You are on page 1of 2

TRỌN VẸN

Phạm Duy Quang

NVSPK49 – SĐT : 0909057061

Qua thời gian làm trợ lý cho các Thầy Cô lớn, tôi có thuận lợi trong việc tiếp cận với
sinh viên, để nghe những tâm tư của họ mà đôi khi vì khoảng cách tuổi tác và chức vụ
mà họ không thể nói rõ cho giảng viên chính. Cũng từ đây, tôi đã nhận ra những điều
mà sinh viên của tôi trông đợi ở một giảng viên “trọn vẹn, có tâm, có tầm”. Nhiều học trò
nói rằng, điều họ cần ở giảng viên là sự công tâm, sự chính danh và sự dẫn dắt. Để
đảm bảo sự thấu hiểu lẫn nhau, tôi đã đề nghị học trò viết ra các luận điểm cá nhân.
Những suy nghĩ của họ rất gần với định nghĩa “Thế nào là một giảng viên giỏi” của tôi.

Công tâm theo sinh viên của tôi giải thích, chính là việc giảng viên nhìn thấy được mỗi
học trò cần điều gì để phát triển, từ đó đề nghị giáo trình phù hợp với năng lực cá nhân
và tập thể lớp mà họ theo học. Sinh viên cho rằng việc ra đề thi cần phù hợp với giáo
trình, theo hướng kích thích năng lực tư duy hơn là việc kiểm tra khả năng nhớ các tiểu
tiết như là một cái máy. Các em lập luận rằng khả năng nhớ của họ không thể chạy đua
bằng các thẻ nhớ thế hệ mới, cũng không thể tính nhanh bằng những siêu máy tính.
Điều họ cần là khả năng kiểm soát, cải tạo và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào
cuộc sống. Họ muốn biết khi nào những cỗ máy xảy ra lỗi, cách sửa chữa, cải tiến ngày
càng tốt hơn. Công tâm còn là sự minh chính, đối xử một cách công bằng (chứ không
phải cào bằng) với mọi sinh viên, không có sự ưu ái mờ ám cho bất kỳ sinh viên nào.

Đối với đức tính “chính danh” mà sinh viên trông đợi, giảng viên nên là người thực hiện
lời nói của mình một cách công khai, đúng đắn, giải thích quan điểm của mình để sinh
viên có thể thực hiện theo. Họ cho rằng việc giảng viên không thực hiện đúng hoặc
không có sự thống nhất trong phát ngôn, sẽ tạo nên sự thất vọng, nghi ngờ trong suy
nghĩ của họ. Điều đó tạo nên trở ngại cho việc tiếp thu kiến thức của sinh viên vì lúc ấy
phát ngôn của giảng viên bị giảm uy tín. Sự bất hợp tác có thể xảy ra bất kỳ thời điểm
nào. Giáo dục đã thất bại ngay từ khi nó chưa được bắt đầu. Sẽ còn tệ hại hơn nếu
giảng viên thực hiện những điều mà chưa thông báo trước cho sinh viên chuẩn bị, ví dụ
ra đề kiểm tra nội dung không được báo trước, dù sau đó chúng ta dùng các biện pháp
sửa chữa như không tính điểm câu hỏi ấy.

Vậy còn “dẫn dắt” là như thế nào ? Cả tôi và sinh viên đều thống nhất ở quan điểm này,
chúng tôi cho rằng sinh viên nên được hỗ trợ để tự nâng cao năng lực học tập độc lập,
không phải học theo mô típ rập khuôn, thuộc lòng và lặp lại những lời nói của giảng
viên. Điều mà sinh viên của tôi cần là khả năng tư duy, phản biện, từ đó đúc kết kinh
nghiệm và cải tiến thành những điều mới mẻ. Chúng ta buộc phải thừa nhận rằng, quan
điểm cổ điển người Thầy là người am hiểu mọi thứ trên đời đã không còn đúng đắn và
lạc hậu trong xã hội hiện đại. Kiến thức của từng chuyên ngành được tích lũy rất nhanh,
tăng theo cấp số nhân trong một thời gian ngắn nhờ sự phát triển của khoa học kỹ
thuật. Người Thầy trong thời đại này không còn cách nào khác phải duy trì nhiệm vụ
học tập và cập nhật kiến thức liên tục để theo kịp bước nhảy của thời đại. Như vậy,
chúng ta không có cơ sở nào để bác bỏ những suy nghĩ của học trò nếu chúng ta chưa
hiểu rõ suy nghĩ đó, chưa tính đến việc hiểu biết của chúng ta rồi sẽ bị lạc hậu và sai
lệch theo thời gian. Cách đây hơn 100 năm, con người còn nghĩ làm sao có thể bay
được vì chúng ta không có cánh như chim ! Vậy đấy bạn của tôi ạ, nếu bạn không mở
lòng ra để dẫn dắt sinh viên chúng ta đến chân lý mà cứ khăng khăng giữ lấy cái tôi của
mình để bác bỏ suy nghĩ của học trò, chúng ta sẽ giải thích thế nào với hậu thế khi “tạo
ra” một thế hệ không có khả năng cải tạo xã hội, thúc đẩy tiến bộ thế giới ?

Những quan điểm nêu trên chỉ là một vài điểm chính trong quan niệm lớn hơn về tính
“trọn vẹn” trong mỗi giảng viên nói chung, bao gồm cả bản thân tôi. Từ thực tế giảng
dạy suy rộng ra, chúng ta thấy “trọn vẹn” còn hiện diện ở những mặt khác của cuộc
sống. Đây cũng là một tiêu chuẩn để phân biệt người vĩ đại và kẻ tầm thường trong
cuộc sống. Giả định trong trường hợp chúng ta không công tâm, không chính danh và
không mở tâm trí của bản thân thì hậu quả sẽ như thế nào ? Chúng ta sẽ không dám
nhìn nhận sai lầm của mình hoặc đánh giá không chính xác khả năng cá nhân. Tỉ như
một người thợ săn không biết cách săn bắn thì có thể bị thú dữ tấn công ngược lại và
phải bỏ mạng. Nếu xem xét tính “trọn vẹn” trong những mối quan hệ khác như vợ -
chồng, cha – con, anh – em …thì mới thấy đức tính này quan trọng như thế nào. Nếu
chúng ta hành xử không lý trí, không khôn ngoan thì những mối quan hệ này có thể sẽ
biến mất. Người vợ sẽ như thế nào nếu người chồng có những mối quan hệ “không
chính danh”, những đứa trẻ sẽ thế nào nếu Cha của chúng không “công tâm” ? Những
mối quan hệ xã hội sẽ vận hành dựa trên sự thiếu tin tưởng, dễ đổ vỡ. Từ một quan
điểm nhỏ, sẽ tạo nên quả bom nổ chậm trong tương lai.

Trong tương quan với học trò, “trọn vẹn” sẽ tạo nên sự tin tưởng của sinh viên vào
giảng viên. Khi đã hình thành niềm tin, sinh viên sẽ dễ mở lòng để hợp tác với chúng ta,
thúc đẩy quá trình đào tạo đạt được những thành quả. Không có gì dư thừa nếu chúng
ta trao tặng sự chân thành cho sinh viên của chúng ta, để họ mở lòng và chính chúng
ta cũng mở lòng với học trò, có như vậy chúng ta mới thúc đẩy sinh viên tiến bộ. Giáo
dục không đơn giản như trồng cây vì cái cây không có khả năng tự cải tạo mà buộc
phải thích nghi theo môi trường, trong khi đó sinh viên của chúng ta có khả năng tiềm
ẩn tự thay đổi, cải tạo môi trường – xã hội theo hướng tốt hơn. Nếu chúng ta không
chăm lo cho thế hệ tương lai ngay từ bây giờ, e rằng cộng đồng chúng ta sẽ thụt lùi
trong tương lai, mắc phải những sai lầm mà nguồn căn là từ chính mỗi người Thầy.

You might also like