ
Lỗ Thị. Đối với các con, bà sẵn sàng làm ngọn gió, chắp thêm sức mạnh cho các con vươn đôi
cánh bay thật xa, thật lâu và khi những đôi cánh ấy mệt mỏi, thì bà mẹ Lỗ Thị lại là nguồn an
ủi, là chốn quay về bình yên và an toàn nhất.

Mặc dù là một người mẹ không hoàn hảo nhưng bà đã làm tất cả để có thể che chở, bảo
vệ các con của mình. Khi thấy con gái mình bị “người cào người cấu, chẳng khác nào bốn con
mèo vây quanh một con chuột”, dù vẫn biết đó là đóng kịch nhưng với tấm lòng người mẹ, bà
đã bất chấp tất cả bảo vệ con mình “Mẹ giơ hai tay như chim ưng sắp vồ con thỏ, ghì chặt hai
chân đội trưởng Kaxi… mẹ ngồi lên bụng Kaxi, cào xé mặt anh ta… mẹ thở hồng hộc, vẫn
chưa hết giận nói: Dám hà hiếp con gái ta nữa hay thôi?”. Cũng chính lòng yêu thương con,
bảo vệ con ấy mà dẫn đến một hành động giết người ám ảnh tâm hồn Lỗ Thị suốt cuộc đời.
Người mẹ ấy đã cố sức cứu đứa con gái Ngọc Nữ bị bà mẹ chồng bắt nạt. Trong cơn bấn loạn
và vô vàn những nỗi đau từ quá khứ trở về bà đã có những hành động không kiểm soát “mẹ
giơ cái chày lên giáng một nhát giữa đỉnh đầu trọc lốc của bà nội”.

Điều đáng ngưỡng mộ nhất ở Thượng Quan Lỗ Thị đó chính là cách bà nuôi dạy con
cái. Người phụ nữ vĩ đại ấy bao giờ cũng hướng con mình tới những điều hay lẽ sống của cuộc
đời. Bà nuôi con và dạy con với tất cả tinh thần, trách nhiệm. Bà theo dõi từng bước đi, uốn
nắn từng sai lệch của con mình, sao cho chúng thành những con người đúng nghĩa. Lỗ Thị
khuyên con gái phải sống hết mình vì con cái, phải có trách nhiệm với đứa con mà mình sinh
ra chứ không phải là bỏ mặc con. Vì thương con mà Lỗ Thị khuyên đứa con trai mà bà vô cùng
yêu quý phải thay đổi thói quen, thay đổi cách ăn để bảo vệ sinh mệnh của mình hoặc phải học
cách sống tự lập. Tuy rằng trong lòng bà rất thiên vị đứa con trai duy nhất, nhưng kỳ thật bà
cũng yêu thương những cô con gái khác của mình, bà không để con gái mình chọn đàn ông có
khí chất nguy hiểm.

Có thể thấy người phụ nữ này tuy nhỏ bé nhưng sẽ có một sức mạnh phi thường với
những kẻ nào có thể làm hại tới con của mình.

2.2.2 Thượng Quan Lỗ Thị - Người bà thương cháu

Ngoài việc nuôi dưỡng đàn con tám gái một trai của mình trưởng thành, trong suốt cuộc
đời của mình, Lỗ Thị còn cưu mang thêm tám đứa cháu gọi bà bằng ngoại. Bà trách con mình
bỏ mặc con cái, nhưng bà không thể nào bỏ mặc những đứa cháu máu mủ ruột rà ấy. Bà thương
con mình bao nhiêu thì thương những đứa cháu ấy bấy nhiêu. Bà sẵn sàng hi sinh mạng sống
của mình để đổi lấy sự sống cho chúng. Dù cha mẹ chúng là ai, thuộc đảng phái nào, tư tưởng
chính trị ra sao thì Lỗ Thị vẫn dành cho chúng tình thương yêu, tình người thân thiết nhất. Bởi
lẽ, chúng là sức mạnh là động lực là lí do giúp bà luôn kiên cường chiến đấu cho mục tiêu sinh
tồn. Vì vậy khi chúng mất đi, bà cũng đau đớn như mất đi “núm ruột” của chính mình “Mẹ bốc
một nắm đất nhét vào lỗ thủng, nhưng máu và ruột cứ đẩy đất ra ngoài, mẹ bóc nắm nữa rồi
nắm nữa nhét vào mà vẫn không bịt được, ruột thằng Câm em đùn ra đầy nửa sọt… mẹ buông
xuôi hai tay đờ đẫn nhìn đống ruột rồi đột nhiên mẹ nôn ra mật xanh mật vàng, sau đó mẹ òa
khóc nức nở.”

Mỗi đứa con, mỗi đứa cháu tựa như từng “núm ruột” của bà. Lỗ Thị sống vì con cháu,
sinh tồn vì con cháu, chết vì con cháu và tin tưởng - hy vọng vì con cháu. Bà là một người phụ
nữ mang trong mình những phẩm chất cao quý, là người mẹ, người bà đau thương mà vô cùng
vĩ đại.

2.3 Thượng Quan Lỗ Thị - người phụ nữ tràn đầy nghị lực, tràn đầy và tinh thần phản
kháng

2.3.1 Con người có niềm tin yêu với cuộc đời và khát vọng sống mãnh liệt

Bản năng sinh tồn của con người là bản năng nguyên thuỷ, là yếu tố then chốt quyết định
cho mọi hành động, và một trong những vấn đề sinh tồn của con người chính là cái ăn, cái mặc.
Thượng Quan Lỗ Thị là một người phụ nữ có sức sống vô cùng mạnh mẽ, phi thường, dù là
trong sự cùng quẫn tột độ, bà vẫn nỗ lực bám víu lấy sự sống mặc dù đã có lần Lỗ Thị nghĩ tới
cái chết ở cảnh bà nấu thạch tín với củ cải, đem phát cho từng người trong nhà để cùng tự tử
nhưng rồi tiếng khóc và sự cầu xin của những đứa con đã khiến bà thức tỉnh “Không chết nữa!
Chết đã không sợ, thì sống không có gì phải sợ cả!”, sau đó cùng các con mình đi kiếm cái ăn.
Chính sức mạnh tinh thần, nội lực tiềm tàng trong con người phi thường ấy đã chiến thắng tất
cả.

Thông thường khi bị dồn đến cảnh đau khổ cùng cực như thế, con người ta dễ dàng
tuyệt vọng và buông xuôi tất cả nhưng riêng Lỗ Thị thì không. “Đứng trước dòng nước trong
xanh, mẹ nảy ra ý định nhảy xuống sông tự vẫn. Nhưng khi vén áo chuẩn bị nhảy, mẹ bỗng
trông thấy bầu trời xanh biếc của vùng đông bắc Cao Mật in bóng dưới lòng sông. Mấy cụm
mây trắng như bông bay ngang trời, những con chim sơn ca cất tiếng hót véo von dưới cụm
mây trắng. [...] Mẹ cảm thấy một làn gió tươi mát xua tan mọi uất ức trong lòng. Mẹ khoát
nước, rửa sạch nước mắt và mồ hôi trên mặt, sửa sang lại quần áo rồi trở về nhà...”. Khung
cảnh thiên nhiên tươi đẹp của vùng quê Cao Mật dường như đã thôi thúc Lỗ Thị phải tiếp tục
sống một cách kiên cường, sống với tình yêu cuộc sống mãnh liệt. Và rồi, người phụ nữ ấy
nhận ra, đau khổ, nghịch cảnh đều là một phần của cuộc đời, không thể vì nó mà kết thúc sự
sống của chính mình. Hơn thế, khi đã làm mẹ, lẽ sống của Lỗ Thị hoàn toàn dựa vào đàn con,
vì con mà cố gắng, mà trở nên mạnh mẽ, gai góc trước cuộc đời. “Càng khổ lại càng phải
sống! Mục sư Maloa nói rằng, lật đi lật lại quyển kinh thánh dày cộp cùng chỉ nói mỗi điều
này! Con đừng lo cho mẹ, mẹ cầm tinh con giun, nơi nào có đất là nơi đó sống được” Càng
khổ thì càng phải sống, đó chính là tính cách đáng quý của con người Lỗ Thị.

2.3.2 Tinh thần phản kháng mạnh mẽ, đấu tranh chống lại luật tục phong kiến
Ở xã hội phong kiến, trinh tiết như một thứ xiềng xích vô hình kìm hãm người phụ nữ.
Cái gọi là khuôn mẫu trinh tiết đối với họ rất quan trọng, nhưng cũng chính nó đã hạ thấp địa
vị xã hội của người phụ nữ, và nhân vật Thượng Quan Lỗ Thị lại chính là người đứng lên phản
kháng những tập tục phong kiến về “cái ngàn vàng” ấy. Trước quy luật nghiệt ngã đàn bà phải
đẻ được con trai và khát khao có đứa cháu trai nối dõi tông đường, Lỗ Thị phải nuốt hết tủi
nhục lê lết tấm thân đi khắp nơi “xin giống”. Thượng Quan Lỗ Thị dám vùng dậy đạp lên tất
cả cũng chỉ vì luật lệ hà khắc ấy, nó đã buộc Lỗ Toàn Nhi trao đi tiết hạnh để đổi lại sự yên
bình, tiếp tục ngẩng cao đầu mà sống.

Chính xã hội đầy định kiến, hủ tục ấy đã làm thay đổi con người Lỗ Toàn Nhi từ một
người con gái hiền lành, nhẫn nhục thành người đàn bà liều lĩnh, mang trong lòng sự căm ghét
những tập tục phi lý của xã hội phong kiến, sự thù hận nhà chồng vô nhân đạo. Từ đó bà luôn
nhen nhóm trong mình ý định trả thù, xem việc ăn nằm với những người đàn ông khác là cách
trả thù tốt nhất “Toàn Nhi này có đẻ thêm một ngàn đứa nữa, cũng không phải giống nhà
Thượng Quan.”

Việc “xin giống” của Thượng Quan Lỗ Thị trái với quan niệm đạo đức phong kiến
chính là sự thách thức với những luật lệ hà khắc của chế độ tàn bạo lúc bấy giờ, là tiếng nói
phản kháng mạnh mẽ chống lại những bất công mà người phụ nữ phải chịu đựng.

3. Giá trị hình tượng nhân vật

3.1 Phê phán xã hội phụ quyền tước đi giá trị của người phụ nữ

Xã hội phụ quyền lấy việc “sinh đẻ” và “nuôi con” để ràng buộc người phụ nữ, hạn chế
sự phát triển của họ trong các lĩnh vực xã hội khác. Ngay từ cái cách đặt tên tác phẩm ở bản
gốc là “Phong nhũ phì đồn” đầy táo bạo và trần trụi đã nói lên ý thức hạn chế trong xã hội cũ
về giá trị người phụ nữ chỉ dừng ở tác dụng tình dục, sinh đẻ. Hai chuyện “sinh đẻ” và “nuôi
con” cứ đeo bám theo nhân vật Lỗ Thị khiến bà không thể nào thực sự bước chân vào xã hội,
dần dần bà đánh mất đi quyền phát ngôn, chỉ có thể phụ thuộc vào những người đàn ông để
thay đổi cảnh khốn khổ của mình. Chi tiết bà xin giống bất chấp luân lí đạo đức, hay việc quá
nuông chiều đứa con trai duy nhất như thể nó chính là “thành tích xuất sắc” nhất đời bà cho
thấy mọi sự mưu cầu hạnh phúc cuộc sống cá nhân của bà đều bị coi nhẹ, giá trị con người bà
cũng chỉ có thể thể hiện qua đứa con trai ấy, từ đó nói lên rằng nền văn hóa của một xã hội phụ
quyền đã làm lu mờ giá trị của người phụ nữ.

3.2 Tôn vinh người phụ nữ, người mẹ

Trung Quốc thời phong kiến yêu cầu người phụ nữ phải “tam tòng tứ đức”, tức là cả
đời chỉ có thể phục tùng người đàn ông. Tuy nhiên, Lỗ Thị trong tác phẩm lại là người làm
chủ, là trung tâm, đã gồng gánh cả gia đình qua bao thăng trầm của dòng chảy lịch sử bằng tấm
thân bé nhỏ của mình. Bà là hình tượng người mẹ Trung Hoa điển hình với những đức tính như
giàu nghị lực sống và nhân ái, sẵn sàng hi sinh tất cả vì con cái, từ đó thể hiện sự ca ngợi của
tác giả đối với tình mẫu tử vĩ đại, cũng như thể hiện giá trị của người phụ nữ lớn hơn nhiều so
với những gì xã hội đương thời nhìn nhận về họ.
3.3 Ca ngợi đất mẹ, phản ánh hình ảnh đất nước Trung Hoa thời loạn lạc

Lỗ Thị được xây dựng như biểu tượng phản ánh lịch sử của một thời đại, là đại diện
cho số phận người phụ nữ bị kìm kẹp trong xã hội phong kiến, là biểu tượng cho sức sống mãnh
liệt của một dân tộc phải trải qua những mất mát trong tình hình chính trị hỗn loạn.

Sự biến chuyển vận động của cuộc đời Lỗ Thị cũng chính là hình ảnh đất nước Trung
Hoa trong bước đường phát triển. Người phụ nữ ấy sẵn sàng chịu mọi đau khổ để nuôi sống
các con trong cảnh loạn lạc, dù cho những đứa con ấy được sinh ra từ nỗi đau của chính bà, dù
chúng có xung khắc nhau vì lập trường chính trị bất đồng. Cũng như đất nước Trung Hoa đầy
vật vã thăng trầm, rất vĩ đại, vẫn rộng lòng bao dung cho con dân bất kể địa vị, xuất thân, lập
trường chính trị của họ.

4. Kết luận

Báu vật của đời là cuốn sách viết cho những người phụ nữ. Dưới sự kìm hãm của chế
độ phụ quyền, người phụ nữ đã phải chịu biết bao tủi nhục, đau thương, mất đi quyền được
sống một cách hạnh phúc và theo đuổi những giá trị cá nhân, thế nên tác phẩm đã kêu gọi
những người phụ nữ ý thức được giá trị bản thân và mạnh mẽ theo đuổi hạnh phúc. Không chỉ
viết về phụ nữ, tác phẩm còn viết về con người và cả một xã hội. Tác giả đã phản ánh những
bi kịch của dân tộc và xã hội Trung Quốc trong những năm tháng đầy hỗn loạn qua những đau
thương mà nhân vật Thượng Quan Lỗ thị đã nếm trải.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Mạc Ngôn, Báu vật của đời (Trần Đình Hiến dịch), NXB Văn nghệ TP.HCM, 2001

2. Nguyễn Trung Nam, Tìm hiểu tiểu thuyết “Báu vật của đời” của Mạc Ngôn, Luận văn tốt
nghiệp, Trường Đại học An Giang, 2009

3. Trần Thị Thu Phương, Nhân vật Thượng Quan Lỗ Thị trong “Báu vật của đời” (Mạc Ngôn),
Luận văn tốt nghiệp, Trường Đại học Vinh, 2012

4. Cao Thị Giang Hương, Hình tượng Cao Mật trong tiểu thuyết Mạc Ngôn, Luận văn thạc sĩ,
Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, 2013

5. Tạ Thị Thuỷ, Tiểu thuyết Mạc Ngôn trong mối quan hệ với văn hoá truyền thống Trung Hoa,
Trường Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, 2014

6. Tạ Thị Thuỷ, Nhân vật người phụ nữ trong tiểu thuyết Mạc Ngôn - Truyền thống và hiện
đại, Trường Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá, 2016

7. Lê Sỹ Điền¹, Tạ Thị Thuỷ², Sự tiếp nối và phá cách truyền thống hình tượng người phụ nữ
phong kiến Trung Hoa qua nhân vật Thượng Quan Lỗ Thị trong Báu vật của đời của Mạc
Ngôn, Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc¹, Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá², 2012

LINK THAM KHẢO

1. https://luanvan.net.vn/luan-van/tim-hieu-tieu-thuyet-bau-vat-cua-doi-cua-mac-ngon-48452/

2. https://taodan.com.vn/bau-vat-cua-doi-so-phan-nguoi-phu-nu-trung-hoa-dau-thuong-
nhung-vi-dai.html

3. https://m.fx361.cc/news/2020/0301/7605818.html

4. https://www.zzqklm.com/w/yl/13302.html

5. https://phongtauhu.wordpress.com/2014/04/28/quan-niem-nghe-thuat-ve-con-nguoi-trong-
tieu-thuyet-mac-ngon/

6. https://tailieu.vn/doc/nhan-vat-nguoi-phu-nu-trong-tieu-thuyet-mac-ngon-truyen-thong-va-
hien-dai-2318435.html

7. https://dembuon.vn/threads/the-gioi-nhan-vat-trong-tieu-thuyet-bau-vat-cua-doi-mac-
ngon.81865/
8. https://www.studocu.com/vn/document/truong-dai-hoc-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van/van-
hoc-viet-nam/the-gioi-nhan-vat-trong-hai-tieu-thuyet-cua-mac-ngon/76485636

9. http://125.234.238.8/files/hinhtuongcaomat.pdf

10. https://tailieumienphi.vn/doc/su-tiep-noi-va-pha-cach-truyen-thong-hinh-tuong-nguoi-
phu-nu-phong-kien-trung-ho-li4fuq.html

11. https://tailieumienphi.vn/doc/tieu-thuyet-mac-ngon-trong-moi-quan-he-voi-van-hoa-
truyen-thong-trung-hoa-pg5fuq.html

12. https://nguvandhag.wordpress.com/2011/11/02/tim-hiểu-tiểu-thuyết-bau-vật-của-dời-của-
mạc-ngon/

You might also like